Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Hơn là tình yêu - Sự cứu rỗi

Hơn là tình yêu - Sự cứu rỗi
KHÚC THỤY DU
1. Như con chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Như con chim bói cá
Tôi thường ngừng cánh bay
Ngước nhìn lên huyệt lộ
Bầy quạ rỉa xác người
(Của tươi đời nhượng lại)
Bữa ăn nào ngon hơn
Làm sao tôi nói được
Như con chim bói cá
Tôi lặn sâu trong bùn
Hoài công tìm ý nghĩa
Cho cảnh tình hôm nay
Trên xác người chưa rữa
Trên thịt người chưa tan
Trên cánh tay chó gậm
Trên chiếc đầu lợn tha
Tôi sống như người mù
Tôi sống như người điên
Tôi làm chim bói cá
Lặn tìm vuông đời mình
Trên mặt dài nhiên lặng
Không tăm nào sủi lên
Đời sống như thân nấm
Mỗi ngày một lùn đi
Tâm hồn ta cọc lại
Ai làm người như tôi?
2. Mịn màng như nỗi chết
Hoang đường như tuổi thơ
Chưa một lần hé mở
Trên ngọn cờ không bay
Đôi mắt nàng không khép
Bàn tay nàng không thưa
Lọn tóc nàng đêm tối
Khư khư ôm tình dài
Ngực tôi đầy nắng lửa
Hãy nói về cuộc đời
Tôi còn gì để sống
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ mang được những gì
Về bên kia thế giới
Thụy ơi và Thụy ơi
Tôi làm ma không đầu
Tôi làm ma không bụng
Tôi chỉ còn đôi chân
Hay chỉ còn đôi tay
Sờ soạng tìm thi thể
Quờ quạng tìm trái tim
Lẫn tan cùng vỏ đạn

Dính văng cùng mảnh bom
Thụy ơi và Thụy ơi
Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao mình yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao anh van em
Hãy cho anh được thở
Bằng ngực em rũ buồn
Hãy cho anh được ôm
Em, ngang bằng sự chết
Tình yêu như ngọn dao
Anh đâm mình, lút cán
Thụy ơi và Thụy ơi
Không còn gì có nghĩa
Ngoài tình em tình em
Đã ướt đầm thân thể
Anh ru anh ngủ mùi
Đợi một giờ linh hiển.
3/1968
Du Tử Lê
Bài thơ Khúc Thụy Du đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.
HƠN LÀ TÌNH YÊU - SỰ CỨU RỖI
1. Có một loài chim đậu trên cành cây chăm chú nhìn xuống dòng nước để tìm mồi. Đó là loài chim bói cá. Nó đứng bên rìa nước, hay vũng bùn, có khi chỉ nhờ một thân cây mục. Dù chông chênh, vắt vẻo nhưng  nó có thể đợi hàng tiếng đồng hồ để có được miếng ăn. Đôi mắt mở to, tai căng hết cỡ, tim như nín thở… cả thân thể đông cứng trong lặng im để chờ và đợi. Sự kiên nhẫn của loài chim này quả là đáng nể phục. Nhưng biết làm sao khi muốn tồn tại trong thế giới đầy khắc nghiệt. Đối với nó, đó là tất cả cuộc đời…
2. Đứng trên bờ vực sâu cuộc đời, tôi cũng đang tìm một ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Không được như con chim kia, dù ít hay nhiều vẫn tìm được trong vũng lầy miếng mồi lót dạ; còn tôi, đã bao năm trôi qua mà vẫn không tìm thấy gì cho riêng mình; và, đôi khi không hiểu mình đang tìm gì…
Chiến tranh đã đi qua đất nước này, hàng ngày, hàng đêm tôi nhìn những thân người ngã xuống. Cái chết không từ một ai; mẹ tôi, em tôi đã vùi thây trong một trận bom tàn khốc… Đời người chỉ là một satna, khi chinh chiến ghé qua thì số phận con người chỉ còn được tính bằng một phần ngàn satna mà thôi. Liệu tôi có được một phần ngàn đó không?
Đêm nay, một đêm âm u, trời không trăng sao nhưng vẫn được đánh thức bởi ngàn vạn tiếng bom rền. Trên chiến hào, tôi ngước nhìn trời và tự hỏi: Cuộc sống tôi là gì? Ngày mai có phải tử thần sẽ gọi đến tên tôi?
Ngay cả cái khái niệm ngày mai cũng trở nên quá xa vời, có khi chỉ chút nữa thôi tôi sẽ phải nằm xuống vĩnh viễn mà vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Tôi sinh ra để làm gì?
Có lẽ, nếu cái chết sẽ đến cướp tôi đi, tôi sẽ biến thành ma. Ngay cả khi chẳng còn được sống tôi vẫn không chốn nương thân, vì đã nhiều lần tôi chứng kiến bao nấm mộ đã bị xới tung bởi bom đạn. Lúc ấy tôi sẽ là con ma không đầu hoặc con ma không bụng. Tôi sẽ đi lang thang để tìm câu trả lời cho câu hỏi đeo bám tôi suốt thời trai trẻ.
Đã có lần tôi mơ trở thành một họa sĩ, tôi sẽ vẽ từng làn khói lam quyện trong ráng chiều buông xuống, tôi sẽ vẽ từng mái nhà tranh lửa bếp thơm nồng, tôi sẽ vẽ những con thuyền say ngủ ở bến sông, tôi sẽ vẽ đồng lúa xanh rập rờn câu quan họ… Nhưng chưa kịp khoác trên người  tấm áo thư sinh tôi phải khoác bộ quân phục tả tơi vết đạn. Cuộc chiến này không dành cho đất nước tôi, không dành cho tôi; nhưng tôi phải  ra đi, ra đi mà không biết mình sẽ đi đâu và làm gì. Tôi đã bị tước quyền quyết định.
Tôi không sợ cái chết, chỉ có điều tôi sẽ nói thế nào đây khi bước vào bên kia thế giới với đôi bàn tay trắng? Một đời tôi hoang phí, tuổi trẻ bị đánh cắp rồi, mơ ước đã vụt bay, tương lai thì thăm thẳm… Chỉ còn mình tôi, đôi khi soi gương tự hỏi: Phải chăng mình đang sống?
Điều còn sót lại cho tôi là một trái tim, tôi biết cho dù tôi có chết thì trái tim tôi vẫn sống. Nhiều lúc tôi quay cuồng trong ý nghĩ nên chăng vứt bỏ trái tim đi. Nhưng đó lại là điều không thể! Tôi đã gửi tim mình ở lại hậu phương để trên chiến tuyến nó không bị dập vùi, xé nát. Cuộc đời tôi còn gì nữa để trao cho em ngoài một tình yêu vô vọng. Thụy ơi! ta chỉ muốn bên nhau trong những chiều Sài Gòn mưa đổ để ngồi trong quán nhìn cà phê rơi từng giọt, từng giọt mà nghe tình dâng trên mắt trên môi. Bây giờ, em biết không, ngoài kia chỉ còn những xác người rữa nát, xung quanh anh là hận thù, tàn ác. Những ruộng đồng bỏ hoang, những ngôi nhà tàn lạnh, cả núi đồi loét lở những hố bom; Anh tìm tương lai ở đâu? Anh tìm lẽ sống ở đâu? Xin em, hãy đến bên anh trong phút giây này để cho anh biết yêu mến cuộc đời, biết lánh xa cái chết. Tình yêu của em sẽ là sự sống nảy sinh trên những mất mát, bi thương; đôi tay em sẽ là mùa xuân đâm chồi những nụ hoa trên cảnh đời hoang phế; đôi môi em là ánh lửa thiêu rụi những đêm đông… Hãy cho anh biết làm người vẫn có lúc được nói đến 2 từ: Hạnh phúc.
Thụy ơi! Sao đối với anh lúc này cái chết lại êm ái và ngọt ngào đến thế. Nhưng ở cực bên kia, tình yêu của em cũng có sực quyến rũ ngang bằng sự chết. Anh đang mắc kẹt giữa cuộc đời này, anh đang giãy giụa trong bóng đêm mà không tìm ra lối. Dù anh biết, cuối con đường nghiệt ngã mà anh đang bước đi là bóng hình em yêu kiều, rạng rỡ. Chỉ còn một lý do duy nhất cho anh muốn tồn tại là em thôi. Nhưng em đang ở đâu? Trong đơn vị anh có người suốt đêm ngày ôm cây Thánh giá vậy mà nó chết khi lời kinh nguyện cầu chưa tắt trên môi. Hình như Trịnh Công Sơn đã nói rất lâu rồi: Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người… Còn anh chỉ biết gọi tên em để tìm miền cứu rỗi.
Đời tôi như cơn mộng du, tuổi trẻ tôi ngủ vùi trên chiến địa. Tôi là loài chim bói cá. Đã bao năm tháng trôi qua, cúi xuống trận chiến này tôi tìm cho mình một lý do tồn tại. Cuộc đời tôi đã đánh mất tự bao giờ. Rất nhiều lần tôi hỏi: Vì sao những gì ta nâng niu, trân trọng, tôn thờ bỗng có ngày vút cánh bay đi? Vì sao trái tim ta chỉ dành cho tình yêu mà phải rệu rã trước bao mất mát? Vì sao đôi mắt ta chỉ để ngắm em thôi lại phải nhìn những thân người quằn quại đớn đau? Vì sao đôi tay ta chỉ để xiết em vào lòng lại phải nhặt những thây người tan nát? Vì sao tiếng bom, tiếng réo gào cứ vang vọng bên tai mà không phải tiếng cười lảnh lót của em? Vì sao và vì sao?
Anh đã lên đường. Sài Gòn vẫn đông người mà sao bước chân em lạc lối. Không anh. Chẳng ai đưa em về sau buổi chiều tan học, chẳng ai che dù cho em khỏi lạnh trong sáng mưa rơi, chẳng ai kể em nghe những câu chuyện tình không đầu không cuối.
Đêm biệt ly, anh không nói một lời. Chỉ xiết chặt em trong vòng tay run rẩy, nước mắt đầm đìa đầy áo vai em. Tại sao thế hả Du? Vài phút trước em chỉ muốn trách anh, khi đơn xin cưới anh vò tan nát. Anh nhiều lần bảo rằng em không hiểu và nào biết cuộc đời trôi cuốn ta về đâu. Em đã ngàn lần nói rằng: Ta chỉ cần có nhau, mọi lý lẽ sẽ trở thành vô nghĩa. Nhưng, muôn đời cái chữ NHƯNG nghiệt ngã chắn giữa những cuộc tình, chưa kịp bên nhau anh phải đăng lính. Chiến tranh là gì mà sao cái mơ ước nhỏ nhoi nhất của em cũng bị cướp đi? Phải chi mình đừng yêu nhau, sẽ không có những đêm em choàng tỉnh vì trong cơn mơ thấy anh ngã xuống giữa vũng máu đầm đìa, sẽ không có phút nghẹt thở khi nghe bản tin Chiến trường khói lửa, sẽ không xót một ngày anh hiện ra trước cửa trên chiếc xe lăn… Chiến tranh là ác mộng phải không anh? Em nhớ giờ học văn khoa, khi giảng về Chinh phụ ngâm, giáo sư của em đã bảo rằng: Chiến tranh trĩu nặng trên đôi vai người đàn ông nhưng nó bóp nát trái tim người thiếu phụ.
Hơn thế phải không Du, không còn gì cho chúng mình khi giữa đôi ta là cơn cuồng loạn của Thần Chết. Em đã biết giây phút nhìn chiếc xe chở anh khép lại cũng là lúc cửa Thiên Đường đã bị khóa chặt mất rồi, em đang cố tìm chiếc chìa khóa của Thượng Đế nhưng hình như ông ta đã vứt vào một hố bom nào đó.
Em biết, cuộc hành trình đi tìm chiếc chìa khóa vàng để mở ra cuộc sống sẽ khó khăn vô tận; nhưng em sẽ đi. Ngoài kia, có tiếng hát Khánh Ly vọng từ chiếc catsette của nhà ai đang bật. Lời ca cất lên xanh xao, tối đen như màn đêm kể về một đất nước đã lầm than mà lại có chiến tranh, những chiếc xe tang chạy trong chiều vỡ tung bởi trái bom nổ chậm… Ngoài kia, cũng có khi Sài Gòn rộn rã, đâu đó vẫn còn những cặp tình nhân dìu nhau dưới mưa rơi. Nhìn mà chợt thương, chợt xót vì em nghĩ: không biết đó có phải là nụ hôn cuối cùng, đó có phải là ánh mắt cuối cùng hay đó có phải là chiều mưa cuối? Ngoài kia, có những người một mình chậm bước dưới mưa, đôi mắt xa xăm như tìm về một khung trời kỷ niệm, em chợt nhìn thấy mình trong dáng hình người con gái ấy. Hình như cô ta không biết mưa đã làm ướt hết tóc hết áo hay sao mà cứ bước như người trong cơn mê ngủ. Hay có là gì, có nghĩa gì nữa khi một ngày một người đã ra đi không hẹn ngày trở lại. Người yêu của cô ấy liệu có ở cùng đơn vị anh không? Nếu có thì anh hãy nhắc anh ta nhớ mỉm cười trong phút giây ngã xuống. Còn em, em sẽ đi tìm, sẽ tìm cho dù phải hóa kiếp ngàn đời sau sự chết. Có khi nào hai con ma chúng mình gặp nhau không anh nhỉ. Chắc lúc đó, chẳng có pháo đạn nào ngăn trở ta hôn nhau, chẳng có tiếng bom nào át được tiếng mình gọi tên nhau ngọt ngào tha thiết. Đến lúc ấy, ta bay trong cõi mộng, ta dìu nhau đi qua cánh đồng chết, ta gieo hạt tình yêu trên những con đường. Ta có thể hóa thân làm cành cây ngọn cỏ, làm hạt sương trong, làm loài hoa tím… Ngoài kia, quê hương đang chảy máu. Những vết thương trên xác thân, trong linh hồn, đau lắm Du ơi! Ngoài kia, còn có biết bao người không cửa, không nhà, không còn nước mắt khóc cho dân tộc. Ngoài kia,…
7. Một sáng tháng giêng Mậu Thân. Không có những cánh én chao nghiêng gọi mùa xuân tới, không một nụ mai khoe sắc trên cành. Chiến tranh, làm lạc giữa trời 2 con chim bói cá. Chúng đứng trên một thân cây cụt đen ngòm vì vết đạn xén ngang. Dưới chân chúng, vũng bùn đặc quánh. Chúng đợi chờ, đợi chờ… hết ngày này sang tháng khác để tìm sợi dây tơ hồng đã bị dòng đời cuốn trôi. Thật lâu, chúng nhìn nhau, nước mắt chảy dài… Như những con chim ẩn mình chờ chết. Chúng cùng lao vào gai nhọn, trái tim ứa máu; trong hơi thở cuối cùng, chúng cất lên giai điệu Tình Yêu!.
Trần Thanh Hà
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...