Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

Ngày xuân tản mạn về chiếc áo dài

Ngày xuân tản mạn về chiếc áo dài
Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì áo dài Việt Nam ra đời từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765), khi vị chúa Đàng trong này xưng vương hiệu là Võ Vương, lập ra nghi thức triều đình, chế ra mũ miện, quy định áo mão cho triều thần và y phục cho dân chúng.
Nguyễn Phúc Khoát hiểu dụ: “Y phục bản quốc vốn có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục, nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục cũng nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người khách (1) thì nên đổi theo thể chế của nước nhà… Thường phục thì đàn ông, đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay (2), cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mở. Duy đàn ông không muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc thì cũng được. Lễ phục thì dùng áo cổ đứng tay dài, vải xanh chàm hoặc vải đen, hay vải trắng tùy nghi. Còn các bức viền cổ và kết lót thì đều theo như điều hiểu dụ năm trước mà chế dùng”. Như vậy, áo dài Việt Nam đã ra đời từ thế kỷ 18. Nó là sản phẩm mang màu sắc dung hòa Bắc Nam.
Đến thời Nguyễn Gia Long, chiếc áo dài của phụ nữ có kiểu áo hai vạt buông thả xuống và không cài khuy, cũng có khi buộc hai vạt vào nhau, nên người ta gọi là áo buộc vạt. Ngoài ra, còn có kiểu áo năm thân, vạt ngoài gọi là vạt cả. Áo không có cài khuy cạnh sườn mà dùng thắt lưng thắt ngang bụng để giữ không cho vạt áo trễ xuống. Nếu mặc áo buông vạt thì người phụ nữ bao giờ cũng phải mặc yếm cổ xây cho kín đáo.
Năm 1932, họa sĩ Nguyễn Cát Tường, chủ nhà may Cát Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội (3), đã thiết kế ra một loại áo cách tân dành cho phụ nữ. Chiếc áo kiểu mới này được gọi là “áo tân thời” kiểu Lơ Muya (Le Mur). Dân gian thời đó gọi là áo “Le Mur”.

Kiểu áo “Le Mur” may vai bồng, tay măng-sét như tay áo sơ mi của nam giới. Cổ áo tròn khoét sâu xuống ngực, có viền đăng ten. Có khi áo được gắn thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ. Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Áo “Le Mur” có thân dài, đặc biệt hình thức áo bó thân thon thả được giới nghệ sĩ hay thời thượng lúc bấy giờ rất ưa thích. Ngoài ra, còn có kiểu áo cổ khoét hình trái tim, gấu áo hình sóng lượn, đắp vải khác nhau và dính những đường đăng-ten rất kiểu cách.
Người ta nói kiểu áo “Le mur” đã được vay mượn từ kiểu áo của phụ nữ phương Tây. Sự pha trộn giữa các yếu tố văn hóa “Tây” và “Ta” qua chiếc áo “Le Mur” tỏ ra rất hài hòa. Với giới thượng lưu, áo “Le Mur” là một sự đột phá trong quan niệm về ăn mặc.
Những năm 1932 - 1933, tại Sài Gòn, người phụ nữ cũng đã mặc những chiếc áo dài may theo kiểu tân thời do các hoạ sĩ trong Nam thiết kế. Áo dài Sài Gòn được cắt và may theo kiểu những chiếc áo đầm của phụ nữ Tây phương được biến cải lại thành áo dài Việt Nam. Áo dài Sài Gòn kiểu cách hơn áo dài Hà Nội. Chiếc áo dài Sài Gòn rất đẹp, vì nó được may bằng những hàng tơ lụa, vải mỏng, có màu sắc, sọc, hoa, chấm…
Cuộc tranh luận kiểu áo tân thời vào thập niên 1930 giữa báo Ngày Nay và báo Phong Hóa ở Bắc Kỳ (ủng hộ ông Nguyễn Cát Tường) với nhóm báo Trong Khuê Phòng - Tân Á ở Nam Kỳ (ủng hộ ông Dương Công Nam) kéo dài mấy năm. Nhóm báo nào cũng nói là người của mình sáng chế “mốt” tân thời trước nhất.
Những năm 1932 - 1935, các cô gái Huế cũng mặc áo “Le Mur” như các cô gái đất Bắc. Lúc bấy giờ, tại Huế có bài vè:
“Vè vẻ vè ve
Nghe vè “mốt” áo.
Bận áo lơ muya
Đi giày cao gót.
Xách bóp tờ phơi
Che dù cánh dơi
Đi chơi cụ Ngáo
Ăn cháo không tiền
Gởi liền lơ muya!”

Đến năm 1943, áo dài “Le Mur” đã bị thất sủng. Theo thời gian, áo dài Việt Nam được hoàn thiện theo không gian, theo đặc điểm cơ thể và theo quy luật của khí hậu.
Đến năm 1950, áo dài được may có eo, áo lượn theo thân người phụ nữ. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông, để áo ôm theo thân dáng. Cổ áo cao hơn trước và gấu được hạ thấp xuống.
Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập niên 1960. Áo dài được may chít eo. Eo áo cao để hở cạp quần. Gấu áo thẳng ngang và dài gần đến mắt cá chân. Ngoài ra, còn có loại áo cổ khoét.
Gần cuối những năm 1960, áo dài mi ni trở thành thời thượng. Vạt áo hẹp và ngắn đến đầu gối. Áo rộng, không chít eo, nhưng vẫn lượn theo thân thể. Cổ áo thấp, tay áo rộng. Quần dài, gấu rộng có khi đến 60cm.
Từ những năm 1970 đến 1990, áo dài không thay đổi nhiều, chủ yếu chỉ thay đổi chung quanh chất vải hay hoa văn.
Năm 1989, báo Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức cuộc thi Hoa hậu áo dài. Sự  kiêu sa và quyến rũ của áo dài được Kiều Khanh biểu diễn đã làm xiêu lòng đông đảo người chiêm ngưỡng cũng như Ban giảm khảo để đăng quang ngôi Hoa hậu.
Năm 1995, chiếc áo dài Việt Nam do nhà thiết kế Sỹ Hoàng trong bộ “12 áo dài vẽ” được Trương Quỳnh Mai thể hiện thành công với giải “Trang phục dân tộc” đẹp nhất tại cuộc thi quốc tế ở Tokyo (Nhật Bản). Mười khúc biến tấu áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh như được kết hợp giữa hội hoạ, mốt thời trang và đời thường, đã làm say đắm biết bao khán giả và các nhà tạo mốt ở những cuộc thi trong và ngoài nước.
Hiện nay, chiếc áo dài có những đặc tính cơ bản như: Thân áo bó sát cơ thể, tay áo hẹp, vạt áo dài xẻ hông và cài cúc ở một bên, cổ dựng không có cúc, quần có hai ống rộng và phủ kín hai bàn chân.
Theo thời gian, qua nhiều lần cải tiến, chiếc áo dài Việt Nam ngày càng có giá trị thẩm mỹ cao. Chiếc áo dài là trang phục truyền thống đặc trưng, vừa là biểu tượng văn hóa, vừa kín đáo, vừa duyên dáng, vừa gợi cảm, vừa tôn vẻ đẹp thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam.
Chiếc áo dài không chỉ là một trong những trang phục tiêu biểu nhất của phụ nữ Việt Nam mà còn là sản phẩm văn hóa giao hòa giữa cổ truyền và hiện đại, giữa dân gian và bác học, giữa Đông và Tây.
Áo dài Việt Nam đã được đón tiếp với sự trân trọng và ưa thích ở nước ngoài.
Nhà thơ Huy Cận đã có lần cảm xúc: 
“Dịu dàng áo trắng trong như suối.
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay”.

Ngày nay, áo dài Việt Nam được sử dụng trong nhiều sự kiện, đặt biệt là dịp Tết cổ truyền của dân tộc. 
Chiếc áo dài Việt Nam là sản phẩm văn hóa giao hòa giữa cổ truyền và hiện đại, giữa dân gian và bác học.
Ghi chú:
(1) Người Trung Quốc.
(2) Không dài lướt thướt như áo dài người Trung Quốc.
(3) Có tài liệu nói năm ấy là năm 1939.
Theo http://khoahocthoidai.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một ngày đi hôi gạo

Một ngày đi hôi gạo Đó là những ngày đầu tháng năm năm 1975. Tôi rảnh rổi không có việc gì làm, đạp xe qua nhà cậu tôi ở Cầu Kinh, một khu...