Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Về một đặc điểm của nhân vật tiểu thuyết ngắn đương đại

Về một đặc điểm của nhân vật 
tiểu thuyết ngắn đương đại
Trong thân xác không còn bề thế, tiểu thuyết ngắn (một hình thức tiểu thuyết với dung lượng khoảng từ 300 trang trở xuống, xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 90 TK XX, nở rộ trong những năm đầu TK XXI) thường hướng đến tinh thần phân mảnh. Đặc tính này thẩm thấu ở hầu hết các phương diện khác nhau, từ cốt truyện đến nhân vật. Cùng với kiểu cốt truyện lắp ghép, việc xây dựng nhân vật phân rã về tính cách, như những mảnh đoạn không liền kề, đánh dấu nỗ lực trong hành trình kiếm tìm những cách tân của nghệ thuật tiểu thuyết; cũng cho thấy một tư duy văn học mới, khi nhà văn từ chối cái nhìn bao quát để thừa nhận một giới hạn nhất định trong khả năng phản ánh hiện thực, con người.
Theo quan niệm truyền thống, nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng, bởi “đó là hình thức cơ bản để qua đó, văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng”(1). Cũng có những thời điểm người ta cho rằng nhân vật không còn tồn tại trong tác phẩm văn học và nghi ngờ tính bền vững trong lý thuyết về vai trò của nhân vật. Khi tiểu thuyết mới, xuất hiện ở Pháp những năm 50 TK XX, nghiêng về miêu tả thế giới đồ vật, dư luận cho rằng tiểu thuyết mới có tham vọng đuổi con người ra khỏi thế giới. Trên thực tế, chỉ là việc các nhà tiểu thuyết mới không xây dựng nhân vật như kiểu tiểu thuyết thời Banzắc. Quan tâm hơn đến đồ vật cũng là một cách để hướng tới con người. Dù truyền thống hay cách tân thì nhân vật cũng chưa và sẽ không biến mất khỏi tác phẩm, chừng nào văn học còn là sáng tạo của con người. Tiểu thuyết, ngoài khả năng tái hiện bức tranh toàn cảnh của đời sống xã hội, còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con người.
Tất nhiên, góc nhìn con người và cách thức xây dựng hình tượng nhân vật ở mỗi một giai đoạn văn học là không giống nhau. Trước 1975, trong văn học Việt Nam, việc xây dựng nhân vật tiểu thuyết bị chi phối bởi cái nhìn sử thi và theo nguyên tắc phân tuyến; sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, có sự chuyển biến từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết. Không có sự bó buộc, không có cái nhìn toàn tri, nhân vật trong mỗi tác phẩm là ẩn số cho tài năng sáng tạo của nhà văn. Mang đặc tính phân mảnh, nhân vật tiểu thuyết ngắn, thể hiện một tư duy tiểu thuyết hiện đại: tính tổng thể của thế giới không phải là hướng đích trong nhận thức và biểu đạt của nhà văn.
Tìm hiểu về tính chất không liền mảnh của nhân vật tiểu thuyết ngắn đương đại, chúng tôi tán đồng với ý kiến của Đặng Anh Đào: đó “không phải là tính chất nhiều mặt của cái tôi đã xuất hiện với tư cách là đề tài, môtip… từ những thế kỷ trước” mà là sự “hủy diệt tính cách nhân vật, hiểu theo nghĩa nhân vật bị cắt thành nhiều mảnh khó lắp ghép tạo dựng lại”(2). Với ý nghĩa đó, khó có thể tìm thấy ở nhân vật tiểu thuyết ngắn đương đại những tính cách nhân vật đích thực. Xây dựng những hình tượng nhân vật phân rã về tính cách, các nhà văn đã cố tình mờ hóa, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn đặc điểm nhân thân của nhân vật, tạo ra những mô hình nhân vật như là bức thông điệp về sự đánh mất bản sắc cá nhân trong một xã hội bị thống trị bởi văn minh kỹ trị và nhìn nhận nhân vật như những mảnh không liền kề.
Xuất hiện qua tâm trạng hoặc một nét trạng thái tâm lý, đặt trong cấu trúc lịch sử - tâm hồn và việc vận dụng phổ biến kỹ thuật dòng nội tâm, tính chất không liền mảnh của nhân vật có thể coi là hệ quả tất yếu. Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được tạo dựng bởi hai mảnh không thể nào lắp ghép: khát khao viết để vượt qua nỗi ám ảnh về chính cuộc chiến mà anh vừa thoát ra và quá trình tự hủy từ những gì vừa viết. Cuộc vật lộn với cái viết của nhà văn phường cho thấy sự phức tạp mà chính anh cũng khó nắm bắt “ở ngoài tầm với của tâm hồn anh, tuồng như nó còn lạc sâu trong miền bất khả tri của cõi lòng, miền của những bí quyết và năng lực tinh thần có thể là bẩm sinh song rất có thể chẳng bao giờ bộc lộ, mãi mãi chỉ là tiềm ẩn”(3). Thế giới con người không liền mảnh được đặt trong mối liên hệ với kỹ thuật độc thoại nội tâm và dòng tâm tư là sắc điệu chính, chủ âm của Nỗi buồn chiến tranh. Trong mối quan hệ với việc xây dựng nhân vật, kỹ thuật này mở ra khả năng khám phá thế giới con người vô cùng phức tạp. Kiên vẫn chưa thôi nhớ về Phương, về một thời vô tư sân trường Bưởi..., nhưng anh lại cũng không thể quên đi nỗi ám ảnh về sự hủy diệt tàn độc của chiến tranh. Ngày tháng của đời anh cứ lùi lại mãi mà Phương thì đâu chỉ là quá khứ, nỗi buồn chiến tranh dù có cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ nhưng lại “ngăn không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại”(4). Những dòng nội tâm chảy tràn, đan xen các chiều thời gian, đồng hiện cả ký ức lẫn vô thức, tiềm thức… đều góp phần biểu đạt hình tượng nhân vật trong tính đứt đoạn, phân rã về tính cách.
Ở Nguyễn Bình Phương, tính chất không liền mảnh của nhân vật được thể hiện bằng một lối viết khác. Trong Thoạt kỳ thủy, “thói quen, bản năng và tính thiện trong trạng thái thoạt kỳ thủy mù mờ” là “ba cánh cửa mở ra một thế giới khác trước”, bởi vậy nhân vật cũng bị cắt thành những mảnh dằng díu trong cái thế chân kiềng ấy. Dục vọng tàn sát, hủy diệt của Tính hình thành từ thói quen mang tính bản năng: từ nhỏ đã thích giết kiến, giết công cống. Theo năm tháng, dục vọng đó không thể cưỡng lại, Tính giết người. Nhưng trong cái con người mang đầy tính bản năng này vẫn le lói ánh sáng thiện lương, có thể được bộc lộ qua một nỗi sợ hãi mơ hồ (5). Cái khác Nguyễn Bình Phương còn thể hiện ở giọng văn nhát gừng, những câu đứt đoạn, rời rạc, chỏng lỏn. Tính chất đứt đoạn thể hiện rõ nhất trong những đoạn đối thoại. Nếu “lời đối thoại gắn liền với việc những người nói hướng vào nhau và tác động tới nhau”(6) thì việc một số lời đối thoại của nhân vật dường như “không hướng vào nhau và tác động tới nhau” bộc lộ sự rời rạc, thiếu liền kề, phân mảnh (7).
Những đoạn đối thoại kiểu này khá phổ biến, cho thấy tính chất đứt đoạn của nhân vật không chỉ tồn tại bên trong với những mảnh, những nét trạng thái tâm lý khó lắp ghép mà còn biểu hiện ra ở mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng ngay trong cuộc thoại. Đối thoại, lúc này, trở thành hành trình độc thoại của nhân vật. Đáng lẽ phải hướng vào nhau thì nhân vật lại tự bộc lộ dòng suy tưởng, chiều sâu vô thức. Điều đó “tiềm ẩn một hiện tượng đầy nghịch lý: đó là những con người cô đơn trong một thế giới dư thừa phương tiện giao tiếp. Một mảnh của người họ đang tồn tại ở đây, đang đối thoại, song con người toàn vẹn và đích thực có khi không xuất hiện qua đối thoại”(8). Trong Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương còn sử dụng kiểu câu gồm những mệnh đề độc lập, rời rạc, không liên tục và dường như không có mối liên quan nào: “Ông Phùng im. Bà Liên đi lại, ông Phùng chào, không đáp. Hiền vén tóc mai, với lấy tích nước. Ông Phùng về, mặt bà Liên nặng trịch”(9). Vậy là, ở một cấp độ nhỏ nhất, cấp độ câu, nhà tiểu thuyết cũng đã cố tình tạo sự đứt đoạn, rời rạc, mỗi câu như một hòn đảo. Thế giới của con người không liền mảnh được bộc lộ ngay từ cách viết.
Khẩn trong Ngồi cũng là một kiểu nhân vật mang thiên hướng phân mảnh khá rõ mà Nguyễn Bình Phương đã tạo dựng. Khẩn tồn tại bằng một trạng thái phân mảnh: bụi bặm trong phồn tạp đời thường và trong trẻo chốn vô thức, tâm linh. Sống với Minh ở một khu tập thể, với tiếng trẻ con khóc, tiếng chửi bới nhau; làm việc ở một cơ quan cũng với đủ trò đời như phe cánh, đấu đá…, màu sắc trần tục đó của cuộc mưu sinh Khẩn nếm trải hết nhưng trong con người anh vẫn cảm nhận rất rõ ràng tiếng nói ngọt ngào mê lịm từ thăm thẳm tâm linh. Tính chất phân mảnh của nhân vật, đặt trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, làm cho Ngồi quyến rũ hơn trong bảng hòa sắc kỳ dị giữa các gam màu. Để thể hiện cái thế giới của con người không liền mảnh, nếu Thoạt kỳ thủy chú trọng đến giọng văn nhát gừng hoặc những câu đứt đoạn, chỏng lỏn thì Ngồi lại khó tách bạch trong sự quyện hòa giữa thực tại và hư ảo, ý thức và tiềm thức, vô thức. Trong những đoạn độc thoại nội tâm (mà chủ yếu là những lời vô thức rối rắm, lộn xộn), Tính (Thoạt kỳ thủy) thể hiện rõ chất phân mảnh; với Khẩn không còn là những đoạn độc thoại tách ra một cách khá rõ ràng như thế, tính chất phân mảnh bộc lộ qua trạng thái vô thức đan xen tự nhiên, xuất hiện trong bất cứ khoảnh khắc nào của thời gian sống mà chính nhân vật cũng không thể ý thức. Vậy nên với Ngồi, có thể nói bút pháp phân mảnh của Nguyễn Bình Phương đã tiến thêm một bước. Một thế giới sôi động đến mức hỗn độn, tồn tại song trùng với một thế giới sâu thẳm, thanh thản và yên tĩnh sắc tâm linh. Vẻ phong phú, đa diện, phức tạp, lắp ghép đó người đọc đã cảm nhận được bằng chính hình tượng nhân vật mang tính phân mảnh.
Nếu nói “tính chất một mảnh hoặc không liền mảnh là một hậu quả của khuynh hướng thiên về gợi mở tâm trạng của tiểu thuyết hiện đại” (10) thì ở hầu hết tiểu thuyết ngắn đương đại đều thể hiện đặc tính không liền mảnh bởi mỗi một tác phẩm đều là một dòng tâm trạng. Nhân vật của Chinatown (tiểu thuyết của Thuận) được phơi trải qua một cuộc độc thoại nội tâm dài. Trong cuộc hành trình của cái tôi ấy, nhân vật không hướng ra bên ngoài, hướng ra hành động (những hành động có tính chất xâu chuỗi góp phần thúc đẩy cốt truyện và phát triển tính cách nhân vật) mà đan xen, rời rạc, đứt đoạn, phân mảnh trong rất nhiều những nghĩ suy. Trong chuỗi độc thoại nội tâm đó vang lên hai cung bậc chính như là hai mảnh của tâm trạng, đối ngược và khó gắn kết nhưng lại cùng tồn tại: tuyệt vọng và hy vọng. Ba mươi chín tuổi, người phụ nữ cảm thấy hết nỗi tuyệt vọng của sự đợi chờ vô vọng. Nhưng giấc mơ trắng muốt trên nền đệm trắng muốt, chỉ làgiấc mơ mười lăm phút thôi, vẫn đem lại cả một niềm hy vọng, dù sau bốn mươi năm là một đoạn đời khác. Ở đây, vẫn nhắc lại, không phải là kiểu con người phân thân của tiểu thuyết truyền thống (kiểu như hình và bóng, quỷ sứ và người ở Chamisso và Balzac) mà nó là một vấn đề nghệ thuật, đánh dấu một tư duy tiểu thuyết hiện đại. Nếu ở Thoạt kỳ thủy, tính chất phân mảnh của nhân vật bộc lộ ngay ở những câu rời rạc, đứt đoạn thì ở Chinatown là sự chồng chéo, khó phân biệt và cũng khó lắp ghép các chiều thời gian, các dòng tâm trạng: “Tôi bế thằng Vĩnh vào khoang máy bay. Hai cô chiêu đãi viên kéo cái thang lên. Tôi chỉ kịp thấy từ xa bố mẹ tôi vẫy vẫy. Trong tay mẹ tôi là cái khăn mùi soa tôi để quên ở nhà vệ sinh công cộng lúc nãy… Tôi chỉ muốn gặp Thụy để hỏi. Tôi muốn hoãn tất cả chỉ để gặp Thụy. Những ngày ấy Thụy ở đâu, gặp ai, làm gì. Ngôi nhà hai tầng, bảng hiệu chữ Hoa, hai cái đèn lồng. Những ngày ấy tôi nằm ôm thằng Vĩnh... Tôi và Thụy ngồi uống chè các buổi sáng. Tôi đọc sách cho Thụy các buổi chiều muộn. Tôi kể cho Thụy về Leningrad... Tôi bước lên máy bay nước mắt vòng quanh”(11).
Yếu tố thời gian đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại, trên phương diện xây dựng nhân vật nó góp phần tạo dựng một thế giới nội tâm con người phức tạp, đa chiều, không liền mảnh. Trong trường hợp Chinatown, những chiều thời gian chảy trôi, đứt đoạn, không liền mạch là lợi khí để nhà văn mô tả những mảnh tâm trạng ngổn ngang, không thể ráp nối của kiểu nhân vật mang đặc tính phân mảnh. Rời rã, thiếu sự liền kề, nhân vật trong tiểu thuyết như những con người dường như chưa thông hiểu nhau và cũng chưa thông hiểu cả chính mình. Người phụ nữ ấy muốn hoãn lại tất cả những gì mình có trong cuộc đời, những kỷ niệm vừa khôi hài vừa xót xa, tình yêu và bổn phận, trách nhiệm và sự thành công trên con đường học vấn…, sống gần nửa đời người chỉ với một băn khoăn về bố của con trai mình: “Những ngày ấy Thụy ở đâu, gặp ai, làm gì...”. Không còn những mối dây liên hệ, phải chăng thế giới cần được gắn kết từ những đứt đoạn, rời rạc đó? Chạy một mạch suốt 200 trang sách, không chia chương chia đoạn, nhưng Chinatown lại gieo vào lòng người cảm giác nhức nhối của sự đứt gãy, cô đơn, cảm giác đến từ chính hình tượng nhân vật phân mảnh.
Có đôi khi tính chất ghép mảnh của nhân vật là hệ quả của kỹ thuật lồng ghép thể loại của tiểu thuyết. Ở Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, hành động và lời nói của nhân vật đều là những phiến đoạn trong các cuốn phim, các lớp kịch đang thịnh hành thời đó (cuối thập kỷ 80 TK XX). Chúng khắc họa nhân vật ở chính tinh thần lắp ghép này. Nhân vật là một chuỗi lắp ghép giả tạo, bắt chước. Tinh thần phân mảnh đi dọc tiểu thuyết, cho đến chi tiết kết truyện, cô bé Hoài ngỡ mình sẽ ra đi cùng với tình yêu vĩnh cửu của mình (khi cô trở thành thiếu nữ) thì lại bị chối từ vì người cô yêu chờ đợi một cô bé Hoài khác, cô bé Hoài trước đây. Tính chất phân mảnh trong hình tượng nhân vật biểu trưng về một thế giới đã mất còn hiện tại chỉ là ngộ nhận, dang dở, là sự lắp ghép mà thôi (12).
Cùng với việc mờ hóa hoặc xóa bỏ hoàn toàn lai lịch nhân vật, mô hình và nhất là phân mảnh là những đặc điểm trong xây dựng nhân vật của tiểu thuyết ngắn đương đại. Mang đặc tính mô hình và phân mảnh, cách thức xây dựng nhân vật cho thấy vừa là khả năng đồng thời cũng là sự giới hạn trong khả năng khám phá và biểu đạt thế giới của nhà văn. Khi nhà văn (qua hình tượng nhân vật) phản ánh thế giới bằng dạng thức mô hình, tính khái quát là đặc tính muốn hướng đến; khi tinh thần phân mảnh trở thành tinh thần chủ đạo, nhà văn bộc lộ sự khiêm tốn trong khả năng ôm trùm hiện thực. Khái quát hay nhỏ lẻ, mô hình hay phân mảnh, nhân vật tiểu thuyết ngắn, trong xu hướng tìm tòi những cách tân, đổi mới của tiểu thuyết hiện đại, đều hướng về khơi gợi sự thể nghiệm hơn là miêu tả nó hoặc bình luận nó. Từ những đặc điểm mờ hóa, xóa bỏ mọi đường viền nhân thân để nhân vật hiện lên như một trạng thái tâm lý, đến đặc tính mô hình và phân mảnh là kết quả tất yếu của khuynh hướng thiên về gợi mở tâm trạng của tiểu thuyết hiện đại. Không còn những chỉ dẫn (qua lai lịch nhân vật), không còn những tính cách cụ thể, sinh động (chỉ là những mô hình), nhân vật phân rã hoàn toàn về tính cách (đặc trưng tính phân mảnh), quá trình tiếp nhận tiểu thuyết lúc này trở thành quá trình sáng tạo. Đứng ở góc độ này, vấn đề xây dựng nhân vật của tiểu thuyết ngắn hoàn thiện hơn cách thức đổi mới tư duy tiểu thuyết, cũng là đổi mới tư duy văn học hiện đại.
Ghi chú:
1, 7. Nguyễn Bình Phương, Thoạt kỳ thủy, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.77, 35.
2, 6, 8, 10. Đặng Anh Đào, Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2001, tr.59, 56, 57, 55.
3, 4. Bảo Ninh, Thân phận của tình yêu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.53, 295.
5, 9. Nguyễn Bình Phương, Ngồi, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr.156, 62.
11. Thuận, Chinatown, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr.31.
12. Phạm Thị Hoài, Thiên sứ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1989, tr.31.
Hoàng Thị Huệ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 334, tháng 4-2012
Theo http://vhnt.org.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...