Hồi 111:
Gả Uyên Ương theo chủ lên chầu trời
Hầu chó lớn đem người về cướp của.
Phượng Thư nghe a hoàn nhỏ nói, vừa sốt ruột vừa tức giận, lại
đau lòng, bất giác thổ ra một cục máu rồi mê man ngồi phệt xuống đất. Bình Nhi
vội vàng tới đỡ và gọi người từ từ dìu về phòng. Đặt nằm trên giường, rồi lập tức
bảo Tiểu Hồng rót một chén nước đưa lên miệng Phượng Thư.
Phượng Thư nhấp một miếng nhưng vẫn nằm mê mệt. Thu Đồng qua
nhìn một tí rồi đi ra. Bình Nhi cũng không gọi lại.
Thấy Phong Nhi đứng một bên. Bình Nhi liền nói:
- Mau mau đi báo tin cho hai bà biết.
Phong Nhi liền đem việc Phượng Thư thổ huyết không thể trông
coi công việc, trình lại với Hình phu nhân và Vương phu nhân. Hình phu nhân tưởng
là Phượng Thư giả ốm để trốn tránh. Trong bụng không tin lắm. Nhưng lúc ấy bà,
con, đàn bà đều ở đấy nói ra không tiện, nên chỉ nói:
- Bảo chị ta nghỉ thôi.
Mọi người cũng không nói gì. Đêm ấy, cố nhiên là bà con bạn hữu
qua lại không ngớt, may nhờ được mấy người bà con trông nom hộ. Bọn người nhà
thấy Phượng Thư không ở đấy, cũng có người thừa cơ nghỉ trộm, làm bừa bãi lung
tung, không ra sự thể gì cả.
Đến canh hai, sau khi khách xa đã về, liền sửa soạn làm lễ từ
linh (1) Bọn con cháu đàn bà ở trong màn tang đều khóc. Uyên Ương khóc lóc mê
đi. Mọi người vực chị ta dậy, xoa bóp một hồi mới tỉnh. Chị ta cứ nói:
- Lâu nay cụ thương yêu tôi, giờ tôi nhất định đi theo cụ.
Mọi người cho rằng người ta đến lúc thương khóc quá, thì hay
nói thế, nên cũng không để ý. Đến lúc làm lễ từ linh, trên dưới cả thảy có hơn
trăm người, chỉ thiếu Uyên Ương. Mọi người vì đang rối rít nên cũng không hỏi đến.
Đến lúc tất cả bọn Hổ Phách khóc tế, không thấy Uyên Ương, cứ tưởng rằng chị ta
khóc mệt quá, tạm nghỉ ở nơi nào đó, nên cũng không nói gì. Làm lễ từ linh
xong, Giả Chính ở ngoài gọi Giả Liễn hỏi:
- Việc đưa đám, và bàn việc cắt người coi nhà.
Giả Liễn nói:
- Ở nhà thì cắt cháu Vân trông nom, bất tất phải đưa đám; về
người hầu thì cắt cả nhà Lâm Chí Hiếu ở lại trông nom các việc dỡ rạp. Nhưng
không biết ở trong thì cắt ai coi nhà?
Giả Chính nói:
- Nghe mẹ cháu nói vợ cháu ốm không đi được, thì để nó ở nhà.
Chị cả Trân lại nói vợ cháu đau nặng lắm, phải bảo con Tư ở cùng, dẫn mấy người
a hoàn và bà già trông nom ở nhà trên mới được.
Giả Liễn nghe nói, nghĩ bụng: “ Chị cả Trân và cô Tư không
hòa hợp với nhau. nên xui giục không cho cô ta đi. Nếu trên ấy mà để cô ta
trông nom, thì cũng không ăn thua. Vợ mình lại ốm, cũng khó mà trông coi được.
Giả Liễn nghĩ một lát rồi nói:
- Tức là làm lễ đưa linh cữu ra khỏi nhà. Chú hãy nghỉ một
chút, để cháu vào bàn cho rõ ràng rồi sẽ thưa lại.
Giả Chính gật đầu, Giả Liễn liền vào nhà trong. Không ngờ lúc
đó Uyên Ương khóc một trận. rồi nghĩ bụng: “Mình suốt đời theo hầu cụ bà, thân
mình cũng chưa biết sau này ra sao. Giờ đây ông Cả tuy không ở nhà, nhưng cách
ăn tiền của bà Cả như thế, mình cũng lấy làm gai mắt quá. Ông Hai là người
không nhìn đến công việc, rồi sau này chẳng khác thời loạn ai nấy cũng sẽ xưng
vương xưng tướng cả. Chúng mình lại không bị họ hành hạ hay sao. Rồi đứa thì lấy
làm lẽ mọn, đứa thì gả cho bọn hầu trai. Mình thật không thể nào chịu được sự
đày đọa ấy, chi bằng chết đi cho rảnh ! Nhưng giờ đây biết chết bằng cách nào ?
Uyên Ương vừa nghĩ vừa chạy vào gian trong nhà Giả mẫu. Vừa bước qua cửa thì thấy
bóng đèn ảm đạm thấp thoáng có một người con gái tay cầm cái dây lưng, bộ dạng
hình như muốn thắt cổ. Uyên Ương cũng không sợ, nghĩ bụng: “ Người ấy là ai!
Cũng đồng bụng với ta mà lại đi trước ta vào con đường ấy rồi “ Cô ta liền hỏi:
- Chị là ai ? Hai chúng mình cũng đồng một lòng, muốn chết
thì ta cùng chết một chỗ.
Người ấy không nói gì. Uyên Ương chạy đến xem thì không phải
là người ả hoàn trong nhà này. Nhìn kỹ, cảm thấy khí lạnh rởn người, bỗng chốc
không thấy đâu nữa.
Uyên Ương ngơ ngác một hồi, lui ra ngồi trên mép giường, nghĩ
kỹ một lúc, rồi nói:
- Thôi ? Phải rồi ! Chị ấy là mợ cả Dung bên phủ Đông đấy! Mợ
ấy chết rồi, sao lại đến đây ? Nhất định là đến gọi ta đây. Nhưng tại sao chị
ta lại thắt cổ ?
Uyên ương nghĩ một lát, lại lẩm bẩm một mình:
- Chắc là mợ ấy bày vẽ cho ta cách chết đấy.
Uyên Ương nghĩ như thế, thấy hơi lạnh thấu vào xương, liền đứng
dậy vừa khóc vừa mở hộp trang sức, lấy cái nắm tóc đã cắt từ năm xưa giấu vào
trong người rồi cởi dây lưng ra, theo đúng chỗ Tần thị đứng vừa rồi mà buộc
lên, chị ta lại khóc lóc một hồi nữa. Khi nghe bên ngoài khách đã tan rồi. Sợ
có người nên vội vàng đóng cửa lại, rồi đặt một cái ghế đứng lên trên lồng vòng
dây lưng thắt vào cổ.
Sau đó lấy chân đẩy cho cái ghế đổ lăn. Thương thay? Thế là
chị tắt thở. Hồn thiêng thoát ra ngoài xác thịt ! Đang lúc hồn phách của Uyên
Ương chưa thiếp đi đâu. thì thấp thoáng trông thấy Tần thị ở đằng trước. Chị ta
vội vàng theo lại. và nói:
- Mợ cả Dung ơi, chờ tôi với.
Người kia nói:
- Tôi chẳng phải là mợ cả Dung nào cả, mà là em gái nàng tiên
Cảnh Ảo. Tên là Khả Khanh đây.
- Chị rõ ràng là mợ cả Dung. Sao lại nói không phải ?
- Việc này cũng có duyên cớ, để tôi nói với chị sẽ rõ. Nguyên
trong cung Cảnh Ảo.Tôi vốn đứng đầu trong lớp chung tình, trông coi duyên nợ
gió trăng. Khi xuống trần gian, phải làm người tình nhân thứ nhất, để đưa bọn
con gái si tình mau mau về ty tình. Vì thế tôi phải treo mình trên xà nhà thắt
cổ. Nhưng tôi hiểu rõ tình đời thoát ra bể ái, về với trời tình; nên tuy si
tình trong Thái hư ảo cảnh, không có người trông coi. Nay nàng tiên Cảnh Ảo đã
lấy chị xung vào, thay tôi trông coi ty ấy. Cho nên sai tôi đi dẫn chị đến đây.
- Tôi là người rất vô tình. Tại sao lại cho tôi là người có
tình ?
- Chị còn chưa biết. Người đời đều cho việc dâm dục là tình,
vì thế mà gây ra chuyện thương phong bại tục, lại còn tự cho là trăng gió đa
tình. Không quan hệ gì. Họ không hiểu mừng, giận, buồn, vui chưa lộ ra thì đó
là tính. Mà lúc đã lộ ra rồi. thì đó là tình. Đến như tình của tôi và chị,
chính là cái tình chưa lộ ra. Cái tình như bông hoa còn đang nụ. Nếu chờ phát
tiết ra rồi, thì cái tình ấy không phải là chân tình nữa.
Hồn của Uyên ương gật đầu hiểu ý. Nên theo Tần Khả Khanh mà
đi, ở trong nầy Hổ Phách dự lễ từ linh xong, nghe Hình phu nhân và Vương phu
nhân cắt người coi nhà. Chị ta định đi hỏi Uyên Ương xem ngày mai ngồi xe ra
sao, liền vào nhà Giả mẫu tìm khắp nơi không thấy, lại tìm nốt gian bên trong.
Vừa đến nơi, thấy cửa khép lại, chị ta ghé nhìn qua khe cửa thấy bóng đèn le
lói mờ mờ tỏ tỏ, trong bụng khiếp sợ, và cũng không nghe trong nhà có tiếng tăm
gì, liền chạy trở ra và nói:
- Con ranh chạy đi đâu rồi ?
Vừa lúc đó thì gặp Trân Châu. Hổ Phách liền hỏi:
- Chị có thấy chị Uyên Ương không ?
- Tôi cũng đang tìm chị ấy. Các bà đang chờ chị ta nói chuyện
đấy. Chắc lại ngủ ở gian nhà trong chứ gì.
- Tôi đã nhìn trong nhà không có, đèn thì không ai cắt hoa, tối
lờ mờ đáng sợ. Tôi không vào. Bây giờ chúng mình cùng đi vào xem sao ?
Bọn Hổ Phách vào đặng cắt hoa đèn thì Trân Châu nói:
- Ai đem cái ghế chân vứt ở đây, tí nữa làm tôi vướng ngã ?
Nói xong, ngước mắt nhìn lên, bỗng chị thét to một tiếng:
- Ôi trời !
Rồi ngã ngửa ra sau, đè lên người Hổ Phách. Hổ Phách cũng
trông thấy, liền gào to lên, hai chân mềm nhũn không đi được nữa. Người bên
ngoài nghe thấy, liền chạy vào xem. Mọi người kêu ầm lên, rồi báo cho Hình phu
nhân và Vương phu nhân biết. Vương phu nhân và Bảo Thoa nghe nói, đều khóc
lóc tới xem. Hình phu nhân nói:
- Tôi không ngờ Uyên Ương có chí khí như thế ? Mau mau cho
người đi trình ông lớn.
Bảo Ngọc nghe được tin ấy, khiếp quá, hai mắt trợn ngược lên.
Bọn Tập Nhân vội vàng đỡ lấy và nói:
- Cậu muốn khóc thì cứ khóc, đừng có nín hơi.
Bảo Ngọc cố liều khóc oà lên. Anh ta nghĩ bụng:
- Chị Uyên ương. Người như thế mà lại chết một cách lạ nhỉ ?
Thật là khí thiêng trong trời đất, chỉ vun đúc riêng vào những người con gái !
Chị ta như thế là chết đúng chỗ rồi đấy. Bọn mình rốt cuộc chỉ là những đồ dơ đục,
trong số con cháu bà, ai mà theo kịp chị ta ?”.
Nghĩ đến đó, anh ta lại đâm ra vui mừng. Lúc đó Bảo Thoa nghe
Bảo Ngọc khóc ầm lên, liền đi ra. Khi đến nơi thì thấy anh ta lại cười.
Bọn Tập Nhân hoảng sợ nói:
- Nguy to ? Cậu lại muốn điên rồi !
Bảo Thoa nói:
- Không can gì đâu. Cậu ấy đang nghĩ gì đấy thôi.
Bảo Ngọc nghe nói, càng thích thú với lời nói của BảoThoa,
nghĩ bụng: “Rốt cuộc chỉ có chị ta là hiểu bụng mình, người khác làm gì mà biết”.
Bảo Ngọc đang nghĩ ngợi lan man thì bọn Giả Chính vào. Giả Chính đau xót than
thở:
- Con bé giỏi quá ! Thật không uổng mẹ thương yêu nó lâu nay.
Rồi ông ta bảo Giả Liễn:
- Đi ra bảo người mua quan tài và nhập liệm ngay trong đêm
nay, ngày mai cùng đưa theo và đặt ở sau quan tài của bà để cho trọn tấm lòng của
nó.
Giả Liễn vâng lời đi ra.
Ở trong này, ông sai người đem xác Uyên ương xuống và đặt vào
nhà trong.
Bình Nhi nghe xong, liền đi qua cùng tất cả bọn Tập Nhân và
Oanh Nhi khóc lóc rất là thảm thiết. Trong bọn đó riêng có Tứ Quyên cũng nghĩ đến
số phận của mình, chưa biết sau nầy ra sao cả. Giận mình không biết theo cô Lâm
mà đi, để trọn ơn nghĩa tớ thầy, lại cũng được nơi chết xứng đáng. Giờ đây
ở trong nhà Bảo Ngọc cũng là ở sướng. Tuy rằng Bảo Ngọc vẫn thân mật dịu dàng,
nhưng rốt cuộc cũng chẳng ra sao. Do đó chị ta lại càng khóc lóc thảm thiết.
Vương phu nhân lập tức cho người gọi chị dâu Uyên Ương vào, bảo
chị ta trông coi việc nhập liệm. Lại bàn với Hình phu nhân, trích trong số tiền
của Giả mẫu. cho chị ta một trăm lạng bạc và nói:
- Chờ lúc rảnh sẽ đem tất cả đồ đạc của Uyên Ương cho nhà chị
ta hết.
Chị dâu Uyên Ương khấu đầu đi ra, lòng vui mừng, nói:
- Thật cô nhà mình là người có chí khí, có phúc phận, đã được
tiếng tốt, lại được tống táng tử tế !
Một bà già đứng bên cạnh nói:
- Thôi đi chị! Bây giờ chị đem cô em bán đi một trăm lạng bạc
thì vui mừng như thế. Chứ nếu năm nọ mà gả cho ông Cả chưa biết chị được bao
nhiêu bạc. Chắc chị lại càng đắc ý hơn nữa đấy.
Vừa ra đến cửa thứ hai, thì thấy Lâm Chí Hiếu dẫn người
khiêng quan tài vào. Chị ta đành phải theo vào giúp việc nhập liệm và giả vờ
gào khóc mấy tiếng.
Giả Chính nghĩ Uyên ương chết vì Giả mẫu, nên thắp ba tuần
hương. Vái một vái và nói:
- Chị ta là người chết theo cụ, không thể xem như ả hoàn, bọn
bậc dưới chúng bay đều nên làm lễ.
Bảo Ngọc nghe nói, mừng không kể xiết. Liền chạy lại kính cẩn
khấu đầu mấy cái.
Giả Liễn nghĩ chị ta ngày thường tử tế. Cũng định tới làm lễ,
nhưng Hình phu nhân nói:
- Một vị chủ nhà làm lễ là được rồi, đừng làm quá phận. Nó
không đương nổi, thì lại không được siêu sinh.
Giả Liễn nghe nói không tiện tới làm lễ nữa. Bảo Thoa nghe vậy
trong lòng áy náy liền nói:
- Đối với chị ấy, tôi đáng lẽ không nên làm lễ, nhưng bà qua
đời, chúng ta đều có duyên nợ chưa dứt ra được, nên không dám làm càn. Chị ấy
thay chúng ta làm tròn đạo hiếu; chúng ta cũng nên nhờ chị ấy thay chúng ta hầu
hạ bà trên trời. Đó cũng là để tỏ hết chút lòng thành của chúng ta.
Nói xong, Bảo Thoa vịn vào Oanh Nhi đi đến trước linh cữu vừa
rót rượu, vừa khóc sướt mướt. Rót rượu xong, chị ta lạy mấy lạy, khóc lóc thảm
thiết một hồi.
Thấy vậy, cũng có người nói hai vợ chồng Bảo Ngọc đều là si
ngốc, cũng có người nói hai vợ chồng họ bụng dạ tử tế; cũng có người nói chị ta
là người biết lễ. Giả Chính thì lấy làm vừa lòng.
Lúc đó đã hàn định xong, người coi nhà vẫn là PhượngThư, và
Tích Xuân. Còn lại thì đều đi theo linh cữu. Suốt đêm không ai dám ngủ.
Vừa đến canh năm, người ngoài đã đến đầy đủ. Đến đầu giờ Thìn
thì phát dẫn. Giả Chính làm con trưởng, ăn mặc đồ tang và khóc lóc hết đạo làm
con. Linh cữu ra khỏi cửa, liền có lễ tế trên đường đi của các nhà. Dọc đường
quang cảnh như thế nào không cần nói kỹ. Độ nửa ngày, đến chùa Thiết Hạm,
đặt linh cữu ở đấy. Đàn ông đều phải ngủ lại trong miếu.
Ở nhà, bọn Lâm Chí Hiếu dẹp đồ đi. Lắp cánh cửa lại tử tế
quét dọn sân nhà sạch sẽ, cắt người tuần phòng, tối đến cầm canh và thức đêm
trông nom.
Ở phủ Vinh vẫn có cái lệ bắt đầu đến canh hai thì đóng cửa thứ
hai lại. Đàn ông không được vào, chỉ có đàn là canh phòng mà thôi.
Cách một đêm, tinh thần của Phượng Thư tuy đã dần dần tỉnh
táo, nhưng vẫn chưa đi được. Chỉ có Bình Nhi cùng Tích Xuân đi đến các nơi một
lượt, dặn dò những người canh đêm, rồi ai về phòng ấy.
Năm ngoái khi Giả Trân sang coi hộ việc nhà. Con nuôi của Chu
Thụy là Hà Tam, đánh nhau với Bào Nhị, nên bị Giả Trân đánh cho một trận, đuổi
ra ở ngoài. Từ đó hắn suốt ngày sống ở sòng hạc. Gần đây nghe tin Giả mẫu chết,
hắn chắc mừng là có ít nhiều việc có thể nhận làm. Không ngờ thăm dò mấy
ngày, chẳng vớ được món gì, hắn liền than thở trở về sòng bạc, rầu rầu ngồi xuống.
Bọn người kia liền hỏi:
- Anh Ba! Anh không xuống mà gỡ vốn à ?
Hà Tam nói:
- Cũng tường là gỡ vốn, nhưng không có tiền.
- Anh đến chỗ nhà ông Chu mấy hôm nay, chắc vớ được bao nhiêu
tiền trong phủ ấy rồi, lại vờ làm bộ túng bẩn với chúng tôi à ?
- Các anh đừng nói nữa. Vàng bạc của bọn họ không biết là mấy
trăm vạn. Nhưng cứ cất giấu đi không chịu tiêu. Sau nầy không phải cháy nhà thì
cũng bị mất trộm, khi đó họ mới chịu.
- Anh lại nói láo chứ nhà họ bị tịch thu rồi làm gì mà còn
nhiều vàng bạc thế ?
- Các anh còn chưa biết. Số của bị tịch thu đó chỉ là những
thứ vứt không hết đấy thôi. Giờ đây, cụ bà chết, còn để lại rất nhiều vàng hạc,
bọn họ không tiêu một đồng, còn để cả trong nhà cụ bà, chờ đưa đám về rồi mới
chia nhau.
Trong bọn họ có một người nghe xong để ý, gieo qua loa mấy hột
xúc xắc, rồi nói:
- Tôi thua mất mấy đồng tiền cũng chẳng thèm gỡ vốn nữa, đi
ngủ thôi.
Nói xong hắn liền chạy ra, nắm lấy Hà Tam và nói:
- Anh Ba, tôi nói với anh câu này.
Hà Tam theo ra. Người ấy nói:
- Anh là người khôn ngoan, mà lại chịu túng bấn như thế. Tôi
cũng giận thay cho anh ?
- Số tôi túng bẩn còn biết làm cách gì ?
- Vừa rồi anh nói đến tiền bạc của phủ Vinh nhiều như thế,
sao không đi kiếm một ít mà tiêu ?
- Anh ơi, vàng bạc của họ tuy nhiều, nhưng hôm kia mình đi
xin một vài đồng, đời nào họ cho.
- Họ không cho, mình lại không biết lấy hay sao ?
Hà Tam nghe câu nói ấy có ngụ ý, vội vàng hỏi:
- Theo ý anh thì làm thế nào mà lấy được ?
- Tôi đã nói anh là người không có tài, nếu như tôi thì tôi
đã lấy được rồi.
- Anh có tài gì mà lấy ?
Người ấy liền nói khẽ:
- Anh mà muốn phát tài, thì chịu khó đi đẫn đường. Tôi có một
số bạn, đều là dân tài nghệ tuyệt vời. Đừng nói là bọn họ đi đưa đám rồi. Ở nhà
chỉ còn mấy người đàn bà, chứ dù có bao nhiêu đàn ông đi nữa cũng không sợ!...Chỉ
sợ anh non gan không dám chơi thôi.
- Làm gì mà dám với không dám? Anh tưởng tôi sợ cái lão cha
nuôi ấy hẳn.Tôi nghĩ đến tình nghĩa của mẹ nuôi. Tôi mới nhận ông ấy là cha
nuôi đấy thôi ! Câu nói của anh vừa rồi, tôi chỉ sợ làm không nổi, thì lại xảy
ra nguy hiểm. Bọn họ thì cửa quan nào lại không quen ? Chưa nói là lấy không được.
Chứ có lấy được cũng sẽ sinh chuyện.
- Như thế là vận đỏ của anh đến rồi đấy ? Bọn bạn tôi, còn cả
người ở ven biển nữa, hiện nay đều ở đây cả. Nếu công việc xong xuôi, chúng
mình ở đây cũng vô ích, chi bằng mọi người đều đi xuống ven biển mà tiêu xài
cho sướng, thế chẳng tốt hay sao ? Nếu anh không dứt tình với bà mẹ nuôi được
thì đem cả bà ta đi, cả lũ chúng mình chơi cho thích, có tốt không ?
- Ông cả, ông say rồi à ? Nói nhảm gì thế ?
Nói xong, hắn ta dắt người ấy đến một nơi vắng vẻ. Hai người
bàn bạc một hồi, rồi mỗi người đi một nơi.
Bao Dũng từ lúc bị Giả Chính quát mắng, sai đi coi vườn. Lúc
việc tang Giả mẫu xảy ra, vì bận rộn nên không sai khiến gì anh ta. Anh ta cũng
không để ý, cứ làm lấy mà ăn, buồn thì nằm ngủ, thức dậy thì hoa dao múa gậy,
chẳng ai gò bó gì. Hôm đưa đám Giả mẫu. Anh ta cũng biết, nhưng vì không ai sai
phái, nên cứ tha hồ rong chơi. Bỗng thấy một ni cô, dẫn một đạo bà tới gõ cửa
cánh trong vườn. Bao Dũng chạy lại hỏi:
- Bà vãi. Bà đi đâu ?
Người đạo bà nói:
- Hôm nay nghe nói việc cụ đã xong, mà không thấy cô Tư đi
đưa đám, chắc là coi nhà. Sợ cô ta hiu quạnh, nên sư phụ chúng tôi tới thăm cô
ta một chút.
- Chủ nhà đều đi vắng. Cửa vườn do tôi trông coi. Mời các bà
về đã. Nếu muốn đến thì chờ các vị chủ nhà về hãy đến.
- Anh quay mặt đi đâu thế ? Anh dám cản việc đi lại của chúng
tôi à ?
- Tôi ghét bọn các bà. Tôi không cho các bà đến, thì các bà
làm gì nào ?
Người đạo bà tức quá, gào lên:
- Thật là ngược đời. Ngay cả khi sinh thời cụ bà cũng không
thể ngăn cấm được chúng ta đi lại. Mày là tên cướp ở đâu đến mà láo xược như thế.
Ta cứ đi xem nào !
Nói xong bà ta liền dang tay đập mạnh mấy cái lên vòng cửa.
Diệu Ngọc giận quá, không nói năng gì, đang định quay về không ngờ bà già coi cửa
thứ hai, nghe có người cãi nhau, vội vàng mở cửa ra xem. Thấy Diệu Ngọc đã quay
ra, biết chắc là vì Bao Dũng làm mất lòng cô ta. Lâu nay bọn bà già đều biết
các bà và Tích Xuân chơi thân với cô ta, sợ sau này cô ta nói, người coi cửa
không cho vào, thì sẽ mang lỗi, nên bà ta vội vàng chạy lại nói:
- Không biết cô đến. Chúng tôi mở cửa quá chậm. Cô Tư chúng
tôi đang ở nhà và đang nhớ cô đấy. Xin mời cô mau mau trở lại. Chú canh cửa là
người mới đến, không biết công việc của chúng tôi. Để rồi thưa với bà lớn, đánh
cho nó một trận rồi đuổi đi là xong.
Diệu Ngọc tuy nghe nói, vẫn không thèm nhìn. Nhưng bà già coi
cửa cứ theo nằn nì mãi. Sau mới nói rõ việc sợ mình bị lỗi và hoảng sợ toan quỳ
xuống. Diệu Ngọc chẳng biết làm thế nào, đành phải theo bà ta trở vào. Bao Dũng
thấy tình hình như thế cố nhiên là không tiện ngăn lại, tức quá, trợn mắt
thở dài mà vô.
Diệu Ngọc dẫn đạo bà vào nhà Tích Xuân hỏi thăm rồi nói chuyện
suông. Tích Xuân nói:
- Tôi ở nhà coi nhà, đành phải gắng cho qua mấy đêm nhưng vì
mợ Hai ốm, một mình tôi vừa buồn vừa sợ. Nếu được một người ở đây thì tôi cũng
yên lòng. Bây giờ trong nhà không có người đàn ông nào cả. Hôm nay cô đến, chơi
với tôi một đêm. Chúng ta đánh cờ nói chuyện, có được không ?
Diệu Ngọc định về, nhưng thấy Tích Xuân tội nghiệp lại nhắc đến
chuyện đánh cờ, đâm ra cao hứng, nên nhận lời rồi sai đạo bà về lấy đồ trà và
áo nệm, bảo con hầu đưa đến, để ngồi nói chuyện một đêm.
Tích Xuân hết sức vui mừng, nên sai Thái Bình lấy nước mưa vũ
thủy cất dành năm trước, sửa soạn pha trà. Diệu Ngọc đã có đồ trà riêng. Đạo bà
đi chưa bao lâu thì lại có một người hầu đến, đưa sang các vật của Diệu Ngọc
hàng ngày thường dùng. Tích Xuân tự đi pha trà. Hai người chuyện trò hồi lâu rất
hợp ý tâm đầu. Khoảng canh một, Thái Bình đặt bàn cờ ra, hai người đánh cờ.
Tích Xuân thua luôn hai ván. Diệu Ngọc lại nhượng bốn con. Tích Xuân ăn không
được nửa con.
Đánh cờ đến khoảng canh tư, lúc đó thật là trời đất bao la, bốn
bề lặng lẽ. Diệu Ngọc nói:
- Đến canh năm, tôi phải nhập định, đã có người hầu. Cô cứ đi
nghỉ.
Tích Xuân còn tiếc, chưa muốn nghỉ. Nhưng thấy Diệu Ngọc muốn
đi dưỡng tinh thần, nài ép không tiện. Hai người đang định đi nghỉ, chợt nghe bọn
canh đêm trong nhà trên phía đông kêu ầm lên một loạt. Bọn bà già ở nhà Tích
Xuân cũng tiếp lời gào lên:
- Nguy to ? Có người nào đấy !
Bọn Tích Xuân và Thái Bình khiếp sợ quá, lại nghe bọn đàn ông
canh đêm ở ngoài kêu ầm lên.
Diệu ngọc nói:
- Nguy to rồi ! Chắc là có cướp !
Nói xong, vội vàng đóng cứa lại, che bóng đèn đi, từ trong
song cửa sổ nhìn ra ngoài, thì thấy mấy người đàn ông đứng ngoài sân. Sợ quá,
cô ta không dám lên tiếng, quay lại chống tay, khe khẽ bò lại, và nói:
Nói chưa xong, lại nghe trên nhà có tiếng rầm rầm không ngớt.
Bên đó có bọn người canh đêm ở ngoài chạy vào kêu bắt kẻ cướp. Một người nói:
- Đồ đạc ở nhà trên mất hết cả rồi, mà không thấy người nào cả.
Phía đông đã có người chạy đi tìm. Bọn mình đi sang phía tây xem. Bà già ở
phòng Tích Xuân nghe đúng người của mình rồi, liền ở nhà ngoài nói vọng ra:
- Ở đây có mấy người leo lên nhà.
Bọn người canh đêm đều nói:
- Các anh trông kìa ? Chúng đang ở đấy !
Rồi họ đều kêu ầm lên. Bỗng thấy trên mái nhà bay xuống rất
nhiều mảnh ngói, không ai dám lại gần. Đang lúc họ chưa biết làm thế nào, bỗng
thấy cửa nách
bên vườn đánh sầm một cái, một người cao lớn, tay cầm côn gỗ,
tung cửa chạy vào. Mọi người khiếp sợ, chạy trốn không kịp.
Chợt nghe người ấy kêu to.
- Đừng để cho đứa nào thoát ! Các anh đều theo tôi lại đây ?
Bọn người nhà nghe nói, càng khiếp sợ run rẩy không chạy được
nữa. Người ấy cứ đứng đấy kêu ầm lên. Trong bọn người nhà có một người mắt hơi
tinh, nhận ra anh ta. Các bạn có biết là ai không ? Anh ta chính là Bao Dũng mà
nhà họ Chân cử
đến. Thấy anh ta, bọn người nhà hơi vững dạ, liền run lập cập
và nói:
- Có một thằng chạy rồi ? Có thằng thì đang ở trên mái nhà đấy.
Bao Dũng giậm chân một cái, nhảy thót lên mái nhà, đuổi theo
bọn cướp. Bọn cướp biết rõ nhà họ Giả không có đàn ông. Ban đầu chúng đứng
ngoài sân nhìn trộm vào phòng Tích Xuân, thấy có một ni cô tuyệt đẹp, liền nảy
ra ý dâm dục. Chúng lại khinh người trong nhà đều là con gái đang khiếp sợ, nên
định phá cửa mà vào. Vì thấy bên ngoài có người đuổi theo, chúng liền leo lên
mái nhà. Thấy ít người, chúng định chống cự. Chợt một người nhảy lên mái nhà đuổi
theo. Bọn cướp thấy chỉ có một người, càng không để ý, liền rút đao chống đở.
Bao Dũng hết sức đánh một côn, một tên ngã lăn xuống dưới nhà, còn các tên khác
chạy như bay, vượt qua tường, qua vườn mà ra. Bao Dũng cũng chạy theo đuổi hết.
Không ngờ trong vườn đã nấp sẵn mấy tên, chờ để chuyển của đã cướp được. Bọn
chúng đã chuyển được một số. Thấy đồ đảng của chúng chạy ra, chúng liền giơ khí
giới lên để hộ vệ. Khi thấy chỉ có một người đuổi theo, chúng nghĩ rằng ít
không địch nổi nhiều, nên chúng trở lại đón đánh, Bao Dũng thấy thế nổi giận
nói:
- Bọn giặc cỏ này ! Chúng mày dám địch với ông à ?
Bọn giặc nói:
- Một người trong bọn chúng ta bị nó đánh ngã, không biết chết
hay sống. Chúng ta phải cướp nó ra mới được.
Bao Dũng nghe tiếng, vội chạy lại đánh. Bọn giặc bốn năm tên
múa khí giới vây chặt lấy Bao Dũng đâm chém lung tung. Bọn canh đêm ở ngoài
cũng đều mạnh dạn đuổi tới. Bọn giặc thấy đánh không nổi, đành phải bỏ chạy.
Bao Dũng còn định đuổi nữa, nhưng chạm phải một cái rương.
Anh ta đứng lại nhìn, nghĩ bụng: đồ đạc chưa mất, mà bọn giặc đã trốn xa, nên
cũng không đuổi nữa, liền bảo mọi người thắp đèn lên soi. Thấy dưới đất chỉ có
mấy cái rương không, anh ta sai người đưa cất đi. Bao Dũng muốn chạy ngay lên
nhà trên nhưng không thuộc đường lối. Đi đến bên nhà Phượng Thư, thấy đèn
đuốc sáng trưng, anh ta liền hỏi:
- Ở đây có cướp không ?
Bình Nhi ở trong nhà run rẩy trả lời:
- Ở đây không mở cửa, chỉ nghe nhà trên kêu la nói có kẻ cướp.
Anh đến đấy xem.
Bao Dũng chưa tìm ra lối, thì xa xa thấy bọn canh đêm đi đến,
liền theo họ cùng tìm đến nhà trên. Tới nơi, thấy cửa ngõ mở toang bọn canh đêm
đang khóc lóc ở đấy.
Một lát sau Giả Vân và Lâm Chí Hiếu vào, thấy mất cướp, mọi
người đều hoảng lên. Vào trong xem xét, thì thấy cửa phòng Giả mẫu đã mở tung.
Đem đèn soi, thấy khóa bị bẻ gãy. Vào tròng phòng thấy rương tủ đều bị mở
toang. Họ liền mắng
bọn đàn bà canh đêm:
- Các người đều là người chết cả. Kẻ trộm vào, các người
không biết à ?
Bọn người canh đêm khóc lóc và nói:
- Mấy đứa chúng tôi chia phiên nhau mà canh. Vào khoảng canh
hai và canh ba, cứ đi đi lại lại, không khi nào nghỉ chân. Các người kia thì
canh vào khoảng canh tư và canh năm. Chúng tôi vừa mới thay bạn ra nghỉ thì
nghe bọn họ kêu lên, nhưng không thấy người nào. Chúng tôi vội vàng thắp
đèn lên soi thì không biết đồ đạc đã mất từ hao giờ. Xin các ông hỏi bọn canh
lúc canh tư và canh năm xem.
Lâm Chí Hiếu nói:
- Bọn chúng bây đứa nào cũng muốn chết cả, chốc nữa sẽ nói.
Giờ đây chúng ta hãy đến xem các nơi đã.
Bọn đàn ông canh đêm dẫn họ đến nhà Vương thị, thấy cửa đóng
chặt. Có mấy người ở trong nói ra:
- Chúng tôi chết khiếp mất !
Lâm Chí Hiếu hỏi:
- Ở đây không mất đồ đạc gì chứ ?
Người trong nhà ấy mới mở cửa ra và nói:
- Không mất gì cả.
Lâm Chí Hiếu lại dẫn người đi đến nhà Tích Xuân, thì nghe nhà
nói: “Nguy to ! Cô chết khiếp mất. Tỉnh dậy đi cô!” Lâm Chí Hiếu gọi người mở cửa,
hỏi làm sao thế ? Bà già trong nhà mở cửa và nói:
- Kẻ cướp đánh nhau ở đây, làm cho cô chết khiếp. May có cô
Diệu và chị Thái Bình cứu cô tỉnh lại, còn đồ đạc thì không mất gì.
Lâm Chí Hiếu nói:
- Kẻ cướp đánh nhau với ai ?
Người đàn ông canh đêm nói:
- May nhờ ông Bao lên mái nhà đánh cho chúng bỏ chạy, lại còn
nghe nói đánh ngã một tên nữa đấy.
Bao Dũng nói:
-Tên bị đánh ngã đang nằm trong cửa vườn đấy. Các người mau
mau đến xem.
Bọn Giả Vân chạy đến đấy thì quả nhiên thấy có một người nằm
dưới đất, chết rồi, nhìn kỹ thì giống như con nuôi của Chu Thụy. Mọi người
trông thấy lấy làm lạ, liền sai một người canh giữ, lại bảo hai người đến xem cửa
trước và cửa sau thì vẫn khóa như cũ. Lâm Chí Hiếu liền sai người mở cửa, báo
cho quan doanh biết. Quan doanh lập tức đến tra khám dấu vết bọn cướp, thì ra bọn
chúng theo con đường ống phía sau mà vào, trèo lên mái nhà phía tây, dẫm ngói
nát tan tành, rồi một mạch đi qua vườn sau mà ra.
Bọn canh đêm đồng thanh nói:
- Đấy không phải là kẻ trộm mà là kẻ cướp.
Quan doanh hoảng lên, nói:
- Nó không hề đốt đuốc cầm gậy, sao lại cho là kẻ cướp được?
Bọn người canh nói:
- Bọn tôi đuổi chúng. Chúng ở trên mái nhà ném ngói xuống. Bọn
tôi không đến gần được, may nhờ ông Bao nhà chúng tôi nhảy lên mái nhà đánh cho
chúng bỏ chạy. Đuổi đến trong vườn, còn có mấy tên đánh nhau với ông Bao, chúng
đánh không nổi ông Bao, thì mới bỏ chạy.
Quan doanh nói:
- Ấy đấy nếu là kẻ cướp, chẳng lẽ không đánh nổi người của
các anh hay sao? Thôi không cần nói nữa, mau mau, tra xét rõ đồ đạc, trình đơn
mất của, để chúng tôi báo lên trên là được.
Bọn Giả Vân lại đến nhà trên, thấy Phượng Thư mặc dầu ốm cũng
gắng gượng đi sang. Tích Xuân cũng đã đến. Giả Vân hỏi thăm sức khỏe Phượng Thư
và chào hỏi Tích Xuân, rồi mọi người cùng xem xét các đồ đạc bị mất. Vì Uyên
Ương đã chết, bọn Hổ Phách lại đi đưa đám, đồ đạc của Giả mẫu, chưa hề thấy con
số rõ ràng, lâu nay cứ niêm phong lại, nên bây giờ biết đằng nào mà tra ra ? Mọi
người đều nói:
- Đồ đạc rương tủ rất nhiều, bây giờ sạch không, đủ biết thời
gian chúng lấy không phải là ngắn. Không biết bọn canh đêm trông nom cái nỗi
gì? Vả lại người bị đánh chết lại là con nuôi Chu Thụy, chắc thế nào bọn chúng
cũng thông đồng với nhau.
Phượng Thư nghe nói, tức quá, mắt trợn ngược lên, liền quát:
- Bắt cả bọn đàn bà canh đêm trói lại, giao cho trong doanh
xét hỏi.
Bọn ấy kêu khóc ầm ĩ, quỳ xuống van lạy mãi.
Hồi 112:
Sống đầy oan nghiệt, Diệu Ngọc bị giặc cướp đi
Chết vì hiềm thù, dì Triệu sa xuống âm phủ
Phượng Thư bảo trói bọn đàn bà canh đêm giao cho quan doanh
tra hỏi, chúng qùy lạy xin tha tội.
Lâm Chí Hiếu cùng Giả Vân nói:
- Ông lớn sai chúng ta coi nhà, vô sự là may, bây giờ sinh
chuyện, trên dưới đều có lỗi, ai cứu được các người. Nói đến chuyện con nuôi
Chu Thụy thì ngay từ bà lớn cho đến những người bên trong bên ngoài đều có liên
can cả.
Phượng Thư thở hổn hển nói:
- Đó là do số mệnh xui nên nói với chúng nó làm gì ? Đem
chúng nó đi là xong. Còn những đồ đạc bị mất thì anh trình với quan doanh. Đồ đạc
của cụ, chờ hỏi các bà mới biết. Để chúng tôi mời ông lớn về rồi sẽ lập tờ khai
đưa tới. Trong nha môn quan văn cũng trình báo như thế.
Bọn Lâm Chí Hiếu và Giả Vân vâng lời đi ra.
Tích Xuân không nói gì, chỉ khóc than:
- Những việc như thế này, xưa nay tôi chưa từng nghe, làm sao
lại nhè vào hai đứa chúng ta; sau này chú và thím về, tôi còn mặt mũi nào nữa.
Đem nhà cửa giao phó cho chúng mình. Bây giờ xảy ra tình cảnh này còn tưởng sống
nữa hay sao ?
Phượng Thư nói:
- Có phải chúng mình muốn như thế đâu. Hiện còn có bọn canh
đêm ở đó chứ.
Tích Xuân nói.
- Chị còn có thể nói được. Vả lại chị còn ốm, chứ tôi thì chẳng
nói được gì. Thật là chị Cả tôi làm hại tôi ! Chị ấy xúi giục tôi coi nhà. Giờ
đây thể diện của tôi thật chẳng còn gì.
Nói xong, cô ta lại khóc lóc thảm thiết.
Phượng Thư nói:
- Cô đừng nghĩ như thế. Nếu nói mất thể diện thì hai đứa mình
cũng đều như nhau. Nếu cô nghĩ lẩn thẩn như thế, tôi lại càng không thể chịu nổi.
- Tôi nói bọn sư vãi kia là không chơi với họ được. Ở nhà họ
Chân chúng tôi xưa nay nhất thiết không cho họ đến cửa. Không ngờ ở đây lại
khác. Hôm trước quan tài cụ bà vừa đưa ra thì một ni cô nào đó trong am, cố chết
đòi vào cho được. Tôi quát nạt không cho vào, bọn bà già ở cửa hông còn mắng
tôi, lạy lục mời ni cô ấy vào. Cái cửa hông ấy lúc mở lúc đóng, không biết để
làm gì. Tôi không yên tâm không dám ngủ. Đến canh tư, chợt nghe ở đấy kêu ầm
lên. Tôi tới gọi cửa thì lại không mở. Tôi nghe tiếng kêu gấp quá, hèn đập cửa
mà vào. Thấy sân nhà phía tây có người đứng đấy, tôi liền chạy lại đánh chết
nó. Bây giờ tôi mới biết là nhà cô Tư. Ni cô kia chính ở nhà ấy. Hôm nay trời
chưa sáng nó đã chuồn mất, không phải ni cô ấy đã dẫn kẻ cướp vào là gì?
Bọn Bình Nhi nghe xong đều nói:
- Đứa nào mà vô phép vô tắc thế. Cô và mợ đều ở đây, lại dám ở
ngoài kêu gào bậy bạ!
Phượng Thư nói:
- Các chị chừng cũng nghe nó nói đến phủ Chân. Thôi, lại cái
thằng đáng ghét mà nhà họ Chân tiến cử đến đây thôi.
Tích Xuân nghe rõ ràng, trong lòng lại càng khó chịu.
Phượng Thư liền hỏi Tích Xuân:
- Thằng kia nói ni cô nào? Ni cô nào mà lại ở bên nhà cô thế?
Tích Xuân liền nói rõ câu chuyện Diệu Ngọc đến thăm, và cô ta
giữ lại đánh cờ và thức đêm. Phượng Thư nói:
- Té ra là cô ấy à ? Cô ấy đời nào lại thế ! Việc ấy nhất định
là không có. Nhưng nếu cho cái thằng đáng ghét ấy rêu rao lộ chuyện ra, ông Hai
biết được thì cũng không hay.
Tích Xuân càng nghĩ càng sợ, đứng dậy định đi. Phượng Thư tuy
ngồi không nổi, nhưng sợ Tích Xuân sợ hãi, sinh chuyện không hay, đành phải bảo
cô ta khoan đi và nói:
- Hãy xem cho họ thu xếp những đồ còn lại, sai người canh giữ,
chúng mình mới đi được.
Bình Nhi nói:
- Chúng ta không nên thu xếp, phải chờ người trong nha môn đến
tra xét xong mới tiện. Chúng ta chỉ nên trông nom mà thôi. Nhưng không biết đã
có người đi báo với ông lớn chưa?
Phượng Thư nói:
- Chị sai một bà già đi hỏi xem.
Một chốc người kia về nói:
- Ông Lâm Chí Hiếu thì không thể đi được, vì người nhà còn phải
chờ các quan đến khám, còn người khác thì sợ, nói không rõ ràng, nên cậu hai
Vân đã đi rồi.
Phượng Thư gật đầu rồi buồn bực ngồi cạnh Tích Xuân.
Bọn cướp kia nguyên là do Hà Tam rủ đến cướp được một số vàng
bạc của báu, chuyển ra rồi không thấy đuổi theo, chúng biết đều là hạng người
vô dụng, nên định qua nhà bên tây lấy nữa. Chúng ở ngoài cửa sổ trông vào, thấy
dưới đèn có hai người con gái đẹp. Một cô gái và một ni cô. Bọn cướp sinh lòng
bất lương, không kể gì tính mệnh, định đạp cửa mà vào. Thấy Bao Dũng đuổi,
chúng mới mang của cải chạy, nhưng không thấy Hà Tam. Bọn chúng trốn ở nhà chủ
chứa, đến ngày sau đó dò la tin tức biết Hà Tam đã bị đánh chết. Người nhà họ
đã trình báo với các nha môn văn võ, chúng thấy không thể trốn tránh ở đây được
nữa. Bàn nhau tìm cách nhập bọn với đám giặc lớn ở ven biển. Nếu chậm trễ, khi
giấy truy nã đưa ra, thì sẽ không thể nào lọt khỏi các nơi quan ải. Trong bọn
chúng, có một tên rất to gan, nói:
- Chúng mình đi thì đi. Nhưng tôi không tài nào bỏ được người
ni cô kia. Nó đẹp quá! Không biết là con chim non ở am nào đấy?
Một người nói:
- Ái chà? Tôi nhớ ra rồi? Chắc là ni cô ở am Lũng Thúy nào
đó trong vườn nhà họ Giả. Năm trước có tin đồn cô ta dan díu với cậu Hai Bảo
nào đó trong nhà họ. Sau đó, chẳng biết vì sao lại mắc bệnh tương tư, mời thầy
uống thuốc. Nhất định là cô ấy rồi?
Người kia nghe xong, nói:
- Chúng mình hôm nay hãy trốn tránh một ngày. Bảo anh cả đem
tiền sắm sửa một ít hàng hóa, ngày mai lúc chuông sáng đánh, chúng mình lần lượt
ra khỏi cửa quan, các anh chờ tôi ở cái bãi cách ngoài cửa quan hai mươi dặm.
Bọn giặc bàn xong, chia của, rồi phân tán mỗi người đi mỗi
nơi. Bọn Giả Chính đưa quan tài đến chùa làm lễ xong. Bà con bạn hữu ra về. Giả
Chính ở gian nhà ngoài giữ linh. Bọn Hình phu nhân và Vương phu nhân thì ở nhà
trong, suốt đêm khóc lóc.
Đến ngày thứ hai, lại bày lễ cúng bái. Đang lúc dọn cơm thì
thấy Giả Vân đi vào. đến khấu đầu trước bàn thờ Giả mẫu, rồi vội vàng đến trước
mặt Giả Chính, quỳ xuống, hỏi thăm sức khỏe, thở hổn hển, trình lại đầu đuôi việc
mất cướp tối qua, đồ đạc của cụ bà ở nhà trên đều mất hết. Bao Dũng
đuổi theo đánh chết một tên, đã đi trình báo với các nha môn văn võ. Giả Chính
nghe nói, ngẩn người ra. Bọn Hình phu nhân và Vương phu nhân ở trong nhà nghe vậy
đều khiếp sợ mất vía, không nói gì cả, chỉ biết khóc lóc.
Sau một hồi. Giả Chính hỏi:
- Đơn kê khai mất trộm như thế nào?
- Người ở nhà đều không biết mất những gì nên vẫn chưa khai.
- Thế thì còn khá, nhà mình mới bị soát nhà, nếu khai ra những
vật quý thì lại mang tội. Gọi cháu Liễn mau.
Lúc đó, Giả Liễn còn dẫn bọn Bảo Ngọc đi lễ ở nơi khác.
Giả Chính sai người chạy theo tìm về.
Giả Liễn nghe nói điên tiết lên, trông thấy Giả Vân, anh ta
cũng không kể gì Giả Chính ở đó, liền mắng cho hắn một trận thậm tệ:
- Đồ khốn nạn vô dụng? Tao đem giao cho mày một việc quan trọng
như thế,
bảo mày đốc xuất người nhà canh tuần đêm hôm. Mày là người chết
rồi hay sao. Thế mà còn vác mặt đến báo tin.
Nói xong, anh ta nhắm vào mặt Giả Vân nhổ toẹt một cái. Giả
Vân đứng yên, không dám nói lại một lời. Giả Chính nói:
- Cháu mắng nó cũng vô ích.
Giả Liễn vội quỳ xuống thưa:
- Việc ấy bây giờ làm thế nào?
Giả Chính nói:
- Cũng chẳng có cách gì, chỉ còn báo quan để tầm nã kẻ cướp.
Có điều là chúng ta chưa hề động đến đồ đạc của bà để lại. Cháu nói cần bạc,
nhưng ta nghĩ bà mới chết được mấy ngày, ai nở động đến bạc của người. Ta vẫn
tưởng rằng, khi xong việc, tính toán sổ sách, sẽ trả cho người ta, còn nữa thì
sẽ tậu một ít ruộng ở đây và xây phần mộ Phương Nam. Tất cả các thứ đều chưa biết
là bao nhiêu. Bây giờ các nha môn văn võ đòi kê đơn mất trộm. Nếu khai ra một số
đồ vật quý giá thì sợ không tiện. Nếu khai vàng bạc là bao nhiêu, áo quần là
bao nhiêu, thì lại không có số mục rõ ràng, khai man không thể được. Buồn cười
cho cháu, nay lại như người mất hồn, không biết lo liệu gì cả.
- Cháu quỳ ở đấy làm gì ?
Giả Liễn cũng không dám trả lời, đành phải đứng dậy đi. Giả
Chính hỏi:
- Cháu đi đâu thế ?
Giả Liễn trở lại thưa:
- Cháu đi về nhà lo liệu đâu đó rồi sẽ lại.
Giả Chính “hừ” một tiếng. Giả Liễn cúi đầu xuống, Giả Chính
nói:
- Cháu vào thưa với mẹ cháu gọi một vài đứa a hoàn của bà
cùng về, rồi bảo chúng nó nhớ lại cho kỹ mà khai.
Giả Liễn trong bụng biết rõ ràng là đồ đạc Giả mẫu đều do
Uyên Ương trông nom, nay chị ta chết rồi còn biết hỏi ai. Dầu có hỏi bọn Trân
Châu thì làm gì chúng nhớ được rành mạch. Nhưng anh ta không dám cãi. Vội vàng
vâng dạ rồi quay vào nhà trong. Hình phu nhân và Vương phu nhân oán trách một hồi,
rồi bảo Giả Liễn đi mau về hỏi những người coi nhà:
- Rồi đây họ còn mặt mũi nào mà trông thấy chúng ta ?
Giả Liễn đành phải vâng lời đi ra, một mặt sai người sắm xe sửa
soạn đưa bọn Hổ Phách vào thành; còn mình thì cỡi lừa cùng mấy đứa hầu trai phi
nhanh về nhà. Giả Vân cũng không dám thưa lại với Giả Chính, lẻn chuồn ra cỡi
ngựa chạy theo
Giả Liễn. Giả Liễn về đến nhà, Lâm Chí Hiếu hỏi thăm sức khỏe
rồi đi theo vào trong. Giả Liễn vào nhà trên của Giả mẫu, gặp bọn Phượng Thư,
Tích Xuân ở đấy, trong lòng tức giận, nhưng không tiện nói ra, liền hỏi Lâm Chí
Hiếu:
- Người ở nha môn đã đến khám chưa ?
Lâm Chí Hiếu tự biết có lỗi, liền quỳ xuống trả lời:
- Nha môn văn võ đều đến khám cả các dấu vết vào ra và xác chết.
Giả Liễn giật mình. hỏi:
- Lại khám xác chết nào ?
Lâm Chí Hiếu liền thưa lại việc Bao Dũng đánh chết một tên đồ
đảng của giặc, giống như con nuôi Chu Thụy.
Giả Liễn nói:
- Gọi thằng Vân tới đây.
Giả Vân đi vào, quỳ xuống nghe chỉ bảo.
Giả Liễn nói:
- Lúc mày gặp ông lớn, sao không thưa việc con nuôi Chu Thụy
theo bọn cướp bị Bao Dũng đánh chết ?
- Người canh đêm nói giống như nó, cháu sợ không đúng nên
không dám thưa.
- Đồ ngu ? Nếu mày nói thì ta đã đem Chu Thụy về nhận, có phải
là biết rõ ngay không ?
Lâm Chí Hiếu nói:
- Bây giờ người ở nha môn đem xác chết đặt ở cửa chợ để gọi
người nhận rồi.
Giả Liễn nói:
- Lại càng lẩn thẩn nốt! Đời nào có người đi ăn cướp, bị người
ta đánh chết, lại đòi đền mạng bao giờ?
Lâm Chí Hiếu nói:
- Không cần người ta nhận, tôi cũng nhận ngay được là nó.
Giả Liễn nghe xong nghĩ ngợi và nói:
- Phải đấy? Ta nhớ năm nọ anh Trân định đánh con Chu Thụy,
phải nó đấy không?
Lâm Chí Hiếu nói?
- Chính nó đánh nhau với Bào Nhị, cậu cũng thấy đấy.
Giả Liễn nghe nói tức giận, định đánh bọn canh đêm.
Lâm Chí Hiếu nằn nì:
- Xin cậu bớt giận. Những người canh đêm ấy, được lệnh sai
phái, đâu dám lười biếng. Nhưng vì theo nề nếp của phủ nhà ta, nên không một
người đàn ông nào dám vào. Chúng tôi ở ngoài cùng anh Vân lúc nào cũng đi tra
xét, thấy ba lần cửa vẫn đóng chắc chắn, những cửa bên ngoài không hề mở một lớp
nào. Bọn cướp đi theo con đường ống phía sau mà vào.
Giả Liễn hỏi:
- Bọn đàn bà canh đêm ở trong nhà đâu rồi?
Lâm Chí Hiếu thưa:
- Đã vâng lệnh mợ, trói bọn đàn bà canh đêm lại, chờ cậu tra
hỏi.
- Bao Dũng đâu rồi?
- Anh ta lại qua bên vườn rồi.
- Đi gọi anh ta đến đây.
- Còn may có anh ở đấy, nếu không có lẽ tất cả đồ đạc trong
nhà đều bị cướp hết.
Bao Dũng đứng im lặng. Tích Xuân sợ Bao Dũng kể lại chuyện
kia ra, trong bụng hoảng hốt. Phượng Thư cũng không dám nói gì. Bỗng nghe bên
ngoài nói:
- Chị Hổ Phách đã về.
Mọi người gặp nhau lại khóc một hồi.
Giả Liễn sai người soát những đồ đạc còn lại, thì thấy chỉ
còn một ít áo quần, vải, bông và rương tiền chưa động đến, còn các đồ vật khác
đều mất hết. Giả Liễn càng hoảng, nghĩ đến số tiền làm rạp ở ngoài., số tiền
tiêu của nhà bếp đều chưa đưa ra, rồi đây không biết lấy gì mà trả cho người
ta. Bọn Hổ Phách đi vào khóc lóc một lúc, thấy rương tủ đều mở toang, không sao
mà nhớ hết đồ đạc trong ấy, đành phải ước lượng phỏng đoán, kê bừa một tờ khai
đồ đạc đã mất, sai người đưa đến các nha môn văn võ. Giả Liễn lại sai người
canh giữ. Còn Phượng Thư và Tích Xuân thì ai về phòng nấy.
Giả Liễn không dám nghỉ ở nhà, cũng không kịp trách Phượng
Thư, liền cưỡi ngựa đi ra ngoài thành. Phượng Thư ở nhà lại sợ Tích Xuân tìm
cách tự tử, nên sai Phong Nhi qua an ủi. Vào khoảng canh hai, trong phủ Vinh
lúc đó, đúng như người ta nói giặc đi rồi, mới lo đóng cửa ? Mọi người càng
thêm cẩn thận, không hề dám nghỉ. Tên trộm cướp kia một lòng luyến tiếc Diệu Ngọc,
biết rằng bọn đàn bà ở trong am ít ỏi rất dễ bắt nạt. Chờ đến canh ba đêm vắng,
nó mang theo dao ngắn và một ít muội hương trèo lên tường cao. Xa xa trông thấy
trong am Lũng Thúy, bóng đèn còn sáng, nó liền lẻn xuống, nấp ở chỗ hẻo lánh ở
ngoài phòng. Chờ đến canh tư, thấy bên trong chỉ còn một ngọn đèn lớn. Một mình
Diệu Ngọc ngồi nhập định trên cái nệm. Cô ta nghĩ một lát rồi thở than:
- Ta từ Nguyên Mộ tới kinh, vốn định để chút tiếng tăm về
sau, vì ở đây mời, không thể bỏ đi nơi khác. Hôm trước vì lòng tốt đi thăm cô
Tư. Không ngờ lại phát bực với tên ngu xuẩn kia. Đến đêm lại bị một trận khiếp
sợ. Hôm nay về đây, ngồi trên nệm không yên, cảm thấy lòng dạ nơm nớp run sợ.
Nhưng vì ngày thường ngồi nhập định một mình, nên hôm nay cô
ta cũng không chịu gọi người ngồi cùng. Ai ngờ đến canh năm, trong người thấy sởn
gai lên, đang định gọi người thì nghe ngoài cửa có tiếng động. Diệu Ngọc nghĩ đến
việc đêm
hôm trước càng thêm sợ hãi, đành phải gọi người. Ngờ đâu bọn
bà già đều không trả lời. Một mình cô ta ngồi đấy, bỗng ngửi thấy một mùi hương
thấu vào óc, chân tay tê mê, không thể cử động, miệng cũng không nói nên lời,
trong bụng lại càng hoảng hốt. Chợt thấy một người cầm một con dao sáng quắc đi
vào. Lúc bấy giờ Diệu Ngọc vẫn tỉnh táo, chỉ không cử động được, nghĩ bụng: “Nó
muốn giết mình chăng ? Nhưng đã quyết liều mạng, nên cũng không sợ”. Nào ngờ
tên kia giắt dao vào sau lưng, giơ tay ra, nhẹ nhàng ôm Diệu Ngọc dậy, đùa cợt
một hồi rồi cõng lên trên lưng. Lúc bấy giờ Diệu Ngọc mê man ngây ngất. Thương
thay ! Một người con gái trong sạch, bị kẻ cướp dùng muội hương làm cho mê mẩn,
để mặc cho nó trêu đùa. Tên giặc kia cõng Diệu Ngọc đến bên tường sau vườn,
dùng thang dây leo qua. Bên ngoài đã có đồ đảng của nó đem xe chờ sẵn. Người
kia để Diệu Ngọc vào trong xe, ngoài treo một chiếc đèn lồng có dấu hiệu quan
chức rồi vội vàng đi đến cửa thành. Lúc ấy chính là giờ mở cửa. Quan coi thành
chỉ nghĩ là người có việc quan đi ra ngoài nên cũng không kịp tra hỏi. Ra khỏi
thành rồi, tên kẻ cướp giục ngựa đi, chừng hai mươi dặm, đến một nơi cùng bọn đồ
đảng gặp mặt rồi chia đường đi về miền biển Nam Hải. Không biết sau khi Diệu Ngọc
bị cướp đi, có cam chịu nhơ nhớp hay không chịu khuất phục mà chết, chẳng rõ ra
sao, khó lòng đoán ra được. Trong am Lũng Thúy có một ni cô thường theo Diệu Ngọc,
cô ta ngủ ở phía sau nhà. Đêm đó, ngủ đến canh năm, nghe phía trước có tiếng
người, cứ cho là Diệu Ngọc ngồi nhập định không yên. Sau nghe có tiếng chân của
đàn ông và cửa sổ rung động, cô ta định dậy xem, nhưng người bủn rủn không nói
ra được, lại không nghe Diệu Ngọc nói năng gì, cô ta cứ giương to đôi mắt lắng
nghe. Đến lúc trời sáng, cô ta mới thấy tỉnh táo, khoác áo đứng dậy, gọi đạo bà
sấm sửa trà nước, còn mình thì ra phía trước để gặp Diệu Ngọc. Không ngờ chẳng
thấy Diệu Ngọc đâu cả. Cửa sổ thì mở toang ra. Cô ta lấy làm lạ, nghĩ lại tiếng
động ban đêm rất là ngờ vực, trong bụng nghĩ thầm:
- Còn sớm như thế mà cô ấy đã đi đâu ?
Cô ta chạy ra ngoài sân thì thay một cái thang dây dựa bên tường,
dưới đất lại có một cái bao dao, một cái tay nải, liền nói:
- Nguy to? Đêm qua rõ ràng là bọn cướp đốt muội hương rồi?
Cô ta vội vàng gọi mọi người dậy xem xét, thì thấy cửa am vẫn
đóng chặt. Bọn bà già và gái hầu đều nói:
- Đêm qua ngửi phải hơi than, sáng nay đều dậy không được. Trời
đang sớm như thế, gọi chúng tôi làm gì ?
Người ni cô nói:
- Sư phụ không biết đi đâu mất ?
Sư phụ ngồi nhập định ở gác Quan âm kia.
- Các bà còn mơ ngủ à ? Thử tới mà xem.
Mọi người chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cũng đều hoảng hốt, mở
cửa am ra. Tìm khắp trong vườn. Lại ngờ cô ta đến bên nhà cô Tư. Họ liền tới gõ
cửa hông, lại bị Bao Dũng mắng cho một trận.
- Sư cô Diệu ngọc chúng tôi chẳng biết đêm qua đi đâu, nên phải
đi tìm. Nhờ ông mở cửa hông để chúng tôi hỏi xem có đến đấy hay không ?
- Sư phụ các bà dẫn bọn giặc đến ăn cướp của chúng tôi. Đã cướp
được rồi thì đi theo bọn giặc mà hưởng đấy !
- A di đà phật ? Nói như thế coi chừng phải xuống địa ngục cắt
lưỡi đấy.
Bao Dũng nổi giận, nói:
- Nói nhảm. Các bà mà còn lôi thôi nữa thì tôi đánh đấy.
Mọi người chỉ lấy lòng và vật nài:
- Nhờ ông bảo mở cửa cho chúng tôi xem một tí, nếu không có
thì sẽ không dám làm phiền đến ông nữa..
- Các bà không tin thì cứ đi mà tìm, nếu không có thì chốc nữa
sẽ nói chuyện với các bà.
Bao Dũng nói xong, gọi mở cửa hông. Mọi người tìm đến nhà
Tích Xuân.
Tích Xuân đang buồn bực nhớ đến việc sáng hôm ấy Diệu Ngọc ra
về, không biết có nghe câu nói của Bao Dũng không, chỉ sợ mình lại mang lỗi,
sau này cô ta không chịu đến, thì người tri kỹ của mình không còn ai nữa. Hiện
giờ gặp mọi người, mình thật khó coi. Cha mẹ chết sớm, chị dâu lại ghét mình.
Trước kia có bà, còn thương mình ít nhiều, bây giờ bà cũng chết rồi, để lại một
mình bơ vơ khổ sở, rốt cuộc biết làm thế nào. Cô ta lại nghĩ đến chị Nghinh
Xuân bị dày vò mà chết, chị Sử làm bạn với người mợ, chị Ba đi xa, đều là do số
mệnh xui nên, không thể tự do được. Chỉ có một mình Diệu Ngọc, như hạc nội mây
ngàn, không gì ràng buộc. Nếu mình được như cô ta, thì phúc không phải nhỏ.
Nhưng mình là con gái nhà thế gia, làm sao thỏa ý muốn được. Lần này coi nhà lại
mang lỗi lớn, còn mặt mũi nào nữa. Lại sợ các thím không rõ tâm sự của mình. Việc
tương lai rồi chưa hiểu sẽ ra sao ? Tích Xuân nghĩ đến đó, liền định cắt tóc đi
tu. Bọn Thái Bình nghe thấy, vội vàng tới khuyên, nào ngờ cô ta đã cắt mất một
nửa mái tóc. Thái Bình càng hoảng sợ và nói:
- Việc này chưa xong, đã xảy ra việc khác, biết làm sao bây
giờ.
Đang lúc ồn ào, bỗng thấy đạo bà ở bên am sang tìm Diệu Ngọc.
Thái Bình hỏi rõ nguyên do, giật mình và nói:
- Hôm trước về rồi sư cô có sang nữa đâu ?
Tích Xuân ở trong nhà nghe nói, vội vàng hỏi:
- Cô ấy đi đâu mất à ?
Đạo bà kể rõ chuyện đêm qua, nghe thấy tiếng động, bị hơi
than xông ngạt. Sáng nay không thấy Diệu Ngọc. Trong am lại thấy có thang dây
và bao dao. Tích Xuân sợ hãi ngờ vực, chẳng hiểu ra sao, chợt nghĩ đến câu nói
của Bao Dũng, chắc là bọn trộm trông thấy cô ta, rồi đêm qua bắt cóc đi cũng
chưa biết chừng. Nhưng cô ta xưa nay rất là cao thượng, trong sạch, có đâu lại
chịu thế mạng mình ? Tích Xuân liền hỏi:
- Tại sao các người đều không nghe gì cả ?
- Sao lại không nghe, nhưng chúng tôi đều giương mắt ra mà
không nói được nửa lời. Chắc là bọn giặc đốt muội hương. Cô Diệu chắc đã bị bọn
giặc làm cho mê mẩn, không nói năng được. Bọn giặc nhất định đông, cầm dao cầm
gậy bứt bách. Cô ta còn dám kêu la nữa à ?
Đang nói thì Bao Dũng lại ở chỗ cửa hông gào to:
- Trong này mau mau đuổi bọn đạo bà bậy bạ ấy ra đi. Đóng cửa
hông mau lên ?
Thái Bình nghe nói sợ mình mang lỗi, đành phải giục bà già đi
ra, bảo người đóng cửa hông lại. Tích Xuân càng thêm khổ sở. Bọn Thái Bình lấy
lễ khuyên giải mãi và quấn nửa mái tóc còn lại cho cô ta. Mọi người bàn với
nhau việc này bất tất nói lộ ra làm gì. Đến chuyện Diệu Ngọc bị bắt cũng làm
như không biết. Chờ ông lớn bà lớn về hãy nói. Tích Xuân từ đó kiên quyết đi
tu. Giả Liễn trở lại chùa Thiết Hạm thưa lại với Giả Chính việc về nhà tra hỏi
những người canh đêm, và kê khai những đồ mất trộm. Giả Chính hỏi:
- Khai như thế nào ?
Giả Liễn đem trình đơn kê những đồ vật mà Hổ Phách nhớ được
và nói thêm:
- Trong ấy những vật Nguyên Phi cho, đều chưa rõ ràng, còn những
vật hiếm có không tiện khai ra thì để khi cháu hết tang sẽ đi nhờ người ta dò hỏi
kỹ lưỡng, thế nào cũng tìm ra.
Giả Chính nghe nói, vừa lòng, liền gật đầu, không nói gì. Giả
Liễn vào trong nhà, gặp Hình phu nhân,Vương phụ nhân và bàn:
- Nên khuyên chú sớm liệu về nhà mới được, nếu không thì rối
như tơ vò ấy cả.
Hình phu nhân nói:
- Phải đấy. Chúng ta ở đây cũng cứ hốt hoảng lo sợ.
Giả Liễn nói:
- Điều đó chúng con không dám nói, cần phải có ý của thím thì
chắc chú sẽ nghe theo.
Hình phu nhân bèn cùng Vương phu nhân bàn bạc xong xuôi. Qua
một đêm, Giả Chính cũng không yên lòng, sai Bảo Ngọc vào nói:
- Hôm nay mời mẹ và bác về nhà, vài ba hôm nữa lại tới. Người
nhà ngoài này đều cắt đặt xong rồi. Trong ấy mẹ và bác lo cắt đặt người đi
thôi.
Hình phu nhân cắt bọn Anh Kha ở lại trông nom hương đèn; bọn
vợ Chu Thụy coi chung mọi việc; nên các người khác đều ra về. Lúc đó mọi người
vội vàng sắm sửa xe ngựa. Bọn Giả Chính từ biệt trước linh vị của Giả mẫu, lại
khóc một hồi.
Lúc họ đứng dậy định đi thì thấy Dì Triệu vẫn còn lom khom giữa
đất không dậy. Dì Chu tưởng dì Triệu còn khóc, liền tới dắt dậy, không ngờ dì
Triệu miệng sùi bọt, mắt trợn ngược, lưỡi lè ra ngoài, làm cho bọn người nhà giật
mình. Giả Hoàn
chạy lại, kêu rầm lên. Dì Triệu tỉnh lại rồi nói:
- Ta không về đâu. Ta theo cụ bà về Nam đây!
Mọi người nói:
- Cụ bà đâu có cần dì theo hầu?
- Ta theo cụ bà suốt đời. Ông Cả còn không chịu để yên, dùng
mưu thần chước quỷ làm hại ta! Ta tưởng nhờ phép Mã đạo bà để làm cho hả giận.
Kết quả mất đi một số bạc, chẳng làm chết đứa nào. Giờ đây ta về, không biết rồi
lại có ai làm hại ta!
Mọi người ban đầu tưởng là hồn Uyên ương nhập vào dì ta. Sau
nghe nói đến việc Mã đạo bà thì lại hình như không phải. Hình phu nhân và Vương
phu nhân đều không nói gì. Chỉ có bọn Thái Vân cầu khẩn để xin hộ cho dì ta:
- Chị Uyên ương ơi, chị chết là tự mình chứ có can gì đến dì
Triệu. Chị tha dì ấy ra.
Vì thấy Hình phu nhân ở đây, nên bọn họ cũng không dám nói gì
khác.
Dì Triệu nói:
- Ta không phải là Uyên ương. Ta là do Diêm vương sai người đến
bắt đi, để hỏi về cái án tại sao cùng Mã đạo bà dùng phép ma làm hại người.
Nói đến đó, dì ta lại van lơn:
- Mợ Hai Liễn ơi ? Trước mặt quan lớn đây bớt lời xúc xiểm đi
cho với ! Tôi dầu có ngàn ngày không tốt cũng còn có một ngày tết. Mợ Hai ơi !
Mợ Hai thân yêu ơi! Thật không phải tôi định hại mợ; chỉ vì trong một lúc rồ dại
tôi trót nghe lời con ở già đấy thôi.
Bà ta đang kêu la, thì Giả Chính sai người đến gọi Giả Hoàn.
Bọn bà già đều trình:
- Dì Triệu bị trúng tà, cậu Ba đang ở lại trông nom.
Giả Chính nói:
- Làm gì có chuyện ấy. Chúng ta đi trước đây.
Thế rồi bọn đàn ông đều ra về trước. Dì Triệu ở đấy vẫn cứ
nói nhảm, không sao tỉnh lại được. Hình phu nhân sợ dì ta còn nói chuyện gì nữa,
liền bảo:
- Sai thêm người ở đây trông nom dì ấy, chúng ta đi trước. Về
đến thành, sẽ cho thầy thuốc đến xem bệnh.
Vương phu nhân vốn ghét dì Triệu, nên cũng bỏ lơ không nhìn.
Bảo Thoa là người trung hậu, tuy nghĩ đến việc dì ta làm hại Bảo Ngọc. Nhưng rốt
cuộc vẫn không đành lòng, liền dặn riêng dì Chu ở đấy trông nom. Dì Chu cũng là
người tốt nhận lời ngay.
Lý Hoàn nói:
- Tôi cũng ở đây thôi.
Vương phu nhân nói:
- Bất tất phải thế.
Thế rồi mọi người đều định đứng dậy ra về.
Giả Hoàn hoảng lên nói:
- Tôi cũng ở đây à ?
Vương phu nhân quát:
- Cái thằng lẩn thẩn ? Mẹ mày chưa biết sống chết ra sao, mày
còn định về à ?
Giả Hoàn không dám nói gì nữa, Bảo Ngọc nói:
- Em ạ, em không về được đâu, để anh vào thành, sẽ sai người
đến thăm em.
Nói xong, mọi người đều lên xe về nhà. Trong chùa chỉ còn bọn
dì Triệu, Giả Hoàn, Anh Kha. Bọn Giả Chính và Hình phu nhân về đến nhà, vào nhà
trên, khóc lóc một hồi. Lâm Chí Hiếu dẫn bọn người nhà đến hỏi thăm sức khỏe rồi
quỳ xuống. Giả Chính quát:
- Cút đi ngày mai sẽ hỏi chúng mày !
Ngay hôm ấy, Phượng Thư mấy lần mê man, không thể ra đón, chỉ
có Tích Xuân trông thấy mọi người thì có vẻ hổ thẹn. Hình phu nhân cũng không
nhìn. Vọng phu nhân thì vẫn đối đãi như thường. Lý Hoàn và Bảo Thoa nắm tay cô
ta, nói mấy câu. Riêng có Vưu thị thì nói:
- Cô ơi cô thật chịu khó trông nom mấy ngày trời.
Tích Xuân mặt mày đỏ tía, không nói lại một câu. Bảo Thoa kéo
Vưu thị và đưa mắt lườm chị ta rồi ai về nhà nấy. Giả Chính nhìn qua một lượt,
thở dài không nói gì cả. Rồi đến thư phòng, trải chiếu xuống đất mà ngồi, gọi bọn
Giả Liễn. Giả Dung, Giả Vân đến dặn dò mấy câu. Bảo Ngọc định ở lại thư phòng hầu
Giả Chính. Giả Chính nói:
- Không cần.
Giả Lan thì vẫn theo mẹ anh ta. Đêm ấy không có chuyện gì.
Sáng hôm sau, Lâm Chí Hiếu vào quỳ ở thư phòng. Giả Chính hỏi
lại đầu đuôi việc mất trộm. Lâm Chi Hiếu lại khai Chu Thụy ra và nói:
- Nha môn bắt được Bào Nhị, xét được trong mình nó có những đồ
vật đã kê trong đơn mất trộm, hiện đang tra tấn, định bắt nó khai ra bọn trộm
cướp.
Giả Chính nghe xong, giận lắm, nói:
- Đầy tớ phụ ơn, đem kẻ cướp về ăn cướp của nhà, thật là ngược
đời.
Ông ta sai người lập tức ra ngoài thành, trói Chu Thụy đưa đến
nha môn tra hỏi. Lâm Chí Hiếu vẫn cứ quỳ đấy, không dám dậy. Giả Chính nói:
- Anh còn quỳ làm gì ?
Lâm Chí Hiếu nói:
Bọn chúng tôi đáng chết, xin ông lớn ban ơn..
Đang nói thì bọn Lại Đại cùng các người nhà đều vào hỏi thăm
sức khỏe và đưa sổ sách lo việc tang trình lên. Giả Chính nói:
- Giao cho cậu Liễn tính toán rõ ràng rồi trình với ta.
Đoạn ông ta quát mắng, Lâm Chí Hiếu đứng dậy đi ra. Giả Liễn
quỳ một chân xuống bên Giả Chính nói câu gì. Giả Chính trợn mắt và bảo:
- Nói nhảm ! Không lẽ bị mất cướp rồi bắt phạt bọn đầy tớ phải
xuất tiền bạc lo cho bà hay sao ?
Giả Liễn đỏ mặt lên, không dám nói năng gì, đứng dậy nhưng
cũng không dám cử động. Giả Chính hỏi:
- Nhà cháu ra sao rồi ?
Giả Liễn lại quỳ xuống và nói:
- Xem chừng thì không có hy vọng gì.
Giả Chính thở dài, nói:
- Ta không ngờ vận nhà suy bại đến thế. Vả lại mẹ thằng Hoàn
đang còn ốm ở trong chùa, cũng chẳng biết mắc chứng bệnh gì. Các cháu có hiểu
hay không ?
Giả Liễn cũng không dám nói gì. Giả Chính bảo:
- Cháu chuyển lời ra ngoài, bảo người dẫn thầy thuốc đến thăm
bệnh cho nó.
Giả Liễn vội vàng vâng lời đi ra, sai người đưa thầy thuốc đến
chùa Thiết Hạm xem bệnh cho dì Triệu.
Hồi 113:
Ăn năn lỗi trước, Phượng Thư nhờ cậy già Lưu
Quên hẳn hiềm xưa, Tử Quyên cảm thương Bảo Ngọc
Dì Triệu mắc bệnh ở chùa Thiết Hạm, thấy ít người lại, càng
nói nhảm. Mọi người đều ngơ ngác khiếp sợ. Hai người đàn bà đỡ cho dì Triệu quỳ
ở dưới đất. Dì ta nói rồi lại khóc, có lúc bò ra giữa đất xin tha tội và nói:
- Ông đánh tôi chết mất! Ông râu đỏ ơi. Tôi không dám nữa
đâu!
Có lúc lại chắp lai tay kêu đau. Con mắt lồi ra, miệng chảy
máu tươi, đầu bù tóc rối, ai cũng sợ hãi, không dám lại gần.
Lúc trời gần tối, tiếng nói của dì Triệu càng khan dần, y như
quỷ gào, không có ai dám đứng trước bà ta. Đành phải gọi mấy người đàn ông can
đảm vào ngồi đấy. Có lúc dì Triệu chết đi được một lúc lại sống lại, suốt đêm cứ
như thế. Đến hôm thứ hai. Bà ta không nói nữa, chỉ làm như bị ma ám, tự tay xé
tung áo quần, để lòi bụng ra hình như có ai xúi cởi áo quần. Tội nghiệp dì Triệu,
tuy không nói gì nhưng xem có vẻ đau đớn khổ sở ! Đang khi nguy cấp thì thầy
thuốc đến. Thầy thuốc cũng không xem mạch, chỉ dặn:
- Lo liệu việc hậu sự đi thôi.
Nói xong, liền đứng dậy đi ra. Người nhà đưa thầy ta đến, cứ
nằn nì:
- Nhờ thầy xem qua mạch một tí, để tôi tiện về bẩm với chủ
nhà.
Thầy thuốc lấy tay sờ một cái, thì không còn có mạch nhảy nữa.
Giả Hoàn nghe nói, mới khóc rống lên. Mọi người chỉ lo săn sóc Giả Hoàn, còn dì
Triệu thì chẳng có ai nhìn. Chỉ có dì Chu nghĩ bụng: «Cái kiếp vợ mọn, chẳng
qua như thế! Vả lại bà ta còn có con đấy. Chứ lúc mình chết, chưa biết sẽ ra
sao?»
Dì Chu càng khóc lóc thảm thiết.
Người nhà chạy về trình. Giả Chính liền sai người đến chùa,
theo lệ cũ mà lo liệu. Cùng Giả Hoàn ở lại ba ngày, rồi đều về. Người kia vâng
lời ra đi. Ở đấy, một người truyền mười, mười người truyền trăm, ai cũng biết
chuyện dì Triệu độc ác làm hại người, bị âm ty tra tấn mà chết. Họ lại nói:
- Mợ hai Liễn cũng nguy rồi. Sao lại nói là mợ hai Liễn kiện?
Lời đồn ấy đến tai Bình Nhi. Chị ta hoảng sợ, xem bộ dạng Phượng
Thư cũng khó lòng khỏi được. Vả lại gần đây, Giả Liễn không hề âu yếm như trước
nữa. Công việc lại nhiều, thành ra việc Phượng Thư đau ốm hình như không liên
can gì đến hắn. Ở trước mặt Phượng Thư, Bình Nhi chỉ một mực khuyên lơn, an ủi.
Lại thêm Hình phu nhân và Vương phu nhân về nhà mấy hôm nay, chỉ sai người qua
hỏi, không hề thân hành đến thăm, Phượng Thư càng thêm đau xót. Giả Liễn về nhà
cũng chẳng nói một câu nào thân mật. Phượng Thư chỉ mong sao cho chóng chết, hễ
sực nghĩ đến, trong lòng lại thấy ma quỷ kéo đến. Chị ta thấy chị Hai họ Vưu từ
sau phòng đi tới, dần dần lại gần trước giường và nói:
- Chị ơi, lâu nay không gặp nhau, em rất tưởng nhớ. Nhưng muốn
gặp cũng không được. Giờ đây khó khăn lắm mới vào được đây thăm chị. Chị thật
đã đem hết tâm lực mà cậu Hai lẩn thẩn kia lại không biết cảm ơn tấm lòng tốt của
chị. Đã thế lại oán trách chị làm việc quá khắc bạc, làm mất con đường tương
lai của cậu ta, để cậu ta không mặc mũi nào nhìn thấy người khác nữa. Em thật tức
thay cho chị.
Phượng Thư mơ màng trả lời:
- Giờ đây chị cũng phàn nàn tâm địa chị hẹp hòi quá. Em không
nghĩ đến mối thù xưa mà còn đến thăm chị à.
Bình Nhi ở bên nghe nói, liền hỏi:
- Mợ nói gì thế?
Phượng Thư tỉnh dậy, nghĩ lại chị hai Vưu đã chết, chắc là chị
ta đến đòi đền mạng. Bị Bình Nhi gọi tỉnh dậy, trong lòng Phượng Thư sợ hãi,
nhưng không chịu nói ra, đành miễn cưỡng trả lời:
- Ta tâm hồn rối loạn, chắc là nói mơ, em đấm bóp cho ta một
chút.
Bình Nhi leo lên giường đang đấm, thì thấy một a hoàn nhỏ đi
vào, nói bà cụ Lưu đã đến. Bọn bà già đưa vào hỏi thăm sức khỏe của mợ.
Bình Nhi vội vàng tụt xuống, và hỏi:
- Bà ấy đâu rồi?
- Bà ta không dám vào ngay. Còn chờ mợ truyền bát.
Bình Nhi nghe nói gật đầu, nghĩ bụng mợ ấy đang ốm, chắc là
không muốn gặp ai, liền nói:
- Mợ đang nghỉ ngơi để di dưỡng tinh thần, bảo bà ta hãy chờ
đấy, và em có hỏi bà ta đến có việc gì không?
- Bọn họ hỏi rồi, không có việc gì, bà ta chỉ nói, nghe tin cụ
bà qua đời. Nhưng vì không ai báo tin, nên đến chậm.
A hoàn nhỏ đang nói thì Phượng Thư nghe thấy liền bảo:
- Chị Bình. Người ta có lòng tốt đến thăm, không nên lạnh nhạt
với họ. Chị đi mời bà Lưu vào đây, ta nói chuyện với bà ấy một chút.
Bình Nhi đành phải ra mời bà Lưu vào trong này ngồi. Phượng
Thư vừa muốn nhắm mắt, lại thấy một trai một gái chạy đến, hình như muốn trèo
lên giường, Phượng Thư vội vàng gọi Bình Nhi và hỏi:
Gọi luôn hai tiếng, thì thấy Phong Nhi và Tiểu Hồng chạy vào
nói:
- Mợ muốn lấy gì?
Phượng Thư giương mắt nhìn một cái, chẳng thấy người nào,
trong bụng biết rõ, nhưng không chịu nói ra, liền hỏi Phong Nhi:
- Con Bình đi đâu rồi?
- Không phải là mợ đã bảo chị ấy đi mời bà Lưu rồi à?
Phượng Thư nằm yên không nói gì. Chợt thấy Bình Nhi cùng bà
Lưu dẫn một đứa gái nhỏ đi vào, và nói:
- Mợ ở đâu?
Bình Nhi dẫn bà ta đến bên giường. Bà Lưu liền nói:
- Xin hỏi thăm sức khỏe mợ.
Phượng Thư giương mắt nhìn, bất giác đau lòng, liền nói:
- Bà có khỏe không? Sao đến bây giờ mới tới? Xem kìa, cháu
ngoại bà cũng lớn ngần ấy rồi đấy.
Bà Lưu thấy Phượng Thư mình gầy như que củi, tinh thần hoảng
hốt, trong bụng cũng thương xót, liền nói:
- Mợ ơi? Sao mới mấy tháng không thấy mà đã ốm đến thế? Thật
tôi u mê đáng chết, sao không sớm đến hỏi thăm mợ!
Bà ta liền bảo con Thanh hỏi thăm sức khỏe. Con Thanh chỉ cười.
Phượng Thư trông thấy, cũng rất thương yêu, liền bảo Tiểu Hồng dỗ dành nó.
Bà Lưu nói:
- Người trong trại chúng tôi không hay ốm, nếu mà ốm thì sẽ cầu
thần hứa hẹn, chứ xưa nay không biết uống thuốc. Tôi nghĩ bệnh của mợ đây chắc
mắc phải ma quỷ gì đấy thôi.
Bình Nhi nghe câu nói ấy không đúng lý, vội vàng ở sau kéo trộm
áo bà ta. Bà Lưu hiểu ý liền không nói nữa. Không ngờ câu nói ấy lại hợp ý Phượng
Thư. Chị ta liền gắng gượng nói:
- Già ơi, già là người có tuổi, nói không sai. Dì Triệu mà
trước kia già đã gặp, nay cũng chết rồi, già có biết không?
Bà Lưu lấy làm lạ, và nói:
- A di đà phật? Người mạnh khỏe như thế, sao đã chết sớm?
Tôi nhớ bà ta cũng có mặt anh con nhỏ, bây giờ biết làm thế nào?
Bình Nhi nói:
- Sợ cái gì? Còn có ông lớn và bà lớn đấy.
Bà Lưu nói:
- Cô ạ cô biết sao được? Mẹ đẻ chết đi là không hay, người
không mang nặng đẻ đau thì ăn thua gì?
Câu nói ấy lại làm cho Phượng Thư buồn, nghẹn ngào nức nở
khóc lên. Mọi người đều tới khuyên giải. Xảo Thư thấy mẹ nó khóc lóc, liền chạy
đến trước giường, giơ tay cầm lấy tay Phượng Thư, rồi cũng khóc lên.
Phượng Thư vừa khóc vừa hỏi:
- Con đã gặp bà Lưu chưa?
- Chưa.
- Bà ta đặt tên cho con, cũng như mẹ nuôi đấy. Con tới hỏi
thăm sức khỏe bà đi.
Xảo Thư liền chạy đến trước mặt, bà Lưu vội vàng nắm lấy và
nói:
- A di đà phật? Đừng làm tôi chết mất! Cô Xảo ơi đã hơn năm
nay tôi không đến, cô còn nhận được tôi không?
- Sao lại không nhận được? Năm nọ khi gặp bà ở trong vườn,
tôi còn nhỏ. Năm trước bà đến, tôi xin bà con châu chấu già, bà chưa cho tôi,
chắc là quên rồi.
Bà Lưu nói:
- Cô ơi ! Tôi già lẩm cẩm mất rồi, nếu nói đến châu chấu thì ở
trang trại chúng tôi rất nhiều, có điều cô không đến chỗ đó được thôi. Nếu cô đến
thì muốn lấy một xe châu chấu cũng không khó gì,
Phượng Thư nói:
- Bà đem nó về với.
Bà Lưu cười và nói:
- Vô là thân ngàn vàng, lớn lên trong lụa là, ăn toàn thức ăn
ngon, đến chỗ chúng tôi thì lấy gì cho cô chơi, lấy gì cho cô ăn. Thế lại không
làm tôi chết mất à !
Bà ta lại cười và tiếp luôn:
- Đã thế, thì để tôi làm mối cho cô một nơi. Chỗ chúng tôi
tuy nói là đất trang trại, nhưng cũng có nhà giàu lớn, có mấy ngàn thửa ruộng,
mấy trăm trâu bò, tiền bạc cũng nhiều; có điều không có vàng, có ngọc như đây.
Mợ thì cố nhiên không coi những hạng nhà ấy ra gì; chỉ chúng tôi con nhà
trang trại thấy những nhà giàu như thế, cũng cho là người trên trời rồi đấy.
Phượng Thư nói:
- Bà cứ nói đi, tôi bằng lòng sẽ gả.
- Nói chơi đấy thôi, ngay những nhà quan quyền sang trọng như
nhà mợ đây, sợ mợ cũng chẳng chịu gả, đời nào lại gả cho con nhà trang trại ? Dầu
cho mợ bằng lòng, các bà ở trên cũng không thuận.
Xảo Thư thấy bà ta nói đến chuyện ấy, đứng nghe không tiện,
liền chạy đi trò chuyện với con Thanh. Hai cô gái nhỏ nói chuyện hợp ý nhau, dần
dần quen nhau.
Bình Nhi sợ bà Lưu nói nhiều làm phiền Phượng Thư, liền kéo
bà ta và nói:
- Bà nhắc đến bà lớn, mà bà chưa sang bên ấy. Tôi ra gọi người
đưa bà sang gặp một chút, cũng không uổng công đi chuyến này.
Bà Lưu muốn đi ngay, Phượng Thư nói:
- Vội gì ? Bà hãy ngồi xuống. Tôi hỏi bà - gần đây ăn tiêu có
được đầy đủ không ?
Bà Lưu cảm ơn mãi và nói:
- Chúng tôi mà không nhờ mợ. - Nói đến đó, bà ta chỉ con
Thanh và nói tiếp - thì cha mẹ nó đến chết đói mất. Bây giờ tuy nói con nhà
trang trại khổ, nhưng trong nhà cũng đã tậu được mấy mẫu ruộng, lại đào một cái
giếng, trồng một ít rau, bầu, dưa. Quanh năm cũng bán được nhiều tiền, đủ cho bọn
chúng tôi ăn rồi. Hai năm nay, mợ lại thường cho ít nhiều quần áo vải bông, ở
trang trại chúng tôi như thế cũng tạm cho là đầy đủ. A di đà Phật ! Trước đấy bố
nó vào trong thành, nghe nói ở nhà mợ đây xảy ra việc không may, tôi gần chết khiếp
đi được; may có người lại nói, không phải ở đây tôi mới yên lòng. Sau lại nghe
nói ông lớn đây được thăng chức, tôi lại vui mừng, định đến mừng ngay, vì việc
cấy hái đang bận rộn nên đi không được. Hôm qua lại nghe nói cụ bà quy tiên.
Tôi đang hái đậu ở ngoài đồng. nghe vậy, sợ quá không tài nào cầm nổi quả đậu nữa,
đến khóc một hồi lâu, rồi nói với người rể tôi: « Thôi, tao cũng không giúp đỡ
công việc cho chúng mày được nữa. Không biết tin đồn có đúng hay không, nhưng
tao cũng phải vào thành thăm một chút ! » Rể tôi và con tôi cũng không phải là
hạng người bạc bội, nghe nói thế chúng cũng khóc một hồi. Hôm nay trời chưa
sáng, chúng nó đã giục tôi vào đây. Đến nơi tôi chẳng quen ai, cũng chẳng biết
dò la ở đâu. Tôi đi một mạch tới cửa sau. Thấy tất cả các tượng thần ở cửa đều
dán giấy trắng tôi sợ quá. Vào cửa rồi tôi đi tìm chị Chu, tìm không được, vừa
gặp một cô, cô ta nói: « Chị Chu có lỗi, bị đuổi ra rồi. » Tôi lại chờ một hồi
lâu, gặp một người quen, mới vào được đây. Không ngờ mợ cũng ốm như thế !
Nói xong, bà ta chảy nước mắt ra. Bình Nhi sốt ruột, không chờ
bà ta nói xong, liền nắm lấy tay dắt đi và nói:
- Bà nói chuyện một hồi lâu khô cả cổ, chúng ta đi uống chén
trà đã.
Rồi chị ta dắt bà Lưu xuống ngồi ở nhà dưới. Còn con Thanh
thì ở bên chỗ Xảo Thư. Bà Lưu nói:
- Trà thì không cần, nhờ cô bảo người dẫn tôi sang chào bà lớn
và đi khóc cụ bà một chút.
Bình Nhi nói:
- Bà đừng vội. Hôm nay cũng không ra khỏi thành kịp. Vừa rồi
tôi sợ bà nói sơ ý làm mợ tôi khóc, nên mới giục bà ra. Bà đừng nghĩ gì.
- A di đà Phật ! Cô ơi, cô quá lo đấy thôi, tôi cũng biết rồi.
Nhưng bệnh mợ thì làm thế nào bây giờ ? Bà xem có cần gì không ?
- Nói ra thì có tội, chứ tôi xem chừng nguy lắm đấy !
Đang nói thì nghe Phượng Thư gọi. Bình Nhi đến bên giường thì
Phượng Thư lại không nói gì cả. Bình Nhi đang hỏi Phong Nhi thì Giả Liễn vào. Hắn
nhìn lên giường, cũng không nói gì, đi vào nhà trong hầm hầm ngồi xuống. Chỉ có
Thu Đồng theo vào, rót chén trà ân cần thăm hỏi, rồi nhỏ to câu chuyện, chẳng
biết là nói những gì. Một chốc, Giả Liễn gọi Bình Nhi tới hỏi:
- Mợ không uống thuốc à ?
- Không uống. Biết làm thế nào bây giờ ?
- Ta biết sao được ? Chị đưa cái chìa khóa tủ lại đây.
Bình Nhi thấy Giả Liễn có vẻ tức giận, cũng không dám hỏi,
đành phải đi ra, ghé bên tai Phượng Thư nói nhỏ mấy câu. Phượng Thư im lặng,
Bình Nhi liền đưa một cái hộp nhỏ để bên mình Giả Liễn rồi đi ngay.
Giả Liễn nói:
- Ma bắt chị rồi à ? Chị để đấy bảo ai mở ?
Bình Nhi nén giận, mở hộp lấy chìa khóa ra mở tủ rồi hỏi:
- Cậu lấy cái gì ?
- Chúng mình còn cái gì nữa.
Bình Nhi tức phát khóc lên, bèn nói:
- Có việc gì cậu cứ nói cho rõ ràng, tôi có chết cũng cam
lòng !
Giả Liễn nói:
- Còn phải nói nữa ? Việc trước kia do các người gây ra, giờ
đây việc của cụ còn thiếu mất bốn năm ngàn bạc. Chú bảo đem sổ sách công để
xoay tiền. Chị xem còn có nữa không ? Nợ nần bên ngoài còn không biết lấy gì mà
trang trải đây. Ai bảo tôi nhận lấy cái danh hão này ! Đành phải đem những vật
dụng mà bán đi để bù vào thôi ? Chị không bằng lòng hay sao ?
Bình Nhi nghe xong, không nói một câu nào, liền khuân hết đồ
vật trong tủ ra. Bỗng thấy Tiểu Hồng chạy sang nói:
- Chị Bình đến mau ! Mợ nguy lắm rồi.
Bình Nhi cũng không kể gì Giả Liễn nữa, vội vàng chạy sang,
thì thấy Phượng Thư giơ tay bắt chuồn chuồn giữa không, Bình Nhi nắm lấy tay, vừa
khóc vừa gọi. Giả Liễn cũng chạy sang nhìn rồi dậm chân, và nói:
- Cứ thế này là định giết tôi đấy ?
Nói xong, hắn chảy nước mắt.
Phong Nhi vào nói:
- Ngoài kia đang tìm cậu Hai đấy.
Giả Liễn đành phải đi ra.
Ở trong này Phượng Thư càng nguy cấp. Bọn Phong Nhi khóc ầm
lên. Xảo thư nghe tiếng chạy lại. Bà cụ Lưu cũng vội vàng chạy đến trước giường.
Miệng niệm Phật, phù phép gì một lát; quả nhiên Phượng Thư hơi đỡ hơn. Một lúc
Vương phu nhân nghe a hoàn nói, cũng qua thăm, thấy Phượng Thư có phần yên
tĩnh, cũng tạm yên lòng. Bà ta thấy bà Lưu liền hỏi:
- Bà cụ có khỏe không ? Đến đây từ bao giờ ?
- Xin hỏi thăm sức khỏe của bà lớn.
Rồi hai người cũng không kịp nói chuyện gì, chỉ bàn tán về bệnh
Phượng Thư. Trò chuyện một hồi lâu. Thái Vân vào nói:
- Ông lớn mời bà lớn.
Vương phu nhân dặn dò Bình Nhi mấy câu rồi ra về. Sau một hồi
nguy cấp, Phượng Thư lại hơi tỉnh táo. Thấy bà Lưu ngồi đấy trong bụng chị ta
tin việc bà ấy nói chuyện cầu thần cầu thánh, liền tìm cách bảo bọn Phong Nhi ra
ngoài, rồi gọi bà Lưu lại nói cho bà ta biết tâm thần mình không yên, hình
như trông thấy ma quỷ. Bà Lưu bèn kể lại ở trang trại có vị bồ tát nào thiêng
liêng ngôi đền nào linh ứng. Phượng Thư nói:
- Nhờ bà cầu hộ cho tôi, cần tiền cúng lễ thì có đây, chị ta
liền rút một chiếc vòng vàng trong cổ tay ra trao cho bà cụ.
- Mợ ạ. Không cần cái ấy đâu. Người ở trang trại chúng tôi hứa
nguyện rồi mà bệnh khỏi thì chỉ tiêu mấy trăm đồng tiền là được làm gì cần đến
như thế ? Ngay cả tôi cầu hộ cho mợ đây. cũng là khấn trước đấy thôi, chờ mợ khỏe
rồi, muốn cúng bao nhiêu thì mợ tự đi cúng lấy thôi.
Phượng Thư biết rõ lòng tốt của bà ta, nài ép không tiện,
đành phải để lại, và nói:
- Bà ạ..Tính mạng của tôi xin giao phó cho bà. Con Xảo nhà
tôi, trăm chứng ngàn tật, nay cũng giao phó cho bà luôn ?
Bà Lưu thuận miệng vâng lời, và nói:
- Đã vậy tôi xem trời còn sớm, có thể ra thành kịp, để tôi đi
ngay. Sau này mợ khỏi rồi, sẽ mời đi lễ tạ.
Phượng Thư bị mấy hồn oan quấn quít, đâm ra sợ hãi, chỉ trông
mong bà ta đi cầu ngay cho, liền nói:
- Nếu bà chịu hết lòng hộ tôi, tôi ngủ được một giấc yên ổn,
thì tôi rất cảm ơn bà. Còn cháu ngoại bà thì bảo nó ở lại đây với tôi.
- Con cái nhà trang trại, không biết gì. Ở đây chỉ thêm sinh
chuyện người ta chê cười, tôi đưa nó về là hơn.
- Bà quá lo. Đã là bà con thì sợ gì điều ấy. Nhà chúng tôi
đây hiện nay túng thiếu nhưng thêm một người ăn. Có đáng là bao.
Bà Lưu thấy Phượng Thư thật tình. Bảo con Thanh ở đây mấy
hôm, trong nhà đỡ tốn miệng ăn thì cũng thích. Nhưng sợ nó không chịu ở. Chi bằng
gọi nó tới hỏi, nếu bằng lòng thì để ở lại. Rồi bà ta nói với con Thanh mấy
câu. Con Thanh chơi với Xảo Thư đã quen, Xảo Thư lại không bằng lòng cho nó về.
Con Thanh cũng muốn ở lại. Bà cụ liền dặn dò mấy câu, rồi từ biệt Bình Nhi, vội
vàng ra thành.
Am Lũng Thúy nguyên là đất của phủ Giả. Khi làm vườn tỉnh
thân, họ liền bao cả am ấy vào trong vườn. Lâu nay tiền ăn tiêu và hương dầu
không hề động đến tiền lương của phủ Giả. Bây giờ Diệu Ngọc bị cướp. Bọn ni cô
trình báo đến cửa quan.
Một là phải chờ xem quan trên tầm nã trộm cướp ra sao; hai là
cơ nghiệp của Diệu Ngọc không tiện bỏ đi, nên vẫn để lại như cũ. Họ chỉ trình
cho phủ Giả biết tình hình mà thôi. Lúc bấy giờ người trong phủ Giả tuy ai cũng
biết. Nhưng vì Giả Chính mới có tang, vả lại trong bụng lo lắng không yên, nên
không ai dám đem việc không quan trọng ấy trình với ông ta. Chỉ có Tích
Xuân biết rõ việc này, thì ngày đêm áy náy. Việc Diệu Ngọc bị kẻ gian bắt cóc dần
dần đồn đến tai Bảo Ngọc. Có người nói: “Diệu Ngọc động lòng tình dục, bỏ đi
theo người.” Bảo Ngọc nghe tin rất là buồn bực nghĩ bụng: « Chắc cô ta bị bọn
cướp bắt đi. Con người ấy nhất định không chịu, thế nào cũng chết chứ không chịu
nhục? » Nhưng không thấy rõ kết quả ra sao, trong lòng anh ta rất là áy náy,
ngày nào cũng thở vắn than dài. Anh ta lại nói:
- Con người như thế, thường tự xưng là «Người ngoài cửa »,
sao mà kết cục lại như thế ?
Rồi anh ta lại nghĩ: « Trước kia trong vườn vui vẻ biết bao !
Từ khi chị Hai về nhà chồng tới nay, người thì chết, người thì đi lấy chồng,
mình tưởng Diệu Ngọc là người không vướng chút bụi trần, thế nào cũng giữ được
lâu dài. Ngờ đâu sóng gió bất thường, so với em Lâm chết càng kỳ quái ! Do
đó một nghĩ đến hai, hai nghĩ đến ba, anh ta nghĩ lại việc xưa rồi nhớ đến câu
nói của Trang tử cuộc đời hư vô mịt mùng. Người ta sinh ra ở đời khó lòng tránh
khỏi cảnh mây tan gió cuốn”. Bảo Ngọc nghĩ như thế, bất giác khóc to lên. Bọn Tập
Nhân cho là bệnh điên anh ta lại phát, nên tìm mọi cách ôn tồn khuyên giải. Ban
đầu Bảo Thoa không biết là duyên cớ vì đâu, cũng dùng lời khuyên răn. Khốn nỗi
Bảo Ngọc cứ uất ức không cởi mở ra được, nên tinh thần đâm ra hoảng hốt. Bảo
Thoa nghĩ không hiểu vì lý do gì sao dò la mãi, mới biết là vì Diệu Ngọc bị bọn
cướp bắt, không biết đi đâu. Bảo Thoa cũng thương cảm, nhưng thấy Bảo Ngọc buồn
phiền, phải dùng lời ngay lẽ thẳng khuyên giải. Chị ta nói:
- Cháu Lan từ khi đi đưa đám tang về. Tuy không đi học, nhưng
ngày đêm vẫn mải miết học hành. Nó là chắt đầu của bà. Bà xưa nay trông mong
cho cậu nên người. Cha ngày đêm lo lắng cho cậu. Thế mà cậu cứ ngây ngây, dại dại,
làm hư hỏng mình. Chúng tôi đây làm bạn với cậu sau này sẽ ra sao đây ?
Câu nói ấy làm cho Bảo Ngọc không biết trả lời ra sao. Hồi
lâu mới nói:
- Tôi có để ý gì đến việc người ta đâu. Tôi chỉ buồn vì vận
nhà mình suy sụp !
Bảo Thoa nói:
- Lại còn phải nói ! Cha và mẹ vốn muốn cho cậu nên người để
nối nghiệp ông cha. Thế mà cậu cứ mê man không tỉnh, thì làm thế nào ?
Bảo Ngọc nghe chừng nói không vừa ý mình, liền dựa lên bàn mà
ngủ. Bảo Thoa cứ để mặc, bảo bọn Xạ Nguyệt hầu, rồi đi vào đi ngủ.
Bảo Ngọc thấy lúc đó trong nhà vắng người, nghĩ bụng: “Từ khi
Tử Quyên đến đây, mình chưa hề cùng chị ta nói chuyện tâm tình. Bộ chị ta lạnh
nhạt như thế, mình rất lấy làm băn khoăn. Chị ta lại không phải như bọn Xạ Nguyệt,
Thu Văn mà mình có thể bảo ban gì cũng được. Nhớ lại năm nọ khi mình ốm, chị ta
ở với mình một độ lâu, có một cái gương nhỏ của chị ta hiện nay còn ở trong người
mình. Chị ta cũng không phải là người vô tình. Bây giờ không biết vì sao, chị
ta thấy mình cứ tỏ vẻ lạnh lùng, nhạt nhẽo. Nếu nói là vì vợ mình rất thân với
em Lâm, và xem ra đối với Tử Quyên cũng khá. Lúc mình đi vắng, Tứ Quyên với nó
cũng cười cũng nói không có chuyện gì; chỉ khi mình đến là Tử Quyên chạy đi nơi
khác. Chắc là Tử Quyên giận về chỗ em Lâm mới chết, mình đã cưới vợ. Chao ôi !
Tử Quyên ! Tử Quyên ! Chị là người con gái thông minh như thế, mà không nghĩ
cho nỗi khổ tâm của tôi. Rồi anh ta lại nghĩ - Đêm nay người thì ngủ, người thì
làm việc, chi bằng nhân dịp này mình đi tìm Tử Quyên, xem chị ta có nói gì
không. Nếu mình còn có điều gì không phải thì cứ xin lỗi chị ta cũng được.”
Bảo Ngọc nghĩ thế rồi bước nhẹ ra cửa phòng, đi tìm Tử Quyên.
Phần Tử Quyên ở gian trong nhà phía tây. Bảo Ngọc nhè nhẹ đi đến dưới cửa sổ,
thấy bên trong còn có bóng đèn, liền dùng lưỡi liếm cho rách giấy cửa sổ nhìn
vào trong, thấy Tử
Quyên một mình khêu đèn ngồi ngơ ngẩn, chẳng làm gì cả.
Bảo Ngọc bèn gọi nhỏ:
- Chị Tử Quyên ơi ! Chị chưa ngủ à ?
Tử Quyên nghe gọi, giật nẩy mình, ngơ ngác một hồi lâu, rồi mới
hỏi:
- Ai đấy ?
- Tôi đây.
Tử Quyên nghe giống như tiếng Bảo Ngọc, liền hỏi:
- Cậu Bảo đấy à ?
Bảo Ngọc ở ngoài ừ một tiếng nhỏ. Tử Quyên hỏi:
- Cậu đến có việc gì ?
- Chị yên tâm, tôi muốn nói chuyện với chị. Chị mở cửa ra,
tôi vào phòng chị ngồi một chút.
Tử Quyên im lặng một chốc, rồi nói:
- Trời khuya rồi, mời cậu về đi, có chuyện gì ngày mai hãy
nói. Bảo Ngọc nghe nói, lạnh ngắt nửa con người, muốn vào thì sợ Tử Quyên chưa
chắc đã chịu mở cửa, muốn trở về thì mối tình thầm kín trong lòng càng bị lời
nói của Tử Quyên khêu gợi. Bất đắc dĩ, anh ta phải nói:
- Tôi cũng chẳng nói gì nhiều, chỉ hỏi chị một câu.
- Đã là một câu thì xin cứ nói ngay đi.
Bảo Ngọc đứng hồi lâu không nói gì cả..
Tử Quyên ở trong nhà, không nghe Bảo Ngọc nói, biết anh ta vốn
có bệnh ngây, sợ trách móc nặng lời sẽ gợi bệnh của anh ta lên, thì lại không
hay, liền đứng dậy lắng nghe một lát rồi lại hỏi:
- Cậu đi rồi hay còn đứng ngây người ra đấy? Có chuyện gì
không nói đi, cứ đứng ì ra đó mà trêu tức người ta? Đã trêu chết một người rồi,
không lẽ lại định trêu chết một người nữa hay sao? Tội tình gì mà như thế?
Nói xong, chị ta cũng ghé vào lỗ giấy Bảo Ngọc liếm rách mà
trông ra ngoài. Thấy Bảo Ngọc vẫn ngơ ngác đứng nghe ở đấy. Tử Quyên không tiện
nói thêm nữa, quay lại cắt hoa đèn.
Bỗng nghe Bảo Ngọc thở dài một tiếng và nói:
- Chị Tử Quyên ơi! Xưa nay chị vốn không phải là người ruột
gan sắt đá như thế, sao mà gần đây chẳng hề nói một câu tử tế nào? Tôi cố
nhiên là đồ dơ-đục, không đáng cho các chị nhìn tới, nhưng nếu tôi có điều gì
không phải, mong chị cứ nói rõ ra, thì dẫu suốt đời chị không nhìn tôi, tôi chết
đi cũng thỏa lòng?
Tử Quyên nghe xong, cười nhạt và nói:
- Cậu Hai chỉ có câu chuyện ấy thôi à? Hay còn có gì nữa? Nếu
chỉ có câu chuyện ấy, thì lúc cô tôi còn sống. Tôi nghe đã nhàm tai rồi; nếu
chúng tôi có chỗ nào sai lầm thì tôi là người bà lớn sai đến, cậu Hai cứ trình
lại với bà lớn. Đằng nào chúng tôi cũng là bọn con hầu, có đáng kể gì?
Tử Quyên nói đến đó, giọng đã nghẹn ngào, vừa nói vừa sụt
sùi. Bảo Ngọc ở ngoài biết chị ta đau lòng mà khóc, liền hoảng lên dậm chân và
nói:
- Nói cái gì thế? Sự việc của tôi, chị ở đây đã mấy tháng trời,
còn có gì chưa biết rõ hay sao? Dầu người khác không chịu nói hộ với chị cho
tôi, không lẽ chị còn không để cho tôi nói, định bắt tôi chết đi à?
Nói xong, anh ta cũng khóc nức nở.
Bảo Ngọc đang đứng khóc ở đấy, bỗng nghe sau lưng có một người
nói tiếp:
- Cậu bảo ai nói hộ cho cậu? Mình mang lỗi với người ta thì
mình phải nài xin lấy chứ? Người ta có nể mặt hay không thì mặc người ta, tại
sao lại lôi cả bọn người vô can như chúng tôi vào đấy?
Câu nói ấy làm cho cả hai đều giật mình. Các bạn thử nghĩ người
đó là ai ? Đó là Xạ Nguyệt. Bảo Ngọc cảm thấy khó coi. Chợt nghe Xạ Nguyệt nói
tiếp:
- Rút cục lại làm sao thế? Một người xin lỗi. Một người cứ để
mặc. Cậu phải mau mau van xin đi chứ! Chà? Chị Tử Quyên nhà mình cũng độc ác
quá! Ngoài này trời lạnh như thế, người ta van xin mãi cũng không lay chuyển
gì cả!
Rồi chị ta lại nói với Bảo Ngọc:
- Vừa rồi mợ Hai nói trời khuya lắm rồi, tường là cậu đi đâu,
té ra cậu lại một mình đứng dưới thềm cái phòng này làm gì?
Tử Quyên ở trong nhà nói tiếp:
- Thế này là nghĩa lý gì? Mời cậu Hai đi về, có điều gì ngày
mai hãy nói. Tội tình gì thế?
Bảo Ngọc còn muốn nói nữa, nhưng thấy Xạ Nguyệt ở đấy, nói
không tiện, đành phải cùng Xạ Nguyệt đi về, và nói:
- Thôi! Thôi! Đời này kiếp này tôi cũng khó mà giải tỏ nỗi
lòng! Chỉ có trời già biết cho mà thôi!
Anh ta nói đến đó, chẳng biết nước mắt từ đâu tuôn ra như suối.
Xạ Nguyệt nói:
- Cậu Hai ạ, cậu nghe tôi khuyên mà dập tắt tấm lòng ấy đi
thôi. Cứ nhỏ nước mắt suông như thế, cũng đáng tiếc đấy.
Bảo Ngọc cũng không nói lại, đi vào trong nhà, thấy BảoThoa
đã ngủ rồi. Bảo Ngọc cũng biết là Bảo Thoa giả vờ ngủ. Chỉ có Tập Nhân nói một
câu:
- Có chuyện gì ngày mai cậu nói không được hay sao? Lại cứ
chạy đến đấy mà quấy rầy, sinh ra...
Chị ta thôi không nói nữa, dừng một lát, mới nói tiếp:
- Trong người cậu không thấy làm sao chứ?
Bảo Ngọc chỉ lắc đầu không nói gì. Tập Nhân liền dọn giúp cho
Bảo Ngọc nằm xuống. Suốt đêm anh ta không ngủ, điều đó không cần phải nói.
Tử Quyên bị Bảo Ngọc gợi chuyện ra, trong lòng lại càng khó
chịu, khóc suốt một đêm, nghĩ bụng: «Bảo Ngọc rõ ràng là vì ốm mê man, bị họ
bày mưu lập kế mà sinh việc ấy. Sau đó anh ta rõ chuyện, bệnh cũ lại phát, thường
thường nhớ nhung khóc lóc, không phải là hạng người quên tình phụ nghĩa. Hôm
nay anh ta tỏ rõ mối tình âu yếm như th, lại càng làm cho mình khó chịu. Chỉ
đáng thương cô Lâm nhà mình thật là kém phúc. Xem như thế thì duyên phận con
người đều đã định từ trước. Khi duyên phận chưa đến thì ai nấy đều ngây ngất mơ
tưởng, đến lúc khôn làm sao được thì người hồ đồ sẽ không nghĩ gì nữa, còn người
tình sâu nghĩa nặng rút cục cũng chỉ trông trăng đón gió, khóc lóc than phiền
mà thôi. Đáng thương người chết chưa chắc đã biết gì, mà người sống thật là đau
lòng xót ruột, không bao giờ nguôi. Kể ra thì con người không bằng cỏ, cây, hòn
đá, không hay biết gì, thế mà lại được rãnh rỗi.” Chị ta nghĩ đến đó, tấm lòng
chua xót, chốc lát trở nên nguội lạnh. Tử Quyên vừa định thu xếp đi ngủ, thì
nghe bên nhà phía đông có tiếng ồn ào.
Hồi 114:
Vương Hy Phượng trải qua cơn ảo nhớ lại Kim Lăng
Chân ứng Gia được đội ơn vua về chầu ngọc khuyết
Bảo Ngọc, Bảo Thoa nghe nói bệnh Phượng Thư nguy cấp vội vàng
ngồi dậy. A hoàn cầm đèn chờ sẵn. Đang định đi ra, thì thấy bên Vương phu nhân
sai người đến nói:
- Mợ hai Liễn nguy lắm rồi, nhưng chưa tắt thở. Mợ và cậu hãy
khoan sang. Bệnh mợ hai Liễn có phần kỳ quặc; từ canh ba đến canh tư, đòi hỏi
luôn miệng, đòi thuyền đòi kiệu, nói là để về Kim Lăng nhập vào cuốn sổ gì đấy.
Mọi người không hiểu. Mợ ta cứ kêu van khóc lóc. Cậu hai Liễn chẳng biết làm thế
nào, đành phải sai người đi bẻ thuyền và kiệu giấy. Thuyền và kiệu chưa về, mợ
ta cứ thở hổn hển chờ. Bà lớn sai chúng tôi đến đây, nói cậu mợ chờ mợ ấy tắt
thở rồi hãy sang.
Bảo Ngọc nói:
- Thế cũng lạ thật? Chị ấy đi Kim Lăng làm gì?
Tập Nhân nói khẽ:
- Không phải năm trước cậu đã thấy chiêm bao. Tôi còn nhớ cậu
nói có những mấy cuốn sổ à? Phải chăng là mợ hai Liễn đi đến chỗ ấy?
Bảo Ngọc nghe xong, gật đầu nói:
- Phải đấy ! Đáng tiếc tôi không nhớ những lời ghi trong mấy
cuốn sổ ấy nữa. Xem như thế thì người ta ai cũng có số cả. Nhưng không biết em
Lâm thì đi chỗ nào? Bây giờ nghe chị nói, tôi hơi hiểu rồi. Nếu lại được thấy
chiêm bao mấy lần nữa, thế nào tôi cũng xem cho kỹ, có lẽ chẳng phải bói cũng
đã biết trước.
Tập Nhân nói:
- Cậu lẩn thẩn thế tôi không thể nói chuyện được. Tôi ngẫu
nhiên nhắc đến một câu, mà cậu đã cho là thật? Cậu có biết trước thì liệu còn
cách gì nữa.
Bảo Ngọc nói:
- Chỉ sợ không biết trước thôi, nếu biết trước thì tôi cũng
không cần gì lo lắng hão cho các người!
Hai người đang nói chuyện, thì Bảo Thoa chạy đến hỏi:
- Hai người nói gì đấy?
Bảo Ngọc sợ chị ta tra hỏi, liền trả lời:
- Đang bàn chuyện chị Phượng.
- Người ta sắp chết rồi. Các người cứ bàn chuyện chị ấy làm
gì. Năm trước cậu cứ nói tôi nguyền rủa chị ấy, chứ quẻ thẻ thần phải ứng nghiệm
đấy à?
Bảo Ngọc nghĩ một lát, rồi vỗ tay và nói:
- Phải đấy? Xem như thế thì mợ có thể biết trước được. Tôi hỏi
mợ có biết tương lai của tôi sẽ như thế nào không?
Bảo Thoa cười và nói:
- Lại nói nhảm rồi, tôi chẳng qua cứ lời trên quẻ thẻ chị ấy
xin mà nói bừa ra đấy thôi, thế mà cậu lại cho là thật. Cậu thật giống như chị
Hai nhà tôi. Lúc cậu mất ngọc, chị ta đi nhờ Diệu Ngọc cầu tiên, tiên viết chữ
ra, mọi người không hiểu. Khi vắng người, chị ta còn nói với tôi. Diệu
Ngọc biết trước như thế nào, tham thiền ngộ đạo như thế nào, bây giờ chính Diệu
Ngọc mắc nạn lớn, mà bản thân cô ấy lại không biết? Thế lại cho là biết trước
à? Ngay cả tôi ngẫu nhiên nói đúng việc của mợ Hai, thực ra thì làm sao biết số
chị ấy như thế nào? Ngay cả số tôi, tôi cũng chẳng biết nữa là. Những việc như
thế, vốn là chuyện hoang đường, tin làm sao được?
Bảo Ngọc nói:
- Đừng nhắc chuyện chị ấy nữa, mợ chỉ nói chuyện em anh thôi.
Từ khi nhà ta luôn luôn có việc, lãng quên việc của cô ta. Một việc lớn như thế.
Sao bên nhà lại làm qua loa xong chuyện ? Cũng không mời mọc bà con chúng bạn
gì cả.
Bảo Thoa nói:
- Cậu nói như thế lại viễn vông rồi. Bà con nhà chúng tôi, chỉ
có nhà mình đây và nhà họ Vương là gần gũi. Nhà họ Vương hiện chẳng có ai là
người đứng đắn, còn nhà mình thì mắc việc tang bà, nên cũng không mời; chỉ có
anh Liễn là còn lo liệu việc này việc khác. Bà con nơi khác cũng có một vài
nhà. Cậu không sang làm sao mà biết. Kể ra số phận chị Hai nhà tôi cũng chẳng
khác tôi mấy, từ khi hứa gả cho anh Hai tôi, mẹ tôi vốn định cưới cho anh ấy thật
đường hoàng. Nhưng một là vì anh Cả tôi đang bị giam, anh Hai cũng không chịu
làm to; hai là vì việc nhà mình đây; ba là vì chị Hai ở bên nhà bà Cả khổ quá,
lại bị khám xét, bà Cả hết sức cay nghiệt, chị ấy không thể chịu nổi. Vì thế
tôi nói với mẹ tôi chịu làm qua loa bôi bác mà cưới về cho xong. Tôi xem chị
Hai tôi giờ đây thật là yên tâm vui vẻ, hiếu kính mẹ tôi, so với dâu thật còn
hơn gấp mười, đối đãi với anh Hai cũng giữ hết đạo làm vợ. Lại rất thân mật với
chị Hương Lăng. Khi anh Hai tôi đi vắng, hai người ăn ở vui vẻ hòa thuận, tuy
trong nhà có phần túng thiếu, nhưng gần đây mẹ tôi có phần ung dung hơn trước.
Chỉ khi nào nghĩ đến anh Cả tôi là mẹ tôi không khỏi đau lòng. Anh Cả tôi cũng
thường sai người về nhà lấy tiền tiêu, may nhờ anh Hai tính toán công nợ ở
ngoài, lo tiền gởi cho. Tôi nghe nói có mấy ngôi nhà trong thành đã cầm đi rồi,
còn lại một ngôi, bây giờ đang định dọn đến đấy ở.
Bảo Ngọc nói:
- Tại sao lại định dọn đi? Ở chỗ này mợ qua lại cũng tiện, nếu
dọn đi xa, mợ muốn đến phải mất một ngày.
Bảo Thoa nói:
- Tuy nói là bà con, nhưng ai ở nhà nấy thì vẫn tiện hơn, lẽ
nào lại ở nhà bà con suốt đời ?
Bảo Ngọc còn định nói tại sao không nên dọn đi, thì thấy
Vương phu nhân cho người đến nói:
- Mợ hai Liễn đã mất. Tất cả mọi người đều qua bên ấy rồi. Mời
cậu Hai và mợ Hai sang ngay.
Bảo Ngọc nghe nói, không nín được nữa, dẫm chân định khóc. Bảo
Thoa cũng thương xót, lại sợ Bảo Ngọc thương tâm, liền nói:
- Đừng khóc ở đây, sang bên ấy mà khóc luôn thể.
Rồi hai người đi một mạch đến nhà Phượng Thư, thì thấy có nhiều
người đang đứng vây quanh mà khóc. Bảo Thoa tới nơi, thấy Phượng Thư chết rồi,
đã đặt nằm trên giường, liền oà khóc to. Bảo Ngọc cũng nắm lấy tay Giả Liễn,
khóc lóc thảm thiết. Giả Liễn lại khóc lóc lúc lâu. Bọn Bình Nhi thấy không có
ai khuyên giải, đành phải cố nhịn đau thương mà tới khuyên. Mọi người đều
thương khóc mãi.
Giả Liễn cuống quít sai người gọi Lại Đại đến, bảo ông ta lo
liệu việc tang, còn mình thì thưa lại đầu đuôi với Giả Chính, rồi đi lo liệu
công việc. Nhưng vì trong nhà thiếu thốn, nên việc gì cũng chật vật. Nhớ lại
ngày thường Phượng Thư ăn ở quí hóa, hắn càng không sao cầm được nước mắt. Lại
thấy Xảo Thư khóc lóc, chết đi sống lại, càng thêm thương tâm. Hắn khóc cho đến
sáng, rồi sai người đi mời cậu cả là Vương Nhân đến.
Sau khi Vương Tử Đằng chết. Vương Tử Thắng lại là người bất
tài. Vương Thân tha hồ càn dở làm cho bà con nội ngoại xích mích lẫn nhau. Nay
nghe em gái chết, hắn ta đành phải chạy đến, khóc lóc một hồi. Thấy ở đấy mọi
việc đều bôi bác qua loa, trong bụng hắn ta không bằng lòng, nói:
- Em gái tôi ở nhà các người khó nhọc vất vả trông coi việc cửa
việc nhà mấy năm nay, chẳng có điều gì sai lầm. Nhà các người cần phải tống
táng cho ra trò mới phải. Tại sao đến giờ mà mọi việc vẫn chưa đầy đủ ?
Giả Liễn vốn không bằng lòng với Vương Nhân, thấy hắn nói những
câu nhảm nhí. Biết hắn chẳng hiểu gì, nên cũng không để ý. Vương Nhân liền gọi
cháu ngoại là Xảo Thư lại, và nói:
- Lúc mẹ cháu còn sống, ăn ở không chu đáo, chỉ biết một mực
chiều chuộng bà mà khinh thường bọn chúng ta. Cháu này ! Cháu đã lớn rồi. Cháu
thấy cậu xưa nay có nhờ vả gì nhà cháu không ? Bây giờ mẹ cháu chết rồi. Mọi việc
cháu phải nghe lời cậu. Bà con bên ngoại nhà cháu chỉ có cậu đây và cậu Hai của
cháu thôi. Cha cháu người như thế nào, cậu cũng biết cả. Anh ta chỉ có kính trọng
người khác thôi. Năm nọ dì Vưu nào đó chết đi, cậu tuy không ở Kinh nhưng nghe
nói cha cháu mất khá nhiều tiền. Nay mẹ cháu chết, cha cháu lại lo liệu qua loa
như thế. Cháu cũng không biết khuyên cha cháu à ?
Xảo Thư nói:
- Cha cháu cũng muốn lo liệu cho chu đáo. Nhưng bây giờ không
bì với trước được. Hiện giờ trong tay không có tiền, mọi việc đều phải dè sẻn
ít nhiều.
- Đồ đạc của nhà cháu còn ít à ?
- Năm trước bị tịch thu hết, còn đâu nữa ?
- Cháu cũng nói như thế à ? Cậu nghe nói cụ bà lại cho một số
đồ vật, cháu nên đưa ra mới phải.
Xảo Thư nói cha mình đã dùng đi rồi thì không tiện, nên chỉ
chối là không biết. Vương Nhân liền nói:
- Chà ? Tao biết rồi, chẳng qua mày muốn để dành sau này làm
đồ hồi môn đấy thôi.
Xảo Thư nghe nói, không dám trả lời. Tức quá nghẹn ngào khóc
lên. Bình Nhi giận quá nói:
- Cậu có điều gì thì chờ cậu Hai chúng tôi vào hãy nói. Cô mới
chừng ấy tuổi. đã hiểu cái gì ?
Vương Nhân nói:
- Bọn các người thì chỉ trông chờ cho mợ Hai chết đi, để dễ
làm vương làm tướng ! Tôi có đòi gì đâu. Lo liệu cho chu đáo là thể diện của
các người đấy thôi. Nói xong, hắn hầm hầm ngồi xuống.
Xảo Thư trong bụng rất bực bội, nghĩ thầm: “Cha mình không phải
người phụ bạc. Khi mẹ mình đang còn, cậu lấy không biết bao nhiêu là đồ vật, thế
mà bây giờ lại chối trơn đi như thế.” Vì thế, cô ta không trọng cậu lắm. Ngờ
đâu Vương Nhân trong bụng suy nghĩ, em gái mình dành dụm không biết bao nhiêu,
tuy nhà bị khám xét, nhưng tiền bạc có phải ít đâu. Chắc là sợ mình đến vòi
vĩnh nên bày trò nói như thế. Con bé kia cũng không giúp mình được gì. Từ đó
Vương Nhân cũng ghét cả Xảo Thư. Giả Liễn chẳng hề biết gì, chỉ loay hoay kiếm
tiền để tiêu. Mọi việc ở ngoài, bảo Lại Đại lo liệu; bên trong cũng cần tiêu
khá nhiều tiền, không thể một lúc kiếm đâu ra được. Bình Nhi biết hắn hoảng hốt
liền can:
- Cậu Hai cũng không nên hủy hoại đến thân thể lắm?
- Còn thân với thể gì! Hiện giờ tiền tiêu hàng ngày không
còn nữa, việc này biết lo liệu làm sao? Thế mà lại có hạng người lẩn thẩn cứ ở
đây quấy rầy. Chị cứ nghĩ xem còn cách gì nữa?
- Cậu cũng đừng hoảng lên, nếu không có tiền tiêu thì tôi còn
ít nhiều đồ vật. May mà năm trước không bị tịch thu, cậu cần thì đem cầm đi mà
tiêu.
Giả Liễn nghe nói, nghĩ bụng, thế thật may quá, liền cười và
nói:
- Thế thì càng tốt, đỡ cho tôi khỏi phải chạy vay nơi này nơi
khá. Chờ khi nào tôi kiếm được tiền sẽ trả lại cho chị.
- Của tôi cũng là của mợ cho, trả với vay gì ! Cốt làm sao lo
liệu việc này cho dễ coi một chút là được.
Giả Liễn rất là cảm kích, liền đem đồ vật của chị ta cầm đi
mà tiêu. Mọi việc cùng bàn hạc với chị ta mà làm ! Thu Đồng thấy vậy, trong bụng
khó chịu, thường nói ra miệng:
- Mợ Hai chết rồi. Con Bình muốn leo lên đấy ? Tôi là người của
ông lớn. Sao nó lại vượt cả tôi ?
Bình Nhi cũng biết ý, nhưng cứ để mặc. Giả Liễn lúc đó biết
rõ, nên càng ghét Thu Đồng, gặp việc gì buồn bực thì đem Thu Đồng ra hành hạ.
Hình phu nhân biết thế, lại bảo Giả Liễn không tốt. Giả Liễn đành phải chịu nhịn.
Linh cữu của Phượng Thư để hắn mười ngày rồi mới đưa đi. Giả
Chính chịu tang mẹ, nên chỉ ở thư phòng bên ngoài. Lúc bấy giờ bọn môn khách đều
dần dần từ biệt đi nơi khác, chỉ có Trình Nhật Hưng còn ở đấy, thường ngồi tiếp
chuyện. Giả Chính nói:
- Vận nhà không may. Chết luôn mấy người, ông Cả và anh Trân
lại còn ở ngoài. Cảnh nhà càng ngày càng gặp khó khăn. Ruộng đất ở ngoài trại
Đông cũng chẳng biết ra làm sao. Thật là gay ?
Trình Nhật Hưng nói:
- Tôi ở đây đã mấy năm, cũng biết người nhà ở phủ đây không
ai là không tư túi. Năm nào họ cũng bòn của về nhà thì cố nhiên ở phủ đây càng
ngày càng thiếu hụt. Lại thêm phải chi tiêu cho bên ông Cả và ông Trân nữa. Bên
ngoài, còn có ít nhiều nợ, vừa rồi lại mất trộm một ít, trông mong các nha môn
truy lùng đám cướp để lấy lại của, là việc rất khó. Ông lớn nếu muốn cho việc
nhà ổn định, chỉ có cách gọi hết những người coi việc nhà đến, sai một người
tâm phúc tra xét rõ ràng các nơi; ai nên cho về thì cho về, ai nên ở lại thì ở
lại; chỗ nào bị thiếu hụt mất mát, thì bắt những người đã làm trước phải bồi
thường. Như thế mới được rõ ràng. Cái vườn lớn kia, không ai dám tấu, nhưng
trong đó có nhiều món lợi, thế mà lại không cắt người coi sóc. Mấy năm trước
đây khi ông lớn đi vắng, bọn họ bịa đặt ra ma quỷ làm cho không ai dám vào vườn.
Đó đều do bọn người nhà gây chuyện. Lúc này nên tra xét lại bọn tôi tớ, tốt thì
dùng, không tốt thì đuổi đi. Thế mới là hợp lý.
Giả Chính gật đầu nói:
- Tiên sinh cũng chưa biết hết ! Chẳng cần nói người nhà,
ngay cả cháu mình, cũng không thể tin cậy được ! Nếu bảo tôi tra xét lấy thì
làm thế nào mà việc gì cũng tai nghe mắt thấy được hết ? Vả lại tôi lại đang có
tang, không có thể trông nom được những việc ấy. Tôi xưa nay lại không hay
xem xét việc nhà. Cái gì có, cái gì không, tôi cũng không hề biết đến.
- Ông lớn là người nhân đức, nếu như ở nhà khác mà gặp tình cảnh
thế này, dầu cho có túng thiếu đi nữa, năm năm mười năm cũng còn không sợ. Chỉ
bắt bọn quản gia mà lấy cũng đủ. Tôi nghe nói người nhà của ông còn có người
làm tri huyện kia mà.
- Tiêu tiền của bọn người nhà thì còn ra gì nữa. Chỉ có cách
tự mình biết tiết kiệm ít nhiều là hơn. Những sản nghiệp trong sổ sách, nếu mà
có thật thì còn khá, chỉ sợ có danh mà không có thực thôi.
- Ông lớn nói rất đúng. Nhưng ông lớn có hiểu vì sao vãn sinh
nầy lại nói ông cần phải xem xét không ?
- Chắc là tiên sinh có nghe được việc gì chăng ?
- Tôi có biết ít nhiều về mánh khóe của những người coi việc ở
đây nhưng cũng không dám nói ra.
Giả Chính nghe nói, biết ngay là trong lời nói ấy thế nào
cũng có duyên cớ, liền than thở:
- Nhà chúng tôi từ cha ông tới nay, đều là nhân hậu, chưa hề
đối đãi khắc bạc với người dưới. Tôi xem giờ đây bọn người ấy mỗi ngày mỗi khác
! Đến ngay tôi mà chúng vẫn lên mặt chủ nhà, thực làm cho người ta chê cười !
Hai người đang nói chuyện thì người canh cửa vào thưa:
- Cụ Chân ở Giang Nam đã đến.
Giả Chính hỏi:
- Cụ Chân đến kinh làm gì ?
- Con đã hỏi rồi. Nghe nói là nhờ ơn Hoàng thượng cho phục chức.
- Không cần nói nữa. Mày ra mời vào mau.
Người kia đi ra, mời vào ông Chân tức là cha Chân Báo Ngọc,
tên là Chân Ứng
Gia, tức là Hữu Trung, cũng người Kim Lăng, và là con cháu
nhà công thần. Ông ta vốn có bà con với phủ Giả. Xưa nay vẫn thường đi lại. Năm
trước vì phạm lỗi, bị cách chức, bị tịch thu gia sản. Nay gặp lúc hoàng thượng
tưởng nhớ đến công thần, trả lại chức thế tập và gọi vào kinh bệ kiến. Ông ta
biết Giả mẫu vừa mất, liền sắm sửa lễ vật, chọn ngày đến chỗ để linh cữu để viếng,
vì thế đến nhà hỏi thăm trước.
Giả Chính có tang, không thể ra đón xa, chỉ đứng bên ngoài cửa
thư phòng. Chân Ứng Gia vào gặp, vừa buồn vừa vui. Vì trong lúc có tang, Giả
Chính không tiện hành lễ, nên hai người cầm tay nhau nói mấy câu chuyện xa cách
tưởng nhớ, rồi đôi bên khách chủ cùng ngồi. Dâng trà xong, hai bên lại nói về
chuyện sau khi xa cách. Giả Chính hỏi:
- Ông vào bệ kiến bao giờ ?
- Hôm trước.
- Chúa thượng đã có ơn hậu, chắc là có chỉ dụ khoan hồng.
- Ơn chúa thượng thật là cao hơn trời, có ban khá nhiều chỉ
ý.
- Có chỉ ý gì hay ?
- Gần đây bọn giặc ở đất Việt lăng loàn. Một dãy ven biển,
nhân dân không yên. Chúa thượng đã sai An Quốc công đi đánh dẹp. Biết tôi quen
thuộc nơi này, nên chúa thượng sai tôi qua đó vỗ yên dân chúng. Nhưng phải lên
đường ngay. Hôm qua nghe nói cụ bà quy tiên, tôi kính cẩn sắm nén hương đến trước
linh vị người cúng viếng, đặng tỏ chút lòng thành.
Giả Chính vội vàng khấu đầu bái tạ, và nói:
- Ông đi lần này, chắc là trên thỏa lòng thánh thượng, dưới
yên ổn nhân dân. Công lao rất lớn chính là ở chuyến đi này. Mắt tôi không được
nhìn thấy tài cao. Xin chờ nghe tin báo tiệp. Quan trấn hải thống chế hiện nay
là thông gia nhà tôi. Thế nào
cũng nhờ ông để ý giúp đỡ.
- Ông với quan thống chế bà con thế nào ?
- Năm trước, lúc tôi nhậm chức lương đạo tỉnh Giang Tây, có gả
con gái cho quan thống chế. Chúng kết hôn đã ba năm rồi. Vì công việc miền biển
chưa xong, sau đó bọn giặc biển lại nhóm họp làm loạn. cho nên tin tức không
thông. Tôi rất nhớ cháu. Chờ khi nào việc vỗ yên dân chúng xong. Xin ông tiện dịp
qua thăm cháu một chút. Tôi xin viết vài chữ nhờ người nhà của ông đưa đi luôn
thể. Tôi rất lấy làm cảm kích !
- Ai lại không thương cảm. Tôi cũng đang có việc muốn nhờ
ông. Vừa rồi đội ơn thánh thượng triệu vào kinh, vì cháu còn trẻ tuổi, trong
nhà lại thiếu người, nên phải đem cả gia quyến cùng vào kinh. Tôi vì lệnh trên
gấp rút, nên phải đi luôn cả đêm ngày để đến trước. Gia quyến còn đi chậm lại
sau. Ít hôm nữa mới tới kinh. Tôi vâng chỉ ra đi, không dám ở lại lâu. Sau này
gia quyến của tôi tới kinh, thế nào cũng đến tôn phủ đây. Và chắc sẽ bảo cháu tới
hầu. Nếu cháu có thể dạy bảo được thì gặp nơi nào có thể kết hôn, xin ông lưu ý
cho, tôi rất lấy làm cảm kích.
Giả Chính đều vâng lời.
Chân Ứng Gia lại nói mấy câu chuyện nữa rồi định đứng dậy ra
về, và nói:
- Ngày mai tôi sẽ xin gặp lại ở ngoài thành.
Giả Chính thấy ông ta công việc vội vàng, liệu chừng không thể
ngồi lâu được nữa, đành phải tiễn khỏi thư phòng. Giả Liễn và Bảo Ngọc đã chờ sẵn
ở đấy để tiễn thay. Nhưng vì Giả Chính không gọi, nên chưa dám vào. Khi Chân Ứng
Gia đi ra, hai người tới hỏi thăm sức khỏe. Ứng Gia chợt thấy Bảo Ngọc, hết sức
sửng sốt, nghĩ bụng: “Anh này tại sao lại giống hệt Bảo Ngọc nhà mình, chỉ có
khác là mặt đồ trắng thôi.” Ông ta liền hỏi:
- Bà con thân thiết, lâu ngày không gặp nhau. Các cậu đây tôi
đều không nhận ra ai được nữa cả.
Giả Chính vội vàng chỉ Giả Liễn mà nói:
- Đây là cháu Hai Liễn. Con anh Xá nhà tôi.
Lại chỉ Bảo Ngọc mà nói:
- Đây là cháu thứ hai của tôi, tên gọi là Bảo Ngọc.
Ứng Gia vỗ tay và nói:
- Lạ thật ! Lúc tôi ở nhà nghe nói ông có cậu con quý. Khi đẻ
ngậm hòn ngọc, tên là Bảo Ngọc. Vì là trùng tên với thằng cháu nhà tôi, nên
trong bụng tôi rất lấy làm lạ. Sau nghĩ việc ấy cũng thường, nên không để ý.
Không ngờ hôm nay gặp mặt, chẳng những diện mạo giống nhau, mà bộ điệu đi đứng
cũng hệt nhau, thì càng lạ quá !
Ứng Gia lại hỏi tuổi Bảo Ngọc, và nói:
- Cháu nhà tôi kém cậu em đây một tuổi.
Giả Chính lại nhắc đến chuyện năm trước bên quý phủ tiến cử
Bao Dũng, và đã hỏi đến việc cậu em bên nhà cùng thằng cháu đây trùng tên. Ứng
Gia vì để ý vào Bảo Ngọc, nên cũng không kịp hỏi Bao Dũng hay dở như thế nào, cứ
nói luôn miệng: - Thật là lạ lùng ! Rồi ông ta cầm tay Bảo Ngọc, ngỏ ý ân cần.
Nhưng lại sợ An Quốc công khởi hành rất gấp, cần phải sắm sửa để đi xa, nên
đành miễn cưỡng chia tay. Giả Liễn và Bảo Ngọc tiễn chân. Dọc đường, ông ta lại
hỏi Bảo Ngọc mấy câu rồi sau đó mới lên xe mà đi. Giả Liễn và Bảo Ngọc trở vào
gặp Giả Chính thuật lại những chuyện Ứng Gia vừa hỏi. Giả Chính bảo hai người về
nhà.
Giả Liễn lại xoay xở để cho xong số tiền tiêu về đám tang Phượng
Thư.
Bảo Ngọc về phòng mình, nói chuyện với Bảo Thoa:
- Anh Chân Bảo Ngọc mà ta thường nhắc đến, tôi cứ nghĩ là
không thể gặp được. Hôm nay lại gặp bố anh ta rồi. Nghe ông ta nói ít ngày nữa
Chân Bảo Ngọc cũng lên kinh, và sẽ đến chào cha. Ông ta cũng nói Chân Bảo Ngọc
giống hệt tôi, tôi vẫn không tin. Nếu hôm sau anh ta đến nhà mình, các chị đến
xem có thật giống tôi không?
Bảo Thoa nói:
- Ái chà! Cậu nói rõ vớ vẩn! Người con trai nào giống mình
cậu cũng bàn tán, lại bảo chúng tôi ù lì xem mặt nữa kia!
Bảo Ngọc nghe nói, biết mình lỡ lời, đỏ mặt, định tìm lời
phân giải.
Hồi 115:
Tri lời thiên lệnh, Tích Xuân thề vẫn giữ chí xưa
Tên người dù giống nhau, Bảo Ngọc không coi là tri kỷ
Bảo Ngọc biết mình lỡ lời, bị Bảo Thoa bẻ lại, đang tìm cách
lấp liếm. Bỗng thấy Thu Vân đến thưa:
Bảo Ngọc vội vã đi ngay đến chỗ Giả Chính. Giả Chính nói:
- Ta gọi mầy không có việc gì khác là hiện mầy đang có tang,
không thể đến trường học, vậy ở nhà mầy phải cố chăm lo ôn lại bài vở. Nhân dịp
này ta rỗi rãi, cứ vài ba ngày, mầy làm vài bài văn đưa tới, ta xem mầy học
hành có tấn tới không.
Bảo Ngọc đành phải vâng lời. Giả Chính lại nói:
- Tao cũng bảo em Hoàn và cháu Lan phải ôn tập bài vở. Nếu
bài vở của mầy mà kém chúng nó thì thật không ra thể thống gì.
Bảo Ngọc không dám nói, chỉ dạ một tiếng, đứng yên.
Giả Chính bảo:
- Thôi, cho về.
Bảo Ngọc lui ra, vừa gặp bọn Lại Đại đem sổ đến trình. Bảo Ngọc
chạy một mạch về phòng, Bảo Thoa hỏi lại, biết rõ là Giả Chính bắt anh ta làm
bài, trong lòng cũng mừng. Riêng Bảo Ngọc không thích nhưng cũng không dám lười
biếng. Đang định ngồi một lúc để cho tâm hồn thư thái, bỗng thấy hai ni cô ở am
Địa Tạng đến. Trông thấy Bảo Thoa, hai ni cô liền nói:
- Xin đến chào mợ Hai.
Bảo Thoa ra vẻ thờ ơ nói:
- Hai cô vẫn mạnh khỏe chứ?
Rồi gọi người hầu pha trà cho các sư phụ uống, Bảo Ngọc cũng
muốn bắt chuyện với các ni cô, nhưng thấy Bảo Thoa có vẻ chán ngấy bọn họ nên
cũng không tiện xen vào. Các ni cô thấy Bảo Thoa ra chiều lạnh nhạt, cũng không
ngồi lâu, cáo từ xin về.
Bảo Thoa nói:
- Ngồi chơi lúc nữa.
- Chúng tôi bấy lâu bận việc công đức ở chùa Thiết Hạm nên
không đến thăm các bà và các mợ được. Hôm nay đến hầu bà và mợ rồi phải đến
thăm cô Tư nữa.
Bảo Thoa gật đầu, để họ đi. Đến phòng Tích Xuân, các ni cô
trông thấy Thái Bình liền hỏi:
- Cô ở đâu?
- Đừng nhắc đến nữa. Cô tôi mấy hôm nay chẳng thiết ăn uống
gì cả, chỉ nằm một chỗ.
- Sao thế?
- Nói ra thì dài lắm. Các cô vào thăm, có lẽ cô tôi sẽ nói
chuyện đấy.
Tích Xuân nghe tiếng, vội ngồi dậy hỏi:
- Hai cô vẫn khỏe mạnh đấy chứ? Gần đây thấy nhà chúng tôi
sa sút, chắc các cô không đến nữa?
- A di đà phật? Dù có cho hay không thì cũng vẫn là thí chủ.
Đó là không nói chúng tôi tu ở trong am nhà ta, chịu nhiều ơn huệ của cụ. Nay
nhân việc tang của cụ, chúng tôi đã gặp đủ các bà và các mợ, chỉ còn thiếu cô
thôi, nên nhớ cô, hôm nay chúng tôi cốt đến thăm cô đấy.
Tích Xuân nhân tiện hỏi thăm các cô tu trong am Thủy Nguyệt.
Các ni cô nói:
- Trong am có xảy ra chút việc không hay, nên lâu nay không
cho người ngoài ra vào.
Đoạn họ lại hỏi Tích Xuân:
- Hôm trước nghe nói sư phụ Diệu Ngọc ở am Lũng Thúy đã đi
theo người ta phải không?
- Câu nói ấy ở đâu ra thế? Ai nói coi chừng sẽ bị cắt lưỡi đấy? Người ta bị kẻ cướp bắt đi, sao lại nói bậy như vậy?
- Sư phụ Diệu Ngọc là người kỳ quặc, chúng tôi sợ cô ta bày đặt
ra thôi. Trước mặt cô, nói ra thì không tiện, chứ cô ta có phải như bọn quê mùa
chúng tôi đâu. Chúng tôi chỉ biết tụng kinh niệm Phật, sám hối cho người khác,
và cũng tu lấy thiện quả cho mình.
- Như thế nào là thiện quả?
- Những người ăn ở phúc đức như nhà ta đây thì không kể, còn
các nhà khác thì dù là mệnh phụ, tiểu thư cũng khó lòng giữ trọn vinh hoa suốt
đời. Đến lúc gặp tai nạn, sẽ không tài nào cứu vớt được. Chỉ có đức Phật Quan
âm đại từ đại bi thấy người khổ nạn mới rủ lòng từ bi ớm phương cứu giúp. Vì thế
xưa nay người ta vẫn gọi bà là đức Phật Quan âm đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn.
Chúng tôi là người tu hành, so với các bậc phu nhân, tiểu thư thì chịu khổ nhiều
hơn, nhưng lại ít gặp tai nạn. Dù không được thành Phật thành tiên, nhưng cũng
cố tu để kiếp sau họa may làm con trai. Như thế đã là phúc rồi, không đến nỗi
như cái kiếp con gái bây giờ, bao nhiêu nỗi uất ức lo buồn, đều không thể nói
ra được. Thưa cô, cô còn chưa biết hay sao? Dù là bậc tiểu thư đi nữa, nhưng
đã lấy chồng thì suốt đời chỉ biết theo người ta mà thôi. Nhưng đã tu thì phải
tu cho đứng đắn. Sư phụ Diệu Ngọc cứ cho mình tài giỏi hơn chúng tôi, cứ chê bọn
chúng tôi là tục. Biết đâu có tục mới có “duyên lành”. Còn mình, rốt cuộc lại gặp
phải điều khổ lớn!
Tích Xuân nghe các sư cô nói rất hợp với ý của mình, nên cũng
không ngại có bọn a hoàn ở đó, kể chuyện Vưu thị đối xử với mình thế nào. Hôm
trước mình ở lại coi nhà trong lúc đám tang như thế nào, đoạn chỉ món tóc trên
đầu, nói:
- Các cô xem tôi còn luyến tiếc cái hố lửa này không? Tôi rắp
tâm từ lâu, chỉ vì chưa biết tìm ra con đường nào đó thôi.
Các ni cô nghe vậy, giả bộ làm kinh hoảng:
- Cô đừng nói thế chứ! Mợ Cả Trân mà nghe thấy thì nhất định
mắng chúng tôi chết mất và sẽ đuổi chúng tôi ra khỏi am đấy. Cô là người phẩm
cách như thế, gia đình như thế, ngày sau lấy chồng sẽ suất đời hưởng vinh hoa
phú quý...
Tích Xuân không đợi họ nói hết lời, mặt đỏ lên, bảo:
- Chị cả Trân đuổi được các cô. Tôi lại không đuổi được các
cô hay sao?
Các ni cô biết Tích Xuân một lòng muốn đi tu, liền tìm lời
nói khích:
- Chúng tôi lỡ lời, xin cô đừng chấp. Các bà và các mợ đời
nào lại chiều theo ý muốn của cô? Lại xảy ra chuyện lôi thôi thì thật không ra
làm sao. Chúng tôi nói vậy cũng là vì cô đấy.
Tích Xuân nói:
- Việc này chờ xem sao đã.
Thấy câu chuyện không hay. Bọn Thái Bình liền đưa mắt ra hiệu.
Họ hiểu ý, cũng sợ, nên không dám gợi chuyện, liền cáo từ ra về.
Tích Xuân cũng không mời lại, chỉ cười nhạt, nói:
- Xem chừng trong thiên hạ chỉ có một cái am Địa Tạng của các
cô hay sao?
Các in cô không dám trả lời. Thấy vậy. Thái Bình sợ mang lỗi,
liền đến trình với Vưu thị:
- Cô Tư khăng khăng đòi cắt tóc đi tu. Mấy hôm nay không phải
cô ấy đau ốm đâu mà chỉ vì than thân tủi phận đấy thôi. Mợ nên đề phòng, kẻo xảy
ra việc rồi lại đổ tội cho chúng cháu.
Vưu thị nói:
- Lẽ nào cô ấy lại muốn đi tu. Chỉ vì cậu nhà đi vắng nên cô ấy
cố ý làm ra thế, để tỏ ra chẳng ăn ở được với ta. Thôi thì cứ mặc cô ấy!
Bọn Thái Bình không biết làm thế nào, đành chỉ tìm lời khuyên
giải. Không ngờ Tích Xuân vẫn không chịu ăn uống gì, chỉ nói đến việc cắt tóc
đi tu. Bọn Thái Bình không thể làm thinh, đành phải đi trình các nơi. Hình phu
nhân và Vương phu nhân cũng khuyên can nhiều lần, nhưng Tích Xuân vẫn một mực
không nghe. Hai người đang định trình với Giả Chính, bỗng bên ngoài có tin truyền
vào:
- Bà lớn họ Chân dẫn công tử Bảo Ngọc đến.
Mọi người vội vàng ra đón, mời bà Chân vào phòng Vương phu
nhân. Hai bên chào hỏi, hàn huyên. Vương phu nhân sực nhớ người ta nói Bảo Ngọc
giống hệt con mình nên mới mời anh ta vào để xem mặt. A hoàn đi ra một lúc trở
lại nói:
- Cậu Chân đang ở thư phòng hầu chuyện ông lớn. Ông lớn rất vừa
lòng nên có sai người đến mời cậu Hai, cậu Ba và cả anh Lan cũng ra ngoài ấy ăn
cơm. Ăn xong, cậu Chân sẽ xin vào hầu. Sau đó trong nhà cũng dọn cơm ăn.
Số là Giả Chính trông thấy diện mạo của Chân Bảo Ngọc giống hệt
con mình. Khi hỏi đến văn chương, anh ta đối đáp như nước chảy, nên trong lòng
rất là yêu mến, bèn cho gọi bọn Bảo Ngọc ra cốt để khuyên răn họ. Đồng thời,
cũng muốn nhân đó so sánh giữa hai người xem sao. Bảo Ngọc vâng lời, mặc bộ đồ
trắng, dẫn em và cháu đi ra. Trông thấy Chân Bảo Ngọc, Giả Bảo Ngọc thân mật
như bạn cũ. Chân Bảo Ngọc cũng tưởng chừng như mình đã gặp Giả Bảo Ngọc ở đâu rồi.
Hai chào hỏi nhau xong. Giả Hoàn và Giả Lan cũng đến chào. Giả Chính trải chiếu
ngồi dưới đất (1), muốn mời Chân Bảo Ngọc ngồi trên ghế, nhưng anh ta là bậc
con, đời nào dám ngồi, liền trải nệm ra ngồi giữa đất. Nay Bảo Ngọc đến, nhất định
không thể ngồi chung với Giả Chính được. Chân Bảo Ngọc lại là hàng em, càng
không thể để Giả Bảo Ngọc cứ đứng mãi đấy. Giả Chính thấy không tiện, chuyện
trò vài câu rồi đứng dậy, bảo người nhà dọn cơm và nói:
- Tôi xin lỗi để các em ngồi tiếp. Anh em nói chuyện với
nhau. Mong cậu dạy bảo cho.
Chân Bảo Ngọc khiêm tốn từ tạ:.
- Xin bác cho tùy tiện. Chính cháu cũng muốn học hỏi các anh
đây!
Giả Chính đáp lại vài lời rồi đi vào thư phòng. Chân Bảo Ngọc
muốn tiễn ra cửa. Giả Chính ngăn lại. Bọn Bảo Ngọc ra đứng ngang ngưỡng cửa thư
phòng đợi Giả Chính đi rồi mới trở vào mời Chân Bảo Ngọc ngồi. Hai bên nói những
lời khách sáo một lúc. Đại khái: “bấy lâu nghe tiếng. vẫn mong gặp mặt” v.v...
Giả Bảo Ngọc gặp Chân Bảo Ngọc liền nhớ lại cuộc gặp gỡ trong
giấc mộng khi trước. Lại vốn biết Chân Bảo Ngọc là người như thế nào, nên chắc
rằng anh ta sẽ cùng một ý nghĩ như mình, và nghĩ rằng mình đã gặp được người
tri kỷ. Nhưng vì mới gặp nhau lần đầu, không thể ăn nói vội vàng, lại có Giả
Hoàn, Giả Lan ngồi đó, nên Bảo Ngọc đành phải hết lời khen ngợi:
- Nghe tiếng anh đã lâu, chưa có dịp được gần. Hôm nay gặp mặt,
trông anh thật là hạng thần tiên giáng thế!
Chân Bảo Ngọc thường ngày cũng đã biết Giả Bảo Ngọc là người
như thế nào. Hôm nay gặp mặt, quả là không sai, nghĩ bụng: “Anh này chỉ có thể
cùng chung học, chứ không thể cùng đi một đạo với mình. Anh ta không những
trùng tên mà diện mạo lại như nhau. Âu cũng là linh hồn cũ trên hòn đá “tam
sinh” đây mà.
Nay ta có hiểu biết ít nhiều lý lẽ, sao không đưa ra giảng giải
cho anh ấy nghe. Nhưng vì mới gặp lần đầu, chưa biết anh ấy có suy nghĩ như
mình hay không, nên phải để thư thả đã.”
Chân Bảo Ngọc nói:
- Tài danh của anh, em đã biết từ lâu. Anh thực là học thanh
nhã, mười người mới có một. Còn em đây chỉ là hạng ngu dại, tầm thường, thế mà
lại được trùng tên với anh, em cảm thấy đã làm nhơ bẩn đến cái tên Bảo Ngọc ấy.
Giả Bảo Ngọc nghe xong, nghĩ bụng: « anh này quả cùng một ý
nghĩ với mình. Nhưng anh ta với mình đều là con trai, có đâu được trong sạch
như đám con gái. Vì sao anh ta lại xem mình như con gái?” Nghĩ vậy, rồi đáp:
- Anh quá lời khen. Tôi đâu dám nhận. Tôi là hạng rất ngu, rất
bẩn, chẳng qua chỉ là một hòn đá thô kệch đó thôi. Tôi dám đâu sánh với anh có
đủ phẩm cách thanh cao, thực là người xứng đáng với hai chữ ấy.
- Hồi còn bé, em chưa biết cân nhắc, cứ cho mình có thể mài
dũa được. Không ngờ vận nhà gặp cơn sa sút, nên vài năm nay em lại càng kém xa
ngói gạch. Tuy em không dám khoe đã từng trải hết mùi cam khổ. Nhưng về nhân
tình thế thái thì em cũng đã hiểu được ít nhiều. Anh là con nhà phú quý, mặc đẹp
ăn sang. Việc gì cũng được vừa lòng, chắc rằng áng văn chương cũng như tài kinh
bang tế thế của anh phải hơn hẳn mọi người. Vì vậy bác mới thương yêu, coi như
hòn ngọc quý. Cho nên vừa rồi em bảo anh thật xứng đáng với cái tên Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc lắng nghe, thấy trong lời lẽ chẳng khác gì khuôn sáo
của bọn “mọt ăn lộc nước”, nên đương nghĩ cách trả đũa.
Giả Hoàn chưa được nói chuyện với Chân Bảo Ngọc, trong bụng
thấy ấm ức. Trái lại, Giả Lan nghe vậy, thấy rất hợp ý mình, liền đỡ lời:
- Anh khiêm tốn quá đấy thôi. Văn chương cũng như tài kinh
bang tế thế tất phải do rèn luyện mà ra mới là thực học. Cháu còn nhỏ tuổi,
chưa hiểu rõ văn chương là gì. Nhưng cứ nghiền ngẫm thì thấy thú vị lắm. Cho
hay danh tiếng còn quý gấp trăm lần cái trò ăn ngon mặc đẹp.
Giả Bảo Ngọc nghe vậy càng không thích, nghĩ rằng: “không biết
thằng bé này học cái lối gàn dở ấy từ bao giờ ?” Và nói:
- Tôi nghe anh nói ghét bọn tục, chắc trong lòng anh thế nào
cũng có những ý nghĩ khác người. Hôm nay may mắn được tiếp mong anh dạy bảo cho
những điều “siêu phàm nhập thánh”, để từ nay em rửa sạch được lòng trần, mở rộng
được tầm con mắt. Không ngại anh lại cho em là một phường ngu xuẩn, nên đã đem
cái chuyện của bọn tục khách ra nói với em.
Chân Bảo Ngọc nghe vậy, trong bụng hiểu rằng: “anh ta biết rõ
tính tình của mình lúc còn nhỏ nên mới ngờ mình giả dối. Thôi mình cứ nói thẳng,
may ra anh ta sẽ là bạn tri âm của mình thì hay lắm. Nghĩ rồi nói:
- Anh nói thật là sâu sắc. Từ bé em đã ghét cay ghét độc những
câu khuôn sáo cũ rích ấy. Chỉ vì mỗi năm một lớn, thân phụ em lại về hưu, nhác
tiếp khách, thường giao việc ấy cho em. Nhờ vậy, em gặp dược các bậc đại nhân,
những vị đã làm rạng rỡ cha ông, danh tiếng lẫy lừng. Em lại thấy người ta viết
sách viết văn, không ngoài chữ trung chữ hiếu. Bản thân mình có lập nên dược sự
nghiệp đạo đức và văn chương mới khỏi uổng cái cơ hội được sinh ra trong thời
vua thánh trị vì. Và cũng không phụ công ơn cha nuôi thầy dạy. Vì thế, bao
nhiêu chuyện thoát phàm tục đi vào cõi thánh mơ tưởng hão huyền ngây ngô của em
hồi bé dần dần thì vứt bỏ hết. Nay em cũng muốn đi tìm thầy hỏi bạn, dạy bảo
cho mình khỏi bề ngu tối. May mắn được gặp anh, chắc rằng, anh sẽ hết lòng chỉ
bảo giúp. Những câu em nói đây, thực quả không phải là những lời khách sáo dâu.
Giả Bảo Ngọc càng nghe càng phát ngấy, không tiện tỏ vẻ lạnh
nhạt, đành phải nói đưa đẩy cho qua chuyện. May sao có người trong nhà ra nói:
- Nếu các cậu xơi cơm rồi. Xin mời cậu Chân vào trong nhà
chơi.
Bảo Ngọc nghe vậy, nhân tiện mời Chân Bảo Ngọc vào. Chân Bảo
Ngọc đi trước, bọn Giả Bảo Ngọc theo sau vào chào Vương phu nhân. Giả Bảo Ngọc
thấy có bà Chân ngồi trên liền đến chào. Giả Hoàn, Giả Lan cũng đến chào. Chân
Bảo Ngọc đến chào Vương phu nhân. Lúc đó, hai bà mẹ cùng nhận mặt hai cậu con.
Mặc dầu Giả Bảo Ngọc đã có vợ, nhưng Chân phu nhân nhiều tuổi, lại là bà con
lâu đời, thấy Giả Bảo Ngọc mặt mày in hệt con mình, tự nhiên tỏ ra thân yêu vồn
vã. Vương phu nhân càng không cần phải nói, cứ cầm tay Chân Bảo Ngọc hỏi hết
chuyện này sang chuyện nọ và nhận thấy anh ta có phần chín chắn hơn con mình.
Nhìn lại Giả Lan, mặt mày thanh tú, tuy không bằng hai chàng Bảo Ngọc, nhưng
cũng không kém bao nhiêu. Riêng Giả Hoàn thì dáng người thô kệch, nên bà ta
không khỏi có lòng thiên vị. Thấy hai chàng Bảo Ngọc cùng ở một nơi, mọi người
đều đến nhìn rồi nói:
- Lạ thật ! Tên giống nhau đã đành, sao người lại in hệt như
nhau ? May mà Bảo Ngọc nhà ta mặc đồ tang, nếu hai người cũng ăn mặc như nhau
thì khó mà phân biệt. Trong đám này có Tử Quyên nảy ra một ý nghĩ ngây ngô. Nhớ
đến Đại Ngọc, chị ta nghĩ bụng: “Chỉ tiếc cô Lâm chết rồi ! Nếu không, lấy Chân
Bảo Ngọc chắc cô ta cũng bằng lòng đấy”. Bỗng nghe Chân phu nhân nói với Vương
phu nhân:
- Hôm trước nghe ông nhà tôi về bảo “Bảo Ngọc nhà tôi cũng đã
lớn, muốn nhờ ông lớn bên này tìm hộ một nơi.”
Vương phu nhân vốn yêu Chân Bảo Ngọc, liền thuận miệng nói
ngay:
- Tôi cũng muốn làm mối cho cậu em bên nhà đấy. Nhà chúng tôi
có bốn cô: “Ba cô đầu thì một cô đã chết. Một cô đã đi lấy chồng không nói làm
gì. Còn cô em gái anh cả Trân chúng tôi lại kém những mấy tuổi, e cũng không đẹp
đôi. Chỉ có hai cô em họ chị dâu Cả nhà tôi, vẻ người đoan chính. Cô Hai đã hứa
gả cho người ta rồi, còn cô Ba thì thật là tốt đôi vừa lứa với cậu em đây. Để
mai kia tôi làm mối cho. Nhưng chỉ hiềm nhà người ta hiện nay có phần sa sút.
Chân phu nhân nói:
- Bà lớn khách sáo làm gì. Nhà chúng tôi hiện nay thì có cái
gì kia chứ. Chỉ sợ người ta chê nghèo thôi.
Vương phu nhân nói:
- Hiện nay quý phủ vâng mệnh ra làm quan, sau này không những
sẽ trở lại như cũ mà chắc còn thịnh vượng hơn trước nhiều.
Chân phu nhân nói:
- Được như lời bà lớn thì hay quá. Vậy nhờ bà lớn làm mối hộ
cho.
Chân Bảo Ngọc thấy hai bà nói đến chuyện dạm vợ cho mình, liền
cáo từ đi ra. Bọn Giả Bảo Ngọc cũng phải theo đến thư phòng. Thấy Giả Chính ở dấy,
Chân Bảo Ngọc đứng lại nói chuyện mấy câu. Bỗng thấy người nhà họ Chân đến thưa
với Chân Bảo Ngọc:
- Bà sắp ra về, xin mời cậu đi ngay.
Chân Bảo Ngọc cáo từ đi ra. Giả Chính sai Bảo Ngọc, Giả Hoàn
và Giả lan cùng tiễn ra ngoài. Từ hôm được gặp thân phụ Chân Bảo Ngọc. Giả Bảo
Ngọc biết rằng Chân Bảo Ngọc sắp vào kinh nên ngày đêm mong đợi. Nay được gặp mặt,
trong lòng khấp khởi, tưởng sẽ gặp người tri kỷ. Không ngờ nói chuyện với nhau
hồi lâu, vẫn thấy loạc choạc. Rồi Bảo Ngọc buồn rầu về phòng chẳng nói chẳng rằng,
người như mất hồn. Bảo Thoa liền hỏi:
- Anh Chân Bảo Ngọc có thật giống cậu không?
- Diện mạo thì hệt nhau. Nhưng xem cách nói năng chẳng qua chỉ
là «con mọt ăn lộc» mà thôi.
- Nói chuyện với anh ta chẳng có câu nào là tâm đầu ý hợp cả,
chỉ rặt văn chương với kinh bang tế thế, và trung hiếu gì đó. Hạng người như thế
không phải là «con mọt ăn lộc» thì là gì? Đáng tiếc hắn sinh ra mặt mày hệt
như tôi. Tôi nghĩ đã có nó rồi thì tôi cũng chẳng cần đến diện mạo của tôi nữa.
Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc lại nói ngớ ngẩn, liền bảo:
- Cậu nói rõ buồn cười. Tại sao cậu lại không cần đến diện mạo.
Vả lại lời nói của người ta là đúng. Làm con trai phải lo lập thân, làm cho rạng
rỡ tiếng tăm chứ? Ai lại như cậu, chỉ toàn là những tâm tình yếu đuối và ý
nghĩ riêng tây. Cậu không thấy là mình không có chí khí cứng rắn gì hết, lại bảo
người ta là «con mọt ăn lộc» à?
Bảo Ngọc nghe Chân Bảo Ngọc nói đã ngấy lắm rồi, nay lại bị Bảo
Thoa trách móc cho một trận, trong bụng càng không thích, rồi cứ buồn rầu mê mẩn,
bất giác bệnh cũ trở lại. Anh ta chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười luôn, miệng như
ngây như dại. Bảo Thoa không hiểu, cứ tưởng vì mình lỡ lời nên anh ta cười nhạt
cũng không để ý. Nào ngờ hôm ấy Bảo Ngọc lại trở lại bệnh ngây. Bọn Tập Nhân cố
chọc cũng chẳng nói năng gì. Cách một đêm. Sớm hôm sau ngủ dậy, anh ta vẫn cứ
ngây ngô, lại giống như bệnh lần trước.
Vương phu nhân thấy Tích Xuân định cắt tóc đi tu. Vưu thị
không ngăn lại được, xem chừng nếu không chiù cô ta thì cô ta sẽ tự tử. Mặc dù
ngày đêm có người canh giữ, nhưng cũngkhông thể kéo dài được mãi. Vì vậy Vương
phu nhân nói với Giả Chính. Giả Chính thở dài, dẫm chân nói:
- Bên phủ Đông không biết làm thế nào mà đến nông nỗi thế này
?
Lại gọi Giả Dung đến nói một hồi, bảo về nói với mẹ hắn, nên
cố hết sức khuyên giải: « nếu nó cứ khăng khăng một mực thì sẽ không phải là
con gái nhà này nữa. » Nào ngờ Vưu thị không khuyên can còn khá, chứ hễ khuyên
can thì cô ta lại cứ đòi chết, và nói:
- Sinh ra con gái, rút cục không thể nào ở nhà cha mẹ suốt đời.
Nếu tôi gặp cảnh ngộ chị Hai, chỉ làm cho chú và thím đau lòng rồi rút cục cũng
chết. Nay cứ xem như là tôi đã chết, để mặc cho tôi đi tu, thì đời tôi sẽ được
trong sạch. Thế là chú
thương tôi đấy. Vả chăng tôi đi tu cũng không phải là ra khỏi
nhà. Am Lũng Thúy là thuộc về phủ chúng ta, tôi sẽ ra tu ở đó. Dù tôi có làm
sao thì các người cũng còn chăm sóc được. Hiện nay người coi nhà cho Diệu Ngọc
còn ở đó. Các người hãy chiù tôi thế là tôi được yên thân; nếu không thì tôi
cũng không có cách gì khác, chỉ chết mà thôi. Nếu tôi được thỏa lòng mong ước
thì đến khi anh Cả trở về, tôi sẽ nói cho anh ấy biết rằng không phải các người
bức bách gì tôi, lỡ bằng tôi chết đi, thì khi anh ấy về đây sẽ trách móc các
người không lo cho tôi.
Vưu thị xưa nay vốn không hợp với Tích Xuân. Nhưng nghe cô ta
nói, có vẻ có lý đành phải tới trình Vương phu nhân. Vương phu nhân lúc này đã
sang bên Bảo Thoa. Thấy Bảo Ngọc như người mất hồn, bà ta nổi nóng, liền bảo Tập
Nhân:
- Chúng mày không để ý gì cả. Cậu Hai bị bệnh cũng không sang
trình ta biết.
Tập Nhân nói:
- Bệnh của cậu Hai thì thường vẫn thế. Khi lành khi lại ốm.
Ngày nào cậu ấy cũng sang hỏi thăm bên bà lớn như thường, vẫn yên lành chẳng có
chuyện gì cả. Hôm nay mới đâm ra lẩn thẩn như thế. Mợ Hai đang định sang trình
bà, nhưng lại sợ bà bảo chúng tôi chưa chi đã làm ầm ĩ cả lên.
Bảo Ngọc nghe Vương phu nhân mắng họ, trong bụng tỉnh táo. Sợ
họ bị mắng oan, liền nói:
- Xin mẹ cứ yên tâm. Con có đau ốm gì đâu. Chỉ thấy trong bụng
hơi buồn bực mà thôi.
- Mày vốn đã có sẵn bệnh ấy, nên nói sớm đi, để mời thầy thuốc
uống vài thang xem có khỏi không ? Nếu lại để như hồi bị mất viên ngọc thì sẽ sinh
ra nhiều chuyện.
- Nếu mẹ không yên tâm thì bảo mời thầy đến xem. Con sẽ uống
thuốc.
Vương phu nhân liền bảo a hoàn truyền ra cho người đi mời thầy
thuốc. Bà ta chỉ lo nghĩ về việc Bảo Ngọc nên quên hẳn việc Tích Xuân. Một lúc
lâu, thầy thuốc đến xem bệnh và cho thuốc, rồi Vương phu nhân ra về.
Cách mấy hôm sau, bệnh Bảo Ngọc lại càng nặng, cơm cũng không
ăn. Mọi người nhốn nháo cả lên. Lại vừa gặp lúc đoạn tang, cả nhà bận rộn.
Không có người, đành phải gọi Giả Vân đến để tiếp thầy thuốc. Trong nhà Giả Liễn
cũng không có ai coi sóc, nên mời Vương Nhân đến giúp đỡ lo liệu việc ngoài.
Còn Xảo Thư thì cứ ngày đêm khóc mẹ, nên cũng ốm. Vì vậy, phủ Vinh rất là nhốn
nháo.
Một hôm làm lễ đoạn tang xong về nhà, Vương phu nhân đến thăm
Bảo Ngọc, thấy anh ta mê man bất tỉnh. Mọi người cuống quít không biết làm sao,
vừa khóc vừa sai đi trình Giả Chính:
- Thầy thuốc nói là không thể cho thuốc nữa. Chỉ nên sắp sửa
hậu sự thôi.
Giả Chính than thở luôn miệng, đành phải thân hành đến thăm.
Quả thấy khó khỏi được, liền bảo Giả Liễn đi sắp đặt công việc. Giả Liễn không
dám trái lời, ra bảo người đi lo liệu. Nhưng trong nhà thiếu thốn, đang khó
nghĩ. Bỗng thấy một người
chạy vào nói:
- Cậu Hai ơi? Nguy to? Lại có chuyện rầy rà!
Giả Liễn không rõ việc gì, giật mình, trừng mắt hỏi:
- Cái gì thế?
- Có một nhà sư đến trước cửa, tay cầm viên ngọc của cậu Bảo
bị mất và nói đến lấy một vạn bạc thưởng.
Giả Liễn suýt một cái nói:
- Tưởng là việc gì mà mày nhớn nhác như thế. Độ trước đã bị
viên ngọc giả, mày không biết à? Mà dù có là viên ngọc thật đi nữa thì bây giờ
người đã sắp chết còn cần nó làm gì?
- Con cũng đã nói rồi. Nhưng vị hòa thượng ấy bảo cứ đưa bạc
cho ông ta là bệnh khỏi.
Đang nói lại thấy người ở ngoài xôn xao chạy vào nói:
- Nhà sư hổ mang ấy cứ xông thẳng vào nhà, chúng tôi cản lại
không được!
- Đâu lại có việc lạ lùng thế? Chúng mày không đuổi ông ta
đi à?
Đang lúc ồn ào. Giả Chính thấy vậy, không biết tính sao.
Trong nhà lại nghe tiếng kêu khóc:
- Cậu Hai nguy rồi!
GiảChính lại càng bối rối. Bỗng thấy nhà sư ấy nói:
- Muốn người sống thì đem bạc ra đây?
Giả Chính chợt nhớ lại hồi trước Bảo Ngọc bị bệnh, nhờ một vị
hoà thượng chữa khỏi, bây giờ nhà sư lại đến, có lẽ cũng là cứu tinh đây. Nhưng
nếu viên ngọc ấy là thật mà nhà sư cứ đòi cho được bạc thưởng thì làm thế nào?
Sau lại nghĩ: “Bây giờ hãy khoan để ý đến điều đó, nếu người
khỏe được thì ta sẽ tính sau”. Ông ta liền sai người ra mời, thì nhà sư đi vào
không chào hỏi, cũng không nói năng gì, cứ chạy thẳng vào trong nhà. Giả Liễn
giữ lại, nói:
- Trong nhà, đều là đàn bà con gái, hạng người như anh chạy
vào làm gì?
Khắp nhà trong nhà ngoài, ai nấy đều vui mừng niệm Phật. Ngay
cả Bảo Thoa cũng không e ngại có nhà sư ở đó nữa. Giả Liễn cũng chạy đến xem,
quả thấy Bảo Ngọc đã tỉnh lại, trong bụng mừng rỡ, vội đi ra. Nhà sư chẳng nói
chẳng rằng, vội nắm tay Giả Liễn mà chạy. Giả Liễn đành phải đi theo, ra đến
phía ngoài trình với Giả Chính. Giả Chính nghe nói mừng rỡ, liền đến chào hỏi
và tạ ơn. Nhà sư đáp lễ rồi ngồi xuống. Giả Liễn trong bụng ngờ vực chắc là ông
ta đòi cho được bạc mới chịu đi. Giả Chính nhìn kỹ thì không phải là nhà sư đã
gặp lần trước, liền hỏi:
- Hòa thượng tu hành ở chùa nào? Pháp hiệu là gì? Viên ngọc
ấy tìm được ở đâu? Vì sao thằng con nhà tôi trông thấy mà sống lại được?
Ông ta mỉm cười trả lời:
- Tôi cũng không biết rõ. Cứ đưa một vạn lạng bạc ra đây là
được.
Giả Chính thấy ông ta thô kệch, cũng không dám trái ý, liền
nói:
- Xin vâng.
- Có thì đưa mau, tôi phải đi đây.
- Xin mời người ngồi nán lại một chốc, để tôi vào trong nhà
xem đã.
- Ngài vào rồi ra mau cho.
Giả Chính không nói năng gì, đi ngay đến trước giường Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc thấy cha, muốn cố gắng ngồi, nhưng người còn yếu, không thể dậy được.
Vương phu nhân giữ lại, bảo:
- Đừng gượng dậy nữa.
Bảo Ngọc cười, cầm viên ngọc đưa cho Giả Chính xem và nói:
- Bảo Ngọc về đây rồi!
Giả Chính nhìn qua, biết viên ngọc ấy có căn nguyên, cũng
không xem kỹ, đoạn hỏi Vương phu nhân:
- Bảo Ngọc đã khỏe rồi. Còn số bạc thưởng thì định thế nào?
Vương phu nhân nói:
- Cứ đem tất cả những đồ đạc của tôi bán đi để trả cho ông ta
là được.
Bảo Ngọc nói:
- Con e rằng nhà sư ấy không phải cốt đòi số bạc đâu.
Giả Chính gật dầu:
- Ta cũng cho là một người kỳ lạ, nhưng ông ta lại cứ cố đòi
cho được số bạc.
Vương phu nhân nói:
- Ông hãy ra tiếp ông ta rồi ta sẽ nói chuyện.
Giả Chính đi ra. Bảo Ngọc liền kêu đói, húp một bát cháo, lại
đòi ăn cơm. Các bà già đưa cơm đến. Vương phu nhân còn chưa muốn cho ăn. Bảo Ngọc
nói:
- Không can gì đâu, con đã khỏe rồi.
Rồi anh ta bò dậy ăn một bát, quả thấy tinh thần dần dần khá
lại, liền định ngồi thẳng dậy.
Xạ Nguyệt đỡ nhè nhẹ. Vì vui mừng quá chị ta lỡ lời nói:
- Thật là bảo bối ! Mới nhìn thấy đã lành bệnh. May mà hồi
trước không đập vỡ đi!
Bảo Ngọc nghe vậy liền đổi thần sắc, bỏ viên ngọc ra rồi ngả
người ra đằng sau. Chưa biết sống chết thế nào?
Chú thích:
1. Theo tục phong kiến Trung Quốc. Khi có tang cha mẹ, thì
lòng nằm đất đế tỏ lòng thương xót. Lúc này Giá Chính đang chịu tang Giá mẫu
nên cũng trải chiếu ngồi giữa đất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét