Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Tròn khuyết một vầng trăng

Tròn khuyết một vầng trăng (*)
Trong tên chị đã mang sẵn một vầng trăng, còn trong thơ chị thì đậm dấu một vùng quê mà chị vẫn cất đầy trong máu: “Bất ngờ tiếng chim rơi cuối phố/ Điếng lòng trong trẻo tiếng quê xa/ Thành thị ta ngồi nghe nước mắt/ Tí tách rơi tuôn nỗi nhớ nhà…” (Nhớ nhà). Sống ở thành phố nhưng Thu Nguyệt mang trong mình một tâm thức chân quê mà lúc nào chị cũng tâm tâm niệm niệm. Đồng hóa quê nhà với nỗi buồn nỗi nhớ, cột chặt đời mình vào quá khứ chân quê, Thu Nguyệt luôn ý thức trò chơi văn chương chữ nghĩa là một cái gì phù phiếm không thoát ra được nên đành cười cợt mà đi cùng nó: “Nhà quê tôi đứng ngẩn ngơ/ Lắng tai nghe tiếng nhà thơ trở mình/ Nhà thơ tôi đứng làm thinh/ Xem nhà quê lấy tim mình bón thơ …” (Chọn lựa).
Tạo được cho mình một giọng điệu riêng, Thu Nguyệt với hai tập thơ Ngộ và Cõi lạ vẫn trung thành với một cách nhìn đời nhìn người nhìn chính ta ấy, vừa chiêm nghiệm, lật lại từng chút những gì trải qua một cách nghiêm túc, cũng vừa xem mọi thứ là một sự sắc không có đấy rồi mất đấy, chẳng việc gì phải băn khoăn níu kéo. Một khoảnh khắc quá khứ nào đó bất chợt trỗi dậy, về một bài hát đã hát với một người nào đó, giờ chỉ còn lại dấu chấm than bỏ lửng: “Ôi bài hát ngày nào như mới đấy/ Người xa rồi trăng khuyết nửa thương yêu/ Biết đời mình chỉ được hát bấy nhiêu/ Như kẽ lá trăng tròn rơi chút sáng…” (Hát dưới trăng). Chuyện tình với đoạn kết có hậu cũng được khơi lại, bắt đầu từ cái nắm tay trong quá khứ: “Ngượng ngùng mình nắm tay không/ Ngập ngừng nghe tiếng gió đồng mối mai”. Cho đến hôm nay: “Chồng ơi vợ nói nghe nè/ Đan tay nhau để cùng nghe khứ hồi/ Thẹn thùng một chút xíu thôi/ Đủ làm say suốt một đời chúng ta” (Tay tình).                                             
Chấp nhận cuộc sống như vốn có và đang có, Thu Nguyệt nhìn xuyên qua các hiện tượng, quy về một sắc thái mang tính tôn giáo. Chị bộc lộ mình như một người sùng tín, lấy đức tin tôn giáo làm hướng sống của mình. Nhiều nhất trong thơ Thu Nguyệt là sự soi rọi bản thân, thường thấy nhất là sự không hài lòng với chính mình, bởi hiểu rằng mình là kẻ đa đoan, rắc rối: “Đốt nhang ta lạy chính mình/ Khói hương hiện rõ dáng hình tào lao/ Tàn nhang rơi trắng xuống đầu/ Thần linh thiêng bảo: đừng cầu mất công!/ Đốt nhang ta lạy vào không/ Lắng nghe ta bước đi vòng quanh ta” (Lạy mình).
Người phụ nữ này là ai, tin vào cái gì  và định làm điều gì? Hình như chị cũng không tự biết. Hoặc là chị biết cả nên không còn muốn biết nữa. “Thơ dăm ba chữ rầu rầu/ Bạn vài ba đứa vắng nhau không buồn/ Không trà rượu ngắm trăng suông/ Không say,không tỉnh, không buồn, không vui…/ Nếu còn có kiếp mai sau/ Trả rừng cho lá…/ Về đâu phận mình?” (Lá khô). Chỉ với chiếc lá đã có bao ký thác, thì làm sao khi soi vào gương nhìn ngắm chính bộ mặt mình chị lại chẳng quá nhiều uẩn khúc: “Ta nhìn ta mới hay rằng/ Ai thương ta cũng chẳng bằng ta thương!/ Vi vu trăm vạn nẻo đường/ Hụt chân bỗng rớt về phương trời mình/ Xoa bàn tay trắng lặng thinh/ Nhổ dăm sợi bạc nghe hình như đau …” (Soi gương). Soi vào gương thấy đau, còn soi vào nước thì: “Buồn! đem thau nước ra soi bóng mình/ Cũng bập bềnh, cũng lung linh/ Nhạt nhèo một mảnh vô tình như không/ Chẳng bến bờ, chẳng đục trong/ Mắt nhìn thấy bóng mà không có người…”.
Thì ra cuộc đời sao mà mơ hồ, tạm bợ. Một thời thiếu nữ yêu đương, một thời làm vợ làm mẹ, một thời lòng vui mắt sáng, một thời đẫm buồn từng giờ. Và vì thế ngày sinh không thể là ngày cố gượng làm vui. Ngày sinh buộc người ta đối diện thêm một lần với khoảnh khắc hữu hạn ngắn ngủi trước cái vô hạn của đất trời: “Này là nến đỏ, này là hoa hồng/ Hoa sẽ héo tàn, nến rồi sẽ tắt/ Trái tim cần cù ngày kia ngừng đập/ Tờ lịch nhẹ nhàng làm rác vu vơ … Ngày tháng bây giờ, ngày tháng xa xưa/  Ngày tháng mai sau …luân hồi vậy vậy/ Mọi vật hồn nhiên mất rồi có đấy/ Đời có ta về, đời vắng ta đi…/ Chẳng có điều gì, chẳng có hề chi!” (Sinh nhật ta).
Dù trong thơ Thu Nguyệt có tất cả mọi thứ: tình quê với cha già em nhỏ và quá khứ thơ ngây, gia đình với tình yêu và hạnh phúc vẹn tròn, thì đọng lại sâu nhất trong người đọc vẫn là cái tôi của chị, một cái tôi vừa trẻ trung nữ tính vừa già cả buồn rầu, có thể làm bạn với những ai cùng quan niệm: cuộc đời này dẫu sao cũng chỉ  là cõi tạm.
(*) Đọc hai tập thơ của Thu Nguyệt: Ngộ (Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp - 1997) và Cõi lạ (NXB Thanh Niên, 2000).
Ngô Thị Kim Cúc
Nguồn: Báo Thanh Niên
Theo http://thunguyetvn.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...