Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Văn học nghệ thuật Quảng Trị 3

Văn học nghệ thuật Quảng Trị 3
2- NGHỆ THUẬT 
2.1- Nghệ thuật dân gian của người Kinh 
Có nhiều cách phân loại về nghệ thuật ngữ văn dân gian. Hiện nhiều nhà nghiên cứu Folclor đang xếp các loại hình truyện kể dân gian, các loại hình diễn xướng dân ca và diễn xướng dân gian nửa sân khấu được xếp vào trong phạm trù nghệ thuật ngữ văn dân gian. Các loại hình truyện kể dân gian chúng tôi đã trình bày (ở đầu chương XVIII, mục 1.1), nay tiếp tục các loại hình diễn xướng dân ca và diễn xướng dân gian nửa sân khấu. 
Dân ca Việt Nam nói chung, miền Trung và Quảng Trị nói riêng rất phong phú, đa dạng, nổi trội nhất là tính chất vùng miền, sắc thái địa phương. Tùy theo tập quán sinh hoạt, giọng nói mà nhạc tính từng vùng mà có sự khác biệt, song nhìn chung, nó vẫn là những bài hát sinh ra từ những làng quê mộc mạc, giản dị. Tất cả những bài ca do giới bình dân sáng tác (không thuộc dòng nhạc cung đình, thính phòng, tôn giáo) truyền khẩu, diễn xướng từ thế hệ này sang thế hệ khác dính liền với đời sống hàng ngày của người dân quê, từ hát ru đến đồng dao, nhất là các loại hát nảy nở trong lao động lao động sản xuất và trong lễ hội được xếp vào loại hình dân ca. 
Các loại hình diễn xướng (dân ca và nửa sân khấu) nói chung là những khúc hát được hình thành trong quá trình thực hành xã hội của mỗi con người, mỗi cộng đồng bằng phương thức sáng tác tại chỗ, kẻ hô, người ứng mà thành. So với các loại hình tự sự, các loại hình diễn xướng dân gian gắn chặt hơn rất nhiều với đời sống lao động sản xuất, với giao tiếp và vui chơi, với các lễ nghi diễn ra trong đời sống cộng đồng và mỗi thành viên trong cộng đồng dân cư. Ca hát, diễn xướng dân gian dường như được nảy nở xuất thần và giao lưu tại chỗ giữa người với người, giữa người với thế giới tự nhiên, vừa quen, vừa lạ nhưng cởi mở, chân thành, phóng khoáng. 
Có thể nói trước những năm 1945, Quảng Trị là xứ sở đàn hát dân ca, của những nghệ sĩ dân gian chân lấm tay bùn. Khi mà trình độ dân trí chưa cao, các phương tiện truyền thông chưa có gì thì các sinh hoạt diễn xướng dân ca và sân khấu dân gian rất được ái mộ. Người ta kể vào mùa cấy, trên những cánh đồng Quảng Trị có không biết cơ man nào là “bạn cấy” đổi công. Trong mỗi bạn cấy chừng hai chục con người thế nào cũng có vài ba nghệ nhân có tài hò xuất sắc. Một người xướng, có nhiều người xô. Toàn bộ thi tứ của buổi hò này sang buổi hò khác trên đồng ruộng được buông bắt, đối đáp sống động hồn nhiên, chất phác đi liền với ca từ hơn là với dàn nhạc và nhạc khí. Từ bạn cấy, bạn gặt đến hò xay lúa, hò giã gạo, hò nện, hò kéo gỗ, hò sông nước mái nhì, mái đẩy… nhiều cặp trai gái gặp nhau, thử tài nhau rồi mến phục nhau trở thành đôi lứa. 
Dân ca nói chung được trình bày theo trình tự một đời người. Nghĩa là bắt đầu bằng các bài hát ru em khi đứa trẻ chào đời đến khi trưởng thành và chết đi, sẽ có những bài hát liên hệ đến từng giai đoạn của một đời người. 
Như đã nói ở trên, so với các loại hình tự sự, các loại hình diễn xướng dân ca và nửa sân khấu ở Quảng Trị gắn chặt với sinh hoạt sản xuất, với nếp giao tiếp và vui chơi, với lễ nghi diễn ra trong các thời điểm đặc biệt của sinh hoạt cộng đồng. Nếu tạm bằng lòng với một hệ thống phân loại có tính chất bao quát và tương đối, có thể xếp các loại hình diễn xướng dân gian người Việt Quảng Trị thành 2 cụm, đó là: 1- Các dạng sinh hoạt diễn xướng dân ca; 2- Các dạng diễn xướng có tính chất nửa sân khấu gắn với các sinh hoạt lễ nghi. Cả hai dạng sinh hoạt diễn xướng nói trên đều thuộc phạm trù nghệ thuật biểu hiện, triển khai chủ yếu theo chiều thời gian, trong đó ngôn ngữ đóng vai trò thông báo, truyền cảm và giao lưu là chủ yếu. Ngoài ra còn có các nhân tố quan trọng khác trong diễn xướng dân gian như thang âm, điệu thức, các trình thức điệu bộ, các cách thức phối hợp đối/ đáp, xướng/ xô, đố/ giải, gài/ gỡ v.v… 
2.1.1- Các loại hình diễn xướng dân ca: 

Để có một cái nhìn tổng quát, có thể kể ra ba loại hình diễn xướng chủ yếu của người Việt Quảng Trị, đó là Hát, Hò và Lý. 
2.1.1.1- Về hát: 
Về hát có các loại hát ru con, hát đồng dao và hát vè. 
Hát ru con 
Hát ru là điệu ru đầu đời của những người mẹ, người chị, của bà và người thân dành cho con trẻ như một đòi hỏi tinh thần, nó cần cho trẻ như những giọt sữa để thể xác và hình hài trẻ khôn lớn vậy. Thường đứa trẻ được ôm bồng, nẫng nịu trực tiếp trong vòng tay có cả bầu vú mẹ, hoặc bềnh bồng trong tiếng tao nôi, tiếng võng tre kẻo kẹt trưa hè. Ðó là một hình thức diễn xướng dân gian trong một phạm vi hạn hẹp là gia đình, nhân rộng ra ở hầu khắp các gia đình thành ra tài sản của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc. Có hàng trăm, hàng ngàn câu hát ru dựa trên lời ca dao. Người mẹ đã nhỏ từng giọt tình thương và công đức của ông bà (một cách vô thức đối với trẻ nhưng đầy ý thức với lớp anh chị nó, cũng đều là những tâm hồn và trí tuệ non nớt) bằng một âm điệu yêu thương da diết với những lời ru mộc mạc "bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn"... Và không chỉ có vậy, mẹ ru về tình làng nghĩa làng xóm, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Cứ thế, lời ru "ủ mầm", lớn dần lên theo năm tháng để thành người.

Loại hát này ở miền Bắc được gọi là hát ru, miền Trung ru con, miền Nam hát đưa em, ầu ơ ví dầu. Ở miền Bắc, hát ru dựa vào thang âm ngũ cung (do-ré-fa-sol-la-do). Miền Trung sử dụng âm giai tứ cung (do-fa-sol-sido), và miền Nam thì chọn âm giai ngũ cung (do-mi-fa-la-do). Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Nguyễn có so sánh về hát ru con Quảng Trị: “Điệu ru của đồng bằng Bắc Bộ với câu dẫn vào bài dài thuộc cung bắc, giai điệu sáng và yên tĩnh, khởi đầu bằng những lưu từ à ơi… à ơi từ quãng 4 về quãng 3 xuống quãng 2 lên quãng 4 một cách tương đối đều đặn, thì hát ru Quảng Trị hoàn toàn ngược lại. Hát ru Quảng Trị thuộc cung nam, khởi đầu giai điệu bằng câu dẫn ngắn vút lên như ngưng đọng ở quãng 7 rồi trượt xuống quãng 2, âm nhạc nhanh chóng đưa người nghe nhập vào một nỗi buồn man mác”. 
Về hình thức, một câu hát ru, một bài hát ru bao giờ cũng được mở đầu bằng giai điệu với hai tiếng "À ơi...", " Ru em...", điển hình là "Ru hời... ru hỡi... là ru...": 
- À ơi... Ði mô đem thiếp đi cùng/ Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp theo... 
- Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng/ Ðói lòng lên động ăn sim/ Xuống khe uống nước đi tìm người thương. 
- Mẹ thương con ngồi cầu Ái Tử/ Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu/ Chiều chiều bóng xế trăng lu/ Ve kêu mùa hạ mấy thu gặp chàng. 
- Ru em, em théc (ngủ) cho muồi/ Ðể mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Ðơn Duệ mua trầu chợ Do. - Ru em cho tới nhà Hồ/ Em mua trái mít, em bồ trái thơm/ Trái thơm là trái thơm non/ Ðem về làm mắm, ăn chon (giòn) như dừa.  
- Ru hời ru hỡi là ru.../ Bên cạn thì chống, bên su thì chèo/ Chắc (mình) em vừa chống vừa chèo/ Không ai tát nước đợ (đỡ) nghèo em ra. 
- Gánh cực mà chạy lên non/ Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo… 
- Chồng chèo vợ lại buông câu/ Lân la sông Vịnh, nuôi nhau tháng ngày v.v…. 

Bất kể dân tộc, vùng miền nào hát ru con cũng luôn là bài hát có chức năng kép, ru cho trẻ ngủ và ru cho nỗi lòng của mẹ. Từ nổi vui buồn của lòng mẹ/ của người ru, những khúc hát ru (dựa trên ca dao) nhanh chóng thẩm thấu, đưa người nghe nhập vào một nổi buồn man mác. Ở đó, nói như nhà văn Xuân Ðức, giai điệu buồn, lời thơ buồn, không gian buồn, cái khối buồn man mác ấy được cất lên nơi làng quê, ở đó có không gian hiu quạnh, trầm mặc, có cuộc sống heo hút, ít giao lưu. Ở đó, tiết tấu đời sống chậm chạp, tâm lí con người tế nhị, ứng xử xã hội lấy đạo lý làm gốc. Bởi nếu không phải vậy thì không sao có được sự ngọt ngào êm dịu, man mác buồn của điệu ru. 
Hát đồng dao 
Có người cho rằng hát ru và đồng dao là một thứ “sách giáo khoa” dễ học mà thú vị, thấm thía nhất do trường đời cung cấp cho đứa trẻ từ khi còn nằm nôi cho tới khi lớn dần lên háo hức muốn tìm biết vạn vật quanh mình. Đồng dao là những khúc hát được sinh ra ngay trong khi trẻ thơ chơi các trò chơi do chúng nghĩ ra. Nó dễ học, dễ chơi mà thú vị bởi những câu chữ tưởng như ngô nghê, trò chơi đơn giản nhưng là những bài học đầu đời. Cũng có khi đồng dao là những khúc hát do người lớn bày ra cho trẻ, nhưng khi tiếp nhận ngay lập tức sẽ bị đồng hóa thành đồng dao của lứa tuổi thơ. 
Ðồng dao thường đi kèm với các trò chơi dân gian. Về mặt âm nhạc, những khúc hát đồng dao chỉ chú trọng đến nhịp điệu, tiết tấu có tính chu kỳ, phù hợp với ngữ âm, thổ ngữ từng vùng. Do yếu tố mang tính đặc thù là thổ âm/ thổ ngữ này mà Quảng Trị có rất nhiều dạng hát đồng dao kèm trò chơi khác nhau như Ðếm sao, Mèo cụt, mụt kèo, Cá đối, cối đá, Cam tươi, cươi tau, Bằm măng, xắt măng... Ðơn cử 3 trò chơi từ dễ đến khó. 
Trò chơi 1: "Cá đối, cối đá"; lời bài hát đồng dao như sau: 
Một con cá đối, nằm trong cối đá 
Hai con cá đối, nằm trong cối đá 
Hai con cá đối, nằm trong cối đá 
Ba con cá đối, nằm trong cối đá 
Bốn... 
Năm... 
Những đứa trẻ đua nhau lấy hơi cho tốt, nói và hát mãi một bài đồng dao 2 câu nói trên càng nhanh càng tốt, miễn nói cho tròn vành, rõ chữ, không nhầm, không lắp, không ngọng nghịu là được. Ai đếm được nhiều trong một hơi tròn vành, rõ chữ người đó thắng. 
Trò chơi 2: "Ðụa mụ, đụa tui" (có nghĩa đũa bà, đũa tôi), có lời như sau: 
Ðụa mụ đụa tui 
Ðụa mụ đầu mui 
Ðụa tui đầu lái 
Ðùa đi đùa lại 
Cũng tại đụa tui... 
Lời bài hát này chứa đựng 16/16 từ địa phương. Trò chơi yêu cầu nói/ hát nhanh nên rất khó phát âm, đứa trẻ không nhanh trí, thông minh rất dễ nhầm lẫn và nói lắp. Ai nói được nhanh, dài mà không lắp, không ngọng, không nhầm là người đó thắng. 
Trò chơi thứ 3: "Trải chiếu". Lời bài hát đồng dao như sau: 
Trải chiếu ra đôi ta nằm với 
Ðôi ta không nằm lại cuốn chiếu đi 
Lạy cha ba lạy một quỳ 
Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng. 
Trong trường hợp này người chơi ôm chiếc chiếu cuộn tròn, vừa hát lời bài đồng dao nói trên vừa làm một loạt động tác trong lời: trải chiếu, nằm, vùng dậy cuốn chiếu, quỳ lạy bố mẹ... Tất cả gói gọn trong một hơi, nửa hơi thậm chí 1/3 hơi quả thật là khó. Song ai làm được mới là người tài giỏi, vô địch. 

Trước cách mạng tháng Tám 1945, quê nhà chưa có những bộ môn nghệ thuật như kịch, phim ảnh, phát thanh truyền hình bây giờ. Vậy mà tự con trẻ (trong đó có việc sắp đặt của người lớn) đã tạo ra trò hát đồng dao để rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng. Ðó là việc vận dụng và phát huy nhanh, tái tạo gấp những nhận thức đầu đời dù rất ngây thơ vào những trò chơi. Đặc biệt là rèn luyện và thao tác nhiều kỹ năng về mặt ngôn ngữ như nói cho tròn vành rõ chữ, nói thật dài hơi, nói không lắp, không ngọng nghịu, nói thật hoạt bát trong mọi tư thế sinh hoạt và lao động cho người khác nghe được, hiểu được. Cái câu thành ngữ "Học ăn, học nói, học gói, học mở" không phải chỉ có nghĩa bóng mà cả nghĩa đen, nên tìm cách phục hồi lại lối hát đồng dao phong phú, đa dạng và bổ ích này cho con trẻ. 
Thuở ấy, cứ đến mùa trăng là những đêm vui nhất để trẻ tụ tập, tái tạo những công việc, những khúc hát, những sinh hoạt của người lớn vào trò hát đồng dao. Những bài học lịch sử, biến động xã hội, trẻ em có trò: Chi chi chành chành/ Ba vương ngũ đế…. Người lớn đi tìm thầy thuốc, trẻ em có trò: Rồng rắn lên mây/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không?... Người lớn hát dao duyên, trẻ em có trò: Ngồi đu đưa/ Giày mo nang/ Gái qua đàng/ Gặp chàng cưỡi ngựa… Chỉ vậy thôi cũng đã thấy trẻ em bị ảnh hưởng từ sinh hoạt, tư cách, công việc của người lớn đến đâu. Và người lớn, khi nghe trẻ hát đồng dao cũng là cách cảnh tỉnh đến sinh hoạt của mình. 
Hát Vè 
Có người cho vè là một dạng “báo nói” do dân gian sáng tác và truyền khẩu nhằm phản ánh kịp thời các sự kiện nóng bỏng, điển hình trong đời sống sinh hoạt của làng xã, của địa phương, dân tộc. Nó là kho tàng chứa đựng những tri thức dân gian về tự nhiên và xã hội, dưới hình thức bắt vần để đưa về các khuôn dạng ổn định, dễ nhớ, dễ thuộc. Kể vè có hai dạng là kể vè và hát vè (riêng phần kể vè đã trình bày trước ở mục Tự sự dân gian, nay trình bày thêm phần hát vè). Về mặt hình thức ca từ có vè bốn chữ và vè song thất lục bát. Ca từ bốn chữ xếp vào loại nói vè hay kể vè; song thất lục bát thì gọi là hát vè. Nó rất được trẻ con và người dân lao động gắn bó, ưa chuộng bởi tiết tấu giản đơn nhưng không phải không kém phần hấp dẫn bởi cốt truyện của nó. 
Kể vè, nói vè chỉ dựa vào hai tiếng phách được gõ đều đặn gọi là phách trường. Người kể vè cứ thế mà diễn xướng: “Ve vẻ vè ve/ Nghe vè thằng Bợm/ Nấu ăn cho sớm/ Ra tắm biển Ðông/ Ðạp nhằm xương rồng/ Lôi lên chín khúc/ Ðạp nhầm ông núc/ Trúc cổ xuống cầu/ Gặp mệ bán dầu/ Dầu trơn lây lẩy/ Gặp mệ bán giấy/ Giấy mỏng tanh tanh/ Gặp mệ bán chanh/ Chanh chua léc léc...”. Với một cốt truyện kể hấp dẫn dẫn dắt, lối kể vè bốn chữ cứ thế lôi cuốn người nghe. Trong khi hát vè đã có sự thay đổi lớn về kết cấu ca từ lẫn tiết tấu, nghĩa là về mặt âm nhạc đã được nâng lên ở một trình độ nghệ thuật cao hơn. Hát vè có phần hát dẫn, thường là câu thơ lục bát có thắt - mở, tự do luyến láy nhưng đến chữ thứ sáu, câu tám người hát xi - nhan, ngân lên dài ngắn để dàn nhạc vào đúng phách nhịp. Ở phần thân, hát vè luôn biến tấu âm hình đan xen giữa những âm hình đơn giản với những âm hình phức tạp. Bao giờ câu kết cũng hấp dẫn người nghe nhất bởi đột ngột thay đổi giai điệu mà theo nhà nghiên cứu âm nhạc Ðặng Nguyễn là lối "láy giàng xay", lối láy 4 nốt - nốt thứ tư trở lại nốt cao độ khởi đầu. Với lối hát vè, đã có sự tham gia của các loại nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, cặp sanh, hai chiếc chén con, người đánh vừa giữ nhịp vừa lắc rây tạo ra một thứ âm thanh vui nhộn. 

Có thể nói, nhờ vào sự tham gia của dàn nhạc, sự thay đổi tiết tấu của bộ gõ, những âm hình phức tạp mà hát vè trở thành lối hát được nhân dân ưa chuộng. Một thể loại âm nhạc dân gian song thường xuyên có mặt trên các sân khấu chuyên nghiệp. Và gần đây ở Việt Nam, có nhiều nhóm nhạc trẻ đã chuyển hát vè thành nhạc Rap rất được ưa thích. 
2.1.1.2- Về các điệu hò: 
Có người cho rằng, hò là do từ chữ “hô” mà ra, có nghĩa là làm cho giọng mình mạnh hơn. Do đó, hò thường đi đôi với lao động, với những công việc nặng nhọc. Ở Quảng Trị trước 1945 có nhiều điệu hò đặc sắc, với lối ca hát tự nhiên và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Ra đồng ruộng có Hò Ðập đất, Hò Cấy lúa; lên rừng có Hò Ðẵn gỗ, Hò Kéo gỗ; ra sông có Hò Mái nhì, Hò Mái đẩy; vào trong làng mạc thôn xóm có Hò Xay lúa, Hò Hụi, Hò Giã gạo... Ngoài ra, còn có hò trong lễ hội, trong tang ma. Người hò chính gọi là “hò cái” hát kể một đoạn gọi là xướng thì toàn thể những người phụ họa (gọi là “hò con”) hát xô "là hụ là khoan" để làm tăng sức mạnh khi làm việc và hướng sự tập trung của những người tham gia lao động vào sự nhịp nhàng của tay chèo, vồ đập đất hay chày giã gạo. Lớp trống hay vế kể thì do một người hát, còn lớp mái hay vế xô thì do toàn thể phụ họa. Người xướng là người có tài ứng khẩu, bẻ làn, dẫn dắt cuộc hò thật sáng tạo, linh hoạt hấp dẫn. Trước những năm 1945, ở Quảng Trị có nhiều nghệ nhân hò ưu tú mà ông Thợ Thiềm là một nghệ nhân có tài ứng tác và bẻ điệu điêu luyện trong hò đối đáp. Những đêm hò giã gạo ở Triệu Phong, Đông Hà muốn được hay, hấp dẫn phải lên Cùa đón ông về tham gia. Cuộc hò nào có ông dự phần vào cũng sôi nổi, hấp dẫn và để lại nhiều giai thoại, nhiều “ngón nghề” kinh điển. 
Miền Trung là nơi tập trung của nhiều loại hò và nhiều giai điệu hơn hai miền Nam, Bắc. Trong khi chèo thuyền, chúng ta còn được nghe các loại hò mái xấp, hò mái nhì, hò mái đẩy. Có giả thuyết cho rằng “mái” có nghĩa là mái chèo, và còn có giả thuyết khác nữa cho rằng “mái” là đàn bà đối với trống là đàn ông. Còn “xấp” có nghĩa là mau hơn, “nhì” có nghĩa là đôi, là phải hát hai lần, còn “đẩy” có nghĩa là làm cho thuyền đi tới. Ở Trị - Thiên còn có hò mái ba nghĩa là phải hát ba lần. 
Hầu hết các điệu hò kể trên đều là hò lao động. Chức năng lao động biểu hiện rõ nét ở nhịp điệu các điệu hò là luôn hướng sự tập trung của người tham gia lao động vào sự rập ràng của thao tác (sự nhịp nhàng của tay chèo, tay vồ đập đất, tay chày giã gạo...). Hò đối đáp (đâm bắt) thường là hò đối giữa trai gái có tính cách đùa giỡn, chọc ghẹo, tỏ tình; là sự giao cảm nam, nữ trong quá trình làm cho người ta quên đi những thời khắc nặng nhọc của công việc. Nó gây sự hứng khởi mạnh mẽ trong sáng tác và phút hứng khởi đó là phút thăng hoa mang tính tập thể trong sáng tạo các điệu hò. Các điệu hò lao động đều có tiết tấu sôi nổi, nhịp hai/ nhịp tư và thường là điệu thức Bắc, Xuân, Nam (không thấy có điệu thức Ai hoặc Oán). Tiêu biểu cho các điệu hò vùng Quảng Trị là Hò Giã gạo. Nói tiêu biểu là vì trình thức sinh hoạt của lối Hò giã gạo mang tính chương trình, thể hiện qua 3 hoặc 4 chặng sau: Chặng 1: Hò chào, hò hỏi (thường ngắn, có tính chất mở đầu, chức năng chỉ là cầu nối) - Chặng 2: Hò đối đáp, Hò đố, Hò đâm bắt (sôi nổi, say sưa, cao trào/ tái hiện lại không khí lao động của các tay hò) - Chặng 3: Hò ân tình (đằm thắm, sâu lắng, thiết tha/ biểu hiện chức năng giao duyên nam nữ) - Chặng 4 (kết thúc): Hò giã bạn (hát tiễn/ không dài nhưng quyến luyến, bịn rịn, ray rứt đến xót xa). Nhờ vậy mà các điệu hò Quảng Trị có giai điệu hay, lối ca hát tự nhiên và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. 

Một trong những sinh hoạt diễn xướng mới phôi thai, tức còn dựa vào chất liệu là ca dao nói về tình cảm đôi lứa gọi là hò đối đáp (đâm bắt) dưới đây là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian trữ tình độc đáo của người dân Quảng Trị. Vào những đêm trăng thanh bình, trai gái sau một ngày làm lụng, tối đến gái hoặc giã gạo, hoặc dệt vải, trai làng đến chơi là thành một cuộc hò đối đáp. Mở đầu cuộc hò thường là những câu hò chào mời của mấy cô thôn nữ, ví như: Chập choạng bóng trăng em xem chưa rõ, 
Chập choạng bóng đèn em ngó chưa tường, 
Dáng ai như dáng người thương, 
Không vô đây phân giải một đôi đường cho em hay. 
Sau thủ tục chào mời là họ bước vào cuộc hò đối đáp. Hò đối đáp nam nữ thể hiện tài ứng đối lẹ làng, thông minh và sắc sảo của con người vùng đất này. Những câu hò vừa dân dã mà trí tuệ, vừa mộc mạc mà vẫn đủ tích truyện chữ nghĩa chẳng kém gì anh khoá anh đồ, có khi căng thẳng đến mức không thiếu phần xấc xược, kiêu bạc, cũng có khi láu lỉnh thông tục nhưng rất tinh tế: 
- Anh mất chi một tiếng chào, 
Chào qua trước được ngộ có xa nhau cũng đành. 
- Bởi mối manh chưa rõ, 
Thầy mẹ đứng đó anh nỏ dám chào, 
Thuyền quyên chớ vội trách anh hào vô tâm. 
Rồi họ hỏi tuổi tác của nhau: 
- Hỏi em mấy tuổi nói ra, 
Đừng bắt anh đi bói đi khoa tốn tiền. 
- Bông hoa thơm iếng iếng nhị vàng, 
Non Đoài tắt lả, sông Giang đỏ đèn. (Câu cuối có nghĩa là lúc hoàng hôn, tức giờ Dậu, suy ra cô gái tuổi Dậu, cung Đoài, mạng Hỏa). Ai dám nói thôn nữ ít học, không thông minh? 
Buổi hát đã dài mà như chưa đạt kết quả, cô gái mới khiêu khích: 
- Lui về mà ngủ kẻo khuya, 
Xấu chuôm cá nỏ vô đìa thì thôi. 
- Xấu chuôm anh bỏ chuôm thêm, 
Ban ngày anh bắt, ban đêm anh mò. 
- Mò thì mò hến mò ngao, 
Đừng mò bọp bọp nước xao vô mồm. 
- Nước xao thì mược nước xao, 
Hai chân anh chọi, đòn sào anh đâm... 
Chàng trai cũng đã cao tay ấn, không ngờ cô gái lại vận dụng thủ thuật “nói lái” vào vế đối, đẩy cuộc hò lên cao trào: 
- Con mang lên côi rừng con mang chết đói, 
Con mang xuống đưới(dưới) hói nỏ biết ăn chi, 
Nam nhơn chàng đối đặng thiếp thưởng bì rượu ngon!... 
- Con mang lên côi rừng con mang “đạn rú”, 
Con mang về hạ thú con mang “trốn lùm” 
Nam nhơn đà đối đặng, sướng vô cùng thiếp ơi!... 
Không ngờ chàng trai lại quá ranh mãnh, nhanh nhẹn hơn cả người ra vế đối, vậy mà cô gái vẫn chưa tha: 
- Thiếp với chàng không giận nỏ thù sâu, 
Cớ răng chàng cứ lắt bí hái bầu của em? 
- Thiếp không nghe: mất cơm thì ngờ đứa đói, 
Mất mói (muối) thì ngờ đứa lạt, 
Thiếp nói chạc rạc chàng nỏ biết chuyện chi, 
Ví chàng có trộm bầu hái bí, 
răng không bắt cho đặng cái khi đang trèo?... 
Chưa chịu lùi bước, cô gái còn đưa ra một chi tiết để bắt chẹt đối phương: 

- Anh đà có vợ có con, 
Đừng đem lòng tơ tởng mụt măng non cuối mùa. 
- Anh đây đà có vợ có con, 
Nàng thương anh cũng kiếm tí cho giòn, 
Rậm người hơn rậm của chớ anh có bỏ vợ con mô nờ!... 
Cố ý gài và ra sức gỡ bao giờ cũng là lực hút của cuộc hò. Nhiều câu hò ác hiểm, vừa ngạo vừa có ý tục mà kín đáo vô cùng. Ví như cô gái nọ ghẹo anh thợ mộc: 
- Anh làm thợ mộc khéo đã ra chi khéo, 
Đóng bức đố xéo xéo tài đã ra chi tài, 
Răng không giơ cái lưỡi chàng ra chắn mộng 
để thè lè ra ngoài rứa anh?... 
- Anh tính giơ cái lưỡi chàng ra chắn mộng, 
Mà thầy mẹ bên nhà khoát khoát khoan khoan, 
Nói để khi về móc áo, lỡ gác giàn treo khăn... 
Không khí hò đối đáp càng về cuối càng sôi động, có khi người ta không cần phải giữ ý tứ trong câu hò nữa, nhưng điều đáng nói là sau mỗi câu hò tục, hò xấc, người ta không hề giận hờn hay để bụng mà ngược lại họ cảm phục tài nhau, trân trọng sự thông minh mẫn tiệp của nhau. Vì vậy, cuối cuộc hò, họ thường quyến luyến, dặn dò nhau rất tình tứ: 
Chàng về thiếp dặn thêm câu, 
Ai kêu đừng đứng lại, ai trao trầu đừng ăn. 
Trong thực tế, nhiều cặp hò đối đáp về sau đã nên vợ chồng, họ yêu nhau rồi lấy nhau vì phục tài nhau, thuỷ chung với câu hò mà họ đã nghĩ ra, đã cất lên với tất cả tâm tình. Trong cuộc đời thực họ cũng khát khao một cuộc sống hạnh phúc, chứa chan tình cảm và thanh bình như câu hò của họ. 
Cũng cần nói thêm về một trong những thuộc tính khu biệt, có thể nói là thế mạnh về nghệ thuật biểu diễn của hò Quảng Trị là trong một không gian lao động hoặc một môi trường sinh hoạt nhất định, những nghệ nhân hò vừa diễn đạt nỗi niềm vừa đi tìm sự cảm thông, chia sẻ, giao lưu một của đối tượng đã nhìn thấy, hoặc một đối tượng “tiềm năng” luôn được chờ mong. Trong các dạng hò đối đáp hay đâm bắt, bao giờ lời buông ra cũng được mong chờ được đáp, được bắt; cố sức gài để được gỡ; ra sức đố ác hiểm để được chờ lời giải thông minh. Trong những sinh hoạt hò đối đáp dù đã được “trình thức hóa”, ổn định trong ba chặng hò được biết từ trước, song ở chặng nào cũng hứa hẹn những bất ngờ. Bất ngờ vì ý nhã lời hay khi dò hỏi nhau phút chào mời; bất ngờ vì hồi hộp gay cấn do bị đố, bị gài; bất ngờ vì những tình ý bâng khuâng, vương vấn lúc sắp chia tay, giã bạn. 
Rất tiếc là trong tiến trình đô thị hóa, môi trường lao động cũng như sân khấu của các điệu hò nói trên không còn “đất” để tồn tại. Vài thập niên trở lại đây, ngành Văn hóa-TT-DL có chủ trương phục hồi trong các chương trình "Làng vui chơi, làng ca hát" song không thể nào sinh động và phong phú bằng ngày xưa được.

2.1.1.3- Về các điệu lý: 
Dân ca Bắc Bộ không có hình thức hát gọi là Lý. Lý chỉ tập trung nhiều và khởi nguồn từ vùng Quảng Trị vào tới Nam Bộ. Nếu nói xứ Huế xưa là vùng đất từ Đèo Ngang đến Hải Vân thì vùng phía Bắc tức Quảng Bình ngày nay không có Lý, Lý chỉ có từ Quảng Trị trở vào. Có người đặt vấn đề, phải chăng lý ra đời từ khi Nguyễn Hoàng đóng dinh thự ở Quảng Trị? Hiện chưa đủ chứng cứ để lý giải về nguồn gốc lý nhưng có một điều chắc chắn Lý có mặt trong lòng người Quảng Trị từ rất lâu đời. 

Lý trong diễn xướng dân ca nói chung là loại hình gồm những bài bản nhỏ gọn, đề cập một cách súc tích, hồn nhiên, ngẫu hứng và nên thơ về một hiện tượng nào đó (sự vật, cảnh trí xung quanh…) mà mở rộng ra các vấn đề nhân sinh, với một giọng điệu kín đáo, nhiều ẩn ý, uẩn khúc. Người ta thường “lý” những câu ca dao (lý dùng như một động từ) vốn đã được tách ra tương đối độc lập từ sinh hoạt dân ca và trau giũa thêm cho đẹp đẽ hài hòa, nhất là về khúc thức. Tất cả các điệu Lý (Lý chiều chiều, Lý hoài nam, Lý năm canh, Lý tiểu khúc, Lý hành vân, Lý chuồn chuồn, Lý qua đèo, Lý tình tang, Lý giao duyên vv…) đều là những câu ca dao lục bát, người hát lý dùng nó để giải bày với người nghe những uẩn khúc nhất trong lòng mình. Một vài ví dụ: 
- Chuồn chuồn mắc phải nhện vương 
Đã chót dan díu thì thương nhau cùng (Lý Chuồn chuồn) 
- Ai đưa con sáo sang sông 
Để cho con sáo sổ lồng bay xa… (Lý con sáo) 
- Canh một thơ thẩn vào ra 
Chờ trăng trăng xế, chờ hoa hoa tàn…(Lý Năm canh) 
- Chiều chiều dắt bạn qua đèo 
Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni(Lý qua đèo); 
- Ðố ai quét sạch lá vàng 
Giang tay đón gió, gió đừng rung cây (Lý tình tang) v.v… 
Tất cả các điệu Lý đều là khúc hát của niềm thương, nỗi nhớ, là khúc hát nhân ái, tình cảm chắt lọc nhất của người dân Quảng Trị nên Đặng Nguyễn đã xếp lý vào loại hát tự sự, rất giống chức năng 2 của hát ru là hát cho mình và hát để bộc bạch nỗi niềm của riêng mình. Về cấu trúc, Lý thường được hát trên các thể thơ lục bát hoặc tứ tuyệt. Lý thường có lối tiết tấu đều đặn nằm ở nhịp hai, nhịp tư, với giai điệu đẹp, đượm một nét buồn mênh mang ở điệu thức Nam và Ai. 
Lý thực sự đã đạt được thứ bậc cao trong ca hát dân gian. Lý là tác phẩm âm nhạc dân gian khắc họa rõ nét nhất chiều sâu thẳm tâm hồn của mỗi cá nhân trong cuộc sống cộng đồng. Cùng với hát ru, hát đồng dao, hát vè và các điệu hò, lý là những viên ngọc được nhân dân mài giũa trong quá trình sống, lao động và sáng tạo. 
2.1.2- Loại hình diễn xướng dân gian (nửa sân khấu):  
Đã từng có một đoàn tuồng Chợ Cạn và gánh hát trùm Bá là những loại hình diễn xướng dân gian nửa sân khấu tồn tại ở Quảng Trị. Tuồng Chợ Cạn và gánh hát trùm Bá trong quá trình trưởng thành từng thâu thái nhiều yếu tố dân gian và mở rộng vùng ảnh hưởng nhưng vì hậu quả nặng nề của chiến tranh, ly tán, hủy diệt nên cũng đã lụi tàn. 
Tuồng chợ Cạn 
Trong Đề án có tên “Nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục nghệ thuật tuồng chợ Cạn” (bản vi tính, 1996) TS. Nguyễn Bình có nêu ra ba giả thiết: “Có ý kiến cho rằng Tuồng chợ Cạn được hình thành dưới thời các chúa Nguyễn. Quảng Trị là điểm dừng chân đầu tiên của chúa Nguyễn, Thủ phủ Ái Tử (1558-1570) đến Thủ phủ Trà Bát (1570-1600) và Dinh Cát (1600-1626). Trong 68 năm tồn tại trên đất Quảng Trị trước khi thiên di vào Phú Xuân, những lớp người đầu tiên đã mang nghệ thuật dân gian tuồng ở Bắc vào để tự diễn cho nhau xem, để làm khuây khỏa vơi đi nỗi nhớ về cố hương, lối diễn sơ khai này có thể là Tuồng đồ (như là một thứ hát bộ, sau dần nâng lên Tuồng pho và Tuồng thầy). Có người cho rằng tuồng chợ Cạn được hình thành dưới triều Vua Tự Đức (1848-1883) một ông vua giỏi văn chương và mê các loại hình nghệ thuật đặc biệt là tuồng. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tuồng chợ Cạn Quảng Trị xuất hiện khá muộn vào những năm đầu thế kỷ XX mà cụ thể là dưới thời vua Khải Định (1916 - 1925)”. 

Theo lời kể của nghệ sĩ Xuân Lư và công chúng lớn tuổi trong vùng thì địa bàn hoạt động của tuồng chợ Cạn trước hết dựa vào lợi thế những phiên chợ Cạn mười ngày nhóm họp một lần. Khi có công chúng tập trung tấp nập đông đúc thì đoàn tổ chức biểu diễn. Về sau lưu diễn ở các đình chợ trong tỉnh như đình làng Câu Nhi (Huyện Hải Lăng), Chợ Phiên (Cam Lộ), Chợ đình Bích La (Triệu Phong), chợ đình Mai Xá (Gio Linh)... Có năm đoàn tuồng chợ Cạn ra tới Quảng Bình, đặc biệt hơn là những chuyến được mời vào Huế diễn. Lúc cụ Thất Luận làm trưởng đoàn tuồng chợ Cạn thì số diễn viên và việc phân bổ các vai diễn như sau. Vai kép: Ông Thất Luận (tên thật là Trần Thất Luận ở làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn) vừa là trưởng đoàn kiêm đạo diễn, diễn viên; ông Kiểm Ứng (tức là Trần Ứng làng An Phó); ông Trần Hùng; ông Trần Công Đốc; ông Huỳnh Tỵ; ông Trần Lạng (tức Bát Lạng ); ông Lê Trong; ông Lê Thẻ (Cửu Thẻ ); ông Trần Dục ( làng An Lưu vai hề ); cụ Thiệp... là những nghệ sĩ, diễn viên chủ chốt của đoàn. Vai Đào: Cô Trần Thị Huế (con ông Trần Công Đốc); cô Trần Thị Kiến; bà Đốc (vợ ông Trần Công Đốc); cô Lê Thị Huế; cô Trần Thị Liễu, bà Trần Thị Nậy... là những nữ nghệ sĩ, diễn viên chủ chốt của đoàn. Nhắc tuồng: Ông Diệu Sâm. Ngoài ra còn có thành phần chạy hiệu và đặc biệt là các nghệ sĩ, đào kép các nơi khác được đoàn mời về tham gia. 
Trong những năm hoạt động sôi nổi, đoàn đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong quần chúng nhờ những vai diễn đặc sắc. Phần lớn các vỡ diễn này rút từ tích tuồng dân gian như “Thạch Sanh Lý Thông”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lâm Sanh Xuân Nương”… bên cạnh một số tích truyện phổ biến của Trung Quốc như “Mạnh Lệ Quân”, “Tam Hạ Nam Đường”, “Tam Quốc”, “Tây Du”… Một số vỡ bi hùng khác lấy đề tài từ trong những cuộc tranh chấp, chính tà để giành ngôi báu rất thích hợp với khán giả đương thời như “Đào Phi Phụng”, “Tam Nữ Đồ Vương”... Đặc biệt vỡ tuồng “Sơn Hậu” là vỡ tuồng đặc sắc của đoàn tuồng Chợ Cạn. Các nghệ nhân thủ vai chính trong vỡ này vẫn được quần chúng truyền tụng và nhắc đến với lòng ngưỡng vọng, đó là nghệ sĩ Thất Luận (vai Phân Định Công); nghệ sĩ Kiểm Ưng (vai Tạ Ôn Đình); nghệ sĩ Trần Dục (vai Khương Linh Tá); nghệ sĩ Trần Hùng (vai Đổng Kim Lân)... 
Nhà hát tuồng chợ Cạn (còn gọi là ca trường) được xây dựng theo kiểu nhà hát dân gian truyền thống gần giống với trường hát Đồng Xuân Lâu ở Huế. Trang trí sân khấu được thể hiện đẹp đẽ công phu nhưng thường chỉ vẽ một cảnh, không thay đổi và không có các loại phông màn khác. Nhạc cụ đoàn tuồng Chợ Cạn thường được sử dụng là hai trống chầu đặt hai đầu, trong những lần biểu diễn người cầm chầu là một khán giả thạo tuồng được đoàn mời, chủ yếu là đánh trống thưởng (thưởng có tiền thì giục một hồi, khen nghệ thuật diễn thì điểm một trống). Trống chầu được đặt trên chòi, ngoài ra nhạc cụ còn có thanh la, đàn bầu kèm sanh sứa (sứa làm bằng sừng trâu kêu rất trong tiếng). Về điệu thức, chủ yếu sử dụng các làn điệu như Nam, Khách, Tẩu mã. Nam có Nam thương, Nam bình, Nam ai... tùy theo tâm trạng mà dùng; Khách là làn điệu vương trượng, sang trọng thường dùng cho tướng lĩnh, vua chúa; Tẩu mã là làn điệu dùng khi ra trận, chinh chiến, theo tiếng vó ngựa... 
Đoàn tuồng chợ Cạn nổi tiếng nên nhiều lần được mời vào kinh đô biểu diễn; nhiều nghệ sĩ là diễn viên đoàn tuồng chợ Cạn đã được triều đình Huế phong tặng phẩm hàm; và cá nhân nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Văn Luận nhiều lần được mời vào kinh đô không phải làm mỗi việc biểu diễn mà còn dạy tuồng hay nghệ sĩ Trần Xuân Dục cũng được mời vào làm trưởng đoàn múa hát cung đình Huế là đoàn Ba Vũ. Cho dù một thời gian dài, chịu sự chi phối, cuốn hút mạnh mẽ vào của kinh đô cũng không thể làm cho cái nôi của tuồng chợ Cạn vốn nổi tiếng phân tán, hòa tan. Chỉ có chiến tranh, ly tán mới làm thay đổi. 
Gánh hát trùm Bá 

Người dân làng Tùng Luật bao đời vẫn tự hào bởi làng yên vị trên thế đất “Phụng hàm thơ”, nghĩa là con chim Phụng Hoàng ngậm thơ trong miệng; thế đất sinh anh hào, tài tử, giai nhân. Từ trước đến nay Tùng Luật vốn đã là cái nôi văn nghệ dân gian mà đàn hát dân ca, hát sắc bùa, hò bá trạo từng đã nổi tiếng trong vùng. Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, Tùng Luật du nhập thêm nghề hát bội, sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh từ khi có “gánh hát trùm Bá”. Đã từng có một gánh hát trùm Bá vừa đạt tới đỉnh cao thì chiến tranh và ly tán cũng đã xóa tên vào những năm kháng chiến chống Pháp. 
Theo tác giả Trần Biên thì gánh hát và đội chèo Cạn làng Tùng ra đời trong khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, do cụ Nguyễn Hữu Bá (sinh năm 1840) hành nghề bốc thuốc chữa bệnh là người hay ra vào kinh đô Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, có lúc vào tận lục tỉnh Nam kỳ sáng lập ra. Trong các cuộc chu du ấy, ông Bá được xem tuồng của các gánh hát từ Quảng Nam trở vào. Từ xem đến say, từ say đến mê, từ mê đến lần mò học hỏi, một vài năm sau ông nắm bắt được bí quyết của nghệ thuật tuồng. Trở về quê tiếp tục làm nghề thuốc bắc nhưng ông Bá vẫn dành thời gian truyền nghề hát cho con em trong gia đình, họ tộc và làng mạc. Những nghệ nhân đầu tiên của gánh hát trùm Bá có các ông Nguyễn Như Tính (đánh trống, thổi kèn), Nguyễn Như Giản (sử dụng thành thạo năm loại nhạc cụ cổ truyền) và các bà Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Hạnh (trong đó ông Giản, bà Hạnh, bà Hòa là con đẻ của ông Bá). Bà Hạnh mất sớm, bà Hòa về sau lấy chồng ở Quảng Ngãi có con gái đầu lòng là NSND Lệ Thi. Ngoài con em trong nhà, ông Bá còn chọn thêm những người có năng khiếu đờn ca trong làng như các ông Trần Duyến (sau 1954 là nhạc công chương trình ca Huế Đài tiếng nói Việt Nam), Lê Não, Võ Cháu, Ba Mè (bố của NSƯT Châu Loan sau này), Nguyễn Khê, Phùng Đấu, Bát Đẩu, Trần Nóng, Lê Nãi. Gánh hát đầu tiên ấy có 14 diễn viên được lập ra vào lúc ông Bá bốn mươi tuổi, tức vào năm 1880. Gia tài của gánh hát ban đầu lèo tèo dăm bảy bộ quần áo, hia, mão và nhạc cụ đựng vừa vặn trong đôi bồ con và mấy vỡ diễn như Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Tạ Ngọc Lân lăn lửa, Giả dại qua đèo v.v… 
Cứ mỗi độ xuân về nếu như hai phủ Vĩnh Linh, Gio Linh không có làng nào tới rước gánh hát ông Bá về diễn thì họ lại dắt díu quẩy bồ cuốc bộ ra Lệ Thủy, Quảng Bình hoặc xuôi đò dọc vào tận Thừa Thiên - Huế diễn ở các làng, các rạp hát kiếm tiền. Đến lúc tiếng chim tu hú lảnh lót gọi bầy ở các vườn nội, lúa chiêm uốn câu ngã màu vàng nhạt ngoài đồng, các nghệ nhân lại khăn gói trở về bến Tân Sài (là làng Tân Trại ngày nay); trở về với đồng ruộng, lưới chài, nương vườn để rồi mùa xuân năm sau lại từ đây lên đường lưu diễn chuyến khác… Từ những chuyến lưu diễn mà nghệ nhân được mở rộng tầm mắt bấy lâu bị giam hãm sau lũy tre làng, nay có dịp tiếp xúc, học hỏi thêm các làn điệu dân ca, nhất là các điệu lý và hò. Lớp nghệ nhân này không những tự học hỏi, trau dồi nghề nghiệp mà còn truyền dạy cho con cháu của mình… 
Tiếng tăm của gánh hát trùm Bá lan tỏa trong vùng nên được vua quan triều đình nhà Nguyễn mời vào thưởng ngoạn. Ông Đổng là nhạc công của gánh hát có tài nghệ thổi sáo được vua ban thưởng hàm “bát phẩm”. Chỉ tính riêng gia đình cụ trùm Bá đã có một người em, ba người con là nghệ nhân ưu tú, năm cháu nội ngoại là nghệ sĩ, bốn chắt nội ngoại là những ca sĩ và nhạc công, tổng cộng có mười bốn người theo đuổi sự nghiệp do cụ sáng lập. Chưa kể gia đình các cụ Ba Mè, Võ Cháu, Trần Duyến, Nguyễn Nghê... phần lớn con cháu của họ đều được dìu dắt để trở thành những nghệ sĩ tài năng. Riêng gánh hát trùm Bá, tuy không còn phiên chế để hoạt động chính thức nhưng trong vòng 30 năm (1954 - 1984), từ “cái nôi” này đã cung cấp đào tạo cho các đoàn Nghệ thuật Trung ương và các tỉnh thành 42 diễn viên ca Huế, dân ca và nhạc công. Trong đó có nghiều nghệ sĩ đạt tới đỉnh cao nghệ thuật được Nhà nước phong tặng danh hiệu như cố NSƯT Châu Loan, cố NSND Lệ Thi, NSND Kim Quý, NSƯT Sĩ Cừ, NSƯT Kim Phú, cố NNƯT Ái Chủng, và nhiều nghệ sĩ tài danh khác như Trần Duyến, Châu Dinh, Châu Phụng, Bích Nồng, Thu Sen... Không ít người trong số họ từng được vinh hạnh vào Phủ Chủ tịch hát những làn điệu dân ca miền Trung cho Bác Hồ nghe, được Bác khen ngợi... Nhưng đó cũng đã là những vinh quang của một thời vàng son quá vãng. 

Cũng không trách cứ chi chiến tranh, vì ngay trong thời bình nhiều bộ môn nghệ thuật trình diễn dân gian nửa sân khấu như hát sắc bùa, chèo Cạn (hát bá trạo) cũng đã mai một mà bóng hình của nó còn lưu lại ít ỏi ở bài hò đưa linh. 
Chèo cạn và hò đưa linh 
Có một hình thức diễn xướng nửa sân khấu phục vụ nghi lễ đám tang mang đậm tính dân gian là hò đưa linh. Bản thân các sinh hoạt nửa sân khấu ấy đã thu hút, vận dụng, nhào nặn nhiều nội dung, làn điệu, quy cách xướng - xô của dân ca để đưa chúng vào thể thức diễn xướng nghi lễ theo một trình thức ổn định nhưng trong quá trình diễn xướng vẫn có hàng loạt các sáng tác dân gian do ứng tác hoặc hứng tác linh hoạt ùa vào. 
Hò đưa linh là hình thức diễn xướng tổng hợp, bao gồm hò, hát, múa tuồng, múa võ và tấu nhạc. Hò đưa linh có kết cấu theo kiểu lý, là loại kết cấu nhạc tự sự rất thuận lợi đế ứng dụng phương pháp sân khấu kể chuyện dân gian. Ở Quảng Trị hiện còn các đội nhạc cổ truyền phục vụ đám tang gọi là hát Bá trạo (bá: nắm, trạo: chèo đò) hay Chèo cạn (chèo ở trên cạn) ở Tùng Luật (gọi Chèo cạn làng Tùng), Mai Xá (gọi Chèo cạn làng Mai). Do diễn xướng trên cạn nên đội hình của các bá trạo được sắp xếp đúng chiếc thuyền cách điệu và được trình diễn trên một phạm vi rộng lớn là sân đình. Phiên chế mội chèo cạn gồm có 15 người (1 ông lái, 1 ông mũi, 1 ông tát nước, 12 ba trạo). Các nghệ nhân người cầm chịch, người cầm chèo, người tát nước, người đứng mũi vừa làm điệu bộ chèo vừa nhịp nhàng hát theo những bè cao, bè thấp nhằm mô phỏng lại những chuyến đi biển của ngư dân. Người cầm chịch trong các đội chèo cạn bắt buộc phải hát thành thạo tất cả các điệu hò sông nước lẫn trên cạn. Ở đội chèo cạn làng Tùng còn giữ được nét đặc trưng như tay chèo của 12 bá trạo phải có ngoắc tay làm cho động tác chèo trở nên mạnh mẽ hơn nhằm tái hiện lại hình ảnh những người đi biển vượt qua sóng biển một cách sinh động nhất. Đồng thời chèo cạn ở đây còn kết hợp với hò lý ngư, hò mái đẩy để cho bá trạo lấy hơi. Trong phần hội lễ hội Cầu ngư, cầu mong cho dân làng thuận chèo mát mái, được mùa cá tôm ở Tùng Luật vào Rằm tháng hai hằng năm, ngoài hát tuồng, hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng là múa hát bá trạo diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Những câu hát diễn xướng trong lễ cầu ngư thông qua điệu hò mái nhì như “Cần câu trúc, ống câu trắc, lưỡi câu bạc mà chạc câu tơ/ Tôi móc miếng mồi tôm bạc thả xuống, con cá nọ hắn vẫn làm ngơ/ Huống chi bên tê/ Cần câu tre với chạc vải, thì ngồi chờ, ơ hơ hơ…. công với uổng ơ công…”. 
Ngoài lễ hội Cầu ngư, các đội Chèo cạn còn phục vụ trong các đám tang dưới hình thức hò đưa linh. Chèo cạn đưa linh rất có ý nghĩa trong các đám hiếu, bởi sự tinh tế trong vận dụng một loại hình sinh hoạt văn hóa có tính lễ hội vào trong đám tang. Với nhịp điệu đều đặn, kết cấu vuông vắn theo nhịp tư, giai điệu buồn, kể lể của người hò cái với những câu kiểu như “Vấn vương cái nghĩa cái tình/ Thương người đã khuất nên mình lệ rơi/ Nhớ khi vào lộng ra khơi/ Chén sóng bữa gió lưng phơi nắng trời...” và đặc biệt là 12 bá trạo vừa chèo vừa nhắc lại điệp khúc: “Hò là hò, đưa linh, đưa linh phản hồi…”. Minh họa cho lời hát là điệu bộ đau đớn của người hò cái từ lúc ở nhà, lúc chèo thuyền đưa linh trên sông đến lúc nện đất lấp mồ bên những người chèo thuyền vừa chèo thuyền vừa hát câu điệp khúc “Hò là hò, đưa linh, đưa linh phản hồi…” làm cho con cháu, họ hàng người thân càng đau đớn xót thương hơn trước công đức cao dày của người đã khuất đối với những người ở lại. Các tay chèo đều đặn lên xuống tạo ra cảm giác của chiếc thuyền bồng bềnh trên sông nước đưa linh hồn người quá cố đi xa, xa lắm về cõi vĩnh hằng. 
Con người ta vào đời bằng tiếng hát ru dịu dàng của mẹ để lớn lên thành người có lòng vị tha như chính tiếng ru ấy thì lúc lìa xa cõi đời, cũng ra đi trong nỗi niềm thương cảm của điệu thức ai oán mà người đời gọi là Hò đưa linh, khúc hát khép lại một đời người. Hò đưa linh, một khúc hát, một điệu hò khép lại một đời người đã góp vào kho tàng âm nhạc dân gian Quảng Trị một tiếng nói nhân văn sâu lắng. 
2.1.3- Âm nhạc cổ truyền và các loại nhạc cụ 

Từ thế kỷ XIV- XV trên vùng đất Quảng Trị, những nhóm lưu dân ra đi từ đất Bắc đến vùng đất mới trong những buổi đầu dựng nghiệp do phải đối mặt với thiên tai địch hoạ luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ: “Đến đây đất nước lạ lùng/ Nghe con chim kêu cũng sợ, nghe con cá vẫy vùng cũng run”. Tâm trạng đó thể hiện và lưu dấu lại trong các làn điệu ca dao, dân ca cổ. 
Trong bối cảnh lao động xây dựng quê hương trên vùng đất mới như thế, các thế hệ tổ tiên người Việt Quảng Trị ngoài việc giữ gìn dòng âm nhạc cổ truyền mang theo từ vùng đất sinh tụ lâu đời trên đất Bắc đã biết cách tiếp nhận, giao lưu với dòng nhạc của người Chăm bản địa để làm phong phú hơn cho nền văn hóa của mình. Sự cộng hưởng ấy, vô hình trung đã tạo ra một dòng nhạc dân gian mới, dòng âm nhạc dân gian Quảng Trị, sau này là âm nhạc cổ truyền Trị - Thiên, là âm nhạc cung đình Huế… 
Tuy đời sống của người dân Quảng Trị xưa không hẳn là sung túc, nhưng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, âm nhạc dân gian giữ một vai trò cần thiết. Từ miền ngược cho đến miền xuôi, hầu hết các làng bản đều vang vọng các làn điệu âm nhạc dân gian với các nhạc khí cổ truyền trong các dịp hội hè, đình đám. Chủ nhân của nền âm nhạc dân gian ấy chủ yếu là thường dân, ít có điều kiện hiểu biết về nhạc lý, chưa có trình độ thẩm âm cao nhưng vẫn có trực cảm hay dở, và hầu hết đều say mê thưởng thức, sáng tạo. Nhờ vậy mà hầu khắp trên các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Tp. Đông Hà là những địa bàn còn lưu giữ các sinh hoạt âm nhạc và nghệ thuật dân gian cổ truyền đậm đặc. Về đời sống âm nhạc còn lưu hành song song hai dòng âm nhạc đan xen nhau là dòng âm nhạc dân gian và âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền. 
Âm nhạc dân gian là sáng tạo tập thể, nó được sáng tác ngay trong quá trình lao động, người trình diễn, sáng tác đồng thời là người thưởng thức nghệ thuật. Như đã nói, những người Việt đi xây dựng miền đất mới, với bao khó khăn chồng chất trong cuộc sống, buộc họ phải hợp quần, đoàn kết nhau trong cộng đồng đa sắc tộc ở vùng đất mình cư trú. Quá trình sinh sống và lao động cũng là quá trình hoà trộn các dòng âm nhạc nơi quê cha đất tổ với các dòng âm nhạc thành dòng âm nhạc dân gian mới - dòng âm nhạc dân gian Quảng Trị. Âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp là sáng tạo cá nhân, thường dựa trên nền dòng nhạc dân gian đã nói. Người sáng tác, biểu diễn có khi là hai cũng có khi là một, trực tiếp biểu cảm nội tâm của mình đến người nghe. Nhà nghiên cứu Đặng Nguyễn cho rằng, người sáng tác âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp phải là người am hiểu âm luật, phải là người có tri thức văn hóa. Để học được âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp, các nghệ nhân xưa phải theo thầy nhiều năm và phải chịu sự giáo dục rất nghiêm khắc trong học nghề cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên âm nhạc cổ truyền tự bản thân nó cũng còn mang nặng tính dân gian, thể hiện rõ trong cách dạy truyền ngón, truyền khẩu và các sinh hoạt mang tính “thời vụ” của người hành nghề. Vì truyền ngón, truyền khẩu nên tính dị bản vẫn còn cao mặc dù họ cố bám chắc lấy cái gọi là lòng bản. Nhưng không vì thế mà đánh đồng hai dòng nhạc này với nhau. 
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, ở Quảng Trị hiện còn rất nhiều gia tộc, dòng họ hành nghề âm nhạc. Ở Phú Hải, có một dàn nhạc rất nhiều nhạc cụ, với nhiều bài bản cổ truyền biểu diễn trong tế lễ. Kiểm kê có 28 bài có tên gọi sau: 1- Chiêu, phát, hiệp 2- Thoắt được, thoắt vặt 3- Phần hoá 4- Kèn bạn 5- Nhịp ba bảy, 6- Chạm, chịu 7- Bình bán 8- Xàng xê 9- Tây mai 10- Đăng đàn đơn 11- Đăng đàn kép 12- Long âm 13- Phú lục 14- Nam sáp 15- Nam linh 16- Hát nam 17- Tam thiên 18- Mã vũ 19- Kim chiêu 20- Kim đàn 21- Tấn 22- Tán 23- Đờn hạ 24- Cung bường 25- Cung dựng 107 26- Hò mái nhì 27- Hò mái sắp 28- Hò lui thuyền. Tất cả những bản nhạc này đều được diễn tấu rất điêu luyện. 

Tiêu biểu nhất là ở làng Điếu Ngao, phường 2, Tp. Đông Hà. Hiện gia đình cụ Hoàng Ân còn giữ được cuốn Phả nhạc của dòng họ Hoàng. Phả nhạc là cuốn sách thiêng, do cụ tổ nghề truyền dạy cho dòng họ và con cháu hành nghề âm nhạc. Đời này sang đời khác, họ Hoàng vẫn dùng sách này dạy cho con cháu đúng theo tổ nghề. Phả nhạc là cuốn Ký nhạc, với ba cách ký nhạc cho 3 nhóm nhạc là ký nhạc cho đàn và hát, cho bộ gõ và cho kèn dưới hình thức Hán tự. Hán tự ghi hát và đàn nhằm biểu hiện cao độ của dàn nhạc. Hán tự ghi trống là tự biểu hiện âm sắc nhạc cụ. Hán tự ghi kèn là biểu hiện cả hai mặt âm sắc và cao độ. Các bài bản được phân chia làm ba loại: Thi nhạc (tức các bản hát và đàn thính phòng), Thiền nhạc (tức âm nhạc nhà Phật), Lễ nhạc (những bản nhạc hành lễ) trình bày rất mạch lạc. Toàn bộ cuốn Phả nhạc gồm 34 bài, chia làm 3 loại: Thi nhạc gồm các bài Lưu thủy, Long âm (quen gọi là Long ngâm), Đăng đàn, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Đăng đàn lớp, Phú lục đơn, Phú lục kép, Nam bình, Cổ bản, Hành vân, Phẩm tuyết bình bán, Tây mai, Xuân phong, Long hổ. 
Thiền nhạc gồm: Kèn chiến, Tẩu mã, Xàng xê, Trống quân, Công ai, Bài phát, Bài hiệp. 
Lễ nhạc gồm những bản nhạc hành lễ. 
Có thể nói, bài bản chính, tiêu biểu nhất của đội nhạc cổ Điếu Ngao là “Trống quân”, hòa tấu theo kỳ âm ba khúc thức: quân đại, quân tiểu và mở cờ. Biên chế của đội hòa tấu gồm số nghệ nhân kèn tương ứng với số nghệ nhân trống, có thể từ tối thiểu là 1 kèn + 1 trống lên đến trên dưới mười nghệ nhân. Trang phục truyền thống của nhạc công tróng là quần áo chẽn nón chóp đỏ như sắc phục lính xưa. Nhạc công kèn khoác áo dài đen, quần trắng, thắt lưng đỏ, chít khăn tím. Người đánh xập xoã mặc áo bà ba thắt lưng đen hay áo dài. 
Mở đầu buổi hòa tấu là một hồi trống đồng loạt vang lên, từng tiếng một, từ chậm rãi đến nhanh dần và dồn dập ở đoạn cuối. Rồi 3 tiếng đỉnh đạc hòa với tiếng xập xoã. Nối tiếp, giàn kèn hoà vào giai điệu. Cuộc hòa tấu kèn trống lúc trầm hùng, lúc dõng dạc, khi rộn rã khi khoan thai, dưới sự chủ xướng của xập xõa theo một quy trình khúc thức chặt chẽ. Toàn bộ khúc thức trống có 7 biến tấu mà trong nghề gọi là 7 giá. Tiết tấu mỗi giá biến đổi khác nhau, với tên gọi từ giá 1 đến giá 7. Các giá lễ đều là không có tiêu đề, giá 2 là quân đại tiết tấu nhanh, rộn rã, giá 4 là quân tiểu, tiết điệu nhanh sôi nổi; giá 6 là mở cờ cấp tập, tưng bừng. Đến giá 7 thì 4 câu đầu nhanh, 4 câu sau khoan thai rồi chậm dần và kết thúc là nhịp trống hồi. Kỹ thuật biểu diễn của nghệ nhân trống linh hoạt. Lúc đầu chỉ đánh vào mặt trống, sau đánh cả vào tang trống, có khi chặn tay vào cả mặt trống để đánh, tạo ra âm thanh biến đổi. 
Ngoài khúc thức hòa tấu “Trống quân” này, tất nhiên các đội cổ nhạc còn có thể hòa tấu những khúc thức cổ truyền khác, phối hợp với đàn nhị như Đăng đàn, Long âm, Long hổ, lớp lai kinh, lớp tấn trạo, lớp linh, lớp sám, lớp phân hóa... trong cổ nhạc nghi lễ của dân gian, hoặc các bài bản ca Huế như Phú lục, Hành vân, Lưu thủy, Nam ai, Nam thương, Nam xuân... 
Xưa nay, ở Quảng Trị tất cả các lễ hội từ hội làng đến ma chay đình đám, phần lễ bao giờ cũng được thực hiện nghiêm túc. Những cuộc hành lễ như vậy, âm nhạc thường đóng góp một tiếng nói hết sức quan trọng, nó làm cho không khí trang nghiêm, làm cho cái ồn ã thực tại lắng xuống để giao cảm, nhập vào cái thiêng liêng của cuộc lễ. Làng nào cũng có đình làng, nhà thờ các họ tộc kèm với việc tế lễ, ma chay nhưng không phải làng nào cũng có ban nhạc cho riêng làng mình. Từ nhu cầu thực tế mà hình thành nên các đội nhạc hay phường nhạc thính phòng, lấy đó làm một nghề để mưu sinh. Tùy các làng xóm hay tư gia yêu cầu, đón rước, họ đến tận nơi để hoà tấu phục vụ cho các nghi lễ cúng tế, đưa đám ma, ăn mừng hay lạc thành an vị. Cá biệt có một số người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, có điều kiện tập dượt một số nhạc khí truyền thống, dùng để tiêu khiển lúc buồn vui, khi trà dư tửu hậu, khi tụ họp bạn bè. Nếu như dàn nhạc thính phòng chỉ có các nhạc cụ như Ty, Trúc thì dàn nhạc tế lễ đã có sự góp mặt của các nhạc cụ gõ và kèn hơi cùng nhạc cụ Ty, Trúc.
Khảo sát dàn nhạc cụ của ba phường nhạc tiêu biểu ở ba vùng đất khác nhau là Gio Linh, Điếu Ngao và Phú Hải cho thấy: Phường nhạc Gio Linh gồm các nhạc cụ: Sáo nhị; Kèn tiểu, Não bạt, trống chiến, trống to (trống cái). Điếu Ngao: Sáo nhị; Kèn tiểu, kèn đại; Não bạt, phách, hai trống chiến, một trống to. Phú Hải: Sáo nhị; Kèn tiểu, kèn đại; Chiêng, vu sắt, hai trống chiến, một trống to. Như vậy về cấu tạo ba dàn nhạc Gio Linh, Điếu Ngao, Phú Hải có cấu tạo dàn nhạc như nhau, cùng có ba nhóm nhạc cụ Ty, Trúc, Kèn như nhau và đặc biệt cùng có số lượng nhạc gõ áp đảo. Bộ gõ là cụm nhạc cụ có cường độ âm thanh lớn, nó chế ngự được sự ồn ã của đám đông, tạo ra không khí rộn rã ngày hội bằng âm thanh và tiết tấu của mình. Nó đóng vai trò chủ đạo trong hiệu lệnh bái và đồng tế; là thứ ngôn ngữ giao cảm đặc thù giữa ý nguyện con người với cõi linh thiêng. Đồng thời nó cầm chịch trong phần hội như múa, hát, thi đấu các trò thể thao dân tộc như đua thuyền, đánh vật, chơi đu… Có sự khác biệt giữa dàn nhạc lễ và thính phòng này là do nhu cầu thực tế của các lễ hội sinh ra. 
Từ đời sống âm nhạc trình bày trên mà người Việt Quảng Trị có các loại nhạc cụ cổ truyền tương ứng sau đây: 
Nhạc khí bộ gõ: 
Cũng như nhiều vùng khác, người Kinh ở Quảng Trị xử dụng nhạc khí bộ gõ như chiêng, kẻng lệnh, phèng la, xập xõa, các loại chuông, tang, mõ, trống và sênh phách... 
- Chiêng: được xem như chủ xướng trong lễ hội dân gian. Nó đóng vai trò “khởi lệnh” trong các lễ hội cúng tế, sau đó trống mới hoà theo. Do đó người đánh chiêng phải là nhân vật vai vế sau chủ tế và bồi tế. Chiêng thường được treo trên giá đứng, trong lễ rước thần thì do hai người khiêng. 
- Kẻng lệnh: Một số lễ cúng trong phạm vi tư gia, có thể thay thế chiêng bằng kẻng lệnh, cũng đúc bằng đồng nhưng hình tròn dẹt, đường kính khoảng 20cm. 
- Phèng la: hay thanh la được dùng để báo hiệu lệnh triệu tập dân làng, được đánh giọng ba để cổ vũ trong các hội đua tài, cướp cầu hoặc để cầm nhịp cho đôị âm công khi động quan. 
- Xập xõa: gồm hai chiếc đánh vào nhau, phối hợp và điều tiết trong các khúc thức hoà tấu trống kèn. 
- Chuông: hầu như dùng phổ biến trong nhạc lễ Phật giáo, gồm có đại hồng chung phối hợp với trống đại khi hòa tấu chuông trống bát nhã mở đầu các nghi lễ lớn, hoặc đánh đơn một hồi dài tiếng vào lúc 8 - 9 giờ đêm và 3 - 4 giờ sáng ở các nhà chùa. 
Loại vừa, hình tròn là chuông gia tài dùng phối hợp với mõ trong khi tụng kinh. 
Nhỏ nhất là chuông lắc, còn gọi là cái linh, dùng như chiếc tang trong các điệu tán, tụng của nhạc lễ Phật giáo. 
- Tang: trong lễ nhạc Phật giáo còn có tang (miền Bắc gọi là cảnh) bằng đồng; kích bằng cái đĩa nhỏ, hình tròn dẹt. Vòng trong là nơi gõ, với loại dùi là một que tre vót nhỏ uốn thẳng góc ở đầu mút tạo nên thanh âm cheng cheng. Vòng ngoài là vành tang có ba lỗ nhỏ xỏ dây để mắc vào một khung tròn bằng thép có cán để cầm. Tang có âm vang thanh tao dùng để hòa theo giọng tán, tụng cao vút, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông mõ trầm lắng. 
- Mõ: thường bằng gỗ mít tạc thành hình tròn khoét rỗng, dùng trong khi kinh hay xướng, tán với nhiều kích cỡ khác nhau. Nếu dùng để báo hiệu tập hợp hay báo động cấp cứu, dân gian lại dùng mõ đẽo từ gốc tre, hay mõ dài khoét từ thân cây mít. 
- Trống: phổ biến ở Quảng Trị là trống cái và trống con. Trống cái là loại trống lớn nhất treo trên giá đứng, dùng để phối hợp với chiêng trong nghi lễ cúng tế ở làng xóm. Cũng còn thường dùng để báo hiệu tập hợp, giải tán hay đánh giọng ba để cổ vũ kích thích trong các cuộc đua tài. 

Trống con: thường dùng cho đội cổ nhạc, kích cỡ vừa cho một người đeo qua vai, vừa đánh với hai dùi nhỏ, hoặc có thể để trên một giá ba chân. Trống con thường dùng hoà tấu với kèn bóp, đàn nhị hay xập xõa trong những khúc âm nhạc nghi lễ cúng tế, tang ma hay hội hè. 
Cũng loại bộ gõ còn có sanh hay sênh thường làm bằng gỗ trắc, gõ vào nhau để tạo âm thanh. Loại lớn dùng cho các ông cai chỉ huy phường âm công gánh đám, ra hiệu cho các đô tùy. Loại nhỏ dùng đệm trong các cuộc hòa tấu của đội nhạc cổ, đặc biệt trong diễn xướng nói vè. 
Nhạc khí bộ hơi: 
Gồm có ống sáo, ống tiêu hay ống địch phụ hoạ khi ngâm thơ hay diễn xướng dân ca và phổ biến nhất là loại kèn bóp. 
Kèn bóp: có miệng kèn như ống loa, thân kèn nhỏ được xoi lỗ, chuôi kèn như một chuỗi xâu kèn có đính lưới gà để tạo nên âm thanh. Người thổi, miệng ngậm chuôi kèn, hít hơi bằng mũi, phình má để thổi, điều tiết liều lượng hơi và bấm các lỗ thoát hơi để tạo nên âm vực cao, thấp. Kèn được dùng hòa tấu với trống con, đàn nhị trong các lễ hội đình đám. 
Nhạc khí bộ dây: 
Thông thường có đàn nhị, đàn nguyệt, cá biệt còn có các loại đàn khác như đàn bầu, đàn tranh... 
- Đàn nhị: là một loại nhạc khí xuất phát từ Mông Cổ, truyền sang Trung Hoa và vào Việt Nam, gọi là đàn nhị vì có hai dây. Cấu trúc gồm có thùng đàn, cần, ngựa và dây. Ở dạng dân dã nhất, thùng đàn là một cái gáo dừa xói 2 lỗ, tra vào một cái cần. Miệng gáo được bọc bằng bong bóng trâu hay da, ở đầu cần khét hai lỗ, tra hai cái trục để buộc 2 dây đàn. Giữa cần đàn có con ngựa để kê 2 dây. Chặng giữa dây có một cái khuyết cột vào cần đàn, di chuyển lên xuống đều được. Nơi miệng gáo gần lỗ tra cần gắn một khối nhựa thông (bạch tùng du). Khi đàn, tay trái cầm cần nhấn lên dây điều khiển tiết điệu, tay mặt cầm cung bằng tre buộc đuôi lông ngựa (mã vĩ) kéo qua kéo lại, lông đuôi ngựa đính bột nhựa thông cọ với dây đàn tạo nên âm thanh. Người khá giả có thể dùng gỗ trắc làm cần đàn và thùng đàn, hoặc đóng bằng ngà và bịt mặt bằng da kỳ đà hay da trăn. 
- Đàn nguyệt: Thùng đàn hình tròn, cần đàn dài hơn 5 tấc, gồm có 4 dây 8 phím; về sau chỉ dùng 2 dây. 
- Đàn bầu: Còn gọi là đàn độc huyền vì chỉ có một dây. Gọi là đàn bầu vì ở cần đàn có tra một cái bầu để khuếch đại âm thanh. Đàn này vốn phát xuất từ miền Bắc. Cấu trúc gồm một hình khối chữ nhật, 2 đầu đóng bít, cần đàn gắn vào đầu bên trái so với người đàn. Giữa cần tra một cái bầu, buộc một sợi dây đồng căng thẳng vào trục vặn ở gần đầu kia. Khi đàn dùng một mảnh tre vót nhọn hay một phím ngà mà gảy. 
- Đàn tranh: Xuất xứ từ Trung Hoa, lúc đầu chỉ có 12 dây, về sau cải tiến thành 16 dây nên còn gọi là thập lục huyền cầm. Cấu trúc gồm một thùng đàn bằng gỗ đục rỗng, mặt trên gỗ tượng cho trời, mặt dưới bằng tượng cho đất. Trên mặt thùng đàn gắn 16 dây đồng dựa trên 16 trụ. Khi đàn dùng đầu ngón tay có đeo phím kim loại để gảy, tay trái nhấn trên dây để điều hoà tiết điệu. 
Hầu hết các nhạc khí cổ truyền trên đây đều dược dùng để hoà tấu các khúc thức âm nhạc phục vụ nhiều mặt sinh hoạt của người dân từ lễ hội đến sân khấu tuồng và đàn hát dân ca. Âm nhạc cổ truyền và các loại nhạc cụ là các thành tố quan trọng đã góp một tiếng nói nghệ thuật vào bức tranh văn hóa chung trong đời sống nhân dân Quảng Trị. Duy trì và phát triển nó, làm cho nó sống trong lòng xã hội đương đại là rất cần thiết, không thể coi nhẹ. 
2.2- Nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số 
2.2.1- Các loại hình dân ca: 

Nhìn chung về hát, múa cả hai dân tộc Bru - Vân Kiều và Pakô không mấy cách biệt và lấy làm phong phú. 
Về múa, cả hai dân tộc đều múa rất tự do, không có bài bản, không có tên gọi. Một vài động tác múa ở người Bru - Vân Kiều gọi là Ajưn Bru - Vân Kiều và múa ở người Pakô gọi là Ajưn Pakô thường do thanh niên, trung niên và các ông già múa trong lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, trong đám ma. Nữ giới không tham gia múa. Thường trong đám ma, mọi người đến chia buồn và hát điệu nhảy A-roai. La đám ma nhưng tiết tấu âm nhạc trong lễ hội này rất đa dạng, khi trầm buồn xúc động khi sôi nổi rộn ràng. Đặc biệt về hình tượng múa có những động tác vô cùng độc đáo. Hai người quay lưng lại với nhau, hướng mặt theo hai ngọn đuốc đi đầu và đi cuối thể hiện tâm trạng của người chết. Một phần không muốn rời bỏ ngôi nhà nơi mình sinh ra; một phần cũng muốn được đến với cõi âm là ngôi nhà mồ. 
Mỗi dân tộc sử dụng riêng một vài làn điệu dân ca cho dân tộc mình, tên gọi có thể khác nhau nhưng chức năng thì giống nhau nếu không nói cũng chỉ là một. Tà-oái và Xà-nớt là những làn điệu được người Bru - Vân Kiều sử dụng phổ biến nhất. Tà-oái là hát giao duyên và Xà-nớt là kể thơ. Con trai, con gái người Bru - Vân Kiều đến tuổi trưởng thành đều biết hát giao duyên. Vào những mùa trăng, mùa đi sim từng tốp thanh niên nam nữ thường rũ nhau ra chòi giữ rẫy, ven bờ suối tâm tình, vừa thổi kèn vừa hát giao duyên rất tình tứ. Cũng gần như hát giao duyên của người Kinh, thoạt đầu những cô gái ướm hỏi nhẹ nhàng kín đáo: Nghe tin anh đến lòng em mãi đợi/ Nge tin anh đến lòng em mong chờ/ Thuốc lá ngon, trầu cau để sẵn/ Đón chờ anh đến chiều nay/ Em đón đầu đường, em chờ đầu ngõ/ Anh đến… mừng khôn xiết, bối rối khôn chừng… Và người con trai đón nhận, tâm tình: Lời nói qua lòng anh xao xuyến/ Đừng găm thành nỗi nhớ trong anh/ Anh chỉ là người yếu vía/ Đừng để anh như kẻ mất hồn… Nó mang tính tự sự kể lể, đầy ngẫu hứng như lối kể thơ gọi là Xà-nớt. 
Dân ca của người Pakô có các làn điệu Cha-chấp, Cà-lơi, Tàchấp và điệu hát Xiêng. Săm-bẹ. Điệu hát Cha-chấp của người Pakô là một điệu hò mang tính tự do, ngẫu hứng. Thường được sử dụng trong việc tỏ tình giữa trai gái và trong các lễ hội, gần như kiểu hò đối đáp của người Kinh hay Tà-oái của người Bru - Vân Kiều. Trong khi làn điệu Cà-lơi là làn điệu hát chào mừng, thăm hỏi nhau của người Pakô trước khi mở tiệc uống rượu cần. Làn điệu Tà-chấp là điệu hát kể (kể lại cuộc đời, cuộc tình hay một sự việc) như hát Xà-nớt của người Bru - Vân Kiều. Đặc biệt người Pakô có điệu hát Xiêng là làn điệu dân ca mới, nội dung thường mang tính thời sự, đương đại. Có cấu trúc âm nhạc khá chặt chẽ với những tiết nhạc, câu nhạc rõ ràng. Xét về mặt âm nhạc, đây là một làn điệu dân ca hoàn chỉnh của người Pakô. 
Trong khi A-roai là điệu khóc và kể lể về cuộc đời của người chết trong đám tang, thường chỉ a-roai cho thủ lĩnh, những người cao tuổi (trẻ con và dân thường không a-roai). Trong một đám ma, thường có từ 5-6 người a-roai, tùy theo hiểu biết của người kể về người đã quá cố và tài ứng tác mà có nội dung dài hay ngắn, hay dở khác nhau. Vì vậy người biết a-roai thường rất ít. Về làn điệu a-roai giữa người Bru - Vân Kiều và Pakô giống nhau, chỉ khác nhau ở nội dung và ngôn ngữ khóc, kể. Và Adên cũng đều là lối hát đối đáp, tâm sự chung của hai dân tộc. Khi thì kể lể để tìm lại lai lịch dòng họ, khi thì hòa giải những điều xích mích, thậm chí đòi nợ… Có thể xếp Adên là làn điệu dân nhạc cổ xưa nhất mà các dân tộc miền Tây Quảng Trị còn lưu giữ được. 
2.2.2- Các loại nhạc cụ: 

Có thể nói, âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số ở miền núi có tính chất cộng đồng hơn ở miền xuôi. Hầu như mọi người, ai ai cũng đã tắm mình trong đời sống âm nhạc cộng đồng; đã tự mình gõ thanh la, chiêng, xập xõa, đánh trống, thổi kèn, gảy đàn trong các lễ hội và các sinh hoạt khác. 
Như đã trình bày ở tập tục đi sim, Oát và Xà nớt là hai làn điệu dân ca được người Bru- Vân Kiều sử dụng phổ biến nhất và có những loại nhạc cụ hỗ trợ tương ứng. Tương tự lễ tế thần linh, lễ tang phải có thanh la, chiêng, trống; mừng lúa mơi phải có nhạc cụ xa-rờ; lễ cúng cầu hồn phải có sáo pi... Nhìn chung nhạc khí của 2 dân tộc này phần lớn tương tự nhau và có một số lượng phong phú trên 20 loại. Để tiện nắm bắt, xin được trình bày các loại nhạc cụ dùng chung, nhạc cụ nào sử dụng riêng cho từng dân tộc sẽ kèm chú thích. 
Bộ gõ nhạc khí: 
Gồm các loại chiêng cồng, thanh la và trống. 
- Chiêng (cuông): Nguyên liệu để chế tác chiêng và thanh la là kim loại đồng. Các sản phẩm này hầu như họ đặt mua tại các làng nghề đúc đồng truyền thống của người Việt hoặc do những tư thương người Việt đưa lên, người Lào đưa sang buôn bán trao đổi. Có nhiều loại chiêng, loại nhỏ gọi là môông, loại lớn gọi là xuâng hay koòng làm bằng chất liệu đồng với nhiều tỷ lệ pha chế hợp kim khác nhau: koòng mút bằng đồng đen, koòng talor bằng đồng pha bạc, koòng taras bằng đồng đỏ. Cồng và chiêng là các nhạc cụ dùng chung cho hai dân tộc. 
- Thanh la (pờ ra-na): cũng nhiều loại, có loại lớn nhưng cũng có loại nhỏ chỉ nhích hơn chiếc đĩa. Thanh la được dùng trong lễ cưới, đám ma, cúng tế và cũng có thể gõ suông mỗi sáng cho vui. Tùy tỷ lệ pha chế đồng và kích cỡ mà thanh la được chia làm thành nhiều loại: tre, mát, kidol, tau, prao... Thanh la là loại nhạc cụ dùng chung cho hai dân tộc, dùng trong các lễ hội đâm trâu, lễ cúng thần linh, đám ma. Nếu đánh trong nhà thì chỉ đánh riêng, không được đánh cùng với chiêng và trống. 
Cũng như các tộc người sống ở trường sơn Tây nguyên, các nghệ nhân Bru - Vân Kiều và Pakô khi có trong tay những chiếc cồng chiêng đồng họ tự lên dây chiêng để sử dụng theo mục đích riêng của mình. Chiêng thường dùng riêng từng chiếc chứ không phối âm với nhau trong bất cứ lễ hội nào. 
Riêng người sử dụng thanh la có thể linh hoạt dùng bàn tay, ngón tay gõ vào tạo nên những cung bậc âm thanh phong phú để biểu tỏ tình cảm. Thanh la còn được dùng như một thứ ngôn ngữ hoà giải xích mích. Khi có chuyện xích mích giữa các nhà, già làng cầm thanh la đến mỗi nhà gõ lên thành một điệu nhạc. Nếu gia chủ chưa nguôi giận thì gõ lên thanh la mình để biểu tỏ tình ý, già làng tiếp thu và sang gõ lại y như thế cho nhà bên kia nghe. Nếu giải hòa thì cùng gõ lên một tiết điệu như nhau, biểu thị sự nhất trí giải hòa. 
- Trống (xầng cơ-rờ): Được chế tác từ thân cây gỗ rêệc đục ruột tạo tang trống như một thân cây khóet rỗng. Có hai loại trống: Trống to bịt bằng da bò, da trâu hay da voi, chỉ dùng trong các lễ hội lớn. Trống dài nhỏ mặt, bịt bằng da hoẵng, da nai hay da bò để làm mặt trống, dùng khi múa hát trong các ngày lễ hội có làm thịt một con dê trở lên. Khi trong bản có người qua đời mới được làm trống và chỉ sử dụng trống cũng như thanh la (pờ ra-na), chiêng (cuông) trong lễ tang, lễ đâm trâu, lễ tế thần linh, lễ cúng cho người đau ốm khi có mời thầy cúng. Trống là các nhạc cụ dùng chung cho hai dân tộc, chỉ được dùng trong các lễ lớn, không được phép sử dụng bừa bãi. Ngoài ra, còn có một loại nhạc cụ độc đáo khác gọi là Xa-rờ có thể xếp vào bộ gõ, sử dụng trong lễ hội đâm trâu và mừng lúa mới. Xa-rờ là một cây tre vừa tay cầm dài khoảng 2,5m đến 2,8m, phần trên là hai nẹp tre được uốn hình vòng cung, nối qua hai sợi dây gai buộc chéo đối xứng nhau. Chính giữa là một ống kim loại (thay ống gỗ trước đây) bên trong là những lục lạc bằng gỗ cứng, sao cho khi vận động thanh xa-rờ thì nơi đó phát ra những âm thanh lóc cóc tạo cho không khí lễ hội thêm phần nhộn nhịp. 
Nhạc khí bộ hơi: 

Gồm các loại kèn dùng để biểu lộ tình cảm, cá biệt có loại dùng để dạy voi, có thể mô tả tóm tắt như sau: 
- Kèn Amam: là một loại sáo thân được làm bằng cây Arêng, loại tre rừng thường dùng để làm cần rượu cần. Một đầu có lưỡi gà, gần đó có chừa một lỗ thoát hơi, đầu kia rỗng đầu là đầu kèn, thổi dọc, khi thổi phát ra tiếng dài trầm ấm. Kèn Amam thường dành riêng cho những đôi nam nữ giao duyên, do người con gái giữ. Tối tối khi người con gái đã trưởng thành ra ngủ riêng ở nhà xu thường thổi kèn này để gọi bạn. Nếu người con trai được cô vừa ý, anh ta được cho thổi kèn amam và hát. Khi thổi hai người ngồi kẹp chéo chân nhau, người thổi thì tự tình như nói, người nghe thì ngậm đầu rỗng kia vào miệng, phùng má. Vòm họng lúc này có chức năng cộng hưởng như hộp đàn. Cái hay của kèn Amam và trình độ của người sử dụng loại nhạc cụ này là nỗi niềm tâm sự của đôi nam nữ, (kể cả những cụ ông cụ bà xa cách mấy mươi năm bây giờ gặp lại) đều được biểu lộ tuôn trào, khiến người nghe ai ai cũng đều xúc động. Amam là nhạc cụ dùng chung cho hai dân tộc. 
- Kèn ta-ri-al: Cũng là một ống trúc, dài hơn gang tay, có dùi 5 lỗ tạo nên 6 thanh, dùng để thổi những điệu hát vui. Thường cứ mỗi tối, trai bản cầm kèn này sang bản có con gái để tìm hiểu. Họ kéo thành đoàn đi quanh bản rồi kéo đến nhà xu. Anh nào có người yêu thì được thổi kèn amam, anh nào không thì thổi kèn ta-ri-al cho đến khuya rồi về nhà bạn ngủ. Kèn này còn thổi trong các hội vui cũng dùng cho người đi làm ăn xa trở về thổi ở đầu bản báo cho bà con biết và dùng để dụ voi hay điều khiển voi (Nhạc cụ riêng của người Bru - Vân Kiều). 
- Sáo khui: Thân được làm bằng ống nứa lóng dài, loại tre rừng có tên là alia. Một đầu ống sáo có sử dụng mắt tre, trên thân tre khóet 4 lỗ chính và 6 lỗ phụ để thoát hơi. Cao độ chủ yếu do 4 lỗ chính. Sáo khui được thổi dọc, với âm điệu 6 cung trầm buồn, ngân dài, trầm bổng khác nhau. Nhạc cụ này sử dụng làm nhạc đệm cho người hát Xà-nớt, biểu thị lòng yêu thương kính trọng nhau hoặc ghi nhận công lao của những người có công với mình hay với dân bản (Nhạc cụ riêng của người Bru - Vân Kiều). 
- Sáo Pi: Thân là ống tre nhỏ, dài khoảng 80cm, đường kính 1,5cm có lưỡi gà bằng đồng hoặc bằng bạc cũ. Mặt trên sáo Pi có 4 lỗ và 1 lỗ ở mặt dưới. Sáo Pi thường được sử dụng trong lễ cầu hồn, cúng người ốm; không thổi trong đám ma (Nhạc cụ riêng của người Bru - Vân Kiều). 
- Sáo Tà-ring: Còn có tên gọi Tà-reng, sáo thổi dọc, có hai loại ngắn dài. Loại ngắn chiều dài 16cm, có 4 lỗ. Đây là loại sáo hay được thổi vào ban đêm lúc một mình giữ rẫy. Tiếng sáo bấy giờ có tác dụng vừa giải buồn vừa đuổi thú. Tà- ring loại dài cũng chỉ 16cm, được thổi trong những dịp đông người, nữ hát nam thổi và mọi người cùng vỗ tay bắt nhịp (Nhạc cụ riêng của người Bru - Vân Kiều).  
- Kờng: Gần như Amam, Kờng cũng là loại sáo dài khoảng 20cm, có lưỡi gà nằm giữa thân. Khi thổi dùng tay luyến láy ở hai đầu ống sáo. Kờng dùng trong hát hò giao duyên nhưng tính chất thì cực kỳ riêng lẻ, chỉ một một người thổi một người nghe mà thôi (Nhạc cụ riêng của người Bru - Vân Kiều). 
- Tù và: Tù và (tăng-koi) làm bằng sừng trâu, được dùng khi có việc hệ trọng, thường để tập hợp bộ tộc. Giai điệu tù và đơn gian nhưng âm hưởng vang xa xuyên các khu rừng, âm sắc phát ra trầm hùng, lạnh lẽo, thiêng liêng. Nó chỉ được dùng trong các lễ hội của làng, do già làng thổi. Trước khi sử dụng phải làm lễ cúng lớn, thường con dê hoặc trâu bò (Chung cho cả hai dân tộc). 
Nhạc khí bộ dây: 
Gồm có đàn Pơlửa, đàn tinh- ông, đàn abel, đàn achung 
- Đàn Pơ-lửa (prẩy): cấu trúc giống đàn nhị nhưng lại có từ 4-7 dây, thân làm bằng ống tre lồ ô, một loại tre gọi là aho. Đàn có 2 dây cách nhau một quảng 2 trưởng, có thể kéo bằng dây cung, hay dùng ngón tay gảy. Dây đàn là một thứ dây rừng rất bền có tên gọi Tờroa, kéo bằng một thanh nứa nhỏ, bôi trơn bằng nhựa thông, thường dùng đệm cho các bài hát đi sim của nam nữ thanh niên (Nhạc cụ riêng của người Bru - Vân Kiều). 

- Đàn tinh-tông (Ta-lư): Đàn Ta lư được làm bằng gỗ mớc, cấu trúc gần giống đàn măng-đô-lin, nhưng bầu đàn nhỏ, cần đàn dài hơn và có từ 2 - 4 dây. Kích cỡ cần đàn, thùng đàn không ấn định rõ ràng mà hoàn toàn tùy thuộc vào người làm. Thường to thì âm thanh ấm hơn. Dây đàn được làm bằng dây Tơroa vừa bền, sử dụng lâu ngày càng săn chắc. Cây đàn Ta-lư truyền thống chỉ có hai dây và cách nhau một quãng 5 đúng. Trong thời kỳ chống Mỹ, đàn Ta-lư được cải tiến rất nhiều dạng, thậm chí thêm vào nhiều dây song để có âm hưởng chủ đạo của tiếng đàn Ta-lư thì phải là chiếc đàn truyền thống 2 dây như đã mô tả. Đàn Ta-lư thường dành cho thanh niên và trẻ em thường chơi với những giai điệu vui nhộn, trẻ trung, rộn ràng. (Nhạc cụ ban đầu của người Pakô, nay phổ biến chung cả hai dân tộc). 
- Đàn Abel: Là loại đàn kéo như cây đàn nhị ở người Kinh. Thân dài khoảng 40cm bằng tre ala. Đàn có một dây làm bằng dây đoát, từ sợi dây đoát đã cột sẵn vào thân đàn có nối thêm một sợi dây thứ hai bằng dây đay, đầu sợi dây có gắn miếng vảy trút để ngậm vào miệng. Đàn được kéo bằng một cần tre nhỏ, bôi trơn bởi nhựa thông. Abel khi đàn, người chơi xử lý cao độ tuỳ theo tiết điệu mà tăng hay giảm độ chùng của sợi dây bằng vỏ trút ngậm ở miệng, sau đó là xử lý ngón. Như vậy cao hay thấp là do chủ quan người đánh điều khiển. 
Abel không sử dụng chốn đông người. Nó là loại nhạc cụ bày tỏ tâm sự nỗi niềm, thường vào ban đêm hoặc tờ mờ sáng. (Nhạc cụ riêng của dân tộc Pakô). 
- Đàn achung: Cũng là một loại đàn nhưng làm bằng một ống tre tươi, là một loại nhạc cụ thô sơ, tạm thời. Đàn có 2 dây được tách ra từ vỏ ống tre, căng lên bằng 2 phím ngựa, gảy vào dây tạo ra âm thanh đơn sơ, dùng để đệm khi hát. (Nhạc cụ riêng của người Bru - Vân Kiều). 
Ngoài ra, các dân tộc ở miền tây còn dùng toòng, là hai thanh tre gọt mỏng để đánh khi đi giữ rẫy; mõ, atôốc cùng xập xõa, lục lạc... 
Nhìn chung, cuộc sống ngày thường cần cơm ăn áo mặc thì trong đời sống tinh thần người Bru - Vân Kiều và Pakô cũng cần những làn điệu dân ca và âm thanh của núi rừng trong tâm hồn của họ. Các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ vừa giới thiệu trên đây tuy chưa phong phú và kỹ thuật chế tác chưa cao nhưng nó đã giúp cho các dân tộc rung cảm chân thành, tạo cho họ sức sống trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
[1] Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1974, tr.21. 
[2] Trần Thanh Hải, Chuyện trạng Vĩnh Hoàng - Báu vật sống trong đời sống văn hóa Vĩnh Linh, Tạp chí Cửa Việt số 239, 2014. 
[3] Nguyễn Công Trứ, Sớ điều trần, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà nội 1960, tr.436. 
[4] Dương văn An, Ô châu cận lục, tr.269. 
[5]- Lương An, Bùi Dục tài và chiếc gậy đánh Tần Sở, Tạp chí Văn hóa, số 2, tr. 31-32. 
[6]- Lương An, Những tác giả cũ trước năm 1945, Tuyển tập Lương An, Xxb Thuận Hóa-Huế, 2004. 
[7]- Tập thơ ở dạng chép tay, giấy bản khổ 20x10cm, viết bằng chữ Hán (chữ thảo) gồm 132 trang. Hiện lưu trữ ở Thư viện Hán Nôm Hà Nội, ký hiệu VHv 1425. 
[8]- Theo hồi ký Bước qua đầu thù,Trần Hữu Dực, Tập1, tr.106. 
[9]- Thanh Sơn, Biên niên các Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Tạp chí Văn hóa Quảng Trị, số 17. 
[10]- Theo “Sơ thảo lịch sử Đảng thôn Lập Thạch” do tập thể tác giả Trần Hữu Dực, Lê Thị Diệu Muội, Hoàng Thị Ái, Lê Hoạch, Nguyễn Xuân Trâm biên soạn. 
Theo http://dostquangtri.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...