Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Anna Karenina 8

Anna Karenina 8
Quyển 3
Chương 12
Xe cỏ khô đã buộc chặt. Ivan nhảy xuống đất và cầm cương con ngựa lực lưỡng, béo tốt. Cô vợ vứt cào lên xe và vung vẩy tay nhanh nhẹn bước theo, nhập bọn với đám phụ nữ. Ivan ra đến đường cái, liền ngồi vào xe. Các thôn nữ, vác cào lên vai, quần áo sặc sỡ và đi sau đoàn xe chuyện trò vui vẻ. Một giọng thô cất lên lĩnh xướng một bài hát và cứ tới điệp khúc lại có chừng năm mươi giọng lanh lảnh bắt vào, tiếng trầm khàn xen lẫn tiếng trong dịu.
Đám phụ nữ vừa hát vừa lại gần Levin; chàng có cảm tưởng một đám mây hoan lạc như vũ bão đang tiến lại. Đám mây đuổi kịp chàng, bao bọc lấy chàng, và thế là đống rơm chàng đang nằm, cùng những đống rơm khác, cùng những xe ngựa, cùng tất cả cánh đồng cỏ với những thửa ruộng xa xa, tất cả đều như linh hoạt lên và lắc lư theo nhịp điệu bài hát man dại, vui tươi xen lẫn tiếng í ới gọi nhau, tiếng hò hét và huýt sáo. Levin thấy thèm không khí hoan hỉ đó; chàng muốn tham gia, cùng với họ bộc lộ lòng yêu đời ấy. Nhưng không được, chàng đành nằm dài mà ngắm nhìn và lắng nghe. Khi đám ca hát đi khuất và tiếng hát tắt dần, Levin cảm thấy lòng trĩu nặng một cảm giác cô đơn, vô công rồi nghề và hằn học với cả thế gian này.
Mấy người mugich vừa nãy tranh cãi gay gắt nhất với chàng về việc chia cỏ khô, hoặc bị chàng làm nhục hoặc định lừa dối chàng, giờ đây lại vui vẻ chào chàng và rõ ràng không còn chút giận hờn hoặc hối hận nào: họ cũng không còn nhớ đã định lừa dối chàng nữa. Mọi cái đó đều chìm vào niềm vui lao động chung. Chúa đã ban cho họ ánh ngày và thể lực. Cả hai cái đó đều dùng vào lao động và được đền bù ngay trong lao động. Nhưng họ làm việc cho ai? Kết quả lao động sẽ ra sao? Đó chỉ là những ý niệm phù phiếm và không quan trọng.
Levin vẫn thường khâm phục cuộc sống đó và ghen với những người tham dự vào đó, nhưng hôm nay, với ấn tượng Ivan Pacmenov và cô vợ trẻ gây cho chàng, lần đầu tiên Levin nghĩ rằng: nếu muốn đem cuộc sống cá nhân, giả tạo và trống rỗng đang khiến mình phiền não đổi lấy cuộc sống lao động chung xiết bao bọc trong sạch và quyến rũ kia, cái đó hoàn toàn tuỳ chàng thôi.
Ông già ngồi ban nãy nói chuyện với chàng đã về nhà từ lâu; mỗi người đi mỗi ngả. Những người ở quanh đây thì về nhà, những người ở xa tới thì thu dọn ngủ lại đêm và sửa soạn nấu ăn tối. Levin lẻn đến nằm dài trên đống cỏ khô, ngắm nhìn, nghe ngóng, suy nghĩ. Đám nông dân ở lại hầu như không ngủ tí nào trong cái đêm hè ngắn ngủi này. Trong bữa ăn tối, chỉ nghe thấy tiếng nói, tiếng cười vui vẻ, rồi tiếng hát và sau đó lại tiếng cười.
Ngày lao động dài dặc không để lại dấu vết gì khác ngoài niềm vui.
Trước rạng đông một lát, tất cả chìm vào yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng ếch nhái kêu ran dưới đầm lầy và đàn ngựa thở phì phò trong đồng cỏ giữa sương mù dâng lên trước sáng. Levin bừng tỉnh, đứng dậy, và, nhìn trời cao, chàng biết đêm đã tàn.
"Nào, làm gì đây? Làm cách nào đây?", chàng tự nhủ, cố diễn đạt tất cả những cảm nghĩ trong cái đêm ngắn ngủi vừa qua. Tất cả những điều chàng suy nghĩ và cảm thấy, chia làm ba dòng. Dòng thứ nhất là từ bỏ cuộc sống dĩ vãng và vốn học vấn vô dụng. Sự khước từ này hiển nhiên đưa đến niềm vui sướng thật sự và không khó khăn gì đối với chàng. Một số ý nghĩ khác liên quan đến cuộc đời chàng định sống từ nay. Chàng cảm thấy sâu sắc sự giản dị, trong sạch, chính đáng của cuộc sống đó và chàng biết chắc sẽ tìm thấy ở đó sự mãn nguyện, yên ổn và nhân phẩm mà chàng đau xót cảm thấy mình đang thiếu. Nhưng loại tư tưởng thứ ba lại xoay quanh cách chuyển từ cuộc sống cũ sang cuộc sống mới như thế nào. Và về điều này, chàng không thấy có sẵn một biện pháp nào rõ ràng "Lấy vợ. Tìm việc làm, đặt mình vào thế bó buộc phải làm việc. Rời Pocrovxcoie? Mua một khoảnh đất? Trở thành uỷ viên hội đồng xã? Lấy một cô nông dân?
Làm cách nào đây? Chàng lại tự hỏi lần nữa mà vẫn không tìm được câu trả lời. "Vả lại, suốt đêm không chợp mắt, mình không thể suy nghĩ cho minh mẫn được, chàng tự nhủ. Để sau này sẽ hay. Có điều chắc chắn là: đêm nay đã quyết định số phận mình. Tất cả mộng tưởng cũ về hạnh phúc vợ chồng chỉ là chuyện ngu xuẩn, vấn đề không phải như thế. Cứ thế này lại giản dị và hoàn hảo hơn nhiều...".
"Đẹp quá! Chàng thầm nghĩ, nhìn lên đám mây trắng nhỏ ngay trên đầu vần vũ giữa bầu trời thành hình vỏ hến màu xà cừ. Mọi vật sao mà tuyệt diệu trong cái đêm tuyệt diệu này! Cái vỏ hến kia thành hình từ lúc nào mà nhanh thế nhỉ? Mình vừa nhìn lên trời chỉ thấy có hai dải mây trắng bay ngang. Phải, ý niệm của mình về cuộc sống cứ biến đổi lúc nào không biết, theo cách như thế đấy!".
Chàng rời cánh đồng cỏ và đi ra đường về làng. Gió hiu hiu thổi, mọi vật nhuốm một màu xám xỉn. Đó là giây phút ảm đạm thường thấy trước bình minh, lúc ánh dương chiến thắng đêm tối.
Levin co ro cả người vì lạnh, vừa vội vã bước nhanh vừa nhìn xuống đất. "Cái gì vậy? Ai đến đấy nhỉ?", chàng nghĩ thầm khi nghe thấy tiếng nhạc ngựa và ngẩng đầu lên. Cách khoảng bốn mươi bước, trên đường cái lớn lún phún cỏ, một cỗ xe du lịch bốn ngựa đang chạy ngược lại phía chàng. Đàn ngựa nép sát càng xe để tránh một ổ gà, nhưng gã xà ích khéo léo, ngồi chếch một bên ghế, đã hướng càng xe vào ngay ổ gà nên bánh xe vẫn chạy trên đất bằng.
Levin không thấy gì khác và cũng không tự hỏi xem ai đang đến, chỉ lơ đãng nhìn vào xe.
Một bà già ngủ gà ngủ gật trong góc xe, nhưng ngồi sát cánh cửa là một thiếu nữ, rõ ràng vừa tỉnh giấc, hai tay cầm dải băng chiếc mũ đội đêm. Nét mặt bình thản và tư lự, phản ánh một đời sống nội tâm thanh tao, phức tạp và xa lạ với Levin, nàng đăm đăm nhìn phía mặt trời mọc, trên đỉnh đầu chàng.
Đúng lúc hình ảnh đó biến mất thì cặp mắt trong veo dừng lại nhìn chàng. Nàng nhận ra chàng và mặt nàng ngời lên một vẻ ngạc nhiên vui sướng.
Chàng không thể lầm được. Đôi mắt đó là duy nhất trên đời này, đối với chàng chỉ có một người trên đời này có thể thâu tóm tất cả ánh sáng và ý nghĩa cuộc sống. Đó là nàng. Đó là Kitti. Chàng biết nàng từ ga xe lửa tới và về Ergusovoi. Và tất cả những gì đã khuấy động Levin trong cái đêm trắng vừa qua, tất cả những quyết định chàng đã sắp sẵn, trong nháy mắt bỗng tan thành mây khói. Chàng ghê sợ nhớ lại cái ý định lấy một cô nông dân. Kia, trong chiếc xe đang vùn vụt bon xa và đã chạy sang bên kia đường cái, kia cũng là câu trả lời duy nhất có thể giải đáp điều bí ẩn vẫn giày vò chàng trong thời gian gần đây.
Nàng không ló mặt ra nữa. Tiếng lò xo không nghe rõ nữa, chỉ còn văng vẳng tiếng nhạc ngựa. Tiếng chó sủa làm Levin biết xe đã chạy qua làng... chỉ còn lại cánh đồng hoang vắng bốn bề, xóm làng mãi xa xa và riêng mình chàng, cô đơn, xa lạ với hết thảy, một mình thui thủi đi trên đường cái lớn vắng tanh.
Chàng nhìn bầu trời, hy vọng thấy lại chiếc vỏ hến đã ngắm ban nãy, nó như thể hiện mọi diễn biến tư tưởng và tình cảm trong đêm qua. Vòm trời chẳng còn cái gì giống vỏ hến cả. Trên kia, trong khoảng cao xanh vô tận, một biến hóa thần bí đã diễn ra. Không còn thấy dấu vết vỏ hến, chỉ có tấm thảm phẳng lì những đám mây xôm xốp mỗi lúc một nhỏ hơn, trải suốt nửa bầu trời. Bầu trời càng xanh hơn, càng sáng hơn và câu trả lời nó đem lại cho cái nhìn dò hỏi của Levin vẫn dịu dàng nhưng vẫn bí hiểm như trước.
"Không, chàng tự nhủ, cuộc sống lao động bình dị này dù đẹp đến thế nào chăng nữa, mình cũng không thể quay về với nó được. Mình yêu nàng".
Quyển 3
Chương 13
Trừ những người thân cận, không ai ngờ Alecxei Alecxandrovitr, bề ngoài có vẻ lạnh lùng và mực thước đến thế, lại mắc một nhược điểm trái hẳn với bản tính: ông không thể dửng dưng nhìn đàn bà hoặc trẻ con khóc lóc. Thấy nước mắt là ông bối rối không còn làm gì được nữa. Chánh văn phòng và thư ký của ông biết rõ nhược điểm đó, thường căn dặn những bà đến cầu cạnh đừng có khóc, nếu họ không muốn làm lỡ việc. "Ông ấy sẽ cáu và không nghe các bà nói nữa đâu", hai người thường bảo họ như vậy. Thực vậy, sự bối rối của Alecxei Alecxandrovitr khi thấy nước mắt thường biểu hiện bằng giận dữ. "Tôi không thể giúp gì được. Xin mời bà đi ra!", ông thường quát lên trong những trường hợp tương tự.
Ở trường đua ngựa về, khi Anna thú nhận đã dan díu với Vronxki, và ngay sau đó lấy tay che mặt khóc oà lên, mặc dầu căm ghét vợ, Alecxei Alecxandrovitr vẫn cảm thấy bối rối như mọi lần nhìn thấy nước mắt. Biết thế và hiểu rằng biểu hiện tình cảm lúc đó sẽ đâm ra lạc lõng, ông cố nén không tỏ vẻ gì. Do đó, mặt ông có cái vẻ cứng đờ như xác chết làm Anna rất kinh ngạc.
Khi về tới trước cửa nhà, ông đỡ nàng xuống xe và gắng kiềm chế mình. Ông cáo từ với vẻ lịch thiệp thường ngày và nói vài câu lửng lơ không hứa hẹn gì. Ông nói ngày mai sẽ báo cho biết quyết định của mình.
Những lời vợ nói đã xác nhận mối nghi ngờ tệ hại của ông là đúng và khiến ông vô cùng đau đớn. Nỗi đau khổ ấy càng tăng thêm do cái cảm giác thương hại kỳ lạ về mặt thể xác khi nhìn thấy vợ khóc. Nhưng khi còn một mình trong xe, Alecxei Alecxandrovitr ngạc nhiên và vui sướng thấy mình hoàn toàn dứt bỏ được cả lòng thương hại đó lẫn những nghi ngờ và đau khổ vì ghen tuông vẫn giày vò ông thời gian gần đây.
Ông có cái cảm giác của một người vừa nhổ được cái răng sâu từ lâu. Sau phút đau buốt ghê gớm, tưởng như bị nhổ ở hàm ra một cái gì đồ sộ, to hơn cả đầu mình, người bệnh, - tuy chưa dám tin hẳn vào niềm hạnh phúc đó, - đột nhiên cảm thấy cái vật bấy lâu vẫn đầu độc đời mình, thu hút tất cả sự chú ý của mình, nay không còn nữa, và anh ta lại có thể sống, suy nghĩ và quan tâm đến chuyện khác ngoài cái răng đau. Đó chính là cảm giác của Alecxei Alecxandrovitr. Nỗi đau đớn thật kỳ lạ và ghê gớm, nhưng giờ đã tiêu tan; ông thấy lại có thể tiếp tục sống và suy nghĩ những cái khác ngoài vợ mình.
"Đó là một phụ nữ hư hỏng, vô liêm sỉ, vô lương tâm, vô đạo! Xưa nay ta vẫn biết, vẫn thấy rõ điều đó, nhưng vì thương hại cô ta mà phải cố tự dối mình", ông tự nhủ. Và ông thành thực tưởng xưa nay vẫn thấy rõ điều đó: ông nhớ lại mọi chi tiết trong quãng đời đã qua, những chi tiết xưa kia ông thấy có vẻ vô tội; giờ đây những chi tiết đó lại bộc lộ rõ ràng là vợ ông xưa nay vẫn hư hỏng sẵn. "Ta đã mắc sai lầm đem gắn bó đời mình với cô ta, nhưng sai lầm này không có gì đáng chê trách, cho nên ta không thể đau khổ được. Không phải ta phạm tội mà chính cô ấy, ông tự nhủ. Ta không việc gì phải bận tâm vì cô ấy. Đối với ta, cô ấy không còn nữa".
Tất cả những gì dính dáng đến vợ, đến con trai (đối với nó, tình cảm ông đồng thời cũng thay đổi) đều không làm ông quan tâm nữa.
Việc duy nhất làm ông lo lắng là tìm cách tốt nhất, thích hợp, tiện lợi nhất và do đó, đúng đắn nhất, để rửa vết bùn nhơ do người vợ sa ngã vấy lên và để tiếp tục cuộc sống hữu ích, hoạt động và lương thiện.
"Ta không thể đau khổ vì việc làm nhơ nhuốc của một người đàn bà đáng khinh; ta chỉ cần tìm lối thoát tốt nhất cho hoàn cảnh oái oăm này mà cô ấy dồn ta vào. Và ta sẽ tìm thấy lối thoát đó, ông tự nhủ, mặt mỗi lúc một sa sầm. Ta không phải người đầu tiên và cũng không phải kẻ cuối cùng". Và ngoài những thí dụ lịch sử, như câu chuyện "Nàng Helen xinh đẹp, vợ gã Menelax xấu số 1, vừa được gợi lại trong trí nhớ mọi người 2, Alecxei Alecxandrovitr nhớ tới hàng loạt ông chồng trong xã hội thượng lưu có vợ bội bạc: "Darialov, Pontavxki, hoàng thân Caribanov, bá tước Paxcudin, Dram... Phải, cả Dram nữa... một người có năng lực và chính trực như thế, Xemionov, Tsaghin, Xigonin... Cứ cho là họ mắc vào một cái lố bịch 3 phi lý, nhưng về phần ta, bao giờ ta cũng coi đó là nỗi bất hạnh đáng thương", Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ; thực ra đâu phải thế, chưa bao giờ ông thương xót cho những nỗi bất hạnh tương tự, và trước đây, càng thấy nhiều gương xấu vợ phụ bạc chồng, ông càng tự đánh giá mình cao hơn. "Đó là điều bất hạnh mà ai cũng có thể gặp. Bây giờ đến lượt ta. Vấn đề hiện nay là tìm cách tốt nhất đối phó với tình cảnh này". Và ông điểm lại thái độ những người đã lâm vào hoàn cảnh tương tự như mình...
"Darialov đã đấu súng..." Hồi còn trẻ, những cuộc đấu súng rất lôi cuốn Alecxei Alecxandrovitr, chính vì, về mặt thể chất, ông vốn nhát và biết rõ điều đó. Alecxei Alecxandrovitr không thể hình dung một khẩu súng lục chĩa vào mình mà không khiếp sợ, và suốt đời ông chưa hề dùng bất cứ thứ vũ khí nào. Nỗi sợ đó thường khiến ông nghĩ tới chuyện đấu súng và tính trước những trường hợp ngẫu nhiên có thể buộc ông phải liều mạng một keo. Từ khi thành đạt và củng cố được địa vị chắc chắn, ông quên bẵng cảm giác đó: nhưng thói quen lại ngóc đầu dậy và nỗi sợ về tính nhút nhát của chính mình hôm nay bùng lên mãnh liệt đến nỗi Alecxei Alecxandrovitr phải hình dung một cuộc đấu súng dưới mọi khía cạnh và mơn trớn giả định đó trong đầu, mặc dầu biết trước đó là bất cứ trong trường hợp nào, ông cũng không dám đọ sức.
"Rõ ràng xã hội ta còn quá dã man (chứ không như bên Anh) nên còn nhiều người (trong đó có cả những người rất được ông coi trọng ý kiến) tán thành việc đấu súng; nhưng hậu quả ra sao? Cứ giả dụ ta thách hắn đấu súng; Alecxei Alecxandrovitr nghĩ thầm, và mường tượng thấy rõ ràng cái đêm thao thức sau lúc thách đấu và khẩu súng lục chĩa vào mình, ông run bắn người và biết chắc sẽ không bao giờ làm như vậy. Cứ giả dụ ta thách hắn đấu súng. Giả dụ có người dạy ta ngắm, ta bóp cò và giết chết hắn, ông nhắm mắt thầm nghĩ.
Ông lắc đầu xua đuổi ý nghĩ ngu ngốc đó. Muốn biết phải xử sự với người vợ tội lỗi và đứa con ta như thế nào, mà lại đi giết người thì hỏi còn có nghĩa lí gì? Sau đó, ta vẫn phải quyết định cách đối xử với vợ. Và - điều này dễ xảy ra hơn và có thể nói là chắc chắn nữa - nếu chính ta bị giết hoặc bị thương ư? Thế lại càng phi lý! Hơn nữa, về phía ta, thách đấu như vậy là một hành động không trung thực. Ta há lại không biết bạn bè sẽ không đời nào cho phép ta đấu súng hay sao? Họ không cho phép một chính khách hữu ích cho nước Nga thí mạng như vậy. Thế thì sao? Biết trước việc đó nhất định không thành, ta có thách đấu thì cũng chỉ là muốn tự tô điểm bằng ánh hào quang giả dối thôi! Như thế là không trung thực, giả đạo đức, là lừa dối mình và lừa dối người khác. Nhất thiết không thể đấu súng và cũng không ai mong ta làm việc đó. Mục đích của ta là bảo toàn thanh danh cần thiết cho ta tiếp tục sự nghiệp không trở ngại". Công việc quốc gia mà lúc nào ông cũng coi trọng, giờ đây trước mắt Alecxei Alecxandrovitr lại càng có ý nghĩa lớn lao hơn.
Sau khi đề cập và loại trừ chuyện đấu súng, Alecxei Alecxandrovitr nghĩ đến chuyện ly hôn, một giải pháp khác đã được một số ông chồng vừa điểm tới, lựa chọn. Nhớ lại tất cả những vụ ly hôn nổi tiếng (vốn rất nhiều trong xã hội thượng lưu), Alecxei Alecxandrovitr không thấy trường hợp nào có mục đích giống như mục đích ông đề ra. Trong mỗi trường hợp đó, người chồng hoặc nhường hoặc bán vợ đi, và nhờ đó người vợ tội lỗi mất quyền kết hôn có thể ăn ở với một người coi như là chồng trong một cuộc hôn nhân coi như chính thức. Còn việc ly hôn hợp pháp đưa đến kết quả thẳng tay gạt phăng người vợ phụ bạc, Alecxei Alecxandrovitr thấy không thể dùng cách đó. Hoàn cảnh sống phức tạp của ông không cho phép viện ra những chứng cớ thô bỉ theo yêu cầu của pháp luật để xác minh tội lỗi vợ; mà dù có chăng nữa, sự lọc lõi nổi tiếng của xã hội này cũng ngăn ông sử dụng chứng cớ đó, chưa kể nó sẽ làm dư luận quần chúng đánh giá ông tồi tệ hơn vợ 4.
Việc yêu cầu ly hôn chỉ dẫn đến kiện cáo điếm nhục, tạo cơ hội thuận tiện cho những kẻ kình địch lợi dụng phỉ báng và hạ thấp địa vị ông trong xã hội. Thành thử mục đích chính của ông: giải quyết hoàn cảnh mình sao cho đỡ phiền phức, cũng sẽ không đạt được bằng ly hôn. Ngoài ra nếu ông ly hôn, hoặc chỉ cần phát đơn tố tụng ly hôn là chắc chắn vợ ông sẽ cắt đứt mọi quan hệ với chồng và sống luôn với tình nhân. Vậy mà, mặc dầu tưởng đã hoàn toàn khinh bỉ và không thiết vợ, trong thâm tâm Alecxei Alecxandrovitr vẫn còn một thứ tình cảm: ông sợ rằng vợ mình có thể đường hoàng ăn ở với Vronxki và tội lỗi đâm có lợi cho nàng. Chỉ riêng ý nghĩ đó cũng đủ khiến Alecxei Alecxandrovitr tức giận đến phát rên lên vì đau khổ, làm ông phải đứng dậy đổi chỗ ngồi trong xe và cau mày chăm chú hồi lâu bọc đôi chân run rẩy, gầy gò vào tấm chăn mềm.
Ngoài ly hôn, còn có thể làm như Caribanov, Paxcudin và Dram, con người đôn hậu: sống riêng rẽ, ông nghĩ tiếp khi đã nguôi nguôi:
Nhưng giải pháp này cũng có điều bất tiện như ly hôn và nhất là nó sẽ đẩy vợ ông vào trong tay Vronxki. "Không, dứt khoát không thể được! Không thể được! Ông nói to và lại quấn chặt chăn vào chân. Ta không thể đau khổ đã đành nhưng cả vợ ta lẫn hắn cũng không được phép sung sướng!".
Máu ghen vẫn giày vò ông khổ sở trong thời gian còn nghi hoặc, nay biến mất cùng nỗi đau khi chiếc răng đã nhổ, khi Anna thú nhận.
Nhưng máu ghen nhường chỗ cho một tình cảm khác: ông muốn chẳng những vợ không giành được phần thắng mà còn phải đền tội.
Điều đó, ông không dám thú nhận với bản thân, nhưng trong thâm tâm, ông muốn nàng phải đau khổ vì tội phá hoại yên ổn và danh dự của ông. Sau khi duyệt lại mọi khía cạnh của việc đấu súng, ly hôn, sống riêng rẽ, và gạt bỏ mọi việc đó, Alecxei Alecxandrovitr hiểu rằng chỉ còn lối thoát duy nhất: giữ vợ ở lại, giấu không cho mọi người biết chuyện xảy ra, dùng mọi biện pháp trong phạm vi quyền hạn mình để cắt đứt quan hệ bất chính đó, và nhất là (ông cũng không dám thú nhận với bản thân điều này) trừng phạt nàng. "Ta phải bảo cho cô ấy biết quyết định của ta: nói cho cô ấy biết là sau khi suy nghĩ về hoàn cảnh ê chề mà cô ấy đẩy gia đình lâm vào, mọi lối thoát khác ngoài việc giữ nguyên hiện trạng 5 đều tai hại cho cả hai bên và ta sẵn sàng duy trì hiện trạng đó với điều kiện nghiêm ngặt là cô ấy phải chiều theo ý muốn của ta, nghĩa là chấm dứt mọi sự đi lại vói tình nhân".
Để củng cố quyết định mà ông đã dứt khoát chọn, Alecxei Alecxandrovitr đưa thêm một lập luận khác: "Chỉ có cách đó mới là hành động đúng giáo lý, ông tự nhủ, như thế ta đã không ruồng bỏ người đàn bà tội lỗi, mà còn tạo cho nàng khả năng hối cải, thậm chí còn hiến một phần sức lực để chuộc tội và cứu vớt cô ấy, dù điều đó làm ta rất khổ tâm.
Mặc dầu Alecxei Alecxandrovitr biết mình không thể có chút ảnh hưởng nào với vợ, mọi dự định đó chỉ dẫn đến dối trá, mặc dầu trong những giây phút đau đớn đó, ông không hề lúc nào nghĩ đến chuyện tìm chỗ dựa ở tôn giáo, giờ đây, khi cảm thấy quyết định của mình phù hợp với đòi hỏi giáo lý - ít nhất cũng là theo quan niệm của ông - nó cũng làm ông hoàn toàn mãn ý và phần nào yên tâm. Ông khoan khoái nghĩ rằng ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng như thế này, cũng không ai có thể trách ông không hành động phù hợp với quy tắc của thứ tôn giáo vẫn được ông giương cao cờ giữa sự thờ ơ và lạnh nhạt của mọi người. Nghĩ thế, Alecxei Alecxandrovitr càng thấy không có lý gì quan hệ của ông với vợ lại không thể giữ gần nguyên như cũ. Tất nhiên không bao giờ ông quý trọng nàng nữa nhưng cũng không có và không thể có lý do nào khiến ông phải đảo lộn cuộc sống và đau khổ vì vợ bội bạc.
"Phải, thời gian qua đi sẽ an bài tất cả, quan hệ vợ chồng của ta sẽ trở lại như xưa. Nghĩa là sao cho ta đỡ cảm thấy rầy rà trong cuộc sống. Chính cô ta phải đau khổ, còn ta, ta không gây ra tội, cho nên không việc gì mà đau khổ".
Chú thích:

1. "La Belle Hélène", kịch của Jacques Offenbach (1819 - 1880), nói về một người đàn bà ngoại tình. Vở này hồi đó đang thịnh hành ở Mạc-tư-khoa và Peterburg.
2. ý nói: vừa được diễn lại.
3. Ridicule (tiếng Pháp trong nguyên bản).
4. Theo pháp luật nước Nga cũ, người phạm lỗi trong ly hôn không được phép kết hôn nữa và muốn ly hôn phải có chứng cớ cụ thể bắt quả tang thông dâm.
5. Statu quo (tiếng La tinh trong nguyên bản).
Quyển 3  
Chương 14
Khi đến gần Peterburg, Alecxei Alecxandrovitr không những nhất quyết như vậy, mà còn thảo sẵn trong đầu một bức thư cho vợ. Trong buồng người gác cổng, ông lướt qua thư từ, báo chí, công văn từ Bộ mang lại và sai người đưa lên phòng làm việc của mình.
- Cho tháo ngựa và không tiếp ai cả, - ông trả lời câu hỏi của gã gác cổng, nhấn mạnh một cách khá thích thú vào chữ "ai", chứng tỏ ông đang vui.
Alecxei Alecxandrovitr đi bách bộ hai lần trong phòng làm việc, và dừng lại trước bàn giấy đồ sộ trên đó gã hầu phòng đã thắp sẵn sáu ngọn nến, ông bẻ khục ngón tay, ngồi xuống và lấy ra mọi thứ cần thiết để viết thư. Ông chống khuỷu tay lên bàn nghiêng đầu sang bên, suy nghĩ một lát và bắt đầu viết một mạch. Ông viết cho Anna bằng tiếng Pháp, không gọi tên, mà dùng đại từ "cô" đỡ lạnh nhạt hơn trong tiếng Nga.
Trong lần nói chuyện vừa rồi, tôi đã phát biểu ý định sẽ báo cho cô biết quyết định của tôi về vấn đề đã bàn bạc. Sau khi suy nghĩ kỹ, giờ đây tôi viết thư này cho cô nhằm giữ trọn lời hứa. Quyết định của tôi như sau: bất kể tư cách cô thế nào, tôi tự thấy không có quyền cắt đứt sợi dây liên hệ mà một quyền năng tối cao đã ràng buộc ta với nhau. Gia đình không thể tan vỡ vì thói ngông cuồng, phóng túng hay thậm chí tội lỗi của vợ hoặc chồng, và cuộc sống chúng ta vẫn phải tiếp tục như cũ. Điều đó cần cho tôi, cho cô, cho con chúng ta.
Tôi tin rằng cô đã hối lỗi và hiện đang ăn năn về sự việc buộc tôi phải viết thư này, và tin rằng cô sẽ giúp tôi loại trừ tận gốc rễ nguyên nhân bất hòa và quên hẳn dĩ vãng. Trong trường hợp ngược lại, tự cô cũng có thể đoán trước những điều chờ đợi cô và con cô đấy. Tôi hy vọng sẽ có dịp bàn kỹ hơn vấn đề này trong cuộc gặp sau. Vì nghỉ hè sắp hết, tôi mời cô về ngay Peterburg càng sớm càng hay, chậm nhất là thứ ba này. Mọi sự cần thiết sẽ được chuẩn bị để cô dọn nhà. Mong cô chú ý là tôi đặc biệt coi trọng việc cô đồng ý thực hiện lời yêu cầu của tôi.
A. Carenin T.B. - Kèm theo là số tiền cô có thể cần đến.
Ông hài lòng đọc lại thư và mãn ý nhất là đã nghĩ đến việc gửi tiền kèm theo; không một lời tàn tệ, không một lời trách mắng, nhưng cũng không hề khoan nhượng. Và nhất là ông đã tạo cho nàng một cái cầu bằng vàng để quay lại. Ông gấp thư, lấy con dao rọc giấy lớn bằng ngà miết cho xẹp nếp, bỏ vào phong bì cùng số tiền, và, với niềm vui thích thường cảm thấy khi thấy dụng cụ văn phòng ngăn nắp gọn gàng, ông lắc chuông.
- Anh cầm thư này bảo tên chạy giấy mai đưa cho bà Anna Arcadievna ở ngoài biệt thự, - ông nói và đứng dậy.
- Thưa quan lớn, vâng. Tôi có phải bưng trà ra hầu ngài không?
Alecxei Alecxandrovitr sai bưng trà vào phòng làm việc và tay mân mê con dao rọc giấy, ông bước lại ghế bành, cạnh đó có để sẵn đèn và quyển sách tiếng Pháp đọc dở viết về nền văn tự tượng hình Ai Cập.
Một bức chân dung đẹp của Anna, tác phẩm của họa sĩ trứ danh, lồng trong khung bầu dục thiếp vàng, treo phía trên ghế bành. Alecxei Alecxandrovitr ngắm tranh. Đôi mắt bí ẩn đăm đăm nhìn ông nhạo báng và hỗn xược, y như tối vừa rồi khi nàng nói rõ mọi chuyện với ông. Chiếc khăn ren đen được nghệ sĩ thể hiện tuyệt vời, mái tóc đen và bàn tay xinh đẹp trắng muốt với ngón thứ tư đeo nhẫn, mọi cái đều hỗn xược và thách thức đối với Alecxei Alecxandrovitr. Sau khi dừng lại gần một phút ngắm bức chân dung, Alecxei Alecxandrovitr run bắn người, đến nỗi môi bật lên một tiếng rên và ông quay đi. Ông vội ngồi xuống ghế bành và mở sách ra. Ông thử đọc nhưng không sao tìm lại được niềm thích thú rất sôi nổi đối với nền văn tự tượng hình Ai Cập như trước. Ông nhìn vào sách nhưng lại nghĩ tới việc khác. Ông không nghĩ tới vợ nữa, mà nghĩ tới một việc rắc rối xảy ra gần đây trong công vụ, hiện đã trở thành điều quan tâm chính. Ông cảm thấy rõ hơn bao giờ hết mình đã đi sâu vào trung tâm vấn đề phức tạp đó và đã vận dụng trí tuệ nghĩ ra (ông có thể nói vậy mà không sợ lầm, ý kiến cơ bản có thể dàn xếp toàn bộ vấn đề, làm ông có thể thăng một cấp mới trên bước đường hoạn lộ, làm những kẻ kình địch phải chưng hửng, và do đó góp phần vĩ đại cống hiến cho quốc gia. Khi người hầu mang trà đã ra khỏi phòng, Alecxei Alecxandrovitr liền đứng dậy và đi tới bàn giấy. Ông kéo hồ sơ đựng công văn hàng ngày ra, cầm bút chì, và thoáng mỉm cười mãn nguyện, vùi đầu đọc những tài liệu liên quan đến việc rắc rối ông đã dự kiến trước. Việc rắc rối đó như sau: với tư cách là chính khách, Alecxei Alecxandrovitr cũng như tất cả các quan lại đang làm nên, có một số đặc tính đã góp phần cùng lòng tham vọng dai dẳng, sự dè dặt, chính trực và tự tin, giúp ông thành đạt trên đường công danh; đó là: sự khinh miệt mọi giấy tờ hành chính, khuynh hướng giảm bớt thư từ công văn, để đi thẳng vào công việc thực tế và đức tiết kiệm. Cái tiểu ban nổi tiếng lập ngày mồng 2 tháng 6 đã bàn đến việc dẫn thủy nhập điền cho đất đai cày cấy của tỉnh Zaraixc, công trình này, do Bộ của Alecxei Alecxandrovitr quản lý, đã cung cấp một thí dụ rất rõ về tệ lãng phí quan liêu. Công việc do người tiền nhiệm của người tiền nhiệm của Alecxei Alecxandrovitr khởi sự. Và quả thực, người ta đã tiêu tốn rất nhiều tiền vô ích và sáng kiến đó hình như không đưa đến kết quả gì. Lúc mới nhận chức, Alecxei Alecxandrovitr hiểu ngay điều đó và định tự mình bắt tay vào trông nom; nhưng ông cảm thấy địa vị chưa vững vàng, vấn đề lại dính dáng quá nhiều đến quyền lợi người khác, làm như vậy sẽ tỏ ra không biết điều, sau đấy bận vấn đề khác, ông quên bẵng vấn đề ruộng đất ở Zaraixc, chuyện đó cũng như mọi việc khác cứ theo luật quán tính mà tự động tiến hành.
(Nhiều người sống nhờ vào đó, và đặc biệt là một gia đình rất gia giáo và rất giỏi nhạc có bốn con gái đều chơi đàn dây. Alecxei Alecxandrovitr quen gia đình đó và từng làm chủ hôn cho đám cưới một cô lớn). Alecxei Alecxandrovitr cho cái Bộ kình địch nêu vấn đề lên là đã hành động bất lương, vì mỗi Bộ đều che giấu những việc còn gai góc hơn, mà vì lịch thiệp nên không ai vạch ra. Nhưng vì họ khiêu khích, nên ông mạnh dạn nhận thách thức và yêu cầu chỉ định một tiểu ban dẫn thủy nhập điền cho đất đai cày cấy của tỉnh Zaraixc, đồng thời cũng không tha gì các vị kia. Ông yêu cầu chỉ định một tiểu ban đặc biệt mới nữa để trông coi việc tổ chức các dị tộc. Vấn đề tổ chức các dị tộc đã ngẫu nhiên được nêu lên tại ủy hội ngày mồng 2 tháng 6 và được Alecxei Alecxandrovitr kiên quyết ủng hộ với lý do tình hình của những dị tộc bi đát, không thể chậm trễ phút nào. Vấn đề đó gây ra tranh luận giữa các Bộ. Bộ kình địch với Alecxei Alecxandrovitr đã chứng minh tình hình những dị tộc rất phồn vinh và những đề nghị cải cách có thể làm hại đến sự thịnh vượng của họ, và mặt khác, nếu có điều gì đáng phàn nàn thì đó chỉ là do Bộ của Alecxei Alecxandrovitr đã sao lãng không chấp hành những biện pháp do luật pháp quy định. Giờ đây, Alecxei Alecxandrovitr muốn:
1. Yêu cầu thành lập một tiểu ban mới có nhiệm vụ điều tra tình hình các dị tộc;
2. Nếu tình hình các dị tộc quả thực đúng như số liệu chính thức mà ủy hội nắm trong tay, sẽ đòi chỉ định một tiểu ban nghiên cứu để tìm nguyên nhân tình hình bi đát của các dị tộc về các phương diện:
a) chính trị, 

b) hành chính, 
c) kinh tế, 
d) dân tộc, 
đ) vật chất và 
e) tôn giáo;
3. Yêu sách Bộ đối địch phải cung cấp:
a) báo cáo cụ thể những biện pháp mười năm qua do chính Bộ đó đã tiến hành để cải thiện hoàn cảnh bi đát của các dị tộc; b) giải thích tại sao đã hành động hoàn toàn trái ngược với đạo luật căn bản của Đế chế, trang 18 quyển... và chú thích ở trang 36, và để chứng minh điều đó, còn có tài liệu số 17015 và 18308 ngày 5 tháng 12 năm 1863 và ngày 7 tháng 6 năm 1864 trong số tài liệu đã gửi đến ủy hội.
Mặt Alecxei Alecxandrovitr hồng lên khi ghi tóm tắt những ý nghĩ đó. Sau khi viết kín cả trang giấy, ông đứng dậy, lắc chuông, sai mang một mảnh giấy đến trưởng phòng, yêu cầu cung cấp ít tài liệu.
Lúc đi qua phòng, ông lại liếc nhìn bức chân dung lần nữa, cau mày và mỉm cười khinh bỉ. Ông đọc vài trang sách viết về văn tự hình tượng Ai cập, lại thấy hứng thú như trước và đến mười một giờ thì đi ngủ. Nằm vào giường, ông nhớ lại câu chuyện lục đục giữa hai vợ chồng: nó hiện lên trước mắt với màu sắc bớt u ám đi nhiều.
Quyển 3 
Chương 15
Mặc dầu Anna tức tối khăng khăng cãi lại khi Vronxki nói hoàn cảnh nàng không thể kéo dài nữa, trong thâm tâm, nàng vẫn cho cuộc sống đó thật gian dối, bất lương và rất muốn đổi đời. Khi ở trường đua về cùng chồng, trong phút xúc động, nàng nói hết với ông ta và mặc dầu đau khổ, nàng vẫn hài lòng. Sau đó, khi chồng đi rồi, nàng tự nhủ thế là mình đã thoả mãn, giờ đây mọi cái đều minh bạch và ít nhất nàng không còn sống trong dối trá nữa. Nàng tin chắc tình thế đã rõ ràng dứt khoát. Hoàn cảnh mới có lẽ sẽ gay go hơn, nhưng không còn lập lờ và giả dối nữa. Nàng thầm nghĩ nỗi đau khổ nàng gây ra cho chính mình và cho chồng khi thú nhận chuyện đó, sẽ được đền bù bằng sự phân tỏ rành rọt này. Ngay tối đó, nàng gặp Vronxki, nhưng không nói cho biết việc xảy ra giữa hai vợ chồng; tuy nhiên, lẽ ra nàng nên nói cho chàng biết, để sự thể được phân minh.
Sáng sau tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên của nàng là nhớ tới những lời đã nói với chồng: nàng thấy những lời đó khủng khiếp đến nỗi đâm ngạc nhiên không hiểu sao mình lại dám quyết định nói những câu kỳ quặc và lỗ mãng đến thế, và không hình dung được kết quả sẽ ra sao. Nhưng nàng chót nói mất rồi và Alecxei Alecxandrovitr đã bỏ đi, không trả lời gì hết. "Mình đã gặp Vronxki mà không nói cho chàng biết. Khi chàng sắp ra về, mình đã toan gọi lại kể chuyện ấy, nhưng rồi lại thay đổi ý kiến vì e chàng thắc mắc tại sao mình không nói ngay từ đầu. Tại sao mình im lặng như thế nhỉ?". Đáp lại câu hỏi này, mặt nàng đỏ bừng hổ thẹn. Nàng biết rõ chính sự hổ thẹn đã ghìm nàng lại. Tối qua, tình cảnh nàng hình như có vẻ đâu vào đấy, bây giờ không những không rõ ràng nữa mà còn không lối thoát. Nàng sợ ô danh, cái điều từ trước đến nay nàng chưa hề nghĩ tới. Chỉ cần nghĩ tới điều chồng có thể làm, là những linh cảm khủng khiếp nhất đã xâm chiếm lấy nàng. Nàng tưởng như viên quản gia trong phút chốc sẽ tới đuổi mình đi và toàn thế giới đều biết nỗi điếm nhục của mình.
Nàng tự hỏi sẽ đi đâu khi bị đuổi khỏi nhà và không tìm ra câu trả lời.
Nghĩ tới Vronxki, nàng tưởng tượng chàng thôi không yêu mình, bắt đầu chán mình rồi, nàng không thể bắt chàng phải nghĩ tới mình nữa và đâm giận chàng. Nàng tưởng như những lời nàng thú với chồng và hiện vẫn thầm ôn lại đó, nàng đã nói ra trước toàn thế giới và toàn thế giới đã nghe thấy. Nàng không còn dám nhìn thẳng vào mặt những người cùng sống trong nhà. Nàng không dám lắc chuông gọi chị hầu phòng và càng không dám xuống nhà gặp con trai và cô gia sư.
Cô hầu phòng, nhiều lần đến nghe ngóng ở cửa buồng, liền bước vào không đợi gọi. Anna nhìn cô ta, dò hỏi và đỏ bừng mặt, khiếp hãi.
Cô hầu xin lỗi đã chót vào và nói tưởng nghe thấy chuông gọi. Cô ta mang vào chiếc áo dài và một lá thư. Đó là thư của Betxi. Bà ta nhắc Anna, sáng nay, Liza Mercalova và nam tước phu nhân Stonde sẽ cùng các hiệp sĩ hộ tống là Calujxki và tôn ông Xtremov tới nhà mình để đánh quần. "ít nhất chị cũng tới một lát, dù chỉ để nghiên cứu nhân tình thế thái. Tôi chờ chị", bà ta kết thúc. Anna đọc thư và thở dài.
- Tôi không cần gì, - nàng nói với Annusca đang sắp xếp lại chai lọ và bàn chải trên bàn trang điểm. - Ra đi, tôi mặc quần áo ngay đây và sẽ ra sau. Tôi không cần gì cả.
Annusca ra rồi, Anna vẫn chưa mặc quần áo vội. Nàng ngồi nguyên như cũ, đầu cúi gục xuống, hai cánh tay thõng thượt và toàn thân thỉnh thoảng lại run bắn lên: nàng muốn cử động, nói một câu gì đó, nhưng lại đờ đẫn ra. Nàng luôn miệng nhắc "Trời ơi! Trời ơi!", nhưng hai chữ đó không có ý nghĩa gì đối với nàng hết. Mặc dù không bao giờ nghi ngờ tôn giáo mà nàng được thụ huấn từ nhỏ, ý nghĩ tìm sự cứu chuộc ở đó, đối với nàng, cũng viển vông như cầu cứu Alecxei Alecxandrovitr. Nàng biết trước chỉ có cách khước từ điều đã trở thành tất cả lẽ sống của mình, nàng mới hòng được tôn giáo cứu giúp.
Nàng không những buồn khổ mà còn khiếp sợ trước một trạng thái tâm hồn xưa nay chưa từng thấy. Nàng cảm thấy trong người, từ nơi sâu kín nhất, mọi cái đều nhân đôi, như đồ vật thỉnh thoảng cũng chập đôi trước những cặp mắt mệt mỏi. Có lúc nàng không biết mình sợ gì và muốn gì. Hiện tại hay tương lai? Nàng cũng không biết nữa.
"Ôi! Mình làm gì thế này!". Nàng tự nhủ và đột nhiên đau nhói hai bên đầu. Nàng định thần và nhận ra mình đang nắm chặt tóc ở hai bên thái dương. Nàng vùng đứng lên và đi bách bộ quanh phòng.
- Cà phê đã pha xong. Cô 1 và Xerioja đang chờ bà đấy ạ. - Annusca nói, lần thứ hai bước vào phòng và thấy Anna vẫn trong trạng thái cũ.
- Xerioja à? Nó đang làm gì đấy? - Anna hỏi, đột nhiên hoạt bát hẳn lên khi nhớ ra trên đời còn có con trai.
- Hình như chú ấy nghịch bậy! - Annusca mỉm cười trả lời.
- Nghịch gì?
- Chú ấy ăn vụng đào để trong phòng khách.
Nhớ đến con, Anna đột nhiên thoát khỏi cái mớ bòng bong nàng đang mắc vào. Nàng nhớ tới nhiệm vụ người mẹ sống vì con có phần thành thực nhưng hơi quá đáng mà nàng gánh vác những năm qua, và thấy trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn còn một lĩnh vực mà quan hệ giữa nàng với chồng và với Vronxki không thể xâm phạm tới: đứa con. Dù có bị dồn đến bước cùng cực thế nào chăng nữa, cũng không bao giờ nàng chịu bỏ con. Chồng có thể biêu riếu, xua đuổi, Vronxki có thể lạnh nhạt và trở lại cuộc sống độc lập cũ (một lần nữa nàng lại hờn oán nghĩ tới chàng) nhưng nàng không thể bỏ con. Nàng vẫn còn một mục đích. Và nàng phải hành động, hành động để bảo vệ vị trí của nàng đối với đứa trẻ. Không thể để họ giật nó khỏi tay mình. Thậm chí phải hành động nhanh, thật nhanh nữa, trước khi họ cướp nó. Phải mang con đi. Nàng cần trấn tĩnh lại và thoát khỏi tâm trạng bất định, quằn quại này. Nghĩ đến hành động trực tiếp liên quan đến con, nghĩ đến việc bỏ đi tức khắc, nàng thấy thanh thản.
Nàng vội mặc quần áo, xuống nhà và đĩnh đạc bước vào buồng ăn, ở đó Xergei và cô gia sư, theo thường lệ, đang chờ nàng cùng ăn sáng.
Xergei, quần áo trắng toát, đứng trước bàn dưới tấm gương: đầu và lưng cúi xuống, với vẻ căng thẳng nàng biết rõ và do đó nom càng giống bố, nó đang sửa lại những bông hoa nó đem vào.
Cô gia sư coi bộ đặc biệt nghiêm khác. Xerioja kêu the thé:
- A! Mẹ ơi! - rồi dừng lại, lưỡng lự: không biết nên chạy đến chào mẹ và bỏ hoa lại đó, hay gài cho xong vòng hoa để đưa biếu mẹ?
Sau khi chào Anna, cô gia sư liền kể dài dòng và tỉ mỉ về lỗi Xerioja mắc phải, nhưng Anna không để ý nghe; nàng tự hỏi có nên đưa cô ta theo không. "Không, nàng quyết định. Mình sẽ đi một mình với con".
- Phải, thế là xấu lắm, - Anna nói và ôm vai con, nàng nhìn nó với một vẻ rụt rè hơn là nghiêm khắc làm thằng bé vừa bối rối vừa phấn khởi, rồi hôn nó. - Cô để nó cho tôi, - nàng bảo cô gia sư đang ngạc nhiên, và không buông tay con, nàng ngồi xuống cạnh bàn bày thức ăn ở góc phòng bên kia.
- Mẹ ơi, con... con... không..., - nó nói, nhìn mặt mẹ cố đoán xem mình sẽ bị xử trí ra sao về chuyện ăn vụng đào.
- Xerioja ạ, - nàng nói khi cô gia sư đã ra khỏi phòng, - thế là không tốt, nhưng con không làm như vậy nữa chứ?... Con có yêu mẹ không?
Nàng thấy rưng rưng nước mắt. "Làm sao mình không yêu nó được?
Nàng thầm nhủ, đăm đăm nhìn cặp mắt vừa sợ hãi vừa vui sướng của con. Chắc nó sẽ không về hùa với bố mà trừng phạt mình! Nó sẽ thương mình!". Nước mắt chảy xuống mặt; để che giấu, nàng vội đứng dậy và gần như chạy ra sân thượng.
Sau những trận mưa dông mấy ngày qua, trời quang đãng và trở rét. Không khí giá lạnh mặc dầu ánh nắng rực rỡ vẫn luồn qua kẽ lá sạch láng.
Nàng run lên vì rét và sợ hãi: ở ngoài trời thoáng đãng, những lo âu lại xâm chiếm nàng dữ dội khác thường.
- Con ra với cô Mariet đi, - nàng bảo Xerioja toan theo mẹ rồi đi đi lại lại trên chiếc chiếu trải ở sân thượng. - Lẽ nào ông ta lại không tha thứ cho mình, lẽ nào ông ta lại không hiểu điều đó là tất yếu? - nàng tự hỏi.
Nàng dừng bước, ngước nhìn ngọn cây hoàn diệp liễu đang đung đưa theo chiều gió, lá cây bóng láng dưới ánh nắng, và hiểu rằng ông ta sẽ không tha thứ cho mình, giờ đây toàn thế giới sẽ tàn nhẫn như bầu trời này, rặng cây này. Một lần nữa nàng cảm thấy là trong lòng, mọi cái lại bắt đầu lưỡng hoá. "Không, đừng có nghĩ ngợi gì, nàng tự nhủ. Mình sẽ đi chuẩn bị hành lý. Đi đâu? Bao giờ đi? Đem ai đi theo?
Phải, đi Moxcva, đi chuyến tàu tối nay. Đi với Annusca và Xerioja và chỉ mang theo đồ dùng cần thiết. Nhưng trước đó phải viết thư cho cả hai người". Nàng vội vã bước vào nhà, về phòng giấy, ngồi xuống trước bàn và viết thư cho chồng:
"Sau câu chuyện vừa xảy ra, tôi không thể ở lại nhà ông được nữa.
Tôi ra đi và đem theo con trai tôi. Tôi không hiểu theo luật pháp, thì nó phải ở với ai trong hai chúng ta, nhưng tôi đem nó đi vì tôi không thể sống thiếu nó. Mong ông rộng lượng và để nó cho tôi".
Cho tới chỗ đó, nàng viết nhanh chóng dễ dàng, nhưng nghĩ đến nước phải kêu gọi sự độ lượng (nàng không công nhận chồng có đức tính ấy) và phải kết thúc bằng một câu xúc động, nàng liền dừng bút.
"Tôi không thể nói tới lỗi lầm và ăn năn được, vì..." Nàng lại dừng bút và đứt mất mạch suy nghĩ. "Không, vô ích", nàng tự nhủ, xé lá thư rồi viết lại, lần này không nhắc gì đến sự độ lượng và dán phong bì. Phải viết thư cho Vronxki. "Em đã thú nhận với chồng rồi...", nàng viết và ngồi lặng hồi lâu không đủ sức tiếp tục. Thật quá thô kệch, chẳng có vẻ gì phụ nữ cả. "Vả lại, mình biết viết cho chàng cái gì kia chứ?", nàng tự nhủ. Một lần nữa, mặt nàng lại đỏ bừng vì hổ thẹn, nhớ lại cảnh yên tĩnh trước đây, và một nỗi hờn giận khiến nàng xé vụn tờ giấy mới bắt đầu viết. "Mọi cái đó đều vô ích", nàng nghĩ. Nàng gấp tập giấy thấm lại, lên gác và báo cho cô gia sư cùng bọn đầy tớ biết là ngay tối đó, nàng sẽ đi Moxcva, nàng lập tức sửa soạn hành lý.
Chú thích:

1. Mamzelle (tiếng Pháp trong nguyên bản) tức là "Made-moiselle" phát âm một cách thông tục, bình dân (đây là chỉ cô gia sư)
Quyển 3
Chương 16
Người gác cổng, người làm vườn và các gia nhân khác khiêng vác đồ đạc đi ra đi vào khắp mọi căn phòng toà biệt thự. Tủ đứng và tủ ngăn đều mở toang; đã hai lần phải đi mua thêm dây gai; báo chí vứt bừa bãi dưới sàn. Hai chiếc rương, những túi xách và bọc chăn xếp ngoài phòng chờ. Chiếc xe nhà và hai xe thuê chờ ở ngoài thềm. Mải chuẩn bị hành lý quên bẵng những lo lắng, Anna đang đứng trước bàn trong phòng giấy và xếp đồ dùng vào túi du lịch con thì Annusca nhắc nàng có tiếng xe đang lại gần. Anna đưa mắt nhìn qua cửa sổ và thấy gã chạy giấy của Alecxei Alecxandrovitr giật chuông ngoài cửa.
- Ra xem cái gì thế, - nàng nói và sẵn sàng chờ mọi sự xảy ra, bình tĩnh ngồi xuống ghế bành, tay bó gối. Gã đầy tớ đem vào một gói to, địa chỉ do chính tay Alecxei Alecxandrovitr viết.
- Bác chạy giấy chờ trả lời đấy ạ, - hắn nói.
- Được, - nàng nói; hắn ra rồi, nàng đưa ngón tay run run xé giấy gói. Một tập giấy bạc mới tinh còn phong kín tuột ra. Nàng mở thư và đọc luôn vào những dòng cuối. "Mọi sự cần thiết sẽ được chuẩn bị để cô dọn nhà. Tôi đặc biệt coi trọng việc cô đồng ý thực hiện lời yêu cầu của tôi", nàng đọc. Nàng đọc ngược lên, đọc tất cả và đọc lại từ đâu đến cuối thư một lần nữa. Đọc xong nàng lạnh toát người: một tai họa còn khủng khiếp hơn dự đoán sập xuống đầu nàng.
Buổi sáng, nàng hối hận đã chót nói ra với chồng và ước gì những lời đó chưa hề được thốt ra. Thì đây bức thư này coi như không hề có những lời đó và đem đến điều nàng mong ước. Nhưng lúc này, đối với nàng những dòng thư còn kinh khủng hơn tất cả những gì nàng có thể tưởng tượng.
"Lão ta có lý! Lão ta có lý! Nàng tự nhủ. Tất nhiên, bao giờ lão ta chả có lý, lão ta là người ngoan đạo, cao thượng mà! Thật là một con người đê tiện và bỉ ổi! Và điều đó, ngoài mình ra, không ai hiểu và sau này cũng sẽ không ai hiểu mà chính mình lại không thể nói ra được. Họ bảo lão ấy là người thông minh, mộ đạo, đức hạnh, hiền lương; nhưng họ không nhìn thấy điều mình đã thấy. Họ không biết là ròng rã tám năm nay, lão ấy đã áp bức, bóp nghẹt tất cả những gì sống thực trong mình, không bao giờ lão ấy nghĩ mình là một người đàn bà đang sống, mình cần có tình yêu. Họ không biết trong mỗi bước đi, lão đều làm mình khổ nhục và lão mãn nguyện về việc đó.
Mình đã chẳng hết sức cố bào chữa cho thái độ cư xử của lão đó sao?
Mình đã chẳng cố yêu lão, yêu con mình trong khi mình không thể yêu chồng được nữa đó sao? Nhưng đã đến lúc mình hiểu rằng không thể tự lừa mình được nữa, rằng sống không phải là tội ác, rằng Chúa đã tạo ra mình là người như vậy, mình cần sống và yêu. Và bây giờ thì sao? Giá lão giết mình đi, giá lão giết chàng đi, mình có thể cam chịu, mình sẽ tha thứ cho lão, nhưng không, lão lại...
"Sao mình lại không đoán được điều lão sẽ làm nhỉ? Lão chỉ có thể làm những việc phù hợp với tính khí ti tiện của lão. Lão vẫn có quyền chính đáng, còn mình, mình sa ngã rồi, lão còn dìm mình xuống đất đen nữa..." "Tự cô cũng có thể đoán trước những điều chờ đợi cô và con cô đấy", nàng nhớ tới câu đó. Lão doạ sẽ bắt con mình. Cứ theo luật pháp ngu xuẩn của họ thì chắc có thể xẩy ra như vậy. Nhưng mình thừa biết tại sao lão lại nói như vậy. Thậm chí lão không tin là mình yêu con, hoặc lão kinh miệt tình cảm đó (lão chả vẫn nhạo báng tình cảm đó là gì); nhưng lão biết mình sẽ không bỏ con, mình không thể bỏ con được, không có nó thì dù ở bên người yêu, mình cũng không sống nổi, vì nếu từ bỏ và trốn tránh nó thì mình sẽ hành động như người đàn bà đê tiện và đốn mạt nhất: lão biết thế và cũng biết không bao giờ mình đủ sức hành động như vậy".
"Cuộc sống chúng ta vẫn phải tiếp tục như cũ", nàng lại nhớ tới một câu khác trong thư. "Nhưng cuộc sống đó trước đây đã đủ là cực hình rồi, và thời gian gần đây, nó càng khủng khiếp. Giờ đây nó sẽ như thế nào?".
"Lão biết tất cả cái đó, lão biết mình không thể ăn năn vì đã chót thở hít, chót yêu; lão biết cái đó chỉ là dối trá và đạo đức giả; nhưng lão cần tiếp tục hành hạ mình. Mình thừa hiểu con người lão, biết lão bơi trong dối trá như cá bơi trong nước và lão còn lấy thế làm khoái trá. Nhưng không, mình không để lão vui sướng như thế được; mình sẽ xé tan cái màn dối trá lã muốn bao bọc mình; cái phải xẩy đến ắt sẽ đến. Muốn gì cũng còn hơn là giảo quyệt".
"Nhưng biết làm gì đây? Trời ơi! Trời ơi! Có ai khổ như tôi không?...".
- Phải, mình sẽ cắt đứt, mình sẽ cắt đứt! - nàng thét lên, đột nhiên đứng dậy và cố cầm nước mắt. Và nàng đến bàn giấy để viết thư thứ hai cho chồng. Nhưng trong thâm tâm, nàng đã cảm thấy mình không đủ sức cắt đứt, sẽ không bao giờ đủ sức thoát khỏi hoàn cảnh này, dù nó có dối trá và bất lương đến đâu chăng nữa.
Nàng ngồi trước bàn, nhưng đáng viết thư thì lại gục đầu tì lên đôi tay khoanh lại và oà khóc như đứa trẻ, lồng ngực phập phồng nức nở.
Nàng khóc cho nỗi mơ ước một tình trạng minh bạch nay đã vĩnh viễn tan vỡ. Nàng biết trước tất cả sẽ lại y nguyên như cũ và sẽ còn tệ hại hơn trước nữa. Nàng cảm thấy vẫn muốn bám vào địa vị mình trong xã hội, mà trước đó một lát nàng đã rất coi rẻ, và nàng không đủ sức đánh đổi nó lấy địa vị nhục nhã của người đàn bà bỏ chồng bỏ con đi theo tình nhân; nàng thấy dù cố gắng đến đâu nàng vẫn không vượt nổi bản thân mình. Nàng sẽ không bao giờ được biết thế nào là tình yêu trong tự do, sẽ mãi mãi chỉ là người đàn bà tội lỗi, luôn luôn có nguy cơ bị chồng khép vào tội lừa dối, đi dan díu nhục nhã với một người xa lạ, một người đàn ông không bị ràng buộc gì mà nàng không thể chung sống. Nàng biết sự việc sẽ như thế, đồng thời thấy nó kinh khủng đến nỗi không hình dung nổi rồi đây sẽ kết thúc ra sao. Và nàng mặc sức khóc, không cần nén lại, y như đứa trẻ bị phạt.
Nàng trấn tĩnh lại khi nghe tiếng chân gã đầy tớ và giấu mặt đi vờ như đang viết.
- Bác chạy giấy hỏi xin thư trả lời đấy ạ, - gã đầy tớ nói...
- Thư trả lời à? ừ được, bảo anh ta đợi đấy, - Anna nói. - Tôi sẽ giật chuông gọi.
"Biết viết gì đây? Nàng thầm nghĩ. Một mình mình làm sao mà quyết định được? Mình còn biết cái gì nữa? Mình muốn gì? Thích gì?".
Một lần nữa nàng lại cảm thấy mọi cái bắt đầu lưỡng hóa trong tâm hồn. Nàng lại hãi hùng như hồi nãy và bấu víu ngay vào cái cớ đầu tiên đến với mình để hoạt động ngõ hầu lãng đi không nghĩ đến mình nữa. "Mình phải đi gặp Alecxei (nàng thường gọi Vronxki như vậy khi nghĩ tới chàng), chỉ chàng mới có thể bảo cho mình biết phải làm gì.
Mình sẽ đến nhà Betxi, may ra sẽ gặp chàng ở đó", nàng tự nhủ, hoàn toàn quên bẵng là vừa mới hôm qua, khi nàng ngỏ ý không muốn lại nhà quận chúa Tecxkaia, chàng đã trả lời nếu vậy chàng cũng sẽ không đến. Nàng trở lại bàn và viết cho chồng:
"Tôi đã nhận được thư ông. A.".
Sau đó, nàng giật chuông và trao thư cho tên hầu phòng.
- Chúng ta không đi nữa, Nàng nói với Annusca vừa bước vào.
- Không đi nữa à?
- Không; từ giờ đến mai, đừng tháo hành lý ra vội và cũng đừng trả xe ngựa. Tôi đến nhà quận chúa đây.
- Tôi phải sửa soạn chiếc áo nào cho bà đấy ạ?
Quyển 3
Chương 17
Giới thượng lưu đến dự cuộc đánh quần mà quận chúa Tverxcaia đã mời Anna tới, gồm hai vị phu nhân và những kẻ ngấp nghé họ. Hai vị phu nhân là nhân vật nổi nhất trong nhóm quý phái mới của Peterburg, được mệnh danh bắt chước theo một sự bắt chước là: "Bảy kỳ quan của thế giới" 1. Mặc dầu là tinh hoa trong xã hội thượng lưu ưu tú, nhóm đó lại đối địch với nhóm Anna thường lui tới. Hơn nữa, tôn ông Xtremov, một trong những người có thế lực nhất ở Peterburg, kẻ vẫn tôn thờ Liza Mercalova, lại là kình địch của Alecxei Alecxandrovitr. Vì tất cả lý do trên, Anna không muốn đến đó và câu nhấn mạnh trong thư của quận chúa Tverxcaia cũng là để đề phòng nàng từ chối. Nhưng bây giờ, với hy vọng gặp Vronxki ở đó, Anna lại muốn đến. Nàng tới nhà quận chúa Tverxcaia trước cả các quan khách khác. Nàng vừa bước vào thì gã hầu phòng của Vronxki với hai chòm râu má chải mượt, trông giống như quan nội giám, cũng sắp bước qua ngưỡng cửa. Hắn dừng lại để nhường bước và ngả mũ lưỡi trai ra chào. Anna nhận ra hắn ta và lúc đó mới sực nhớ hôm qua Vronxki đã bảo mình là chàng sẽ không đến. Chắc chàng cho người đến tạ lỗi.
Trong khi cởi áo ngoài ở phòng chờ, nàng nghe thấy gã người hầu nói với cách phát âm điều điệu kiểu các quan nội giám không nhấn chữ r: "Của bá tước tôi kính gửi quận chúa", và hắn trao bức thư 2.
Nàng muốn hỏi gã hầu phòng xem chủ hắn ở đâu. Nàng định quay gót lại và gửi một bức thư nhắn chàng tới nhà nàng hoặc tự nàng sẽ đến tìm. Nhưng muộn rồi: tiếng chuông báo nàng đến đã vang lên và gã hầu phòng của quận chúa đứng né trước cánh cửa mở, đang chờ nàng đi vào.
- Thưa phu nhân, quận chúa đang ở ngoài vườn, sẽ có người đi báo ngay cho quận chúa biết, trừ phi phu nhân cũng muốn ra gặp quận chúa, - một gã hầu phòng thứ hai trong gian buồng thứ hai thưa với nàng.
Nàng lại cảm thấy do dự và bối rối như lúc ở nhà; thậm chí còn tệ hơn, vì không làm gì được: nàng không được gặp Vronxki mà còn phải nán lại đây giữa đám người xa lạ rất khác biệt với tâm trạng mình; nhưng nàng biết mình đang mặc bộ quần áo rất hợp; nàng không đơn độc; nàng được bao bọc trong cái cảnh trí nhàn hạ trang trọng rất quen thuộc và cảm thấy ở đây còn thoải mái hơn ở nhà; nàng không còn buộc phải suy nghĩ về những việc sẽ phải làm. Cứ để cho mọi sự xoay vần.
Thấy Betxi mặc áo dài trắng, rất trang nhã, đi lại gặp mình, Anna mỉm cười với bà ta như không hề có chuyện gì xảy ra. Theo sau quận chúa Tverxcaia là Tuscievitr và một cô em họ trẻ ở tỉnh nhỏ về đây nghỉ hè tại nhà vị quận chúa nổi tiếng, điều làm bố mẹ cô ta rất vui sướng.
Rõ ràng Anna có vẻ gì kỳ lạ, vì Betxi lập tức thấy ngay.
- Tôi bị mất ngủ, - Anna trả lời, liếc nhìn người hầu mà nàng đoán là cầm thư của Vronxki lại.
- Tôi thật vui sướng thấy chị đã quá bộ tới đây, - Betxi nói. - Tôi mệt quá và đang thèm uống ly trà trước khi họ đến. Còn anh, - bà quay lại bảo Tuscievitr, - anh nên cùng Masa đi ra thử cái sân quần 3, chỗ bãi họ xén cỏ rồi ấy. Ta còn đủ thời giờ nói chuyện thong thả với nhau trong lúc uống trà; ta sẽ chuyện gẫu một lát cho vui 4, phải không? đối với bà nói và bắt tay Anna đang cầm dù.
- Rất vui lòng, nhất là tôi không thể nán lại đây lâu, vì còn phải đến thăm bà cụ Vrege. Tôi hứa tới thăm bà cụ từ lâu lắm rồi, - Anna nói, và tính dối trá vốn trái ngược với bản chất nàng, không những đã trở thành giản dị và tự nhiên trong chốn giao du, mà còn thú vị nữa.
Tại sao nàng lại nói như vậy, trong khi trước đó một giây chưa hề nghĩ thế? Nàng không cắt nghĩa được. Nàng nói vậy vì Vronxki không tới, nàng phải đảm bảo tự do để tìm cách gặp chằng bằng cách này hoặc cách khác. Nhưng tại sao nàng lại nhắc đích danh bà mệnh phụ già đó, trong khi còn cần đến thăm bao nhiêu người khác? Nàng không giải thích nổi. Nhưng mọi việc sau đấy chứng tỏ nàng không thể tìm cách nào khéo hơn thế để gặp Vronxki.
- Không, tôi không để chị đi đâu, - Betxi trả lời, chăm chú nhìn Anna. - Thực tình, nếu không quý mến chị, thì tôi giận rồi đấy. Hình như chị sợ giới giao du của tôi làm chị mang tiếng ấy. Pha trà ngoài phòng khách nhỏ ấy nhé, - bà nói, lim dim mắt như thường lệ mỗi khi nói với đầy tớ.
Bà cầm thư và đọc.
- Alecxei sai hẹn rồi, - bà nói bằng tiếng Pháp; - anh ấy cho biết không đến được, - bà nói thêm, giọng rất giản dị và tự nhiên, tựa hồ chưa bao giờ bà nghĩ Vronxki có thể là gì khác đối với Anna ngoài tư cách là bạn cùng đánh quần. Anna biết chắc Betxi thấu suốt mọi chuyện, nhưng mỗi lần nghe bà ta nhắc tới Vronxki trước mặt mình, nàng vẫn luôn tự hỏi một lát xem có thực bà ta biết rõ chuyện không.
- Ồ! - Anna lạnh lùng nói, làm như rất ít quan tâm đến việc đó và tiếp tục mỉm cười: - giới giao du của chị làm sao lại có thể khiến người ta mang tiếng được?
Cách chơi chữ này, để che giấu điều bí mật, rất hấp dẫn đối với Anna cũng như đối với mọi người phụ nữ khác. Và không phải sự cần thiết che giấu, cũng chẳng phải cái đích cần đạt tới, mà chính bản thân phương pháp đó làm nàng thích thú.
- Tôi không thể ngoan đạo hơn cả giáo hoàng, - nàng nói. - Xtremov và Liza Mercalova là tinh hoa của xã hội thượng lưu. Hơn nữa, ở đâu họ cũng được tiếp đón, còn tôi (nàng nhấn mạnh vào chữ tôi), tôi chưa bao giờ nghiêm khắc và cố chấp cả. Tôi không có thời giờ.
- Phải, nhưng có lẽ chị không muốn gặp Xerioja? Cứ mặc ông ta và Alecxei Alecxandrovitr công kích lẫn nhau ở uỷ hội, cái đó không dính líu gì đến ta cả. Nhưng ở chốn giao du, đó là con người hòa nhã nhất mà tôi được biết, và còn là người say mê chơi quần vợt. Rồi chị sẽ thấy. Và mặc dầu vai trò chàng si già theo đuổi Liza có lố bịch thật, cũng phải công nhận ông ta sắm vai thật tuyệt vời! Ông ta rất dễ thương. Chị không quen Xapho Stond à? Tối tân bậc nhất đấy.
Trong khi Betxi nói, nhìn khóe mắt thông minh và lanh lợi của bà ta, Anna thấy bà đoán biết hoàn cảnh nàng và đang tìm cách giải quyết. Cả hai đang ở phòng khách nhỏ.
- Nhưng phải trả lời cho Alecxei chứ, - Betxi nói; bà ngồi vào bàn, viết vài chữ và bỏ vào phong bì. - Tôi viết thư mời anh ấy lại ăn trưa.
Tôi có bà khách chưa có nam giới tiếp. Chị xem xem, thế đã đủ thuyết phục chưa? Xin lỗi, chị ngồi đây một lát nhé. Chị làm ơn dán giúp phong bì lại và cho đem đi, tôi còn phải sai bảo vài việc, - bà ra đến cửa và nói.
Không nghĩ ngợi một giây, Anna ngồi vào bàn và chẳng cần đọc thư, viết thêm luôn: "Em rất cần gặp anh. Anh đến vườn nhà Vrege.
Em sẽ ở đó hồi sáu giờ". Nàng dán thư và Betxi đã quay trở lại, liền đưa thư cho tên đầy tớ ngay trước mặt nàng.
Quả thực hai bà đã chuyện gẫu vui vẻ 5, như lời quận chúa Tverxcaia hứa, trong khi uống trà bày trên chiếc bàn con trong phòng khách nhỏ mát mẻ. Họ bàn về những khách họ đang chờ và cuối cùng câu chuyện xoay quanh Liza Mercalova.
- Chị ấy rất đáng yêu và tôi bao giờ cũng có thiện cảm với chị ấy, - Anna nói.
- Chị mến chị ấy là phải. Còn chị ấy thì tôn sùng chị. Hôm qua, chị ấy đến gặp tôi sau cuộc đua ngựa và thất vọng vì không gặp chị. Chị ấy nói chị đích thực là nhân vật tiểu thuyết, và nếu là đàn ông thì chị ấy sẽ sẵn sàng làm mọi chuyện liều lĩnh vì chị. Xtremov liền bảo cứ như thế chị ấy cũng đã đủ liều lĩnh rồi.
- Nhưng xin chị cho biết, - Anna nói, sau một lát im lặng và bằng một giọng chứng tỏ rõ ràng không phải nàng bâng quơ, mà câu hỏi đó, đối với nàng, còn quan trọng hơn người ta tưởng, - chị nói cho biết, tôi không sao hiểu nổi quan hệ giữa chị ấy và hoàng thân Calujxki, thường gọi là "Misca", là như thế nào? Tôi họa hoằn mới gặp họ. Giữa họ với nhau có gì vậy?
Betxi nheo mắt cười và chăm chú nhìn Anna.
- Đó là mốt mới, - bà ta nói. - Tất cả các bà đều đã theo mốt đó. Họ bất chấp mọi dị nghị. Nhưng có nhiều cách khác nhau.
- Phải, nhưng quan hệ của chị ấy với Calujxki là thế nào?
Betxi không nhịn được, phá lên cười, điều hiếm thấy ở bà ta.
- Chị lấn sang địa hạt của quận chúa Myagkaia mất rồi. Thật là câu hỏi của đứa trẻ bất trị! - Và Betxi tuy đã cố gắng vẫn không nén được cười ngất, cái cười dễ lây của người không hay cười. - Phải hỏi họ chứ, - bà nói thêm, cười chảy nước mắt.
- Không, - Anna nói, bất giác lây cái vui của Betxi, - chị cười thế, nhưng tôi vẫn không hiểu. Thế vai trò người chồng ở đây là thế nào?
- Người chồng à? Ông chồng Liza Mercalova thường mang áo choàng cho chị ta và lúc nào cũng sẵn sàng phục tùng. Còn thực chất vấn đề là gì thì không ai cần biết. Chị cũng rõ, trong xã hội thượng lưu, không ai bàn đến chi tiết gia giảm; thậm chí cũng không nghĩ tới nữa. Những vấn đề này thì cũng như vậy.
- Chị có đến dự tiệc nhà Rôlanđaki không? - Anna hỏi để lái sang chuyện khác.
- Tôi không định đi, - Betxi trả lời, và không nhìn bạn, bà thận trọng rót trà thơm phức ra chén trong suốt. Bà đưa một chén cho Anna, rồi rút một điếu thuốc cuốn bằng giấy ngô, cắm vào bót bằng bạc và châm hút. - Chị thấy tôi đang ở trong hoàn cảnh may mắn, - bà nói tiếp, lần này không cười nữa, chiếc chén trong tay. - Tôi hiểu chị và tôi hiểu Liza. Liza là một người trong trắng, giống như đứa trẻ, không biết cái gì tốt và cái gì xấu, ít ra, cũng là trong thời kỳ niên thiếu. Và bây giờ, chị ta thấy sự ngây thơ đó hợp với mình nên có lẽ cố tình làm ra không hiểu, - Betxi nói, mỉm cười ranh mãnh. - Dù sao chăng nữa, cái đó cũng hợp với chị ta. Chị thấy không, vẫn cùng một hoàn cảnh người ta có thể nhìn bằng con mắt bi thảm và lấy đó làm đau khổ, đồng thời cũng có thể nhìn một cách giản đơn, thậm chí vui vẻ nữa.
Hình như chị có xu hướng nhìn sự vật bằng con mắt quá bi thảm.
- Ước gì tôi hiểu người khác như hiểu mình, - Anna nghiêm trang nói, giọng tư lự. - Tôi xấu hay tốt hơn người khác? Tôi nghĩ có lẽ mình xấu hơn.
- Thật là đứa trẻ bất trị, bất trị! Nhưng kìa họ đã đến.
Chú thích:
1. Les sept merveilles du monde (tiếng Pháp trong nguyên bản).
2. Đoạn này bản của Sylvie luneau dịch sót, và do đó, không có trong bản dịch tiếng Việt in lần thứ nhất. Lần này, chúng tôi đối chiếu nguyên bản dịch thêm vào.
3. Crockel-ground (tiếng Anh trong nguyên bản).
4. We'll have a cosy chat (tiếng Anh trong nguyên bản).
5. Cosy chat (tiếng Anh trong nguyên bản).
Quyển 3 
Chương 18
Họ nghe thấy tiếng chân, một giọng đàn ông, rồi một giọng đàn bà, tiếng cười và ngay sau đó, các vị khách họ đang chờ bước vào: Xapho Stond và một chàng thanh niên tràn trề sức lực tên gọi Vaxca. Rõ ràng chế độ ăn uống với các món thịt tái, nấm hương và rượu vang Buorgonh rất có hiệu quả với anh ta. Vaxca cúi chào các phu nhân và liếc nhìn họ, thoáng trong một giây. Anh ta bám sau Xaphô, bước vào phòng khách và như bị buộc chặt vào bà ta: đôi mắt anh long lanh nhìn chằm chằm như muốn nuốt chửng bà ta. Xapho Stond là một phụ nữ tóc vàng, mắt đen. Đĩnh đạc trên đôi giày cao gót, bà bước vào từng bước thật ngắn, và bắt tay các phu nhân mạnh mẽ như nam giới.
Anna chưa bao giờ gặp nhân vật trứ danh mới này và phải ngạc nhiên vì sắc đẹp và trang phục cùng cử chỉ táo tợn của bà ta. Trên đầu bà, sừng sững cả một dàn dáo tóc thật và giả vàng óng mượt.
Thành thử đầu bà cũng đồ sộ ngang bộ ngực đầy ngồn ngộn và hở phanh. Bà đi dáng hăm hở đến nỗi mỗi cử chỉ đều làm hằn rõ dưới chiếc áo dài hình khối đôi đầu gối hoặc đôi chân, và người ta bất giác tự hỏi, dưới cái núi phục trang giả núng nính kia, đến đâu thì thực sự chấm dứt tấm thân mảnh dẻ và thanh lịch phía trên phơi ra mà đằng sau và phía dưới lại che kín như vậy.
Betxi vội giới thiệu bà ta với Anna.
- Các bà có biết là suýt nữa chúng tôi chẹt phải hai người lính, - bà lập tức nói ngay, vừa nháy mắt và mỉm cười, vừa hất ra sau cái đuôi áo dài bị lệch sang bên do một cử động quá mạnh. - Tôi ngồi cùng xe với Vaxca... A, phải rồi, các ông bà chưa biết nhau nhỉ. - Bà giới thiệu chàng thanh niên, gọi bằng tên tục, rồi đỏ mặt và bật cười vì đã lỡ miệng gọi anh ta bằng Vaxca 1 trước một người không quen. Vaxca chào Anna lần nữa nhưng không nói gì. Anh ta quay lại phía Xaphô.
- Bà thua cuộc rồi. Chúng ta là những người đến đầu tiên. Bà trả nợ đi, - anh chàng mỉm cười nói.
Xaphô càng cười vui vẻ hơn.
- Chưa trả bây giờ được, - bà nói.
- Không sao cả, bà sẽ trả sau vậy.
- Thôi được, thôi được! A! Phải rồi, - bà đột nhiên kêu to với nữ chủ nhân, - tôi thực hay... Tôi quên bẵng đi mất... Tôi dẫn đến cho bà một vị khách. Ông ấy đây.
Vị khách bất ngờ đó mà Xaphô quên bẵng là một nhân vật quan trọng đến nỗi cả hai phu nhân đều đứng dậy đón tiếp mặc dầu ông ta còn trẻ.
Đây lại thêm một người tình si của Xaphô. Giờ đây ông ta cũng như Vaxca, bám sát bà.
Sau đó một lát, hoàng thân Kakujxki và Liza Mercalova đến, theo sau là Xtremov. Liza Mercalova tóc nâu, người mảnh khảnh theo kiểu á Đông và điệu bộ uể oải, có đôi mắt đẹp mà ai cũng bảo là "bí ẩn", bộ trang phục sẫm màu (Anna nhận thấy ngay và lấy làm ưa thích) rất hợp với loại sắc đẹp của nàng. Xaphô bộp chộp và dứt khoát bao nhiêu thì Liza dịu dàng và thoải mái bấy nhiêu.
Nhưng theo sở thích Anna thì Liza quyến rũ hơn nhiều. Betxi có nói với Anna rằng Liza làm ra vẻ trẻ nhỏ ngây thơ; khi thấy nàng, Anna cảm thấy không đúng. Nàng ngây thơ thực sự; quen được nuông chiều, nhưng đáng yêu và vô trách nhiệm. Đành rằng nàng cũng theo cùng một "mốt" như Xaphô: hai chàng hâm mộ, một trẻ, một già, bám theo sau như bị khâu liền vào váy và nghiến ngấu nhìn nàng; nhưng ở nàng có cái gì cao quý hơn những thứ vây quanh: cái ánh sáng của hạt kim cương giữa những đồ thuỷ tinh. ánh đó toả ra từ đôi mắt đẹp, đúng là bí ẩn. Cái nhìn mệt mỏi đồng thời lại đắm đuối của đôi mắt quầng thâm quả là kỳ lạ với vẻ vô cùng chân thực của nó. Nhìn thấy cặp mắt đó, ai nấy đều có cảm giác như đã hiểu nàng hoàn toàn, và một khi đã hiểu thì không thể không mến nàng. Nhìn thấy Anna, cả khuôn mặt nàng ngời lên một nụ cười vui vẻ.
- Chao! Tôi rất vui sướng được gặp bà! - nàng nói và bước lại gần Anna. - Tôi đã định gặp bà ngay sau cuộc đua, nhưng bà đi rồi. Tôi rất mong được gặp bà, nhất là hôm qua. Thật khủng khiếp, phải không? - nàng nói và nhìn Anna như muốn bộc lộ hết tâm hồn mình.
- Vâng, tôi không ngờ việc đó lại có thể xáo động đến như vậy, - Anna đỏ mặt nói.
Lúc đó, mọi người đứng dậy để ra vườn.
- Tôi không ra ngoài ấy đâu, - Liza nói, mỉm cười ngồi xuống cạnh Anna. - Cả bà cũng không ra chứ? Không hiểu đánh quần thì thích thú gì kia chứ!
- Có chứ, tôi rất thích chơi cái đó, - Anna nói.
- Thực ư? Bà bảo cho tôi biết, bà làm cách nào để khỏi buồn? Cứ nhìn thấy bà là thấy vui rồi. Bà đang sống; còn tôi thì chán chường.
- Bà mà chán chường ư? Nhưng nhà bà được coi là nơi vui nhất Peterburg kia mà, - Anna nói.
- Thế thì những người ít lui tới đó có lẽ còn chán ngán hơn; nhưng chúng tôi cũng chẳng vui vẻ gì, ít nhất cũng là về phần tôi: tôi buồn ghê lắm.
Xaphô châm thuốc lá hút và ra vườn cùng hai chàng thanh niên.
Betxi và Xtremov ngồi lại uống trà.
- Thế nào, chị buồn lắm à? - Betxi hỏi. - Xaphô nói hôm qua ở nhà chị vui lắm kia mà.
- Ô! Buồn chết đi được! - Liza Mercalova nói. - Sau cuộc đua, mọi người về nhà tôi. Vẫn những bộ mặt ấy, vẫn cái trò ấy! Mọi người nằm ườn trên đi văng suốt buổi tối. Thật chẳng có gì lý thú! Phải, như vậy làm sao khỏi buồn chán được? - nàng nói và lại quay sang Anna. - Chỉ cần trông bà cũng đủ biết dù sung sướng hay khổ sở, bà cũng không bao giờ buồn chán cả. Bà cho biết bà làm cách nào thế?
- Tôi chẳng làm cách nào cả, - Anna trả lời, đỏ mặt vì câu hỏi gặng đó.
- Đó chính là cách tốt nhất, - Xtremov nói chêm vào.
Xtremov trạc ngũ tuần, tóc hoa râm, nhưng còn khỏe mạnh, có cá tính và thông minh tuy rất xấu. Liza Mercalova là cháu vợ ông và ông luôn ở cạnh nàng trong mọi lúc rỗi. Là kình địch của Alecxei Alecxandrovitr, nhưng lịch thiệp và thông minh, ông cố tỏ ra đặc biệt niềm nở với Carenin.
- Phải, - ông nhấn mạnh với một nụ cười tinh tế, - đó là cách tốt nhất. Tôi đã nhắc cô điều đó từ lâu rồi, - ông nói và quay sang Liza Mercalova: - muốn khỏi buồn chán thì không nên nghĩ mình sẽ buồn chán. Cũng như sợ mất ngủ thì đừng nên lo là mình không ngủ được.
Đó chính là điều Anna Arcadievna muốn nói đấy.
- Tôi sẽ sung sướng nếu nói được câu đó vì không những nó trí tuệ mà còn đúng nữa, - Anna mỉm cười nói.
- Phải, nhưng hãy bảo cho tôi biết tại sao muốn không buồn cũng khó như muốn ngủ vậy.
- Vì muốn ngủ thì phải làm việc đã, và muốn vui chơi thì cũng phải thế.
- Tại sao tôi phải làm việc nếu tôi làm không có ích cho ai cả? Còn như giả vờ thì tôi không biết cách và cũng không thích.
- Cô thật bất trị, - Xtremov nói, không nhìn nàng và tiếp tục nói chuyện với Anna.
Ông ta họa hoằn mới gặp Anna nên chỉ có thể nói chuyện khách sáo thôi, nhưng khi hỏi nàng bao giờ về Peterburg, khen ngợi tình bạn của Lidia Ivanovna với nàng, ông đã biết làm ra vẻ hết sức thành tâm muốn làm vừa lòng và kính trọng nàng, thậm chí còn hơn thế nữa.
Tuscievitr vào báo là mọi người đang chờ họ ra đánh quần.
- Không, xin bà đừng đi vội, - Liza Mercalova nài khi thấy Anna định đứng dậy về. Xtremov cũng phụ họa theo.
- Giữa bè bạn ở đây và ở nhà bà cụ Vrege là cả một sự trái ngược rất lớn, - ông ta nói. - Hơn nữa, bà sẽ là cái cớ để bà cụ gièm pha, còn như ở đây bà chỉ gợi lên những tình cảm tốt đẹp nhất, hoàn toàn trái ngược với thói gièm pha, - ông ta nói với nàng.
Anna đã định thay đổi ý kiến. Những lời nói bùi tai của con người thông minh này, mối thiện cảm ngây thơ và trẻ con của Liza Mercalova đối với nàng, cái cảnh trí quý phái và thân thuộc, mọi cái đó thật nhẹ nhõm, còn việc sắp phải làm lại khó khăn đến nỗi khiến nàng do dự giây lát: tại sao không ở lại, không tạm hoãn giờ phút giãi tỏ nặng nề đó? Nhưng nghĩ tới những gì chờ đợi lúc vò võ một mình một bóng ở nhà, nếu không dám quyết định hẳn một đường, nhớ tới lúc đưa hai tay nắm lấy đầu tóc, cử chỉ mà chỉ nghĩ tới cũng đủ thấy khiếp sợ, nàng bèn cáo từ và ra về.
Chú thích:
1. Vaxca là tên gọi thân mật của Vaxili (còn gọi là Vaxya). Thông thường, người ta chỉ dùng cách gọi này với các em nhỏ hoặc nếu áp dụng với người lớn thì chỉ trong những quan hệ rất thân thiết.
Quyển 3 
Chương 19
Vronxki, tuy sống phóng đãng với vẻ ngoài phù phiếm, vẫn ghét sự bừa bãi. Hồi còn trẻ, ở trường Hoàng tộc thiếu sinh quân, một hôm túng tiền phải đi hỏi vay, chàng đã trải một phen nhục nhã vì bị từ chối và từ đó, chàng cố làm sao không bao giờ lâm vào cảnh đó nữa.
Để thu xếp công việc đâu vào đấy, mỗi năm độ bốn, năm bận, nhiều hay ít còn tuỳ hoàn cảnh, chàng đóng kín cửa ngồi tính toán tiền nong, hoặc như chàng gọi, để giặt giũ 1.
Hôm sau ngày đua ngựa, Vronxki ngủ dậy muộn, không cạo mặt và cũng chẳng tắm rửa, khoác chiếc áo quân phục trắng và xếp tiền nong, sổ sách, thư từ lên bàn, rồi bắt đầu làm việc. Pet'rixki thức dậy, thấy bạn đang ngồi ở bàn giấy, biết chàng rất dễ cáu vào lúc này, nên lặng lẽ mặc quần áo và đi ra ngoài để khỏi làm phiền.
Tất cả những kẻ nhìn rõ mọi chi tiết của hoàn cảnh phức tạp quanh mình, thường vô tình cho rằng sự phức tạp của hoàn cảnh đó cùng nỗi khó khăn trong việc gỡ mối, chỉ là chuyện cá biệt và ngẫu nhiên của riêng mình chứ không hề nghĩ người khác cũng phải đối phó với hoàn cảnh phức tạp của mình. Vronxki cũng cảm thấy thế.
Chàng không khỏi hãnh diện và chẳng phải hồ đồ khi nghĩ rằng người khác hẳn sẽ gục ngã trước khó khăn như vậy. Nhưng hơn bao giờ hết, chàng thấy cần làm sáng tỏ hoàn cảnh của mình để khỏi bị kẹt.
Trước tiên - và đây là việc dễ nhất - chàng xem xét công việc tiền nong. Bằng kiểu chữ nhỏ nhắn của mình, chàng ghi lên một tờ giấy viết thư tất cả số tiền nợ và cộng lại; chàng thấy mình mắc nợ mười bảy nghìn rúp và vài trăm lẻ tạm bỏ qua cho dễ tính. Chàng đếm tiền mặt, xem lại sổ ngân phiếu và thấy chỉ còn một nghìn tám trăm rúp và từ nay đến cuối năm, chàng thấy trước chưa có khoản thu nhập nào cả. Sau khi đọc lại bản kê nợ, Vronxki chép lại và chia làm ba loại. Loại thứ nhất, gồm các món phải trả ngay hoặc lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn tiền để phòng khi bắt buộc thanh toán thì có cái trang trải. Những món đó lên tới chừng bốn nghìn rúp: một nghìn rưởi trả tiền ngựa và hai nghìn rưởi trả cho tên bịp đã được bạc người bạn trẻ Venevxki ngay trước mặt Vronxki và được chàng đảm bảo trả thay. Vronxki định trả ngay lập tức (hôm đó chàng đang sẵn tiền ở nhà), nhưng Venevxki và Yasvin khăng khăng đòi trả lấy vì Vronxki không dự canh bạc đó. Đành rằng mọi điều đó đều tốt đẹp, nhưng Vronxki biết khi đã dính líu vào việc rắc rối này, dù chỉ đứng ra bảo đảm cho Venevxki, chàng vẫn phải giữ sẵn hai nghìn rưởi rúp để quẳng vào mặt thằng ăn cắp và khỏi phải hạ lời với nó nữa. Như thế là chàng cần có bốn nghìn rúp cho loại nợ đầu tiên quan trọng nhất.
Loại nợ thứ hai: tám nghìn rúp thì số lớn chi cho chuồng ngựa đua: nợ gã bán cỏ và lúa mạch, nợ gã người Anh, nợ người bán đồ ngựa: về khoản này chàng cũng phải tiêu độ hai nghìn rúp thì mới hoàn toàn êm thấm. Loại cuối cùng là nợ các cửa hàng, tiệm ăn và thợ may: cái đó thì không cần bận tâm. Như thế, ít nhất phải có sáu nghìn rúp để chi dùng trước mắt mà hiện chàng chỉ có nghìn tám. Một người mà thiên hạ cho là có tới mười vạn rúp thu nhập, lẽ nào lại túng thiếu, nhưng thực ra Vronxki còn lâu mới có được mười vạn rúp ấy. Tài sản kếch sù của bố, hàng năm riêng nó thu lợi hai mươi vạn rúp, vẫn chưa được chia. Khi ông anh cả, nợ nần ngập đến cổ, cưới quận chúa Varya Tsiêckôva, con gái một đảng viên Tháng Chạp, không có chút tài sản nào, Alecxei đã nhường cho anh tất cả số thu nhập ruộng đất của bố và chỉ dành lại phần mình có hai vạn rưởi rúp. Lúc đó, Alecxei bảo anh là số tiền đó đủ cho chàng chi dùng tới khi lấy vợ, cái việc có lẽ không bao giờ xảy ra. Và ông anh vốn chỉ huy một trung đoàn vào loại tốn kém nhất, lại vừa lấy vợ xong, không thể không nhận món quà đó. Mẹ Vronxki có tài sản riêng, hàng năm ngoài số tiền hai vạn rưởi rúp đã quy định, còn cho thêm con trai hai vạn rúp mà Alecxei tiêu nhẵn đến đồng cuối cùng. Gần đây, bà xích mích với chàng về chuyện chàng dan díu với Anna và bỏ đi Moxcva, nên không gửi cho số tiền đó nữa. Và Vronxki, vốn quen sống với bốn vạn rưởi rúp, năm nay chỉ nhận được có hai vạn rưởi thôi, nên đâm túng. Chàng không thể hỏi xin tiền mẹ được. Lá thư cuối nhận được hôm qua làm chàng rất bực vì bà tỏ ý sẵn sàng giúp chàng đạt thắng lợi trong giới xã giao và trên đường công danh sự nghiệp chứ không phải để sống một cuộc đời làm ô danh cả xã hội thượng lưu. ý định mua chuộc đó làm tổn thương nặng đến lòng tự ái của Vronxki và khiến chàng càng thêm lạnh nhạt với mẹ. Nhưng chàng cũng không thể nuốt lời hứa hào phóng với anh, mặc dù bây giờ nghĩ tới những hậu quả bất ngờ có thể xảy tới do việc dan díu với Anna, chàng mới thấy mình đã nhẹ dạ hứa hẹn, và tuy chưa có vợ, mười vạn rúp thu nhập của chàng vẫn có thể rất ích lợi. Nhưng chàng không thể thay đổi ý kiến được nữa. Chỉ cần nghĩ tới bà chị dâu Varya hiền thảo, đáng yêu, luôn luôn nhắc lại rằng bà không quên và biết đánh giá đúng tấm lòng rộng rãi của chàng, là chàng đủ hiểu không thể đòi lại cái đã cho. Không thể làm thế cũng như không thể đánh phụ nữ, không thể ăn cắp hoặc nói dối.
Giải pháp duy nhất mà Vronxki quyết định ngay không chút chần chừ, là đi mượn một vạn rúp của một tên cho vay nặng lãi, (việc đó không có gì khó khăn), rồi giảm bớt chi tiêu và bán đàn ngựa thi. Sau khi quyết định như vậy, Vronxki viết ngay mấy chữ cho Rôlanđaki, người đã nhiều lần hỏi mua ngựa của chàng. Sau đó, chàng cho đi tìm gã người Anh cùng người cho vay nợ lãi và chia số tiền còn lại ra, trang trải các khoản nợ khác. Làm xong việc đó, chàng viết một bức thư lạnh nhạt và cộc lốc cho mẹ. Rồi chàng lấy trong ví ra ba lá thư của Anna, đọc lại và đốt đi: nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa hai người hôm qua, chàng bỗng triền miên suy nghĩ.
Chú thích:
1. Faire la lessive (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 3
Chương 20
Cuộc sống Vronxki có may mắn là được chi phối bởi một bộ luật gồm những nguyên tắc quy định chính xác tất cả những gì nên làm và không nên làm. Bộ luật đó chỉ gồm một số rất ít trường hợp, nhưng trái lại, những nguyên tắc đó là tuyệt đối và Vronxki không vượt khỏi phạm vi chật hẹp đó, bao giờ cũng răm rắp làm tròn bổn phận mình, không do dự một giây. Những nguyên tắc đó như sau: mắc nợ thua bạc một tên bịp thì phải trả ngay nhưng không cần thanh toán cho thợ may vội; không nên nói dối, tuy nhiên, được phép nói dối phụ nữ; không lừa dối ai, trừ phi đó là một ông chồng; bản thân mình có thể xúc phạm kẻ khác nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không tha thứ những xúc phạm đến mình, v.v... Những nguyên tắc đó tuy hoàn toàn vô lý và sai trái nhưng là tuyệt đối và trong khi tuân theo chúng, Vronxki thấy yên tâm và có thể cất cao đầu. Mãi gần đây, việc dan díu với Anna mới làm chàng nhận ra bộ luật đó chưa bao quát tất cả mọi trường hợp của cuộc sống, và rồi đây sẽ có thể xuất hiện những khó khăn, nghi hoặc mà chàng không tìm được cách giải quyết.
Quan hệ của chàng với Anna và chồng nàng, cho đến nay, thật đơn giản và rõ ràng. Nó phù hợp với những nguyên tắc hướng dẫn thái độ cư xử của chàng. Anna là một người đàn bà trung thực đã hiến dâng tình yêu cho chàng, chàng cũng yêu nàng, cho nên, nàng xứng đáng được chàng kính trọng như vợ chính thức hay hơn thế nữa. Chàng thà chặt tay mình chứ không thể mở miệng, dù là bóng gió xa xôi, xúc phạm đến nàng hoặc thậm chí chỉ tỏ vẻ thiếu sự tôn trọng cần phải giữ đối với phụ nữ cũng không dám.
Quan hệ của chàng với giới xã giao cũng đơn giản. Ai cũng biết, cũng đoán thấy việc dan díu của chàng, nhưng không ai dám nhắc đến chuyện đó. Gặp trường hợp ngược lại, chàng sẵn sàng buộc kẻ ba hoa phải câm mồm và kính trọng danh dự người chàng yêu, tuy chính chàng đã làm tiêu tan danh dự đó.
Quan hệ của chàng với người chồng càng rõ ràng hơn nữa. Kể từ khi Anna yêu Vronxki, chàng cho mình là người duy nhất có quyền hạn bất khả xâm phạm đối với nàng. Ông chồng chỉ là người thừa và trở ngại. Tất nhiên, ông ta đang lâm vào tình thế đáng thương, nhưng biết làm thế nào. Quyền duy nhất của người chồng là dùng vũ khí để đòi bồi thường danh dự và Vronxki sẵn sàng nhận lời ông ta ngay từ phút đầu.
Nhưng những tuần lễ gần đây, quan hệ của chàng với vợ chồng Carenin đã thay đổi từ bên trong, và sự mập mờ của quan hệ đó khiến Vronxki lo ngại. Hôm qua, Anna báo cho chàng biết nàng đã có mang. Và chàng cảm thấy tin này cùng điều Anna chờ đợi ở chàng, đòi hỏi chàng phải có một thái độ không dự kiến sẵn trong cái bộ luật chi phối đời chàng. Và thực tình, chàng bị dồn vào thế bất ngờ: ngay phút đầu, trái tim đã xui chàng yêu cầu nàng bỏ chồng. Chàng đã nói điều đó với nàng. Giò đây, suy nghĩ lại, chàng thấy rõ là nên tránh giải pháp đoạn tuyệt đó, nhưng đồng thời lại sợ hớ.
"Buộc nàng bỏ chồng, tức là gắn bó đời nàng vào đời mình, vậy mình đã chuẩn bị sẵn sàng chưa, làm thế nào có thể cướp nàng đi khi chưa có tiền? Cứ giả dụ mình xoay được tiền... Liệu có thể mang nàng đi trong khi mình còn tại ngũ? Nhưng đã trót nói với nàng thế rồi, mình phải sẵn sàng phòng ngừa mọi bất trắc, nghĩa là có sẵn tiền và xin giải ngũ".
Chàng ngẫm nghĩ. Nên giải ngũ hay không, điều này làm chàng liên tưởng tới mối băn khoăn sâu kín chỉ mình biết với mình, có lẽ là mối quan tâm tha thiết nhất đời vẫn ấp ủ tận đáy lòng chàng.
Lòng ham danh vọng vốn là mơ ước của chàng từ thời thơ ấu và thời thanh niên, một ước mơ chàng không thú nhận với chính mình, nhưng mãnh liệt đến nỗi giờ đây niềm say mê đó vẫn tranh chấp với tình yêu. Những bước đầu tiên trong giới xã giao và trong quân ngũ đã thành công, nhưng hai năm trước, chàng mắc một sai lầm ngu ngốc: muốn tỏ ra tự lập và muốn thăng chức, chàng đã từ chối một địa vị dành cho chàng, hy vọng sự từ chối đó sẽ làm cho mình cao giá thêm; nhưng chàng đã đi quá, thành thử không được dòm ngó đến nữa; dù muốn hay không, bây giờ chàng vẫn phải đeo đẳng tình trạng tự lập tự tạo cho mình, ra vẻ người tài trí không hề oán giận ai, không hề cho là mình bị bạc đãi và chỉ yêu cầu để mình được yên thân chơi bời. Nhưng, từ sau ngày đến ở Moxcva hồi năm ngoái tới nay, chàng không chơi bời nữa. Chàng thấy cái danh tiếng là người tài năng xa lánh mọi danh vọng, bắt đầu lu mờ và nhiều người đã bắt đầu nghĩ chàng chẳng qua chỉ là một gã tốt bụng và trung thực mà thôi. Chuyện dan díu với Carenin gây tai tiếng ầm ĩ làm mọi người chú ý tới, tô điểm thêm cho chàng một ánh hào quang mới và tạm thời dẹp bớt cái tham vọng vẫn gặm nhấm lòng chàng, nhưng trước đây tám hôm, nó lại nổi dậy mãnh liệt gấp bội. Một người bạn thời niên thiếu, cùng nhóm và cùng giới quý phái, cùng vào học và tốt nghiệp trường Hoàng tộc thiếu sinh quân với chàng, kẻ đối thủ trong lớp học, trong thể thao, trong các ngón chơi ngông cuồng hoặc trong mơ ước công danh, là Xerpukhovxkoe, mấy hôm trước vừa ở Trung á về với cấp bậc tướng và một huân chương ít khi thấy ban thưởng cho một người trẻ như vậy.
Ông ta vừa đến Peterburg đã được mọi người nhắc tới như một ngôi sao mới mọc. Cùng tuổi và cùng khóa với Vronxki, ông ta đã là tướng và chờ đợi bổ nhiệm một chức vụ khiến ông ta có thể ảnh hưởng đến cả việc điều hành công việc quốc gia, còn Vronxki, tuy tự do, xuất sắc, được một người đàn bà đẹp yêu, vẫn chỉ là viên đại uý tầm thường mà người ta cho phép muốn tự lập đến bao giờ tuỳ thích. "Đương nhiên, mình không hề ghen tị và không thể ghen tị với Xerpukhovxkoe được; nhưng sự thăng chức của hắn chứng minh rằng một người như mình chỉ cần gặp thời là có thể tiến rất nhanh trên đường sự nghiệp. Mới đây ba năm, hắn còn ở một địa vị như mình. Giải ngũ bây giờ tức là tự triệt đường. Còn lưu lại quân ngũ thì chẳng mất gì. Chính nàng cũng nói không muốn thay đổi hoàn cảnh của nàng. Mình được nàng yêu, mình không cần ghen tị với Xerpukhovxkoe". Và chàng thong thả xoắn ria mép, đứng dậy, đi bách bộ quanh phòng. Đôi mắt sáng lên một ánh đặc biệt, chàng đang ở trong trạng thái tinh thần cương quyết, bình tĩnh và vui sướng, thường cảm thấy sau khi làm sáng tỏ hoàn cảnh của mình. Mọi cái đều sáng sủa và rõ ràng như mỗi lần thanh toán xong công nợ. Chàng cạo mặt, tắm nước lạnh, mặc quần áo và ra đi.
Quyển 3
Chương 21
- Mình đến tìm cậu. Hôm nay cậu giặt giũ lâu nhỉ, - Pet'rixki nói với chàng. Xong rồi chứ?
- Ừ, - Vronxki trả lời, nheo mắt cười và khe khẽ xoắn đuôi đôi ria mép tưởng như chỉ một cử động vô tình nhỏ nhặt cũng có thể làm đảo lộn công việc của chàng.
- Sau cái việc đó, bao giờ cậu cũng có vẻ như vừa tắm xong, - Pet'rixki nói. - Mình vừa ở nhà Gritxta về (đó là biệt hiệu viên đại tá), họ đang chờ cậu.
Vronxki nhìn bạn không trả lời. Chàng đang nghĩ đến việc khác.
- À, tiếng nhạc ở nhà ông ta đấy phải không? - chàng nói, lắng nghe âm thanh quen thuộc của dàn quân nhạc cử những vũ khúc ponka và vanxơ từ xa vẳng tới. - Có tiệc đấy à?
- Đón Xerpukhovxkoe đấy.
- Ồ! - Vronxki nói. - Mình chưa biết gì cả.
Và đôi mắt nheo nheo cười của chàng lại ngời lên long lanh sáng hơn.
Giờ đây, khi đã khẳng định mình thật sự sung sướng với mối tình vì nó mà chàng hy sinh cả tham vọng (hoặc ít ra, giờ đây chàng cũng đóng vai trò đó), Vronxki không còn ghen tị với Xerpukhovxkoe, cũng không giận ông ta không đến thăm mình trước. Xerpukhovxkoe là một người bạn tốt và chàng sung sướng được gặp lại ông ta.
- Phải, mình rất hài lòng.
Đại tá DoMil ở một toà nhà lớn rất đế vương. Tất cả quan khách đều đã hội họp ngoài sân thượng. Từ trong sân, Vronxki thoạt tiên nhìn thấy những ca sĩ của trung đoàn mặc quân phục hè vây quanh một thùng rượu vốtka và vóc người lực lưỡng của viên đại tá đứng giữa đám sĩ quan; ông ta bước xuống bậc thềm thứ nhất của sân thượng và kêu to át cả tiếng nhạc đang dạo một vũ khúc đối diện của Offenbach 1, khoát rộng tay ra lệnh cho toán lính cách đó một ít.
Toán lính, người liên lạc và vài hạ sĩ quan khác bước lại gần sân thượng cùng lúc với Vronxki. Viên đại tá quay về gần bàn, lại trở ra ngoài thềm với cốc rượu sâm banh và cất tiếng oang oang mời chạm cốc: "Chúc mừng sức khỏe người bạn cũ của chúng ta, vị tướng quân anh dũng, hoàng thân Xerpukhovxkoe. Ura!".
Đằng sau đại tá, Xerpukhovxkoe, tay cầm cốc sâm banh, tươi cười xuất hiện. - Bondarenco, anh càng ngày càng trẻ ra, ông ta nói với viên thượng sĩ khinh kỵ, một gã khỏe mạnh má đỏ hồng đã tái đăng và đang đứng nghiêm trước mặt ông cứng đờ như khúc gỗ.
Vronxki từ ba năm nay chưa gặp Xerpukhovxkoe. Ông ta đã để râu má, do đó có vẻ hùng dũng hơn, nhưng vẫn cân đối như xưa, nổi bật vì diện mạo, vóc dáng tao nhã và quyền quý hơn là vì đẹp. Sự thay đổi duy nhất Vronxki nhận thấy ở ông ta là vẻ rạng rỡ điềm đạm thường in trên bộ mặt những người thành đạt và biết rõ mọi người đều công nhận sự thành đạt của mình. Vẻ rạng rỡ đó, Vronxki đã từng trải nên nhận ra ngay ở Xerpukhovxkoe.
Khi xuống cầu thang, Xerpukhovxkoe trông thấy Vronxki. Mặt ông sáng lên một nụ cười hớn hở. Ông ta gật đầu với chàng, giơ cao cốc sâm banh, như muốn nói mình không thể lờ đi không chạm cốc trước với gã thượng sĩ khinh kỵ đang đứng nghiêm, đôi môi khép lại chờ cái hôn của quan trên.
- À! Anh ta đây rồi! - đại tá reo lên. - Thế mà Yasvin bảo tôi là anh đang ưu phiền.
Xerpukhovxkoe hôn đôi môi ướt và tươi tắn của gã thượng sĩ khinh kỵ đẹp trai, và lấy mùi soa lau mồm, bước lại gần Vronxki.
- Tôi rất sung sướng được gặp anh, - ông ta nói, bắt tay chàng và kéo riêng ra một chỗ.
- Anh tiếp anh ấy nhé! - viên đại tá chỉ Vronxki, kêu to bảo Yasvin và đi xuống gặp toán lính.
- Sao hôm qua anh không đến trường đua? Tôi đã tưởng gặp anh ở đó. - Vronxki nói và ngắm nhìn Xerpukhovxkoe.
- Tôi có đến, nhưng muộn quá. Xin lỗi, - ông nói thêm và quay lại viên sĩ quan phụ cận. - Xin ông thay mặt tôi phân phát cái này cho họ.
Ông ta vội rút trong ví ra ba tờ một trăm rúp và đỏ mặt.
- Vronxki! Cậu ăn uống một chút nhé? - Yasvin hỏi. - Này, bưng món ăn ra cho bá tước. Trong khi chờ đợi, cậu hãy uống cái này đã.
Bữa tiệc kéo dài khá lâu trong nhà viên đại tá.
Quan khách uống rượu lu bù. Họ nâng bổng Xerpukhovxkoe, đánh đưa và tung lên cao. Đến lượt viên đại tá cũng vậy. Sau đó, đại tá cùng Pet'rixki nhảy trước mặt các ca sĩ. Rồi đại tá, hơi mệt, ngồi xuống một chiếc ghế dài trong sân, và bắt đầu chứng minh cho Yasvin thấy nước Nga hơn hẳn nước Phổ, nhất là về mặt xung kích kỵ binh; sự huyên náo tạm ngừng một lát. Xerpukhovxkoe vào nhà rửa tay và gặp Vronxki ở buồng rửa mặt; Vronxki đang giội nước.
Chàng cởi áo quân phục và để nước tia xuống cái gáy rậm tóc, đỏ ửng rồi kỳ cổ và mặt. Rửa xong, chàng đến gặp Xerpukhovxkoe. Cả hai ngồi xuống chiếc đi văng nhỏ và bắt đầu hào hứng nói chuyện.
- Nhà tôi đã kể lại mọi hành động và cử chỉ của anh, - Xerpukhovxkoe nói.
- Tôi rất vui lòng là anh thường đến thăm nhà tôi.
- Chị ấy là bạn của Varya và đó là những phụ nữ duy nhất ở Peterburg mà tôi thích được gặp mặt, - Vronxki mỉm cười trả lời.
Chàng mỉm cười vì nhìn thấy trước đầu đề câu chuyện và điều đó làm chàng thích thú.
- Những người duy nhất à? - Xerpukhovxkoe mỉm cười hỏi.
- Còn tôi, tôi cũng được biết tin tức của anh, nhưng không phải chỉ qua chị ấy, - Vronxki nói, chặn ngay câu nói bóng gió đó và làm bộ mặt nghiêm trang. - Tôi rất sung sướng vì thành công của anh, tôi không ngạc nhiên chút nào. Thậm chí tôi còn chờ đợi nhiều hơn nữa kia.
Xerpukhovxkoe mỉm cười. Rõ ràng ông khoái trá với nhận định như vậy về mình và thấy không cần giấu giếm điều đó.
- Còn tôi, trái lại, thú thực với anh là tôi không hy vọng được như vậy. Nhưng tôi mãn nguyện, rất mãn nguyện. Tôi vốn nhiều tham vọng, đó là nhược điểm của tôi và tôi không chối cãi.
- Nếu không thành đạt thì chưa chắc anh đã thừa nhận như vậy, - Vronxki nói.
- Tôi không nghĩ thế, - Xerpukhovxkoe lại mỉm cười và nói. - Tôi không nói cuộc đời không có tham vọng là không đáng sống, nhưng như vậy sẽ chán phèo. Có thể là tôi nhầm, nhưng tôi tự cảm thấy có một số năng lực trong phạm vi hoạt động đã lựa chọn và bất kể quyền binh nào trao vào tay tôi cũng đều đúng chỗ hơn là trao cho nhiều người khác mà tôi quen biết, - Xerpukhovxkoe nói, đầy tự tin. - Cho nên, càng tiến gần quyền binh, tôi càng mãn nguyện.
- Điều đúng với anh có thể không đúng với người khác. Trước đây tôi cũng nghĩ như anh, nhưng tôi đã sống và tôi thấy tham vọng không phải là điều duy nhất làm nên giá trị cuộc đời, - Vronxki nói.
- Đúng thế đấy, đúng thế đấy! - Xerpukhovxkoe cười nói. - Ngay từ đầu, tôi đã nói là tôi được nghe kể về anh, tôi đã biết anh từ chối...
Tất nhiên, tôi tán thành. Nhưng dù sao cũng cần chú ý đến thái độ xử sự. Tôi nghĩ anh hành động rất đúng nhưng không đúng cách thức phải làm.
- Việc đã qua coi như xong rồi; và anh cũng biết tôi không bao giờ nuốt lời. Vả lại, tôi sống thế này là tốt lắm rồi.
- Hiện nay thì thế đấy, nhưng anh không thể chỉ dừng lại đó. Tôi không nói vậy về ông anh của anh. Ông ta là một... đứa trẻ đáng yêu, hệt như chủ nhân ở đây. Anh có nghe thấy tiếng hắn không? - ông ta nói thêm và lắng nghe những tiếng "Ura" vang lên. - Hắn đang vui chơi... Nhưng anh, cái đó không thể làm anh mãn nguyện.
- Tôi có nói là tôi mãn nguyện đâu.
- Phải, thế chưa đủ. Những người như anh là cần thiết.
- Cần thiết cho ai?
- Cho ai à? Cho xã hội, cho nước Nga. Nước Nga đang cần người, đang cần một chính đảng. Nếu không, tất cả sẽ tan hoang hết.
- Nghĩa là thế nào? Cần đến chính đảng của Bectêniep để chống lại bọn cộng sản Nga à?
- Không, - Xerpukhovxkoe nói và cau mày bực bội khi thấy bạn ngỡ mình có ý kiến ngu xuẩn như vậy. Mọi cái đó chỉ là chuyện tào lao 2. Chuyện đó trước đây và sau này vẫn thế. Không hề có bọn cộng sản. Bọn mưu đồ bao giờ cũng cần bịa đặt ra một đảng phái có hại, nguy hiểm. Đó là cái trò cũ rích. Không, chúng ta cần một đảng gồm những người độc lập như anh và tôi.
- Thế tại sao (Vronxki nhắc tên một số nhân vật có thế lực), tại sao họ không phải là những người độc lập?
- Bởi vì hiện nay họ không có hoặc từ khi sinh ra đã không có tài sản độc lập, nhất họ không sinh trưởng như chúng ta trong những nơi gần mặt trời. Người ta có thể mua chuộc họ bằng tiền bạc hoặc phỉnh nịnh. Và để duy trì địa vị, họ phải tự bày ra một phương hướng. Họ theo đuổi một phương hướng nào đó, một phương hướng tai hại mà chính họ cũng không tin; phương hướng đó chỉ là kế sinh nhai, nhà cửa, lương bổng đều trông vào Nhà nước đãi ngộ. Thế cũng chả tinh ranh gì lắm đâu 3, cứ xét kỹ mánh khoé của họ thì rõ. Có thể là tôi xấu xa hoặc ngu ngốc hơn họ, mặc dầu tôi không hiểu tại sao lại thế.
Anh và tôi có một điểm căn bản thuận lợi hơn họ: chúng ta khó bị mua chuộc hơn. Những người như chúng ta lúc này càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Vronxki chăm chú nghe; chàng chú ý không phải vì nội dung lời lẽ mà vì quan điểm của Xerpukhovxkoe, ông ta đã nghĩ đến chuyện bắt đầu đấu tranh giành quyền hành và đã mang sẵn những thiện cảm hay ác cảm giữa môi trường đó, trong khi những quan tâm của chàng chưa vượt ra ngoài quyền lợi đội kỵ binh. Vronxki cũng hiểu Xerpukhovxkoe có thể trở nên rất có thế lực nhờ khả năng nhận thức suy xét toàn diện không thể chối cãi của ông và nhờ trí thông minh cùng tài hùng biện, vốn rất hiếm trong môi trường ông đang sống. Và chàng ghen với bạn, mặc dầu hổ thẹn vì điều đó.
- Đúng thế, nhưng để làm việc đó, tôi thiếu một đức tính chủ yếu:
Đó là lòng khao khát quyền hành, - chàng trả lời. - Trước tôi từng có khát vọng đó, nay thì hết rồi.
- Anh tha lỗi, không đúng thế đâu, - Xerpukhovxkoe mỉm cười nói.
- Không, đúng, đúng chứ... thực tình mà nói, hiện nay đúng là thế, - Vronxki nói thêm.
- Phải, hiện nay, đó lại là chuyện khác... cái hiện nay không phải sẽ kéo dài mãi mãi.
- Có thể như vậy, - Vronxki trả lời.
- Anh nói là có thể như vậy, - Xerpukhovxkoe nói tiếp, như đã đoán được ý bạn, còn tôi, tôi nói với anh là chắc chắn như vậy. Vì thế mà tôi muốn gặp anh. Anh đã hành động như thế là phải. Tôi hiểu anh, nhưng anh không nên khăng khăng như vậy mãi. Tôi chỉ yêu cầu anh trao toàn quyền hành động 4 cho tôi thôi. Tôi không muốn đóng vai người che chở anh... mặc dầu thực tình tôi không hiểu tại sao tôi lại không đóng vai trò đó: chính anh từng che chở cho tôi biết bao lần!
Tôi mong tình bạn chúng ta đứng trên mọi cái đó. Phải, - ông nói, mỉm cười với chàng âu yếm như đàn bà, - anh cứ trao cho tôi toàn quyền hành động. Hãy ra khỏi trung đoàn và tôi sẽ kéo anh đến chỗ tôi không chút lộ liễu.
- Nhưng anh hiểu cho là tôi không cần gì cả, mà chỉ cần mọi điều cứ y nguyên như hiện nay, - Vronxki nói.
Xerpukhovxkoe đứng dậy và đứng trước mặt chàng.
- Anh nói vậy, tôi hiểu ý anh rồi. Anh ạ, chúng ta cùng một tuổi với nhau, có thể là anh quen biết nhiều phụ nữ hơn tôi, - nụ cười và cử chỉ của Xerpukhovxkoe như bảo Vronxki không việc gì mà sợ, ông chỉ thận trọng và tế nhị chạm khẽ đến chỗ hiểm của chàng thôi. - Nhưng tôi đã có vợ và anh nên tin tôi: tôi không nhớ là ai đã nói: một người chỉ biết và yêu vợ mình thôi, cũng vẫn hiểu đàn bà hơn là kẻ đã quen hàng nghìn đàn bà.
- Chúng tôi sẽ ra ngay! - Vronxki nói to với viên sĩ quan đang ló đầu ở cửa ra vào, - báo với họ là đại tá mời ra.
Bây giờ Vronxki muốn nghe Xerpukhovxkoe nói ra hết để xem ông ta định đi đến đâu.
- Ý kiến của tôi là thế này. Đàn bà là vật chướng ngại chủ yếu của đàn ông trên đường sự nghiệp. Thật khó mà vừa yêu một người đàn bà vừa làm bất cứ việc gì khác. Chỉ có một cách hưởng thụ khoái lạc tình yêu mà không để nó biến thành trở ngại: đó là kết hôn. Biết cắt nghĩa thế nào, thế nào, cho anh hiểu ý nghĩ của tôi nhỉ? - Xerpukhovxkoe nói, vốn thích dùng thí dụ. - à, thế này! Phải, người ta chỉ có thể vừa mang một gánh nặng 5 vừa dùng tay để làm việc khác bằng cách buộc gánh nặng đó lên lưng... và đó là hôn nhân. Đó là điều tôi cảm thấy, khi đã kết hôn. Đột nhiên, tay tôi trở nên tự do.
Nhưng nếu kéo lê gánh nặng đó ở ngoài vòng hôn nhân, đôi tay ta sẽ vướng mắc không làm gì được. Anh cứ xem Mazancov, Crupov đấy. Vì đàn bà mà họ làm hỏng cả sự nghiệp.
- Đàn bà như thế thì thật tuyệt! - Vronxki nói, nghĩ tới cô đào hát và người phụ nữ Pháp mà hai người kia đang tằng tịu.
- Địa vị người đàn bà trong xã hội càng vững chắc thì vấn đề lại càng nghiêm trọng. Như thế không còn là tự mang lấy gánh nặng, mà là giằng lấy của kẻ khác.
- Anh chưa bao giờ yêu cả, - Vronxki khẽ đáp, vừa nhìn thẳng trước mặt vừa nghĩ tới Anna.
- Có thể như vậy. Nhưng hãy nhớ lấy những điều tôi đã nói với anh. Còn điều này nữa: đàn bà bao giờ cũng vụ thực hơn đàn ông.
Chúng ta coi tình yêu là một cái gì cao cả, còn họ, họ bao giờ cũng rất trần tục 6.
- Chúng tôi ra ngay, ra ngay đây! - Chàng nói với tên hầu phòng đang đi vào. Nhưng hắn đến không phải để gọi mà mang thứ tới cho Vronxki.
- Quận chúa Tverxcaia sai mang thư này đến hầu ông. - Vronxki bóc thư ra xem và đỏ bừng mặt lên.
- Tôi bị nhức đầu, tôi phải về nhà thôi, - chàng bảo Xerpukhovxkoe.
- Thôi được, tạm biệt anh. Anh trao cho tôi toàn quyền 7 chứ?
- Chúng ta sẽ bàn lại chuyện đó sau. Tôi sẽ gặp anh ở Peterburg.
Chú thích:
1. Jacques Offenbach (1819 - 1880) nhạc sĩ Pháp, gốc Đức, tác giả nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng.
2. Tout ca c'est une blague (tiếng Pháp trong nguyên bản).
3. Cela ne' est pas plus fin que ca (tiếng Pháp trong nguyên bản).
4. Carte blanche (tiếng Pháp trong nguyên bản).
5. Farđeau (tiếng Pháp trong nguyên bản).
6. Terre-à-terre (tiếng Pháp trong nguyên bản).
7. Carte balanche (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 3 
Chương 22
Đã quá năm giờ: để đến kịp giờ hẹn và khỏi phải đi bằng ngựa riêng của chàng mà mọi người đều biết, Vronxki ngồi vào xe ngựa thuê của Yasvin và sai xà ích cho chạy hết sức nhanh. Chiếc xe cũ bốn chỗ ngồi, rất rộng. Chàng ngồi vào góc, gác chân lên ghế dài trước mặt và suy nghĩ.
Ý thức mơ hồ là mình đã thu xếp xong công nợ, ký ức lờ mờ về tình bạn và những lời phỉnh nịnh của Xerpukhovxkoe coi mình như một nhân tài cần thiết và nhất là sự chờ đợi gặp mặt người yêu, tất cả hòa chung thành một cảm giác yêu đời. Tình cảm đó mãnh liệt đến nỗi chàng bất giác mỉm cười. Chàng đặt chân xuống sàn xe, gác chéo khoeo, lấy tay nắn bụng chân nây nẩy, bầm tím vì ngã ngựa hôm qua và ngả người ra sau, hít thở luôn mấy hơi căng lồng ngực.
"Tốt, tốt lắm!", chàng tự nhủ. Chàng đã nhiều lần cảm thấy cái ý thức thú vị như vậy về thân thể, nhưng chưa bao giờ tự yêu mình, yêu thân thể mình như hôm nay. Chàng khoan khoái với cảm giác hơi đau ở cẳng chân, với sự chuyển động của bắp thịt lồng ngực khi thở. Cũng cái ngày tháng tám quang đãng và lạnh giá này, đối với Anna sao mà nặng nề tăm tối, nhưng đối với chàng lại đầy hào hứng. Mặt và cổ chàng vừa nãy nóng bừng vì cọ rửa giờ mát dịu hẳn đi. Mùi sáp bôi ria làm chàng đặc biệt thích thú trong không khí thoáng đãng. Mọi cái nhìn thấy qua tấm kính, mọi cái trong bầu không khí tinh khiết và lạnh giá, trong anh chiều tà bàng bạc, đều tươi mát, vui vẻ và cường tráng như bản thân chàng: cả những mái nhà sáng ngời dưới ánh nắng, cả những đường viền rõ nét của hàng rào và góc nhà, cả những bóng bộ hành và xe ngựa thỉnh thoảng gặp trên đường, cả những rặng cây, bãi cỏ xanh im phăng phắc, những cánh đồng với luống khoai đều đặn, cả những bóng râm đổ nghiêng từ nhà và hàng cây, bụi rậm và luống khoai, mọi cái đều đẹp như bức tranh phong cảnh tinh tế vừa vẽ và quang dầu xong.
- Nhanh lên, nhanh nữa lên! - chàng thò đầu ra ngoài cửa xe bảo xà ích và rút trong túi ra một tờ ba rúp đưa cho hắn đang quay lại phía chàng. Gã xà ích đặt tay vào một cái gì cạnh đèn xe, quất roi vun vút và cỗ xe phóng rất nhanh trên đường cái bằng phẳng.
"Mình chả cần gì cả, không cần gì ngoài hạnh phúc này, chàng nghĩ thầm, nhìn cái nút giật chuông bằng xương treo giữa hai miếng kính cửa và hình dung Anna hệt như lần gặp vừa rồi. Càng ngày mình càng yêu nàng hơn. Vườn nhà Vrege kia rồi. Nàng hiện đang ở đâu? ở đâu nhỉ? Làm thế nào tìm được nàng? Tại sao nàng hẹn mình ở đây và lại viết thêm một câu vào thư của Betxi?", lần đầu tiên, chàng tự hỏi như vậy. Nhưng chàng không đủ thời giờ nghĩ tới việc đó nữa. Chàng bảo xà ích dừng xe trước khi tới phố, mở cửa nhảy xuống lúc xe còn đang chạy và đi ngược lên theo con đường dẫn tới ngôi nhà. Phố vắng tanh không có ai, nhưng đưa mắt nhìn sang phải, chàng liền thấy nàng.
Mặc dầu mặt nàng che mạng, chàng vui sướng nhận ngay ra nàng qua dáng đi đặc biệt, đường cong đôi vai, tư thế đầu và cảm thấy như có một luồng điện truyền khắp cơ thể. Chàng lại thấy trào lên mãnh liệt hơn cái ý thức về sự tồn tại bản thể, kể từ những cử động mềm mại của đôi chân cho tới sự chuyển động của lồng ngực khi hít thở và chàng thấy ngứa ran ở môi.
Khi chàng đến bên, nàng riết chặt tay chàng.
- Anh không giận em đã nhắn anh đến đây chứ? Em rất cần gặp anh, - nàng nói; và nếp môi nàng mím lại trang trọng, nghiêm khắc mà chàng thoáng thấy qua chiếc mạng, lập tức làm gợn tâm trạng vui sướng của Vronxki.
- Anh mà giận em ấy à? Nhưng em đi bằng gì đến đây, tại sao lại đến đây?
- Điều đó không quan trọng, - nàng nói và khoác tay chàng, - ta đi đi, em có chuyện cần nói với anh.
Chàng hiểu là có cái gì đã xảy ra và câu chuyện lần này hẳn không vui. Đứng trước Anna, chàng đâm mất tự chủ: chưa hiểu rõ duyên cớ, chàng đã thấy mối lo ngại của nàng xâm chiếm mình.
- Có gì thế em? - chàng hỏi, ghì chặt cánh tay nàng vào người và cố đoán qua nét mặt xem Anna nghĩ gì.
Nàng lặng lẽ bước vài bước, để tập trung hết can đảm, và đột nhiên dừng lại.
- Hôm qua, em chưa nói với anh, - nàng hổn hển nói, - là khi trở về nhà với Alecxei Alecxandrovitr, em đã bảo cho ông ta biết... em không còn là vợ ông ta nữa và... và em đã nói hết.
Nghe nàng nói, chàng bất giác cúi xuống, như muốn giảm nhẹ hoàn cảnh não nề của nàng. Nhưng, khi nàng nói xong, chàng bỗng thẳng người lên, bộ mặt lộ vẻ kiêu hãnh và nghiêm trang.
- Phải, phải, thế tốt hơn, một nghìn lần tốt hơn! Anh hiểu việc đó đối với em thật khổ tâm, chàng nói. Nhưng nàng không nghe chàng nói; nàng đọc ý nghĩ của Vronxki trên nét mặt. Nàng không thể biết vẻ mặt Vronxki phản ánh ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu chàng:
Thế là phải đấu súng thôi, không tránh được. Nàng không bao giờ nghĩ đến chuyện đấu súng nên diễn giải vẻ mặt nghiêm trang thoáng qua đó một cách khác.
Từ khi nhận được thư chồng, thâm tâm nàng cảm thấy là mọi sự sẽ giữ nguyên như cũ, nàng sẽ không dám từ bỏ địa vị của mình và xa lìa con để gắn bó cuộc đời với người yêu. Buổi sáng ngồi chơi ở nhà quận chúa Tverxcaia càng khiến nàng tin chắc như vậy. Nhưng dù sao, đối với nàng, cuộc gặp mặt này cũng vô cùng quan trọng. Nàng hy vọng nó sẽ làm thay đổi tình thế và cứu nàng. Nếu như nghe tin đó, chàng không một phút do dự, say đắm nói luôn: "Em hãy từ bỏ tất cả và đi theo anh", thì có lẽ nàng sẽ xa lìa con và đi ngay với chàng đấy. Nhưng tin đó không tác động đến chàng như nàng mong đợi:
Chàng hình như chỉ thấy bực mình.
- Có gì mà khổ tâm. Việc đó cứ tự nhiên diễn ra thế thôi, - nàng nói, giọng ấm ức; - đây, anh xem. - Nàng rút trong găng tay ra bức thư của chồng.
- Anh hiểu rồi, anh hiểu rồi, - chàng ngắt lời, cầm lá thư nhưng không đọc và cố an ủi nàng; - anh chỉ yêu cầu, anh chỉ mong muốn có thế thôi: phá tan tình cảnh này để cống hiến đời anh cho hạnh phúc của em.
- Tại sao anh phải nói với em như vậy? - nàng nói. - Lẽ nào em lại nghi ngờ anh? Nếu em mà nghi ngờ...
- Có người đến kia kìa! - Vronxki bỗng nói và chỉ hai phụ nữ đang đi tới. - Có thể họ quen biết chúng mình, và chàng vội kéo nàng tạt vào một ngõ ngang.
- Ồ! Em cần gì! - nàng nói. Môi nàng run bần bật, Vronxki như thấy nàng nhìn mình qua chiếc mạng đầy một vẻ hằn học kỳ lạ. - Phải, vấn đề không phải ở đó, em không nghi ngờ gì anh; nhưng ông ta viết cho em thế này đây, anh đọc đi. - Nàng lại ngừng bặt.
Lúc đọc thư, cũng như hồi nãy khi biết nàng đã bỏ chồng, Vronxki bất giác lại tự buông thả theo cái cảm giác tự nhiên xuất phát từ quan hệ giữa chàng với người chồng bị xúc phạm. Giờ đây, cầm lá thư này trong tay, chàng bất giác nghĩ có lẽ nội nhật hôm nay hoặc ngày mai sẽ nhận được ở nhà lời thách đấu và nghĩ luôn tới cuộc đấu súng đó: chàng sẽ bắn chỉ thiên và vẫn với vẻ lạnh lùng, nghiêm trang đang lộ trên nét mặt lúc này, chàng sẽ chờ người chồng bị xúc phạm bắn mình... Và lập tức, chàng nghĩ tới lời Xerpukhovxkoe vừa nói và những điều bản thân chàng suy nghĩ sáng nay; tốt hơn hết là không nên gắn bó với nhau. Nhưng chàng biết không thể nói điều đó ra với Anna.
Đọc xong thư, chàng ngước mắt nhìn nàng: cái nhìn có vẻ thiếu cương quyết. Nàng hiểu ngay chàng đã suy nghĩ mọi lẽ. Nàng biết, dù có nói gì với nàng, chàng cũng sẽ không bộc lộ hết ý nghĩ của mình.
Và nàng hiểu hy vọng cuối cùng đã tan vỡ. Đây không phải điều nàng mong đợi.
- Anh đã thấy ông ta là hạng người thế nào chưa? - nàng nói giọng run run. - Ông ta...
- Em tha lỗi, nhưng anh lại vui sướng về việc đó, - Vronxki ngắt lời. - Lạy Chúa lòng lành, xin em để anh nói hết đã, - chàng nói tiếp và đôi mắt như cầu khẩn nàng để cho chàng có đủ thời giờ phân trần.
- Anh vui sướng vì theo ông ta giả định, tình hình không thể giữ nguyên như cũ nữa.
- Tại sao lại không? - Anna cố cầm nước mắt và nói. Rõ ràng nàng không đếm xỉa đến lời chàng nói nữa. Nàng cảm thấy số phận mình quyết định rồi.
Vronxki muốn nói sau cuộc đấu súng mà chàng cho là tất yếu, tình trạng đó sẽ không thể kéo dài, nhưng chàng lại nói khác đi.
- Tình hình đó không thể tiếp tục được nữa. Anh hy vọng là bây giờ em sẽ bỏ ông ta. Anh hy vọng (chàng bối rối và đỏ mặt) là em cho phép anh được nghĩ tới việc tổ chức cuộc sống của chúng ta. Ngày mai...
Nàng không để chàng nói hết lời.
- Thế còn con em? - nàng kêu lên. - Anh xem ông ta viết đấy: bắt buộc bỏ nó mà em thì không thể và không muốn bỏ nó.
- Nhưng mà, lạy Chúa tôi, đằng nào hơn: để con ở lại hay là tiếp tục sống trong tình cảnh nhục nhã đó?
- Nhục nhã cho ai kia chứ?
- Cho tất cả chúng ta và nhất là cho em.
- Nhục nhã!... Anh đừng nói thế. Những chữ đó không có ý nghĩa gì với em cả, - nàng nói giọng run run. Nàng không muốn chàng nói dối. Nàng chỉ còn độc có mối tình của Vronxki và nàng muốn được yêu chàng. - Anh hãy hiểu từ ngày em yêu anh, mọi cái đều đã thay đổi.
Đối với em, chỉ có mối tình của anh là đáng kể mà thôi. Với mối tình đó, em thấy mình cao quý đến nỗi không có gì là nhục nhã cả. Em tự hào vì tình cảnh của mình, bởi vì... em tự hào vì... em tự hào... - nàng không nói hết câu. Những giọt nước mắt hổ thẹn và tuyệt vọng làm cổ họng nàng nghẹn lại. Nàng dừng lại nức nở khóc.
Chàng cũng thấy một cái gì chẹn lấy họng, ngứa ngáy ở mũi và lần đầu tiên trong đời, chàng tưởng sắp phát khóc. Chàng không thể nói đích xác cái gì đã làm mình xúc động: chàng thương nàng, thấy mình không giúp đỡ được nàng, và đồng thời biết chính mình là nguyên nhân nỗi bất hạnh của nàng, biết mình đã hành động xấu xa.
- Chẳng lẽ không ly hôn được sao? - chàng nói giọng yếu ớt. Nàng lắc đầu không trả lời. - Em có thể bỏ ông ta và giữ lấy con em được không?
- Được chứ, nhưng cái đó còn tuỳ ở ông ta. Bây giờ em phải đến gặp ông ta, - nàng lạnh lùng nói. Linh tính quả không lừa dối nàng:
Mọi cái sẽ giữ nguyên như cũ.
- Thứ ba này anh sẽ đến Peterburg, rồi ta sẽ quyết định sau.
- Vâng, - nàng nói. Nhưng thôi đừng nói đến chuyện đó nữa.
Xe của Anna (nàng đã cho đánh về và sai đón nàng ở hàng rào vườn nhà Vrege) tiến lại gần. Anna chào Vronxki và trở về nhà.
Lev Tolstoy
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...