Hồi 21:
Giả cách giận hờn, Tập Nhân răn Bảo Ngọc;
Trả lời khôn khéo, Bình Nhi cứu Giả Liễn.
Sử Tương Vân sợ Đại Ngọc đuổi theo, chạy đi ngay. Bảo Ngọc ở
đằng sau nói:
- Khéo vấp ngã đấy! Em không đuổi kịp được đâu!
Đại Ngọc vừa đến cửa, Bảo Ngọc giơ tay ngáng lại, cười nói:
- Thôi em hãy tha cho người ta lần này.
Đại Ngọc giằng tay ra:
- Tha cho nó! Trừ khi tôi chết.
Tương Vân thấy Bảo Ngọc đứng ngáng cửa, biết Đại Ngọc không
thể ra được, bèn dừng lại cười nói:
- Chị ơi, hãy tha cho tôi lần này.
Bảo Thoa ở đâu đến ngay sau lưng Tương Vân, cười:
- Thôi xin hai chị, nể mặt anh Bảo, hãy buông nhau ra.
Đại Ngọc nói:
- Tôi không nghe! Các người vào hùa với nhau đến trêu tôi à?
Bảo Ngọc khuyên:
- Thôi đi. ai dám trêu em? Em không nói đùa người ta, ai dám
nói đến em?
Bốn người đang giằng co nhau, thì có người tới mời đi ăn cơm.
Lúc lên đèn, Vương phu nhân, Lý Hoàn, Phượng Thư, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích
Xuân đều qua bên phòng Giả Mẫu. Mọi người nói chuyện phiếm một lúc rồi đâu về đấy.
Tương Vân về buồng Đại Ngọc ngủ.
Bảo Ngọc đưa hai người về buồng. Trời đã quá canh hai. Tập
Nhân đến giục mấy lần mới chịu về. Hôm sau vừa sáng, Bảo Ngọc đã dậy, mặc áo,
đi giày, sang buồng Đại Ngọc. Thấy vắng Tử Quyên, Thúy Lũ, chỉ có Đại Ngọc và
Tương Vân nằm trong chăn. Đại Ngọc thì đắp kín người một cái chăn lụa đỏ, nhắm
mắt ngủ say. Tương Vân thì tóc xõa ra cạnh gối, ngực quấn một cái chăn màu hồng
điều, để hở ra ngoài hai cánh tay trắng muốt, trông rõ cả hai cái vòng vàng. Bảo
Ngọc thấy vậy nói:
- Ngủ mà cũng không biết giữ gìn cẩn thận! Nhỡ bị cảm có đau
vai mỏi cổ lại kêu.
Nói xong khẽ kéo chăn đắp hộ.
Đại Ngọc tỉnh dậy, biết có người, đoán ngay là Bảo Ngọc, quay
nhìn ra nói:
- Sớm thế anh đã đến đây làm trò gì?
- Hãy còn sớm à? Em dậy mả xem!
- Anh hãy ra ngoài kia, để chúng tôi dậy đã.
Bảo Ngọc ra nhà ngoài. Đại Ngọc đánh thức Tương Vân. Hai người
trở dậy mặc quần áo. Bảo Ngọc vào ngồi bên cạnh tủ gương. Tử Quyên, Thúy Lũ đến
hầu rửa mặt, chải đầu. Tương Vân rửa mặt xong, Thúy Lũ toan đổ chậu nước đi, Bảo
Ngọc bảo:
- Khoan đã, nhân tiện để lại cho tôi rửa, đỡ phải sang bên
kia thêm tốn công.
Nói xong, khom lưng xuống vốc nước rửa.
Tử Quyên mang xà phòng thơm đến, Bảo Ngọc nói:
- Không cần, trong chậu đã có nhiều xà phòng thơm rồi.
Lại rửa lần nữa, rồi mới bảo đưa khăn mặt lau.
Thúy Lũ bĩu môi cười:
- Chứng nào vẫn tật nấy!
Bảo Ngọc không để ý đến câu ấy, vội đòi lấy muối đánh răng,
súc miệng. Thấy Tương Vân chải đầu xong, Bảo Ngọc chạy lại, cười nói:
- Cô em chải đầu hộ tôi.
- Tôi không biết chải.
- Sao ngày trước cô vẫn chải hộ tôi?
- Bây giờ quên rồi.
Bảo Ngọc vật nài mãi.
- Hôm nay tôi không đi đâu, chỉ cần cô em tết mấy món tóc là
đủ.
Tương Vân đành phải chải hộ.
Thường khi ở nhà, Bảo Ngọc không bao giờ đội mũ, chỉ vén tóc
chung quanh, tết mấy búi nhỏ, rồi chập cả lên đỉnh đầu thành một búi to, buộc bằng
dây đỏ. Trên búi tóc, giắt một chùm bốn hạt trân châu, phía dưới có cài một cái
cặp bằng vàng.
Tương Vân vừa tết vừa nói:
- Sao chỉ còn ba hạt trân châu? Một hạt không đúng. Tôi nhớ
anh có bốn hạt cùng một thứ kia mà, sao lại thiếu một?
- Rơi mất một hạt.
- Tất là khi anh đi ra ngoài, đánh rơi. Chi may cho kẻ nhặt
được thôi.
Đại Ngọc đứng bên cười nhạt:
- Chưa biết chừng lả mất, hay lại đem nạm vào cái gì làm đồ
trang sức cho người ta đeo rồi?
Bảo Ngọc không trả lời. Nhân thấy hai bên tủ gương có nhiều đồ
phấn sáp, tiện tay lấy ra ngắm nghía. Khi thấy một hộp sáp bôi môi, Bảo Ngọc muốn
bỏ vào miệng ăn, lại sợ Tương Vân cười. Đương lúc ngần ngừ, Tương Vân ở đằng
sau giơ tay hất một cái, hộp sáp rơi xuống đất. Tương Vân nói:
- Chứng nào vẫn tật ấy, đến bao giờ anh mới chừa?
Đương nói chuyện thì Tập Nhân đến, trông thấy thế, biết là Bảo
Ngọc đã rửa mặt chải đầu rồi, đành trở về. Bảo Thoa chợt đến hỏi:
- Anh Bảo đi đâu rồi?
Tập Nhân cười nhạt:
- Cậu Bảo còn có thì giờ nào ở nhà!
Bảo Thoa nghe nói hiểu ý ngay. Tập Nhân lại than:
- Chỗ anh chị em chơi đùa với nhau, cũng nên có chừng có mực,
ai lại bất cứ ngày đêm, lúc nào cũng như lúc nào! Người ta khuyên răn thế nào
cũng mặe, chỉ như gió thoảng ngoài tai thôi!
Bảo Thoa nghe nói, trong bụng nghĩ thầm: "Đừng nên coi
thường con bé này. Nghe nó nói, xem ra cũng có chút kiến thức". Bảo Thoa
liền ngồi trên bục, thong thả chuyện trò, hỏi tuổi, hỏi gia đình, quê quán, để
ý xem xét lời ăn tiếng nói và tính tình con người, thấy Tập Nhân rất đáng kính
yêu.
Một lúc, Bảo Ngọc về, Bảo Thoa mới đi ra, Bảo Ngọc hỏi Tập
Nhân:
- Chị Bảo đương nói chuyện vui vẻ, thấy tôi về, sao lại đi
ngay?
Tập Nhân không trả lời. Bảo Ngọc hỏi mãi, Tập Nhân cười nói:
- Cậu hỏi tôi đấy à? Thật tôi chẳng hiểu các người ra làm sao
cả.
Bảo Ngọc thấy nét mặt Tập Nhân khác hẳn ngày thường, cười hỏi:
- Vì sao chị lại giận dỗi thế?
Tập Nhân cười nhạt:
- Khi nào tôi dám giận dỗi. Chỉ xin từ giờ trở đi cậu đừng đến
buồng này nữa. Dủ sao cậu cũng đã có người hầu hạ rồi, không cần phải sai khiến
đến tôi. Tôi lại trở về hầu bên cụ vậy.
Nói xong, lên bục nằm nhắm mắt lại.
Bảo Ngọc thấy quang cảnh vậy, rất lấy làm lạ, đành phải chạy
lại van xin, nhưng Tập Nhân cứ nhắm mắt, mặc kệ. Bảo Ngọc không biết làm thế
nào. Chợt thấy Xạ Nguyệt đến, Bảo Ngọc liền hỏi:
- Chị ấy làm sao thế?
Xạ Nguyệt nói:
- Tôi biết làm sao được! Cậu cứ tự hỏi mình khắc biết.
Bảo Ngọc nghe nói, ngẩn người một lúc, tự thấy chẳng còn thú
vị gì, vùng đứng dậy nói:
- Không thèm nhìn đến tôi thì thôi, tôi đi ngủ vậy.
Nói xong vào giường nằm.
Hồi lâu, Tập Nhân thấy Bảo Ngọc nằm yên, có tiếng ngáy khò
khò, biết đã ngủ rồi, bèn đứng dậy lấy áo tơi đắp cho Bảo Ngọc. Bỗng "soạt"
một tiếng, áo tung ra, nhưng Bảo Ngọc vẫn nhắm mắt giả ngủ.
Tập Nhân biết ý, gật đầu cười nhạt:
- Cậu không cần phải dỗi nữa. Từ giờ trở đi, tôi chỉ như người
câm thôi, không can cậu một câu nào, có được không?
Bảo Ngọc vùng ngay dậy hỏi:
- Tôi có điều gì mà chị phải khuyên ngăn? Kể ra, chị khuyên
ngăn cũng được, nhưng vừa rồi tại sao chị chẳng thèm nói câu gì? Tôi về, chị
không để ý đến, lại giận dỗi đi nằm. Tôi cũng chẳng rõ sao cả. Bây giờ chị lại
bảo là tôi dỗi. Nào chị đã khuyên ngăn tôi câu gì đâu?
Tập Nhân nói:
- Tự cậu lại không biết, phải đợi tôi nói à?
Đương lúc ầm ĩ, thì Giả mẫu cho người gọi Bảo Ngọc đi ăn cơm.
Bảo Ngọc ăn vội mấy bát rồi trở về buồng, thấy Tập Nhân nằm ở bục bên ngoài, Xạ
Nguyệt ngồi bên cạnh đánh bài.
Bảo Ngọc biết hai người thân nhau, không hỏi han ai cả, mở
rèm, vào ngay bên trong. Xạ Nguyệt đành phải theo vào. Bảo Ngọc đẩy ra, nói:
- Không dám phiền cô.
Xạ Nguyệt cười đi ra, gọi hai tiểu hoàn vào hầu. Bảo Ngọc lấy
sách ngồi ngả người xem một lúc, nhân muốn uống nước, ngẩng trông thấy hai tiểu
hoàn đứng dưới đất, đứa nọ lớn hơn đứa kia độ vài tuổi, mặt mũi cũng sáng sủa.
Bảo Ngọc hỏi đứa lớn:
- Tên mày là cái gì "Hương" phải không?
- Tên tôi là Huệ Hương.
- Ai đặt tên ấy cho mày?
- Trước tôi đặt là Vân Hương, sau chị Hoa đổi cho tên ấy.
- "Hối khí"(1) thì phải, lại còn Huệ Hương cái gì!
Mày có mấy chị em?
- Tôi có bốn chị em.
- Mày là thứ mấy?
- Tôi là thứ tư.
- Từ giờ trở đi cứ gọi mày là con Tư, không cần gọi Huệ với
Lan nữa. Mấy ai đáng sánh với hoa này, chỉ tổ làm bẩn cả cái tên đẹp đi thôi.
Nói xong sai pha nước trà. Tập Nhân và Xạ Nguyệt ở bên ngoài
nghe thấy, bĩu môi khẽ cười với nhau.
Cả ngày hôm ấy Bảo Ngọc không ra khỏi cửa, không đùa nghịch với
các chị em và a hoàn, một mình buồn thiu, hết viết lại xem sách cho khuây khỏa.
Có việc gì không sai bảo ai, chỉ gọi con Tư thôi. Con Tư là đứa khôn ngoan tinh
quái, thấy được sai bảo luôn, bèn tim hết cách để chiều chuộng Bảo Ngọc.
Đến bữa cơm chiều, Bảo Ngọc uống vài chén rượu. Như mọi bận,
sau những lúc tai nóng bừng bừng, mắt buồn ngủ ríu lại là đã có bọn Tập Nhân cười
đùa vui vẻ; nhưng lần này thì vắng tanh, vắng ngắt, một mình ngồi trước ngọn
đèn, chẳng thú vị gì. Nếu mình làm lành với họ, sợ họ được thể, sau càng giở giọng
khuyên ngăn mãi, nhưng làm ra dáng bề trên mà lấn át họ, lại thành ra người quá
vô tình. Thôi chẳng nghĩ làm gì cho bận lòng, cứ coi như họ đã chết cả rồi, thế
là tự mình sống thế nào cũng xong, không bị bó buộc, lại hóa thoải mái vui vẻ.
Bảo Ngọc giở kinh Nam hoa(2) ra xem, đến Ngoại thiên Khư
níp(3) có một đoạn văn:
... Cho nên bỏ hết thánh trí, trộm lớn mới thôi; phá hủy châu
ngọc, trộm nhỏ sẽ hết. Đốt dấu đập ấn, dân mới thật thà; chặt đấu phá cân, dân
không tranh nhau; bỏ hết pháp luật, dân mới có thể bàn bạc việc nước. Bộ sáu ống
luật(4), đốt đàn sáo, lấp tai sư, Khoáng (5) thiên hạ mới không có người khoe
thính tai; xóa văn chương, hủy năm sắc, sơn mắt Ly Chu (6), thiên hạ mới không
có người khoe mắt sáng; bỏ mục thước, khuôn, mẫu, chặt tay Công Thùy (7), thiên
hạ mới không có người khoe khéo tay vậy.
Bảo Ngọc xem đến đấy, lấy làm hứng thú lắm. Nhân lúc say rượu,
cầm bút viết luôn mấy câu nối sau:
Đốt hoa, vứt xạ (8), trong khuê các mới hết lời khuyên can lôi
thôi; hủy sắc đẹp cua Bảo Thoa. lấp khiếu thông minh của Đại Ngọc, dứt hết tình
ý, trong khuê các mới không có kẻ xấu người đẹp chênh lệch nhau; thôi sự khuyên
can, sẽ không lo nỗi sâm thương xích mích; hủy hết sắc đẹp, sẽ không còn mối
luyến ái vấn vương; lấp khiếu thông minh, mới không còn vẻ tài tình quyến rũ.
Kìa bọn Thoa, Ngọc, Hoa, Xạ đều là những kẻ chăng lưới, đào bẫy để cám dỗ hãm hại
người vậy.
Viết xong, Bảo Ngọc quăng bút, gục đầu xuống gối, ngủ ngay một
mạch, đến sáng bạch mới dậy. Giở mình trông ra, thấy Tập Nhân mặc cả áo nằm ngủ
trên đệm, bao nhiêu việc hôm trước, Bảo Ngọc quên hết, bèn đẩy Tập Nhân bảo:
- Dậy thôi, ngủ thế không khéo lại bị lạnh!
Nguyên Tập Nhân thấy Bảo Ngọc không kể ngày đêm, lúc nào cũng
vui đùa với bọn chị em. Nếu mình cứ lấy lời thẳng thắn khuyên ngăn, chưa chắc cậu
ta đã sửa đổi, chi bằng làm ra bộ hờn dỗi nũng nịu, dù Bảo Ngọc có bực tức, rồi
chỉ chốc lát sẽ lại tử tế như thường, không ngờ Bảo Ngọc vẫn không hồi tâm chuyển
ý. Tập Nhân nghĩ luẩn quẩn không biết làm cách gì, thành ra suốt đêm không ngủ.
Nay thấy vậy, biết là Bảo Ngọc đã nghĩ lại phần nào, nên càng cố ý lờ đi như
không.
Bảo Ngọc thấy Tập Nhân không trả lời, bèn giơ tay cởi hộ áo.
Một cái khuy vừa được cởi thì Tập Nhân đã hất tay ra, cài ngay khuy lại.
Bảo Ngọc không còn cách gì, đành kéo tay Tập Nhân cười nói:
- Chị vẫn làm sao thế?
Hỏi luôn mấy câu, Tập Nhân trừng mắt nói:
- Chẳng sao cả. Cậu đã dậy, thì sang ngay bên kia mà rửa mặt
chải đầu, chậm sẽ không kịp đấy.
- Chị bảo tôi sang đâu?
- Cậu lại hỏi tôi, tôi biết sao được? Cậu thích sang đâu, cứ
đấy mà sang. Từ giờ hai chúng ta hãy chia tay nhau ra để bớt những điều tiếng
om sòm, làm trò cười cho người ta. Dù đến lúc cậu chán ở bên kia rồi, thì bên
này đã có con Tư con Năm nào đấy hầu hạ. Còn thứ chúng tôi chỉ làm nhơ nhuốc
cái tên đẹp họ đẹp đi thôi!
- Đến hôm nay chị vẫn còn nhớ những câu ấy à?
- Còn nhớ mãi đến trăm năm! Đâu lại như cậu, coi lời tôi như
gió thoảng ngoài tai. Đêm nói, sáng dậy đã quên rồi.
Bảo Ngọc thấy dáng điệu hờn dỗi nũng nịu của Tập Nhân không
thể dứt tình được, bèn lấy ngay cái trâm ngọc bên gối, bẻ ra làm đôi mà thề:
"Từ giờ nếu tôi không nghe lời chị thì cũng như cái trâm này!".
Tập Nhân vội nhặt trâm nói:
- Sáng sớm ra, làm gì đã thề với bồi? Nghe hay không là tùy ở
cậu, cần gì phải làm như vậy.
- Lòng tôi đang bứt rứt, chị có biết cho đâu?
- Cậu biết lòng cậu bứt rứt, thế thì lòng tôi thế nào, cậu có
biết không? Thôi hãy đi rửa mặt đã.
Rồi hai người cùng đứng dậy đi rửa mặt, chải đầu.
Sau khi Bảo Ngọc lên nhà trên, thì Đại Ngọc đến. Thấy Bảo Ngọc
không ở thư phòng, Đại Ngọc liền giở sách trên bàn ra xem, vừa hay giở đúng bộ
Trang tử. Đọc đoạn viết nối của Bảo Ngọc, Đại Ngọc vừa tức vừa buồn cười, cầm
bút viết tiếp bốn câu:
Bỗng dưng múa bút ấy kìa ai
Tập tọng Nam hoa học mấy lời:
Chẳng biết tự mình không kiến thức,
Lại đem lời xấu vội chê người.
Viết xong, Đại Ngọc lên nhà trên thăm Giả mẫu và Vương phu
nhân.
Phượng Thư có đứa con gái đầu lòng là Đại Thư bị ốm. Phượng
Thư rối rít cho đi mời thấy thuốc đến xem. Thầy thuốc nói:
- Em phát nóng là triệu chứng lên "tốt"(9).
Vương phu nhân và Phượng Thư vội hỏi:
- Có việc gì đáng lo không?
Thầy thuốc nói:
- Bệnh tuy nặng, nhưng không việc gì. Xin sắp sẵn cho ngay
sâu dâu và đuôi lợn.
Phượng Thư vội sai quét dọn nhà cửa, đặt bàn thờ cúng
"Bà chúa đậu mùa"; cấm người nhà không được dùng đồ xào rán; sai Bình
Nhi xếp dọn chăn màn quần áo cho Giả Liễn sang ngủ buồng khác, lấy nhiễu điều
ra cho bọn hầu thân may quần áo. Nhà ngoài được sửa soạn sạch sẽ; hai thầy thuốc
được mời đến cắt lượt nhau xem mạch, bốc thuốc, suốt trong mười hai ngày liền.
Giả Liễn dọn ra ngủ riêng ngoài thư phòng. Phượng Thư và Bình Nhi ngày nào cũng
theo Vương phu nhân cúng lễ "Bà chúa đậu".
Giả Liễn vừa xa Phượng Thư, đã lại sinh chuyện. Mới ngủ riêng
hai đêm hắn đã không nhịn được, chọn ngay một đứa hầu nhỏ sạch sẽ tạm làm trò
"tiêu khiển".
Bấy giờ trong phủ Vinh có một đứa nấu bếp tên gọi Đa Quan,
nghiện rượu be bét, không ra hồn người, người ta đặt cho nó cái tên là thằng
"Đa hồ đồ". Từ bé, bố mẹ nó lấy cho nó một người vợ mới hai mươi tuổi,
có ít nhiều nhan sắc, ai thấy cũng yêu. Nhưng chị này tính lẳng lơ, hay khêu
ong gợi bướm. Thằng Đa chỉ cốt có rượu, có tiền, ngoài ra vợ cũng mặc kệ. Vì thế
người trong hai phủ Vinh, Ninh phần nhiều tằng tịu với ả. Ả này dâm đãng khác
thường, nên người ta đặt cho cái tên là cô "Đa"(10). Giả Liễn đương
lúc ngứa ngáy, ngày thường vốn đã say mê say mệt ả này, nhưng trong thì sợ vợ,
ngoài sợ bọn hầu yêu, nên không dám chờn vờn. Cô "Đa" từ lâu cũng có
tình ý với Giả Liễn, nhưng chưa có dịp thuận tiện; nay thấy Giả Liễn dọn ra ngủ
ngoài thư phòng, ả ta chẳng có việc gì cũng mỗi ngày lượn đi lươn lại ba bốn lần.
Giả Liễn như một con chuột đói, bàn ngay với bọn hầu thân, hẹn cho vàng, lụa, lẽ
nào không được; vả chăng chúng là chỗ quen sẵn với cô "Đa" nên chỉ
nói một câu là xong.
Đêm ấy "Đa hồ đồ" rượu say ngủ vật ở giường. Đến trống
canh hai vắng người, Giả Liễn lén sang. Vừa trông thấy ả, hắn đã hồn phách rụng
rời, không kịp to nhỏ câu gì, vội cởi áo giở trò ngay. Ả này có một thú lạ trời
cho; hễ khi gần con trai là khắp người nó gân cốt mềm nhũn, khiến người ta có cảm
giác như nằm trên đống bông. Nó lại có cái lối khêu gợi, lẳng lơ, hơn cả bọn kỹ
nữ, nên ai nấy đều chết mệt. Giả Liễn say đắm quá, đến nỗi muốn được hóa thân
ngay trên người nó. Ả lại cố ý trêu cợt, nằm dưới nói:
- Em nhà lên đậu, đương cúng bà chúa, cậu phải kiêng mấy
ngày, sao lại vì em làm ô uế cả thân thể? Thôi cậu xa em ra!
Giả Liễn hứng quá, thở hồng hộc:
- Em là "bà chúa", chứ còn ai là "bà
chúa" nữa!
Ả càng trêu cợt, Giả Liễn càng giở hết trò xấu xa, xong đó
hai người chỉ non thề biển, xoắn xuýt không nỡ rời. Từ đấy trở thành mê nhau.
Mười hai hôm sau, Đại Thư đậu bay hết, cả nhà làm lễ tiễn
"Bà chúa", tế trời, cúng tổ, thắp hương tạ Phật, ăn mừng và ban thưởng
cho mọi người. Giả Liễn lại dọn về buồng ngủ. Trông thấy Phượng Thư, chính như
câu tục ngữ nói: "Vợ mới không bằng đi xa về". Đêm ấy hai người ân ái
biết bao, không cần phải nói.
Sáng hôm sau, Phượng Thư trở dậy lên nhà trên, Bình Nhi nhặt
nhạnh quần áo, chăn đệm của Giả Liễn ở bên ngoài đưa vào, không ngờ thấy ở
trong lần gối thò ra một mớ tóc. Bình Nhi biết ý, vội giấu vào trong tay áo, chạy
sang buồng bên, giơ mớ tóc ra cười hỏi Giả Liễn: "Cái gì thế này?" Giả
Liễn trông thấy, vội chạy lại chực giằng lấy, Bình Nhi chạy đi, bị Giả Liễn kéo
lại, đè lên giường cướp mớ tóc, cười nói:
- Con ranh này, mày không đưa, tao bóp gãy cổ bây giờ.
Bình Nhi cười nói:
- Cậu chẳng còn một tí lương tâm nào, tôi có bụng tốt giấu hộ
và hỏi riêng cậu, cậu lại giở lối ăn hiếp ra. Cậu cứ ăn hiếp đi, tôi sẽ mách mợ
cho mà xem.
Giả Liễn vội vàng van xin:
- Em ơi, em là người tốt, em thưởng cho ta vậy! Ta không dám
ăn hiếp nữa.
Nói chưa dứt lời, chợt nghe tiếng Phượng Thư, Giả Liễn bấy giờ
buông cũng giở, cướp lại cũng giở, đành phải nói:
- Xin em đừng mách nhé!
Bình Nhi vừa đứng dậy, Phượng Thư đã vào đến nơi, bảo Bình
Nhi mở hòm tìm thứ vải mẫu cho Vương phu nhân. Trong lúc Bình Nhi đang tìm, Phượng
Thư trông thấy Giả Liễn, chợt nghĩ ra bèn hỏi Bình Nhi:
- Đồ đạc hôm nọ mang ra ngoài kia đã nhặt hết về chưa?
- Nhặt hết rồi.
- Có thiếu gì không?
- Trước thiếu hai thứ, sau xem xét kỹ lưỡng, thấy không thiếu
thứ gì.
- Có thừa gì không?
- Không thiếu là.may, làm gì có thừa?
Phượng Thư lại cười:
- Trong mười mấy ngày trời, khó lòng giữ được trong sạch. Có
đứa nào hậu hĩ bỏ lại cái gì hoặc nhẫn, khăn mặt, túi thơm hay mớ tóc, móng tay
cũng chưa biết chừng!
Giả Liễn nghe đến câu ấy, mặt xám đi, đứng sau lưng Phượng
Thư, cứ lấm lét đưa mắt ra hiệu cho Bình Nhi. Bình Nhi làm ra dáng không trông
thấy, cười nói:
- Sao mà bụng tôi cũng giống hệt như bụng mợ! Tôi cũng ngờ ngợ
có gì khác chăng, nên đã chịu khó lục lọi từng tí một, nhưng không thấy dấu vết
gì, mợ không tin cứ lục lại mà xem.
Phượng Thư cười:
- Con ngốc này! Nếu có cái gì, ai lại chịu để cho chúng ta
tìm thấy?
Nói xong, mạơ những thứ vải mẫu đi ra.
Bình Nhi nhìn Giả Liễn, lắc đầu:
- Việc này cậu phải tạ tôi thế nào?
Giả Liễn mừng lắm, ngứa ngáy khắp người, chạy lại ôm lấy Bình
Nhi, kêu luôn mồm "ruột gan thân yêu của ta đây". Bình Nhi giơ món
tóc lên cười nói:
- Cái này tôi nắm đằng đuôi đây. Tử tế thì chớ, không thì tôi
lại chìa nó ra!
Giả Liễn cười:
- Em giữ cẩn thận, nhất thiết đừng để cho mợ biết nhé.
Mồm nói thế, nhưng mắt hắn vẫn nhìn. Lừa lúc Bình Nhi sơ ý, hắn
giơ tay cướp ngay lấy, cười nói:
- Em có giữ cũng chẳng làm gì, để anh đốt đi là xong chuyện.
Vừa nói vừa nhét mớ tóc vào trong ống giày.
Bình Nhi nghiến răng nói:
- Con người bất lương! Vừa qua cầu đã cất nhịp ngay! Sau này
cậu đừng hòng tôi giấu giếm hộ cho nữa!
Giả Liễn thấy vẻ ẻo lả trêu người của Bình Nhi, liền ôm lấy định
giở trò. Bình Nhi giật tay ra chạy. Giả Liễn tức giận nói:
- Con ranh chơi ác lắm, cứ khêu gợi người ta phát cuồng lên rồi
lại bỏ chạy.
Bình Nhi đứng ngoài cửa sổ, cười:
- Tôi khêu gợi mặc tôi, ai bảo cậu phát cuồng lên? Dễ thường
tôi chiều cậu để cho người ta biết lại ghen với tôi à? Giả Liễn nói:
- Không cần sợ ai, hễ nóng tiết lên là ta đập cho lọ giấm (11)
ấy vỡ tan tành, bấy giờ mới biết tay ta! Nó giữ ta như giữ giặc ấy. Nó nói chuyện
với trai thì được, lại cấm ta nói chuyện với gái? Hễ ta đứng gần ai là nó ngờ
ngờ vực vực, còn nó thì bất kỳ chú cháu, lớn bé, cứ cười đùa bừa đi, cũng đều
được cả. Từ giừ trở đi, ta không cho nó dàn mặt với đứa nảo nữa!.
Bình Nhi nói:
- Người ta giữ được cậu chứ cậu không thể ghen với người ta.
Người ta cử chỉ đứng đắn, chứ cậu thì phần nhiều không thẳng thắn, ngay tôi
cũng không yên lòng, còn nói gì ai.
Giả Liễn nói:
- Thôi được, các người đều một duộc với nhau, đều giữ phần phải
về mình, chỉ có ta là dở thôi. Có khi các người sẽ chết với ta!
Phượng Thư chạy về, thấy Bình Nhi đứng ngoài cửa sổ, hỏí:
- Muốn nói chuyện, sao không vào trong nhà, lại phải đứng
ngoài cửa sổ là nghĩa làm sao?
Giả Liễn ở trong nhà nói:
- Mợ hỏi nó mà xem, hình như ở trong nhà có con cọp chực vồ
người đấy!
Bình Nhi nói:
- Trong nhà ngoài cậu ra, không có ai, tôi ở đấy làm gì?
Phượng Thư cười:
- Không có ai thì càng hay chứ sao?
Bình Nhi nói:
- Mợ định nói tôi à?
- Chẳng nói cô còn nói ai?
- Đừng để tôi phải nói nữa.
Nói xong, không vén rèm cho Phượng Thư vào, vùng vằng bỏ đi
chỗ khác.
Phượng Thư phải tự vén rèm lấy, miệng lẩm bẩm:
- Con Bình điên rồi, mày định cưỡi cổ cả tao, giờ xác đấy!
Giả Liễn nằm ngay xuống giường, vỗ tay cười nói:
- Không biết Bình Nhi lại đáo để thế, từ giờ trở đi, phải chịu
nó đấy.
Phượng Thư nói:
- Tại cậu nuông nó, tôi chỉ trách cứ ở cậu.
Giả Liễn bĩu môi nói:
- Hai người lủng củng với nhau, lại chực gắp cả tôi vào. Tôi
lánh xa các người là xong.
- Để xem cậu lánh đi đâu?
- Tự khắc có chỗ.
Nói xong đứng dậy.
Phượng Thư nói:
- Đừng đi vội, tôi còn muốn nói một câu chuyện.
Chính là:
Gái đẹp đến giờ hay giận kín,
Vợ yêu từ trước vẫn ghen ngầm.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Hối khí: nghĩa là xấu, là xúi quẩy. Ở đây dùng nghĩa
bóng, ý nói mùi hôi phản lại hương là mùi thơm. Theo tiếng Trung Quốc: chữ
"Hối" và chữ "Huệ" đọc giống nhau.
(2). Tên bộ sách của Trang Chu, tức Trang tử, người đời Chiến
quốc.
(3). Trong kinh Nam hoa có chia làm hai phần: nội thiên cho
là của Trang tử làm; ngoại thiên cho là của người sau chép vào. Khư níp: mỏ trộm
cái hộp kín, là khám phá ra những lý lẽ bí ẩn.
(4). Sáu ống luật là những âm nhạc cổ.
(5). Tên một nhạc sư nước Tấn
Hồi 22:
Nghe câu hát, Bảo Ngọc hiểu đạo thiền;
Đánh đố thơ, Giả Chính lo lời sấm.
Nghe Phượng Thư nói, Giả Liễn đứng lại hỏi việc gì. Phượng
Thư nói:
- Hai mươi mốt này là ngày sinh nhật cô Bảo Thoa, cậu định
làm thế nào?
- Tôi biết đâu đấy, xưa nay bao nhiêu lễ sinh nhật lớn, một
mình mợ lo liệu được cả, bây giờ hỏi, tôi chẳng biết làm thế nào?
- Lễ sinh nhật lớn đã có lệ sẵn, nhưng lần này lớn không ra lớn,
nhỏ không ra nhỏ, vì thế phải bàn với cậu.
Giả Liễn cúi đầu nghĩ ngợi một lúc nói:
- Mợ lẩn thẩn thật! Kể ra cũng có: lễ sinh nhật cô Lâm tức là
lệ đấy. Năm ngoái mợ làm cho cô Lâm thế nào, năm nay cũng nên làm cho cô Bảo
như thế.
Phượng Thư cười nhạt:
- Dễ thường tôi không biết? Tôi cũng đã nghĩ đến. Nhưng vì
hôm qua bà hỏi đến sinh nhật của mọi người, nghe nói cô Bảo năm naỵmười lăm tuổi,
không những là ngày sinh nhật, mà lại đến tuổi cập kê(#1) rồi. Người bảo muốn
lâm lễ sinh nhật cho cô ấy, tất nhiên không giống như của cô Lâm.
- Nếu thế thì làm to hơn một chút.
- Tôi cũng nghĩ như thế, nên mới phải hỏi cậu, cứ tự tiện
làm, cậu lại kêu sao không nói trước.
- Thôi, thôi! Tử tế nước bọt ấy tôi không cần. Mợ không tra hỏi
tôi là được rồi, tôi còn trách mợ nữa ư?
Nói xong hắn đi một mạch.
Sử Tương Vân đã ở chơi hai ngày, muốn xin về. Giả mẫu bảo:
- Cháu hãy ở lại, đến ngày sinh nhật chị Bảo, xem hát xong sẽ
về.
Tương Vân vâng lời ở lại, sai người về nhà lấy hai bức thêu của
mình sang mừng Bảo Thoa.
Từ ngày Bảo Thoa đến, Giả mẫu thấy cô ta là người đứng đắn,
hòa nhã, nên rất yêu. Nhân gặp ngày sinh nhật lần thứ nhất của cô ta, Giả mẫu bỏ
ra hai mươi lạng bạc gọi Phượng Thư đến bảo sửa tiệc rượu, bày trò chơi.
Phượng Thư nhân lúc vui, nói pha trò:
- Bà làm lễ sinh nhật cho các cháu, thế nào không được, còn
ai dám nói? Nhưng bà lại sửa cả tiệc rượu nữa kia à? Muốn cho bữa tiệc vừa vui
vừa nhộn, bà cũng nên bỏ ra một số tiền nữa! Nay chỉ trơ có hai mươi lạng bạc mốc
meo này chi vào tiệc rượu, ý chừng bà muốn bắt các cháu phải bù nữa chăng? Nếu
quả không có tiền đã đành, nhưng vàng bạc, thoi tròn, thoi dài, để phũng cả đáy
hòm, chỉ tội làm phiền cho các cháu. Bà thử nghĩ xem, ai chẳng là cháu? Sau này
chẳng lẽ chỉ có một mình chú Bảo rước bà lên Ngũ Đài Sơn(#2) thôi à? Sao cái gì
bà cũng ki cóp để dành cho chú ấy! Chúng cháu tuy không đáng được dùng của này,
nhưng bà cũng không nên làm rầy chúng cháu. Món tiền này liệu có đủ sửa tiệc rượu
và bày trò chơi không?
Nghe nói, cả nhả cười rộ lên. Giả mẫu cũng cười:
- Các người hãy nghe cái mồm nó kìa! Kể ra ta nói cũng khéo,
nhưng bì thế nào được với con quái ấy! Mẹ chồng nó cũng còn chẳng dám nỏ mồm,
nó lại cứ lem lém với ta à?
Phượng Thư cười:
- Mẹ chồng cháu cũng thương Bảo Ngọc như bà, cháu không có chỗ
nào kêu oan! Bây giờ bà lại bảo cháu là nỏ mồm!
Giả mẫu nghe nói rất vui, lại phì cười một lần nữa.
Đến chiều, mọi người đều đến nhà Giả mẫu. Thăm hỏi xong, cả
nhà, mẹ con, chị em chuyện trò vui vẻ. Giả mẫu hỏi Bảo Thoa thích nghe vở hát
gì? Muốn ăn thức ăn gì? Bảo Thoa vốn biết Giả mẫu tuổi già, thích nghe những vở
hát vui nhộn, thích ăn những đồ ăn nhừ, ngọt, liền chọn cái gì Giả mẫu thường
thích, kể ra một lượt. Giả mẫu lại càng vui. Hôm sau Giả mẫu cho mang quần áo,
đồ chơi đến mừng. Vương phu nhân, Phượng Thư, Đại Ngọc, kẻ nhiều người ít, đều
mang đồ mừng sang.
Đến ngày hai mươi mốt, trong nhà Giả mẫu dựng một cái sân khấu
xinh đẹp, chọn một ban hát mới có cả hai điệu côn và giặc(#3). Tiệc rượu thân mật
đặt trong buồng Giả mẫu, có Tiết phu nhân, Sử Tương Vân và Bảo Thoa là khách,
còn đều là người trong nhà cả.
Hôm ấy, sáng sớm dậy, Bảo Ngọc không thấy Đại Ngọc, bèn đến
buồng tìm, gặp Đại Ngọc đang nằm nghiêng trên giường. Bảo Ngọc cười nói:
- Thôi dậy ăn cơm, rồi đi xem hát! Em thích nghe vở nào, anh
sẽ chấm cho.
Đại Ngọc cười nhạt:
- Anh đã nói thế, phải tìm riêng một ban hát, chọn những bài
nào em thích thì hát cho em nghe, chứ đi nghe nhờ thì đừng hỏi nữa.
Bảo Ngọc cười:
- Việc ấy khó gì? Ngày mai anh gọi một ban hát đến đây, thế
là họ lại phải nghe nhờ chúng ta.
Nói xong kéo Đại Ngọc dậy, dắt tay nhau đi ăn cơm.
Khi chấm vở, Giả mẫu bảo Bảo Thoa chấm. Từ chối mãi không được,
Bảo Thoa đành phải chấm một hồi trong vở Tây Du Ký. Giả mẫu vui lắm, lại bảo
Phượng Thự Phượng Thư biết Giả mẫu thích vui, thích cười đùa, nên chấm ngay vở
"Lưu Nhị đương ỳ". Giả mẫu lại càng vui, rồi lại bảo Đại Ngọc. Đại Ngọc
xin nhường cho Vương phu nhân, Tiết phu nhân chấm trước.
Giả mẫu nói:
- Hôm nay ta cốt cùng các cháu bày cuộc vui. Chúng ta cứ biết
chúng ta, đừng nghĩ đến các bà ấy. Nhất là bày ra tiệc rượu, ca hát có phải vì
các bà ấy đâu! Các bà ấy được nghe hát, uống rượu, thế là tốt rồi, lại còn phải
mời chấm vở nữa kia à!
Nghe nói cả nhà cười ầm lên.
Đại Ngọc chấm xong một vở, rồi đến Bảo Ngọc, Sử Tương Vân,
Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân và Lý Hoàn đều chấm cả. Các vở cứ lần lượt
theo thế mà diễn.
Đến lúc vào tiệc rượu, Giả mẫu lại sai Bảo Thoa chấm vở. Bảo
Thoa chấm vở Lỗ Trí Thâm say rượu làm nhộn ở núi Ngũ Đài.
Bảo Ngọc hỏi Bảo Thoa:
- Chị chỉ thích nghe những vở hát ấy!
- Anh nghe hát đã mấy năm nay, vẫn không biết, vở này dàn cảnh
và lời văn đều hay cả.
- Tôi sợ những vở này nhộn quá.
- Vở này mà bảo là nhộn! Anh thật không biết nghe hát! Lại
đây tôi nói cho mà nghe. Đây là một điệu Bắc: Điểm giáng thần. Điệu rất du
dương trầm bổng. Âm luật lại càng không cần phải nói. Về lời văn có bài Ký sinh
thảo rất hay, chắc anh chưa được nghe bao giờ.
Bảo Ngọc thấy nói bài ấy văn hay, liền xích lại gần:
- Xin chị đọc cho tôi nghe.
Bảo thoa liền đọc:
Anh hùng chùi nước mắt,
Xử sĩ tiếc chi nhà.
Lạy Di đà, cắt tóc dưới tòa sen Phật.
Hết duyên pháp, chớp mắt thành ly biệt,
Trần trùi trụi, đi về không vướng víu.
Tìm đâu tá, nón mưa áo khói một mình đi?
Mặc kệ ta, giày rơm bát vỡ theo duyên đến!
Bảo Ngọc nghe xong, thích quá, vỗ đùi, lắc đầu, khen mãi. Lại
khen Bảo Thoa học rộng, không sách nào không biết.
Đại Ngọc bĩu môi:
- Hãy im mà nghe, chưa hát vở Sơn môn (#4) anh lại đã muốn
Trang phong (#5) rồi.
Giả mẫu yêu nhất hai đứa bé đóng vai nữ và vai hề, bảo người
dắt chúng lên, thấy rất đáng thương. Hỏi tuổi, đứa đóng vai nữ mới mười một, đứa
đóng vai hề mới lên chín. Mọi người đều than thở. Giả mẫu sai lấy đồ ăn và hai
quan tiền thưởng cho chúng. Phượng Thư cười nói:
- Thằng bé này lúc đóng vai nữ trông hệt như một người, thế
mà chẳng ai biết cả.
Bảo Thoa hiểu ra ngay, chỉ gật đầu không nói gì. Bảo Ngọc
cũng gật đầu không dám nói. Tương Vân mau miệng nói:
- Tôi biết rồi, trông giống cô Lâm.
Nghe vậy, Bảo Ngọc vội đưa mắt ra hiệu cho Tương Vân. Mọi người
để ý nhìn kỹ, rồi cười ầm lên: "Quả là giống cô Lâm thật". Một lúc tiệc
tan.
Đêm về, Tương Vân sai Thúy Lũ xếp quần áo, đồ đạc. Thúy Lũ hỏi:
- Việc gì mà cô vội thế, lúc nào đi thu xếp cũng vừa.
- Sáng mai về sớm. Ở đây làm gì nữa? Mày không thấy nét mặt
người ta có vẻ không ưa đấy à?
Bảo Ngọc nghe thấy, vội đến kéo Tương Vân lại:
- Em hiểu lầm tôi. Em Lâm là người hay chấp, ai cũng biết cả,
nhưng không muốn nói ra, vì sợ em Lâm giận. Ngờ đâu em buột mồm nói ngay, em
Lâm lại không giận à? Tôi sợ em làm mất lòng em Lâm, nên đưa mắt ra hiệu. Bây
giờ em lại giận tôi, há chẳng phụ lòng tôi hay sao? Nếu phải như ai, dù có gây
chuyện với mười người, tôi cũng mặc kệ chẳng liên quan gì đến tôi!
Tương Vân hất tay:
- Những giọng văn hoa ấy đừng nói với tôi - tôi bì thế nào được
với cô Lâm nhà anh! Người ta nói đùa cô ấy thì được, tôi nói lại có lỗi ngaỵ
Tôi vốn không đáng nói chuyện với cô ta, cô chủ nhà, tôi chỉ là hạng con hầu đầy
tớ thôi!
Bảo Ngọc vội nói:
- Thế ra vì em lại thành ra tôi có lỗi với em. Nếu tôi xấu bụng,
xin lập tức hóa ra tro, cho mọi người giầy xéo lên.
Tương Vân nói:
- Đầu giêng năm mới, đừng có mở miệng là nói những câu nhảm
nhí. Anh có thề, cứ thề với cái người tính nết nhỏ nhen, động một tí là giận dỗi;
thề với cái người cai quản được anh ấy! Đừng để cho tôi phải bực mình với anh!
Tương Vân nói xong, hầm hầm đến ngay buồng Giả mẫu nằm xoài
ra.
Bảo Ngọc chán ngán, lại đến tìm Đại Ngọc. Ngờ đâu vừa bước
chân vào cửa, Đại Ngọc đã đẩy ra, đóng sập cửa lại. Bảo Ngọc không hiểu ra sao,
đứng ngoài cửa sổ khẽ gọi: "Em ơi! em ơi!" Đại Ngọc mặc kệ không trả
lời, Bảo Ngọc buồn quá, đứng rũ đầu không nói gì. Tử Quyên biết rõ đầu đuôi câu
chuyện, nhưng chắc khuyên can ngay cũng chẳng được nào. Bảo Ngọc vẫn đứng ngẩn ở
ngoài.
Đại Ngọc tưởng Bảo Ngọc đã về, mở cửa ra, thấy Bảo Ngọc vẫn đứng
đấy, không tiện đóng lại. Bảo Ngọc theo vào hỏi:
- Việc gì cũng phải có duyên do, cứ nói ra để cho người ta khỏi
áy náy. Sao tự nhiên em lại đâm ra giận dỗi?
Đại Ngọc cười nhạt:
- Tôi ấy à! Chẳng biết ra làm sao cả. Các người định đem tôi
ra đùa! Đem tôi ví với con hát để làm trò cười cho các người!
- Tôi chẳng ví em, cũng chẳng cười em bao giờ, làm sao em lại
giận tôi?
- Anh còn phải ví, còn phải cười! Anh không ví, không cười, nhưng
so với người ví, người cười lại độc ác hơn.
Bảo Ngọc nghe nói, chẳng biết phân trần thế nào, lặng lẽ
không nói nửa lời.
Đại Ngọc lại nói:
- Điều ấy còn có thể tha thứ được. Nhưng làm sao anh lại còn
đưa mắt cho con Vân? Bụng dạ anh là thế nào? Có phải anh cho rằng người ta đùa
với tôi là người ta tự hạ thấp con người xuống không? Người ta là tiểu thư nhà
công hầu, tôi là con nhà bình dân. Người ta đùa tôi, lỡ tôi nói lại, chẳng hóa
ra làm mất giá đi hay sao? Có phải anh nghĩ thế không? Có thể là bụng anh tốt
nhưng người ta không nhận cái tốt ấy, cũng lại giận anh. Anh lại đem tôi ra để
lấy lòng người ta, bảo là tôi "tính nết nhỏ nhen, động một tí là giận dỗi".
Anh lại sợ người ta gây chuyện với tôi để tôi giận người tạ Tôi giận người ta
hoặc người ta gây chuyện với tôi thì việc gì đến anh?
Bảo Ngọc nghe thế, biết câu chuyện mình nói nhỏ với Tương Vân
vừa rồi, Đại Ngọc nghe thấy cả, nghĩ bụng: "Chỉ vì mình sợ hai người giận
nhau, nên ở giữa giàn xếp, không ngờ cả hai lại đều lèo nhèo trách móc mình.
Đúng như kinh Nam hoa đã nói: Người khéo chỉ tổ nhọc xác, người khôn chỉ tổ lo
phiền, người đần độn không cần gì cả, cứ việc ăn chơi thảnh thơi như thuyền
không buộc vào cọc, lênh đênh trôi giữa dòng sông. Lại có câu: Rừng núi tự gọi
kẻ cướp đến, sông ngòi tự gọi kẻ trộm đến(#6). Càng nghĩ càng thấy chẳng thú vị
gì; xét cho cùng, bây giờ chỉ có vài người, mà mình không thu xếp cho êm thấm,
thì sau này còn làm gì nên thân?" Nghĩ đến đó, Bảo Ngọc không buồn phân trần,
liền quay về buồng. Đại Ngọc thấy vậy, biết Bảo Ngọc chán nản, bực bội bỏ đi,
chẳng nói câu gì, nên càng bực mình thêm, liền nói: "Từ rày, suốt đời đừng
đến đây nữa cũng xong!"
Bảo Ngọc không để ý đến câu nói ấy, về nằm sõng sượt ở giường,
buồn thiu. Tập Nhân biết đầu đuôi câu chuyện, nhưng không dám nói, chỉ muốn
đánh lảng ra việc khác cho khuây khỏa, nhân cười hỏi:
- Hôm nay nghe hát rồi, mai kia chắc cậu lại được nghe nữa.
Thế nào cô Bảo chẳng mời lại.
Bảo Ngọc cười nhạt:
- Mời lại hay không, có việc gì đến tôi!
Tập Nhân thấy câu nói khác thường, bèn cười:
- Thế là thế nào? Năm mới tốt lành, mẹ con, chị em ai cũng
vui vẻ cả, sao cậu lại thế?
- Mẹ con chị em người ta vui hay không, cũng không can gì đến
tôi!
- Cả nhà vui thì cậu cũng nên vui một tí có hơn không?
- Cả nhà là thế nào? Họ có người này người nọ chứ tôi thì chỉ
trần trùi trụi, chả bấu víu vào đâu cả?
Nói đến đây, Bảo Ngọc tự nhiên nhỏ nước mắt. Tập Nhân thấy
quang cảnh ấy, không dám hỏi nữa. Bảo Ngọc ngẫm nghĩ câu vừa rồi, khóc òa lên,
đứng phắt dậy, đến bên án thư cầm bút viết một câu kệ:
Người chứng, ta chứng(#7), lòng chứng, ý chứng. Đã không có
chứng, mới gọi là chứng. Không có gì chứng, mới là chỗ đứng.
Viết xong, bản thân tuy đã hiểu, nhưng sợ người xem không hiểu,
Bảo Ngọc lại viết thêm khúc "Ký sinh thảo" ở sau kệ, rồi đọc lại một
lượt, trong bụng thấy khoan khoái, không vướng víu gì, liền lên giường ngủ.
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc vừa rồi đi ra một cách quả quyết, bèn
lấy cớ đến hỏi thăm Tập Nhân để xem ý tứ ra sao. Tập Nhân nói:
- Cậu ấy đi ngủ rồi.
Đại Ngọc muốn về ngaỵ Tập Nhân lại nói:
- Cô hãy đứng lại xem cái giấy này trong viết những gì?
Rồi đem tờ giấy Bảo Ngọc vừa viết đưa cho Đại Ngọc xem. Biết
Bảo Ngọc vì một lúc tức giận mà làm ra bài này, đáng cười lại đáng than, Đại Ngọc
liền bảo Tập Nhân:
- Cậu ấy viết đùa đấy, chẳng có gì đâu.
Nói xong cầm tờ giấy về buồng.
Đến hôm sau, Đại Ngọc đưa cho Bảo Thoa, Tương Vân cùng xem. Bảo
Thoa đọc lên có những câu:
Không phải ta không phải người,
Theo ai nhưng chẳng biết là ai?
Tha hồ đi lại không vướng mắc,
Vui vẻ hão huyền thôi cũng mặc.
Thân sơ ai có kể làm chi!
Trước đây lận đận bởi duyên gì?
Bây giờ nghĩ lại thật là vô vị!
Bảo Thoa đọc xong, xem lại những câu kệ, cười nói:
- Người này đã tỉnh ngộ rồi đây. Đó là lỗi ở tôi, vì hôm nọ
tôi đọc cho anh ấy nghe một bài hát, thành ra gợi chuyện này. Những lời bí ẩn
trong sách đạo dễ làm người ta thay đổi tính tình. Sau này anh ấy cứ cho những
câu nói gàn dở là phải, lúc nào bụng cũng nghĩ vớ vẩn, há chẳng phải là tự tôi
đọc một bài hát mà sinh ra lắm chuyện hay sao? Tôi thật là đầu têu việc này!
Nói xong, Bảo Thoa xé vụn tờ giấy, bảo a hoàn đốt đi. Đại Ngọc
cười nói:
- Cần gì phải xé, để tôi hỏi anh tạ Chị em cứ theo tôi. Tôi sẽ
làm cho anh ta chừa những ý nghĩ ngây ngô đi.
Ba người cùng sang gặp Bảo Ngọc. Đại Ngọc cười, nói:
- Anh Bảo Ngọc, tôi hỏi anh! Qúy nhất là của "bảo",
bền nhất là "ngọc". Anh có gì là quý, là bền?
Bảo Ngọc không trả lời được. Ba người đều cười nói:
- Ngu ngốc như thế mà muốn "tham thiền"(#8).
Đại Ngọc nói:
- Anh nói trong kệ: không có gì chứng. mới là chỗ đứng, câu ấy
cũng đúng, nhưng cứ ý tôi thì chưa đủ, nên nói thêm câu này:
Không có chỗ đứng, mới thực can tịnh(#9).
Bảo Thoa cười nói:
- Đúng đấy, như thế mới là hiểu thấu đạo Phật. Ngày trước vị
tổ thứ sáu của Nam Tông là Huệ Năng đi tìm thầy, đến Thiều Châu, nghe nói có vị
tổ thứ năm là Hoẵng Nhẫn ở Hoàng Mai, liền vào xin làm "hỏa đầu
tăng"(#10). Tổ thứ năm muốn tìm người thừa tự đạo Phật. bảo các sư mỗi người
làm một bài kệ. Sư thượng tọa là Thần Tú nói: Mình là cây bồ đề, lòng như đài
gương sáng. Phải nên lau chùi luôn, đừng để cát bụi bám. Bấy giờ sư Huệ Năng
đương giã gạo ở dưới bếp, nói: "Hay thì hay thực, nhưng chưa được trọn
nghĩa". Nhân đọc một bài kệ: Bồ đề nào phải cây, gương sáng nào phải đài,
không có vật gì cả, đâu vướng bụi trần ai. Tổ thứ năm bèn đem áo và bát(#11)
truyền cho sư Huệ Năng. Câu kệ vừa rồi cũng là nghĩa ấy, nhưng mới chỉ là câu
bí ẩn, chưa hoàn toàn kết thúc, không lẽ nửa chừng lại thôi hay sao?
Đại Ngọc cười nói:
- Lúc nãy không trả lời được, thế là anh ấy thua rồi; bây giờ
có trả lời cũng chẳng lấy gì làm giỏi. Thôi từ nay trở đi anh không được nói
chuyện đạo Phật nữa. Ngay những điều hai chúng tôi biết, anh cũng còn chưa hiểu,
thế mà cũng đòi tham thiền!
Bảo Ngọc vẫn cứ cho mình là đã giác ngộ, không ngờ bị Đại Ngọc
hỏi một câu không trả lời được; lại đến Bảo Thoa lôi chuyện trong Ngữ lục(#12)
ra, đều là những chuyện đột ngột bất ngờ. Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Họ hiểu biết
trước ta, cũng còn chưa giác ngộ, sao ta lại tự chuốc lấy khổ não vào
mình". Rồi cười nói:
- Ai tham thiền? Chẳng qua nói đùa một lúc đấy thôi.
Sau đó, bốn người lại vui vẻ như cũ.
Chợt có người báo: Nguyên phi sai người mang đến cái đèn có
viết câu đố, bảo mọi người đoán xem. Đoán xong, mỗi người viết một câu dâng
lên.
Bốn người nghe nói, vội chạy đến buồng Giả mẫu, thấy một thái
giám nhỏ mang cái đèn lụa trắng, bốn góc bằng nhau, trên lụa đã viết sẵn câu đố.
Mọi người tranh nhau đoán. Viên thái giám nhỏ nói:
- Các vị đoán xong đừng nói ra, cứ viết kín và niêm phong đệ
lên để người xem ai đoán đúng.
Bảo Thoa đến gần thấy một bài thơ bốn câu bảy chữ, không có
gì mới lạ, nhưng cũng khen ngợi, kêu là khó đoán lắm. Rồi giả cách như nghĩ ngợi,
nhưng thực ra cô ta đã đoán được rồi. Bọn Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Tương Vân, Thám
Xuân đều đoán cả. Lại gọi bọn Giả Hoàn, Giả Lan đến đoán. Sau đó mỗi người lấy
một vật gì làm thành câu đố, viết cẩn thận vào giấy và treo lên đèn.
Viên thái giám đi về, đến chiều, đưa dụ ra: "Bài của quý
phi đố, các vị đều đoán đúng cả, chỉ có cô Hai và cậu Ba là đoán sai. Những câu
đố của các vị tiểu thư, người đã đoán cả rồi, không biết có đúng hay
không?" Hắn giở những câu Nguyên phi đoán ra, có câu đúng, cũng có câu
sai, kể lại một lượt. Viên thái giám lại đem những đồ thưởng ra cho những người
đoán đúng. Mỗi người được một cái ống đựng thơ do trong cung làm ra và một cái
thìa lấy bã chè. Chỉ có Nghênh Xuân, Giả Hoàn là không được gì cả. Nghênh Xuân
cho là trò chơi nhỏ nhặt không để ý đến, duy Giả Hoàn thì buồn bực. Viên thái
giám lại nói:
- Câu đố của cậu Ba không thông, quý phi không đoán, bảo tôi
mang đến hỏi cậu Ba là cái gì?
Mọi người nghe nói, đến xem, thấy hắn viết:
Anh Cả có những tám sừng,
Anh Hai chỉ có hai sừng mà thôi.
Trên giường anh Cả ngồi chơi.
Cửa buồng chồm chỗm anh Hai thích ngồi.
Xem xong, ai nấy cười ồ lên, Giả Hoàn nói với viên thái giám:
- Một câu là cái gối, một câu là đầu con thú.
Ghi xong, viên thái giám uống nước rồi về.
Giả mẫu thấy Nguyên Xuân có những trò chơi hứng thú, lại càng
vui thêm, bèn sai làm một cái đèn lồng rất khéo và đẹp, để ở giữa nhà, bảo bọn
chị em mỗi người viết một câu đố, dán ở ngoài đèn, rồi sửa soạn những đồ thưởng,
như chè thơm, quả tươi cùng các đồ chơi khác.
Giả Chính đi chầu về, thấy Giả mẫu vui, vả lại, giữa ngày
xuân, nên chiều hôm ấy ông ta cũng sang hầu để mẹ vui thêm.
Mâm trên Giả mẫu, Giả Chính và Bảo Ngọc; mâm dưới có Vương
phu nhân, Bảo Thoa, Đại Ngọc và Tương Vân; dưới nữa là Nghênh Xuân, Thám Xuân
và Tích Xuân. Các bà hầu già và bọn a hoàn đứng hầu xung quanh. Mâm gian trong
thì Lý Cung Tài và Vương Hy Phượng.
Giả Chính hỏi:
- Sao không thấy Giả Lan đâu?
Bọn hầu vào hỏi Lý thị. Lý thị đứng dậy cười nói:
- Cháu nó không thấy ông gọi, nên không chịu đến.
Người hầu ra trình Giả Chính. Mọi người cười nói:
- Thằng cháu ương gàn quá!
Giả Chính liền bảo Giả Hoàn và người hầu gọi Giả Lan đến. Giả
mẫu cho ngồi bên cạnh và cho ăn quả. Cả nhà chuyện trò vui vẻ.
Bảo Ngọc xưa nay vẫn hay nói ba hoa, nay có Giả Chính ngồi đấy,
nên chỉ ngồi yên vâng vâng dạ dạ. Tương Vân tuy là con gái, vốn thích chuyện
trò cười đùa, nhưng cũng khóa miệng nốt. Đại Ngọc thì hay làm vẻ không thích
nói nhiều. Bảo Thoa thì hay giữ gìn cẩn thận, cũng ngồi yên không nói gì. Thành
ra tiệc vui trong gia đình, nhưng vẫn thấy gò bó.
Giả mẫu biết là có Giả Chính ở đấy, nên uống hết ba tuần rượu,
liền giục Giả Chính về nghỉ. Giả Chính biết ý Giả mẫu bảo mình về để cho các
cháu được thoải mái, liền cười nói:
- Hôm nay được nghe bà đặt tiệc, đố đèn, nên con mang rượn và
lễ vật đến xin vào hội, sao bà lại không chia sẻ lòng thương yêu các cháu cho
con một chút nào?
Giả mẫu cười nói:
- Vì anh ở đây, chúng nó không dám vui cười, khiến ta buồn.
Anh muốn đoán câu đố, ta ra cho một câu, nếu đoán không đúng thì phải phạt.
Giả Chính vội cười:
- Vâng, xin chịu phạt; nếu đoán đúng, xin bà thưởng cho.
- Cái ấy cố nhiên.
Rồi giả mẫu đọc luôn:
- Con khỉ lơ lửng bám trên cành (Đố tên một thứ quả).
Giả Chính biết ngay tà quả vải, nhưng cố ý đoán sai, để chịu
phạt mấy thứ rồi mới đoán đúng. GIả mẫu lại thưởng cho mấy thứ. Sau Giả Chính lại
đọc một câu đố để Giả mẫu đoán:
- Mình thì vuông vắn, chất thì cứng rắn, tuy không biết nói,
trả lời đúng đắn. (Đố một thứ đồ dùng).
Ông ta đọc xong, rồi khẽ bảo Bảo Ngọc. Bảo Ngọc biết ý, khẽ đến
gà Giả mẫu. Giả mẫu nghĩ một lúc cho là đúng, liền nói:
- Đó là cái nghiên.
Giả Chính cười nói:
- Bà đoán một lần đúng ngay.
Rồi quay lại bảo đem đồ mừng đến. Bọn hầu vâng lời mang hết
khay lớn, khay nhỏ lên. Giả mẫu xem từng cái một, đều là đồ mới đẹp, để dùng
vào ngày hội hoa đăng cả, trong bụng rất vui, liền bảo:
- Rót rượu cho cha mày uống.
Bảo Ngọc rót rượu, Nghênh Xuân dâng rượu. Giả mẫu bảo Giả
Chính:
- Những câu viết ở trên đèn lồng đều là của chị em nó làm cả.
Anh thử đoán đi cho ta nghe.
Giả Chính vâng lời, đến gần bình phong, thấy một câu của
Nguyên phi viết:
Yêu ma hồn vía còn chăng,
Mình như cuốn lụa hơi đằng sấm ran.
Ai nghe thấy cũng hết hồn,
Ngoảnh đầu nhìn lại tro tàn khói bay.
(Đố một thứ đồ chơi)
Giả Chính nói:
- Đó là cái pháo.
Bảo Ngọc đáp:
- Đúng.
Giả Chính lại xem câu của Nghênh Xuân:
Trời chuyển, người xoay, lý chẳng cùng,
Người xoay trời đứng cũng không xong,
Tại vì tính toán quanh co mãi,
Mà số âm dương vẫn chửa thông!
(Đố một thứ đồ dùng).
Giả Chính nói:
- Đó là bàn tính.
Nghênh Xuân cười nói:
- Đúng.
Giả Chính lại xem câu đố của Thám Xuân:
Trẻ con ngửa mặt nhìn trời,
Thanh minh là tiết dong chơi hợp thì.
Mỏng manh một sợi du ti,
Biệt ly đừng có trách gì gió đông.
(Đố một đồ chơi)
Giả Chính nói:
- Đó là cái diều.
Thám Xuân nói:
- Đúng.
Lại xem một bài:
Kiếp trước long đong ngán phận mình,
Nghe ca không thích thích nghe kinh!
Đừng cho thân đã chìm trong bể,
Chói lọi còn nguyên chữ tính linh.
(Đố một thứ đồ dùng)
Giả Chính đoán:
- Đó là cái đèn đại hải trước cửa Phật.
Tích Xuân cười nói:
- Đúng là đèn đại hải.
Giả Chính trong lòng suy nghĩ: "Qúy phi làm bài cái pháo
là một thứ nổ tan tành; Nghênh Xuân làm bài cái bàn tính là một thứ biến động
lung tung; Thám Xuân đố cái diều là một thứ nhẹ bay trước gió; Tích Xuân làm
cái đèn đại hải, một thứ tịch mịch cô đơn. Lúc này giữa tiết thượng nguyên, sao
chúng nó lại chơi những trò quái gở ấy?" Giả Chính càng nghĩ càng buồn. Chỉ
vì đứng trước Giả mẫu nên ông ta không dám lộ ra sắc mặt, đành cứ gắng gượng
xem suốt lượt. Xem đến câu của Bảo Thoa là một bài thơ thất ngôn:
Áo chầu đầy khói để ai mang?
Đàn đấy, chăn đây, luống bẽ bàng,
Chú lính sớm không cần đếm thẻ,
Chị hầu đêm cũng biếng thêm hương,
Vùi đầu trải biết bao hôm sớm,
Đốt ruột không nài mấy tuyết sương,
Thấm thoát bóng xuân đà đáng tiếc,
Kể gì thay đổi cuộc tang thương.
(Đố một thứ đồ dùng)
Giả Chính xem xong, nghĩ bụng: "Vật này cũng dễ đoán
thôi. Có điều người còn ít tuổi mà đã nói ra những điềm không haỵ Xem ra không
phải là hạng người được hưởng phúc". Nghĩ đến đấy, ông ta cúi đầu im lặng,
có vẻ thương cảm, mất hết tính tình vui vẻ lúc đầu.
Giả mẫu thấy thế, cho là Giả Chính đã mệt, lại sợ các cháu bị
gò bó, không được chơi đùa tự do, liền bảo:
- Anh không cần phải ở đây nữa, về nghỉ thôi, để ta ngồi chơi
với các cháu một lúc.
Giả Chính nghe nói, vâng lời, lại cố mời Giả mẫu uống thêm một
tuần rượu nữa, rồi xin phép ra về. Đến buồng, ông ta ngẫm nghĩ mãi, càng thấy
buồn thiu, trằn trọc không sao ngủ được.
Giả mẫu thấy Giả Chính về rồi, bảo:
- Bây giờ các cháu vui chơi đi.
Nói chưa dứt lời thì Bảo Ngọc đã như con khỉ sổ xích, chạy đến
trước cái đèn lồng, chỉ đông chỉ tây, chê bai luôn mồm, câu này không hay, câu
kia không đúng. Bảo Thoa liền nói:
- Cứ ngồi một chỗ mà cười nói như trước, có phải đứng đắn hơn
không?
Phượng Thư ở trong nhà chạy ra nói góp:
- Hạng người như chú, thì phải bắt ở liền bên ông, không được
rời đi một bước mới được. Vừa rồi quên mất, làm sao trước mặt ông lại không bắt
chú làm mấy câu đố? Sợ chú lại không toát mồ hôi!
Bảo Ngọc vội nắm lấy Phượng Thư, nũng nịu một lúc. Giả mẫu
cùng với Lý Cung Tài và bọn chị em cười nói một hồi, chừng đã mệt, xem đồng hồ
đã canh tư, liền sai mang các thứ đồ ăn thưởng cho người nhà, rồi đứng dậy nói:
- Thôi chúng ta đi nghỉ, mai còn là ngày tết, nên dậy sớm một
tí, đến chiều lại chơi.
Tiệc tan, mọi người ra về.
Chú thích:
(1-). Theo tục cổ ở Trung Quốc, con gái đến mười lăm tuổi thì
cài trâm.
(2-). Tên một quả núi thuộc tỉnh Sơn tây Trung Quốc. Tương
truyền nơi Phật hóa thân.
(3-). Côn sơn vả Giặc đương là hai điệu hát. Côn thuộc về nhã
nhạc. Giặc thuộc về tạp hí.
(4-). Tích Lỗ Trí Thâm say rượu... nói ở trên.
(5-). Tên một khúc hát, diễn tích Uất Trì Kính Đức đời Đường
giả điên. Ở đây Đại Ngọc dùng tiếng song quan để giễu Bảo Ngọc. Câu này còn có
nghĩa: chưa hát "Sơn môn" anh đã giả điên.
(6-). Ý nói những chỗ rừng núi sông ngòi tự nhiên thành chỗ tụ
tập của kẻ cướp kẻ trộm.
(7-). Bài kệ này viết theo giáo lý nhà Phật. Chứng là theo bằng
chứng, giáo nghĩa là giáo lý. Chứng có nhiều bực, từ sắc giới đi đến không giới.
Bài kệ này là theo ý bài "Ký sinh thảo" trong vở Sơn môn mà Bảo Ngọc
suy rộng ra.
(8-). Hiểu theo đạo Phật.
(9-). Sạch sẽ và im lặng. Câu này theo nghĩa bài kệ trên, lên
cao một bậc nữa, tức là thoát hẳn ra "không giới".
(10-). Sư nấu bếp.
(11-). Áo là áo cà sa, bát lả bát khất thực (xin ăn). Theo tục
lệ đạo Phật ngày trước, các tín đồ nuôi các sư, đến bữa vác bát đi lấy cơm, gọi
là khất thực, nhà sư tùy thân chỉ có cái áo và cái bát, sư thầy truyền đạo cho
người thừa tự, gọi là "truyền y bát".
(12-). Sách chép những triết học, tư tưởng và ngôn luận của
các danh tăng.
Hồi 23:
Mượn câu văn Tây Sương ký, giở giọng giỡn đùa;
Nghe khúc hát Mẫu đơn đình, chạnh lòng hờn tủi.
Nguyên phi sau khi từ vườn Đại quan về cung, sai Thám Xuân
chép lại tất cả những bài vịnh hôm ấy, rồi tự tay xếp thứ tự hơn kém, truyền dựng
bia ở trong vườn để ghi lại một cuộc chơi phong nhã hiếm có xưa nay. Giả Chính
liền sai người đi các chợ tìm thợ khéo đến vườn mài đá, khắc chữ. Giả Trân sai
bọn Giả Dung, Giả Bình trông nom công việc. Giả Tường vì bận về trông nom bọn
con hát và các đồ diễn tuồng, nên không được rỗi. Giả Trân lại gọi thêm bọn Giả
Xương, Giả Lăng đến trông coi giúp, công cuộc bắt đầu vào việc nấu sáp, đục đá.
Nói đến mười hai sa ni và mười hai đạo cô ở miếu Ngọc Hoàng
và am Đạt Ma dọn ra bên ngoài, không ở trong vườn nữa, Giả Chính muốn phân họ
đi các nơi. Chu thị là mẹ Giả Cần ở phố sau, đang muốn xin với Giả
Chính cho con việc làm để lấy tiền tiêu. May sao nghe có việc này, liền đi xe đến
nhờ Phượng Thư.
Phượng Thư biết Chu thị xưa nay không hay cậy thần
cậy thế mấy, liền nhận lời. Nghĩ ngợi một lúc, Phượng Thư sang trình Vương phu
nhân:
- Không nên cho bọn ni cô và đạo cô đi ở nơi khác. Bất thần
Quí phi ra chơi, cần đến họ sẽ có ngay. Nếu cho họ đi, khi cần đến, phải mất
nhiều thì giờ, tốn công sức. Cứ như ý con, nên cho họ ở cả vào chùa Thiết Hạm,
hàng tháng cho một người đem vài lạng bạc đến mua gạo củi cho họ là được rỗi.
Khi cần, ta chỉ gọi một tiếng là có, không mất công gì cả.
Vương phu nhân đến bàn với Giả Chính. Giả Chính cười nói:
- Bây giờ nhắc đến, tôi mới nhớ, vậy cứ thế mà làm.
Rồi lập tức cho gọi Giả Liễn.
Giả Liễn đương ăn cơm với Phượng Thư, thấy gọi, liền bỏ cơm
xuống, đứng dậy ngay, Phượng Thư níu lại cười nói:
- Hãy khoan đã, tôi bảo câu này! Việc khác thì tôi không cần,
nhưng nếu là việc bọn ni cô và đạo cô, thì thế nào cũng phải theo tôi dặn mà
nói.
Rồi dặn Giả Liễn mấy câu. Giả Liễn lắc đầu cười:
- Có giỏi mợ đi mà nói, tôi mặc kệ.
Phượng Thư ngẩng cổ lên, bỏ đũa xuống, vẻ mặt nửa cười nửa
không, lườm Giả Liễn:
- Cậu nói thực hay nói đùa đấy?.
Giả Liễn cười nói:
- Con chị Năm ở phòng phía tây là Giả Vân đã xin với tôi hai
ba lần. Tôi bảo nó hãy chờ, chẳng mấy khi có việc này, mợ lại định cướp mất.
Phượng Thư cười:
- Cậu cứ yên tâm, Quí phi đã dặn trồng nhiều tùng, bách về
phía đông bắc trong vườn và hoa cỏ ở trước lầu. Khi nào khởi công, tôi sẽ cho
cháu Vân trông nom việc ấy.
Giả Liễn nói:
- Thôi được. Nhưng tại sao đêm hôm qua tôi muốn "đổi lối
mới" mợ lại cứ vùng vằng hất chân hất tay tôi ra.
Phượng Thư nghe nói, nhoẻn cười, phì vào Giả Liễn một cái, rồi
cúi đầu ăn cơm.
Giả Liễn cười rồi chạy một mạch đến hầu Giả Chính, thì quả là
việc các ni cô. Giả Liễn cứ theo lời Phượng Thư dặn, nói:
- Xem ra cháu Cần đã thông thạo, có thể giao cho nó trông
nom, cứ theo thường lệ, mỗi tháng chỉ việc chi và lĩnh tiền là xong.
Giả Chính xưa nay vẫn không nhìn đến những việc nhỏ nhặt,
nghe Giả Liễn nói, bằng lòng ngay.
Giả Liễn về nhà bảo Phượng Thư. Phượng Thư sai người bảo ngay
Chu thị. Giả Cần đến, cảm ơn vợ chồng GIả Liễn. Phượng Thư lại muốn tỏ ra thân
thiết, bảo hắn viết giấy nhận trước ba tháng lương. Giả Liễn đóng dấu, phát thẻ
cho hắn đi lĩnh. Kho bạc cứ theo số lương phát cho ba trăm lạng bạc trắng xóa.
Giả Cần đưa biếu người cân một lạng để uống nước, rồi sai đứa hầu nhỏ đem về
nhà. Hắn bàn với mẹ xong, lập tức thuê mấy cỗ xe đến cửa nách phủ Vinh, gọi hai
mươi bốn người ra, ngồi cả lên xe, đi một mạch đến chùa Thiết Hạm.
Nói về Nguyên phi ở trong cung đã xếp xong thứ tự những bài đề
vịnh vườn Đại Quan rồi. Chợt nghĩ đến phong cảnh trong vườn, sau lần ra chơi,
chắc là Giả Chính bắt đóng khóa cẩn thận, không cho ai đi lại, như thế chẳng
hóa phụ cái đẹp ấy lắm sao? Vả chăng đám chị em trong nhà đều là người biết đề
vịnh cả, sao ta không bảo họ sang đấy, để đến nỗi người tài buồn tẻ, hoa liễu
kém tươi! Lại nghĩ đến Bảo Ngọc không như các anh em khác, từ bé đến lớn vẫn ở
luôn với đám chị em; nếu không cho sang đây, sẽ làm cho cậu ta buồn, mà Giả mẫu
và Vương phu nhân cũng không được vui. Vậy nên cho Bảo Ngọc ở luôn đấy mới phải.
Nguyên phi liền sai thái giám là Hạ Trung đem một đạo dụ đến
phủ Vinh truyền cho bọn Bảo Thoa vào ở trong vườn, không được đóng khóa như trước,
Bảo Ngọc cũng được đến ở đấy đọc sách.
Giả Chính và Vương phu nhân nhận được dụ, đến trình Giả mẫu,
rồi sai người vào trong vườn dọn dẹp sắp đặt giường ghế, treo rèm màn. Bảo Ngọc
nghe tin, khôn xiết vui mừng. Đương lúc vòi vĩnh Giả mẫu, đòi cái nọ, đòi cái
kia, thì có a hoàn đến nói: "Ông sai gọi cậu Bảo".
Bảo Ngọc sa sầm nét mặt, mất vui, ngồi ngẩn ra một lúc, rồi uốn
éo níu chặt lấy Giả mẫu, không chịu đi.
Giả Mẫu an ủi:
- Của quí của bà này! Cháu cứ đi, đã có bà. Cha cháu không
dám làm rầy rà cháu đâu. Vả cháu vừa làm được những bài thơ hay, nên chị cháu
muốn cho cháu vào trong vườn ở. Cha cháu sợ cháu vào trong ấy hay quấy rầy, nên
gọi đến dặn bảo mấy câu đấy thôi. Hễ cha bảo câu gì, cháu cứ vâng lời ngay là
xong.
Giả mẫu nói xong, gọi hai bà già đến dặn: "Đưa cậu Bảo
sang, và chớ để ông làm cho cậu ấy sợ". Bà già vâng lời đi.
Bảo Ngọc chầm chậm bước đi, mãi mới đến nơi. Giả Chính đương ở
buồng Vương phu nhân bàn tính công việc. Bọn Kim xuyến, Thái Vân, Thái
Phượng, Tú Loan, Tú Phượng đương đứng ở dưới thềm, trông thấy Bảo Ngọc, đều nhoẻn
miệng cười. Kim Xuyến nắm Bảo Ngọc lại khẽ bảo:
- Môi tôi vừa bôi nhiều sáp thơm và ngọt lắm, cậu có thích ăn
không?
Thái Vân đẩy Kim Xuyến ra cười nói:
- Người ta đương ruột rối bời bời, mày còn trêu chọc mãi! Lúc
này ông bà đang vui đấy, cậu đi vào đi.
Bảo Ngọc đẩy cửa vào. Giả Chính và Vương phu nhân ở cả trong
buồng. Dì Triệu vén rèm, Bảo Ngọc vào, thấy Giả Chính và Vương phu nhân đương
ngồi trên giường nói chuyện. Bọn Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Giả Hoàn đều
ngồi ghế dưới. Thấy Bảo Ngọc vào, Thám Xuân, Tích Xuân và Giả Hoàn đều đứng dậy.
Giả Chính ngước mắt nhìn, thấy Bảo Ngọc dáng điệu thanh nhã,
vẻ mặt tuấn tú, ngoảnh lại nhìn Giả Hoàn, thì diện mạo ươn hèn, đi đứng thô lỗ,
khiến ông ta lại nhớ ngay đến Giả Châu. Nghĩ đến Vương phu nhân chỉ còn có một
đứa con đẻ, yêu quí như ngọc, mà mình thì đầu đã hoa râm, bỗng lòng ghét Bảo Ngọc
của ông ta đã bớt đi nhiều. Liền nói:
- Quí phi bảo mày suốt ngày đi chơi, không chịu học hành; nay
bắt mày ở trong vườn đọc sách với các chị em. Mày phải cố học, nếu còn lêu lổng
thì liệu hồn đấy!
Bảo Ngọc vâng lia lịa, Vương phu nhân dắt lại cho ngồi bên cạnh.
Các chị em cũng đâu ngồi đấy. Vương phu nhân sờ cổ Bảo Ngọc hỏi:
- Những viên thuốc hôm nọ uống hết chưa?
- Còn một viên ạ.
- Ngày mai lại lấy mười viên nữa. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, bảo
Tập Nhân cho uống một viên.
- Vâng. Trước khi đi ngủ, Tập Nhân vẫn cho con uống.
Giả Chính hỏi:
- Tập Nhân là ai?
Vương phu nhân đáp:
- Là một a hoàn.
- A hoàn thì gọi tên gì không được. Đứa tai quái nào đã đặt
cho nó cái tên ấy?
Vương phu nhân thấy Giả Chính không thích, liền giấu hộ Bảo
Ngọc, nói:
- Đó là bà đặt cho nó đấy.
Giả Chính nói:
- Bà hiểu đâu những chữ ấy. Nhất định lại thằng Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc biết không giấu nổi, đứng dậy thưa:
- Vì thường đọc thơ, con nhớ có câu: Hoa khí tập nhân tri trú
noãn (1). Nó là họ Hoa, nên tiện miệng con đặt cho cái tên ấy.
Vương phu nhân vội bảo Bảo Ngọc:
- Về đổi ngay cái tên ấy đi.
Và quay sang nói với Giả Chính:
- Ông cũng không nên để tâm về việc nhỏ này.
Giả Chính nói:
- Kể ra cũng chẳng hại gì, không cần phải đổi. Nhưng xem thế
đủ biết nó không chăm lo việc chính, chỉ thích những lời văn trai lơ phù phiếm
thôi.
Ông ta quát to một tiếng:
- Đồ súc sinh, sao không bước đi!
- Thôi về đi, có lẽ bà đương chờ con đấy.
Bảo Ngọc vâng lời, thong thả đi ra, nhìn Kim Xuyến lè lưỡi cười,
rồi theo hai vú già chạy một mạch về nhà. Lúc này Tập Nhân đang dựa cửa, thấy Bảo
Ngọc về được êm thấm, cười hỏi:
- Ông gọi cậu đến làm gì?
- Chẳng có việc gì cả. Ông sợ tôi vào ở đấy quấy rối, dặn bảo
mấy câu thôi.
Nói xong Bảo Ngọc chạy sang bên Giả mẫu trình hết đầu đuôi.
Khi ấy Đại Ngọc ở đấy, Bảo Ngọc liền hỏi:
- Cô thích ở chỗ nào?
Đại Ngọc đương tính toán việc ấy, thấy Bảo Ngọc hỏi, liền cười
nói:
- Tôi thích ở quán Tiêu Tương. Ở đấy có mấy khóm trúc, quanh
co một dãy bao lan, tĩnh mịch hơn chỗ khác.
Bảo Ngọc vỗ tay cười nói:
- Thực đúng ý tôi! Tôi cũng muốn cô ở đấy. Tôi ở viện Di Hồng.
Hai chúng ta lại được gần nhau, và đều được yên lặng.
Hai người đương bàn định, thì Giả Chính sai người đến trình
Giả mẫu:
- Đến hai mươi hai tháng hai này tốt ngày, xin cho các cậu
các cô dọn vào ở trong vườn.
Trong mấy ngày ấy, người nhà chia nhau vào vườn dọn dẹp. Bảo
Thoa ở Hành Vu uyển, Đại Ngọc ở quán Tiêu Tương, Nghênh Xuân ở lầu Xuyết Cẩm,
Thám Xuân ở Thu Sảng trai, Tích Xuân ở hiên Lục Phong, Lý Hoàn ở thôn Đạo
Hương, Bảo Ngọc ở viện Di Hồng. Mỗi nơi phái thêm hai bà già, bốn a hoàn. Ngoài
bà vú và các người hầu cận, còn có nhiều người chuyên giữ việc dọn dẹp quét rửa.
Đến ngày hai mươi hai, đâu đấy đều dọn sạch sẽ cả. Bấy giờ trong vườn phút đã
hoa chào đai gấm, liễu đón gió thơm, không còn vắng vẻ như khi trước nữa.
Bảo Ngọc từ khi vào ở trong vườn, lòng đầy vui thích, chẳng
mong gì khác nữa. Ngày nào cậu ta cũng chỉ cùng chị em và bọn a hoàn họp mặt một
chỗ, hoặc đọc sách, hoặc viết lách, gẩy đàn, đánh cờ, học vẽ, làm thơ, thêu
loan, trổ phượng, chọi cỏ, hái hoa, ngâm thơ, hát lẩy, đố chữ, đoán múi quả,
tha hồ chơi bời thỏa thích. Bảo Ngọc có bốn bài tức cảnh bốn mùa, tuy không hay
lắm, nhưng cũng tả được tình cảnh chân thực:
TỨC CẢNH ĐÊM XUÂN
Trướng ráng màn mây sắp sẵn rồi,
Ngõ ngoài tiếng ếch thoáng bên tai.
Gối vương hơi lạnh mưa ngoài cửa,
Mắt ngắm màu xuân, mộng gặp người.
Cây nến khóc ai giàn gụa mãi!
Bông hoa hờn khách ủ ê hoài!
A hoàn chẳng biết lười hay nũng?
Vẫn cứ ôm chăn, vẫn nói cười.
TỨC CẢNH ĐÊM HÈ
Thêu khuya ai mới ngủ say,
Trong lồng, anh vũ gọi ngay pha chè.
Gương xạ nguyệt rọi song the,
Đào vân ngào ngạt, hương chè vua ban.
Móc sen cốc ngọc đầy tràn,
Ngả nghiêng gió liễu bên giàn pha lê.
Trên đình phe phẩy quạt hè,
Lầu son trang điểm rèm che cuốn liền.
TỨC CẢNH ĐÊM THU
Trong Giáng Vân hiên vắng tiếng người,
Màn the nhấp nhánh bóng trăng trôi.
Hạc nồng giấc điệp trên rêu đá,
Quạ đẫm suơng ngô cạnh giếng khơi.
Hầu đến giải chăn, đàn phượng múa,
Người về tựa cửa, cánh hoa rơi (2)
Quá say trằn trọc đêm còn khát,
Quạt nước pha trà hãy uống chơi.
TỨC CẢNH ĐÊM ĐÔNG
Mơ màng mai trúc trống ba rồi,
Đệm ấm chăn lồng vẫn tỉnh hoài.
Sân rợp bóng thông chim hạc đứng,
Oanh im giọng hát, tuyết hoa rơi.
Ai trùm áo thúy, hồn thơ lạnh,
Đây khoác da điêu, sức rượu lười.
Cô gái hầu trà xem đã thạo,
Lấy ngay tuyết mới thử pha chơi.
Thấy mấy bài thơ này là của một công tử mười hai mười ba tuổi
ở phủ Vinh làm ra, những bọn xu phụ thế lợi lúc ấy tranh nhau biên chép truyền
tụng khắp nơi. Những bạn trẻ lãng mạn, thích câu trai lơ khêu gợi, cũng viết
vào quạt, hoặc đề lên tường, để thỉnh thoảng ngâm nga. Vì thế có nhiều người đến
xin chữ, xin thơ, xin vẽ, xin đề, Bảo Ngọc thành ra đắc ý, ngày nào cũng bận về
việc thù ứng. Không ngờ, tĩnh quá hóa động; một hôm, Bảo Ngọc thấy buồn rầu khó
chịu, nhìn cái này không đẹp, cái kia không hay, ra vào lên xuống, chỉ thấy bực
mình. Trong vườn, phần đông là bọn con gái đang còn tính nết ngây thơ, cười nói
hồn nhiên, ăn ở đứng ngồi gặp đâu hay đấy, thì biết thế nào được tâm sự của Bảo
Ngọc?
Bảo Ngọc khó chịu, không thích ở trong vườn, chỉ muốn ra
ngoài phóng túng cho rộng cẳng, nhưng lại ngớ ngẩn, không nói ra được cái sở
thích của mình. Dính Yên thấy thế, muốn bày trò vui, nhưng nghĩ đi nghĩ lại,
cái gì Bảo Ngọc cũng chơi chán rồi, khó có trò vui, chỉ còn một thứ là chưa
trông thấy. Nó liền đi đến các hàng sách, tìm tòi những truyện như: Phi Yến, Hợp
Đức, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi và các truyện thần kỳ khác, mua mấy bộ đem về
biếu Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc chưa được xem sách này bao giờ, quả nhiên thích lắm,
như là bắt được của báu. Dính Yên lại dặn:
- Cậu không nên đem vào trong vườn, nếu để cho người ta trông
thấy, thì tôi sẽ bị ăn đòn!
Nhưng Bảo Ngọc khi nào lại chịu nghe? Cứ tính quanh tính quẩn
hai ba lần, rồi chọn những bộ nào lời văn hơi thanh nhã, để ở trên giường, chờ
khi vắng người mới đem ra xem; còn những bộ tục quá thì giấu ở buồng sách bên
ngoài.
Một hôm, vào trung tuần tháng ba. Cơm sáng xong, Bảo Ngọc đến
ngồi trên hòn đá dưới cây đào, cạnh cầu Thấm Phương, giở cuốn Hội Chân ký(*) ra
xem. Khi đến chương "Lạc hồng thành trận"(3) chợt cơn gió lướt qua,
hoa đào trên cây rụng xuống hàng đấu đầy cả người, cả sách, cả trên mặt đất. Bảo
Ngọc muốn rũ đi, nhưng lại sợ chân giẫm phải, đành hứng lấy hoa, đem thả xuống
ao. Những cánh hoa ấy cứ lênh đênh nổi trên mặt nước, rồi qua đập Thấm Phương
trôi đi.
Bảo Ngọc quay lại, thấy trên mặt đất vẫn còn nhiều cánh hoa.
Đương lúc dùng dằng, chợt nghe đằng sau có người hỏi: "Anh ở đây làm gì thế?"
Bảo Ngọc quay lại, thấy Đại Ngọc vai vác cái cuốc, đeo cái túi the, tay cầm cái
chổi quét hoa. Bảo Ngọc cười nói:
- Tốt lắm. Bây giờ cô hãy đi quét hết những cánh hoa còn lại
kia đem thả xuống nước. Tôi vừa thả xuống đấy nhiều lắm.
Đại Ngọc nói:
- Thả xuống nước không được đâu. Anh tưởng nước ở đây sạch à?
Khi chảy đến những chỗ gần nhà người ta ở, thì nước chứa đủ hôi thối, vẫn làm
hoa dơ bẩn. Ở gò đằng kia tôi đã đào một cái mả để chôn hoa. Nay ta quét hết, bỏ
vào cái túi này, đem đến đấy chôn. Hoa lâu ngày hóa ra đất, như thế chẳng sạch
hay sao?
Bảo Ngọc nghe vậy mừng lắm, cười:
- Để tôi bỏ sách xuống, cùng đi nhặt với cô.
Đại Ngọc hỏi:
- Sách gì đấy?
Bảo Ngọc vội giấu đi rồi nói:
- Chẳng qua những sách "Đại học, Trung dung" thôi.
- Anh còn giở trò ma quỉ giấu tôi à? Muốn tốt, anh đưa ngay
cho tôi xem.
- Cho cô xem, tôi chẳng sợ gì. Nhưng xem xong, cô đừng kể lại
cho ai biết. Truyện này văn viết hay lắm, nếu cô xem nó, thì quên cả ăn.
Nói xong đưa sách cho Đại Ngọc.
Đại Ngọc bỏ các đồ nhặt hoa xuống, cầm lấy sách, càng xem
càng thích, chừng chưa ăn xong bữa cơm, đã xem hết cả mười sáu hồi. Thấy lời
văn rung động, trong miệng nhường có mùi thơm, Đại Ngọc chăm chú đọc xong đứng
ngẩn người ra, cố nhẩm cho nhớ.
Bảo Ngọc cười:.
- Cô xem có hay không.
Đại Ngọc gật đầu cười:
- Xem thú thật!
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi là người nhiều sầu, nhiều bệnh, cô là trang nghiêng nước
nghiêng thành.(5)
Đại Ngọc nghe thấy câu ấy, mặt và tai đỏ bừng lên, lập tức dựng
ngược lông mày, như cau lại mà không phải là cau, trố hai con mắt, như trợn mà
không phải là trợn. Má đào nổi giận, mặt phấn ngậm hờn, trỏ vào mặt Bảo Ngọc:
- Anh nói bậy muốn chết đấy! Dám đem những lời lẳng lơ suồng
sã lăng nhăng để khinh nhờn tôi! Tôi về mách cậu mợ đấy.
Nói đến hai chữ "khinh nhờn", mặt Đại Ngọc đỏ ngầu
lên, nguây nguẩy chạy đi ngay.
Bảo Ngọc vội đứng ngăn lại, nói:
- Xin cô hãy tha cho tôi lần này, nếu tôi có bụng khinh nhờn
cô, sau này tôi ngã xuống ao, bị giải ăn thịt, hóa ra con rùa. Khi nào cô làm
bà nhất phẩm phu nhân, già ốm về chầu Phật, tôi sẽ đến mộ đội bia cho cô suốt đời.
Câu ấy làm cho Đại Ngọc phì cười, dụi mắt nói:
- Hơi một tý đã sợ run lên. Thế mà anh hay nói bậy! Thôi chẳng
qua Tốt mã mà đoảng, bề ngoài giáp bạc, cốt trong sáp vàng!(6)
Bảo Ngọc nghe vậy, cười nói:
- Cô nói gì đấy? Cô nói chuyện Tây sương đấy à? Tôi cũng đi
mách đấy.
Đại Ngọc cười:
- Anh bảo anh liếc mắt qua cũng thuộc, có lẽ tôi không nhìn một
cái được mười dòng ư?
Bảo Ngọc vừa cất sách đi, vừa cười nói:
- Thôi, đừng nói đến chuyện ấy nữa, chúng ta đi chôn hoa đi.
Rồi hai người cùng đi nhặt và chôn hoa. Vừa xong thì Tập Nhân
chạy đến nói:
- Tôi tìm cậu khắp nơi, chẳng thấy đâu cả. Cậu mò đến đây làm
gì thế? Ông Cả ở bên kia khó ở, các cô sang thăm cả rồi, cụ bảo tôi đi
tìm cậu sang thăm. Cậu về thay quần áo ngay đi.
Bảo Ngọc liền cầm lấy sách, từ biệt Đại Ngọc, cùng Tập Nhân
quay về.
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc đi rồi, các chị em lại không có ai ở
đây, một mình thui thủi về buồng. Vừa đi đến góc tường viện Lê Hương, thì nghe ở
trong nhà có tiếng sáo, tiếng hát trầm bổng dịu dàng. Đại Ngọc biết ngay là bọn
mười hai con hát nhỏ đương tập diễn tuồng. Đại Ngọc không để ý nghe, nhưng cũng
có hai câu lọt vào tai, rõ ràng không sót chữ nào:
Trước sao hồng tía đua chen,
Giờ sao giếng lấp tường nghiêng thế này!
Nghe xong, Đại Ngọc rất là thương cảm, đứng dừng lắng tai
nghe, lại thấy hát:
Ngày xuân cảnh đẹp đã qua,
Niềm vui rộn rã ở nhà nào đây?
Đại Ngọc gật đầu khen ngợi, nghĩ bụng: "Thế ra trong vở
hát cũng có nhiều câu văn hay, tiếc rằng người đời chỉ biết nghe, chưa chắc đã
thưởng thức được những cái hay trong đó", chợt lại hối không nên nghĩ nhảm,
bỏ nhỡ những khúc hát, Đại Ngọc lại lắng tai nghe nữa, thấy hát câu:
Chỉ vì nàng người đẹp như hoa,
Tuổi trôi như nước...(7)
Nghe cây này, tâm thần Đại Ngọc choáng váng; sau lại thấy những
câu: Thương mình ở chốn thâm khuê... lại càng như say như dại, không đứng vững
được, Đại Ngọc ngồi trên hòn đá ngẫm nghĩ ý vị tám chữ: Người đẹp như hoa, tuổi
trôi như nước. Chợt nhớ đến cổ nhân có câu: Nước chảy hoa tàn khéo hững hờ,
mà trong từ khúc này lại có câu: Nước chảy hoa trôi xuân đã hết, trên đời cõi tục...
Vả lại trong Tây Sương ký lại có câu:
Hoa rơi dòng nước đỏ ngòm,
Muôn sầu vơ vẩn héo hon lòng này.
Bao nhiêu ý nghĩ dồn lại, làm Đại Ngọc đắn đo suy nghĩ, bất
giác tâm thần ngơ ngẩn, nước mắt tràn quanh. Đương lúc phiền não, chưa tìm được
cách khuây khỏa, bỗng có người đập một cái vào sau lưng:
Thật là:
Sớm phấn đêm thêu nào nghĩ đến;
Nhìn trăng hứng gió lại buồn thêm.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Mùi thơm của hoa ngát xung quanh người, biết là ban ngày
trời ấm.
(2). Nguyên văn câu này: Khi người tựa cửa quay về thì hoa
tuyết rơi đầy.
(3). Tức truyện Tây sương, Nguyên Chẩn đời Đường làm ra.
(4). Hoa đỏ rụng thành từng trận.
(5). Chữ trong Tây sương ký.
(6). Câu này trích trong vở Mẫu đơn đình, Thang Hiển Tổ đời
Minh soạn ra.
(7). Cũng chữ trong Tây sương ký.
Hồi 24:
Kim Cương say rượu, tính hào hiệp tiền bạc coi khinh;
Cô gái si tình, rơi khăn lụa mơ màng nhớ bạn.
Đại Ngọc đương lúc tình tứ triền miên, nghĩ ngợi vơ vẩn, chợt
có người vỗ vào lưng nói:
- Cô ngồi đây một mình làm gì?
Đại Ngọc giật mình ngoảnh lại, nhìn thấy Hương Lăng. Đại Ngọc
nói:
- Con quái này làm người ta giật mình! Mày ở đâu đến đây?
Hương Lăng cười hì hì nói:
- Tôi đi tìm cô tôi, chẳng thấy đâu cả. Chị Tử Quyên cũng
đương tìm cô, và nói là mợ Liễn cho người đưa biếu chè. Chúng ta về thôi.
Hương Lăng nói xong dắt Đại Ngọc về quán Tiêu Tương, thấy có
hai bình chè của Phượng Thư đưa sang. Đại Ngọc và Hương Lăng ngồi xuống nói
chuyện, chẳng qua: Người này thêu đẹp người kia thêu khéo, cùng nhau đánh cờ,
xem sách một lúc, rồi Hương Lăng ra về.
Uyên Ương đang ngồi ghé trên giường xem đường kim thêu của Tập
Nhân. Thấy Bảo Ngọc về, Uyên Ương hỏi:
- Cậu đi đâu về thế? Cụ đương chờ, bảo cậu sang thăm ông Cả.
Cậu về thay quần áo ngay đi!
Tập Nhân vào buồng lấy quần áo ra.
Bảo Ngọc ngồi ở mép giường, bỏ giày ra, đang chờ mang ủng đến,
ngoảnh thấy Uyên Ương mặc áo lụa đỏ, vai khoác đoạn xanh, cổ quàng khăn nhiễu
tía, dưới đi đôi bít tất màu da ngà, đôi giày thêu đỏ, đương cúi xuống xem bức
thêu. Bảo Ngọc ghé mặt gần vào cổ Uyên Ương, ngửi thấy mùi thơm, liền giơ tay
xoa, thấy da trắng mịn, chẳng kém gì Tập Nhân, liền chồm lại gần, có vẻ thèm
thuồng cười nói:
- Cho tôi nếm một ít sáp ở môi chị!
Nói xong, Bảo Ngọc bám chặt vào người Uyên ương. Uyên Ương
kêu ầm lên:
- Chị Tập Nhân ra đây mà xem! Chị ở liền với cậu ấy bao nhiêu
lâu, chẳng biết khuyên ngăn, cứ để mãi thế này à?
Tập Nhân mang quần áo ra, nhìn Bảo Ngọc nói:
- Nay khuyên mai khuyên, tật nào vẫn chứng ấy. Cậu làm cái
trò gì vậy? Cứ thế mãi tôi cũng khó lòng mà ở yên được.
Tập Nhân giục Bảo Ngọc thay quần áo, rồi cùng Uyên Ương ra
đi. Sau khi chào Giả mẫu xong, Bảo Ngọc ra ngoài, người và ngựa đã sắp đủ cả. Bảo
Ngọc đang lên ngựa, gặp Giả Liễn đi thăm bệnh trở về. Trông thấy, Bảo Ngọc xuống
ngựa chạy lại. Hai người nói chuyện được mấy câu. Chợt có người đi đến bên nói:
"Xin chào chú Bảo".
Bảo Ngọc thấy người ấy nét mặt dễ coi, người dong dỏng cao,
chừng mười tám, mười chín tuổi, rất nho nhã lịch sự. Bảo Ngọc nhìn mặt quen
quen, nhưng không biết con cái nhà ai, tên là gì. Giả Liễn cười nói:
- Sao chú đứng ngẩn ra thế? Không nhận được nó à? Nó là cháu
Vân, con chị Năm ở bên cạnh đấy.
Bảo Ngọc cười nói:
- Phải rồi. Thế mà tôi quên mất.
Rồi hỏi:
- Mẹ cháu có được mạnh không? Nay cháu làm việc gì?
Giả Vân trỏ vào Giả Liễn nói:
- Cháu đi tìm chú Hai nói câu chuyện.
Bảo Ngọc cười:
- Bây giờ cháu đã hơn trước nhiều, trông giống như con của
chú!
Giả Liễn cười nói:
- Khéo nói, không biết ngượng! Người ta hơn mình đến năm sáu
tuổi, mà lại muốn nhận làm con?
Bảo Ngọc cười hỏi:
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
Giả Vân nói:
- Cháu mười tám tuổi.
Giả Vân là người nhanh nhẹn láu lỉnh, nghe thấy Bảo Ngọc nói
thế, liền cười nói:
- Tục ngữ nói đúng lắm, "ông còn ngồi lỏn trong nôi,
cháu đã lụ khụ chống gậy". Cháu tuy nhiều tuổi, nhưng "núi cao không
che nổi mặt trời". Từ khi cha cháu mất đi, cháu không có người trông nom.
Nếu chú Bảo không cho cháu là hạng người ngu xuẩn, nhận cho làm con, thì thực
phúc cho cháu lắm.
Giả Liễn cười nói:
- Chú nghe chưa? Nếu nhận nó là con thì không thể bỏ liều nó
được đâu.
Nói xong, cười rồi bỏ đi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Ngày mai rỗi, cháu đến thăm chú, đừng có thậm thậm thụt thụt
với bọn họ. Bây giờ chú bận. Ngày mai cháu cứ đến thư phòng, chúng ta sẽ nói
chuyện nhiều. Rồi chú sẽ đưa cháu đi chơi vườn.
Nói xong, lên ngựa sang nhà Giả Xá. Thấy Giả Xá chỉ cảm xoàng
thôi, Bảo Ngọc nói lại lời hỏi thăm của Giả mẫu, sau mới đến lượt mình. Giả Xá
đứng dậy cảm tạ lời Giả mẫu, rồi sai người: "đưa cháu Bảo vào ngồi chơi
trong buồng bà".
Bảo Ngọc đi về phía sau, vào buồng trên. Hình phu nhân trông
thấy, đứng dậy hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu, Bảo Ngọc chào hỏi xong. Hình phu nhân
dắt lên bục ngồi, hỏi han mọi người, rồi sai pha nước. Đương uống nước, Giả Tôn
chạy đến chào Bảo Ngọc. Hình phu nhân nói:
- Thằng khỉ kia chạy nhông đâu về thế! Vú bõ của mày chết cả
rồi à! Sao không ai trông nom, để cho mày mặt mũi nhem nhuốc thế kia, xem có
còn ra dáng con nhà gia thế thư hương nữa không?
Vừa lúc ấy hai chú cháu Giả Hoàn, Giả lan đến thăm. Hình phu
nhân bảo hai người ngồi vào ghế. Giả Hoàn trông thấy Bảo Ngọc cùng ngồi trên nệm
với Hình phu nhân, lại được Hình phu nhân vồn vã vỗ về đủ cách, trong bụng lấy
làm khó chịu, ngồi một lúc, đưa mắt cho Giả Lan bảo về. Giả Lan phải nghe theo,
cũng đứng dậy xin về.
Bảo Ngọc thấy chúng về, cũng muốn về một thể. Hình phu nhân
nói:
- Cháu hãy ngồi lại đây, bác còn muốn nói chuyện với cháu.
Bảo Ngọc đành phải ngồi nán lại. Hình phu nhân ngoảnh lại bảo
Giả Hoàn, Giả Lan:
- Các cháu về nói với mẹ các cháu rằng ta có lời hỏi thăm.
Các cô các chị ở cả bên này, nhộn lắm, làm ta nhức cả đầu! Hôm nay ta không thể
giữ các cháu ở lại ăn cơm được.
Bọn Giả Hoàn chào rồi đi ra.
Bảo Ngọc cười:
- Thế ra các chị em ở cả bên này? Sao cháu không thấy?
Hình phu nhân nói:
- Lúc nãy họ ngồi ở đây, vừa mới ra cả phía sau, không biết
chừng họ đã vào nhà nào rồi.
- Lúc nãy bác bảo cần nói câu chuyện, vậy thì chuyện gì ạ?
- Có chuyện gì đâu, chỉ muốn bảo cháu ở lại ăn cơm với các chị
em đấy thôi. Rồi bác sẽ cho cháu cái này mang về mà chơi.
Đương nói chuyện, đã đến bữa cơm chiều. Bọn chị em đều đến đấy
cả. Bàn ghế, bát đĩa được bày ra. Mọi người cùng ngồi ăn. Ăn xong, Bảo Ngọc cáo
từ Giả Xá, cùng bọn chị em về trình Giả mẫu và Vương phu nhân, rồi đâu về đấy.
Giả Vân, hôm ấy đến thăm Giả Liễn, nhân tiện hỏi xem đã có việc
gì làm chưa? Giả Liễn nói:
- Hôm nọ có một việc, nhưng thím cháu cố xin cho cháu Cần.
Thím cháu có hứa với ta: nay mai trong vườn có mấy chỗ cần trồng cây, trồng
hoa. Khi nào khởi công, nhất định để cháu làm.
Giả Vân nghĩ một lúc, nói:
- Nếu thế, cháu đành chờ vậy. Nhưng xin chú đừng nói với thím
là hôm nay cháu đến đây hỏi dò, khi nào việc tới nơi, cháu nói cũng chưa muộn.
Giả Liễn nói:
- Chú nói làm gì! Thì giờ đâu nói những chuyện hão ấy? Sáng sớm
mai chú phải đi sang ấp Hưng, nội nhật sẽ về. Tối mai cháu hãy lại, chứ đến sớm
chú không rỗi đâu.
Nói xong, hắn vào nhà trong mặc quần áo rồi đi.
Giả Vân ở phủ Vinh về, đi đường nảy ra một ý nghĩ, liền đến
ngay nhà cậu là Bốc Thế Nhân. Bốc Thế Nhân có một cửa hiệu bán hương liệu (1).
Khi ở hiệu về, Bốc trông thấy Giả Vân, liền hỏi:
- Cháu đến đây làm gì?
- Cháu có việc muốn đến nhờ cậu giúp cho. Xin cậu bán chịu
cho cháu ít băng phiến, xạ hương, mỗi thứ bốn lạng, đến tháng tám cháu sẽ trả đủ
số tiền.
Bốc Thế Nhân cười nhạt:
- Thôi cháu đừng nói chuyện mua chịu nữa! Độ trước có một anh
buôn chung với ta, mua hàng cho bà con, chịu mấy lạng bạc đến nay vẫn chưa trả.
Vì thế mọi người phải chia nhau mà bù, rồi giao ước với nhau: không ai được bán
chịu cho bạn bè, nếu phạm điều này phải phạt hai mươi lạng. Vả chăng những thứ
hàng này đang hiếm, cháu đem tiền mặt đi mua cũng khó mà tìm được, chỉ vác tiền
đi vác tiền về thêm tốn công thôi. Đó là một việc. Hai là cháu chẳng có việc gì
đáng cần đến, chẳng qua mua chịu về rồi làm phí phạm đi. Cháu cứ phàn nàn rằng:
gặp cậu lúc nào là bị mắng lúc ấy, vì cháu còn trẻ tuổi, chưa biết điều hay lẽ
phải. Cháu cũng nên nghĩ cách lập thân, kiếm tiền mà ăn mà mặc, thì cậu trông
thấy mới vui lòng.
Giả Vân cười nói:
- Cậu nói đúng. Khi cha cháu chết, cháu hãy còn bé, chả hiểu
gì cả; chỉ nghe mẹ cháu nói lại, là việc chôn cất cha cháu, đều nhờ cậu đứng ra
lo liệu cả. Cậu cũng biết đấy, cháu chỉ còn có một mẫu ruộng và hai gian nhà,
có phải tự tay cháu phung phá hết đâu? "Đàn bà dù giỏi dang đến đâu, nếu
không có gạo cũng khó lòng thổi ra được cơm". Thế thì bây giờ cậu bảo cháu
làm thế nào? Ấy là cháu đấy, chứ những đứa mặt dày mày dạn, cứ vài ba ngày lại
đến vòi vĩnh cậu, nay ba thưng gạo, mai vài thưng đậu, thì cậu cũng đành chịu
chứ biết làm sao.
Bốc Thế Nhân nói:
- Cháu ơi! Nếu cậu giàu có, thì còn nói gì? Cậu thường nói với
mợ cháu, chỉ buồn là cháu không biết lo tính. Giá cháu biết nghĩ cách lập thân,
cứ đến các nhà lớn trong họ, dầu không gặp được các ông trên, thì chịu khó nhũn
nhặn niềm nở với những người quản gia, cũng dễ tìm được công việc. Hôm nọ cậu
ra phố, gặp anh Tư ở phòng thứ ba, ngồi chễm chệ trên một cái xe sang trọng, đằng
sau có bốn năm cỗ xe chở một bận bốn năm mươi ni cô, đạo cô ra ngoài miếu. Nếu
anh ta không giỏi dang, làm gì lại được trông nom việc ấy.
Giả Vân thấy cậu nói lôi thôi khó chịu, liền đứng dậy xin về.
Bốc Thế Nhân nói:
- Làm gì mà vội thế? Cháu ở lại ăn cơm đã.
Bà vợ ở trong nhà nghe vậy nói:
- Ông mới lẩm cẩm chứ! Vừa kêu hết gạo, đã phải mua cho nửa
cân mì mà ăn, ông lại còn giả cách phong lưu! Ông giữ cháu ở lại để nhịn đói à?
Bốc Thế Nhân nói:
- Mua thêm nửa cân nữa cũng được.
Bà ta liền gọi con gái:
- Con Ngân đâu! Mày sang bên nhà bà Vương trước cửa hỏi xem
có tiền thì vay mấy chục đồng, sáng mai sẽ trả.
Giả Vân vội gạt ngay: "Xin đừng làm phiền nữa". Rồi
chạy đi mất hút!
Giả Vân ở nhà cậu ra, trong lòng buồn bực, vừa nghĩ vừa cắm đầu
chạy, không ngờ chạm ngay phải một người say rượu. Người kia mắng: "Con mẹ
mày! Mù à, dám đâm cả vào tao!"
Giả Vân sợ giật nảy người, định lánh đi, nhưng bị người kia nắm
được, nhìn kỹ, té ra Nghê Nhị, ở liền ngay bên xóm.
Nghê Nhị là một kẻ vô lại, làm nghề cho vay lãi, cho tiền đầu
ở trong sòng bạc, thích uống rượu và đánh nhau. Bấy giờ hắn đi đòi nợ về, đã
say khướt rồi, không ngờ Giả Vân chạy đâm sầm vào. Hắn giơ tay chực đánh, Giả
Vân kêu lên:
- Ông Hai ơi! Hãy dừng tay! Tôi trót lỡ chạm phải ông!
Nghê Nhị nghe tiếng quen quen, trừng mắt nhìn, biết là Giả Vân,
vội buông tay ra. Hắn đi lảo đảo, cười nói:
- Thế ra cậu hai Giả đấy à? Cậu ở đâu về đấy?
- Không thể nói hết được, vừa rồi tự nhiên tôi vấp phải một
việc rất khó chịu!
- Không cần! Có việc gì bất bình cậu cứ nói lên, tôi sẽ trả
thù cho. Ở đây ba làng bảy xóm, bất chấp thằng nào, cứ chạm đến người hàng xóm
láng giềng của "tay thần rượu" này thì phải biết, thân tan nhà nát
ngay!
- Xin ông đừng vội nóng, để tôi nói đầu đuôi cho ông nghe.
Rồi hắn kể lại việc Bốc Thế Nhân. Nghê Nhị nghe xong, giận
nói:
- Nếu không phải bà con của cậu, đây sẽ mắng cho một trận. Việc
này làm người ta tức chết được! Nhưng thôi, cậu đừng buồn. Có mấy lạng bạc đây,
nếu cần, cậu mang về mà tiêu. Có một điều, tôi với cậu là chỗ hàng xóm láng giềng
với nhau, đã bao lâu nay, tôi có tiếng là người cho vay nợ lãi ở ngoài, mà cậu
chưa hề hé mồm hỏi tôi lần nào; có lẽ cậu sợ mất danh giá, hay sợ lãi nặng
không dám chơi với tôi chăng? Nếu sợ lãi nặng, thì tiền đây, tôi không cần một
đồng lãi và cũng không bắt cậu viết văn tự nữa. Nếu cậu sợ mất danh giá thì
thôi, tôi không cho vay nữa. Cậu đi đằng cậu, tôi đi đằng tôi.
Vừa nói hắn vừa mở gói bạc ở trong túi ra.
Giả Vân nghĩ bụng: "Nghê Nhị xưa nay tuy là đứa vô lại,
nhưng biết giúp người nghèo khổ, cũng có chút lòng nghĩa hiệp. Nếu ta không nhận,
lỡ hắn nóng lên, lại xảy chuyện không hay; chi bằng ta cứ nhận, rồi sẽ trả gấp
đôi là được". Liền cười nói:
- Thưa ông! Ông thực là bực hào hiệp. Tôi vẫn định đến hỏi
vay ông. Nhưng thấy ông chơi bời toàn là với những người có tai tiếng, còn hạng
chúng tôi bất tài bất lực, chắc ông chả đếm xỉa gì. Dù có hỏi, ông cũng chả cho
vay nào. Nay ông đã có bụng tốt, tôi không dám từ chối; về nhà, tôi sẽ làm văn
tự đem đến nộp ông.
Nghê Nhị cười khanh khách:
- Cậu nói khéo thật, tôi chưa nghe thấy bao giờ. Đã là bạn
thân với nhau, thì cho vay lấy lãi làm gì. Đã cho vay lấy lãi, thì còn gì là bạn
thân nữa? Thôi đừng nên dài lời. Cậu đã có lòng nghĩ đến, thì đây, món tiền mười
lăm lạng ba đồng cân, cậu cầm lấy mà tiêu. Nếu làm văn tự, thì xin trả lại tiền,
đây cho người có tai tiếng vay vậy.
Giả Vân cầm tiền, nói:
- Sao ông vội nóng thế? Tôi xin nghe theo lời ông là được rồi.
- Thế mới phải chứ! Bây giờ trời tối rồi, tôi không mời cậu
đi uống rượu nữa. Cậu về thôi. Tôi còn phải đi có chút việc. Nhân tiện nhờ cậu bảo
người nhà tôi cứ đóng cửa đi ngủ. Đêm nay tôi không về. Nếu có việc gì, bảo con
cháu gái sáng mai đến nhà lái ngựa Vương thọt chân tìm tôi.
Hắn vừa nói, vừa lảo đảo đi.
Giả Vân may gặp được việc này, sung sướng lắm, không ngờ Nghê
Nhị đối với mình lại tốt đến thế. Nhưng sau lại nghĩ: "Nghê Nhị lúc say
thì hào phóng. nhưng mai tỉnh rượu, nó lại sang bắt ta giả gấp đôi thì làm thế
nào?" Rồi lại nghĩ: "Không cần, đợi việc kia xong, ta cũng có thể giả
gấp đôi được". Hắn liền chạy đến hàng bạc cân lại, đúng mười lăm lạng ba
tiền bốn phân hai ly, không sai một tý nào, trong bụng càng mừng.
Về đến nơi, Giả Vân sang báo tin ngay cho vợ Nghê Nhị biết, rồi
mới vào nhà. Bà mẹ đương ngồi trên bục xe chỉ, hỏi: "Mày đi đâu suốt ngày
thế?"
Giả Vân sợ mẹ giận, không dám kể lại chuyện Bốc Thế Nhân, chỉ
nói:
- Con phải ở lại chờ chú Liễn bên phủ tây. Mẹ đã ăn cơm chưa?
Bà mẹ trả lời:
- Ăn rồi, có để phần con đấy.
Rồi bảo thằng bé con lấy cơm ra cho Giả Vân ăn. Bấy giờ trời
mới tối thật, đã lên đèn.
Giả Vân ăn cơm xong, xếp dọn đi ngủ. Hôm sau hắn dậy rửa mặt,
rồi ra cửa phía nam vào hàng hương mua băng phiến và xạ hương đem đến phủ Vinh.
Dò biết Giả Liễn đi vắng, hắn lẻn vào cửa sau, đến trước nhà Giả Liễn, thấy mấy
đứa hầu nhỏ đang quét sân. Chợt nghe tiếng vợ Chu Thụy ở trong nhà ra bảo:
"Đừng quét vội, mợ sắp ra đấy".
Giả Vân vội đến cười hỏi:
- Mợ sắp đi đâu thế?
Vợ Chu Thụy nói:
- Cụ gọi, chắc hỏi việc may quần áo gì đó.
Họ đương nói chuyện thì một đám người đưa Phượng Thư ra. Giả
Vân biết Phượng Thư ưa nịnh, liền khép nép kính cẩn chạy đến chào. Phượng Thư cứ
việc đi, mắt không thèm nhìn, chỉ hỏi:
- Mẹ cháu có được khỏe không, sao không thấy sang chơi?
- Mẹ cháu nhớ thím luôn. Chỉ vì người không được khỏe, nên
không sang được.
- Sao khéo nói dối thế. Nếu thím không nhắc, thì cháu cũng chẳng
nhớ gì đến thím.
- Cháu không sợ trời đánh hay sao, mà đứng trước bề trên, dám
bày chuyện nói dối? Ngay chiều hôm qua, mẹ cháu còn nhắc đến: thím người yếu lại
nhiều việc, được cái là sáng suốt, sắp xếp công việc đâu vào đấy. Nếu không, chỉ
sai một ly, chưa biết sẽ xảy ra bao nhiêu chuyện lôi thôi.
Phượng Thư nghe đến câu ấy, mặt vui hẳn lên, đứng dừng lại hỏi:
- Làm sao tự nhiên vắng thím mà mẹ con cháu lại giở chuyện ấy
ra nói?
Giả Vân cười nói:
- Vì cháu có người bạn thân mở một cửa hàng bán hương liệu.
Sau nó quyên chức thông phán, được bổ đi một nơi trong tỉnh Vân Nam. Nó mang cả
gia quyến đi. Hiệu ấy đóng cửa, nó xếp dọn hết hàng hóa, cái gì đáng bán rẻ thì
bán, cái gì đáng cho thì cho, thứ gì quý giá thì đem tặng bạn thân, nên cháu mới
được một ít băng phiến và xạ hương. Cháu về bàn với mẹ cháu, nếu đem bán đi,
không những không đủ vốn, cũng chả ai có tiền mua. Ngay nhà có tiền, cũng chỉ bỏ
ra vài đồng là đã rụt tay rồi. Nhược bằng đưa cho ai, cũng chẳng ai đáng dùng,
lại đành bán rẻ bán rúng, của mười được một thôi. Sực nhớ năm ngoái thím phải
mang một bọc bạc tướng đi mua những thứ này; chưa nói năm nay trong cung Quí
phi cần dùng đã đành mà đến tiết Đoan dương, nhất định phải đắt gấp mười, gấp
trăm, vì thế cháu nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có đem biếu thím là đúng hơn hết.
Hắn vừa nói vừa đưa cái hộp gấm ra.
Phượng Thư đương sắm đồ tết, cần dùng các thứ hương, thấy vậy,
vừa đắc ý, vừa mừng, liền bảo Phong Nhi: "Cháu Vân đã cho thì nhận lấy đem
về đưa cho Bình Nhi". Rồi lại nói:
- Xem cháu cũng biết điều đấy, không trách chú cháu thường bảo
cháu là người tốt, nói chuyện thẳng thắn, biết lời ăn lẽ ở.
Giả Vân thấy mình nói đã được đắt lời, lại rán hỏi thêm nữa:
- Thế ra chú cháu thường nhắc đến cháu?
Phượng Thư thấy hỏi, muốn hứa cho hắn làm một việc, sau lại
nghĩ: "Nó mới đưa các thứ hương đến, ta đã hứa cho việc làm ngay, sợ nó
coi thường mình".
Vì vậy Phượng Thư chưa nhắc đến việc trồng cây trồng hoa vội,
chỉ nói một vài câu chuyện suông, rồi sang bên Giả mẫu.
Giả Vân tất nhiên không tiện nhắc đến việc ấy, đành phải đi về.
Nhân hôm trước Bảo Ngọc dặn đến đợi ở thư phòng, nên ăn cơm xong, hắn lại sang
đấy ngay. Đến trước thư phòng Ỷ Tán Trai gặp Bồi Dính cùng Sừ Dược đánh cờ,
đang cãi nhau vì tranh nhau con xe. Lại có bọn Dẫn Tuyền, Tảo Hoa, Khiêu Vân, Bạn
Hạc, bốn năm a hoàn đương bắt chim sẻ trên nóc nhà. Giả Vân đứng đằng sau, giẫm
chân một cái, nói:
- Thằng khỉ con, lại nghịch gì đấy. Tao đến đây.
Bọn a hoàn trông thấy Giả Vân, liền tản ra, mỗi người đi mỗi
ngả.
Giả Vân vào ngồi trên một cái ghế trong thư phòng, hỏi:
- Chú Bảo có xuống đây không?
Bồi Dính nói:
- Hôm nay chưa xuống, cậu có việc gì, để tôi đi dò hộ xem.
Nói xong đi ra.
Giả Vân ở đấy xem tranh và đồ cổ, Một lúc lâu, không thấy Bồi
Dính về, muốn tìm người hầu khác để hỏi, nhưng chúng đều đi chơi cả. Đương lúc
ngồi buồn, nghe ngoài cửa sổ có tiếng thỏ thẻ: "Anh ơi!". Giả Vân
nhìn ra, thấy một a hoàn độ mười lăm, mười sáu tuổi, vẻ người xinh xắn. Trông
thấy Giả Vân, a hoàn ấy quay mình chực tránh. Vừa lúc Bồi Dính về, thấy nó đứng
ở cửa, liền nói:
Giả Vân thấy Bồi Dính, chạy ngay lại hỏi: "Thế
nào?" Bồi Dính nói:
- Chờ lâu lắm cũng chẳng gặp người nào. May gặp cô này là người
trong nhà cậu Bảo. - Nhân nói: - Nhờ cô vào báo, có cậu Hai bên kia sang chơi.
A hoàn nghe nói, biết là người trong họ, không lẩn tránh như
trước nữa, cứ dán hai mắt nhìn chòng chọc vào mặt Giả Vân.
Giả Vân cười nói:
- Thôi đừng nói bên kia bên này nữa, cứ nói có Giả Vân là được
rồi.
Một chốc a hoàn ra dáng đon đả nói:
- Cứ ý tôi, mời cậu hãy về, ngày mai sẽ đến. Tối hôm nay rỗi,
tôi sẽ nói giúp.
Bồi Dính hỏi:
- Thế là thế nào?
A hoàn nói:
- Hôm nay cậu Bảo không nghỉ trưa, chắc bữa cơm chiều ăn sớm,
rồi đi nghỉ ngay, không xuống thư phòng nữa đâu. Bảo cậu Hai chờ ở đây để nhịn
đói à? Chi bằng cứ về, ngày mai cậu hãy đến là hơn. Ngay bây giờ có đưa tin
vào, cậu ấy cũng chỉ ừ hử cho xong chuyện, không ăn thua đâu.
Giả Vân thấy a hoàn ấy nói năng rành rọt, dịu dàng, muốn biết
tên, nhưng vì là người trong phòng Bảo Ngọc nên không tiện hỏi, chỉ nói:
- Cô ấy nói phải đấy, ngày mai tôi sẽ lại.
Nói xong đi ra.
Bồi Dính nói:
- Để tôi pha trà cậu xơi đã.
Giả Vân vừa đi vừa ngoảnh lại nói:
- Thôi không cần, tôi còn vội đi có việc.
Mồm nói, mắt hắn vẫn liếc nhìn a hoàn.
Hôm sau, Giả Vân lại đến, vừa gặp lúc Phượng Thư đi ra.Mới
lên xe, Phượng Thư trông thấy Giả Vân liền bảo người gọi lại, và ở trong cửa xe
nói ra:
- Cháu Vân, cháu lại cả gan giở trò ma mãnh trước mặt ta! Té
ra cháu muốn xin việc, mới đem các thứ tới biếu ta. Hôm nọ chú cháu vừa mới
mách ta, cháu muốn xin chú ấy một việc.
Giả Vân nói:
- Xin thím đừng nhắc đến việc cháu nhờ chú nữa. Cháu đương hối
hận đây. Nếu biết thế này, lúc đầu cháu nhờ ngay thím, thì việc xong từ bao giờ
rồi. Ai ngờ chú lại chẳng giúp cháu được việc gì.
Phượng Thư cười nói:
- Đằng ấy chẳng giúp được việc, nên hôm qua mới tìm đến ta chứ
gì?
Giả Vân nói:
- Thím chẳng xét cho lòng thành của cháu. Cháu không bao giờ
có ý ấy. Nếu có ý ấy thì hôm qua cháu đã chả đến cầu xin với thím. Nay thím biết
rồi, cháu xin thôi không nhờ chú nữa. Cháu trông nhờ vào thím, xin thím thương
cho!
Phượng Thư cười nhạt:
- Các cháu chỉ chọn công xa mà đi thôi. Nếu nói với ta sớm,
dù việc to lớn thế nào, cũng chẳng để nhỡ nhàng đến tận bây giờ! Trong vườn này
cần trồng cây trồng hoa, ta đương tìm người. Nói sớm thì việc cháu xong rồi.
Giả Vân cười:
- Nếu thế, sáng mai thím cho cháu đi làm ngay.
Một lúc sau Phượng Thư nói:
- Ta xem việc này không ăn thua gì đâu. Chờ đến tháng giêng
sang năm, ta sẽ cho cháu thầu món dầu đèn, chẳng tốt hơn ư?
Giả Vân nói:
- Xin thím cứ cho cháu nhận việc này. Nếu làm được, thím lại
giao cho cháu việc kia.
Phượng Thư cười nói:
- Cháu lại định "thả dây câu dài để bắt con cá lớn"(2)
chứ gì? Nếu chú không nói hộ thì thím cũng thây kệ. Cơm xong, thím sẽ về ngay.
Vào khoảng quá trưa, cháu đến lĩnh tiền. Ngày mai thì bắt đầu trồng hoa.
Nói xong lên xe đi.
Giả Vân mừng cuống lên, lại đến Ỷ Tán Trai tìm Bảo Ngọc.
Nhưng từ sớm, Bảo Ngọc đã đi sang phủ Bắc Tĩnh vương rồi. Giả Vân ngồi chờ đến
trưa. Khi nghe Phượng Thư về, hắn vội đến để viết giấy lĩnh đối bài. Đến nhà
ngoài, nhờ người vào trình. Thái Minh ra mang phiếu lĩnh vào, ghi số tiền và
ngày tháng, rồi mang cả phiếu và đối bài ra trao cho Giả Vân. Giả Vân cầm lấy
xem, thấy được lĩnh hai trăm lạng bạc, mừng quá, chạy vụt ngay đến kho lĩnh, rồi
về nhà nói với mẹ, mẹ con đều mừng rỡ hớn hở. Sáng hôm sau, canh năm Giả Vân đã
đem tiền đến giả Nghê Nhị, rồi mang năm mươi lạng ra cửa Tây, đến nhà Phương
Thung là thợ trồng hoa mua các thứ cây.
Hôm trước, Bảo Ngọc có hẹn Giả Vân đến chơi. Câu nói ấy chẳng
qua là câu khách sáo của bọn con nhà phú quí, nói rồi quên ngay, khi nào còn để
ý đến.
Chiều hôm ấy Bảo Ngọc ở phủ Bắc Tĩnh vương về, vào thăm Giả mẫu,
Vương phu nhân, rồi về thay quần áo, định đi tắm. Lúc này Tập Nhân đang bận xe
dây ở nhà Bảo Thoa; Thu Văn, Bích Ngân thì đi quảy nước; Đàn Vân thì về nhà mừng
ngày sinh nhật mẹ; Xạ Nguyệt thì ốm nằm trong nhà, chỉ còn vài a hoàn ở đó sai
vặt. Chúng chắc là không ai gọi đến, nên ra chơi đùa với nhau. Bấy giờ chỉ có một
mình Bảo Ngọc ở nhà, muốn uống nước, gọi hai ba lần, mới thấy hai bà già đến. Bảo
Ngọc trông thấy liền xua tay:
- Thôi, thôi, không cần nữa.
Bọn bà già đều phải lui ra.
Bảo Ngọc đi tìm lấy chén để rót nước. Chợt đằng sau có người
nói: "Thưa cậu, không khéo bỏng tay, để tôi rót". Vừa nói nó vừa chạy
đến cầm lấy chén. Bảo Ngọc giật mình hỏi:
- Cô ở đâu đến? Làm ta giật mình.
A hoàn ấy vừa cười vừa nói:
- Tôi ở nhà phía sau. Vừa mới ở cửa sau lên, cậu không nghe
thấy tiếng chân đi à?
Bảo Ngọc vừa uống nước vừa ngắm nghía, thấy a hoàn ấy mặc bộ
quần áo dung dúc, mái tóc vén lên đen nhánh, gương mặt thon thon, thân hình óng
ả, trông rất xinh xắn tươi tỉnh. Liền cười hỏi:
- Cô cũng là người trong nhà này à?
- Vâng.
- Người trong nhà sao ta lại không biết?
- Còn nhiều người cậu không biết, nào phải có một mình tôi!
Xưa nay tôi không pha nước, không mang thứ nọ thứ kia, không làm một việc gì ở
trước mặt cậu, thì cậu làm sao biết được?
- Tại sao cô lại không làm việc gì trước mặt ta?
- Chuyện ấy tôi cũng khó nói. Nay chỉ thưa cậu một việc: Hôm
qua có cậu nào tên là cậu Vân đến thăm. Tôi đoán cậu bận, nên nhờ Bồi Dính bảo
cậu ấy hôm nay đến, không ngờ cậu lại sang bên phủ Bắc chơi.
Đương nói thì Thu Văn và Bích Ngân cười khanh khách chạy đến.
Hai người khiêng một thùng nước, tay vén quần áo, loạng choạng bước thấp bước
cao. A hoàn này vội ra đỡ lấy. Thu Văn và Bích Ngân đang gắt nhau, người này
kêu "mày làm ướt quần áo tao", người kia kêu "mày giẫm lên giày
tao". Chợt trông thấy một người đến đỡ lấy nước, nhìn kỹ thì chính là Tiểu
Hồng.
Hai người lấy làm lạ, bỏ thùng nước xuống, vội chạy vào trong
nhà xem có ai nữa không, chỉ thấy có một mình Bảo Ngọc. Hai người đều khó chịu,
nhưng còn phải sắp sửa đồ tắm. Chờ Bảo Ngọc cới quần áo xong, hai người khép cửa
lại rồi chạy sang buồng bên cạnh tìm Tiểu Hồng, hỏi: "Mày vừa ở trong nhà
làm gì?"
Tiểu Hồng nói:
- Tôi có ở trong nhà đâu? Tôi đương đi tìm cái khăn lụa của
tôi ở phía sau, không ngờ cậu Hai muốn uống nước, gọi các chị, chẳng có ai ở
nhà. Tôi vừa mới lên rót nước thì các chị về.
Thu Văn vênh mặt nhổ toẹt một cái mắng:
- Đồ mặt dày! Lẽ ra mày phải đi khiêng nước, mày kêu bận,
chúng tao phải đi thay, mày vớ lấy dịp may chực một bước nhảy tót lên cao hay
sao? Mày cho chúng tao không bằng mày à? Lấy gương mà soi xem, cái mặt ấy đã
đáng rót nước chưa?
Bích Ngân nói:
- Thôi ngày mai ta bảo nhau, bao nhiêu việc lấy chè, lấy nước,
cùng các thứ, đừng ai động đến, cứ để cho một mình nó làm tất.
Thu Văn nói:
- Chi bằng chúng ta đi hết cả, cứ để cho một mình nó ở nhà
này xem sao?
Hai người đương lời qua tiếng lại, thì có một bà già đến truyền
lời của Phượng Thư:
- Ngày mai có người đem thợ đến trồng cây, trồng hoa, các cô
phải cẩn thận, không được phơi quần áo bừa bãi. Chỗ núi đất đều che màn kín
xung quanh, không ai được chạy lung tung.
Thu Văn liền hỏi:
- Không biết ngày mai ai đến trông nom đám thợ?
Bà già nói:
- Hình như là cậu Vân ở nhà phía sau.
Thu Văn và Bích Ngân không biết là ai, cứ hỏi lẫn nhau. Duy
Tiểu Hồng biết rõ là người đã gặp ở thư phòng hôm trước.
Nguyên Tiểu Hồng họ Lâm, tên là Hồng Ngọc. Vì chữ "Ngọc"
trùng với tên Bảo Ngọc và Đại Ngọc, nên đổi là Tiểu Hồng. Nhà ấy mấy đời làm đầy
tớ trong phủ Vinh. Cha Hồng Ngọc hiện giữ việc thu quản ruộng đất nhà cửa các
nơi. Hồng Ngọc năm nay mới mười sáu tuổi. Khi chia người đến vườn Đại Quan, Hồng
Ngọc được đến ở viện Di Hồng, chỗ này rất thanh nhã và tĩnh mịch. Sau ngày các
chị em vào ở trong vườn, thì viện Di Hồng lại là nhà ở của Bảo Ngọc.
Hồng Ngọc tuy là a hoàn chưa hiểu mấy việc đời, nhưng vì có
đôi phần nhan sắc, nên cũng mơ tưởng được vươn mình lên cao, lúc nào cũng muốn
khoe khoang trước mặt Bảo Ngọc. Nhưng bên cạnh Bảo Ngọc biết bao nhiêu người
lanh lợi sắc sảo, nên khó có chỗ mà lọt vào được. Ngờ đâu hôm nay nó mới có dịp
này, thì lại bị bọn Thu Văn mắng cho một trận nên thân, trong lòng nguội đi quá
nửa. Đang lúc bực mình, chợt nghe bà già nói đến Giả Vân, tự nhiên lòng thấy
nao nao, nó lủi thủi về buồng, âm thầm nghĩ ngợi, một mình trằn trọc bâng
khuâng như mất vật gì, ngủ đi lúc nào không biết. Bỗng nghe tiếng gọi khe khẽ
ngoài cửa sổ: "Hồng Ngọc! Khăn lụa của em ta nhặt được đây này". Hồng
Ngọc vội chạy ra xem, thì chính là Giả Vân. Mặt liền đỏ bừng lên, có dáng bẽn lẽn,
hỏi:
- Cậu Hai nhặt được khăn ấy ở đâu?
Giả Vân cười nói:
- Em lại đây, anh sẽ bảo.
Vừa nói vừa kéo lấy áo, Hồng Ngọc đỏ mặt quay mình chạy, vướng
phải bực cửa, ngã lăn ra.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Các chất thơm như bạch đàn, băng phiến, xạ hương, v.v..
(2). Ý nói tham muốn ăn to.
Hồi 25:
Mắc phải thuật năm con quỷ, chị em hóa điên rồ;
Hồng Ngọc đương lúc tâm thần hoảng hốt, tình tứ triền miên,
ngủ đi lúc nào không biết, chợt thấy Giả Vân nắm lấy, vội quay người chạy, vướng
phải bực cửa, giật mình thức dậy, biết mình chiêm bao. Vì thế nghĩ quanh nghĩ
quẩn, cả đêm không ngủ. Sáng hôm sau nó trở dậy, có mấy a hoàn đến rủ đi quét
nhà cửa, múc nước rửa mặt. Hồng Ngọc không trang điểm gì, chỉ soi gương vén mái
tóc qua loa, rửa tay xong thắt lưng rồi đi quét nhà.
Hôm trước Bảo Ngọc trông thấy Hồng Ngọc, đã để ý tới, muốn gọi
thẳng đến để sai bảo, nhưng một là sợ bọn Tập Nhân hay ngờ vực, hai là chưa biết
tính nết Hồng Ngọc thế nào, khá ra thì chớ, lỡ có làm sao phải trả về cũng khó
coi, nên trong lòng hơi buồn. Sáng ngày trở dậy, Bảo Ngọc chẳng rửa ráy gì, cứ
ngồi nghĩ vơ vẩn. Một chốc mở cửa sổ, ở trong màn the trông ra ngoài rõ mồn một,
thấy bọn a hoàn đương quét sân, ai cũng đánh phấn tô son, cài trâm giắt hoa lịch
sự lắm, chỉ thiếu có một cô hôm trước. Bảo Ngọc liền xỏ giày, ra ngoài, ra dáng
đi ngắm hoa, ngửa mặt lên nhìn ngược nhìn xuôi, khắp một lượt.
Bỗng thấy ở góc hàng hiên phía nam có một người đương đứng tựa
lan can, nhưng lại bị cành hải đường che khuất, trông không được rõ. Lại gần
nhìn kỹ, thì chính là a hoàn hôm trước đương ngẩn người đứng đấy. Bảo Ngọc muốn
đến tận nơi, lại sợ không tiện. Chợt thấy Bích Ngân lại mời đi rửa mặt, đành phải
quay về.
Hồng Ngọc đương lúc đứng thẫn thơ, thấy Tập Nhân vẫy tay gọi,
cũng phải chạy lên. Tập Nhân cười nói:
- Ống nhổ của nhà chưa nhặt nhạnh được, em đến chỗ cô Lâm mượn
một cái.
Hồng Ngọc chạy ngay đến quán Tiêu Tương. Đi đến cầu Thúy Yên,
ngẩng nhìn lên, thấy trên sườn núi đều che màn, biết ngày hôm nay có thợ đến trồng
cây. Đằng xa, có một đám người đào đất. Giả Vân cũng đương ngồi trên hòn đá. Hồng
Ngọc muốn đi qua đấy, nhưng lại sợ, đành len lén đến quán Tiêu Tương mượn ống
nhổ, rồi lủi thủi về buồng nằm. Mọi người cho là cô ta mệt, chẳng ai để ý đến.
Hôm sau, ngày sinh nhật bà Vương Tử Đằng, có sai người đến mời
Giả mẫu và Vương phu nhân sang dự tiệc. Thấy Giả mẫu không đi, Vương phu nhân
cũng không đi. Tiết phu nhân, Phượng Thư, ba chị em Nghênh Xuân, Bảo Thoa và Bảo
Ngọc đều sang cả, đến chiều mới về.
Vương phu nhân sang ngồi chơi nhà Tiết phu nhân, thấy Giả
Hoàn đi học về, liền sai nó sao bản kinh Kim Cương chú(1). Giả Hoàn leo ngay
lên giường Vương phu nhân, sai người thắp đèn, ngồi chễm chệ viết, trông ra
dáng lắm. Nó lúc sai Thái Hà pha nước, lúc sai Ngọc Xuyến cắt hoa đèn, lúc sai
Kim Xuyến che đèn cho khỏi chói. Bọn a hoàn xưa nay vẫn ghét nó, chẳng ai thèm
bắt lời. Cbỉ có Thái Hà là chiều chuộng, đi pha nước cho nó uống. Nhân thấy
Vương phu nhân đang nói chuyện, Thái Hà khẽ bảo nó: "Sao không biết thân
biết phận, cứ làm cho người ta chán ghét".
Giả Hoàn nói:
- Cô đừng lòe tôi. Cô chỉ thích Bảo Ngọc thôi, không thèm
nhìn đến tôi, tôi biết cả rồi.
Thái Hà nghiến răng lại, lấy ngón tay dí vào đầu Giả Hoàn một
cái nói:
- Không còn tí lương tâm nào! Chó cắn cả Lã Động Tân(2), chẳng
biết phân biệt hay dở gì cả.
Hai người đương nói thì Phượng Thư về trình Vương phu nhân.
Vương phu nhân hỏi lẩn mẩn: Hôm nay có mấy vị khách đàn bà? Vở hát có hay
không? Tiệc rượu bày biện thế nào? Một lúc Bảo Ngọc cũng đến; trông thấy Vương
phu nhân, lễ phép nói mấy câu, rồi sai người bỏ khăn che đầu, cởi áo, tháo
giày, lăn nhào vào lòng Vương phu nhân. Vương phu nhân lấy tay vỗ về. Bảo Ngọc
giơ tay víu lấy cổ Vương phu nhân nũng nịu mấy câu. Vương phu nhân nói:
- Con tôi uống nhiều rượu rồi, mặt đỏ chín lên mà vẫn còn cứ
nghịch. Lát nữa hơi rượu sẽ bốc lên đấy! Thôi con hãy đi nằm một lúc đi.
Nói xong sai người lấy gối đến.
Bảo Ngọc nằm sau Vương phu nhân, bảo Thái Hà vỗ lưng. Bảo Ngọc
cười cợt, nhưng Thái Hà lờ đi, không để ý đến, cứ hai mắt nhìn chòng chọc vào
Giả Hoàn. Bảo Ngọc liền kéo tay Thái Hà nói:
- Chị ơi! Chị để ý đến tôi một tí.
Thái Hà giật tay lại và nói:
- Hễ đùa nữa tôi kêu ầm lên đấy!
Những câu hai người cãi nhau, Giả Hoàn đều nghe rõ cả. Xưa
nay hắn vẫn ghét Bảo Ngọc, nay thấy Bảo Ngọc trêu cợt Thái Hà, trong bụng tức
quá không thể nhịn được. Tuy không nói ra nhưng hắn vẫn ngấm ngầm tìm kế hãm hại.
Nhân tiện ngồi gần đó, hắn làm ra bộ nhỡ tay, hắt cả đĩa dầu đương cháy vào mặt
Bảo Ngọc, Bảo Ngọc kêu lên một tiếng, cả nhà trong nhà ngoài giật mình đổ xô lại,
cầm ba bốn cây đến đến soi, thấy mặt Bảo Ngọc đầy dầu. Vương phu nhân vừa giận
vừa nóng, vội sai người lau mặt cho Bảo Ngọc, rồi mắng Giả Hoàn. Phượng Thư lật
đật lên bục, chạy chữa cho Bảo Ngọc rồi nói:
- Thằng Ba là đồ cục súc. Tao đã bảo mày không đáng là bậc
cao quý! Dì Triệu ngày thường cũng phải dạy bảo nó chứ!
Câu nói ấy nhắc cho Vương phu nhân nhớ ra, liền gọi dì Triệu
đến mắng: "Đẻ ra những giống khốn nạn ấy mà không biết dạy! Đã mấy phen
tao không thèm chấp, chúng bay đắc ý càng làm già!"
Dì Triệu ngày thường vẫn đem lòng ghen ghét, bực bội với Phượng
Thư và Bảo Ngọc, nhưng không dám nói. Nay thấy Giả Hoàn gây chuyện, bị mắng một
trận, đành nín thin thít, chạy lại thu xếp cho Bảo Ngọc. Bấy giờ thấy má bên
trái Bảo Ngọc có một nết bỏng, may không vào mắt.
Vương phu nhân thấy thế đau ruột lắm, lại sợ Giả mẫu hỏi thì
không biết nói ra sao. Cáu quá, Vương phu nhân lại mắng dì Triệu một trận nữa.
Rồi yên ủi và lấy thuốc bôi lên má cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc nói:
- Đau chút ít thôi, không việc gì đâu. Ngày mai bà hỏi, cứ
nói là con vô ý làm bỏng, thế là được.
Phượng Thư nói:
- Dầu nói là tự mình làm bỏng, bà cũng mắng người nhà không
trông nom cẩn thận. Muốn gì thì gì, bà cũng nổi bực cho mà xem.
Vương phu nhân sai người đưa Bảo Ngọc về phòng. Bọn Tập Nhân
thấy thế rối rít cả lên.
Đại Ngọc thấy Bảo Ngọc hôm ấy đi vắng cả ngày, trong bụng buồn
buồn. Chiều đến, cho người sang hỏi hai ba lần, mới biết là Bảo Ngọc bị bỏng,
liền sang tận nơi hỏi thăm. Thấy Bảo Ngọc đương soi gương, má bên trái lem luốc
những thuốc, Đại Ngọc tưởng vết bỏng nguy hiểm, liền đứng nhích lại nhìn. Bảo
Ngọc che má lại rồi xua tay bảo Đại Ngọc đi ra ngoài, vì biết Đại Ngọc xưa nay
ưa sạch sẽ, nên không dám cho xem. Đại Ngọc cũng biết mình có tính ấy, Bảo Ngọc
sợ bẩn không cho xem, liền cười nói:
- Tôi xem bỏng chỗ nào, làm gì mà phải giấu!
Rồi nghển cổ lên nhìn và hỏi Bảo Ngọc đau thế nào. Bảo Ngọc
nói:
- Không đau lắm, chỉ chữa vài ngày là khỏi thôi.
Đại Ngọc ngồi một lúc, buồn rầu ra về.
Hôm sau Bảo Ngọc sang thăm Giả mẫu. Tuy đã nhận là tự mình vô
ý làm bỏng, nhưng Giả mẫu vẫn cứ mắng những người hầu.
Ngày sau nữa, có Mã đạo bà là mẹ nuôi bán khoán của Bảo Ngọc
đến chơi, trông thấy Bảo Ngọc bỏng, bà ta giật mình hỏi đầu đuôi, gật đầu thở
dài rồi lấy tay vạch mấy vạch vào má Bảo Ngọc, mồm lẩm bẩm đọc mấy câu chú và
nói: "Đó là tai bay vạ gió đấy thôi, thế nào cũng khỏi". Lại hỏi Giả
mẫu:
- Lạy cụ, lạy đức Phật sống, người có biết đâu trong kinh Phật
nói rất ghê gớm? Bao nhiêu con cháu nhà vương công, khanh tướng, khi mới đẻ ra,
lũ ma xó đã lẩn quất bên mình, cứ sểnh ra là nó tìm cách trêu quấy. Có lúc vặn
người, véo thịt, hoặc đương ăn làm cho rơi bát, đương đi đổ xô cho ngã. Vì thế
nhiều người khó nuôi đến lớn được.
- Thế có phép nào cứu chữa được không?
- Cái ấy dễ thôi, chỉ làm nhiều điều từ thiện là được. Trong
kinh Phật lại nói: phương tây có vị bồ tát Đại Quang Minh Phổ Chiếu, chuyên giữ
việc soi xét ma quỷ lẩn quất, nếu thiện nam tín nữ thành tâm thờ cúng người,
thì con cháu được bình yên lâu dài, không còn có tai vạ tà ma ám ảnh nữa.
- Không biết thờ cúng vị ấy bằng gì?
- Chẳng tốn kém gì mấy; ngoài việc đèn hương ra, mỗi ngày
thêm độ mấy cân dầu thắp đèn đại hải. Đèn này tức là hiện thân của đức Phật
ngày đêm không bao giờ tắt.
- Một ngày một đêm thắp hết độ bao nhiêu dầu? Ta sẽ cúng.
- Không cần nhiều, tùy chủ thành tâm cúng thế nào thì cúng.
Nhà tôi cũng có mấy bà vương phi mệnh phụ cúng lễ, như bà Nam An quận vương
cúng một ngày bốn mươi tám cân dầu, một cân bấc đèn, để thắp một đèn đại hải to
gần như cái vại; bà Cẩm Điền hầu cúng một ngày hai mươi bốn cân; còn mấy nhà nữa
mỗi nhà hoặc năm cân, ba cân, một cân. Nhà nghèo dù tám lạng nửa cân tôi cũng vẫn
thắp cho cả.
Giả mẫu gật đầu nghĩ ngợi. Mã đạo bà nói:
- Còn một việc nữa, nếu là cúng cho bố mẹ và bề trên, nhiều
cũng chẳng sao; nhưng cụ cúng cho cậu Bảo, nhiều quá sợ cậu ấy gánh không nổi,
lại hóa tổn phúc, không nên. Vì vậy chỉ cúng độ năm bảy cân là đủ.
- Nếu thế thì mỗi ngày ta cúng năm cân, hàng tháng đưa cả một
lần.
- A dì đà Phật, từ bi đại bồ tát!
Giả mẫu lại dặn các người hầu:
- Từ giờ cậu Bảo Ngọc đi chơi đâu, sẽ đưa mấy quan tiền giao cho
bọn theo hầu, hễ gặp những người tăng đạo nghèo khổ thì bố thí cho người ta.
Sau đấy Mã đạo bà đi thăm hỏi các phòng. Một chốc đến phòng
dì Triệu. Chào nhau xong, dì Triệu sai a hoàn pha nước mời uống. Bấy giờ dì Triệu
đương khâu giày. Mã đạo bà thấy trên giường có những mảnh lụa lặt vặt, liền
nói:
- Tôi hiện không có gì làm mũi giày, bà dì cho mấy mảnh, màu
gì cũng được.
Dì Triệu thở dài:
- Bà xem ở đây còn có mảnh nào ra hồn nữa. Nếu là của tốt,
khi nào lại đến nơi tôi? Bà xem mảnh nào dùng được, chọn lấy vài mảnh mà dùng.
Mã đạo bà chọn lấy mấy mảnh đút vào tay áo.
Dì Triệu lại hỏi:
- Hôm nọ tôi có cho mang năm trăm đồng tiền đến cúng đức Dược
Vương, bà đã cúng hộ chưa?
- Cúng rồi.
- A di đà Phật! Nếu tôi được rộng lưng một chút, thì đến cúng
luôn, khốn nỗi lòng nhiều mà của ít.
- Bà cứ yên tâm, sau này cậu Hoàn lớn lên, được đi làm quan,
lúc bấy giờ tha hồ mà cúng.
- Thôi, thôi, đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Nay việc đã rõ
rành rành: Mẹ con tôi thì bằng ai trong nhà này? Bảo Ngọc là đứa bé con, được
cái mặt mũi sáng sủa, bộ dạng dễ thương, người trên yêu quý nó, thôi cũng đành
vậy; tôi chỉ tức con mẹ chủ non nhà này!
Vừa nói dì Triệu vừa giơ hai ngón tay. Mã đạo bà biết ý, liền
hỏi:
Dì Triệu giật mình xua tay ngay, đứng dậy vén rèm ra xem thấy
không có ai, mới quay vào bảo đạo bà:
- Hễ nói đến con chủ non ấy là tôi không thể chịu được! Một
phần gia tư nhà này, nó không chuyển về nhà cha mẹ nó, thì tôi không phải giống
người!
Mã đạo bà nghe thấy thế, liền dò ý:
- Dễ tôi phải đợi bà nói mới rõ à? Chả lẽ cả nhà lại không ai
biết hay sao? Thôi bà cứ mặc kệ người ta, đừng để ý đến, như thế lại xong.
Dì Triệu nói;
- Mẹ ơi! Chẳng mặc kệ thì làm gì được nó?
- Tôi nói câu này không phải là gây tai gây ác gì đâu: Chỉ tại
các người không có gan, còn trách gì ai. Nếu công khai không làm hại nổi, thì
tìm cách hại ngầm, lẽ nào lại chịu để đến bây giờ?
Dì Triệu nghe câu ấy có ngụ ý riêng, trong bụng mừng thầm, liền
hỏi:
- Cách hại ngầm làm thế nào? Tôi vẫn định bụng thế, nhưng
chưa tìm ra được người giỏi giang giúp cho đấy thôi. Xin bà bảo ban cho, xong
việc tôi sẽ hậu tạ.
Mã đạo bà thấy đã ăn ý, lại tìm cách nói lảng:
- A di đà Phật, bà đừng hỏi tôi, tôi biết thế nào được việc ấy.
Nói ra phải tội!
Dì Triệu nói:
- Bà cứ khéo đắn đo! Xưa nay bà là người hay cứu giúp kẻ khốn
khó, có lẽ nào người ta đang tìm cách làm hại mẹ con tôi mà bà lại cứ giương mắt
ngồi nhìn? Hay là bà bảo tôi không tạ được bà?
Đạo bà cười nói:
- Bà lầm rồi! Bảo tôi không nỡ ngồi nhìn mẹ con bà bị người
ta ức hiếp thì được! Chứ tạ hay không thì tôi không nghĩ đến chuyện ấy đâu. Bà
còn có cái gì đáng tạ nữa?
Dì Triệu nghe vậy, lòng đã nhẹ nhàng đôi chút, liền nói:
- Bà là người hiểu việc, sao lại còn nói lẩn thẩn thế? Nếu
phép của bà mầu nhiệm, làm được cho hai đứa ấy chết đi, tài sản nhà này không về
tay mẹ con tôi hay sao? Bấy giờ bà muốn gì mà chẳng được?
Mã đạo bà cúi đầu một lúc, rồi nói:
- Đến khi ấy công việc xong xuôi cả, không có bằng cớ gì, bà
còn nghĩ gì đến tôi!
- Điều ấy có khó gì? Bây giờ tôi hãy đưa cho bà mấy lạng bạc,
một ít quần áo và đồ trang sức, bà cầm lấy trước; tôi lại viết thêm một bức văn
tự nợ, đến bấy giờ tôi sẽ theo đủ số tiền trả cho bà.
- Có thật thế không?
- Khi nào tôi nói dối.
Dì Triệu gọi bà già tin cẩn đến, ghé vào tai thì thầm mấy
câu. Bà kia đi một lúc trở về, đem theo bức văn tự vay năm trăm lạng bạc. Dì
Triệu điểm chỉ, rồi vào mở hòm lấy những đồ trang sức, tiền bạc riêng của mình
đưa cho Mã đạo bà và nói:
- Bà hãy cầm trước cái món này về mua hương nến cúng dâng có
được không?
Mã đạo bà thấy đống bạc trắng phau, lại có văn tự nợ, liền bất
cần đen trắng, nhận lời ngay. Mụ quờ tay cầm lấy món tiền, rồi đến văn tự. Sau
đó mụ rút trong người ra mười con quỷ cắt bằng giấy, mặt xanh nanh vàng, cùng
hai hình nhân đưa cho dì Triệu, khẽ dặn:
- Viết tên tuổi hai người ấy vào hai hình nhân này và đặt năm
con quỷ này ở đầu giường mỗi người là được. Tôi trở về làm phép sẽ có hiệu nghiệm.
Bà phải hết sức cẩn thận, đừng sợ gì hết.
Chợt có a hoàn bên Vương phu nhân đến tìm: "Mã đạo bà có
đấy không? Bà Hai đang đợi đấy". Hai người liền từ biệt nhau.
Từ khi Bảo Ngọc bị bỏng, không đi chơi đâu, Đại Ngọc cũng chỉ
ở nhà chuyện trò với chị em. Một hôm ăn cơm xong, Đại Ngọc ngồi xem sách, thấy
buồn thiu, liền đi thêu thùa với bọn Tử Quyên, cũng vẫn không thấy khoan khoái.
Đại Ngọc tựa cửa nhìn ra ngoài, một lúc đủng đỉnh ra sân xem mấy cái măng mới mọc.
Ra khỏi cửa, nhìn vào vườn, chẳng thấy một ai, chỉ trơ hoa nở đầu cành, chim
kêu bên suối, liền rảo bước sang viện Di Hồng, thấy mấy a hoàn xách nước, đương
đứng ở hiên xem chim họa mi tắm. Nghe thấy trong buồng có tiếng cười, Đại Ngọc
bước vào, thì ra Lý Hoàn, Phượng Thư và Bảo Thoa đang ở đấy. Trông thấy Đại Ngọc
vào, họ cười nói:
- Kìa! Chẳng lại thêm một người nữa đến kia!
Đại Ngọc cười hỏi:
- Hôm nay ai mời mà các người đến đông thế này?
Phượng Thư nói:
- Hôm nọ tôi cho mang hai bao chè sang biếu, cô đi đâu không
có nhà?
Đại Ngọc nói:
- Thế mà tôi quên mất đấy, xin cảm ơn chị.
Phượng Thư nói:
- Uống có ngon không?
Bảo Ngọc đỡ lời ngay:
- Chẳng biết người khác uống thế nào, chứ tôi thì không thấy
ngon gì.
Bảo Thoa nói:
- Chè ấy sắc không đẹp, nhưng vị cũng ngon đấy.
Phượng Thư nói:
- Đó là chè của nước Xiêm La đem cống, tôi uống cũng chẳng thấy
ngon, không bằng chè của chúng ta thường dùng.
Đại Ngọc nói:
- Chẳng biết tì vị các người ra sao, còn tôi uống thì thấy
ngon.
Bảo Ngọc nói:
- Cô cho là ngon thì mang cả chè ở bên tôi về mà uống.
Phượng Thư nói:
- Bên tôi cũng hãy còn nhiều.
Đại Ngọc nói:
- Có còn thật không, để tôi cho người sang lấy.
Phượng Thư nói:
- Không cần. Ngày mai tôi muốn nhờ cô một việc, tôi sẽ cho
người mang sang một thể?
Đại Ngọc cười nói:
- Chị em nghe đấy, mới được một ít chè, mà chị ấy đã lại định
sai phái rồi.
Phượng Thư cười nói:
- Mới nói nhờ một tý, cô đã giở chuyện chè với nước ra. Đã uống
nước chè của nhà người ta, mà lại không chịu làm con dâu nhà người ta à?
Mọi người cười rộ lên. Đại Ngọc đỏ mặt quay đầu đi chỗ khác,
không nói một câu. Lý Hoàn cười nói với Bảo Thoa:
- Câu khôi hài của thím Hai hay đấy.
Đại Ngọc nói:
- Khôi hài gì! Chẳng qua là những giọng lưỡi bần tiện làm cho
người ta chối cả tai.
Nói xong nhổ toẹt một cái.
Phượng Thư cười nói:
- Khéo mơ hồ! Cô làm dâu nhà này không đáng hay sao?
Rồi trỏ vào Bảo Ngọc nói:
- Cô thử xem, con người không xứng đáng sao? Dòng họ không xứng
đáng sao? Nề nếp và gia tư không xứng đáng sao? Có cái gì làm cô đáng xấu hổ
nào?
Đại Ngọc đứng dậy chạy ra. Bảo Thoa gọi lại:
- Cô Tần đâm cuống rồi! Không trở lại à! Bỏ đi thì còn ra làm
sao nữa.
Nói xong đứng dậy kéo Đại Ngọc lại.
Hai người vừa trở về đến cửa, gặp dì Triệu và dì Chu đến thăm
Bảo Ngọc. Bảo Ngọc và mọi người đều đứng dậy mời ngồi, duy Thượng Thư vẫn cười
đùa với Đại Ngọc không để ý đến.
Bảo Thoa đương muốn nói thêm, thì có a hoàn bên Vương phu
nhân đến nói:
- Bà mợ sang chơi đấy, mời các mợ các cô về chào.
Lý Hoàn vội gọi Phượng Thư đi ra. Dì Triệu và dì Chu cũng ra.
Bảo Ngọc nói:
- Tôi không thể đi được, xin chị em đừng để mợ sang đây. Cô
Lâm hãy ngồi lại một tí, tôi có câu chuyện muốn nói.
Phượng Thư quay lại bảo Đại Ngọc:
- Có người đang muốn nói chuyện với cô đấy, hãy trở lại đã.
Rồi đẩy Đại Ngọc một cái và cùng Lý Hoàn cười đi ra.
Bảo Ngọc kéo tay áo Đại Ngọc lại, nhưng chỉ cười khì khì, muốn
nói không nói ra được. Đại Ngọc đỏ bừng mặt lên, giật ra định chạy. Bỗng Bảo Ngọc
kêu: "Trời ơi, nhức đầu lắm!"
Đại Ngọc nói:
- A di đà Phật! Đáng lắm!
Bảo Ngọc kêu to một tiếng: "Tôi chết mất". Rồi nhảy
vọt lên cách mặt đất độ ba bốn thước, mồm nói lảm nhảm. Đại Ngọc và bọn a hoàn
sợ quá, vội đi báo Vương phu nhân và Giả mẫu. Bấy giờ bà Vương Tử Đằng đương ở
đấy, cũng chạy sang xem, Bảo Ngọc cầm dao, múa gậy, liều sống liều chết làm dậy
trời dậy đất. Giả mẫu, Vương phu nhân thấy thế, run sợ cầm cập, cứ gọi:
"Con tôi ơi", "máu mủ của tôi", "cháu ơi", và
khóc ầm lên, làm kinh động cả mọi người. Giả Xá, Hình phu nhân, Giả Trân, Giả
Chính, Giả Liễn, Giả Hoàn, Giả Dung, Giả Vân, Giả Bình, Tiết phu nhân, Tiết
Bàn, vợ Chu Thụy cùng bọn vú bõ a hoàn từ trên chí dưới, cả nội lẫn ngoại, lũ
lượt chạy vào vườn xem, bấy giờ tình hình thật là rối beng.
Đương lúc chưa ai biết định liệu ra sao, thì Phượng Thư lại
tay cầm một con dao sáng loáng, xăm xăm chạy vào vườn, gặp gà chém gà, gặp chó
chém chó, gặp người cũng trợn mặt lên chực chém, ai nấy đều sợ hết vía. Vợ Chu
Thụy dẫn mấy người đàn bà lực lưỡng, can đảm, đến ôm chặt, giật lấy dao và đỡ về
buồng. Bọn Bình Nhi, Phong Nhi kêu trời đất, khóc lóc ầm ĩ.
Giả Chính càng thêm bối rối, nhìn được phía này, bỏ mất phía
kia. Mọi người càng hoang mang tợn. Duy có Tiết Bàn là bận rộn hơn cả: sợ mẹ bị
người ta chen ngã, sợ Bảo Thoa bị người ta nhìn thấy, sợ Hương Lăng bị người ta
trêu chòng. Vì hắn biết bọn Giả Trân vốn hay lẩn vào đám đàn bà con gái. Chợt
liếc nhìn thấy Đại Ngọc phong nhã, dịu dàng, hắn đã say mê say mệt. Bấy giờ người
nói nên tiễn ma, người nói nên phụ đồng, người nói nên mời Trương đạo sĩ đến trừ
tà, mỗi người một phách, nhốn nháo suốt ngày, cầu cúng chạy chữa đủ vẻ cũng chẳng
ăn thua gì. Trời dần xế chiều, bà Vương Tử Đằng cáo từ đi về.
Hôm sau, Vương Tử Đằng đến hỏi thăm. Tiếp đó bà con Tiểu Sử Hầu
và anh em Hình phu nhân cùng họ hàng nội ngoại đều lại hỏi thăm; người đưa nước
thải đến, người bảo đi mời tăng đạo, người mách thầy mách thuốc. Phượng Thư và
Bảo Ngọc càng ngày càng mê mẩn, nằm vật vã trên giường, người nóng như lửa, nói
lảm nhảm chẳng biết tý gì. Đêm đến bọn vú bõ, a hoàn không ai dám lại gần, phải
cáng lên nằm ở buồng trên của Vương phu nhân, rồi sai bọn Giả Vân cắt lượt nhau
trông nom.
Giả mẫu, Vương phu nhân, Hình phu nhân và Tiết phu nhân không
rời bước nào, cứ ngồi quanh đấy mà khóc.
Giả Chính, Giả Xá sợ Giả mẫu khóc lóc sinh ốm, vừa tốn công lại
mất của. Cả nhà nhốn nháo không biết làm thế nào. Giả Xá đi các nơi tìm thầy chạy
chữa. Thấy chẳng ăn thua gì, Giả Chính càng thêm buồn rầu, ngăn lại nói:
- Số chúng nó như thế cũng là mệnh trời, sức người không thể
cưỡng được. Hai cháu mắc bệnh bất ngờ, tìm hết cách chữa rồi mà vẫn chưa khỏi,
tưởng cũng là lòng trời như thế, nên để mặc chúng nó.
Giả Xá không nghe, vẫn cứ cuống lên.
Đến ngày thứ ba, Phượng Thư, Bảo Ngọc nằm trên giường, hơi thở
yếu dần. Cả nhà lo rối lên, không còn tí hy vọng gì, vội vàng sắm sửa đồ làm
ma. Giả mẫu, Vương phu nhân, Giả Liễn, Bình Nhi, Tập Nhân đều khóc lóc rũ rượi,
chết đi đống lại. Chỉ có dì Triệu ngoài mặt giả cách lo buồn, nhưng trong bụng
rất là thỏa thích.
Đến sáng ngày thứ tư, bọn Giả mẫu đang ngồi khóc lóc, bỗng thấy
Bảo Ngọc trợn mắt lên nói:
- Từ giờ trở đi, ta không ở nhà này nữa. Thôi thu xếp mau để
cho ta đi.
Giả mẫu nghe câu nói ấy, ruột đau như cắt. Dì Triệu ở bên cạnh
khuyên:
- Xin cụ không nên thương xót quá, bệnh anh ấy không thể chữa
được nữa rồi, chi bằng mặc quần áo tử tế cho anh ấy, để anh ấy được chóng giải
thoát, đỡ phải chịu đau đớn; nếu cứ thương tiếc mãi, anh ấy đi không dứt, sống
thoi sống thóp lúc nào, lại càng khổ lúc ấy.
Dì Triệu nói chưa dứt câu, Giả mẫu đã nhổ toẹt vào mặt mắng:
- Đốt mồm đốt miệng con gái già nói nhảm kia! Ai xui mày mở mồm
mở miệng vậy? Thế nào là càng sống lúc nào càng khổ lúc ấy? Mày đã biết không
chữa được à? Nó chết thì mày được cái gì? Mày đừng có chiêm bao! Nó mà chết thì
tao phải bắt chúng mày đền mạng! Cũng chỉ vì ngày thường chúng bay xúi bẩy, ton
hót, bắt nó học cho nhiều, viết cho lắm vào, làm nó sợ vỡ mật, hễ trông thấy
cha nó là nó len lét như chuột thấy mèo. Thế không phải là vì lũ đàn bà ranh con
chúng mày xúi bẩy hay sao? Bây giờ nó chết đi, chắc chúng bay hả lòng hả dạ lắm!
Coi chừng đấy! Tao chẳng tha một đứa nào đâu!
Vừa khóc Giả mẫu vừa mắng luôn miệng.
Giả Chính ở bên cạnh, nghe thấy những câu ấy, càng thêm bối rối,
liền đuổi dì Triệu đi, rồi liệu lời khuyên giải Giả mẫu. Chợt có người vào
trình: "Đâ làm xong hai cỗ áo quan, mời ông ra xem". Giả mẫu nghe thấy,
như dao cắt ruột, lại khóc lại mắng, rồi hỏi:
- Ai bảo chúng bay làm? Lôi ngay thằng làm áo quan ra đánh chết
đi!
Đang lúc nhốn nháo, bỗng từ xa văng vẳng có tiếng mõ đưa lại,
rồi nghe thấy đọc mấy câu:
- Nam mô giải oan giải kết bồ tát! Có ai đau ốm, cửa nhà
không yên, bị ma ám, gặp điềm dữ, ta sẽ chữa cho.
Giả mẫu và Vương phu nhân nghe thấy, liền cho người ra phố
tìm. Giả Chính không dám trái lời, nghĩ bụng: "Nhà mình cổng kín tường cao
thế này, làm sao lại nghe được rõ những lời như vậy". Trong lòng lấy làm lạ,
liền cho người mời vào. Khi tới nơi, mọi người nhìn thấy một nhà sư chốc đầu, một
đạo sĩ khiễng chân. Hình dáng hòa thượng như sau:
Một cặp mày dài sống mũi cao,
Mắt trông như ngọc, sáng như sao.
Lang thang áo rách giày đan cỏ,
Người bẩn còn thêm nỗi chốc đầu.
Hình dáng đạo nhân như sau:
Một chân thấp lại một chân cao,
Nước bẩn bùn nhơ vướng cả vào,
Ướm hỏi nhà người đâu đấy nhỉ,
Non Bồng nước Nhược biết nơi nào?
Giả Chính liền sai người mời vào hỏi:
- Hai vị tu ở núi nào?
Nhà sư cười nói:
- Trưởng quan không cần hỏi nhiều, vì thấy trong quý phủ có
người đau ốm, nên chúng tôi đến đây để chữa.
Giả Chính nói:
- Có hai cháu bị ma quấy, không biết người có phương thuốc
tiên nào chữa khỏi được không?
Vị đạo nhân cười nói:
- Hiện nhà người có thứ hiếm lạ, còn cần gì thuốc tiên của
chúng tôi!
Giả Chính nghe nói có ngụ ý, liền nhớ ra, nói:
- Con tôi khi mới đẻ, có ngậm một viên ngọc, trên mặt có khắc
chữ "trừ được ma quỷ" nhưng xưa nay chưa thấy hiệu nghiệm gì cả.
Nhà sư nói:
- Trưởng quan không biết đấy thôi. Viên ngọc ấy rất thiêng,
nhưng vì bị tiếng hát, sắc đẹp và tiền của làm mê muội đi, nên không thiêng nữa.
Xin đem viên ngọc ấy ra đây, để tôi tụng niệm, tự nhiên nó lại linh thiêng như
cũ.
Giả Chính liền lấy viên ngọc ở trong cổ Bảo Ngọc ra, đưa cho
hai người. Vị hòa thượng cầm lấy viên ngọc, đặt trên bàn tay, thở dài:
- Từ khi ở núi Thanh Ngạnh đến nav, thấm thoắt đã mười ba năm
rồi! Đời người như bóng hồ qua cửa, đầy rẫy trần duyên, rồi cũng trong nháy mắt!
Khá khen chỗ đáng quý của ngươi lúc bấy giờ:
Dọc đất ngang trời vẫn đứng đây,
Buồn vui nào bận chút lòng này.
Chỉ vì tôi luyện thành linh vật,
Đem đến cho đời chuyện dở hay!
Và đáng tiếc cuộc lăn lộn của người như ngày nay:
Ngọc sáng đem giây vết phấn son,
Buồn khuya mài miệt chuyện vuông tròn.
Thôi thôi tỉnh dây đừng mê nữa.
Nợ trả xong rồi cuộc cũng tan!
Đọc xong, nhà sư xoa viên ngọc một lúc, lại nói mấy câu điên
rồ, rồi trả lại cho Giả Chính, nói:
- Viên ngọc này lại thiêng rồi, không nên coi thường nó, phải
treo nó ở trên xà nhà, ngay chỗ giường nằm. Trừ người thân ra, đừng cho đàn bà
con gái đến gần. Sau ba mươi ngày, bệnh cậu ấy thế nào cũng khỏi.
Giả Chính sai người pha nước mời và định tạ lễ, nhưng họ đã
đi mất hút. Giả mẫu cho người chạy theo cũng không tìm thấy; đành cứ theo đúng
lời dặn, đặt hai người vào buồng Vương phu nhân, rồi treo hòn ngọc lên xà nhà,
Vương phu nhân ngồi canh, không cho ai qua lại. Đến tối, quả nhiên Phượng Thư
và Bảo Ngọc dần dần tỉnh dậy và đã biết đói. Giả mẫu, Vương phu nhân như bắt được
của báu, đi nấu cháo cho hai người ăn. Dần dần hai người tỉnh hẳn ra, ma quỷ biến
đâu hết, cả nhà mới yên lòng. Đám chị em Lý Hoàn, Bảo thoa, Đại Ngọc, Bình Nhi,
Tập Nhân ở ngoài lắng nghe rõ tin tức, thấy họ đã ăn được cháo, người đã tỉnh hẳn.
Đại Ngọc liền niệm Phật ngay, Bảo Thoa ngoảnh lại nhìn lúc lâu, rồi phì cười. Mọi
người không ai để ý. Tích Xuân hỏi:
- Chị Bảo cười gì thế?
Bảo Thoa nói:
- Tôi cười đức Phật Như Lai bận hơn người trần nhiều, nào là
giảng kinh, nào là siêu độ chúng sinh; khi anh Bảo, chị Phượng ốm, đốt hương cầu
khấn, lại phải trị bệnh trừ tà, đến nay mới khỏi. Rồi lại phải trông nom cả việc
hôn nhân cho cô Lâm nữa. Chị bảo thế có bận không? Có đáng buồn cười không?
Đại Ngọc đỏ mặt lên, nói:
- Các chị đều không phải là người tốt, không chịu học những
người tử tế, chỉ theo cái giọng lưỡi của kẻ bần tiện nào ấy! Chẳng biết lúc chết
rồi sẽ ra sao.
Nói xong đẩy rèm đi ra.
Chú thích:
Chú thích:
(1). Những bài chú trong kinh Kim Cương của đạo Phật.
(2). Lã Động Tân, người đời Đường, tu ớ núi Chung Nam, tương
truyền là một vi tiên trong Bát tiên. Câu này ý nói không phân biệt người hay
người dở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét