Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Cuốn "Nhật ký bên dòng Mê Kông"

Cuốn "Nhật ký bên dòng Mê Kông"
Mỗi dòng nhật ký của những người lính từng tham gia chiến tranh đều mang đến cho người đọc hơi thở nóng bỏng của một hiện thực thời đại mà dân tộc ta đã đi qua. Bởi ở đó, người lính không chỉ có tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, mà còn có những giây phút lắng lòng với bao kỷ niệm vui buồn và hoài bão tương lai. Bản thân tôi là một người lính nên không ít bùi ngùi xúc động và ngưỡng mộ khi đọc nhật ký của Hoàng Thượng Lân, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Vũ Xuân... Và hôm nay, khi đọc Nhật ký bên dòng Mê Kông (Nxb Văn hóa - văn nghệ, 2018) của liệt sĩ Lê Quốc Văn thì cảm giác đó bỗng trỗi dậy, dù đây là lần đầu tiên tôi đọc những trang viết “bên ngoài Tổ quốc”!
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đã xây dựng hơn hai mươi năm, ông Lê An Ninh vẫn minh mẫn ở cái tuổi tám mươi hai, tuy đi đứng có phần chậm chạp. Ông mở đầu câu chuyện không phải bằng quyển nhật ký mà là tuổi thơ của con trai ông. Lê Quốc Văn sinh năm 1965 tại thôn Bộ La, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thuở nhỏ, anh là đứa trẻ hiếu động và tinh nghịch. Mặc dù cuộc sống gia đình lúc bấy giờ ở quê rất khó khăn nhưng ít khi Văn buồn vì thiếu thốn. Ngoài giờ đi học, anh còn phụ mẹ việc nhà, việc đồng ruộng, chăm sóc em để bố an tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu nông nghiệp. Càng lớn anh càng bộc lộ năng khiếu hội hoạ, lại còn thích làm thơ, đàn hát. Đầu năm 1983, ông Ninh chuyển về Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (nay là Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) công tác. Lúc đó, anh Văn đã tốt nghiệp trung học phổ thông (hệ 10/10) nên được ông đưa vào làm ở Viện lúa. Được một thời gian, ông đưa vợ Văn cùng một chị gái, một em gái và một em trai của Văn vào Cần Thơ lập nghiệp, xem đây là quê hương thứ hai.
Cả cuộc đời ông Ninh miệt mài cống hiến cho lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp và vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ. Chính vì vậy mà ông đặt nhiều kì vọng vào một trong bốn người con sẽ theo con đường mà ông đã dành hết tâm huyết, đó là anh Văn. Tuy nhiên, công tác ở Viện lúa chưa đầy một năm thì anh tình nguyện nhập ngũ. Từ ngày nhận giấy báo trúng tuyển anh luôn dặn mẹ đừng ngăn cản, vì đó là ước mơ, nguyện vọng của anh đã ấp ủ từ lâu. Ngày xưa, bao nhiêu thế hệ đã xếp bút nghiên lên đường ra trận, nhiều người vĩnh viễn nằm lại, trong đó có hai người chú của anh hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nay nước nhà thống nhất thì hà cớ gì cứ bám víu gia đình, không chịu rời “tổ” cho thỏa chí trai. Ngày lên đường, tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Ô Môn, anh cười nói như chú chim chuẩn bị sổ lồng tung cánh. Anh hẹn bốn năm sau sẽ gặp lại, sẽ cùng gia đình ăn bữa cơm sum họp, sẽ hân hoan bước vào giảng đường đại học khi đã làm tròn trách nhiệm của người thanh niên đối với Tổ quốc!

Mãn khóa huấn luyện ở Sóc Trăng, anh Văn cùng đồng đội được điều sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế trong vai trò là chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn Tây Đô đóng quân tại Kôngpông Chnăng. Những ngày tháng trên đất bạn Campuchia, niềm đam mê văn thơ cùng tâm hồn nhạy cảm của người lính trong Lê Quốc Văn đã khơi dòng và gửi gắm vào cuốn Sổ tay người lính trẻ. Song, ở nhiều trang viết, anh cẩn thận ghi “Bên dòng Mê Kông” làm tiêu đề cho những dòng suy tưởng. Từ đó, trong từng trang nhật kí, Lê Quốc Văn ghi lại chi tiết, chân thật bằng giọng điệu giàu xúc cảm. Từ nỗi nhớ gia đình, bạn bè và người con gái cho anh những rung động đầu tiên, đến những bữa ăn tươi được cải thiện. Từ cảnh thiếu nước sinh hoạt, băng rừng vượt suối vất vả đến dịch bệnh sốt rét ác tính nghiệt ngã, sự hi sinh của đồng đội và mối căm thù chất ngất. Những chặng đường hành quân, trinh sát trên đất bạn giữa vùng rừng núi Ural cao vời vợi, muôn vàn hiểm trở, khắc nghiệt. Song, vượt lên tất cả là tinh thần lạc quan, đầy trách nhiệm của người lính, là nhiệt huyết dấn thân cống hiến của tuổi trẻ, là tâm trạng phấn chấn, mơ mộng với bao hoài bão, khát khao...
“Thứ ba, ngày 18 tháng 9 - Ngày đau thương!
Đêm nay sao trong lòng luôn luôn cảm thấy như có chuyện gì không hay đã xảy ra. Nóng ruột quá chừng mà ngoài kia tiếng chó tru lên những hồi dài, nghe thảm thương quá!
Mười giờ đêm nhận được tin thằng Huấn - người bạn thân nhất hồi còn ở Tây Đô của mình đã hy sinh trong một trận đánh trả địch tập kích. Một cái tin vô cùng đau đớn và đột ngột. Huấn ơi! Tao sẽ không sao quên được hình ảnh thằng bạn đã cùng tao bao đêm trò chuyện, đã cùng tao mỗi buổi đi rừng kiếm măng hay đi săn thú hoặc mỗi lúc dọc đường hành quân công tác. Mày chết đi đã cướp của tao một nửa tâm trí, nhưng tao chẳng biết làm gì cả khi mỗi chúng ta đã chấp nhận chiến tranh. Chiến tranh đã cướp đi một người bạn, một người đồng chí. Tao nguyện sẽ trả thù cho mày Huấn ạ!
Thôi đành vậy chúc mày thanh thản. Còn tao sẽ tiếp tục đoạn đường mày đi còn dang dở...”.
“Ngày 21-22 tháng 9 - Những ngày ở đài quan sát.
Ngồi trên đài quan sát, đưa ống nhòm nhìn vào những dãy núi cao ngất bên cạnh hay vào những tầng mây trắng xóa mang bao hơi nước dưới màn trời xanh ngắt mình thấy thơ mộng quá chừng. Núi rừng hiện ra trước mắt với bao nhiêu màu sắc, bao nhiêu bí ẩn của nó như những bức tranh họa đồ, hay của As-sư-skin. Ở đâu đó có con thác lớn nước chảy ầm ầm suốt ngày đêm. Hai ngày nay vẫn chưa thấy hoạt động gì của địch. Đêm qua chúng phá đường xe lửa đi Pusát ở gần Kdol bằng mìn.
Mấy ngày nay ăn cơm chẳng có gì, chỉ có muối tiêu là muôn thuở. Nước uống đi múc quá xa nên cũng đôi lúc bị thiếu. Ban đêm mưa dữ dội chẳng có nilông để ngủ, đành ngồi trong lều của bạn mà suy nghĩ miên man cho tới sáng”.
“Ngày 29 tháng 10

Bốn ngày liền sống với thung lũng Lá Dâu. Sống bằng nước suối và măng rừng. Đi qua nhiều bản làng cũ đã bỏ hoang, qua nhiều suối lớn. Cuối cùng cũng từ giã thung lũng Lá Dâu để ra ga Pù Nót trở về nhận nhiệm vụ mới. Dọc đường qua nhiều khu rừng thưa đẹp tuyệt trần và vô cùng thơ mộng, gặp mấy chiếc xe cũ, gặp một ngôi chùa bỏ hoang, tất cả triển khai chiến đấu. Ôi biết bao khu rừng mình đã qua, bao nhiêu đồi núi mình đã được đặt chân đến, ước gì bây giờ có em đi bên cạnh. Mình chắc là quá mơ mộng. Mình đi như vậy ôi sao giống những nhà địa chất quá, chỉ khác trong tay mình là cây súng chứ không phải là cây búa và cây bút. Kẻ thù chắc rình rập quanh ta nhưng chúng không dám ra mặt, vì lúc về có nghe bắn mấy phát súng ở kế bên mà chẳng sao phát hiện thấy chúng. Tức dễ sợ mà chẳng sao được!”...
Lời hẹn sẽ gặp lại gia đình và bước vào giảng đường đại học sau bốn năm quân ngũ của Lê Quốc Văn đã không thể, mãi mãi không thể thực hiện được. Ngày 8 tháng 12 năm 1984, anh viết: “Hôm nay được lệnh quay trở về thung lũng Lá Dâu, lần theo dấu của con đường cũ. Đến một giờ dừng tại chân núi mà hôm 5-12, tất cả đổ xô đi kiếm quế rừng. Bốn giờ mới tới đỉnh 800 mét, quay trở lại lấy nước vì quanh đây không có suối. Ăn cơm xong trời vừa tối”. Ngày 9 tháng 12, trên đường truy quét trở về, tổ trinh sát bị vướng mìn làm một chiến sĩ hi sinh tại chỗ, còn anh Văn bị thương được chuyển về cứ. Đến ba giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 1984, Lê Quốc Văn vĩnh viễn ra đi, bỏ lại ước mơ được đón nhận tuổi mười chín yêu thương của đời mình. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là quyển Nhật ký bên dòng Mê Kông được anh khởi viết vào thứ bảy, ngày 8 tháng 9 và khép lại cũng thứ bảy, ngày 8 tháng 12, nghĩa là vừa tròn ba tháng ngắn ngủi.
Ông Lê An Ninh bùi ngùi kể: “Sau ngày Văn hi sinh trên chiến trường Campuchia, cả Viện lúa bán tín bán nghi nhưng gia đình không tin. Còn tôi nhận được tin Văn hi sinh do một người đồng đội của Văn gửi thư cho hay. Đau xót lắm nhưng tôi nghĩ khoan hãy báo cho mẹ tôi biết vì bà lớn tuổi, với lại bà có hai người con hy sinh rồi, giờ đến thằng cháu này nữa. Ngay cả vợ con tôi cũng giấu”. Nhưng sự thật không thể giấu mãi được. Đến một ngày, tin con trai hi sinh đến với người mẹ Trần Thị Kim Loan lúc bà đang cấy lúa trên cánh đồng thử nghiệm. Bà chạy về nhà rồi lao vào giường nằm khóc. Vừa tiếc lại vừa ân hận vì chưa cho con được cái gì. Ngay cả ước mơ của Văn có cây đàn guitar, bà cũng chưa thể gửi cho con. Thế rồi từ đó, đêm nào người mẹ cũng ngắm hình con trai rồi khóc.
Hơn ba mươi năm trôi qua, chị gái và hai người em của liệt sĩ Lê Quốc Văn đã lập gia đình riêng, thỉnh thoảng cùng những người đồng đội, bạn bè về thăm ông bà.
Những anh chị làm chung Viện lúa năm nào vẫn nhớ mãi hình ảnh một người con trai mới lớn đẹp và hiền, vui tính, thích thơ nhạc, chưa một lần được yêu, cũng chưa nắm tay con gái. Như cảm xúc chia sẻ của anh Dương Ngọc Sáng, cán bộ Viện lúa: “Tuy sống với Văn khoảng tám tháng nhưng tôi rất quý em. Đó là một đứa tài hoa, đẹp cả vóc dáng lẫn tâm hồn. Tuy cuộc sống thiếu thốn nhưng em vẫn lạc quan, đặc biệt là biết quan tâm, chăm lo cho gia đình và những người xung quanh. Và tất nhiên, một người khi có trái tim thương yêu gia đình thì mới thương yêu hàng xóm, yêu quê hương đất nước. Văn mất tôi vừa tiếc vừa thương, cũng có niềm tự hào vì em đã sống xứng đáng với gia đình và Tổ quốc này”.
Sau ngày Lê Quốc Văn hi sinh, những kỷ vật của anh được bàn giao cho gia đình. Ngoài quyển nhật ký, một tập ảnh, một chiếc gương nhỏ, một xấp thư cùng hai bộ quần áo mỏng còn có một tập thơ. Thơ của Lê Quốc Văn chất chứa nỗi niềm của người lính làm nghĩa vụ quốc tế cao cả: Người lính gác xoa tay giết muỗi/ Mắt trừng muốn xé màn đêm/ Ánh trăng hắt xanh màu súng thép/ Đêm về khuya tiếng hạc ngang trời (Tâm sự người lính gác); Yêu người như thể yêu mây gió/ Tháng sáu trời mưa trên phố buồn/ Không dưng mắt bỗng làm mưa nhỏ/ Mưa ngỡ lòng mình bao nhớ nhung (Xa quê)... Bài thơ Nói với bộ xương là ám ảnh nhất bởi sự chân thật xót xa và suy nghĩ rất nhân văn của anh - người lính cách mạng - khi tình cờ bắt gặp một bộ hài cốt trong rừng, không biết của người lính ở bên này hay bên kia chiến tuyến:
Gặp nhau ở trong rừng
Bộ xương người đã chết
Bên thân một cây gỗ mục
Khẩu AK gỉ nát bên sườn
Ôi còn gì đâu, còn gì đâu
Da thịt đã trở về cát bụi
Chỉ còn lại đây bộ xương nham nhở
Với hình hài không đủ cho hay
Anh là ai, người từ đâu ngã xuống! (...)
Nếu là đồng đội tôi
Xin nén nhang thắp đỏ
Để tỏ lòng bên nhau
Còn nếu là địch thù
Cũng xin giấc ngàn năm
Của một người đã chết
Trong một chiều cuối thu
Chiến tranh là nước mắt
Con người là chiếc khăn
Khăn ta đà thấm ướt
Nước mắt nhiều xót xa!

Thời gian đã làm lành nhiều vết thương, nhưng nỗi đau của ông Ninh bà Loan khó nguôi ngoai. Mỗi bữa cơm hàng ngày, ông bà vẫn để chỗ cho Văn, kêu Văn ăn cơm như thể anh đang quanh quẩn đâu đó trong ngôi nhà này. Hình ảnh ấy làm tôi chợt nhớ đến câu thơ nhói lòng của Thu Bồn: Bữa ăn sum vầy bên bếp lửa/ Mẹ so đũa thừa lại nhớ đến ta!
Nỗi đau “lá vàng khóc lá xanh” cứ dồn ứ, nén lại trong lòng ông Ninh, để rồi bật lên thành những lời da diết sau mười chín năm ngày anh Văn hi sinh: Mây đã tan còn mong chi mây tụ/ Hoa đã tàn đâu nở lại trần gian/ Nhưng vết thương lòng đâu dễ đa đoan/ Người trong cuộc khóc người trong cuộc/ Thương thân mình thương cả nhân sinh/ Vòng cát bụi lại trở về cát bụi/ Mười chín năm đầu nuôi con khôn lớn/ Mười chín năm sau đau khổ từng giờ/ Thôi tỉnh lại tử sinh - sinh tử/ Sống trên đời như hai chữ phù vân/ Chết như con cũng là đẹp muôn phần. Ông Ninh giải thích: “Tại sao tôi nói đẹp muôn phần? Đẹp thứ nhất là nó cầm súng chiến đấu cho Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc từ xa. Đẹp thứ hai là lúc nó chết vẫn cầm súng, vẫn trong tư thế của người lính. Gia đình chúng tôi biến nỗi đau thương mất Văn thành niềm tự hào vì mình có một đứa con như vậy. Với gia đình tôi, Văn vẫn còn, như câu thơ của Nguyễn Du: Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
Đã hơn ba mươi năm qua đi nhưng mỗi câu chữ trong cuốn Nhật ký bên dòng Mê Kông của liệt sĩ Lê Quốc Văn như có lửa, như hiển hiện hình ảnh một thế hệ lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả với bầu nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ. Hơn thế nữa, càng tự hào với một chân lý bất biến mà nhà thơ Đoàn Tuấn đã thốt lên: Máu chúng con đổ bên ngoài Tổ quốc/ Cho mai sau sông núi thở dịu dàng.
15/8/2019
HỒ KIÊN GIANG
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...