Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Làm ruộng theo lối xưa

Làm ruộng theo lối xưa
Người ta đang bàn chuyện những cánh đồng thông minh, nền nông nghiệp 4.0, mắc mớ cái dây mơ rễ má gì mà đi nhắc chuyện ruộng đồng lối cũ, lối xưa?
Tự vấn rồi tự trả lời, không hiểu rành rọt quá khứ làm sao vững bước đến tương lai! Có tương lai nào mà không cần bệ đỡ của nền văn hóa truyền thống cổ xưa! Dù có đổi thay, thì quá khứ và tương lai vẫn xuyên suốt nối liền song hành và biến đổi hài hòa để tồn tại và phát triển.
Nhắc chuyện làm ruộng theo lối xưa để mà soi rọi cho những chuyện ngày nay vậy mà.
Hy vọng du lịch nông nghiệp sẽ góp một 
phần khôi phục hình ảnh lối làm ruộng xưa.
Chiều sâu văn hóa
Sau chuyện chuẩn bị những ngày mùa với biết bao lo toan, bận rộn thì nông dân coi như khỏe và chờ nước về… Cứ tréo ngoảy trên võng ca vọng cổ, buồn buồn thả mấy tay lưới kiếm thêm cá mắm cải thiện bữa ăn hay làm mồi lai rai ngắm đồng chiều mênh mông bát ngát.
Đợi đến ngày thu hoạch cho lúa chạy về bồ. Vậy nên, hồi xưa ông bà làm lúa mùa mỗi năm chỉ có 1 vụ mà sao nghe chuyện “xong ruộng” đến hai lần là vậy. Xong ruộng đợt đầu là đã làm đất cấy mạ, giặm, sạ xong xuôi; xong ruộng đợt hai chính là thu hoạch.
Con trâu nó cũng theo người mà nhọc nhằn, sướng khổ theo mùa lúa nổi. Vậy nên ngoài chuyện bầy trâu là gia sản, sự nghiệp thì nó còn là người bạn, thành viên thân thiết, thậm chí là người ơn của nông dân mình vậy. Đó là nét văn hóa đẹp làm sao.
Đẹp đến nỗi trâu được đưa vào bài học thuộc lòng đầu tiên cho tụi nhỏ vào lớp 1: “Trâu ơi ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”.
Cái văn hóa “biết ơn” của nền nông nghiệp lúa nước. Cảm ơn con trâu, cảm ơn nhà nông, cảm ơn đất đai dương trạch, Thành hoàng, Bổn cảnh… phò hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi.
Cảm cái ơn nên người Nam Bộ xưa mỗi bữa cơm phải nâng đũa chắp tay van vái. Đó là văn hóa truyền thống nông nghiệp.
Lại bắt nhớ về một không gian văn hóa đồng bằng mình đã biệt hình biệt dạng từ lâu, với những chiếc xuồng con trôi giữa đám ruộng mùa nước nổi, lá lúa cọ vào be xuồng xào xạc, có mấy thằng nhỏ chăm chăm mắt tìm bắt từng con nhền nhện đem về làm mồi câu cá chơi…
Mà cũng chẳng phải mắc công, cứ móc mồi thả câu ngay trên ruộng lúa. Cá mắm ăn ngả nào cho hết. Nên phải có kinh nghiệm câu mồi gì, câu kiểu nào để mà… lựa bắt loại cá nào ăn cho ngon. Cái kiểu bắt cá thú vui chớ không phải là chuyện mưu sinh nhọc nhằn gì đối với tụi nhỏ ngày xưa.
Sau mùa nước đỏ trên sông, khi đã đổ vào ruộng đồng nước được… lóng phèn nên cả đồng nước, cả dòng sông trở nên trong leo lẻo, trong đến nỗi đếm từng con cá, từng bầy cá khoe mình nhởn nhơ với bao nhiêu là sắc màu quyến rũ.
Giờ thì còn lại bao nhiêu, những bầy cá lòng tong đá, lòng tong bay, lòng tong mương, cá chài, cá éc, mè dãnh, mè dinh, cá ngựa,… có mà đỏ mắt đi tìm ở các chợ quê, hay chúng đã rủ rê nhau lội về miền “tuyệt chủng”?
Đỉnh cao văn minh
Chuyện cá mắm nói nhiều quá rồi, nói chuyện cọng bàng nghe chơi, coi ông bà mình hồi xưa sống có phải là đỉnh cao của văn hóa, văn minh hay chưa!
Cái chuyện nỗi khổ của thời đại ô nhiễm rác thải nhựa đó hả, dễ ụi hà, tất cả mọi chuyện xưa cây bàng, cây lác giải quyết hết.
Ngẫm nghĩ, biết đâu sau này trong cái “phong trào” du lịch nông nghiệp, cọng bàng sẽ trở lại chễm chệ trong các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Rồi sẽ được xuất ngoại như món hàng mỹ nghệ có hàm lượng văn hóa cao của miền Tây Nam Bộ.
Đất đai mênh mông, có những vùng nê địa, đất hoang không khai phá nổi thì cỏ cây mọc đầy. Chuyện cọng lác dệt chiếu rồi giao thời chuyển qua chiếu ny lông “đẹp lộng lẫy” được nhiều người ưa chuộng lại dễ làm, phần nhà có đông con nít đái dầm, thôi thì chiếu ny lông cho nó sướng.
Thành phần rác nhựa đã bắt đầu “chen lấn” vào văn hóa “chiếu lác”, từ đó mà… góp phần ô nhiễm môi trường rồi.
Cái thứ rác này nó nhanh chóng xâm lấn vào đời sống nông thôn, cho đến từng cái giỏ, cái túi xách, dần đẩy lùi vai trò của cọng lác, cọng bàng một cách nhanh chóng.
Phần do sự lựa chọn tiêu dùng hướng đến sự tân tiến, phần tiện lợi; nhưng quan trọng chính là cách làm ruộng đổi thay nên cọng bàng cũng ngày càng vắng bóng.
Những vòng gặt lúa mùa của 
đồng bào Khmer Nam Bộ.
Nên nhớ, ông bà mình hồi xưa trữ lúa bằng bồ nan cật tre, còn đựng lúa bằng bao cọng bàng, mới thấy nó hay làm sao.
Hồi đó, đựng lúa bằng cái cà ròn theo tiếng Khmer, chính là bao dệt bằng cọng cỏ bàng. Một loại cỏ hoang giống cỏ lác, nhưng cọng tròn mọc từng đám ở vùng lung sâu, phèn nặng.
Ở vùng Tứ giác Long Xuyên hồi đó nhiều lắm, ông bà mình nhổ về phơi héo rồi dùng chày giã cho giập mới đan thành bao cà ròn. Mỗi bao đựng chừng 1,5 giạ lúa (30kg).
Cỏ bàng còn được đan thành những tấm đệm phơi lúa, những tấm nhỏ hơn khâu lại thành những chiếc nóp mang theo bên mình ngủ đồng, ngủ ruộng tránh muỗi mòng.
Những chiếc nóp đó mùa thu nào cũng đã theo chân ông cha mình mà làm nên mùa thu “Nam Bộ kháng chiến”.
Cọng bàng còn dệt nên những chiếc tụng đệm, túi xách, nón rộng vành vừa dân dã mà cũng có khi thời thượng, sang trọng biết bao.
Mãi sau này, thời Pháp thuộc gia tăng sức ép năng suất để phục vụ chính sách cai trị của Pháp và năng lực kinh doanh tăng của các chành lúa gạo của người Hoa, nên xuất hiện thêm bao bố đựng lúa rồi sau này mới tới bao ny lông.
Khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, bao bố và bao ny lông “hợp lực” nhau, đẩy bao cà ròn vào miền quên lãng. Đây cũng là thời kỳ lúa mùa đã bắt đầu câu chuyện buồn của mình và như đến ngày nay mọi người đều biết đó.
Cái chuyện làm ruộng của ông bà mình, không chỉ là việc mưu sinh mà nó là cả một lịch sử văn hóa đời sống vật chất, tinh thần của vùng đất.
Chỉ mong những câu chuyện nhớ đâu nhắc đó mà góp nhặt buồn vui, mà hoài vọng và kỳ vọng về một cuộc hồi sinh bằng cách thức nào đó trong tương lai.
15/9/2019 
NGỌC TRẢNG
Theo http://www.baovinhlong.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...