Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Thơ nữ những năm đầu thế kỷ XX nhìn từ phương diện nghệ thuật

Thơ nữ những năm đầu thế kỷ XX 
nhìn từ phương diện nghệ thuật 
ĐẶT VẤN ĐỀ 
Thành quả của thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay không thể không nhắc đến sự góp mặt của các cây bút nữ qua từng thời kỳ. Tuy chưa có sự đông đảo về lực lượng sáng tác nhưng thành tựu của các nhà thơ nữ trong những năm đầu thế kỷ XX là không thể phủ nhận. Nghiên cứu thơ nữ giai đoạn này để thấy được những đóng góp của họ về phương diện nghệ thuật: thể thơ, ngôn ngữ, giọng điệu. Đây là một trong những cách tiếp cận văn học, có khả năng tái hiện đúng và đa dạng diện mạo thơ nữ Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.  
NỘI DUNG 
2.1- Thể thơ đa dạng 
Mỗi thời kỳ văn học, thể loại có những phân định và đặc trưng khác nhau; thể hiện thái độ, cách nhìn nhận, cảm thụ về thế giới và con người. Đây là nơi tích lũy và đúc kết những giá trị nhận thức thẩm mỹ về thế giới sáng tác của nhà thơ, nhà văn. Theo Bakhtin, thể loại chính là nhân vật thứ nhất, nhân vật chính của văn học. Nhà nghiên cứu Mã Giang Lân lại cho rằng: “Mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử thường sử dụng những thể loại thích hợp mà ở đấy chúng ta có thể thấy được sự vận động trong tư duy sáng tạo của nhà thơ” (Mã Giang Lân, 2005, tr. 19). Nhìn lại lịch sử thơ ca, các thể thơ truyền thống của dân tộc ta là những thể thơ được sử dụng phổ biến và làm cơ sở cho sự ra đời của những thể Thơ mới sau này (từ năm 1932 trở đi). 
Sang thế kỷ XX, quá trình hiện đại hóa văn học đã làm cho văn học Việt Nam thay đổi một cách cơ bản. Thể loại thơ ca luôn có những yếu tố vận động, biến đổi. Do đó, nó vừa có tính truyền thống, vừa mang tính cách tân hiện đại. Thơ nữ cũng không nằm ngoài những quy luật ấy. 
Thơ Đường luật vốn là thể thơ được sử dụng nhiều nhất trong thơ trung đại, thể loại thơ đã sản sinh ra nhiều thi tài ở Trung Quốc, Việt Nam... Đó cũng là nền thơ có thi pháp riêng được quy định bởi thế giới quan, nhân sinh quan và thẩm mỹ quan của thời đại phong kiến Á Đông. Thi pháp đó có nhiều đặc điểm như sự tôn sùng thiên nhiên, tính quy phạm, tính ước lệ, tính phi ngã. Những nữ sĩ đứng ở giai đoạn giao thời như: Đạm Phương, Sương Nguyệt Anh sử dụng hầu hết các thể thơ truyền thống như: tứ tuyệt, thất ngôn bát cú Đường luật, ngũ ngôn, song thất lục bát, lục bát và từ khúc. 
Đạm Phương là người góp phần duy trì một hướng sáng tác thơ Đường luật bằng chữ Quốc ngữ, mở đầu cho một hướng đi mới của nhiều nhà thơ về sau. Bài thơ Nhớ bạn, Nhớ cảnh núi… của Đạm Phương; Đáp Hồ Bá Xuyên, Tỏ chí, Tự thán của Sương Nguyệt Anh cho thấy sự tài hoa và tố chất nghệ sĩ của họ. Thể từ gần như ít xuất hiện trên văn đàn nhưng những bài thơ của Đạm Phương và Sương Nguyệt Anh là những bài đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ theo đúng điệu: 
Mảnh trăng đêm dọi bóng quanh thềm 
Bóng dọi quanh thềm giấc khó êm. 
Giấc khó êm vì thương nhớ bạn 
Vì thương nhớ bạn, mảnh trăng đêm. 
(Nhớ bạn - Đạm Phương) 
Năm canh thức nhắp, năm canh những, 
Nửa gối so le, nửa gối chờ. 
Vườn én rủ ren trên lối cũ, 
Canh gà xao xác giục tình xưa. 
(Tự thán - Sương Nguyệt Anh) 
Thơ của Cao Ngọc Anh gồm thơ viết bằng chữ Hán và thơ viết bằng chữ Quốc ngữ. Những bài thơ tứ tuyệt cho thấy tài thơ chữ Hán của bà Cao Ngọc Anh quả không tầm thường, bài thơ Đào hoa khẩu chiếm là một bài thơ tiêu biểu: 
Tích niên lang tháp song đào thụ 
Kim kiến đào hoa bất kiến lang 
Giả sử hoa thần như hữu thức 
Vị lang tiều tụy giảm dung quang. 
Tác giả đã tự dịch ra tiếng Việt như sau: 
Bói hoa đào 
Song đào chàng mới trồng năm trước 
Nay thấy đào hoa chẳng thấy chàng 
Ví khiến thần hoa như có biết, 
Vì chàng nhan sắc giảm phần chăng? 
Ngoài thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ thất ngôn bát cú của bà có phần đặc sắc, gợi tả tâm trạng của nhà thơ trước cuộc đời. Các bài thơ Hoàng hôn, Vịnh đêm thu, Vịnh cảnh Ngũ Hành sơn tiêu biểu cho lối thơ truyền thống, giàu chiêm nghiệm. 
Trong khi nhiều nhà thơ lãng mạn cùng thời chịu ảnh hưởng của văn chương phương Tây thì Ngân Giang vẫn gắn bó với thơ Đường luật và các thể thơ dân tộc. Thơ của Ngân Giang gồm các thể: tứ tuyệt, lục bát, Đường thi thất ngôn bát cú... Bài Xuân mong đợi, Mười bài tâm sự... được dùng để ký thác niềm riêng của tác giả. Thơ Đường luật thất ngôn bát cú là thể thơ khó làm nhất nhưng với Ngân Giang bỗng trở nên “dễ dàng” như bất cứ thể thơ nào khác. Người đọc bắt gặp trong Xuân chiến địa
Lành lạnh bên sông một quán nghèo 
Đèn lay dáng trúc gió hiu hiu 
Hướng dương trà vẫn thơm như cũ 
Khói tỏa tương tư đượm ít nhiều? 
Đường luật thất ngôn bát cú là thể thơ thích hợp với nữ sĩ. Đọc thơ bà khiến ta thấy nhẹ nhàng, được sống thoải mái trong không gian cổ kính đầy yêu thương… Bài thơ Trưng Nữ Vương là một ví dụ tiêu biểu. Bài thơ hoàn thành vào năm 1939, thoạt nhìn hình thức vẫn là thể thức của Thơ mới, gồm có năm đoạn, mỗi đoạn bốn câu, mỗi câu bảy chữ. Hình thức mới nhưng vẫn còn mang nặng sắc thái khí vị của thơ Đường, đầy nhạc điệu: 
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời… 
Về mặt thể loại, các nhà thơ nữ đã vận dụng thành công các thể thơ dân tộc nhưng không gò bó trong khuôn khổ những quy phạm chặt chẽ của thể loại mà luôn có những phá cách và thể nghiệm mới. Với thể thơ lục bát, thơ nữ đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của mình. Không mô phỏng hoàn toàn ca dao và lục bát dân tộc, các bà lựa chọn những đặc điểm, yếu tố thích hợp của lục bát, ca dao để sáng tác cho phù hợp với tâm hồn của con người thời đại. Các bà biết phát huy giá trị tích cực của thơ ca dân tộc để đem đến cho thơ ca những giá trị phù hợp với thực tế đời sống và thế giới nội tâm của nhà thơ. Cấu trúc câu thơ được sắp xếp theo quy luật của cảm xúc và dòng chảy của tâm thức. Lục bát, song thất lục bát cũng là thể thơ quen thuộc được các nhà thơ nữ sử dụng với tỷ lệ cao. Những bài thơ lục bát, song thất lục bát nhẹ nhàng, giàu cảm xúc: Sóng thơ của Thu Hồng; Âm thầm, Tơ sầu của Mai Đình; Lòng quê, Quán cũ trong sương của Hằng Phương; Thuyền đi của Vân Đài; Vườn trưa, Bóng ai của Cẩm Lai; Ru con, Ngõ chơ Khâm Thiên của Anh Thơ… Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thể thơ song thất lục bát tạo nên những dòng cảm xúc riêng biệt, không hòa lẫn. Để khai thác trọn vẹn hơn những khát khao thầm kín trong hành trình đi tìm hạnh phúc, các nhà thơ nữ đã khai thác và khám phá một cách toàn vẹn nhất trái tim của những người phụ nữ yêu thương và khát khao được sẻ chia, bày tỏ trong thể thơ song thất lục bát. 
Bao thế sự xóa nhòa rêu phủ, 
Còn lại đây quán cũ vài gian, 
Trong sương lặng đứng mơ màng. 
Gợi lòng cho khách qua đàng nhớ nhung… 
(Quán cũ trong sương - Hằng Phương) 
Các nhà thơ nữ hầu như sử dụng các thể thơ quen thuộc như thơ năm chữ, bảy chữ, lục bát, thơ tám chữ. Sự tìm tòi, đổi mới trong thơ thể hiện ở việc gia tăng các khổ thơ, câu thơ hoặc thay đổi nhịp thơ, vần điệu, từ ngữ… Sự đổi mới ấy tuy không đặc biệt nhưng cho thấy ít nhiều nét sáng tạo, thấy được ý thức và nỗ lực kiếm tìm cách thức để làm mới thơ. Nhưng sự đổi mới đó vẫn không làm thay đổi lối thơ trong sáng, chân thành; giọng thơ uyển chuyển, êm đềm của các nhà thơ nữ.
Sáng tác của các nhà thơ nữ trong khuôn thơ tương đối ổn định: thơ thất ngôn, thơ tám chữ và vận dụng thể thơ lục bát và thơ ngũ ngôn một cách điêu luyện. Thơ tám chữ là thể thơ có nguồn gốc từ thể hát nói. Thể thơ này có sức dung chứa lớn, lời thơ, ý thơ gần với lời kể, giàu yếu tố tự sự, thi nhân tự do biểu hiện cảm xúc đối với làng quê. Cuộc sống thường nhật đi vào trong thơ các tác giả nữ một cách sinh động, cụ thể, neo giữ hồn người. 
Còn có gì hơn thầm lặng anh ơi... 
Dồn thương nhớ vào tận cùng cân não 
Để đêm nay xây đắp mộng luân hồi 
Anh hãy cùng em về căn nhà nhỏ 
(Bên mồ Hàn Mặc Tử - Mai Đình) 
Kìa trăng vỡ trong hồ khi nước động, 
Sóng lao xao lấp loáng, ánh xa ngời. 
Và búp hoa nghểnh dậy đón hương trời, 
Cây tuôn bóng, lửng lơ, đò chẳng lướt! 
(Tơ lòng với đẹp - Thu Hồng) 
Anh Thơ sáng tác ở nhiều thể thơ và hầu như thể loại nào cũng thể hiện sự thành công của tác giả. Thể thơ tám chữ là thể thơ được Anh Thơ sử dụng tương đối nhiều, qua thể thơ này, Anh Thơ đã giúp cho chúng ta có thêm những hiểu biết, những cảm nhận về bức tranh phong cảnh, bức tranh cuộc sống của con người; giúp người đọc như đang được đắm mình vào cảnh quê, được sống lại không khí của thôn quê hay cuộc sống lao động, chiến đấu của con người mới. Tiêu biểu là các bài: Trưa hè, Chiều xuân, Rằm tháng bảy, Qua đỉnh đèo Ngang, Mùa chiêm mới, Theo cánh chim câu… 
Trời trong biếc không qua mây giợn trắng, 
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa. 
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng, 
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua. 
(Trưa hè) 
Được cách tân và sáng tạo, thể thơ tám chữ là phương tiện để các nhà thơ nữ biểu hiện tâm trạng, bộc lộ cái tôi. Thể thơ này có sự phóng túng trong câu chữ, nhịp điệu linh hoạt, có sức dung chứa cuộc sống, có khả năng giãi bày tiếng nói sâu kín trong tâm hồn con người, thích hợp với kiểu con người tự do, con người tâm linh, con người cá nhân thành thực với lòng mình và cuộc sống. Thể thơ này là cơ sở để các nhà thơ nữ thể hiện những quan niệm của cá nhân về tình yêu, về lẽ sống, về cái đẹp, về cuộc đời. Bên mồ Hàn Mặc Tử của Mai Đình; Tơ lòng với đẹp, Lịch của Thu Hồng; Khúc nhạc bên đường của Hằng Phương; Trưa hè, Chiều xuân, Rằm tháng bảy, Qua đỉnh đèo Ngang, Mùa chiêm mới, Theo cánh chim câu của Anh Thơ... là minh chứng cho những thành công ấy. Những bài thơ của các bà thể hiện tinh thần, khát vọng tự do mạnh mẽ nhất, là sản phẩm tinh thần của tầng lớp trí thức nói chung và các nhà Thơ mới nói riêng. 
Thơ bảy chữ là thể thơ ra đời khá sớm trong lịch sử thơ ca của dân tộc. Thơ bảy chữ gồm tứ tuyệt (bốn câu bảy chữ), bát cú (tám câu bảy chữ). Gọi thơ bảy chữ (thất ngôn) vì đặc điểm chính của câu thơ là mỗi câu có bảy chữ. Bài thơ bảy chữ ngắn nhất cũng phải là bốn câu: thất ngôn tứ tuyệt (Mời trầu, Bánh trôi nước, Con ốc nhồi của Hồ Xuân Hương)..., thất ngôn bát cú Đường luật (Thăng Long thành hoài cổ, Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan)... 
Thơ thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú Đường luật có yêu cầu về niêm luật chặt chẽ. Các nhà thơ nữ ít sử dụng lại thể thơ Đường luật. Họ chủ yếu sử dụng thơ bảy chữ theo kiểu cổ phong, do ảnh hưởng của xon-nê Pháp nên cấu tạo lại thành những khổ thơ có bốn câu. Nếu các thi gia xưa sáng tác thơ Đường đã dùng nhiều Hán tự, điển tích cho bài thơ hàm súc, chặt chẽ và có phần nặng nề thì thơ bảy chữ của các nhà thơ nữ gần gũi với cuộc sống. Các nhà thơ nữ làm thơ bảy chữ không hạn định số dòng, số câu, gởi gắm vào đó những tư tưởng mới mẻ, với những lời thơ trong sáng nên rất rõ ràng, khúc chiết. Vần, nhịp trong thơ vừa tiếp nối thơ truyền thống, vừa linh hoạt, phản ánh hơi thở của cuộc sống, diễn tả cảm xúc của thi nhân: 
Ngắt theo nhịp 2/2/3: 
Lại thoảng tình hương ở các bông 
Bay ra lan đượm khắp không trung; 
Trong cơn ngây ngất say sưa ấy 
Chợt động cành cây tiếng lá rung. 
(Tiếng đêm - Vân Đài) 
Thể thơ thất ngôn được các nhà thơ nữ cách tân, phá vỡ niêm luật, khổ thơ, vần điệu tạo nên thể thơ bảy chữ. Đây chính “là sự hòa giải tỉnh táo của ý thức thể loại” (Lê Duy Anh, Lê Quang Vinh, 2006, tr. 36). Chính vì thế, thể thơ này trở nên phổ biến rộng rãi, câu thơ tự do hơn: 
Ai cấm người thơ yêu quá độ? 
Ai ghì gió lốc giữa không gian? 
Và ai đặt chữ tình dang dở 
Mà để so le nghĩa thiếp chàng? 
(Căm giận - Mai Đình). 
Thể thơ bảy chữ chiếm một số lượng không nhỏ trong sáng tác của Anh Thơ. Với thể thơ này, Anh Thơ đã có sự cách tân qua kết cấu, ngắt nhịp, hiệp vần linh hoạt. Sự điêu luyện đó không chỉ diễn tả cảnh vật phong phú, đa dạng mà còn thể hiện tình cảm, tâm trạng của tác giả. Có thể kể đến các bài thơ: Chớp mắt, Chiếc cáng thơ, Xuân quê, Nắng… 
Có những ngày buồn chả ước mơ 
Bỏ ăn, quên ngủ, biếng làm thơ. 
Cứ ngồi ngơ ngẩn bên song cửa 
Nhìn liễu rơi vàng lá báo thu... 
(Chớp mắt) 
Thơ năm chữ là thể thơ liên quan đến việc thể hiện cảm xúc, nội dung giãi bày tâm trạng. Thơ năm chữ thường ngắt nhịp 2/3 tạo cho câu thơ chất luyến láy hoặc 3/2 tạo âm hưởng mênh mang, trầm lắng của nỗi nhớ mong. Vốn có nguồn gốc từ thơ ca dân gian, hát dặm Nghệ Tĩnh và loại thơ ngũ ngôn, đến các nhà Thơ mới, thơ năm chữ đã mở rộng hơn, tự do hơn cho tứ thơ để dễ dàng diễn tả tâm hồn, cảm xúc mới của thi nhân. Thể thơ năm chữ cũng được Anh Thơ sử dụng nhiều như các bài: Tiếng chim tu hú, Vá áo, Tết về… Với thể thơ này, Anh Thơ thường chia làm nhiều khổ và nối liền mạch thơ để diễn tả cảm xúc. Nhà thơ thường thiên về lối kể, tả, để diễn tả tình cảm yêu thương, trìu mến của mình. 
Bỗng tiếng chim tu hú 
Đưa từ vườn vải xa 
Quả bắt đầu chín lự 
Ngọt như nỗi nhớ nhà… 
Tu hú ơi tu hú! 
Kêu hoài chi vườn xanh? 
Ta còn đi đi nữa 
Như dòng sông trôi nhanh... 
(Tiếng chim tu hú) 
Đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp thơ ca của Anh Thơ phải kể đến việc vận dụng thể thơ một cách linh hoạt vào sáng tác của bà. Anh Thơ sử dụng nhiều thể thơ: thể thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ; thể thơ tự do, thể thơ lục bát... Ở bất cứ thể thơ nào, Anh Thơ cũng đạt được thành tựu đáng kể. 
Có thể nói, thể thơ truyền thống là thể thơ được các tác giả nữ sử dụng nhiều hơn cả. Đó là âm vang quen thuộc của thi tứ phương Đông trong dòng chảy mới mẻ của thơ ca nữ giai đoạn này. Loại hình câu thơ của các nhà thơ nữ sử dụng phong phú đa dạng tùy từng thể loại thơ và cảm xúc thơ. Câu thơ vừa mang tính truyền thống bởi tính chất đều đặn của nhịp điệu thơ, vừa mang tính hiện đại ở cấu trúc, ý nghĩa và cảm xúc thơ. 
Thanh âm thơ ca truyền thống phương Đông vẫn âm vang trong thơ nữ. “Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt” (Hoài Thanh, Hoài Chân, 2000, tr. 119). Thơ của các nhà thơ nữ giai đoạn này vẫn dạt dào dòng chảy Đường thi. Đó không phải là ngẫu nhiên ở một tâm hồn luôn luôn chìm trong thâm trầm suy nghĩ của cuộc trở về với hồn thơ phương Đông. Những thể Đường thi vừa giản dị, giàu nhạc điệu, gợi cảm mà các nhà thơ nữ ưa chuộng tồn tại vững chãi và phát triển trong giai đoạn chuyển mình của thơ ca dân tộc. 2.2- Ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc 
Ngôn ngữ thơ là cội nguồn chất liệu của thơ ca qua việc dùng từ, đặt câu, xây dựng hình ảnh… “Ngôn ngữ là một hình thức cội rễ nhất, là cội nguồn vật liệu thứ nhất của thơ ca” (Vũ Văn Sỹ, 2005, tr. 44). Ngôn ngữ ảnh hưởng không nhỏ trong việc thể hiện ý thức nữ quyền của nhà thơ nữ trong văn học đầu thế kỷ XX. 
Đến với thơ Cao Ngọc Anh, người đọc hình dung được trọn vẹn tác giả - một người con gái khuê các, đoan trang và giàu trí tuệ. Với bà, giao lưu với bạn bè, du ngoạn đây đó là để bồi dưỡng cho cái tâm và cái trí của mình. Tâm hồn bà như cánh bướm dập dờn trên mọi miền cỏ hoa sông núi: 
Ngoài giậu, sương gieo chồi cúc đượm 
Trên hồ, sen nở tiếng chim kêu 
(Vịnh cảnh chùa Dược Sư). 
Hay: 
Âm thầm nhạn liệng năm canh vắng 
Khắc khoải quyên sầu mấy dặm khơi 
(Thu cảm). 
Những vần thơ lấp lánh trong veo nỗi buồn, người đọc nhìn thấy được tận cùng cái cốt lõi nhân bản của người phụ nữ Việt Nam. 
Thơ của Sương Nguyệt Anh phần lớn là tiếng thơ của khí tiết. Mỗi câu thơ là lời ký thác những tâm sự nữ nhi giữa thời truân chuyên và loạn lạc. Điều khiến cho thơ bà trở nên sâu lắng và có sức gợi qua thời gian chính là tấm lòng chân thành trước cuộc đời. Câu thơ chứa đựng nỗi ngậm ngùi, kín đáo và cảm động: 
Ngọc ánh chi nài son phấn đượm 
Vàng ròng há sợ mất màu phai 
(Cây mai - Sương Nguyệt Anh) 
So với Hồ Xuân Hương hay Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, ngọn bút của Sương Nguyệt Anh kém linh động, tài tình nhưng nó không thiếu phần rắn rỏi, tự nhiên, chân thành. Cách phản ứng trước thời cuộc và nhân tình thế thái khiến ta thêm gần gũi bà. Bà bước ra khỏi chốn gia môn để tham gia các công việc xã hội, văn hoá, là một nữ sĩ tiên phong; một người phụ nữ trang nghiêm, chung thủy và thanh cao, xứng đáng với tinh thần quốc gia dân tộc. “Tài đức và thi ca của bà là những cánh hoa thơm ngát, những tia sáng tươi màu trong rừng văn học nước nhà” (Phạm Xuân Độ, 1959, tr. 65). 
Ngôn ngữ chính là chất liệu của thi ca, một hệ thống từ ngữ có một thế giới tinh thần riêng của nó. Đặc biệt là động từ “giãi bày”, “tiễn biệt”, “gửi”, “quên”, tính từ “băn khoăn”, “tươi tỉnh”… Hệ thống sử dụng các động từ, tính từ cảm xúc trong thơ Hằng Phương đa dạng và phong phú biểu hiện các cung bậc của cảm xúc lòng người. 
Lòng luống băn khoăn khó giãi bày 
Khi nhìn rặng núi khuất ngàn cây 
Và khi tiễn biệt trên đường thẳm 
Muốn gửi hồn theo cánh nhạn bay. 
(Tiễn biệt - Hằng Phương) 
Nếu giọng điệu tạo cho người đọc nhiều rung cảm thì ngôn ngữ sẽ giúp ta có được thế giới hình ảnh. Chính thế giới hình ảnh ấy của ngôn ngữ sẽ tạo cho người đọc nhiều cái nhìn khác nhau về một vấn đề và trong thơ Hằng Phương, nhờ những hình ảnh ấy mà thơ của bà đã đi vào lòng người đọc. Với hình ảnh của những rặng núi, cánh nhạn chiều tà, người đọc bắt gặp người phụ nữ đang khát khao có một tình yêu như thế nào và trong ngay chính bản thân của bà luôn tiềm ẩn một sức sống một tình yêu không bao giờ cạn. 
Trong đời sống văn học, ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản đồng thời là thành tố văn hóa có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Ngôn ngữ Việt thể hiện rõ nét tính cách con người Việt. Các nhà thơ nữ sử dụng ngôn ngữ bình dị, kết hợp cách nói dân gian và hiện đại. Song, với sự thay đổi của hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng, những chi tiết bộn bề của cuộc sống ngày càng thâm nhập vào thơ, những từ ngữ được dùng để diễn tả trạng thái tâm hồn được các nhà thơ đẩy đến tận cùng độ căng của cảm xúc. Vẻ đẹp của thơ Mộng Tuyết, không phải là vẻ đẹp của cấu tứ và kỹ thuật, mà nó có sức lay động ở sự trong trẻo trong cảm xúc và những hình ảnh có sức gợi:  
Trăng chảy ngập đường đi - Thuở ấy 
Đôi người soi bóng bước song song 
Rồi trăng từ đó tương tư bóng 
Chảy ngập đường đi khắp nẻo lòng 
(Bóng trăng - Mộng Tuyết) 
Những câu thơ là vẻ đẹp của một tâm hồn không chỉ quẩn quanh trong những tình cảm riêng tư mà còn biết hướng tâm hồn đến những bến bờ của một tình yêu rộng lớn. Thơ của Mộng Tuyết không nhiều nhưng ý thơ thâm trầm, tình thơ man mác. Cùng với việc sử dụng ngôn ngữ đời thường, Mộng Tuyết chọn lọc từ ngữ khá kỹ để đem lại sự độc đáo, mới lạ diễn đạt hết ý nghĩa của thơ; khơi dậy cả một thời dĩ vãng xa xăm, cái thời "ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in". Tất cả như gợi lên trong lòng người đọc một niềm xao xuyến bâng khuâng, một mối cảm hoài man mác. Đây chính là điều mà Mộng Tuyết đã tạo nên nét riêng cho mình. "Những lời tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng, tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được" (Hoài Thanh, Hoài Chân, 2000, tr. 335). 
Thơ Vân Đài luôn nhuốm màu buồn day dứt, nhớ mênh mang và đâu đó còn vang lên cả lời oán trách. 
Những là Mây biển mênh mông thuyền một lá
Chân trời cánh nhạn tít mù tăm 
(Đợi chờ); 
Đêm đêm nghe sóng về bên gối 
Trở giấc lòng quê những ngậm ngùi 
(Đảo vắng xa xôi). 
Việc sử dụng từ ngữ: “tít mù tăm”, “ngậm ngùi”… thấm đẫm tâm trạng của tác giả, mang nỗi niềm riêng chung của kiếp người phụ nữ xưa. 
Với Thu Hồng, ngôn từ thể hiện trên trang thơ vô cùng giản dị và trong sáng. Tác giả không hề cầu kỳ trong câu chữ, cái sự không cầu kỳ tưởng như không chú trọng tạo ấn tượng bằng những “nhãn tự”. Nhưng đây lại là một sự dụng công chữ nghĩa đến mức tự nhiên, cứ thốt ra là thành ý tứ. Ngôn từ trong thơ Thu Hồng hồn nhiên, thỏ thẻ như con trẻ. Cái thời bé thơ ngây dại dễ mến khiến cho ta khoan dung với tất cả. Đọc những vần thơ của Thu Hồng, ta như trẻ con muốn được sống trong yêu thương: 
Ai có như em, một ấu thời? 
Đi tìm bướm bắt để nuôi chơi, 
Búp bê đem tắm hơ cho ấm, 
Lửa bén vèo! thôi cháy mất rồi. 
(Êm đềm - Thu Hồng) 
Đoạn đời thơ mộng nhất của tác giả chính là tuổi ấu thơ. Ở cái tuổi ấy, thời gian như ngừng trôi, không gian như đậm đà. Cái đẹp của hồn người như lan tỏa vào cảnh vật bởi ngôn từ trong sáng. Ngôn từ trong thơ Thu Hồng chứa đựng khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa, bởi đó là ngôn từ của cảm xúc, của trái tim nhạy cảm. Thu Hồng hướng thơ vào khám phá thế giới nội tâm của chính mình. Ngôn từ trong thơ càng dâng trào cảm xúc, người đọc cảm nhận được suy ngẫm của bà về đời: 
Ô hay! đâu thoát khỏi triền miên, 
Hồn lặng trong mê, ý dậy phiền. 
Đời ít khi vui, hoài cảm xúc, 
Thương sen lẫn lộn sống bên bùn! 
(Mảnh hồn thơ - Thu Hồng) 
Trong thơ nữ, hệ thống từ ngữ bình dị, gần gũi với đời sống con người, thiên nhiên hòa hợp cùng âm hưởng, tâm trạng. Với câu thơ điệu nói, chất nhạc của thơ không phải là thứ nhạc trầm bổng, réo rắt do phối hợp bằng trắc tạo nên như trong thơ trung đại mà nhạc trong thơ điệu nói là tiếng người, ngữ điệu, giọng điệu người. Và nói đến điệu thơ là nói đến điệu tâm hồn, trạng thái cảm xúc. Nhờ có hình thức thơ thích hợp nên trạng thái cảm xúc và lối cấu tứ của các nhà thơ nữ phong phú và đa dạng hơn với mỗi trạng thái mang tính cá thể rất riêng biệt. Câu thơ trữ tình xuất hiện giãi bày nội tâm, cảm nhận thế giới bằng cảm xúc. 
Anh Thơ qua Bức tranh quê biểu hiện đích thực của một ý thức sáng tạo xem trọng sự biểu hiện của những cảm xúc trực tiếp, hoá giải những nỗi đau về thân phận con người, giãi bày tâm trạng của chính mình. Ngôn ngữ thơ Anh Thơ không nghiêng về ước lệ, tượng trưng cũng không uyên bác hoa mĩ mà như một góc trời quê lặng lẽ, khiêm nhường. Tác giả thường dùng rất nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày, những từ ngữ địa phương, khẩu ngữ, thành ngữ dân gian. Người đọc bắt gặp những từ ngữ rất bình dị, rất đời thường như: “chửi đổng”, “lon ton”, cái đĩ”, “nhớn nhác”, “bà lão”, “bới rác”… nhưng cũng rất mộc mạc, chân chất như chính con người quê: 
Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng 
Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton. 
(Họp chợ) 
Tác giả sử dụng từ ngữ, khéo léo dùng ngòi bút của mình vẽ nên những hình ảnh bình dị nhưng thật ấm áp và chan chứa vẻ đẹp cuộc sống. Bên cạnh đó, theo dòng thơ, mạch cảm xúc của người đọc được dâng lên và nhờ đó ta cảm nhận sâu nhất cảm xúc của nhà thơ. 
Hòa vào trong dòng Thơ mới, ngôn ngữ của Anh Thơ vừa kế thừa truyền thống, vừa sáng tạo, cách tân. Ngôn ngữ của Anh Thơ trong sáng, giàu màu sắc dân gian. Thơ của Anh Thơ sử dụng rất nhiều lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê: “ngủ khò bên nhau”, “nhà ai đã cháy rồi”, “thế cũng hơi nhiều”… chân chất, đậm hồn quê. Ngôn ngữ trong thơ bà đã tái hiện bức tranh quê cụ thể, sinh động. Hình ảnh các phiên chợ quê: họp chợ, đông chợ, tàn chợ, bến đò ngày phiên chợ… gợi lên chất quê trong thơ, cứ để lại trong lòng người đọc nỗi nhớ da diết về quê hương, đặc biệt là những người con xa quê. 
Đến với thơ Anh Thơ là đến với ngôn ngữ giản dị, đời thường. Những từ ngữ, hình ảnh giàu tính tượng hình, gợi tả được Anh Thơ tái hiện về cảnh vật, phong cảnh: vườn chuối, nương dâu, cánh đồng, rặng tre, bến sông… Đó là những từ ngữ đậm tính dân gian. Người dân quê đã rất đỗi thân thuộc với những rặng tre, khóm tre, những đường quê, con đê, bến vắng, bờ tre, chòm xoan, hương hồng, hương lý, khóm tre, hoa mướp, hoa lựu, vườn cải, đầm sen, lũ chuồn chuồn, tàu chuối láng… Tất cả cứ đi vào thơ bà tự nhiên, dung dị. Vì vậy, khi đọc thơ của bà chúng ta luôn bắt gặp những từ ngữ mang màu sắc đời thường. 
Âm thanh của cuộc sống thường nhật được Anh Thơ sử dụng bằng một hệ thống ngôn ngữ giàu tính tượng thanh. Đó là tiếng véo von của sáo diều bay lượn, tiếng mưa xuân, tiếng phấp phới của cánh cò trắng, tiếng chuông chùa yên bình, tiếng hát đúm, tiếng ồn ào của những người mua bán, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng cuốc gọi bạn, tiếng gà chiêm chiếp, lợn kêu ủn ỉn, xao xác tiếng gà gáy, tiếng dế kêu, tiếng ếch ộp muôn thuở của làng quê, tiếng pháo đì đạch, âm thanh buồn của tiếng vạc kêu đêm… Đó là thanh âm của miền quê thôn dã. Không chỉ động mà bắt gặp trong những câu thơ là sự lặng lẽ, buồn vắng trong một không gian mơ màng: sự lặng im của chòm tre, của quán hàng vắng lặng, dòng sông cũng im ắng… Vẫn bình dị, êm ả và nhẹ nhàng, một sắc thái không lẫn với một không gian nào. Anh Thơ đã tâm sự: “Lời thơ trong Bức tranh quê có những vần còn thô sơ, những có những câu hay mà đến bây giờ trình độ có vượt hơn trước rất nhiều tôi cũng không làm được” (Lưu Khánh Thơ, 2005, tr. 11). 
Ý thức sáng tạo, ý thức về sự độc đáo đã tạo nên những vần thơ đầy cá tính. Thơ của các tác giả nữ cởi mở cho những tiếng lòng gần gũi, diễn tả những thổn thức, dào dạt của đời vào thơ. Nó mở ra cho các hình thức tư duy mới mẻ, sử dụng các ẩn dụ, liên tưởng đầy nghịch lý và dĩ nhiên nó cho phép cá tính nhà thơ bộc lộ đậm nét trong hình thức thơ, thể loại thơ. Những tác phẩm của các nhà thơ nữ là một minh chứng. 
2.3- Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng 
Mỗi một nhà văn, nhà thơ đều có giọng điệu riêng, hơn thế nữa giọng điệu còn được biểu hiện khác nhau qua từng tác phẩm. “Giọng điệu cá nhân nghệ sĩ là sự tụ kết của nhiều yếu tố: cá tính sáng tạo, quan niệm nghệ thuật, thái độ đối với đời sống, tài nghệ tổ chức ngôn từ trong quá trình tạo giọng để thu hút và thuyết phục độc giả thì giọng điệu của mỗi một thời đại thơ ca là sự thể hiện một cách sống động kiểu tư duy nghệ thuật và khuynh hướng thẩm mỹ chung của thời đại ấy” (Nguyễn Đăng Điệp, 2002, tr. 872). Giọng điệu là chất riêng của thanh âm để tác giả thể hiện một cảm xúc vào tác phẩm. Nó vừa là nội dung, vừa là hình thức để tác giả thể hiện cảm xúc. 
Sương Nguyệt Anh thuộc thế hệ nhà thơ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Bà làm thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ Quốc ngữ. Thơ chữ Hán của Sương Nguyệt Anh hầu hết tập trung vào các chủ đề của thơ cổ. Thơ Sương Nguyệt Anh để lại không nhiều nhưng giọng thơ đầy duyên ngầm với hồn thơ chân thật, thanh cao vẫn mang đến cho đời những bài thơ ngắn ngủi ấy một đời sống rất dài trong lịch sử văn học dân tộc. Giọng thơ Sương Nguyệt Anh cổ kính nhưng tha thiết, tràn trề nỗi niềm nhân thế trong sự cảm nhận sâu sắc (Thơ Chinh phụ, Họa thơ ông Phủ Học). 
Sự nghiệp thơ của Cao Ngọc Anh gồm thơ viết bằng chữ Hán và thơ viết bằng chữ Quốc ngữ. Trong phần thơ viết bằng Quốc ngữ, chỉ đọc bài Vịnh cảnh hoàng hôn, bạn đọc thấy được giọng điệu thơ của bà cùng một khẩu khí với thơ của bà Huyện Thanh Quan:  
Còn trời, còn đất, hãy còn ta. 
Chân cứng lo chi bóng xế tà, 
Nhớ mẹ thêm rầu khi sớm tối 
Thương con nào quản nỗi gần xa. 
Dám sai lời hẹn cùng non nước, 
Cũng gượng vui cười với cỏ hoa 
Phong cảnh buồn trông nơi đất khách, 
Chiều hôm lác đác hạt mưa sa. 
(Vịnh cảnh hoàng hôn - Cao Ngọc Anh) 
Cách ngắt nhịp trong thơ thường phụ thuộc vào cảm xúc thơ và ý thơ. Nhịp điệu theo cảm xúc vừa thể hiện ý thơ theo chiều ngang, vừa gắn kết mạch theo chiều dọc. Nhịp của cảm xúc, của tâm trạng hòa vào nhịp thơ là nét mới lạ trong thơ của Cao Ngọc Anh. Bởi sự hài hòa trong cảm xúc và nhịp điệu mà âm hưởng bài thơ êm đềm, ý tình hòa hợp lan tỏa nhẹ nhàng, sâu lắng đã thể hiện tự nhiên, chân thật cảm xúc thơ. 
Một trong những đặc điểm giọng điệu của thơ nữ giai đoạn này là trữ tình tha thiết. Không nổi bật như các nhà thơ nam cùng thời với những cách tân táo bạo, những liên tưởng dồi dào hay cách thể hiện cuồng nhiệt với tình yêu tận hưởng, quằn quại trong tình yêu tan tác (Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê...), thơ của các bà (Hằng Phương, Ngân Giang, Vân Đài, Anh Thơ, Thu Hồng...) tỏa hương sắc bình dị, khiêm nhường. Chính sự bình dị, nhẹ nhàng, nữ tính ấy đã trở thành những đặc trưng của thơ nữ. 
Những bài thơ của Vân Đài nhẹ nhàng, êm ái, nhằm diễn tả những cảm xúc rạo rực, những xôn xao e ấp trong tình cảm, trong tâm trạng của người đang yêu. Tình yêu ở đây mong manh không bền, để lại những dư vị cay đắng. Những bài thơ của bà: Đêm tàn, Tả cảnh, Chiều thu, Họa mười bài Khuê phụ thán, Xuân sang, Dục Thúy sơn… mang âm hưởng cô đơn, u hoài, buồn bã. Nỗi nhớ mãnh liệt, da diết nên phù hợp với giọng thơ nhẹ nhàng, đều đặn. Sự nhẹ nhàng, truyền cảm, gợi cảm giác man mác, bàng bạc trong thơ. “Lời thơ bao giờ cũng nhẹ nhàng êm ái. Ít khi tiếng Nam có vị ngọt ngào như thế” (Hoài Thanh, 2000, tr. 249). 
Đồng điệu cảm xúc với thơ Vân Đài, thơ Hằng Phương trong tập Hương xuân có nhiều bài là sự hồi tưởng đầy xúc cảm của tác giả về quá khứ. Đó là những ngày Tết thuở bé (Tết xưa), là hình ảnh người mẹ thương yêu đã mất (Nhớ mẹ), là quê nhà đã xa (Tư cố hương, Thu nhớ nhà, Chiều hè đứng bên sông). Hằng Phương đã vẽ nên cảnh sắc của thiên nhiên (Bình minh, Trăng lên, Tịch mịch) bằng sự nhạy cảm trong quan sát, cảm nhận. Những hình ảnh thơ thấm đẫm cảm xúc của nhà thơ tạo nên sự da diết, dào dạt trong lời thơ. Giọng thơ đó đã làm nên sức quyến rũ lắng sâu của thơ Hằng Phương. 
Sương đêm còn đọng trên cành, 
Rưng rưng hạt ngọc long lanh nhìn trời. 
Sẽ sàng chiếc lá vông rơi, 
Thương tâm ngành liễu tơi bời lệ sa. 
Bên hiên chúm chím nụ trà, 
Vừng đông vừa ló, ngoảnh ra mỉm cười. 
Cánh hồng đài điếm khoe tươi 
Dường như mới gặp được người tình xưa… 
(Bình minh - Hằng Phương) 
"Thơ Hằng Phương cùng một giọng êm dịu, ngọt ngào như Vân Đài. Nhưng ít dấu tích thơ Đường và thành thực hơn. Như đoạn cuối trong bài Lòng quê trích theo đây lời thơ thực yểu điệu, dễ thương. Hằng Phương mượn lời chim để nói nỗi lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đây là lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá" (Hoài Thanh, 2000, tr. 340). Bài thơ được biết đến nhiều nhất của Hằng Phương là Lòng quê tặng người bạn đời Vũ Ngọc Phan với nỗi niềm: 
“... Đường xa ngoảnh lại ngẩn ngơ
Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh”. 
Âm điệu chính trong thơ Hằng Phương là “êm dịu ngọt ngào”. Nhưng đôi khi trong thơ bà, ta thấy ánh lên những nét triết lý của một tâm hồn đầy trải nghiệm, suy tư. Trong bài thơ Tết xưa nhà thơ dường như đã thấy trong cái hiện tại, những quy luật của sự sống: Những ngày vui sao chẳng được bao lăm 
Vừa mới đó, cuộc đời đã khác trước. 
Vì có cánh tôi bay theo chim Phượng, 
Tới Bồng lai, xem mẹ ở nơi nao. 
Và quay đầu về dãy núi cao cao, 
Tìm quê cũ dưới nắng xuân rực rỡ. 
Bắt gặp trong những bài thơ của Mộng Tuyết là giọng điệu nhẹ nhàng sâu lắng. Chất liệu làm nên giọng điệu nhẹ nhàng sâu lắng trong thơ tác giả là cách tạo nên nhạc tính bằng việc dùng từ ngữ. Âm điệu nhẹ nhàng có được sự cân đối của âm thanh. Nét phá cách trong ngắt nhịp không nhiều, phần lớn là nhịp của cảm xúc. Sự cộng hưởng của nhịp điệu và cảm xúc tạo nên hiệu quả đặc biệt trong thơ. So với thơ của các nhà thơ nữ trong phong trào Thơ mới, thơ Mộng Tuyết có nhiều đổi mới và sáng tạo hơn hết, tiêu biểu là ở mặt phá cách về số chữ trong câu thơ và sự đổi nhịp trong câu thơ, đoạn thơ. Những bài thơ của Mộng Tuyết trong tập Hương xuân: Em xấu hổ, Chơi vơi, Phấn hương rừng, Ngấn yêu, Lời hoa dại, Đêm sóng gió... là minh chứng. Đó là tình yêu trong sáng, chân thành của một trái tim yêu hồn nhiên, ngây thơ được thể hiện trong dòng cảm xúc dạt dào, nồng nàn bởi những lời thơ rất đỗi đằm thắm, dịu dàng. Việc lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ góp phần quan trọng trong việc lột tả sâu sắc thế giới nội cảm của nhà thơ, giọng điệu thơ có sức chi phối rất lớn trong việc lựa chọn ngôn ngữ thể hiện. Tâm tình trong thơ Ngân Giang chất phác, đậm đà như những hình ảnh phản chiếu từ chiếc gương trong sáng. Trong thơ bà, người đọc thấy thấp thoáng những “bến nước”, “con đò” gợi lên sự biệt ly của người bạn đời Ngân Giang: 
“Từ buổi sang sông với chuyến đò 
Vui gì khi lỡ mối duyên tơ” 
(Sang sông) 
Người buồn, cảnh như buồn theo lòng người. Cảnh vật phủ màu ảm đạm, niềm thương nỗi nhớ xâm chiếm tâm hồn nhà thơ. Nàng mượn cảnh để tỏ lòng mình: 
Đề thơ nước mắt ứa theo dòng 
Non nước ai người có biết không? 
Một kẻ đương ngồi bên cánh cửa 
Mà bao mưa gió ở trong lòng. 
(Chiều nay - Ngân Giang) 
Không gian trống trải, cánh bướm bay thẩn thơ, lòng nàng dậy lên bao xúc cảm, ngậm ngùi. Những năm tháng chờ đợi, giảm đi xuân sắc nhưng tình người vẫn dạ thủy chung. Niềm nhớ thương đã chôn chặt cõi lòng mấy thu. Nàng một mình âm thầm, lòng ngổn ngang biết giãi bày cùng ai… Thơ của Ngân Giang đậm đà tình ý, lời thơ thanh thoát, chất giọng nhẹ nhàng rung cảm người đọc. 
Chủ âm chính của Thơ mới là giọng điệu buồn thương nhưng bên cạnh đó vẫn vang lên những giai điệu yêu đời, những nguồn sống dạt dào mê say. Cùng với Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, thơ của Anh Thơ là bức tranh tươi tắn về làng quê. Bức tranh quê của Anh Thơ vẽ nên bức tranh làng quê tĩnh lặng, dấu ấn văn hóa của nền nông nghiệp đậm đặc trong những vần thơ của nữ sĩ. Bắt gặp trong bức tranh thơ là chất giọng nhẹ nhàng, tâm tình của người con trở về phong cảnh làng quê. Đó là lời kể lể thỏ thẻ giàu nữ tính trong Chợ ngày xuân: 
Trên những giải lưng chiều bay phất phới 
Các cô nàng lơ lẳng nón quai thao 
Các cô gái chen nhau vào vui vẻ 
Nghe thánh truyền sắp dắt mối lương duyên. 
Hay chất giọng mềm mại, êm ái giàu tính nữ: 
Tre lả lướt nghiêng đầu cho nước gội 
Cau thẳng mình dang lá đón mưa rơi. 
(Mưa - Anh Thơ) 
Những cơn mưa mềm mại, tưới mát những khóm tre, cây cau, bụi chuối… Tất cả được cảm nhận bằng những ánh nhìn rất nữ tính. Đây đó, ta bắt gặp nét yểu điệu duyên dáng của những cô thôn nữ làm cho những câu thơ thêm uyển chuyển duyên dáng. 
Thơ Anh Thơ hấp dẫn bạn đọc ở sự đa dạng của giọng điệu: có lúc giọng thơ mềm mại, nhẹ nhàng, sâu lắng rất gần với ca dao dân ca; có lúc là giọng điệu trữ tình, tha thiết; lúc khác, ta lại bắt gặp một giọng thơ trẻ trung, khỏe khoắn, tự tin, tràn đầy lạc quan. Có sự khác nhau đó là do yêu cầu thể hiện của mỗi đề tài và cung độ cảm xúc của tác giả - điều này cũng đã tạo nên nét riêng, nét đáng quý để làm nên một Anh Thơ độc đáo trên thi đàn văn học Việt Nam. 
Ghi nhận đóng góp của những gương mặt thơ ca nữ trong phong trào Thơ mới, có thể bạn đọc không nhắc đến họ như những cây đại thụ, như những phong cách nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá tính. Nhưng họ đã hiện diện trong phong trào Thơ mới bằng dấu ấn của một hồn thơ mang đậm phong vị Á Đông ngọt ngào, êm dịu, với những tình cảm nồng ấm về tình yêu gia đình, con người và làng quê đất Việt. Họ tạo dấu ấn riêng biệt, làm nên nét độc đáo trong phong cách sáng tạo của các nhà thơ nữ. 
3. KẾT LUẬN 
Cảm hứng sáng tác khơi nguồn từ cuộc sống, từ những chi tiết đời thường, thơ nữ luôn mang hơi thở thời đại. Thơ nữ vừa hiện đại, vừa quen thuộc gần gũi mà vẫn chuyển tải trọn vẹn cảm xúc của cá nhân, của thời đại. Những nỗi niềm sâu kín, những trăn trở, băn khoăn, những cảm xúc tinh tế, những vẻ đẹp thoáng qua của đời thường đã được gửi gắm qua những câu thơ ngắn ngủi mà lay động lòng người. Nghiên cứu thơ của các nhà thơ nữ để thấy được tâm hồn Việt đã gắn kết sống động, nhuần nhuyễn. Những bài thơ của các nhà thơ nữ kết đọng cảm xúc, tạo nên giọng điệu nồng nàn, tha thiết bởi vần điệu, ngôn ngữ, kết cấu bài thơ đa dạng. 
Hiển hiện trong thơ của mỗi nhà thơ nữ là giọng điệu, tình ý riêng của mỗi người. Dẫu có bài chưa hay, chưa gợi cảm xúc nhưng người yêu thơ không khó nhận ra vẻ đẹp chung của tập thơ từ những bài thơ cụ thể: cảm hứng thổ lộ, giãi bày; cảm xúc chân thành, đằm sâu và giọng thơ uyển chuyển, nhẹ nhàng, thủ thỉ… Thơ nữ là tiếng nói bình dị, khiêm nhường nhưng lạ và riêng trong phong trào Thơ mới. Đó chính là nền tảng, nguồn mạch xuyên suốt, ý thơ dân dã, hồn thơ dung dị, chân chất; giọng điệu thanh thoát, thâm trầm được vun đắp từ truyền thống, khơi mạch nguồn cho thơ nữ hiện đại hôm nay. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
Hoài Thanh, Hoài Chân. (2000) (Tái bản). Thi nhân Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. 
Lại Nguyên Ân. (Tập hợp và biên soạn). (1998). Thơ mới 1932 - 1945, Tác giả và tác phẩm. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà văn. 
Lê Duy Anh, Lê Quang Vinh. (2006). Nữ lưu đất Việt (từ cổ đại đến cận đại). Nhà xuất bản Đà Nẵng. 
Lưu Khánh Thơ. (2005). Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại. Hà Nội: Nhà xuất bản KHXH. 
Mã Giang Lân. (2005). Những cuộc tranh luận văn học nửa đầu thế kỷ XX. Hà Nội: Nhà xuất bản VHTT. 
Nguyễn Đăng Điệp. (2002). Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Phạm Xuân Độ. (1959). Nữ thi hào Việt Nam. Sài Gòn: Trung tâm học liệu xuất bản. 
Vũ Văn Sỹ. (2005). Mạch thơ trong nguồn thế kỷ. Hà Nội: Nhà xuất bản KHXH.
Đặng Thị Ngọc Phượng
Theo http://www.agu.edu.vn:8080/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...