Tiếp cận văn học từ văn hóa, tự thân nó, là một câu chuyện
cũ. Và như người ta thường nói, cũ như trái đất. Thế mà hiện nay, chính trái đất
cũng đang mỗi ngày một phẳng (1), nên có làm mới lối phê bình
văn học này, cho ngang với mặt bằng thế giới, tưởng cũng là cần thiết. Trên đây
chỉ là cách nói ẩn dụ. Trong khoa học văn học nói chung và phê bình văn học nói
riêng, làm mới một vấn đề cũ, đôi khi không hẳn là thay đổi bản thân vấn đề, mà
chỉ là đổi thay cái nhìn về nó. Và trong trường hợp phê bình văn học từ văn hóa
này là cấp cho nó một căn cứ lý thuyết để trở thành một phương pháp cụ thể.
Phê bình văn học từ văn hóa thì xuất hiện đã lâu, thậm chí từ
phê điểm trung đại: khi Phạm Quý Thích bình luận Kiều là Nhất
phiếu tài tình thiên cổ lụy, Tân thanh đáo để vị thùy thương. Rồi khi có
phê bình văn học, thì Truyện Kiều được Trần Trọng Kim nghiên cứu từ
quan điểm Phật giáo, Thơ Mới được Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, phần
“Một thời đại thi ca”, khảo sát từ luồng gió mới của văn hóa phương Tây.
Gần đây, nhờ UNESCO phát động những thập kỷ phát triển văn
hóa, người ta bắt đầu nhận thức được văn hóa là động lực của phát triển, thì
phê bình văn học từ văn hóa càng được chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, khi bộ môn văn
hóa học và nhân học văn hóa xuất hiện ở Việt Nam thì văn hóa bắt đầu được coi
như một nhân tố chi phối văn học. Năm 1995, Trần Đình Hượu trong Nho giáo
và văn học Việt Nam trung cận đại nghiên cứu văn học Việt Nam từ Nho giáo và đã
chỉ ra được đặc điểm của giai đoạn văn học kể từ đầu Lê đến cuối Nguyễn. Ông
cũng nêu ra những hình mẫu nhà nho (hành đạo, ẩn dật, tài tử), tác giả của thứ
văn học Nho giáo này, như là một giả thuyết làm việc. Điều này, về sau, được Trần
Ngọc Vương trong Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam (1995) cụ thể hóa
bằng một cái nhìn loại hình học. Đỗ Lai Thúy trong Hồ Xuân Hương hoài niệm
phồn thực đã lý giải những biểu tượng lấp lửng hai mặt trong thơ bà bằng
tín ngưỡng phồn thực, còn Trần Nho Thìn trong Văn học trung đại Việt Nam
dưới cái nhìn văn hóa (2003) thì cho rằng nghiên cứu văn học trung đại từ
những phạm trù cơ bản của văn hóa trung đại để tránh hiện đại hóa văn học dân tộc.
Nhưng, có lẽ, Phan Ngọc (2) là người có ý thức trong câu chuyện này hơn cả. Là
một nhà văn hóa học, ông đã sớm lấy yếu tố văn hóa xã hội để tìm hiểu phong
cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Rồi lại thử giải thích văn học bằng ngôn
ngữ. Và khi một số công trình của M.Bakhtin (3) được dịch và giới thiệu ở Việt
Nam thì hướng đi này càng được thuyết phục.
Như vậy, phê bình văn học từ văn hóa ngày càng được các nhà
nghiên cứu quan tâm và sử dụng. Số người sử dụng ngày càng đông dần và đối tượng
mà lối phê bình này sử dụng cũng phong phú thêm lên. Nhưng, nếu lược quy lại,
thì người ta thấy rằng có hai lối tiếp cận: một là, lấy một yếu tố
nào đó của văn hóa như Nho giáo, Phật giáo, tín ngưỡng phồn thực... để lý giải
văn học; hai là, lấy những hoàn cảnh văn hóa xã hội, hoặc văn hóa lịch
sử nào đó như một “ngọn nguồn” của sáng tạo văn học, hay một ''khung'' nghiên cứu.
Tuy nhiên, dường như ở đây còn chưa có sự thức nhận lý thuyết, đặc biệt khi đụng
đến mối quan hệ văn hóa - văn học, mặc dù ai cũng lấy văn hóa để giải thích văn
học. Như vậy, đúng là văn hóa chi phối văn học, nhưng chi phối như thế
nào và tại sao thì vấn đề chưa được làm rõ. Bởi thế, bằng một
cái nhìn hệ thống, một mặt, tôi muốn làm rõ mối quan hệ này, mặt khác thử
đề xuất một phương pháp phê bình văn học trên cơ sở coi văn học là một yếu tố của
hệ thống văn hóa.
Những thành tựu của văn hóa học ngày nay cho phép chúng ta có
thể nhìn nhận văn hóa như một tổng thể, một hệ thống bao gồm những yếu
tố như ngôn ngữ, phong tục tập quán, luật pháp, tôn giáo tín ngưỡng, nghệ
thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn..., trong đó có văn học. Hệ thống là một tập
hợp bao gồm những yếu tố đồng đẳng và cả không đồng đẳng (nên trong hệ thống có
thể có cả những hệ thống con). Mỗi yếu tố trong hệ thống cùng một lúc chịu sự chi
phối của hai mối quan hệ: quan hệ với các yếu tố khác trong hệ thống và
quan hệ chung của hệ thống. Và giá trị của hệ thống bao giờ cũng lớn hơn giá trị
của các yếu tố trong hệ thống cộng lại. Vì thế, một yếu tố nằm trong hệ thống
thì một mặt lớn hơn chính bản thân nó nhờ vào sức mạnh toàn hệ thống, mặt
khác nhỏ hơn chính bản thân nó bởi bị hệ thống cắt xén cho vừa khuôn khổ.
Bất kỳ một hệ thống nào cũng có xu hướng đảm bảo tính ổn định, giữ nguyên hiện
trạng, như là điều kiện tồn tại của chính bản thân nó. Hệ thống văn hóa lại
càng đề cao tính ổn định hơn, bởi nó sinh ra chính là để ổn định một cộng đồng,
một xã hội.
Nhưng văn hóa, cũng như nhiều hệ thống khác, là một hệ thống mở (4).
Bởi trong hệ thống bao giờ cũng có một yếu tố năng động hơn các yếu tố khác nên
đóng vai trò là yếu tố chủ đạo. Với hệ thống văn hóa, nhất là văn hóa Việt Nam,
yếu tố chủ đạo đó thường là văn học. Yếu tố chủ đạo này không phải là bất biến
mà nó thường xuyên thay đổi qua những thời đại văn hóa, tức một hệ thống
văn hóa. Là một yếu tố mạnh, văn học luôn biết tiếp thu những gì
ngoài hệ thống để phát triển. Tiếp thu những cái ngoài hệ thống đến một mức độ
nào đó, yếu tố văn học sẽ không còn phù hợp với hệ thống văn hóa nữa, nó chống
lại hệ thống, làm cho hệ thống phải thay đổi cùng với nó. Ví như, văn học trung
đại, nhất là bộ phận văn học của các nhà nho tài tử, dưới sự ảnh hưởng của văn
hóa đô thị và ý thức cá nhân tỉnh thức, đã làm rạn nứt hệ thống văn hóa trung đại,
góp phần đưa nó chuyển đổi lên từ văn hóa trung đại sang văn hóa hiện đại. Lịch
sử văn hóa chính là lịch sử của những thay đổi các hệ thống văn hóa, tức các thời
đại văn hóa.
Từ cái nhìn hệ thống này, một lần nữa, chúng ta nên xem xét lại
luận điểm văn học phản ánh trực tiếp các sự kiện chính trị xã hội như bấy lâu
nay vẫn quan niệm, thậm chí người ta còn coi đó như một nhiệm vụ hàng đầu để
cho văn học “ngang tầm” thời đại. Thực ra, văn học với tư cách là một bộ phận của
tổng thể văn hóa, một yếu tố của hệ thống văn hóa thì không thể và không có quyền
qua mặt hệ thống để tiếp xúc thẳng hoặc tác động trực tiếp đến hệ thống xã hội,
mà phải gián tiếp qua hệ thống văn hóa như là những hệ thống đồng đẳng với
nhau. Điều này đúng như M.Bakhtin nhận định: “Cần phải nghiên cứu văn học và
tác phẩm văn học như những hệ thống chỉnh thể ở hai cấp liên đới. Hệ thống chỉnh
thể của tác phẩm gia nhập hệ thống chỉnh thể của văn học; hệ thống chỉnh thể của
văn học, đến lượt nó, lại gia nhập hệ thống chỉnh thể của văn hóa; và chỉ có hệ
thống văn hóa mới quan hệ trực tiếp với những lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Không thể tách rời văn học ra khỏi hệ thống văn hóa và “vượt mặt” văn hóa liên
hệ trực tiếp với các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội. Những nhân tố ấy tác động
trực tiếp đến văn hóa trong chỉnh thể của nó và chỉ thông qua nó mà ảnh hưởng đến
văn học”(5).
Từ đó, có thể thấy, nếu văn học có chức năng phản ánh hiện thực
thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được, mà chỉ có thể phản ánh thông qua
“lăng kính” văn hóa, thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa. Nhờ thế mà văn
học tránh được sự phản ánh “gương”, phản ánh một cách trần trụi. Và, có lẽ,
cũng nhờ thế mà văn học có một lối phản ánh đặc trưng, một phản ánh, như người
ta thường nói, có nghệ thuật, có “nghiền ngẫm” (Lê Ngọc Trà).
Nhưng, xét cho cùng, liệu một tia sáng phản chiếu mà phải đi qua một quyển văn hóa với nhiều đám mây khúc xạ như vậy thì có còn nguyên giá trị phản ánh hay chỉ còn giá trị thẩm mỹ? Vì thế, cũng có thể kết luận rằng, văn học không có ảnh hưởng tức thời, trực tiếp đến hành động của con người, mà chỉ có thể tác động đến con người với tư cách là chủ/ khách thể của văn hóa, làm cho con người văn hóa đó biến chuyển rồi mới phát sinh ra hành động cụ thể. Bởi thế, ác hoa của Baudelaire không có lỗi gì khi phong hóa Pháp thời ông suy đồi, cũng như Lermontov làm mấy người đọc thơ ông tự tử.
Nhưng, xét cho cùng, liệu một tia sáng phản chiếu mà phải đi qua một quyển văn hóa với nhiều đám mây khúc xạ như vậy thì có còn nguyên giá trị phản ánh hay chỉ còn giá trị thẩm mỹ? Vì thế, cũng có thể kết luận rằng, văn học không có ảnh hưởng tức thời, trực tiếp đến hành động của con người, mà chỉ có thể tác động đến con người với tư cách là chủ/ khách thể của văn hóa, làm cho con người văn hóa đó biến chuyển rồi mới phát sinh ra hành động cụ thể. Bởi thế, ác hoa của Baudelaire không có lỗi gì khi phong hóa Pháp thời ông suy đồi, cũng như Lermontov làm mấy người đọc thơ ông tự tử.
Như vậy, một khi văn học chỉ là một yếu tố của hệ thống văn
hóa và chỉ “quan hệ” được với hệ thống xã hội thông qua văn hóa, thì khung
nghiên cứu văn học cũng phải là khung văn hóa. Vậy mà cho đến gần đây, phê bình
văn học Việt Nam chỉ được vận hành trên một cái khung duy nhất là hình thái
kinh tế xã hội. Do sự khập khiễng này mà nhiều nhà phê bình đã mắc phải những mớ
tóc rối. Bởi theo hệ quy chiếu này thì văn học ở hình thái cao hơn phải hay
hơn, hoặc ít nhất cũng phát triển hơn. Thế mà văn học Việt Nam sau 1945 không
hay hoặc phát triển bằng văn học 1932-1945. Hoặc trong cùng một hình thái thì
văn học ở giai đoạn xã hội thịnh trị phải phát triển hơn lúc xã hội suy tàn. Ấy
thế mà văn học Việt Nam thời Hồng Đức không sao sánh nổi với thời Nguyễn Du...
Những vấn nạn trên lập tức sẽ được giải quyết nếu chuyển sang
một khung nghiên cứu phù hợp hơn. Trước hết, đó là giã từ cách tiếp cận hình
thái để chuyển sang cách tiếp cận văn minh (6). Cho đến nay loài người
đã trải qua ba giai đoạn văn minh lớn, cơ bản: văn minh gốc tự nhiên, văn minh
gốc kỹ thuật và văn minh gốc con người. Sự phân biệt này của G.Diligenski cũng
tương tự như A.Toffler với ba làn sóng văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh
công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp (cũng gọi là văn minh tin học hay văn
minh trí tuệ). Nếu cách tiếp cận hình thái chỉ lấy một mặt nào đó trong đời sống
người làm cơ sở, thì cách tiếp cận văn minh lấy con người tổng thể với muôn mặt
hành động và đời sống của nó làm cơ sở. Nếu ở cách tiếp cận hình thái, văn hóa
chỉ được coi là một bộ phận của đời sống xã hội, tức văn hóa bị đóng đinh vào
nghĩa hẹp, thì với cách tiếp cận văn minh, văn hóa không chỉ được xem xét trong
tổng thể của nó, mà còn được đặt trong tổng thể đời sống của con người và xã hội.
Như vậy, văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng này là cùng một cấp độ với văn minh.
Bởi thế, thay vì cách gọi ba trình độ văn minh hoặc ba làn sóng văn minh, có thể
gọi ba thời đại (lớn) văn hóa, hoặc ba hệ thống (lớn) văn
hóa cho phù hợp với khung nghiên cứu của phê bình văn học. Một khung khổ
văn hóa. Đó là văn hóa nông nghiệp (còn có thể gọi là văn hóa nông
thôn, văn hóa tiền công nghiệp hoặc tiền hiện đại), văn hóa công nghiệp (hoặc
văn hóa đô thị, văn hóa hiện đại) và văn hóa hậu công nghiệp (hoặc
văn hóa tin học, văn hóa hậu hiện đại).
Hóa ra cùng ở vào một thời đại quân chủ nông nghiệp Nho giáo,
nhưng thời Hồng Đức là văn hóa thuần nông nghiệp, còn thời Nguyễn Du thì đã chớm
văn hóa đô thị, dẫu rằng đô thị phương Đông trung đại. Văn học đô thị phát triển
nhờ nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của thị dân, nhờ ý thức cá nhân thức tỉnh và, cuối
cùng, nhờ sự xuất hiện của một lớp tác giả mới: nhà nho tài tử. Còn
giai đoạn 1932-1945 thì đã là văn hóa đô thị hiện đại. Sản phẩm văn hóa không
còn là quà tặng nữa mà đã là hàng hóa. Ý thức cá nhân phát triển. Chủ thể của
văn hóa này là những trí thức Tây học. Văn học 1932-1945 là tiếng nói
mới, tưng bừng của văn hóa đô thị hiện đại. Sau 1945, do nhu cầu của hai cuộc
kháng chiến nên phải đề cao dân tộc (lồng trong dân gian, và đối lập
với dân chủ), đề cao truyền thống (đối lập với hiện đại), đề
cao nông thôn (để bao vây thành thị), đề cao nông dân (là
quân chủ lực)... Văn hóa đô thị, vì thế, teo tóp lại. Văn hóa nông thôn phục
hưng và phát triển. Văn học giai đoạn này sút kém so với tiền chiến là bởi sự
“lại giống” trên.
Đến đây, thiết nghĩ, đã đủ điều kiện lý luận để nâng cấp phê
bình văn học từ văn hóa thành một phương pháp với tư cách đầy đủ.
Phương pháp phê bình này có nhiều thuận lợi, bởi nó dẫn nhà phê bình (cũng như
người đọc) đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, từ cái biết nhiều đến cái biết
ít, từ cái toàn thể đến cái bộ phận bằng con đường loại suy khoa học. Bởi
lẽ, văn học với tính cách là một yếu tố của hệ thống văn hóa thì phải chịu sự chi
phối hoặc sự quy định (chứ không phải quan hệ nhân quả đơn
thuần của quyết định luận) của văn hóa. Phê bình văn học dù một tác phẩm, tác
giả hay một trào lưu đều phải tìm hiểu trước tiên là hệ thống văn hóa mà tác phẩm,
tác giả hay trào lưu ấy thuộc vào.
Ghi chú:
1. Xem thêm, Thomas L.Friedmann, Thế giới phẳng, Nxb Trẻ,
TP.HCM, 2006; E.Morin, Trái đất tổ quốc chung, tuyên ngôn cho thiên niên kỷ
mới, Nxb KHXH, Hà Nội, 2002.
2. Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện
Kiều, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985; Cách giải thích văn học
bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1995; Thử xét văn hóa, văn học
bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000.
3. M.Bakhtin, Những vấn đề thi pháp Dostoievski (Trần
Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003;Lý
luận và phương pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch và giới thiệu),
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003; Sáng tác của Franoise Rabelais và nền
văn hóa dân gian trung cổ và phục hưng (Từ Thị Loan dịch), Nxb KHXH, Hà Nội, 2006.
4. Xem thêm quan niệm về lý thuyết hệ thống mở của Prigorin
trong Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học: cách tiếp cận hệ thống, Tạp
chí Văn học nước ngoài, số 4-2006, tr.159-166.
5. Chuyển dẫn từ Phạm Vĩnh Cư, Sáng tạo và giao lưu, Nxb Hội
Nhà văn, Hà Nội, 2004, tr.182.
6.
Khái niệm văn minh ở đây không phải được dùng theo nghĩa chỉ một giai đoạn phát
triển của loài người với sự xuất hiện của nhà nước, chữ viết, công nghệ và đô
thị, mà dùng theo nghĩa tổng thể phổ biến của xã hội loài người. Theo nghĩa này
thì văn minh gần giống với khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng.
Đỗ Lai Thúy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét