Điều ít biết về tranh
Nhiều người có tinh thần quốc gia rất mạnh, ngày Tết chỉ chơi
tranh Việt Nam với những bức vẽ về lịch sử hoặc về các sự tích trong các truyện
của Việt Nam.
Trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa, người Việt chơi
tranh Tết khá đa dạng và tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người, hoặc theo phong
tục, tập quán của mỗi vùng miền. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là mọi gia đình người
Việt dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn vẫn thường có những bộ tranh dân gian đầy
sắc màu trong nhà để đón năm mới. Tuy nhiên, thú tao nhã này ngày nay đã thưa vắng
và ở nhiều nơi không còn nữa. Vì thế tìm hiểu kiến thức để khơi dậy nét đẹp
truyền thống này trong đời sống hiện đại là điều rất cần thiết.
Trong cuốn Nếp cũ làng xóm Việt Nam, tác giả, nhà nghiên
cứu Toan Ánh đã không chỉ cung cấp các kiến thức nhằm giúp người đọc có một ý
niệm về tranh ngày Tết, mà còn cung cấp nhiều thông tin về các loại tranh Tết của
người lớn và trẻ em đồng quê, tính từ năm 1944 trở về trước.
Tranh Tết của người lớn gắn với tinh thần độc lập, tinh thần
quốc gia
Tranh có nội dung nhắc lại những điển cố, điển tích trong
truyện cổ, đề cao tinh thần độc lập cũng như nền đạo đức của phương Đông sử dụng
trong trang hoàng nhà cửa.
Một nghệ nhân làm tranh xưa. Ảnh tư liệu
Nhà nghiên cứu Toan Ánh cho biết, tại những gia đình khá giả và trí thức trong
làng, những tranh treo trong ngày Tết là tranh Tàu (tranh người Tàu sản xuất tại
VN) như bức Anh hùng độc lập tượng trưng bởi một con ó đậu trên mỏm
đá cao (thường treo giữa phòng khách); Bốn bức tranh (còn gọi là tứ bình) về bốn
mùa, tượng trưng bởi bốn loại cây có hoa: mai, lan, trúc, cúc (treo
trên vách). Cũng có khi là bức tranh trúc tước vẽ con chim sẻ đậu
trên cành trúc, hoặc tranh Lã Vọng, vẽ Khương Thái Công câu cá ở Tây Kỳ…
Có nhà, thay vì tranh Tàu, treo những bức tranh cổ cùng những
đề tài trên. Những bức tranh cổ này là của gia truyền của từng gia đình, ngày
thường được gói cất đi, chỉ đem ra treo vào những dịp Tết, hoặc những dịp chủ
nhân tiếp khách lạ.
Lại có người trong giới trí thức không ưa treo tranh Tàu,
ngày Tết cũng treo tranh, nhưng đây là tranh mộc bản, sản xuất tại Việt Nam.
Cặp tranh Tiến tài, Tiến lộc
thuộc dòng tranh Đông Hồ
thuộc dòng tranh Đông Hồ
Với những gia đình bình dân, tranh Tết cũng có hai loại:
Tranh Tàu và tranh bản xứ. Tranh Tàu thì in trên giấy trắng với kỹ thuật tinh
vi hơn và chỉ vẽ những cảnh trong truyện Tàu: Tam Quốc, Chinh Đông, Chinh
Tây… Tranh bản xứ in mộc bản, nét vẽ trông thô sơ, nhưng trong loại tranh
này, lại có nhiều bộ vẽ những đoạn sử dân tộc như: Phù Đổng Thiên Vương đuổi
giặc Ân, An Dương Vương và truyện Mỵ Châu, Trọng Thủy… hoặc có khi là những
sự tích trong truyện Việt Nam: Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thạch Sanh, Nhị Độ
Mai, Quan Âm Thị Kính…
Nhiều người có tinh thần quốc gia rất mạnh, ngày Tết chỉ chơi
tranh Việt Nam với những bức vẽ về lịch sử Việt Nam, hoặc về các sự tích trong
các truyện Việt Nam.
Tranh trẻ con: Điều người Việt Nam
mong mỏi và cầu chúc cho
nhau trong năm mới
Dưới thời Pháp thuộc, loại tranh này thường dành cho trẻ em
làng quê, còn trẻ em thành thị, bị ảnh hưởng bởi sự chung đụng với ngoại quốc,
nên không không chơi tranh Tết, hoặc có chơi tranh Tết thì lại cắt hình trong
sách báo Tây phương.
Nhà nghiên cứu Toan Ánh cho biết, bước chân vào một nhà dân
quê trước hoặc sau Tết ít ngày, mới đến cổng ta sẽ thấy ngay hai bức tranh đối
nhau vẽ hai vị thần mũ áo triều phục văn quan, một vị mang biển Tiến
tài, một vị mang biển Tiến lộc. Tục cho rằng dán hai bức tranh này
ngoài cổng, tài lộc sẽ kéo vào trong nhà và hai vị thần sẽ mang sự thịnh vượng
lại.
Cũng có nhà dán ngoài cửa hai bức tranh Vũ Đinh Thiên Ái.
Đây là hai vị thần y phục võ tướng, mỗi vị vác một thanh long đao. Hai vị thần
này trừ tà ma quỷ quái. Người ta dán hai bức tranh này ngoài cửa để ma quỷ
không dám vào trong nhà quấy nhiễu.
Tranh Lý Ngư vọng nguyệt
thuộc dòng tranh Hàng Trống
Tranh đàn gà mẹ con, tượng trưng cho sự phúc đức đa đinh. Tranh cũng nói
lên cảnh sinh hoạt của dân đồng quê: Nuôi gà, đồng thời biểu tượng cho tình mẹ
thương con, gà mái ấp ủ đàn con, sẽ vì đàn con chống lại một bạo lực.
Tranh con gà sống, tượng trưng cho sự bất khuất không sợ
kẻ thù, đồng thời nó cũng biểu hiện cho một đức tính cao quý là chữ Tín: Hàng
ngày nó gáy canh không bao giờ sai.
Tranh Lý ngư vọng nguyệt, vẽ hai con cá chép đối nhau,
nhìn bóng trăng. Tranh này nhắc lại sự tích cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Đây
là một sự khuyến khích trẻ em cố gắng học hành để mai thi đỗ cũng như cá chép
vượt vũ môn vậy. Tranh này cũng nhắc nhở người ta sự cần cù kiên nhẫn và phải
biết lập chí.
Tranh đàn lợn mẹ con nhắc lại một cảnh sinh hoạt đồng
quê: Nuôi lợn. Cũng giống như bức đàn gà mẹ con, tranh nói lên con đàn cháu đống
và sự quây quần của gia đình.
Tranh Chuột đỗ Trạng nguyên vinh quy bái tổ, ngựa anh đi
trước, kiệu nàng theo sau. Và đám rước vinh quy này mang chim mang cá tới biếu
chú mèo. Trên bức tranh có đề mấy chữ: Thử bối đệ ngư: Chí, chí, chí, có
nghĩa là đàn chuột dâng cá kêu chí chí chí. Miêu nhi thủ lễ: mưu mưu mưu,
nghĩa là mèo giữ lễ: Meo, meo, meo. Lại có dòng chữ Nôm phía trên Tác lạc,
nghĩa là làm vui. Khôn khôn khôn đã có dễ. Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời. Bức
tranh này còn gọi là tranh Đám cưới chuột
Tranh Thầy đồ cóc dạy học, trên có bài cổ thi: Xuân du
phương thảo địa, Hạ thưởng ngọc hồ trì, Thu ẩm hoàng hoa tửu, Đông ngâm bạch
tuyết thi.
Tranh Đám cưới chuột dòng tranh Đông Hồ
Tranh Trường sinh, vẽ một cụ già, râu dài, cởi trần hở rốn,
trên vai gánh một cành cây có treo lủng lẳng hai bên hai quả đào. Trường sinh
nghĩa là sống lâu. Trên tranh cũng có một bài thơ Nôm nói về sự sống lâu này.
Tranh Bình An, cũng vẽ một cụ già, tay cầm quạt lông,
cũng râu dài, cởi trần, hở rốn và cũng gánh một cành cây mang hai quả đào viết
chữ Bình An. Bức tranh cũng có một bài thơ Nôm về sự Bình An…
Ngoài ra còn các tranh đánh ghen, hứng dừa, đánh đu, nông phu
ngồi gốc cây với chiếc cày, tờ tiền, song hỷ, Phúc Lộc Thọ… Bên cạnh những
tranh kể trên trẻ em thường mua các tranh lịch sử và cổ tích để dán trong dịp Tết
như:
Tranh Vua Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu cầm cờ lau, nhắc
lại lúc vua còn nhỏ, cùng lũ mục đồng cờ lau tập trận. Tranh vẽ vua mặc áo giáp
cầm cờ lau thì nhắc đến hình ảnh vua dẹp 12 sứ quân. Tranh vua cởi trần, cầm cờ
lau, chống kiếm đứng trên lưng rồng. Nhắc lại tích vua đi chăn trâu của chú, đã
giết trâu để khao lũ mục đồng, bị ông chú đuổi chém chạy đến bờ sông, gặp lúc
đường cùng, nhảy xuống sông thì có con rồng vàng đưa lưng lên đón đỡ…
Tranh bà Trưng Trắc cưỡi ngựa cầm gươm, mình mặc áo
giáp trụ, sau lưng có 4 lá cờ. Tranh Thạch Sanh bắn chim đại bàng cứu
công chúa dưới hang, hay tranh Thạch Sanh giết Mãng Xà Vương.
10/1/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét