Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

Vết lăn trầm

Ba ơi! Vậy là con đã được về với quê mình rồi!
Tôi đã chực reo lên như thế khi nhìn thấy chú Hán đứng ngay đầu làng nhuốm đầy bụi đỏ. Hình như ông cũng đang nóng ruột chờ tôi, bộ dạng thấp thỏm đứng lên ngồi xuống mỗi khi có chiếc xe khách nào dừng lại.
Trời bỏng giẫy không một cơn gió. Trưa oi ả quá. Chú Hán chen vào trong đám đông lố nhố, mồ hôi nhễ nhại, vừa xách túi đồ trên tay tôi vừa giục:
- Cháu đã về. Vào đây nhanh đi, vào nhanh kẻo nắng.
Tôi líu ríu theo chú vào trong cái lán tre dựng bên vệ đường. Đến bây giờ tôi mới nhìn kĩ người em của ba mà tôi vừa mới tìm thấy được. Một cảm giác rất lạ ùa về trong tôi, nửa như tò mò, nửa như mừng vui. Kể từ giây phút chú Hán cầm tay, tôi biết mình đã được thừa nhận. Không vui sao được khi suốt những năm tháng học hành chưa bao giờ tôi được viết tên ba trong bất cứ một giấy tờ nào. Tôi mang họ mẹ. Người ta đàm tiếu, mẹ chửa hoang mà sinh ra tôi. Nhưng giờ tôi biết, tôi có một người ba, có gia đình đằng nội đàng hoàng. Điều bất ngờ đó đến đúng vào dịp tôi tròn ba mươi tuổi. Bữa đó, nhà có khách. Ba Sơn đón tôi ngay ở cổng vồn vã:
“Con về muộn thế, nhà có khách”.
“Con có việc đột xuất ở cơ quan, mà ai vậy ba?”.
“Vào nhà đi đã”.
Tôi nhìn người đàn ông đang ngồi trong phòng khách. Khuôn mặt mà tôi đã nhìn thấy nhiều lần trong giấc mơ đang hiện diện làm tôi bần thần. Ba Sơn vừa rót nước, vừa nói chuyện:
“Chú biết không, khi vừa ở chiến trường ra tôi đã về quê tìm gia đình ta. Nhưng người ta nói chỗ những làng, những xã ngày xưa giờ đã là thủy điện cả rồi. Dân làng người về lại quê cũ, người đi kinh tế mới nên…”.
“Vâng, cũng may nhờ có anh”.
Chú Hán nói rồi nắm tay ba Sơn chân tình. Tự nhiên thôi, nhìn ánh mắt của ba Sơn khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Ba Sơn chính là đồng đội cũ của ba, người đã tình nguyện cùng đoàn đi tìm đồng đội tìm kiếm ba tôi trong suốt bao nhiêu năm trời khiến mẹ con tôi vừa mang ơn vừa cảm kích. Người đã mang theo lời dặn cuối cùng của ba, “nếu còn sống sót trở về hãy đi tìm mẹ con cô ấy”, sau bao nhiêu năm vẫn âm thầm tìm kiếm người thân của ba tôi, để cho tôi có được một sự thừa nhận.
Vậy mà khi đứng trước chú Hán tôi lại không thể mở lời.
Chỉ chú Hán là nói mãi. Việc bao năm qua chú đã tham gia vào một tổ chức tình nguyện kiếm tìm hài cốt liệt sĩ và chăm sóc người có công ở huyện nhà chỉ mong tìm được chút thông tin về ba mà không thấy. Chú đã không hề biết về mẹ con tôi. Cho đến khi chú nhận được thư ba Sơn mới vội vã đi tìm. Chỉ là tìm mẹ thôi, với hy vọng được biết đôi điều về ba trước lúc hy sinh.
“Nghĩa là những bức thư sau này, khi tôi báo tin chúng tôi đã có con anh ấy không nhận được?”.
“Chị nói sao? Nghĩa là…”.
Chú Hán hết nhìn mẹ, nhìn ba Sơn lại quay sang nhìn tôi bàng hoàng.
Ba Sơn lặng lẽ gật đầu còn mẹ tôi òa khóc. Tiếng khóc như vết cứa dứt lên từng hồi khiến lòng tôi nhói đau.
Tôi đang lơ mơ trôi theo dòng suy nghĩ thì chú Hán đập đập vai kéo tôi trở về thực tại:
- Này, cháu mệt à! Đi qua cánh đồng này là đến làng mình đó.
Chú Hán vừa chất đồ vừa giục tôi lên xe. Trời nắng cháy, chiếc xe máy chú Hán chở tôi nhảy lên từng hồi theo những khúc quanh đường đồng lổn nhổn ổ gà ổ vịt. Đang mùa lúa chín. Khắp nơi đều nhuốm một màu óng ánh vàng. Tôi nhìn ra xa cánh đồng ngút ngát tầm mắt. Năm nay lúa chín đều, người dân thu hoạch tuốt lúa ngay trên ruộng. Rơm chất thành đống, phơi dạt trên cả đường đi.
Chợt chú Hán phanh ngặt xe, chới với sắp ngã. Một bóng người từ trong đống rơm đột nhiên lao ra chặn đường.
- Đứng im! Giơ tay lên! - Tiếng hét vang lên lạnh lùng.
- Thôi, về đi, về đi, trưa nắng thế này! - Chú Hán vừa xua tay vừa nói.
Trong tích tắc, người đàn ông khựng lại, bước giật lùi rồi quay lưng chạy thẳng xuống bờ ruộng. Nhưng tôi đã kịp nhìn thấy một nửa khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo.
Ánh mặt trời cuối cùng vừa xuống núi. Bóng tối đã mịt mùng giăng. Không khí như vón cục lại, oi nồng. Mùi của lá cây trong hơi đất âm ẩm bốc lên bức bối. Tiếng râm ran ếch nhái ngoài bờ bụi. Tiếng người lao xao. Tiếng chó sủa vóng lên từng hồi rồi rơi tõm vào bóng tối. Đêm cứ như tơ rối không gỡ ra được.
Trăng lên muộn. Tôi ngồi giữa khuông sân, ánh đèn từ trong nhà hắt ra vàng quạch.
- Còn mệt không cháu? Cứ nghỉ ngơi đã, mai chú sẽ đưa cháu đi thăm họ hàng ở bên kia sông. Mà này uống đi, nước chè mạn hảo đấy. Vườn cũ hồi trước, từ bờ sân này ra đến tận ngõ nhà mình trồng toàn chè mạn hảo. Cứ mỗi lần nghỉ học, ba cháu thường chặt từng ôm to đem phơi đầy sân. Mỗi mùa nắng, sân thơm sực. Ba cháu khéo chiều cụ lắm, được mẻ lá nào khô liền bỏ vào túi bóng, trưa trốn ngủ bơi qua sông đem cho cụ. Có lần bị bà cháu bắt được đánh cho một trận nhừ đòn. Thế mà vẫn không chừa cái tật thích bơi trưa.

Chú Hán nói rồi lặng lẽ vê thuốc hút. Ngọn lửa bùng lên, nhảy nhót trên tay chú. Chú rít một hơi dài rồi ngửa mặt khà một tiếng sảng khoái, giống như bao mệt mỏi ưu phiền đang theo khói bay thoát ra ngoài vậy. Nhìn chú, tôi nghĩ đến ba. Nếu còn sống chắc ba sẽ như chú Hán, cũng ngồi nơi sân này uống nước chè, hút thuốc lào và nhả khói một cách sảng khoái như thế.
Giờ đây ba đang ở đâu? Có phải ba đã hóa thân thành cây trong rừng già hay hòn đá bên bờ sông bờ suối nào đó. Tôi khóc. Nhưng nước mắt cũng chẳng giúp tôi hình dung về ba rõ ràng hơn. Tất cả những hình ảnh đẹp đẽ của ba đều bắt đầu từ mẹ. Với tôi ba giống như một dòng suối lạ tràn đầy sự sống bấy lâu mẹ con tôi hướng đến…
Dòng suy nghĩ của tôi chợt dừng lại bởi có tiếng người vừa chạy vừa hét. Chó sủa theo từng hồi. Chú Hán dụi tắt đóm lửa thở dài:
- Trời nắng này, đến người bình thường cũng không chịu nổi.
- Làm sao mà ông ấy bị điên hả chú?
Chú Hán lại châm đóm rít một hơi thuốc dài rồi bắt đầu kể. Câu chuyện của người điên phút chốc được rõ ràng. Là một người lính vào chiến trường thuộc quân số của Lữ đoàn xe tăng 201, năm 1979, ông ấy chuyển sang chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bị rơi vào tay của quân Pol Pot. Không lâu sau đó gia đình nhận được giấy báo tử, lập bàn thờ vọng cúng giỗ hơn ba mươi năm nay.
Chuyện của chú Hán khiến tôi nhớ lại một bài báo đã đọc cách đây ít tháng về những trường hợp hy hữu xảy ra trong chiến tranh. Là những người lính vì một lý do nào đó, trong một trận đánh, bị thương hay bị lạc đơn vị, thậm chí bị mất trí đã được người dân phát hiện cứu sống, nuôi dưỡng chăm sóc mấy chục năm trời, đột nhiên sau một biến cố nào đó trí nhớ lại dần hồi phục. Trong số đó có người đã tìm về lại được quê hương của mình sau bao năm xa cách.
- Sao người ta không đưa ông ấy vào bệnh viện?
- Ông ấy bị tổn thương não, tiểu đường, viêm gan, sỏi mật, nhưng vì không có giấy tờ tùy thân, lại chưa có bảo hiểm mà nhà lại quá khó khăn nên không có điều kiện nhập viện.
- Còn chế độ, chính sách của ông ấy thì sao ạ?
- Đó lại là câu chuyện rất dài…
Chú Hán nói thế rồi im lặng. Tôi cũng im lặng. Câu chuyện rất dài mà chú Hán nói làm cả hai chúng tôi đều hiểu rằng đó là sự chờ đợi. Nhưng bệnh tình thì không thể đợi chờ được, nó ngày ngày hành hạ, dần phá nát cơ thể người bệnh.
Chú Hán đứng dậy vỗ vỗ vào vai tôi, bảo đi nghỉ sớm. Tôi vào nằm trên chiếc giường ba tôi đã từng nằm ngay sát cửa sổ. Đêm gió mát mà tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi tìm về quê nội lần này là để nhận gốc gác, cội nguồn. Nhưng quê cha đất tổ đây rồi mà sao tôi vẫn thấy chênh chao. Tôi muốn hòa tan vào nó nhưng sao tôi vẫn mơ hồ không thể nào chạm nổi. Hay vì đến giờ mộ ba vẫn chưa tìm được, linh hồn ba vẫn lang thang chưa thấy chốn về…
Nắng lên quá ngọn cau trước sân nhà tôi mới tỉnh giấc. Nhà vắng hoe. Chú Hán và thím chắc đi làm đồng sớm. Bữa sáng đã được dọn sẵn ở bàn. Tôi vừa định ngồi xuống bàn đã thấy có bóng trẻ con thập thò ở cửa. Là cháu ngoại của chú Hán và đám bạn của chúng. Mấy đứa đùn đẩy nhau khi nghe tiếng tôi gọi vào cho kẹo. Chúng ngồi ăn ở bậc thềm ríu rít. Tôi hỏi:
- Các cháu cho cô đi chơi ở đâu đây nhỉ?
Một thằng bé nhanh nhảu:
- Ra sông cô ơi! Ra sông buổi sáng là đẹp nhất.
Một đứa khác cản:
- Thôi, ra sông bây giờ có người điên đấy! Sợ lắm.
Bọn trẻ nói rồi tản ra khắp khu vườn chơi trò đuổi bắt. Chỉ còn lại thằng bé và tôi. Chúng tôi quyết định đi ra bờ sông.
Mùa này sông dềnh dàng nước. Bờ sông hoa súng tím giăng kín mặt nước dập dềnh. Tôi ngồi trên chiếc cầu tre vẫy chân xuống nước chợt nhận ra dòng sông giống như một tấm gương trong. Từ góc nghiêng này nhìn ra xa, giữa quãng mênh mông đó, dòng sông ôm cả dáng núi vào lòng mình trọn vẹn. Gió sáng hây hẩy. Hương hoa súng dịu nhẹ quyện với mùi bùn non ngai ngái dịu lòng.
- Là ông ấy đã chỉ cho cháu cách nhìn dòng sông đấy. Cô xem…
Thằng bé nói rồi đưa một tập giấy nhàu nhĩ cho tôi. Tôi nhìn vào và sững người. Trong tập giấy chi chít những hình vẽ có một bức tranh vẽ đứa trẻ đang chạy trên bờ sông. Dòng sông lay động, mềm mại như một dải lụa. Và đôi mắt của đứa trẻ, to tròn trong veo tôi đã gặp đâu đó rồi mà không thể nhớ ra.
- Cô rất thích tranh vẽ đúng không?
Tôi không trả lời mà cúi xuống lật từng trang. Những bức tranh vẽ cảnh chiến trường. Tôi choáng người trước một bức tranh có người lính bị thương mất hai chân đang nằm dựa đầu bên một gốc cây cháy nham nhở, đôi mắt mở to nhìn lên bầu trời xám xịt, phù thũng bởi cơn mưa lớn sắp đến trên cánh rừng bỏ hoang trơ trụi khói bụi, tàn tro. Đôi mắt hướng lên như chờ đợi, như hy vọng rồi lại như thất vọng khiến tôi lạnh người. Chắc người lính này không cam chịu nhìn cái chết đang lan dần đến mình từng tí một, từ cánh rừng chết, từ bầu trời chết, từ mặt đất chết và từ cả đôi bàn chân gãy nát nằm im bất lực của mình.
- Là của ông ấy đấy!
Tôi giật mình nhìn theo hướng tay thằng bé chỉ. Một người đàn ông đội chiếc mũ rộng vành, miệng ngậm một gọng cỏ lồng vực đang nhanh chân bước lại gần chúng tôi. Tự nhiên thôi, những câu chuyện của chú Hán về người đàn ông ấy cứ như hiện ra trước mắt tôi rõ mồn một.
Đêm đó, trời cũng nhạt trăng như hôm nay, anh ấy lên đường. Chú nhớ mãi khuôn mặt anh ấy lúc đó, đẹp đẽ, rắn rỏi. Thấy chú bịn rịn, anh ấy vỗ vào vai chú nói: “Thôi đi, đừng ủy mị thế. Anh nhất định sẽ về”. Vậy mà khi anh ấy trở về thì không ai còn nhận ra nữa. Một khuôn mặt bị biến dạng, giọng nói bị nhíu lại, trí nhớ lùng bùng khi điên khi tỉnh. Chỉ những bức vẽ mới khiến chú nhận ra.
- Ông ơi! Cháu đây!
Tiếng gọi của thằng bé khiến cả tôi và người đàn ông đó đều luống cuống. Thằng bé cũng hốt hoảng khi nhìn thấy tôi cứ bước giật lùi lại phía sau. Những bức tranh lả tả rơi trên đất. Rồi tôi chạy trốn, ngất đi, hay đang mơ, tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết khi mở mắt thì người điên đã đi từ khi nào, trước mặt vẫn là sông ì ào chảy. Chú Hán đến bên tôi, lo lắng không yên.
- Là người điên làm cho cháu sợ hãi à?
Chú cầm tay tôi, nửa như lo lắng, nửa như bực dọc. Rồi như không cần đến câu trả lời của tôi, chú nói như thanh minh:
- Khổ thế đấy, lúc bình thường thì lặng lẽ một mình, đến khi lên cơn thì không thể nào kiểm soát nổi.
“Không. Không phải thế!”. Tôi định nói với chú Hán như thế, muốn thanh minh cho ông ta mà cổ họng nghẹn cứng lại. Không hiểu sao tôi đã không thể nói với chú Hán về khoảnh khắc tôi nhìn người đàn ông đó và ông ta nhìn tôi. Giống như muôn vàn ánh nắng xóa tan đám sương mù đang giăng giăng khắp mặt đất. Cây cối dần dần hiện rõ từng tí, từng tí một, tôi nhận ra ánh mắt đó ấm áp và bao dung vô cùng.
Chẳng lẽ…?

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Một câu hỏi giả định vang lên làm tôi giật mình, nhưng tôi đã gạt ngay ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc một cách cương quyết. Người đó làm sao có thể là ba tôi. Không thể! Trong muôn vàn những tưởng tượng tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi từng hình dung ba tôi sẽ trở về với một đôi nạng gỗ. Bờ đê buổi đó đầy gió. Tôi đứng sững sờ nhìn một bên ống quần của ba buộc túm phất phơ bay. Mẹ tôi khóc, còn tôi trân trối nhìn không chớp mắt. Chỉ khi ba quỳ thụp xuống, dang rộng cánh tay, tôi mới mếu máo lại gần để nằm gọn trong vòng tay ba mà hít hà mùi mồ hôi hăng nồng khói bụi. Tôi cũng từng hình dung ba tôi phải chịu nhiều đau đớn trước khi chết... Thêm nữa, tôi cũng từng hình dung mình sẽ thế nào khi nhìn thấy hài cốt ba được bọc trong chiếc tăng ni lông đã mục rữa. Giữa đám đất đen ba tôi chỉ còn lại là những khúc xương ống nằm lẫn với dây dù, giày bộ đội. Khi đó, hài cốt ba tôi sẽ được bọc trong một tấm vải đỏ xếp gọn gàng bên cạnh những vuông vải đỏ khác, và tôi sẽ trang nghiêm trước mộ phần của ba tôi trong nghĩa trang liệt sĩ.
- Tại cháu sơ ý nên mới bị ngã thôi chú.
Tôi nói cốt để xóa đi những áy náy trong lòng chú Hán. Nhưng rõ ràng, lúc đó, khi ông ấy rưng rưng nước mắt dang hai tay về phía tôi, tôi đã giật mình bước hụt chân ngã ngửa ra đất.
Đêm khuya lắc lơ rồi. Trời giờ mới bắt đầu có tí gió mát. Hương cau thoảng lên dịu ngọt. Chú Hán hình như vẫn chưa ngủ, phòng còn le lói ánh đèn. Tôi vừa bước tới cửa thấy chú đang với lấy quyển sách trên giá, nói khẽ:
- Mẹ mày lấy cái chăn mỏng, tí tôi qua đưa cho anh.
- Đây rồi - Tiếng thím tôi có vẻ dùng dằng. Hình như câu chuyện chú thím đã nói với nhau rất lâu từ trước rồi - Nhưng…
- Thôi, anh ấy đã quyết rồi, đừng bàn lui bàn tới nữa.
Chú nói rồi lặng lẽ xách đèn pin ra ngõ. Tiếng bước chân trên đường sỏi rạo lên một lúc rồi chìm sâu vào đêm đen thẫm. Tôi rời vị trí nấp sau cánh cửa vội vã bước theo hướng chú Hán vừa đi.
Đêm trăng non, mây phủ gần kín cả bầu trời khiến con đường trước mặt thẫm lại. Gió vi vút thổi mang theo hương mật mía đẫm mùi gừng từ bếp nhà ai vừa nấu kẹo đêm thơm ngào ngạt. Tôi cứ thế đi chẳng hề sợ hãi. Đi như hẳn con đường này đã quen thuộc với tôi từ lâu lắm rồi.
Ngôi nhà nhỏ lợp lá cọ đang hé cửa. Ánh sáng lọt qua khe hở mờ mờ. Có tiếng nhạc vang lên. Một bài hát buồn, tôi nghe kĩ nhận ra đó là bài hát Vết lăn trầm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Vết lăn vết lăn trầm
Hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền
Như có lần chim muông hằn dấu chân
Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà
Rộng đôi cánh tay chờ mong
Người chợt nhớ mình như đá
Đá lăn vết lăn buồn…

Vết Lăn Trầm - Ánh Tuyết - YouTube
Tôi nhìn trong ánh sáng mờ tối đó, bóng của hai người chụm vào nhau rì rầm.
- Hay anh về nhà đi?
- Không được đâu em. Đừng lo, anh tự khắc biết tiết chế mình.
Thì ra câu chuyện lúc nãy là về người đàn ông mà chú Hán tình nguyện chăm sóc này. Ông ta là ai, tôi chưa rõ, nhưng sự chân tình của chú Hán với người ấy khiến tôi thấy ấm áp. Và khi chú khom lưng đỡ người đàn ông ngồi dậy, tôi đã nhìn thấy khuôn mặt kỳ dị ấy. Tôi đứng như chôn chân trước cửa bần thần. Chú Hán cũng giật mình khi trông thấy tôi. Hai bàn tay chú vặn xoắn vào nhau rối rít. Người điên bất chợt hét lên: 

- Đứng im! Thả súng xuống! Thả súng xuống!
Người điên ôm đầu lao ra cửa. Chú Hán bị bất ngờ, nhìn tôi một cái rồi hối hả chạy đi. Tôi cũng chạy theo tiếng hét, giống như một cuộc rượt đuổi cho đến khi cả ba chúng tôi đều kiệt sức dừng lại.
Đêm lộng gió. Trời cao vòi vọi. Ánh trăng mát lạnh sáng ngần soi rõ ba chúng tôi đang ngồi cách xa nhau một quãng trống trải, lạnh lùng. Tôi tựa lưng vào một phiến đá nhắm nghiền mắt. Lòng tôi như se lại, một cảm giác bâng khuâng không rõ cội nguồn. Cảm giác cô đơn, vắng lặng bao phủ rồi bất ngờ đẩy tôi vào một trạng thái kích động tột độ. Tôi đang cố quên thì điều khủng khiếp đó lại đến. Ý nghĩ như một con thú chồm lên cắn xé, giày vò điên loạn cho đến khi tôi buông xuôi kiệt sức. Tôi khát, khát lắm. Lòng tôi cứ phập phùng như có lửa nung. Sự nghi hoặc như đám cháy lan từ da tôi, từ tóc tôi, ăn vào cả trái tim, cả khối óc làm tôi buốt nhói. Tôi muốn trả lời cho chính câu hỏi của mình nhưng rồi không thể. Tôi không thể tự thỏa mãn cho những hoài nghi của mình bằng những giả định. Mà trong đầu tôi bây giờ chỉ toàn là giả định…
Trăng khuya mỗi lúc một sáng, loang dài cả một khúc sông rộng. Bờ đê hun hút chợt trắng dần lên đến chỗ tôi ngồi, phủ lên cái bóng tôi tròn chụm như một đứa trẻ. Nó làm tôi nhớ lại những đêm trời đầy trăng thuở trước. Những đêm đó, mẹ thường bê cái chõng tre ra giữa sân nằm nghe gió từ biển dội vào mát lạnh. Mẹ gãi lưng ru tôi ngủ. Bao giờ cũng thế, sau chuyện tình của anh lính lái xe tăng vô tình nhìn thấy bức ảnh một cô giao liên được in trên báo đã cắt ra giữ lại làm kỷ niệm. Ít ai ngờ, ba năm sau, trong một lần trị thương anh đã nhận ra cô y tá đang chăm sóc mình lại chính là người trong bức ảnh mà anh chưa từng gặp. Cứ đến đoạn ấy là tôi lại vít cổ mẹ tò mò:
“Ba con đẹp lắm phải không mẹ?”.
“Đúng rồi! Ba con đẹp lắm. Tóc ba xoăn như tóc con. Mũi ba thẳng như mũi con. Mắt ba to, sáng và trong như mắt con vậy”.
“Ba sẽ về chứ? Đêm nay con sẽ không ngủ đâu, con chờ ba”.
“Tất nhiên rồi, ba sẽ về…”.
Và những đêm như vậy, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thường mơ thấy ba. Ba đang đứng trên sân ga nào đó dáo dác tìm tôi trong một biển người. Ba mặc bộ quân phục cũ sờn, đội mũ tai bèo, khoác ba lô vẫy vẫy tay gọi nhưng sao chân tôi như ai giữ cứng không thể nào chạy về phía ba được. Khi tiếng còi tàu rời ga rúc lên từng hồi thì tôi mới kịp nhìn thấy rõ ràng ánh mắt của ba níu kéo dùng dằng, dùng dằng…
Đêm nay tôi thức trắng, cùng chú Hán và một người điên...
Trại sáng tác Tam Đảo, tháng 5/2019
TRẦN QUỲNH NGA
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...