Hồi 76:
Nhà Đột Bích nghe sáo, cảm nỗi ưu sầu;
Quán Ao Tinh nối thơ, buồn đêm vắng lặng.
Giả Xá và Giả Chính dẫn bọn Giả Trân ra về. Giả mẫu sai cất
cái bình phong đi, dồn hai bàn làm một. Bọn đàn bà lại lau bàn sửa các thứ quả,
thay chén rửa đũa, bày biện một lượt nữa. Giả mẫu mặc thêm áo, rửa mặt, súc miệng
uống trà, rồi mời ngồi quây quần lại. Giả mẫu nhìn không thấy hai chị em Bảo
Thoa ngồi ở đấy, biết là họ về nhà thưởng trăng. Lý Hoàn, Phượng thư lại ốm.
Thiếu mất bốn người, thành ra buồn tẻ quá. Giả mẫu cười nói:
- Năm ngoái cha cháu đi vắng, chúng ta mời cả dì Tiết đến thưởng
trăng, rất là vui nhộn; bấy giờ nhớ tới cha cháu không được ở nhà, lại không khỏi
nghĩ đến việc vợ chồng con cái không được cùng nhau đoàn tụ, thành ra ít vui.
Năm nay cha cháu đã về, cả nhà sum họp vui vẻ, lại không tiện mời mẹ con bà ấy
sang chơi. Năm nay nhà bà ấy lại thêm hai người nữa, không có nhẽ bỏ bọn ấy ở
nhà mà đi sang đây, ngặt vì cháu Phượng ốm, nếu không, một mình nó cười đùa đủ
chấp mười đứa. Thế mới biết việc đời không bao giờ mười phần vẹn cả mười.
Nói xong Giả mẫu thở dài một tiếng:
- Cầm chén lớn đến đây rót rượu nóng.
Vương phu nhân cười thưa:
- Hôm nay mẹ con được sum họp vui hơn năm ngoái nhiều. Năm
ngoái tuy có nhiều các bà các cô, nhưng không vui bằng năm nay, gia đình sum họp
đủ mặt.
Giả mẫu cười nói:
- Chính vì thế nên ta mới cao hứng gọi mang chén lớn đến. Các
người cũng phải đổi lấy chén lớn mới được.
Bọn Hình phu nhân đành phải đổi lấy chén lớn. Đêm khuya, người
mệt, không uống được nhiều rượu, nên ai nấy đều có vẻ uể oải. Thấy Giả mẫu vẫn
còn cao hứng, họ đành phải ngồi lại hầu rượu.
Giả mẫu lại sai rải nệm ở trên thềm, bày bánh dẻo, dưa và các
thứ quả ra đấy, cho bọn a hoàn, đàn bà ngồi quây lại thưởng trăng.
Giả mẫu thấy trăng đã lên đến đỉnh đầu, càng sáng đẹp đáng
yêu, liền nói:
- Trăng đẹp thế này, phải có tiếng sáo mới vui.
Rồi cho gọi bọn nữ nhạc đến. Giả mẫu nói:
- Nhiều thứ nhạc đâm mất vui, chỉ cần bảo người thổi sáo từ
xa vẳng lại là đủ.
Người thổi sáo vừa đi, thì có người đàn bà theo hầu đến bên
Hình phu nhân nói mấy câu. Giả mẫu hỏi:
- Việc gì đấy?
Người đàn bà thưa:
- Vừa giờ ông Cả đi về, bị vấp phải mấy hòn đá ngã trẹo chân.
Giả mẫu nghe nói, sai hai bà già ra xem, lại bảo Hình phu
nhân phải về ngay. Hình phu nhân cáo từ ra về. Giả mẫu lại nói:
- Nhân tiện chị Trân cũng về nhà luôn. Ta cũng đi nghỉ đây.
- Hôm nay cháu không về, nhất định ở đây suốt đêm hầu rượu cụ.
- Không được. Hai vợ chồng trẻ các cháu đêm nay phải về sum họp
với nhau, sao lại vì ta mà bỏ lỡ dịp!
Vưu Thị đỏ bừng mặt lên, cười nói:
- Cụ nói thế thì ra chúng cháu chẳng ra gì nữa. Tuy còn trẻ
thực, nhưng làm bạn với nhau mười năm nay rồi, cũng đã xấp xỉ bốn mươi tuổi đầu,
lại đương có tang, ở đây hầu cụ suốt đêm.
- Nói thế phải đấy. À ra cháu chưa hết tang, ta quên khuấy mất
rồi. Khốn nạn, bố chồng cháu mất đã hơn hai năm rồi! Thế ra ta quên mất đấy,
đáng phạt ta một chén lớn! Đã thế cháu đừng có đưa họ về nữa, cứ ở đây hầu ta.
Bảo vợ cháu Dung tiễn về, rồi nó tiện đường về nhà luôn.
Vưu Thị bảo vợ Giả Dung đưa Hình phu nhân về. Ra đến cửa lớn,
ai nấy đều lên xe về nhà.
Mọi người thưởng hoa quế một lúc, rồi lại vào tiệc thay rượu
nóng.
Đường nói chuyện phiếm, chợt nghe dưới cây quế bên cạnh tường
có tiếng sáo đưa lại réo rắt véo von. Gặp lúc gió mát trăng trong, trời quang
mây tạnh, khiến người trút sạch nỗi lo buồn, lặng lặng ngồi yên, cùng nhau thưởng
thức. Chừng uống hết hai chén trà, tiếng sáo mới dứt tiếng. Mọi người khen ngợi
mãi. Rượu nóng lại rót lên.
Giá mẫu cười hỏi:
- Nghe có hay không?
Mọi người cười thưa:
- Hay quá! Chúng cháu không ngờ lại hay được đến thế. Nhờ cụ
nêu ra, khiến chúng cháu được khoan khoái trong lòng.
- Thế cũng chưa hay lắm. Phải chọn một khúc nhạc nào thổi
càng thong thả nghe càng hay.
Liền sai rót một chén rượu lớn, đưa cho người thổi sáo uống từ
từ, rồi khẽ thổi một bài. Bọn đàn bà vâng lời mang rượu đi, gặp hai bà già đi
thăm Giả Xá về thưa:
- Chúng cháu đã xem rồi. Mu bàn chân bên phải sưng một tí. Giờ
uống thuốc đã đỡ đau, không quan hệ lắm.
Giả mẫu thở dài:
- Ta cũng hay lo nghĩ quẩn. Đã nói ta ăn ở thiên vị, mà ta lại
như thế.
Nhân đem câu chuyện vui của Giả Xá vừa nói lúc nãy kể lại cho
Vương phu nhân và Vưu Thị nghe. Vương phu nhân khuyên:
- Bác ấy rượu vào, nói chuyện vui, không để ý đến, khi nào
dám nói kháy cụ. Xin cụ đừng nên nghĩ đến.
Uyên Ương mang mũ và áo choàng đến nói:
- Đêm khuya rồi, sợ sương gió lạnh, cụ ngồi một lúc rồi đi
nghỉ thôi.
Giả mẫu nói:
- Hôm nay vui thế này, mày lại đến giục ta, không lẽ ta đã
say rồi à? Nhất định ngồi đến sáng!
Lại sai rót rượu đến, rồi đội mũ khoác áo vào. Mọi người lại
tiếp rượu nói chuyện vui cười. Lúc đó lại vẳng nghe tiếng sáo thổi ở dưới bóng
hoa quế, buồn rầu hơn trước, mọi người đều ngồi im lặng. Đêm khuya trăng sáng,
tiếng sáo càng réo rắt nỉ non. Giả mẫu tuổi già lại chếnh choáng hơi rượu, lẽ
nào nghe thấy lại chẳng xúc động trong lòng, bất giác lệ rơi lã chã. Mọi người
đều buồn rầu thê thảm. Một lúc lâu, biết Giả mẫu cũng thương cảm, ai nấy đều
quay lại vui cười, tìm lời khuyên giải, lại sai thay rượu và ngừng thổi sáo.
Vưu Thị cười nói:
- Cháu cũng học kể một câu chuyện vui để bà đỡ buồn.
Giả mẫu gượng cười:
- Thế thì hay lắm, cháu hãy kể ngay cho ta nghe.
- Một nhà có bốn đứa con: đứa lớn chỉ có một mắt, đứa thứ hai
chỉ có một tai, đứa thứ ba chỉ có một lỗ mũi, đứa thứ tư thì đầy đủ cả, nhưng lại
câm.
Thấy Giả mẫu lim dim con mắt, như có vẻ buồn ngủ, Vưu Thị
thôi không kể nữa, rồi cùng Vương phu nhân khẽ gọi. Giả mẫu mở mắt cười nói:
- Ta không buồn ngủ đâu, chỉ nhắm mắt để tỉnh táo tinh thần đấy
thôi. Các người cứ nói chuyện, ta đương nghe đây.
Vương phu nhân nói:
- Đêm khuya rồi, sương gió xuống, xin cụ về nghỉ thôi. Ngày
mai mười sáu lại thưởng nữa, mới không phụ cảnh trăng tươi.
- Chừng bao giờ rồi? Đã đến canh tư chưa?
- Đã sang canh tư. Chị em chúng nó không thức được nữa, đều
đi ngủ cả rồi.
Giả mẫu nghe nói, nhìn kỹ một lượt, quả nhiên thấy họ đã về cả
chỉ còn một mình Thám Xuân ở đó thôi. Giả mẫu cười nói:
- Thế thì thôi vậy. Các cháu không thức quen. Hơn nữa đứa thì
ốm, đứa thì yếu, về cả cũng đỡ bận lòng. Chỉ có cháu Thám là đáng thương, vẫn
chờ ở đây. Thôi cháu về đi, chúng ta cũng đều về cả.
Giả mẫu đứng dậy uống một chén trà rồi ngồi lên kiệu trúc nhỏ,
hai bà già kiệu về. Mọi người đi theo sau.
Bọn đàn bà ở lại thu dọn mâm bát, thấy thiếu một cái chén
trà, đi tìm các nơi không thấy, liền hỏi mọi người:
- Có ai đánh vỡ, vất ở đâu, bảo cho tôi biết, đem giả những mảnh
để có chứng cớ, nếu không lại bảo là chúng tôi ăn cắp.
Mọi người đều nói:
- Không ai đánh vỡ cả. Có lẽ người hầu các cô đánh vỡ cũng
chưa biết chừng? Bà hỏi họ xem.
Người đàn bà nhớ ngay ra, cười nói:
- Phải đấy, tôi nhớ là lúc nãy cô Thúy Lũ cầm, để tôi đi hỏi
cô ấy xem.
Bà ta mới đến đường ngách thì gặp Tử Quyên và Thúy Lũ. Thúy
Lũ hỏi:
- Cụ đã về chưa? Có biết cô chúng tôi đi đâu không?
- Tôi đến hỏi chị có để cái chén trà ở đâu, chị lại hỏi đến
cô của chị.
- Tôi đi pha trà cho cô tôi uống, lúc quay lại chẳng thấy cô
tôi đâu.
- Bà Hai vừa nói là họ đi ngủ cả rồi. Chị đi chơi đâu lại
không biết à?
Thúy Lũ và Tử Quyên nói:
- Không có lẽ cô tôi lại lẳng lặng đi ngủ ngay, chắc còn chơi
đâu đó. Giờ cụ về rồi, có lẽ các cô theo tiễn cũng chưa biết chừng. Chúng ta
hãy đi tìm xem, nếu thấy cô tôi thế nào cũng thấy cái chén. Sáng mai bà hãy đi
tìm, việc gì mà vội thế.
- Đã biết đích xác rồi thì chẳng cần phải tìm nữa. Ngày mai
tôi sẽ sang xin.
Nói xong người ấy bỏ đi về thu dọn đồ đạc. Tử Quyên và Thúy
Lũ thì sang bên Giả mẫu.
Đại Ngọc và Tương Vân vẫn chưa đi ngủ. Thấy trong phủ Giả thưởng
trăng, người đông như vậy mà Giả mẫu vẫn phàn nàn là ít, lại nghĩ đến chị em Bảo
Thoa về nhà, mẹ con anh em sẽ vui vầy thưởng trăng.
Đại Ngọc bất giác ngắm cảnh chạnh buồn, tự mình đứng tựa lan
can rơi lệ. Gần đây thấy Tình Văn bệnh nặng, Bảo Ngọc chẳng để ý đến việc gì, vừa
rồi Vương phu nhân mấy lần giục, Bảo Ngọc đã đi ngủ, Thám Xuân gần đây bực vì
việc nhà, cũng không thiết gì chơi bời, tuy có Ngênh Xuân, Tích Xuân, nhưng
không hợp ý cho lắm. Vì thế Đại Ngọc chỉ còn trơ có một mình Tương Vân là thường
hay đến an ủi:
- Chị là người hiểu đời, tại sao chị cứ hay chuốc lấy những
điều khổ não vào người? Cảnh ngộ của em cũng như chị, nhưng em không có bụng dạ
hẹp hòi. Chị hay ốm luôn sao không biết giữ gìn thân thể. Đáng giận thay chị em
cô Bảo hàng ngày chầm bập thân thiết, đã bảo là tiết Trung thu năm nay thế nào
cũng phải họp nhau lại thưởng trăng, mở thi xã, nối vần làm thơ. Thế mà cô ta bỏ
rơi chúng ta, thưởng trăng một mình, thi xã không mở, thơ cũng chẳng làm, tha hồ
cho cha con, chú cháu thỏa thích tung hoành. Chị cũng biết đấy, vua Tống Thái Tổ
nói rất hay: “Nhẽ nào lại để người khác ngủ say bên cạnh giường nằm của mình”.
Bọn họ không đến, hai chúng ta cứ làm thơ nối vần với nhau, để sau này cho họ xấu
hổ một bữa!
Đại Ngọc không nỡ phụ lòng hào hứng của Tương Vân, liền cười
nói:
- Thưởng trăng ở trên núi tuy thích thật, nhưng không bằng
thưởng trăng ở gần nước. Chị nên biết trăng dưới sườn núi này đều là ao cả.
Trong khe núi có một ngôi nhà gần nước gọi là Ao Tinh quán (1). Thế mới biết khi
trước mở cái vườn này có nhiều ý nghĩa. Nơi cao nhất trên núi gọi là Đột Bích,
chỗ thấp gần nước gọi là Ao Tinh. Hai chữ “đột” “ao” (lồi lõm) người ta dùng rất
ít, bây giờ đặt tên cho ngôi nhà, thực là mới lạ, không chịu rập theo lối cũ.
Trong hai chỗ này, trên dưới, sáng tối, cao thấp, non nước, cốt đặt ra để làm
chỗ thưởng trăng. Ai thích núi cao trăng nhỏ thì đến chỗ này, ai thích trăng
sáng nước trong thì đến chỗ kia. Người ta thường đọc hai chữ này là “oa” “cũng”
(cao trũng), kể cũng hơi tục, nên ít dùng. Chỉ có Lục Phóng Ông là dùng chữ
“ao” thôi. Tức là câu “Cổ nghiễn vi ao tụ mặc đa”.(2) Thế mà có người chê ông
ta là tục, có đáng buồn cười không?
Đại Ngọc nói:
- Chẳng cứ một mình Lục Phóng Ông, người xưa dùng chữ ấy rất
nhiều. Như bài “Phú thanh đài” của Giang Yêm; “Kinh thần dị” của Đông Phương
Sóc(3) cho đến bài “họa ký” nói về việc ông Trương Tăng Do(4) vẽ chùa Nhất Thặng
không kể xiết được. Người đời không biết, nhận lầm là dùng chữ tục đấy thôi.
Tôi nói thực với cô: hai chữ này là tôi đặt ra đấy. Năm nọ thử tài Bảo Ngọc, bắt
anh ấy phải nghĩ mấy chỗ: có chỗ nghĩ ra, có chỗ phải bỏ, có chỗ chưa nghĩ được.
Sau này chỗ nào chưa có tên, chúng tôi đều nghĩ và ghi rõ xuất xứ, đưa cho chị
Cả xem. Chị Cả bảo đưa cho cậu tôi. Cậu tôi xem xong rất mừng nói: “Biết thế
này bảo chị em chúng nó nghĩ cho cả, chẳng thú hay sao?” Những chữ tôi nghĩ đều
lấy cả, không bỏ một chữ nào. Bây giờ chúng ta đến Ao Tinh quán đi.
Hai người cùng xuống dốc núi, đi quanh một vòng thì đến nơi.
Trên bờ ao có một hàng rào trúc liền nhau thông ra con đường đi sang Ngẫu Hương
tạ, ở đó nhà cửa có ít, vừa thấp vừa hẹp, chỉ có hai bà già canh đêm. Biết mọi
người đương thưởng trăng ở Đột Bích, không can gì đến họ, nên họ đưa bánh trái
và rượu thưởng ra uống say túy lúy rồi tắt đèn đi ngủ. Đại Ngọc, Tương Vân thấy
tắt đèn, đều cười nói:
- Họ đi ngủ cả, thế càng tốt, chúng ta ở ngay dưới mái cỏ này
thưởng trăng dưới nước có được không?
Hai người ngồi xuống hai cái ghế tre. Một vầng trăng tỏ trên
trời, một bóng trăng long lanh dưới nước, trên dưới đua sáng như đặt mình trong
cung thủy tinh nhà Giao Thất vậy. Gió nhẹ lướt qua, sóng biếc lăn tăng gợn trên
mặt nước, khiến người ta khoan khoái nhẹ nhàng.
Tương Vân cười nói:
- Giờ được ngồi thuyền uống rượu thì hay quá! Nếu ở nhà tôi,
tôi sẽ chơi thuyền ngay.
Đại Ngọc nói:
- Đúng như người xưa thường nói: “Việc mong đủ cả có vui gì!”
Cứ ý tôi, thế này cũng được, cần gì phải có thuyền?
- Được đất Lũng, lại mong đất Thục(5) là thường tình của người
ta. Các cụ già chả vẫn nói: con nhà nghèo nhìn cái gì của nhà giàu cũng đều lấy
làm vừa lòng. Dù có ai nói thế nào, họ cũng chẳng tin. Đến khi bản thân trải
qua, họ mới vỡ lẽ. Cũng như hai chúng ta đây, cha mẹ mất cả, dù ở nơi giàu sang
sung sướng đến đâu, cũng có nhiều điều không được thỏa lòng.
- Không những chúng ta, cả từ cụ trở xuống đến Bảo Ngọc, Thám
Xuân, bất cứ việc lớn nhỏ, có lý hay vô lý, nhưng đã không được vừa lòng, thì
cũng cùng một lẽ cả, huống chi tôi với cô lại là người ăn gửi ở nhờ!
Sợ Đại Ngọc lại gợi thêm nỗi thương cảm, Tương Vân vội gạt đi:
- Nhắc đến làm gì nữa. Chúng ta hãy làm thơ liên cú đi.
Đương lúc nói chuyện thì vẳng nghe tiếng sáo réo rắt ở đằng
xa. Đại Ngọc cười nói:
- Hôm nay cụ và bà Hai cao hứng quá. Sáo thổi hay lắm, càng
giúp thêm thi hứng cho chúng ta! Chúng ta đều thích thơ ngũ ngôn, giờ làm ngũ
ngôn đi.
- Lấy vần gì?
- Chúng ta đếm xem hàng lan can từ đầu này đến đầu kia có bao
nhiêu song thẳng, đến song thứ mấy sẽ lấy đó đặt vần.
- Thế lại càng thú.
Hai người đứng dậy, đếm từ đầu nọ đến đầu kia, được ba mươi
chiếc.
Tương Vân nói:
- Thế là vần “Thập tam nguyên” rồi! Vần này dùng được ít chữ
lắm, làm theo Đường luật sợ không gieo được, lại phải gán ghép. Chị phải làm
trước một câu đi.
- Cũng để thử xem chúng ta ai hơn ai kém. Nhưng không có bút
giấy ở đây.
- Ngày mai sẽ chép lại, có lẽ chúng mình còn đủ trí thông
minh để nhớ được.
- Tôi đọc một câu tục ngữ có sẵn:
Đêm rằm giữa tiết thu này(6)
Tương Vân nghĩ một lúc rồi đọc:
Cuộc vui thanh nhã như ngày thượng nguyên.
Đẩu, cơ(7) lập lóe từng trên,
Đại Ngọc cười đọc:
Dưới này khoan nhặt tiếng chen sáo đàn.
Mấy nơi dốc chén rót tràn,
Tương Vân cười nói:
Câu “Mấy nơi dốc chén róc tràn” có ý đấy! Phải đối cho hay mới
được. Nghĩ một lúc rồi cười đọc:
Nhà nào chẳng mở cửa vườn nhìn ra.
Nhẹ nhàng từng trận gió đưa,
Đại Ngọc nói:
- Đối hay đấy. Hay hơn câu của tôi. Nhưng câu này lời lẽ thường
thôi, phải nói mạnh hơn nữa mới được.
Tương Vân cười nói:
- Thơ nhiều vần hiểm hóc, nên ngay từ đần cũng phải cần phô
diễn một chút. Từ hay sẽ để lại ở cuối bài.
Đại Ngọc cười nói:
- Cuối bài không có câu hay, liệu cô có xấu hổ không?
Rồi đọc luôn:
Đêm vừa thanh vắng, cảnh vừa xinh tươi.
Già còn tranh bánh mới vui,
Tương Vân cười nói:
- Câu này không hay, bịa đặt lấy việc tục để làm khó tôi
thôi.
Đại Ngọc cười nói:
- Tôi cho là cô chưa từng đọc sách, chữ “ăn bánh” cũng có điển
cũ. Cô về đọc “Đường thư”, “Đường chí” đi rồi hãy nói chuyện.
Tương Vân cười nói:
- Cái đó cũng không lấy gì làm khó. Tôi đã có điển đây.
Liền đọc:
Chia dưa có ả nực cười làm sao?
Mùi hoa ngọc quế ngọt ngào.
Đại Ngọc nói:
- Câu của cô mới thực là bịa đặt.
Tương Vân nói:
- Ngày mai chúng ta đem sách ra đối chiếu xem sẽ rõ, bây giờ
không nên làm mất thì giờ.
Đại Ngọc cười nói:
- Dù thế, câu dưới cũng không hay. Không nên dùng chữ “ngọc
quế” “kim lan “ để cho xong chuyện. Rồi đọc:
Huyên vàng đầy vẻ hồng hào nở nang.
Tiệc bày đuốc rọi sáng choang,
Tương Vân cười nói:
- Hai chữ “Huyên vàng” tiện cho chị quá, không phải dùng sức
mấy. Cái vần có sẵn ấy bị chị vớ mất. Nhưng không nên tán tụng hộ nhiều quá, sợ
câu dưới chị cũng làm qua chuyện thôi.
Đại Ngọc cười nói:
- Cô không nói chữ “quế ngọc” khi nào tôi lại đối gượng chữ
“Huyên vàng”. Hơn nữa phải phô hay cho khéo thì mới đúng là tức cảnh chứ.
Tương Vân đành lại đọc tiếp:
Thẻ gieo chén chạm nhộn nhàng vườn hoa.
Chia ban một lệnh truyền ra,
Đại Ngọc cười nói:
- Câu dưới hay, nhưng hơi khó đối. Nghĩ một lúc rồi đọc:
Đố rồi lại giảng nghe ba lệnh truyền.
Quân bài đỏ ối từng khuyên,
Tương Vân cười nói:
- Chữ “ba lệnh truyền” thú lắm, tục mà thành ra nhã. Nhưng
sao câu dưới lại nói đến quân bài? - Rồi đọc:
Thuyền hoa lần lượt trống liên hồi rền.
Bóng trăng lay chuyển sân thềm,
Đại Ngọc cười nói:
- Đối được đấy nhưng câu dưới lại chệch đi mất rồi. Chỉ dùng
những chữ gió trăng để cho xong việc thôi à?
Tương Vân nói:
- Vẫn chưa nói đến trăng bao giờ cả. Phải nên điểm xuyết một
tí mới không lạc đề.
Đại Ngọc nói:
- Thôi hãy để đấy, ngày mai sẽ châm chước. Liền đọc:
Đất trời trắng xóa, ngút lên một màu.
Thưởng phạt kể chủ khách đâu,
Tương Vân nói:
- Lại còn nói đến họ làm gì nữa? Hãy nói chúng ta đây này.
Liền đọc:
Ngâm thơ chị trước em sau theo hàng.
Nghĩ thơ đứng cạnh lan can,
Đại Ngọc nói:
- Bây giờ có thể nói được về chúng ta đấy.
Liền đọc:
Khi ra tựa cưa ta dàn vần hay.
Rượu vơi tình vẫn còn đầy,
Tương Vân nói:
- Đúng lúc này đây. Liền đọc:
Cuộc vui gần sáng nhạt ngay đó mà.
Tiếng cười chừng đã gần thưa,
Đại Ngọc nói:
- Lúc này lại thấy càng khó thêm!
Liền đọc:
Mà màu sương tuyết còn trơ đây này.
Sương mai phủ đám nấm dày,
Tương Vân nói:
- Câu này ghép vần thế nào được đây? Để cho tôi nghĩ đã.
Liền đứng dậy chắp tay đằng sau nghĩ một lúc, cười nói:
- Được rồi. May mà nghĩ ra được một chữ, nếu không thì thua mất!
Liền đọc:
Chiều hoa dạ hợp cuốn đầy khói sân.
Dòng thu dọi đá nổi gân,
Đại Ngọc nghe xong, đứng dậy khen hay và nói:
- Con ranh con này, quả nhiên để những từ hay về sau. Bây giờ
mới nói đến chữ hoa “dạ hợp”. Khen cho mày nghĩ được ra đấy.
- May sao hôm nọ tôi xem quyển “Lịch triều văn tuyển” thấy có
chữ ấy, tôi không biết là cây gì, định để tra xem, chị Bảo Thoa nói: Không cần
phải tra cây ấy, bây giờ người ta vẫn gọi là cây “triêu khai dạ hợp” (sớm nở tối
cụp lại). Tôi không tin cứ đi tra, quả nhiên là đúng. Xem thế thì chị Bảo Thoa
biết rộng lắm.
Đại Ngọc cười nói:
- Chữ “dạ hợp” dùng vào lúc này càng đúng, thế cũng được rồi.
Nhưng chữ “Dòng thu” nghĩ hay đấy! Chỉ một câu ấy đủ xóa hết những câu khác. Thế
nào tôi cũng phải dốc hết tinh thần để nghĩ một câu đối lại, nhưng chắc không
thể nào bằng.
Nghĩ mãi mới đọc được:
Gió thu cuộn lá lên gần chân mây.
Thanh cao sao Vụ đẹp thay,
Tương Vân nói:
- Đối cũng khá đấy, nhưng câu này tứ lại tuột đi mất. May mà
là tình ở trong cảnh, chứ không phải chỉ dùng chữ “sao Vụ” để xong chuyện.
Liền đọc:
Thiền thừ thở hút hơi bay khoảng trời.
Thỏ thiêng thuốc đã luyện rồi,
Đại Ngọc không nói gì, gật đầu một lúc rồi lại đọc:
Người nơi hạ giới lên chơi Quảng Hàn.
Bên trời Ngưu nữ chờn vờn,
Tương Vân nhìn trăng rồi đọc:
Bè tiên lên hỏi thăm nàng đế tôn.
Bánh xe khi khuyết khi tròn,
Đại Ngọc nói:
- Câu này đối không sát. Câu dưới mở rộng ra một tí, tức là mạch
chạy nhanh thì châm cứu chậm.
Rồi lại đọc:
Đổi thay hối sóc(8) hãy còn trơ trơ.
Đồng hồ giọt đã gần khô,
Tương Vân sắp đọc, thì Đại Ngọc trỏ cho xem cái bóng đen ở giữa
ao và nói:
- Cô nhìn xem ở giữa ao, hình như có người đi đến chỗ bóng
đen? Hay là ma đấy?
Tương Vân cười nói:
- Khéo ma thật? Tôi không sợ ma đâu, để tôi ném cho nó một
cái.
Liền cúi nhặt một hòn đá nhỏ, ném xuống ao. Nghe tõm một tiếng,
có một cái vành tròn lớn làm gợn cả bóng trăng, cứ tan tan hợp hợp đến mấy lần.
Rồi trong bóng đen soạt một cái, một con hạc trắng bay lên, thẳng tới Ngẫu
Hương tạ.
Đại Ngọc cười nói:
- À ra con ma hạc? Mình không nghĩ đến, đâm ra nhát gan.
Tương Vân cười nói:
- Con hạc này hay đấy, nó giúp được thi hứng cho tôi!
Liền đọc:
Bên song phút đã lờ mờ đèn xanh.
Cò rò bóng hạc bên ghềnh,
Đại Ngọc vừa khen vừa giậm chân nói:
- Hỏng rồi! Con hạc giúp thi hứng cho cô thật nhưng câu này
không giống như câu “Dòng thu”, tôi đối thế nào cho hay được đây? Chỉ có chữ “hồn”
mới đối được chữ “bóng”. Mấy chữ bóng hạc bên ao rất là tự nhiên, như đã đặt sẵn,
vừa có cảnh, lại mới đẹp. Thôi tôi đành gác bút vậy.
Tương Vân cũng nói:
- Chúng ta cứ cố nghĩ đi, thế nào cũng ra. Nếu không để đến
ngày mai lại làm nối cũng được.
Đại Ngọc chỉ nhìn lên trời, mặc kệ đấy. Một lúc bỗng cười và
nói:
- Cô đừng lém mép nữa, tôi đã nghĩ ra được rồi! Nghe đây.
Liền đọc:
Hồn hoa chôn chặt dưới vành trăng trong.
Tương Vân vỗ tay khen:
- Quả nhiên hay thật, không thế thì lại không thể đối được.
Chữ “hồn chôn chặt” hay quá! - Rồi lại thở dài nói: - Câu thơ mới lạ thực,
nhưng rất suy đồi! Giờ chị đương có bệnh, không nên dùng những lời buồn rầu
quái gở như thế.
Đại Ngọc cười nói:
- Không thế thì áp đảo thế nào được cô? Chỉ dụng công ở một
câu này thôi.
Chưa dứt lời, thì có một người từ sau núi đá phía ngoài lan
can đi ra, cười nói:
- Thơ hay lắm, hay lắm! Nhưng buồn thảm quá, không nên làm tiếp
nữa. Nếu cuối bài cứ thế thì không nổi bật được hai câu này, lại thành ra gò
ép.
Hai người đang không để ý, giật nẩy mình, nhìn kỹ ra không phải
ai lạ, chính là Diệu Ngọc. Hai người lấy làm lạ hỏi:
- Sao cô lại đến đây?
Diệu Ngọc cười nói:
- Thấy các người thưởng trăng, lại nghe tiếng sáo thổi, tiện
đường tôi cũng đến đây ngắm cảnh nước trong trăng sáng một chút. Chợt nghe hai
cô ngâm thơ thực là thanh nhã khác thường. Vừa rồi trong bài thơ có mấy câu hay
thực, nhưng giọng thơ suy đồi, buồn thảm quá. Cái đó cũng quan hệ đến khí số
con người, nên tôi đến đây ngăn các cô. Giờ cụ đã về, những người ở trong vườn
chắc đã ngủ say rồi, có lẽ a hoàn cũng đang đi tìm các cô đấy. Các cô không sợ
lạnh à? Đi về chỗ tôi uống chén trà đã. Trời sắp sáng rồi.
Đại Ngọc cười nói:
- Ai ngờ thì giờ lại nhanh thế!
Ba người cùng đi đến am Lũng Thúy. Ở đó đèn còn lờ mờ, lò
hương chưa tắt. Mấy bà già đã ngủ cả, chỉ còn đứa a hoàn nhỏ ngồi rũ đầu ngủ gật
ở trên chiếu. Diệu Ngọc gọi nó dậy pha nước, chợt có tiếng gõ cửa, a hoàn nhỏ
chạy ra xem, thấy Tử Quyên, Thúy Lũ cùng mấy vú già đến tìm hai chị em Đại Ngọc.
Đi vào thấy họ đương uống trà, bọn này cười nói:
- Làm chúng tôi đi tìm khắp cả trong vườn, đến cả nhà dì Tiết.
Lúc đi qua đình nhỏ, gặp người canh đêm ở đó đã dậy. Chúng tôi hỏi, họ nói: “Vừa
giờ ở dưới giàn ngoài đình có hai người nói chuyện với nhau, sau thêm một người
nữa, nghe đâu họ vào trong am”. Vì thế chúng tôi mới biết các cô ở đây.
Diệu Ngọc sai a hoàn dẫn bọn họ sang bên kia ngồi nghỉ
uống nước, tự mình đi lấy bút nghiên giấy mực, bảo hai người đọc bài thơ vừa mới
làm lúc nãy, rồi viết cả ra. Đại Ngọc thấy Diệu Ngọc hôm nay cao hứng, liền cười
nói:
- Xưa nay không thấy cô cao hứng như thế bao giờ, nên tôi
không dám đường đột. Bài thơ này thế nào, mong người chỉ bảo giùm, nếu thấy
không hay thì xin đốt ngay, bằng có thể chữa được, xin người chữa cho.
Diệu Ngọc cười nói:
- Tôi không dám bàn nhảm. Nhưng bài này mới có 22 vần. Cứ ý
tôi thì những câu hay, hai cô đã làm cả rồi, nếu làm tiếp, sợ cuối bài đuối sức.
Tôi muốn làm nối lại sợ hỏng lây cả bài thơ của các cô.
Đại Ngọc không thấy Diệu Ngọc làm thơ bao giờ, nay thấy cô ta
cao hứng, liền nói:
- Đúng thế, thơ của chúng tôi dầu không hay, cũng nhờ đó được
thơm lây.
Diệu Ngọc nói:
- Giờ kết thúc thế nào cũng phải quay trở lại thần của thơ. Nếu
vất bỏ sự thực, chỉ tìm tòi những điều quái lạ, thì một là mất hẳn bản sắc khuê
các của chúng ta, hai là không dính dáng gì đến đầu bài.
Đại Ngọc và Tương Vân đều nói: “Phải lắm.”
Diệu Ngọc cầm bút khẽ ngâm, viết một lúc xong, đưa cho hai
người và nói:
- Xin các cô đừng cười. Cứ ý tôi thì phải thế này mới xoay lại
được tứ thơ. Tuy ở trên có những câu buồn thảm, cũng không quản ngại gì.
Hai người cầm lấy xem, thấy Diệu Ngọc làm tiếp:
Đỉnh vàng nghi ngút huơng nồng,
Long lanh châu ngọc như lồng màu son.
Nghe tiêu gái góa nỉ non,
Ôm chăn nhờ có a hoàn ủ cho.
Màn không, phượng những thẫn thờ,
Bình phong quạnh quẽ, uyên vơ vẩn hồn.
Rêu kia móc đọng, thêm nhờn,
Trúc kia sương nặng càng trơn khó cầm.
Quanh co đi dạo bên đầm,
Lại lên trên bãi âm thầm mà chơi.
Đá như ma quỷ chọc người,
Cây như sói đứng hùm ngồi lạ chưa?
Mặt trời sớm rọi lưng rùa(9)
Rèm thưa kia cũng lờ mờ sương đêm.
Trên rừng ríu rít đàn chim,
Xa xa tiếng vườn hót rền trong hang.
Lối quen nào có bên đường,
Suối quen sao phải hỏi han đến nguồn.
Này chùa Lũng Thúy hồi chuông,
Đạo Hương gà đã gáy dồn xóm kia.
Vui lên buồn mãi làm chi?
Không sầu còn phải nghĩ gì vẩn vơ?
Tình riêng ta chỉ biết ta,
Thú vui sao phải nhỏ to cùng người!
Canh tàn chớ bảo mệt rồi,
Pha trà ta hãy rốn ngồi bàn thơ.
Cuối bài thơ có viết: “Trên đây là bài thơ tức cảnh nối nhau
ba mươi lăm vần đêm Trung Thu ở vườn Đại Quan”.
Đại Ngọc, Tương Vân không ngớt khen ngợi:
- Thế mới biết ngày nào chúng ta cũng bỏ chỗ gần đi tìm chỗ
xa. Hiện có bậc thi nhân ở đây, mình lại cứ “bàn việc binh trên giấy”.(10)
Diệu Ngọc cười nói:
- Ngày mai hãy sửa lại. Bây giờ trời đã sáng rồi, phải đi nghỉ
mới được.
Đại Ngọc, Tương Vân đứng dậy cáo từ, dẫn bọn a hoàn đi
ra. Diệu Ngọc tiễn đến cửa ngoài, chờ họ đi xa rồi, mới trở vào.
Thúy Lũ nói với Tương Vân:
- Bên mợ Cả có người chờ chúng ta sang. Giờ đến đấy ngủ thì
hơn.
Tương Vân cười nói:
- Em tiện đường đến bảo họ cứ ngủ đi, tôi sang đấy lại làm
phiền người ốm, chi bằng đến quấy rầy cô Lâm vậy.
Nói xong cùng đi về quán Tiêu Tương. Một số người đã ngủ rồi.
Đại Ngọc, Tương Vân đi vào, tháo đồ trang sức, cởi áo ngoài ra, rửa mặt xong,
lên giường đi ngủ. Tử Quyên buông màn the xuống, đóng cửa cất đèn đi ra.
Tương Vân vì lạ nhà, tuy đã đi nằm, nhưng không ngủ được. Đại
Ngọc thì tâm huyết suy nhược, thường mất ngủ, hôm nay lại thức quá giấc, tất
nhiên cũng không ngủ được. Hai người cứ trằn trọc ở trên giường mãi.
Đại Ngọc hỏi:
- Sao cô vẫn chưa ngủ?
- Tôi có bệnh lạ nhà, lại mệt quá, chỉ nằm nghỉ một chút. Chị
sao cũng không ngủ được?
Đại Ngọc thở dài:
- Tôi không ngủ được, có phải một hai hôm nay đâu. Chừng một
năm nay chỉ ngủ được độ mười đêm thật đẫy giấc thôi.
Tương Vân nói:
- Chả trách được chị ốm là phải!.
Chú thích:
Chú thích:
1. Nhà ở giữa hẻm núi có nước trong như thủy tinh.
2. Nghiên cổ hơi sâu chứa mực nhiều.
3. Người đời Vũ Đế nhà Hán, thích nói chuyện khôi hài.
4. Người đời Nam Triều, vẽ khéo, nhất là vẽ truyền thần.
5. Ý vòi được cái nọ lại đòi cái kia.
6. Nguyên văn là ngũ ngôn, vần “Thập tam nguyên”, giữa câu nọ
với câu kia đều đối nhau, chúng tôi dịch thoát.
7. Tên hai vì sao.
8. Theo âm lịch: “Hối” là ngày ba mươi hết tháng. “Sóc” là
ngày mùng một đầu tháng.
9. Tức cái bia.
10. Nghĩa là chỉ nói suông, không có thực tế.
Hồi 77:
A hoàn đẹp, sớm chết oan vì tội phong lưu;
Con hát xinh, cắt tình duyên vào am Thủy Nguyệt.
Tết Trung thu đã qua, bệnh Phượng Thư đã đỡ hơn trước, có thể
ra vào đi lại được, nhưng hàng ngày vẫn phải mời thầy đến xem mạch bốc thuốc, lại
cho thuốc viên với thuốc điều kinh dưỡng vinh. Vì vậy phải dùng đến hai lạng
nhân sâm tốt nhất, thấy vậy Vương phu nhân cho người đi tìm, mãi mới thấy ở
trong cái hộp có mấy chi nhỏ bằng cái trâm cài đầu. Bà ta chê không tốt, sai đi
tìm lại, chỉ thấy một gói râu sâm vụn, liền sốt ruột nói:
- Khi không cần thì lại có, đến lúc dùng đến lại không tìm
ra. Ngày thường ta vẫn bảo chúng bay sắp cả lại để một chỗ, chúng bay không
nghe, bạ đâu bỏ đấy. Chúng bay có biết cái hay của nó đâu. Phải kén bao nhiêu mới
mua được, lại bỏ đi hay sao?
Thái Vân nói:
- Chắc hết cả rồi, chỉ còn có thứ này thôi. Lần trước bà Cả
bên kia sang lấy, bà cho cả rồi.
- Làm gì có chuyện ấy! Mày tìm kỹ xem.
Thái Vân đành phải đi tìm rồi mang mấy bao đựng các vị thuốc
đến, nói:
- Cháu không nhận ra được những thứ này, xin đưa bà xem.
Ngoài ra không còn thứ nào nữa.
Vương phu nhân mở ra xem, cũng quên cả vị thuốc không biết là
thứ gì, nhưng không có một chi nhân sâm nào, liền sai người đi hỏi Phượng Thư.
Phượng Thư đến nói:
- Cũng chỉ có một ít cao sâm, còn sâm lô tư tuy có mấy chi,
nhưng cũng không được tốt lắm, mà ngày nào cũng phải sắc với thuốc.
Vương phu nhân nghe nói, đành phải bảo sang bên Hình phu
nhân, Hình phu nhân nói:
- Lần trước hết sâm phải sang lấy ở bên này, nhưng cũng dùng
hết cả rồi.
Vương phu nhân không biết làm thế nào, đành phải sang hỏi xin
Giả mẫu. Giả mẫu sai Uyên Ương lấy ra một bọc sâm lớn trước kia dùng thừa đều xấp
xỉ bằng đầu ngón tay, liền cân hai lạng cho Vương phu nhân, Vương phu nhân mang
ra, giao cho vợ Chu Thụy gọi đứa hầu nhỏ đưa cho thầy thuốc cả mấy gói lẫn lộn
để thầy thuốc xem lại, gói riêng và đánh dấu từng thứ một.
Một lúc vợ Chu Thụy mang vào, nói:
- Mấy thứ này đều gói riêng đánh dấu cả rồi. Gói nhân sâm này
tuy tốt thật, nhưng vì để lâu quá. Thứ này không như những thứ khác, dù tốt đấy,
để quá một trăm năm cũng thành ra gio mất. Hiện giờ tuy chưa thành gio, nhưng
đã mục nát, không còn hiệu nghiệm nữa. Xin bà cất đi, bất cứ lớn nhỏ, nhiều ít,
đem đổi lấy thứ mới thì hơn.
Vương phu nhân cúi đầu lặng yên, một lúc mới nói:
- Chả có cách gì, đành đi mua hai lạng về đây vậy!
Rồi không nhìn đến nữa, chỉ sai đem cất đi. Bà ta lại bảo vợ
Chu Thụy:
- Chị ra bảo những người ngoài kia chọn thứ tốt đổi lấy hai lạng
về đây. Cụ có hỏi, cứ nói là sâm của cụ cho, không được nói nhiều.
Bảo Thoa ngồi đấy cười nói:
- Dì hãy thong thả. Bây giờ ở ngoài không có thứ nào tốt cả.
Dù có nguyên cả chi, họ cũng cắt ra làm hai ba đoạn, chắp nối sâm tu khác vào,
trộn lẫn để dễ bán, nên không ai nhận ra được tốt hay xấu. Ở hiệu nhà cháu thường
giao dịch với bọn lái buôn. Cháu về nói với mẹ cháu bảo anh cháu sai người làm
công đi nói với họ để lại cho hai lạng sâm nguyên chi, dù có phải trả đắt mấy lạng
bạc nhưng lại được thứ tốt.
Vương phu nhân cười nói:
- Cháu cũng thạo đấy, nhưng phải nhờ cháu đi lấy mới biết rõ
được.
Bảo Thoa đi một lúc về trình:
- Cháu sai người đi rồi, đến chiều sẽ biết tin. Sáng mai đem
trộn với thuốc cũng chưa muộn.
Vương phu nhân lấy làm vui lòng, thở dài:
- “Cô ả bán dầu lại bôi đầu bằng nước lã”. Xưa nay ở nhà vẫn
có, đem cho người ta biết bao nhiêu, bây giờ mình cần đến, lại phải đi chuốc
nơi khác.
Bảo Thoa cười thưa:
- Cái ấy tuy đắt tiền thực, nhưng cũng là một thứ thuốc,
nên giúp đỡ người ta mới phải. Chúng ta không như những nhà ti tiện, hễ có cái
gì cứ bo bo cất kỹ.
Vương phu nhân gật đầu nói:
- Cháu nói phải đấy.
Bảo Thoa đi rồi. Vương phu nhân thấy nhà không có ai, liền gọi
vợ Chu Thụy, hỏi việc tra xét trong vườn hôm nọ có ra manh mối gì không?
Vợ Chu Thụy đã bàn trước với Phượng Thư, nên không giấu giếm
gì, có thế nào nói thế. Bà ta giật mình, nhưng lại khó xử, nghĩ bụng: “Tư Kỳ là
a hoàn của Nghênh Xuân, là người ở phủ bên kia, chỉ còn cách sai người sang
trình Hình phu nhân xem xử trí ra sao”. Vợ Chu Thụy nói:
- Hôm nọ bà Cả bên đã mắng vợ Vương Thiện Bảo hay bới việc và
tát mụ ta mấy cái, giờ mụ ấy giả ốm nằm ở nhà không chịu ra ngoài. Hơn nữa đứa
có tội lại là cháu, nên phải vờ ốm ít ngày để xí xóa, rồi ra sao sẽ ra. Nếu bây
giờ chúng ta sang nói, họ lại đâm ngờ, cho là chúng ta bới chuyện. Chi bằng dẫn
Tư Kỳ cùng tang vật sang cho bà Cả bên ấy xem, chẳng qua đánh nó một trận, gả
nó đi, rồi tìm một a hoàn khác đến thay, như thế chả đỡ việc hay sao? Bây giờ cứ
sang mách không, chắc bà Cả bên ấy từ chối, bảo rằng đã thế thì bà Hai cứ định
liệu lấy, việc gì phải sang nói nữa. Như thế lại sinh nhỡ việc. Nếu Tư Kỳ đâm
liều tìm cách tự tử, lại chẳng ra sao cả. Mà có cho người coi nó vài ba hôm, lỡ
lười ra một tí là sẽ xảy chuyện.
Vương phu nhân nghĩ một lúc, nói:
- Phải đấy. Làm xong việc này đã, rồi hãy liệu cho bọn yêu
tinh nhà này.
Vợ Chu Thụy nghe nói, liền họp mấy người đàn bà lại, trước hết
đến buồng Nghênh Xuân trình rõ, Nghênh Xuân nghe nói, rơm rớm nước mắt như có ý
không muốn rời Tư Kỳ. Vì việc đêm hôm trước, bọn a hoàn đã kể rõ đầu đuôi, tuy
tình thầy trò đã mấy năm không nỡ dứt, nhưng việc quan hệ đến nề nếp gia phong,
Nghênh Xuân cũng không làm thế nào được.
Tư Kỳ cũng đến nói với Nghênh Xuân nhờ cứu giúp cho, nhưng vì
Nghênh Xuân chậm mồm chậm miệng, tính lại nhu nhược, không thể tự mình quyết định
đước. Tư Kỳ thấy thế, biết không tránh khỏi tội, liền quỳ xuống khóc:
- Cô nhẫn tâm quá! Dỗ dành cháu mấy hôm nay, sao bây giờ cô
không nói giúp cháu một câu nào?
Vợ Chu Thụy nói:
- Lại định để cô giữ chị ở lại à? Dù cô có giữ lại, chị cũng
chẳng còn mặt mũi nào trông thấy người ở trong vườn này nữa. Thôi cứ nghe lời
chúng tôi, xếp cái lối ấy lại, lẳng lặng mà đi, đừng cho ai biết, như thế mọi
người còn giữ được chút thể diện.
Nghênh Xuân khóc nói:
- Tôi biết chị làm điều không đúng, nếu xin cho chị, tất
nhiên tôi cũng bị mang tiếng lây. Chị xem Nhập Họa ở đây đã mấy năm rồi, khi
nói đi là đi ngay. Không riêng gì chị, những người đã lớn ở trong vườn này đều
phải đi cả. Cứ ý tôi, sau này cũng có lúc chúng ta phải xa cách nhau, chi bằng
ngay bây giờ mỗi người mỗi nơi còn hơn.
Vợ Chu Thụy nói:
- Như thế là cô rất hiểu việc. Nay mai còn cho nhiều người về
nữa, chị cứ yên tâm.
Tư Kỳ không biết làm thế nào, cứ rơm rớm nước mắt cúi đầu
chào Nghênh Xuân, chào tất cả mọi người. Sau đó lại ghé tai nói với Nghênh
Xuân:
- Hễ biết tin cháu bị tội, thế nào cô cũng nghĩ đến tình thầy
trò bấy lâu, xin hộ cho cháu.
Nghênh Xuân cũng rơm rớm nước mắt trả lời:
- Chị cứ yên tâm.
Vợ Chu Thụy đưa Tư Kỳ ra, và sai hai bà già mang tất cả đồ đạc
của nó đi theo. Đi được mấy bước thấy Tú Quất ở đằng sau chạy đến, vừa gạt nước
mắt, vừa đưa cho Tư Kỳ một cái bọc bằng lụa, nói:
- Đây là cô cho chị đây. Tình thầy trò bấy nay, giờ xa cách
nhau, cô cho chị bọc này để làm vật kỷ niệm.
Tư Kỳ nhận rồi òa lên khóc. Tú Quất cũng khóc. Vợ Chu Thụy sốt
ruột, cứ thúc giục mãi, hai người đành phải chia tay.
Tư Kỳ khóc nói:
- Xin các bà thể tất chút tình, thư lại một lúc để tôi đi
chào các chị em, gọi tỏ tình mấy năm nay chúng tôi chơi thân với nhau.
Bọn vợ Chu Thụy đều mỗi người mỗi việc, giờ phải đi làm việc
này cũng là sự bất đắc dĩ. Hơn nữa họ vẫn ghét Tư Kỳ hay làm bộ, thì bây giờ
hơi đâu lại chịu nghe lời, liền cười nhạt:
- Chị nên đi đi, đừng lôi thôi nữa! Chúng tôi còn có việc cần,
ở đây có ai là chị em ruột thịt với chị đâu mà phải đi chào họ. Gặp chị, họ chả
cười cho ư? Chị cứ nấn ná mãi, chẳng lẽ lại thôi hay sao. Cứ nghe tôi, chị đi
ngay đi!
Chị ta dẫn thẳng Tư Kỳ ra cổng sau, Tư Kỳ không làm sao được
và cũng không dám kêu nài nữa, đành phải đi theo.
Bảo Ngọc ở ngoài về, trông thấy một bọn dẫn Tư Kỳ đi, có người
mang theo nhiều đồ vật. Bảo Ngọc đoán Tư Kỳ đi chuyến này là không trở về được
nữa. Nhân nghe chuyện đêm vừa rồi, và cũng từ đêm đó Tình Văn ốm nặng, hỏi Tình
Văn cũng không nói. Giờ thấy Tư Kỳ ra đi, Bảo Ngọc như người mất hồn, liền ngăn
lại hỏi:
- Đi đâu thế?
Biết tính Bảo Ngọc xưa nay, lại sợ làm lèo nhèo nhỡ việc, vợ
Chu Thụy cười nói:
- Không việc gì đến cậu, cậu về mà đọc sách đi.
- Các chị hãy đứng lại một tí, tôi còn có điều này.
Vợ Chu Thụy nói:
- Bà đã dặn không được chậm một giờ. Cậu lại còn có điều gì?
Chúng tôi chỉ biết vâng lời bà thôi, ngoài ra không biết gì cả.
Tư Kỳ thấy Bảo Ngọc, liền níu lại, khóc nói:
- Các bà ấy không tự quyết được. Cậu xin với bà Hai cho!
Bảo Ngọc không cầm lòng được, rơm rớm nước mắt nói:
- Tôi không biết chị đã phạm tội gì to tát thế? Chị Tình Văn
cũng vì tức mà phát ốm, giờ chị lại phải đi, thế này thì tôi biết làm sao cho
được!
Vợ Chu Thụy cáu, mắng Tư Kỳ:
- Chị không còn là tiểu thư thứ hai nữa đâu, nếu không nghe lời,
tôi đánh ngay bây giờ. Đừng tưởng như ngày trước có các cô bênh vực, muốn làm
trời cũng được. Càng nói càng cứ ỳ ra không chịu đi. Trông thấy ông trẻ lại cố
lôi lôi kéo kéo, như thế thì còn ra nghĩa lý gì nữa!
Mấy người đàn bà kia không cho Tư Kỳ phân trần nữa, lôi ngay
đi.
Bảo Ngọc sợ bọn họ về đơm chuyện, giận quá chỉ trợn mắt nhìn.
Thấy họ đi xa rồi, mới hậm hực chỉ trỏ nói:
- Lạ thực, lạ thực! Sao mấy người đàn bà này, hễ đi lấy chồng,
dính phải hơi đàn ông là đâm ra phũ phàng ngay, so với đàn ông càng đáng chém.
Bà già gác cửa vườn nghe thấy, cũng tức cười, hỏi:
- Cứ như cậu thì lúc con gái ai cũng đều tốt, khi lấy chồng rồi
lại hóa ra hỏng cả hay sao?
Bảo Ngọc phát cáu nói:
- Đúng đấy, đúng đấy!
Đương nói chuyện thì có mấy bà già đến bảo:
- Các bà phải cẩn thận, hễ gọi đến túc trực lúc nào là phải
có đủ mặt. Chốc nữa bà Hai sẽ thân hành vào vườn tra xét đấy. Đi gọi ngay anh
và chị dâu cô Tình Văn ở viện Di Hồng đến chực ở đấy để nhận em gái về.
Rồi họ lại cười nói:
- A di đà phật! Hôm nay trời có mắt, tống cổ con yêu tinh tai
ác này đi thì mọi người mới được yên thân.
Bảo Ngọc nghe nói Vương phu nhân đến tra xét, đoán ngay là
Tình Văn khó lòng ở yên được, liền chạy như bay, nên không nghe rõ những câu hí
hửng của bọn bà già này nữa.
Bảo Ngọc về đến viện Di Hồng, đã thấy một bọn người ở đấy rồi.
Vương phu nhân ngồi ở trong nhà, mặt đầy vẻ giận, trông thấy Bảo Ngọc cũng chẳng
thèm để ý. Tình Văn đã bốn, năm ngày không đụng một tí nước cháo, giờ bị kéo từ
trên giường xuống, đầu bù tóc rối, hai người đàn bà xốc đi. Vương phu nhân dặn:
- Vứt giả nó những quần áo lót, còn thì để lại cho bọn a hoàn
ngoan ngoãn mặc. Và gọi tất cả a hoàn ở nhà này ra để ta xem qua một lượt.
Sau ngày Vương phu nhân bực bội về cái chuyện túi, vợ Vương
Thiện Bảo nhân dịp ton hót về Tình Văn, rồi đến những người không ưa bọn a hoàn
trong vườn, liền nhờ bão bẻ măng, nói chọc thêm vào. Hết thảy bà ta đều ghi lại
trong lòng, chỉ vì mấy ngày Tết, hãy tạm dẹp lại, đến nay mới thân chinh vào
tra xét ở trong vườn. Chuyện Tình Văn mới chỉ là một, điều cần thiết hơn là có
người nói Bảo Ngọc đã lớn, đã biết mùi đời, sợ bị bọn a hoàn xấu ở trong nhà
làm hư hỏng chăng. Vì vậy bắt đầu từ Tập Nhân cho đến bọn a hoàn nhỏ sao vặt,
bà ta đều xem xét từng người một, rồi hỏi:
- Đứa nào cùng đẻ một ngày với Bảo Ngọc?
Không ai dám trả lời. Bà già trỏ tay thưa:
- Đấy là con Huệ Hương, cũng gọi là con Tư cùng đẻ một ngày với
cậu Bảo đấy.
Nhìn kỹ Huệ Hương còn kém Tình Văn xa, nhưng cũng có đôi phần
quyến rũ, xem cách đi đứng, vẻ thông minh đều lộ cả ra ngoài, cả từ trang sức
cũng lộng lẫy hơn đứa khác, Vương phu nhân cười nhạt, nói:
- Của này cũng là hạng vô liêm sỉ! Mày thường nói vụng, đẻ
cùng ngày sẽ là vợ chồng phải không? Mày tưởng ta ở xa, không biết đấy à? Mày
phải biết ta không năng đến đây, nhưng tai mắt, lòng dạ ta vẫn ở đây luôn. Có
nhẽ nào ta chỉ có một thằng Bảo Ngọc mà lại để mặc cho chúng bay tha hồ cám dỗ
làm hư nó?
Huệ Hương thấy Vương phu nhân nhắc đến ngày thường nó tỉ tê
chuyện trò với Bảo Ngọc, liền đỏ mặt lên, cúi đầu chảy nước mắt. Vương phu nhân
bảo:
- Gọi ngày người nhà nó đến đây, đem về mà gả chồng cho nó.
Còn con Phương Quan đâu?
Phương Quan đành phải đến. Vương phu nhân nói:
- Con nhà xướng ca này, tất nhiên càng là con tinh khôn đây!
Lần trước cho ra, chúng bay không chịu ra, đã thế thì nên biết thân biết phận mới
phải, nhưng mày lại đâm ra tinh ma quấy rối, ton hót Bảo Ngọc, việc gì cũng
làm!
Phương Quan cười nói phân trần:
- Cháu có dám dỗ dành cậu ấy đâu.
Vương phu nhân cười nói:
- Mày lại còn già mồm à? Ta hỏi mày: năm trước ta đi đưa đám
Thái phi, đứa nào xui Bảo Ngọc cho con Năm nhà mụ Liễu vào hầu. May mà nó chết
sớm, nếu không chúng bay sẽ kéo cánh nhau làm hỏng cả người trong vườn này.
Ngay mẹ nuôi mày còn lấn áp, huống chi người khác!
Liền quát:
- Gọi mẹ nuôi nó đến nhận về! Để bà ấy đem ra ngoài gả chồng
cho nó. Đồ đạc của nó, cho nó hết.
Lại dặn:
- Tất cả những con hát chia cho các cô năm trước, không cho một
đứa nào ở trong vườn nữa. Bảo mẹ nuôi chúng nó đến nhận về gả chồng cho chúng.
Một lời truyền ra, các mẹ nuôi đều hí hửng cám ơn, cùng rủ
nhau đến cúi đầu trước Vương phu nhân xin nhận về.
Vương phu nhân lại lục soát tất cả những đồ vật của Bảo Ngọc.
Hễ thấy cái gì ngờ ngợ, cũng đều sai mang về để ở buồng mình. Rồi nói:
- Thế này mới yên chuyện để cho người ta khỏi đồn đại.
Lại dặn bọn Tập Nhân, Xạ Nguyệt:
- Chúng bay phải cẩn thận! Nếu còn xảy ra việc gì, ta nhất định
không tha đâu! Ta cho người đi xem hạn thì chưa nên rời đi, hãy để ở tạm hết năm
nay; sang năm dọn về chỗ cũ, ta mới yên tâm.
Nói xong bà ta cũng chẳng uống nước, dẫn mọi người đi nơi
khác khám xét.
Bảo Ngọc tưởng Vương phu nhân chỉ sang khám xét qua loa,
không có việc gì quan trọng, ngờ đâu lại nổi cơn sấm sét đến thế. Những việc Vương
phu nhân kể ra, đều là chuyện ngày thường họ nói riêng với nhau không sai một
chữ nào, chắc không thể gỡ lại được. Báo Ngọc bực không sao chết được, nhưng
đương lúc Vương phu nhân thịnh nộ nên không dám nói nhiều, đành đi theo đến
đình Thấm Phương. Vương phu nhân bảo:
- Thôi đi về đọc sách đi! Giờ hồn đấy, ngày mai ta sẽ hỏi
mày.
Bảo Ngọc quay về, vừa đi vừa tính: “Không biết đứa nào lại
mách lẻo thế? Việc này không ai biết cả, sao mẹ mình lại nói đúng thế?”
Về đến nhà, thấy Tập Nhân đương ngồi sụt sùi nhỏ lệ. Thấy người
hầu hạng nhất bị đuổi đi, lẽ nào chẳng đau lòng. Bảo Ngọc cũng nằm vật xuống
giường, khóc òa lên. Biết người khác còn có thể bỏ qua, chứ Tình Văn bị đuổi là
một việc to tát, Tập Nhân liền khuyên bảo:
- Cậu khóc cũng chẳng ăn thua gì đâu. Hãy ngồi dậy, tôi nói
cho mà nghe: Tình Văn giờ đã khỏi bệnh rồi, nếu chị ấy về nhà thì lại được tĩnh
dưỡng mấy hôm. Cậu không rời được chị ấy, thì chờ khi bà nguôi giận, cậu lại
sang xin với cụ cho gọi nó về, cũng chẳng lấy gì làm khó. Chẳng qua bà ngẫu
nhiên nghe thấy người ngoài nói nhảm, nổi giận thế thôi.
- Tôi vẫn không biết chị Tình Văn đã phạm cái tội tày trời
gì?
- Bà chỉ nghĩ chị ấy đẹp quá, thế nào cũng có tính lẳng lơ.
Bà biết rõ những cô đẹp như người trong tranh, chắc không bao giờ đứng đắn, nên
có ý ghét. Chứ cục mịch như chúng tôi lại hóa hay.
- Thôi, không nói chuyện ấy nữa. Những câu chúng ta nói đùa
riêng với nhau, không có người ngoài nào lộ chuyện, tại sao bà cũng biết. Thế mới
lạ chứ!
- Cậu thì có kiêng nể cái gì, lúc cao hứng lên, cậu cứ nói bừa,
không kể gì có người hay không có người. Có lúc tôi đưa mắt, ra hiệu, bị người
ta trông thấy, mà cậu vẫn chẳng biết gì cả.
- Tại sao mọi người có lỗi, bà đều biết cả, chỉ không nói đến
chị, chị Xạ Nguyệt và chị Thu Văn?
Tập Nhân nghe vậy, chột dạ, cúi đầu một lúc, không biết trả lời
ra sao, rồi cười nói:
- Đúng đấy, về phần chúng tôi cũng có lúc nô đùa, không biết
giữ ý tứ, sao bà lại quên? Chắc còn có việc khác, để làm xong rồi sẽ xử đến
chúng tôi cũng chưa biết chừng.
- Chị có tiếng là người hiền lành nhất, hai chị kia lại được
chị rèn cặp, dạy dỗ thì còn có chỗ nào đáng phạt nữa? Chỉ có cô Phương Quan còn
bé mà lại sắc sảo quá, chắc cũng có lúc cậy thế chèn người ta, làm cho họ ghét.
Con Tư thì cũng tại tôi làm hại nó. Bắt đầu từ cái ngày tôi cãi nhau với chị, rồi
gọi nó đến sai vặt. Người ta thấy tôi đối với nó tử tế, lại cho nó là chực
tranh giành địa vị, cũng vì thế nên mới xảy ra việc hôm nay. Chị Tình Văn cũng
như các chị đều là người của cụ cho sang đây ở từ khi còn bé, tuy chị ta đẹp hơn
người thực, nhưng cũng chẳng cản trở gì. Chỉ có cái là chị ấy tính tình sắc sảo,
ăn nói hoạt bát, nhưng cũng không thấy chị ấy có lỗi với một người nào! Đúng
như chị nói, chắc là chị ấy đẹp quá, vì cái đẹp mà mang lụy đấy thôi!
Nói xong lại khóc.
Tập Nhân ngẫm nghĩ câu ấy, cho là Bảo Ngọc có ý ngờ mình, nên
không tiện khuyên nữa, liền thở dài:
- Chỉ có trời biết thôi! Bây giờ cậu chưa tra ra người nào
mách lẻo, cứ khóc mãi cũng vô ích.
Bảo Ngọc cười nhạt:
- Vì tôi nghĩ, chị ấy quen được chiều chuộng từ thuở bé, chưa
từng bị hắt hủi bao giờ. Bây giờ khác gì một chậu hoa lan mới nẩy mầm non đã bị
quẳng ra chuồng lợn. Người thì đương ốm nặng, trong bụng lại chồng thêm bực tức.
Chị ấy không còn bố mẹ thân yêu, chỉ có người anh con cô con cậu là một tên nát
rượu, liệu chuyến này có chịu đựng được năm bữa nửa tháng hay không? Liệu mình
còn được trông thấy mặt chị ấy nữa không?
Nói xong, Bảo Ngọc càng thấy đau xót, Tập Nhân cười nói:
- Cậu thật đúng như câu: “Quan châu có quyền đốt đuốc, trăm họ
không được thắp đèn”. Chúng tôi tình cờ nói nhỏ một câu, cậu đã cho là nói gở,
giờ cậu nguyền rủa chị ấy thì được à?
- Không phải tôi phũ miệng rủa người đâu, mùa xuân năm nay đã
có triệu chứng rồi đấy.
- Cây hải đường ở dưới thềm đương tươi tốt thế, tự nhiên chết
mất một nửa, tôi biết ngay là có điềm gở, quả nhiên ứng ngay vào chị ấy.
- Tôi không muốn nói, nhưng lại không nhịn được. Cậu thực lẩm
cẩm như bà già. Câu ấy có đúng là lời nói của người biết chữ như cậu không?
Bảo Ngọc thở dài nói:
- Các chị thì biết gì? Không những là cỏ cây. Tất cả những vật
gì có tình có lý ở trên đời cũng như người vậy, gặp được tri kỷ, sẽ rất linh
nghiệm. Nếu lấy việc lớn ra làm ví dụ, thì giống như cây cối trước miếu và cỏ
thi trước mộ Khổng Tử, cây bách trước đền ông Gia Cát, cây tùng trước mộ ông Nhạc
Vũ Mục. Đó là cái khí đường đường chính chính, nghìn năm không mòn. Đời loạn
thì nó héo đi, đời thịnh thì nó tươi lên. Trong một nghìn năm cũng có mấy lần
héo đi sống lại. Thế không phải là triệu chứng ư? Nếu lấy việc nhỏ ra làm ví dụ
thì giống như cây mộc Thược dược ở đình Trầm Hương; cây tương tư ở lầu Đoan
Chính của Dương Quý Phi; cỏ trường thanh ở trên mộ Vương Chiêu Quân, không lẽ
cũng không có linh nghiệm hay sao? Vì thế cây hải đường này cũng ứng vào người
đấy.
Nghe một tràng những câu ngớ ngẩn đáng cười lại đáng buồn, Tập
Nhân cười nói:
- Cậu càng nói làm cho tôi bực mình! Chị Tình Văn là hạng người
gì mà phải tốn công suy nghĩ, dám đem so sánh với những danh nhân thuở xưa! Còn
một lẽ nữa, chị ấy có đẹp cũng không thể vượt lên trên tôi được. Tức như cây hải
đường cũng phải ứng vào tôi trước, chưa đến lượt chị ấy. Chắc là tôi sắp chết
đây.
Bảo Ngọc nghe xong, vội bịt mồm Tập Nhân lại, nói:
- Một người chưa xong, chị lại đã thế. Thôi, đừng nhắc đến việc
ấy nữa. Ba người đã phải đi rồi, lại định đi thêm một người nữa sao?
Tập Nhân nghe nói, trong bụng mừng thầm: “Nếu không nói thế
thì không bao giờ xong việc”.
Bảo Ngọc lại nói:
- Tôi còn có một việc muốn bàn với chị, không biết chị có bằng
lòng không? Hiện giờ chị ấy còn một ít đồ vật, chỉ giấu người trên chứ không giấu
người dưới. Ta nên lẻn mang trả cho chị ấy. Ngày thường chúng ta có dành dụm được
ít tiền, chị đưa cho chị ấy mấy quan để dưỡng bệnh. Đó cũng là tình chị em của
các chị xưa nay ăn ở tử tế với nhau.
Tập Nhân cười nói:
- Cậu cho tôi là hạng người bủn xỉn không có lương tâm hay
sao? Việc này còn phải nhờ cậu nhắc à? Tôi vừa mới nhặt quần áo và đồ dùng của
chị ấy, để ở kia kìa. Giờ đương ban ngày ban mặt, nhiều người nhòm ngó, sợ lại
sinh chuyện. Chờ đến tối, tôi khẽ bảo già Tống mang đi. Tôi dành dụm được mấy
quan tiền, cũng đưa cả cho chị ấy.
Bảo Ngọc nghe nói, gật đầu. Tập Nhân cười nói:
- Lâu nay tôi vẫn nổi tiếng là người hiền lành nhất, lẽ nào
lúc này tôi lại không biết chuốc lấy một tý ti tiếng tốt ấy.
Bảo Ngọc nghe xong, vội cười nói vỗ về cô ta. Đến tối quả
nhiên Tập Nhân sai già Tống mang quần áo và tiền đi. Bảo Ngọc sắp đặt mọi người
đâu vào đấy rồi, một mình lẻn ra cửa ngách sau vườn, nhờ một bà già đưa đến nhà
Tình Văn. Bà già nhất định không nghe, cứ nói:
- Sợ có người biết, trình với bà, tôi liệu còn sống được
chăng?
Bảo Ngọc cố sống cố chết nằn nì, lại cho ít tiền, bà già mới
chịu dẫn đi.
Tình Văn trước đây là người của Lại Đại mua về. Cô ta có người
anh con ông cậu tên là Ngô Quý, người ta vẫn gọi là Quý nhi. Lúc ấy Tình Văn mới
có mười tuổi chưa để tóc, già Lại thường đem đi theo. Giả mẫu thấy Tình Văn vừa
đẹp vừa sắc sảo rất mến. Vì thế già Lại dâng cho Giả mẫu. Sau đưa về hầu Bảo Ngọc,
Tình Văn còn bé, không nhớ quê quán cha mẹ ở đâu, chỉ có người anh con ông cậu,
chuyên việc nấu nướng và cũng bị lưu lạc nơi đất khách quê người. Tình Văn nói
với già Lại, cho người anh vào làm việc nấu bếp. Thấy Tình Văn được đến hầu Giả
mẫu, người lại sắc sảo, mồm mép khéo léo, vẫn không quên tình nghĩa trước đây.
Già Lại liền cho người anh cô ta vào làm, lại gả một cô hầu cho hắn. Ngờ đâu
sau khi lấy nhau, anh chàng chỉ biết hưởng thú vui, quên cả những ngày lưu lạc.
Anh ta cứ rượu chè, chẳng nhìn đến vợ con. Cô vợ là người sắc đẹp đa tình, thấy
chồng không nhìn đến, không biết gió trăng là gì, chỉ suốt ngày say khướt, nên
chị ta thường có những câu than vãn mặt ngọc phôi pha, má hồng quạnh quẽ. Thấy
chồng bụng dạ rộng rãi, không chút nghi ky, ghen tưông, chị ta liền giở lối
trăng hoa, đĩ thoa, thu phục hầu hết những tay “anh hùng hảo hán” trong phủ Giả.
Từ trên chí dưới, có tới quá nửa số người được chị ta thử qua. Vợ chồng này là
ai? Tên họ là gì? Đúng là cô “Đa”, vợ chàng “Đa hồ đồ” mà hồi trên Giả Liễn đã
từng vời đến. Có họ hàng với hắn, nên Tình Văn về ở chung đấy. Lúc này chàng
“Đa hồ đồ” đi vắng, cô “Đa” ăn cơm chiều xong, õng ẹo đi sang hàng xóm tán chuyện,
chỉ còn một mình Tình Văn nằm ngủ ở trên chiếc chiếu cói, may hãy còn chăn đệm
cũ trải đắp. Bảo Ngọc không biết nên làm thế nào cho phải, chạy đến gần, rơm rớm
nước mắt, giơ tay nhè nhẹ kéo Tình Văn, khẽ gọi hai tiếng.
Tình Văn vừa bị cảm gió, lại bị anh chị hắt hủi, đã ốm lại ốm
thêm, ho suốt một ngày, mới mơ mơ màng màng chợp mắt. Chợt có người gọi, cô ta
cố mở mắt ra, thấy Bảo Ngọc đứng đó. Mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương,
Tình Văn nắm chặt lấy tay Bảo Ngọc, nức nở mãi mới nói:
- Tôi tưởng không được gặp cậu nữa.
Rồi lại ho dồn. Bảo Ngọc cũng nức nở khóc. Tình Văn nói:
- A di đà phật! Cậu đến may quá, rót hộ chén nước chè cho tôi
uống. Tôi khát khô cả cổ, không gọi được một mống nào.
Bảo Ngọc nghe nói, gạt nước mắt hỏi:
- Nước chè để ở đâu?
- Ở trên lò kia kìa.
Bảo Ngọc đến xem, có cái ấm đen xì, nhưng không phải để pha
chè, Bảo Ngọc đành phải lấy một cái bát ở trên bàn, chưa cầm đến tay đã ngửi thấy
tanh tanh mùi mỡ. Bảo Ngọc lấy nước rửa hai lần, rồi rút khăn lụa của mình ra
lau, nhưng vẫn còn mùi tanh. Không biết làm thế nào, Bảo Ngọc phải cầm ấm lên
rót ra nửa bát, nhìn chỉ thấy sắc hoe hoe đỏ, chẳng giống nước chè tí nào.
Tình Văn ôm gối nói:
- Cậu cho tôi uống ngay một ngụm đã! Chính là nước chè đấy.
Ví đâu được với nước chè bên nhà!
Bảo Ngọc uống một ngụm trước, chẳng có mùi mẽ gì, chỉ thấy mặn
chát, không chịu được, đành phải đưa cho Tình Văn. Tình Văn như được nước móc
ngọt vậy, uống hết một hơi.
Bảo Ngọc nghĩ thầm: Trước đây những trà ngon thế nào, chị ấy
vẫn còn chê bai. Bây giờ nhìn quang cảnh này, đúng như người xưa nói:
Khi no cá thịt dửng dưng,
Đói lòng ăn cả cơm sung cháo dền.
Nghĩ vậy nước mắt lại tràn ra, liền hỏi:
- Chị có muốn nói gì không? Nhân lúc vắng người, nói cho tôi
biết.
Tình Văn nức nở nói:
- Còn có câu gì đáng nói nữa? Chẳng qua sống được giờ nào hay
giờ ấy, được ngày nào hay ngày ấy! Chỉ độ dăm ba ngày nữa là tôi chết thôi. Có
một điều chưa được thỏa lòng, tôi tuy đẹp hơn người nhưng không bao giờ ngỏ
tình thầm kín, tỏ ý riêng tây để cám dỗ cậu, sao người ta cứ đổ chết cho tôi là
con yêu tinh! Tôi không chịu nổi. Giờ tôi đã bị mang tiếng hão, vả chăng cũng
không được bao lâu nữa, tôi không phải nói câu này để hả giận cuối cùng, nếu biết
trước, tôi đã liệu cách từ lâu. Không ngờ lòng ngay dạ thẳng, cứ cho là mọi người
ở chung với nhau không phải giữ gìn gì, nào hay bỗng dưng xẩy ra chuyện, mắc
oan không được bày tỏ với ai!
Tình Văn nói xong lại khóc. Bảo Ngọc nắm lấy tay Tình Văn, thấy
gầy như que củi, cổ tay vẫn còn đeo mấy cái xuyến bạc, liền khóc:
- Chị hãy tháo ra, khi nào khỏi lại đeo.
Bảo Ngọc tháo mấy chiếc xuyến ra, đặt xuống dưới gối cho Tình
Văn, lại hỏi:
- Đáng tiếc cho hai móng tay dài tới hai tấc. Dù có khỏi bệnh
cũng kém vẻ đẹp.
Tình Văn gạt nước mắt, với lấy con dao cắt đứt hai móng tay
tháp bút, sau lại cho tay vào trong chăn, cởi chiếc áo lót bằng lụa hồng cũ
cùng với móng tay đưa cho Bảo Ngọc và nói:
- Cậu hãy cầm lấy. Sau này trông thấy vật này cũng như thấy
tôi vậy. Cậu cởi ngay áo của cậu ra cho tôi mặc. Tôi dù có nằm trong quan tài
thì cũng như ở viện Di Hồng. Lẽ ra không nên như thế, nhưng trót mang tiếng
hão, tôi không còn cách nào.
Bảo Ngọc nghe nói vội cởi chiếc áo ngoài ra đổi và giấu những
móng tay của Tình Văn vào trong người, Tình Văn lại khóc:
- Khi về, có ai hỏi, cậu đừng nói dối, cứ bảo là của tôi đấy.
Tôi đã trót mang tiếng hão, nên phải làm như vậy.
Chợt chị dâu Tình Văn cười hì hì vén màn đi vào nói:
- Giỏi nhỉ! Hai người trò chuyện với nhau, tôi nghe thấy cả rồi!
- Chị ta quay lại nói với Bảo Ngọc: - Cậu là chủ nhà, vào buồng đầy tớ làm gì?
Thấy tôi xinh đẹp, cậu định đến đây ghẹo tôi hay sao?
Bảo Ngọc nghe nói, sợ quá, vội cười van xin:
- Chị ơi, xin đừng nói to. Chị ấy lâu nay hầu hạ tôi, giờ tôi
lẻn đến đây thăm chị ấy.
Cô “Đa” liền kéo Bảo Ngọc vào nhà trong, cười nói:
- Cậu không muốn tôi kêu thì cũng dễ thôi, cậu chỉ nghe tôi một
điều này.
Nói xong, chị ta ngồi ngay lên trên giường, kéo Bảo Ngọc vào
trong lòng, hai đùi cặp chặt lấy. Bảo Ngọc xưa nay chưa thấy thế bao giờ, tim đập
thình thịch, người thấy rạo rực, cuống quá, mặt đỏ bừng, vừa thẹn vừa nói:
- Chị ơi, đừng đùa thế.
Cô “Đa” lẳng lơ con mắt, cười nói:
- Hừ! Ngày thường, nghe nói cậu vẫn quen sống trong trường
trăng gió, sao hôm nay lại nhút nhát thế?
Bảo Ngọc càng đỏ mặt, cười nói:
- Chị buông tay ra, có chuyện gì chúng ta sẽ tử tế nói với
nhau, để cho bà già bên ngoài nghe thấy thì còn ra làm sao nữa?
Cô “Đa” cười nói:
- Tôi về đây từ lâu, đã bảo bà già ấy đứng chờ ở ngoài vườn rồi.
Tôi hàng ngày ao ước biết nhường nào, bây giờ mới được gặp, nhưng đúng như câu:
“Nghe tiếng không bằng gặp mặt”. Tôi trông dáng người cậu đẹp thế này, mà lại
là cái xác pháo rỗng ruột, chỉ có cái vẻ thôi, coi chừng nhút nhát e lệ hơn người
ta nhiều. Đủ biết miệng người ta nói có khi không đáng tin. Như lúc nãy, tôi cứ
tưởng chắc chắn hai người ngày thường thế nào cũng thầm vụng với nhau. Khi tôi
đứng ở dưới cửa sổ nghe ngóng một lúc lâu trong nhà chỉ có cậu với cô ấy, tôi
chắc rằng sẽ nói đến nhiều chuyện thậm thụt với nhau. Nhưng xem ra, thì hai người
thật chưa có gì dan díu cả. Thật là ở đời có nhiều sự oan uổng. Bây giờ tôi rất
ăn năn đã ngờ cho cậu. Đã vậy cậu cứ yên tâm, cứ việc đến, tôi không dám to tiếng.
Bảo Ngọc nghe xong mới yên trong dạ, đứng dậy xốc lại áo và
van xin:
- Chị ơi. Bây giờ tôi phải về, mong chị chăm sóc chị Tình Văn
mấy ngày.
Bảo Ngọc trở ra nói với Tình Văn. Hai người quyến luyến không
nỡ rời tay. Tình Văn biết Bảo Ngọc khó dứt ra đi được, liền kéo chăn đắp kín đầu.
Bảo Ngọc mới ra đi. Định lần đến cửa nhà Phương Quan, ngại vì trời tối quá. Đi
được một lúc, sợ có người tìm, lại xảy ra chuyện, Bảo Ngọc đành phải quay về
trong vườn. Đến cửa sau, gặp bọn hầu đương ôm chăn đến. Các bà già đương kiểm
soát người, chậm tí nữa là họ sẽ đóng cửa.
Bảo Ngọc đi vào trong vườn, may không ai biết, liền về buồng
mình, gặp Tập Nhân, nói đổ sang chơi bên Tiết phu nhân, thế là xong chuyện.
Một lúc dọn giường, Tập Nhân đành phải hỏi: “Hôm nay ngủ thế
nào đây?” Bảo Ngọc nói:
- Ngủ thế nào cũng được.
Mấy năm nay Tập Nhân thấy Vương phu nhân đối đãi tử tế với
mình, lại càng làm ra bộ đứng đắn. Những khi vắng người, hoặc lúc đêm khuya, chị
ta không hay đùa cợt với Bảo Ngọc, so với lúc còn hé, có phần thưa nhạt hơn.
Tuy không phải làm việc gì to tát, nhưng những việc vá may, việc lặt vặt như
thu phát tiền nong, sắp xếp áo dài, đồ vật cho Bảo Ngọc cùng bọn a hoàn nhỏ,
cũng rất bận rộn. Vả lại vốn có chứng thổ huyết, nên lâu nay chị ta không ngủ
cùng buồng với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc ban đêm hay sợ, khi tỉnh dậy là phải gọi người
ngay. Vì Tình Văn tỉnh ngủ, nên mỗi khi Bảo Ngọc uống nước hay sai bảo việc gì
là gọi đến cô ta. Vì thế Tình Văn ngủ ngay bên giường ngoài của Bảo Ngọc. Giờ
Tình Văn đi rồi, Tập Nhân đành phải mang chăn chiếu của mình ra đó ngủ.
Đêm ấy Bảo Ngọc cứ ngồi ngẩn ngơ, Tập Nhân giục mãi mới chịu
đi ngủ. Trong khi ngủ, Tập Nhân vẫn thấy Bảo Ngọc trằn trọc trên gối, thở ngắn,
than dài, đến canh ba mới thiu thiu yên gấc. Tập Nhân lơ mơ cũng yên dạ ngủ đi.
Độ chừng chưa uống hết một chén nước, thấy Bảo Ngọc gọi “Tình Văn”. Tập Nhân hỏi:
“Cậu gọi gì?” Bảo Ngọc muốn uống nước. Tập Nhân pha trà mang đến. Bảo Ngọc thở
dài: “Lâu nay tôi quen gọi chị ấy, thành ra quên đi. Nay lại là chị.”
Tập Nhân cười nói:
- Khi chị ấy mới đến, cậu cũng thường nằm mê gọi tôi, về sau
cậu mới gọi chị ấy. Dù sao chị Tình Văn đi rồi, nhưng hai chữ “Tình Văn” vẫn
còn nhớ mãi.
Nói xong hai người lại đi ngủ, Bảo Ngọc vẫn trằn trọc mãi, đến
canh năm mới ngủ được. Bỗng thấy Tình Văn ở ngoài đi vào, hình dáng vẫn như
ngày thường, đến gần Bảo Ngọc nói: “Cậu và chị em ở lại cho vui vẻ. Từ nay tôi
xin từ biệt!” Nói xong quay người đi ngay. Bảo Ngọc gọi ầm lên, làm Tập Nhân tỉnh
dậy. Tập Nhân cứ tưởng là Bảo Ngọc quen tiếng gọi bừa, nhưng thấy Bảo Ngọc khóc
và nói: “Tình Văn chết mất rồi”. Tập Nhân cười nói:
- Cậu nói gì thế? Người ta nghe thấy thì còn ra làm sao nữa?
Bảo Ngọc vẫn không nghe, muốn trời sáng ngay để sai người đi
hỏi tin.
Khi trời sáng, có a hoàn nhỏ hầu bên Vương phu nhân đến gọi mở
cửa ngách, truyền lời Vương phu nhân: “Gọi cậu Bảo Ngọc dậy ngay, rửa mặt thay
quần áo. Vì hôm nay có người mời ông đi thưởng cúc. Hôm nọ ông thích thơ của cậu,
nên muốn cho các cậu đi theo. Lời bà bảo thế, các người phải giục cậu ấy đi
ngay, ông ở nhà trên đương chờ các cậu đến ăn miến đấy. Cậu Hoàn đã đến rồi. Đi
ngay đi thôi, và cho người đi gọi ngay cậu Lan, cũng nói với cậu ấy như thế”.
Bà già ở trong nhà nghe câu nào vâng câu ấy, vừa cài khuy áo
vừa ra mở cửa. Rồi ba, bốn người nữa cũng vừa cài khuy áo, vừa chia nhau đi các
nơi.
Tập Nhân nghe tiếng gõ cửa, biết là có việc, liền sai người
đi lấy nước, giục Bảo Ngọc dậy rửa mặt gội đầu và tự mình đi lấy quần áo. Tập
Nhân nghĩ rằng Bảo Ngọc theo hầu Giả Chính đi chơi, nên không tiện cho mặc quần
áo mới lắm, chỉ chọn quần áo hạng vừa thôi.
Bảo Ngọc không biết làm thế nào, đành phải vội vàng đi đến.
Quả nhiên Giả Chính đang ngồi ở đó uống nước, rất đỗi vui vẻ. Bảo Ngọc vào hỏi
thăm sức khỏe Giả Chính. Giả Hoàn, Giả Lan cùng chạy lại chào Bảo Ngọc. Giả
Chính cho Bảo Ngọc ngồi uống nước, rồi bảo Giả Hoàn và Giả Lan:
- Bảo Ngọc học thì kém hai đứa chúng bay, nhưng có tài làm
câu đối và làm thơ. Hôm nay đi chơi, chắc họ sẽ bảo chúng bay làm thơ, Bảo Ngọc
liệu cách giúp đỡ hai đứa.
Xưa nay Vương phu nhân chưa từng nghe thấy Giả Chính nói những
lời như thế, thực sự là vui mừng bất ngờ. Chờ cha con họ đi rồi, bà ta muốn
sang bên Giả mẫu, thì có người mẹ nuôi của Phương Quan đến trình: “Phương Quan
từ hôm nhờ ơn bà cho ra ngoài, nó hình như điên, không ăn uống gì cả. Nó lôi
kéo cả Ngẫu Quan và Nhụy Quan, nhất sống nhị chết, chỉ muốn cắt tóc đi
tu. Chúng tôi cứ tưởng là bọn trẻ con lúc đầu sống chưa quen, ít ngày rồi sẽ
đâu vào đấy. Ngờ đầu chúng nó càng ngày càng làm dữ, đánh mắng cũng không sợ.
Chúng tôi không có cách gì, nên đến đây trình bà, hoặc cho chúng nó đi tu hoặc
là dạy bảo chúng nó ít bữa rồi đem cho người ta làm con nuôi. Chúng tôi thực là
kém phúc”.
Vương phu nhân nói:
- Sao các bà nói nhảm thế! Lẽ nào lại tùy ý chúng nó được. Cửa
Phật có dễ dàng vào được đâu? Cứ đánh mỗi đứa một trận xem chúng nó có dám hỗn
nữa hay không.
Bấy giờ đang chầu rằm tháng tám, các miếu đều làm lễ, nên các
sư cô mang đồ cúng đến biếu. Sư Trí Thông ở Am Thủy Nguyệt và sư Viên Tâm ở am Địa
Tạng còn ở lại chưa về. Nghe thấy tin này, họ muốn dỗ dành hai đứa con gái về để
sai bảo, liền thưa với Vương phu nhân:
- Phủ ta vốn là nhà từ thiện. Bà lại rủ lòng nhân từ, nên các
cô bé mới được như vậy. Tuy nói là “Cửa Phật khó tới” nhưng cũng nên biết là
“Phật pháp bình đẳng”. Đức Phật chúng ta chỉ muốn siêu độ cho tất cả chúng
sinh, cả từ con gà con chó. Khốn nỗi người ta thường hay u mê không tỉnh. Ai có
thiện căn biết tỉnh ngộ, sẽ được thoát kiếp luân hồi, cho nên trong kinh Phật,
giống hùm beo rắn rết đắc đạo cũng không phải là ít. Giờ ba cô này không có bố
mẹ, lại xa quê hương, đã trải qua nơi phú quý, nhưng vì chịu khổ sở từ lúc bé,
không may rơi vào nơi phong trần, chưa biết cuộc đời sau này sẽ ra sao? Nên họ
muốn “thoát nơi bể khổ” nhất định xuất gia đi tu, cũng là điều biết nghĩ xa đấy.
Bà không nên ngăn cản lòng tốt của họ.
Vương phu nhân vốn là người từ thiện, lúc đầu nghe các bà già
nói, cho là bọn Phương Quan hãy còn bé, có điều gì chưa hài lòng, nếu đi tu sợ
không chịu nổi cảnh thiền tịch mịch, lại đâm mang tội. Giờ nghe thấy hai mẹ mìn
này nói cũng hợp tình hợp lý, vả lại, gần đây trong nhà xảy ra nhiều chuyện,
Hình phu nhân lại sai người đến nói, ngày mai đón Nghênh Xuân về ở nhà mấy ngày
để cho người ta đến xem mặt. Lại còn có bà mối đến nói việc Thám Xuân. Mọi việc
đều chồng chất trong lòng, thì còn để ý gì đến chuyện nhỏ mọn này nữa. Bà ta liền
cười trả lời:
- Hai sư cô đã nói như vậy, thì cứ cho mang chúng về làm đồ đệ
có được không?
Hai cô niệm phật rồi nói:
- Phúc đức quá! Phúc đức quá! Nếu được thế thì âm công của
người rất lớn.
Nói xong họ cúi đầu tạ ơn.
Vương phu nhân nói:
- Đã thế thì các cô đến hỏi chúng xem. Nếu quả thực bụng đi
tu, thì chúng phải đến trước mặt ta lạy các cô làm sư phụ.
Ba người mẹ nuôi nghe xong, ra dẫn ba đứa kia vào. Vương phu
nhân hỏi đi hỏi lại, ba đứa này đều đã quyết tâm, liền cúi lạy sư cô, lại lạy tạ
Vương phu nhân. Vương phu nhân thấy chúng quyết tâm như thế, biết là không thể
ép được, đâm ra thương xót, liền sai người đi lấy một ít đồ vật thưởng cho chúng
và đưa hai sư cô ít lễ vật. Từ đấy Phương Quan theo Trí Thông về am Thủy Nguyệt,
Nhụy Quan và Ngẫu Quan theo Viên Tâm về am Địa Tạng.
Hồi 78:
Họa sĩ già ra bài từ Quỷ hoạch;
Công tử ngốc làm văn tế phù dung.
Hai sư cô dẫn bọn Phương Quan đi rồi, Vương phu nhân liền
sang bên Giả mẫu. Thấy Giả mẫu đương vui, nhân dịp thưa:
- Bên nhà Bảo Ngọc có con a hoàn là Tình Văn, giờ đã lớn rồi,
đã một năm nay nó cứ ốm luôn. Con xem nó bướng bỉnh, lại lười. Hôm nọ nó ốm nằm
đến mười mấy ngày, mời thầy thuốc đến xem, họ bảo là bệnh lao, vì thế con đã
cho nó về rồi. Sau này có khỏi cũng không nên cho vào, để nó ở nhà lấy chồng là
hơn. Còn mấy đứa con gái học hát, con cũng cho nó về cả. Một là chúng nó đều biết
diễn tuồng, quen miệng ăn nói bậy bạ, không biết cân nhắc, lỡ các cháu gái nghe
thấy coi sao tiện? Hai là chúng nó đã biết hát xướng, nay cho về cũng là phải.
Hơn nữa bọn a hoàn cũng nhiều, khi nào không đủ sai, sẽ chọn thêm mấy đứa khác,
thì cũng thế thôi.
Giả mẫu gật đầu nói:
- Thế là phải. Ta cũng nghĩ như vậy. Nhưng xem ra con Tình
Văn rất ngoan, khâu vá nói năng không ai bằng. Sau này vẫn có thể cho nó hầu Bảo
Ngọc được. Ai ngờ lại thay đổi như thế.
Vương phu nhân cười nói:
- Cụ xưa nay chọn người không nhầm, nhưng vì nó vô phúc, nên
mới mắc bệnh ấy. Tục ngữ có câu: “con gái lớn có nhiều sự biến đổi”. Vả chăng
đã là người có tài, thì không khỏi có sự sai trái. Điều này chắc cụ đã hiểu nhiều
rồi. Ba năm trước con đã lưu tâm đến việc ấy, trước hết chỉ chấm riêng một mình
nó. Nhưng con để ý xem xét thì cái gì nó cũng hơn người, chỉ phải cái tính
không được chín chắn thôi. Nói về cách hiểu biết đại thể thì không ai bằng Tập
Nhân. Tuy nói vợ cả chuộng người hiền, vợ lẽ chọn người đẹp, nhưng cũng phải là
người tính tình hòa thuận, cử chỉ đứng đắn mới tốt. Dáng dấp Tập Nhân tuy kém
Tình Văn, nhưng lấy làm vợ lẽ thì nó cũng vào hạng nhất nhì đấy. Nó lại ăn ở đứng
đắn, tính nết thực thà, mấy năm nay chưa có điều gì chiều lòng Bảo Ngọc làm điều
sai trái. Khi Bảo Ngọc có làm điều gì bậy bạ, nó chỉ một niềm can ngăn. Vì thế
đã hai năm nay con chọn nó, thấy rất đúng. Con đã ngấm ngầm rút tiền lương a
hoàn của nó, lấy hai lạng bạc lương tháng của con phát cho nó, cốt để nó hiểu
ngầm, càng hầu hạ Bảo Ngọc cẩn thận hơn. Sở dĩ con chưa nói ra là vì Bảo Ngọc
còn nhỏ, nhà con biết ra lại bảo làm lỡ việc học hành của nó. Hơn nữa đã là người
hầu rồi, tất nhiên không dám khuyên ngăn nữa. Bảo Ngọc sẽ lại tha hồ phóng
túng. Vì thế đến bây giờ con mới trình với cụ.
Giả mẫu cười nói:
- Thế à! Như vậy càng tốt. Tập Nhân từ bé ít nói, ta cứ bảo
nó là cái bầu không miệng. Chị đã biết rõ nó thì nhầm thế nào được. Chị không
nhắc đến chuyện chọn nó cho Bảo Ngọc thì càng hay. Hơn nữa mọi người cũng không
cần phải nhắc đến nữa, chỉ biết ở trong bụng là được. Ta biết Bảo Ngọc sau này
nó không chịu nghe lời vợ khuyên đâu. Ta không hiểu sao và cũng chưa thấy đứa
trẻ con nào như thế cả. Đối với người khác thì nó bướng bỉnh đấy, nhưng riêng đối
với bọn a hoàn, lại rất tử tế. Khó thấy có ai được như nó. Vì vậy ta sinh nghi,
thường để ý xem xét, thấy nó cứ đùa với bọn a hoàn, chắc là người lớn thì tính
tình cũng lớn, đã biết chuyện trai gái, nên mới gần gũi bọn chúng. Nhưng dò xét
kỹ, lại hóa không phải. Thế mới lạ chứ? Có lẽ nó là một con a hoàn đầu thai lầm
cũng nên.
Vương phu nhân lại trình việc sáng ngày Giả Chính nào là khen
ngợi Bảo Ngọc, nào là dắt chúng đi chơi. Giả mẫu lại càng vui thêm.
Một lúc sau Nghênh Xuân ăn mặc chỉnh tề đến cáo từ xin về,
Phượng Thư cũng đến thăm buổi sớm và chực hầu bữa cơm sáng. Mọi người lại cười
nói với nhau một lúc. Đến trưa Giả mẫu đi nghỉ. Vương phu nhân hỏi Phượng Thư
đã làm thuốc viên chưa. Phượng Thư nói:
- Chưa. Giờ con đương uống thuốc chén. Xin mẹ cứ yên tâm, con
đã đỡ nhiều rồi.
Vương phu nhân thấy Phượng Thư đã khỏe, cũng tin là thực, rồi
kể lại việc đuổi bọn Tình Văn và nói:
- Con Bảo sao tự nhiên lại về nhà? Các chị đều không biết à?
Hôm trước tiện đường ta đi tra xét một lượt, xem ra vú nuôi mới của cháu Lan lẳng
lơ quá, ta không thích. Ta đã bảo chị Cả, hay dở gì cũng bảo nó bước đi. Nhân
tiện ta hỏi chị ấy: “Con Bảo về nhà sao các chị lại không biết?” Chị ấy nói là
nó về xem dì Tiết đã khỏi bệnh chưa? Độ vài ba hôm nó sẽ lại sang. Nhưng dì ấy có
bệnh gì đâu, chẳng qua chỉ ho và đau lưng thì bao giờ mà dì ấy chả thế. Tất là
có duyên cớ gì, hay có người nào làm mếch lòng nó? Con bé ấy vốn hay giữ ý, chỗ
bà con với nhau, lỡ có điều gì làm nó mếch lòng lại không hay.
- Ai lại tự dưng vô cớ làm cô ây mếch lòng.
- Hay là cái thằng ngốc Bảo Ngọc nói không biết nghĩ, không
biết kiêng kỵ; lúc cao hứng lên thuận miệng nói bừa, cũng chưa biết chừng.
- Đó là mẹ quá lo đấy thôi. Nếu bảo chú ấy ra ngoài nói năng
và xử sự cho thật đứng đắn thì không khác gì thằng ngốc, nhưng khi ở nhà gần
các chị em đến cả bọn a hoàn lớn nhỏ thì chú ấy lại đều nhân nhượng, chỉ sợ mếch
lòng người ta, như thế còn ai giận được chú ấy. Con ngờ cô Bảo về lần này là vì
việc khám xét bọn a hoàn hôm nọ. Cô ấy cho là ta nghi ngờ những người trong vườn.
Cô ấy là chỗ bà con, cũng có các bà già a hoàn ở trong nhà, nhưng ta lại không
đến khám xét. Cô ấy sợ ta có nghi ngờ gì chăng, vì thế áy náy trong lòng, tự ý
tránh đi. Tránh sự hiềm nghi như thế cũng là phải.
Vương phu nhân nghe nói cho là đúng, cúi đầu nghĩ một lúc rồi
sai người gọi Bảo Thoa đến nói rõ việc hôm trước để giải mối nghi ngờ, lại bảo
Bảo Thoa dọn vào ở chỗ cũ. Bảo Thoa cười nói:
- Cháu muốn về nhà đã lâu, nhưng vì bên nhà dì có nhiều việc
lớn, nên không tiện nói. Hôm nọ mẹ cháu lại ốm, trong nhà có hai người đàn bà hầu
đáng tin cậy cũng ốm nốt. Nhân dịp đó, cháu mới xin về nhà. Hôm nay dì đã biết,
cháu xin trình rõ. Bây giờ cháu xin cáo từ dì để dọn đồ đạc về.
Vương phu nhân và Phượng Thư cười nói:
- Cô câu nệ quá, lẽ ra nên dọn về đây ở là phải, đừng vì cái
việc tầm thường ấy làm bà con phải xa nhau.
Bảo Thoa cười nói:
- Dì và chị nói thế nặng lời quá, cháu có phải vì việc ấy mà
dọn về đâu. Gần đây mẹ cháu tinh thần kém trước nhiều, đêm hôm không có ai là
người đáng tin cậy, chỉ một mình cháu. Anh cháu lại sắp lấy vợ, nào việc may
vá, nào đồ dùng trong nhà, chưa sắm sửa đủ, nên cháu phải về lo liệu giúp mẹ
cháu. Dì và chị chắc cũng biết đấy. Cháu không dám nói dối đâu. Hơn nữa từ ngày
cháu vào ở trong vườn, cửa ngách về phía đông nam phải mở để đi lại, thành ra
những người ra vào, tiện đường cũng qua đấy. Thế mà không có người xét hỏi, nhỡ
xảy ra việc gì, chả mang tiếng cả hai bên Cháu nghĩ việc vào ngủ ở trong
vườn không cần thiết lắm. Vì mấy năm trước cháu còn bé, trong nhà không có việc
gì, nên vào ở trong đó, cùng chị em họp mặt vui đùa, khâu vá, hơn là một mình
ngồi buồn rũ ở ngoài. Bây giờ chúng cháu đều lớn cả rồi. Mấy năm nay dì ở bên
này gặp nhiều việc không được vừa lòng. Thế mà cứ ở mãi trong vườn, lỡ ra cháu
trông nom không xuể, sợ lại sinh chuyện. Chỉ có bớt người đi sẽ đỡ phải bận
tâm. Vì thế hôm nay không những cháu nhất định xin về nhà mà còn muốn khuyên
dì: Từ nay việc gì đáng bớt thì nên bớt chứ đừng ngại là mất thể thống nhà đại
gia. Cứ ý cháu, những khoản tiêu phí ở trong vườn này, cái gì bỏ được thì bỏ,
không thể bì như mấy năm trước đây. Dì đã biết nhà cháu đấy. Chẳng nhẽ nhà cháu
ngày trước cũng tồi tàn như thế này hay sao?
Phượng Thư nghe vậy thưa với Vương phu nhân:
- Đã vậy ta cũng không nên ép cô ấy.
Vương phu nhân gật đầu nói:
- Dì không biết nói thế nào nữa, cứ tùy ý cháu đấy thôi.
Đương nói chuyện thì Bảo Ngọc về nói:
- Cha chưa tan tiệc, sợ trời tối nên chúng con về trước.
Vương phu nhân vội hỏi:
- Hôm nay con có khỏi bị bẽ mặt không?
- Không những con không bẽ mặt, lại còn được thưởng nhiều thứ
nữa.
Sau đó bọn bà già nhận được các thứ của lũ hầu nhỏ ở cửa thứ
hai đem vào. Vương phu nhân giở ra xem, thấy có ba cái quạt, ba chuỗi hạt, ba
cái vòng ngọc. Bảo Ngọc nói:
- Cái này của quan hàn lâm họ Mai cho, cái kia là của quan thị
lang họ Dương cho, cái này là của quan viên ngoại họ Lý cho. Mỗi người cho một
thứ.
Nói xong lại lấy ra một ông Phật nhỏ bằng gỗ bạch đàn đeo
trong người để giữ mình và nói:
- Đây là của vị Khánh Quốc công cho riêng con.
Vương phu nhân lại hỏi tiệc có những ai, làm thơ từ gì? Rồi
bà ta nhận phần của Bảo Ngọc, sai người mang đi. Lại dẫn Bảo Ngọc, Giả Hoàn và
Giả Lan đến trình Giả mẫu. Giả mẫu xem xong, vui mừng khôn xiết, hỏi thêm mấy
câu. Bảo Ngọc bụng vẫn nghĩ đến Tình Văn, trả lời xong liền thưa:
- Cháu cưỡi ngựa bị xóc, đau cả xương.
Giả mẫu nói:
- Thôi cháu về nhà thay quần rồi dạo chơi một lúc thì khỏi,
nhưng không được ngủ.
Bảo Ngọc liền đi về trong vườn.
Xạ Nguyệt, Thu Văn đã đem hai a hoàn đến chờ sắn đấy. Thấy Bảo
Ngọc xin phép Giả mẫu về, Thu Văn nhận ngay lấy bút mực và các thứ rồi theo Bảo
Ngọc về trong vườn. Bảo Ngọc nói luôn miệng: “Nóng quá!” Vừa đi vừa tháo mũ và
mở dây lưng, cởi bộ quần áo ngoài ra. Xạ Nguyệt đỡ lấy. Bảo Ngọc chỉ mặc cái áo
lót bằng lụa màu hoa tùng, bên dưới hở ra cái quần màu đỏ sẫm. Thu Văn thấy cái
quần đó là của Tình Văn khâu lúc trước, liền thở dài:
- Thực là của còn người mất.
Xạ Nguyệt kéo Thu Vãn một cái, cười nói:
- Cái quần màu này pha với áo màu hoa tùng và dây màu thạch
thanh, lại càng nổi bật cái đầu xanh và bộ mặt trắng nõn.
Bảo Ngọc đi trước, vờ như không nghe thấy, lại đi mấy bước nữa
rồi đứng lại nói:
- Tôi muôn đi đằng này một tí có được không?
Xạ Nguyệt nói:
- Ban ngày ban mặt thế này thì còn sợ gì? Chẳng nhẽ sợ cậu lạc
lối hay sao?
Rồi sai a hoàn nhỏ đi theo và nói:
- Chúng tôi đi cất những cái này rồi sẽ đến.
Bảo Ngọc nói:
- Chị ơi, chờ tôi một tí hãy đi.
Xạ Nguyệt nói:
- Chúng tôi đi, rồi sẽ đến ngay. Tay cầm những thứ này, như
là đám rước ấy, người thì bưng đồ văn phòng tứ bảo, người bưng mũ áo, giày, thắt
lưng, trông chẳng ra làm sao nữa.
Bảo Ngọc nghe nói đúng với ý mình, liền để cho hai người đi về,
Bảo Ngọc dẫn hai a hoàn nhỏ đi đến sau hòn đá chân núi, khẽ hỏi chúng:
- Từ lúc ta đi vắng, chị Tập Nhân có sai người đến thăm chị
Tình Văn không?
Một đứa trả lời:
- Đã sai già Tống đi thăm rồi.
- Già Tống đi về nói thế nào?
- Già ấy nói: chị Tình Văn bạnh cổ ra, kêu suốt đêm, sáng sớm
hôm nay mắt nhắm nghiền, miệng cắn chặt, không biết gì cả, chỉ còn thở thoi
thóp thôi.
- Suốt đêm chị ấy kêu ai?
- Chị ấy cứ gọi mẹ.
- Còn gọi ai nữa không?
- Không gọi ai nữa.
- Mày u mê rồi, chắc là chưa nghe rõ đấy.
Một a hoàn khác đứng cạnh, có vẻ láu lỉnh, thấy Bảo Ngọc nói
thế, liền chạy lại thưa:
- Nó u mê thật đấy. Cháu lên đến tận nơi, nhìn kỹ tận mặt,
nghe rõ từng câu chị ấy nói.
- Mày đến tận nơi làm gì?
- Cháu nghĩ chị Tình Văn xưa nay đối đãi với chúng cháu rất tử
tế, hơn hẳn mọi người. Giờ chị ấy bị đuổi oan, chúng cháu không có cách gì cứu
giúp, nên đành đến tận nơi thăm nom, để khỏi phụ cái lòng ngày thường chị ấy
thương yêu chúng cháu. Dù có ai biết về trình, bà đánh chúng cháu một trận,
cũng xin cam tâm. Vì thế cháu làm liều, lẻn đến thăm chị ấy một tí. Chị ấy vốn
là người thông minh, lúc sắp chết vẫn không có gì thay đổi. Thấy cháu đến, chị ấy
mở bừng mắt ra, kéo tay cháu lại hỏi: “Cậu Bảo Ngọc đi đâu?” Cháu kể chuyện cho
chị ấy nghe. Chị ấy thở dài một cái rồi nói: “Thôi không gặp nhau nữa rồi!”
Cháu hỏi: “Sao chị không chờ cậu ấy đến để được gặp mặt một lần nữa?” Chị ấy cười
nói: “Các em không biết rõ, chị không phải chết đâu. Nay trên trời đương thiếu
một vị thần hoa, đức Ngọc Hoàng gọi chị lên trông nom các thứ hoa đấy. Đến giờ
mùi hai khắc chị sẽ lên nhận chức. Cậu Bảo thì giờ mùi ba khắc mới về đến nhà.
Thế là chỉ chậm có một khắc mà hai người không được gặp nhau. Người đời đến lúc
tận số, Diêm Vương định bắt đi, trước hết cho quỷ sứ đến bắt lấy linh hồn. Nếu
muốn chậm lại một giờ nửa khắc, thì cứ đốt giấy vàng hoặc cúng cháo. Bọn quỷ sứ
mải đến cướp tiền, thì người chết có thể nấn ná ở lại được một chút. Nay chị được
các vị tiên trên trời xuống đón, thì chậm thế nào được?” Cháu nghe nói thế,
không tin mấy. Nhưng khi về nhà để ý nhìn đồng hồ, quả nhiên đúng giờ mùi hai
khắc chị ấy tắt thở, và đúng ba khắc mới có người đến bảo chúng cháu là cậu đã
về.
- Mày không biết chữ, nên không hiểu, chứ chuyện ấy có thực đấy.
Không những mỗi thứ hoa có một vị thần, lại còn có một vị thần coi cả các thứ
hoa nữa. Nhưng không biết chị Tình Văn làm vị thần coi cả các thứ hoa hay chỉ
coi một thứ?
A hoàn nghe xong không bịa ra ngay được. Bấy giờ vào khoảng
tháng tám, hoa phù dung giữa ao trong vườn đương nở rộ. Thấy cảnh nảy ngay ý
nghĩ, nó liền trả lời:
- Cháu có hỏi: “Chị sẽ làm vị thần coi hoa gì? Nói cho chúng
em biết, để sau này chúng em còn nhớ mà cúng”. Chị ấy nói: “Em chỉ nói cho một
mình cậu Bảo Ngọc biết thôi, ngoài cậu ấy ra, không được tiết lộ thiên cơ!” Rồi
chị ấy bảo cháu là vị thần chuyên coi hoa phù dung.
Bảo Ngọc thấy thế, không những không lấy làm lạ, lại còn đổi
buồn làm vui, quay lại ngắm nghía hoa phù dung, cười nói:
- Hoa này phải có một người như thế trông nom mới đáng. Ta đã
đoán trước, con người như thế, tất phải có phen làm nên sự nghiệp. Chị ấy đã vượt
qua bể khổ, nhưng từ nay không được trông thấy nhau, lẽ nào ta không chạnh niềm
thương cảm.
Bảo Ngọc nghĩ bụng: “Lúc chết không được gặp mặt, bây giờ ta
phải đến vái trước linh cữu, để tỏ cái tình năm, sáu năm gần gũi nhau”.
Nghĩ xong, liền về nhà, thay quần áo và nói là đến thăm Đại
Ngọc. Rồi một mình ra khỏi vườn, đến chỗ lần trước đã tới thăm, tưởng là linh cữu
còn để ở đấy. Ngờ đâu hai vợ chồng người anh ngoại thấy Tình Văn tắt thở, liền
đi vào trình, mong được mấy lạng bạc tiền lệ mai táng. Vương phu nhân nghe thấy
thế thưởng cho mười lạng bạc, bảo:
- Phải mang ra ngoài hỏa táng ngay. Con gái mà bị bệnh lao,
nhất thiết không thể để lâu được!
Nghe vậy vợ chồng nhà kia một mặt nhận tiền, một mặt giục người
khâm liệm, khiêng ngay ra cái nhà hỏa táng ở ngoại thành. Những quần áo trâm
vòng còn lại ước độ ba, bốn trăm lạng vàng, thì vợ chồng hắn vớ hết, để làm kế
sinh nhai. Sau đó họ khóa cửa lại, cùng đi đưa ma.
Bảo Ngọc đến nơi; chẳng thấy một ai, dừng lại hồi lâu, không
biết làm thế nào, đành phải quay về trong vườn. Buồn quá, tiện đường đến thăm Đại
Ngọc, cũng không gặp, hỏi đi đâu, bọn a hoàn nói: “Cô ấy sang bên cô Bảo rồi”.
Bảo Ngọc lại đến viện Hành Vu, thấy cảnh vắng người không, đồ đạc đã khuân đi cả,
còn trơ chiếc nhà trống trải. Bảo Ngọc giật nẩy mình. Nhớ lại hôm trước, nghe
đâu Bảo Thoa định dọn đi, vì hai hôm nay bận học, nên quên khuấy mất. Bây giờ mới
biết, Bảo Ngọc đứng đờ người ra một lúc, lại nghĩ: “Chi bằng cứ gần gũi với Tập
Nhân, chơi thân với Đại Ngọc, có lẽ trong mấy người ấy mới là sống chết có
nhau”.Bảo Ngọc lại quanh đến quán Tiêu Tương, nhưng Đại Ngọc vẫn chưa về. Đương
lúc không biết đi đâu, thì thấy a hoàn bên Vương phu nhân đến tìm và nói:
- Ông đã về rồi, đương tìm cậu đấy. Chắc lại có đầu bài hay.
Cậu về ngay đi, về ngay đi!
Bảo Ngọc nghe nói, đành phải theo về. Đến buồng Vương phu
nhân thì Gả Chính đã đi rồi. Vương phu nhân sai người đưa Bảo Ngọc đến thư
phòng.
Giả Chính đương cùng bọn môn khách bàn chuyện thắng cảnh chơi
thu. Ông ta lại nói:
- Lúc sắp tan, chợt kể lại một việc, thực là chuyện hay nghìn
xưa, đủ cả tám chữ: “Phong lưu hào nhã, trung nghĩa cảm khái”. Chính là một đầu
đề rất hay. Mọi người định làm một bài viếng.
Các môn khách nghe nói, liền hỏi:
- Xin cho biết việc gì hay thế?
- Ngày trước có một vị Vương được phong tước là Hằng vương, bổ
ra làm tổng trấn châu Thanh; Hằng vương rất thích gái đẹp và khi rỗi việc quan,
lại thích tập võ, nên tuyển nhiều con gái đẹp, ngày nào cũng bắt họ phải luyện
tập đánh trận. Trong bọn này có một người, họ Lâm, đứng thứ tư, nhan sắc đã đẹp,
lại tinh nghề võ, ai cũng gọi là cô Lâm. Hằng vương rất yêu, cử lên trông coi
chị em, gọi là Quỷ Hoạch tướng quân.(1)
- Hay thực! Lạ thực! Thêm hai chữ “tướng quân” ở dưới chữ “Quỷ
Hoạch” càng thêm vẻ phong lưu yểu điệu, thực là câu văn hay nhất đời! Chắc Hằng
vương cũng là một nhân vật phong lưu nhất xưa nay.
- Đúng thế. Nhưng lại có một việc đáng lạ và đáng than tiếc nữa.
- Không biết sau cùng lại còn có việc gì lạ nữa?
- Ngờ đâu năm sau lại có tàn quân của “Hoàng cân”(2) và “Xích
mi”(3) họp lại, đánh phá khắp vùng Sơn Tả. Hằng vương cho là bọn giặc cỏ, không
cần phải huy động đại quân, chỉ mang ít kỵ binh đi đánh dẹp. Không ngờ bọn giặc
quỷ quyệt, Hằng vương đánh hai lần không được, lại bị chúng giết mất. Bấy giờ
các quan văn võ trong thành Thanh Châu đều bảo nhau: “Nhà vua còn đánh
không nổi, thì chúng ta làm gì được”. Họ định đem dâng thành. Cô tư Lâm nghe thấy
tin dữ ấy, liền họp các nữ tướng lại, ra lệnh: “Chúng ta đều chịu ơn đức vua, đội
trời đạp đất, chưa báo đền được muôn một. Nay vua vì nước bỏ mình, ý ta muốn chết
theo. Chị em ai muốn theo thì đi với ta, ai không theo cứ việc về nhà”. Các nữ
tướng nghe vậy liền nói: “Xin đi theo cả”. Rồi ngay đêm hôm đó cô Lâm dẫn quân
ra ngoài thành, đến thẳng trại giặc. Bọn giặc không đề phòng, mấy tên tướng đều
bị giết chết. Về sau, chúng thấy chỉ có mấy người con gái, biết là không làm
nên việc gì, liền quay đao thúc quân trở lại, cố sức đánh một trận, giết bọn cô
Lâm không sót một người nào, thành ra chính chúng đã làm trọn bề trung nghĩa của
cô Lâm. Tin này báo về kinh đô, hoàng đế và trăm quan ai cũng than tiếc. Chắc
trong triều thế nào cũng phái người ra dẹp giặc. Khi quân nhà vua kéo đến, thế
nào giặc cũng bị tan tành. Việc này không cần phải bàn kỹ nữa. Chỉ nói riêng về
cô Lâm. Các ông nghĩ xem có đáng khen hay không?
Bọn gia khách đều thở dài nói:
- Thực đáng khen, đáng lạ. Quả là một đầu bài rất hay. Mọi
người nên làm một bài viếng mới phải.
Nói xong, đã có người lấy nghiên bút ra. Theo lời Giả Chính kể
lại, thay đổi mấy chữ, thành một bài tựa ngắn đưa cho Giả Chính xem. Giả Chính
nói:
- Chẳng qua cũng thế thôi. Họ cũng đã có bài tựa sẵn rồi. Hôm
nọ có ân chỉ: truyền xét lại các hạng người từ trước đến giờ đáng được khen thưởng
mà còn bỏ sót lại chưa tâu lên, không cứ là bọn tăng ni ăn mày, đàn bà con gái,
hễ có việc gì đáng khen thì lập ngay lý lịch đưa lên bộ lễ, xin cho ân thưởng.
Vì thế bài tựa của họ đã đưa đến bộ lễ rồi. Nghe thấy tin mới lạ này, ai cũng
muốn làm một bài từ “Quỷ Hoạch” để ghi lòng trung nghĩa của nàng
Mọi người nghe xong đều cười nói:
- À ra thế đấy. Nhưng đáng khen nhất là cái ân điển của bản
triều xưa nay chưa từng có, không còn bỏ sót một việc gì.
Giả Chính gật đầu nói: “Đúng đấy !”
Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan đều đứng dậy đến xem đầu bài, Giả
Chính bảo ba người đều làm một bài viếng. Ai làm xong trước sẽ được thưởng, nếu
hay lại được thưởng thêm. Gần đây trước chỗ đông người, Giả Hoàn, Giả Lan cũng
làm được mấy bài, nên cũng mạnh bạo. Giờ thấy đầu bài, liền ngồi nghĩ ngay.
Một lúc, Giả Lan làm xong, Giả Hoàn sợ thua, cũng làm xong
ngay. Hai người đều đã chép xong. Bảo Ngọc còn đương ngồi nghĩ. Giả Chính và mọi
người xem hai bài của Giả Hoàn và Giả Lan. Một bài thất ngôn tuyệt cú của Giả
Lan như sau:
Sắc đẹp tài cao tướng Tứ nương.
Xương da là ngọc dạ như vàng,
Sau khi liều thác đền ơn chúa,
Tấc đất châu Thanh lại ngát hương
Bọn gia khách xem xong, khen ầm cả lên:
- Cậu em mới có mười ba tuổi mà đã thế này! Thế mới biết dòng
dõi học nghiệp uyên thâm, thực là không ngoa!
Giả Chính cười nói:
- Giọng còn trẻ con, nhưng cũng đáng khen cho nó đấy.
Lại xem đến bài của Giả Hoàn là một bài thơ ngũ ngôn, thấy viết:
Đã mấy ả biết sầu,
Tướng quân lòng vẫn đau,
Gạt sầu rời cẩm trướng,
Ôm hận tới Thanh Châu,
Ơn nặng đền đôi chút.
Thù sâu trả dễ đâu?
Mộ đề chữ trung nghĩa,
Truyện lạ rõ nghìn thâu.
Mọi người nói:
- Lại hay hơn! Cũng vì lớn hơn mấy tuổi, nên lập ý của cậu ấy
có khác.
Giả Chính nói:
- Kể ra cũng không kém lắm, nhưng vẫn không sát.
Mọi người nói:
- Thế cũng được rồi. Cậu Ba cũng chưa mấy tuổi, vẫn chưa đến
tuổi đội mũ (4), làm được như thế, độ mấy năm nữa, có lẽ cũng chẳng kém gì Đại
Nguyễn, Tiểu Nguyễn ngày xưa.(5)
Giả Chính cười nói:
- Các vị quá khen. Chỉ phải cái tội là nó không chịu học
thôi.
Rồi hỏi đến Bảo Ngọc. Mọi người nói:
- Câu Hai còn đương để ý điêu luyện, chắc thế nào tứ thơ cũng
phong lưu thương cảm hơn những bài này.
Bảo Ngọc cười nói:
- Đầu bài này làm cận thể không đúng, phải là cổ thể, hoặc lối
ca hay lối hành, làm một bài trường thiên thì mới sát được.
Mọi người nghe nói đều đứng dậy cả, gật đầu vỗ tay nói:
- Chúng tôi đã bảo là cậu ấy lập ý khác hẳn mà! Mỗi khi đầu
bài đến tay, phải đắn đo trước xem nên làm thể cách nào cho đúng. Đó là phép thần
diệu của tay lão thành. Đầu bài này gọi là “Quỷ Hoạch từ”, lại có tựa sẵn rồi,
nên làm bài trường thiên theo lối ca hay hành, thì mới hợp thể cách. Như bài
“Kích âu ca” của Ôn Bát Xoa, bài “Cối kê ca” của Lý Trường Cát, bài “Trường hận
ca” của Bạch Lạc Thiên(6) hoặc làm bài vịnh cổ, vừa kể chuyện vừa vịnh cảnh, lời
thơ chải chuốt nhẹ nhàng thì mới tả hết cái hay của nó.
Giả Chính nghe nói, hợp với ý mình, liền cầm bút định viết.
Ông ta lại cười và nói với Bảo Ngọc:
- Như thế rất hay. Mày đọc tao viết. Nếu không hay thì tao lột
xác mày cho mà coi. Ai bảo mày cứ nói khoác không biết xấu hổ!
Bảo Ngọc đành phải đọc một câu:
Khỏe và đẹp Hằng vương thích cả,
Giả Chính viết xong, lắc đầu nói:
- Thô quá!
Một môn khách nói:
- Như thế mới là cổ phong, không thô đâu. Hãy xem những câu
dưới!
Giả Chính nói:
- Thôi hãy để đấy.
Bảo Ngọc lại đọc:
Dạy mỹ nhân kị xạ đua tài.
Hát hay múa dẻo chưa vui,
Giương cung bày trận được người thích hơn.
Giả Chính viết ra. Mọi người đều nói:
- Câu thứ ba thật là cổ kính, rất hay. Câu thứ tư kể xuôi, rất
đắc thể.
Giả Chính nói:
- Thôi đừng khen nhảm nữa, hãy xem câu chuyện thế nào?
Mắt nào thấy nổi cơn gió bụi,
Trước bóng đèn đã rọi quân trang.
Mọi người nghe xong hai câu đều nói:
- Hay! Dưới câu “Mắt nào thấy nổi cơn gió bụi”, lại nói luôn
câu “Trước bóng đèn đã rọi quân trang”, dùng chữ dùng câu đều thần diệu cả!
Bảo Ngọc lại đọc:
Miệng hò, sặc những mùi hương,
Mềm tay gươm, tuyết dao sương ngượng ngùng.
Mọi người nghe xong đều vỗ tay cười nói:
- Càng như vẽ ra ấy! Chắc cậu Bảo hồi ấy cũng ở đấy, được
nhìn rõ vẻ yêu kiều và ngửi thấy cả mùi hương của họ chứ gì? Nếu không sao lại
tả đúng được như thế?
Bảo Ngọc cười nói:
- Người khuê các tập võ, dù khỏe đến đâu cũng không bằng được
con trai. Không nói thì cũng biết rõ cái dáng yếu ớt nhút nhát rồi.
Giả Chính nói:
- Mày không đọc tiếp ngay đi! Lại còn ngồi nói lẻm.
Bảo Ngọc đành phải nghĩ một lúc rồi đọc:
Hạt đinh hương, phù dung giây giắt.
Mọi người đều nói:
- Chọn vần rất hay, có thế lời thơ mới chải chuốc nhẹ nhàng.
Và câu này lại còn văn hoa đẹp đẽ.
Giả Chính viết xong nói:
- Câu này không hay, trước đã có những chữ như “sặc những mùi
hương” và “mềm tay ngượng ngùng” thì việc gì lại phải dùng câu này. Đó là vì đuối
sức nên nó phải gán ghép những chữ ấy để lấp liếm cho qua đấy thôi.
Bảo Ngọc cười nói:
- Bài trường ca thì thế nào cũng phải điểm xuyết những câu
văn hoa, không thế đâm buồn mất.
Giả Chính nói:
- Mày chỉ lo dùng những chữ ấy, còn dưới câu này làm thế nào
để chuyển ý sang việc tập võ đây? Nếu nói thêm nữa thì chẳng hóa ra vẽ rắn thêm
chân sao.
Bảo Ngọc nói:
- Như thế, thì câu dưới sẽ chuyển cũng được.
Giả Chính cười nhạt:
- Sức học mày được bao nhiêu! Câu trên mày mở rộng quá, bây
giờ mày lại muốn chuyển ý ngay, chẳng hóa ý muốn thì nhiều mà sức không đủ hay
sao?
Bảo Ngọc nghe nói, cúi đầu nghĩ một lúc rồi đọc:
Đeo dao này đành vất châu kia.
Rồi hỏi: “Câu này có thể dùng được không?”
Mọi người vỗ bàn khen hay tuyệt.
Giả Chính cười nói:
- Hãy khoan đã, mày đọc nữa đi.
Bảo Ngọc nói:
- Nếu được thì con đọc luôn một mạch, không được xin cứ xóa cả
đi, con sẽ nghĩ ra tứ khác và đặt câu lại.
Giả Chính nghe nói, liền quát:
- Mày nói nhiều quá! Không được thì làm lại bài khác. Mày làm
mười bài, một trăm bài lại sợ khó nhọc hay sao?
Bảo Ngọc đành nghĩ một lát rồi đọc:
Tập xong uể oải đêm khuya,
Ngấn song nhường đã đầm địa lụa dao
Giả Chính nói:
- Đó là xong một đoạn rồi. Câu dưới như thế nào?
Bảo Ngọc đọc:
Sơn Đông giặc năm sau nổi loạn,
Ong kéo đàn, chực ngốn hùm beo,
Mọi người nói:
- Chữ “nổi” hay đấy! Thế mới biết được là cao hay thấp. Vả suốt
cả câu chuyển ý cũng không câu nệ gò ép.
Bảo Ngọc lại đọc:
Diệt thù vua dẫn quân theo,
Ngờ đâu thử một hai keo đã chùng.
Gió tanh ngắt thổi tung lúa nội,
Trướng hùm đâu nắng rọi bóng cờ.
Núi vắng lặng, nước lờ đờ,
Nơi Hằng vương chết bây giờ là đây.
Xương dầm nước, máu rây ngọn cỏ,
Bóng giăng tà, thây nọ ma canh.
Mọi người đều nói:
- Hay quá, hay qúa! Dàn bài kể chuyện và lời văn đều hay cả.
Giờ hãy xem tiếp đến Tứ nương ra sao, tất phải có một câu chuyển mới lạ.
Bảo Ngọc lại đọc:
Quan quân chỉ biết giữ mình,
Ngồi nhìn khắp cõi châu Thanh mịt mùng.
Trong khuê các tỏ lòng trung phẫn,
Xui ái cơ nổi giận đùng đùng.
Mọi người đều nói:
- Dàn bài rất là khúc chiết.
Giả Chính nói:
- Dài quá rồi, chỉ sợ đoạn dưới lại rườm thôi.
Bảo Ngọc lại đọc:
Ái cơ thứ mấy trong cung?
Thứ Tư là gái anh hùng họ Lâm.
Nghiêm lệnh xuống ả Tần, gái Triệu,
Mặt trăm hoa đưa tiễn chiến trường.
Lệ xuân đè trĩu yên cương,
Áo bào lặng lẽ, đêm trường hắt hiu.
Cuộc thua được khó chiều định trước,
Đáp ơn người trọn ước tử sinh.
Giặc kia hung hãn thôi đành,
Hoa tan tác cánh, tuyệt xanh xám màu.
Quyện mùi phấn vó câu ngào ngạt,
Xa gia hương hồn giạt bên thành.
Tin sương sớm báo về kinh,
Chị em nào chẳng xót tình cho ai.
Nỗi mất đất con trời càng bực,
Nhìn trăm quan đầu gục ngồi trơ.
Trong triều văn vũ bấy giờ,
Đã người nào được như là Lâm nương?
Lâm nương nghĩ đến mà thương,
Ca rồi lòng những bàng hoàng khôn nguôi !
Đọc xong, mọi người đều khen ngợi không ngớt, lại xem một lượt
nữa.
Giả Chính cười nói:
- Tuy nói được mấy câu, nhưng cũng không sát mấy.
Liền bảo:
- Thôi cho về.
Ba người như được tha tội, đều đi ra, rồi ai về nhà nấy. Bảo
Ngọc trong bụng buồn rầu, lúc về đến vườn trông thấy hoa phù dung trên ao, nhớ
ngay chuyện Tình Văn, lại thấy vui sướng, rồi nhìn hoa phù dung than vãn một
lúc. Sau lại nghĩ: “Khi Tình Văn chết, ta chưa đến tế trước linh cữu, bây giờ tế
ở trước hoa phù dung, lại không tận lễ hơn sao?” Nghĩ xong, muốn làm lễ ngay,
nhưng lại tự nhủ: “Dù thế nhưng cũng không nên cẩu thả quá, phải có áo mũ chỉnh
tề, đồ lễ đầy đủ thì mới thực là thành kính”. Rồi nghĩ bụng: “Cổ nhân nói: Rau
cỏ thường dùng ở nơi bờ ao, vũng nước cũng có thể đem dâng vương công, tế quỷ
thần được. Chỉ cốt có lòng thành kính, chứ không kể lễ vật sang hèn. Nhưng nếu
không làm một bài văn tế, thì nỗi buồn rầu chua xót này không có chỗ nào phát
tiết ra được”. Bảo Ngọc liền lấy một bức lụa giao trắng mà trước kia Tình Văn vẫn
thích, viết một bài bằng chữ chân phương, gọi là “Bài văn tế cô phù dung”. Trước
là bài tựa, sau là bài ca. Lại bày bốn thứ đồ ăn mà Tình Văn vẫn thích khi còn
sống. Đến lúc chiều tà, người vắng Bảo Ngọc sai bọn a hoàn bưng đến bày ở trước
hoa phù dung. Làm lễ xong, treo bài văn tế lên cành hoa, rồi khóc và đọc:
“Nay là năm thái bình bền vững, là tháng hoa dung, hoa quế
đua tươi, là ngày không biết làm thế nào được. Ngọc thô trọc này ở viện Di Hồng,
gọi là có nhị các hoa, lụa giao trắng, nước suối thơm và chè ướp móc, bốn thứ
này tuy là vật rất tầm thường, nhưng cũng để tỏ lòng thành tín, đem đến tế ở
trước nữ thần phù dung, giữ chức cai quản các hoa mùa thu ở cung Bạch Đế và có
lời kính tế rằng:
Trộm nghĩ, từ khi cô xuống cõi trần, đến nay đã mười sáu năm.
Họ tên quê quán thất lạc từ lâu, không sao tra cứu được. Nhớ những khi chung
chăn gối, cùng tắm gội, những đêm ngồi nghỉ mát, đi chơi rong. Ngọc này cùng cô
vui đùa thân mật mới được vẻn vẹn năm nam tám tháng; ngày vui sao lại ngắn ngủi
thế này! Nhớ cô lúc bình sinh, chất thì cao quý, vàng ngọc cũng thua; thân lại
trắng trong, tuyết băng khôn sánh. Tinh thần sáng suốt, át cả mặt trời, ngôi
sao, nét mặt vui tươi, hơn hẳn giăng soi, hoa nở. Chị em mến người tài sắc, vú
bõ trọng bực hiền hòa. Ngờ đâu, bay quá cao cho chim độc ghét ghen, giống cắt nọ
sa vào bẫy lưới; mùi thơm lựng nên cỏ gai tức tối, khóm lau kia lại bị bừa cào!
Hoa vốn nhát rồi, nào quen gió táp? Liễu xem buồn quá, khôn chống mưa rào! Bị
loài sâu bọ dèm pha, mắc bệnh cao hoang nguy hiểm. Vì thế, môi anh đào nhợt lại,
rền rĩ vần thơ, vẻ hồng hạnh se dần, võ vàng nét mặt. Những lời chì chiết, từ
chỗ màn the; nhiều cảnh chông gai, lan ngoài cửa ngõ. Ngấm ngầm bụng đã chán rồi;
bực tức oan còn buộc mãi. Vẻ cao quý tổ người ghen ghét, trong buồng the mà
ngao ngán cảnh “Trường Sa”; (7) lòng kiên trinh gặp buổi gian truân, bạn khăn yếm
những âm thầm nơi nhạn tái. (8) Đắng cay mình chịu; vùi dập ai thương? Tan tác
mây tiên; mịt mù gót ngọc. Bãi mờ hang thuốc, hương khước tử đâu đây? Bể vắng
bè thiên, thuốc hồi sinh nào thấy? Nét ngài biêng biếc, ta vẽ trước kia; tay ngọc
lạnh lùng, ai người ủ ấm? Vạc nọ thuốc thừa bừa bãi; áo kia ngấn lệ đầm đìa. Hộp
xạ nguyệt mở lại thêm buồn, gương đành loan vắng; gỗ đàn vân tung ra từng mảnh,
lược hóa rồng bay. Hoa vàng vứt đám cỏ gianh; hộp biếc nhặt nơi gió bụi. Lầu
Chi Thước buồn tênh thất tịch, còn cái kim treo; giải Uyên Ương đứt hẳn năm
dây, hỏi ai người nối? Huống chi gặp tiết kim thu; quyền về Bạch Đế. Chăn đơn
mơ mộng; nhà cửa đìu hiu. Thềm quế trăng mờ, bóng đẹp hồn thơm đâu tá; màn dung
hương nhạt, lưng eo hơi yếu còn chi! Đầy trời cỏ héo, nào chỉ sậy lau? Khắp đất
tiếng buồn, những là giun dế. Thềm long lanh móc, tiếng chày gieo gió lọt trong
rèm; tường lác đác mưa, khúc sáo oán khôn nghe ngoài viện. Trước thềm anh vũ
chưa quên, luôn miệng tên thơm vẫn gọi; ngoài cửa hải đường đã héo, báo tin người
ngọc sắp đi. Trò chơi sau rèm, gót sen vắng ngắt; chọi gà trên cỏ, hoa lan chờ
hoài. Chỉ thêu bỏ lại, áo hoa lụa bạc ai khâu? Tơ băng gấp rồi, hương ngự bàn
là chưa đốt. Theo lệnh cha lúc trước, dong xe xa tới phương viên, trái oai mẹ lần
này, chống gậy toan đưa linh cữu. Chợt nghe, ván thơm bị cháy, tình “cộng huyệt”
đâu còn; quách đá vỡ tan, nghĩa đồng hôi(9) đáng thẹn. Đến nỗi gió tây lùa vào
chùa cũ, lẩn quất ma trơi; bóng chiều rọi khắp gò hoang, rã rời xương trắng.
Thu du xào xạc; lau sậy đìu hiu. Vượn kêu dưới đá sương mù; ma khóc quanh vùng
khói tỏa. Nào phải trong màn lụa đỏ, chàng nọ tình sâu; mới hay dưới bãi đất
vàng, gái kia mệnh bạc. Đất Nhữ Nam dòng dòng giọt lệ, nhỏ trước gió tây; nơi Tử
Trạch ngầm ngấm tình riêng, giãi cùng trăng lạnh. Than ôi! Ma quỷ thực là độc
ác; thần linh nào có ghét ghen.
Lũ dèm pha đành phải rạch mồm, tha làm sao được? Con ác phụ dù đem mổ bụng, giận vẫn chưa nguôi! Tuy duyên trần cô chửa bén bao lâu; nhưng lòng quê, Ngọc này khôn xiết tả. Nỗi riêng quyên luyến, thăm hỏi ân cần. Mới biết cờ thượng đế cho vời; nơi cung hoa đợi chiếu. Sống thì bạn bè lan huệ, thác thì cai quản phù dung. Tuy nghe lời hầu nhỏ, chuyện khá hoang đường, nhưng cứ ý Ngọc này, lẽ đà xác thực. Tại sao thế? Ngày trước Diệp Pháp Thiện (10) bắt hồn Lý Ung viết hết bài bia; Lý Trường Cát (11) theo lệnh Ngọc Hoàng lên làm bài ký. Việc tuy khác nhau, nhưng lẽ thì một. Nên phải lựa tài mà giao việc, nếu dùng người không đúng thì chẳng hóa ra lạm lắm sao? Vậy mới biết đức thượng đế cân nhắc từng người, giao phó công việc, rất là đúng và rât là hợp, không uổng cái tính chất trời đã phú cho mọi người. Mong linh hồn cô không bao giờ mờ tối, thường hay phảng phất về đây, nên cứ liều lĩnh đọc mấy câu quê kệch này, chắc không phải nhàm tai người sáng suốt.
Lũ dèm pha đành phải rạch mồm, tha làm sao được? Con ác phụ dù đem mổ bụng, giận vẫn chưa nguôi! Tuy duyên trần cô chửa bén bao lâu; nhưng lòng quê, Ngọc này khôn xiết tả. Nỗi riêng quyên luyến, thăm hỏi ân cần. Mới biết cờ thượng đế cho vời; nơi cung hoa đợi chiếu. Sống thì bạn bè lan huệ, thác thì cai quản phù dung. Tuy nghe lời hầu nhỏ, chuyện khá hoang đường, nhưng cứ ý Ngọc này, lẽ đà xác thực. Tại sao thế? Ngày trước Diệp Pháp Thiện (10) bắt hồn Lý Ung viết hết bài bia; Lý Trường Cát (11) theo lệnh Ngọc Hoàng lên làm bài ký. Việc tuy khác nhau, nhưng lẽ thì một. Nên phải lựa tài mà giao việc, nếu dùng người không đúng thì chẳng hóa ra lạm lắm sao? Vậy mới biết đức thượng đế cân nhắc từng người, giao phó công việc, rất là đúng và rât là hợp, không uổng cái tính chất trời đã phú cho mọi người. Mong linh hồn cô không bao giờ mờ tối, thường hay phảng phất về đây, nên cứ liều lĩnh đọc mấy câu quê kệch này, chắc không phải nhàm tai người sáng suốt.
Liền hát bài chiêu hồn:
- Trời xanh xanh chừ, hay cô cưỡi rồng ngọc dạo chơi trên
không đây?
Đất sao mông mênh chừ, hay cô ngồi xe giao tượng xuống chơi
suối vàng đây?
Nhìn tàn lụa lấp lánh chừ, hay sao Cơ, sao Vĩ sáng rực
lên đây?
Dẫn đường lại có hàng tàn chừ, hay sao Nguy hư đi hộ vệ
đây?
Theo hầu lại có bọn thần mây chừ, hay cô cưỡi mặt trăng đi
chơi đây?
Tiếng bánh xe lộc cộc chừ, hay cô ngồi xe loan đi rong
đây?
Mùi thơm thoang thoảng chừ, hay hoa hành đỗ tết làm dây đeo
đây?
Màu quần áo chói lọi chừ, hay chạm mặt trăng làm đồ trang sức
đây?
Mượn nơi um tùm để làm đàn tê chừ, hay cầm đuốc sen để thắp dầu
hoa lan đây?
Chén rượu bằng quả bầu vẽ chừ, hay rượu ngon lẫn mùi hoa quế
đây?
Ngửa mặt lên nhìn đám mây chừ, thấp thoáng như trông thấy ai
đây?
Ghé tai nghe dưới làn sóng chừ, mơ màng như nghe tiếng ai
đây?
Định rong chơi khắp khoảng bao la chừ, nỡ bỏ ta trơ trọi dạo
cõi trần đây?
Nhờ thần gió đẩy xe cho ta chừ, để được cùng nắm dây cương trở
về đây?
Nỗi thương cảm trong lòng chừ, kêu gào mãi có làm chi đây?
Sao cô cứ lặng lẽ ngồi yên chừ, hay lòng trời muốn thay đổi
thế nào đây?
Đã ở yên nơi sâu thẳm chừ, lại còn muốn trở lại làm kiếp gì
đây?
Đương bị gông cùm dưới hạ giới chừ, có thiêng hãy rủ ta cùng
lên đây?
Ở lại hay về, thôi cô về đây?
Còn như lặng lẽ mênh mông, cô giờ nằm đấy.
Dù cô có về, ta nào trông thấy?
Màn che chằng những dây leo; xương bồ mọc thành hàng dãy.
Hẳn mắt liễu ngủ đã ham rồi, chắc lòng sen giờ không đắng mấy.
Hẹn trên non quế. Tố Nữ (12) miệng chào; đón dưới bến Lan, Bật
phi (13) tay vẫy.
Sênh Lộng Ngọc (14) lách cách gần xa, trống hàn hoàng (15)
thùng thùng vang dậy.
Lên vùng Tung Nhạc, hỏi Phi Tử đâu đây, dạo núi Ly Sơn, tìm
lão tiên nào thấy?
Lượn sông Lạc Thủy, rùa hiện điềm lành; hát khúc Hàm Trì, thú
đua điệu nhảy.
Rừng Châu Lâm (16) sáng rực, phượng đậu trên cao; sông Xích Thủy (17)
đỏ ngầu, rồng gầm dưới đáy.
Lễ mọn gọi là, lòng thành nhận lấy.
Từ Hà Thành (18) xe quay bánh rầm rầm, về Huyền Phố (19) gió phất
cờ hây hẩy.
Đã quấn quít sao bỗng e dè, đã hiển hiện sao còn trốn chạy?
Khi tan khi họp, như khói mây bay; lúc gần lúc xa, nhường mưa
mù vậy.
Sao từng hàng rọi, mây vẫn sạch làu; trăng nửa đêm soi, núi
sông lộng lẫy.
Trong khi thức ngủ, đâu thấy vui cười? Mà nỗi lòng riêng, vẫn
còn áy náy?
Nay tôi ngậm ngùi than thở, giàn giụa lệ rơi.
Quãng không lặng lẽ chừ, đâu là tiếng người!
Trúc reo lách tách chừ, nghe như sáo trời!
Chim xào xạc chừ sợ bay khắp nơi!
Cá phập phồng chừ lặn xuống đáy khơi.
Để tỏ lòng thành chừ, dâng lễ kính người.
Hồn nay có thiêng, hiển hiện cho coi.
Than ôi! Thương thay! Mong cô về hưởng!
Bảo Ngọc đọc xong, liền đốt văn tế, dâng trà, quyến luyến
không nỡ dứt. A hoàn giục mấy lần mới chịu quay về. Chợt nghe thấy phía sau núi
đá có người cười nói: “Xin hãy đứng lại”. Hai người nghe thấy, hoảng sợ. A hoàn
nhỏ quay lại nhìn thấy một bóng người trong khóm hoa phù dung đi ra. A hoàn kêu
lên:
- Chết rồi, có ma! Chị Tình Văn hiện hồn về thực rồi!
Bảo Ngọc sợ hãi đứng nhìn, không biết là người hay ma.
Chú thích:
Chú thích:
1. Chỉ người con gái vừa đẹp vừa biết võ nghệ.
2. Cuối đời Tây Hán, anh em Trương Giác khởi binh đánh triều
đình, quân lính đều đội khăn vàng làm hiệu.
3. Cũng cuối đời Tây Hán, Phàn Sùng nổi quân chống lại triều
đình, quân lính đều vẽ lông mày đỏ.
4. Đời xưa là con trai hai mươi tuổi mới đội mũ.
5. Đại Nguyễn tức Nguyễn Tịch, Tiểu Nguyễn tức Nguyễn Hàm,
người đời Tấn, đều nổi tiếng về vần thơ.
6. Tức Ôn Đình Quân, Lý Hạ, Bạch Cư Dị, đều là những nhà thơ
nổi tiếng đời Đường.
7. Giả Nghị đời Hán, bị dèm pha phải đày ra Trường Sa.
8. Nơi biên cương chỉ có chim nhạn mới qua được.
9. Cộng huyệt và đồng hôi có nghĩa là sống chết có nhau.
10. Diệp Pháp Thiện người đời Đường. Ông nhờ Lý Ung viết bài
văn bia. Lý Ung không nhận. Một hôm, Lý Ung nằm ngủ, mơ thấy mình viết bài văn
bia. Khi tỉnh dậy, vẫn chưa tin thì Diệp Pháp Thiện cầm bài văn đến.
11. Tức Lý Hạ đời Đường. Một hôm, có người con gái mặc áo đỏ
đến mời Lý Hạ nói: “Ngọc Đế đã làm xong lầu, mời ông lên làm bài ký”.
12. Tức Hằng Nga.
13. Tức Lạc thần.
14. Đời Tần Mục công, nàng Lộng Ngọc học sáo Tiêu Sử,
sau hai người lấy nhau.
15. Ống sáo.
16. 17. 18. 19. Đều là cõi tiên.
Hồi 79:
Rước lấy sư tử Hà Đông, Tiết Bàn hối hận;
Vớ phải giống sói Trung Sơn, Nghênh Xuân nhầm to.
Tế Tình Văn xong, thấy trong bóng hoa có tiếng người, Bảo Ngọc
giật nẩy mình. Nhìn kỹ chẳng phải ai lạ, chính là Đại Ngọc hớn hở cười nói:
- Bài văn tế rất mới lạ! Có thể cùng truyền với bài bia Tào
Nga(1) được đấy.
Bảo Ngọc nghe xong đỏ mặt lên cười:
- Tôi nghĩ lối văn tế hiện giờ quen thuộc quá rồi nên đổi làm
thể mới. Chẳng qua tôi làm đùa một lúc đấy thôi, ngờ đâu em lại nghe thấy. Có
câu nào dở lắm, em sửa đổi lại cho.
Đại Ngọc nói:
- Bài nháp của anh để đâu em phải xem kỹ mới được. Bài dài
như thế em chẳng biết anh nói những gì. Chỉ nghe ở giữa bài có hai câu “Trong
màn lụa đỏ, chàng nọ tình sâu; dưới bãi đất vàng, gái kia bạc mệnh”. Hai câu đối
nhau ý thì hay đấy, nhưng “trong màn lụa đỏ”, chữ tục và không xứng. Hiện có sự
thực ngay trước mắt, sao anh không dùng?
- Sự thực gì ở trước mắt?
- Hiện nay cửa sổ của chúng ta đều che bằng thứ sa màu ráng
trời, sao không nói “trước song sa đỏ, chàng nọ đa tình”.
Bảo Ngọc dậm chân cười nó:
- Hay lắm, hay lắm! Chỉ có em mới nghĩ ra được, nói ra được.Thế
mới biết xưa nay trong thiên hạ cảnh đẹp việc hay sẵn có rất nhiều, chỉ vì
chúng tôi là người ngu không nghĩ ra được đấy thôi. Nhưng có một việc, tuy câu ấy
đối thế thì hay thực, nhưng em nói thế còn được, chứ tôi thì không dám đương nổi.
Nói xong lại luôn miệng “không dám”.
Đại Ngọc cười nói:
- Có hại gì? Cửa sổ của em tức là cửa sổ của anh, việc gì phải
phân biệt như thế? Chỉ tổ làm cho thêm xa lạ mà thôi. Đời xưa người khác họ hoặc
người giữa đường vẫn cùng nhau “cưỡi con ngựa béo, mặc áo cừu nhẹ, đến rách
cũng không phàn nàn”(2) huống chi là chúng ta?
Bảo Ngọc cười nói:
- Nói về tình kết giao thì không những “ngựa béo, áo cừu” dẫu
đến “vàng bạc châu báu” cũng không nên “suy bì tẩn mẩn”, nhưng quyết không thể
nào sỗ sàng với các bạn khuê các được. Bây giờ tôi đổi chữ “chàng nọ” “gái kia”
đi, coi như là bài của em tế thì lại càng hay. Xưa nay em đối với cô ấy rất tử
tế nên thà bỏ cả bài văn tế này đi chứ quyết không thể bỏ cái câu “trước song
sa đỏ” được. Chi bằng đổi lại là “trước song sa đỏ, tiểu thư đa tình; dưới bãi
đất vàng, a hoàn bạc mệnh”. Nếu được như thế, tuy không dính dáng gì đến, tôi
cũng thỏa lòng.
- Cô ấy không phải là a hoàn của em, sao dùng được câu ấy? Những
chữ “tiểu thư” “a hoàn” nghe cũng không được nhã. Chờ đến khi Tử Quyên chết, em
sẽ dùng câu ấy cũng chưa muộn.
- Sao em lại rủa cô ấy thế?
- Chính anh rủa, chứ em có rủa nó đâu.
- Tôi nghĩ ra rồi, đổi thế này thì ổn: “Trước song sa đỏ, tôi
thực vô duyên; dưới bãi đất vàng, cô sao bạc mệnh!”
Đại Ngọc nghe xong, đổi ngay nét mặt, trong bụng rất hồ nghi,
nhưng không để lộ ra ngoài nét mặt. Vội mỉm cười gật đầu khen hay và nói:
- Hay đấy. Thôi đừng đổi nhảm nữa, mau về mà làm việc đi. Vừa
rồi mợ sai người tìm anh, bảo là sáng sớm mai phải sang bên nhà cậu Cả. Cô
Nghênh Xuân đã có người đến hỏi, có lẽ ngày mai họ đến, vì thế mợ bảo các anh
sang.
- Việc gì phải vội thế? Người tôi không được khỏe, chưa chắc
ngày mai đã đi được.
- Lại giở trò rồi! Em khuyên anh phải sửa đổi cái tính nết ấy
đi. Chả gì cũng đã lớn rồi.
Vừa nói, Đại Ngọc vừa ho sù sụ. Bảo Ngọc nói:
- Ở đây gió lạnh, chúng ta cứ đứng mãi, nhỡ bị cảm lạnh thì
không phải chuyện chơi đâu. Thôi đi về đi.
Nói xong liền theo đường khác quay đi. Bảo Ngọc đành phải lẩn
thẩn trở về. Chợt nghĩ không có người theo Đại Ngọc, liền sai a hoàn nhỏ đưa
đi. Rồi một mình về viện Di Hồng, quả có bọn vú của Vương phu nhân đến bảo sáng
sớm mai phải sang nhà Giả Xá, đúng như lời Đại Ngọc vừa nói.
Giả Xá đã hứa gả Nghênh Xuân cho nhà họ Tôn. Họ Tôn người ở
phủ Đại Đồng, ông cha xuất thân quan võ, là môn sinh của hai phủ Vinh, Ninh
ngày trước, kể ra cũng là chỗ thân. Hiện giờ nhà họ Tôn chỉ có một người ở Kinh
tập chức chỉ huy, người ấy tên là Tôn Thiệu Tổ, mặt mũi khôi ngô, thân thể hùng
tráng, theo nghề cung mã, giao thiệp tinh khôn, chưa đầy 30 tuổi, nhà lại giàu
có, hiện đương hậu bổ ở bộ binh để đợi thăng chức.
Giả Xá thấy anh ta chưa có vợ, lại là con cháu nhà thế gia,
nhân phẩm và gia thế cũng đều xứng đáng, nên chọn làm giai tế. Việc này cũng đã
trình Giả mẫu. Giả mẫu không bằng lòng, nhưng nghĩ việc vợ chồng là tự ý trời,
cha nó đã đứng làm chủ thì việc gì phải dây vào cho lắm chuyện? Vì thế chỉ nói
“biết rồi”, ngoài ra không tỏ ý gì nữa.
Giả Chính xưa nay vẫn ghét nhà họ Tôn, tuy là chỗ thế gia, chẳng
qua ông nó ngày trước hâm mộ thế lực phủ Vinh, phủ Ninh, có những việc không
thu xếp được, phải đến xin làm môn hạ, chứ không phải là dòng dõi thi thư. Ông
ta đã khuyên ngăn mấy lần, nhưng Giả Xá không nghe, nên đành phải chịu.
Bảo Ngọc chưa hề gặp mặt Tôn Thiệu Tổ bao giờ, hôm sau đành
phải đến cho qua chuyện. Nghe nói ngày cưới đã đến nơi, chỉ trong năm nay
Nghênh Xuân sẽ về nhà chồng, lại thấy Hình phu nhân đến trình Giả mẫu xin đón
Nghênh Xuân ra khỏi vườn Đại Quan, Bảo Ngọc càng mất vui, ngày nào cũng ngơ
ngơ, ngẩn ngẩn, không biết làm gì cho khuây. Sau lại được tin cho bốn a hoàn đi
theo hầu Nghênh Xuân, Bảo Ngọc giậm chân nói:
- Từ nay trở đi, trên đời này lại thiếu hẳn năm người trong sạch.
Rồi ngày nào cũng đến Tử Lăng Chảu, ngắm nhìn ngơ ngẩn, thấy
hiên song lặng lẽ, bình trường vắng tanh, chỉ còn có vài bà già ở đấy trực dạ. Trên
bờ thì hoa lau lá sậy, lảo đảo tả tơi, hình như có vẻ nhớ thương người cũ, chứ
không khoe đẹp đua tươi như những ngày trước nữa. Bảo Ngọc không cầm lòng được,
liền ứng khẩu đọc một bài hát:
Đêm thu bờ ao gió thổi lạnh,
Ấu đỏ sen tàn ngọc lấp lánh.
Hoa lau lá ấu buồn làm sao,
Móc nặng sương sa cây rã nhánh.
Suốt ngày vắng hẳn tiếng đánh cờ,
Lấm tấm bàn cờ đất én nhơ.
Người xưa xa bạn còn thương tiếc,
Tình nghĩa chân tay nỡ để ngơ!
Bảo Ngọc vừa ngâm xong, chợt nghe đằng sau có tiếng người cười
nới:
- Sao cậu lại đâm ngây ra thế?
Bảo Ngọc vội quay lại nhìn, hóa ra Hương Lăng, Bảo Ngọc vội
cười nói
- Chị ơi, bây giờ chị đến đây làm gì? Đã lâu không thấy chị đến
chơi.
Hương Lăng vỗ tay cười hì hì nói:
- Sao tôi lại không muốn đến? Vì bây giờ anh cậu đã về, tôi
đâu được tự do như trước! Vừa rồi bà sai người đi tìm mợ Phượng, nhưng không thấy,
bảo là mợ ấy vào chơi trong vườn. Tôi nghe nói thế, liền nhận lấy việc này vào
đây tìm, gặp a hoàn mợ ấy lại bảo là ở bên Đạo Hương thôn. Giờ tôi sang bên ấy,
không ngờ lại gặp cậu. Tôi còn muốn bỏi cậu: Chị Tập Nhân mấy hôm nay có khỏe
không? Tại sao chị Tình Văn lại chết đột ngột như vậy? Chị ấy mắc bệnh gì? Cô
Hai dọn đi quá nhanh! Cậu xem nơi này chả mấy chốc đã vắng tanh vắng ngắt!
Bảo Ngọc cứ ậm ừ, lại mời Hương Lăng đến viện Di Hồng uống nước.
Hương Lăng nói:
- Bây giờ không thể đến được, phải đi tìm mợ Hai, nói xong việc
chính rồi tôi sẽ đến.
- Việc gì mà vội thế?
- Về việc anh cậu lấy vợ, nên rất cần.
- Thế thì định hỏi con cái nhà ai mới đáng? Đã rêu rao
đến nửa năm nay rồi, hôm nay thì bảo con nhà họ Trương khá, ngày mai lại muốn lấy
con nhà họ Lý, ngày kia lại bàn tán đến con nhà họ Vương tốt hơn. Con gái những
nhà ấy không biết có tội gì mà cứ để cho người tự dưng bàn ra tán vào mãi?
- Bây giờ thì nhất định rồi, không phải vướng vít đến nhà
khác nữa.
- Định hỏi con nhà ai đấy?
- Hôm nọ anh cậu đi buôn, tiện đường đến thăm nhà bà con quen
thuộc. Nhà này đã quen biết từ lâu, cùng nhà chúng tôi đều ghi tên mua hàng cho
nhà vua ở bộ hộ, cũng là một nhà đại gia hạng nhất, hạng nhì. Nói về lai lịch
thì hai phủ ta đều biết tiếng nhà ấy. Khắp trong kinh thành này, trên từ vương
hầu, dưới đến người buôn bán, đều gọi nhà ấy là “nhà hoa quế họ Hạ”.
- Sao gọi là “Nhà hoa quế họ Hạ”?
- Nhà ấy vốn là họ Hạ, rất giàu. Không kể số ruộng đất, riêng
chỗ trồng quế cũng có mấy chục khoảnh. Cả đất Trường An này, những hiệu bán hoa
quế ở trong và ngoài thành, đều là của nhà ấy cả. Tất cả những chậu cảnh bày ở
trong cung cũng đều là của nhà ấy đem dâng. Vì thế mới có cái tên riêng ấy. Hiện
giờ ông cụ đã mất rồi, chỉ còn bà cụ già ở với cô con gái. Cô này không có anh
em gì cả. Đáng tiếc nhà ấy thế mà tuyệt tự.
- Nhà ấy tuyệt tự hay không cũng mặc, chỉ hỏi xem cô ấy có đẹp
không? Tại sao anh ấy lại bằng lòng?
- Một là duyên trời, hai là anh ấy ưng ý, “mắt tình nhìn thấy
Tây Thi”. Năm trước hai nhà thường đi lại với nhau, từ bé họ vẫn chơi đùa một
chỗ. Kể họ là anh em con cô con cậu, không phải giữ hiềm nghi gì. Mấy năm xa
nhau, hôm trước anh cậu có đến nhà chơi. Bà cụ Hạ không có con trai, thấy anh cậu
dáng dấp như vậy, vừa khóc vừa cười, coi quý hơn con đẻ. Rồi cho hai người gặp
nhau. Ai ngờ cô ấy tươi đẹp như bông hoa, cũng đọc sách biết chữ, vì thế anh cậu
bằng lòng ngay. Cả bọn làm công trong hiệu cũng ở đấy quấy nhiễu ba bốn ngày. Họ
còn giữ lại mấy hôm nữa, anh cậu cáo từ mãi mới để cho về. Vừa về đến nhà, anh
cậu đã thì thào với dì cậu đi hỏi. Dì cậu đã biết cô ấy, lại là nơi môn đăng hộ
đối, nên cũng bằng lòng, liền bàn với dì Hai và mợ Phượng, rồi sai người đi hỏi,
thì được ngay. Ngày cưới gấp quá, nên chúng tôi bận rộn túi bụi. Tôi chỉ mong
cô ấy về bên này cho sớm, lại thêm được một người làm thơ nữa đấy.
- Chị nói thế, nhưng tôi vẫn để tâm lo xa hộ chị!
- Cậu nói gì thế? Tôi vẫn không hiểu.
- Có gì mà chị không hiểu? Sợ có người khác, anh ấy sẽ không
thương chị nữa.
Hương Lăng nghe nói, đỏ bừng mặt lên, nghiêm nét mặt nói:
- Nói thế là thế nào? Xưa nay chúng mình vẫn kính nể nhau,
bây giờ cậu lại nhắc đến những chuyện ấy. Không trách được ai cũng bảo cậu là
người không thể gần gũi được!
Vừa nói vừa quay người đi về.
Bảo Ngọc thấy Hương Lăng như vậy, tưng hửng như mất một vật
gì, đứng ngẩn người ra một lúc, sững sờ buồn rũ, rồi quay về viện Di Hồng, suốt
đêm trằn trọc không ngủ. Hôm sau bỏ cả ăn uống, người phát sốt lên. Cũng vì những
việc gần đây như khám xét vườn Đại Quan, đuổi Tư Kỳ, xa Nghênh Xuân, thương
Tình Văn, Bảo Ngọc đâm ra xấu hổ sợ hãi và thương xót, lại thêm bị cảm phong
hàn, nên sinh ra bệnh, nằm liệt giường không dậy được. Giả mẫu nghe thấy thế,
ngày nào cũng đến thăm nom. Vương phu nhân trong lòng hối hận về việc Tình Văn
đã quá trách Bảo Ngọc, nhưng vẫn không để lộ ra ngoài mặt, chỉ dặn dò bọn vú
già hầu hạ trông nom cẩn thận. Một ngày hai lần mời thầy đến xem mạch bốc thuốc.
Sau một tháng, Bảo Ngọc mới dần dần bình phục. Phải kiêng khem một trăm ngày mới
được ăn đồ mặn, đồ mỡ và mới được đi chơi.
Trong một trăm ngày, Bảo Ngọc không được ra khỏi cửa, chỉ
chơi đùa trong nhà thôi. Sau bốn năm mươi ngày, bị gò ép quá Bảo Ngọc nóng lòng
nóng ruột, chịu làm sao được? Dù đã bày hết cách, nhưng Giả mẫu và Vương phu
nhân nhất định không chịu nghe, nên đành phải chịu, chỉ chơi đùa bừa bãi với bọn
a hoàn, không thiếu cách gì. Sau lại nghe thấy bên Tiết Bàn bày tiệc hát xướng,
vui nhộn lạ thường, đã đón cô dâu về nhà, người rất xinh đẹp lại thông chữ
nghĩa. Bảo Ngọc chỉ bực không được đến nhìn mặt cho thỏa. Ít lâu sau lại nghe
Nghênh Xuân về nhà chồng, Bảo Ngọc nghĩ đến khi chị em cùng ở chung quấn quít với
nhau, giờ phải xa nhau, dù có gặp lại nữa, chắc cũng không được thân mật như
trước. Hiện giờ lại không được đến thăm, thực làm cho người ta buồn rầu khôn xiết.
Bảo Ngọc đành phải nén lòng cố nhịn, cùng bọn a hoàn nô đùa
cho đỡ buồn, may khỏi bị cái nạn cha bắt đi học. Trong một trăm ngày ấy, Bảo Ngọc
cùng a hoàn nghịch ngợm bừa bãi, không sợ hãi gì, giở hết những trò chơi đùa
trên đời chưa từng thấy, chỉ trừ không kéo đổ viện Di Hồng thôi.
Hương Lăng từ lúc cãi lại Bảo Ngọc, cho là Bảo Ngọc có ý sỗ
sàng: “Từ nay ta nên tránh xa cậu ấy là phải”. Vì thế ít khi lui tới vườn Đại
Quan. Cô ta ngày nào cũng bận rộn về việc Tiết Bàn cưới vợ, vì cô ta cho là sẽ
được cái bùa hộ thân, tự mình trút bớt một phần gánh nặng, như thế sẽ được yên
lặng hơn. Lại biết người ấy có tài có sắc, chắc là nhã nhặn và dịu dàng, nên
mong sao chóng đến ngày cưới, so với Tiết Bàn lại còn sốt ruột hơn nhiều. Mong
mãi mới đến ngày cưới, Hương Lăng để ý hầu hạ rất là cẩn thận.
Cô gái họ Hạ năm nay mới mười bảy tuổi, có chút nhan sắc,
cũng biết ít nhiều chữ nghĩa, nhưng bụng dạ thâm hiểm có thể nối gót được Phượng
Thư. Chỉ hiềm một nỗi, từ bé cha chết sớm, không có anh em ruột thịt, một mình
là gái, được mẹ nâng niu chiều chuộng như hòn ngọc báu, hễ con muốn gì là mẹ chịu
theo ngay, vì thế không khỏi gây nên cái tính chú Chích(3), tôn mình như đức Phật,
rẻ người như bùn; bề ngoài thì tươi đẹp như bông hoa, nhưng bên trong lại có
tính nóng nảy như sấm sét. Khi ở nhà đối với đám a hoàn thì hay gắt gỏng chửi mắng
đánh đập. Bây giờ đi lấy chồng, tự cho mình đã làm bà chủ, không còn bẽn lẽn dịu
dàng như xưa, mà phải ra oai mới áp đảo được mọi người. Chị ta thấy Tiết Bàn là
người tính nết ương ngạnh, kiêu ngạo xa xỉ, nếu không trị ngay từ đầu thì sau
này tất không thể phất cờ chỉ huy được. Lại thấy Hương Lăng là người nàng hầu
tài sắc trọn vẹn, càng nảy ra cái ý: “Há để người ngoài ngủ say bên màn” của
vua Tống Thái Tổ diệt nước Nam Đường(4) trước kia. Vì nhà chị ta nhiều hoa quế,
nên lúc bé đặt tên là Kim Quế. Khi chị ta còn nhà, không cho ai được nói đến
hai chữ “kim” và quế”. Nếu ai không để ý, nhỡ mồm nói nhầm một chữ, là bị chị
ta đánh đập và phạt thật nặng. Chị ta cho rằng hai chữ “hoa quế” không thể cấm
được, tất phải đổi ra một tên khác. Lại nghĩ: “Hoa quế vẫn có điển Quảng Hàn
Thường Nga”, liền đổi hoa quế làm hoa “thường nga” để thầm ví thân phận mình.
Tiết Bàn vốn là người có mới nới cũ, lại sẵn tính mạnh rượu yếu cơm, bây giờ lấy
được người vợ mới, khôn xiết vui mừng, nên việc gì hắn cũng chiều chuộng. Kim
Quế thấy được đằng chân liền lân đằng đầu. Trong khoảng một tháng đầu hai người
vẫn còn khí khái ngang nhau, chừng vài tháng sau, Tiết Bàn đã phải chịu nhụt dần.
Một hôm uống rượu xong, Tiết Bàn muốn làm việc gì, bàn với
Kim Quế, Kim Quế nhất định không nghe. Tiết Bàn không nhịn được, nói mấy câu rồi
hằm hằm bỏ đi. Kim Quế liền khóc lóc như người say rượu không ăn không uống, giả
cách ốm, phải mời thầy đến xem bệnh. Thầy thuốc nói: “Khí huyết trái ngược
nhau, phải uống khoan hung thuận khí”. Tiết phu nhân giận quá, mắng Tiết Bàn một
trận: “Bây giờ lấy vợ sắp có con rồi, mày còn càn dở như vậy. Nhà người ta nâng
niu nó như chim phượng hoàng, khó khăn lắm mới đẻ được một cô con gái, mơn mởn
như đóa hoa. Thấy mày là người tử tế, họ mới gả cho. Mày không biết thân biết
phận, một lòng một dạ ăn ở với nhau cho hòa thuận, lại còn càn dở như thế. Nốc
rượu cho đẫy vào, rồi hành hạ con người ta! Bây giờ phải tốn tiền uống thuốc, tốn
công chạy chữa”.
Tiết phu nhân nói một chặp, làm Tiết Bàn hối hận phải đến vỗ
về Kim Quế. Kim Quế thấy mẹ chồng nói thế, lại càng lên nước, làm bộ làm tịch,
không thèm nhìn đến Tiết Bàn. Tiết Bàn không biết làm thế nào, đành than thở một
mình. Chừng nửa tháng sau, hắn mới dần dần dỗ được Kim Quế nguôi lòng. Từ đó Tiết
Bàn lại càng phải giữ gìn cẩn thận, tính khí lại nhụt đi một nửa.
Kim Quế thấy chồng đã bị đánh đổ, mẹ chồng lại hiền lành, liền
dần dần tìm cách lên ngựa múa gươm. Ban đầu chỉ mới kiềm chế Tiết Bàn, về sau
ra vẻ nũng nịu định áp lép cả Tiết phu nhân và Bảo Thoa. Bảo Thoa đã biết rõ
tính ngang ngược của chị ta, thường tùy cơ đối phó, dùng những lời kín đáo để
đe nẹt Kim Quế, Kim Quế biết là không thể trêu được, muốn tìm chỗ sơ hở, nhưng
tìm không ra, đành phải nén lòng chiều chuộng.
Một hôm, Kim Quế ngồi rỗi nói chuyện phiếm với Hương Lăng, hỏi
đến cha mẹ quê quán, thì Hương Lăng đều nói đã quên mất cả. Kim Quế không bằng
lòng, cho là có ý nói dối, rồi hỏi:
- Hai chữ “Hương Lăng” ai đặt cho đấy?
- Cô Bảo đặt cho đấy.
- Ai cũng nói cô Bảo thông, nhưng chị xem cái tên này thì thật
là không thông.
- Mợ nói cô Bảo không thông, là vì mợ chưa bàn luận với cô ấy
thôi. Cứ kể ra sức học của cô ấy thì ngay ông lớn bên phủ Giả cũng thường khen
đấy.
Chú thích:
Chú thích:
1. Độ Thượng đời Hậu Hán làm bài văn bia ghi sự tích người
thiếu nữ tên là Tào Nga.
2. Chữ trong luận ngữ.
3. Một tên trộm đời Xuân Thu, tính rất tàn bạo.
4. Xem chú thích ở hồi 76. Ở đây ý nói Hạ Kim Quế ghen không
muốn để cho Hương Lăng sống yên ổn bên cạnh.
Hồi 80:
Gặp anh chồng phũ, Hương Lăng bi trận đòn oan;
Chữa đàn bà ghen, đạo sĩ kê bài thuốc nhảm.
Kim Quế nghe thấy nói thế, ngoảnh mặt đi, bĩu môi, khịt mũi,
cười nhạt nói:
- Khi hoa ấu nở có mùi thơm đâu? Nếu bảo là hoa ấu thơm, thì
các hoa thơm khác sẽ để nào chỗ nào? Thực là rất mực không thông.
Hương Lăng nói:
- Không những hoa ấu thơm, ngay đến lá sen, gương sen cũng đều
có một mùi thơm mát. Nhưng mùi thơm ấy không thơm bằng mùi hoa, nếu khi thanh vắng,
hoặc sáng sớm hay nửa đêm, ta chịu khó thưởng thức, thì cái mùi ấy cũng thơm
mát như hoa. Ngay cả đến hoa ấu, hoa súng, lá lau, gốc sậy, nếu được hơi mưa
móc vun tưới, thì cái mùi thơm mát ấy cũng làm cho người ta tỉnh táo nhẹ nhàng.
- Theo như cô nói, thì hoa quế, hoa lan thơm không ra gì à?
Hương Lăng đương lúc hăng, quên cả kiêng kỵ, thuận miệng nói
luôn:
- Mùi thơm của hoa lan hoa quế thì hoa khác không thể bì được.
Nói chưa dứt câu thì a hoàn của Kim Quế tên là Bảo Thiềm trỏ
ngay vào mặt Hương Lăng mắng:
- Cô đáng chết! Sao dám gọi tên mợ ra?
Hương Lăng chợt nghĩ ra, băn khoăn ngượng nghịu vội cười
thưa:
- Tôi trót buột miệng, xin mợ đừng để ý.
Kim Quế cười nói:
- Có làm chuyện gì ấy. Cô thực cẩn thận quá. Nhưng tôi nghĩ
chữ “Hương” vẫn không ổn, muốn đổi ra một chữ khác, không biết cô có bằng lòng
hay không?
Hương Lăng cười nói:
- Sao mợ lại nói thế? Ngay thân tôi bây giờ cũng là thuộc về
mợ rồi, đổi một chữ tên mà mợ lại hỏi tôi có bằng lòng hay không? Như thế tôi
đâu dám nhận. Mợ xem chữ nào hay thì đặt tên cho tôi chữ ấy.
Kim Quế cười nhạt:
- Cô nói cũng đúng đấy, nhưng chỉ sợ chị Bảo để bụng thôi.
Hương Lăng cười thưa:
- Mợ chưa biết, lúc trước mua tôi về, cốt để hầu mẹ thôi, nên
cô Bảo đặt cho tôi cái tên ấy. Về sau tôi sang hầu cậu và bây giờ có mợ về đây,
lại càng không dính dáng gì đến cô ấy nữa. Vả chăng cô ấy là người hiểu đời thì
việc ấy làm gì mà phải tức giận?
- Cô đã nói thế thì chữ “hương” không ổn bằng chữ “thu”. Vì
mùa thu thì củ ấu, hoả ấu mọc nhiều, như thế chẳng có gốc tích hơn chữ “hương”
hay sao?
- Thôi tôi xin nghe lời mợ.
Từ đấy Hương Lăng đổi tên là Thu Lăng. Bảo Thoa cũng chẳng để
ý đến.
Tiết Bàn xưa nay vẫn có tính “được voi đòi tiên”. Hắn lấy được
Kim Quế rồi, lại thấy a hoàn của Kim Quế là Bảo Thiềm có chút nhan sắc, đi đứng
lẳng lơ đáng yêu, nên thường sai lấy nước pha trà, cố ý chọc ghẹo nó. Bảo Thiềm
tuy đã biết mùi đời, nhưng lại sợ Kim Quế, nên không dám sỗ sàng, hãy để ý xem
nét mặt Kim Qu thế nào đã. Kim Quế cùng dò biết ý ấy, nghĩ bụng: “Mình đương định
bày binh bố trận làm hại Hương Lăng, chưa tìm được chỗ sơ hở, thì anh chàng đã
lại lấm lét đến Bảo Thiềm. Mình hãy liều gán Bảo Thiềm cho hắn, thế nào hắn
cũng thưa nhạt Hương Lăng. Thừa dịp ấy, ta sẽ gạt bỏ Hương Lăng, bấy giờ Bảo
Thiềm là người của mình thì cũng dễ xử thôi”.
Chủ ý đã định, chị ta chỉ đợi thời cơ là ra tay.
Một hôm vào buổi tối, Tiết Bàn ngà ngà say, sai Bảo Thiềm cầm
lấy chén, cố ý nắm tay Bảo Thiềm. Bảo Thiềm lại làm bộ lẩn tránh, rụt tay lại,
hai bên cùng nhỡ tay. “Choang” một tiếng, chén nước rơi xuống đất, bắn ra cả
người. Tiết Bàn có ý ngượng, nói đổ Bảo Thiềm cầm chén không cẩn thận.
Bảo Thiềm nói:
- Vì cậu đỡ chén không cẩn thận.
Kim Quế cười nhạt, nói:
- Giọng lưỡi của hai người đều khá cả đấy, chẳng ai dại đâu.
Tiết Bàn chỉ cúi đầu mỉm cười không nói. Bảo Thiềm thì đỏ mặt
đi ra. Đến lúc đi ngủ, Kim Quế cố ý đuổi Tiết Bàn đi ngủ ở chỗ khác, càng đỡ bận
thân. Tiết Bàn chỉ cười.
Kim Quế nói:
- Muốn làm gì thì cứ nói cho em biết, đừng có lén lút, chả ăn
thua gì đâu!
Tiết Bàn nghe nói, mượn hơi men, quỳ ngay trên chăn, kéo Kim
Quế cười nói:
- Em ơi, nếu em để Bảo Thiềm cho anh, thì em muốn gì, anh
cũng xin vâng. Em muốn ăn óc người sống, anh cũng lấy được cho em.
Kim Quế cười nói:
- Cậu nói chẳng thông một tí nào. Cậu yêu ai cứ nói rõ ra, rồi
lấy làm nàng hầu, đừng để ngoài trông thấy, đâm ra khó coi. Còn em thì có cần
cái gì đâu?
Tiết Bàn nghe vợ nói thế, mừng quá, tạ ơn không ngớt. Đêm hôm
ấy hắn cố làm trọn phận sự người chồng, hết sức chiều chuộng Kim Quế. Hôm sau hắn
cũng không đi đâu, chỉ ở trong nhà đùa nghịch, lại càng bạo gan thêm. Đến buồi
chiều, Kim Quế cố ý đi ra ngoài, để cho hai người ở nhà có dịp gần nhau. Tiết
Bàn liền giở trò gạ gẫm. Bảo Thềm đã biết tám chín phần rồi, nên cũng giả cách
nửa muốn nửa đừng, ngờ đâu Kim Quế để bụng rình, giữa lúc hai người đang giằng
co, sắp vào cuộc, chị ta liền sai gọi a hoàn nhỏ là Tiểu Xả nhi đến.
A hoàn nhỏ này vẫn hầu Kim Quế từ lúc bé, vì bố mẹ nó mất sớm,
không có người chăm nom, nên ai cũng gọi nó là Tiểu Xả nhi, chuyên làm việc vặt.
Bấy giờ Kim Quế đã có ý định sẵn, gọi nó đến dặn:
- Mày đi bảo cô Thu Lăng vào buồng lấy khăn tay của tao ra
đây, đừng nói là tao bảo mày.
Tiểu Xả nhi chạy một mạch đi tìm Thu Lăng nói:
- Cô Lăng, mợ bỏ quên cái khăn mặt ở trong buồng. Cô đi vào lấy
ra đưa cho mợ có được không?
Hương Lăng gần đây hay bị Kim Quế hành hạ, không biết tại
sao, nên tìm hết cách chiều chuộng để hòng lấy lòng Kim Quế. Vừa nghe nói thế,
liền đi vào buồng lấy khăn mặt, không ngờ gặp lúc hai người đương co kéo nhau.
Thu Lăng chạy đâm sầm vào, thấy thế xấu hổ quá, mặt mũi đỏ bừng lên, quay người
tránh đi không kịp. Tiết Bàn cho là việc ấy đã công khai rồi, trừ Kim Quế ra,
không sợ ai cả, vì thế cửa cũng không đóng. Khi Thu Lăng vào, hắn có xấu hổ đấy,
nhưng cũng không để ý, Bảo Thiềm vốn là đứa đanh đá, giờ thấy Thu Lăng, giận
không có chỗ nào trốn được, liền đẩy Tiết Bàn, chạy một mạch ra ngoài, miệng vẫn
càu nhàu oán trách, nói là Tiết Bàn dùng sức cưỡng dâm. Tiết Bàn chật vật mới dỗ
được Bảo Thiềm vào tay, lại bị Thu Lăng phá đám, cuộc vui biến thành cơn giận,
đều trút cả lên người Thu Lăng. Hắn không cho ai phân trần, chạy ra ngoài quát
mắng:
- Con đĩ chết đâm chết chém này! Tại sao lúc này mày lại dẫn
thần xác đến đây làm gì?
Thu Lăng biết là việc không hay, ba chân bốn cẳng chạy mất.
Tiết Bàn quay lại tìm Bảo Thiềm thì đã mất hút. Lúc đó hắn giận quá, chỉ làu
nhàu mắng Thu Lăng. Sau khi ăn cơm chiều, Tiết Bàn rượu đã ngà ngà say, đến lúc
tắm rửa, không ngờ nước hơi nóng, bị bỏng chân, liền cho là Thu Lăng có ý hại
mình. Hắn trần truồng đuổi đá Thu Lăng mấy cái. Thu Lăng xưa nay chưa bị ức như
thế bao giờ, nhưng đã đến nông nỗi này, không biết làm thế nào, đành chỉ than
thân trách phận, rồi bỏ đi.
Kim Quế đã rỉ tai với Bảo Thiềm, đêm nay cho Tiết Bàn cùng Bảo
Thiềm vào ngủ ở buồng Thu Lăng và bảo Thu Lăng sang ngủ hầu ở buồng mình. Lúc đầu
Thu Lăng không chịu. Kim Quế bảo Thu Lăng cho mình là bẩn thỉu hoặc muốn rảnh
thân, sợ đêm phải hầu hạ vất vả. Rồi chị ta mắng:
- Ông chủ đốn mạt của nhà mày hễ thấy người nào là yêu người ấy.
Hắn đã chiếm mất a hoàn của ta, lại không cho mày sang đây thay, như vậy là ý định
thế nào? Chắc là hắn muốn bắt ta chết đi thì mới thôi.
Tiết Bàn thấy thế, lại sợ làm ngáng trở đến việc mình với Bảo
Thiềm, liền chạy lại mắng Thu Lăng:
Thu Lăng không biết làm thế nào, đành phải mang chăn đệm đến.
Kim Quế bảo Thu Lăng trải chiếu ngủ ở dưới đất. Thu Lăng đành phải nghe lời, vừa
nằm xuống thì Kim Quế đã gọi pha nước, một lúc lại bắt bóp đùi, cứ thế mỗi đêm
bảy, tám lần, không để cho Thu Lăng nằm ngủ yên được một lát.
Tiết Bàn với Bảo Thiềm như được ngọc báu, tất cả mọi việc đều
bỏ mặc đấy. Kim Quế tức giận chỉ mắng thầm:
- Hãy cho mày sướng mấy hôm để dần dần trị được con kia rồi
lúc đó đừng có trách tao!
Chị ta một mặt cố nhịn, một mặt tìm cách trị Thu Lăng. Độ được
nửa tháng, chị ta giả cách ốm, nói là đau bụng quá đỗi, chân tay cứng đờ, chữa
mãi không khỏi. Ai cũng cho là bị Thu Lăng chọc tức.
Chạy chữa mấy hôm, bỗng ở trong gối của Kim Quế rơi ra một
hình nhân bằng giấy, mặt trên viết năm tháng ngày giờ sinh của Kim Quế, có năm
cái kim cắm vào bụng, và các đầu khớp xương. Bấy giờ mọi người đều cho là việc
lạ, đi báo Tiết phu nhân. Tiết phu nhân tay chân rụng rời, vội vàng chạy đến.
Tiết Bàn lại càng rối rít, định tra khảo mọi người.
Kim Quế nói:
- Việc gì phải tra oan người ta? Có lẽ là cái bùa trừ tà của
Bảo Thiềm đấy.
- Dạo này Bảo Thiềm có được mấy khi rỗi mà vào buồng mợ, sao
lại đổ oan cho người ngay thẳng?
- Không phải Bảo Thiềm thì còn ai nữa. Chẳng lẽ tôi tự làm hại
tôi à? Người khác thì ai dám vào buồng của tôi?
- Hiện giờ Thu Lăng ngày nào cũng ở gần mợ, chắc nó phải biết,
cứ tra hỏi nó trước thì rõ.
- Tra hỏi ai? Ai chịu nhận? Theo ý tôi thì cứ giả vờ không biết,
bỏ qua việc này đi là xong. Rút cuộc tôi chết thì cũng không quan hệ gì, người
ta lại càng được lấy vợ khác đẹp hơn. Theo lương tâm mà nói, cũng chẳng qua vì
ba người đều ghét tôi cả. - Chị ta vừa nói vừa khóc rống lên.
Tiết Bàn nghe vậy càng giận, tiện tay với lấy một cái dóng cửa,
chạy thẳng đi tìm Thu Lăng, không cho nói câu nào đánh bừa vào đầu, vào mặt,
vào khắp người Thu Lăng, cứ đổ riệt cho Thu Lăng làm việc ấy. Thu Lăng kêu oan.
Tiết phu nhân chạy đến mắng át đi.
- Mày không hỏi rõ đầu đuôi mà đánh người ta. Ta xem con bé ấy
hầu hạ mấy năm nay, có sơ suất bao giờ đâu. Khi nào nó dám làm việc mất lương
tâm như thế? Mày hỏi cho ra trắng đen, rồi hãy giở lối đấm đá.
Kim Quế thấy mẹ chồng nói thế, sợ Tiết Bàn nể nang, đâm chùn,
liền to tiếng khóc ầm lên, kể lể:
- Hơn nửa tháng nay anh cướp mất Bảo Thiềm của tôi đi, không
cho nó vào buồng, chỉ có Thu Lăng ngủ với tôi thôi. Tôi muốn tra hỏi Bảo Thiềm
thì anh bênh nó. Giờ anh lại đâm tức giận đánh Thu Lăng. Thôi cứ làm cho tôi chết
đi, rồi anh kén người giàu sang xinh đẹp hơn mà lấy, việc gì anh phải bày ra
cái trò đùa này?
Tiết Bàn nghe nói vậy lại càng tức thêm. Tiết phu nhân nghe
Kim Quế nói câu nào cũng có vẻ độc ác, áp chế con mình, rất là bực. Ngờ đâu đứa
con trơn hèn, bị nó áp chế cứ chịu nhũn đi như con chi chi ấy. Đã thế, lại còn
tằng tịu với con a hoàn, để nó nói cho là cướp mất người của nó. Nó lại muốn được
cái tiếng là người hòa nhã biết nhường chồng. Rút cục cái hình nhân ấy không biết
ai làm ra. Câu tục ngữ nói rất đúng: “Quan thanh khó xử việc nhà”, bây giờ bố mẹ
chồng cũng khó xử đoán được việc riêng của dâu con. Bà ta không biết làm thế
nào, đành chỉ mắng Tiết Bàn:
- Cái của oan trái này, con chó còn có thể diện hơn mày! Ai
ngờ mày cắm đầu đi mò cả con a hoàn hầu cận, để cho vợ mày nó bảo là cướp mất a
hoàn của nó, liệu mày còn mặt mũi nào trông thấy người ta nữa? Mày không biết
ai làm cái bùa ấy, cũng không hỏi cho ra nhẽ, đã đánh ngay người ta. Tao biết
mày là đứa có mới nới cũ, mày phụ cả lòng tốt của người ta trước đây. Dù nó
không ra gì, mày cũng không nên đánh nó. Tao sẽ bảo ngay người mối đến để bán
nó đi, thế là mày được rảnh mặt.
Tiết phu nhân tức quá. lại bảo:
- Hương Lăng! Thu nhặt đồ đạc đi theo tao.
Rồi bà ta lại gọi người bảo:
- Lại tìm ngay người mối lại đây, bán nó đi lấy mấy lạng bạc,
thế là nhổ được cái gai trong thịt, cái đinh trong mắt, để cho cả nhà được sống
yên ổn!
Tiết Bàn thấy mẹ nổi giận, cứ cúi đầu xuống. Kim Quế nghe Tiết
phu nhân nói mấy câu ấy, liền ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ khóc và nói:
- Bà muốn bán người thì cứ bán, không cần phải nói người nọ
chọc người kia. Không lẽ chúng tôi lại là người hay ghen tuông không biết dung
kẻ dưới tay sao? Tại sao nhổ gai trong thịt, nhổ đinh trong mắt? Ai là cái
đinh, ai là cái gai? Nếu tôi mà ghen với con Thu Lăng thì đời nào tôi chịu cho
con a hoàn của tôi làm nàng hầu.
Tiết phu nhân nghe nói tức quá, run người, nghẹn lên cổ họng
nói:
- Thế là phép tác nhà nào đấy? Mẹ chồng nói ở trong nhà, thì
nàng dâu cãi lại ở ngoài cửa sổ. Khen cho mày là con gái nhà đại gia đấy! Động
tới là đối gia đối giảm. Mày nói cái gì thế?
Tiết Bàn tức quá giậm chân nói:
- Thôi đi, thôi đi! Người ngoài nghe thấy thì người ta cười
cho đấy!
Kim Quế nghĩ bụng: “Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm
cho to chuyện” nên càng kêu ầm lên:
- Tôi không sợ ai cười cả. Con vợ lẽ nhà anh định triệt tôi,
hại tôi, tôi lại còn sợ ai cười nữa? Chi bằng anh giữ nó lại, bán quách tôi đi!
Ai chả biết nhà họ Tiết lắm tiền, việc gì cũng lấy của đè người, lại cậy có họ
hàng thân thế, áp chế người ta! Sao anh không làm ngay đi, lại còn chờ gì nữa?
Nếu chê tôi không ra gì, thì ai bảo các người mù mắt, năm lần bảy lượt đến nhà
tôi?
Rồi chị ta vừa khóc vừa giãy giụa, vừa đánh tát mình. Tiết
Bàn tức quá, nói cũng dở, khuyên cũng dở, đánh cũng dở, van xin cũng dở, đành cứ
đi ra đi vào, thở vắn than dài, rồi tự trách mình vận hạn đen đủi!
Được Bảo Thoa khuyên ngăn, Tiết phu nhân đi về, cứ gọi người
đến để bán Hương Lăng.
Bảo Thoa cười nói:
- Nhà ta đây chỉ biết mua người, chứ không bao giờ bán người.
Mẹ giận quá đâm ra lẩn. Người ta nghe thấy chẳng chê cười hay sao? Nếu anh chị
ghét bỏ nó, thì cứ giữ nó lại để hầu con. Con cũng đương thiếu người đây.
Tiết phu nhân nói:
- Giữ nó lại chỉ tổ bực mình thôi, chi bằng tống nó đi cho
yên chuyện!
Bảo Thoa cười nói:
- Nó ở với con cũng thế thôi, không cho nó sang bên kia là được.
Từ nay, cắt đứt nó với bên kia thì cũng như là bán vậy.
Hương Lăng chạy đến trước mặt Tiết phu nhân khóc lóc van xin ở
lại hầu, không muốn đi đâu cả. Tiết phu nhân đành thôi.
Từ đó, Hương Lăng đến hầu Bảo Thoa, cắt đứt con đường tình
duyên lúc trước. Tuy thế, cô ta cũng vẫn nhìn trăng buồn tủi, khêu đèn thở
than. Hương Lăng đã ăn ở với Tiết Bàn mấy năm, nhưng vì chân huyết xấu, nên không
có thai nghén gì, giờ lại bị uất ức nên đâm ra nghĩ ngợi, trong ngoài dày vò,
không chịu nổi, sinh ra bệnh ráo huyết, ngày một gầy mòn, biếng ăn biếng uống,
mời thầy chạy thuốc cũng không khỏi.
Sau đó Kim Quế vẫn to tiếng cãi lộn mấy lần. Tiết Bàn có khi
mượn hơi men hung lên, cầm gậy định đánh, Kim Quế giơ người ra thách đánh, có
lúc Tiết Bàn cầm dao muốn chém, Kim Quế liền chìa cổ ra, kỳ thực Tiết Bàn không
dám to gan, chỉ làm ầm lên một lúc rồi thôi. Như vậy đã thành ra thói quen, làm
cho Kim Quế càng lên nước, mắng chửi cả Bảo Thiềm.
Tính nết của Bảo Thiềm khác hẳn Hương Lăng, thực là củi khô gặp
lửa. Nó đã ý hợp tâm đầu với Tiết Bàn, liền gạt Kim Quế ra một nơi. Gần đây Kim
Quế lại hành hạ nó. Nó không chịu kém. Trước kia còn đối già đối non, sau Kim
Quế tức quá chửi, đánh nó. Tuy nó không dám đánh lại nhưng nó hung lên, đập đầu
định tự tử, ngày thì dao kéo, đêm thì dây thừng, giở hết mọi trò.
Tiết Bàn một mình không thể chiều chuộng được cả hai bên,
đành cứ quanh co vớ vẩn; có khi trong nhà ầm ĩ quá, không biết làm thế nào, hắn
đành lánh mặt ra ngoài cho rảnh.
Kim Quế lúc vui, không nổi nóng, lại tìm người đến đánh bài,
gieo xúc sắc. Chị ta lại thích nhai xương đầu. Hàng ngày mổ gà vịt, bao nhiêu
thịt cho cả người nhà, chỉ để xương đầu lại nhắm rượu, ăn chán rồi lại nổi nóng
lại mắng chửi bâng quơ: “Đồ chó chết kia! Mày biết vui với con đĩ, thì tội gì
ta lại không vui”. Mẹ con Tiết phu nhân cứ lờ đi như khôngnghe thấy gì.
Tiết Bàn cũng không biết làm thế nào nữa, chỉ hối hận mình chỉ vì một lúc không
nghĩ kỹ, lấy phải con yêu tinh ấy. Từ đó cả hai phủ Vinh, Ninh, người trên kẻ
dưới, đều biết rõ câu chuyện, không ai là không phàn nàn.
Bảo Ngọc đã hết hạn một trăm ngày, được đi ra ngoài, cũng thường
sang chơi, trông thấy Kim Quế hình dáng đi đứng không ra vẻ dữ tợn, cũng là một
đóa hoa tươi, một cành liễu rủ, không kém gì các chị em, sao lại có cái tính
như thế? Thực là việc lạ. Bảo Ngọc đâm ra buồn bực. Hôm đó sang thăm Vương phu
nhân, gặp bà vú của Nghênh Xuân vào chào, nói:
- Tôn Thiệu Tổ người không đứng đắn, cô nhà ta cứ khóc, chỉ
muốn có người sang đón về nhà chơi mấy hôm cho khuây khỏa!
Vương phu nhân nói:
- Mấy hôm nay ta cũng định cho người đi đón nó, nhưng vì có mấy
việc không được như ý nên quên khuấy đi mất. Hôm trước Bảo Ngọc về, đã nói qua
rồi. Ngày mai tốt ngày, ta sẽ cho người đi đón.
Đương nói chuyện thì Giả mẫu sai người đến bảo Bảo Ngọc:
- Sáng sớm mai phải đến miếu Thiên Tề lễ tạ.
Bảo Ngọc đang mong được đi chơi các nơi, thấy nói thế, mừng
quá, suốt đêm không ngủ. Sáng sớm hôm sau, rửa mặt gội đầu, mặc áo quần xong,
theo mấy bà già lên xe ra ngoài cửa thành phía tây, đến miếu Thiên Tề thắp
hương lễ tạ. Miếu này đã xếp đặt đầy đủ từ hôm trước. Bảo Ngọc vốn tính nhút
nhát, không dám đến gần những pho tượng mặt mày dữ tợn, vì thế vội vàng đốt tiền
giấy, ngựa giấy, rồi vào nhà khách nằm nghỉ.
Khi ăn cơm xong, bọn bà già và Lý Quý theo Bảo Ngọc đi chơi
các nơi một lúc, Bảo Ngọc thấy mệt, lại trở về nhà khách nghỉ. Các bà già sợ Bảo
Ngọc lại ngủ, liền bảo đạo sĩ họ Vương ở miếu ấy đến tiếp chuyện. Đạo sĩ này
thường đi bán thuốc rong các nơi, có mấy phương thuốc “hải thượng” để trị bệnh
kiếm lời. Ở ngoài cửa miếu có treo biển: “Bán đủ các thứ thuốc cao đơn hoàn
tán” Hắn thường đi lại quen thuộc với hai phủ Vinh, Ninh, người ta đặt tên
riêng cho hắn là “Vương Nhất Niêm”. Ý nói là thuốc cao của hắn hay lắm, chỉ dán
một miếng là khỏi bệnh.
Bảo Ngọc đương nằm nghiêng trên giường, thấy Vương Nhất Niêm
vào, liền cười nói: “Ông đến đây rất may. Tôi nghe nói ông kể chuyện vui lắm,
xin ông nói một chuyện cho chúng tôi nghe”.
Vương Nhất Niêm cười nói:
- Phải đấy. Cậu đừng ngủ, cẩn thận không có thì miến ở trong
bụng nó giở quẻ đấy.
Cả nhà nghe vậy đều cười, Bảo Ngọc cũng cười, đứng dậy mặc lại
áo, Vương Nhất Niêm bảo bọn đồ đệ: “Pha trà ngon lên đây”. Bồi Dính nói:
- Cậu tôi không uống nước trà ở nhà ông đâu, ngồi ở trong nhà
này còn sợ mùi thuốc cao sặc lên đấy.
- Không có chuyện ấy. Thuốc cao của tôi không để trong nhà
này bao giờ. Biết chắc hôm nay cậu Hai đến đây, nên tôi đã xông hương thơm từ mấy
hôm trước rồi.
Bảo Ngọc nói:
- Phải đấy. Ngày thường tôi nghe nói thuốc cao của thầy hay,
thế thì chữa bệnh gì đấy?
- Nếu hỏi đến thuốc cao của tôi, nói ra thì dài lắm. Trong ấy
có nhiều điều uẩn khúc, không nói hết được, tất cả có một trăm hai mươi vị thuốc,
quân thần đúng mức, ôn lương đều dùng. Trong thì điều nguyên bổ khí, dưỡng vinh
vệ(1), khai vị khẩu(2), yên thần định phách, chữa rét, chữa nóng, tiêu cơm hóa
đờm, ngoài thì điều huyết mạch, dãn gân cốt, tiêu thịt thối, mọc da non, trừ
phong, tán độc, hiệu nghiệm như thần, dán vào sẽ biết.
- Tôi không tin chỉ có một lá cao mà lại chữa được từng ấy bệnh?
Tôi hãy hỏi thầy, có một thứ bệnh, dán cao có khỏi được không?
- Trăm bệnh nghìn bệnh, dán vào là khỏi ngay, nếu không khỏi
cậu cứ vặt râu tôi, tát vào mặt tôi, phá miếu tôi đi. Cậu hãy kể cái bệnh cái bệnh
ấy ra xem sao?
- Thầy đoán xem. Nếu đoán đúng thì dán cao sẽ khỏi.
Vương Nhất Niêm nghĩ một lúc, cười nói:
- Cái ấy khó đoán lắm, sợ thuốc cao của tôi không hiệu nghiệm.
Bảo Ngọc sai bọn Lý Quý:
- Các anh đi ra ngoài chơi. Trong này đông người càng sực mùi
hôi thối.
Bọn Lý Quý đi ra, chỉ để một Dính Yên ở lại. Dính Yên đốt nén
mộng điềm hương. Bảo Ngọc bảo ông ta ngồi gần bên cạnh. Vương Nhất Niêm rạo rực
trong lòng, cười hì hì chạy đến gần, nói nhỏ:
- Tôi đoán ra được rồi! Chắc là cậu Hai có chuyện riêng gì
trong phòng, muốn dùng thuốc để trợ hứng có phải không?
Nói chưa dứt lời, Bồi Dính đã quát:
- Đáng chết! Tát vào mồm ấy!
Bảo Ngọc vẫn chưa hiểu, liền hỏi:
- Thầy ấy nói gì thế?
Bồi Dính nói:
- Lão ta nói nhảm, tin gì được!
Vương Nhất Niêm sợ quá không chờ Bảo Ngọc hỏi lại, liền nói:
- Xin cậu cứ kể rõ bệnh ra.
Bảo Ngọc nói:
- Tôi hỏi thấy có thứ cao nào dán khỏi được bệnh ghen của đàn
bà không?
Vương Nhất Niêm vỗ tay cười nói:
- Việc ấy thì chịu thôi, không những không có bài thuốc, mà
tôi cũng không nghe ai nói đến bao giờ.
- Như thế thì thuốc cao ấy cũng chả ra cái gì.
- Không có thuốc cao chữa bệnh ghen, chỉ có thứ thuốc uống
may ra chữa được. Nhưng phải dần dần chứ không thể khỏi ngay được.
- Thuốc gì? Cách uống thế nào?
Thuốc ấy gọi là thuốc “chữa ghen”: lấy một quả lê mùa thu hạng
tốt, hai đồng cân đường, một đồng cân trần bì, ba bát nước, sắc đến khi lê chín
thì được. Sáng nào cũng ăn một quả và cứ ăn đi ăn lại mãi thì khỏi.
- Như thế chả đáng bao nhiêu, chỉ sợ không chắc đã có công hiệu.
- Một thang không khỏi thì uống mười thang, hôm nay không khỏi
thì ngày mai uống tiếp, năm nay không khỏi thì sang năm. Vì ba vị thuốc này đều
nhuận phế khai vị, không hại đến người. Vừa ngọt lừ, khỏi ho, lại dễ uống. Uống
đến khi một trăm tuổi, thế nào người cũng phải chết, chết rồi thì còn ghen vào
đâu nữa? Bấy giờ là kiến hiệu đấy.
Bảo Ngọc và Dính Yên đều cười và mắng:
- Thật là đồ đầu trâu bẻm mép.
Vương Nhất Niêm nói:
- Chẳng qua tôi nói đùa cho cậu chủ quên ngủ trưa đấy thôi,
chứ có quan hệ gì? Nói cho các cậu buồn cười là đáng tiền rồi. Tôi nói thật cho
cậu biết, thuốc cao của tôi cũng là thuốc giả. Nếu thuốc thật thì tôi đã uống để
thành thần tiên, khi nào lại phải đến ở đây sống vất sống vưởng.
Đương nói thì đến giờ làm lễ. Họ mời Bảo Ngọc ra rót rượu đốt
vàng, cúng chúng sinh. Lễ xong, Bảo Ngọc mới vào thành về nhà.
Nghênh Xuân đã về nhà được lúc lâu, đã dọn cơm chiều cho bọn
bà già và người nhà họ Tôn ăn xong, và cho họ về cả. Nghênh Xuân mới khóc nức nở,
ngồi ở trong buồng Vương phu nhân, kể lể những nỗi uất ức: “Tôn Thiệu Tổ một mực
ham gái mê say cờ bạc rượu chè, bao nhiêu đàn bà con gái ở trong nhà, bị nó hiếp
dâm gần khắp lượt. Cháu mới khuyên nó vài ba lần, nó mắng cháu là hạng “đàn bà
ghen tuông”. Nó lại nói cha cháu mượn của nhà nó năm nghìn bạc định ăn không,
nó đến hỏi hai ba lần không trả. Nó lại còn trỏ vào mặt cháu nói: “Mày đừng có
lên mặt bà với tao! Bố mày đã lấy của tao năm nghìn bạc, đem mày gạt cho tao đấy.
Coi chừng tao đánh một trận, tống cổ xuống nhà dưới mà nằm! Ngày trước, ông mày
còn sống, thấy nhà tao phú quý, nên chiều chuộng làm thân. Nói đúng ra thì tao
với bố mày ngang hàng nhau, giờ lại dúi đầu tao, bắt tao tụt xuống một bực.
Không thể có thông gia như thế được, để người ta nhìn vào lại cho là nhà tao chạy
theo thế lợi”.
Nghênh Xuân vừa nói vừa khóc nức nở. Vương phu nhân và các chị
em không ai là không chảy nước mắt.
Vương phu nhân đành phải lấy lời khuyên giải:
- Đã trót gặp phải đứa ngang ngược như thế thì còn làm thế
nào được nữa. Ngày trước chú cháu đã từng khuyên cha cháu không nên gả cháu cho
con nhà ấy, nhưng cha cháu nhất định không nghe. Cháu ơi! Thôi cũng là số phận
cả.
Nghênh Xuân khóc nói:
- Cháu không tin là số cháu lại khổ đến thế này. Từ bé cháu mồ
côi mẹ, may sang ở bên thím, được mấy năm yên thân, ngờ đâu lại đến nỗi này.
Vương phu nhân vừa khuyên giải vừa hỏi Nghênh Xuân muốn nghỉ ở
đâu, Nghênh Xuân thưa: “Phải xa lìa chị em, lúc nào cháu cũng mơ màng, tưởng nhớ.
Cháu nhớ cả cái nhà cháu ở trước kia. Nếu lại được về ở trong vườn dăm ba ngày
thì chết cháu cũng vui lòng. Không biết lần sau về còn được ở lại nữa không?
Vương phu nhân vội khuyên bảo:
- Thôi cháu đừng nói nhảm. Vợ chồng trẻ, lời qua tiếng lại,
cũng là chuyện thường, hà tất cháu phải nói những câu quái gở ấy.
Rồi bà ta sai người thu dọn ngay gian nhà ở Tử Lăng châu, bảo
bọn chị em đến làm bạn để khuyên giải. Bà ta lại dặn Bảo Ngọc:
- Không được nói hở một tí gì với cụ. Nếu cụ biết việc này,
là tự mày nói cả.
Bảo Ngọc vâng dạ xin nghe lời.
Đêm ấy Nghênh Xuân lại đến nhà cũ. Các chị em và a hoàn đi lại
rất là thân thiết, ở luôn đó ba ngày, rồi mới sang bên Hình phu nhân. Trước hết
đến chào Giả mẫu và Vương phu nhân, rồi mới từ biệt chị em, ai cũng xót thương
quyến luyến. Nhờ có Vương phu nhân và Tiết phu nhân khuyên giải mới yên. Nghênh
Xuân sang bên nhà Hình phu nhân, ở được vài ngày thì có người nhà họ Tôn sang
đón về. Nghênh Xuân tuy không muốn đi, nhưng khốn nỗi Tôn Thiệu Tổ hung ác quá,
đành phải miễn cưỡng cáo từ đi về. Hình phu nhãn vốn không để ý đến, nên cũng
không hỏi vợ chồng ăn ở có hòa thuận và việc nhà có bận rộn không, chỉ hời hợt
mấy câu bề ngoài thôi.
Chú thích:
Chú thích:
1. Danh từ đông y, vinh là huyết, vệ là khí, tức là bổ khí
huyết.
2. Danh từ đông y, tức là mở khẩu vị để ăn cho ngon cơm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét