"Đêm trong vườn thiền"
Nhật Chiêu đến với văn chương Phù Tang như một nhân duyên tiền
định. Truyện Genji, tanka, haiku, Kawabata Yasunari… đã ở đó bao đời, chờ người
đến gõ cửa, và cánh cửa mở ra. Những mùa như nhiên, tịnh mặc, hoan lạc, trầm tư
ùa về. Người choáng ngợp, người ngây ngất và người uống trọn hương xa của một nền
văn chương kỳ diệu. Nhật Chiêu đi trọn một vòng với cái duyên ban đầu ấy từ tâm
tưởng, từ ngôn từ, để rồi gần bước tới ngưỡng “cổ lai hy”, người lại trở về, hiện
hữu bằng xác thân nơi quê hương tâm tưởng. Người du hành một chuyến Phù Tang,
nhưng chắc chẳng ai quen biết người nghĩ rằng đó là chuyến đi lần đầu đến một xứ
sở lạ, mà thực sự người đang về nhà, gặp lại lối xưa Bashō du hành, gặp nàng
Ukifune - chiếc thuyền nổi trôi trong giấc mộng phù kiều, gặp con chim phượng
hoàng trên nóc Kim các tự “sải cánh qua thời gian”, gặp con mèo dẫn lối đến
thăm Natsume Sōseki... Những tình cảnh đó, những ý vị đó đã theo người suốt cuộc
đời rong chơi cùng thơ văn xứ Nhật, có khác chăng trong lần này, chúng thoát
thai từ vùng biên của ý niệm và ngôn từ để hiển hiện như là những hữu thể cho
người chiêm ngắm. Và tâm hồn anh nhi của người thơ ấy lại thêm một lần vỡ oà những
cảm xúc của thuở ban đầu, cái thuở chàng thanh niên phớt lờ thời cuộc tìm niềm
vui trong từng trang sách bỗng chạm mặt nền thi ca của những đóa triêu nhan. Với
Nhật Chiêu, trước sự kỳ diệu, bao giờ cũng là ban đầu. Có lẽ vì thế, dù gặp người
thuở trung niên hay lão niên, ta vẫn gặp ở người cái tình sơ tâm chưa hề biến mất.
Và cũng vì thế, người là người thơ.
“Từ trái tim con người như hạt giống, thơ ca mọc lên thành vô
số lá cây của ngôn từ.” Người Nhật đầu tiên lý luận về thơ, Kino no Tsurayuki,
trong thời đại định hình nền thơ ca đã tuyên ngôn như thế. Cội nguồn của thơ
chính là trái tim con người. Khởi phát từ trái tim rung lên trong sự huyền nhiệm,
thơ được tựu thành. Thơ của Nhật Chiêu, trong suốt cuộc rong chơi nơi xứ hoa
anh đào, hẳn đã cất lên từ trái tim với rất nhiều xuyến xao và rung động, như
nguyên lý ngàn đời của thơ ca xứ Phù Tang.
Đêm hôm ấy, một đêm huyền nơi chùa Kiyomizu huyền thoại, mùa
thu xứ Mặt trời đã gọi Nhật Chiêu về, cất tiếng thơ, thủ thỉ vào cõi vô biên.
Tiếng thơ như nhịp đập con tim này, chính là lá cây cả đời người ấp ủ, và một
ngày tựu thành chu trình sáng tạo nơi Tsurayuki hơn 11 thế kỷ trước đã gọi tên
quy luật của ngôn từ.
ĐÊM TRONG VƯỜN THIỀN
Đêm trong vườn thiền
U huyền lá đỏ
Giọt mưa thu nhỏ
Xuyên trời vô biên
Sương mờ mờ lên
Trăng từ từ đến
Chân trần em niệm
Sàn ngân tiếng huyền
Đêm trong vườn thiền
Đá nghiêng mình thở
Đá mê mà ngộ
Đá nhờ mà quên
Vườn thiền trong đêm
Mình đi qua mình
Ta chơi mà lặng
Gió lộng mà yên
Nhật Chiêu
Mùa thu Kyoto 2017
Cuộc trở về của người giữa mùa thu lá đỏ. Người hạnh ngộ lá đỏ
vào một đêm, rất yên, trong vườn thiền. Vì người ngắm lá đỏ vào một đêm rất
yên, trong vườn chùa thanh vắng xứ cố đô, nên cả những trở mình của thiên nhiên
cũng được người thâu nhiếp:
Đêm trong vườn thiền
U huyền lá đỏ
Giọt mưa thu nhỏ
Xuyên trời vô biên.
Bước chân đầu tiên, cái chạm đầu tiên của người thơ vào đêm
huyền nhiệm là một cái chạm khẽ khàng mà tóm thâu cả vũ trụ. Trong mắt người,
trong tim người, những hình hài nhỏ bé: lá đỏ, giọt mưa đang chạm vào cái u huyền,
cái vô biên của vũ trụ hay chính chúng, trong hình hài ấy là hiện thân của những
vô tận của đất trời! Ta bỗng nhớ con ếch của Bashō, cũng nhỏ bé, cũng khẽ khàng
mà gọi dậy cả mùa xuân của vũ trụ.
Màu của u huyền không chỉ là lá đỏ, màu của u huyền còn là
màu của đêm, của sương mờ, của trăng lên. Khái niệm Yūgen trong mỹ học cổ điển
Nhật, vốn u huyền, khó diễn đạt rõ ràng được bằng ngôn ngữ của nhận thức, trong
những vần thơ này, lại được người định nghĩa nhẹ như không. Định nghĩa đó chẳng
tìm thấy nơi từ điển, bởi ngôn từ lý trí, mà bởi sự phi ngôn truyền từ tâm đến
tâm, qua con đường của hình ảnh thơ ca. Đêm đó, người đã nhìn rất sâu vào thinh
không, vào vũ trụ, vào hai ngàn năm văn hoá Phù Tang, không chỉ từ những bước
đi của mùa, mà còn từ bước đi của “em”, những bước đi cũng cất tiếng u huyền:
Chân
trần em niệm
Sàn ngân tiếng huyền
Người phụ nữ Nhật đã hơn hai ngàn năm bước đi như thế, khoan
thai, khẽ khàng trong bộ kimono truyền thống, nhưng có lẽ, chỉ mỗi Nhật Chiêu gọi
tên bước đi đó là “niệm”, như một lời kinh, như một lời chiêm nghiệm. Và vì thế,
vật vô tri cũng “ngân” lên “tiếng huyền” trong sự cộng hưởng thâm sâu của ngàn
năm văn hóa.
Trong cái nhìn thấu suốt vào đêm nhiệm mầu đó, Nhật Chiêu còn
chạm vào cả linh hồn của đá, những hòn đá vốn hiện hữu để tụng ca sự cô độc của
u huyền.
Đêm trong vườn thiền
Đá nghiêng mình thở
Đá mê mà ngộ
Đá nhớ mà quên
Người nghe thấy tiếng thở của đá trong đêm thinh lặng. Người
thấy trong đá sự nhớ - quên, mê - ngộ của kiếp người. Trong phút giây lắng nghe
ngàn năm đó, người bắt gặp chính mình qua “chiếc gương soi” bản lai của mình:
Vườn thiền trong đêm
Mình đi qua mình
Ta chơi mà lặng
Gió lộng mà yên
Người không chỉ soi gương để tìm “bản lai diện mục”, người
quyết định một cuộc xuyên không, mình của khoảnh khắc này, đi qua mình của muôn
ngàn kiếp trước và muôn vạn kiếp sau, và thấu suốt cái u huyền của vũ trụ. Tâm
tình của Nhật Chiêu đã hóa cùng vũ trụ, tĩnh tịch, an nhiên trong đêm ấy, để thấy
bến bờ mê - ngộ, nhớ - quên, chơi - lặng, lộng- yên đều là một? Ta vẫn muốn đọc những
vần thơ này một cách đời hơn, “mình” của đêm nay, một đêm u huyền của cố đô
Kyoto, đã đi qua “mình” của những năm tháng cuộc đời lang thang bắt những giấc
mộng văn chương Phù Tang, để khoảnh khắc đó người cảm nhận cái lặng - yên trong
cuộc chơi suốt cả cuộc đời.
“Đêm trong vườn thiền”. Lời thơ cứ ngân lên như “niệm”. Nhẹ
như hơi thở mà sâu thẳm khôn cùng. Như thơ Nhật Chiêu, văn Nhật Chiêu vẫn thường
như thế.
“Đêm trong vườn thiền”. Bài thơ của u huyền.
Saigon, mùa thu 2017
Ngô Phương Từ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét