1. Nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời, sau cuộc đời hơn 9 thập
kỷ nổi nênh. Người nhạc sĩ tài hoa, yêu thương da diết đến từng câu chữ Việt. Hẳn
ở cõi phiêu diêu cực lạc, ông gặp một người cùng tình yêu lớn, tình yêu tiếng
Việt như ông - nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Chỉ với một Tình ca mà nhiều người quen gọi là “tiếng nước
tôi” ông đã vĩnh viễn gieo mình vào lòng dân tộc. Tiếng Việt được gợi lên với tất
cả sự tha thiết, yêu thương, thổn thức của một tâm hồn Việt Nam.
Tiếng nói vốn làm nên bản sắc của dân tộc, phân biệt dân tộc
này với dân tộc khác. Nó là mối liên hệ giữa con người với dân tộc và để cho mỗi
dân tộc trường tồn, không bị đồng hóa, lụi tàn. Tôi nhớ, nhà ngôn ngữ học nổi
tiếng W. Humboldt đã nói: "Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc và linh hồn của
dân tộc chính là ngôn ngữ”. Và tôi cũng như nhiều độc giả, khán giả bắt gặp hai
tâm hồn, Phạm Duy và Lưu Quang Vũ đã hòa tan tâm hồn mình vào linh hồn đó.
2. Khi Phạm Duy viết Tình ca - tiếng nước tôi, Lưu Quang Vũ
(sinh năm 1948) mới là cậu bé lên 4 tuổi. Nhưng hai con người tài hoa ở hai thế
hệ cách xa nhau đã gặp nhau ở “tiếng lòng” mình. Họ yêu tiếng Việt, cũng như tất
cả những con người ngày ngày cất trên môi những tiếng ấy. Họ đã cùng nhau mang
tình yêu ấy đến với tất cả chúng ta, với một “Tiếng nước tôi” của Phạm Duy và một
Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ.
Trong Tình ca, Phạm Duy thổn thức: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ
khi mới ra đời, người ơi”. Lưu Quang Vũ thì nhắn gửi qua: “Chưa chữ viết đã vẹn
tròn tiếng nói”.
Trước thời của họ, trong cơn bĩ cực lúc giao thời của buổi
“Nho tàn” với khoa học hiện đại Tây phương, nhà trí thức Phạm Quỳnh đã thốt lên
rằng: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Và sau
này Phạm Duy đã viết: “Một yêu câu hát Truyện Kiều/ Lẳng lơ như tiếng sáo diều
làng ta”. Thì Lưu Quang Vũ lại nhớ Nguyễn Du: “Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ
quán/ Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời”.
Có một hình ảnh thiêng liêng mà họ đồng điệu gọi tên, đó là
hình ảnh biển đảo quê hương. Trong Tình ca của Phạm Duy: “Tôi yêu đất nước tôi,
nằm phơi phới bên bờ biển xanh/ Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình”. Với Lưu
Quang Vũ thì chúng ta gặp lại: “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng/ Vẫn tiếng làng
tiếng nước của riêng ta”.
Lưu Quang Vũ là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch xuất chúng, với
tiếng Việt, có thể nói ông là bậc thầy. Với Phạm Duy, một nhạc sĩ, nhưng ai mến
nhạc ông, sẽ thấy ông giỏi tiếng Việt. Lượng từ vựng dồi dào, vốn sống phong
phú, tâm hồn hào hoa, Phạm Duy tài tình khi phổ thơ của các thi nhân tiền chiến:
Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Bích Khê...; viết nhiều ca từ cuốn
hút và ám ảnh và không dễ để đưa vào khuông nhạc.
Nhiều thế hệ sẽ còn yêu mến hai con người tài hoa này, bởi
trước hết, chúng ta yêu tiếng Việt.
Tình ca
Phạm Duy - Thái Thanh
30/1/2013
Nguyễn Gia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét