1/ Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
2/ Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
vì ta phải khổ)
Bài thơ Khúc tình buồn được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
thành ca khúc Thà như giọt mưa.
THÀ NHƯ GIỌT MƯA
Đến với trần gian này mang một dự cảm chẳng lành về thân phận,
Nguyễn Tất Nhiên mới 20 tuổi đầu đã có những câu thơ để đời:
Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định.
(Giữa trần gian tuyệt vọng)
Sinh năm 1952 và mất năm 1992, bốn mươi năm dạo chơi trần thế
ngắn ngủi nhưng ông đã để lại cho đời sáu tập thơ mà trong đó rất nhiều bài đã
được phổ nhạc và trở thành những ca khúc được nhiều người yêu thích.
Hồn thơ Nguyễn Tất Nhiên ra đời khi chủ nghĩa lãng mạn đã đến
hồi cuối kết, khi phong trào thơ siêu thực đang thịnh hành. Nhưng ông lại chọn
cho mình một con đường khác, con đường từ trái tim ứa lệ đến với trang thơ.
Không hoa mỹ bởi những hình ảnh, biểu tượng vốn dĩ chỉ có trong thơ, không mơ hồ
xa vời như thơ tượng trưng, siêu thực; thơ ông thật - rất thật, sự thật
cuộc đời bước vào trang thơ với tất cả sự trần trụi, tàn nhẫn và phũ phàng của
nó. Chính vì cái thật ấy nên ông đã mang đến một luồng gió lạ trên văn đàn. Đọc
những dòng thơ như:
Tình cũng khó theo thời cơm áo khó
Ta dắt nhau đi dưới bóng nợ nần...
(Hai hàng me ở đường Gia Long)
Hay:
Người tình là ác qủy
Ác qủy đầy quyền năng...
(Vì tôi là linh mục)
Ngày xưa cũng từng có một Tú Xương viết thơ về cơm áo, một
Nguyễn Khuyến viết thơ nói nợ nần. Thế nhưng Nguyễn Tất Nhiên viết về đời
thường lại vượt qua vòng thế sự để nói đến tình yêu. Xưa nay, lãnh địa của thơ
tình dù có buồn đau nhưng vẫn đẹp, các thi nhân thường dìu người đọc vào một thế
giới khác; thế giới của cảm xúc yêu đương với nhiều cung bậc. Vậy mà tình
trong thơ Tất Nhiên lại bị quăng ném giữa đời, con người không phải bị giằng co
giữa lý trí và tình cảm mà bị cấu xé giữa mơ ước và hiện thực; tình yêu
không bị ảo hóa, mộng hóa mà tình yêu phải đối mặt với những gì nhỏ nhặt tầm
thường nhất của đời sống. Những năm tình lận đận vì thi hỏng, vì
nghèo khó, vì nợ nần... đã làm cho tình yêu hết mùi thi vị:
Mới yêu nhau cư xử rất vợ chồng
Rất vui lòng chọn những quán bình dân
Khi nói thẳng: anh gọi cà phê đen
Vì hụt tiền uống cà phê đá.
(Hai hàng me ở đường Gia Long)
Và thường khi viết về người yêu bao giờ thi nhân cũng cao thượng,
đẹp đẽ hơn con người vốn có ở mình; thế nhưng Nguyễn Tất Nhiên lại sẵn
sàng thể hiện những gì người nhất, ông mạnh dạn bóc tách lớp vỏ bên ngoài để hiển
lộ những gì xác đáng ghê gớm nhất trong thẳm sâu lòng người:
Ta nghe nói em vừa thi rớt luật
Môi trâm anh tàn héo mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng
Dù sự thật cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người.
(Duyên của tình ta con gái Bắc)
Tình yêu trôi giữa đời thường khiến con người hết nơi bấu
víu; nỗi cay đắng, đáng thương của con người ở chỗ đó. Đây là điều mới lạ!
Khúc tình buồn sáng tác lúc ông chưa được 20, khi tình
yêu với cô Duyên người Bắc không thành; nhưng thi phẩm đã mang dấu ấn
của một phong cách khác biệt cùng với lối tư duy độc đáo để sau này trở thành
thương hiệu của ông.
Gọi tình:
Khi nói đến tâm trạng, xúc cảm yêu đương, xưa nay bao giờ thi
nhân cũng nói về nỗi nhớ, niềm mong, bởi đã yêu là nhớ. Từ những câu ca dao thủa
nào tâm trạng rạo rực bồi hồi mong đợi tình yêu đã được diễn tả rất cụ thể:
Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
Trong thơ Nguyễn Bính đã có những câu thật hay bộc lộ nỗi
nhớ:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
(Tương tư)
Và đến với Xuân Diệu thì nỗi khát vọng yêu đương bùng lên dữ
dội hơn:
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em!
(Tương tư chiều)
Riêng Nguyễn Tất Nhiên không phải là đợi chờ, nhớ nhung, mong
ngóng mà phải hớt hơ hớt hải để gọi tình. Gọi tình quay về, gọi người yêu dấu
như... gọi đò:
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng.
Em lên thuyền tình rời xa bến yêu. Thi nhân chỉ còn đứng bên
này sông thương tiếc mà ngóng vọng. Hình ảnh qua sông và chuyến đò tình đã từng
xuất hiện nhiều trong thơ ca; nhưng Nguyễn lại so sánh lạ lùng và biểu cảm
hơn: Đứng trên bờ ngoắc mòn tay... Ai đã từng lỡ một chuyến đò chiều mới cảm nhận
hết cái đáng thương, ê chề, nuối tiếc khi không kịp qua sông. Còn chuyến đò
tình? chắc chắn tất cả tâm trạng ấy được nhân lên gấp ngàn vạn lần. Thảm não
thật! Gọi đến rời rã mà không một tiếng đáp lại, chỉ còn một mình kẻ lỡ chuyến
với sóng nước trập trùng. Gọi tình là một cách thức mới biểu lộ tình yêu thời
hiện đại. Khái niệm yêu và nói tiếng yêu thuộc về thời cổ điển. Nên ngày nay,
thay vì nói Anh yêu em thì nói Anh cần em hay hơn nhiều. Gọi
tình là cần có nhau, là niềm hy vọng duy nhất, là cứu cánh, là cứu rỗi. Song mức
độ cần ở đây lại được đẩy lên cùng cực - tha thiết đến rồ dại, tiếc nuối đến cuống
cuồng, si tình đến tuyệt vọng. Cái ngoắc tay như tín hiệu cầu cứu trong cơn hấp
hối yêu đương. Trước mắt và tương lai là gió nổi lên rồi, bão mưa sẽ tới, một
mình bên dòng sông đời hứng chịu bão giông. Khổ thơ mở đầu bằng một cách nói cổ
điển: qua sông để chỉ sự chia ly, ngăn cách nhưng lại tiếp nối bằng
một hình ảnh hiện đại: gọi tình khi diễn tả tâm trạng hụt hẫng,
khao khát của con người. Biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng đơn giản mà hiệu quả
khi nhà thơ mượn tâm trạng người lỡ đò để diễn tả nội tâm và mượn hình ảnh sóng
gió để nói cơn bão lòng.
Người tình:
Trong cuộc sống người ta thường nói duyên phận, duyên kiếp
hay duyên nợ. Trong tất cả các nghĩa của từ nói về tình duyên, có lẽ duyên nợ lại
hay hơn cả. Đôi lúc có người cho rằng nói duyên nợ thì ít tình mà nhiều nợ; thế
nhưng cái nợ lại hay hơn cái tình. Dù không hoa mỹ nhưng nợ mang nhiều giá trị
về nghĩa vì nợ lúc nào cũng bắt người ta phải nghĩ tới, phải lo lắng, phải khổ
sở trăm bề (ông bà xưa đã nói nợ là một trong ba nỗi khổ nhất của đời người là
gì). Yêu mà đến khốn khổ như thế mới tận cùng là yêu, tình như món nợ đeo đẳng
không dứt được mới là tình. Vì thế, người tình là món nợ truyền kiếp: người từ trăm năm. Thời gian trăm năm để chỉ mối duyên tiền định
nhưng cũng có thể hiểu là tình yêu quá đầy nên lấp đủ trăm năm. Nếu trăm năm
yêu thương thì đỉnh điểm hạnh phúc còn trăm năm khổ đau trở thành kiệt cùng bất
hạnh:
Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
Người tình không chỉ như một món nợ đời mà còn như một
chất xúc tác, một cú hích khởi đầu cho cỗ máy yêu vận hành. Tình tưởng ngủ quên
nhưng bất chợt sống dậy cho con người phải chạy vòng vòng, chạy mòn
chân... quanh một tâm điểm là EM. Lực ly tâm, lực hấp dẫn làm tiêu hao sinh thể;
toàn tâm, toàn ý, toàn hồn bị thôi miên bởi từ trường ấy để khi nhìn lại
vốn đời chẳng còn bao nhiêu. Vậy người tình vừa là khởi nguyên vừa là kết thúc,
vừa là nơi tái sinh vừa là chốn hủy diệt. Điều này rất lâu rồi Xuân Diệu đã dựa
trên ý tưởng của Maurice Blanchot để nói rằng: yêu là chết ở
trong lòng một ít. Nhưng với Tất Nhiên yêu không chết trong lòng một ít mà chết
quằn quại, chết giãy giụa với muôn vết tử thương không sao cầm máu nổi khi người
tình là dao nhọn. Rất mạo hiểm để tìm một hình ảnh ẩn dụ ghê gớm và táo bạo đến
như vậy. Và sự mạo hiểm ấy đã làm nên một tứ thơ kỳ lạ: vừa cụ thể, vừa
choáng váng nhưng vẫn nghệ thuật. Nghệ thuật bởi lời thơ diễn tả rất sâu tâm trạng
và cảm xúc con người. Nếu như thơ cổ điển, lãng mạn người yêu được cảm nhận ở
hình ảnh, tái hiện trong ký ức thì với Nguyễn người yêu là một phần của cuộc sống
thực, tình ăn vào tim vào gan vào từng đường gân thớ thịt để kẻ si tình phải đớn
đau và sống chết với nó. Cách so sánh lạ lùng như vậy còn diễn tả một cảm xúc
đúp : Yêu và đau đồng loạt xuất hiện. Đó là thú đau thương, là khuôn diện
thật của tình yêu tuyệt vọng, là cái chết bất ngờ... yêu, chết vì yêu lúc nào chẳng
rõ. Xác đáng đến thế là cùng! Thơ Nguyễn Tất Nhiên đã vượt qua được cách
nói thường tình về tâm trạng của kẻ đang yêu như nhớ nhung, đợi chờ, thao thức,
trằn trọc hay đau buồn, sầu khổ khi ông so sánh bằng những hình ảnh khủng khiếp
hơn mà biểu cảm hơn: người tình là ác quỷ, người tình là dao nhọn - ác quỷ
thì bắt ta phải quên ăn mất ngủ vì bị ám ảnh, bởi ác quỷ lúc nào cũng sẵn
sàng xuất hiện vò xé ta; dao nhọn thì làm ta đau cho đến chết. Phải yêu
và đau đến cùng cực mới có được lối so sánh ấy.
Tình được quăng ném giữa đời trần nên cũng mang khuôn mặt của
hiện thực. Mà hiện thực là gì? Hiện thực là sự tổng hòa của những phạm
trù đối lập, của những mâu thuẫn song hành, của mối liên kết giữa các cực tương
phản. Vậy nên, trong tình yêu có sự sống và cái chết, có đau đớn và ngọt ngào,
có say mê và oán hận. Và em, lúc là ác quỷ khi tựa Ma Soeur.
Kẻ si tình:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Thực ra khi người ta oán hận cuộc đời nhất là lúc người ta
tha thiết nhất với đời. Vậy nên:
Thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá.
điệp khúc chạy suốt bài thơ gửi mong ước thoát khỏi lưới
tình. Bởi yêu mà đớn đau, khổ sở đến thế thì biến thành vô tri, vô giác như giọt
mưa chắc may mắn hơn nhiều. Nói thì như thế nhưng càng Thà như... thì càng
yêu và đau gấp bội. Khổ thơ đã vượt ra ngoài nghĩa hiển thị của câu chữ để khẳng
định một tình yêu mãnh liệt, tràn đầy - càng trái ngang lại càng si dại. Chính
vì còn nhiều thiết tha với đời nên có biến thành vật vô tri như giọt mưa hay kiếp
sau có lỡ thành mưa thì hạt mưa ấy vẫn mang nặng linh hồn người, vẫn có một
trái tim để tìm đến người yêu dấu:
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng.
Đọc thi phẩm với hình ảnh người từ trăm năm và thà
như giọt mưa được lặp đi lặp lại, ta chợt nhận ra một tình yêu hiếm
có: Yêu từ kiếp trước, yêu hết kiếp này và hẹn yêu trong kiếp sau;
dù tình cảm ấy không có lời vọng đáp, dù hạnh phúc không đến bao giờ, dù ngàn vạn
vết thương cứa tim tơi tả... mà vẫn yêu.
Thơ Nguyễn Tất Nhiên thiếu niềm vui, vắng nụ cười nhưng
lại thừa nỗi đau, nước mắt. Nỗi đau và nước mắt được chưng cất và để lại cho đời
những dòng thơ độc đáo. Đến với thơ của Nguyễn ta bỗng liên tưởng hình ảnh
những con trai sống thầm lặng ngoài biển cả: phải đau đến ứa máu để mang
dâng tặng đời bao viên ngọc lóng lánh, quý giá. Thơ Tất Nhiên không phải là những
thi phẩm trác tuyệt, hoa mỹ mà thơ ông được kết tinh từ cảm xúc chân thành của
một người yêu say đắm con người và cuộc sống. Đọc thơ ông, thấu hiểu nội tâm giằng
xé, đau đớn, bi thiết của người thi sĩ tài hoa, người đọc như nhận ra mình đến
với trần gian này nhưng yêu chưa đủ, sống chưa hết mình với nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét