Sự khác biệt của yếu tố liên văn bản trong
Liên văn bản là thuật ngữ cơ bản, phổ biến của chủ nghĩa hậu
hiện đại. Hai nhà văn Hồ Anh Thái và Haruki Murakami đều sử dụng yếu tố liên
văn bản trong trong sáng tác của mình. Tuy nhiên cách xử lý của mỗi người có những
điểm khác biệt thú vị. Cả hai tác giả đều chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông và
phương Tây, nhưng ở những sáng tác của Murakami ảnh hưởng phương Tây sâu đậm
hơn. Sự thu nạp những thể loại trong một tác phẩm văn học cũng tùy thuộc vào mục
đích của mỗi nhà văn. Mặc dù vậy, họ đã diễn đạt thật hiệu quả về con người và
bức tranh hiện thực hỗn độn thời hậu hiện đại qua các yếu tố liên văn bản.
1. Đặt vấn đề
Liên văn bản là một trong những khái niệm được sử dụng rộng
rãi trong phê bình văn học thế giới nửa cuối thể kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI. Được khơi nguồn từ M. Bakhtin qua những công trình quan trọng của ông và
chính thức được Julia Kristeva “khai sinh”, liên văn bản nhanh chóng được các
nhà cấu trúc luận, giải cấu luận phát triển và tiến tới hoàn thành một phương
pháp phê bình văn học. “Liên văn bản có thể diễn giải như là:
1. Thủ pháp văn học
cụ thể như trích dẫn, vay mượn, nhại, bắt chước, mô phỏng;
2. Nguyên lý phổ
quát của sự tồn tại của văn bản văn học;
3. Hình ảnh “thế giới như văn bản” [1,
tr.198].
Trong thời hậu hiện đại, thực tại đã “biến mất” và hình thức duy nhất
để có thể “tái tạo” lại nó là trích dẫn những văn bản văn học có uy tín. Liên văn
bản là sự tương quan của văn bản chính với các văn bản văn học, nghệ thuật
khác. Với yếu tố “liên văn bản” hỗn hợp, văn bản cá nhân bị hòa tan dẫn đến
“cái chết của chủ thể”, gồm “cái chết” của bản thân văn bản cá nhân và chính
tác giả theo lời khuyến cáo của R. Barthes trong cuốn Cái chết của chủ thể (1968).
Nếu trong văn học hiện đại, tác giả dường như đứng ở đâu đó can thiệp, điều
hành mọi thứ thì tình hình xoay chuyển khi thời hậu hiện đại đã điểm, tác giả mất
hết quyền lực và hòa vào đám đông độc giả. Số phận nhân vật cũng không “khả
quan” hơn, không còn nhân vật mang tầm vóc của những lý tưởng cao đẹp, những
nhân vật điển hình đứng ở vị trí trung tâm mà “bất cứ ai, dù là tác giả hay độc
giả, bất cứ lúc nào, cũng có thể chiếm lĩnh vị trí của nó” [1, tr.56]. Đằng sau
những trích đoạn “liên văn bản”, nhân vật bị chìm lấp, trở nên không xác định.
Trong nhiều tác phẩm, nhân vật chỉ là sự nhái lại hình tượng nhân vật lịch sử
hay văn học cổ điển. Ngay cả khi văn học hậu hiện đại xây dựng được những mẫu
nhân vật riêng thì đó cũng là những nhân vật mang chấn thương tinh thần, trở
nên nghịch dị, vô nghĩa và trống rỗng.
Như vậy về cơ bản liên văn bản chính là sự kêu gọi ý nghĩa giữa
các văn bản, giữa tác giả và người đọc. Nó tạo ra một mạng lưới không có ranh giới
rõ ràng và xác định. Nó tạo nên một cuộc cách mạng chống lại những quan niệm
thâm căn cố đế về tính cội nguồn, đặc thù, đơn nhất và tự trị của nghệ thuật.
Liên văn bản là biểu hiện của sự trưng bày “hiện thực phì đại” của xã hội hậu
hiện đại. Việc sử dụng nhiều thể loại, nhiều kiểu tự sự, phong cách khác nhau tạo
nên một cấu trúc lai ghép, chắp vá khơi gợi nỗi hoài nghi đối với những phương
thức hiện có trong việc nhận biết và biểu hiện thực tại bởi thế giới là văn bản,
vì thế chỉ có thể nhận biết thế giới thông qua các văn bản mà trên thực tế, chỉ
là những mảnh rời, những dấu vết của văn bản. Việc đọc liên văn bản khuyến
khích chúng ta chống lại việc đọc một cách thụ động để có thể tự do liên tưởng
và mở rộng ý nghĩa tác phẩm ra vô hạn.
Hồ Anh Thái và Murakami đều gặp nhau ở điểm chung, là khơi gợi,
tìm tòi trong lịch sử, văn hóa nguồn chất liệu và cảm hứng cho sự tự do sáng tạo
văn chương. Liên văn bản được sử dụng một cách có ý thức và mang tính tự giác,
đem lại diện mạo mới mẻ cho văn chương nghệ thuật. Hai nhà văn đã xử lý liên
văn bản không chỉ ở cấp độ thủ pháp, kỹ thuật mà còn ở cấp độ nội dung tư tưởng.
Ở đó, người ta thấy rõ có sự xuất hiện của các tư tưởng triết học, tư tưởng tôn
giáo, tư tưởng văn học, tư tưởng xã hội, văn hóa... Ngoài ra trong các tác phẩm
còn có sự đối thoại của tác giả với các tư tưởng và sự đối thoại giữa chính những
tư tưởng với nhau. Tuy nhiên sắc màu văn hóa trong sáng tác của hai nhà văn này
không giống nhau.
2. Sắc màu văn hóa đặc trưng
Sắc màu văn hóa trong những trang văn của Hồ Anh Thái mang đậm
dấu ấn của tư tưởng văn hóa phương Đông trong sự pha trộn với văn hóa dân gian.
Nhà văn đã xây dựng nên văn bản bằng cách khai thác các mảnh vỡ của những tiền
văn bản. Các tiền văn bản này có thể là những trước tác lịch sử, các giá trị
văn hóa hoặc có thể là những câu chuyện được lưu giữ trong ký ức dân gian. Có
thể dễ dàng nhận ra tính liên văn bản trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng
Savitri và tôi chủ yếu biểu hiện ở dạng trích dẫn, hấp thu và biến hóa các
giá trị văn hóa, lịch sử Ấn Độ.
Trong khi đó nghiên cứu tiểu thuyết Haruki Murakami, chúng
tôi nhận thấy có sự lai ghép về văn hóa Đông Tây hết sức rõ rệt. Đây là lý do
vì sao Oe Kenzaburo đánh giá tiểu thuyết Murakami là “nặng mùi bơ sữa”, “xa rời
truyền thống”. Còn giáo sư Numano Mitsuyoshi lại đánh giá một trong những
yếu tố khiến văn chương Murakami được bạn đọc quốc tế yêu mến là phong vị Nhật
Bản vừa đủ trong bầu không khí kiểu Âu Mỹ quốc tế. Dịch giả Trung Quốc Lâm Thiếu
Hoa cho rằng so với văn học phương Đông phong cách hành văn trong tác phẩm của
Murakami mang nhiều dấu vết văn học phương Tây, đạo cụ và góc nhìn Tây hóa.
Liên văn bản qua màu sắc văn hóa trong tiểu thuyết Hồ Anh
Thái chủ yếu thể hiện ở sự hấp thu, biến hóa các tác phẩm văn học hiện đại, văn
chương bác học và kết nối với những văn bản những tác phẩm dân gian. Sáng tác của
Hồ Anh Thái là sự dung hợp các vỉa tầng văn hóa, trong đó, có những cách suy tư
quen thuộc luôn mang đậm chất dân gian. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái mở ra một không
gian văn hóa khá rộng, vượt ra khỏi biên giới bờ cõi, kết nối cả hàng ngàn thế
kỷ, có khả năng liên văn bản với những diễn ngôn về văn hóa một cách rõ ràng.
Chẳng hạn, văn bản nền, tiền giả định của Đức Phật, nàng Savitri và tôi là
bối cảnh Ấn Độ của những huyền thoại, của những xung đột giữa quá khứ và hiện tại,
giữa lạc hậu và văn minh là những tầng trầm tích ý nghĩa của ngôn từ. Viết về sự
tích Đức Phật, Hồ Anh Thái không chỉ viết tiểu sử Phật bằng những huyền thoại
mà dựng hình ảnh Đức Phật lịch sử. Nhà văn khai thác triệt để nguồn văn minh
sông Hằng, văn hóa Ấn Độ, bóc dỡ những lớp sương mù huyền thoại tôn giáo để tìm
ra vấn đề thuộc vào cốt lõi của con người Đức Phật, và cõi tâm linh sâu thẳm.
Liên văn bản qua màu sắc văn hóa trong trang văn của Murakam
lại thể hiện rất rõ nét lai ghép của văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.
Tác phẩm của ông vừa mang niềm bi cảm của văn hóa Nhật Bản và vẻ đẹp phương
Đông qua việc phác họa cái chết, qua quan niệm tình dục màng màu sắc Nhật.Trong
trang văn của Haruki Murakami ngoài sự phảng phất một nỗi buồn u sầu, niềm bi cảm
và cái đẹp mong manh còn mang hơi thở văn hóa phương Tây. Nhà văn kết hợp văn
chương thuần túy với văn chương đại chúng. Tác phẩm của ông hướng đến độc giả
bình dân với sự lồng ghép tiểu thuyết lịch sử, giả trinh thám, truyện khoa học
giả tưởng, những vấn đề nhạy cảm như chiến tranh, tình dục, thảm họa thiên tai.
Ở Hồ Anh Thái nhân sinh quan Phật giáo đóng vai trò quan trọng.
Dấu ấn của triết học Phật giáo in đậm trong văn Hồ Anh Thái, tạo thành một nguồn
cảm hứng sáng tác dồi dào và chi phối khá nhiều tới văn phong. Trong tiểu thuyết Cõi
người rung chuông tận thế, đó là luật nhân quả mà những kẻ muốn chiếm đoạt
thân thể phụ nữ đều bị chính cái đẹp của Mai Trừng giết chết. Nhà văn nhân danh
chính nghĩa trừng phạt cái bất lương, đồng thời thể hiện một cách nhìn, một
chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái với đầy đủ tất cả những hỷ, nộ,
ái, ố, sinh, lão, bệnh, tử... mà theo triết học Phật giáo mỗi người trong đời
phải trải qua. Ở tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, thông qua việc
dựng lại câu chuyện biên niên về cuộc đời của Đấng Giác Ngộ, Hồ Anh Thái đã
chuyển tải một cách nhuần nhuyễn những nguyên lý cơ bản của học thuyết Phật
giáo. Tư tưởng đó một mặt được thể hiện thông qua những lời giáo huấn trực tiếp
của Đức Phật, mặt khác còn được chuyển tải qua cuộc đời và số phận của các nhân
vật. Hồ Anh Thái lý giải số phận con người bằng cái nhìn Phật giáo: quy luật
nhân quả, luật luân hồi và sức mạnh của tình thương, của sự giác ngộ qua cuộc đời
tên cướp Anguli Mali, Ajatasatru và cuộc đời công chúa Savitri.
Ở Haruki Murakami, sự giao thoa văn hóa phương Đông và
phương Tây tạo nên dấu ấn hậu hiện đại rất riêng biệt. Những trang văn của ông
còn thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn triết học Phật giáo tâm linh với hiện sinh,
phân tâm học phương Tây và cả cảm thức phi lý trong sáng tác của F.Kafka.
Murakami đã miêu tả nỗi cô đơn của con người thật tinh tế và đầy hấp dẫn dưới sự
soi chiếu của triết học hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh lấy thân phận con người
làm trung tâm. Con người luôn đau khổ, dằn vặt, lo âu trong cuộc tìm kiếm và lựa
chọn cách sống, thái độ sống. Triết học hiện sinh kêu gọi con người trở về với
bản thể chính mình trong sự cộng thông giữa bản thể với tha nhân. Trong sự ngổn
ngang của hoàn cảnh hậu hiện đại trên đất nước Nhật ánh sáng của triết học hiện
sinh là cơ sở để nhà văn đi vào khám phá những con người trơ trọi, cô đơn, lơ
ngơ đi tìm bản thể của chính mính. Không điểm tựa, không lối thoát, họ day dứt,
lẩn quẩn mãi trong vòng quay nghiệt ngã của số phận, mòn mỏi tìm kiếm giá trị
đích thực của đời sống.“Tôi là ai trong thế giới này? Tôi đang kiếm tìm cái gì?
Tôi đang đi tới đâu?” [4, tr.80]. Các nhân vật của Murakami luôn khao khát tìm
kiếm câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Họ xoay sở đủ mọi cách để xác minh sự hiện
hữu của mình giữa cuộc đời bế tắc này nhưng, kết quả mà họ nhận được từ những
thử nghiệm ấy chỉ là những bản thể trống rỗng, vô hồn. Cái tôi đích thực của họ
trôi dạt ở miền vô định nào đó còn cái tôi đang tồn tại chỉ là lớp vỏ bọc cô
đơn, mệt nhoài với hiện thực nhiều bất an khó đoán định trước được.
3. Sự xâm nhập của các thể loại
Hiện tượng vay mượn và xâm nhập giữa các thể loại đã diễn ra
rất sớm và ngày càng phổ biến. Sang thời hậu hiện đại, hiện tượng đó trở thành
đặc tính tiêu biểu cho văn học hậu hiện đại nói chung. Với kết cấu và cốt truyện
phân mảnh tác phẩm của cả hai nhà văn đã “tạo điều kiện” thuận lợi cho sự xâm
nhập của nhiều thể loại trong một văn bản văn học. Tuy nhiên lựa chọn dung nạp
thể loại nào lại có chủ ý và mục đích nghệ thuật riêng của mỗi người. Đây chính
là cơ sở để tạo nên sự khác biệt về sự tồn tại các thể loại khác nhau trong
hình thức liên văn bản ở sáng tác của Hồ Anh Thái và Haruki Murakami.
Những trang văn Hồ Anh Thái cũng có mặt của rất nhiều thể loại
khác như: Thơ, ký sự, phóng sự, tiểu phẩm hài,… Sự hiện diện của chúng cũng là
phương thức để nhà văn tái hiện cái thực tồn đương đại muôn mặt đời thường, vi
tế của nó. Cõi người rung chuông tận thế, phản ánh lối ăn chơi của một
bộ phận giới trẻ hiện nay. Cuốn sách như là phóng sự, tác giả là người đưa máy
quay, quay toàn bộ những gì mình vừa chứng kiến được. Có lúc cuốn tiểu thuyết của
ông lại có dáng vóc của một bài bút ký, thông qua những gì quan sát được, tác
giả truyền lại cho người đọc. Đôi tình nhân Mười lẻ một đêm vô tình bị
kẹt trong chung cư cao cấp đã tái hiện tất cả con người trong cuộc đời mà họ biết.
Mở đầu là một trận lụt kết thúc là một trận hạn hán, SBC là săn bắt chuột,
giống như những tiểu phẩm hài mắc chứng đùa dai và cũng không mấy hài hước, mà
bao quát trong đấy vô số sự kiện mới đây như trong trận lụt ở Hà Nội, chuyện
vùng nào đó ăn đất cho đến cả chuyện trôi xe chở hàng ở ngoài đường, chuyện ăn
thịt chuột.
Tất cả đều cố gắng nhồi nhét vào bên trong một dung lượng câu từ tương đối nhỏ. Hồ Anh Thái đã cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin nóng bỏng về tình hình xã hội qua yếu tố liên văn bản này. Với Đức Phật nàng Savitri và tôi, tác giả đưa độc giả trở về nguồn gốc của Phật, nơi mà anh được người hướng dẫn viên du lịch đầy thân thiện nàng Savitri chọn làm người kể chuyện: Tác giả nhân vật xưng Tôi được Savitri - người hướng dẫn viên du lịch đưa người tới vùng văn hóa Ấn và những ràng buộc về tôn giáo trước kia Savitri phải chịu đựng. Viết về Phật tích, Hồ Anh Thái không chỉ viết tiểu sử Phật bằng những huyền thoại mà dựng nên hình ảnh Đức Phật từ lịch sử. Ông đã khai thác triệt để những yếu tố văn hóa của nền văn minh sông Hằng, văn hóa Ấn Độ, bóc dỡ những lớp sương mù huyền thoại tôn giáo để tìm ra vấn đề thuộc vào cốt lõi của con người Đức Phật và cõi tâm linh sâu thẳm. Tác giả có vốn kiến thức khá lớn về văn hóa dân gian cổ đại, lịch sử, triết học Phật giáo và cả những tục lệ dị biệt, tục đẻ đứng nhuốm màu sắc dị đoan, tục thiêu xác người, tục cưới hỏi mang ý nghĩa tôn giáo, tục tế ngựa nhằm thôn tính đất đai trắng trợn và độc ác của thời cổ đại… Người viết còn cho người đọc biết thêm về các bản kinh Phật cổ đại, trung đại, rồi Kinh Vệ Đà. Khởi thủy của kinh này là dạy cách tế lễ, thờ phụng, nhưng qua năm tháng đã có những biến thái cho phù hợp với thời cuộc. Đọc nhiều trường đoạn cứ ngỡ như ông đang đưa người đọc tới tiểu thuyết phong tục, rồi liền sau đó, ông lại trở về với hiện tại. Chính sự đan xen giữa các mảng huyền thoại và hiện thực ấy đã làm cho cuốn sách có chiều sâu, với những lớp lan rộng hơn bề dày của nó. Đó là những lý do khiến cho Đức Phật nàng Savitri và tôi như một phóng sự trường thiên ở đó người viết đưa độc giả đến xứ Phật nhưng tác phẩm rõ ràng là tiểu thuyết mà sao nghe như lời ký sự hành hương về xứ Phật. Trong dung lượng một cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn bằng sự tích hợp những thể loại Hồ Anh Thái đã mở rộng khả năng để nó có thể chứa đựng được biết bao điều.
Tất cả đều cố gắng nhồi nhét vào bên trong một dung lượng câu từ tương đối nhỏ. Hồ Anh Thái đã cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin nóng bỏng về tình hình xã hội qua yếu tố liên văn bản này. Với Đức Phật nàng Savitri và tôi, tác giả đưa độc giả trở về nguồn gốc của Phật, nơi mà anh được người hướng dẫn viên du lịch đầy thân thiện nàng Savitri chọn làm người kể chuyện: Tác giả nhân vật xưng Tôi được Savitri - người hướng dẫn viên du lịch đưa người tới vùng văn hóa Ấn và những ràng buộc về tôn giáo trước kia Savitri phải chịu đựng. Viết về Phật tích, Hồ Anh Thái không chỉ viết tiểu sử Phật bằng những huyền thoại mà dựng nên hình ảnh Đức Phật từ lịch sử. Ông đã khai thác triệt để những yếu tố văn hóa của nền văn minh sông Hằng, văn hóa Ấn Độ, bóc dỡ những lớp sương mù huyền thoại tôn giáo để tìm ra vấn đề thuộc vào cốt lõi của con người Đức Phật và cõi tâm linh sâu thẳm. Tác giả có vốn kiến thức khá lớn về văn hóa dân gian cổ đại, lịch sử, triết học Phật giáo và cả những tục lệ dị biệt, tục đẻ đứng nhuốm màu sắc dị đoan, tục thiêu xác người, tục cưới hỏi mang ý nghĩa tôn giáo, tục tế ngựa nhằm thôn tính đất đai trắng trợn và độc ác của thời cổ đại… Người viết còn cho người đọc biết thêm về các bản kinh Phật cổ đại, trung đại, rồi Kinh Vệ Đà. Khởi thủy của kinh này là dạy cách tế lễ, thờ phụng, nhưng qua năm tháng đã có những biến thái cho phù hợp với thời cuộc. Đọc nhiều trường đoạn cứ ngỡ như ông đang đưa người đọc tới tiểu thuyết phong tục, rồi liền sau đó, ông lại trở về với hiện tại. Chính sự đan xen giữa các mảng huyền thoại và hiện thực ấy đã làm cho cuốn sách có chiều sâu, với những lớp lan rộng hơn bề dày của nó. Đó là những lý do khiến cho Đức Phật nàng Savitri và tôi như một phóng sự trường thiên ở đó người viết đưa độc giả đến xứ Phật nhưng tác phẩm rõ ràng là tiểu thuyết mà sao nghe như lời ký sự hành hương về xứ Phật. Trong dung lượng một cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn bằng sự tích hợp những thể loại Hồ Anh Thái đã mở rộng khả năng để nó có thể chứa đựng được biết bao điều.
Murakami lại có những lựa chọn cho sự xâm nhập
thể loại khác với Hồ Anh Thái. Ông đã kết hợp một cách khéo léo các thể loại
báo chí, truyện khoa học giả tưởng, tiểu thuyết giả trinh thám, hình thức viết
thư… tạo nên độ “nhòe” cần thiết về ranh giới thể loại. Ông mượn tiểu thuyết
đen với những nét đặc trưng là thể hiện bạo lực, tình dục và tính xác thực để
thể hiện rất đắc lực cho những kiểu con người bản năng tính dục, con người với
hành trình đi tìm lại bản ngã. Ông tái hiện cho người đọc hình dung về một nước
Nhật “tràn ngập bạo lực”: bạo lực chiến tranh, bạo lực tôn giáo, bạo lực tình dục…
Ông còn dùng thể loại báo chí vào tiểu thuyết của mình để tạo nên sự hòa phối,
đan xen nhiều điểm nhìn, nhiều tầng bậc tự sự và sự đối thoại ở Ngầm, Biên
niên ký chim vặn dây cót, Cuộc săn cừu hoang… Ông còn sử dụng hình thức viết
thư như một trong hình thức thể loại phát huy tối đa tính chủ quan của người kể
chuyện, Murakami đã cho nhân vật của ông bộc lộ những trải nghiệm, những ký ức,
tâm trạng của chính mình bằng giọng điệu thủ thỉ tâm tình, đi sâu vào những ngõ
ngách sâu kín nhất của tâm hồn con người. Sự lồng ghép này đã tạo ra hiệu quả tối
đa trong việc thể hiện những “bất đồng trong giao tiếp” của xã hội hậu hiện đại.
Tiểu thuyết Murakami còn có sự lồng ghép của các thể loại hội
họa và điện ảnh, âm nhạc. Nếu Rừng Nauy được ví như một bản pop
ballad ngọt ngào thì Biên niên ký chim vặn dây cót là một bản nhạc
Jazz đầy ngẫu hứng, phá cách. Nếu cuộc đời và câu chuyện tình tuyệt vọng của
Hajime được kể trên nền nhạc của Nat King Cole và Duke Ellingtion với hương vị
lạ lùng của những ly cocktail Daiquisi và Robin’s Nest thì hành trình xuyên quốc
gia đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân gây ra sự tác nghẽn dòng chảy trong mình
của Tsukuru luôn trong ưu sầu da diết đến ám ảnh bởi bản nhạc “Le Mal du
Pays” (Những năm tháng hành hương) của Liszt. Murakami để âm nhạc giữ
vai trò quan trọng như một phông nền thật đặc biệt để câu chuyện của ông kể
được thêm sự tha thiết, bay bổng, cứ tự nhiên mà đi vào lòng người.
Murakami sử dụng những cái đã có trong văn chương thế giới và
viết lại theo cách riêng của mình, giải những “đại tự sự” bám víu vào thủ pháp
cũ. Murakami dùng huyền thoại là để giải huyền thoại. Huyền thoại là phương tiện
giải hiện thực, giải niềm tin, giải tự sự. Huyền thoại hậu hiện đại đặt sự kết
thúc cho những giá trị lỗi thời, những niềm tin vô căn cứ. Murakami kéo văn
chương về với pop, rock, về với hiện thực trần trụi, thậm phồn của cái xã hội với
nhiều bộn bề phức tạp mà ta đang sống, trong đó con người cảm nhận được chính
thực tại hiện tồn của mình.
Kỹ thuật lắp ghép, vay mượn nhiều thể loại trong tác phẩm của
Hồ Anh Thái và Haruki Murakami thể hiện ý thức trưng bày “hiện thực thậm phồn”
của xã hội thời kỳ hậu hiện đại. Thế giới không đơn thuần cái này hay cái kia
mà là một sự dung hợp mọi thứ, một “món nộm suồng sã” một màn “tạp kỹ”, muốn hiểu
cái này phải lật lại cái kia, đó là kết quả của tính chất liên văn bản. Sự dung
nạp có vẻ bất thường này đem lại cho người đọc cảm giác thích thú bởi cả hai
nhà văn không kết hợp chúng theo những kiểu cắt dán thông thường mà đã thổi vào
đó sự sáng tạo rất riêng của mình. Với kết cấu phức hợp nhiều thể loại, văn học
hậu hiện đại xem tác phẩm là văn bản được tạo thành bởi sự hòa trộn, “chắp vá”
trích dẫn của nhiều văn bản, phong cách khác nhau. Đây là quá trình để đưa đến
một hiệu ứng mới khá bất ngờ trong trang văn của các nhà văn. Từ kiểu kết hợp
đó, các nhà văn đã tạo ra một cấu trúc lai ghép và văn bản đa thanh để diễn đạt
thật hiệu quả cho một hiện thực hỗn độn không tầng, không lớp qua cảm nhận của
con người thời hậu hiện đại ở mỗi “hoàn cảnh hậu hiện đại” khác nhau.
Khái niệm liên văn bản giúp bộc lộ tính chất đa tầng của văn
bản văn học. Liên văn bản không những kết hợp, trộn lẫn mà còn xóa đi tất cả những
ranh giới của các thể loại. Hướng đến yếu tố liên văn bản trong sáng tác của
mình hai nhà văn Hồ Anh Thái và Haruki Murakami đã sử dụng một lượng rất lớn
các tri thức liên ngành. Tất cả đều nhằm tạo nên một thế giới của cả quá khứ và
hiện tại sinh động với các giá trị văn hóa đặc sắc. Hồ Anh Thái bằng việc tiếp
thu nhiều luồng văn hóa, đặc biệt là Phật giáo và các tôn giáo khác của Ấn Độ
đã tạo được mạch nguồn riêng cho sáng tác của ông có bề dày và chiều sâu văn
hóa. Haruki Murakami thể hiện rất rõ nét lai ghép của văn hóa phương Đông và
văn hóa phương Tây. Tác phẩm của ông vừa mang niềm bi cảm của văn hóa Nhật Bản
và vẻ đẹp phương Đông nhưng bên cạnh đó còn mang cả hơi thở văn hóa phương Tây
rất rõ. Nhà văn kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố văn chương thuần túy với văn
chương đại chúng. Sáng tác của ông hướng đến độc giả bình dân với sự lồng ghép
tiểu thuyết lịch sử, giả trinh thám, truyện khoa học giả tưởng, những vấn đề nhạy
cảm như chiến tranh, tình dục, thảm họa thiên tai… Murakami đã miêu tả nỗi cô
đơn của con người thật tinh tế và đầy hấp dẫn dưới sự soi chiếu của triết học
hiện sinh. Ở những trang văn của ông, người đọc còn thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn
triết học Phật giáo tâm linh với triết học hiện sinh, phân tâm học phương Tây
và cả cảm thức phi lý trong sáng tác của F.Kafka. Tác phẩm của Hồ Anh Thái cũng
đã thể hiện được sự “năng động”, sự đột phá vượt bậc trong lối viết cũng như
quan niệm nghệ thuật khi đã kết hợp một cách khéo léo các thể loại báo chí,
thơ, ký sự, phóng sự, tiểu phẩm hài, yếu tố văn học dân gian của dân tộc…,
trong một tác phẩm văn học tạo nên độ “nhòe” về ranh giới thể loại. Càng về sau
trên con đường sáng tác, yếu tố liên văn bản càng được nhà văn xứ Nghệ sử dụng
với mật độ dày hơn và mang những dụng ý nghệ thuật làm nên phong cách tiểu thuyết
của mình. Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật nàng Savitri và tôi, SBC
là săn bắt chuột là những tác phẩm tiêu biểu cho sự thể nghiệm thành công
với yếu tố liên văn bản trong sáng tác của ông. Liên văn bản với tính đối thoại
nhiều chiều giữa các văn bản, giữa tác giả và người đọc tạo ra nhiều tầng ý
nghĩa và liên tưởng thú vị. Tìm hiểu những nét khác biệt ở yếu tố liên văn bản
trong sáng tác của hai nhà văn Hồ Anh Thái và Haruki Murakami mở ra cho người đọc
một tiềm năng về sự khám phá vô tận những ý nghĩa của một tác phẩm văn học qua
việc thiết lập cho mình những mạng lưới văn bản riêng. Trong xu hướng liên văn
hóa và đa văn hóa như ngày nay, hướng nghiên cứu này giúp người đọc có thêm cơ
hội tìm hiểu kỹ lưỡng hơn các tác phẩm nghệ thuật cũng như có sự đánh giá hợp
lý hơn về nghệ thuật đương đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (Biên soạn)
(2003), Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lý thuyết, NXB Hội
Nhà văn, Hà Nội;
Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá
trình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội;
Liviu Petrescu (2012), Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại,
(Lê Nguyên Cẩn dịch và giới thiệu), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội;
Haruki Murakami (2008), Người tình Sputnik - Suputoniku
no koibito, Sputnik Sweetheart (Ngân Xuyên dịch), NXB Hội Nhà văn;
Hồ Anh Thái (2006), Mười lẻ một đêm, NXB Đà Nẵng;
Hồ Anh Thái (2007), Đức Phật, nàng Savitri và tôi, NXB
Đà Nẵng;
Hồ Anh Thái (2012), SBC là săn bắt chuột, NXB Trẻ.
Trần Quang Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét