Ca dao là thơ, là nhạc cũng là tình
Ca dao là tiếng lòng của người dân lao động cực khổ, nó mang
trong mình bao tinh hoa văn hóa với mọi góc nhìn về cuộc sống. Nó là nơi người
ta có thể mở lòng và nói lên tất cả. Ngọt ngào, sâu lắng và cũng đậm đà bản sắc
dân tộc, ca dao mở trước mắt ta cả khung trời cảm xúc. Nhận xét về ca dao, có
ý kiến cho rằng: “Ca dao là thơ,là nhạc cũng là tình.” Ta cảm nhận sâu sắc hơn
điều đó qua hai bài ca dao “Khăn thương nhớ ai…” và “Cưới nàng anh toan dẫn
voi…”
Để đưa ra nhận xét, đánh giá về ca dao như vậy, người ta đã
căn cứ vào những nét đặc sắc, tinh tế của nó. Cái cốt lõi của ca dao là tiếng
nói của trái tim, của tâm hồn người lao động. Ca dao là thơ vì trong nó có những
rung động hết sức tinh túy mà không một loại ngôn ngữ đời thường nào có thể lột
tả hết được. Những ý niệm rất trữ tình, rất thơ ấy cũng tạo nên âm điệu cho ca
dao. Đọc lên câu ca dao, người ta tưởng như mình đang ngân lên một câu hò
da diết hay mọt điệu ví ngọt ngào. Ca dao ngân lên khúc nhạc của thời gian, của
cuộc sống, lời ca dao dịu êm có nhạc điệu đưa tâm hồn người ta đến cõi bình
yên. Ca dao là tình vì nó được viết lên bằng chính tình cảm, cảm xúc của người
dân chân lấm tay bùn. Qua ca dao, người ta bộc lộ được yêu thương, nhung nhớ da
diết hay nỗi buồn thăm thẳm chẳng biết thổ lộ cùng ai. Và ca dao còn là niềm lạc
quan, yêu đời của người dan quê, nó đem lại tiếng cười xua đi mệt nhọc. Những
rung cảm mà ca dao mang đến chính là nguồn nhựa sống, là mạch chảy không ngừng
nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta.
Mạch chảy ấy đã xuyên suốt hai bài ca dao Khăn thương nhớ ai…
và Cưới nàng anh toan dẫn voi… Đúng như thế, ca dao là thơ. Rất thơ ở chỗ khi đọc
lên, người ta thấy có vần điệu nhịp nhàng. Được viết theo thể thơ bốn chữ, bài
thơ đầu tiên mang theo một âm điệu da diết nhưng đôi khi cũng lấp lửng chẳng
thành lời. Giọng thơ cứ nhịp nhàng, càng lúc càng dồn nén đến cùng với cặp lục
bát. Giọng điệu cứ làm người ta nao lòng khôn nguôi, khó tả. Khăn thương nhớ ai
mà thơ càng trĩu nặng tâm tư. Phải nói đây là một tứ thơ vô cùng độc đáo và sáng
tạo của nhân dân. Bước sang bài thơ thứ hai, chúng ta bắt gặp sự đồng điệu
của thể thơ lục bát. Bài ca dao như một câu chuyện được kể lại bằng chất liệu
thi ca, thơ đến nỗi làm ta say mê và thả hồn vào trong đó. Lời tâm tình, đối
đáp của chàng trai và cô gái tuổi mười tám, đôi mươi về sính lễ ngày cưới đã
mang đến những phút giây thư thái và tiếng cười vô tư trong cuộc sống.
Nhịp nhàng, không một chút gò bó, ca dao đã thể hiện rất đa dạng,
phong phú trên nhiều phương diện nghệ thuật của thơ ca. Có vần, có điệu,
có những lối nói tu từ, bài ca dao mang trong mình mọi tính chất của thơ. Bài
ca dao thứ nhất đã sử dụng biện pháp tu từ điệp cấu trúc: khăn thương nhớ ai,
đèn thương nhớ ai, mắt thương nhớ ai. Điệp đi điệp lại ngần ấy yêu thương, cảm
xúc càng nhung nhớ, càng bứt rứt khó rời. Với lối nhân hóa ẩn dụ trong thơ, những
hình ảnh hiện lên càng chân thực, sắc nét. Còn ở “Cưới nàng anh toan dẫn
voi...”, nghệ thuật thơ xuyên suốt là lối nói trào phúng pha chút hóm hỉnh, tươi
vui. Tác giả dân gian đã vận dụng rất tinh tế lối đối đáp trong thơ để đưa vào
ca dao, đó là lời đối thoại giữa chàng trai và cô gái. Tạo ấn tượng trong từng
lời thơ, nó giúp ca dao tha hồ tỏa sức chinh phục cảm xúc con người.
Không chỉ là thơ làm người ta có cảm giác vần điệu khi đọc
lên, ca dao còn có nhạc có họa. Lưng chừng đọc lên câu ca dao “Khăng thương nhớ
ai...” có phải ta nghĩ đó không đơn thuần là đọc, mà ta nghĩ đó là lời ca thương
nhớ da diết. Âm thanh lắng động trong từng câu chữ, sống động đến lạ thường.
Bạn đọc dễ cảm nhận được ở bài ca dao “Khăn thương nhớ ai...” là một thiên ly sầu, vang vọng đến nơi xa, làm thổn thức đến tận đáy lòng. Một khúc ca sầu
muộn, làm người ta cùng buồn, cùng nghĩ, cùng khóc với cô gái. Nhạc điệu
thổi vào ca dao làm nó trỗi dậy bao nhiêu xúc cảm mà những lời nói thường nhật
khó mà chuyển tải được hết. Còn với “Cưới nàng anh toan dẫn voi…”, nó lại dẫn
đường cho ta đến một lễ cưới mới đầu nghe như linh đình, ồn ã nhưng sau cùng lại
là một đám cưới chân quê bình dị. Nhạc trong ca dao như khúc ca về hạnh phúc lứa
đôi, thật bình dân và ấm cúng. Bài ca tươi vui của người dân lao động mang đến
những tiếng cười, xua tan bao mệt nhọc, căng thẳng. Giai điệu của cuộc sống
bình yên, hạnh phúc, là bản tình ca muôn đời mà ca dao đón nhận, giữ gìn
và bung tỏa. Hai bài ca dao là hai bản tình ca về cuộc sống nội tâm phong
phú cũng như hiện thực lạc quan của nhân dân lao động thời xa xưa.
Ca dao là thơ, là nhạc thì đương nhiên, bản chất chủa nó phải
nói lên được chữ “tình”. Chữ tình qua hai bài ca dao được nói đến với đa cung
bậc, đa sắc thái. Chạm vào“ khăn thương nhớ ai...”, tình theo chân từng bước
là nỗi thương nhớ người yêu đến tan chảy cõi lòng. Nỗi nhớ ấy bộc trực
trong từng vần điệu, câu chữ, nhớ đến thao thức, đến cồn cào ruột gan mà không
dễ bộc lộ. Cô phải hỏi khăn, hỏi đèn và hỏi cả đôi mắt mình. Những câu hỏi
không có câu trả lời đó càng nén chặt suy nghĩ chìm trong biển nhớ:
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt…”
Hình tượng cái khăn là một hình tượng rất quen thuộc trong ca
dao. Nó là vật trao duyên và gợi nhớ kỷ niệm về người yêu. Những câu thơ được cấu
trúc điệp đi điệp lại như một điệp khúc bất tận, triền miên da diết lan tỏa khắp
không gian. Càng hỏi bao nhiêu, càng nhớ bấy nhiêu. Cái khăn chẳng nó tự biết
“thương nhớ”, “vắt lên” hay “rơi xuống” rồi lặng lẽ “chùi nc mắt” nhưng những
hình ảnh vận động mang cảm xúc con người đã làm thể hiện bức tâm tư con người với
nỗi ngổn ngang thương nhớ, lo âu. Nỗi nhớ lan tỏa theo chiều hướng không gian rồi
lại thu mình lại trong cảnh thầm lặng xuyên thấu của thời gian. Cô gái nhớ người
yêu hết ngày rồi lại đêm.
Tiếp nối chiếc khăn chiếc bóng là hình ảnh ngọn đèn lẻ
loi. Nó gợi lên cảnh canh tàn đêm tận, cái đốm lửa đang cháy kia dù nhỏ
nhoi nhưng dẻo dai sức sống phải chăng chính là nỗi nhớ vẫn bừng bừng trong
lòng cô gái .Ngọn đèn mãi không chịu tắt, nỗi nhớ cứ da diết khôn nguôi. Và
tình cảm ấy càng ngày càng bộc trực rõ nét, không thể nói được theo lối biểu tượng
nhân hóa nữa. Nỗi lòng của người con gái thổ lộ thổn thức:
“Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề.”
Một hình ảnh được dựng lên rất thực: cô gái giữa đêm khuya ngồi
một mình đối diện với ngọn đèn mà nhớ thương. Vì “mắt ngủ không yên“ nên “đèn
không tắt”. Ngọn đèn soi chiếu vào ánh mắt, càng chiếu vào nỗi nhớ vời vợi khôn
nguôi. Tưởng chừng như nỗi nhớ ấy không có kết thúc nhưng bài ca dao cũng có điểm
dừng. Khi cô gái không hỏi nữa thì niềm thương nhớ thành nỗi lo phiền, lo đến
chẳng yên lòng. Có thể thấy tình xuyên thấu suốt bài ca dao là nỗi lòng của cô
gái nhớ người thương.
Rẽ lối từ bài ca dao thứ nhất, bài ca dao thứ hai cũng
rất đậm chất tình. Nhưng tình ở đây không sầu muộn, buồn thương, tình ở đây mang
hết vẻ vui tươi, hóm hỉnh. Nó là thành phẩm vẻ đẹp tâm hồn người dân
nghèo khó. Dù sống trong hoàn cảnh khốn khó như vậy, họ vẫn rất lạc
quan yêu đời. Bài ca dao dựng lên khung cảnh một đám cưới nghèo nhưng rất vui vẻ,
bình dị, nơi mà người ta thắt chặt với nhau chỉ bằng tình yêu chân
chính. Có lẽ tiếng cười từ đónđã bộc lộ được bản lĩnh sống của nhân dân lao động.
Được xây dựng theo hình thứ đối thoại giữa chàng trai và cô gái. Họ yêu nhau và
sắp sửa tiến tới hôn nhân. Tác giả dân gian đã mượn hình ảnh trào lộng, hài hước
để nói đến cái tình rất mộc mạc, chân quê. Những lời dẫn cưới của chàng trai
chính là lời tâm sự bộc lộ hoàn cảnh, tấm lòng, tính nết và là tâm tư nguyện vọng
của mình. Nhà nghèo cưới vợ thì cũng phải có vật dẫn cưới chứ sao? Dễ nhận
thấy sự khoác lác, ba hoa của chàng trai khi tác giả hé mở: “dẫn voi, dẫn
trâu, dẫn bò rồi cuối cùng là con chuột béo. Nhưng chính điều đó đã tạo nên tiếng
cười sảng khoái cho người lao động. Chàng trai này thật khôn ngoan và hài hước
hước với những lí do giải thích thật nực cười. Và ta thấy đây cũng là một chàng
rể chu đáo, cẩn thận, ai nỡ ngờ vực lòng thành của chàng.
Tình trong bài ca dao không chỉ có thế, chữ tình ấy còn đậm
đà hơn trong cách xử sự của người con gái. Dù có tinh ranh, khôn ngoan đến đâu
thì chàng trai cũng không qua được mắt cô gái. Người đọc thật bất ngờ khi cô
gái ấy lại thản nhiên, bình tĩnh, không hề chê bai. Cô đưa ra lễ vật “một nhà
khoai lang” mà không cần một thứ sính lễ cao sang nào. Qua những hình ảnh trên,
ta thấy được sự yêu thương, gắn bó tình cảm giữa hai người chứ không hề có sự
nhúng tay của vật chất. Cô gái nguyện đồng cam cộng khổ cùng chàng. Có lẽ khi đọc
xong bài ca dao này, đằng sau tiếng cười vui tươi lại chính là giọt nước mắt. Với
những tình cảm sâu sắc, thuận vợ thuận chồng trong nếp sống và suy nghĩ, nó mới
chính là động lực cho đôi lứa đang yêu nhất định sẽ hạnh phúc. Đó cũng chính là
ước mơ mà tác giả dân gian muốn gửi gắm vào từng câu ca dao tự ngàn xưa.
Sự kết hợp hài hòa giữa thơ, nhạc và tình trong từng bài ca
dao đã tạo nên sức hút riêng cho mỗi tác phẩm. Tình người quyện với thi
ca đã cho ra đời những mảnh ghép đa sắc qua lăng kính của tác giả dân gian. Để
cho ra đời một câu ca dao, nhân dân ta đã tiến hành một cuộc quan sát rất kỹ lưỡng,
đặt cả tâm hồn mình để thấu hiểu và nói lên mọi tâm tư, suy nghĩ. Và vui bao
nhiêu sau mỗi câu ca dao là những tiếng cười giòn dã, phút giây suy ngẫm hay nó hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ của tâm hồn. Nhạc - thi - tình,
nó là sự dung hòa không thể tách biệt, đó cũng chính là điểm cách biệt giữa
ca dao với bất kì thể loại nào khác.
“Ca dao là thơ, là nhạc và cũng là tình”- nhận định trên hoàn
toàn chính xác. Nó cho thấy được đời sống tinh thần phong phú
của người dân lao động. Có thể nói ca dao là một biểu tượng tâm hồn cao đẹp của
tác phẩm dân gian, là bông hoa đơn thuẩn, dung dị nhưng không kém phần hương sắc
trong vườn hoa văn học. Hai bài ca dao vừa rồi đã một lần nữa chứng minh cho
điều đó. Ca dao chính là cái nôi của nghệ thuật, là món ăn tinh thần không thể
thiếu và đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
4/7/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét