Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Tư duy tiểu thuyết - Khái niệm của hệ hình

Tư duy tiểu thuyết - Khái niệm của hệ hình
Tư duy tiểu thuyết là khái niệm được dùng nhiều trong phê bình - nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, một sự minh định cần thiết về nó vẫn chưa thấy được xuất hiện.
Tư duy tiểu thuyết, trước hết, là khái niệm dùng trong văn học, ít nhất là khái niệm dùng trong phạm vi thể loại tiểu thuyết. Chính vì sự đặc hữu này mà ta thường thấy xuất hiện kiểu gọi tên: truyện ngắn mang chất tiểu thuyết hay truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết. Khái niệm này dùng trong tiểu thuyết chủ yếu tập trung ở yếu tính: sự dài hơi.
Khái niệm tư duy tiểu thuyết không chỉ dùng ở phạm vi tiểu thuyết với tư cách là thể loại đã sản sinh ra khái niệm (nghĩa hẹp), mà còn được hiểu là hệ hình (paradigme, cách hiểu và vận dụng của Trần Đình Sử) tư duy (theo nghĩa rộng). Theo sự xác định của Milan Kundera khái niệm này ra đời trong thời hiện đại. “Thời hiện đại không chỉ bắt đầu với Descartes mà còn bắt đầu với Cervantès và Rabelais”(1). Dĩ nhiên cách hiểu ở đây của Kundera là rất biện chứng khi ông quan niệm tiểu thuyết khác với chúng ta và nhiều người từng hiểu. Nói đến tư duy tiểu thuyết là nói đến tâm thế trước hiện thực hiện hữu, là cái nhìn xóa bỏ khoảng cách (không chỉ hiểu ở nghĩa vật chất là khoảng không gian) giữa chủ thể và đối tượng. Nói một cách dễ hiểu, nếu tư duy sử thi biểu hiện một khoảng cách lý tưởng giữa chủ thể và đối tượng - theo M.Bakhtin, “khoảng cách sử thi”(2) biểu hiện tâm thế của kẻ cháu con trước ông cha, đấng, bậc - thì tư duy tiểu thuyết xóa bỏ điều đó.
Tư duy tiểu thuyết cũng như tư duy sử thi có nguồn gốc từ triết học đời sống, nghĩa là khi có nhận thức về con người, về cuộc sống. Suy đến cùng, triết học đó bắt nguồn từ lao động (dẫn dụ gốc: từ loài vượn, nhờ lao động mà con người sinh ra được xem như minh chứng dễ thấy). Chính lao động đã làm cho bộ óc của con người ngày càng hoàn thiện và những chân trời bồi đắp vẫn mở ra mãi mãi. Đến lượt nó, bộ óc lại phục vụ cho chân tay làm thành một mối quan hệ quấn quyện. Do đó có thể đưa ra một phán đoán phản ánh trực tiếp rằng: tư duy sử thi và tư duy tiểu thuyết có cùng cơ sở là (nguyên lý) tư duy của con người bắt nguồn từ hành động, trong đó, nhạy cảm và đặc thù nhất là hành động sáng tạo khoa học. Dĩ nhiên khi nói tư duy sử thi, ở trường hợp này, là hiểu theo nghĩa hệ hình tư duy, dưới một thời đại đã khai sáng. Tư duy sử thi có nguồn gốc từ những khám phá cơ học của khoa học. Mầm mống của câu chuyện này bắt nguồn từ trong cội rễ của những phát hiện của Newton - các định luật cơ học về chuyển động và tương tác giữa các vật thể trong không gian - để đến lúc Laplace nghiên cứu về thiên văn và kết luận: “Nếu biết trước trật tự vũ trụ tại một thời điểm nhất định sẽ có thể tiên đoán chính xác trật tự vũ trụ tại bất cứ thời điểm nào khác”(3), nguyên lý này được người ta thừa nhận và gọi tên là nguyên lý tất định. Chính điều này đã làm cho bộ óc tham khám phá của con người thêm được cổ súy. Người ta kỳ vọng về việc hiểu trọn vẹn về đối tượng, có thể tách đối tượng khỏi mình để ngắm nghía và kết luận về nó. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái nhìn duy lý về sự vật - hiện tượng, về con người - một bước đột phá của diễn trình tư duy nhân loại và những hậu họa khủng khiếp nó mang lại.
Tác giả cuốn Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX 1900 - 1959 (4) đã diễn tả lại tâm lý của người Tây Âu trước khi họ bước vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, họ hồn nhiên cảm tưởng như đi picnic trong sự kỳ thú và khám phá mãi đến khi chứng kiến sự không đùa giỡn của đạn bom họ mới vỡ lẽ và hoảng loạn. Đó cũng là nguyên nhân để văn học thế giới xuất hiện những hiện tượng như J.P. Sartre, A.Camus, Ph.Kafka - những nhà văn hiện sinh đau đớn trước thân phận con người. Nhưng những lý thuyết cơ học lập tức bị phản bác bởi những khám phá của ngành lượng tử mà đại diện là W.Heisenberg với nguyên lý về tính bất định (của thế giới lượng tử). Nguyên lý này về sau được Niels Bohr ủng hộ và bảo vệ. Nguyên lý bất định nói rằng: “Bạn không thể tiên đoán chính xác vị trí của một hạt cơ bản tại một thời điểm cho trước giống như các nhà thiên văn tiên đoán chính xác vị trí của một ngôi sao tại một thời điểm cho trước”(5). Nguyên lý bất định là sự khẳng định tính tương đối của giá trị và theo đó là sự phá vỡ hệ thống. Điều mà các nhà lượng tử đem đến cho nhân loại là nhận thức về cái tương đối của giá trị. Chúng ta biết đỉnh cao của tư duy duy lý là cuộc khủng hoảng làm sầu não lòng người và để từ đó người ta nhận thức ra rằng chỉ còn nỗi đau, những trạng thái tâm lý của con người là hằng số. Con người tự nghiền ngẫm lại mình - điều này cho thấy cá nhân rất quan trọng. Một khi cá nhân lên ngôi thì hẳn nhiên ý thức về dân chủ (theo nghĩa đích thực của khái niệm) sẽ được khải thị. Cùng với việc mọi giá trị có thể đặt câu hỏi, còn lại chỉ là nỗi buồn khắc khoải riêng của thân phận người, ý thức tự tôn, tự nhìn nhận lại mình của con người lên cao hơn bao giờ hết. Cùng trong thời gian đó, “phát hiện con người” của bác sĩ Freud (khám phá ra tiềm thức, những ẩn ức) đã cộng thêm vào chấn động và hoang mang của lòng người làm cho người ta tin rằng không thể có một sự hiểu biết tận cùng về con người được. Tình hình trong ngành vật lý lượng tử cũng chứng tỏ điều hoài nghi này: Einstein bằng việc đưa ra thuyết tương đối: Thuyết tương đối đặc biệt (1905)và thuyết tương đối tổng quát (1916) khẳng định sự xác định (chống lại nguyên lý bất định) do vậy ông bắt buộc phải vào cuộc với một người khổng lồ sừng sững Niels Bohr khi ông này cảm thấy đã bị tổn thương lòng tự trọng khoa học. Kết quả của sự “ăn miếng trả miếng” ở Niels Bohr là Einstein liên tiếp thất bại bởi những thí nghiệm tưởng tượng của ông không thành công. Sự nghiệp đang dở dang thì Einstein qua đời. Quan điểm mà Einstein giữ vững trong cuộc tranh luận bất hủ với Niels Bohr là việc ông cho rằng cái bất định (mà người khác gọi) kia chỉ là sự rối loạn lượng tử. Dù vậy đi chăng nữa (trên thực tế đến nay cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ) thì về bản chất sự tác động đến lòng người cũng không khác nhau là mấy - hoài nghi, đặt lại giá trị, chứng minh bằng những giá trị mới sâu sắc hơn.
Với sự tác động trên đây, tư duy tiểu thuyết được hiểu trên các biểu hiện (đối sánh với tư duy sử thi): 

1, Tư duy sử thi khẳng định sự tất định, tư duy tiểu thuyết, ngược lại, khẳng định sự bất định. Đối với tư duy sử thi: Mỗi khi khẳng định sự tất định lập tức chúng ta hiểu ngay rằng đã tách biệt chủ thể và khách thể, bên trong và bên ngoài, xấu và tốt, nói rộng ra, đó là sự phân cực và lưỡng giá, khẳng định một chân lý đúng, chân lý độc tôn. Hẳn ai trong chúng ta cũng biết tuyên ngôn nổi tiếng của Descartes: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Mà đã nói: “tôi tư duy” tức là “tôi” tư duy về cái gì đó. Cái gì đó ở đây, trong quan điểm Descartes, tách khỏi chủ thể một cách cơ giới. Tư duy sử thi bằng việc tách biệt các giá trị, tạo dựng khoảng cách như trên đã chứng tỏ rõ ràng rằng mọi sự vật có sự hoàn tất khép kín. Đối với tư duy tiểu thuyết thì ngược lại không khẳng định sự hoàn tất khép kín, từ đó không khẳng định sự phân cực, biệt lập các giá trị mà xem các giá trị chỉ có tính chất tương đối, do đó đưa đến quan niệm tính đa chân lý, hay tính đa nguyên. Bùi Văn Nam Sơn, trong Tương lai của khai sáng, ở một mối quan tâm khác, cũng khẳng định: “xã hội được khai sáng không đồng nghĩa với “đại đồng”, “đại thuận”, “đại trị”, trái lại xem tranh chấp và bất đồng là hình thức bình thường của giao tiếp xã hội; các yêu sách về tính chính đáng (legitimationen) tối hậu, chung tất cả là không thể có được”(6). Tư duy tiểu thuyết quan niệm rằng khó có thể lường trước những biến động của cuộc đời, của ngoại giới (xin lưu ý đây không phải là một quan niệm bi quan mà có từ thực chứng) nhất là những biến động trong lòng người, điển hình cho điều đó là những biến thái đang diễn ra trong kiếp hiện sinh. 
2, Đối với tư duy sử thi vì khẳng định tính hoàn tất khép kín, tức là nhìn nhận khoảng cách giữa chủ thể và ngoại giới nên con người có tính đại diện. Tính đại diện ở đây biểu hiện như những công thức cơ giới: một người xem ngắm coi như kết quả xem ngắm của nhiều người (bởi lẽ sự vật được hoàn tất, con người được cơ cấu hoàn tất); một người - đối tượng xem ngắm là sự đại diện cho nhiều người, cho tập thể (vì lẽ đó mới có cái gọi là con người đại diện cho phẩm tính cộng đồng). Về cách nhìn này trong văn học, ở thể loại sử thi được gọi là “khoảng cách sử thi”: khoảng cách thời gian giữa thời đại được nói trong tác phẩm và thời đại phản ánh nó vào tác phẩm (theo M.Bakhtin khoảng cách này là hàng triệu năm); khoảng cách tâm thế, như đã nói, đó là tâm thế của cháu con đối với cha ông, đấng, bậc.
Chính vì đặc thù này (đặc thù của loại hình) mà phải chăng người ta mặc nhiên thừa nhận tư duy sử thi thành một khái niệm của hệ hình (kiểu tư duy)? Và tiểu thuyết cũng vậy? Đặc điểm của tiểu thuyết là phản ánh cái đang diễn ra, cái hiện thực chưa hoàn thành, vì miêu tả cái đang diễn ra nên nó không có khoảng cách như sử thi. Và có lẽ bởi vậy (sự liên đới khái niệm) mà nhà bác học M. Bakhtin dù chỉ nghiên cứu tiểu thuyết nhưng đã phải trả giá bằng những tháng ngày đen tối bị lưu đày trong một bối cảnh nhạy cảm của nước Nga dưới thời xô viết? Tất nhiên cách nghiên cứu của M. Bakhtin, xin nhấn mạnh, là nghiên cứu dưới cái nhìn đồ chiếu triết học (nhiều người gọi ông là nhà triết học chứ không phải nhà nghiên cứu văn học thuần nghĩa).
Nói những điều này có nghĩa là khái niệm đang bàn, hiểu theo nghĩa rộng, có nguồn gốc từ trong thể loại, loại hình văn học - nghĩa hẹp. Trở lại với việc đối sánh tư duy tiểu thuyết và tư duy sử thi. Như đã nói tư duy tiểu thuyết nhìn nhận sự vật tương đối, con người cũng tương đối với vô vàn giá trị, khoảnh khắc, do đó tư duy tiểu thuyết đưa đến sự giác ngộ về cá nhân, thức tỉnh ý thức bình đẳng và dân chủ; tư duy tiểu thuyết không khẳng định khoảng cách tuyệt đối cơ giới giữa chủ thể và sự vật, từ đó thừa nhận giá trị được nhìn thấy là giá trị tương đối, có góp phần của màu sắc cá nhân, của sự cảm thụ cá nhân. Điều này đã dẫn đến hệ quả là sự phong phú của tính cách mà phản ánh rõ nét nhất là trong văn chương: nhiều cách viết của nhiều người, có thể viết về một đối tượng nhưng ở mỗi cây bút là mỗi sự khám phá khác biệt, không trùng lặp. Từ đó lại dẫn đến hệ quả tất yếu là sự mở rộng đề tài, chủ đề trong tác phẩm văn học. Điều này đã giải tỏa mối lo âu không đâu “tiểu thuyết đã chết” “nhân vật đã chết” của sự phát triển lên đến đỉnh cao tư duy duy lý trước đó. 
3, Tư duy sử thi nhấn mạnh tính hệ thống, tính mạch lạc tuân thủ nên giọng điệu ở đó là giọng điệu sùng kính, linh thiêng, việc thuật sự việc chỉ đơn giản là thuật sao cho đúng, cho thật, cho hay, tức là yếu tố cảm nhận, sáng tạo cá nhân không được chú trọng. Còn tư duy tiểu thuyết do phá vỡ tính hệ thống, nhìn nhận các yếu tố đơn lẻ có khi ngẫu nhiên, sự không lường trước nên giọng điệu ở đây là giọng điệu xoi mói, mỉa mai pha chút xót xa, cay đắng. Cuộc đời không bao giờ có câu nói cuối cùng, câu nói của tôi về cuộc đời chỉ là một cách cảm, nghĩ của riêng cá nhân tôi mà thôi. Như vậy ở đây yếu tố cá nhân sáng tạo được đề cao (tôn sự chủ động, những trực cảm cá nhân lên). Điều này bắt gặp rất rõ ràng trong văn chương.
Trên cơ sở quan niệm hệ hình tư duy và đã tiến hành thao tác phân xuất, ta hãy cùng phóng chiếu vào các tác phẩm văn chương để cùng nhận diện các biểu hiện của nó. Trước hết cần khẳng định rằng khi đã là hệ hình tư duy thì không cứ riêng gì tiểu thuyết mà với hầu hết thể loại đều vận dụng tư duy tiểu thuyết, chẳng hạn thơ, kịch, truyện. Đối với thơ đó là sự lộn ngửa đối tượng ra mà nói - xin được lấy riêng ở văn học Việt Nam - sự đưa vào thơ những sắc thái thông tục (Ngọn cỏ - Nguyễn Thị Hoàng Bắc) hoặc thơ của nhóm Mở Miệng (Bùi Chát, Lý Đợi); trong kịch có thể thấy ở kịch Nguyễn Huy Thiệp; ở truyện ngắn có thể thấy ở hàng loạt truyện ngắn của các tác giả viết sau 1975: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh… 
1, Biểu hiện đầu tiên cần chú ý của tư duy tiểu thuyết là sự trần thuật không khoảng cách, nói khác đi là sự trần thuật ở điểm nhìn hiện tại, ở cái chưa hoàn thành. 
2, Giọng điệu và ngôn ngữ: như đã nói, giọng điệu đó là giọng điệu xoi mói, giễu cợt, có sắc điệu xót xa, là chất giọng của đời thường của ngôn ngữ đời thường vốn sinh động và giàu sắc thái, không thuần khiết. 

3, Sự bất định, nói rõ hơn đó là những dự cảm của tác giả về cuộc đời (theo Milan Kundera là sự hiển minh của lưỡng lự), của cái tôi thử nghiệm (vì trên đời này có rất nhiều cái tôi) của tác giả trong hành trình tác phẩm; có thể bắt gặp trong tác phẩm những bất trắc, những sự không đoán lường, những chân thật của cõi lòng kiếp hiện sinh. Với việc khẳng định tính đa chân lý, xóa bỏ khoảng cách, khẳng định cá nhân như đã nói trên, tư duy tiểu thuyết đã làm cho văn học mở rộng đề tài, chủ đề, tránh được sự nhàm chán đơn điệu, tác phẩm trở nên phong phú - đây là một trong những hệ quả khả thi của tư duy tiểu thuyết. 
4, Sự tự do, kết cấu mở của tác phẩm: kết cấu mở được hiểu là việc nhà văn “tạo ra tác phẩm của mình giống như cuộc sống anh ta miêu tả nó cứ tự nhiên tuôn chảy, độc lập với anh ta” (Koginov)(7), cái gốc rễ của kết cấu mở là cuộc sống đang diễn tiến, như vậy, là sự mở rộng biên giới khỏi tác phẩm, tác phẩm kết thúc không phải là đã có sự hoàn tất cũng như cuộc sống không bao giờ hoàn tất vậy (điều này có sự tương đồng với thuyết liên văn bản - cho thấy nhân loại đã phát triển đến đỉnh cao của nhận thức: mỗi văn bản là sự ghép nhập của những văn bản có trước và sau nó, nó như là một bản hoa ghép (lý thuyết của Kristeva năm 1966); lý thuyết liên văn bản phản bác lại thuyết văn bản đã tỏ ra độc tôn trước đó rằng, văn bản, sự sáng tạo cũng chỉ có giá trị tương đối). 
Kết cấu mở của tác phẩm có liên quan chặt chẽ đến tính bất định, và chính kết cấu ấy đã làm nên đặc điểm thứ năm: tính đa thanh. Tính đa thanh của tác phẩm là dĩ nhiên vì: thứ nhất, nhà văn phản ánh cuộc sống tại thời điểm hiện tại trong một trạng huống tâm lý nhất định của anh ta mà cuộc sống thì không đứng yên do đó một sự vật - hiện tượng ở thời điểm này thì thế này nhưng ở thời điểm khác thì thế khác; thứ hai, như đã nói, không có chân lý phổ quát, do đó yếu tố cá nhân, trạng thái tâm lý, những cảm nhận khó nắm bắt của cá nhân được chủ trọng do đó có sự đối thoại tất yếu với người khác dù muốn dù không (bởi người khác chưa hẳn đã nghĩ như anh, kể cả cố hiểu anh đến mấy cũng không thể trùng khít trong suy nghĩ và diễn giải); thứ ba, có thể biểu hiện trên hai bình diện: nhà văn khắc họa nhân vật trong tác phẩm, nhưng là con người không hoàn tất kiểu như lão Khúng của Nguyễn Minh Châu, Thủy của Nguyễn Huy Thiệp (vì không có một sự hoàn tất nào một khi đã thay đổi tâm thế, một khi con người bình đẳng trước con người; nhà văn dù tạo nên nhân vật nhưng câu hỏi về nó chưa hẳn đã một bề trong kiểm soát - đây được xem như hệ quả tất yếu của quá trình viết: các quan hệ đời sống không tách biệt chằn chặn và, sự bất lực, những giới hạn của ngôn ngữ, tức, nhà văn vẫn không thôi đối thoại với nó). Nhà văn sáng tạo nên nhân vật của mình bao giờ cũng có những toan tính phản ánh, trong khi không phải mọi vấn đề đều cho phép ông ta nói ra một cách mồn một, ông ta buộc lòng phải sử dụng lối nói ám dụ, nhưng đây không phải là ám dụ theo lối ước lệ cổ điển (kiểu phúng dụ), mà ám dụ vượt thoát từ sự xoi mói về nhân vật, vỗ vai nhân vật (lão Khúng của Nguyễn Minh Châu - một biểu tượng về người nông dân, Nguyễn Huy Thiệp mượn đề tài dục tính kiến giải về văn hóa).
Sắc thái ám dụ có khi còn nhiều bình diện nên người đọc khó đưa ra câu hỏi cuối cùng, thậm chí còn tự buộc mình vào cuộc đối thoại với nhà văn mà gã này đưa ra một cách nửa vời, như trêu ngươi. Giống như phản ứng dây chuyền, tính đa thanh của tác phẩm lại dẫn đến hệ quả tất yếu: sự đồng sáng tạo - một khái niệm của tiếp nhận văn học. Người đọc, trước hết, nhìn trên lý luận chung, là một mắt khâu trong việc tạo thành tác phẩm văn học: từ văn bản đến tác phẩm văn học. Như vậy, tác phẩm văn học nếu nhìn trong quá trình, phụ thuộc khá lớn vào sự đánh giá của người đọc. Khi tiếp cận với những tác phẩm đa thanh, người đọc buộc lòng phải đặt mình vào cuộc đối thoại mà nhà văn tạo dựng dù muốn dù không. Người đọc đưa ra kiến giải về nhân vật, về cuộc đối thoại trong tác phẩm nhưng đó là kiến giải của một trong những kiến giải. Kiến giải đó, thậm chí, gây bất ngờ cho kẻ chủ trương (nhà văn). Vậy là, sự giàu có của tác phẩm hẳn nhiên được tính đến. Ngoài ra, một câu chuyện thú vị khác trong chiều diễn suy cũng xin được kể: từ việc hiểu nhân vật, hiểu cuộc đối thoại, người đọc mang tham vọng “tìm hiểu” nhà văn, tìm hiểu xem ông ta muốn nói gì. Tất nhiên lại là một công đoạn không mấy dễ dàng, những đối cực sẽ xuất hiện. Và, vậy là anh ta lại tự đặt mình vào trong cuộc đối thoại bất tận với nhà văn, một con người tồn tại thực bằng sinh thể sinh học (điều này giúp ta hiểu vì sao nhà văn nhà thơ (dĩ nhiên họ muốn nói gì cũng là qua tác phẩm) bị quản thúc, chẳng hạn Đặng Hoàng Hưng, Nguyễn Huy Thiệp một thời).
Tư duy tiểu thuyết, tóm lại, là một khái niệm hiểu trên hai nghĩa, trong đó bao quát là nghĩa chỉ hệ hình tư duy: nó là một kiểu tư duy xuất hiện và phát triển ở thời hiện đại.
Ghi chú:
1. Nguyên Ngọc, Tạp văn (tập hai), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2007, tr.331.
2. M.Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu), Nxb ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 2003.
3, 5. Trần Ngọc Linh, Chúa không chơi trò xúc xắc, http://vast.com.vn.
4. R.M. Albérès, Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX 1900 - 1959 (Vũ Đình Lưu dịch), Nxb Lao động, Hà Nội, 2003.
6. Chuyển dẫn theo: Hoàng Ngọc Hiến, Triết lý văn hóa và triết luận văn chương, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.83.
7. Đặng Anh Đào, Sự tư do của tiểu thuyết - một khía cạnh thi pháp, Tạp chí Văn học, số 3-1993.
Nguyễn Mạnh Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009
Theo http://vhnt.org.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...