Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Ảnh hưởng phương Tây trong văn hóa âm nhạc Ấn Độ

 Ảnh hưởng phương Tây 
trong văn hóa âm nhạc Ấn Độ
1. Khi nghĩ về âm nhạc Phương Tây và âm nhạc Ấn Độ, người ta thường hình dung như hai thế giới với những sự khác biệt, thậm chí tương phản.
Chẳng hạn về thang âm điệu thức. Trong khi âm nhạc Phương Tây cực kỳ chặt chẽ với sự phân biệt và kết hợp các cung âm (12 bán cung được sắp xếp theo chu kỳ khép kín với 7 hàng âm theo bậc cơ bản: do, re, mi, fa, sol, la, si), các nhịp (nhịp đơn có 1 trọng âm và nhịp phức có từ 2 trọng âm trở lên), thì âm nhạc Ấn Độ lại cực kỳ linh hoạt khi dựa trên hai khái niệm cơ bản là raga và tala. Raga (nghĩa từ nguyên trong tiếng Sanskrit chỉ “sự tô màu”, “sắc thái”) có thể tạm dịch là “làn điệu” với nghĩa sự thể hiện một trạng thái cảm xúc nhất định (yêu thương, vui sướng, buồn bã, nhớ nhung…) gắn với một bản tính cá nhân đặc thù (dịu dàng, nóng nảy, lạc quan, bi quan…) trong một thời khắc đặc thù (mùa xuân, mùa đông, bình minh, đêm tối…). Có 8 raga chính, với nhiều biến thái cũng như những sự kết hợp tinh tế giữa các raga, do đó có thể kể đến 132 raga. Cùng một raga qua biểu diễn của mỗi nghệ sĩ cũng lại vô cùng biến ảo và vì vậy họ có thể định nghĩa: “Raga ư? Đó chính là cái tôi!”. Tương ứng với raga là tala, có thể tạm dịch là “nhịp điệu”, sự thể hiện tinh thần của làn điệu qua cấu trúc nhịp, tiết tấu. Có thể kể tới 108 tala, quy tụ về 20 tala chính.
Hoặc chẳng hạn về chức năng nghệ thuật cơ bản nhất. Trong khi âm nhạc Phương Tây chủ yếu hướng tới nhu cầu giải trí, tiêu khiển thì âm nhạc Ấn Độ lại nhấn mạnh hơn nhu cầu làm an tịnh tâm trí, thăng hoa đời sống tâm linh, khiến nó có thể thụ nhận những ảnh hưởng thánh thiện… Trong công trình nghiên cứu “Âm nhạc và sự cấu tạo huyền bí con người”, Cyril Scott đã dựa trên sự phân biệt của các nhà Thông Thiên Học về thể phách, thể vía và thể trí (như “các thể tế nhị”, “bao quanh và thấm nhuần xác thân”) để đi sâu phân tích ảnh hưởng khác nhau của các nền văn hóa âm nhạc đối với tâm thức con người. Ông viết: “… cái phần tư âm (quart de ton) trong âm nhạc Ấn Độ (vì thanh hơn) tác động trên thể trí và đối với các lĩnh vực triết học và siêu hình; cái phần ba âm (tiers de ton) của âm nhạc Ai Cập xưa tác động trên thể tình cảm và ở các lĩnh vực nghi lễ và huyền môn; còn cái phân nửa âm của âm nhạc Tây Phương tác động đặc biệt trên thể xác, thể phách và các lĩnh vực có tính cách thực tế như cơ giới, chính trị…”. Theo Cyril Scott, “âm nhạc tác động theo hai lối, một lối thô, một lối tinh. Những bản nhạc mà ta nghe được ở cõi trần, vì êm dịu nhịp nhàng nên có khả năng tinh luyện những gì trọng trược ở con người vật chất. Âm nhạc còn một phần khác không nghe được nhưng tác động mạnh trên các thể tinh vi khi thì trực tiếp khi thì qua sự trung gian của hoàn cảnh, để giáo hóa và tô điểm linh hồn”. Âm nhạc Phương Tây về cơ bản theo lối thô mà âm nhạc Ấn Độ theo lối tinh vậy.
Những sự khác biệt, thậm chí tương phản giữa âm nhạc Phương Tây và âm nhạc Ấn Độ dường như sâu sắc đến mức người ta sẽ dễ dàng đi đến đồng tình với Rudyard Kipling mà rằng: “Ôi! Đông là Đông, Tây là Tây - Hai phương ấy chẳng khi nào có thể gặp gỡ!”.
2. Khi nghĩ về quan hệ giữa âm nhạc Phương Tây và âm nhạc Ấn Độ, người ta thường hình dung chiều ảnh hưởng Ấn Độ đối với Phương Tây hơn là chiều ngược lại.
Với thuật ngữ “âm nhạc Phương Tây” thực ra người ta chỉ giới hạn chủ yếu ở âm nhạc Phương Tây cận hiện đại, nền âm nhạc rất trẻ trung so với âm nhạc truyền thống Ấn Độ có một lịch sử lâu dài (những ca vịnh được ghi chép sớm nhất từ thời Veda - khoảng 1500 năm tr.CN, giáo trình đầu tiên có tổng kết lý luận âm nhạc - Natyasastra của Bharata - đã hình thành từ nhiều thế kỷ trước khi được trau chuốt hoàn chỉnh vào khoảng thế kỷ II). Gia tài âm nhạc Ấn Độ, vì vậy, cả về lý luận lẫn thực hành, chắc chắn là đồ sộ, phong phú hơn, có nhiều cái để cho, tặng hơn là gia tài âm nhạc Phương Tây. Thêm nữa, âm nhạc Phương Tây, như chính nền văn hóa Phương Tây, cũng năng động, cách mạng hơn trong lý tưởng phát triển so với âm nhạc Ấn Độ, như chính nền văn hóa Ấn Độ, hướng về sức mạnh truyền thống.
Phương Tây bắt đầu biết về âm nhạc Ấn Độ từ cuốn giáo trình The Music of Hindostan (Âm nhạc của người Hindostan) năm 1799 của William Jones. Cuốn sách khiến Ludwig van Beethoven “đặc biệt hứng thú với triết học âm nhạc của người Ấn” nhưng “không có ảnh hưởng thực hành” đối với các sáng tác của ông (vì các nhạc sĩ chỉ được đọc miêu tả mà chưa được nghe nhạc Ấn).
Ảnh hưởng của âm nhạc Ấn Độ thực sự đến Phương Tây sớm nhất, từ sau Đại chiến II, qua hai nhà soạn nhạc người Pháp - Albert Roussel và Maurice Delage. Đến thăm Ấn Độ trở về, họ đã thay đổi cơ bản sáng tác của mình, người thì bị mê hoặc bởi những cảm hứng từ âm nhạc sùng tín, người thì say sưa với những thủ pháp nhịp điệu của xứ sở huyền bí. Họ tiêu biểu cho hai cách tiếp cận ảnh hưởng Ấn Độ của các nhạc sĩ Phương Tây suốt những thời kỳ lâu dài về sau: hướng tới khí quyển xứ lạ, hương vị xứ lạ (exoticism) và tiếp thu nét độc đáo mỹ học, kỹ pháp (invigoration).
Quan hệ của Phương Tây với âm nhạc Ấn Độ phát triển về chất từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, khi ban nhạc huyền thoại The Beatles, với George Harrison (đệ tử của bậc thầy lừng danh Ấn Độ - Ravi Shankar), khởi đầu việc mang âm nhạc cùng cây đàn sita Ấn Độ vào vũ trụ văn hóa âm nhạc đại chúng Anglo-Saxon. Từ đó, khán thính giả của âm nhạc Ấn ở Phương Tây không chỉ dừng trong giới tinh hoa mà mở rộng tới đông đảo quần chúng, nhất là giới trẻ, những người bất mãn với môi trường chính trị, xã hội, mỹ học quanh họ, hướng về Ấn Độ như thế giới khác của niềm tin và những giá trị tâm linh.
Trên cơ sở chung về tính ngẫu hứng và phóng khoáng (Ấn Độ cổ xưa từng quan niệm: “Lời có cảm xúc thốt ra đã là âm nhạc rồi”), ảnh hưởng Ấn Độ tiếp tục đồng hành cùng nhiều những trường phái cách tân nhất của âm nhạc đương đại Phương Tây cho đến tận ngày nay.
3. Chiều ngược lại, ảnh hưởng của Phương Tây đối với âm nhạc Ấn Độ, thực tế, cũng đã trải qua một quá trình lâu dài.
Thế kỷ XVI, thực dân Phương Tây bắt đầu nhòm ngó Ấn Độ: Bồ Đào Nha, Hà Lan, rồi Anh, Pháp. Nhưng Phương Tây chỉ thực sự ảnh hưởng tới văn hóa Ấn Độ từ thế kỷ XVIII, mà ảnh hưởng chủ yếu đến từ Anh, nhất là từ khi Ấn Độ trở thành thuộc địa của nước này (1877). Quá trình đô thị hóa cũng như những phương tiện truyền thông và giải trí hiện đại mà Phương Tây mang đến (phát thanh, truyền hình, điện ảnh…) đã tác động mạnh mẽ tới đời sống âm nhạc. Những trường học do tu sĩ Thiên Chúa giáo mở ở Ấn Độ với chương trình có dạy âm nhạc cũng đóng một vai trò không thể nói là không quan trọng trong truyền bá nhạc Phương Tây. Ảnh hưởng Phương Tây còn thấm qua bộ phận trí thức Ấn Độ tiếp thu Tây học. Bộ phận này thời kỳ đầu coi những gì thuộc về phương Tây đều là tốt, từ nửa cuối thế kỷ XIX chuyển qua quan điểm xem xu hướng phương Tây hóa có ý nghĩa ngang với chủ nghĩa dân tộc và nêu khẩu hiệu: “đuổi kịp những thành tựu Phương Tây đồng thời trung thành với quá khứ Hindu” [13: 230]. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập (1947), những giao lưu, trao đổi văn hóa trên cơ sở tự chủ góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nền âm nhạc. Và Ấn Độ vốn là “nơi có sức thu hút như đại dương”, trong âm nhạc cũng luôn luôn sẵn sàng dung hợp những yếu tố văn hóa ngoại lai để “duy trì được sức sống của mình và từng thời kỳ lại tự trẻ hóa” [J.Nehru (Phạm Thủy Ba… dịch) 1990, tập I, tr. 109].
4. Ảnh hưởng Phương Tây trong âm nhạc Ấn Độ không mang tính đồng phục mà khác biệt qua các vùng miền trên đất nước rộng lớn mênh mông.
Âm nhạc Bắc Ấn, Hindustani Sangit, giữ nhiều nét truyền thống cổ xưa, mặt khác có nhiều điểm tương đồng, nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc Hồi giáo Afghanistan, Ba Tư, ít ảnh hưởng Phương Tây. Âm nhạc Nam Ấn, Carnatic Sangit, chịu ảnh hưởng Phương Tây sâu đậm hơn.
5. Ảnh hưởng Phương Tây đã tác động biến đổi văn hóa âm nhạc Ần Độ về rất nhiều phương diện.
5.1. Sản phẩm âm nhạc
a. Thang âm điệu thức
Những nhạc sĩ Ấn Độ học nhạc lý Phương Tây chuyển sang sáng tác theo các quy tắc cung âm và nhịp thay cho raga và tala. Nhiều raga mới cũng đã được tạo ra dựa trên cấu trúc cung âm và nhịp Phương Tây.
b. Nhạc cụ
Ấn Độ vốn có một kho tàng nhạc cụ vô cùng phong phú (tới 210 loại), đặc biệt nổi tiếng trong những nhạc cụ bộ gõ với các cung bậc cao độ không cố định và chính do vậy mà  giàu tiềm năng biểu lộ nhiều sắc thái trữ tình tinh tế (tiêu biểu như cặp trống Tabla-Dagga một tấu lên tiếng kim, một đệm bass; trống Mridangam với hai tang trống một cho âm cao, một cho âm trầm…). Ấn Độ đã tiếp nhận các nhạc cụ bộ dây và bộ hơi Phương Tây như đàn Guitar, Violin, Viola, kèn Clarinet, Mandolin, Saxophone…tăng cường khả năng thể hiện trong biểu diễn âm nhạc Carnatic.  
c. Thể loại
Mỗi nền văn hóa âm nhạc đều có 2 dòng riêng biệt: (1) âm nhạc nghệ thuật - art music - đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp đẳng cấp cao hơn ở cả nghệ sĩ lẫn khán thính giả và (2) âm nhạc đại chúng - popular music - thông dụng hơn với đông đảo mọi người. Ảnh hưởng Phương Tây tới âm nhạc Ấn Độ chủ yếu là ở dòng đại chúng.
Âm nhạc đại chúng ở Ấn Độ hình thành từ những năm 1920, đến những năm 1930, kết hợp ảnh hưởng Phương Tây với di sản cổ truyền tạo ra hàng loạt thể loại mới độc đáo. Ấn Độ dần dà phát triển một trong những nền công nghiệp âm nhạc lớn nhất thế giới, đáp ứng nhu cầu to lớn của đất nước gần một tỉ dân và xuất khẩu nhiều nước khác.
Phần lớn âm nhạc đại chúng Ấn Độ gắn với nền công nghiệp điện ảnh mà trung tâm quan trọng nhất là Bollywood - một “Hollywood” ở Bombay (Mumbai). Phim có âm thanh bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ, dưới ảnh hưởng Phương Tây, từ năm 1931. Theo thống kê năm 1980, trong năm Ấn Độ sản xuất 742 phim, thu hút khoảng 65 triệu khán giả hàng tuần, phim được dịch ra 30 thứ tiếng và xuất khẩu sang 120 nước. Một đặc trưng nổi bật của điện ảnh Ấn Độ là sự đan kết rất nhiều những khúc nhạc, bài ca (từ 5-6 đến chừng hai chục bài trong một phim). Nhạc phim như một thành phần không thể thiếu, bình luận, tô điểm cho những tình tiết, sự kiện và tạo nên âm hưởng của chuyện phim. Những bản nhạc phim này đồng thời lại được tập hợp trong các album và có đời sống tương đối độc lập với tác phẩm điện ảnh, trở thành một hình thức giải trí đại chúng.
Những phim với đề tài lịch sử, huyền thoại, truyền thuyết, sùng tín sử dụng âm nhạc truyền thống Ấn Độ trong khi những phim có đề tài thế sự, xã hội thì nhạc phim mang đậm dấu ấn Phương Tây với các chất liệu Rock/ Pop, sự sử dụng phối hợp Tabla và trống Phương Tây, đàn Sharod của Ấn Độ cùng Guitar bass…Những năm 1970, khi phim hành động thịnh hành bên cạnh phim tình cảm lãng mạn thì ảnh hưởng của Disco trở nên nổi bật. Tuy nhiên, phần lớn nhạc phim Ấn Độ vẫn dựa nhiều vào nguồn cảm hứng và tư tưởng truyền thống của âm nhạc cổ điển, âm nhạc sùng tín và nhất là âm nhạc dân gian. Cộng đồng người Nam Ấn ở Anh nổi tiếng với phong cách Bhangra sôi động được sáng tạo trên cơ sở kết hợp những giai điệu dân gian Punjab với những thành tố của disco, techno-pop, và vũ reggae. Cộng đồng người Đông Ấn ở Trinidad cống hiến phong cách Chutney hòa trộn tiết tấu dân gian Ấn Độ với nhịp điệu Calypso.
Nhạc pop Ấn Độ (Indi pop) ra đời năm 1994, với khởi đầu hết sức ấn tượng là bài hát “Made in India” thành công rực rỡ trong nước và trên thế giới (đem đến cho Alisha danh hiệu “Madonna Ấn Độ”). Tiếp theo là hàng loạt ngôi sao nhạc pop như Suchitra, Shwetha Shetty, Anaida và Mehnaz, Daler Mehndi…Indi pop phá vỡ thế độc quyền trước đó của nhạc phim. Indi pop chịu nhiều ảnh hưởng của pop Phương Tây nhưng chất bản địa vẫn mạnh mẽ, người nghe lập tức nhận ra chất Ấn không lẫn vào đâu được.
Rock Ấn Độ thì đậm đặc dấu ấn Anh. Với các ca sĩ nhạc rock, đàn guitar và dàn trống Phương Tây được biểu diễn khắp Ấn Độ. Trilok Gurtu là một trong những ca sĩ lừng danh nhất đã chinh phục toàn thế giới bằng sự kết nối những Raga Ấn huyền ảo cùng những yếu tố rock hiện đại. Trong cuốn Lịch sử nhạc Rock, nhà phê bình Piero Scaruffi đã khẳng nhận đóng góp riêng của Ấn Độ cho thể loại này: “Chúng ta phải cảm ơn vì “raga-rock” trở thành biểu trưng âm thanh của những năm sáu mươi”.
Hip-hop, Aerobics cũng thịnh hành ở Ấn Độ và cũng tìm được sự kết hợp với âm nhạc cổ điển, âm nhạc dân gian Ấn.
d. Đề tài, chủ đề tư tưởng
Âm nhạc, cũng như sân khấu Ấn Độ truyền thống, thường lấy Srngara (Tình Yêu) làm Rasa (Cảm thức) chủ đạo. Tình yêu trong tâm hồn Ấn Độ có một quang phổ rất rộng lớn, từ tình lứa đôi, các loại tình yêu mến giữa con người với con người, cho đến tình cảm giữa con người với thiên nhiên và cuối cùng, sâu nhất, cao nhất trong mọi tình yêu ấy, là khao khát vươn tới tình yêu huyền học giữa linh hồn cá thể (Tiểu Ngã) với linh hồn vũ trụ (Đại Ngã). Nghĩa là mọi cung bậc tình yêu trần tục đều có thể ẩn mật cảm nghiệm một sự hợp nhất linh thánh. Với ảnh hưởng Phương Tây, âm nhạc Ấn Độ đã mở rộng những chiều kích hướng ngoại, ôm trùm những xúc cảm liên quan đến mọi khía cạnh bình dị nhất của cuộc sống nhân gian thường nhật: bên cạnh đề tài, chủ đề tôn giáo quen thuộc xuất hiện những đề tài, chủ đề thế sự, trữ tình cá nhân.  
5.2. Hoạt động sáng tạo, truyền bá, thưởng thức
a. Lễ thức biểu diễn
Trong truyền thống, trước khi trình diễn âm nhạc cổ điển, nghệ sĩ thực hiện những lễ thức thiêng liêng như cầu nguyện các vị thần linh (nhiều trong số những thần cao cả của Ấn Độ đồng thời là các đấng sáng tạo, bảo trợ nghệ thuật: thần Sáng tạo Brahma là thủy tổ của mọi nghệ thuật; Sarasvati, vợ Ngài, là nữ thần Nghệ thuật; thần Hủy diệt Shiva là Vua Nhảy múa; Krishna, một hóa thân của thần Bảo vệ Vishnu là thần Mục đồng thổi sáo…); chúc tụng ân phúc cho quốc gia, cộng đồng; sờ chân sư phụ guru để tỏ lòng kính trọng (người thầy được tôn kính còn hơn cả người cha, nhất là trong những nghệ thuật được xem là linh thánh, đòi hỏi khổ luyện học hành, tu dưỡng…). Nhiều nghệ sĩ lão thành của Ấn Độ, do vậy, cảm thấy hình thức các show âm nhạc theo kiểu Phương Tây ngày nay “thật là một bức tranh tầm thường, tồi tệ” [Radhika Bhirani: “Nghệ sĩ bậc thầy nổi tiếng Hariprasad Chaurasia: Tôi mong muốn gìn giữ bản sắc đặc thù của âm nhạc truyền thống Ấn Độ!”, www.bollywood.com]. 
b. Hòa tấu và ban nhạc
Trong âm nhạc truyền thống Ấn Độ, cả cổ điển lẫn dân gian, thịnh hành lối biểu diễn (đàn, ca) một mình (solo) hơn là hòa phối cùng phần biểu diễn của người khác. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hòa tấu là Ấn Độ hoàn toàn học từ Phương Tây.
Thực ra, trong Natyasastra (thế kỷ II) - cuốn giáo trình cổ nhất của Ấn Độ về nghệ thuật sân khấu như một loại hình tổng hợp - Bharata đã nói đến hòa tấu bằng thuật ngữ Sanskrit “Kutup”. Ông kể 4 loại nhạc cụ tuy không nêu cụ thể tên, và miêu tả kỹ nhiều hòa âm.  
Như vậy có thể nói hòa tấu như một hình thức biểu diễn nghệ thuật cổ xưa từng bị quên lãng đã tái sinh dưới ảnh hưởng phương Tây. Từ thế kỷ XIX, một số Nawabs hay Rajahs đã tổ chức những buổi hòa tấu trong cung điện, trang viên của họ. Hòa tấu cũng được trình diễn trong các vở kịch viết bằng ngôn ngữ Marathi, Hindi… Uday Shankar, Shirali và Ravishankar là những tác gia, nghệ sĩ có đóng góp quan trọng cho nghệ thuật hòa tấu Ấn Độ hiện đại. Quá trình phát triển hòa tấu, hòa tấu với sự trình diễn của các nhạc cụ truyền thống Ấn Độ bên các nhạc cụ hiện đại Phương Tây, cũng là quá trình thiết kế một hệ thống ký âm pháp mới, mềm mại hóa một số quy tắc của raga, sáng tạo những phong cách phối âm phối khí mới, sáng tác loại sáng tạo một hệ thống ký âm pháp mới nhạc dành riêng cho hòa tấu.
Những ban nhạc trẻ Ấn Độ tổ chức, biểu diễn, trang phục… đều theo phong cách Phương Tây, ngoại trừ hát trong các ngôn ngữ Ấn. Các ban nhạc nổi tiếng gồm  Silk Route, Euphoria, Lucky Ali, Alisha Chinnai…
Nguyên tắc hòa phối trong biểu diễn từ ảnh hưởng Phương Tây,  theo nhạc sĩ lão thành nổi tiếng Jasraj, “đã giúp nền nghệ thuật âm nhạc cổ kính của Ấn Độ dân chủ hóa… Trong quá khứ, những nghệ sĩ bậc thầy đối xử với các nhạc công phụ họa hết sức cách biệt, coi thường. Ngày nay, thậm chí với một người biểu diễn solo thì những nhạc công phụ họa, từ những người chơi sarangi đến những nghệ sĩ trống tabla đều được đối xử bình đẳng. Ảnh hưởng của nghệ thuật Phương Tây đã “giáo dục” và đưa người ta đến “nền văn hóa dân chủ” [Pandit Jasraj 2002: “Western influence has democratised Indian classical music”. Press Trust of India. January 24].
c. Âm nhạc trên tivi và radio
Ở Ấn Độ, truy cập Internet vẫn còn chưa thật sự phổ biến và dễ dàng, tivi là một phương tiện quan trọng để tiếp cận âm nhạc. Có tới 67% dân Ấn Độ hầu như mỗi ngày đều xem chương trình ca nhạc trên tivi.
Còn đối với phần đông dân chúng ở nông thôn (khoảng 80% dân Ấn sống ở nông thôn), radio chiếm vị trí độc tôn về phương tiện truyền thông. Do ảnh hưởng Phương Tây, Đài Phát thanh Trung ương bắt đầu lên sóng từ năm 1932. Theo thống kê của UNESCO, Đài Phát thanh toàn Ấn (All India Radio - AIR) lên sóng hơn 1 triệu giờ hàng năm, 50% thời lượng là những chương trình âm nhạc đủ loại.
Tivi và radio khiến cho mọi người dân Ấn Độ đều có thể đến với âm nhạc, từ âm nhạc dân gian, âm nhạc cổ điển, âm nhạc sùng tín của Ấn Độ cho đến âm nhạc Phương Tây. Điều này là một thay đổi có ý nghĩa đối với Ấn Độ. Trong văn hóa Ấn Độ truyền thống, phân biệt đẳng cấp cực kỳ nghiêm ngặt. Những đẳng cấp thấp, những người ngoài đẳng cấp không có quyền được tiếp cận âm nhạc cổ điển, âm nhạc sùng tín, vốn sinh ra trong những ngôi đền linh thánh với các tu sĩ Brahmin nắm mọi đặc quyền, đặc lợi hoặc trong những cung điện vua chúa, quý tộc của các Rajas, Maharajas, Nawabs… Họ cũng là những người không được học hành (Theo thống kê năm 1971, Ấn Độ có đến 548 triệu người thất học, chiếm 71% dân số). Âm nhạc đại chúng được truyền bá rộng rãi trên tivi, radio không chỉ là phương tiện giải trí mà còn góp phần vào hoạt động giáo dục cho những người thất học. Sachi Sri Kantha từng nhấn mạnh: “Họ được khai sáng nhờ sự phong phú của nền văn hóa âm nhạc ở Ấn Độ được gìn giữ chủ yếu bằng truyền thống truyền khẩu”.
5.3. Chủ thể sáng tạo và đối tượng tiếp nhận
a. Danh tiếng cá nhân và tác quyền
Văn hóa Ấn Độ truyền thống không nhấn mạnh cá nhân. Những tác phẩm (cả văn chương, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn…) với tác quyền tập thể, không rõ tác quyền hoặc khuyết danh là rất phổ biến, cho đến tận thời Trung đại.
Với âm nhạc đại chúng, việc phát hành các album, các show trình diễn, các cuộc thi… đã tạo nên ý thức danh tiếng cá nhân, tinh thần cạnh tranh gay gắt. Nhiều chương trình “Thần tượng âm nhạc” (hình thức thi hát trên truyền hình mà kết quả do khán giả bầu chọn bằng tin nhắn, dựa trên phiên bản của “American Idol”) gần đây đã thổi bùng sự ganh đua vùng miền, đồng thời kích động bạo lực ở phía Đông Bắc Ấn, khu vực vốn không yên ổn. Tháng 11/2007, ngay sau khi kết quả chung cuộc được công bố (Prahant Tamang, một thanh niên người dân tộc Nepan đến từ Dajeling chiến thắng Amit Paul đến từ Meghalaya), những người ủng hộ Paul đã tấn công người Nepan ở thành phố Shilong, thủ phủ của Maghalaya làm ít nhất năm người bị thương. Tình trạng bạo lực đã khiến cho nhiều người đề nghị cần phải thay đổi cách thức bầu chọn.
Nhận thức về vấn đề bản quyền ở Ấn Độ hiện vẫn ở trình độ thấp. Để đảm bảo cho các nghệ sĩ được nhận tiền bản quyền, năm 2006, Achille Forler, một người Pháp, đã trả 3 triệu USD để mua quyền quản lý 25.000 ca khúc Ấn Độ, trong đó bao gồm một số tác phẩm của các nhà soạn nhạc và viết ca từ hàng đầu Bollywood như KL Saigal, RD Burman, Javed Akhtar và Anu Malik…Achille Forler phát hiện ra rằng: "Không ai trong ngành công nghiệp âm nhạc tại Ấn Độ biết rõ về việc làm thế nào để đòi tiền bản quyền”. Chẳng hạn như Javed Akhtar, nhạc sỹ kiêm sáng tác kịch bản hàng đầu Bollywood chỉ ký 30 hợp đồng bản quyền âm nhạc với các nhà sản xuất trong số 320 bộ phim ông đã tham gia. Theo Forler, "Ngành công nghiệp âm nhạc Ấn Độ có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, nếu muốn đi đến toàn cầu trên một con đường lớn, họ nên chấp nhận các hình thức thanh toán và chi trả quốc tế".
b. Trẻ và Già, Đô thị và Nông thôn
Trong lĩnh vực âm nhạc cũng như với nền văn hóa nói chung, nông thôn, lớp người già vẫn là những thành trì cho những giá trị truyền thống, họ hấp thụ ảnh hưởng Phương Tây tương đối chậm hơn, ít hơn và khó khăn hơn. Ở trên đã nói, phần lớn người dân ở nông thôn nghe nhạc trên radio. Và AIR khi làm chương trình đã chú ý đáp ứng nhu cầu của bộ phận công chúng ở nông thôn. Kết quả điều tra năm 1980 cho thấy 13% chương trình của AIR là nhạc cổ điển, 8,4% nhạc nhẹ, 6,6% nhạc phim, 4,7% nhạc dân gian, 1,7% nhạc Phương Tây.
Đối tượng tiêu thụ âm nhạc đại chúng, nhạc phim Bollywood nhiều ảnh hưởng Phương Tây chủ yếu là dân đô thị, lứa tuổi trẻ. Các điều tra xã hội học và phỏng vấn sâu cho thấy họ say mê âm nhạc Phương Tây trong khi không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống. Nhiều người cảm thấy nhạc cổ điển Ấn Độ quá chậm, thậm chí buồn tẻ, không phù hợp với cuộc sống hiện đại.
6. Ảnh hưởng Phương Tây trong văn hóa âm nhạc Ấn Độ mang đến những hệ quả tích cực cũng như tiêu cực.
6.1. Những hệ quả tích cực
Phương Tây đã thổi vào Ấn Độ luồng gió đầy sinh lực, khích lệ tinh thần đổi mới, mở tung những cánh cửa cho giao lưu và sáng tạo, luồng gió rất cần thiết cho nền âm nhạc vốn có một lịch sử lâu dài và những thành tựu vĩ đại, vốn giàu ý thức truyền thống đến mức có thể trở nên bảo thủ.
Sự tiếp biến những ảnh hưởng âm nhạc Phương Tây, từ lý luận đến nhạc khí, kỹ thuật, phong cách đã làm giàu có thêm cho nền âm nhạc Ấn Độ vốn cực kỳ phong phú đa dạng, đồng thời đóng góp cho thế giới những thành tựu độc đáo.
Khi người Ấn biểu diễn, thưởng thức âm nhạc Phương Tây hoặc sáng tác, biểu diễn, thưởng thức âm nhạc theo kiểu Phương Tây và ngược lại, khi người Ấn thấy âm nhạc của dân tộc mình được người Phương Tây biểu diễn, thưởng thức thì ý thức của họ về sự bình đẳng vị thế giữa hai nền âm nhạc, hai nền văn hóa được bồi đắp, củng cố. Niềm tự tin đó càng tăng cường quan hệ giao lưu, tăng cường sáng tạo. Với ảnh hưởng Phương Tây, nền âm nhạc đại chúng của Ấn Độ dần hình thành, phát triển, ngày càng trở nên toàn cầu hóa.       
6.2. Những hệ quả tiêu cực
Trên trang answer.yahoo.com, khi trả lời câu hỏi “Has Western influence helped or destroyed Indian music?” (Ảnh hưởng Phương Tây hỗ trợ hay phá hoại âm nhạc Ấn Độ?), người Ấn Độ đã bày tỏ những quan điểm khác nhau. Bên cạnh những ý kiến cho rằng ảnh hưởng Phương Tây giúp âm nhạc Ấn Độ luôn đổi mới, không bao giờ già cỗi thì cũng nhiều ý kiến lo ngại về sự bắt chước Phương Tây một cách mù quáng, làm mất gốc rễ dân tộc, nhất là thế hệ trẻ có thể sẽ không còn biết tôn kính âm nhạc truyền thống nói riêng, nền văn hóa truyền thống nói chung.
Đôi lời kết luận:
Giữa âm nhạc Ấn Độ và âm nhạc Phương Tây, cũng như giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Phương Tây có nhiều khác biệt nhưng điều đó không cản trở cuộc gặp gỡ giữa hai bên, mà thậm chí, dường như chính hấp lực của khác biệt đã khiến tương tác trở nên mạnh mẽ và sâu sắc.
Nếu như ảnh hưởng Ấn Độ chủ yếu là trong âm nhạc nghệ thuật của Phương Tây, thì ảnh hưởng Phương Tây lại chủ yếu là trong âm nhạc đại chúng của Ấn Độ. Ảnh hưởng Phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng trong hiện đại hóa văn hóa âm nhạc Ấn Độ theo xu hướng thế tục hóa, dân chủ hóa, do đó vượt khỏi phạm vi dân tộc để có thể đến được thế giới.
Văn hóa âm nhạc Ấn Độ tiếp thu ảnh hưởng Phương Tây về kỹ thuật trong khi vẫn trung thành với cốt lõi tinh thần dân tộc. Như vị thánh của Ấn Độ, Mahatma Gandhi, từng nói: “Khi mở cửa đón ánh nắng mặt trời, chúng tôi không để gió cuốn mình đi”. Vấn đề là làm sao luôn có được một bản lĩnh văn hóa để hòa nhập mà không hòa tan, không đánh mất bản sắc dân tộc. Bài học Ấn Độ cũng là bài học chung trong thời đại toàn cầu hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU
1. Basham, A.I. (ed) 1975: A Cultural History of India, Oxford: Clarendon Press, 1975
2. Cyrin Scott (H.V. dịch) 1971: “Âm nhạc và sự cấu tạo huyền bí con người”. Ánh Đạo số 19.
3. Durga, S.A.K: “Music in the changing cultural milieu”. archives.chennaionline.com
4. Frederick W. Harrison: “West meets East or how the sitar came to be heard in western pop music”. Journal on media culture
5. Lalmani Misra 1952-1953: “Contemporary problems for Indian music”. The journal Sangeet Kala Vihar, December 1952-January 1953.
6. Lalmani Misra: Time Theory of Raga-s.
7. Nguyễn Thừa Hỷ 1986: Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ. NXB. Văn hóa, H.
8. Sachi Sri Kantha 2006: “Illiterates and Indian Music”. 29 December
9. Sandeep Bhagwati 2002: “Indian music in Western composition”. Seminar entitled "Indian music and Globalization". www.ensemble-modern.com
10. Tim Hill 2004: “Western influence on Hindu musicians”. www.mtsusidelines.com.
11. Trần Văn Khê 2006: “Xác và Hồn trong âm nhạc truyền thống”. Vietsciences, 23/8
12. Trung tâm nghiên cứu Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á 1997: Ấn Độ xưa và nay. NXB. Khoa học Xã hội. H.
13. Trường ĐHKHXHVNV. Khoa Đông Phương học 2008: Giới thiệu văn hóa Phương Đông. NXB. Hà Nội.
14. Wen Chung Chou (Hà Vũ Trọng dịch) 2003: Âm nhạc châu Á ngày nay là gì? talawas.
Tp. HCM, 27.12.2008
Phan Thu Hiền
Theo http://www.vanhoahoc.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Café yêu

Café yêu Giới thiệu Nếu đã quen với những trang báo Hoa Học Trò thì cái tên Minh Nhật có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Tuy còn khá trẻ nh...