Thủy hử hay Thủy hử truyện, nghĩa đen là "bờ
nước", là một trong bốn tác phẩm lớn của văn học cổ điển Trung Hoa, thường
gọi là nhóm Tứ đại danh tác. Tác giả Thủy hử thường ghi
là Thi Nại Am (1). Cốt truyện là sự hình thành và những chiến tích của
cuộc khởi nghĩa nông dân chống triều đình nhà Tống, do Tống Giang lãnh đạo,
thường gọi là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Nếu như Tam Quốc chí diễn
nghĩa được xếp đầu bảng Tứ đại danh tác thì Thủy hử đứng
thứ hai: Đệ nhị danh tác! (Thứ ba là Hồng Lâu mộng của Tào Tuyết Cần
và thứ tư là Tây Du ký của Ngô Thừa Ân).
Ngay sau khi ra đời, Thủy hử được nhiều người sưu
tập, khắc in và còn viết thêm theo “cảm hứng” sáng tạo được kích hoạt bởi
chính sự lôi cuốn của số phận các nhân vật trong Thủy hử. Phổ biến nhất
là 6 bản Thủy hử, gồm hai loại: 70 hồi và trên 70 hồi. Loại 70 hồi thường
chỉ khác nhau một ít ở hồi cuối cùng, hồi 71, do nhà bình luận hoặc người đứng
ra khắc in thêm vào, nhưng đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am và đều
dừng lại ở thắng lợi của nghĩa quân. Loại trên 70 hồi có nhiều bản, 100 hồi,
115 hồi, 120 hồi, 141 hồi, trong đó 70 hồi đầu giống nhau, những hồi sau khác
nhau về tình tiết câu chuyện nhưng đều nói đến quá trình tan rã của quân
Lương Sơn Bạc. Một trong những bản Thủy hử được phổ cập rộng rãi nhất
là bản 70 hồi, do Kim Thánh Thán (2), một nhà phê bình lớn đời
Thanh biên soạn. Ngoài phần phê bình văn chương, Kim Thánh Thán đã cắt bỏ đoạn
"anh hùng Lương Sơn phân chia ngôi thứ, phân công trách nhiệm" của
nguyên bản 71 hồi mà tạo ra một "giấc mộng kinh hoàng" của Lư Tuấn
Nghĩa: 108 vị anh hùng bị giết sạch và giữa trời đất xuất hiện 4 chữ "Thiên
hạ thái bình".
Lương Sơn tụ nghĩa, Thế thiên hành đạo
Quá trình tụ nghĩa của các anh hùng hảo hán tại bến nước để
hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn
giải. Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được đề cập không phải là một trong các vị
anh hùng Lương Sơn, mà là Cao Cầu. Theo ý kiến các nhà nghiên cứu (Lời bình của
Kim Thánh Thán về vấn đề này có ở cuối bài viết), quá trình thăng tiến của
gian thần Cao Cầu chính là sự tố cáo cho chính sự thối nát của nhà Bắc Tống
(3) khi đó mà người chịu trách nhiệm cao nhất là hoàng đế Tống Huy Tông (4),
một quân vương chơi bời, không quan tâm tới việc triều chính.
Từ một tên du đãng, Cao Cầu liên tục gặp may, trở thành sủng
thần của vua Tống Huy Tông và được phong chức Thái úy. Mối liên kết giữa các
gian thần Cao Cầu, Dương Tiễn, Lương Trung Thư... và bộ máy quan lại tham
lam, xảo quyệt, độc ác bên dưới đã làm hại các lương thần của triều đình (Lâm
Xung, Võ Tòng, Dương Chí, Tống Giang, Hoa Vinh...) khiến họ lần lượt phải bỏ
sự nghiệp đi theo Lương Sơn Bạc.
Cũng có những anh hùng xuất thân nơi thôn dã, không có chức
vụ quyền hành nhưng bất bình với sự áp bức, bóc lột của quan lại địa phương
như Lý Quỳ, Sử Tiến, Lưu Đường... nên đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn hoặc
tự cứu bản thân mình, trở thành người phạm tội và cũng lên Lương Sơn.
Từng nhóm anh hùng được tập hợp riêng lẻ, rồi sau đó tất cả
đều tụ về Lương Sơn. Có những người lên Lương Sơn bằng con đường vòng vo, trắc
trở như Tống Giang, vì ông vốn mang tư tưởng trung quân với triều đình; lại
có những người con đường lên Lương Sơn thẳng tuột như Lý Quỳ bởi ông coi việc
làm phản khi bị ức hiếp là đương nhiên. Thủy hử phản ánh thực trạng
trong xã hội phong kiến muôn đời: "quan bức thì dân phản". Và thời
thế đó đã tất yếu đã sinh ra những “Anh hùng thời loạn” - những người có khả
năng dựng ngọn cờ “Thế thiên hành đạo” để quy tụ lực lượng quần chúng lao khổ
nhất tề đứng lên chống cường quyền áp bức, đó chính là 108 Anh hùng
Lương Sơn bạc. Điều đó rất hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động
nghèo khổ bị bóc lột, áp bức nên Thủy hử dễ cuốn hút và đi sâu vào
tiềm thức của đông đảo công chúng văn học và quần chúng nhân dân nói chung.
Điều khiến Thủy hử trở nên cuốn hút, hấp dẫn là
ngoài tính cách đa dạng của các nhân vật, các tình tiết còn mang nhiều tính bất
ngờ, thú vị cho người đọc. Người thủ lĩnh đầu tiên của Lương Sơn Bạc là Vương
Luân, nhưng chính Vương Luân lại bị Lâm Xung giết để tôn Tiều Cái. Tiều Cái
được xem là người khai sáng Lương Sơn, nhưng lại không thuộc vào số
108 vị anh hùng - không thuộc vào 36 vị thiên cang hay 72 vị địa sát - vì ông
bị tử trận trước khi Lương Sơn tập hợp đủ 108 người. Tài năng, tính cách của
các anh hùng Lương Sơn cũng phong phú, mỗi người một vẻ. Ngoài những người giỏi
chinh chiến trên lưng ngựa như Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Duyên Chước, Tần
Minh, Đổng Bình... hoặc đánh bộ như Lý Quỳ, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm... còn một đội
ngũ các tướng chuyên đánh dưới nước như anh em Trương Hoành, Trương Thuận, 3
anh em họ Nguyễn và cả Lý Tuấn; các quân sư tài ba như Ngô Dụng, Chu Vũ; những
người di chuyển nhanh hoặc giỏi đột nhập như Đái Tôn, Thời Thiên... Đặc biệt,
trong các anh hùng Lương Sơn còn có 3 nữ tướng là Cố Đại Tẩu, Hỗ Tam Nương và
Tôn Nhị Nương.
Kết cục bi thảm của khởi nghĩa nông dân
Lương Sơn Bạc phát triển đến cực thịnh ở hồi 70 với việc tập
hợp đủ 108 vị anh hùng được phân thứ hạng và nhiệm vụ ở Lương Sơn. Triều đình
nhà Tống nhiều lần điều quân đi đánh dẹp đều bị quân khởi nghĩa đánh bại.
Thái úy Cao Cầu đích thân cầm quân đánh dẹp, bị quân Lương
Sơn bắt sống. Tuy nhiên, do thủ lĩnh Tống Giang mang nặng tư tưởng trung quân
nên đã sai thả Cao Cầu và xin được về quy thuận triều đình. Dù bị nhiều ý kiến
phản đối (nhất là Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm và Lý Quỳ), Tống Giang vẫn quyết ý dẫn
các thủ hạ về quy hàng khi được triều đình chiêu an.
Sau khi về hàng triều đình, quân Lương Sơn được điều đi
đánh quân nước Liêu (5) xâm phạm bờ cõi nhà Tống. Quân Lương Sơn thắng
quân Liêu liên tiếp nhiều trận, sắp tiến đến kinh đô nước Liêu thì vua Huy
Tông theo lời các gian thần, chấp thuận cho nước Liêu giảng hòa và hạ lệnh Tống
Giang rút quân. Trở về, triều đình lại phái quân Lương Sơn đi đánh dẹp các cuộc
khởi nghĩa khác của Điền Hổ, Vương Khánh và Phương Lạp (6). Với đội
ngũ thiện chiến, tài năng, quân Lương Sơn dưới cờ hiệu của triều đình nhà Tống
đã dẹp được cả 3 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn này.
Khi đánh quân Liêu và các cuộc khởi nghĩa nông dân khác của
Điền Hổ, Vương Khánh, quân Lương Sơn toàn thắng và không có tướng lãnh nào tử
trận. Nhưng, khi đánh Phương Lạp, quân Lương Sơn bị tổn thất nặng. Và khi giặc
giã không còn, nhà Tống tìm cách trừ khử họ…Sự tan rã không thể cưỡng lại của
108 Anh hùng Lương Sơn bạc đã phản ánh đúng hiện thực lớn của xã hội phong kiến
nói chung: hầu hết các cuộc khởi nghĩa nông dân đều không tránh khỏi kết cục
bi thảm!
Những thành tựu Nghệ thuật nổi bật của Thủy hử truyện
Phần lớn các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc đều nhận xét:
Giá trị cơ bản của Thủy hử là ở chỗ đã xây dựng được hàng loạt nhân
vật anh hùng hảo hán võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, xả thân vì nghĩa.
Vì vậy, các hảo hán Lương Sơn đã được ca ngợi hết lời, là những người tượng
trưng cho ước vọng của quần chúng nông dân thấp cổ bé họng, là những ông tiên
ông Bụt bằng xương bằng thịt...vì thế lá cờ “Thế thiên hành đạo” của 108 Anh
hùng Lương Sơn Bạc mãi mãi được đông đảo công chúng ngưỡng mộ… Đó là nhận xét
đúng.
Do phản ánh cuộc sống xã hội rộng lớn, nên Thủy hử
truyện có hàng mấy trăm nhân vật, trong đó có nhiều tính cách nhân vật sắc
nét, để lại cho người đọc ấn tượng khó phai. Nhất là những hình tượng nhân vật
anh hùng trong đội ngũ khởi nghĩa nông dân thì được miêu tả rất xuất sắc.
Tính cách của nhân vật Võ Tòng, Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ, Tống Giang v.v… là những điển hình nghệ thuật đỉnh cao, đều là những Đại
anh hùng nhưng mỗi người một sắc thái riêng. Võ Tòng tính tình cứng rắn, trọng
tình nghĩa, đạo đức, ghét bạo tàn, thương kẻ yếu, nói được làm được. Võ Tòng
nhờ vào võ nghệ cao cường, lòng quả cảm, quyết đoán kịp thời để “bình
sinh chỉ đánh bọn ngang ngạnh, không có đạo đức trong thiên hạ”. Những đặc điểm
đó trong tính cách của Võ Tòng làm cho anh ta khác hẳn Lâm Xung khoan dung,
ôn hòa, do dự, thiếu quyết đoán.
Võ Tòng có dũng lại có mưu, làm việc cẩn thận, trầm tĩnh, rất
có chừng mực, trong Hắc điếm ở dốc Chữ thập, anh ta đã bí mật lừa được Tôn Nhị
Nương, một tay giàu kinh nghiệm đã thành tinh trong cái nghề mua bán này. Ðể
tìm ra chân tướng việc anh ruột bị giết hại, tìm cách báo thù, giải oan, Võ
Tòng sắp đặt chu đáo tỉ mỉ: tay lăm lăm cầm dao nhọn, nghiêm giọng vặn hỏi Hà
Cửu Thúc về tình hình lúc liệm thây; cho tiền, mời cơm, rồi ôn tồn hỏi thăm
chú bán lê Kiều Vận Ca đầu đuôi việc bắt kẻ gian; hết bốn mươi chín ngày,
bày tiệc rượu, mời hàng xóm láng giềng tới làm chứng, đóng chặt cửa trước cửa
sau, lấy xong khẩu cung Vương bà và Phan Kim Liên, giết ngay Phan Kim Liên;
sau khi đánh chết Tây Môn Khánh, đàng hoàng dẫn nhân chứng vật chứng tới cửa
quan tự thú. Trước mặt Thi Ân, Võ Tòng từng nhấc nhẹ nhàng trụ đá nặng mấy
trăm cân mà “mặt không đỏ, tim không đập mạnh, miệng không thở gấp”. Chuyện
đánh hổ trên núi Cảnh Dương là chuyện ai cũng biết. Có thể nói, Võ Tòng là điển
hình của một dũng sĩ, và đã trở thành tấm gương cho quần chúng nhân dân học tập
noi theo trong cuộc đấu tranh kiên cường chống mọi loại kẻ thù.
Ngoài những “Đại đầu lĩnh” như Tống Giang, Võ Tòng, Lâm
Xung, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ, Thủy hử truyện khắc họa tính cách các
anh hùng Lương Sơn bạc khác cũng rất nổi bật và thành công ở sự đa dạng,
phong phú như chính hiện thực đời sống. Như Thạch Tú với lòng dũng cảm vô
song trên chiến trường, với lòng can đảm và trí thông minh hơn người đã nhảy
lầu, cướp pháp trường, với cái tinh ý, cẩn thận, bạo tay cứng cỏi, trước và
sau khi giết Phan Xảo Vân; như ba anh hùng nhà họ Nguyễn với tính cách phản
kháng “không sợ trời, không sợ đất, không sợ quan” được hun đúc trong cảnh
nghèo khó; còn Dương Chí, Ngô Dụng, Đái Tôn, Tần Minh, Sử Tiến, Lí Tuấn,
Trương Thuận, Yến Thanh, Nhạc Hòa, v.v…, nhân vật nào cũng sống động, mỗi người
một vẻ. Sự đa dạng, phong phú trong tính cách của họ đã phản ánh khí khái anh
hùng và tinh thần phản kháng của quần chúng nhân dân qua nhiều mặt khác nhau.
Thành tựu của Thủy hử truyện về mặt miêu tả nhân
vật không những được thể hiện ở sự khắc họa tinh tế tính cách các nhân vật
anh hùng giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ thiên tiểu thuyết, mà còn được
biểu hiện ở việc phác họa tính cách các nhân vật thứ yếu, xuất hiện rất ít.
Tác giả không tốn nhiều giấy mực, chỉ qua vài nét đơn giản là có thể phác họa
cá tính của họ một cách thần tình và sâu sắc. Hà Cửu Thúc là một ví dụ cụ thể.
Ông ta là nhân vật điển hình cho những người dày dạn gió sương, hiểu thấu
nhân tình thế thái, lại nhanh nhẹn tháo vát trong xã hội cũ. Hoàn cảnh sống
đã tạo cho ông ta tính thớ lợ, ranh mãnh, cầu an. Qua việc ông ta lấy trộm
hài cốt, tác giả tả ông ta có tính hai mặt vừa lão luyện vừa khiếp nhược một
cách sắc sảo. Còn nhân vật xuất hiện gần như cùng một lúc với ông ta, chú bé
bán tuyết lê Kiều Vận Ca, thì ngây thơ, ngay thẳng, dám đến phủ quan làm nhân
chứng, rất tương phản với tính cách của ông ta. Vương bà là một ví dụ khác.
Đó là một nhân vật kỳ hình dị tướng sống trong chế độ phong kiến.
Nghề nghiệp làm cho mụ sành sỏi trong việc xem mặt bắt lời, làm việc gì cũng
trơn tru trôi chảy.
Tác giả miêu tả hai điểm đặc sắc trong tính cách của mụ một
cách sinh động, đó là tham và ác. Những nhân vật thứ yếu được viết thành công
kiểu như Hà Cửu Thúc, Vương bà, còn có Nọc ong vẽ Hoàng Văn Bính, tinh ranh
giảo quyệt như cáo già, nhận ra ngay bức thư giả của Đái Tôn, như cọp không
lông Ngưu Nhị quen thói lăng loàn, cướp đoạt bảo đao của Dương Chí, như chàng
tu sĩ áo trắng Vương Luân lòng dạ hẹp hòi, tầm nhìn ngắn ngủi, như Diêm Bà
Tích tai quái ác độc, v.v…, tất cả đều rất sống động, như có da có thịt vậy.
Tác giả cũng rất giỏi về việc khắc họa nhân vật qua hành
động. Tính cách và diện mạo tinh thần liên quan tới nhân vật đều do hành động
của chính nhân vật đó nói lên, mà không cần xen vào những đoạn giới thiệu dài
dòng bằng lời của người thứ ba. Như các nhân vật Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ,
Dương Chí, đều xuất hiện đột ngột khi đang miêu tả việc của những nhân vật
khác. Lỗ Trí Thâm đang múa tít cây thiền trượng nặng sáu mươi hai cân trước mặt
đám lưu manh, bỗng nghe một tiếng khen, thế là Lâm Xung xuất hiện. Tiếp theo
tác giả miêu tả cách ăn mặc, diện mạo của Lâm Xung, anh ta cùng Lỗ Trí Thâm uống
rượu nói chuyện, rồi con hầu đến báo tin, và anh ta vội vã đi… Sử Tiến đang hỏi
thăm tông tích Vương Tiến trong quán trà ở Vị Châu thì Lỗ Trí Thâm bước vào.
Tiếp đó tác giả tả cách ăn mặc của anh ta qua con mắt của Sử Tiến, hai người
trò chuyện, ra phố, gặp Lý Trung, đuổi người xem, lên tửu lâu, nghe thấy tiếng
thổn thức của Kim Thúy Liên… Những hành động tiếp nối nhau của các
nhân vật đã dần dần bộc lộ tính cách của họ.
Những hành động của nhân vật thường có sự phát triển. Hoàn
cảnh khác nhau quyết định hành động khác nhau. Tính cách được biểu hiện qua
hành động tất nhiên cũng do đó mà phát triển, biến đổi. Ví dụ, Lâm Xung khi tới
miếu sơn thần trong lúc gió tuyết, đã biến thành một con người khác: sau khi
giết người, anh ta xử sự không còn nho nhã như trước nữa. Do phẫn nộ, tính
cách Lâm Xung từ chỗ khuất phục ẩn nhẫn chuyển thành ngỗ ngược, ngang tàng:
Lão trang khách không cho Lâm Xung rượu uống, anh ta liền dùng cây thương hất
mạnh thanh củi đang cháy trong lò vào mặt lão! Và đến khi sống với Vương Luân
thì nó đã phát triển tới đỉnh điểm.Tính cách nhân vật biến đổi, phát triển
trong những hoàn cảnh khác nhau, đó là một đặc điểm nổi bật của Thủy Hử
truyện.
Một đặc điểm nổi bật nữa trong việc xây dựng tính cách nhân
vật của Thủy Hử truyện là dùng bút pháp chạm khắc tinh vi để khắc họa
nên những cá tính rõ nét. Các nhân vật tuy cùng một tầng lớp xã hội, nhưng do
sự từng trải đời sống, hoàn cảnh sống khác nhau, nên cá tính vì thế cũng khác
nhau. Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Dương Chí cả ba đều là anh hùng xuất thân từ
hàng võ quan, võ nghệ cao cường. Nhưng nguyên nhân và quá trình họ lên Lương
Sơn bạc lại hoàn toàn khác nhau. Vì là dòng dõi ba đời nhà tướng, mục đích sống
là “một thương một đao mưu cầu phong thê ấm tử, làm rạng rỡ tổ tông”, nên khi
mắc tội lần thứ nhất, Dương cố dùng cách hối lộ mong khôi phục lại chức quan
cũ, thậm chí khi đi qua Lương Sơn bạc, anh ta cự tuyệt việc gia nhập Lương
Sơn để khỏi làm “nhơ bẩn thanh danh”. Nhưng khi gặp họa lần thứ hai vì để mất
món đồ lễ sinh nhật, tính mạng bị đe dọa, đành phải lưu lạc giang hồ lên Nhị
Long sơn. Con đường Dương Chí trải qua cố nhiên khác hẳn Lỗ Trí Thâm, khác xa
với Lâm Xung.
Sự thể hiện tính cách nhân vật tinh vi, rõ nét còn thấy ở
những tính cách tưởng như gần nhau, giống nhau nhưng thực ra vẫn có những sắc
thái riêng độc đáo, không thể trộn lẫn. Ví dụ như Lỗ Trí Thâm và Lý Quỳ, đây
là hai nhân vật tính cách thô lỗ. Tính cách của họ giống nhau ở nhiều điểm.
Nhưng giữa cái thô lỗ của Lỗ Trí Thâm với cái thô lỗ của Lý Quỳ, hiển nhiên
có đường phân giới rõ ràng. Về cử chỉ và dáng người, Lỗ là một hòa thượng to
béo hay gây gổ. Nhưng trong cái thô lỗ của họ Lỗ có cái cẩn thận, nhanh nhạy,
sáng suốt. Ở cửa hàng thịt, trước tiên Lỗ giả vờ mua thịt, cố ý bắt bẻ Trịnh
Đồ một hồi, rồi sau mới chính thức nói rõ chủ ý và đánh cho Trịnh Đồ nhừ tử.
Khi thấy Trịnh Đồ đã chết, Lỗ giả vờ nói: “Mày giả chết à? Ông lại đánh nữa”,
nhưng trong đầu thì nghĩ: “Mình chỉ tính đánh cho nó một trận, không ngờ đấm
có ba quả mà nó đã chết. Mình bị án thì ai cơm nước cho. Chẳng thà trốn sớm
đi cho xong”. Rồi co chân chạy…Hoạt động tâm lý lúc ấy thể hiện tính chất
phác của Lỗ Trí Thâm, mà việc thoát thân nhẹ nhàng lại thể hiện rõ cái cơ trí
của ông ta. Sau đó, cạnh hố phân trong vườn rau chùa Tướng Quốc, Lỗ lại khám
phá ra quỷ kế của bọn lưu manh, liền đá cho thằng đầu sỏ một đá, khiến cả đám
kinh hoảng. Khía cạnh tính cách này của Lỗ còn biểu hiện ở những trường hợp
khác, như lúc cứu Lâm Xung ở rừng Dã Trư chẳng hạn. Nguồn gốc tính cách như vậy
có quan hệ mật thiết với cuộc đời mà Lỗ đã trải qua. Xuất thân từ hàng ngũ
quan lại địa phương. Quá trình lâu dài sống trong lòng giai cấp thống trị
phong kiến và đấu tranh với thế lực tà ác đã luyện cho Lỗ tính cách phản
kháng, làm giàu thêm kinh nghiệm xử thế. Lỗ biết rõ mọi mánh khóe độc ác, giảo
quyệt của tầng lớp thống trị. Do đó, nhất cử nhất động của Lỗ đều thành thục.
Lý Quỳ đôi khi cũng có cái cẩn thận trong cái thô lỗ. Khi mới gặp Tống Giang,
Đái Tôn bảo Lý lạy, anh ta nói: “Nếu là ông Tống Công Minh thực thì tôi lạy.
Nếu là kẻ khác thì việc đếch gì tôi phải lạy! Anh Tiết cấp ạ, anh đừng gạt
tôi lạy, để rồi anh cười tôi!”. Sau khi phá tan Cao Liêm, Lý tình nguyện xuống
giếng khô thăm Sài Tiến, khi đó anh ta nói với bọn Tống Giang: “Em xuống
không sợ, nhưng các anh chớ cắt đứt dây nhé!”. Khi lên rồi, Tống Giang bảo Lý xuống lần nữa, anh ta lại bảo: “Anh không biết, ở Kinh Châu em đã bị hai vố.
Lần này đừng có chơi vố thứ ba đấy”. Song, cái cẩn thận này không phải là lão
luyện mà là thành thực. Một biểu hiện đầy ý nghĩa đặc trưng của Lý Quỳ là: nửa
người trên ở trần, hét lên một tiếng như sấm giữa ban ngày, một mình xông lên
trước, vượt lên trận tiền, múa vù vù đôi búa chém tới tấp. Hành động như thế
không thể thấy ở Lỗ Trí Thâm được.
Thủy hử được dịch ra nhiều thứ tiếng (7). Bản dịch tiếng
Việt đầu tiên là của Á Nam Trần Tuấn Khải, có văn phong hàn lâm và hiện được
cho là bản dịch chính thức để dùng trong nghiên cứu và giảng dạy. Một bản dịch
sau, không có những hồi cuối của La Quán Trung, do Mộng Bình Sơn dịch, có giọng
văn quen thuộc hơn với người bình dân.
Sau Thủy hử có tác phẩm “tiếp nối” Thủy hử là Hậu Thủy
hử (8) hoặc lấy một nội dung nào đó trong Thủy hử làm đề tài
sáng tác mới như Kim Bình Mai (9), lại có tác phẩm “phản Thủy hử”
như Đãng khấu chí (10). Thủy hử còn khơi gợi cảm hứng
sáng tạo đối với nghệ thuật Điện ảnh (11) và những bộ phim về Thủy hử cũng
cuốn hút công chúng không kém nguyên tác.
Bài ca ở cuối Hồi Một là sự phác họa sinh động chân dung của
người Anh hùng Lương Sơn bạc đầu đội trời chân đạp đất, thấy sự bất bằng chẳng
tha:
Rượu còn chếnh choáng,
Người đã xôn xao,
Vì không tỏ mặt anh hào,
Bỗng dưng đâu có lụy vào đến thân?
Đã nên có dũng có nhân,
Nặng lòng nghĩa hiệp, nhẹ cân bạc tiền,
Nước non đã vực anh tài,
Sá chi luồn cúi thiệt đời bồng tang;
Tiếng hào còn để làm gương,
Trăm năm thẹn chết những phường tham ngu.
Lời bàn của Kim Thánh Thán ở cuối Hồi Một:
Một bộ sách lớn gồm bảy mươi hồi, sắp tả ra một trăm linh tám anh hùng. Khi mới
mở đầu câu chuyện không thề tả ngay ra hết, hãy tả một người Cao Cầu như khởi
điểm. Nếu chẳng tả Cao Cầu, lại tả ngay một trăm linh tám vị anh hùng, thì ra
mối loạn bắt đầu tự lũ dưới. Nay chẳng tả ngay lũ anh hùng ấy, mà tả Cao Cầu
trước, thì thấy mối loạn sinh ra vốn tự người trên. Xét loạn tự lũ dưới sinh
ra, sao dung thứ được? Đó là điều kiêng kị của tác giả đối với mọi chuyện.
Nay mối loạn tự người trên sinh ra, không nên để cho to lớn, đó cũng là điều
lo sâu của tác giả đối với mọi chuyện. Một bộ sách lớn bảy mươi hồi, mở đầu
thấy tả Cao Cầu mới viết vậy.
Cao Cầu trở lại Đông Kinh đắc dụng, khiến Vương Tiến bỏ quan chức trốn đi,
Vương Tiến kia là bậc thế nào? Vốn người chẳng bỏ nghiệp cha, khéo nuôi chí mẹ,
tức là con hiếu đấy! Khiến ta càng nhớ đến câu: Muốn cầu tôi trung, phải xem ở
đám con hiếu. Như thế Vương Tiến cũng bậc tôi trung, từ xưa con hiếu tôi
trung, được coi như tường lân oai phượng, hay như ngọc bích tròn, với ngọc
khuê vuông, tìm khắp bốn bể chưa lấy nổi một người, thế mà đánh sịch một cái
lại có đây, thì đáng tôn quý, đáng vinh dự lắm chứ? Sao mà sinh sự oán ghét,
lại toan đánh mắng, đến điều muốn giết chết, bức bách cho phải bỏ đi, thế là
tại đâu? Đó là Vương Tiến bỏ đi, đem lại một trăm linh tám người tới vậy.
Như thế Cao Cầu khởi xướng cho một trăm lẻ tám người sinh chuyện. Vì sau
Vương Tiến bỏ đi, lại tiếp đến Sử Tiến, chữ Sử là họ kia cũng chữ sử là sách
sử vậy, ý nói quan Tỳ Sử cũng chỉ chép sử. Hỡi ơi! Từ xưa có sử để mà chép mọi
việc, thì nay quan Tỳ Sử chép gì, hãy chép việc của một trăm lẻ tám người vậy,
chép đám người ấy, cũng cho là sử ư? Cho là sử vì lời bàn của dân chúng, cũng
là sử được, kể ra dân chúng đâu dám cãi bàn việc nước, bấy lâu nay dân chúng
đâu dám cãi bàn, một khi dân chúng chẳng dám cãi bàn, mà lại cứ dám cãi bàn,
thì tại đâu nhỉ? Theo như thiên hạ có đạo, thì dân nào dám cãi bàn, thì cũng
đủ biết thiên hạ không còn đạo nữa! Cũng như Vương Tiến phải bỏ đi, vì Cao Cầu
được trở lại vậy.
Họ Sử cũng như sách sử vậy, vốn có chuyện vậy, còn Tiến thì nghĩa sao đây?
Xét rằng kẻ kia vốn tự hứa ra tên, dù chẳng phải quan Tỳ Sử chép truyện, song
đã tiến dẫn thành sử vậy, ngươi Sử Tiến để tiến dẫn truyện thành ra sử, vốn
có vậy. Còn Vương Tiến là nghĩa làm sao? Xét rằng phải được người như thế,
ngõ hầu bậc thánh ở ngôi vua, để dạy dân tiến lên vương đạo, phải là như người
Vương Tiến, rồi dạy dân tiến lên vương đạo, thế thì một trăm lẻ tám người
kia, theo vương đạo phải đem giết bỏ.
Một trăm lẻ tám người kia, theo vương đạo phải đem giết bỏ, sao còn cho hiện
lẫn ra một Vương Tiến đáng là dân của bậc thánh minh? Xét rằng Vương Tiến chẳng
bỏ nghiệp cha, khéo nuôi chí mẹ, đáng xuất hiện trung gian, để làm gương lắm?
Thế rồi chẳng hiện ở trung gian như điểm danh chẳng tới, chẳng thấy từ đâu diễn
mãi ra, trốn một bước Diên An; Lại chẳng thấy hiện ra sau cuối nữa, chả có từ
đầu tới cuối, cũng như con thần long đó ư? Để cho một trăm lẻ tám người kia,
đều hiện ra hết, ta thấy rằng họ khỏi với tội chết vậy, nhưng vẫn chưa bằng
Vương Tiến, một trăm lẻ tám người kia, xét chưa bằng ấy, vậy sau mới biết khó
làm nổi như Vương Tiến. Xét, chẳng hiện làm đầu, để bảo cho người ta, đời loạn
nên ẩn, chớ xuất đầu ra; Xét chẳng hiện ra cuối nữa cũng bảo cho người ta, đời
loạn quyết không thu tàn cục.
Một bộ sách bảy mươi hồi, với một trăm lẻ tám người, theo 36 vị Thiên Cang,
thì ngôi sao Tống Giang làm chủ; mà khi trước làm trộm cướp vậy, lại theo 72
vị Địa Sát, có ngôi sao Chu Vũ, dẫu rằng bút lục tung hoành của tác giả rất
khéo, song cũng ngược với đạo trời mà làm ra vậy.
Thứ diễn đến Khiêu Giản Hổ Trần Đạt, Bạch Hoa Sà Dương Xuân là ẩn nhiên bao
quát một bộ sách bảy mươi hồi, có một trăm lẻ tám người đều như hùm, như rắn,
chả quý gì mà biết tới. Đã biết sự ẩn quát một bộ sách bảy mươi hồi, với trăm
lẻ tám người, thì dùng để làm gì? Nói rằng đấy là Khế Tử, để diễn ra một bộ
sách, mà Thợ Trời hoá hiện, mới có một rắn một hùm, khiến độc giả thấy Trần Đạt,
Dương Xuân, làm danh hiệu bao gồm một trăm lẻ tám vị anh hùng hảo hán vậy.
Câu cuối trong Lời bình ở Hồi 70, Kim Thánh Thán
đã viết:
“Những tên sao Thiên Cang, Địa Sát, xét ra không hợp Đạo
làm người, sao lại có áng văn viết ra lạ lùng dễ mê hoặc lòng người đến thế?
Ta muốn làm sao dựng dậy Thi Nại Am mà hỏi cho ra!”.
Như thế ta có thể nói rằng, trong Thủy hử truyện (*)
còn nhiều điều lạ lùng làm mê hoặc lòng người, chưa dễ gì đặt dấu chấm hết
cho việc tìm hiểu, khám phá những giá trị còn ẩn tàng trong cuốn tiểu thuyết
lịch sử thuộc nhóm Tứ đại danh tác này!...
Sài Gòn, tháng 7, 9-2010
Chú thích:
(1) Thi Nại Am (1296? - 1370?): được cho là người biên
soạn đầu tiên của Thủy Hử. Người ta biết rất ít thông tin về ông. Một số
học giả ngày nay nghi ngờ về sự tồn tại của Thi Nại Am và cho rằng tên gọi
này chỉ là bút danh của La Quán Trung người cũng được cho là đóng
góp trong vai trò người biên tập chính của Thủy Hử.
Thi Nại Am, theo một vài sử liệu, sinh năm 1296, mất năm
1370 tức là ông sống trong khoảng thời gian cuối đời Nguyên, đầu đời Minh
trong lịch sử Trung Quốc. Quê của ông ở huyện Ngô, tỉnh Giang Tô sau dời đến
Hưng Hóa. Thi Nại Am đỗ tiến sĩ năm 1330 dưới đời nhà Nguyên, rồi ông làm
quan 2 năm ở Tiền Đường (nay thuộc tỉnh Hàng Châu, Trung Quốc). Sau vì bất
mãn với triều đình nhà Nguyên nên ông từ quan về ở ẩn, chuyên tâm sáng tác
văn học. Thủy Hử là tác phẩm nổi tiếng nhất của Thi Nại Am. sáng
tác dựa trên các câu chuyện truyền miệng trong dân gian đời Tống, Nguyên. Có
giả thuyết cho rằng Thủy Hử là do Thi Nại Am và La Quán Trung cùng
sáng tác nhưng tính chính xác của giả thuyết ấy không cao. Sở dĩ có giả thuyết
trên vì cuộc đời của Thi Nại Am và La Quán Trung có nhiều điểm giống nhau như
đều sống trong khoảng thời gian cuối đời Nguyên, đầu đời Minh, đều từ quan về
ở ẩn để chuyên tâm sáng tác văn học.
(2) Kim Thánh Thán: Kim Thánh Thán (1610? - 1661), tên
thật Kim Vị , là một nhà văn, nhà phê bình văn học theo lối ấn tượng
của Trung Quốc, được người đời sau mệnh danh là "Vua của thể loại văn bạch
thoại Trung Quốc". Ông nổi tiếng là một người đọc rộng, uyên bác nhưng
tính tình cuồng ngạo, dị kỳ, thường nói trong thiên hạ có 6 bộ sách tài tử (lục
tài tử thư): Nam Hoa kinh của Trang Tử, Ly Tao của
Khuất Nguyên, Sử ký của Tư Mã Thiên, Thơ luật của Đỗ
Phủ, Thủy hử và Tây sương ký.
Năm sinh của Kim Thánh Thán chưa được xác định, có người
nói năm 1608, có người nói 1610, chỉ biết vào khoảng cuối thời Minh, đầu thời
Thanh, mất vào năm Thuận trị thứ 18 đời Thanh thế tổ (1661). Ông có tên khai
sinh là Trương Thái, lớn lên mới đổi sang họ Kim. Ông là người Trường
Châu, tỉnh Giang tô. Thời thanh niên, ông bị hỏng trong kỳ thi tuế, lại đỗ đầu
kỳ thi khoa sau khi đổi tên thành Nhân Thụy. Nhưng lúc này nhà Minh đã mất,
ông dứt bỏ ý định làm quan.
Kim Thánh Thán có sáng tác thơ, văn, hợp lại thành
"Thánh Thán toàn tập". Ông còn là người hiệu đính sách tài giỏi, những
cuốn Tây sương ký (2*), Thủy hử được ông hiệu đính lại và
tự ý cắt bỏ những đoạn không có giá trị ("Thủy hử" bị ông cắt hết
30 phần sau, kể từ đoạn các hảo hán Lương Sơn Bạc quy phục triều đình), được
người đời tôn xưng. Nhưng thịnh hành nhất của Kim Thánh Thán có lẽ là những
bài bình giảng. Những sách Tây sương ký, Thủy hử... khi in ra thường
thêm phần bình giảng của ông, gọi là "Thánh Thán ngoại thư". Ngoài
ra còn có "Đường tài tử thi", "Tả Truyện" là những sách
phê bình có giá trị.
(2*) Tây sương ký (truyện ký mái Tây), còn có tên đầy
đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (truyện về Thôi Oanh
Oanh chờ trăng dưới mái Tây), là vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác
trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307),
miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của
Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy.
Khi công diễn lần đầu, Tây sương ký được khán giả
đương thời yêu thích phong là “Tây sương ký thiên hạ đoạt mị” (Tây
sương ký đoạt được cái đẹp rất mực của thiên hạ).
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương.
Thôi, Trương là tên của hai nhân vật Thôi Oanh Oanh và Trương Quân
Thụy trong Tây Sương ký.
Vương Thực Phủ là nhà viết tạp kịch nổi tiếng đời
Nguyên, người Đại Đô (nay là Bắc Kinh), năm sinh năm mất đều chưa rõ. Trong đời
mình, Vương Thực Phủ sáng tác được khoảng 40 kịch bản, trong đó Tây
sương ký được viết vào khoảng đời Nguyên Trinh, năm Đại Đức (1295
-1307), là một tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.
Tây sương ký vốn xuất phát từ Hội chân ký (ghi
chuyện gặp gỡ chân thành), còn gọi là Oanh Oanh truyện của Nguyên
Chẩn (2*1) đời Đường. Kịch bản cũng cũng cho thấy những ảnh hưởng lớn từ
vở Tây sương ký chư cung điệu (Các điệu thức âm nhạc của câu chuyện
ghi dưới mái Tây) của Đổng Giải Nguyên đời nhà Kim.
Bốn hồi cuối của Tây sương ký, theo nghi vấn của Kim
Thánh Thán, rất có thể không phải do Vương Thực Phủ viết, mà do Quan Hán
Khanh (2*2), một nhà văn cùng thời với Vương Thực Phủ chấp bút. Bản dịch của
Nhượng Tống cũng chỉ dịch 16 hồi, đến lúc tan vỡ mối tình Thôi-Trương thì kết
thúc.
Tây sương ký có chủ đề là câu chuyện tình duyên giữa
nàng Thôi Oanh Oanh và thư sinh Trương Quân Thụy. Thôi Oanh Oanh là tiểu thư
xinh đẹp, con gái của một vị tướng quốc. Khi bố chết, hai mẹ con nàng về quê,
nhưng gặp loạn đành tạm lánh ở chùa Phổ Cứu, đất Bồ. Trương Quân Thụy, một
thư sinh nghèo, cha mất sớm, vãn du sang đất Bồ chơi, khi ngoạn cảnh chùa đã
gặp Oanh Oanh. Chàng đắm đuối trước sắc đẹp của nàng bèn tìm cách vào chùa
xin trọ. Đêm đến, họ Trương ngâm thơ tỏ tình, Oanh Oanh họa lại. Khi Tôn phu
nhân làm chay cho chồng thì Trương Quân Thụy cũng nhờ sư cụ của chùa thêm một
phần lễ làm chay cho cha mình để có dịp gần Oanh Oanh.
Lại có một nhân vật mang tên Tôn Phi Hổ, vốn là thủ lĩnh thảo
khấu đã đem quân bao vây chùa, đòi lấy Oanh Oanh. Thôi phu nhân tuyên bố ai
giải vây được chùa sẽ gả con gái cho. Trương Quân Thụy bèn viết thư nhờ bạn
là tướng quân Đỗ Xác đem binh tiến đánh và bắt được Tôn Phi Hổ.
Thôi phu nhân mở tiệc ăn mừng và tiệc có mời Trương Quân Thụy.
Ai cũng tưởng là tiệc cưới, nhưng Thôi phu nhân lật hẹn, nói đã hứa gả cho
cháu ngoại Trịnh Hằng, nên chỉ cho phép Oanh Oanh nhận Quân Thụy làm anh em.
Cả Oanh Oanh và Trương Quân Thụy đều rất mực đau khổ, người hầu gái của Oanh
Oanh mang tên Hồng nương cũng bất bình.
Sau buổi tiệc, Quân Thụy ốm tương tư, Oanh Oanh sai Hồng
nương sang thăm. Khi ra về, Trương Quân Thụy viết thư nhờ Hồng nương đưa cho
Oanh Oanh nhưng Hồng nương không dám đưa mà bỏ vào hộp nữ trang. Oanh Oanh vô
tình đọc được, rất mừng nhưng lại tự ái mắng Hồng, rồi viết thư trả lời
Trương Quân Thụy, sai Hồng nương mang sang. Do viết khi Oanh Oanh đang giận dữ,
Hồng nương tưởng đó là thư Oanh Oanh cự tuyệt Quân Thụy nên đã an ủi Quân Thụy
hết lời. Thế nhưng, sự an ủi đó lại càng khiến Quân Thụy tuyệt vọng. Chỉ đến
khi giở thư ra, thấy đây bài thơ Oanh Oanh hẹn chàng ở mái phía Tây lúc trăng
lên, họ Trương vui mừng liền hết bệnh.
Đêm hôm đó như đã hẹn Quân Thụy vượt tường đến mái Tây.
Nhưng vì có Hồng theo bên cạnh nên Oanh Oanh thẹn thùng. Nàng trở mặt mắng
chàng khiến chàng ngẩn người chẳng hiểu vì sao. Hồng nương cũng không rõ thực
hay giả vờ, ngỏ ý tố cáo Quân Thụy với Thôi phu nhân nhưng bị Oanh Oanh ngăn
lại. Về phòng, Quân Thụy lại trở bệnh nặng. Thôi phu nhân nghe tin sai Hồng
nương đến thăm. Oanh Oanh cũng viết thư hẹn tối đến thăm. Từ đó Oanh Oanh và
Trương Quân Thụy bí mật đi lại quan hệ với nhau như vợ chồng. Chuyện vỡ lở,
Thôi phu nhân trách mắng Hồng nương, nhưng Hồng đã dùng lý lẽ thuyết phục phu
nhân tác thành cho đôi trẻ. Bà nghe theo, nhưng bắt Quân Thụy phải vào kinh
thi hội, đỗ đạt mới cho kết hôn. Hai người đau khổ chia tay nhau.
Quân Thụy thi đỗ trạng nguyên vâng lệnh triều đình lưu lại
kinh đô làm quan. Oanh Oanh vui mừng khôn xiết và mong ước tái ngộ. Nhưng Trịnh
Hằng lại phao tin Quân Thụy đã lấy vợ khác. Thôi phu nhân định cho Trịnh Hằng
cưới Oanh Oanh, nhưng Quân Thụy về kịp, nhờ tướng quân Đỗ Xác phân giải. Đỗ
Xác đứng ra làm chủ hôn cho Quân Thụy và Oanh Oanh.
Thành tựu nổi bật nhất của Tây sương ký là thay đổi
chủ đề tình yêu tuân thủ lễ giáo phong kiến và kết cục có tính chất bi kịch của Oanh
Oanh truyện thành sự ca ngợi tình yêu nam nữ chân thành tha thiết, dám
phá bỏ sự ràng buộc của lễ giáo, bền bỉ đấu tranh để có kết cục tốt đẹp về
sau. Theo Hội chân kí, khi giấc mơ qua rồi cũng là lúc cuộc tình ra đi.
Nửa đường đứt gánh, chàng theo đường chàng lấy vợ, nàng theo đường nàng lấy
chồng, trong khi đó Tây sương ký tình duyên hai người không đứt đoạn
mà kết thúc có hậu. Tuy cách giải quyết mâu thuẫn vẫn là con đường khoa cử,
công danh, nhưng tác phẩm vẫn là tiếng nói đả kích mạnh mẽ quan niệm “môn
đăng hộ đối”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong tình yêu và hôn nhân phong
kiến, đề cao tự do yêu đương và tự do kết hôn.
Lời kịch của Tây sương ký tươi đẹp trong sáng,
giàu ý thơ. Nhiều tiết đoạn, đối thoại biểu cảm như những bài thơ trữ tình.
Tuy ảnh hưởng bút pháp, đề tài từ Oanh Oanh truyện và đặc biệt mang
dấu ấn của Tây sương ký chư cung điệu nhưng Vương Thực Phủ đã gia
công về nhiều mặt, phát triển và nâng cao truyện, lấp hết những chỗ sơ hở
trong truyện, loại bỏ những chỗ rườm rà, làm cho tính cách nhân vật phát triển
hợp lý hơn. Vương Thực Phủ cũng đã phát huy được sở trường của thể hý kịch
cao độ trong việc đẩy mâu thuẫn, kịch tính của truyện lên cao trào, tính cách
nhân vật trở nên rõ nét hơn, tâm lý miêu tả tế nhị hơn, ngôn ngữ kịch tinh
luyện hơn.
Tây sương ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng
tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau. Những cuốn Mẫu
đơn đình (**) và Hồng lâu mộng (***) đều hấp thu tinh thần dân
chủ và đề cao tình yêu tự do nam nữ của Tây sương ký ở những mức độ
khác nhau.
Trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần đã trích dẫn rất
nhiều câu hay trong Tây sương ký:
Ngã tựu thị cá "đa sầu đa bệnh thân", nhĩ tựu thị
na "khuynh quốc khuynh thành mạo"
(Tôi là người nhiều sầu nhiều bệnh, cô là trang nghiêng nước
nghiêng thành)
Nguyên lai thị "miêu nhi bất tú, thị cá ngân dạng lạp
sang đầu"
(Chẳng qua tốt mã mà đoản, bề ngoài giáp bạc, cốt trong sáp
vàng)
Mỗi nhật gia tình tư thuỵ hôn hôn
(Suốt ngày mê mẩn bồi hồi, tình riêng chán ngắt cuộc đời rỗng
không)
Nhược cộng nhĩ đa tình tiểu thư đồng uyên trướng, chẩm xá đắc
điệp bị phô sàng
(Nếu tôi được cùng tiểu thư đa tình sum vầy phượng loan,
quyết chẳng để chị trải nệm quạt màn)
Sa song dã một hữu Hồng Nương báo
(Song the nào thấy ả Hồng báo tin)
Một số lời bình luận về tác phẩm
Kim Thánh Thán, trong khi bình tán về Tây sương ký trong
phần Phép đọc vở Mái Tây đã viết:
Ai bảo vở Mái Tây là dâm thư, người ấy ngày sau nhất định
phải sa xuống ngục "nhổ lưỡi"! Sao vậy? Vở Mái Tây không phải bỡn,
mà là văn hay của trời đất... Từ khi có Trời Đất tất nhiên trong khoảng đó phải
có áng văn hay như thế. Không phải ai viết ra cũng được cả, mà là Trời Đất có
phép tự mình không kết bỗng soạn lên. Nếu nhất định muốn bảo là của một người
viết ra, thì Thánh Thán xin coi người ấy tức là hiện thân của Trời Đất. Vở
Mái Tây quyết không phải là dâm thư mà nhất định là một áng văn hay. Từ rầy trở
đi, ai bảo là văn hay, ai bảo là dâm thư, Thánh Thán cũng mặc kệ! Kẻ thích
văn xem đến cho là văn! Kẻ đã dâm xem đến cho là dâm, thế thôi!
Lý Trác Ngô (2*3), trong lời tựa Tây sương ký, đánh
giá tác phẩm và tác giả trong sự đối trọng với vở kịch Tỳ bà, viết:
Người viết vở "Mái Tây" là thợ trời. Người viết vở
"Tỳ Bà" chỉ là thợ vẽ... Vở "Mái Tây" viết có khéo đâu!
Viết khéo thì thực không vở nào bằng vở "Tỳ Bà"! Người viết vở Tỳ Bà thực đã đem hết tài, hết sức mà viết. Vì người viết đã cố viết cho thật
khéo, không còn dư tài sức nữa, nên lời hết thì ý cũng hết, mà văn đọc xác ra
không còn ý vị gì! Vở "Mái Tây" thì không thế. Trong khoảng trời đất
này vốn có những đáng yêu như thế. Họ viết văn cũng như thợ trời nặn muôn
loài, cái khéo của họ ta không thể tìm biết được?... Trời ơi! Ước gì tôi được
gặp một người như người viết vở "Mái Tây"
Giả Trọng Minh đời nhà Minh, trong bài Lăng Ba tiên
khúc (Khúc nhạc vũ của tiên nữ ở Lăng Ba) đánh giá: Tạp kịch mới,
truyền kỳ cũ, Tây sương ký nhất thiên hạ.
Chủ đề tình yêu và quan hệ trai gái của Tây sương ký còn
được nhắc đến trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Đó là câu truyện
về một anh mù cả hai mắt, tự xưng là sành thưởng thức văn chương, nói rằng chỉ
ngửi hơi văn cũng biết văn hay hay dở, hà tất phải đọc. Ông tú nọ đưa cho bộ Tây
sương kí, anh ta lật qua lật lại rồi bảo: - Tây sương kí đây mà. Ông tú
nọ thấy lạ quá, hỏi tại sao biết. Anh ta nói rằng: - Ngửi có mùi son phấn.
(2*1) Nguyên Chẩn: (tự: Vi Chi; 779 -
831), nhà thơ đời Đường. Là bạn thân của Bạch Cư Dị (2*1*), thường
gọi chung là Nguyên - Bạch. Mười lăm tuổi đỗ khoa Minh kinh, giữ chức hiệu
thư lang; sau đó, đỗ chế khoa, giữ chức tả thập di, một chức gián quan. Làm
quan cho đến cuối đời, song luôn bị cách chức, biếm truất. Tác phẩm có “Nguyên
thị Trường Khánh tập” gồm 60 quyển. Chủ trương văn học của Nguyên Chẩn rất giống
Bạch Cư Dị. Ông cũng là một nhân vật chủ chốt của phong trào Tân nhạc phủ.
“Thư gửi Lạc thiên nói về thơ”, “Tựa nhạc phủ viết theo đề cổ” của Nguyên Chẩn
và “Thư gửi Nguyên Chẩn” của Bạch Cư Dị có thể xem là tuyên ngôn của khuynh
hướng sáng tác hiện thực trong thơ Trung Quốc đầu thế kỉ 9. Cũng giống Bạch
Cư Dị, Nguyên Chẩn chia thơ mình thành 6 loại, trong đó, ông đặc biệt đề cao
thơ phúng dụ, loại thơ có khuynh hướng hiện thực và phê phán mạnh mẽ, “bài
nào cũng có kí thác” và “rất gần với ca dao”. Nguyên Chẩn còn sở trường
viết về thơ tình yêu, thơ điếu phúng. Ngoài thơ, ông còn có truyện ngắn Hội
chân ký tả mối tình giữa Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thuỵ, đặt nền
móng cho vở kịch Tây sương kí của Vương Thực Phủ.
Nội dung chuyện Hội Chân ký: Trương Quân Thụy gặp
Thôi Oanh Oanh ở chùa Phổ Cứu đang lúc nàng thọ tang cho cha. Vậy mà tình yêu
cũng nẩy lộc, đêm đêm hai người hẹn nhau ra mái phía Tây của chùa mà tình tự.
Tình yêu đã thắm đậm, nhưng sau đó hôn nhân không thành, chàng lấy vợ và nàng
cũng đi lấy chồng..."Hội Chân ký" kết thúc khi mối tình tan vỡ.
(2*1*) Bạch Cư Dị (772-846) tự là Lạc Thiên hiệu
là Hương Sơn cư sĩ, là nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường. Tác phẩm nổi
tiếng của Bạch Cư Dị ở Việt Nam có lẽ là bài Tỳ bà hành, Trường
Hận Ca.
Tổ tiên ông là người gốc Thái Nguyên, Sơn Tây, sau di cư tới
huyện Vị Nam, Thiểm Tây. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch
sử thi ca Trung Quốc. Đối với một số người yêu thơ văn thì người ta chỉ xếp
ông sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Mười lăm tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, thuở nhỏ nhà
nghèo, ở thôn quê, đã am tường nỗi vất vả của người lao động.
Năm Trinh Nguyên thứ 16 (năm 800), ông thi đỗ tiến sĩ được
bổ làm quan trong triều, giữ chức Tả thập di. Do mâu thuẫn với tể tướng Lý
Lâm Phủ, ông chuyển sang làm Hộ Tào tham quân ở Kinh Triệu. Năm Nguyên Hòa thứ
10 (815), do hạch tội việc tể tướng Vũ Nguyên Hành bị hành thích và ngự sử
Bùi Độ bị hành hung, nhóm quyền thần cho là ông vượt qua quyền hạn, đày làm
tư mã Giang Châu. Giai đoạn tuừ năm 821 tới năm 824 làm thứ sử Hàng Châu, năm
825 làm thứ sử Tô Châu, sau được triệu về kinh làm Thái Tử thiếu phó. Năm Hội
Xương thứ 2 (842) về hưu với hàm thượng thư bộ Hình, sau mất tại Hương Sơn, Lạc
Dương.
Những năm đầu, ông cùng Nguyên Chuẩn ngâm thơ, uống rượu,
được người đời gọi là Nguyên Bạch. Sau này, khi Nguyên Chuẩn mất, lại cùng
Lưu Vũ Tích, hợp thành cặp Lưu Bạch. Người đời tôn xưng ông là Thi Ma.
Ông chủ trương đổi mới thơ ca. Cùng với Nguyên Chẩn, ông
chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống
lại thứ văn chương hình thức. Ông nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm...
Làm thơ phải vì thực tại mà viết", mục đích của văn chương là phải xem
xét chính trị mà bổ khuyết, diễn đạt cho được tình cảm của nhân dân. Thơ ông
mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Trường hận ca
để nói mối tình đẹp của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, nhưng đọc kỹ thì
những ý châm biếm, mỉa mai kín đáo đều có. Ông cùng Nguyên Chẩn đề xướng
phong trào Tân Nhạc Phủ, nên trong thơ, ông luôn công kích đời sống xa hoa
dâm dật của bọn quý tộc, bóc trần sự bóc lột của bọn quan lại, thông cảm với
nỗi thống khổ của dân chúng (Tần Trung Ngâm, Tân Nhạc Phủ).
Thơ ông thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn. Ông hòa đồng
cùng dân chúng, không coi việc làm quan của mình là gì, mà thấy mình cũng bị
cuộc đời làm cho bảy nổi ba chìm chẳng khác gì người đời (Tỳ bà hành). Ông
thông cảm với những thân gái chịu bao tập tục hủ bại và cảnh nghèo túng mặc
dù sắc đẹp thì chẳng thua ai (Nghị hôn).
Ông chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được.
Không những thế, tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi
lòng của mọi người trước thế sự. Thơ ông giàu tính trữ tình. Khi ông bị đi
đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học,
chùa chiền, quán trọ.... đều có đề thơ của mình, nên càng tự tin ở chủ trương
của mình hơn.
Riêng hai bài Tỳ Bà Hành và Trường Hận Ca đã
đủ tỏ tài thơ của Bạch Cư Dị. Bằng lối kể chuyện miêu tả, với chủ đề khác
nhau, hai bài thơ dài của ông, bài thì bay bướm, hình ảnh đẹp, lời bình trầm
lắng, ý ngoài lời, ca tụng, mỉa mai đều kín đáo; bài thì hòa đồng vào cảnh ngộ
cùng nhân vật, viết lên những tâm trạng gửi gắm của cả hai, người gẩy -người
nghe, vào tiếng đàn trên bến Tầm Dương, bài thơ da diết, buồn thấm thía mà nỗi
đời thì vời vợi mênh mang.
Ngoài ra ông còn làm một số bài thơ về thiên nhiên, nhàn tản.
Lối nói u hoài, vương một nỗi buồn riêng kín đáo. Ông thích đàm đạo về thiền,
về Lão Trang, cũng như là biểu hiện trốn đời, sau khi đã quá ngán về nhân
tình thế thái. Ông để lại khoảng trên 2.800 bài thơ.
(2*2) Quan Hán Khanh: hiệu: Dĩ Trai (1227 - ?), nhà
soạn kịch nổi tiếng đời Nguyên. Quê: tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Từng sinh sống
nhiều năm ở Bắc Kinh, giao du rộng rãi với các nghệ nhân tạp kịch đương
thời cho nên am hiểu kỹ xảo biểu diễn của nghệ thuật sân khấu. Làm thơ hay,
am tường y học, âm nhạc, đặc biệt là nghệ thuật múa, hát, diễn xướng, v.v… Tạp
kịch của Quan Hán Khanh lấy đề tài trong đời sống dân nghèo và kỹ nữ; khuynh
hướng yêu ghét rõ ràng, văn phong bình dị, chất phác. Từng soạn khoảng 63 vở
tạp kịch Nguyên; nay chỉ còn 12 vở nguyên vẹn, số còn lại bị thất thoát hoặc
chỉ còn một số đoạn. Viết cả bi kịch lẫn hài kịch, bao gồm các loại đề tài và
nội dung tư tưởng khác nhau. Tác phẩm phản ánh chân thực và sâu sắc đời sống
xã hội đời nhà Nguyên dưới ách thống trị của giai cấp quý tộc Mông Cổ (“Đậu
Nga oan”, “Vọng Giang đình”, “Hồ Điệp mộng”, v.v…); ca ngợi tình yêu nam nữ
và sự thuỷ chung son sắt (“Điều phong nguyệt”, “Bái Nguyệt Đình”, v.v…); ca
ngợi các anh hùng nhà Hán (“Đơn đao hội”, “Tây Thục mộng”, v.v…). Tiêu biểu
nhất là “Đậu Nga oan” kể về một người đàn bà bình thường chết oan, khiến trời
đất cũng phải rung động; phản ánh tinh thần phản kháng quyết liệt của nông
dân đối với ách thống trị của nhà Nguyên. Nhiều tác phẩm khác được dịch ra tiếng
nước ngoài (cả phương Đông và phương Tây) và hiện nay vẫn thường xuyên được
công diễn trên sân khấu kịch hát Trung Quốc.
(2*3) Lý Trác Ngô (1527-1602): nhà phê bình văn học đời
Minh.
(3) Nhà Tống là một triều đại cai trị ở Trung Quốc từ 960-1279.
Việc thành lập nhà Tống đánh dấu sự tái thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên kể
từ khi nhà Đường sụp đổ năm 907. Những năm giữa giai đoạn đó, được gọi là thời
kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, là khoảng thời gian chia rẽ giữa miền bắc và miền nam
cũng như sự thay đổi nhanh chóng của các thể chế cầm quyền.
Trong thời nhà Tống, có rất nhiều mối đe doạ từ biên giới
phía bắc của người Khất Đan (Khiết Đan) từ nhà Liêu người Đảng Hạng từ triều
Tây Hạ,và người Nữ Chân từ Nhà Kim. Thời đại nhà Tống cũng bị chia thành hai
giai đoạn: Bắc Tống và Nam Tống. Bắc Tống (960-1127) là giai đoạn
khi thủ đô ở Khai Phong phía bắc và triều đình kiểm soát toàn bộ Trung
Hoa. Nam Tống (1127-1279) để chỉ khoảng thời gian khi nhà Tống đã mất
quyền kiểm soát phía Bắc (thuộc quyền người Nữ Chân nhà Kim), Triều đình nhà
Tống lui về phương nam sông Dương Tử và lập kinh đô ở Hàng Châu. Nhà Kim bị
người Mông Cổ chinh phục năm 1234, sau đó Mông Cổ kiểm soát toàn bộ phía Bắc
Trung Quốc và luôn đe doạ triều đình Nam Tống. Một hiệp ước hoà bình vội vàng
được lập ra, khi Hốt Tất Liệt nhận được tin về cái chết của Mông Ca (còn gọi
là Mông Kha), vua cai trị Mông Cổ. Ông quay về nước để chiếm ngôi báu từ tay
các đối thủ, để nhà Tống yên ổn trong một thời gian ngắn. Nhà Nguyên của người
Mông Cổ được thành lập năm 1271, và cuối cùng chinh phục nhà Tống năm 1279, một
lần nữa thống nhất Trung Quốc, lần này là một phần của Đế chế Mông Cổ rộng lớn.
Sau này đế chế Mông Cổ được gọi là nhà Nguyên.
(4) Tống Huy Tông (1082 - 1135) là vị Hoàng đế thứ
tám và là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất của nhà Tống (960-1279)
tại Trung Quốc. Tên thật là Triệu Cát, là con trai thứ 11 của Tống Thần
Tông , trị vì từ năm 1100 tới năm 1126. Huy Tông nổi tiếng vì sự sùng tín Đạo
giáo, tự xưng là “Giáo chủ Đạo Quân Hoàng đế” hay “Đạo Quân Thái thượng Hoàng
đế“. Huy Tông cũng là nhà thơ, họa sĩ, nhà thư pháp và nhạc công có tài.
(5) Nước Liêu: Nhà Liêu ( 907-1125): đôi khi còn
được biết đến như là Vương quốc hay Đế chế của người Khiết Đan gốc Mông Cổ,
do dòng họ Da Luật thành lập trong những năm cuối của nhà Đường, mặc dù Da Luật
A Bảo Cơ không công bố niên hiệu cho đến tận năm 916. Người chính thức bắt đầu
đế chế Khiết Đan, hoàng đế Da Luật Đức Quang chính thức đặt tên là Đại Liêu
hay nhà Liêu vào năm 937. Tên gọi của đế chế là Khiết Đan trong các
khoảng thời gian từ năm 907 (khi lập quốc) đến năm 937 (947?) cũng như từ năm
983 đến năm 1066. Từ Китай trong tiếng Nga, Cathay trong tiếng Anh, Catai
trong tiếng Bồ Đào Nha, Catay trong tiếng Tây Ban Nha đều có nghĩa
"Trung Quốc" và đều bắt nguồn từ tên gọi của dân tộc này.
Nhà Liêu bị nhà Kim thôn tính năm 1125. Tuy nhiên, con cháu
của nhà Liêu do Da Luật Đại Thạch dẫn đầu đã chạy về phía
tây để thành lập nhà Tây Liêu 1125-1220, còn được gọi là hãn quốc Kara-Khiết
Đan, nhà nước này tồn tại cho đến khi kỵ binh Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn
tràn xuống.
(6) Phương Lạp (? - 1121): người huyện Hấp, tỉnh An
Huy, có thuyết cho là ở Thanh Khê, Mục Châu (nay là Thuần An, Hàng Châu, Chiết
Giang) là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Bắc Tống. Có người cho rằng
sự thực lịch sử thì Phương Lạp không phải bị quân Lương Sơn bạc đánh mà do một
đội quân khác của Nhà Tống (?).
(7) Bản tiếng Anh đầu tiên do Pearl Buck, nữ nhà văn Mỹ
từng đoạt giải Nobel Văn học, dịch và mang tựa là All men are brothers (Mọi
người là anh em, lấy ý câu Tứ hải giai huynh đệ: Bốn bể là anh em).
Bản dịch ra tiếng Pháp lấy tên là Les chevaliers Chinois (Hiệp sĩ
Tàu).
(8) Hậu Thủy hử: Bộ truyện Hậu Thủy hử cũng
mang tên tác giả Thi Nại Am, tiếp theo hồi thứ 70 (hồi cuối) của bộ Thủy
hử, kể chuyện triều đình đánh mãi không thắng bèn dùng kế chiêu an. Các anh
hùng Lương Sơn Bạc nghe lời Tống Giang về hàng triều đình, được phong quan tước
và cử đi đánh dẹp quân Liêu ở biên giới và các lực lượng nổi dậy khác (Vương
Khánh, Điền Hổ, Phương Lạp). Sau khi đánh thắng Phương Lạp trở về chỉ còn lại
27 anh hùng. Một số người được phong các chức quan trấn nhậm các địa phương
xa, một số người về quê sinh sống. Các thủ lĩnh nghĩa quân như Tống Giang, Lư
Tuấn Nghĩa... một thời gian sau khi nhận chức quan bị triều đình sát hại.
(9) Kim Bình Mai: Truyện Kim Bình Mai của Tiếu
Tiếu Sinh bắt nguồn từ một chi tiết trong Thủy hử, tích Võ Tòng giết chị
dâu Pham Kim Liên để trả thù anh Võ Đại. Ba chữ trong tựa là tên ba nhân vật
trong đó Kim là Phan Kim Liên, chị dâu Võ Tòng, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai.
Có người coi Kim Bình Mai là danh tác thứ năm, có người xếp Kim
Bình Mai vào hàng tứ đại danh tác thay vì Hồng lâu mộng.
(10) Đãng khấu chí: Tác giả truyện Đãng
khấu chí là Du Vạn Xuân đời nhà Thanh. Du Vạn Xuân cho rằng truyện Thủy
hử cũng như Hậu Thủy hử quá tai hại đối với xã hội vì nó
kích động nhân dân chống đối triều đình và những cái chết oan uổng của các
anh hùng Lương Sơn sau khi quy hàng nhà Tống khiến nhân dân thương xót
"những kẻ làm loạn". Vì vậy mãi tới thế kỷ 19, Du Vạn Xuân mới viết Đãng
khấu chí (nghĩa là kể chuyện dẹp giặc cướp) nhằm mục đích “viết lại” Hậu
Thủy hử, nội dung kể về việc các anh hùng Lương Sơn Bạc bị triều đình đánh dẹp
thẳng tay và họ đã bị tiêu diệt chứ không phải chiêu an. Họ bị mô tả như quân
cường khấu, vô đạo, trái nghĩa. Tuy nhiên, khi Đãng khấu chí ra đời, Hậu
Thủy hử đã quá phổ biến, đã in sâu trong tâm trí độc giả 500 năm và vì vậy, Đãng
khấu chí rất ít được biết tới.
(11) Trong điện ảnh: Thủy hử đã đi sâu vào
tiềm thức của nhiều người dân Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung. Từ thập
kỷ 80 của thế kỷ 20, đoàn làm phim tỉnh Sơn Đông đã dựng phim Thủy hử, kể
về giai đoạn hình thành và phát triển của Lương Sơn Bạc và kết thúc ở hồi 70
khi các anh hùng Lương Sơn tụ tập đủ, phân chia ngôi thứ. Vai chính Tống
Giang do diễn viên nổi tiếng Bào Quốc An (người thủ vai Tào Tháo trong
phim Tam Quốc Diễn Nghĩa) đóng.
Tới cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, hãng phim truyền hình
Trung Quốc dựng phim Thủy hử, dài 43 tập, kể đầy đủ về sự hình thành cho
tới khi thất bại của quân Lương Sơn Bạc. Vai chính Tống Giang do diễn viên nổi
tiếng khác là Lý Tuyết Kiện đóng. Đặc biệt, bộ phim còn có sự tham gia của
nhà chỉ đạo võ thuật nổi tiếng Viên Hòa Bình. Bộ phim này tuy có nhạc hay
nhưng lại chưa thể hiện được cái tài của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.
Hãng phim truyện TVB của Hong Kong cũng đã dựng phim Lâm
Xung gồm 20 tập, chỉ đề cập tới một số nhân vật Thủy hử là Lâm
Xung, Lỗ Trí Thâm, Thời Thiên, Yến Thanh, Lư Tuấn Nghĩa, Lý Sư Sư, Cao Cầu và
vua Huy Tông.
(*) Thủy hử truyện được dịch ra nhiều thứ tiếng,
trong đó có tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt đầu tiên là của Á Nam Trần
Tuấn Khải (*1), có văn phong hàn lâm và hiện được cho là bản dịch chính thức
để dùng trong nghiên cứu và giảng dạy. Một bản dịch sau, không có những hồi
cuối của La Quán Trung, do Mộng Bình Sơn (*2) dịch, có giọng văn
sát với truyện anh hùng, phiêu lưu, mạo hiểm hơn và do đó quen thuộc hơn với
người bình dân. Bản dịch thứ ba là của Nguyễn Đỗ Mục (*3).
Bản tiếng Anh đầu tiên do Pearl Buck - nữ nhà văn Mỹ từng
đoạt giải Nobel Văn học- dịch và mang tựa là All men are brothers (mọi
người là anh em, lấy ý tứ của câu Tứ hải giai huynh đệ- bốn bể là
anh em). Bản dịch ra tiếng Pháp lấy tên là Les chevaliers Chinois (Hiệp
sĩ Tàu).
(*1) Trần Tuấn Khải (1895-1983): Nổi danh là một nhà thơ,
từ thời tiền chiến. Các bút danh của ông là: Á Nam (thường dùng), Đông Minh,
Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ.
Các tác phẩm dịch thuật: Thủy hử (1925); Hồng lâu mộng (1934); Đông
Chu liệt quốc (1934)…
(*2) Mộng Bình Sơn: Đã dịch Hán Sở tranh
hùng, Xuân Thu Chiến quốc, Thủy hử truyện…
(*3) Nguyễn Đỗ Mục (1866 - 1948): nhà dịch
thuật Việt Nam. Quê: làng Thư Trai, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay
thuộc tỉnh Hà Tây). Đỗ Tú tài Hán học. Bắt đầu viết cho "Đông Dương tạp
chí" trong mục "Gõ đầu trẻ" bàn về giáo dục. Sau khi tạp chí
này đình bản, viết cho "Trung bắc tân văn", thỉnh thoảng có bài
trong mục "Hài đàm" (nói chuyện khôi hài), kí tên Hì Đình, Nguyễn
Văn Tôi. Ông dịch tiểu thuyết Trung Quốc khá nhiều. Hai bản dịch có giá trị
hơn cả là: "Thuỷ Hử diễn nghĩa" (1933), "Đông Chu liệt quốc" (1933).
Bản dịch "Tây sương ký" của Vương Thực Phủ [đăng "Đông Dương tạp
chí" (1913 - 14)], Nguyễn Đỗ Mục phỏng dịch hơn là dịch, thỉnh thoảng
xen vào những câu tập Kiều.
(**) Mẫu đơn đình hay còn gọi là Hoàn hồn ký hay Đỗ
Lệ Nương mộ sắc hoàn hồn ký là một trong những vở kịch nổi tiếng
trong lịch sử sân khấu Trung Quốc, do nhà soạn kịch nổi tiếng thời kỳ nhà
Minh là Thang Hiển Tổ viết năm 1598 mà đến nay vẫn được người Trung
Hoa nghiên cứu dựng lại và diễn xướng.
Thang Hiển Tổ (1550 - 1616) tự là Nghĩa Nhưng, hiệu là
Hải Nhược, Nhược Sĩ, Thanh Viễn đạo nhân, sinh ở Lâm Xuyên, Giang Tây. Năm 21
tuổi ông đỗ cao nhưng do cự tuyệt lời mời của quan Thủ tướng Trương Cư Chính
nên sau đó bốn lần thi tiến sĩ đều trượt. Năm 1583, khi Trương Cư Chính chết,
ông thi đậu tiến sĩ, được bổ làm chức Bác Sĩ ở Thái Thường Tự (hàm thất phẩm),
Lễ bộ chủ sự (hàm lục phẩm). Do tính cương trực, năm 1591 ông dâng dâng thư
phê phán quyền thần trong triều nên bị giáng làm Điển sử ở Từ Văn (Quảng
Đông), năm 1593 lại bị điều đi làm tri huyện Toại Xương (Chiết Giang). Đền
năm 1598, vì không chịu được sự bức bách của quyền quý triều đình nên ông bỏ
quan về ở ẩn tại Lâm Xuyên, chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu và sáng tác kịch.
(***) Hồng Lâu Mộng: Xem Đỗ Ngọc Thach: Hồng
lâu mộng - Tiểu thuyết ái tình hay nhất mọi thời đại.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét