Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Thủy hử 3

Thủy hử 3
Hồi 11:
Múa đao thần, Lâm Xung gặp người ngang sức;
Bán gươm báo, Dương Chí giết cọp không lông.
Lâm Xung thấy người kia múa đao đến đánh thì hai mắt trợn tròn xoe, hàng râu hùm dựng ngược, rồi cũng giơ giao ra cự lại, hai bên kẻ đánh người đỡ, chống nhau ước chừng hơn ba mươi hiệp, mà chưa rõ được thua.
Khi đánh được độ hai mươi hiệp nữa, sắp quyết được thua, thì chợt thấy tiếng trên đỉnh núi gọi to lên rằng:
- Hai vị hảo hán hãy khoan tay, đừng đánh nhau nữa.
Lâm Xung nghe vậy, nhảy tót ra ngoài vòng, rồi hai bên cùng đứng dừng đao lại.
Bấy giờ Vương Luân, Đỗ Thiên, Tống Vạn cùng mấy đứa tiểu lâu la xuống núi chở thuyền ra, rồi đi đến chỗ hai người mà nói rằng:
- Hai thanh đao của hai vị hảo hán thực là thần xuất qủy một không ai theo kịp, ông nầy là Báo Tử Đầu Lâm Xung, là anh em chúng tôi, còn ông mặt xanh kia là ai, xin cho chúng tôi biết tên họ?
Người kia nói:
- Ta là Dương Chí, cháu Ngũ Hầu Dương Lệnh Công, là dòng dõi ba đời cửa tướng, lưu lạc ở Quan Tây. Khi còn ít tuổi có thi võ cử, rồi làm đến chức Điện Tư Chế Sứ Quân, sau đức Đạo Quân xây lăng vạn tuế, sai mười người Chế Sứ ra Thái Hồ, tải đá hoa về nộp kinh sư. Chẳng may đi đến giữa sông Hoàng Hà, bị cơn phong ba đánh đắm thuyền, mất cả đá hoa cho nên phải trốn đi nơi khác, mà không dám về kinh nữa. Nay nhân nghe tin triều đình xá tội, ta định thu nhặt ít tiền để về kinh sư lo liệu ở Cơ Mật Viện mà kiếm kế an thân, dè đâu đi qua đây lại bị các ngươi đánh tên gánh thuê mà cướp mất, vậy các ngươi nên đem trả lại cho ta lập tức.
Lâm Xung nói:
- Nếu vậy ngài là Thanh Diện Thú Dương Chí đó chăng?
- Chính phải.
- Thế thì may lắm, xin mời Chế Sứ hãy vào chơi qua trong trại, xơi chén rượu suông đã, rồi chúng tôi xin nộp lại gánh hành lý.
- Hảo hán đã nhận biết tôi, thì xin trả lại gánh hành lý, còn hơn là cho tôi uống rượu.
- Mấy năm trước tôi vào thi ở Đông Kinh, cũng có được nghe tiếng Chế Sứ, thế mà ngày nay lại được gặp ở đây, thực là may quá, thế nào cũng xin đón Chế Sứ vào chơi qua loa chứ không có ý gì khác cả.
Dương Chí từ chối không được, đành phải theo lũ Vương Luân xuống thuyền mà đi vào sơn trại, Vương Luân cho tìm cả Chu Quý lên Tụ Nghĩa Sảnh, sai bắc bốn cái ghế chéo, để Vương Luân, Đỗ Thiên, TốngVạn, Chu Quý ngồi về bên tả, còn một bên hữu, thì bắc hai cái ghế chéo, để mời Dương Chí, Lâm Xung ngồi. Đoạn rồi sai mổ trâu làm tiệc khỏan đãi Dương Chí. Đương khi uống rượu, Vương Luân nghĩ thầm trong bụng: "Nếu ta lưu một Lâm Xung ở, thì tất nhiên có điều không ổn cho ta, vậy bất nhược tiện đây giữ cả Dương Chí ở lại, để có tay địch thủ với Lâm Xung, thì mới được."
Cho hay:
Mấy quân bé mệt ở đời.
Chưa đi đã sợ chưa ngồi đã kinh!
Những là lúng túng nghĩ quanh,
Chẳng qua thêm để vận mình mà chi?
Bấy giờ Vương Luân nghĩ vậy, liền đem chuyện Lâm Xung từ đầu đến cuối, thuật lại cho Dương Chí nghe, đoạn rồi bảo Dương Chí rằng:
- Cái nầy không phải là Vương Luân tôi muốn cử hợp Chế Sứ ở đây đâu. Nhưng tôi thiết nghĩ: Tôi đây đã bỏ văn theo võ, đến lạc thảo đất này, mà Chế Sứ là người có tội, dẫu nay được tha rồi, nhưng cũng khó lòng được phục nguyên chức tước. Vả chăng hiện nay Cao Thái Úy lại coi giữ binh quyền, thì tất nhiên hắn không dùng ngài được, vậy bất nhược ngài tạm dừng ngựa ở đây, để cùng nhau hưởng cái phú quý, kim ngân tửu nhục, mà làm tay hảo hán có lẽ lại hơn, không biết ý ngài nghĩ sao?
- Các ngài có lòng như thế tôi lấy làm cảm ơn lắm, song tôi còn có một người bà con thân ở kinh sư, khi tôi làm việc quan có phiền lụy người ta nhiều lắm, mà chưa sao tạ ơn lại được. Vậy nay tôi muốn trở về qua đấy một phen, xin các ngài trả lại hành lý cho tôi, bằng không thì Dương Chí tôi đành bỏ đấy, mà đi tay không vậy.
Vương Luân cười rằng:
- Vậy thôi, Chế Sứ đã không ở, thì chúng tôi cũng cưỡng bách làm chi. Nhưng xin ngài hãy khoan tâm ngồi đây một tối, rồi sáng mai đi sớm.
Dương Chí cả mừng lưu lại ở đấy một tối. Sáng hôm sau Vương Luân lại làm rượu tiễn Dương Chí, đoạn rồi sai tiểu lâu la quảy hành lý đưa xuống dưới núi mà bái biệt, rồi trở về lưu giữ Lâm Xung ở lại.
Bấy giờ Dương Chí đi ra đến đường cái, tìm một người nhà quê thuê quảy gánh hành lý, mà cho tên lâu la trở về sơn trại, rồi thẳng đường trông nẻo Đông Kinh.
Khi tới Đông Kinh, Dương Chí tìm vào một tửu điếm để trọ, rồi trả tiền cho đứa gánh thuê trở về. Cách vài hôm sau Dương Chí nhờ người đến đút lót ở Khu Mật Viện, để lo bổ Chế Sứ Điện Tư Phủ như cũ. Lúc ấy phải đem các thứ kim ngân tài vật để đưa chỗ nọ, tặng chỗ kia, đến khi hết sạch cả tư trang hành lý, mới xin được giấy khai phục trong Khu Mật Viện, nhưng còn phải đến trình Cao Thái Úy mới xong.
Tới khi đến trình Cao Thái Úy, Thái Úy đem các lý lịch và giấy má ra xem một lượt, rồi cả giận mà rằng:
- Ngươi cùng đi vận tải với chín tên Chế Sứ, thì chín tên kia đã đem về giao nộp từ bao giờ rồi, duy còn có ngươi là đánh mất đá hoa, mà thiện tiện trốn đi đâu mất, quan quân truy nã không ra, thế mà nay lại muốn phục chức hay sao? Tuy rằng ngươi đã có giấy tha, nhưng cũng không khi nào rửa hết tội danh, mà phục chức được.
Nói xong đem các giấy má phê bỏ tất cả, rồi đuổi Dương Chí ra ngoài Soái Phủ.
Cây con đâu có cái tổ chim Hồng!
Quân hèn đâu có cái lượng bao dung nổi người?
Dương Chí trở về nhà trọ, trong bụng lấy làm uất ức mà tự nghĩ một mình rằng:
- Lời nói của Vương Luân khuyên ta thế mà có lý. Nhưng hiềm vì nhà ta, vốn là tiếng tăm trong sạch xưa nay, lẽ nào ta lại đem cái đi thể của tổ tiên mà làm nhơ bẩn cho đành? Bởi vậy ta cũng muốn trở về đây để đem cái tài võ nghệ, cây cao ngọn giáo ra chốn biên đình, hoặc may lập được chút công danh để báo đền quan phụ, thì cũng hả trong lòng một chút. Ai ngờ bị lão Cao Cầu nó cay nghiệt tàn nhẫn, làm cho ta không còn kế chi mà xuất đầu được nữa, chán chưa!
Chàng nghĩ vậy, trong lòng lại phân vân khó chịu, đường xa tiền hết, đất khách quê người, không biết làm sao cho ổn được!
Nhân nhớ đến ông cha ngày trước, còn để lại thanh bảo đao, xưa nay vẫn đeo luôn ở bên mình, liền nghĩ kế đem ra phố bán, để lấy ít tiền mà đi nơi khác lập thân, Khi đem ra bán, đứng ở phố Quần Ngựa, có tới mấy giờ đồng hồ, cũng không thấy ai đến hỏi mua cả, chàng lấy làm nóng ruột, lại vác ra một chỗ náo nhiệt ở trên cầu Thiên Hán để bán.
Dương Chí đứng một lúc thấy người ở hai bên phố đều la nhao nhao bảo nhau rằng:
- Cọp đã đến ta trốn đi.
Đoạn rồi người nào người ấy đổ xô nhau mà trốn vào trong ngõ. Dương Chí thấy vậy, nói lẩm bẩm một mình rằng:
- Họ nói quái lạ! Ở chỗ cấm thành này, còn làm gì có cọp đến đây được?
Nói đoạn xa trông thấy một anh đại hán, người đen chùi chũi, say rượu bứ bự đương chân nam đá chân chiêu đi đến.
Nguyên đó là một thằng vô lại, có tiếng ở kinh sư, vẫn thường gọi là Một Mao Đại Trùng Ngưu Nhị, xưa nay chỉ chuyên nghề rắc rối ở đầu đường cuối phố, gặp ai là cũng dây vào, làm cho lôi thôi khó chịu, mà quan tư ở Phủ Khai Phong không sao trị nỗi. Bởi vậy mà ai trông thấy cũng tránh mặt cho xa, không còn dám đi gần đến.
Bấy giờ tên Ngưu Nhị đi đến trước mặt Dương Chí, dằng tay cầm lấy thanh đao xuống để xem rồi hỏi rằng:
- Anh, của nầy định bán thanh đao bao nhiêu tiền?
Dương Chí đáp:
- Thanh bảo đao này của tổ phụ tôi để lại, tôi định bán lấy 3.000 quan tiền.
Ngưu Nhị quát lên rằng:
- Đao ăn mày nầy lại bán đến ngần ấy tiền? Ta cứ mua 30 kẽm một con dao, cũng thái được thịt, cắt được đậu rồi. Con dao khốn nạn này có cái gì tốt mà gọi là bảo đao?
- Thanh đao của tôi có phải như của đám hàng chợ đâu. Nó là bảo đao kia mà...
- Thế nào gọi là bảo đao?
Dương Chí nói:
- Một là có thể chặt đồng chặt sắt mà lưỡi không quằn, hai là thổi lông đi qua được, ba là chém người mà đao không có máu, thế cho nên gọi là bảo đao.
- Anh có dám cắt đồng bây giờ không?
- Anh cứ đem đến đây, tôi cắt cho mà xem.
Ngưu Nhị thấy nói, bèn chạy đến một cái hàng ở cầu, tảo lấy một món tiền đồng, để thành một chồng ở bên cầu, rồi gọi Dương Chí rằng:
- Anh kia, nếu anh chặt đứt được, thì ta trả cho 3.000 quan.
Bấy giờ các người đứng xem, dẫu không anh nào dám đứng gần, song cũng đứng túm ở đằng xa mà nom lại. Dương Chí vén tay áo cầm đao, nhắm cho trúng rồi chém một nhát, cọc tiền đứt hẳn làm đôi. Những người đứng xem thấy vậy, ai cũng reo ầm lên.
Ngưu Nhị quát lên rằng:
- Reo cái gì thế? Anh này còn điều thứ hai, thế nào nữa?
Dương Chí nói:
- Điều thứ hai là thổi lông đi qua được, nếu cầm một sợi tóc thổi qua lưỡi đao thì tất đứt làm đôi.
Ngưu Nhị nói:
- Ta không chắc được như thế.
Nói đoạn nhổ ngay sợi tóc trên đầu, đưa cho Dương Chí mà bảo rằng:
- Anh thử làm cho ta xem?
Dương Chí tay tả cần sợi tóc đưa lên trước lưỡi dao, rồi thổi một cái thực mạnh, sợi tóc đứt làm đôi mà rơi xuống đất.
Ngưu Nhị hỏi:
- Còn điều thứ ba là cái gì?
Dương Chí nói:
- Là chém người mà đao không có máu.
- Thế nào là chém người mà đao không có máu.
- Nghĩa là cầm thanh đao mà chém giết một người, mà máu không kịp vây vào được.
- Ta không chắc được như thế, anh thử cầm đao chém một người cho ta xem?
Dương Chí nói:
- Trong chỗ Cấm thành này, bỗng dưng giết người sao được? Nếu không tin thì mang con chó đến đây, tôi chém cho mà xem.
Ngưu Nhị nói:
- Anh bảo giết người không có máu, chứ anh có nói giết chó đâu?
- Thôi anh không mua thì thôi, đừng nhiễu người ta làm gì thế?
- Anh đưa đây ta xem nào.
Dương Chí nói:
- Không có tiền, tôi không cần chuyện cho xem nữa!
Ngưu Nhị nói:
- Anh có dám giết ta không?
- Tôi với anh trước không thù, sau không oán, việc gì mà tôi giết anh?
Bấy giờ Ngưu Nhị nắm chặt lấy Dương Chí mà bảo rằng:
- Thế nào ta cũng mua thanh đao của anh.
Dương Chí nói:
- Anh muốn mua thì mang tiền lại đây.
- Ta không có tiền.
- Không có tiền thì giữ ta làm chi?
Ngưu Nhị nói:
- Ta chỉ cần lấy thanh đao của anh thôi.
- Ta không cho.
Ngưu Nhị lại nói:
- Anh giỏi thử cứ chém ta đi.
Dương Chí cả giận đẩy Ngưu Nhị ngã bắn xuống đất. Ngưu Nhị vội vàng bò dậy đâm húc vào bụng Dương Chí.
Dương Chí kêu lên rằng:
- Xin hàng phố làm chứng cho tôi, Dương Chí này hết tiền phải mang đao đi bán, lại bị thằng khốn nạn nó chực ăn cướp đao mà đánh tôi đây.
Bây giờ hai bên hàng phố sợ Ngưu Nhị bằng một phép, không ai còn dám đến gần mà can ngăn nữa.
Ngưu Nhị thét lên rằng:
- Mầy bảo ta đánh mầy...ừ thì ta đánh chết nữa coi sao.
Miệng nói rồi giơ tay lên đánh Dương Chí, Dương Chí vội né mình để tránh, rồi nổi máu nóng lên cầm đao nhằm giữa trán Ngưu Nhị chém cho một nhát, ngã lăn quay xuống đất. Đoạn rồi nhảy sấn vào đâm luôn mấy nhát váo bụng Ngưu Nhị, máu chảy lênh láng ra đường.
Khi đó Dương Chí bảo với phố xá rằng:
- Tôi giết thằng ăn mày nầy, không việc gì liên lụy đến ai cả. Bây giờ nó chết đây rồi, các ông các bà cứ đi vào Phủ với tôi, để tôi nhận tội cho.
Gươm thần chém chết oan gia,
Trừ loài đê tiện cũng là nghĩa chung.
Đường hoàng thay! Việc anh hùng,
Trời soi đất xét để hòng sợ chi?
Bấy giờ các người hàng phố nghe nói, mới đổ ra đi theo Dương Chí vào Phủ Khai Phong. Tới nơi vừa gặp lúc buổi hầu, Dương Chí cùng bọn hàng phố đi vào công đường, rồi đặt thanh bảo kiếm ra trước mặt, mà bẩm rằng:
- Chúng tôi là Dương Chí, trước làm Điện Tư Phủ Chế Sứ, sau bị đắm mất Hoa Thạch Cương, phải cách chức về. Nay hết tiền tiêu mang thanh đao đi bán, bất đồ bị thằng vô lại là Ngưu Nhị, nó toan cướp đao, rồi lại sinh sự đánh tôi, bởi vậy tôi tức mình đánh nó chết ra đó, hiện có các phố xá làm chứng, xin trình quan lớn biết cho.
Các người hàng phố cũng túm vào làm chứng, mà kêu với quan Phủ rõ các căn nguyên, quan Phủ nghe nói truyền rằng:
- Đã làm nên tội, mà tự ra thú tội, ta tha đánh cho. Nói đoạn sai gông Dương Chí lại, rồi phái hai viên nha, giải Dương Chí cùng các người hàng phố ra cả Thiên Hán Kiều, để khám nghiệm tử thi, mà làm thành văn án. Đoạn bắt các người hàng phố làm đơn khai bẩm, rồi cho về, còn Dương Chí thì giao xuống nhà lao giam giữ.
Bấy giờ các bọn canh giam ở nhà lao, thấy nói Dương Chí đánh chết một con Cọp không lông, thì ai nấy có lòng kính phục tử tế, mà không sách nhiễu tiền nong chi cả. Các người hàng phố ở quãng cầu Thiên Hán thấy Dương Chí trừ được một đứa đê hèn, liều lĩnh quấy nhiễu loài người ấy, thì cũng lấy làm phục, mà bảo nhau đưa tiền nong vào cho Dương Chí tiêu. Còn người giữ phần ăn, thấy Dương Chí là một tay hảo hán mà lại trừ được hại cho người, vả chăng nhà tên Ngưu Nhị, cũng không có một ai mà đến khống khiếu, thì cũng đem văn án mà rút nhẹ bớt đi. Sau hết, án cho Dương Chí là vì đánh nhau lỡ giết chết người. Giam ở đó đủ 60 ngày, rồi đem trình quan Phủ cho thợ thích kim ấn vào mặt, đánh phạt hai mươi trượng, đóng gông giải sang Đại danh phủ ở Bắc Kinh, để sung quân. Còn thanh bảo đao thì để vào công khố.
Khi kết án xong rồi Phủ Doãn phê cho hai tên công sai là Trương Long, Triệu Hổ giải đi. Hai tên công sai vâng lệnh giải Dương Chí ra đến phố cầu Thiên Hán, thì các nhà phú hộ trong phố mời cả ba người, vào một tửu điếm để thiết đãi. Đoạn rồi đưa tiền cho hai tên công sai mà nói rằng:
- Xin các ông nghĩ đến ông Dương Chí, là một người vì dân trừ hại, mà trông nom tử tế giúp cho.
Trương Long, Triệu Hổ đáp rằng:
- Chúng tôi đây cũng biết ông ấy là một tay hảo hán, các ông không phải dặn hai chúng tôi, xin thế nào cũng phải tử tế.
Bấy giờ các nhà phú hộ lại đưa tiền tiễn cho Dương Chí, rồi cùng bái biệt ra về. Dương Chí đưa hai tên công sai về đến nhà trọ, tính trả tiền nong cẩn thận, còn thừa sai làm rượu thiết đãi hai người và mua ít thuốc cao dán vào chỗ bị roi đánh, rồi khoác khăn gói hành lý, cùng hai tên công sai đi sang Bắc Kinh.
Đường đi nắng sớm mưa mai,
Phòng khi hưu thích, ba người cùng chung.
Không bao lâu đã tới Bắc Kinh, ba người liền tìm một tửu điếm để đưa nhau vào trọ. Nguyên quan Lưu Thú ở Đại danh thủ Bác Kinh, vốn là con rể quan Thái Úy Xai Kinh ở trong triều, tên là Lương Trung Thư Húy là Thế Kiệt, là một tên lên ngựa coi quân, xuống ngựa coi dân, uy quyền rất lớn xưa nay. Khi hai tên công sai giải tên Dương Chí vào, đến sảnh sứ, Lương Trung Thư xem văn thư xong, thì nhận ra ra rằng: Khi ngài ở kinh sư cũng có biết Dương Chí, liền hỏi han đầu đuôi các lẽ.
Dương Chí đem căn nguyên chuyện mình, kêu rõ cho Trung Thư nghe, Trung Thư cả mừng phê hồi văn cho công sai về, rồi sai tháo gông cho Dương Chí, mà lưu lại trong sảnh để sai khiến.
Từ đó Dương Chí ở trong Đại danh phủ, sớm khuya hầu hạ rất là siêng năng cẩn thận. Được ít lâu Lương Trung Thư có ý đề cử cho Dương Chí làm một chức võ quan, song lại e các tướng không phục, bèn nghĩ ra một kế bắt các quan quân trên dưới hết thẩy đến ngày mai phải tới giáo trường để diễn võ. Đoạn gọi Dương Chí lên mà bảo rằng:
- Ta có lòng muốn đề cử cho ngươi làm một chức quan võ để có ít lương tiêu, nhưng không biết võ nghệ của ngươi thế nào.
Dương Chí đáp rằng:
- Tôi nguyên là võ cử xuất thân, trước đã làm Điện Tư Phủ Chế Sứ, mười tám ban võ nghệ đều đã thông thạo cả. Nay nếu ân tướng rộng lòng thương mà đề cử lên, cho chúng tôi được rẽ mây trông thấy mặt trời, thì ân đức ấy xin kết cỏ ngậm vành để báo.
Lương Trung Thư nghe nói cả mừng, liền ban cho Dương Chí một bức áo giáp để dự bị ra diễn võ ngày mai.
Sáng hôm sau, bấy giờ đương diệp trung tuần Tháng hai, chiều trời ấm áp gió lạnh mây quang, Lương Trung Thư cơm nước đoạn rồi cho Dương Chí cùng lên ngựa, mà tiền hô hậu ủng đưa ra giáo trường. Khi ra tới giáo trường, đến trước cửa Diễn võ sảnh Lương Trung Thư xuống ngựa, rồi sai bắc một chiếc ghế ngồi ở đó. Hai bên tả hữu đứng dàn giá các hàng quan viên, nào Chỉ Huy Sứ, Đoàn Luyện Sứ, Chánh Chế Sứ, Thống Lĩnh Sứ, cùng là Chánh Bài Quân, Phó Bài Quân, trăm viên tướng tá, mấy đội ngựa quân, rất là uy nghi tề chỉnh.
Trên chốn tướng đài có hai viên Đô Giám, một viên là Lý Thiên Vương Lý Thành, một viên là Văn Đại Đao Văn Đạt, là tay dũng lực hơn người, thống lĩnh các hàng quân mã; đều quay mặt về chỗ Lương Trung Thư ngồi mà cúi chào làm lễ. Đoạn rồi trên giữa Tướng Đài dựng lên một lá cờ vàng, khua trống nổi kén làm hiệu. Bấy giờ trong chốn Giáo Trường, đứng im tăm tắp không hề ai dám nói ra.
Một lát thì là Hồng Kỳ dẫn quân ở trên Tướng Đài lay động, năm quân đều trông lệnh mà sắp sửa chỉnh tề. Đoạn rồi ngọn cờ phấp phới, tiếng trống vang lừng, năm trăm quân đều cầm khí giới trong tay, dàn thành bài trận. Lại thấy ngọn cờ Trắng ở trên Tướng Đài phất lên, thì hai hàng trận quân ngựa đều sắp lượt chỉnh tề đứng ra trước mặt.
Khi đó Lương Trung Thư truyền đòi Phó Bài Quân Chu Cẩn ra thính lệnh. Chu Cẩn ở bên tả trấn nghe lệnh đòi, liền đánh ngựa ra trước cửa sảnh, rồi xuống ngựa ngả ngọn thương mà dạ một tiếng rất to.
Trung Thư truyền lệnh rằng:
- Cho phép Phó Bài Quân ra diễn võ.
Chu Cẩn vâng tướng lệnh vác thương nhảy lên mình ngựa xông ra quay ngược quay xuôi, xông tả múa hữu, diễn mấy bài thương ở trước diễn võ sảnh. Bấy giờ Lương Trung Thư mới truyền Dương Chí ra trước sảnh mà bảo rằng:
- Dương Chí! Ta nghe trước đây ngươi đã làm Chế Sứ ở Điện Tư Phủ bên Đông Kinh, vì phạm tội mới phải tới đây, nhưng hiện nay bốn phương giặc cướp; quốc gia đương lúc cần tài, vậy ngươi có dám ra thử võ nghệ với Chu Cẩn không? Nếu ngươi hơn được Chu Cẩn thì ta sẽ cho ngươi thay vào chức ấy.
Dương Chí cung kính bẩm rằng:
- Ân tướng đã rộng thương, truyền cho như thế, chúng tôi đâu dám sai lời.
Lương Trung Thư liền truyền dắt ra một con ngựa trận, và truyền quan kho lấy đồ quân khí ra chuyện Dương Chí.
Dương Chí vâng lệnh ra sau nhà Võ Sảnh, đem áo giáp của Trung Thư cho mặc vào, rồi thắt đai đội mũ, lưng đeo cung tên, tay cầm thương dài, nhảy lên ngựa mà ra đấu với Chu Cẩn, mới hay là:
Kiếp sinh ví có gặp thì
Tài này sức ấy kém gì ai đâu?
Cảm người lượng cả ân sâu
Anh hùng họa biết mặt nhau phen này
Cuộc đời thay đổi, đổi thay
Hôm nào thế ấy hôm nay thế nào?
Rồi đây cung kiếm ra vào
Chắc rằng xuống thấp lên cao còn nhiều
Lời bàn của Thánh Thán:
Trong phép văn chương, diễn tả ra từng chuyện, có nhiều chỗ giống nhau, và nhiều chỗ khác nhau, những câu chuyện giống nhau, tả ra gọi là phạm vào nhau, những câu chuyện khác nhau, tả ra gọi là tránh xa nhau, văn sĩ diễn tả rất hay ở chỗ khéo phạm đến nhau như một chuyện, song lại biến khác xa nhau, tức đã tránh nhau. Khi phạm đến nhau, rồi lại tránh xa nhau, không một chuyện nào giống hẳn chuyện nào, mới thấy phép văn dũ xuất dũ kỳ, tác giả mới thực là chân chính tài tử. Như ở chuyện này, sau khi tả xong Lâm Xung mua đao báu, rồi xảy ra câu chuyện, cho đến hồi này tiếp tả luôn Dương Chí bán đao báu, rồi cũng xảy ra câu chuyện, hai chuyện cùng phải tội tù, kết lại tưởng như một may một rủi, thế mà cả hai đều phải trốn tránh, không đắc chí với đời, đã thấy phép văn khéo phạm đến nhau, mà lại khéo tị khác nhau.
Lại rằng: Ta đọc Thủy Hử đến đây, không khỏi ngậm ngùi, mà than rằng: Tác giả Thủy Hử, muốn bảo là chẳng phải tài tử, sao có thể được? Hỡi ôi! Trong lòng kẻ có tài phi thường, phải có ngọn bút phi thường, có ngọn bút phi thường, phải có sức phi thường, nếu không có tài phi thường, thì làm sao cấu tứ nổi? Mà không có bút phi thường, làm sao mà trổ tài năng? Và không có sức phi thường, làm sao viết nổi bút ấy? Nay xem Thủy Hử tả Lâm Võ Sư, chợt thấy vì bảo đao mà diễn ra văn chương kỳ thái; Tới khi tả Dương Chế Sứ cũng thấy vì bảo đao mà cũng diễn ra văn chương kỳ thái. Hỡi ôi! Tả chuyện hào kiệt không bao giờ hết nay chợt gác chuyện hào kiệt, mà tả bảo đao, đó là mượn cái tài phi thường, mà biết đâu bảo đao là thế thân hào kiệt? Chỉ tả chuyện bảo đao đi đến hứng thú, đã thành ra tả hào kiệt hứng thú ở trong rồi. Tả bảo đao mà ra hào kiệt vậy. Đem bảo đao tả chuyện võ sư, lại đem bảo đao tả chuyện Chế Sứ, hồi trước một thanh bảo đao làm sáng chói võ sư, hồi này cũng một thanh bảo đao làm sáng diễn ra, nổi lên đối trĩ, dùng bút đến thế, rất kỳ hiểm vậy, nếu bảo rằng chẳng phải phi thường, mà xét mặt nhơn ngơn, đối với trăm nghìn người đều nhận xét ra, còn cãi rằng không phi thường sao được.
Chuyện mua đao với chuyện bán đao, diễn ra khác nhau, mà cũng giống nhau, rồi vẫn khác nhau, văn tự từng câu từng chữ, không phạm đến nhau bút pháp tác giả ly kỳ biến ảo, khác nào cảnh lạ như Thái Sơn nổi bên đông, Hoa Sơn nổi bên tây, hai bên đối trĩ ly kỳ, không một chút giống nhau, thì đủ biết rằng ngọn bút loài người, khác nào văn chương tạo hóa!
Dưới cầu Thiên Hán, tả chuyện anh hùng bí lối, khiến người như ngồi suốt đêm đông; gấp tả ngay trước sảnh Diễn Võ, tả chuyện anh hùng đắc ý khiến người như chợt tới đài xuân, lúc buồn thêm một nỗi buồn, khi vui thêm một chuyện vui, đều là tài tác giả phi thường, theo đuổi từng bước theo hình long hổ mà xuất hiện.
Hồi 12:
Nơi Đông Quách, Cấp Tiên Phong tranh công;
Đất Bắc Kinh, Thanh Diện Thú đấu sức.
Khi đó Dương Chí và Chu Cẩn toan xông ngựa ra để đấu nhau, thì bỗng thấy quan Đô Giám Văn Đạt thét lên rằng:
- Hãy khoan tay.
Bấy giờ Dương Chí và Chu Cẩn đều đứng dừng ngựa lại.Văn Đạt từ thượng sảnh chạy lại bẩm với Lương Trung Thư rằng:
- Dám bẩm ân tướng, vâng lệnh ân tướng, cho hai bên ra thử võ nghệ, cũng chưa biết rằng bên nào thua được, song đao thương là vật vô tình xưa nay, chỉ dùng để giết thù đánh giặc. Nay quân tướng trong nhà tập thử với nhau, mà cũng cứ dùng như thế, lỡ ra hoặc đến tàn tật, hay là thiệt đến tính mạng thế nào thì đối với việc quân có điều không lợi. Vậy dám xin ân tướng truyền cho tháo bỏ trên dưới ngọn thương mà bọc vải chấm vôi vào đó, rồi cho hai tướng phải mặc áo đen, để trông vết trắng mà phân thua được thì hơn.
Lương Trung Thư khen là có lẽ, liền truyền cho hai tướng cứ theo thế để thi hành. Khi buộc thương thay áo xong đâu vào đấy rồi hai người lại lên ngựa để xông ra đấu.
Hai bên đánh nhau ước được 4, 5 mươi hiệp, thì trên áo Chu Cẩn đã be bét có tới 3, 4 mươi dấu trắng, mà bên kia Dương Chí chỉ có một nốt trắng ở trên vai, Lương Trung Thư thấy vậy cả mừng, gọi Chu Cẩn đến trước sảnh mà bảo rằng:
- Quan trước cho ngươi làm chức quân trung Phí Bài, nhưng cứ xem võ nghệ của ngươi như thế, thì phỏng đánh đông dẹp bắc làm sao cho được? Vậy từ nay ta cho Dương Chí thay vào chức ấy.
Trung Thư nói dứt lời, thì quan Đô Giám Lý Thành đến trước bẩm rằng:
- Bẩm ân tướng, Chu Cẩn dẫu đánh thương có kém, song nghề cung nghề ngựa quen giỏi xưa nay, nếu ân tướng truất ngay như thế, thì e nỗi lòng quân không phục, vậy lại xin cho hai bên thử đấu nghề cung nghề ngựa xem sao?
Lương Trung Thư cho là phải, liền truyền cho Dương Chí và Chu Cẩn lại lấy cung tên ra đấu.
Hai người cùng vâng tướng lệnh, đoạn rồi Dương Chí đến chỗ treo cung chọn lấy một cây ngay ngắn, cầm ra tay nhẩy lên ngựa, rồi ra trước Võ Sảnh ngồi lên trên yên ngựa, cúi mình mà bẩm với Trung Thư rằng:
- Bẩm ân tướng cung tên là việc võ, ngộ lỡ ra thương hại đến người, thì bấy giờ làm sao? Xin ân tướng dạy trước cho.
Trung Thư nói:
- Đã là võ phu thí nghệ, thì còn cần chi đến sự tổn thương, cho phép các ngươi cứ bắn, giỏi thì được mà thua chết thì thôi không ngại. Dương Chí vâng lệnh, rồi quay ngựa đi ra trước trận.
Bấy giờ Lý Thành lại truyền cho hai bên mỗi người cầm lá chặn che tên, rồi mới ra trận. Khi ra trận, Dương Chí bảo Chu Cẩn rằng:
- Bây giờ tôi nhường bác bắn tôi ba phát trước, rồi tôi bắn lại sau.
Chu Cẩn nghe nói, trong bụng đã căm tức vô cùng, muốn sao bắn cho Dương Chí một phát suốt óc chết ngay thì mới thích. Về phần Dương Chí nguyên là một tay quan võ xuất thân, cũng đã am hiểu các thủ đoạn xưa nay cho nên cũng không coi vào đâu cả.
Khi ấy trên Tướng Đài phất lá thanh kỳ, thì Dương Chí vỗ ngựa cho đi về bên Nam, rồi Chu Cẩn cũng buông ngựa đuổi theo. Đoạn rồi Chu Cẩn bỏ dây cương xuống yên ngựa, mà tay tả cầm cung, tay hữu cầm tên, nhắm đằng sau Dương Chí bắn ra một phát Dương Chí nghe thấy tiếng dây cung bật đến banh một cái, liền tránh ngoắt ra một bên, thành thử mũi tên bắn vụt ra ngoài mất. Chu Cẩn thấy vậy, trong bụng hơi mừng, lại lấy ra một mũi tên nữa, nhè lúc Dương Chí đi gần, mà nhằm giữa sau lưng bắn luôn một phát nữa. Dương Chí nghe biết tiếng tên thứ hai đã phát thì không né mình để tránh mà cầm cây cung ở tay gạt một cái đúng vào mũi tên kia bắn ngay ra đất.
Chu Cẩn thấy hai phát tên bắn ra đều vô ích cả, thì trong lòng lại bồn chồn khó chịu, quây ra thấy con ngựa của Dương Chí đã đi hết đất giáo trường, mà quay vòng trở lại chính sảnh, chàng bèn cùng quay ngựa lại mà đuổi theo. Bấy giờ lại lấy mũi tên thứ ba mà dùng hết sức bình sinh, nhằm thực đích xác vào chính giữa sau lưng Dương Chí mà bắn ra.
Dương Chí biết vậy, vội ngồi trên yên ngựa, quay mình lại giơ tay lên bắt lấy mũi tên, rồi phóng ngựa vào Diễn võ sảnh mà vất mũi tên của Chu Cẩn xuống. Lương Trung Thư trông thấy cả mừng, truyền lệnh cho Dương Chí ra bắn cho ba phát tên.
Khi đó lá thanh kỳ ở trên Tướng Đài lại lay động, Chu Cẩn liền vất cung xuống đất, cầm lá chắn ra tay, mà vỗ ngựa đi sang phía Nam.
Dương Chí thúc hai chân vào vế, thì con ngựa lốp đốp co cẳng chạy theo, đoạn rồi chàng giương cung bắn ở tay, bắn đứt đến tạch một cái. Đằng kia Chu Cẩn nghe tiếng tên bắn, thì vội quay mình mà giơ lá chắn lên, để đỡ, té ra lại không thấy gì cả. Bấy giờ Chu Cẩn lại nghĩ trong bụng: "Anh này chắc chỉ biết đánh gậy, mà không biết bắn, để đợi khi hắn bắn dứt phát nữa, thì ta sẽ kêu to lên, thế thì ta đắc thắng".
Chu Cẩn vừa nghĩ xong, thì ngựa đã đi đến đầu giáo trường bên Nam, chàng liền quay cương cho ngựa chạy trở lại.
Con ngựa của Dương Chí thấy con ngựa kia quay đầu lại, thì cũng ngoắt ngay lại đuổi theo. Dương Chí lấy một mũi tên trong túi ra, rồi nghĩ một mình rằng: "Nếu ta bắn vào giữa chỗ lưng sau, thì tất là hắn chết, ta với hắn không có cừu thù gì, mà làm như thế thì không tiện, vậy ta cứ bắn cho hắn bị thương thôi cũng được".
Nghĩ đoạn tay tả dang ra như đẩy núi Thái Sơn, tay hữu co lại như ôm đứa con đỏ, rồi thấy cánh cung vòng lên, như vòng trăng khuyết, mà mũi tên bắn vụt ra như sao đổi ngôi vậy. Bây giờ nói còn chậm, chứ bấy giờ thì rất nhanh, mũi tên ấy bắn ra, Chu Cẩn chưa kịp trở mình, đã bị trúng ngay vào cánh tay bên tả, ngã lăn xuống đất, còn con ngựa thì chạy thộc ra đằng sau Diễn Võ Sảnh.
Dương Chí vẫn thần sắc tự nhiên như thường, xuống ngựa đến trước sảnh lạy Lương Trung Thư mà nhận chức. Chợt có người ở dưới thềm bên tả, chạy đến kêu lên rằng:
- Khoan khoan hãy nhận chức, để tôi với anh thử đấu một lúc xem sao?
Dương Chí nghe nói bèn quay lại nom thấy người ấy đứng trước mặt Lương Trung Thư mà bẩm rằng:
- Bẩm ân tướng, Chu Cẩn bị yếu mới dậy, cho nên đến nỗi bị thua Dương Chí, nay tiểu tướng dẫu bất tài, xin cho ra đấu với Dương Chí một keo. Bằng có kém thua một tý nào, xin nhường ngay chức của tiểu tướng cho Dương Chí, tiểu tướng không hề dám oán hận điều chi.
Lương Trung Thư trông ra, thì chính là Chánh Bài Quân, ở Đại danh phủ tên là Sách Siêu, vốn người nóng tính xưa nay, việc quốc gia thường hay tranh khí mà xốc vác tiên phong, cho nên ai cũng gọi tên là Cấp Tiên Phong Sách Siêu.
Khi ấy Lý Thành ở trên Tướng Đài nghe thấy vậy, thì cùng xuống trước cửa sảnh mà bẩm với Lương Trung Thư rằng:
- Dám thưa ân tướng, ân tướng đã cắt Dương Chí ra đây, thì tất nhiên là người giỏi, không phải là tay Chu Cẩn đối địch. Vậy để cho Chánh Bài Quân Sách Siêu đọ lại thì mới biết rõ được võ tài hơn kém. Xin ân tướng cho phép thế mới công bình.
Lương Trung Thư nghe nói, nghĩ thầm trong bụng rằng: "Ta cốt đài cử cho Dương Chí, thế mà chúng tướng lại không phục, vậy ta cứ để cho hắn đánh đổ Sách Siêu, thì tất nhiên các cậu dẫu chết, cũng không còn oán hận điều chi được người". Nghĩ đoạn quay ra bảo Dương Chí rằng:
- Nếu vậy thì ngươi theo quân kho ra mà chọn lấy quân khí, rồi cho mượn chiến mã của ta, để mà ra đấu, nhưng phải cẩn thận, chớ coi thường mới được.
Dương Chí vâng lời tạ ơn, rồi trở ra sắm sửa.
Bấy giờ Lý Thành cũng gọi Sách Siêu ra mà bảo rằng:
- Anh phải biết, anh không như người khác được, lúc nãy Chu Cẩn là học trò anh bị thua rồi, nay nếu anh lại lỡ ra thế nào, thì họ không còn coi đám quan quân ở Đại danh phủ này ra gì nữa đâu. Tôi có con ngựa chiến, ra trận đã quen, và các thứ đai giáp đây, cho anh mượn mà dùng, tất phải dụng tâm cẩn thận, chớ để mất nhuệ khí mà nguy.
Sách Siêu nghe lời, tạ ơn Lý Thành mà ra đi sắm sửa đai giáp.
Khi đó Lương Trung Thư đứng dậy, đi ra trước thềm rồi các quân hầu mang ghế chéo bắc ra chỗ bao lơn Nguyệt Đài để Trung Thư ngồi, vào tả hữu đứng dàn ra hai bên, rồi có một tên cầm tàn đứng che ở đằng sau ghế.
Bấy giờ ở trên Tướng Đài phất hồng kỳ ra hiệu, thì hai bên đều nổi chiêng trống vang lừng, đoạn rồi tiếng trống dứt, thì tiếng pháo nổ lên, mà bên kia Sách Siêu bên này Dương Chí, đều phất ngựa ra đứng dưới cờ mặt trận. Hồi trống thứ hai nổi lên, trên Tướng Đài phất lá Bạch kỳ, thì quan quân đâu đấy đứng im phăng phắc một lượt.
Đoạn rồi lá thanh kỳ trên Tướng Đài lay dộng, rồi chiến cổ thứ ba nổi lên, thì thấy cửa trận tả rẽ ra, tiếng nhạc kêu xoang xoảng, rồi quan Chánh Bài Quân Sách Siêu cưỡi con ngựa bạch của Lý Đô Giám tay cầm quân khi đi ra giữa trận vẻ rất oai nghiêm. Bên kia cửa cờ hữu trận cũng mở ra rồi Dương Chí tay cầm cây thương, cưỡi con ngựa đỏ Thiên Lý tiên phong của Lương Trung Thư, nhạc khua xoang xoảng đi ra, đứng giữa trận địa, nom rất hùng dũng.
Bấy giờ quân kỳ bài cầm cờ lệnh, vỗ ngựa đến trước trận, mà tuyền lệnh rằng:
- Vâng lệnh tướng công, truyền cho hai viên đều phải dụng tâm cẩn thận, bằng có sơ xuất hớ hênh, thì là có phạt. Nếu ai đắc thắng tất có thưởng to.
Hai người được lệnh, đều thúc ngựa ra giáp trận với nhau. Sách Siêu ra dáng tức giận; Múa cây phủ trong tay mà đánh Dương Chí trước, Dương Chí đỡ thương lên đón, rồi hai bên hết sức bình sinh đánh nhau tới 50 hiệp, mà không rõ được thua.
Lương Trung Thư ở trong Nguyệt Đài, ngồi ngây ra xem hai người đấu võ, quan quân đứng ở hai bên cùng các hàng quân sĩ trong trận, đều nom nhau mà thì thầm rằng:
- Chúng ta theo việc quân đã lâu cũng có nhiều phen ra trận nhưng chưa từng thấy hai tay hảo hán như thế bao giờ?
Lý Thành, Văn Đạt đứng trên Tướng Đài, nom xuống đều phải vỗ tay khen là giỏi quá! Văn Đạt lại e trong hai người, hoặc lỡ ra bị đau đớn thiệt hại, liền bảo kỳ bài quan giơ cờ hiệu cho hai bên dừng lại.
Khi đó trên Tướng Đài nổi hiệu thanh la lên, song Dương Chí, Sách Siêu đương hăng đánh để tranh công, không ai chịu dừng tay cả.
Quan kỳ bài thấy vậy, phải quay ra trước trận, mà thét lên rằng:
- Hai tay hảo hán hãy khoan tay, tướng công có lệnh...
Dương Chí, Sách Siêu nghe lệnh mới chịu thu tay thương phủ, mà xóc ngựa quay về bản trận, đứng ở dưới cờ để đợi lệnh.
Bấy giờ Lý Thành, Văn Đạt ở Tướng Đài, chạy xuống Nguyệt đài bẩm với Lương Trung Thư rằng:
- Bẩm Tướng Công, võ nghệ của hai người ấy, đều có thể trọng dụng được lại.
Lương Trung Thư nghe nói cả mừng, truyền lệnh cho Kỳ Bài Quân đòi Dương Chí, Sách Siêu vào, rồi sai phòng Quân Chánh thảo văn án cho hai người thăng chức Đề Hạt. Hai người vâng lệnh lạy tạ Lương Trung Thư, rồi trở ra thay bỏ các đồ nhung phục, Trung Thư lại gọi hai người vào làm lễ tương kiến với nhau, mà dự vào ban Đề Hạt. Đoạn rồi Lương Trung Thư cùng các quan viên lớn nhỏ cùng ăn tiệc ở Diễn Võ Sảnh, mãi đến mặt trời xế hôm mới tan.
Khi trở ra về thấy các phụ lão hai bên hàng phố, đều dắt dúm đi theo ra dáng vui mừng hớn hở, Lương Trung Thư ngồi trên mình ngựa hỏi rằng:
- Các người, dân chúng có việc gì mà vui mừng như thế?
Bọn già lão bẩm rằng:
- Từ khi chúng tôi sinh ra ở Bắc Kinh tới nay, chưa hề bao giờ được thấy hai người hảo hán địch thủ như buổi hôm nay, bởi thế chúng tôi đều lấy làm vui mừng quá đỗi.
Trung Thư nghe nói, trong bụng càng lấy làm thích. Khi về tới phủ, các quan viên đều bái tạ Trung Thư, rồi ai về nhà nấy, duy còn một mình Dương Chí là lưu lại ở phủ Đại Danh mà hầu hạ Trung Thư, sớm khuya rất là cần mẫn. Từ đó Lương Trung Thư lại càng thương yêu Dương Chí, các quan viên gần đó, cũng dần dần kéo đến làm quen mà Sách Siêu thấy Dương Chí võ nghệ cao cường thì cũng dốc lòng kính phục.
Đời người như cái con quay.
Khi im phắc khi xoay xoay tròn
Bây giờ chim đã vào ngàn
Biết rằng sau có lạc đàn nữa không?
Sớm hôm thay đổi, ngày tháng xoay vần, thấm thoát không bao, mà xuân qua hạ lại. Một hôm vào khoảng giữa tết Đoan Ngũ, Xài phu nhân bảo với Trung Thư rằng:
- Tướng Công ngày nay làm đến chức Thống Súy, cầm quyền quốc gia ở trong tay, vậy cái công danh phú quý ấy, ở đâu mà đến nhỉ?
Lương Trung Thư đáp rằng:
- Tôi lúc thuở nhỏ có theo đòi kinh sử, có biết ít nhiều đạo lý, lẽ đâu lại không biết cái công danh phú quý này là của Thái Sơn cất nhắc lên cho.
- Tướng Công đã biết như vậy, mà sao lại quên ngày Sinh Nhật của phụ thân tôi?
- Có khi nào quên được. Đến hôm Rằm tháng sáu đây, là Sinh Nhật của Thái Sơn, hiện tôi đã sai người mua sắm mười vạn kim ngân châu báu, để làm lễ thọ từ tháng trước, chỉ nay mai mua xong là mang dâng đó thôi. Chỉ có một điều tôi còn phân vâng chưa quyết, là năm trước đã sai người đem bao nhiêu kim ngân châu báu để dâng, bất đồ đi đến giữa đường, bị quân gian cướp lấy, đến nay truy nã chưa ra, vậy thì bây giờ biết sai ai đưa đi cho chắc được.
- Hiện nay ở trong phủ biết bao nhiêu quan quân ở đó, Tướng Công há lại không chọn được một người tâm phúc mà sai khiến hay sao?
Lương Trung Thư nói:
- Nhưng mà chuyện ấy còn hơn một tháng trời nữa, để bao giờ mua sắm xong rồi, sẽ chọn người mang đi cũng được, vội gì? Phu nhân cứ an tâm, thế nào tôi cũng chu tất được.
Nói về tỉnh Sơn Đông, phủ Tế Châu, huyện Vận Thành, có một quan Huyện mới, tên là Thời Văn Bân, mới đến nhậm ở đó, một hôm cho hai viên Tuần Tập Đô Đầu là Chu Đồng và Lôi Hoành đến mà bảo rằng:
- Ta nghe trong hạt Tế Châu đây, có một bọn cướp ở Lương Sơn Bạc, xưa nay vẫn thường giết người lấy của mà cự địch cả quan quân. Vả lại e các đám trộm cắp ở hương thôn cũng vùng vẫy theo lên, thì đảng ác tất to mà khó trị. Vậy nay hai các ngươi phải chịu khó đem đám thổ binh, một đằng đi ra cửa tây, một đằng đi ra cửa đông, để chia đường tróc nã giặc cướp đem về giải nộp ở đây, mà không được quấy nhiễu dân gian chi cả. Ta thấy nói ở trên ngọn núi thuộc về Đông Khê có một thứ cây Đại hồng mà không đâu có nữa, vậy các ngươi đi về phải đem theo mấy cái lá cây để ta biết làm tin mới được. Nhược bằng không có cái lá ấy thì tất là man trá, ta sẽ trọng phạt không tha.
Hai người Đô Đầu này, một người là Đô đầu Mã binh coi 24 tên quân và ngựa cùng 20 tên thổ binh; Một người là Đô đầu Bộ binh, coi 20 tên thương đầu mục, và cũng có 20 tên thổ binh nữa.
Người Đô đầu Mã binh họ Chu tên Đồng, mình cao hơn tám thước, râu dài thước rưỡi coi như râu hùm, mặt dài mắt sắc, hơi giống tướng mạo Quan Vân Trường, là một nhà phú hộ ở bản xứ, nhân vì có lòng trọng nghĩa khinh tài, cho nên thường kết giao với đám giang hồ hảo hán, mà học được mọi ban võ nghệ; Người Đô đầu Bộ binh tên là Lôi Hoành, mình dài bảy thước rưỡi, mặt mũi đỏ tía, ria râu xòe như cái quạt, sức vóc khỏe mạnh hơn người, thường nhảy qua được những nơi hào rãnh rộng chừng 3, 4 trượng, cho nên người ta thường gọi ông là Sáp Sí Hổ, nguyên là một tay thợ rèn xuất thân, cũng hơi có lòng nghĩa khí, nhưng tâm địa thì vẫn hẹp hòi.
Hôm đó hai người vâng lệnh Tri huyện, rồi trở về điểm các thổ binh của mình, mà chia đường đi tuần canh. Lôi Hoành dẫn 20 tên đi ra cửa đông, xét nét vùng quanh các thôn xã, rồi trở về ngọn núi ở thôn Đông Khê, nhặt được nắm lá Đại hồng, rồi lại đi xuống thôn để về nhà Bảo Chính.
Bấy giờ trời đã tối, Lôi Hoành cùng quân lính, đi được 2, 3 dặm đường, bỗng đến một tòa miếu Linh Quan, thấy cửa còn bỏ ngỏ, Lôi Hoành liền bảo với chúng rằng:
- Cái miếu nầy làm sao mà không đóng cửa? Hay là có trộm cắp nấp ở trong này chăng? Ta thử vào soi ở đó xem sao?
Chúng vâng lời, cùng nhau đem đuốc vào soi, thì thấy trên án thư một đại hán cổi trần trùng trục, cuộn áo làm gối mà nằm gáy khò khò ở đó.
Lôi Hoành thấy vậy, đoán chắc là một tay trộm cướp nằm đó, lấy làm khâm phục Huyện quan là thần minh, liền quát một tiếng, sai thổ binh đổ xô vào trói lại.
Anh kia nghe tiếng, toan vùng trở dậy, thì đã bị thổ binh lấy thừng trói chặt cánh tay, mà dong ngay về thôn Bảo Chính.
Buồn tênh cho khách giang hồ,
Bỗng dưng sao lại lần mò đến đây.
Canh trường giấc điệp còn say,
Bừng con mắt dậy mới hay giật mình.
Hóa công cũng giống vô tình,
Làm chi sự bất thình lình trêu ai?
Rồi đây quấy nước đục trời,
Còn thân còn để cho đời biết tay...
Lời bàn của Thánh Thán:
Người xưa có nói: Vẽ cung điện Hàm Dương thì dễ, vẽ Sở nhân đốt lửa thì khó: Vẽ ngàn dặm thuyền bè thì dễ, vẽ nước trào tháng Tám thì khó. Nay đọc truyện Thủy Hử đến hồi Đông Quách tranh công, tả cho có khác vẽ lửa vẽ trào, do một ngọn tuyệt bút. Vì Lương Trung Thư rất yêu Dương Chí, nhằm vào sau đây dùng vào việc Sinh Nhật Thái Sơn, nên yêu để mà sau ký thác việc trọng đại cho nên trước phải lưu ý đề cử làm quan mà cần phải mở cuộc đấu võ ở Giáo Trường cho cônh chúng không còn tị nạnh. Lúc đầu chỉ một Chu Cẩn xin đấu thì lược tả đấu thương, tường thuật đấu cung mã, cũng gọi là một cuộc đấu tài hứng thú, thế mà tác giả lại đem cái tài không bờ không bến, còn diễn ra cuộc đấu võ khác nữa, cho xuất hiện ra một Sách Siêu, chợt thấy ở dưới thềm bên tả xin đấu sức đua tài, khiến Lương Trung Thư thấy sự xảy ra ngoài ý định. Bấy giờ hai người từng giao thủ, mà Lương Trung Thư lưu ý Dương Chí, muốn cho thắng trận, mới cho mượn chiến mã bên kia Lý Thành cũng giúp Sách Siêu mà cho mượn chiến mã, kể ra cuộc đấu có phần sôi nổi gay go...Trước khi hai tay chưa từng cử động tý chút, đã làm cho độc giả chú ý, khác dạng kinh hồn động phách trừng mắt, để tâm chờ đợi, thế mà còn gác chuyện đấu võ, lại tả ra Lương Trung Thư chạy tới Nguyệt Đài, nào đặt tiền thưởng, rượu ngon, trịnh trọng ngồi dưới tàn che quạt rũ, đợi cho mấy lần pháo nổ, trống khua mấy lần phất lên Cờ Đỏ, Cờ Vàng, Cờ Xanh, Cờ Trắng rồi sau mới tả ra hai tay hảo hán xuất trận, khiến độc giả đợi chờ, để tâm trừng mắt, sao khỏi kinh hồn mất vía vì một cuộc tranh công? Đợi đến khi hai người chiến đấu, chỉ tả một câu chính văn: Đánh đến 50 hiệp không phân thắng phụ. Tả đến đấy rồi tiếp làm cho Lương Trung Thư ngây ngô, quan quân cũng ngây ngô, khắp giáo trường không ai nói một câu, chỉ Lý Thành, Văn Đạt hai người luôn mồm khen giỏi, khiến độc giả nghĩ bụng, khắp Giáo Trường ai cũng chú trọng hai tay với chiến mã binh khí, chẳng mình Trung Thư ngây ra, đến ngay độc giả cũng ngây ra, đến khi ra lệnh thu quân, còn tả một câu: Hai hảo hán còn muốn tranh công, không chịu ngừng lại. Hành văn đến thế, khác nào vẽ lửa vẽ trào? Trời sinh tuyệt bút tự có bút mực, chưa có văn này, tự có văn này, chưa có phê bình này vậy. Hỡi ôi! Thú vui thiên hạ, không gì bằng đọc sách, đọc sách không gì bằng Thủy Hử, lại còn nỡ nào chẳng cùng với khoái nhân trong thiên hạ đời sau bên rượu dưới đèn, để tán thưởng áng văn như vậy!
Một hồi sách này, ngu phu đọc đến, thì cho rằng Đông Quách tranh công, để định phận cho Dương Chí, một sự long trời lở đất xẩy ra, có hay đâu chỉ nhằm vào việc Sinh Nhật sau đây mà ký thác Dương Chí, cho nên bỗng không nảy ra một sự như lâu đài lừng lẫy giữa trời, chỉ do Lương Trung Thư yêu Dương Chí vậy. Cho nên trong khi tả Lương Trung Thư lưu ý Dương Chí là những chỗ văn tuy ít, song là chính, mà tả Chu Cẩn, Sách Siêu tỷ thí, văn tuy nhiều rực rỡ dọc ngang lại là phụ bút, nếu đọc không phân ra chủ khách chính phụ thì không nhận được ra những cái hay.
Hồi 13:
Xích Phát Quỷ say nằm Linh Quan Điện;
Tiểu Thiên Vương nghĩa nhận Đông Khê Thôn.
Lôi Hoành sai bọn thổ binh giải tên đại hán ấy về nhà Tiểu Bảo Chính ở thôn Đông Khê để ăn uống, điểm tâm qua loa rồi sẽ giải về huyện sau. Nguyên Bảo Chính thôn Đông Khê là người họ Tiều, tên là Cái, vốn con nhà phú hộ ở trong làng, bình sinh trọng nghĩa khinh tài, hay giao kết bọn hảo hán trong thiên hạ, bao nhiêu người đến ở đó, bất luận là hay dở thế nào, hết thảy đều dung nạp tử tế, rồi đến lúc ra đi, lại tặng đãi tiền nong để mà chi dụng. Chàng ta sức vóc khỏe mạnh, thích nghề roi gậy kiếm cung, mà không cần vợ con bận rộn, suốt ngày chỉ luyện tập gân cốt mà thôi.
Ngoài cửa Đông Môn huyện Vận Thành có hai thôn, một bên gọi là Đông Khê, một bên gọi là Tây Khê, hai bên cách nhau bằng một cái khe lớn. Ngày trước bên thôn Tây Khê, thường có ma qủy hiện hình, ban ngày dắt người xuống dưới khe, mà không ai trị nổi. May đâu một hôm có một người đạo sĩ đi qua, người trong thôn liền đem chuyện kể cho đạo sĩ biết. Đạo sĩ bảo người hàng thôn trỏ đến chỗ ấy, rồi dựng một cái bảo tháp, bằng đá xanh lên để trấn trụ bên khe, thì bao nhiêu ma qủy bên Tây Khê, kéo sang Đông Khê để ở. Bấy giờ Tiều Cái thấy chuyện như thế, lấy làm tức giận, đi sang bên kia khe cướp lấy bảo tháp đá xanh, đem về trấn ở bên đây. Bởi thế người gần đấy ai cũng gọi chàng ta là Thác Tháp Thiên Vương Tiều Cái, mà uy thế lừng lẫy trong thôn, đám giang hồ ai cũng biết.
Khi đó Lôi Hoành cùng bọn thổ binh dong anh hảo hán kia, tới cổng trang, bảo trang khách vào báo cho Bảo Chính biết. Tiều Cái còn đang ngủ chưa dậy, bỗng nghe tin báo Lôi Hoành đến, thì vội vàng gọi mở cửa trang để đón Lôi Hoành và bọn thổ binh vào.
Bọn thổ binh rong chàng hảo hán vào ở một chỗ phòng kia, còn Lôi Hoành thì dẫn mấy tên đầu quân đến thảo trường để chào Bảo Chính.
Bấy giờ Bảo Chính trở dậy tiếp chào rồi hỏi Lôi Hoành rằng:
- Chẳng hay Đô Đầu có công cán gì, mà đêm hôm đến đây làm vậy?
- Tôi vâng lệnh Quan Huyện cùng với Chu Đồng mỗi người đi tuần tiễu một mặt, nhân qua đây nghỉ chân nhờ Bảo Chính một lát, làm phiền giấc ngủ, xin ngài thứ lỗi cho.
Tiều Bảo Chính nói:
- Cái đó có hề chi, xin ngài ngồi chơi xơi chén rượu cho vui.
Nói đoạn, nhất diện sai người nhà dọn rượu lên để thiết đãi, rồi lại hỏi Lôi Hoành rằng:
- Ngài qua tệ thôn đây, có bắt được tên trộm cướp nào không?
Lôi Hoành nói:
- Mới rồi đi qua điện Linh Quan, có một tên đại hán, đương nằm ngủ ở trong miếu, tôi đoán chắc là tay gian quái nằm ở trong đó, nên tôi có cho trói lại để nộp Quan Huyện; Nhân tiện qua đây còn sớm, cũng muốn vào đây để nói cho Bảo Chính biết, để lỡ ra khi quan trên có hỏi đến, thì Bảo Chính cũng được rõ căn nguyên. Người đó hiện còn trói, để ngoài phòng kia.
Tiều Cái nghe nói thì để bụng, rồi lại nói với Lôi Hoành rằng:
- Xin cảm ơn ngài có lòng hạ cố, cho biết đến như thế.
Được một lát thì nhà dọn cơm lên. Thương Châu nói rằng:
- Ngồi đây có lẽ nói chuyện không tiện, vậy xin mời ngài vào nhà trong cho kín đáo.
Liền sai người nhà thắp đèn dọn rượu vào nhà trong, mời Lôi Hoành vào uống rượu, và sai dọn rượu đãi bọn thổ binh luôn thể.
Tiều Cái ngồi tiếp rượu Lôi Hoành, trong bụng nghĩ thầm rằng:
- Trong thôn ta đây làm gì có trộm cướp mà lão nầy bắt được? Âu là ta lẻn đi xem kỹ xem sao.
Nghĩ đoạn cất chén mời luôn dăm bảy chén, rồi gọi người ra ngồi tiếp Lôi Hoành mà nói rằng:
- Xin mời ngài cứ xơi rượu, tôi xin phép ra cửa một lát, rồi lại vào hầu ngay.
Nói rồi đứng dậy, thắp cái đèn bóng đi ra. Bấy giờ bọn thổ binh đang uống rượu ở nhà ngoài, Tiều Cái liền bảo người nhà dẫn vào phòng người bị trói để xem. Khi đẩy cửa phòng bước vào, thấy một chàng cao lớn lông ngông mình đen chùi chũi, hai bắp chân và hai trái đùi để trần như nhộng vậy.
Tiều Cái giơ đèn soi lên mặt, thì thấy mặt đen trán rộng, hai bên mái tóc có nốt ruồi đỏ, mọc mấy cái lông vàng ở trên, chàng liền hỏi người kia rằng:
- Bác nầy ở đâu đến đây, tôi không trông thấy ở trong thôn nầy bao giờ cả.
Người kia đáp:
- Tôi là khách ở xa, muốn đến tìm người ở mạn nầy, thế mà lại bắt trói tôi cho là trộm cướp, rồi tôi cũng có chỗ phân biện được.
- Bác định tìm ai ở đây?
- Tôi định đến tìm một tay hảo hán ở đất này.
- Hảo hán tên là gì?
- Hảo hán ấy là Tiều Bảo Chính.
Tiều Cái nghe đến đó vẫn điềm nhiên hỏi rằng:
- Bác tìm người ấy có việc gì?
Người kia đáp:
- Ông ấy là một tay nghĩa sĩ hảo hán xưa nay, thiên hạ đã biết tiếng, nay tôi có món quà phú quý muốn tìm đến để mách ông ấy đây.
Tiều Cái nghe vậy thú thực rằng:
- Nếu vậy thì Tiều Bảo Chính chính là tôi đây, mà đương định đến để tìm cách cứu bác đây. Thôi có phải thế thì bác cứ nhận tôi là ông cậu, rồi đến khi tôi đưa bọn kia ra đây, thì bác gọi to lên, bấy giờ tôi sẽ có cách thoát thân cho bác.
Người kia có vẻ vui mừng mà rằng:
- Nếu thế thì phúc đức nhà tôi, lại lạc vào tay ngài, xin ngài liệu cách chu toàn giúp chuyện cho.
Đoạn rồi Tiều Cái lại đi đóng cửa phòng cẩn thận, mà trở vào nhà trong tiếp rượu Lôi Hoành.
Anh em bốn bể là nhà
Đã trong thanh khí lại là sẵn quen.
Bấy giờ hai người uống rượu hồi lâu, thấy vầng đông đã hơi rạng sáng, Lôi Hoành liền từ tạ đứng dậy mà nói rằng:
- Bây giờ trời đã sáng rồi, tôi xin phép Bảo Chính, để trở về cho kịp buổi hầu.
Tiều Cái nói:
- Vâng, ngài đi có việc quan, tôi cũng không dám lưu lại nữa, song nếu lần sau ngài có qua đây, lại xin đón vào chơi xơi nước.
Nói đoạn đưa chân Lôi Hoành lững thững đi ra. Khi đó các thổ binh rong hảo hán kia ra đến cửa trang, Bảo Chính trông thấy, liền bảo với Lôi Hoành rằng:
- Anh này trông khỏe mạnh lắm nhỉ?
Lôi Hoành nói:
- Thưa ngài, chính hắn là thằng ăn cướp bắt được ở điện Linh Quan hôm qua đấy.
Nói vừa dứt lời, thì bỗng thấy anh chàng kia kêu ta lên:
- Cậu ơi! Cậu cứu tôi với!
Tiều Cái giả vờ không biết, quay lại nom kỹ một lượt rồi quát lên rằng:
- Á, thằng này là thằng Vương Tiểu Tam đó phải không?
Anh kia đáp:
- Vâng, chính tôi đây, xin cậu cứu tôi với.
Mọi người nghe lấy làm kinh ngạc, rồi Lôi Hoành hỏi Bảo Chính rằng:
- Người nầy là ai? Sao lại biết Bảo Chính?
- Thưa ngài, thằng nầy là thằng Vương Tiểu Tam con bà chị tôi đây, hồi có còn nhỏ có ở đây bốn năm, rồi sau nó theo bố mẹ sang Nam Kinh, chừng đã mấy mươi năm trời nay rồi. Hồi nó mười bốn mười lăm tuổi có theo một người buôn bán qua đây một lần, rồi từ bấy tới nay không thấy tăm hơi đâu cả. Sau chỉ thấy người ta nói là nó lêu lổng không ra gì, thế mà sao bây giờ lại vơ vẩn ở đây. Lạ thực! Tôi trông nó bây giờ cũng không nhớ mấy, chỉ còn nhận được cái nốt ruồi đỏ ở trên mái tóc, cho nên được biết nó là cháu.
Nói xong quay ra mắng rằng:
- Tiểu Tam? Sao mầy đến đây mà không tìm vào nhà tao, lại còn đi trộm cướp làm càn như vậy?
Người kia cũng kêu rằng:
- Thưa cậu, tôi có đi làm càn dở gì đâu?
- Mày không làm càn, có lẽ đâu người ta lại bắt?
Nói đoạn vớ lấy thanh gậy ở trong tay một đứa thổ binh giơ lên toan đánh.
Lôi Hoành cùng mọi người đều túm lại khuyên rằng:
- Bảo Chính hãy khoan tay, để hắn nói xem sao đã.
Anh kia lại nói:
- Xin cậu hãy bớt giận, để tôi kể cậu nghe: Từ khi tôi về đây một lần, vào quãng mười bốn, mười lăm tuổi, tới nay đã ngoại mười năm rồi, hôm qua nhân đi đường uống mấy chén rượu quá say, không dám vào chào cậu, cho nên phải nằm tạm ở miếu đó một đêm, định sáng nay sẽ vào. Ai ngờ bị bọn họ đến, bất vấn thị phi gì cả, cứ trói phăng mà giải đến đây, chứ nào tôi có trộm cướp gì đâu? Tiều Cái lại giơ gậy lên, tay thì toan đánh, mà miệng thì mắng rằng:
- Đồ súc sinh, mầy đến đây mà không tìm ta ngay, mà tham ăn uống làm vậy? Nhà ta không có rượu cho ngươi uống hay sao? Mày làm thế thì có nhục không?
Lôi Hoành can ngăn mà rằng:
- Thôi, Bảo Chính đừng giận nữa, anh ấy cũng không ăn trộm ăn cướp gì đâu. Bởi vì chúng tôi thấy anh nầy to lớn, mặt mày lại vơ vẫn nằm ngủ ở miếu, cho nên tôi mới ngờ mà bắt đó thôi, nếu có biết là cháu ngài, thì có đâu chúng tôi lại thế.
Nói xong gọi thổ binh cởi trói cho người kia, để trả lại cho Bảo Chính.
Chúng nghe nói lập tức cởi trói cho người kia. Lôi Hoành lại nói;
- Xin Bảo Chính tha lỗi cho, vì chúng tôi lỡ lầm không biết là cháu ngài, thực là đắc tội. Chúng tôi xin phép ngài để về huyện thôi.
Tiều Cái nói:
- Hãy khoan, mời Đô Đầu vào chơi tôi nói câu chuyện này đã.
Nói xong lại mời Lôi Hoành vào nhà trong, đưa ra 10 lạng bạc mà rằng:
- Tôi gọi là chút thành tâm, xin Đô Đầu nhận lấy cho.
Lôi Hoành từ chối mà rằng:
- Sao ngài lại thế? Chúng tôi không dám nhận.
- Nếu thế thì ngài không nể Tiều Cái tôi, xin thế nào ngài cũng cầm lấy cho.
Lôi Hoành miễn cưỡng cầm lấy mà rằng:
- Bảo Chính đã dạy thế, thì tôi xin tạm lấy, rồi sau sẽ trả ơn ngài.
Bảo Chính lại gọi anh kia đến tạ ơn Lôi Hoành, và lấy thêm ít tiền đưa cho lũ thổ binh, rồi lại tiễn chân bọn ấy ra về.
Bấy giờ Tiều Cái mời anh chàng kia vào nhà trong, sai người lấy quần áo cho thay, rồi ung dung hỏi đến tên họ hành tung.
Người kia nói:
- Tôi họ Lưu tên Đường, vốn người ở Đồng Lộ, nhân vì bên mái tóc có lông đỏ, cho nên họ thường gọi tôi là Xích Phát Qủy, nay nhân có một món phú quý rất to, toan đến đây để hiến ngài, ai ngờ bị họ bắt đem đến đây, thực là sự bất hạnh mà cũng may cho tôi lắm, vậy xin Ca Ca hãy nhận tôi bốn lạy rồi sẽ thưa chuyện.
Nói xong lạy luôn ngay bốn lạy. Tiều Cái hỏi:
- Phú quý thế nào, ở đâu, bác hãy nói tôi nghe xem sao?
Lưu Đường nói:
- Chúng tôi từ thủa nhỏ trôi nổi giang hồ, nay đây mai đó, cũng kết nạp được ít bạn hảo hán ở trong đời, xưa nay vẫn thấy bọn tay chơi ở Sơn Đông Hà Bắc, thường hay lẩn quẩn đến đây, bởi thế nên tôi biết tiếng Ca Ca, mà muốn đến đây để bàn một việc. Nhưng việc này tất phải kín đáo không thể nào có một người ngoài nghe được.
- Ở đây toàn là tâm phúc của tôi cả, xin cứ nói không hề chi.
- Ngài có biết chuyện Lương Trung Thư ở Bắc Kinh đây sắp đưa châu báu về mừng bố vợ là Thái Sư ở Đông Kinh không? Ấy năm ngoái đã đưa đi một chuyến 10 vạn quan tiền châu báu, mà giữa đường bị người ta cướp mất, đến nay tra mãi không ra. Tới năm nay lại sắp tải đi 10 vạn kim ngân châu báu nữa, để mừng sinh nhật hôm rằm tháng sáu, có lẽ nay mai là khởi trình đây. Tôi thiết tưởng cái của bất nghĩa, nó khoét xương hút máu của dân ấy, dẫu ta có lấy đi cũng chẳng tội gì? Vả tôi nghe tiếng Ca Ca là người tài giỏi, mà tôi đây dẫu chẳng ra gì, cũng biết được một đôi ngón võ, bởi vậy muốn đến bàn với Ca Ca, nên thừa cơ hội mà cướp lấy món tiền của cái đồ ăn cướp ngày của dân kia, mà cứu bọn giang hồ bần bách, có thú hơn không? Cứ như bọn chúng ta đi, thì tôi tưởng không kể gì nó có dăm ba người, dẫu nó có tới vài ba nghìn quân, ta cũng có thể vung đầu gậy mà không sợ chi hết cả. Việc ấy nếu Ca Ca định làm, thì tiểu đệ xin tình nguyện giúp một tay, Ca Ca nghĩ sao?
Tiều Cái nói:
- Ta hãy thư thả bàn kỹ xem đã. Nay bác mới ở xa đến, chắc là hãy còn mệt nhọc, vậy xin hãy vào phòng nghỉ, rồi ta sẽ bàn lại.
Nói xong gọi người nhà dẫn Lưu Đường vào một gian phòng mới nằm ở đó. Khi Lưu Đường nằm một mình ở trong phòng, chợt nghĩ ra rằng: "Mình phen này thực vất vả quá! Cũng may mà gặp được Tiều Cái, cho nên mới thoát được thế này, nhưng nghĩ lại giận cho thằng khốn nạn hôm qua, bỗng dưng nó bắt mình, bảo ngay là giặc cướp, mà trói giam mất hẳn một đêm, thế có tức không? Bây giờ có lẽ nó đi cũng chưa xa mấy, âu là ta đuổi đánh cho nó một mẻ, mà lấy lại món tiền cho Tiều Cái là hơn. Đồ súc sinh ấy nó quen thói tham quan lại nhũng xưa nay, phải liệu cho nó mới được".
Nghĩ đoạn vớ thanh đao đi ra, khép cửa buồng lại, rồi lẻn ra ngoài trang mà chạy về đằng Nam để theo Lôi Hoành. Mới hay:
Anh hùng đứng ở trên đời,
Lẽ nào dung túng những loài tham ô.
Ra tay múa ngọn gươm thù,
Moi gan tàn ác đền bù núi sông.
Bấy giờ mặt trời đã cao hơn trượng, Lôi Hoành đương dẫn lũ thổ binh đi lững thững trên đường, Lưu Đường chạy thốc lại đến nơi mà quát lên rằng:
- Tên Đô Đầu kia, muốn sống đứng lại đấy.
Lôi Hoành nghe nói giật mình quay cổ lại, thấy Lưu Đường hầm hầm chạy đến, liền giật lấy thanh đao của đứa thổ binh mà thét lên rằng
- Thằng kia mày định đuổi ta để làm gì?
Lưu Đường nói:
- Mầy có biết điều để 10 lạng bạc đây, thì ta tha cho mày.
- Tiền nầy là tiền của cậu mầy tặng ta đây, có chuyện gì đến mày? Nếu ta không nể cậu mầy, thì ta chém cổ đi rồi, lại còn dám đến đòi tiền ta hay sao?
Lưu Đường hầm hầm giận dữ mà rằng:
- Ta tự nhiên vô cớ không làm giặc ăn cướp gì, thế mà mầy dám bắt trói ta một đêm, rồi lại biểu cậu ta mà lấy 10 lạng bạc là nghĩa gì? Quân nầy hút máu hút mủ của dân đã quen, còn toan bắt nạt bọn ta à? Muốn tử tế đưa trả món tiền ấy đây, bằng không ta xé xác lập tức bây giờ cho mà coi.
Lôi Hoành cũng nổi giận trỏ Lưu Đường mà mắng rằng:
- Mầy là đồ ăn cắp làm nhục cả gia phong, lại còn dám vô lễ với ta à?
- Chính mầy là đồ ăn cướp ăn hại của dân của nước, mầy còn há mồm mắng ai?
Lưu Đường nói xong vác đao xông vào đánh luôn. Lôi Hoành cười ha hả rồi giơ đao lên đỡ. Hai bên đánh nhau ở giữa đường cái có tới 50 hiệp, mà không biết bên nào được bên nào thua.
Bọn thổ binh thấy vậy, toan kéo nhau đến để giúp sức Lôi Hoành, mà đánh Lưu Đường. Chợt đâu bên cạnh đường có một người, ở trong cánh cửa phên, vác đôi đồng giản bước ra kêu lên rằng:
- Hai hảo hán hãy khoan tay tôi nói câu này đã.
Nói đoạn xông vào đưa đồng giản rẽ đám đánh nhau ra làm đôi. Lưu Đường và Lôi Hoành dừng tay đứng xa ra ngoài vòng, rồi nhìn lên thấy người kia, mày xanh mắt sắc, mặt trắng râu dài, ăn mặc ra dáng một nhà nho sĩ. Nguyên người ấy tên là Trí Đa Tinh Ngô Dụng, biểu tự là Học Cứu, đạo hiệu là Gia Lượng tiên sinh, vốn người làng ở đấy, chơi với Tiều Cái rất thân xưa nay.
Bấy giờ Ngô Dụng tay cầm đồng giản trỏ hỏi Lưu Đường rằng:
- Bác nầy ở đâu? Vì cớ sao lại đánh với Đô Đầu thế?
Lưu Đường trừng mắt nhìn Ngô Dụng mà nói rằng:
- Không việc gì đến nhà thầy.
Lôi Hoành thấy vậy, liền đem đầu đuôi kể cho Ngô Dụng nghe, Ngô Dụng nghe nói bảo Lưu Đường rằng:
- Nếu vậy thì bác đừng chấp nê nữa, ông cậu bác với tôi là chỗ chí thân, mà Đô đầu đây là người tử tế, nếu bác lại làm như thế, thì mất cả thể diện ông cậu bác chứ không phải chơi.
Lưu Đường đáp rằng:
- Nhà thầy không biết, nguyên việc này là hắn đánh lừa để lấy tiền, chứ cậu tôi có bằng lòng cho hắn đâu! Nếu hắn không trả lại, thì tôi thề quyết không thôi.
Lôi Hoành nói:
- Trừ khi có Bảo Chính đến đây thì tôi trả lại.
Lưu Đường nói:
- Ngươi muốn đổ oan cho người ta là giặc, rồi lại lừa lấy tiền mà không trả ta là nghĩa lý gì?
- Ta nhất định không trả.
- Không trả thì hỏi thanh đao ở tay ta đây.
Ngô Dụng lại gạt đi mà rằng:
- Hai bên đánh nhau suốt nửa ngày trời, chưa biết bên nào được thua, giờ định còn đánh nhau đến đâu nữa.
Lưu Đường nói:
- Đánh đến bao giờ một thằng sống, một thằng chết mới thôi.
Lôi Hoành nói:
- Nếu ta có sợ ngươi, thì ta đã thét thổ binh vào đánh giúp, nhưng thế không phải là hảo hán, chỉ một mình ta cũng đánh đổ được ngươi cho mà xem.
Lưu Đường cả giận vỗ bụng thét lên rằng:
- Ta không sợ, ta không sợ!
Nói đoạn lại xông vào đánh nhau, Ngô Dụng hết sức can ngăn cũng không được. Chợt đâu thấy bọn thổ binh trỏ đằng xa mà nói rằng:
- Bảo Chính đã đến kia, ta đến nói với Bảo Chính mới được.
Lưu Đường nghe nói vội quay lại xem, thấy Tiều Bảo Chính đương khoác áo xốc xa xốc xếch, chạy tong tả đến mà quát lên rằng:
- Thằng rồ dại kia không được vô lễ.
Ngô Dụng thấy Bảo Chính đến, cười ta lên mà bảo rằng:
- Xin mời Bảo Chính đến đây, các ông đương đánh nhau hăng quá.
Tiều Cái vừa thở hồng hộc vừa nói:
- Làm thế nào mà đã trốn đến đây để đánh nhau thế?
Lôi Hoành nói:
- Anh ấy vác đao đến đòi trả lại 10 lạng bạc, nhưng tôi bảo có ngài đến, thì tôi sẽ trả, ai ngờ anh ấy giơ tay đánh luôn, có tới năm sáu mươi hiệp, rồi sau thầy đồ đến khuyên giải mãi cũng không thôi.
Tiều Cái nói:
- Thằng súc sinh này, thế mà tôi không được biết, xin Đô đầu nể mặt tôi mà đi về, rồi khi khác tôi xin đến tạ tội.
- Vâng, có thầy đồ đấy, tôi có chấp anh ta đâu, làm thế thì thành ra lại phiền cho Bảo Chính quá.
Lôi Hoành nói xong bái tạ Tiều Cái, Ngô Dụng mà kéo thổ binh về huyện.
Bấy giờ Ngô Dụng nói với Tiều Cái rằng:
- Hôm nay nếu Bảo Chính không ra đây, thì có lẽ xảy ra chuyện to mất. Võ nghệ của cháu ngài giỏi lắm, tôi đứng nấp xem đã lâu, thấy Lôi Hoành đã là một tay thiện nghệ, mà cũng chỉ che đỡ quanh co không sao địch nổi. Nếu hai người đánh nhau luôn một hồi nữa thì Lôi Hoành tất nguy mất, vì thế nên tôi phải chạy ra can lại. Nhưng không biết rằng cháu ngài ở đâu đến đây, mà tôi không thấy ở trang bao giờ?
Tiều Cái nói:
- Tôi đương tính sai người đi mời ngài đến nói chuyện, bất đồ tìm đến anh này thì không thấy đâu, mà thanh đao ở trên giá cũng mất. Sau thấy trẻ chăn trâu nói hảo hán vác thanh đao chạy ra phía Nam, tôi liền tất tả đuổi theo đến đây, may mà có ngài khuyên giải hộ, không thì lỡ ra việc lớn không chơi. Bây giờ xin mời thầy qua bên tôi chơi, bàn mấy câu chuyện cần đã.
Ngô Dụng vâng lời, quay về nhà học, cất đồng giản đi, dặn nhà chủ cho học trò nghỉ một buổi, rồi khóa cửa buồng học, mà cùng với Tiều Cái, Lưu Đường đi vào trang viện.
Khi về tới nhà, Tiều Cái mời Ngô Dụng vào cả nhà trong cùng ngồi nói chuyện, rồi đem tên họ Lưu Đường, cùng câu chuyện đến đây để thuật cho Ngô Dụng nghe, và lại bảo rằng:
- Bác ta đến đây, thực là một ý rất tốt mà lại ứng với giấc mộng của tôi đêm qua. Đêm hôm qua tôi nằm mê thấy bảy vì sao Bắc Đẩu, rơi xuống nóc nhà, mà trên chỗ chuôi sao Đẩu lại có một vì sao nhỏ, hóa ra một tia sáng đi sang Bắc mất. Tôi đoán như thế, tất là có lợi, đương định đi mời thầy đến để xem việc ấy như thế nào?
Ngô Dụng cười mà đáp rằng:
- Tôi thấy bác Lưu Đường đến đây, bằng một cách nhiêu khê như vậy, trong lòng cũng đã đoán được bảy tám phần rồi, nếu quả như thế thì là một việc rất hay nên làm, những của tham tàn bất nghĩa không lấy thì để làm chi! Duy có một điều là việc nầy bất tất phải nhiều người, nhưng, mà ít người quá cũng không được. Trong bọn người nhà đây kể cũng nhiều, nhưng mà vô dụng cả, còn ba người mình tuy có giỏi thực, cũng khó lòng mà đảm nhiệm được xong, việc này tất do phải có bảy tám tay hảo hán mới xong, chứ nhiều quá cũng vô ích.
Tiều Cái nói:
- Chẳng hay là ứng vào với số sao ở trong giấc mộng chăng?
- Có lẽ, giấc mộng của quan bác không phải tầm thường, cái này chắc là về mạn Bắc lại có người phù trợ được ta đây hẳn.
Nói đoạn, chau mày ngồi nghĩ một lúc, rồi lại nói rằng:
- Được rồi...được rồi...tôi nhớ ra trong ấy có ba anh em nhà nầy, võ nghệ cao cường mà nhất sinh can đảm, là có thể giúp ta xong việc, để rồi ta xin kể cho Bảo Chính nghe...
Cho hay:
Anh hùng mới biết anh hùng,
Có trong thanh khí mới cùng tìm nhau,
Giang Hồ xuôi ngược bấy lâu,
Non xa nước bạc thiếu đâu anh tài?
Đã mang tiếng gớm ghê đời,
Làm cho đáo để cho người gớm ghê!
Phù vân là của bất nghì,
Giết người tàn ác tội gì hay không!
Lời bàn của Thánh Thán:
Một bộ sách bảy mươi hồi, chép một trăm lẻ tám anh hùng, thì Tiều Cái là người khởi lên làm Thủ Lãnh, Tiều Cái khởi lên làm Thủ Lãnh, mà không chép ngay tự hồi đầu, như mọi chuyện khác, đến hồi 13 mới xuất danh, bao nhiêu chuyện đã xẩy từ 13 hồi trước, nhân đó mà được biết tác giả trong lòng chứa toàn bộ truyện, rồi sau hạ bút viết ra. Nếu không trong lòng chứa toàn bộ truyện, tả Tiều Cái ngay từ đầu, làm những chuyện kinh thiên động địa, như quấy nước chọc trời, thì đám giặc ấy còn đâu giá trị, phải tả ra bao nhiêu rắc rối mọi người, để đưa lại Tiều Cái làm Thủ Lãnh, đám người ấy mới khỏi tai tiếng sau này.
Gia Lượng mới ra khỏi lều tranh, nói một câu đầu: Việc này ít người làm chẳng được, mà nhiều người làm cũng chẳng được, lời nói chí lý thay dẫu đem trị thiên hạ, cũng không khác vậy. Câu nói ít người làm chẳng được, cũng như câu nói nhiều người làm chẳng được, vì kẻ hay người dở, phải xét được ra, để mà dùng đến. Hỡi ôi! Vua không kín đáo, thì mất đến thân mình, đúng như câu: Dân có thể khiến theo, không thể cho biết, đấy cơ mưu vậy. Theo Lễ chế nhà Châu dùng 360 vị quan, đều thuộc loại dân khả xử đây, bất khả xử tri, vì Khu Mật Viện Đại Thần chỉ Tam Công Tam Cô dự bàn, còn nhiều người không được. Ngô Dụng nói há chẳng phải là yếu luận việc Vương Đạo trị thiên hạ đấy ư? Một bộ truyện tả 108 anh hùng, làm đầu là Tiều Cái, khởi ra từ giấc mộng, thì than ôi! Đáng tỉnh ngộ thay! Vì kể ra sự tích 108 người, có cười, có khóc, có khen, có chê, có nhường, có cướp, có luồn cúi, có báo thù...Thế mà khởi đầu từ một giấc mộng, thì biết ở đời việc gì không là mộng ảo? Đại địa mộng quốc, xưa nay mộng ảnh, vinh nhục mộng sự, chúng sinh mộng hồn... Há chuyện 108 người này là mộng, xưng hùng xưng bá, nay còn đâu? Đại thiên thế giới đều là mộng cả, độc giả đến nay chẳng đáng ngại.
Hồi 14:
Ngô Học Cứu thuyết ba chàng Nguyễn;
Công Tôn Thắng ưng bảy vì sao
Khi đó Tiều Cái nghe Ngô Dụng nói, thì vội vàng hỏi rằng:
- Ba người ấy là ai, xin ngài cho tôi biết?
Ngô Dụng đáp:
- Ba người ấy là ba anh em ruột ở thôn Thạch Kiệt, gần Lương Sơn Bạc, xưa nay chỉ sinh nhai về nghề đánh cá, và cũng đôi khi có giở ngón chơi bời ghê gớm. Một người là Lập Địa Thái Tuế Nguyễn Tiểu Nhị, một người là Đỏan Mạnh Nhị Lang Nguyễn Tiểu Ngũ, và một anh là Hoạt Diêm La Nguyễn Tiểu Thất, ba anh em đều chơi thân với tôi cả. Và tôi xem ý ba anh ấy dẫu không học thức gì, song thực là những người có chí khí nam nhi, mà lại có lòng nghĩa hiệp quả cảm, nếu được có bọn họ giúp cho, thì chả việc gì mà không xong được.
Tiều Cái nói:
- Tôi cũng nghe danh thấy tiếng ba anh em họ Nguyễn đã lâu, nhưng chưa có dịp nào được gặp...Thôn Thạch Kiệt chỉ cách đây chùng một dặm đường, hay là thử cho người đi triệu họ đến đây, được chăng?
- Không được, việc ấy tất là tôi đi thì mới thuyết được họ đến đây, chứ sai người đi thì hỏng mất.
Tiều Cái cả mừng mà rằng:
- Nếu tiên sinh nghĩ thế thì còn gì hơn, nhưng chẳng hay bao giờ tiên sinh định đi?
- Việc này không thể chậm được, chỉ đêm hôm nay tôi đi, là sáng mai có thể đến đấy được rồi.
Tiều Cái lấy làm vui lòng khen phải, rồi sai người nhà dọn rượu lên để ba người cùng đánh chén.
Ngô Dụng bảo với Lưu Đường rằng:
- Con đường từ Bắc Kinh đi sang Đông Kinh, thì ta đã thuộc cả rồi, nhưng không biết rằng họ đi lối nào? Việc này có lẽ phải phiền Ngô Huynh thám thính giúp, xem hôm nào họ đi, và họ đi đường nào mới được.
Lưu Đường nói:
- Vâng, để đêm nay tiểu đệ xin đi.
Ngô Dụng nói:
- Nhưng mà hãy thư thả, nay mới là đầu tháng năm, còn cách hơn bốn mươi ngày nữa, mới đến rằm tháng sáu, vậy hãy xin đợi tôi đi bảo đám kia về rồi sẽ liệu.
Đoạn rồi ba người cùng uống rượu với nhau, hồi lâu mới nghỉ. Vào khoảng đầu trống canh ba, Ngô Dụng dậy sớm rửa mặt mũi, ăn qua miếng cơm sáng rồi, giắt lấy ít tiền mà từ giã Tiều Cái, Lưu Đường rồi đi sang Thạch Kiệt. Trưa hôm sau đi đến thôn Thạch Kiệt, Ngô Dụng vào thẳng nhà Nguyễn Tiểu Nhị. Khi đến cửa thấy có mười mấy gian nhà lá ở giữa khoảng non cao nước thẳm, trước hàng dậu thưa có chăng phơi một bức lưới rách và có mấy con thuyền câu buộc ở cọc dậu.
Bấy giờ Ngô Dụng lên tiếng hỏi rằng:
- Nhị Ca có nhà hay không?
Vừa hỏi dứt lời, thì Nguyễn Tiểu Nhị đã chạy ra, trông thấy Ngô Dụng rồi vồn vã hỏi chào rằng:
- Kìa tiên sinh, đã lâu không được gặp, chẳng hay cơn gió gì, thổi tiên sinh trôi dạt đến đây thế?
Ngô Dụng cười mà đáp rằng:
- Tôi có chút việc, muốn đến phiền Nhị Ca đây!
- Việc gì xin tiên sinh cứ nói.
- Tôi lâu nay ngồi dạy học ở nhà một người Đại phú hộ, nay ông ta sắp làm bữa tiệc, muốn cần dùng mươi lăm con cá lớn, vào khoảng mười bốn, mười lăm cân một, bởi vậy tôi muốn đến đây phiền quan bác giúp cho.
Nguyễn Tiểu Nhị cười mà đáp rằng:
- Tiểu đệ hãy xin hầu tiên sinh mấy chén rượu, rồi ta sẽ nói chuyện được chăng?
Ngô Dụng nói:
- Được lắm, chính ý tôi cũng muốn uống với Nhị Ca mấy chén cho vui đây.
- Nếu vậy bên kia hồ có mấy hàng rượu, ta xuống thuyền sang đấy đánh chén một thể.
Ngô Dụng nói:
- Thế thì hay lắm, nhưng tôi còn muốn nói chuyện với bác Tiểu Ngũ nữa, không biết rằng bác ấy có nhà không?
Tiểu Nhị nói:
- Ta thử cùng đến đấy xem!
Nói đoạn bảo Ngô Dụng cùng xuống thuyền cởi dây buộc mà chèo đi.
Vừa chèo đi được một quãng, thì thấy Tiểu Nhị vẫy tay đằng trước mặt mà nói to lên rằng:
- Thất Ca có thấy Ngũ Ca đâu không?
Ngô Dụng nghe hỏi, ngẩng lên nom thì thấy trong đám bụi lau, có một con thuyền lách ra, rồi thấy Nguyễn Tiểu Thất đội nón lá, mặc áo ngắn, ngồi ở trên vừa chèo vừa hỏi rằng:
- Nhị Ca định tìm Ngũ Ca để làm gì đó?
Ngô Dụng liền ứng lên rằng:
- Thất Ca ơi! Tiểu Đệ đến hầu chuyện các bác đây!
Nguyễn Tiểu Thất trông thấy Ngô Dụng, thì mừng rỡ mà rằng:
- Chào tiên sinh, tiên sinh đến đây từ bao giờ, mà sao lâu nay không được gặp thế?
Ngô Dụng nói:
- Mời bác đi uống rượu với Nhị Ca một thể đi.
- Vâng, hôm nay có tiên sinh đến chơi, tôi xin đi hầu ngài mấy chén rượu cho vui.
Nói đoạn cùng chèo thuyền đi đến một chỗ gò cao ở giữa hồ, trên có bảy tám gian nhà lá, rồi Nguyễn Tiểu Nhị lên tiếng mà hỏi rằng:
- Lão Nương ơi! Ngũ Ca có nhà hay không?
Bà già nghe hỏi, chạy ra đáp rằng:
- Ối chà! Nói thế nào được! Bây giờ cá cũng không đánh, chỉ suốt ngày cờ bạc rông dài, xác xơ như nhộng vậy. Vừa rồi mới về tháo cành thoa ở trên đầu tôi, đem đi đánh bạc rồi đấy.
Tiểu Nhị nghe nói thì cười một tiếng, rồi lại quay thuyền đi.
Nguyễn Tiểu Thất đi thuyền sau nói với Nguyễn Tiểu Nhị rằng:
- Không biết làm sao mà Ngũ Ca đen thế? Đánh bạc chỉ thua hoài mãi thôi...mà đến tôi đây cũng thế, phen này thực là trần trụi không còn gì nữa.
Ngô Dụng thấy nói như thế, thì trong lòng ám tưởng: "Anh này tất mắc kế của ta". Bây giờ hai thuyền chèo đi được một lúc, đến bên cầu Độc Mộc có một đại hán vác hai chuỗi tiền, đương vội xuống thuyền sắp đi. Nguyễn Tiểu Nhị kêu to lên rằng:
- Ngũ Lang phát tài chăng?
Nguyễn Tiểu Ngũ nghe hỏi mà cười rằng:
- Té ra là Ngô tiên sinh đấy à? Sao mấy năm nay không gặp tiên sinh thế? Tôi đứng trên cầu trông thấy các ông đã nửa ngày rồi.
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Tôi với Ngô tiên sinh đến tận nhà tìm, thấy lão nương nói rằng đi đánh bạc rồi chúng tôi lại kéo đến đây để mà tìm. Bây giờ chúng ta mời Ngô Tiên Sinh đi lên hàng đánh chén đi.
Nguyễn Tiểu Ngũ nghe nói, nhảy xuống thuyền, ba cái cùng thong dong chèo đi đến một chỗ khóm sen gần đó, rồi buộc thuyền vào bến mà đi đến tửu điếm.
Khi vào tới tửu điếm, bốn người cùng đến một chỗ nhà sàn, tìm chỗ bàn ghế sơn dầu sạch sẽ, rồi Tiểu Nhị nói với Ngô Dụng rằng:
- Tiên Sinh đừng cười anh em tôi là thô tục...xin đón tiên sinh ngồi trên.
Ngô Dụng nói:
- Có đâu dám thế, xin mời các bác ngồi.
Tiểu Thất nói:
- Ca Ca xin ngồi chủ vị, để tiên sinh ngồi khách vị, còn hai anh em tôi ngồi đây trước là xong.
Ngô Dụng cười nói:
- Phải, tính Thất Lang nhanh nhẹn thế là phải.
Đoạn rồi bốn người cùng ngồi, gọi một thùng rượu và các thứ đũa chén lên.
Nguyễn Tiểu Nhị hỏi nhà hàng rằng:
- Có gì nhắm tốt không?
- Có thịt bò mới, béo lắm, các ngài xơi.
- Được rồi, lấy mươi cân thái to to đem ra đây.
Nhà hàng vâng lời quay đi, Nguyễn Tiểu Nhị lại nói với Ngô Dụng rằng:
- Xin tiên sinh chớ cười tôi là vô lễ.
- Lẽ nào?... tôi đến đây phiền nhiễu các bác thì có, Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Sao tiên sinh dạy thế?
Bấy giờ nhà hàng đem thịt bò lên bầy trên bàn, rồi ba anh em họ Nguyễn cất chén, mời Ngô Dụng xơi rượu và lấy thức nhắm.
Ngô Dụng ăn có mấy miếng thịt, thì không nuốt đi được nữa. Bọn kia thì ngốn như xa cán ngốn bông vậy. Một lúc rồi Nguyễn Tiểu Ngũ mới ngẩng đầu lên hỏi chuyện Ngô Dụng rằng:
- Tiên sinh đến chơi đây...Chẳng hay có việc gì nữa?
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Bây giờ tiên sinh ngồi dạy học ở một nhà phú hộ, ngài muốn đến đây hỏi anh em ta tìm hộ cho mươi lăm con cá to, nặng chừng mười bốn mười lăm ký một.
Nguyễn Tiểu Thất nói:
- Giá mọi khi ra thì đến năm ba chục con cũng có thể kiếm được, nhưng bây giờ thì đến hạng cá mươi cân cũng khó lòng mà có được.
Nguyễn Tiểu Ngũ nói:
- Nếu tiên sinh có dùng hạng cá to độ năm sáu cân một, thì chúng tôi xin tặng ngài được mươi con.
Ngô Dụng cười mà rằng:
- Tôi có tiền đây, mua hết bao nhiêu thì xin tính trả, song tất phải dùng hạng mười bốn mười lăm cân mới được, còn hạng bé thì tôi không dùng đến.
Nguyễn Tiểu Thất nói:
- Nếu thế thì tiên sinh tìm ở đâu cũng không được, đến ngay như hạng năm sáu cân mà Ngũ Ca tôi nói, cũng là hiếm lắm mà cũng phải đợi đến mấy hôm mới có thể tìm được nữa là...Á quên trong thuyền tôi có mấy con cá nhỏ còn sống ở đó, ta đem ra đây mà chén cho xong.
Nói đoạn chạy ra mở sạp thuyền bắt mấy con cá ước năm bảy cân lên, đem vào bếp nấu nướng một lúc rồi đem bày lên bàn ăn.
Nguyễn Tiểu Thất lại nói:
- Xin mời tiên sinh xơi tạm vậy.
Bấy giờ bốn người lại cùng bắt tay vào ăn uống một lúc, rồi Ngô Dụng tự nghĩ một mình rằng:
- Ở chỗ này bây giờ nói chuyện cũng không tiện, tất thế nào đêm nay cũng phải ngủ lại ở nhà trọ, thì mới có thể nói được.
Được một lát trời đã gần tối, Nguyễn Tiểu Nhị nói với Ngô Dụng rằng:
- Bây giờ trời sắp tối rồi, xin đón tiên sinh về nghỉ ở nhà tôi, rồi sáng mai ta sẽ bàn.
Ngô Dụng nói:
- Tôi đi hôm nay thực là may mắn, mới gặp được cả ba bác như thế này, vậy tiền bữa rượu hôm nay chắc là không khi nào các bác để cho tôi trả. Nhưng còn đêm nay tôi còn phải nghỉ nhờ ở bên Nhị Ca một tối, nhân tôi có ít tiền đây, muốn phiền các bác mua hộ ngay rượu thịt ở đây, rồi ta về mua thêm con gà ở quanh xóm để tối nay đánh chén nói chuyện với nhau có được không?
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Có khi nào chúng tôi lại để cho tiên sinh trả tiền; cái đó chắc anh em chúng tôi phải chuẩn bị cả, chả lẽ lại không kiếm được đủ hay sao?
- Đành vậy, nhưng trong lòng tôi thành tâm như thế, nếu các bác không nghe lời ấy, thì tôi xin về bây giờ, không dám lưu lại nữa.
Nguyễn Tiểu Thất nói:
- Thôi tiên sinh đã nói, thì ta hãy cứ cầm lấy, rồi sau sẽ liệu.
Ngô Dụng nói:
- Phải, tính Thất lang nhanh nhẹn thế, thú lắm.
Nói đoạn, lấy một lạng bạc đưa cho Nguyễn Tiểu Thất, Tiểu Thất lấy tiền, gọi nhà hàng ra mua một hũ rượu lớn, hai mươi cân thịt bò sống, và đôi gà to, rồi Tiểu Nhị tính trả tiền mà về. Bốn người đi ra khỏi tửu điếm, tìm đến chỗ buộc thuyền, rồi bước xuống cổi thuyền chèo về nhà Nguyễn Tiểu Nhị.
Khi về tới nơi, Nguyễn Tiểu Nhị mời mấy người vào mái Thủy Đình đằng trong để ngồi chơi rồi sai vợ (ba anh em duy một mình Tiểu Nhị có vợ) và người nhà giết gà nấu thịt làm chén.
Vào khoảng gần hết canh một, các thức nhắm đã làm xong, bày biện ở trên bàn, bốn người quây quần vào đánh chén.
Bấy giờ Ngô Dụng lại giở đến chuyện mua cá mà rằng:
- Ở đây hồ lớn như thế, mà sao lại không có cá to?
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Chả giấu gì ngài, cá to thì trừ ra chỉ ở Lương Sơn Bạc là có được, chứ ở thôn đây hẹp hòi làm sao tìm bới cho ra!
- Đây với Lương Sơn Bạc chỉ có một con nước thông nhau, không xa là mấy, sao không vào đấy mà đánh cá có được không?
Nguyễn Tiểu Nhị thở ra một tiếng mà than rằng:
- Nếu vào được, còn nói làm chi nữa?
Ngô Dụng hỏi:
- Làm sao bác lại thở dài, mà bảo không vào được?
Nguyễn Tiểu Nhị vội đỡ lời lên rằng:
- Tiên sinh không biết, chỗ Lương Sơn Bạc trước vẫn là kho cơm áo của chúng tôi, nhưng ngày nay lại không dám đến nữa rồi.
Ngô Dụng nói:
- Có lẽ một chỗ rộng lớn như thế, mà quan tư lại cấm đánh cá hay sao?
- Quan tư nào cấm chúng tôi đánh cá, có đến ông Diêm Vương sống cũng không cấm được nữa là...
- Nếu vậy, sao không dám vào?
- Tiên sinh không biết đâu, để tôi kể chuyện cho tiên sinh nghe...
Ngô Dụng làm bộ ngơ ngẩn mà rằng:
- Thực tôi không biết là thế nào cả.
Nguyễn Tiểu Thất tiếp luôn:
- Chỗ Lương Sơn Bạc thì gớm lắm! Bây giờ mới có một bọn cường đạo ở đấy, họ có cho đánh cá nữa đâu!
Ngô Dụng lại hỏi:
- Thế ra tôi không biết! Bây giờ lại có bọn cường nhân ở đấy, mà sao tôi không nghe thấy bao giờ?
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Bọn ấy có anh đầu đảng là một anh học trò thi hỏng trở về, tên là Bạch Y Tú Sĩ Vương Luân, anh thứ hai là Mô Tước Thiên Đỗ Thiên và anh thứ ba là Vân Lý Kim Cương Tống Vạn. Lại có anh là Hãn Địa Hốt Luận Chu Quý, thì mở cửa hàng ở ngoài đường cái, để dò xét sự tình. Mới đây lại thêm một anh hảo hán, trước đã từng làm Giáo Đầu dạy cấm quân ở Đông Kinh, tên là Báo Tử Đầu Lâm Xung nào đó, lại là một tay võ nghệ siêu quần, không ai địch nổi. Mấy đứa chó má ấy nó tụ họp có tới năm bảy trăm lâu la, chỉ đi phá nhà cửa, cướp bóc khách buôn, rồi giữ riết lấy chỗ ấy, làm cho anh em chúng tôi, đến hơn năm nay mất cả áo cơm với họ, mà không dám vào đấy nữa!
Ngô Dụng nói:
- Có sự lạ thế mà tôi không biết! Nhưng làm sao quan quân lại không tróc nã họ đi?
Nguyễn Tiểu Ngũ nói:
- Nếu quan quân mà động đến, tất là tàn hại đến dân, vì họ nghe tiếng động ở đâu, là họ hãy bắt các giống lợn gà chó má ở đấy để chè chén với nhau, rồi họ lại tống lấy ít tiền đã, bởi thế nên đám tuần cảnh bộ tập cũng đành phải mặc họ, mà không dám đến các hương thôn. Vả chăng nếu Thượng Thư có sai đến đám nào đi, thì anh nào anh ấy cũng sợ xôn xao cả rồi, còn làm gì được họ nữa?
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Chúng ta đây dẫu dạo này không kiếm được cá lớn, song cũng không đến nỗi bị họ quấy nhiễu như thế, cũng khá lắm rồi.
Ngô Dụng nói:
- Như thế, thì họ cũng khoái hoạt lắm nhỉ?
Nguyễn Tiểu Ngũ nói:
- Bọn ấy nó không sợ trời, không sợ đất, cũng không sợ quan tư, chỉ là có vàng bạc thì tiêu với nhau, có gấm vóc thì mặc với nhau, rượu uống hàng vò, thịt ăn hàng tảng, như thế thì làm gì mà không khoái hoạt? Như anh em tôi thành ra cũng có võ nghệ trong mình, mà không làm sao được như bọn họ, thế có chán không?
Ngô Dụng nghe đến câu đó, thì trong bụng lại mừng thầm, chắc là kế sách phải xong.
Nguyễn Tiểu Thất lại nói:
- Người ta sống một thời, cũng như cây cỏ sống một mùa, như anh em chúng tôi chỉ đánh cá kiếm ăn, sao bằng học họ được một ngày, là một ngày khoái hoạt.
Ngô Dụng nói:
- Hạng người ấy thì họ làm gì? Sự nghiệp của họ bất qua chỉ đến khi quan tư bắt được là roi trượng vào thân, mà uy thế hùng dũng cũng đến vất đi, để chịu tội, chứ làm sao hơn được nữa?
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Đám quan tư bây giờ, thì lại gà mờ không biết lắm. Những đứa ngập mắt chán vạn ra đấy, nhưng nào có việc gì đâu? Anh em chúng tôi bây giờ, thực là mất cả khoái hoạt, nếu có ai dắt cho đi như bọn kia, thì là đi ngay lập tức.
Nguyễn Tiểu Ngũ nói:
- Tôi cũng thường nghĩ như thế, nhưng anh em mình thực là võ nghệ chẳng kém gì ai, nhưng nào có ai biết đến.
Ngô Dụng nói:
- Nhưng mà có ai biết đến, thì ca bác cũng chả chịu đi đâu?
Nguyễn Tiểu Thất đáp:
- Nếu có ai biết đến anh em chúng tôi, thì dẫu dấn thân vào nơi nước lửa chúng tôi cũng đi, mà nếu có ai dùng đến chúng tôi được một ngày, thì dẫu cho chết ngay cũng được thỏa lòng, ở nơi chín suối.
Ngô Dụng nghe nói lấy làm mừng thầm trong bụng: "Ba anh em đã có ý thế, để ta tìm kế nhủ khuyên dần". Liền cất chén mời ba người uống luôn mấy tuần rượu nữa, rồi hỏi rằng:
- Bây giờ các bác phỏng có dám lên Lương Sơn Bạc mà bắt tụi ấy hay không?
Nguyễn Tiểu Thất đáp luôn rằng:
- Nếu có bắt được họ mà đem nộp quan lấy thưởng, thì cũng bị đám hảo hán giang hồ trên đời chê cười không ra gì nữa.
Ngô Dụng nói:
- Như ý tôi thiết nghĩ: Bây giờ ba bác bực mình vì chài lưới kiếm ăn, cũng chả lấy gì làm khoái hoạt, vậy hay là ca bác nhập bọn với họ hóa ra lại thú hơn.
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Tiên sinh không biết, chứ anh em chúng tôi đã mấy phen toan vào nhập bọn với họ đấy. Nhưng về sau thấy bọn thủ hạ của Bạch Y Tú Sĩ Vương Luân thường nói rằng: Anh ta bụng dạ hẹp hòi, không có lượng bao dung kẻ khác, mới đây Giáo Đầu Lâm Xung đến đó, cũng bị anh ta đãi chẳng ra gì, vì thế anh em tôi chán nản không muốn lên đấy nữa.
Nguyễn Tiểu Thất nói:
- Giá bọn họ mà được khẳng khái như tiên sinh, yêu đãi anh em tôi thì còn đâu nữa?
Nguyễn Tiểu Ngũ cũng nói:
- Phải, nếu bọn họ được như Ngô tiên sinh, thì anh em tôi đi đã lâu rồi, còn đâu đợi đến ngày nay, dẫu cho có vì họ mà chết nữa cũng can tâm.
Ngô Dụng khiêm tốn mà rằng:
- Tôi đây đã thấm vào đâu, bây giờ thiên hạ thiếu gì những tay hảo hán anh hùng hào kiệt mà...
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Đã đành là bọn hảo hán không thiếu gì, nhưng anh em chúng tôi không được gặp.
Ngô Dụng nói:
- Gần đây có ông Tiều Bảo Chính ở thôn Đông Khê, huyện Vận Thành, các bác có biết không?
Nguyễn Tiểu Ngũ nghe nói liền hỏi:
- Chẳng hay ông ấy là ông Thác Tháp Lý Thiên Vương Tiều Cái đó chăng?
Ngô Dụng nói:
- Chính phải đấy.
Nguyễn Tiểu Thất nói:
- Chỗ ông ấy ở chỉ cách đây chừng hơn trăm dặm đường, nhưng chúng tôi cũng là duyên hèn phận bạc, cho nên chỉ nghe tiếng mà không được gặp mặt bao giờ!
Ngô Dụng nói:
- Ông ta là tay nam tử giỏi giang, mà lại có lòng trọng nghĩa khinh tài, vậy sao các bác không đến chơi với ông ta?
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Vì anh em chúng tôi cũng không có việc gì đi đến đấy cho nên cũng không được gặp.
Ngô Dụng nói:
- Ấy bấy lâu nay tôi vẫn dạy học ở gần ngay cạnh trại của ông ta đấy, mới đây nghe nói ông ta sắp có một việc rất phú quý, cho nên tôi muốn đến đây bàn với các bác, để chẹn đường mà cướp lấy, các bác nghĩ sao?
Nguyễn Tiểu Ngũ nói:
- Không được, người ta là người trọng nghĩa khinh tài, có khi nào chúng ta lại làm thế, để cho bọn giang hồ hảo hán chê cười.
Bấy giờ Ngô Dụng cả cười mà rằng:
- Tôi vẫn tưởng bụng các bác cũng không được vững chắc, chứ nào biết đâu các bác lại có lòng khẳng khái, hiếu nghĩa như thế. Tôi xin nói thực với các bác, chính tôi ở chỗ Tiều Bảo Chính đến tìm các bác đây, nếu các bác quả có lòng giúp đỡ, thì tôi sẽ nói một việc nầy để các bác nghe.
Nguyễn Tiểu Nhị nói:
- Ba anh em chúng tôi thực là nhất tâm như thế, không hề có một chút gì giả dối cả. Nếu quả có việc ngang tắt gì, mà muốn phiền tiên sinh đến bảo anh em tôi đi, thì chúng tôi xin thề rằng: Nếu không bỏ tính mạng để giúp được việc ấy, thì khi cạn chén rượu này chúng tôi sẽ chịu tội ác đến thân, mà chết vào sự phi mệnh.
Bấy giờ Nguyễn Tiểu Thất cùng Nguyễn Tiểu Ngũ, đều vỗ tay lên đầu mà rằng:
- Một bầu nhiệt huyết đây, chỉ bán cho người biết của đấy thôi.
Ngô Dụng nói:
- Ba bác ở đây, không phải là tôi định đến quyến rủ, để làm hại cái lòng tử tế của các bác, nhưng việc này là một việc lớn, chứ không phải tầm thường: Nguyên đến hôm rằm tháng sáu này, là ngày sinh nhật của Sài Thái Sư ở trong triều, người con rể là Lương Trung Thư ở Đại danh phủ Bắc Kinh có mua tới 10 vạn quan kim ngân châu báu, nay mai sắp đưa vào mừng. Chuyện ấy có một người hảo hán là Lưu Đường đến mách, cho nên muốn đến đây bàn với các bác, hôm ấy ta sẽ lập kế tìm tới chỗ núi non tĩnh mịch nào mà chẹt lấy, cái của bất nghĩa ấy, để chi dụng với nhau có khoái hoạt không? Chẳng hay các bác nghĩ sao?
Nguyễn Tiểu Ngũ nghe nói cả mừng, bảo với Tiểu Thất rằng:
- Thất lang, ta định thế nào?
Nguyễn Tiểu Thất nhảy quớ lên mà rằng:
- Cái chí nguyện một đời, có lẽ phen này mới thỏa chăng? Trời ơi! Việc ấy thực là gãi vào chỗ ngứa! Nhưng chẳng hay đến bao giờ mới đi?
Ngô Dụng nói:
- Vào khoảng đầu canh năm, xin mời các bác đi sang nhà Tiều Bảo Chính với tôi.
Ba anh em họ Nguyễn rất vui lòng, cùng Ngô Dụng uống rượu tới đêm khuya mới ngủ. Sáng hôm sau bốn người cùng dậy sớm, ăn cơm nước xong rồi, bọn anh em họ Nguyễn dặn dò nhà cửa cẩn thận, rồi cùng Ngô Dụng đi ra. Khi tới thôn Đông Khê đã thấy Tiều Cái, Lưu Đường, ra đứng ở gốc cây hòe để đón Ngô Dụng dẫn ba anh em họ Nguyễn tới gốc cây hòe, để chào Lưu Đường và Tiều Cái. Tiều Cái trông thấy ba anh em họ Nguyễn thì trong bụng mừng thầm. "Nguyễn thị tam hùng, thực là xứng đáng",liền mời về trong trang để nói chuyện. Bấy giờ sáu người cùng nhau thủng thỉnh đi vào trong trang, đến tận nhà trong; kéo ghế chia tân chủ cùng ngồi, rồi Ngô Dụng đem chuyện ba anh em họ Nguyễn, cũng tâm đầu ý hợp kể cho mọi người nghe.
Tiều Cái cả mừng liền sai người nhà giết lợn dê mua sắm vàng hương về để làm lễ.
Ba anh em họ Nguyễn trông thấy Tiều Cái mặt mũi hiên ngang, nói năng lỗi lạc, thì cũng hết bụng vui mừng mà nói rằng:
- Nếu chúng tôi không có Ngô tiên sinh dẫn đến đây, thì làm sao được gặp các ngài?
Đoạn rồi Tiều Cái lại sai người làm cơm dọn lên sáu người cùng ăn uống, nói chuyện với nhau suốt nửa đêm ấy. Sáng sớm hôm sau, Tiều Cái bày các đồ giấy vàng ngựa mã, cùng các lễ dê lợn lên mặt trước nhà trong, rồi sáu người cùng làm lễ phát nguyện với nhau.
Mọi người thấy Tiều Cái rất lòng thành kính như vậy, thì ai nấy đều hớn hở vui mừng, mà đồng thanh thề nguyện rằng:
- Lương Trung Thư ở Bắc Kinh làm hại dân gian, lấy hại nhiều tiền của, nay lại đem vào Đông Kinh để mừng sinh nhật Xái Thái Sư, vậy những của ấy toàn là những của gian ngoan bất nghĩa. Nay trong sáu anh em chúng tôi, lấy lòng trọng nghĩa khinh tài, nếu ai có một chút gì tư lợi, thì xin trời chu đất triệt, thần minh soi xét không dung.
Làm lễ xong rồi đốt vàng đốt mã cẩn thận, đoạn rồi cùng ngồi uống rượu thụ lộc thánh với nhau. Đương khi đó thấy người nhà vào báo rằng:
- Ngoài cửa có một tiên sinh nào, nói rằng muốn gặp Bảo Chính để xin tiền.
Tiều Cái nghe nói bảo người nhà rằng:
- Sao bây không biết gì cả! Ta còn mắc uống rượu tiếp khách trong này, thì bay lấy dăm ba đấu gạo đưa cho người ta rồi nói: Ta còn bận, không thể tiếp có được không?
Người ấy vâng lời chạy ra một lúc rồi lại vào nói rằng:
- Chúng con đã cho mấy đấu gạo, nhưng tiên sinh ấy nhất định không đi, tự xưng là Nhất Thanh Đạo Nhân, muốn gặp Bảo Chính để nói chuyện, chứ không phải vì tiền gạo mà đến đây.
Tiều Cái mắng rằng:
- Bây không biết là thế nào à? Ra nói với người ta rằng: "Hôm nay ta còn mắc bận, không thể vào tiếp được, xin đến hôm sau vậy".
- Bẩm con đã nói thế, nhưng tiên sinh ấy bảo rằng: Không cần gì tiền bạc, chỉ nghe thấy tiếng Bảo Chính là người nghĩa khí, nên muốn đến chào đó thôi.
Tiều Cái gắt rằng:
- Chúng bây không đỡ được việc gì, chỉ nhiễu ta thôi. Nếu người ta có chê ít, thì cho thêm người ta, chứ hà tất phải vào nói với ta! Nếu ta không bận tiếp rượu ở đây, thì ta xử trí ngay rồi, còn cần chi chúng bây phải nói. Thôi đi ra liệu cho người ta thế nào cho xong đi, đừng vào nói với ta nữa!
Người nhà nghe nói, lại chạy ra bảo với người kia. Chợt đâu ngoài cửa trang ầm ầm cả lên, rồi thấy một người lật đật chạy vào bảo rằng:
- Tiên sinh ấy đã phát cáu, đánh mười mấy tên người nhà ngã lăn ra cả ngoài kia.
Tiều Cái nghe nói giật mình kinh sợ, vội vàng đứng dậy nói rằng:
- Xin mời các ngài hãy ngồi xơi rượu, để tôi chạy ra xem sao?
Nói đoạn chạy hất hải ra ngoài cửa trang, thì thấy một người cao chừng tám thước, đạo mạo đường đường, trông rất cổ quái, đương ở chỗ cây hòe ngoài cổng, vừa đánh vừa nói ầm ĩ lên rằng:
- Không biết người, không biết người...
Tiều Cái nghe nói, chạy ra lên tiếng mà rằng:
- Tiên sinh ơi, xin ngài bớt giận! Tiên sinh đến nhà Tiều Bảo Chính, có phải là thiếu gạo nước lương thực thì người ta đã đưa ra rồi, còn việc chi mà tiên sinh giận dữ như thế?
Người kia nghe nói, thì cười ha hả lên mà rằng:
- Bần đạo đến đây có phải vì cơm gạo tiền nong gì đâu. Tôi đến đây cốt tìm Tiểu Bảo Chính để nói chuyện, chứ đến 10 vạn quan tiền, tôi cũng chẳng coi vào đâu nữa là...Đám thôn phu vô lý quá!
Tiều Cái hỏi:
- Nếu vậy tiên sinh đã biết Tiều Bảo Chính chăng?
- Tôi được nghe tiếng, chứ chưa gặp mặt bao giờ.
- Thế thì chính tôi đây, tiên sinh có chuyện gì muốn nói?
Người kia vội vàng nói:
- Xin chào Bảo Chính, xin Bảo Chính tha lỗi cho tôi.
Tiều Cái nói:
- Không dám, xin mời tiên sinh vào trong nhà xơi tạm chén nước đã.
Nói xong liền mời người kia vào trong nhà, trong khi lũ Ngô Dụng thấy có người lạ vào, thì cùng bảo nhau chạy nấp cả vào một chỗ. Đoạn rồi Tiều Cái mời tiên sinh kia vào ở nhà trong để đãi nước.
Khi uống nước xong, tiên sinh kia hỏi Bảo Chính rằng:
- Ngồi đây không thể nói chuyện được, xin ngài cho đến chỗ nào kia thì tiện hơn.
Tiều Cái biết ý, liền mời đến một chỗ gác con con rồi hỏi rằng:
- Thế nầy khi không phải, tôi xin hỏi quý tánh cao danh, và ngài ở đâu đến.
- Bần đạo là Công Tôn Thắng, đạo hiệu là Nhất Thanh Đạo Nhân, vốn người ở Kế Châu, từ thuở nhỏ có theo đòi võ nghệ, người ta thường gọi là Công Tôn Thắng Đại Lang. Tôi có học được ít đạo thuật, thường hay hô gió gọi mưa, cưỡi mây đạp gió, cho nên đám giang hồ thường gọi bần đạo là Nhập Vân Long, xưa nay vẫn được nghe tiếng Bảo Chính ở Vận Thành đây, nhưng cũng là vô duyên, cho nên chưa được gặp. Nay có món 10 vạn quan kim ngân bảo muốn đem đến đây để làm quà yết kiến, chẳng hay nghĩa sĩ có nhận cho chăng?
Tiều Cái cười mà đáp rằng:
- Tiên sinh nói đó, có phải là việc sinh nhật ở Bắc Kinh không?
Công Tôn Thắng ngạc nhiên mà rằng:
- Sao Bảo Chính lại biết được?
- Tôi đoán xằng vậy, không biết rằng có hợp ý tiên sinh không?
- Vâng, cái món phú quý ấy, ta chớ bỏ mất mà hoài. Cổ nhân nói: "Đáng lấy không lấy, sau chớ phàn nàn! "Bảo Chính nghĩ sao?
- Đương khi nói chuyện, thì chợt có một người ở đâu chạy ra nắm lấy tay Công Tôn Thắng mà rằng:
- Gớm thực! Dương gian có vương pháp, âm phủ có qủy thần, ngươi dám bàn những việc ấy hay sao? Ta đứng nghe lâu rồi.
Công Tôn Thắng nghe nói, nét mặt biến hẳn đi mà không biết nói trả lời làm sao được? Mới hay:
Nước bèo gặp gỡ tự nhiên,
Nào ai hò hẹn mà nên hẹn hò?
Xưa nay những khách giang hồ,
Lưng bầu nhiệt huyết ai mà khác chi?
Tức gan sao nhịn được cười,
Kìa quân tham nhũng lộ người lầm than.
Đỉnh chung xa mã muôn vàn,
Chẳng qua máu mủ dân gian chứ gì?
Ra tay trừ của bất nghì,
Chứng minh xin có trời kia đất này!
Lời bàn của Thánh Thán:
Bắt đầu câu chuyện Thủy Hử, từ thôn Thạch Kiệt vậy, mà sau kết lại truyện Thủy Hử, cũng ở Thạch Kiệt vậy, nghĩa của hai chữ Thạch Kiệt nói ra là định số vậy. Song lẽ nói từ Thạch Kiệt là theo lệ mà thác thủy (gợi mối) ra đây, chứ còn truyện Thủy Hử 108 anh hùng, thì vốn có trước kia, tức đã nói từ 13 hồi vậy, 108 người vốn có trước, thì phải kể là có từ trước, sao lại bắt đầu từ Thạch Kiệt? Thì phải đọc hồi Nguyễn Thị Tam Hùng, ở thôn Thạch Kiệt, để nhận ra 108 anh hùng, đi vào nơi Bến Nước, đã định đoạt từ đó mà ra.
Họ Nguyễn nói rằng: Người sống một đời, cỏ sống một mùa.. Hỡi ôi! Lời nói hết ý vậy! Vì người sinh cõi đời, kẻ sống đến bảy mươi là thường thì lấy thời gian ấy mà nói, trong khoảng ấy, lại một nửa là đêm, còn một nửa ngày, lại không những thế mà thôi con người từ 15 tuổi về trước, hãy còn trẻ thơ, cũng như vất đi không đáng kể, sau khi 50 tuổi, tai mắt kém đi, cũng như vất bỏ vậy, trong khoảng đó chỉ còn 35 năm, lại còn bị cuộc đời mưa gió chiếm mất, bệnh tật chiếm mất, lo nghĩ đói rách chiếm mất...Thế thì như họ Nguyễn nói đến bọn không sợ trời không sợ đất, có tiền bạc thì tiêu với nhau, có gấm vóc thì mặc với nhau, rượu uống hàng vò, thịt ăn hàng tảng, như thế thì làm gì mà không khoái hoạt...Thử hỏi rằng họ Nguyễn kia đã được mấy ngày? Mà chẳng động tâm. Cho nên tác giả chép ra tên của ba người họ Nguyễn với một sự ngao ngán sâu xa; Nào là Lập Địa Thái Tuế, Hoạt Diêm La, Đoản Mệnh Nhị Lang, than ôi sống thác nhanh chóng, kiếp người không thường, giàu có khó tìm, nên tùy sở thích, chuyện đời nếu không viết ra sách, thì đâu được bền lâu?
Gia Lượng thuyết họ Nguyễn, khéo đưa đón ý, người đời có thể bắt chước, khi buông khi nắm, từ xa đến gần, như dắt lại tới, khác nào Gia Cát Lượng đối Mạnh Hoạch, đâu phải người đời có thể bắt chước, cho nên xem hồi Du Thuyết Nguyễn Thị, nên xem xét văn chương uyển chuyển, của bút phép tài tình, của một tác phẩm.
Hồi 15:
Tải kim ngân, Dương Chí vâng mệnh;
Cướp lễ vật, Ngô Dụng dùng mưu.
Khi ấy có người chạy vào cầm lấy tay Công Tôn Thắng mà hỏi, Tiều Cái bèn ngẩng lên nom, thì chính là Trí Đa Tinh Ngô Dụng, liền cười mà bảo rằng:
- Tiên sinh, mời tiên sinh ra đây nói chuyện.
Ngô Dụng cũng cười mà nói rằng:
- Tôi nghe tiếng ông Nhập Văn Long Công Tôn Thắng đã lâu, ai ngờ ngày nay mới được gặp ở đây!
Tiều Cái lại trỏ Ngô Dụng mà bảo Công Tôn Thắng rằng:
- Tiên sinh này là Trí Đa Tinh Ngô Dụng đây.
Công Tôn Thắng nghe nói ra dáng vui mừng mà rằng:
- Ngài là Gia Lượng tiên sinh phải không? Tiếng ngài lừng lẫy bấy lâu, mà tôi bây giờ mới được gặp ở nhà Bảo Chính đây, thế mới biết Bảo Chính là người trọng nghĩa khinh tài, cho nên bọn hào kiệt không ai là không đến đây tụ họp.
Tiều Cái nói:
- Hiện còn có mấy người bạn nữa ở trong kia, xin mời ngài vào đấy để cho biết nhau một thể.
Nói đoạn ba người cùng vào nhà trong, cùng Lưu Đường và ba anh em họ Nguyễn làm lễ tương kiến, đoạn rồi đều nói lên rằng:
- Ngày hôm nay được gặp gỡ đông đúc thế này, cũng không phải là sự ngẫu nhiên, vậy xin Tiều Bảo Chính ngồi vào ghế giữa cho.
Tiều Bảo Chính khiêm tốn mà rằng:
- Chết nỗi! Tôi là anh chủ nhân tầm thường, đâu dám ngồi trên như thế!
Ngô Dụng nói:
- Bảo Chính là người hơn tuổi, xin cứ ngồi trên cho phải.
Tiều Cái biết thế từ chối không tiện; đành phải ngồi trên ghế thứ nhất, để Ngô Dụng ngồi ghế thứ nhì, Công Tôn Thắng ghế thứ ba, Lưu Đường thứ tư, Nguyễn Tiểu Nhị thứ năm, Nguyễn Tiểu Ngũ thứ sáu, Nguyễn Tiểu Thất ngồi xuống ghế thứ bảy. Đoạn rồi sai người lấy các thứ rượu nhắm khác lên, cũng đánh chén làm vui.
Khi chè chén ung dung, Ngô Dụng nói với mọi người rằng:
- Mới đây Bảo Chính nằm mộng thấy bảy ngôi sao Bắc Đẩu rơi xuống nóc nhà, thế mà nay chúng ta lại tụ họp bảy người ở đây, thì có lẽ là trên ứng mệnh trời, cái món phú quý kia, tất là bỏ thông tay mà lấy được. Vậy hôm trước đã nói với Lưu Huynh, để đi thám thính đường lối đi của họ, xin đến sáng mai xin ngô huynh đi sớm giúp cho.
Công Tôn Thắng nghe nói liền ứng lên rằng:
- Việc ấy không cần phải thám thính nữa, bần đạo đã biết rõ là họ đây theo con đường lối Hoàng Nê Cương rồi.
Tiều Cái nói:
- Về phía đông Hoàng Nê Cươngchừng 10 dặm đường, là thôn An Lạc, ở đấy có một tay hảo hán, gọi là Bạch Nhật Thử Bạch Thắng, cũng thường hay đến chơi tôi, mà tôi vẫn cấp đỡ cho luôn.
Ngô Dụng nói:
- Thế thì một sao sáng ở trên sao Bắc Đẩu, có lẽ là ứng vào người ấy chăng? Nếu vậy thì ta lại có việc dùng hắn được.
Lưu Đường hỏi:
- Từ đây đến Hoàng Nê Cương nghe chừng cũng xa, không biết rằng chúng ta định ước ở đâu cho tiện.
Ngô Dụng đáp:
- Chỉ ở nhà Bạch Thắng, tức là chỗ dung thân của chúng ta đó, vả chăng ta cũng phải cần đến Bạch Thắng kia mà.
Tiều Cái lại hỏi Ngô Dụng rằng:
- Tiên sinh định lấy cách êm ái, hay lấy cách cường ngạnh?
Ngô Dụng cười mà đáp rằng:
- Việc ấy tôi đã an bài quy cũ rồi, để ta xem tinh binh của họ, đáng lấy bằng sức khỏe, thì ta lấy bằng sức khỏe, đáng lấy bằng trí khôn, thì ta lấy bằng trí khôn...Tôi có một kế như thế nầy...thế nầy...không biết rằng có hợp ý các ông không?
Tiều Cái nghe xong dậm chân xuống đất mà khen rằng:
- Diệu kế, diệu kế, không trách gọi là tiên sinh Trí Đa Tinh, thực là xứng đáng, dẫu đến Gia Cát Lượng cũng đến thế mà thôi.
Ngô Dụng mỉm cười mà rằng:
- Thôi đừng nói đến nữa, tai vách mạch rừng phải cho cẩn thận, sao cho mình biết với nhau là được.
Tiều Cái lại nói với mọi người rằng:
- Bây giờ ba bác họ Nguyễn hãy trở về, để bao giờ có việc, sẻ đến đây tụ họp với nhau, Ngô tiên sinh thì cũng về dạy học, còn Công Tôn tiên sinh cùng với Lưu Đường, thì nghỉ lại ở đây với tôi.
Bàn định xong; lại cùng nhau uống rượu, đến khuya mới nghỉ.
Ngày hôm sau cơm nước xong rồi. Tiều Cái lấy 30 vạn hoa ngân đưa tặng ba anh em họ Nguyễn mà nói rằng:
- Gọi là một chút lòng thành, xin các bác thu nhận lấy cho. Ba người từ chối không lấy, nhưng Tiều Cái nhất định không nghe, sau bất đắc dĩ phải cùng nhau nhận lấy mà bái biệt ra về.
Khi đưa chân ra cổng trang, Ngô Dụng lại ghé tai ba người mà dặn với rằng:
- Cứ thế nầy...cứ thế nầy...hễ đến hẹn, chớ để lỡ mới được.
Ba người vâng lời, rồi trở về thôn Thạch Kiệt. Bấy giờ Ngô Dụng cũng về nhà dạy học, rồi thỉnh thoảng lại đến bàn chuyện trò với Tiều Cái, Công Tôn Thắng, Lưu Đường ở thôn Bảo Chính.
Ai hay một chốn thôn cùng.
Gây nên thế sự lạ lùng từ đây.
Ở đời ví chẳng ra tay.
Thì trăm năm với một ngày khác chi
Nói về Lương Trung Thư ở Bắc Kinh, khi đã mua sắm xong các đồ lễ vật, để mừng nhạc gia, liền định tìm người mà chọn ngày mà cho đem sang Đông Kinh. Khi đó hai vợ chồng Lương Trung Thư bàn soạn với nhau, rồi Lương Trung Thư phàn nàn rằng:
- Bây giờ lễ vật đã sắm sanh đủ cả, chỉ nay mai là được khởi hành, duy còn một việc đem đi, thì chưa biết tìm ai cho chắc chắn!nếu lại hớ hênh như năm trước, để nó cướp 10 vạn kim ngân châu báu, mà đến nay truy nã không ra, thì thực là uổng lắm.
Phu nhân nghe nói, liền trỏ xuống dưới thềm mà nói rằng:
- Tôi thấy tướng công vẫn thường nói người kia là một tay giỏi giang được việc, vậy sao ngài không sai hắn đi, có phải là chu tất không?
Lương Trung Thư nghe vậy, liền quay ra nhìn, thấy Thanh Diện Thú Dương Chí đương đứng ở đấy, thì có ý trù trừ gọi lên mà bảo rằng:
- Dương Chí, ta quên mất, không nhớ đến ngươi, nếu ngươi có thể mang các lễ vật mừng sinh nhật vào Đông Kinh cho ta được, thì ta sẽ cất nhắc lên cho.
Dương Chí chấp tay bẩm rằng:
- Lệnh ân tướng đã sai, tôi đâu dám trái nhưng ngài định xếp đặt thế nào, và cho bao giờ khởi hành?
- Ta định lấy 10 cỗ xe Thái Bình ở Đại danh phủ, cho mười tên cấm quân đi áp, và mỗi xe cắm một lá cờ vàng, trên đề mấy chữ "Lễ mừng sinh nhật quan Thái Sư",rồi lại thêm mỗi xe hai người lính khỏe mạnh, đi theo vào đấy, mà trong ba ngày nữa là bắt đầu khởi hành.
Dương Chí bẩm rằng:
- Việc ấy không phải là chúng tôi dám từ chối, nhưng thực là không thể nào đi được, vậy xin ân tướng giao cho ai là kẻ anh hùng linh lợi thì hơn.
Lương Trung Thư truyền rằng:
- Việc nầy ta muốn cất nhắc cho ngươi, cho nên mới sai ngươi đi, rằng ta viết một phong thư riêng cho quan Thái Sư, rồi ngài sẽ tâu với triều đình phong sắc cho ngươi, vậy làm sao mà ngươi từ chối?
- Dám bẩm ân tướng, chúng tôi được nghe trước đây đã bị một phen mất cướp, tới nay truy nã cưa ra...Hiện bây giờ trộm cướp càng nhiều, mà đây sang Đông Kinh toàn là đường bộ, đi qua mấy nơi như núi Tử Kim, núi Nhị Long, núi Đào Hoa, núi Tản Cái, đồi Hoàng Nê, thung Bạch Sa, bể Dã Mân và rừng Xích Tùng.. Đều là những nơi giặc cướp ẩn núp xưa nay, dẫu khách đi không, cũng không dám đi qua đấy. Huống chi chúng ta lại biết là kim ngân châu bảo mang đi, thì làm thế nào mà chúng không cướp bóc, như vậy chẳng qua chỉ uổng phí tình mạng mà không ăn thua, bởi thế nên chúng tôi không dám đi. Trung Thư nói:
- Nếu thế thì ta sẽ điểm nhiều binh lính đi hộ tống với ngươi cũng được chứ sao?
Dương Chí lại bẩm rằng:
- Ân tướng sai đến một vạn người đi, cũng là vô ích, nếu họ nghe thấy cướp đến, thì họ tháo trước ngay rồi, còn dám làm gì được.
- Cứ như ngươi nói, thì lễ vật đành bỏ đấy, không đưa đi được nữa hay sao?
- Bẩm ân tướng, nếu ân tướng có y cho một điều này, thì chúng tôi xin vâng đi được.
- Ta đã giao cho ngươi, thì có thế nào ngươi cứ nói ta nghe...
Dương Chí nói:
- Nếu ân tướng nghe lời chúng tôi, thì không cần dùng đến xe phào chi cả, chỉ xin chia các lễ vật ra làm 10 gánh, chọn lấy 10 tên cấm quân khỏe mạnh để gánh, rồi ăn mặc giả khách buôn, mà đi ròng rã ngày đêm cho mau tới Đông Kinh, thì may ra mới được.
Lương Trung Thư nghe nói khen rằng:
- Anh nói phải, để rồi ta viết thư trình với quan Thái Sư, ngài sẽ xin cáo mệnh cho về.
Nói xong liền cho Dương Chí sửa soạn hành trang và điểm quân lính ra đi.
Sáng hôm sau Lương Trung Thư lại gọi Dương Chí vào sảnh mà bảo rằng:
- Ngươi định lúc nào bắt đầu ra đi?
- Bẩm ân tướng, chỉ sáng mai là chúng tôi lấy giấy lãnh trạng xin đi.
Lương Trung Thư nói:
- Phu nhân cũng có một gánh lễ vật, để đưa vào bảo quyến ở trong phủ, nhưng sợ anh không hiểu đường lối, cho nên cất thêm một tên Đô Quản, và hai tên Ngu Hầu để đi kèm vào cho tiện.
Dương Chí có ý ngần ngại mà bẩm rằng:
- Dương Chí nầy không đi được nữa.
Trung Thư ngạc nhiên mà hỏi rằng:
- Sao lễ vật đã sửa soạn cẩn thận rồi, mà ngươi lại nói là không đi được nữa?
- Bẩm ân tướng, 10 gánh lễ vật và mấy người đi có điều quan hệ ở chúng tôi, nên đi sớm thì phải đi sớm, nên đi trưa thì phải đi trưa, đều ở tay tôi cất đặt. Nay ân tướng lại cho lão Đô Quản vào hai tên Ngu Hầu cùng đi, vâng mệnh phu nhân sai khiến, trong khi đi đường hoặc sinh sự ngang trái; chúng tôi không có quyền coi giữ, mà lỡ ra hỏng đây việc to, thì bấy giờ biết nói làm sao cho được.
- Cái đó khó gì, để ta bắt họ phải tùy theo ngươi là được rồi.
- Như vậy thì chúng tôi xin ký giấy lãnh để đi, nếu có sơ xuất điều chi, thì xin cam chịu tội.
Lương Trung Thư cả mừng mà rằng:
- Ngươi thực là người có kiến thức, không phụ lòng ta đề cử chút nào.
Nói đoạn cho gọi Tạ Đô Quản và hai tên Ngu Hầu mà truyền rằng:
- Dương Chí đã nhận lấy lãnh trạng, tải các lễ vật dâng quan Thái Sư bên Đông Kinh, việc gì cũng đều quan hệ ở hắn cả, vậy các ngươi đi đường phải tuân theo ý hắn, đi đứng nghỉ ngơi, bảo sao nghe vậy, không được ngang trái điều chi. Còn những việc Phu nhân đã dặn, thì ba các ngươi phải cho chu tất, cẩn thận, đi đến nơi về đến chốn, chớ để làm lỡ mới được!
Lão Đô Quản cùng Ngu Hầu đều cúi đầu mà vâng nhận mọi lẽ. Sáng hôm sau đầu trống canh năm, sắp sửa gánh gồng ra để ngoài sảnh sự. Lão Đô Quản cùng hai Ngu Hầu, đem một gánh tài bạch của Phu nhân ra, tất cả là mười một gánh, bắt 11 tên cấm quân đều ăn mặc lối phu gánh thuê cả. Khi cơm nước xong rồi, Lương Trung Thư giao các giấy má cho Dương Chí. Dương Chí đội nón lá, giắt thanh đao lưng, cầm thanh đao lớn. Tạ Đô Quản thì ra dáng người khách đi đường, và hai tên Ngu Hầu ăn mặc ra người bán hàng, ai nấy đều cầm đao và giắt mấy thanh roi mây, mà bái từ Lương Trung Thư rồi dòng dả cất gánh ra đi.
Mười lăm người đi khỏi cổng phủ, ra tới cửa thành Bắc Kinh, rồi cùng nhau lên đường cái lớn, trông chừng thẳng ruỗi Kinh Sư. Bấy giờ đương độ trung tuần tháng năm, trời tuy lạnh ráo, mà nóng bức lạ thường. Dương Chí nhất tâm muốn đi cho kịp ngày sinh nhật, là ngày rằm tháng Sáu, cho nên cũng phải dòng dả đi mau. Từ khi ở thành Bắc Kinh bước chân ra, trong năm bảy ngày trời, hôm nào cũng đầu trống canh năm dậy đi cho mát, rồi đến giữa trưa lại nghỉ. Sau dần dần đến những nơi nhà cửa lưa thưa, đường đi vắng vẻ, các điếm nghỉ toàn thị trên gò trên núi. Dương Chí bèn bắt các quân quan cứ từ giờ Thìn thì bắt đầu đi, mà đến giờ Thân thì nghỉ. Bọn 11 đứa cấm quân toàn thị là gánh nặng è cổ, mà trời lại nóng bức như thiêu, chúng không sao chịu được, cứ thấy quãng rừng cây nào là đặt gánh xuống nghỉ. Dương Chí thấy vậy, thì thúc dục bắt đi, nếu anh nào chậm trễ lại roi mây quất đít không cho được nghỉ chút nào.
- Chúng bây còn biết cái gì nữa, muốn sống ngủ đi.
Nói đoạn giơ roi toan đánh. Chúng thấy thế ai cũng đều im hơi nín tiếng nhắm mắt cho xong. Đến gần giờ Thìn cùng nhau thổi cơm nấu nước, ăn uống xong rồi mới bắt đều cho đi.
Khi đi ra đường Dương Chí vừa đánh vừa thúc, không cho vào chỗ mát để nghỉ, các quân chúng đều lẩm bẩm oán hận luôn mồm. Hai tên Ngu Hầu cũng kêu ca với Đô Quản, làm cho Đô Quản cũng phải phiền não khó chịu vì Dương Chí. Đi được độ mười bốn mười lăm ngày, thì trong bọn mười bốn mười lăm người ấy đều oán hận Dương Chí, mà không ai bằng lòng chút nào.
Một hôm cũng vào khoảng giờ Thìn, mọi người thổi cơm nấu nước ăn uống rồi ra đi, bấy giờ giữa hôm mồng bốn tháng sáu, trời chưa tới trưa, thì mặt trời đã chói lọi ở trên soi xuống, không hề có một chút mây gợn nào che đỡ, làm cho nóng bức lạ thường không sao chịu nổi. Dương Chí thúc quân chúng đi ở một con đường hẻm trong núi, đến lúc bóng nắng đã đứng đầu, thì trên mặt đá nóng bỏng như nhung, không thể nào đặt chân xuống mà đi được! Quân chúng phàn nàn rằng:
- Trời nóng quá thế nầy, dễ thường phơi chết người ta chắc!
Dương Chí thấy chúng phàn nàn lại thét lên rằng:
- Chúng bây phải cho mau, đến quãng đồi đằng trước kia sẽ liệu.
Được một lát đi đến một cái đồi đất ở trước mặt, mười lăm người cùng lên đồi để đặt gánh xuống nghỉ, rồi mười một quân gánh đều chạy ra chỗ gốc cây mà nằm ngủ lăng quay ra đó. Dương Chí thấy chúng như vậy, thì kêu lên rằng:
- Chết nỗi! Đây là xứ sở nào, mà các ngươi dám nằm nghỉ ở đó? Có dậy mà đi mau lên không?
Nói đoạn lại quay sang lão Đô Quản mà bảo rằng:
- Đô Quản không biết đây chính là gò Hoàng Nê, trộm cướp vẫn thường lẩn núp ở đây, dẫu đến Thái Bình vô sự, cũng vẫn có ban ngày cướp bóc người ta, huống chi là thời buổi nầy, còn ai dám lên đây mà nghỉ!
Hai tên Ngu Đầu nghe nói, thì ra dáng không bằng lòng mà rằng:
- Câu ấy ông nói đến mấy lượt rồi, ông chỉ quen nói thế để dọa người ta thôi.
Lão Đô Quản bảo Dương Chí rằng:
- Thôi thì hãy để cho họ nghỉ một tí đến quá trưa ta lại đi có được không?
Dương Chí nói:
- Các ông có biết gì đâu, từ đây trở đi tới bẩy tám dặm đường, không có một cái nhà nào cả, nghỉ ở đây thế nào được?
Lão Đô Quản nói:
- Tôi hãy ngồi đây một lát rồi tôi đi, các ông cứ giục họ đi trước đi.
Dương Chí đứng dậy cầm roi dóng dả cho chúng mà quát lên rằng:
- Anh nào không đi, thì đánh đủ hai chục roi không tha.
Chúng nghe nói đều sợ hãi, đâm bổ trở dậy. Trong đám ấy có một anh nói với Dương Chí rằng:
- Đề Hạt ơi! Chúng tôi gánh nặng hàng trăm cân một có được thung dung nhẹ nhàng như các ông đi tay không đâu? Ông phải nên nghĩ lại cho chúng tôi của là người mới được. Đến ngay Tướng Công đi đây, chắc ngài cũng còn cho chúng tôi kêu được một câu nữa là...ông cứ mắng hoài đi, không còn thương chúng tôi chút nào cả.
Dương Chí lại quát lên rằng:
- Đồ súc sinh không biết gì, tao đây chỉ đánh mới xong!
Đô Quản gạt đi rằng:
- Đề Hạt hãy khoan tay để tôi nói câu này: Khi tôi ở Đông Kinh hầu hạ quan Thái Sư, bao nhiêu quan quân trên dưới trông thấy tôi đều vâng dạ răm rắp, mà không hề có kêu ngạo một câu nào. Nay bác là một anh tử tù đi sung quân, ví Tướng Công có lòng thương, cho làm chức Đề Hạt, thế mà bác chỉ quát tháo đánh đập người ta, thì còn ra lý thú gì nữa chứ?
Dương Chí nói:
- Các ông có biết đâu đường đi bây giờ thiên nguy vạn hiểm, chứ có phải chơi đâu?
- Tôi từ Tứ Xuyên Lưỡng Quảng không đâu là không đi khắp, nhưng cũng không thấy ai nói như bác bây giờ.
Dương Chí nói:
- Bây giờ nào có được như mọi lúc thái bình đâu?
- Bác nói thế mà không sợ tội khoét mồm cắt lưỡi, thiên hạ bây giờ làm sao mà không thái bình?
Dương Chí đương muốn nói đáp lại, thì bỗng thấy ở khu rừng có bóng người đương ngấp nghé, nom dòm, chàng liền trỏ mà bảo mọi người rằng:
- Kia kìa, có phải rõ quân cướp đấy không?
Nói đoạn vất roi xuống đất, vác thanh đao chạy thốc sang khu rừng mà quát lên rằng:
- Chúng bây to gan thực, dám đến đây nom dòm hàng hóa của ta à?
Chàng vừa nói vừa chạy đến, thì thấy ở khu rừng bên ấy, có một dẫy bảy cổ xe giang chấu, sáu anh đương cởi trần trùng trục, ngồi nghỉ mát, và một anh bên cạnh mái tóc có nốt ruồi đỏ cầm đao đứng đó. Tụi kia trông thấy Dương Chí, thì bảy người đều kêu lên một tiếng rồi nhảy trổ ra, Dương Chí quát lên rằng:
- Các anh là người nào?
Bảy người kia hỏi lại:
- Anh là ai? Anh đừng hỏi càn, chúng tôi đi buôn bán tầm thường, không có tiền đâu cho anh được!
Dương Chí nói:
- Các anh buôn bán tầm thường, thì đây buôn to hẳn?
Bảy người hỏi:
- Anh là hạng người nào, nói thực cho biết?
- Các anh hãy nói các anh ở đâu đã?
- Bảy anh em chúng tôi buôn táo ở Hàng Châu, đem sang Đông Kinh, đường đi qua đây, thấy họ nói chỗ này là đồi Hoàng Nê, thường có trộm cướp lẩn lút để cướp bóc khách thương, cho nên chúng tôi phải mải miết đi. Nhưng nghĩ lại mình chỉ có mấy xe táo, mà không có của cải chi, vả chăng đi được đến đây, thì trời nắng quá, không sao chịu nổi, đành phải ngồi nghỉ, đợi khi trời mát mới đi. Vừa rồi nghe tiếng nói ở trên đồi, chúng tôi tưởng là cướp cho nên phải bảo người chạy ra nom xem.
Dương Chí nói:
- Té ra chúng mình là khách đi đường cả, thế mà tôi thấy người nom dòm, vẫn cho là cướp nên vội vàng chạy đến để xem.
Bảy người kia cười mà rằng:
- Mời ngài xơi mấy quả táo cho vui.
Dương Chí nói:
- Thôi, tôi xin vô phép.
Đoạn rồi vác đao chạy về chỗ để gồng gánh.
Lão Đô Quản thấy Dương Chí trở về thì nói rằng:
- Có cướp đến đây, thì chúng ta phải chạy đi mới được chứ?
Dương Chí nói:
- Tôi tưởng là cướp, nhưng té ra là bọn buôn táo cả. 
Lão Đô Quản trở ngay nét mặt mà nói với chúng rằng:
- Cứ như lời ông ấy nói lúc nãy, thì có lẽ tụi này chết hết cả rồi.
Dương Chí nói:
- Thôi ông bất tất phải nói, nếu được vô sự thì còn gì bằng nữa, bây giờ cứ để cho nghỉ, chốt mát sẽ đi.
Chúng nghe nói ai cũng bật cười. Dương Chí để thanh đao xuống đất, rồi cũng đến một gốc cây mát ngồi nghỉ.
Được một lúc, thấy đàng xa có một anh vai vác đôi thùng, chân bước lên đồi, miệng hát nghêu ngao rằng:
"Lửa trời nung nấu bấy lâu nay
Cháy lúa khô đồng héo cỏ cây,
Thương nỗi nông phu như lửa đốt
Mà ai phe phẩy quạt luôn tay? "
Anh chàng ta vừa hát vừa đi lên chỗ rừng thông trên đồi, đặt gánh để nghỉ. Bọn quân chúng trông thấy, liền hỏi anh chàng kia rằng:
- Anh gánh gì trong thùng đó?
- Rượu trắng đấy!
- Anh gánh đi đâu?
- Gánh vào các làng để bán.
- Bao tiền một thùng?
- Năm quan tiền một thùng.
Chúng nghe nói bàn với nhau rằng:
- "Chúng ta đương nóng đương khát, thử mua một thùng uống giải nóng giải khác có thú không? "
Dương Chí thấy chúng nói, liền quát lên rằng:
- Chúng bây làm gì đó?
Chúng nói:
- Chúng tôi mua rượu uống cho đỡ khát.
Dương Chí vớ lấy thanh đao quát mắng rằng:
- Tao không bảo, sao chúng bây dám thiện tiện mua rượu, quân nầy to gan thực.
Chúng nói:
- Không có việc gì ông cũng hống hách với chúng tôi. Chúng tôi có tiền mua rượu uống, việc gì mà hăm dọa.
Dương Chí lại mắng rằng:
- Quân khốn nạn này, không hiểu một chút nào cả. Chúng bây chỉ chực uống, không biết đường xá bây giờ vất vả, kể biết bao hảo hán bị thuốc mê đó sao?
Anh chàng bán rượu nghe nói thì nhìn Dương Chí rồi cười nhạt mà rằng:
- Ông này mới lạ chứ! Tôi có bán cho ông uống đâu, mà ông dám nói những câu vô lý như thế.
Đương khi hai bên cãi cọ ỏm tỏi, thì thấy bọn buôn táo vác đao chạy đến:
- Các anh làm gì ầm ĩ lên thế?
Anh chàng bán rượu liền đáp rằng:
- Tôi gánh rượu vào làng bán, đi qua đây trời nắng ngồi nghỉ mát, bọn kia đến hỏi mua rượu uống; tôi cũng chưa bán, thế mà ông này lại bảo rằng: Rượu tôi có thuốc mê. Các ông tính coi nói những câu vô lý thế buồn cười không?
Bảy người kia nói:
- À, thế mà chúng tôi tưởng là có cướp đến...Thôi cần gì! Chúng tôi cũng đương muốn tìm rượu giải khát đây, các ông ấy đã ngờ, thì anh bán cho chúng tôi một thùng vậy.
Anh chàng gánh rượu đáp rằng:
- Không bán, không bán...
Bảy người lại nói:
- Cái anh nầy rõ là vô lý, anh mang đi đâu bán không là tiền? Anh bán cho chúng tôi cũng là cứu cho chúng tôi đỡ cơn nóng khát chứ.
- Bán cho các ông một thùng, thì cũng chả làm gì, nhưng bị họ nói thế, khó chịu lắm! Vả chăng đây cũng không có chén gáo gì cả, uống làm sao được?
- Ối chào! Họ nói mặc họ, ta cứ bán đã sao? Chúng tôi đã có gáo kia rồi.
Nói đoạn hai người chạy về chỗ để xe, lấy ra hai cái gáo dừa, và mỗi người bốc một bốc táo nướng đem đến. Bảy anh túm vào bên thùng rượu múc uống lần lượt với nhau, rồi giở táo ra nhắm.
Một lát hết cả thùng rượu, bảy người quay ra bảo anh bán rượu rằng:
- Chúng tôi quên mất, không hỏi anh thùng rượu bao nhiêu tiền.
Anh kia trả lời rằng:
- Năm quan một thùng, mười quan một gánh đấy.
Bọn bảy người nói:
- Năm quan một thùng, chúng tôi xin vâng, nhưng anh thêm cho chúng tôi một gáo.
Anh kia đáp:
- Giá tiền đã nhất định rồi, không thêm được!
Bọn kia một anh đưa tiền ra trả hàng rượu, một anh thì mở ngay thùng rượu đầy, múc lấy một gáo uống. Anh chàng bán rượu vội vàng chạy đến giằng lấy, thì anh kia đã uống hết một nửa, còn một nửa trong gáo thì cầm chạy phăng sang bên rừng bên kia. Anh chàng bán rượu lật đật chạy đuổi theo, thì lại một anh ở trong rừng, lững thững chạy ra múc luôn gáo nữa.
Anh chàng kia trông thấy vội vàng nắm lấy tay, giật lấy gáo rượu đổ vào thùng đậy lại cẩn thận rồi vất gáo dừa xuống đất mà nói lẩm bẩm rằng:
- Bọn khách ấy không có một chút gì là quân tử cả, con người như thế mà làm như thế được sao?
Đằng này bọn quân chúng của Dương Chí, thấy đám kia uống rượu tới ta tới tấp như thế thì trong bụng rất lấy làm nóng nảy khó chịu, muốn sao vớ được thùng rượu mà nốc với nhau, thì mới thỏa lòng. Có một anh đến nói với lão Đô Quản rằng:
- Ngài ơi! Ngài làm phúc nói giúp chúng tôi một tiếng, bọn hàng táo nó uống cả một thùng có việc gì đâu, còn một thùng cho chúng tôi mua uống nốt để cho đỡ khát, kẻo trời nóng bức thế này, mà ở đây không có nước thì chịu làm sao được.
- Lão Đô Quản phần thì nghe chúng nói cũng thương tình; phần thì bụng mình cũng hơi muốn uống, bèn nói với Dương Chí rằng:
- Bọn hàng táo nó uống hết thùng rượu, cũng không việc gì cả vậy còn một thùng nữa cho phép bọn quân chúng nó mua, uống cho đỡ khát, chứ ở đây còn đào đâu ra nước được, không lẽ để nó chết khát hay sao.
Dương Chí nghe nói trong bụng nghĩ thầm rằng:
- "Bọn kia nó uống hết một thùng; đích xác ta trông thấy, sau nó lại múc một gáo bên thùng này để uống, cũng không thấy việc gì cả, thôi ta đánh nó suốt cả ngày, âu là bây giờ ta cũng để mặc nó uống, mỗi đứa một ít, cho nó hả lòng vậy."
Nghĩ đoạn liền bảo với lão Đô Quản rằng:
- Đô Quản đã nói vậy, tôi xin chiều lòng cho chúng nó uống. Mới hay:
Dẫu cho dạ đá gan đồng
Lúc này há dễ cầm lòng cho đang
Tri cơ nên trước giữ giàng.
Rồi ra những sự phi thường biết đâu?
Bấy giờ lũ quân chúng nghe Dương Chí nói, thì chẳng khác gì được người cởi trói tha cho, liền hăm hở cùng nhau gom đủ năm quan tiền đến nói với anh kia để mua rượu uống. Anh kia lắc đầu mà đáp rằng:
- Rượu nầy có thuốc mê, tôi không bán cho các anh!
Chúng nghe nói thì làm bộ cười nịnh mà bảo anh kia rằng:
- Bác ơi! Bác nói cay làm gì thế?
Anh chàng kia lại gạt đi mà rằng:
- Tôi không bán đâu, đừng lôi thôi nữa.
Bọn buôn táo thấy vậy, bảo với anh hàng rượu rằng:
- Anh lầm rồi, vừa nãy họ nói liều thế thì mặc họ, chứ việc gì anh lại giận dỗi? Chúng tôi đã uống một thùng, có việc gì đâu, thôi anh bán cho người ta, đừng nên chấp nê nữa?
Anh chàng kia nói:
- Thôi, việc gì đương vô sự, lại làm cho người ta phải nghĩ tâm đến mình?
Bọn hàng táo tức mình đứng dậy đẩy anh hàng rượu ra, rồi xách thùng rượu đưa cho đám quân chúng uống.
Đám quân chúng thấy vậy cả mừng, giữ lấy thùng rượu, rồi hỏi bọn buôn táo mượn cái gáo dừa để uống.
Bọn buôn táo bảo đám quân chúng rằng:
- Để tôi đưa các bác mấy quả táo mà nhắm rượu nhân thể.
Đám quân chúng nói:
- Xin cảm ơn các ông, có đâu chúng tôi dám phiền thế.
Bọn buôn táo cười mà rằng:
- Chúng tôi cũng là khách đi đường cả, các bác lấy mỗi người một quả để đưa cay cho dễ uống, có làm chi mà phiền.
Nói đoạn lấy độ dăm quả táo đưa cho đám quân chúng, và đưa hai cái gáo cho mượn một thể.
Quân chúng cả mừng, vội vàng mở thùng rượu múc ra hai gáo đưa mời Dương Chí và lão Đô Quản uống trước, Dương Chí nhất định không uống, duy có Đô Quản thì giơ gáo lên nốc luôn một hơi vừa hết. Hai anh Ngu Hầu cũng mỗi người uống trước một gáo, còn thì quân chúng lần lượt chia nhau mà uống. Dương Chí thấy chúng uống vào đều vô sự cả, chàng cũng vẫn nhất định không uống, nhưng sau thấy trời nóng bức quá chừng, mà miệng ráo cổ khô không sao chịu được, chàng liền bất đắc dĩ cầm lấy gáo rượu uống liều một nửa, và ăn qua loa một vài miếng táo cho đỡ khát vậy.
Khi uống xong rồi, anh chàng bán rượu bảo với chúng rằng:
- Thùng rượu nầy bọn hàng táo đã uống mất nửa gáo, vậy tôi trừ cho các anh nửa quan còn phải trả đủ cho tôi.
Bọn quân chúng đưa tiền ra trả, anh chàng kia nhận lấy tiền rồi, quảy đôi thùng mà lại hát nghêu ngao đi xuống dưới đồi. Bấy giờ bọn bảy anh hàng táo đứng ở gốc thông bên kia, trỏ sang 15 người nầy mà nói rằng:
- Ngã này...Ngã này...
Đoạn rồi trong bọn 15 người này, hết thẩy đều nặng đầu chóng mặt, mềm rũ chân tay mà nằm vật cả ra đó. Bảy anh hàng táo thấy vậy, liền đem bảy cỗ xe giang châu đổ cả táo xuống góc rừng, rồi lấy các kim ngân tài bảo trong 11 gánh của lũ kia, mà xếp cả lên xe đậy điệm cẩn thận, rồi kéo xe xuống đồi dưới mà đi. Dương Chí trông thấy thế, trong bụng vô cùng tức bực khốn khổ, song chân tay thân thể đã mềm rũ cả ra, mà không sao cựa quậy được. Còn mười bốn anh nọ cũng chịu phép, nhìn cho bọn kia lấy hết kim ngân châu bảo mang đi, không hề làm gì được cả.
Khôn ngoan ở với ngu đần,
Vừa phần nhọc xác vừa phần uổng công.
Giống tham bao tránh khỏi tròng
Làm cho lụy đến anh hùng bởi ai?
Bảy anh hàng táo ấy là ai? Chính là Tiều Cái, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Lưu Đường và ba anh em họ Nguyễn. Còn anh hàng rượu kia, thì chính là Bạch Nhật Thử Bạch Thắng, mà gánh rượu ấy toàn là rượu ngon tất cả. Khi bảy người uống một thùng, rồi Lưu Đường lại bỏ thùng rượu bên này uống luôn một gáo nữa, cố ý làm cho bọn 15 người nọ biết là rượu tốt. Đoạn rồi Ngô Dụng lại nấp ở trong rừng bỏ thuốc mê vào gáo, mà chạy xổ ra giả vờ múc trộm. Bấy giờ Bạch Thắng quay lại giằng gáo rượu đổ trả vào thùng, làm cho thuốc mê pha lẫn cả vào rượu, rồi sau mới bán cho lũ nọ. Đó là cái kế sách của bọn 8 người hảo hán bày ra, để cướp lấy 10 vạn quan tiền châu báu vậy.
Khi ấy Dương Chí vì uống ít rượu, nên vừa được một lúc, thì chàng đã tỉnh táo dậy được trước, duy nhìn đến mười bốn người kia, thì anh nào anh nấy, vẫn còn nằm vật mãi ở gốc cây, dãi nhớt chảy ra bên mép, mà chưa anh nào dậy được. Dương Chí thấy thế, vừa phần tức bực, vừa phần lo sợ, vì mấy đứa khốn nạn tham lam, nói ngang nói dọc, làm cho mười mấy gánh châu báu kim ngân; đều tống đi tất cả, như thế thì còn về tới phủ mà trông thấy Lương Trung Thư làm sao được nữa? Chàng nghĩ vơ nghĩ vẫn, cay đắng trong lòng, liền lấy tờ giấy lĩnh trạng ra xé tan nát vứt đi. Đoạn rồi đứng mà phàn nàn một mình rằng:
- Bây giờ đi cũng dở, mà về thì cũng chết, tiến thoái đôi đường đều là tuyệt vọng cả! Thời vận anh hùng đã đến lúc long đong như thế, bất nhược liều mình mà chết ở đây cho rãnh!
Chàng nghĩ vậy liền sắn áo đi rảo bước ra mạn đồi để nhảy xuống khe mà tự tử.
Cho hay:
Cây cao càng cả gió lay
Khôn ngoan càng lắm nỗi cay đắng lòng,
Chẳng hay cũng mẹo Hóa Công,
Thử gan sắt đá anh hùng xem sao?
Bể trần mấy lớp ba đào,
Nóng gan ai dễ cắm sào được yên!
Chắp tay vái lạy Hoàng Thiên,
Thân này liền quyết một phen với đời...
Lời bàn của Thánh Thán:
Đọc đến đây ta không khỏi ngậm ngùi mà than rằng: Bậc quân tử lãnh mạng tự trong triều, Lâm chính ở ngoài quận, phải lòng trung và gắng trí khôn thế mà sau cũng táng thân mang tiếng, thì sao cho khỏi đau lòng!!! Hỡi ôi! Để một tay chuyên chế có thể điều động ba quân, mà khiến hai kẻ chăn dê, chả khỏi sinh ra rắc rối: Dùng một tâm chí làm việc, thì đến khó như xây lầu Ngũ Phượng, cũng chả chút sai lầm; Mà kéo cả họ đến bàn mưu, thì làm cái nhà nhỏ cũng không được?
Lương Trung Thư biết ngoài đường lắm trộm cướp, lại khó kiếm nổi người đi, đã nghĩ kỹ càng, cậy đến Dương Chí; ủy cho 10 vạn kim ngân, kể cũng biết người; Tại sao lại còn phụ thêm một lão Đô Đầu, và hai tên Ngu Hầu đi kèm theo nữa, cho rằng riêng lễ vật của phu nhân một gánh, gửi theo vào trong phủ để biếu bảo quyến; thì cũng đoạn Dương Chí đã lãnh 10 vạn của, khó gì một gánh nữa đâu? Nếu bảo rằng Dương Chí chẳng thuộc lối đường cho lắm, thì những tên hầu trong Tướng phủ, theo giúp việc phu nhân, đáng tin cậy lắm ư? Tức còn nghi kị Dương Chí, chưa coi là thân mật vậy. Phải chăng Lương Trung Thư coi trọng 10 vạn của, nghĩ rằng Thái Sư đã giàu sang đến thế, cũng phải động lòng, khi Thái Sư đã động lòng, thì Lương Bắc Kinh đắc sủng. Thế lại vững như bàn thạch, mới đem dâng hiến của này hòng rằng tâm Thái Sư phải động. Cho nên coi khinh Dương Chí, nghĩ rằng y vốn kẻ bần hàn, nay thấy của chẳng động lòng sao được? 10 gánh của ấy, còn nguy hiểm hơn "Giấc mơ bắt được Hưu tàu lá chuối ngoài gò"mới phải cho Đô Quản và hai Ngu Hầu đi kèm ép vậy để phòng họ Dương kia khỏi động lòng. Thế mà vẫn nhớ câu sách dạy: Dùng người chớ ngại, ngại người chớ dùng...Thế mà còn bày trò một gánh của phu nhân, cho kẻ thân tín đi kèm, để cho dấu vết nghi kỵ. Thì than ôi! Làm một người như Dương Chí lúc ấy, xét cũng khó thay! Dẫu khi đi đường, cũng nghỉ ngơi từng lúc, đều theo lời dặn, coi cả ba người, không được tự tiện, lại xét ra một viên quan cai trị trăm họ, một viên tướng điều khiển ba quân, chỉ một người là được, đằng này lại đến bốn người, đem bốn người ấy, áp tải 11 cấm binh há có được chăng? Kinh Dịch nói: Dương, như 1 vua 2 dân, đạo của quân tử, âm, như 2 vua 1 dân, đạo của tiểu nhân. Nay Trung Thư chỉ vì cớ coi trọng 10 vạn của, khinh một Dương Chí, với kế hoạch quanh co, đã theo đạo của tiểu nhân, còn mong qua Hoàng Nê Cương khỏi mất ở trong muôn một, ắt vô lý vậy. Cho nên vụ mất cướp đồ mừng sinh nhật, đâu phải cái tội ở đám 8 người Tiều Cái, đâu phải cái tội ở 11 tên Cấm binh, mà cũng không phải cái tội ở bốn người Sai áp nữa, mà chính cái tội ở Trung Thư, còn bàn gì nữa, còn bàn gì nữa? ? ?
Hoặc có kẻ hỏi: Đã xẩy ra mất cướp, sao Dương Chí chả cướp trước đi? Thánh Thán này xin đáp: Dương Chí không nên cướp vậy, vì 10 vạn của là trọng vật, chẳng cứ mồ hôi nước mắt của trăm họ ở phủ Đại Danh, mà cũng là thứ làm cho Lương Tướng Công kiệt tâm huyết nữa, vì Dương Chí vốn kẻ bần hàn, chóng được hiển đạt, cũng chỉ bởi người trên hậu đãi trước, để rồi dùng vào việc sau đây, cho nên vì cớ đem nổi 10 vạn của, mà trao cho làm Thống chế thì dễ mà vì sẵn có Thống chế, mà trao cho 10 vạn của thì khó. Dương Chí cũng biết sâu xa như thế, sao Dương Chí biết được, vì biết rằng năm vơ vét 10 vạn của, để cầu cạnh Trượng Nhân thì người ấy dùng ta phải đâu là quốc sĩ, chẳng đem lòng quốc sĩ đãi ta, mà khi đấu võ ở Đông Quạch, một ngày vượt qua mấy cấp, đều là dụng ý để sau này ta hết sức giúp việc mà thôi, khác nào ngoi chim mồi để dọa chó săn, chẳng phải ân tình, song lẽ kẻ kia có biết đâu đức của chim mồi là Phượng Hoàng phẩm, của chó săn là Kỳ Lân đâu? Cho nên trước khi Trung Thư chưa sai Đô Quản Ngu Hầu, Dương Chí đã kêu với Tướng Công, nên cho một người đi với tiểu nhân này, một người đi với tiểu nhân này, đâu phải xin Võ Dương hay Triều Ân làm phó hay giám sát, nếu Dương Chí sớm biết sự nghi kỵ, mà rồi cũng cứ đi, thì ra trượng phu biết báo ơn sâu, để đáp lại sự vội cất nhắc cho quan chức ở Đông Quách vậy, đâu có chối từ? Đem chuyện Dương Chí ra ngụ ngôn vậy. Hỡi ơi! Xưa kia quốc gia và nghi lập Giám sát, luôn luôn có đấy, ta sao nói được hết ra.
Tác giả tả Dương Chí chợt vậy mà đi, lại chợt vậy mà thôi, chợt đi lại chợt chẳng đi, thế bút uốn éo, không thể nào định trước.
Tác giả tả khí trời oi bức, chỉ một hai câu, đã bức sốt chết người xưa kia bảo rằng mùa đông treo tranh trời bức, cho ấm áp thêm, nay đọc hồi này, khác nào như thế.
Tác giả tả trên bước đường lão Đô Quản khéo giày vò, khác nào vẽ ra người ấy. Hỡi ơi! Kẻ tiểu nhân quen hưởng thời bình, chợt có họa hoạn, thì ngăn trở mọi đường, uốn lưỡi chưởi người, há chả rõ ràng đáng chú ý, đến khi biến đổi, chả biết làm sao, làm chuột làm hùm, cũng đều thua cả, há chẳng đau thương!
Tác giả tả đám bán táo một nơi, chàng bán rượu một chốn, thùng rượu không gáo, gáo lại ở chỗ khác, khiến độc giả không quên đám uống rượu tụ nghĩa ở thôn Đông Khê, huống hồ phải sau này mới biết, bút pháp tác giả, thật khéo lắm thay!
Tác giả tả anh bán rượu cãi nhau, thực là kỳ bút, nếu kẻ khác chép truyện, thì vào đề ngay, cho đến kẻ đọc, cũng thấy mãi mà không bán rượu, vì ngọn bút tả ra dần, như cung cứng ngựa mạnh, muốn xổ ra ngay, thì không thu lại kịp, tả như thế mới hay.
Tác giả tả bảy anh hàng táo gặp hàng rượu vồ lấy, như lũ bồ cắt kia tranh chim sẻ, nhảy lên, múa lên, đọc thấy mê thú.
Thi Nại Am
Dịch giả: Á Nam Trần Tuấn Khải
Theo https://www.sachhayonline.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...