Nên hiểu “gật đầu” và “gật gù” trong hai câu ca dao: ”Râu
tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” và câu “Râu tôm nấu
với ruột bù/ Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon” như thế nào cho đúng?
Trong nguồn tư liệu văn học dân gian đang tồn tại hai câu
ca dao trên. Có người cho rằng “gật đầu” trong câu ca dao 1 là hợp lý và cũng
có người cho rằng từ “gật gù” trong câu ca dao 2 có giá trị biểu đạt cao hơn.
Trong đề thi tuyển chọn học sinh vào trường chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hòa, năm
học 2012 cũng có câu hỏi về vấn đề này. Vậy đâu là chân lý?
Văn học dân gian là những công trình vừa mang tính tập thể
vừa mang tính truyền miệng. Hiện tượng dị bản là lẽ đương nhiên. Nhưng cũng
nên nhớ rằng dị bản khác với những văn bản do lưu truyền bằng miệng bị
sai (xem thêm công trình vhdg của Nguyễn Xuân Kính).
1) Về từ “gật đầu” trong câu ca dao 1 tác giả Nguyễn Mậu
Cảnh có bài nghiên cứu “Ảnh hưởng của dân ca đối với hò, vè, hát giặm xứ Nghệ” khá
công phu. Trong bài nghiên cứu này có vấn đề cần xem lại. Tác giả công trình
này cho rằng “Hai câu ca thực chất chỉ là một, chỉ khác bởi cách gọi rọt
bù (phương ngôn) và ruột bầu (từ toàn dân). Cả hai đều mô tả một
bữa cơm đơn sơ, nghèo khó (chỉ có râu tôm nấu với rọt bù - hai thứ mà gia
đình Việt Nam bình thường nào cũng đều bỏ đi khi nấu). Nghĩa là cái nghèo,
cái khổ của họ có lẽ đã đến tận cùng. Thế nhưng đọc kỹ ta mới nhận ra sự khác
nhau giữa hai câu ca. Không phải khác bởi rọt bù hay ruột bầu mà
khác bởi những từ hiệp vần với hai từ đó: gật gù hay gật đầu?
Giá trị tinh thần trong hai câu ca có mức độ khác biệt: Gật đầu: biểu thị
sự đồng tình nhưng ít biểu cảm; gật gù: biểu thị sự đồng cảm, chia sẻ.” Sách
giáo khoa văn 9 tập 1 cũng đưa vấn đề này ra để ôn tập cho học sinh trong bài
“Tổng kết từ vựng” (sgk văn 9 tập 1, trang 158). Tác giả sách giáo khoa cho rằng
từ “gật gù” “thích hợp hơn ý nghĩa cần biểu đạt”. Thiết nghĩ, muốn đánh giá mức độ thích hợp hơn về ý nghĩa biểu đạt cần phải hiểu thật sâu sắc
nội hàm ý nghĩa của từng câu ca dao. Câu ca dao:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”
là câu ca dao sử dụng ngôn ngữ toàn dân mang tính phổ biến
hơn. Người đọc trong cả nước dễ dàng tiếp nhận văn bản, không gây hiện tượng
khó hiểu khi sử dụng. Theo “Từ điển tiếng tiếng Việt” (Trung tâm từ điển
ngôn ngữ Hà Nội - 1992) giải thích “Gật”(thường nói gật đầu) cúi đầu xuồng rồi
ngẩng lên ngay, thường để chào hỏi hay tỏ sự đồng ý. Còn “gật gù”- gật nhẹ và
nhiều lần, biểu thị thái độ đồng tình tán thưởng. Cách giải thích của tự điển
là giải thích nghĩa của từ. Nhưng trong văn học muốn hiểu nghĩa của từ nhiều
khi ta phải đặt nó trong văn cảnh. Văn cảnh rất quan trọng, nếu mất đi văn cảnh
nhiều khi người đọc khó hiểu hết thông tin ngữ nghĩa của từ ngữ.
Nếu dựa vào văn cảnh ta có thể hiểu câu ca dao thể hiện cả
một quá trình từ chế biến đến sử dụng. Trong bữa cơm thân mật có hai vợ chồng.
Người chồng làm động tác chan canh cho vợ và người vợ “húp” chén canh
nghĩa tình của người chồng. Có lẽ sau khi vợ húp chén canh, người chồng có
xen vào câu hỏi “Canh ngon chứ?”. Và người vợ đã gật đầu “tỏ sự đồng ý”. Câu
hỏi của chồng trong câu ca dao không thể hiện nhưng người đọc vẫn có thể hiểu
được vì đây chính là “khoảng trống” trong thơ (dùng với nghĩa thơ dân gian) tạo
nên chiều sâu mà câu ca dao chưa nói hết “bài thơ, sự ngập ngừng kéo dài giữa
âm thanh và ngôn ngữ”- Valery (Trích “Thi pháp học của R.Jakobson” Trần
Duy Châu dịch). Nên nhớ sau từ “gật gù”, ca dao còn có thêm từ “khen”. Bản
thân từ này vừa mang tính chất hồi đáp câu hỏi vừa mang hàm nghĩa tán thưởng.
Nếu hiểu như thế thì từ “gật đầu” không sai về mặt ý nghĩa mà còn rất phù hợp
với ngữ cảnh, ngữ cấp cho người đọc nhiều thông tin hơn.
Cũng cần phải nói thêm rằng nếu hiểu “râu tôm, ruột bầu hai
thứ mà gia đình Việt Nam bình thường nào cũng đều bỏ đi khi nấu. Nghĩa là cái
nghèo, cái khổ của họ có lẽ đã đến tận cùng” thì cũng không ổn. Thực ra câu
ca dao sử dụng biện pháp tu từ phóng đại thậm xưng để làm tăng cái nghèo chứ
chẳng có ai lấy râu tôm nấu với ruột bầu cả.
2) Về câu ca dao “Râu tôm nấu với rọt bù/ Chồng chan vợ húp gật
gù khen ngon”, đây là câu ca dao sử dụng phương ngữ không mang tính phổ thông
đại chúng. Tất nhiên về luật thơ lục bát thì câu ca dao phải dùng từ “gật gù”
vì cuối câu lục dùng từ “bù” (Chữ sáu trong câu lục phải vần với chữ sáu trong
câu bát.)
Từ những suy nghĩ trên có thể khẳng định: dùng từ “gật đầu”
trong câu ca dao 1 hay hay “gật gù” trong câu ca dao 2 vừa có nét nghĩa
chung và riêng và đều có thể chấp nhận được.
3) Về nội hàm ý nghĩa của câu ca dao:
Nội hàm ý nghĩa của câu ca dao ai cũng rõ: qua những hình ảnh
và câu chữ, câu cao dao cho thấy một không khí gia đình đầm ấm hạnh phúc khi
họ biết chia sẻ những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống còn lắm nghèo khó. Sâu
xa hơn câu ca còn thể hiện quan niệm về hạnh phúc-hạnh phúc là bằng lòng với
những gì mình có.
Nhìn từ cái nghĩa vợ chồng thì như thế nhưng nhìn từ góc độ
văn hóa ẩm thực, câu ca cho thấy người nông dân xưa đã tìm ra sự kết hợp hài
hòa của những thứ mang tính chất cây nhà lá vườn để tạo ra những món ăn ngon
có ích cho sức khỏe. Theo các nhà ẩm thực nhiều kinh nghiệm thì bầu nấu với
tôm sẽ cho một món canh thanh ngọt giải nhiệt, nhuận tràng chống táo
bón. Bầu lành tính màu xanh trắng kết hợp với tôm màu đỏ còn tạo cho tô canh
rất bắt mắt. (Theo Thu Hường)
Văn học dân gian ra đời đã lâu, rất khó xác định nguồn gốc,
không gian và thời gian nó xuất hiện. Vì thế sự thận trọng trong tiếp cận văn
học dân gian là điều rất cần thiết.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét