Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Lương An: Không chỉ có "Cô lái đò”

Lương An: Không chỉ có "Cô lái đò”
Trong câu chuyện vui của giới văn nghệ sĩ trước những công việc có tính chất tổng kết, phân loại đội ngũ, một số người được anh em phong tặng danh hiệu “nhà-thơ-một-bài”, “nhạc-sĩ-một-bài”... Danh hiệu không hàm ý khen chê, vì văn chương “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”; và như Bà Huyện Thanh Quan, chỉ cần 8 câu thơ viết về Đèo Ngang cũng đủ lưu danh hậu thế. Tất nhiên cũng có người tự ái khi bị xếp vào loại “độc đáo” này, không muốn bỏ rơi những đứa con tinh thần khác của mình và vẫn thích đứng vào hàng ngũ những người có nhiều tác phẩm.
Nhà thơ Lương An thì chỉ cười mỗi khi “bị” đàn em gọi là “nhà-thơ-một-bài”. Chính ông cũng tự thừa nhận: “Tôi thấy bề dày về sáng tác và nghiên cứu của mình chẳng là bao, nên: Hở môi ra cũng thẹn thùng/ Thôi thì xin phụ tấm lòng với ai.” (“Nhà văn Việt Nam hiện đại”, NXB Hội Nhà văn, trang 36) Ở cùng ông gần chục năm trong cơ quan Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, tôi cũng tin thế vì các tập tuyển thơ chỉ thấy in bài thơ “Cô lái đò”:
Đò em lên xuống Ba Lòng
Chở người cán bộ qua vùng chiến khu...
...Ai về bến Trấm thì lên
Về cho sớm sớm, mưa đêm khó chèo.
Cho mãi đến nay, trong dịp gặp lại, khi ông từ Tp. Hồ Chí Minh mang bản thảo “Thơ Mai Am - Huệ Phố” ra làm việc với NXB Thuận Hoá, tôi mới biết mình (và có lẽ nhiều người nữa) đã nhầm. Ông sinh năm 1920, vị chi nay đã 83 tuổi. Thân hình ông vốn cao gầy, nay càng còm nhom, đôi mắt sâu hoắm và sức đã xuống trông thấy. Ông Nguyễn Khôn,  em trai ông - một cán bộ ngoại giao về hưu, nay tham gia Hội Pháp ngữ ở Huế - vừa vào Tp. Hồ Chí Minh tháp tùng ông ra đây. Dư âm “Festival Huế 2002” tiếp nối với những hoạt động chuẩn bị bầu cử Quốc Hội khiến thành phố náo nhiệt khác thường, nhưng căn nhà thấp bé của ông Khôn ẩn dưới bóng cây trong ngõ nhỏ phố Lý Thường Kiệt thì yên tĩnh và mát mẻ.
Thoạt đầu, chưa phải chuyện thơ. Nhân nhắc đến việc ông sẽ về quê lo “chuyện cuối đời”, nhà thơ say sưa nói về dòng sông Thạch Hãn, nơi có con kênh đưa nước ngọt vào làng Tài Lương quê ông (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), có “bến Trấm” cô lái đò năm xưa xuôi ngược, con sông “trong sạch” đến mức Bảng Nhãn Võ Duy Thanh thời Tự Đức đi ngang qua đã phong là “Liêm tuyền Nhượng thuỷ”. Còn Dương Văn An trong “Ô châu cận lục” đã có câu: “Trai dũng cảm Tài Lương”... Thân phụ của ông đỗ Tú tài thời vua Duy Tân, từng là hội viên “Hội Duy tân”... Tuy vậy, ông tiếp  xúc với cách mạng lần đầu thông qua người bạn đồng hương Hồng Chương. Cả hai, sau khi đậu “primaire” ở Quảng Trị, vào Huế học trung học, những ngày hè về quê gặp nhau, mang theo cả không khí báo chí sôi nổi ở Huế thời đó, cũng ra một “tờ báo” viết tay bài vở đả kích bọn nhà giàu cho vay nặng lãi, tổng lý bài bạc và cả những thanh niên mất chí hướng...Ra được 2 số thì tan, sau khi bị quan phủ Triệu Phong bắt giam. Quan lấy cớ dám tụ tập lập đội bóng không đăng ký, lại thắng đội Ngô Xá “chính danh” của phủ với tỷ số 2-0, rồi còn đăng tin công khai lên báo “Tràng An” ở Huế! Quan giam cho muỗi đốt một đêm, sáng ra phạt không biên lai mỗi đứa một số tiền gần bằng tiền ăn một tháng đủ để nhớ đời, rồi thả...
Ông Lương An thích thú kể “sự cố” đầu tiên trong đời học sinh, cười thoải mái, chẳng để ý đến cốc cà phê sữa mà người em đưa ra đã nguội, càng không quan tâm gì đến bộ mặt dài hốc hác của  mình càng lộ xương xẩu ra khi cười. Phải! Trước mặt tôi là một ông già tám mươi hom hem, còn ông vẫn đương đuổi theo hình bóng những năm tháng thanh xuân đầy những kỷ niệm mộng mơ của mình trên đất thần kinh. Nhưng lúc bấy giờ, gặp khi kinh tế khủng hoảng, gia đình chàng trai Quảng Trị không còn sức trả học phí cao cho chàng và nuôi ba cậu em còn đi học nữa, khuyên con trai trưởng đi kiếm việc làm. Có được chút học vấn, nhưng người cao gầy không đạt số “pi-nhê” quy định của Tây, Lương An bèn dự cuộc thi tuyển công chức bên Nam triều và năm 1941, được bổ làm “Thừa phái” - một chân thư ký hàng ngày vào sổ sách công văn ở Bộ Lại. Chính là trong những năm này, nhờ được sống ở vùng đất hội tụ nhiều nhà thơ tài danh của đất nước, cũng do công việc rỗi rãi, Lương An đã công bố những bài thơ đầu tiên trên báo “Tràng An” là tờ báo ông thường xuyên cộng tác với chức danh là “phóng viên thể thao”! Còn thơ, thời ấy đương nhiên là thơ tình lãng mạn.
“Thuở trước đất trời cũng luyến nhau/ Uyên ương dồn tự mấy tinh cầu/ Ví không ngọn lửa ân tình ấy/ Thì những vì sao tắt đã lâu...”
Bài thơ “Thuở trước” sau này đã được ông anh con bác của ông là nhạc sĩ Nguyễn Viêm phổ nhạc. Đã hơn sáu chục năm qua, ông không còn thuộc hết các tác phẩm của mình, chỉ nhớ từng đoạn, gần đây mới được giáo sư Trần Thanh Đạm tình cờ sao chép từ một người bạn cũ ở Huế, gởi cho một bài, thiếu tên đầu đề và đoạn cuối:
“Xin mời nương nương/ Cùng nâng cao chén/ Trời đã lên sương/ Vắng người trên bến/ Ngón đàn hôm nay/ Sao cho huyền ảo/ Ngày mai chia tay/ Trông vời dáng áo// Say đi nương nương/ Đây làn gối dịu/ Gió thoảng mùi hương/ Bờ run lệ liễu/ Sao nhạt mây mờ/ Thuyền già ân ái/ Điệu hát ngày xưa?/ Đâu còn nhớ mãi// Say đi nương nương/ Để rồi quên tiếp/ Một phút uyên ương/ Ngàn năm chia biệt!”
Đó là bài thơ chàng thừa phái trẻ tuổi tặng những người đẹp sau đêm ca Huế trên sông Hương. Từ con đò trên sông Hương ngày ấy đến "Cô lái đò" trên sông Thạch Hãn biết mấy xa cách về thời gian, không gian và đề tài nhưng ngẫm ra vẫn có mối liên hệ mật thiết, vẫn chung một nguồn: đó là tình nhân ái của nhà thơ.
Bài “Xuân ở quê nhà” ông viết tặng người em trai, mặc dù cả hai anh em cùng nhắc nhớ lại, vẫn không đầy đủ:
Xuân ở quê nhà như kết hoa/ Đường quê... rộn tiếng người qua/... mành sương mỏng vương chân ấm/ Cành lá điềm nhiên đợi nắng nhòa// Có những chàng trai dáng rất quen/ Theo dăm cô gái lễ trên đền/ Ngày Xuân đò cũng qua mau chuyến/ Giữa đám đông người bước bước lên// Cùng nhịp mùa lên chim say mê/ Bay theo hướng gió cũng tìm quê/ Hôm nay có lẽ nơi xa thẳm/ Bạn cũ... chim nhẹ gót về...”
Chàng thừa phái sính làm thơ lãng mạn có lẽ còn vì lúc đó tình cờ gặp được “người đẹp” quê làng Mai Động (Hà Nội) theo bố vào làm nhà in ở Huế. Chẳng biết là nàng yêu thơ tìm đến chàng, hay nhờ gặp nàng mà hồn thơ chàng thêm say đắm; chỉ biết là từ năm 1943 đến nay, đó là người bạn đời chung thuỷ duy nhất của ông.
Thời đó, Lương An còn viết vở kịch thơ “Huyền Trân Công chúa”:
“... Gió hiu hắt lọt ru mành mát lạnh/ Trăng thượng tuần mờ dãi mái hoàng cung...”
Nhà thơ lim dim ngân nga hai câu thơ đầy vẻ bi tráng rồi nói với giọng điệu tiếc nuối: “Những bài thơ sáng tác trước 1945, tìm báo “Trường An” là có thể thấy, nhưng bản thảo vở kịch thơ chưa in được thì đã bị cháy trong kháng chiến chống Pháp rồi!...”
Chỉ kể từng ấy đã thấy danh hiệu “nhà-thơ-một-bài” đặt cho ông là oan uổng. Ngoài tập thơ “Nắng Hiền Lương” (NXB Văn học - 1962), ông còn truyện thơ gần 2000 câu “Giọt máu chung” viết về Tây Nguyên chưa xuất bản. Ông thì chẳng cần “ thanh minh”, kể cả khi một bạn văn tặng thêm cho ông danh hiệu “nhà-thơ-thừa-phái”, có ý nhắc rằng lý lịch của ông có đoạn không vẻ vang gì! Ông chỉ cười, vì chính nhờ công việc theo dõi ghi chép các công văn của Bộ Lại mà ông có thể cung cấp cho đồng chí Hồng Chương những tin tức có lợi cho phong trào cách mạng. Cho đến sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Hồng Chương ra tù, đêm về ở với ông tại Trại công chức (gần cửa Đông Ba), ngoài phần công tác do tổ Việt Minh Bộ Nội vụ giao, còn đề nghị ông kiếm cách chép lại bức “Thư gửi đồng bào”(*) của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, bản bằng chữ Hán để gởi đến một số gia đình thuộc tầng lớp trên, công chức cao, nhân sĩ. Rất may là vừa lúc thân sinh ông từ Quảng Trị vào thăm con đã sốt sắng giúp cho. Hai bố con đêm đêm hì hụi lồng giấy than với giấy pơ-luya, viết hết tệp này đến tệp khác. Những dòng chữ, khi như truyền nỗi uất ức vào tâm can: “Do thử ngô dân thân ngâm ư song trùng áp bức chi hạ, ký vi Pháp tặc chi mã ngưu, hựu vị Nhật khấu chi nô lệ”; lúc như rọi sáng con đường : “Như kim giải phóng cơ hội dĩ chí, Pháp quốc bản thân ký bất năng tự cứu, cánh bất năng viện trợ kỳ thống trị ngã quốc chi Pháp nhân...” (**)
Đã hơn nửa thế kỷ qua, ông chẳng còn nhớ được chính xác, nhưng giọng “cụ đồ” trầm bổng vẫn gợi không khí thiêng liêng thời cả dân tộc theo lời nhà ái quốc vĩ đại cùng đứng lên lật trang lịch sử. Còn “nhà thơ thừa phái” Lương An, vì đã hoạt động cách mạng trước ngày Huế khởi nghĩa, nên ngay từ lúc chính quyền mới thành lập, ông đã được chuyển sang công tác tại Uỷ ban Nhân dân Trung Bộ và sau đó, liên tục hoạt động trong các tổ chức văn hóa văn nghệ kháng chiến ở Quảng Trị; từ năm 1954-1972, ông tập kết ra bắc làm báo chuyên nghiệp, Trưởng Ban văn hóa văn nghệ báo “Thống nhất”; năm 1973, Quảng Trị giải phóng, ông về quê đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ty Thông tin văn hóa tỉnh, cho đến ngày đất nước thống nhất, ông mới có dịp gặp lại Huế trong cương vị lãnh đạo Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Có lẽ ông Lương An không phải là người ham chức quyền, nhưng từ hoàn cảnh xuất thân, ông đã quen với lối sống tuân thủ kỷ cương và như một đứa con ngoan “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, người cán bộ mẫn cán và luôn có uy tín với tổ chức luôn được chọn ngồi ghế lãnh đạo. Hình như đó không phải là môi trường thuận lợi cho hồn thơ bay lượn. (Tất nhiên là cũng có người vừa tài lãnh đạo, vừa sáng tác được nhiều.) Vì thế, sau bài thơ “Cô lái đò” sáng tác bên Khe Su tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) năm 1948, ông ít có tác phẩm được người đọc ghi nhớ. Sự đời là vậy, biết làm sao được! Bên này tròn đầy thì bên kia phải vơi, như núi cao với sông sâu và cũng như là chiến công chỉ có thể gặt hái sau những hy sinh.
Trong cuộc đời cán bộ tận tụy của mình, ông còn phải chịu nhiều “hy sinh” khác. Năm 1951, thân mẫu của ông qua đời vì đau ốm mà thiếu thuốc men; năm 1952, trong một trận càn, cụ thân sinh của ông đã bị giặc Pháp bắn chết và người con gái duy nhất của cụ bị thương. Cả hai lần, ông đều đang ở chiến khu Ba Lòng, bận công tác nên chẳng về đỡ đần gì được cho gia đình. Còn “người đẹp” làng Mai Động, sau khi sinh hạ cho ông được một tiểu thư năm 1945, do vợ chồng chẳng mấy lúc gần nhau trong cuộc chiến trường kỳ gian khổ, nên ông sớm trở thành người gương mẫu hạn chế tăng dân số gia đình! 
Do được tổ chức và quần chúng tin cậy, nhiều năm nhà thơ Lương An phải ngồi "ghế" lãnh đạo, quản lý phong trào văn hóa-văn nghệ, nhưng ở đâu, trong bất cứ trường hợp nào, với bản tính thận trọng, hiền lành, vui vẻ, với tình nhân ái của một nhà thơ, ông luôn thấu hiểu và thông cảm với mọi nỗi khó khăn trăn trở của văn nghệ sĩ, không bao giờ dùng "đao to búa lớn" gây ra những vết thương khó hàn gắn và làm nhụt chí sáng tạo. Có được điều đó cũng do bản thân ông từng trải qua những cuộc "đấu tranh" khó khăn trong cuộc đời mình. Có thể thấy rõ điều đó trong hồi ức "Không trong cũng nước Nguồn Hàn" của ông viết về những hoạt động văn nghệ ở Bình Trị Thiên thời chống Pháp. Ông đã kể lại "không khí" một buổi nói chuyện văn nghệ, sau khi dự lớp "Văn hóa kháng chiến" ở Khu Bốn về (năm 1950):
"...Tôi giới thiệu bài thơ "Thăm lúa" của Trần Hữu Thung, một bạn thơ cùng công tác ở Tiểu ban văn hóa và giáo dục của Khu ủy trước khi tôi trở vào. Bài này lúc đó chưa in, nhưng vì đề cập đến vấn đề tình yêu trong chiến đấu, một điểm mà thơ ca Bình Trị Thiên đang còn tránh né, nên tôi nghĩ giới thiệu lên cũng là góp phần cùng anh em mở rộng đề tài. Dự cảm của tôi về một sự phản ứng bộ phận có thể xảy ra như đối với bài hát "Lời người ra đi" của anh Trần Hoàn không ngờ lại trở thành sự thật. Tôi vừa phân tích xong đoạn: "Xòe bàn tay bấm đốt/ Tính đã bốn năm ròng.../...Em nhớ ruộng nhớ vườn/ Không nhớ anh răng được?" thì từ phía anh chị em đã có một số ý kiến phê phán bài thơ viết trên lập trường tiểu tư sản, đi vào chuyện yêu đương, nhớ nhung, không lợi cho kháng chiến..."
Mấy năm sau, tại hội nghị văn nghệ ba tỉnh Bình-Trị-Thiên ở Cùa, với sự giúp đỡ của nhà thơ Chế Lan Viên do Chi hội Khu 4 cử vào, tinh thần "đấu tranh" theo "chỉ thị của Trung ương...nâng cao lập trường giai cấp, xác định rõ bạn thù, tăng cường tính chiến đấu trong sáng tác" còn được nâng cao hơn. Nhà thơ Lương An nhớ lại:
"... Trên phương hướng đó, trong hai buổi, hai bài thơ "Qua Bố Trạch" của anh Xuân Hoàng và bài "Em nữ cứu thương người Pháp" của anh Văn Tôn - tức Hải Bằng, đã được hai anh đồng ý cho đưa lên "bàn mổ". Thực ra, bài thứ nhất, nếu như bây giờ thì đâu có vấn đề gì lớn, chỉ có chuyện hay và không hay mà thôi, nhưng thời gian đó, phong trào chỉnh huấn đang diễn tiến, ảnh hưởng của cuộc tọa đàm văn nghệ tháng 5 năm 1940 ở Diên An (Trung Quốc) đang nặng nề, một chút tì vết nhỏ nào về lập trường cũng được xem như "một đốm lửa có thể đốt cháy cánh đồng"..." (Trích hồi ức đã dẫn trong "Tuyển tập Lương An" - NXB Thuận Hóa, 2004).
Sau ngày về hưu, ông nhận ra mình có một “thế mạnh” chưa được khai thác đúng mức: khả năng nghiên cứu và dịch thuật. Đó cũng là niềm vui cuối đời và ở địa hạt này, ông đã có những đóng góp quan trọng.  Cùng với các tập nghiên cứu văn học dân gian Bình Trị Thiên “Vè chống Pháp”, tập “Thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm”, những bài nghiên cứu phê bình giới thiệu các tác phẩm, các danh nhân và địa chỉ văn hóa - phần lớn thuộc Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, thể hiện vốn hiểu biết  nhiều mặt và công phu thật đáng trân trọng của ông trong quá trình sưu tầm tài liệu, dịch thuật và xây dựng tác phẩm. Chỉ cần đọc các chú thích dưới mỗi bài nghiên cứu (có bài gồm đến 48 chú thích như bài giới thiệu danh nhân Nguyễn Hữu Thận), chúng ta đã thấy rõ điều đó. Cũng do đó, có thể nói, những trang nghiên cứu của nhà thơ Lương An tạo nên sự tin cậy cao trong lòng độc giả. Chưa phải là đầy đủ, nhưng qua các công trình nghiên cứu phê bình của ông, nhiều tên tuổi và giá trị văn hóa đặc sắc ở vùng đất Bình Trị Thiên đã được tác giả thể hiện một cách trân trọng và sinh động, từ Dương Văn An – tác giả cuốn địa phương chí đầu tiên quý giá “Ô châu cận lục” ra đời các đây vừa tròn 450 năm, đến những nhà thơ hoàng tộc nổi tiếng như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Mai Am; từ nhóm văn nghệ “Nguồn Hàn” ghi dấu một chặng đường hoạt động văn nghệ sôi nổi thời kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên với các tên tuổi quen thuộc như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Dương Tường, Thanh Hải, Xuân Hoàng...đến những vẻ đẹp trong các tác phẩm dân gian...Cũng vì thế, khi bàn đến cống hiến của nhà thơ Lương An, có lần nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gọi ông là "nhà văn hóa".
Lần cuối cùng ra thăm Huế, ông đưa cho tôi xem bản thảo “Thơ Mai Am-Huệ Phố” . Nhìn cuốn sổ tay ghi gần một trăm bài thơ dịch từ chữ Hán của hai “bà chúa” thơ nổi danh ở Huế một thời với những dòng chữ lít nhít con kiến, với nhiều trang giấy nhầu nhĩ hẳn là do dịch giả vật vã nhiều lần tìm chữ, thay vần cho xứng với nguyên bản, rồi ngước nhìn “cụ” Lương An hom hem mắt đã mờ, tai đã lãng, tôi cứ thầm lo, nếu như... Biết là ông dự định đến Nhà Xuất bản Thuận Hoá, tôi liền gọi điện cho đồng chí giám đốc đề nghị giúp đỡ lão nhà thơ phô-tô rồi đánh vi tính tập bản thảo, chứ lỡ có “biến cố” gì thì công phu dịch cả trăm bài thơ tiêu vong vì mấy ai đọc được chính xác những trang chữ lít nhít kia. Tôi cũng dự tính, nếu có được bản thảo sạch sẽ, sẽ đề nghị Quỹ Văn hóa nơi ông Hữu Ngọc giúp tài trợ xuất bản. Vậy mà nửa tháng sau, người em trai của ông cho biết: ông không đến Nhà xuất bản và đã “ôm” bản thảo vào Tp. Hồ Chí Minh vì đôi bài thơ dịch chưa ưng ý, lời giới thiệu chưa hoàn chỉnh!
83 tuổi rồi mà cẩn thận, cầu toàn như ông quả là hiếm! Mà chưa hẳn ông đã già yếu, hoặc là ông “già không đều”. Nghe nói rằng, suốt tháng 6 vừa rồi, chàng “cua-rơ” bị quan phủ bắt giam hồi trẻ ở Triệu Phong sống lại mãnh liệt trong lão nhà thơ Lương An, khiến ông chỉ “ôm” ti-vi xem World Cup mà quên hẳn hai “bà chúa thơ” xứ Huế!
Cầu cho ông mạnh khoẻ để hoàn thành được những dự định của đời mình.(*)
(*) Sau Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pắc-bó (Cao Bằng), ngày 6/6/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết đánh đổ Nhật, Pháp, giành độc lập, tự do.
(**) Nguyên bản quốc ngữ hai đoạn trên như sau: “Vì thế dân ta rên xiết dưới hai tầng áp bức, đã làm ngựa trâu cho quân giặc Pháp, lại làm nô lệ cho quân cướp Nhật... Giờ đây, thời cơ giải phóng đã đến, bản thân nước Pháp cũng không giúp nổi cho bọn Pháp thống trị nước ta...”
(*) Nhà thơ Lương An đã qua đời tại T.P. Hồ Chí Minh ngày 27/12/2004. Trước đó, với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình và bạn bè, được UBND Tỉnh Quảng Trị hỗ trợ một phần kinh phí, "Tuyển dịch thơ Mai Am-Huệ Phố" và "Tuyển tập Lương An" đã được xuất bản.
Trường An-Huế, Tháng 6-7/2002
Nguyễn Khắc Phê
Nguồn: Tạp chí "Sông Hương" số 165, 
Tháng 11/2002 và báo "Văn nghệ" số 39, Tháng 9/2002
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...