Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Hỡi ôi! Thân phận làm người

Hỡi ôi! Thân phận làm người

Trời kia bắt phải làm người (Nguyễn Du)
Nực cười hai chữ nhơn tình éo le
 (Nguyễn Đình Chiểu)
Vi nhân nan vi nhân nan 
(Lão Tử)
L'homme n'est qu'un roseau mais un roseau pensant = Con người chỉ là cây sậy nhưng cây sậy biết suy nghĩ 
(Blaise Pascal)
Con người, hai tiếng nghe vang vang kiêu hãnh 
(Gorki)
L'homme, cet inconnu! 
(Ôi! Con người, kẻ vô danh ấy)
Hỡi, hỡi ơi thân phận làm người! 
(Phạm Duy)
Ở chương này tôi xin đề cập tới những tư tưởng và tình cảm của Phạm Duy đối với con người nói chung.
Giữa đêm tịch mịch, ngồi một mình giở cuốn
NGÀN LỜI CA ra đọc, thấy Phạm Duy với trăm dòng tư tưởng chảy miên man bất tận. Thấy Phạm Duy cho ta thấy con người lớn quá mà cũng nhỏ bé quá, mạnh mẽ quá mà cũng yếu đuối quá. Con người cao thượng quá mà cũng hèn kém quá, thật đáng ca ngợi mà cũng đáng nguyền rủa. Bạn còn nhớ ông Thiện và ông Ác đứng ở hai bên cửa chùa không? Trong con người có đầy đủ thiện, ác. Phạm Duy mô tả con người ấy dùm chúng ta, qua bài:
Một ngày cho người sống, một ngày cho người chết
Một ngày cho người thương, một ngày cho người ghét
Một ngày cho cuộc chiến, một ngày cho lười biếng
Một ngày cho bình yên, một ngày lại cho điên
Một ngày cho khẩu súng, một ngày cho ngòi viết
Một ngày đi mà giết, một ngày đi mà hát
Một ngày đang cười ngất, một ngày ôm mặt khóc
Một ngày bạn bè đông, một ngày lại cô đơn
Một ngày cho Tổ Quốc, một ngày quên nợ nước
Một ngày cho vợ con, một ngày cho tình nhân
Một ngày đi làm lính, một ngày đi đảo chính
Một ngày đi cầu kinh, một ngày về quyên sinh
Một ngày mang phận sống, một đời đeo cùm gông
Một đời đi ruổi rong, một đời vẫn chờ mong
Một đời không còn mới, một đời không từ chối
Một đời vẫn thường nói: một đời người, than ôi!
Hỡi, hỡi ôi! thân phận làm người!
Hỡi, hỡi ôi! thân phận làm người!

Cái lằn ranh của thiện và ác không rạch bằng mũi dao nhưng nó oẹo ọ khi cong khi queo, và cái cong này nó như con đê trong cơn nước lũ, nó rung rinh, nao núng về phía bên này, về phía bên kia. Hãy nhìn ngoài đời thì ta thấy con đê đó, nhất là ở thời đại nguyên tử này, thương và ghét thay đổi ngả nghiêng liên tục. Anh có job ngon, em yêu anh dễ dàng, anh chia tay, em dám tự tử. Nhưng anh mất job hôm nay, ngày mai cơm sẽ chẳng lành, canh chẳng ngọt ngay. Bản mặt đáng yêu của anh hôm qua sao hôm nay khó trông thế! Anh giúp tôi súng trường, đại bác để ăn cướp thành công, tôi cầu chúc anh sống muôn năm, tôi bái lạy anh, nhưng đó là chuyện hôm qua, hôm nay tôi có bồ mới, tôi chẳng cần anh, tôi gọi anh là thằng bành trướng, anh đánh tôi, tôi đánh trả, vỡ đầu.
Khóc và Cười
Anh nẫng tiền của công bỏ túi áo nhỏ đầy phè, còn lại lớp giấu, lớp cho vợ. Anh ăn tiệc, anh cười hí hởn. Nhưng rồi anh bị nắm đầu vì tội ăn cắp. Anh bị truy tố , bị còng tay. Anh gục mặt khóc, không dám ngó lên. Nhưng pháp luật giây thun hoặc nhờ gốc bự, anh được móc ra khỏi nhà lao, anh lại tiếp tục quịt gốc công quỹ. Anh lại cười. Hôm qua anh ngất nghểu trên chín bệ, anh coi thiên hạ là rác rưởi, anh cười toe toét, đùng một cái anh bị lật nhào, anh trở thành rác rưởi. Anh mếu máo, không dám khóc to, sợ người ta trông thấy rác khóc.
Súng và Bút
Anh tưởng khẩu súng diệt được ngòi bút, ai dè anh lầm. Anh dẹp súng, ve vãn để bẻ cong. Anh cũng lầm nốt. Anh vứt súng anh cầm bút, anh viết chẳng ra chữ. Anh cố viết, có chữ mà chẳng ai thèm đọc, vì đó toàn là chỉ thị rỏm.
Nhớ tổ quốc và Quên nợ nước
Hôm nay anh kêu gào yêu tổ quốc giết giặc, cứu nước. Anh là anh hùng cứu nước. Bia đá tượng đồng dựng lên cho người đời biết tên biết mặt anh. Mai kia giặc thua chạy, anh dâng Tổ Quốc anh cho kẻ khác để cầu vinh hay xin sự sống còn, anh quên nợ nước, anh trở thành kẻ phản quốc mà không hay. Hôm nay anh và bạn anh chung sức đấu cật chống ngoại xâm, nhưng thằng bạn anh bảo phải đánh thế này thì mới thắng được, anh lại bảo đánh theo kiểu anh mới ăn nhanh. Thằng bạn anh không nghe. Anh mạnh hơn, anh đuổi nó ra khỏi nước. Hai thằng cùng yêu nước, nhưng bây giờ một thằng vỗ ngực tự khen ái quốc, và kết tội thằng kia là phản quốc.
Làm lính và Đảo chính
Hôm nay anh làm tổng thống hoặc chủ tịch chủ tiếc gì đó. Anh gắn mề đay trên ngực tôi, anh thêm sao trên mũ tôi. Tôi tôn vinh anh là lãnh tụ anh minh. Nhưng Đó là trò hề diễn ra hằng ngày ở trong hẽm tối ở thương trường và ở các cung điện các ông to bà lớn và mãi mãi về sau cũng như đã từng diễn ra ngàn xưa.
Cô đơn và Bạn bè đông
Bạn đừng sợ cô đơn. Cô đơn sẽ giúp bạn trở thành vĩ nhân. Tổ tiên ta đã chẳng dạy ta bằng câu thơ sau đây là gì:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Nhưng với hai tiếng trên đây có lẽ Phạm Duy muốn nói về nhân tình thế thái hơn là trạng thái tâm hồn. Bạn bè đông khi bạn có chức phận có danh có thế. Mất những thứ đó rồi, chẳng ma nào thèm tới. Danh hề Văn Chung đã chế diễu:
Bần cưa ván ngựa đôi ba tấm
Cú tại bàng tang đứng chết trâng

Trong cõi đời này con người sống như chiếc lá cuốn theo dòng nước. Nước chảy, lá phải trôi theo. Nhưng lá có hai mặt. Nước trôi êm lá nằm im. Nước xoáy nước cuốn lá lộn mèo, lá lật bề kia lên con người phải sống. Giữa Phải và Trái, giữa Thương và Ghét, giữa Khóc và Cười, giữa Súng và Bút, giữa Tổ Quốc và Phản Quốc, giữa Làm Lính và Đảo Chính, giữa Cô Đơn và Bạn Bè Đông, giữa Hy Vọng và Thất Vọng, giữa Tiên và Tục của chính mình.
Ông Thiện và Ác luôn luôn có trong một người. Hai vị này luôn luôn tìm cách lấn nhau để cưỡi lên lưng nhau, nếu có thể diệt nhau. Ông nào cũng mánh và có thủ đoạn cả, và tai hại thay, cái con người, cơ sở của sự tồn tại của Thiện và Ác lắm khi lại là một anh ba phải, khi nghe theo bên này khi gật với bên kia.
Đó, con người mà Phạm Duy phải bày cho chúng ta thấy, cho nên Phạm Duy kêu: Hỡi, Hỡi ôi thân phận làm người! Một dấu chấm than như mũi tên từ trời rơi cắm phập xuống đất trần gian hay xuống tìm nhân thế. Mũi tên làm ta đau buốt, nhưng nó thức tỉnh ta. Hỡi, Hỡi ôi thân phận làm người! Nghe sao mà buồn vậy?
Không sao, muốn hết buồn hãy gia nhập ''Đảng Đừng Buồn''. Đảng này dễ lắm, vô không cần tuyên thệ, ra không cần cho hay. Đảng này thành lập lâu rồi, không biết ai làm tổng bí thư. Cứ ra đường hát bài đảng ca Sức Mấy Mà Buồn, hát xong sẽ có người đến xin bạn làm đồng chí.
Sức mấy mà buồn, phải vui để sống còn! Cuộc đời chỉ dài có trăm năm - ngắn lắm - thì hãy vui lên, kẻo nắng chiều lê thê sắp đến. Cuộc đời này, ta phải sống, một vai mang phận sống, một vai mang cùm gông, nặng nề như con vật mang ách trên cổ, kéo cày sau đuôi, đầu gục, chân bước trên ruộng khô cằn, lưng cháy mặt trời sôi máu miệng cầu kinh, bụng đầy ý nghĩ quyên sinh, mới cười ngất đó, lại ôm mặt khóc, mới vừa giết xong lại quay ra hát om xòm. Đó có phải là cuộc sống chúng ta đang sống? Cái con người mà Phạm Duy khắc họa với những nét đan thanh kỳ thú đó, có phải là chúng ta chăng?

Con người vô danh. Con người, hai tiếng vang vang như kiêu hãnh. Thế nhưng trời sanh bắt phải làm người, làm người trong nhân tình éo le, đáng nực cười, con người giữa những trận bão đời chỉ là cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ, biết khóc, biết cười, biết buồn, biết vui, và biết phấn đấu để sống còn, biết đòi lại nước khi mất nước.
 Một Ngày Môt Đời, Phạm Duy mô tả một con người y như thật với thương, ghét, khóc cười, nhưng ở bài Lữ Hành con người lại là một cái gì khác, một con người trong đó có ma quỉ lẫn thánh thần, một con người đi trên dương gian mà không có thật trên dương gian, một con người đi và tự nhủ:
Đi, đi mau rồi tới nơirồi lại tự hỏi:
Đi, đi đâu mà tới nơi? 
Đi phương nao mà tới đây?
tuy vậy vẫn thấy mình:
Đi sâu muôn nơi
và thấy mình:
Đi, đi không thôi...
Bài này có thể được hiểu ra là sự khao khát xê dịch của một con người, ý chí quyết tiến mãnh liệt của một con người hầu như bất lực trước vũ trụ mênh mông và tàn bạo.
Bước nhanh vượt chân đời. Cũng có thể hiểu ra là một người đẩy lùi dĩ vãng và hiện tại, đi tìm tương lai trong bàn tay để đến ngày thế giới lên nguồn vui (thì) sẽ lên đường trở về. Một con người với những tâm tư lạ lùng.

Thiên thu trong lòng này
Nhịp xe uốn vòng tử sinh
Chiếc nôi trong vòng hoa
Bánh xe tang ngoại ô
Anh trong em một ngày
Chung vai vơi thù ai...
Một con người có thực như ta đã gặp ở đâu đây hay chưa gặp bao giờ, nhưng con người ấy lại cũng có những tình cảm rất thực: nhìn thấy, sờ mó được những gì một người bình thường, sờ mó nhìn thấy:
Tà áo rách cô hàng xóm
Sức tuôn trên cánh đồng
Lúa thương vạt nâu sồng
Đã thấy mặt trời soi
Áo chăn che tổ uyên
Miếng cơm vui tình duyên 
(Lữ Hành)
Như một sự bực bội với hiện tại, gã lữ hành muốn phá bỏ, tung hê đi tìm cái gì khác, nhưng cái gì khác đó là cái gì và gã phải đi đâu, tới đâu gã cũng không rõ. Gã chỉ biết là phải đi, không thể ở được trong cái hiện tại. Bước chân gã rất nhanh, nhưng rất trúc trắc, gay cấn, đau đớn, giận dữ. Như một bức tranh trừu tượng của một họa sĩ lập thể hoặc siêu hình, vẽ một người đàn bà có một mắt ở rốn như một bức tranh của Picasso, mấy ai hiểu? Thực hay mơ? Giả hay thiệt? Con người vẫn cứ luôn luôn là cet inconnu! Đó là ý định mô tả con người của Phạm Duy chăng?.
Xuân Vũ
Theo https://phamduy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...