Lâu nay bàn về đề tài chiến tranh, chúng ta thường đòi hỏi dựng
cho được hình tượng người anh hùng. Điều đó là đúng vì nhân vật anh hùng hướng
người đọc tới cái cao cả, một phẩm chất rất cần thiết cho cuộc sống, nhất là
khi con người phải đối đầu với thử thách khắc nghiệt trong chiến tranh. Mấy chục
năm qua, văn học nghệ thuật đã tạo ra được nhiều điển hình về người anh hùng
nhưng vẫn còn “mắc nợ” với nhân dân vì nếu nhìn thẳng vào sự thật thì hình tượng
người anh hùng chưa có sức lay động mãnh liệt, chưa có sức sống lâu bền trong
tâm hồn công chúng. Lý giải điều này hẳn là có nhiều nguyên nhân mà trước hết
phải nói đến là tài năng, nội lực của người viết còn yếu kém. Điều này có lẽ
“muôn thuở” đúng, nhưng thiết nghĩ chẳng phải bàn luận nhiều vì về cơ bản, nó
là thứ “Trời cho”, không có thì đành chịu, nếu cố sức đạt đến thường chỉ hoài
công. Vậy nên xin bàn đến những nguyên nhân khác mà chúng ta có thể thay đổi,
“cải tiến” được.
Theo tôi, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến các
tác phẩm viết về chiến tranh chưa thoả mãn người đọc là quan niệm, cách nhìn về
chiến tranh, về người anh hùng, vì lẽ này lẽ khác, còn phiến diện. Do đó, chiến
tranh hiện ra trên trang sách không sinh động, thường chỉ một chiều diễn tả, chứng
minh “ta thắng-địch thua” và người anh hùng thì thường đơn giản, xơ cứng. Nói
cho công bằng thì từ ngày đất nước “Đổi Mới”, cũng đã có một số tác giả, tác phẩm
cố gắng vượt lên những hạn chế này. Như tiểu thuyết “Đất trắng” của nhà văn
Nguyễn Trọng Oánh, có lẽ là tác phẩm đầu tiên “dám” miêu tả một chính uỷ hèn
nhát đào ngũ; hay như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã thể hiện những mặt
bi thảm của chiến tranh. Có điều cả 2 tác phẩm vừa kể đều đã bị phê phán rằng
sao lại dám miêu tả cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta như thế. Ở Thừa
Thiên - Huế, nhà văn Nguyễn Việt, trong tác phẩm “Người lính đào hoa” (NXB Lao
Động, 1998) đã không ngại ngần chọn nhân vật chính là một chàng trai có số “đào
hoa”, yêu đương hết mình cũng như đánh giặc, bên cạnh một vị chỉ huy hèn nhát,
hám gái, hám công; còn nhà văn Nguyễn Quang Hà, trong tiểu thuyết “Sông dài như
kiếm” (NXB Quân đội nhân dân, 2001) cũng đã phơi bày thói kèn cựa, đố
kỵ, hưởng lạc của người có chức quyền ngay trong chiến tranh gian khổ. Hình như
cũng có người không đồng tình với tác giả về cách nhìn này. Đúng ra, cần phải
quan niệm, một cuộc chiến tranh khốc liệt đến mức người chính uỷ từng trải bao
thử thách vẫn phải bỏ chạy, một cuộc chiến tranh có những cảnh bi thảm và có kẻ
đố kỵ như Bảo Ninh, Nguyễn Quang Hà miêu tả, mà chúng ta vẫn chịu đựng được và
đánh thắng thì càng chứng tỏ phẩm chất anh hùng của dân tộc ta. Xin được nói
ngay ở đây là những tác phẩm đó chưa phải là toàn bích, chưa dựng được hình tượng
người anh hùng thật sống động và tiêu biểu cho cuộc chiến tranh lâu dài khốc liệt
của dân tộc ta, càng chưa phải là những tác phẩm tái hiện được toàn diện cuộc
chiến tranh vừa qua như nhiều người đòi hỏi. Mà thật ra, mỗi tác phẩm - dù là
tác phẩm xuất sắc nhất - cũng chỉ thể hiện được một phần, một khía cạnh, một
vùng đất, một khoảng thời gian nhất định của cuộc chiến tranh trường kỳ, ác liệt,
phức tạp và rộng khắp từ Nam đến Bắc mà dân tộc ta vừa trải qua. Đòi hỏi có tác
phẩm lớn, tái hiện “toàn diện” cuộc chiến tranh đó có lẽ là ảo tưởng. Phải nhiều
tác giả, nhiều tác phẩm cộng lại mới mong hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề này.
Tuy vậy, trong văn học nghệ thuật có đặc thù “qua giọt nước
có thể nhìn thấy biển cả” - một tác phẩm quy mô nhỏ, như một truyện ngắn, vẫn
có thể phản ánh được bản chất của cuộc sống. Và mỗi tác phẩm, dù chỉ miêu tả một
giai đoạn, một vùng đất trong cuộc chiến tranh cũng phải có cách nhìn toàn diện,
tôn trọng sự thật mới có thể đạt đến giá trị cao được đông đảo độc giả thừa nhận.
So sánh hơi khập khiễng một chút, nhưng cũng tương tự như ăn một chiếc bánh -
dù là chiếc bánh nậm mỏng manh của xứ Huế, dù chọn lấy phần nhân tôm thịt ở giữa
có “chất lượng” nhất, cũng không ngon bằng thưởng thức tất cả một lúc. Ai cũng
biết cuộc chiến tranh nào, trận đánh nào cũng có hai bên, nhưng thử hỏi các tác
phẩm của chúng ta đã diễn tả thân phận con người “bên kia chiến tuyến” được mấy
phần trăm sự thật? Họ có là con người không, hay chỉ được nhìn như là một động
vật hai chân độc ác, dâm đãng, uống máu người không tanh? Về người anh hùng,
thì ai cũng biết là con người thường chỉ có thể lập được sự tích phi thường
trong một giai đoạn, thậm chí trong phút chốc - “chỉ một phút làm nên lịch sử”
như anh hùng Nguyễn Văn Trỗi; còn nữa thì vẫn là một con người bình thường với
mọi nỗi buồn vui, hờn giận, thậm chí là hèn yếu của kiếp nhân sinh. Thử hỏi các
hình tượng anh hùng trên trang sách có được mấy phần trăm hình ảnh con người
chân thật sinh động như vậy?
Trước đây, khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, khi
ranh giới địch-ta không thể một chút nhoà mờ, lầm lẫn, do yêu cầu của nhiệm vụ
tuyên truyền, động viên mọi nguồn lực để giành chiến thắng và cũng do thiếu hiểu
biết, những người cầm bút chưa thể miêu tả được cuộc chiến đấu muôn màu muôn vẻ
với thân phận con người cả hai bên chiến tuyến đúng như nó đã diễn ra. Nay thì
đất nước hòa bình đã hơn 30 năm, nhiều tài liệu - kể cả những tài liệu mật đã
được “mở khóa”, và quan trọng hơn, con người ở hai bên chiến tuyến đã sống bên
nhau - thậm chí trở nên “thông gia”, cùng chung một mục đích là xây dựng một nước
Việt Nam “công bằng-dân chủ-văn minh” thì không lý gì trên trang sách lại chỉ
viết “một nửa sự thật”. Cần phải nói rõ đây không phải là sự “mơ hồ” về lập trường
“địch-ta” hay mắc mưu ”diễn biến hoà bình” mà cuộc sống vốn nó như thế, bạn đọc
đòi hỏi như thế. Và chỉ có như thế văn nghệ mới có sức sống lâu bền, mới làm
tròn phận sự của nó.
Hiện tượng “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là một bằng chứng hiển
nhiên cho những điều vừa trình bày. Cuốn nhật ký không phải là một tác phẩm có
nghệ thuật cao cường mà vẫn hấp dẫn đông đảo người đọc - kể cả những người xưa
kia là kẻ thù của chúng ta, cả những trí thức Việt kiều từng tỏ ra bất đồng
chính kiến với chúng ta. (Xin dẫn ý kiến của …) Vì sao vậy? Đơn giản chỉ vì nó
miêu tả chân thực tâm trạng, thân phận con người trong chiến tranh, chứ không
phải vì thành tích chiến đấu của anh hùng Đặng Thuỳ Trâm. Đọc “Nhật ký…”, chúng
ta được tiếp xúc với một anh hùng có nhiều nước mắt, nhiều nỗi buồn, có tình
yêu nồng nhiệt mà thầm kín với người em “kết nghĩa”, với cả người lãnh đạo Đảng
của địa phương…Mặc dù thế, chị vẫn sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và chính vì thế
chúng ta càng yêu quý người anh hùng. Cuốn “Nhật ký…” còn hấp dẫn vì “lịch
trình” kỳ lạ của nó, vì chúng ta bỗng như ngỡ ngàng khi thấy trong hàng ngũ “kẻ
thù độc ác” lại có người biết quý trọng “chất lửa” trong cuốn “Nhật ký…”, rồi
gìn giữ nó như một báu vật suốt 30 năm ròng!
Hai tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Mường Mán xuất bản gần
đây cũng thể hiện cách nhìn mới về chiến tranh. Với trên hai chục đầu sách -
trong đó có trên chục truyện dài dành cho tuổi học trò, nhà văn Mường Mán không
phải là một tên tuổi xa lạ với bạn đọc. Nhưng qua tuyển tập truyện ngắn "Cạn
chén tình" (NXB Trẻ - 2003), chúng ta còn gặp một cây bút truyện ngắn đặc sắc,
một “Mường-Mán-khác”, một cách nhìn chiến tranh từ bên kia chiến tuyến.
Điều đặc biệt dễ thấy hơn cả là trong tuyển tập dày dặn gồm
48 truyện ngắn này có quá nửa là những truyện viết trước năm 1975, khi tác giả
là phóng viên báo chí Sài Gòn ở chiến trường miền Trung. Lâu nay, không ít người,
khi nói về thế hệ nhà văn ở miền Nam trong giai đoạn này thường chỉ lưu ý đến
những cây bút “phản chiến” hoặc những kẻ “bồi bút chống cộng”; Mường Mán có con
đường riêng của mình. Trên những truyện in trong tuyển tập này hầu như không có
tiếng bom đạn, không miêu tả trận đánh nào, cũng không thấy những “cuộc đấu”
quyết liệt về ý thức hệ, về chuyện thắng bại “địch - ta” mà đầy ắp nhân tình -
tình yêu quê hương, trai gái, vợ con, bạn bè..., cả những tình yêu thoáng qua,
những kẻ bạc tình và bao trùm lên tất cả là tình yêu thương của tác giả đối với
những cuộc đời bất hạnh, những số phận trớ trêu.
Có thể có bạn đọc sẽ trách tác giả lảng tránh những “điểm
nóng” của thời cuộc và hẳn rằng đó không phải là cách tốt nhất để nhà văn phản
ánh cuộc sống sôi động mấy chục năm qua như nhiều người đòi hỏi. Nhưng một nhà
văn được bạn đọc nhớ đến trước hết nhờ có cách thể hiện cuộc sống với bút pháp
riêng, xây dựng được một thế giới nghệ thuật độc đáo giàu sức truyền cảm và gợi
nghĩ đến những vấn đề sâu xa về lẽ sống ở đời, chứ không phải là viết về đề tài
“nóng” hay “lạnh”, “lớn” hay “nhỏ”. Nhiều truyện ngắn trong “Cạn chén tình” đã
tạo được hiệu quả nghệ thuật như thế. Cần nói thêm là tuy tác giả không trực tiếp
viết về chiến tranh, nhưng những đảo lộn và dư âm của cuộc chiến khốc liệt để lại
dấu ấn sâu sắc trong nhiều truyện ngắn. Và ngẫm cho cùng, quả bom hay viên đạn
nổ bùng trong giây lát, nhưng hậu quả của nó, nỗi đau nó gây ra thì đeo đẳng
con người ta suốt cả cuộc đời. Bà mẹ của Phan suốt ngày đêm, từ năm này sang
năm khác, mỏi mòn tựa cửa đợi con về; cô em gái mỗi lúc quá buồn lại bịa chuyện
mẹ chết để gọi một người bạn của Phan về cho có bóng dáng đàn ông trong nhà,
nhưng bà mẹ nhất quyết không cho ai bước vào cửa, nếu không phải là Phan! Và thảm
kịch đã xảy ra khi người yêu của cô em gái đặt chân lên thềm, bà mẹ đã túm đầu
một bức tượng đập lên đầu chàng trai...(Truyện “Bi kịch”) Nhân vật không tên
trong truyện “Người đàn ông hay cười” ba lần li hôn, không sao kiếm được việc
làm chỉ vì cái tật hay cười, ngay cả trong đám tang và trước nỗi bất hạnh của
người đời! Mãi rồi người ta mới hiểu người cựu chiến binh ấy vì “một miểng bom
hay đạn gì đó nhỏ xíu kẹt lại trong hộp sọ không thể gắp ra... thỉnh thoảng gây
những xung động trêu ngươi, buộc anh phải nở những nụ cười ngoài ý muốn!” Truyện
“Bi kịch” viết từ năm 1972, truyện sau viết năm 1995; tác giả không nói rõ,
nhưng độc giả nếu quen phân tích nhân vật theo kiểu “địch-ta” có thể nhận ra
“người đàn ông hay cười” là một chiến sĩ cách mạng. Còn Phan? Anh lên “rừng”
theo cách mạng, hay đi lính “cộng hoà”, hay chỉ vì thất vọng trước thời thế mà
bỏ nhà phiêu bạt? Sự mơ hồ này có lẽ là chủ ý của tác giả và nhờ đó, truyện có
ý nghiã khái quát hơn, có sức sống lâu hơn.
Tuy thế, Mường
Mán không phải là cây bút “trung lập” hay “mất lập trường”. Chỉ một
truyện ngắn “Những mùa trăng ca múa” viết năm 1972 với hình ảnh chiếc mũ cối bộ
đội, với “o Dương” cùng những đồng chí du kích đánh Tây ở làng quê anh được
miêu tả qua những trang văn thật đẹp và đậm đà tình nghiã đã thể hiện sự trân
trọng của tác giả đối với những người đã hy sinh vì Tổ Quốc, thể hiện tình yêu
da diết đối với quê hương. Giọng điệu Huế, hình ảnh Huế và làng Chuồn
quê anh thấm đẫm trên rất nhiều trang sách. “... Tôi bỏ những đường phố lớn, lẩn
lút trốn vào Đại Nội men theo chân thành cổ. Bóng chiều và niềm im lặng tuyệt vời
thả trí tôi tận đáy hồ xanh. Trên mặt hồ xanh, tôi ngồi xuống, lòng thanh thản
nhẹ tênh, cái mũ cối úp lên đùi. Cái mũ cối già nua bạc màu kỷ niệm. Tôi nhìn
cái mũ và nhớ o Dương...Tôi im nghe tiếng hát o xưa lồng lộng vọng về. Tôi hát,
hát say mê những tiếng hát đầu lòng xưa, mơ hồ thấy vầng trán quấn quýt tóc bay
của o khẽ chạm tới vầng trăng vô hình nào đó...” (Tạp chí “Văn nghệ Quân đội” từng
in lại truyện này với lời giới thiệu trân trọng của nhà văn Nguyễn Khải.) Trong
truyện “Về giữa mùa hè” (viết năm 1973) in đầu cuốn sách với rất nhiều chi tiết,
nhân vật chân thật như là một đoạn hồi ký thì tác giả đã dành những dòng thật
xúc động khi viết về người Cha kính yêu của mình đã hy sinh trong cuộc kháng
chiến lần thứ nhất...
Với "Sáu giang hồ và những mảnh đời phiêu dạt khác” (NXB
Trẻ, 2005), Mường Mán lại bất ngờ tung ra những truyện không thiếu tiếng bom đạn,
tranh đấu "địch-ta" có sức lay động người đọc với cái nhìn nhân bản từ
một góc độ mới - nói chính xác hơn là góc nhìn cận cảnh của người trong cuộc
"bên kia chiến tuyến", lâu nay hiếm thấy trên các trang sách xuất bản
trong nước. Cuộc "kỳ ngộ" tại mặt trận Khe Sanh giữa một thiếu úy
quân đội Sài Gòn và nhóm tù binh "Việt Cộng" trước sự "chứng kiến"
của nữ phóng viên Mỹ có chồng là phi công vừa bị chết tại đây -
chính viên thiếu úy đã xông ra cứu một tù binh dính đạn pháo kích khi họ đưa
anh lên trực thăng về căn cứ...("Ngày không đáng nhớ") Rồi cuộc đời
bi thảm của trung úy Hãn, từ cuộc tháo chạy ra cửa Thuận An mùa Xuân 1975 đến
khi rời trại cải tạo Hiệp Đức với thương tật oái oăm khiến anh mất khả năng làm
chồng sau một tai nạn lao động...("Chớp mắt trăm năm"); Một sĩ quan
Ban 5 (Ban chiến tranh chính trị) lại có cảm tình với cô tù binh "xã đội
phó" Út Chuyên khi biết cô vừa được làm mẹ, đến ngày trao trả tù binh tại
sông Thạch Hãn thì vị trí "kẻ thắng và người bại" lại hoán vị và gã
sĩ quan sau 7 năm cải tạo lại "đụng đầu" cô du kích "năm
xưa", chỉ khác là cô vừa ra tù sau mấy năm thất bại trên thương trường; cả
hai "không còn người thắng lẫn kẻ thua" và họ đã trao thân cho nhau rồi
sang Mỹ theo diện H.O, nhưng vẫn chẳng tìm thấy hạnh phúc... ("Xa như cổ
tích").
Cần nói thêm là nhờ không khí cởi mở hơn trong hoạt động sáng
tác, xuất bản hiện nay - nhất là khi mà vị đứng đầu Chính phủ công khai "cảm
ơn và mong muốn có được tin tức về thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu của quân đội đối
phương" (**) - những truyện như thế đã đến được với
bạn đọc một cách thuận lợi. Việc một người như Nguyễn Trung Hiếu vẫn biết quý
trọng cuốn "Nhật ký có lửa" cùng với các nhân vật là sĩ quan quân đội
Sài Gòn trước đây trong truyện của Mường Mán như thiếu úy Tạo ("Ngày không
đáng nhớ") "gã sĩ quan Ban 5" ("Xa như cổ tích")...đã
giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến đã qua, thấy rõ hơn sự
phi lý nếu cứ duy trì "cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt
thắng-thua, bởi những kỳ thị ta-ngụy..." như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
đã viết trong dịp kỷ niệm 60 Quốc khánh vừa qua. (Xem báo "Nhân dân"
và "Tuổi trẻ" 29/8/2005).
Riêng về sáng tác văn nghệ, nhất là trong sáng tác
về đề tài chiến tranh, cách nhìn lịch sử, con người toàn diện, tôn trọng sự thật
sẽ giúp mở rộng chân trời sáng tạo để có những tác phẩm sâu sắc hơn, nhân bản
hơn; và như thế sẽ có giá trị lâu bền hơn.
(Tham luận tại Tọa đàm viết về chiến tranh cách mạng do Hội
Nhà văn Thừa Thiên - Huế tổ chức. Đã đăng trên Tạp chí “Văn nghệ quân đội” số
tháng 5/2006).
Chú thích:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét