Tiếng thơ Trần Đăng Khoa
Có thể nói rằng, xưa nay Trần Đăng Khoa là một trong số ít
nhà thơ Việt Nam đại chúng nhất. “Đại chúng” ở đây không có nghĩa là thấp hơn
“tinh hoa”. Thơ Trần Đăng Khoa in đi in lại liên tục. Và không phải chỉ dành
cho trẻ em. Văn xuôi của ông cũng rất có tiếng vang, với tập truyện - ký Đảo
chìm và các tập phê bình chân dung, phê bình đàm thoại Chân dung và đối
thoại, Hầu chuyện thượng đế… Mấy chục năm qua, ông được nhiều người Việt
Nam trong và ngoài nước coi như bạn bè, người thân, người thầy hoặc cố vấn… để
thường xuyên giao lưu, hỏi han, trao đổi, về thơ ông, về văn chương, về đủ chuyện
trên trời dưới biển. Ông cũng được nhiều báo và tạp chí mời giữ những chuyên mục
kiểu cầu nối với bạn đọc, chuyên mục thường được công chúng háo hức đón đợi.
Ông còn là khách mời đặc biệt của truyền thông…
Đời Trần Đăng Khoa không hiếm chuyện được kể như… cổ tích. Chẳng
hạn như chuyện liên quan đến một sơn nữ Bắc Kạn. Cách đây chừng bốn mươi năm,
Trần Đăng Khoa cùng nhóm công tác do xe hỏng nên ghé vào một quán nhỏ ven đường,
ăn chút cơm lam, rồi khen đãi bôi, khi chủ quán là một nữ sinh cuối cấp xuất hiện.
Cô gái hỏi tên và địa chỉ Trần Đăng Khoa, ông đáp chiếu lệ. Không ngờ sau đó cô
gửi cơm lam cho ông, với dòng chữ “Gửi anh chút hương vị núi. Em gái miền sơn
cước”. Không tên, không địa chỉ, ông đành chịu, không sao cảm ơn được, cũng như
xin lỗi, bởi hôm ấy ông có phần thái quá khi đùa cợt... Hay như chuyện bác Mạnh
Sinh, thợ cắt tóc ở thị xã Lạng Sơn, thích làm thơ và rất thích thơ Trần Đăng
Khoa. Bác đạp xe từ trên ấy về tận thôn Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách,
tỉnh Hải Dương để thăm nhà thơ tí hon cho bằng được. Năm 1972, bác nghe đồn Trần
Đăng Khoa qua đời vì bệnh thiên đầu thống. Bác gửi cho bố mẹ nhà thơ câu đối viếng,
cùng năm bài thơ khóc và mười đồng - thu nhập cắt tóc dạo của bác cả tháng trời.
Mãi năm 1996 mới có dịp lên thị xã Lạng Sơn, Trần Đăng Khoa cố tìm gặp bác
nhưng không được. Sau đó, trong buổi giao lưu với học sinh một trường, ông được
biết con dâu bác, rồi tới thăm gia đình bác, ra viếng mộ bác… Hay như chuyện
liên quan đến bác sĩ Phạm Văn Đoàn mà gần ba mươi năm sau, Trần Đăng Khoa mới
biết tỏ tường câu chuyện. Mùa giáp hạt năm 1974, Trần Đăng Khoa có bài
thơ Bài hát gọi cây lúa đăng trang nhất báo Nhân dân. Thế thì
Khoa kiêu là phải rồi! Nghe tin Khoa quá “hợm hĩnh”, bác sĩ Đoàn ghé qua nhà
Khoa. Và ngay tức khắc bác vỡ lẽ ra là thói đời thêu dệt. Bác sĩ ân cần trò
chuyện với bố mẹ Khoa, hiểu gia cảnh luôn trong nghèo túng. Mấy hôm sau, mẹ nhà
thơ được tỉnh cứu trợ mười ba cân gạo (do bác sĩ Đoàn là bạn thân của Chủ tịch
tỉnh Hải Hưng hồi ấy)…
Cảm động hơn cả là câu chuyện về tấm lòng của bác Hồ Thiện Ngôn, nhà thơ, cán bộ làm việc ở Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Bác về ở nhà Trần Đăng Khoa mấy tháng, một phần để xem tài thơ cậu bé thực hư thế nào. Bằng chiếc xe đạp cà khổ, bác đèo Khoa tới thăm mộ nữ anh hùng kháng chiến chống Pháp Mạc Thị Bưởi, để Khoa viết được bài Em dâng cô một vòng hoa, 1968. Bác còn đưa thi sĩ nhí tới thăm gia đình cô Bưởi, thăm bà mẹ của nữ anh hùng đã bảy mươi lăm tuổi mà vẫn độ nhật bằng mò cua bắt tép, chăn trâu cắt cỏ. Chuyện chiến đấu của làng quê thuở trước và chuyện hi sinh anh dũng của người nữ du kích xưa đã lay động mạnh mẽ tâm hồn Trần Đăng Khoa. Nhà thơ thấy phải sáng tác một tác phẩm dài hơi xứng tầm và bỏ công tìm hiểu qua nhiều nguồn về cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi trăn trở thai nghén. Và năm 1974, Trần Đăng Khoa hoàn thành trường ca Khúc hát người anh hùng khiến độc giả “khâm phục hơn và kinh ngạc nữa, vì khi đó, anh mới mười sáu tuổi mà đã viết khủng khiếp như vậy”. Đây là một trong những tác phẩm của bản thân mà nhà thơ ưng ý hơn cả, với những câu thơ như: Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan; Người ta đến lúc hiểm nghèo/ Hoặc vằng vặc sáng. Hoặc heo hút tàn…
Cảm động hơn cả là câu chuyện về tấm lòng của bác Hồ Thiện Ngôn, nhà thơ, cán bộ làm việc ở Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Bác về ở nhà Trần Đăng Khoa mấy tháng, một phần để xem tài thơ cậu bé thực hư thế nào. Bằng chiếc xe đạp cà khổ, bác đèo Khoa tới thăm mộ nữ anh hùng kháng chiến chống Pháp Mạc Thị Bưởi, để Khoa viết được bài Em dâng cô một vòng hoa, 1968. Bác còn đưa thi sĩ nhí tới thăm gia đình cô Bưởi, thăm bà mẹ của nữ anh hùng đã bảy mươi lăm tuổi mà vẫn độ nhật bằng mò cua bắt tép, chăn trâu cắt cỏ. Chuyện chiến đấu của làng quê thuở trước và chuyện hi sinh anh dũng của người nữ du kích xưa đã lay động mạnh mẽ tâm hồn Trần Đăng Khoa. Nhà thơ thấy phải sáng tác một tác phẩm dài hơi xứng tầm và bỏ công tìm hiểu qua nhiều nguồn về cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi trăn trở thai nghén. Và năm 1974, Trần Đăng Khoa hoàn thành trường ca Khúc hát người anh hùng khiến độc giả “khâm phục hơn và kinh ngạc nữa, vì khi đó, anh mới mười sáu tuổi mà đã viết khủng khiếp như vậy”. Đây là một trong những tác phẩm của bản thân mà nhà thơ ưng ý hơn cả, với những câu thơ như: Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan; Người ta đến lúc hiểm nghèo/ Hoặc vằng vặc sáng. Hoặc heo hút tàn…
Vâng, Trần Đăng Khoa gần gũi với tất cả, vì có vẻ như vô
tình, ông phát ngôn chí lí cho nhiều người về những gì cao quý nhất của tâm hồn
họ. Ấy là hồn quê, bao giờ cũng tiềm ẩn trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, dù
người ấy đang ở nông thôn hay rời xa nông thôn đã lâu ngày, thậm chí lâu đời,
dù người ấy đang sống ở Tổ quốc hay ở chân trời nào đó. Tọa lạc trong ý thức
hay ẩn mình trong vô thức, hồn quê mãi mãi là cái nôi của yêu thương, của khát
vọng, khoan dung và nhân bản, là trường học của bản lĩnh cùng nghị lực học tập,
làm việc và sống chí nghĩa chí tình, là đền miếu của sám hối, an ủi, dâng công
và mãn nguyện… Trong văn chương Việt Nam, chưa bao giờ làng quê, nhất là ở miền
Bắc, được miêu tả đầy đủ, kĩ lưỡng, đa chiều và có hồn đến thế. Mọi thứ xung
quanh từ gần đến xa đều lần lượt hiện ra trong thơ của cậu bé tám tuổi. Con vật,
đồ vật, thiên nhiên không còn là đối tượng vô tri vô giác hoặc chỉ được nhìn ngắm,
miêu tả như trong thơ xưa, trong Thơ mới, mà đến thơ Trần Đăng Khoa, chúng hòa
vào thế giới con người, tạo thành những bộ phận hữu cơ và bình đẳng với thế giới
ấy, trong vũ trụ sinh tồn chung, chỉ có yêu thương và trân trọng. Cọc rêu đáy
ao, con giun, con dế, con chó, con trâu, hương bưởi, hương nhãn, rặng duối, làn
khói, tiếng máy cày, tiếng gà gáy, con bướm vàng, ngõ nhỏ, sông quê, chú bù
nhìn rơm, mặt trời, trăng, sao… tất thảy là bè bạn, là ruột thịt, quây quần,
vui buồn, lo lắng, ưu tư, hi vọng… với con người. Hầu hết xuất hiện không chỉ một
lần, và mỗi lần lại hiện lên với dáng vẻ hoặc tâm tư khác trước và khác biệt.
Dưới “con mắt thơ” (chữ của Đỗ Lai Thúy) của cậu bé tám, chín
tuổi Trần Đăng Khoa ngày ấy, sự hòa đồng và tương tác giữa vạn vật và con người
là nguồn lực, chất kết dính và sức mạnh tồn tại cũng như phát triển của vũ trụ.
Bài thơ Hoa dại hay Cây bàng mùa đông cho thấy thiên nhiên
yêu thương và tận tình với con người biết chừng nào. Ngược lại, qua Cây
bàng và Mùa đông và cây sầu đông, con người phải cậy nhờ thiên nhiên
để yêu thương và bộc lộ những nỗi niềm khó tỏ. Con người vừa bình đẳng với mọi
sinh thể trong vũ trụ, vừa là trung tâm của vũ trụ - chủ đề cốt lõi này được Trần
Đăng Khoa thể hiện qua nhiều tác phẩm, như Hoa duối, đặc biệt là Cây đa với
những câu thơ vào loại đẹp nhất của thi sĩ họ Trần như Đủng đỉnh đàn bò về/
Lông hồng như đốm lửa, và Mưa với hình ảnh kết không thể điển hình
hơn được nữa: Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa… Vậy
đó, sống nghĩa là làm chủ đời mình, chống chọi và hóa giải mọi gian nan ngáng
trở, để bảo toàn là Con Người.
Những áng thơ đích thực bao giờ cũng là những chiêm nghiệm đọng
lại rất lâu trong người đọc. Công chúng hẳn đã ngỡ ngàng thú vị trước những
“đúc kết” xuyên thời gian, không gian của Trần Đăng Khoa. Chẳng hạn như: Mái
gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương (Khúc hát người
anh hùng); Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy/ Trước những mưu mô,
toan tính của con người (Matxcơva, mùa đông năm 1990); Cậu biết
không, tớ chỉ sợ người thôi/ Nhất là khi người biến thành cá mập (Ghi ở đảo
Chìm); Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên (Thơ tình người lính
biển)… Phù hợp với luật tiến hóa, thơ Trần Đăng Khoa đi từ trực quan sinh động
tới tư duy trừu tượng. Bài Gửi bác Trần Nhuận Minh như một đúc kết
nhiều chiêm nghiệm của Trần Đăng Khoa, về cõi đời và văn chương nghệ thuật. Văn
chương chỉ là phương tiện. Văn chương cần đa dạng, phong phú. Văn chương cốt
thiết thực, giúp cho mọi chốn được bình yên chan chứa nghĩa tình… Chốt lại: Đất
trời thì chật hẹp/ Làng quê thì mênh mông. Rất nhiều lần, thơ Trần Đăng Khoa
thành công khi chạm tới nghịch lý này. Chẳng hạn ở bài Thư viết trên cửa sổ
máy bay. Vũ trụ chỉ có một thiên đường. Đó là làng quê, nơi mẹ là bà tiên, nơi
tình người thống trị…
Tiếng thơ Trần Đăng Khoa cất lên đúng lúc, đúng quy luật, để
ghi lại dấu ấn của thời đại phi thường trong lịch sử nước nhà. Cái chín chắn ấy
là chín chắn bao đời của cả dân tộc. Nó kết đọng lại nơi Trần Đăng Khoa, chủ yếu
qua đường truyền là thân mẫu. Năm nay đã trên một trăm tuổi, cụ Nguyễn Thị Sen
không biết chữ, nhưng thuộc lòng Truyện Kiều và rành rẽ những điều
thiết cốt ở đời. Cụ nhắc nhở con cháu không được bẻ ngọn cây non, bắn chim đang
bay, đập gãy chân gà chó. Làm thế sau dễ ác với đồng loại. Ngày tết, cụ bảo con
cháu quét vôi các gốc cây, coi như sắm áo mới cho chúng. Gia súc gia cầm, theo
chỉ dạy của cụ, cũng được con cháu cho ăn đầy đủ các món của cỗ tân niên. Ngày
bà ngoại Trần Đăng Khoa qua đời, cụ bảo nhà thơ mang hàng chục mảnh vải trắng
nhỏ, đeo cho tất cả cây cối trong vườn ngoài ngõ. Thế là chúng cũng được để
tang bà đấy… Lẽ đời chí cốt ở người mẹ, cùng với việc say mê đọc tủ sách vàng
thời thơ nhỏ, là nguồn lực vô tận để Trần Đăng Khoa thẩm thấu cuộc sống và nghệ
thuật. Nhờ vậy, thế giới thơ ca của Trần Đăng Khoa có thể coi là bách khoa thư
về đồng quê Bắc Bộ Việt Nam, là một đặc sản của văn hóa, văn chương và tâm hồn
dân tộc.
17/11/2019
TRẦN ĐỒNG QUÊ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét