Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Anna Karenina 4

Anna Karenina 4
Quyển 2
Chương 1
Vào cuối mùa đông, gia đình Serbatxki, sau khi mời thầy thuốc về nhà khám bệnh cho Kitti, quyết định về tình trạng sức khỏe và điều cần phải làm để khôi phục sức lực suy nhược của cô. Cô ốm và mùa xuân sắp tới chỉ làm bệnh cô thêm trầm trọng. Ông thầy thuốc gia đình đã cho cô dùng dầu cá thu, rồi chất sắt và cuối cùng là tiêu toan ngân 1, nhưng tất cả các món thuốc đó, không có thứ nào làm bệnh thuyên giảm và vì ông ta khuyên cô đi nghỉ ở nước ngoài, nên vào cuối xuân, gia đình đã mời một thầy thuốc nổi tiếng đến thăm bệnh.
Ông thầy thuốc danh tiếng này còn trẻ, dáng dấp đường bệ, đòi được khám thân thể bệnh nhân. Với vẻ ân cần đặc biệt, ông ta như muốn nhấn mạnh rằng tính e thẹn của các cô chỉ là tàn dư của tính chất man rợ, và không gì tự nhiên hơn, đối với một người đàn ông còn trẻ, là được xoa nắn một cô gái đã cởi bỏ quần áo. Ông cho đó là việc tự nhiên vì hằng ngày ông thường làm như vậy, không thấy có gì xấu và ông coi tính e thẹn của các cô không những là tàn dư của tính chất man rợ mà còn là một lăng nhục đối với cá nhân mình.
Đành phải nhượng bộ ông ta thôi, bởi vì, mặc dầu tất cả các bác sĩ đều học qua cùng một trường, đọc cùng một thứ sách, trang bị cùng một thứ khoa học, và mặc dầu có một số người cho là ông thầy thuốc này tuy có tiếng tăm, cũng không giỏi giang gì lắm, trong gia đình và trong số người quen biết quận công phu nhân, ai nấy đều cho ông bác sĩ trứ danh này là người duy nhất có kiến thức đặc biệt và chỉ ông mới chữa được Kitti khỏi bệnh thôi.
Sau khi chăm chú khám và nghe ngực cô bệnh nhân luống cuống vì xấu hổ, ông bác sĩ danh tiếng bèn rửa tay cẩn thận và ở lại phòng khách để nói chuyện với lão quận công. Khi nghe bác sĩ nói, lão quận công cau mày và húng hắng ho. Là người đứng tuổi, có lương tri và mạnh khỏe, ông không tin vào y học và trong thâm tâm, ông nguyền rủa tất cả tấn hài kịch này, vả chăng, có lẽ chỉ mình ông hiểu được bệnh trạng Kitti. "Lại một thằng cha đi sủa mặt trăng!" 1, ông nghĩ và thầm áp dụng cái danh từ trong ngôn ngữ người đi săn vào ông bác sĩ danh tiếng, khi nghe những lời lải nhải về triệu chứng của bệnh tình Kitti. Trong lúc đó, ông bác sĩ chật vật lắm mới nén nổi khinh bỉ lão quý tộc tầm thường này và đành hạ mình xuống ngang trình độ lão. Ông biết nói với lão già này chỉ phí thì giờ, và bà mẹ kia mới thật sự là chủ gia đình. Tài hùng biện của ông chính phải dành để nói chuyện với bà. Giữa lúc đó, phu nhân bước vào phòng khách cùng ông thầy thuốc gia đình. Lão quận công lảng ra, hết sức tránh để mọi người nhận thấy ông coi tất cả tấn hài kịch này lố bịch đến chừng nào. Phu nhân bí thế và không biết xử sự ra sao. Bà cảm thấy có lỗi với Kitti.
- Thế nào, bác sĩ, ngài quyết định số phận của chúng tôi đi chứ, - phu nhân nói. - Ngài cứ nói hết cho. "Còn hy vọng gì không?" - bà muốn nói vậy nhưng môi run lên và không thốt ra được câu đó. - Thưa bác sĩ, ngài thấy thế nào?
- Tôi sẽ lập tức nghiên cứu ngay vấn đề này với ông bạn đồng nghiệp của tôi và sau đó tôi sẽ xin có ý kiến với phu nhân.
- Vậy chúng tôi để các ngài ở đây nhé?
- Xin tuỳ bà.
Phu nhân thở dài và đi ra.
Khi chỉ còn lại hai người, ông thầy thuốc gia đình rụt rè phát biểu ý kiến, cho rằng đây là hiện tượng chớm lao, nhưng mà, tuy nhiên v.v... Ông bác sĩ danh tiếng lắng nghe được nửa chừng rồi lấy chiếc đồng hồ quả quýt lớn bằng vàng ra xem giờ.
- Phải, ông ta nói, nhưng mà...
Ông thầy thuốc gia đình đang trình bày giở chừng, kính cẩn ngừng bặt.
- Như ông biết đấy, chúng ta không thể nào chẩn đoán rằng đó là hiện tượng chớm lao; trong phổi chưa thấy có hang thì chưa có gì xác thực. Nhưng chúng ta có thể nghi ngờ và đã có triệu chứng: ăn uống kém, thần kinh dễ bị kích thích, v.v... Vấn đề đặt ra là thế này: nếu đoán là lao thì phải làm thế nào để duy trì việc ăn uống cho đầy đủ?
- Nhưng ngài cũng biết rõ ở đằng sau những vấn đề này bao giờ cũng còn những nguyên nhân tư tưởng nữa, - ông thầy thuốc gia đình đánh bạo lựa lời nói bóng gió với một nụ cười ranh mãnh.
- Lẽ đương nhiên là thế, - ông bác sĩ danh tiếng trả lời, và nhìn đồng hồ lần nữa. - Tôi xin lỗi, không biết cầu Iaudơki đã xong chưa nhỉ hay vẫn phải đi đường vòng? - ông hỏi. à, chữa xong rồi à. Thế thì tôi có thể đến nơi trong vòng hai mươi phút đấy. Vậy chúng ta nói rằng vấn đề đặt ra là thế này: tăng cường việc ăn uống và điều trị thần kinh. Cái nọ có liên quan tới cái kia, phải tác động vào cả hai mặt của vấn đề.
- Thế còn việc đi nghỉ ở nước ngoài? - ông thầy thuốc gia đình hỏi.
- Tôi là người phản đối lối đi dưỡng bệnh ở nước ngoài; ngài cứ nghe theo tôi: nếu có hiện tượng chớm lao, cái điều chúng ta không thể biết chắc được, thì một chuyến du lịch sẽ không làm bệnh thuyên giảm chút nào. Chúng ta cần phải có một phương pháp vô hại để tăng cường bồi dưỡng.
Và ông bác sĩ danh tiếng trình bày kế hoạch của ông: một đợt chữa bệnh bằng nước suối Xeden mà cái lợi chính là vô hại.
Ông thầy thuốc gia đình lắng nghe hết từ đầu đến cuối vẫn với vẻ chăm chú kính cẩn.
- Nhưng, để bảo vệ ý kiến về việc đi du lịch nước ngoài, tôi cần nhấn mạnh là như thế sẽ thay đổi được các thói quen, xa lánh được những hoàn cảnh chỉ gợi lên một số kỷ niệm. Vả lại chính bà mẹ cũng muốn như vậy, - ông nói thêm.
- à! Như vậy thì tốt lắm; cứ để các bà ấy đi. Nhưng miễn là bọn lang băm Đức đừng có làm bệnh tăng lên... Các bà ấy phải theo đơn thuốc của chúng ta... Thôi được, cứ để các bà ấy đi. - Rồi ông liếc nhìn đồng hồ lần cuối.
- Ồ! Đến giờ rồi! - ông đi ra cửa.
Ông bác sĩ danh tiếng nói với phu nhân (ý thức về thủ tục đã nhắc nhủ ông thế) là ông cần gặp bệnh nhân lần nữa.
- Thế nào! Ngài lại định khám cháu lần nữa ư? - bà mẹ sợ hãi kêu lên.
- Ồ! Không đâu, tôi chỉ cần biết thêm vài điểm nhỏ thôi thưa phu nhân.
- Vậy xin mời ngài.
Và bà mẹ dẫn ông trở vào phòng khách gặp Kitti. Cô đứng giữa phòng, người gầy sút, mặt bừng bừng, mắt ánh lên kỳ lạ vì chưa hết ngượng. Khi bác sĩ bước vào, cô bỗng đỏ mặt tía tai và nước mắt trào ra. Cô thấy bệnh tình của mình và cách điều trị người ta buộc phải theo thật ngớ ngẩn, thậm chí kệch cỡm nữa. Cô thấy cách điều trị ấy thật lố bịch, y như tìm cách chắp lại những mảnh lọ vỡ. Chính trái tim cô đã tan vỡ. Người ta lại định chữa bệnh đó bằng thuốc viên và thuốc bột ư? Nhưng cô không thể để mẹ buồn phiền, nhất là khi mẹ đã tự cảm thấy mình có lỗi.
- Thưa tiểu thư, mời tiểu thư ngồi xuống, - ông bác sĩ danh tiếng nói.
Ông mỉm cười ngồi xuống trước mặt cô, bắt mạch và lại bắt đầu hỏi những câu chán ngắt. Cô trả lời, rồi đột nhiên, không chịu được nữa, cô đứng dậy.
- Thưa bác sĩ, ông thứ lỗi cho, nhưng tôi xin cam đoan là tất cả những điều ông hỏi sẽ không đi đến đâu cả. Thế là, vẫn chỉ có một việc ấy mà ông hỏi tôi đến ba lần rồi.
Ông bác sĩ không hề mếch lòng.
- Đó chỉ là tính dễ bị khích động của người ốm thôi, - ông nói với phu nhân khi Kitti đã ra khỏi. - Vả lại, tôi cũng khám xong rồi...
Và bác sĩ nói với phu nhân như nói với một người đặc biệt thông minh, kể lại bệnh tình con bà một cách tinh thông và cuối cùng kê đơn cho dùng những thứ thuốc không hiệu nghiệm gì cả. Đến khi phu nhân hỏi: Chúng tôi có cần phải ra nước ngoài không?", ông bác sĩ lại trầm ngâm suy nghĩ, như phải quyết định một vấn đề tế nhị lắm. Và ông tuyên bố quyết định của ông: họ có thể đi nhưng không được tin vào bọn lang băm và chỉ được theo đơn thuốc của ông.
Bác sĩ đi rồi, mọi người đều có cảm giác như có việc vui mừng. Phu nhân yên tâm hơn, quay vào với con gái, còn Kitti thì tỏ ra đã vui vẻ như cũ. Thời gian này, cô thường làm ra vẻ như vậy.
- Quả thực con khỏe rồi, mẹ ạ. Nhưng nếu mẹ muốn đi thì ta cùng đi, - cô nói, và muốn tỏ ra quan tâm đến dự định du lịch này, cô bắt đầu bàn tới việc chuẩn bị lên đường.
Chú thích:

1. Tức nitrat bạc.
2. ý nói bâng quơ, không đâu vào đâu
Quyển 2 
Chương 2
Doli đến khi bác sĩ đã ra về. Bà biết thầy thuốc đến khám bệnh vào hôm đó, và tuy vừa mới lại người sau khi ở cữ (bà vừa sinh con gái vào cuối mùa đông), mặc dầu trong lòng còn nhiều nỗi lo phiền, bà vẫn để lại nhà đứa bé mới đẻ và một đứa con gái vừa chớm bệnh, để tới hỏi thăm bệnh tình Kitti.
- Thế nào? - bà bước vào phòng khách, mũ vẫn đội trên đầu. - Cả nhà xem ra vui vẻ nhỉ? Thế thì mọi việc chắc đều êm đẹp thôi?
Mọi người cố thuật lại cho bà nghe những điều bác sĩ dặn nhưng khó mà nhắc lại bác sĩ đã nói những gì, mặc dầu ông ta nói rất lâu, bằng những lời lẽ trau chuốt nhất; chỉ có điều thú vị duy nhất là việc quyết định ra nước ngoài. Bất giác Doli thở dài. Người bạn thân nhất của bà là cô em sắp đi rồi. Và cuộc sống của bà thì chẳng vui gì. Từ ngày làm lành với Xtepan Arcaditr, bà thấy quan hệ với chồng có vẻ nhục nhã. Việc hàn gắn do Anna thu xếp tỏ ra mỏng manh và sự hòa thuận của đôi vợ chồng vẫn đe doạ tan vỡ vì chuyện cũ. Tuy không có gì rõ rệt, nhưng Xtepan Arcaditr gần như không bao giờ ở nhà, tiền hầu như lúc nào cũng thiếu và Doli thì luôn luôn bị sự nghi ngờ dằn vặt. Bà gạt bỏ mối ngờ vực đó đi, bà ghê sợ những nỗi đau đớn đã phải chịu đựng vì ghen tuông. Cơn ghen thứ nhất, một khi vượt qua, không thể tái diễn nữa, và dù có phát giác sự phụ bạc mới, nó cũng không thể tác động mạnh mẽ đến bà như lần đầu. Sự phát giác đó nếu xảy ra, hẳn sẽ chỉ làm bà từ bỏ những thói quen trong đời sống vợ chồng và bà cứ để mặc cho mình bị lừa dối, rồi khinh chồng và tự khinh mình hơn nữa, vì đã tỏ ra yếu đuối đến thế. Ngoài điều ấy, những lo lắng của một gia đình đông đúc làm bà không rảnh rang lúc nào: khi thì đứa bé mới đẻ chịu bú, khi thì người vú bỏ đi, khi thì một đứa nhỏ lại ốm, như lúc này.
- Các cháu ra sao? - phu nhân hỏi con gái.
- Chao! Chúng con có nhiều chuyện buồn bực lắm, mẹ ạ! Cháu Lili mới chớm phải bệnh gì ấy, con sợ là nó sốt ban. Hôm nay con phải đến để xem tình hình Kitti ra sao, nếu không thì con cũng chẳng rời nhà đi đâu được. Cầu Chúa che chở chúng con!
Sau khi bác sĩ về, lão quận công cũng ra khỏi phòng làm việc; ông chìa má cho Doli hôn, nói chuyện một lát với con gái, rồi quay về phía vợ:
- Bà định thế nào? Bà và con đi à? Còn tôi thì bà tính sao?
- Tôi nghĩ ông nên ở lại thì hơn, Alecxandr ạ, - bà vợ nói.
- Tùy bà thôi.
- Mẹ ạ, tại sao ba lại không cùng đi với chúng ta? - Kitti nói. Như thế vui hơn, cả cho ba, cả cho mẹ con ta.
Lão quận công đứng dậy và lấy tay vuốt tóc Kitti. Cô ngẩng đầu và gượng cười, nhìn ông. Cô thấy hình như bao giờ bố cũng hiểu mình hơn tất cả mọi người khác, tuy ông ít khi chuyện trò với cô. Cô được ông chiều nhất, vì là út và cô có cảm giác lòng yêu thương cô làm ông trở nên sáng suốt. Khi bắt gặp cặp mắt xanh hiền hậu của ông đăm đăm nhìn mình, cô thấy hình như ông nhìn thấu suốt lòng cô và hiểu tất cả những tình cảm xấu xa đang khuấy động tâm can. Cô kiễng lên ngang tầm ông, mặt đỏ dừ, chờ đợi ông hôn nhưng ông chỉ khẽ kéo tóc cô và nói:
- Cái loại độn tóc giả này thật đốn! Đời thuở nào, tóc con gái mình thì không chạm tới được, mà lại đi vuốt tóc một người đàn bà chết rồi.
Thế nào, Doli, - ông hỏi cô con gái lớn, - cái nhân vật kỳ dị của con hiện đang làm gì?
- Thưa ba, không làm gì cả ạ, - Doli trả lời, biết bố nói đến chồng mình. - Nhà con đi vắng luôn, con ít gặp lắm, - bà không đừng được và nói thêm như vậy với một nụ cười châm biếm.
- Nó chưa về quê bán khu rừng ấy à?
- Thưa ba chưa ạ, nhà con vẫn mới chỉ dự định thế thôi.
- Thật ư? - lão quận công nói. - Thế tôi có cùng đi không nào? Được, - Ông nói với vợ và ngồi xuống. - Nghe ba đây, Kitti này, - ông nói tiếp với cô gái út. Một buổi sáng nào đó khi ngủ dậy, con sẽ tự nhủ như thế này: "Tôi đã khỏe hẳn và vui vẻ rồi mà, lại phải tiếp tục đi dạo chơi buổi sáng với ba vào một ngày sương giá đẹp trời". Con thấy thế nào?
Điều bố nói có vẻ đơn giản lắm, nhưng nghe câu ấy, Kitti bối rối và lúng túng như tên tội phạm hết đường chối cãi. "Đúng là ba ba biết cả rồi, ba hiểu cả và ba muốn mình hiểu là, dù có tủi nhục mấy đi nữa, mình cũng phải vượt qua". Cô không đủ sức trả lời nữa. Cô mở miệng, bỗng oà lên khóc rồi vội vã chạy ra khỏi phòng.
- Ông lại trêu chọc nó rồi! - phu nhân rầy la chồng. - Ông lúc nào cũng cứ là... - và bà bắt đầu kể lể trách móc.
Lão quận công nghe vợ oán trách hồi lâu, không nói lại câu nào, nhưng mặt ông mỗi lúc một cau có.
- Tội nghiệp con bé, nó thật đáng thương, thật đáng thương, thế mà ông không thấy mọi ám chỉ đến nguyên nhân nỗi buồn đều làm nó đau đớn. Ôi! Sao lại có thể xét người lầm lẫn đến thế nhỉ! - phu nhân nói, và nghe giọng bà thay đổi, Doli và lão quận công hiểu bà nói đến Vronxki. - Tôi không hiểu sao lại không có những luật lệ để đối phó với cái bọn hèn mạt và ti tiện đến thế.
- À! Tại tôi không muốn nghe điều đó, - lão quận công lầm lầm nói.
Ông đứng dậy như để đi ra, nhưng lại đừng ở ngưỡng cửa. - Này bà ơi, có luật lệ đấy, và vì đã muốn khiêu khích tôi, nên tôi sẽ nói cho bà biết ai phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều đó: chính bà, và chỉ có mình bà thôi. Có luật lệ trị bọn trẻ ranh đi tán gái ấy, và bao giờ cũng vẫn có đấy chứ! Đúng vậy, và nếu xảy ra những chuyện lẽ ra không bao giờ nên xảy ra, thì dù tôi có già như thế này, tôi cũng sẽ thách cái thằng sở khanh ấy đấu súng! Bây giờ thì bà trông nom lấy nó và mời tất cả các thứ lang băm lại đi!
Lão quận công có lẽ còn tiếp tục nói lâu nữa bằng cái giọng ấy, nếu phu nhân không tỏ ra khuất phục và hối hận, như bà thường làm trong những tình thế gay go.
- Alecxandr, Alecxandr! - bà lẩm bẩm, nước mắt giàn giụa bước lại gần ông. Khi bà bắt đầu khóc thì lão quận công cũng nguôi dần. Ông đi lại phía bà.
- Thôi, được rồi, được rồi! Tôi biết bà cũng cực lòng lắm đấy! Biết làm thế nào? Đó không phải tai họa lớn. Lạy Chúa lòng lành vô cùng... Cảm ơn, - ông nói thêm, không còn hiểu mình đang nói gì đáp lại cái hôn đẫm nước mắt của phu nhân, mà ông cảm thấy trên tay.
Và lão quận công ra khỏi phòng.
Khi Kitti, nước mắt giàn giụa, vừa ra khỏi phòng khách thì Doli, với bản năng người mẹ, lập tức cảm thấy đây là việc của đàn bà và chuẩn bị can thiệp. Bà bỏ mũ ra, và tư tưởng đã sẵn sàng, đợi thời cơ hành động; khi mẹ tấn công bố, bà cố can giữ phu nhân trong chừng mực lòng hiếu thảo cho phép. Khi lão quận công nổi nóng, bà im lặng:
Bà thấy hổ thẹn cho mẹ và mến thương bố, vốn tính hiền hậu, ông dễ nguôi giận; nhưng khi bố đã đi ra, Doli bèn sửa soạn làm cái việc quan trọng nhất: đi gặp và an ủi Kitti.
- Con định nói với mẹ từ lâu rồi, mẹ ạ: mẹ có biết khi lại đây lần vừa rồi, Levin đã có ý định hỏi Kitti không? Anh ta có nói chuyện đó với Xtiva.
- Thế nào? Mẹ không hiểu...
- Có lẽ Kitti đã từ chối anh ta. Em nó không nói gì với mẹ ư?
- Không, nó không nói với mẹ về ai cả, nó còn quá kiêu kỳ. Nhưng mẹ biết, tất cả đều do ở...
- Nhưng mẹ thử nghĩ xem nếu nó đã từ chối Levin... mà con chắc nó sẽ không từ chối nữa không có anh chàng kia... Thế mà sau đó, nó lại bị lừa dối kinh khủng như thế đấy!
Phu nhân hoảng sợ khi nghĩ đến trách nhiệm đè nặng lương tâm bà và đâm nổi giận:
- Chà! Mẹ không còn hiểu ra thế nào nữa! Bây giờ người ta chỉ muốn làm theo ý mình, người ta không nói gì với mẹ cả, rồi sau đó thì...
- Mẹ ạ, con vào với nó đây.
- Đi đi, mẹ không ngăn giữ con đâu, - bà mẹ trả lời.
Quyển 2
Chương 3
Bước vào phòng khách nhỏ bé của Kitti, một căn phòng xinh đẹp, tường dán giấy hồng, bày biện những đồ trang trí nhỏ bằng sứ tráng men cổ vùng Saxe 1, trông trẻ rói, tươi hồng và phơi phới như chính bản thân Kitti hai tháng trước đây, Doli nhớ lại hai chị em đã cùng nhau trang hoàng căn phòng này năm ngoái và hồi ấy cả hai đều vui vẻ, sung sướng! Tim Doli buốt nhói khi thấy Kitti ngồi trên tấm thảm. Kitti liếc đôi mắt nhìn chị và sắc mặt lạnh lùng hơi nghiêm nghị của cô không hề thay đổi.
- Chị sắp phải ở lì trong nhà, và em sẽ không thể đến thăm chị được, Daria Alecxandrovna nói, ngồi xuống cạnh em. Chị muốn nói chuyện với em.
- Chuyện gì cơ? - Kitti vội hỏi, ngẩng đầu lên, vẻ sợ hãi.
- Chuyện buồn của em đấy...
- Em chẳng có chuyện gì buồn cả.
- Thôi đi, Kitti. Cô tưởng chị không biết gì cả chăng? Chị biết hết.
Hãy tin ở chị, tất cả cái đó có gì quan trọng đâu... Bọn chị đây đều qua bước đó cả rồi.
Kitti im lặng nhưng nét mặt vẫn nghiêm nghị.
- Hắn ta không đáng để em phải đau khổ đâu, - Daria Alecxandrovna nói tiếp, đi thẳng ngay vào vấn đề.
- Bởi vì anh ấy rẻ rúng em, - Kity nói, giọng run run. - Chị đừng nói với em chuyện ấy nữa. Em xin chị, đừng nói với em chuyện ấy nữa!
- Nhưng đã ai nói với em chuyện này? Không ai cả. Chị tin chắc anh ta đã yêu em, và anh ta vẫn còn yêu em, nhưng...
- Trời! Đối với tôi, thật không gì gớm ghiếc hơn lời chia buồn ấy, - Kitti bỗng nổi giận, hét lớn. Cô đỏ mặt ngoảnh đi và ngón tay run bần bật vặn vẹo chiếc khóa thắt lưng Doli biết cô em hay có thói quen lấy tay vân vê một vật gì khi cáu giận; Doli biết lúc đó, Kitti có thể mất tự chủ và thốt ra những lời đáng tiếc và khó nghe, bà muốn làm cô em nguôi giận nhưng muộn quá rồi.
- Chị muốn làm tôi hiểu cái gì nào? - Kitti nói nhanh. Rằng tôi đi mê một người đàn ông không coi tôi ra gì, tôi chết mệt vì yêu người ta hay sao? Đấy, bà chị tôi mà nói với tôi thế đấy, cứ tưởng làm thế là tỏ ra... thương hại tôi đấy! Tôi không cần đến cái lòng thương xót, cái nhân nghĩa giả ấy!
- Kitti, em thật bất công!
- Sao chị lại cứ giày vò tôi!
- Không, ngược lại, chị... chị thấy em có điều buồn bực...
Nhưng trong cơn nóng giận, Kitti không nghe chị nữa.
- Tôi không việc gì mà buồn bực hay đi cầu xin những lời an ủi cả.
Tôi cũng khá kiêu kỳ đấy, tôi không bao giờ đi yêu một người không màng đến tôi.
- Nhưng chị cũng không nói là... Có điều là, em hãy nói thật với chị, - Daria Alecxandrovna cầm tay em gái nói tiếp. - Em hãy nói cho chị biết, Levin đã nói chuyện với em phải không?
Nghe đến tên Levin, Kitti như mất hết tự chủ: cô nhảy bật khỏi ghế, ném chiếc khóa thắt lưng xuống đất và vung tay, thét lớn:
- Có dính dáng gì đến Levin ở đây? Tôi không hiểu sao chị lại cần phải giày vò tôi thế! Tôi đã nói với chị, và tôi nhắc lại với chị rằng tôi vốn kiêu kỳ và không bao giờ, không bao giờ, tôi lại làm như chị:
không bao giờ tôi trở về với người đàn ông đã lừa dối tôi để đi yêu một người đàn bà khác! Tôi không hiểu được điều ấy! Có lẽ chị có thể hiểu được đấy, còn tôi thì chịu!
Nói xong, cô nhìn chị, thấy Doli im lặng, buồn bã cúi đầu và Kitti, định rời khỏi phòng, lại không đi ra nữa, cô ngồi xuống gân cửa, úp mặt vào khăn tay.
Không khí im lặng kéo dài vài phút. Doli nghĩ đến phận mình. Nỗi tủi nhục mà bà đã thấy quá rõ, lúc này lại càng xót xa hơn khi cô em gợi lại. Bà không ngờ tới sự tàn nhẫn đến thế và bà giận Kitti. Nhưng bỗng nhiên, bà nghe thấy tiếng áo sột soạt, tiếng nức nở cố nén lại và có đôi tay ôm lấy cổ bà: Kitti đang quỳ trước mặt chị.
- Chị Doli yêu quý, em khổ sở lắm, khổ sở lắm! - cô thì thầm với vẻ tội lỗi. Và khuôn mặt xinh đẹp giàn giụa nước mắt gục vào váy Daria Alecxandrovna.
Tựa hồ như nước mắt là thứ dầu trơn cần thiết cho quan hệ hai chị em trở lại điều hoà, Doli và Kitti, sau khi khóc xong, không nhắc đến những điều cả hai đang bận tâm nữa, nhưng tuy nói về những chuyện không quan trọng gì, hai chị em vẫn hiểu nhau. Kitti biết lời lẽ cô thốt ra trong cơn giận dữ về việc anh rể bội bạc và về nỗi tủi nhục của chị đã xúc phạm đến trái tim Doli đáng thương, nhưng bà chị đã tha thứ cho cô. Về phía Doli, bà đã biết tất cả mọi điều muốn biết: bà tin chắc linh cảm của bà là đúng và nguyên nhân nỗi buồn của Kitti, một nỗi buồn không gì khuây khoả được, chính là do Levin đã hỏi cô làm vợ và cô đã từ chối; do Vronxki lừa dối cô và cô sẵn sàng yêu Levin và căm ghét Vronxki. Kitti không thốt ra câu nào về việc này: cô chỉ nói về tâm trạng cô.
- Em không buồn chút nào cả, - cô nói khi đã nguôi giận, - nhưng chị hiểu không, đối với em bây giờ, tất cả đều xấu xa, ghê tởm và bỉ ổi, trước nhất là em chắc chị không thể biết được em có những ý nghĩ rất xấu xa về mọi vấn đề.
- Em có những ý nghĩ gì xấu xa nào? - Doli mỉm cười hỏi.
- Những ý nghĩ xấu xa và bỉ ổi nhất; em không thể nói với chị được. Không phải là buồn bã hay chán nản đâu, còn tệ hơn thế kia.
Hình như tất cả cái gì tốt đẹp trong người em đã biến mất: chỉ còn lại cái gì xấu nhất thôi. Biết nói thế nào với chị nhỉ? - cô nói tiếp, nhìn thấy vẻ không tin trong mắt chị. - Lúc nãy ba định nói chuyện với em... em tưởng như ba chỉ nghĩ em cần lấy chồng. Nếu mẹ đưa em đi khiêu vũ, em cho rằng chỉ vì mục đích duy nhất là gả chồng cho em càng sớm càng hay và tống em đi cho thoát. Em biết không đúng như thế đâu nhưng em không thể xua đuổi những ý nghĩ ấy được. Em không sao chịu nổi cái "bọn trai trẻ đến tuổi lấy vợ" như người ta thường gọi nữa. Lúc nào em cũng có cảm tưởng là họ cân nhắc giá trị của em. Trước kia, được mặc quần áo dạ hội đi đâu là em thấy vui thích rất thành thật: em tự ngắm mình, còn bây giờ em thấy xấu hổ, mất tự nhiên. Chị bảo biết làm sao được? Bác sĩ... thế đấy...
Kitti ngừng lại; cô muốn nói tiếp là từ kh có sự thay đổi đó trong lòng thì cô thấy Xtepan Arcaditr trở nên khả ố và cứ trông thấy ông ta là trong đầu óc cô lại thấy hiện ra những cảnh tượng thô bỉ và khiếm nhã nhất.
- Phải đấy, tất cả đối với em đều hiện ra dưới khía cạnh thô tục, bỉ ổi nhất, - cô nói tiếp. Bệnh của em là thế đấy. Có lẽ rồi nó cũng qua đi thôi.
- Em đừng nghĩ đến nó nữa...
- Em không thể không nghĩ được. Em chỉ thấy thoải mái khi ở nhà chị với các cháu.
- Đáng tiếc là hiện nay, em lại không thể đến ở với chị được.
- Có chứ, em sẽ đến. Em đã bị sốt ban rồi và em sẽ thuyết phục mẹ cho đi.
Kitti giữ vững ý định và đến ở với chị. Cô săn sóc các cháu suốt thời kỳ chúng mắc bệnh sốt ban (vì đúng là bệnh ấy). May nhờ hai chị em, bọn trẻ qua được cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe Kitti vẫn không hồi phục. Trong tuần chay, gia đình Serbatxki ra nước ngoài.
Chú thích:
1. Vieux Saxe (tiếng Pháp trong nguyên bản)
Quyển 2 
Chương 4
Trong cả xã hội quý phái ở Peterburg, chỉ có một khối trong đó mọi nhưng đều quen biết nhau, người nọ đến thăm người kia. Nhưng khối này lại chia thành nhiều nhóm nhỏ. Anna Arcadievna Carenin liên hệ chặt chẽ với ba môi trường khác nhau. Một là môi trường quan chức của chồng, gồm các bạn đồng liêu và những người dưới quyền ông, họ đoàn kết hoặc cách biệt nhau do những điều kiện xã hội khác nhau và bất thường nhất. Anna chỉ còn mang máng nhớ cái cảm giác kính trọng, gần như tôn sùng của nàng đối với những nhân vật đó trong thời gian đầu. Bây giờ nàng hiểu rõ tất cả những người đó rồi, như người ta quen biết nhau trong huyện lỵ; nàng biết những nhược điểm, thói tật của họ, biết họ dễ chạm nọc ở chỗ nào nhất: nàng biết rõ quan hệ giữa người nọ với người kia và giữa bọn họ với điểm trung tâm chủ yếu; biết họ cần dựa vào đâu và bằng cách nào; biết những gì liên kết hoặc chia rẽ họ; nhưng giới đàn ông này, chỉ tranh luận toàn việc quốc gia đại sự, đối với nàng không có gì thú vị, và mặc những lời khẩn khoản của nữ bá tước Lidia, nàng đã trốn tránh giới này.
Giới thứ hai nàng năng lui tới là giới đã giúp Alecxei Alecxandrovitr tiến bước trên đường công danh. Trung tâm của nó là nữ bá tước Lidia Ivanovna. Đây là xã hội của các bà già mộ đạo, xấu xí và đức hạnh, của các ông nhiều tham vọng, thông minh và học thức. Một người thông minh trong giới này đã đặt tên cho nó là "lương tâm của xã hội Puskin". Alecxei Alecxandrovitr rất thiết tha với nhóm này và Anna vốn rất khéo léo hòa mình với người chung quanh, đã có bạn thân trong số những người này vào thời gian đầu nàng ở Peterburg. Nhưng bây giờ, khi ở Moxcva về, nàng không chịu nổi nhóm này nữa. Nàng thấy hình như ở đó mọi người và trước hết là nàng, đều gò bó trong mọi cử chỉ và nàng buồn chán, khó chịu đến mức phải cố tìm cách bớt lui tới nữ bá tước Lidia Ivanovna càng thưa càng tốt.
Giới thứ ba mà Anna giao thiệp mới đúng là giới thượng lưu thật sự: cái giới của các cuộc khiêu vũ, tiệc tùng, trưng diện, cái giới một tay bấu víu vào hoàng cung để khỏi rớt xuống giới nửa thượng lưu, mà họ cho là đáng khinh tuy nó có những sở thích không phải chỉ tương tự mà giống hệt với sở thích của giới thượng lưu chính cống.
Nàng giao thiệp với giới này là do nữ bá tước Betxi, vợ người anh em họ của nàng, bà ta có mười hai vạn lợi tức và đặc biệt yêu mến Anna ngay khi nàng xuất hiện trong giới thượng lưu; bà vồ vập săn sóc, và lôi kéo nàng vào giới mình, bằng cách chế giễu nhóm của nữ bá tước Lidia Ivanovna.
- Khi nào già và xấu đi, tôi sẽ giống bà ta, - Betxi nói, - nhưng một người trẻ và đẹp như chị không nên giam mình vào cái nhà dưỡng lão ấy!
Hồi đầu, Anna hết sức tránh xa môi trường của quận chúa Tverxcaia, vì ở đó phải chi tiêu tốn kém quá khả năng của nàng, và trong thâm tâm, nàng ưa nhóm giao tế đầu tiên hơn. Nhưng sau chuyến đi Moxcva thì lại khác hẳn. Nàng bắt đầu lảng tránh các bạn bè đoan trang và đi lại với xã hội thượng lưu này. ở đây, nàng gặp Vronxki và cảm thấy vừa vui vừa bối rối. Nàng hay gặp Vronxki nhất ở nhà quận chúa Tverxcaia, cũng thuộc họ Vronxki, và là chị em con chú bác với Alecxei Alecxandrovitr. Bất cứ chỗ nào có thể gặp được Anna là Vronxki đều có mặt và mỗi lần có dịp, chàng lại thổ lộ tình yêu với nàng. Nàng không bao giờ tạo cho chàng có cơ hội như thế, nhưng mỗi lần gặp chàng, tâm hồn nàng lại bừng cháy cái cảm giác dạt dào đã xâm chiếm nàng khi gặp chàng lần đầu trên xe lửa. Nàng cảm thấy hễ thoáng thấy chàng là niềm vui đã bừng lên trong khoé mắt, buộc đôi môi nàng phải mỉm cười và nàng không thể giấu giếm niềm vui đó được.
Mới đầu, Anna thành thật tưởng mình không bằng lòng vì chàng cứ tự tiện theo đuổi; nhưng ít lâu sau khi ở Moxcva về, trong một dạ hội, mà nàng đoán sẽ gặp chàng nhưng chàng lại không đến, nàng thấy nỗi buồn tràn ngập trong lòng và nàng hiểu rằng mình đã tự dối lòng, rằng sự săn đón của Vronxki chẳng những không làm nàng khó chịu mà còn chứa đựng tất cả lẽ sống của nàng.
Một nữ danh ca nổi tiếng biểu diễn đêm thứ hai và tất cả xã hội thượng lưu ở Peterburg đều đến nhà hát. Thoáng thấy bà chị họ, Vronxki không đợi đến lúc nghỉ, bỏ chỗ ghế hàng đầu của mình để tới gặp chị trong ghế "lô".
- Thế nào, sao chú không đến ăn trưa? - bà hỏi. - Sự linh cảm minh mẫn của những người đang yêu thật kỳ diệu, - bà mỉm cười nói thêm, cốt để cho mình chàng nghe: - nàng cũng không đến nốt. Nhưng sau buổi biểu diễn chú đến nhé.
Vronxki nhìn chị, vẻ dò hỏi. Bà gật đầu. Chàng mỉm cười cảm ơn và ngồi xuống cạnh.
- À! Tôi còn nhớ những lời chế giễu của chú đấy! - quận chúa Betxi nói tiếp, bà đặc biệt thích thú theo dõi những tiến triển của mối tình say đắm này. - Đấy chú xem, nó đã dẫn chú tới đây! Chú bị sa lưới rồi, chú em thân mến ạ!
- Tôi chỉ mong có một điều là được sa lưới thôi, - Vronxki trả lời với nụ cười hiền lành điềm đạm. - Nói cho đúng, nếu tôi có phàn nàn điều gì, thì đó là chưa được sa lưới hoàn toàn thôi. Tôi bắt đầu thất vọng rồi.
- Chú còn hy vọng những gì? - Betxi nói, có vẻ như tức giận thay cho người bạn gái; - ta nên hiểu nhau 1, - nhưng đôi mắt bà sáng lên những ánh lửa nhỏ chứng tỏ bà hoàn toàn hiểu rõ như chàng, là chàng còn có thể hy vọng được những gì trong việc này.
- Không hy vọng gì nữa, - Vronxki cười nói, để lộ hàm răng đều đặn. - Xin lỗi, chàng nói thêm và cầm lấy ống nhòm trong tay bà chị họ, nhìn qua vai trần của bà ta tới hàng ghế "lô" trước mặt. - Tôi sợ trở thành lố bịch mất.
Chàng thừa biết trước mắt Betxi và mọi người trong giới thượng lưu, chàng không sợ bị coi là lố bịch. Chàng thừa biết trước mắt những người này, vai trò theo đuổi một cô thiếu nữ và nói chung một người đàn bà chưa chồng mà bị cự tuyệt thì có thể bị coi là lố bịch; nhưng vai trò đi tán tỉnh một thiếu phụ có chồng, làm đủ mọi cách để xiêu lòng người ấy, vai trò đó có cái gì đẹp đẽ, cao cả và không bao giờ bị chế giễu, cho nên chàng hạ ống nhòm xuống và nhìn bà chị họ với nụ cười hãnh diện và vui vẻ, thấp thoáng dưới hàng ria.
- Tại sao chú không đến ăn trưa? - bà chị nhìn chàng, vẻ thán phục và hỏi.
- Tôi phải kể cho chị nghe mới được. Tôi có việc bận, bận gì chị biết không? Tôi đánh cược một ăn một trăm, một nghìn đấy... chị không thể nào đoán nổi đâu. Tôi đã hòa giải cho một người chồng với kẻ xúc phạm đến vợ ông ta! Thật đấy, đúng như tôi đang nói với chị đây.
- Thế chú đã thành công à?
- Gần thành công.
- Chú phải kể lại cho tôi nghe chuyện đó nhé, bà đứng dậy và nói. - Lúc nghỉ sau, chú đến nhé.
- Tôi không đến được: tôi sang nhà hát Pháp đây.
- Sau khi nghe Ninxon hát mà còn sang đấy thì chịu sao được? - Betxi hoảng hốt hỏi, mặc dầu bà ta không bao giờ phân biệt được Ninxon với bất cứ ca sĩ nào.
- Biết làm thế nào được? Tôi đã hẹn ở đằng ấy để làm công việc hòa giải.
- Sung sướng thay những kẻ đi hòa giải, họ sẽ được Chúa cứu vớt! - Betxi nói, nhớ ra có người đã nói câu gì gần giống như thế: thôi, ngồi xuống đây và kể cho tôi nghe đi. Việc gì thế?
Và bà lại ngồi xuống.
Chú thích:
1. Entendons-nous (tiếng Pháp trong nguyên bản)
Quyển 2
Chương 5
- Hơi vội đấy, nhưng chuyện hay đến nỗi tôi thèm kể chị nghe đến chết đi được, - Vronxki nhìn bà chị với đôi mắt tươi cười và nói. - Tôi sẽ không kể đích danh đâu.
- Nhưng tôi sẽ đoán ra, thế lại càng thú hơn...
- Chị nghe nhé: có hai chàng thanh niên rất vui nhộn...
- Chắc hẳn là các sĩ quan trong trung đoàn chú phải không?
- Tôi không nói đó là sĩ quan, mà chỉ là hai chàng thanh niên đã ăn uống no nê.
- Cứ nói thẳng là đã say sưa đi.
- Có thể như vậy. Họ đi đến ăn tại nhà một người bạn, trong lòng rất vui vẻ. Họ trông thấy một người đàn bà đẹp đi xe ngựa vượt qua trước mặt, nàng quay lại và vừa cười vừa gật đầu chào họ, hay ít nhất cũng là họ tưởng trông thấy như vậy. Họ ngạc nhiên thấy người đẹp đó lại dừng xe trước ngôi nhà họ đến. Nàng đi lên gác trên. Họ chỉ thấy được đôi môi tươi tắn dưới tấm mạng che và đôi chân nhỏ, xinh xắn.
- Chú kể chuyện đó với biết bao cảm xúc làm tôi tưởng chính chú là một trong hai thanh niên đó.
- Chị vừa nói gì mà lạ vậy? Vậy thì hai chàng thanh niên ấy lên nhà người bạn đã mời họ đến dự tiệc chia tay. ở đó, có lẽ họ hơi quá chén, như thường xảy ra trong các tiệc chia tay. Trong bữa ăn, họ hỏi ai ở tầng gác trên cùng. Không ai biết cả, trừ người hầu của ông bạn kia, khi được hỏi ở trên có nhiều mamzelles 1 không, hắn trả lời là có nhiều lắm. Sau bữa ăn, hai chàng thanh niên vào phòng làm việc của chủ nhân và viết một bức thư cho người đàn bà chưa quen biết ấy:
Một bức thư say đắm, đầy những lời thề thốt. Họ đích thân mang thư lên gác để còn giãi bày thêm những điều có thể còn chưa rõ trong thư.
- Sao chú lại kể cho tôi nghe những chuyện điếm nhục thế nhỉ? Rồi sao nữa?
- Họ giật chuông. Một cô hầu gái đi ra; họ đưa thư cho cô hầu và nói cả hai đều yêu say mê đến mức có thể chết ngay ở bậc cửa. Cô hầu ngạc nhiên, thương thuyết với họ. Bỗng nhiên, một ông có bộ râu má xoắn trôn ốc, nhô ra, mặt đỏ như tôm càng, bảo cho họ biết không có ai ngoài vợ ông ở trong phòng này và đuổi họ đi.
- Tại sao chú lại biết ông ấy có bộ râu má... chú nói thế nào nhỉ, xoắn trôn ốc à?
- Chị cứ nghe đã. Hôm nay, tôi đã đến để dàn hòa cho họ mà.
- Câu chuyện rồi sau thế nào?
- Đó là đoạn hay nhất đấy, cặp vợ chồng hạnh phúc đó là vợ chồng một ông cố vấn thực nhiệm và một bà cố vấn thực nhiệm 2. Ông cố vấn thực nhiệm đã đệ đơn kiện và tôi phải làm trung gian hòa giải; mà hòa giải rất cừ mới chết chứ! Tôi cam đoan với chị, Talâyrăng 3 so với tôi cũng chưa thấm vào đâu.
- Khó khăn ở chỗ nào?
- Chị cứ nghe đã... chúng tôi đã xin lỗi một cách đứng đắn là:
"Chúng tôi rất lấy làm ân hận về việc này, chúng tôi xin ngài tha thứ cho về sự hiểu lầm tai hại này..." Ông cố vấn thực nhiệm có bộ râu má xoắn trôn ốc bắt đầu xuôi xuôi, ông ta cũng muốn phát biểu cảm nghĩ của mình nhưng vừa mới nói ông đã sôi máu lên và văng tục; tôi lại phải giở tài ngoại giao ra. "Tôi công nhận là cách cư xử của họ thật đáng trách nhưng xin ông hãy chú ý đến sự hiểu lầm, đến tuổi trẻ của họ; các cậu thanh niên ấy vừa chè chén xong, ông hiểu cho. Trong thâm tâm, họ hối hận lắm, và xin ông tha thứ cho lỗi lầm của họ".
Ông cố vấn thực nhiệm lại nguôi giận: "Tôi bằng lòng, bá tước ạ, tôi sẵn sàng tha thứ nhưng ngài nên hiểu rằng, vợ tôi, một người đàn bà đoan trang, lại phải chịu đựng những sự đeo đuổi, những sự thô bỉ và hỗn xược của bọn vô lại ấy, bọn khốn...". Thế nhưng bọn vô lại ấy cũng có mặt ở đó, tôi lại phải trấn an họ. Tôi phải sử dụng tất cả khóa ngoại giao; và đúng lúc sự việc sắp sửa chấm dứt thì ông cố vấn thực nhiệm lại nổi cơn lôi đình lần nữa, mặt đỏ tía tai, bộ râu má xoắn trôn ốc dựng đứng lên; tôi lại phải giở hết miệng lưỡi Tô Tần ra lần nữa.
- Chà! Em phải kể cho bà chị nghe chuyện này mới được? - nữ bá tước Betxi cười nói với một bà vừa bước vào khoang ghế "lô". - Chú ấy làm tôi buồn cười quá. Thôi, may mắn nhé 4, bà nói tiếp và chìa cho Vronxki một ngón tay không bận cầm quạt, rồi ngọ nguậy vai để ngăn cổ áo không co lên, cốt để vai, ngực hoàn toàn lộ trần ra cho hợp thời trang, khi bà ra ngồi xuống trước ghế lô của mình, dưới ánh đèn hơi, trước mắt mọi người.
Vronxki đến nhà hát Pháp, ở đó chàng quả thực đang cần gặp viên chỉ huy trung đoàn, vốn không bỏ buổi biểu diễn nào, để bàn bạc về công việc dàn hòa đã làm chàng bận tâm và thích thú từ hai hôm nay.
Dính líu đến việc này, có Pet'rixki và hoàng thân trẻ tuổi Cedrov, một thanh niên xinh trai, mới nhập ngũ vào trung đoàn. Nhất là còn cả danh tiếng của trung đoàn cũng bị đe doạ.
Cả hai đều thuộc tiểu đoàn của Vronxki. Ông cố vấn thực nhiệm Venden đã tới tố cáo với viên chỉ huy của hai sĩ quan đã xúc phạm đến vợ ông. Người vợ trẻ của ông - Venden kể lại (ông mới cưới được 6 tháng) - đang ở nhà thờ với mẹ thì bỗng nhiên thấy nôn nao vì cô ta đang có thai, do đó không thể đứng lâu được và phải lên chiếc xe ngựa thuê đầu tiên gặp được để về nhà. Các viên sĩ quan liền đuổi theo ngay; cô ta hoảng sợ và thấy trong người mỗi lúc một khó chịu hơn, phải ba chân bốn cẳng chạy lên gác. Đích thân Venden ở công sở về, đã nghe thấy tiếng giật chuông và tiếng người nói; ông đi ra và thấy các sĩ quan đang say rượu mang thư đến, ông liền tống họ ra khỏi cửa.
- Không, anh muốn nói gì thì nói, - viên chỉ huy bảo Vronxki mà ông mời đến gặp, - Pet'rixki quá quắt lắm rồi. Không tuần lễ nào là không có chuyện xảy đến với anh ta. Viên quan kia không chịu để yên đâu.
Vronxki nhìn thấy tất cả cái phiền toái của sự việc và vì không có chuyện đấu súng trong trường hợp này, cho nên cần làm đủ mọi cách để xoa dịu ông cố vấn thực nhiệm và ỉm chuyện đi. Viên chỉ huy đã cho gọi Vronxki tới, chính vì ông coi chàng là người khôn ngoan, quan tâm đến danh dự của trung đoàn. Hai người bàn bạc một lúc và đã quyết định là Pet'rixki và Cedrov cùng đi với Vronxki đến xin lỗi ông cố vấn thực nhiệm. Viên chỉ huy và Vronxki, cả hai đều hiểu tên tuổi Vronxki và bộ lon sĩ quan cận vệ của chàng sẽ có tác dụng xoa dịu ông cố vấn thực nhiệm. Và thật vậy, cả hai phương pháp đó đã tỏ ra có phần hiệu nghiệm; nhưng theo Vronxki, kết quả vẫn chưa chắc chắn.
Tới Nhà hát Pháp, Vronxki kéo viên chỉ huy ra phòng nghỉ và kể cho ông ta biết sự thành công hoặc đúng hơn là sự thất bại trong nhiệm vụ của chàng. Sau khi suy nghĩ, viên chỉ huy quyết định gác việc này lại; rồi cao hứng, ông hỏi Vronxki về những chi tiết cuộc gặp mặt và không nín được cười hồi lâu khi nghe chuyện chàng kể lại.
- Thật là chuyện bậy bạ nhưng đến chết cười được. Dù sao Cedrov cũng không thể đấu súng với vị đó được! Ông ta cáu đến thế kia à? - viên chỉ huy cười hỏi lại lần nữa. Anh thấy Clerơ tối nay thế nào?
Thật tuyệt! - ông nói, nhắc tới cô đào hát mới người Pháp. - Mình xem cô ta thường xuyên mà vẫn thấy mỗi ngày một đổi mới. Chỉ có người Pháp mới làm được như vậy.
Chú thích:
1. Một biến dạng có tính chất bình dân của chữ mademoiselles nghĩa là các cô, các tiểu thư (tiếng Pháp trong nguyên bản).
2. Cố vấn thực nhiệm: phẩm hàm thứ 9 trong hệ thông ngôi thứ 14 bậc thời Nga hoàng, tương đương với đại uý ngạch 2 trong lục quân hoặc đại uý kỵ binh hoặc trung uý hải quân, tức là thấp nhất trong hàng quan chức dân sự.
3. Talâyrăng, bộ trưởng ngoại giao Pháp dưới thời chấp chính hồi đầu cách mạng 1789 và thời kỳ đế chế - là nhà ngoại giao mưu trí, có nhiều thủ đoạn.
4. Bonne chance (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 2
Chương 6
Quận chúa Betxi không chờ đến hết hồi cuối đã rời nhà hát ra về.
Bà ta vừa bước vào phòng thay quần áo, thoa phấn khuôn mặt dài tái nhợt, sửa lại áo và sai pha trà ở phòng khách lớn xong thì đoàn xe đã nối đuôi nhau đỗ trước toà nhà rộng lớn của bà ở đại lộ Morxkaia. Các vị khách bước lên bậc thềm rộng và người gác cửa to béo, sáng sáng vẫn ngồi đọc báo sau cánh cửa kính cho khách qua đường chiêm ngưỡng, đã mở chiếc cửa đồ sộ đó ra êm như không, để các vị khách đi qua trước mặt.
Nữ chủ nhân, đầu tóc và bộ mặt vừa trang điểm lại xong, cùng các vị khách, từ những cửa khác nhau, gần như cùng một lúc bước vào phòng khách lớn có tường màu sẫm và trải thảm êm, có chiếc bàn sáng rực, trên đó màu trắng khăn trải bàn, chất bạc chiếc ấm đun trà và chất sứ trong suốt bộ khay chén, lấp lánh dưới ngọn lửa nến.
Nữ chủ nhân ngồi xuống sau ấm đun trà và tháo găng tay. Bọn hầu phòng im lặng giúp khách kéo ghế ngồi tản ra, thành hai nhóm:
Một nhóm bên ấm trà cùng nữ chủ nhân và một nhóm ở đầu bên kia phòng khách vây quanh bà vợ một viên đại sứ, người xinh đẹp, mặc áo nhung, lông mày đen kẻ rõ nét. ở cả hai chỗ, theo lệ thường, những phút đầu, câu chuyện còn rời rạc, ngắt quãng bởi những lời chào hỏi khách đến sau, mời mọc uống trà và hình như còn đang dò dẫm xem nên bàn hẳn về chuyện gì.
- Xét về mặt diễn xuất thì nàng thật kỳ diệu; rõ ràng là nàng đã nghiên cứu Conbatx, - một nhà ngoại giao trong nhóm bà vợ đại sứ nói: - các ngài có chú ý tới nàng đã ngã như thế nào không...
- Ô, xin thôi đi, đừng nói đến Ninxon nữa! Bàn về cô ta thì chẳng thêm được gì mới lạ đâu, - một bà nói, người to béo, tóc hung, da dẻ hồng hào, không cả lông mày lẫn búi tóc, mặc áo lụa pha màu. Đó là quận chúa Miarcaia, nổi tiếng là thô thiển, nói năng sỗ sàng và được mệnh danh là đứa trẻ ghê gớm 1. Quận chúa Miarcaia ngồi giữa hai nhóm và lắng nghe, khi bắt chuyện với nhóm này, lúc với nhóm kia. - Hôm nay, đã có ba người nói câu đó với tôi về Conbatx. Y như họ đã thông đồng trước với nhau rồi! Mà tôi cũng không hiểu sao câu đó lại có vẻ làm họ thú vị thế.
Câu chuyện bị cắt đứt vì ý kiến đó và lại phải tìm đề tài mới.
- Ông hãy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện gì vui vui, nhưng không được thâm nhé, - bà vợ đại sứ nói, bà vốn lỗi lạc về khoa nói chuyện thanh lịch, tiếng Anh gọi là small talk 2 - bà nói với nhà ngoại giao và chính ông ta cũng chưa biết mở đầu câu chuyện thế nào.
- Thế thì rất khó đấy, phải thâm thì mới tức cười được, - ông mỉm cười nói. - Nhưng tôi cũng gắng thử xem. Xin bà cứ cho tôi một đầu đề. Tất cả là ở đó. Khi đã có đầu đề rồi thì cũng dễ thêu dệt thêm vào thôi. Tôi thường tự nhủ những nhà kể chuyện trứ danh của thế kỷ trước giờ đây hẳn cũng sẽ rất lúng túng nếu phải nói chuyện cho dí dỏm. Tất cả cái gì thuộc về trí tuệ đều đã trở thành tẻ ngắt...
- Điều đó thì người ta nói từ lâu rồi, - bà vợ đại sứ cười, ngắt lời ông ta. Câu chuyện bắt đầu một cách dí dỏm; nhưng chính vì quá dí dỏm nên nó lại phải dừng lần nữa. Phải nhờ đến một phương pháp chắc chắn và không trệch đi đâu được: đó là nói xấu nhau.
- Ngài có thấy là Tuscievitr có vẻ giông giống Lui XV không? - ông ta nói, đưa mắt ra hiệu chỉ một chàng thanh niên đẹp trai tóc hung đứng gần bàn.
- Ồ, có! Anh ta cũng cùng kiểu với phòng khách này, vì thế anh ta mới luôn luôn tới đây.
Câu chuyện duy trì được, vì người ta nói bóng gió đúng vào cái chuyện không được phép nói trong phòng khách này: sự dan díu giữa Tuscievitr với nữ chủ nhân.
Trong lúc đó, quanh ấm trà và quận chúa Betxi, câu chuyện sau khi cũng ngập ngừng như vậy giữa ba đầu đề không thể tránh được:
Tin tức trong ngày, chuyện sân khấu và dèm pha người chung quanh, đã dừng lại ở đầu đề cuối cùng đó, tức là nói xấu nhau.
- Các ngài có biết Mantiseva (bà mẹ, chứ không phải cô con gái đâu) vừa may bộ quần áo màu hồng loè loẹt 3 không?
- Không có lẽ? nếu thế thì hay nhỉ!
- Tôi lấy làm lạ là người có đầu óc không đến nỗi ngu xuẩn như bà ta mà lại không thấy là lố bịch.
Mọi người đều buông lời dè bỉu và chế giễu cái bà Mantiseva đáng thương và câu chuyện bùng lên vui vẻ, như ngọn lửa bắt đầu cháy.
Ông chồng của quận chúa Betxi, một người to béo hiền lành, say mê sưu tầm tranh in, được biết vợ có khách, nên đã qua phòng khách trước khi đến câu lạc bộ. Ông khẽ bước trên tấm tảm dày, đến gần quận chúa Miarcaia.
- Bà thấy Ninxon thế nào? - ông hỏi bà.
- Ôi! Làm người ta sợ hết cả hồn! Tôi không nghe thấy ông đi tới, - bà trả lời. - Tôi xin ông, đừng có nói chuyện Nhà hát ca kịch với tôi, ông không biết gì về âm nhạc cả. Thà tôi tự hạ mình xuống ngang trình độ ông và nói chuyện về tranh in và đồ sứ thời Phục hưng của ông còn hơn. Thế vừa đây, ông mới tìm ra được của báu nào ở cửa hàng đồ cũ đấy?
- Bà có muốn tôi đưa bà xem không? Nhưng bà có biết tí gì về những cái đó đâu.
- Ông cứ đưa đây xem. Tôi đã tập sự ở nhà những... gọi họ là gì nhỉ... những chủ nhân hàng... họ có những tranh in rất đẹp. Họ đã đưa cho chúng tôi xem.
- Thế nào, chị đã đến chơi nhà Sutdơbua rồi à? - nữ chủ nhân hỏi.
- Vâng, bà bạn ạ 4. Họ đã mời vợ chồng tôi đến ăn tiệc và người ta nói với tôi là một trong những món nước xốt của họ tốn mất một nghìn rúp, - quận chúa Miarcaia nói to, cảm thấy mọi người đang nghe mình; - thế nhưng cái món nước xốt đó thật lợm giọng; có cái gì xanh lè ấy. Tôi phải đáp lễ lại: tôi thết họ món nước xốt có tám mươi nhăm kôpêch, mà họ rất thú vị. Tôi không thể bỏ một nghìn rúp vào món nước xốt được.
- Chị ấy thật là độc nhất vô song! - nữ chủ nhân nói.
- Kỳ diệu thật! - một người nói thêm.
Những câu chuyện của quận chúa Miarcaia bao giờ cũng tác động như thế; bí quyết của bà là nói những chuyện bình thường, hợp lý hợp lẽ, tuy không phải bao giờ cũng đúng lúc như bây giờ. Trong đám người bà đang cùng sống, những câu chuyện đó có tác dụng như những câu khôi hài ý nhị. Quận chúa Miarcaia không hiểu được tại sao mình lại thành công đến như vậy, nhưng bà biết mình thành công và cũng lợi dụng điều đó.
Trong khi quận chúa Miarcaia kể chuyện, mọi người đều lắng nghe và cuộc trò chuyện ở chung quanh bà vợ đại sứ cũng im bặt; nữ chủ nhân do đó muốn tập hợp tất cả các vị khách lại và nói với bà vợ đại sứ:
- Thế nào, bà không xơi trà à? Xin mời bà lại nhập bọn với chúng tôi nào.
- Không, chúng tôi ngồi đây tốt lắm rồi, - bà vợ đại sứ mỉm cười trả lời và lại bắt vào câu chuyện mới bắt đầu.
Câu chuyện rất lý thú. Họ đang bình phẩm vợ chồng Carenin.
- Anna thay đổi tợn kể từ sau khi đi Moxcva về. Chị ta thật lạ lùng, - một bạn gái của Anna nói.
- Điều thay đổi đặc biệt nhất là bà ta đã dắt theo trở về một cái bóng là Alecxei Vronxki, - bà vợ đại sứ nói.
- Tại sao lại không được kia chứ? Có một câu chuyện cổ tích của Grim: có một người không có bóng, một người bị mất cái bóng của mình. Đó là một hình phạt. Tôi không bao giờ hiểu được cái hình phạt đó là thế nào. Một người đàn bà mà không có bóng thì chắc phải khổ tâm lắm.
- Phải, nhưng đàn bà có một cái bóng thường cuối cùng đều không ra gì, - người bạn gái của Anna nói.
- Sao mà các bà lắm lời thế! - quận chúa Miarcaia đột nhiên nói, khi nghe thấy những câu đó. - Anna Carenina là người đáng yêu. Tôi không ưa ông chồng, nhưng còn chị ấy thì tôi rất mến.
- Tại sao bà không ưa ông chồng? Đó là một người thật xuất sắc, - bà vợ đại sứ nói. - Nhà tôi nói là hiếm có những chính khách vào loại ông ta ở Âu Châu.
- Nhà tôi cũng nói như vậy, nhưng tôi không tin, - quận chúa Miarcaia đáp. - Nếu những ông chồng chúng ta không nói điều đó, thì chúng ta sẽ thấy đúng chân tướng ông ta: mà theo tôi thì Alecxei Alecxandrovitr chỉ là thằng ngốc. Tôi nói nhỏ điều đó thôi... Có phải thế là mọi chuyện đều rõ ràng rồi không? Trước kia, khi người ta ra lệnh cho tôi phải thấy ông ta là thông minh, tôi cứ luôn luôn tìm xem tại sao lại thế và cứ nghĩ chính mình là đứa ngu nên mới không thấy được trí tuệ ông ta; nhưng từ khi tôi nói: Đó là thằng ngốc, tất nhiên là nói nhỏ thôi, thì mọi cái trở nên rõ ràng. Các bà có đồng ý thế không?
- Hôm nay sao bà ác miệng thế!
- Không hẳn thế đâu. Không còn có giải pháp nào khác. Một trong hai chúng tôi phải là kẻ ngu. Và bà biết đấy, người ta không thể nào lại tự bảo mình như thế được.
- "Không ai thoả mãn về hoàn cảnh của mình, nhưng mỗi người đều thỏa mãn về trí tuệ của mình", - nhà ngoại giao nói, đọc lại một câu thơ Pháp.
- Đúng thế, - quận chúa Miarcaia sôi nổi nói. - Nhưng quả thực tôi không bỏ mặc Anna cho các vị đâu. Chị ấy thật đáng yêu, thật duyên dáng! Nếu mọi người đều mê và theo chị ấy như cái bóng thì đó có phải là lỗi ở chị ấy không?
- Nhưng tôi có nghĩ đến chuyện phê phán chị ta đâu, - người bạn gái của Anna thanh minh.
- Nếu không có ai theo ta như cái bóng, thì đó cũng không phải là một cớ để ta có quyền phê phán người khác.
Và sau khi sửa cho bạn của Anna một mẻ nên thân, quận chúa Miarcaia đứng dậy và cùng bà vợ đại sứ đến gần bàn trà, ở đó, câu chuyện chung đang xoay quanh vua nước Phổ.
- Các bà nói xấu ai ở đằng kia đấy? - Betxi hỏi.
- Vợ chồng Carenin, quận chúa đã miêu tả chân dung Alecxei Alecxandrovitr cho chúng tôi nghe, - bà vợ đại sứ trả lời, mỉm cười ngồi xuống cạnh bàn.
- Thật đáng tiếc là chúng tôi không được nghe, - nữ chủ nhân nói, đưa mắt nhìn ra cửa. - A! chú đã đến đây rồi! - nàng mỉm cười nói với Vronxki vừa đi vào.
Vronxki không những quen biết tất cả, mà hằng ngày còn thường gặp mặt những người đang tụ họp ở đây tối nay; cho nên chàng bình thản bước vào như khi vào nhà người mình vừa chia tay xong.
- Tôi ở đâu đến ấy à? - chàng trả lời câu hỏi của bà vợ đại sứ. - Biết làm thế nào? Tôi đành phải thú thực vậy. ở rạp Hề về. Có lẽ tôi đi xem hề đây là lần thứ một trăm rồi nhưng lần nào tôi cũng thấy một thích thú mới. Thật thú vị. Nói ra thì cũng xấu hổ đấy, nhưng chỉ ở Nhà hát ca kịch tôi mới ngủ gật, còn ở rạp Hề thì tôi lại vui thích đến phút cuối. Hôm nay...
Chàng nhắc tên một nữ diễn viên Pháp và định kể lại một giai thoại về nàng, nhưng bà vợ đại sứ liền ngắt lời với vẻ khiếp hãi đùa cợt.
- Tôi xin ông, đừng có kể cho tôi nghe những chuyện gớm ghiếc ấy nữa!
- Thôi được, tôi không nói nữa, nhất là các bà đều biết rõ tất cả những cái gớm ghiếc đó rồi!
- Và hẳn các bà sẽ sẵn sàng chạy cả đến đó xem, nếu cũng được phép như đến Nhà hát ca kịch vậy, - quận chúa Miarcaia nhấn mạnh thêm.
Chú thích:
1. L'enfant terrible (tiếng Pháp trong nguyên bản).
2. Tiếng Anh trong nguyên bản: chuyện gẫu.
3. Diable rose (tiếng Pháp trong nguyên bản).
4. Ma chère (tiếng Pháp trong nguyên bản).
Quyển 2 
Chương 7
Tiếng bước chân vang lên ở gần cửa ra vào, và quận chúa Betxi biết đó là Anna, liền nhìn Vronxki. Chàng chăm chú nhìn ra cửa và mặt chàng chợt biến sắc lạ thường. Chàng ngắm người thiếu phụ mới đến vẻ vừa vui sướng, vừa khẩn khoản, rụt rè, và chàng từ từ đứng dậy khỏi ghế. Anna bước vào. Như thương lệ, rất thẳng người, với bước đi nhẹ nhàng, quả quyết và nhanh nhẹn khiến nàng khác hẳn những phụ nữ khác trong giới thượng lưu, nàng đi qua cái khoảng cách ngăn nàng với nữ chủ nhân, bắt tay và mỉm cười với bà ta, rồi vẫn với nụ cười đó, quay lại phía Vronxki. Vronxki cúi rạp người xuống và nhấc ghế mời nàng ngồi.
Nàng chỉ nghiêng đầu đáp lại chàng, đỏ mặt lên và cau mày.
Nhưng sau khi nhanh nhẹn gật đầu chào những người quen và bắt những bàn tay chìa ra, nàng lập tức quay lại phía nữ chủ nhân:
- Tôi vừa đến nhà nữ bá tước Lidia; tôi muốn tới đây sớm hơn, nhưng bị giữ lại. Có ông John 1 ở nhà bà ta. Ông ta là người rất đặc sắc.
- À! Ông giáo sĩ ấy phải không?
- Vâng, ông ta kể chuyện về đời sống ở ấn Độ rất hấp dẫn.
Câu chuyện bị đứt quãng vì có nàng đến, giờ lại chập chờn như ngọn lửa một cây đèn bị thổi.
- Ông John? à phải, ông John! Tôi có gặp ông ta rồi. Ông ta nói giỏi lắm. Bà Vlaxiêva đã mê tít ông ta.
- Có thực là cô em út Vlaxiêva kết hôn với Tôpốp không?
- Phải, người ta nói việc đó quyết định rồi.
- Tôi ngạc nhiên là đôi bên cha mẹ lại bằng lòng. Hình như họ yêu nhau say mê lắm.
- Yêu say mê à? ở đâu ra những ý nghĩ từ trước thời hồng thuỷ ấy?
Ai còn nói đến tình yêu say mê ở thời buổi này nữa? - bà vợ đại sứ nói.
- Biết làm thế nào? Cái kiểu lỗi thời ngu ngốc đó vẫn không chịu mất đi, - Vronxki nói.
- Ai muốn theo lối ấy thì mặc kệ họ. Tôi chỉ biết những cuộc hôn nhân sung sướng duy nhất là hôn nhân theo lý trí.
- Phải, nhưng cái hạnh phúc đó lại thường hay tan ra khói, đúng lúc xuất hiện cái tình yêu say mê mà người ta phủ nhận, - Vronxki nói.
- Nhưng người ta chỉ nhắc đến hôn nhân theo lý trí khi nào cả đôi bên đã tận hưởng mọi thú điên cuồng của tuổi trẻ. Như bệnh sốt phát ban ấy, ta phải trải qua cái đó đã mới được.
- Trong trường hợp đó, ta phải học tiêm chủng ái tình một cách nhân tạo như chủng đậu ấy.
- Hồi còn trẻ, tôi có mê một ca sĩ nhà thờ, - quận chúa Miarcaia nói. - Tôi không rõ cái đó liệu có ích gì cho tôi không.
- Không, không nói đùa đâu, tôi cho là muốn hiểu được tình yêu , phải lầm lẫn đã, rồi sau đó mới tìm được ra con đường thẳng, - quận chúa Betxi nói.
- Ngay cả sau khi đã kết hôn rồi à? - bà vợ đại sứ hỏi, giọng châm biếm.
- "Biết hối hận thì không bao giờ muộn", - nhà ngoại giao nói, đọc câu tục ngữ Anh.
- Đúng thế, - Betxi 2 cãi lại, - phải lầm lẫn rồi mới sửa chữa được.
Chị nghĩ thế nào? - bà quay lại hỏi Anna, nàng đang nghe chuyện, đôi môi thoáng mỉm cười.
- Tôi nghĩ là, - Anna nói, tay mân mê nghịch chiếc găng vừa rút ra, - tôi nghĩ là... có bao nhiêu đầu thì có bấy nhiêu ý kiến, nghĩa là: có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu đương.
Vronxki nhìn Anna và tim chàng như ngừng lại, chờ đợi điều nàng sắp nói. Chàng thở phào như thoát nạn khi nàng đã nói những lời đó.
Anna đột nhiên nói với chàng:
- Tôi vừa nhận được thư ở Moxcva. Họ cho biết là Kitti Serbatxki bị ốm nặng.
- Thực ạ? - Vronxki cau mày nói.
Anna nghiêm khắc nhìn chàng.
- Việc đó không làm ông quan tâm à?
- Trái lại, quan tâm lắm chứ! Tôi có thể biết đích xác là họ đã viết cho bà như thế nào không? - chàng hỏi.
Anna đứng dậy và đến gần Betxi.
- Xin chị ly trà, - nàng nói và đứng lại sau ghế tựa của bạn.
Trong khi Betxi rót trà, Vronxki đến cạnh Anna.
- Họ viết gì cho bà? - chàng nhắc lại.
- Tôi thường tự nhủ đàn ông không hiểu thế nào là cao thượng cả, mặc dù họ vẫn luôn miệng nói tới điều đó, - Anna nói, không trả lời vào câu chàng hỏi. - Đã từ lâu tôi muốn nói với ông điều đó, - nàng nói thêm và bước đi vài bước, ngồi xuống gần một góc chất đầy những tập ảnh.
- Tôi không hiểu thật rõ ý nghĩa lời bà nói, - chàng nói và đưa nàng ly trà.
Nàng đưa mắt nhìn sang đi văng ở cạnh; chàng lập tức ngồi xuống.
- Vâng, tôi muốn nói với ông điều đó, - nàng nói, không nhìn chàng: - Ông đã hành động sai lầm, rất sai lầm.
- Bà tưởng tôi không biết hay sao? Nhưng mà lỗi tại ai?
- Tại sao ông lại nói với tôi như vậy? - nàng nói và nghiêm khắc nhìn chàng.
- Bà biết rồi đấy, - chàng mạnh dạn trả lời, nhìn lại không chớp mắt.
Chính nàng đâm ra bối rối.
- Điều đó chỉ chứng tỏ ông không có tim, - nàng nói. Nhưng cái nhìn lại nói nàng biết chàng có một trái tim và chính vì thế đâm sợ chàng.
- Điều bà vừa nhắc tới là một sự lầm lẫn chứ không phải tình yêu.
- Ông nên nhớ là tôi đã cấm ông không được nói tới chữ đó, cái chữ kinh khủng đó, - Anna rùng mình nói; nhưng, ngay khi ấy, nàng cảm thấy chỉ bằng một chữ cấm đó, nàng đã tỏ ra tự thừa nhận mình có một số quyền lực đối với chàng, và do đó càng khuyến khích chàng thổ lộ tình yêu. - Đã từ lâu tôi muốn nói với ông điều đó, - nàng lại nói và nhìn chàng quả quyết, trong khi đôi má ửng đỏ; - hôm nay, tôi chủ tâm đến đây vì biết sẽ gặp ông. Tôi đến để nói với ông rằng việc này phải chấm dứt. Tôi chưa bao giờ phải hổ thẹn trước mặt ai cả, thế mà ông đã buộc tôi cảm thấy mình có lỗi.
Chàng nhìn nàng và sửng sốt trước vẻ đẹp tinh thần mới mẻ của bộ mặt nàng.
- Bà muốn tôi phải làm gì? - chàng hỏi gọn lỏn, giọng nghiêm chỉnh.
- Tôi muốn ông quay về Moxcva xin lỗi Kitti, - nàng nói.
- Bà không muốn thế đâu, - chàng trả lời.
Chàng thấy nàng đã nói điều nàng ép mình phải nói, chứ không phải điều muốn nói.
- Nếu quả thực ông yêu tôi như lời ông nói, thì xin ông để cho tôi được yên, - nàng thầm thì nói.
Mặt Vronxki ngời sáng lên.
- Bà không biết bà là cả cuộc đời tôi hay sao? Nhưng tôi không có cách nào và cũng không thể nào để bà yên được. Trọn vẹn cả cuộc đời tôi, tình yêu của tôi, tôi dâng bà... vâng. Tôi không thể nghĩ đến bà và đến tôi riêng rẽ được. Trước mắt tôi, bà và tôi, chúng ta chỉ là một.
Tôi nhìn thấy một khả năng thất vọng, đau khổ... hoặc tôi nhìn thấy một khả năng hạnh phúc, mà là niềm hạnh phúc to lớn biết bao!... Có thật là không thể thực hiện được chăng? - chàng nói thêm, chỉ khẽ mấp máy đôi môi; nhưng nàng đã nghe thấy.
Nàng lấy hết sức lực tinh thần để nói điều cần nói; nhưng đáng lẽ phải thốt ra điều đó thì nàng lại nhìn chàng bằng con mắt đầy yêu thương và không trả lời gì.
"Thế là thành công rồi! chàng vui sướng thầm nghĩ. Trong khi mình bắt đầu thất vọng, đã tưởng tất cả chuyện này đều không đi đến đâu! Nàng yêu ta. Nàng đã thú nhận với ta!".
- Xin ông cứ làm như vậy cho tôi, đừng bao giờ nói với tôi như thế nữa; nếu được như vậy thì chúng ta còn là bạn tốt với nhau, - nàng nói, nhưng cái nhìn lại nói khác hẳn.
- Bà cũng thừa biết chúng ta sẽ không bao giờ là bạn với nhau cả.
Chúng ta sẽ là những người sung sướng nhất hoặc đau khổ nhất? Cái đó tuỳ bà quyết định.
Nàng muốn nói điều gì đó, nhưng chàng ngắt lời:
- Tôi chỉ xin bà mỗi một điều là được quyền hy vọng và đau khổ như giờ phút này; nếu không thể được, xin bà cứ ra lệnh cho tôi đi biệt tăm, tôi sẽ đi ngay. Bà sẽ không thấy tôi nữa, nếu sự có mặt của tôi làm bà phiền lòng.
- Tôi không muốn đuổi ông.
- Nếu thế xin bà đừng thay đổi gì cả. Cứ để mọi việc y nguyên như thế, - chàng nói giọng run run. - Ông chồng bà đã đến!
Quả vậy, trong lúc đó, Alecxei Alecxandrovitr đang đi vào phòng khách, bước chân nặng nề và lặng lẽ.
Ông nhìn vợ và Vronxki, đến gần nữ chủ nhân và sau khi ngồi xuống cạnh bàn trà, ông cất cái giọng rề rà, bao giờ cũng rành rọt bắt đầu nói, với vẻ châm biếm thường lệ.
- Tao đàn Rambouillet 3 của bà đã đủ mặt rồi, - ông nhìn mọi người và nói. - Đầy đủ cả Tố nữ lẫn nàng Thơ!
Nhưng quận chúa Betxi không chịu nổi giọng mỉa mai đó, sneering 4, như bà thường gọi. Với tư cách là chủ nhân lịch thiệp, bà lập tức lái ông ta nói sang một vấn đề nghiêm túc: luật cưỡng bách tòng quân. Alecxei Alecxandrovitr bị lôi cuốn ngay vào chuyện và bênh vực đạo luật mới chống lại sự công kích của quận chúa Betxi.
Vronxki và Anna vẫn ngồi cạnh chiếc bàn con.
- Thế kia có chướng mắt không, - một bà thì thầm nói, đưa mắt ra hiệu chỉ Vronxki, Anna và ông chồng.
- Tôi đã bảo với các bà như thế mà, - bà bạn của Anna trả lời.
Không phải chỉ riêng các bà đó, mà hầu hết các khách có mặt, kể cả quận chúa Miarcaia lẫn bản thân Betxi, đều nhiều lần đưa mắt nhìn hai người đã ngồi tách xa khỏi đám đông, như để khỏi bị quấy rầy. Alecxei Alecxandrovitr là người duy nhất không nhìn họ và không lãng khỏi câu chuyện lý thú ông đã bập vào.
Nhận thấy ấn tượng xấu đó đối với các vị khách, quận chúa Betxi để người khác thay mình tiếp Alecxei Alecxandrovitr và đến gần Anna.
- Tôi bao giờ cũng khâm phục cách nói năng rõ ràng và chính xác của chồng chị, - bà ta nói. - Khi anh ấy nói thì những quan điểm cao siêu nhất cũng trở thành dễ hiểu đối với tôi.
- Ồ vâng! - Anna nói, vẻ mặt rạng rỡ hạnh phúc và tuyệt nhiên không hiểu Betxi vừa nói với mình những gì. Nàng trở lại bên chiếc bàn lớn và tham gia vào câu chuyện chung.
Sau khi ngồi lại chơi nửa giờ, Alecxei Alecxandrovitr đến bên vợ rủ cùng về, nhưng nàng không nhìn chồng, chỉ trả lời mình ở lại ăn tối.
Alecxei Alecxandrovitr cúi đầu chào và đi ra.
Lão xà ích nhà Carenin, một người Tacta to béo mặc áo vét da, chật vật kìm con ngựa xám phụ bị rét cóng đang chồm lên trước bậc thềm. Một người hầu giữ cửa xe. Gã gác cổng đứng coi cửa ra vào mở rộng. Anna Arcadievna đưa bàn tay run rẩy gỡ viền ren cổ tay áo mắc vào khóa cài áo choàng lót lông, và cúi đầu sung sướng lắng nghe những lời Vronxki nói với mình lúc đưa tiễn.
- Bà không hề nói gì hết, đúng thế, và tôi cũng không đòi hỏi gì cả, - chàng nói, - nhưng bà cũng biết điều tôi cần thiết không phải là tình bạn: đối với tôi, niềm hạnh phúc duy nhất của cuộc sống chứa đựng trong cái chữ mà bà rất ghét... tình yêu...
- Tình yêu, - nàng thong thả nhắc lại, như nói với riêng mình và đúng lúc gỡ được đường ren ra, nàng đột nhiên nói thêm: - tôi không ưa cái chữ đó, chính vì nó chứa đựng quá nhiều ý nghĩa đối với tôi, nặng nghĩa hơn ông có thể hình dung nổi rất nhiều, - và nàng nhìn thẳng vào mặt chàng: - Tạm biệt!
Nàng chìa tay cho chàng bắt, rồi mềm mại và nhanh nhẹn, đi qua trước mặt gã gác cổng và biến vào trong xe.
Cái nhìn và cái bắt tay của nàng đã đốt cháy Vronxki. Chàng hôn lòng bàn tay mình vào chỗ nàng đã chạm vào và sung sướng trở về nhà, với niềm tin tưởng là tối đó đã đưa chàng tới gần mục đích hơn cả hai tháng trước.
Chú thích:
1. Trong bản Pháp văn dùng chữ "sir" chứng tỏ John là người Anh.
2. Bản Pháp văn của Sylvic Luneau (tức là bản chúng tôi sử dụng để dịch) chỗ này dịch lầm là Vronxki.
Chúng tôi đối chiếu nguyên bản tiếng Nga sửa lại.
3. Lâu đài "Rambouillet" xây dựng ở Pari, theo dự án của nữ hầu tước Rambouillet (1588 - 1665) là nơi tụ tập của giới quý phái. Giới này đã ảnh hưởng khá tốt đến việc kiện toàn ngôn ngữ và sự tiến bộ của văn học Pháp từ năm 1620 đến 1665.
4. Tiếng Anh trong nguyên bản: giễu cợt.
Quyển 2
Chương 8
Alecxei Alecxandrovitr không thấy có gì là kỳ lạ hoặc chướng mắt trong việc vợ mình ngồi riêng ra một chỗ và chuyện trò sôi nổi với Vronxki, nhưng ông nhận thấy cái đó có vẻ kỳ lạ và chướng mắt đối với các vị khách khác, và do đó ông thấy phải coi nó là chướng mắt.
Ông định sẽ nói chuyện đó với vợ.
Trở về nhà, Alecxei Alecxandrovitr vào phòng làm việc như thường lệ, ngồi xuống ghế bành, mở quyển sách bàn về cựu giáo La Mã ở chỗ có đánh dấu bằng con dao rọc giấy, và, theo thói quen, đọc cho tới một giờ sáng. Thỉnh thoảng, ông lại đưa tay lên trán và lắc đầu, như muốn xua đuổi một ý nghĩ khó chịu. Đến giờ đã định như thường lệ, ông đứng dậy và đi rửa ráy trước khi ngủ. Anna Arcadievna vẫn chưa về. Ông cắp sách lên gác; nhưng tối đó, những ý nghĩ bình thường và những lo lắng về công việc đã nhường chỗ cho ý nghĩ về vợ và sự kiện khó chịu vừa xảy ra. Trái với thói quen, ông không đi nằm mà chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng.
Ông không thể nằm được vì thấy mình trước hết phải xem xét mọi mặt của sự việc vừa xảy ra.
Khi Alecxei Alecxandrovitr quyết định sẽ nói chuyện với vợ, ông thấy việc đó có vẻ rất dễ dàng và đơn giản; nhưng bây giờ, khi đã suy nghĩ kỹ về sự việc xảy ra, ông lại thấy rất khó khăn và phức tạp.
Alecxei Alecxandrovitr không cả ghen. Theo ông, ghen tuông là nhục nhã cho vợ và phải tin nàng. Tại sao lại phải tin, hay nói khác đi, phải đinh ninh trong dạ là người vợ trẻ bao giờ cũng yêu mình, cái đó thì ông không hề tự hỏi; nhưng ông không lo ngại vì ông vẫn tin vợ và tự nhủ là mình đúng. Nhưng giờ đây, mặc dầu vẫn đinh ninh ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã và phải có lòng tin, ông vẫn cảm thấy mình đang đứng trước một hoàn cảnh éo le và vô lý, và không biết làm thế nào cả. Alecxei Alecxandrovitr đang đối mặt với cuộc đời, đứng trước cái khả năng là vợ mình có thể yêu một nhưng người không phải là mình, ông thấy điều đó thật vô lý và không sao hiểu nổi chính vì đó là bản thân cuộc đời. Alecxei Alecxandrovitr xưa nay chỉ sống và làm việc trong thế giới hành chính vốn chỉ tiếp xúc với cái ánh phản quang của cuộc đời thôi. Mỗi lần chạm trán với chính cuộc đời thực, ông lại lảng tránh xa. Hôm nay, ông có cảm giác tương tự như người đang yên trí đi trên cầu qua vực thẳm, bỗng nhiên phát hiện ra cầu đã hư nát và dưới chân hiện ra cái vực thẳm đó. Cái vực, đó chính là cuộc đời thực, còn chiếc cầu, đó là cuộc đời giả tạo mà Alecxei Alecxandrovitr đã sống. Lần đầu, ông thoáng thấy hé ra cái khả năng vợ mình có thể phải lòng một người đàn ông khác và lấy làm kinh hãi.
Ông vẫn mặc nguyên quần áo, đều bước đi đi lại lại nện gót trên sàn gỗ phòng ăn với ngọn đèn duy nhất chiếu sáng trên tấm thảm của phòng khách mờ tối chỉ có chút ánh sáng phản chiếu lên bức chân dung ông, mới hoàn thành, treo phía trên chiếc đi văng, và đi vào buồng vợ có hai cây nến đang cháy, soi sáng các bức chân dung họ hàng, bè bạn nàng và các đồ trang trí nhỏ đẹp đẽ, quen thuộc trên bàn. Từ phòng Anna, ông đến cửa phòng ngủ rồi lại quay gót.
Trong khi dạo bước, nhất là ở chỗ sàn gỗ phòng ăn sáng sủa, ông thường dừng lại và tự nhủ: "Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, nói cho nàng biết cách nhìn nhận và quyết định của mình". Và ông bước trở lại. "Nhưng nói với nàng thế nào? Quyết định cái gì?" Ông thầm hỏi khi ở phòng khách mà không tìm ra câu trả lời. "Rút cuộc, đã có chuyện gì xảy ra kia chứ?" Ông tự hỏi trước khi quay lại buồng Anna. "Chẳng có gì cả. Nàng đã nói chuyện lâu với y. Thế thì đã sao?
Trong xã hội thượng lưu, thiếu gì người mà một phụ nữ có thể chuyện trò được! Với lại, ghen tuông thì sẽ nhục nhã cho cả vợ lẫn chồng".
Nhưng lý luận đó xưa kia đối với ông vững vàng bao nhiêu thì nay hình như lại vô giá trị. Và ông quay ra cửa phòng ngủ để trở lại phòng ăn; nhưng khi vào đến phòng khách mờ tối, một tiếng nói lại bảo ông là sự việc không phải như thế, và nếu người ta đã có nhận xét này nọ tức là có cái gì đó đã xảy ra. Và đến phòng ăn ông lại tự nhắc lại: "Phải, nhất thiết cần có thái độ dứt khoát, cần có một quyết định và nói cho vợ biết cách nhìn nhận của mình...". Rồi một lần nữa, trong phòng khách, trước khi quay gót, ông lại tự hỏi: "Quyết định cái gì?". Và: "Cái gì đã xảy ra?". Rồi trả lời: "Chẳng có gì cả", và tự nhắc lại ghen tuông là thứ tình cảm nhục nhã cho vợ, nhưng khi đến phòng khách, ông lại thấy tái hiện ý nghĩ tin chắc là một cái gì đó đã xảy ra. Tư tưởng cũng như thân thể ông, chạy suốt một vòng mà không hề bắt gặp cái gì mới mẻ. Ông nhận thấy thế, đưa tay lên trán và ngồi xuống ở buồng Anna.
Ngồi đó, nhìn bàn giấy của vợ, cái bàn thẩm bằng cẩm thạch, một bức thư mới viết đoạn đầu, tư tưởng ông đột nhiên lại xoay theo chiều khác. Ông liền nghĩ đến vợ, đến việc nàng cũng biết suy nghĩ và cảm xúc. Lần đầu tiên, ông hình dung nàng với cuộc đời riêng tư cùng những tư tưởng, ước muốn, và cái ý nghĩ là vợ có thể và cần có một cuộc đời riêng trở nên khủng khiếp đến nỗi ông vội gạt ngay nó đi. Đó chính là cái vực mà ông sợ không dám phóng mắt nhìn xuống. Tự hóa thân bằng tư tưởng và tình cảm vào người khác là một vận động tinh thần xa lạ với Alecxei Alecxandrovitr. Ông cho rằng sự vận động tinh thần đó có hại, nguy hiểm và hư ảo.
Ông nghĩ: "Điều kinh khủng nhất là nỗi lo ngại vô lý đó lại sập xuống đầu ta giữa lúc công trình của ta sắp đến kỳ hạn phải hoàn thành (ông nghĩ tới một dự luật mà ông muốn được thông qua) giữa lúc ta đang cần hoàn toàn tĩnh tâm và tập trung toàn bộ nghị lực. Nhưng biết làm thế nào? Ta không phải hạng người chịu đựng lo lắng hoang mang mà không đủ sức nhìn thẳng vào nó".
- Phải suy nghĩ, có lấy một quyết định và không bận tâm đến nó nữa, - Ông nói to.
"Công việc ta đâu phải là dò đoán tình cảm, cùng những gì đang xảy ra và có thể xảy ra trong tâm hồn vợ. Đó là công việc của lương tâm nàng và cái đó lại thuộc lĩnh vực tôn giáo", ông tự nhủ, nhẹ hẳn người vì tìm ra được cái quy luật chi phối sự kiện vừa xảy ra.
"Vậy thì vấn đề tình cảm nàng là một vấn đề lương tâm, mình không việc gì phải dính đến, Alecxei Alecxandrovitr tự nhủ. Bổn phận ta đã được vạch ra rõ ràng. Là chủ gia đình, ta phải hướng dẫn vợ, và do đó, ta cũng có phần trách nhiệm, ta phải chỉ cho vợ rõ những điều nguy hiểm ta đã thấy, bảo cho vợ đề phòng và nếu cần thiết thì sẽ dùng đến quyền lực của ta. Ta phải giãi bày cho vợ biết mọi điều đó".
Và trong đầu óc Alecxei Alecxandrovitr, tất cả những điều giờ đây ông sắp sửa nói với vợ đều đã thành hình rõ. Vừa ngẫm nghĩ chuẩn bị lời lẽ, ông vừa than tiếc là đã bắt buộc phải dùng thời giờ và sức lực trí tuệ không đúng lúc tí nào vào một công việc nội trợ; tuy nhiên, hình thức và đề mục bài thuyết lý đã được cố định trong đầu óc với sự sáng sủa và chính xác của một bản báo cáo.
"Đây là những điều ta cần nói cho vợ hiểu: thứ nhất, giải thích về sự quan trọng của dư luận công chúng và lễ nghi; thứ hai, giải thích về ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân; thứ ba, nếu cần thiết, chỉ dẫn về những tai họa có thể xảy đến cho con trai nàng; thứ tư, ám chỉ tai họa của chính bản thân nàng". Và Alecxei Alecxandrovitr chắp hai bàn tay lại, bẻ khục các khớp.
Cái thói quen xấu đó bao giờ cũng làm ông trấn tĩnh và giúp ông lấy lại thế thăng bằng đang rất cần trong lúc này. Có tiếng xe chạy bon bon đến gần bậc thềm. Alecxei Alecxandrovitr dừng bước ở giữa phòng ăn.
Có tiếng chân đàn bà lên cầu thang. Alecxei Alecxandrovitr đứng sững, sẵn sàng lên lớp, bóp mạnh hai bàn tay chắp vào nhau, xem còn chỗ nào chưa kêu. Một đốt tay liền kêu đánh cục.
Nghe tiếng chân bước nhẹ nhàng trên cầu thang, ông cảm thấy Anna đến gần, và mặc dầu mãn ý về bài thuyết lý của mình, ông vẫn sợ hãi trước cuộc giảng giải sắp xảy ra.
Quyển 2  
Chương 9
Anna đầu cui cúi, vừa đi vừa mân mê những quả tua chiếc khăn len trùm đầu. Mặt nàng ngời lên: nhưng không phải là niềm vui sướng mà đúng hơn là cái ánh lửa khủng khiếp của đám cháy trong một đêm tối trời. Trông thấy chồng, nàng ngẩng đầu và mỉm cười với ông như vừa tỉnh giấc mơ.
- Mình chưa đi nằm à? Lạ nhỉ! - nàng nói và cởi khăn len trùm đầu, rồi không dừng bước, đi thẳng vào phòng thay quần áo. - Alecxei Alecxandrovitr, đến giờ đi ngủ rồi đấy, - nàng nói với chồng từ sau cửa.
- Anna, tôi có chuyện muốn nói với mình.
- Nói với em ấy à? - nàng ngạc nhiên hỏi; nàng bước ra và nhìn chồng. - Cái gì vậy? Chuyện gì thế? - nàng ngồi xuống và hỏi chồng. - Nếu cần ta nói chuyện cũng được. Nhưng nên đi ngủ thì hơn.
Anna thuận miệng nói luôn những điều chợt nghĩ, và nghe lời chính mình nói, nàng cũng ngạc nhiên về tài nói dối của mình.
Những lời nàng nói sao mà đơn giản, tự nhiên đến thế và sao mà nàng có vẻ thật sự buồn ngủ đến thế! Nàng cảm thấy mình đã mặc một bộ giáp trụ dối trá không thể nào đâm thủng. Nàng thấy như một sức mạnh vô hình đã nâng đỡ mình.
- Anna, tôi phải nói cho mình biết mà đề phòng.
- Em đề phòng ấy à? Đề phòng cái gì kia chứ?
Nàng nhìn chồng rất ngây thơ và vui vẻ đến nỗi bất cứ ai khác không hiểu rõ nàng bằng chồng ắt không thể thấy chút gì gượng ép trong giọng điệu cũng như lời lẽ của nàng. Nhưng đối với ông là người đã hiểu nàng, đã biết mỗi khi ông chỉ cần đi ngủ muộn năm phút là nàng đã lưu tâm và hỏi xem duyên cớ tại sao, đối với ông là người đã biết nàng thường lập tức thổ lộ cùng chồng mọi nỗi vui buồn, thì việc nàng không buồn đếm xỉa tới cái tình trạng ông đang lâm vào, không chịu bộc bạch nỗi niềm, là một điều rất hệ trọng. Ông thấy tâm hồn sâu kín của vợ, xưa kia bao giờ cũng cởi mở với ông, giờ đây khép chặt lại rồi. Hơn nữa, đến lượt ông nhận thấy nàng không hề bối rối chút nào mà còn nói với ông bằng cái vẻ chân thật vờ vĩnh, phải, tâm hồn nàng đã khép chặt lại đối với ông rồi; sự tình ắt phải như thế và từ nay về sau hẳn cũng sẽ như thế.
Lúc này, ông có cảm giác giống như của một người khi trở về nhà mình, đã thấy cửa đóng then cài. "Có thể ta còn tìm ra được chìa khóa", Alecxei Alecxandrovitr thầm nghĩ.
- Tôi muốn nói cho mình biết mà đề phòng sự vô ý và nông nổi của mình, khiến người trong giới thượng lưu có cớ để dị nghị về mình, - ông mào đầu, giọng dịu dàng. - Câu chuyện quá sôi nổi của mình tối nay với bá tước Vronxki, (ông chậm rãi nhắc cái tên đó, sau khi ngừng lại một lát), đã làm mọi người chú ý đến mình.
Trong khi nói, ông nhìn vào đôi mắt tươi cười của vợ mà sự bí ẩn giờ đây làm ông khiếp sợ và ông liền cảm thấy trọn vẹn sự vô ích và hão huyền của lời mình nói.
- Mình bao giờ cũng vẫn thế, - nàng trả lời dường như thực tình không hiểu nổi chồng và trong tất cả những lời ông nói nàng chỉ chủ tâm ghi lại câu cuối. - Mình không thích tôi sống buồn tẻ nhưng cũng không thích tôi vui chơi. Tối nay, tôi không đến nỗi bị buồn tẻ. Có phải điều đó làm mình phật ý không?
Alecxei Alecxandrovitr giật mình và chắp hai bàn tay vào nhau bẻ khục răng rắc.
- Ồ, tôi xin mình đấy, mình hãy bỏ tay ra, sao mà khó chịu thế, - nàng nói.
- Anna có thật là mình đấy không? - Alecxei Alecxandrovitr dằn giọng nói, gắng để yên hai bàn tay.
- Nhưng có chuyện gì vậy? - nàng nói với một vẻ ngạc nhiên thú vị và thành thực. - Mình muốn gì tôi kia?
Alecxei Alecxandrovitr nín lặng, đưa tay lên mắt và trán. Ông thấy đáng lẽ phải trung thành với ý định của mình, nghĩa là bảo cho vợ biết mà đề phòng lầm lỗi trước mắt mọi người, thì bất giác ông lại đi lo lắng về những cái xảy ra trong lương tâm nàng và bèn vấp phải một trở ngại tưởng tượng.
- Tôi muốn nói với mình như thế này và xin mình nên nghe tôi đến đầu đến đũa, - ông lạnh lùng và bình tĩnh nói tiếp. - Như mình đã biết đấy, tôi coi ghen tuông là thứ tình cảm ô nhục và ti tiện, nên không bao giờ tôi tự để cho thứ tình cảm đó chi phối, nhưng có vài nguyên tắc lễ nghi mà ta không thể vi phạm một cách vô can được.
Hôm nay (không phải chính tôi nhận thấy mà chỉ là suy xét dựa trên cái ấn tượng gây ra đối với mọi người) ai nấy đều nhận thấy mình cư xử không được hoàn toàn như điều người ta có thể mong muốn.
- Tôi quả thực không hiểu gì cả, - Anna nhún vai nói. "Chuyện kia hoàn toàn không làm ông ta bận tâm, nàng thầm nghĩ, cái làm ông ta lo ngại, đó là dư luận công chúng". - Chắc là mình khó ở đấy, Alecxei Alecxandrovitr ạ, - nàng nói tiếp; nàng đứng dậy và định đi ra; nhưng ông bước lên trước mặt, như muốn ngăn lại.
Chưa bao giờ Anna lại thấy chồng có bộ mặt lầm lầm và đáng ghét đến thế. Nàng dừng bước và ngửa đầu ra sau, nghiêng về một bên, đưa tay thoăn thoắt rút trâm cài tóc ra.
- Thôi được, tôi nghe vậy, - nàng bình tĩnh nói, giọng nhạo báng. - Tôi còn nghe một cách thích thú nữa kia, vì tôi muốn biết đó là chuyện gì, - nàng nói và chính bản thân cũng ngạc nhiên về cái giọng tự nhiên, bình tĩnh và rành rọt của mình cũng như về cách chọn lời lẽ.
- Tôi không có quyền đi sâu vào chân tơ kẽ tóc những tình cảm của mình và nói chung, tôi cho như thế là vô ích và có hại nữa, - Alecxei Alecxandrovitr bắt đầu nói. - Trong khi moi móc tâm hồn mình, ta thường khai thác được những cái xưa nay không nhìn thấy. Tình cảm của mình chỉ do lương tâm mình định đoạt, nhưng đối mặt mình, đối mặt tôi và trước mặt Chúa, tôi bắt buộc phải nhắc mình hãy nhớ tới bổn phận. Cuộc đời chúng ta gắn bó với nhau không phải do ý người mà là do ý Chúa. Cắt đứt mối dây đó là phạm tội và một tội ác như vậy sẽ kéo theo hình phạt.
- Tôi chẳng còn hiểu ra sao nữa. Mà khổ quá, tôi buồn ngủ ghê lắm rồi! - nàng nói, nhẹ nhàng đưa tay lên tóc rút nốt cái trâm cuối cùng.
- Anna, lạy Chúa, mình đừng nói như vậy! - ông dịu dàng nói. Có thể tôi nhầm, nhưng xin hãy tin rằng điều tôi nói đây là vì lợi ích của cả mình lẫn tôi. Tôi là chồng mình và tôi yêu mình.
Trong khoảnh khắc, khuôn mặt Anna đã dịu xuống và ánh nhạo báng nơi khoé mắt đã tắt dần; nhưng câu tôi yêu mình lại khuấy lên trong lòng nàng nỗi phẫn uất. Nàng nghĩ: "Yêu à? Ông ta mà đủ sức yêu được à? Ví thử ông ta chưa từng nghe thấy nói đến tình yêu thì hẳn không bao giờ ông ta dùng tới chữ đó. Thậm chí ông ta cũng không hiểu được thế nào là tình yêu nữa kia".
- Alecxei Alecxandrovitr, quả thực tôi không hiểu gì cả, - nàng nói. - Mình hãy giảng giải cho tôi biết cái điều mà mình thấy là...
- Khoan đã, để tôi nói nốt. Tôi yêu mình. Nhưng tôi không nói về tôi: những người liên quan chính ở đây là con trai chúng ta và bản thân mình. Tôi xin nhắc lại, rất có thể đối với mình, những lời tôi nói hình như không đúng lúc và hoàn toàn vô ích; có thể những lời đó chỉ là kết quả của một sự lầm lẫn. Trong trường hợp đó, xin mình tha lỗi cho tôi. Nhưng nếu chính mình cũng cảm thấy nó có chút cơ sở nào đó thì mình nên suy nghĩ, và, nếu lòng mình muốn, xin hãy thổ lộ với tôi...
Alecxei Alecxandrovitr không nhận ra là mình đã nói khác hẳn những điều đã dự định:
- Tôi không có gì để nói với mình. Vả lại... - nàng đột nhiên nói vội vàng, kìm lại một nụ cười, - đã đến giờ đi ngủ rồi đấy.
Alecxei Alecxandrovitr thở dài và không nói gì thêm, đi về phòng ngủ.
Đến lượt nàng vào thì ông ta đã nằm trên giường rồi. Ông nghiêm nghị mím chặt môi và không nhìn nàng. Anna nằm xuống, vẫn nơm nớp chờ chồng nói với mình. Nàng sợ điều ông sắp nói và đồng thời lại mong chồng nói. Nhưng ông ta nín lặng. Nàng nằm không cựa quậy, chờ đợi hồi lâu rồi cuối cùng quên hẳn chồng. Nàng nghĩ tới người kia, hình dung thấy chàng và ý nghĩ đó khiến lòng nàng tràn đầy một niềm bối rối và vui sướng tội lỗi. Bỗng nhiên, nàng nghe thấy tiếng ngáy đều đều và bình thản. Lúc đầu Alecxei Alecxandrovitr như khiếp sợ vì chính tiếng ngáy của mình, dừng lại; nhưng sau hai nhịp thở, tiếng ngáy lại bắt đầu, càng đều đều và bình thản hơn.
- Muộn quá rồi, bây giờ thì muộn quá rồi, - nàng mỉm cười, thầm thì nói. Nàng nằm yên không động đậy hồi lâu, đôi mắt mở to và tưởng như nó ngời sáng trong bóng tối.
Quyển 2 
Chương 10
Kể từ hôm đó, một cuộc đời mới bắt đầu, với Alecxei Alecxandrovitr và vợ.
Không có gì đặc biệt xảy ra. Anna vẫn giao du như thường lệ với giới thượng lưu, hay đến nhà quận chúa Betxi, nhất là ở đâu cũng gặp Vronxki. Alecxei Alecxandrovitr biết vậy nhưng không làm thế nào được cả. Trước mọi cố gắng của ông buộc vợ phải bày tỏ sự tình, nàng đều đối phó lại bằng bức tường không thể vượt qua của thái độ tươi cười làm ra vẻ không hiểu gì cả. Bề ngoài vẫn như cũ nhưng bên trong, quan hệ của họ đã hoàn toàn thay đổi. Alecxei Alecxandrovitr trong công việc quốc gia thì tài giỏi như vậy mà ở đây đành cảm thấy bất lực. Như con bò, ông cúi đầu nhẫn nhục chờ đợi cái đòn sắp nện xuống đầu. Mỗi lần nghĩ tới việc đó, ông đều cảm thấy cần cố gắng thử một lần cuối nữa, và vẫn còn hy vọng cứu vớt vợ, bằng thiện tâm, sự trìu mến, sức thuyết phục của mình, buộc nàng phải sáng mắt ra và hằng ngày ông đều sẵn sàng nói với nàng. Nhưng mỗi lần bắt đầu nói, ông lại cảm thấy con quỷ đã nhập vào vợ lại nhập luôn vào mình và bèn thốt ra những điều khác hẳn, bằng một giọng khác hẳn cái giọng ông muốn dùng. Khi nói với vợ, bất giác ông đã dùng cái giọng châm biếm thường lệ, và bằng giọng đó, ông như muốn chế giễu những ai thực sự hay nói theo kiểu đó. Và với giọng như vậy thì không thể nào là nói được với vợ những điều lẽ ra phải nói.
Quyển 2  
Chương 11
Cái điều ngót một năm trời được coi là ước muốn duy nhất thay thế mọi ước muốn duy nhất thay thế mọi ước muốn khác với Vronxki, cái điều được coi là giấc mơ hạnh phúc không thể có được, khủng khiếp, do đó càng thêm phần cám dỗ đối với Anna, giấc mơ đó đã được thực hiện. Bộ mặt tái nhợt, hàm răng dưới run run, chàng đứng đó, cúi xuống nàng và van xin nàng bình tĩnh, mà không hiểu tại sao phải bình tĩnh và bình tĩnh như thế nào.
- Anna! Anna! - chàng nói giọng run run. - Trời ơi, Anna!
Nhưng chàng càng cao giọng thì nàng càng cúi cái đầu tủi nhục xuống, cái đầu xưa kia vốn kiêu kỳ và tươi vui; nàng gập cả người và trượt từ trên đi văng đang ngồi xuống sàn, dưới chân chàng; nếu không kịp đỡ thì nàng đã ngã lăn ra thảm.
- Lạy Chúa! Hãy tha thứ cho em! - nàng nói, vừa thổn thức vừa ép chặt hai bàn tay Vronxki vào ngực mình.
Nàng tự cảm thấy đầy tội ác và lỗi lầm, nên giờ chỉ còn biết hạ mình xuống và cầu xin tha thứ: giờ đây, nàng chỉ còn có mình chàng trên đời, cho nên chính chàng là người nàng van xin tha thứ. Trong khi nhìn chàng, nàng cảm thấy rõ nỗi tủi nhục của mình như một cảm giác của kẻ sát nhân khi nhìn thấy cái thi thể bị hắn tước đoạt mất sự sống. Cái xác chết đó là tình yêu của họ, là giai đoạn đầu tình yêu của họ. Có một cái gì khủng khiếp và ô nhục trong việc nhớ lại điều họ đã phải trả giá bằng nỗi hổ thẹn. Nỗi hổ thẹn về sự trần trụi tinh thần bóp nghẹt Anna và lây sang Vronxki. Nhưng, mặc dầu kẻ sát nhân ghê sợ trước xác nạn nhân, hắn vẫn phải phanh cái xác đó ra từng mảnh, thủ tiêu nó đi và lợi dụng tội ác của mình.
Và tên sát nhân hăm hở nhảy xô vào cái xác đó với cả niềm say mê, kéo nó đi để phanh ra từng mảnh; Vronxki đã làm như vậy, hôn khắp lên mặt lên vai Anna. Nàng nắm tay chàng, không động đậy.
Phải, những cái hôn đó, nàng đã mua bằng giá của nỗi hổ thẹn này.
Phải, bàn tay này mãi mãi thuộc về ta, là bàn tay kẻ tòng phạm của ta. Nàng nâng bàn tay đó lên và hôn nó. Chàng gieo mình quỳ xuống và định nhìn vào mặt nàng, nhưng nàng che mặt, im lặng. Cuối cùng nàng gắng hết sức đứng dậy và đẩy chàng ra. Khuôn mặt nàng vẫn đẹp như thường và chỉ gợi niềm thương xót lớn hơn.
- Thế là hết cả rồi, - nàng nói. - Em chỉ còn có mình anh. Anh nhớ lấy.
- Anh quên làm sao được điều đã tạo thành cuộc đời anh! Vì một phút hạnh phúc này...
- Chao ôi, hạnh phúc! - nàng nói với vẻ khiếp sợ pha lẫn ghê tởm khiến chàng bất giác cũng thấy cảm giác đó lây sang mình. Lạy Chúa, đừng nói gì nữa, đừng nói gì nữa!
Nàng đứng phắt dậy và tránh xa chàng.
- Đừng nói gì nữa, - nàng nhắc lại, và với một vẻ tuyệt vọng lạnh lùng khiến chàng kinh ngạc, nàng từ giã chàng. Nàng cảm thấy lúc này không có lời nào tả xiết cái cảm giác hổ thẹn, vui sướng và khiếp sợ tràn ngập tâm hồn nàng trước khi bước vào cuộc đời mới, và nàng muốn thà không nói còn hơn làm nhòa tình cảm đó bằng những chữ không đắt. Nhưng đến ngày thứ hai, thứ ba về sau, không những nàng vẫn không tìm ra những chữ có thể giúp mình diễn tả hết cái phức tạp của tình cảm đó, mà thậm chí cũng không tìm lại được những ý nghĩ soi sáng cho bản thân mình hiểu thấu những điều đang diễn ra trong tâm hồn nữa.
Nàng tự nhủ: "Không, bây giờ ta chưa thể nghĩ tới chuyện đó; để sau vậy, khi ta trở lại bình tĩnh đã". Nhưng sự bình tĩnh về tinh thần không bao giờ đến cả; mỗi lần chợt thấy những việc đã làm, những việc có thể sẽ xảy đến và có thể sẽ phải làm, nàng lại khiếp sợ và xua đuổi những ý nghĩ đó.
- Sau này, sau này vậy, - nàng tự nhủ, - khi ta bình tĩnh hơn.
Trái lại, trong giấc mộng, khi không còn làm chủ được ý nghĩ, cảnh huống của nàng lại hiện ra với tất cả vẻ trần trụi khủng khiếp trước mắt. Hầu như đêm nào nàng cũng chỉ thấy một giấc mơ như vậy; nàng nằm mơ thấy cả hai đều là chồng mình và cả hai đều ôm ấp vuốt ve mình. Alecxei Alecxandrovitr vừa khóc vừa hôn tay nàng và nói:
"Bây giờ, mọi sự đều tốt đẹp biết mấy!". Alecxei Vronxki cũng ở đó và cũng lại là chồng nàng. Và nàng lấy làm ngạc nhiên sao trước kia mình lại cho rằng không thể như thế được; nàng cười, giảng giải cho họ là như thế đơn giản hơn nhiều và bây giờ cả hai đều sung sướng và toại nguyện. Nhưng giấc mơ đó làm nàng nghẹn thở như một cơn ác mộng và nàng thường tỉnh dậy trong nỗi kinh hoàng.
Quyển 2
Chương 12
Thời gian đầu khi mới ở Moxcva về, mỗi lần rùng mình và đỏ mặt nhớ đến cái nhục bị cự tuyệt, Levin đều tự thú: "Khi được điểm một trong kỳ thi vật lý và phải học lưu ban năm thứ hai, mình cũng từng đỏ mặt và rùng mình như vậy, cho thế là hỏng hết; khi làm lỡ cái việc bà chị nhờ làm, mình cũng tưởng là hỏng nốt. Sau đó thì sao? Giờ đây, năm tháng qua đi, mình lại ngạc nhiên sao cái đó lại có thể làm mình buồn phiền đến vậy. Nỗi đau buồn này rồi cũng thế thôi. Thời gian qua đi và mình sẽ dửng dưng với chuyện đó".
Nhưng ba tháng ròng trôi qua mà chàng vẫn chẳng thấy dửng dưng, ký ức đó vẫn đau đáu như ngày đầu. Chàng không thể trở lại thanh thản, vì sau bao lâu mơ ước cuộc sống gia đình, sau khi tự thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ để đón nó, chàng vẫn chưa thành gia thất và càng cảm thấy chuyện hôn nhân lùi xa hơn bao giờ hết.
Cũng như mọi nhưng chung quanh, chàng mệt mỏi thấy rằng một người đã vào tuổi chàng mà sống cô độc thì chẳng hay hớm gì. Chàng nhớ lại trước khi đi Moxcva, một hôm chàng có nói với gã chăn bò Nicolai, một người chất phác chàng thường thích cùng trò chuyện mỗi khi gặp dịp: "Này, Nicolai, tôi muốn lấy vợ rồi đấy", và Nicolai đã nhanh nhảu trả lời như đối với một chuyện không thành vấn đề nữa:
"Việc đó đáng lẽ phải làm từ lâu rồi kia đấy, ông Conxtantin Dimitrievitr ạ". Thế mà bây giờ việc hôn nhân lại càng lùi xa hơn bao giờ hết. Vị trí bị chiếm đoạt mất rồi và khi tưởng tượng phải đặt thay vào vị trí đó một trong số những thiếu nữ quen biết, chàng cảm thấy hoàn toàn không thể làm nổi. Ngoài ra, ký ức về chuyện bị cự tuyệt cùng vai trò mình đóng trong đó, vẫn hành hạ chàng. Tuy vẫn luôn tự nhủ là mình không hề có lỗi gì, ký ức đó cũng như những kỷ niệm đáng hổ thẹn cùng một loại vẫn làm chàng rùng mình và đỏ mặt.
Cũng giống mọi người, trong dĩ vãng của chàng có những hành động xấu từng cắn rứt lương tâm, như chàng đã thừa nhận, thế nhưng nó không giày vò chàng dai dẳng bằng những ký ức vụn vặt mà nhục nhã này. Những vết thương như vậy không bao giờ hàn gắn được. Và giờ đây, xếp cùng hàng với những hồi nhớ đó, còn có chuyện cự tuyệt và vẻ thiểu não mà hẳn chàng đã phơi bày trước mặt mọi người trong buổi tối đó. Thời gian và lao động đã hoàn thành công việc. Ký ức nặng nề dần dần được những sự việc nhỏ nhặt nhưng quan trọng của đời sống nông thôn xoá nhòa đi.
Song le, mùa xuân đã về, đẹp đẽ, thân thuộc, không lần lữa mà cũng chẳng bất ngờ, một mùa xuân hiếm thấy mà cả cây cỏ, súc vật lẫn con người đều vui mừng. Mùa xuân đẹp càng khiến Levin náo nức hơn và củng cố thêm quyết tâm từ bỏ tất cả quá khứ, để tổ chức cuộc sống độc thân vững chắc hơn và không lệ thuộc gì cả. Mặc dầu phần lớn kế hoạch chàng ấp ủ khi trở về nông thôn, không thực hiện được, nhưng điều cốt yếu: sự trong sạch trong lối sống, đã duy trì được.
Chàng thôi không cảm thấy nỗi hổ thẹn vẫn hành hạ chàng sau lần vấp ngã, và chàng có thể mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt mọi người.
Khoảng tháng hai, chàng nhận được thư của Maria Nicolaievna, báo cho biết sức khỏe ông anh Nicolai càng sa sút, nhưng ông ta lại không muốn chữa chạy gì cả. Levin lập tức đi Moxcva và thuyết phục được anh tới bác sĩ khám bệnh và đi dưỡng bệnh nước ngoài. Chàng khéo léo dỗ anh và cho vay tiền để đi mà không làm mếch lòng, đến nỗi về mặt này, chàng rất bằng lòng với mình. Ngoài việc quản lý trại ấp đòi hỏi được chăm sóc đặc biệt trong mùa xuân và ngoài việc đọc sách, mùa đông đó, Levin còn bắt đầu viết một cuốn sách bàn về nông nghiệp, trong đó chàng xuất phát từ cái ý rằng tính chất công nhân nông nghiệp là một dữ kiện cũng tuyệt đối như khí hậu và đất đai, do đó tất cả những luận án khoa học lấy nông nghiệp làm đề tài, không những phải dựa trên dữ kiện khí hậu và đất đai, mà cả trên dữ kiện về tính chất quen thuộc và bất biến của công nhân nông nghiệp.
Thành thử mặc dầu cô độc, hoặc có khi chính vì cô độc như vậy mà cuộc sống của chàng rất bận rộn; thỉnh thoảng, chàng ao ước được bàn bạc những ý nghĩ nảy ra trong đầu với một người khác ngoài Agafia Mikhailovna, vì chàng vẫn luôn phân tích cho bà ta nghe về vật lý, nông học và nhất là triết học; triết học là đầu đề ưa thích của Agafia Mikhailovna.
Xuân về hơi muộn. Trong những tuần lễ cuối mùa chay, trời lạnh và quang đãng. Ban ngày, tuyết tan dưới ánh nắng nhưng đêm lại xuống tới bảy độ dưới không; băng phủ dày đến nỗi lấp cả đường xe đi. Khắp thôn làng trắng xoá trong ngày lễ Phục sinh. Rồi tới hôm thứ hai của lễ Phục sinh, bỗng nhiên gió nóng nổi lên, mây kéo đầy trời và một trận mưa ấm áp ào ào đổ xuống suốt ba ngày ba đêm. Thứ năm, gió ngừng thổi, và một màn sương mù dày xám bao phủ mặt đất, như muốn che giấu những bí mật của sự biến đổi đang hoàn thành trong thiên nhiên. Giữa lớp sương mù, nước rẽ lối chảy, băng tan răng rắc và trôi về thượng lưu, những dòng thác ngầu bọt lại cuồn cuộn. Hôm thứ hai Quadimôđô 1, về chiều, sương mù tan dần, mây như đàn cừu tản đi dưới bầu trời quang đãng, mùa xuân thực sự hiện ra. Sáng hôm sau, mặt trời chói lọi mọc lên lại nuốt nốt lớp băng mỏng phủ mặt nước và bầu không khí ấm áp rung rinh khắp nơi dưới luồn hơi bốc lên từ mặt đất hồi sinh. Cỏ già năm ngoái xanh tốt lại, cỏ non năm nay như kim đâm tủa trên mặt đất; những chồi cây tuyết cầu, phúc bồn tử và bạch dương dính nháp, sực nức mùi hương, đều căng nhựa và quanh rặng liễu tắm nắng vàng tươi, đàn ong bị nhốt suốt mùa đông trong túp lều bằng cành cây, lại thoát ra, vo ve bay lộn. Chim sơn ca không ai trông thấy tuôn tiếng hót trên đồng cỏ nhung tơ và ruộng rạ phủ băng, chim te te than vãn bên bờ những thung lũng và bãi lầy ngập nước lũ còn ứ đọng; tít trên cao, sếu và ngỗng trời bay qua cất tiếng kêu mừng mùa xuân. Đàn súc vật trụi lông mới loáng thoáng mọc lại, rống lên chạy đến bãi cỏ, cừu non chân cẳng leo khoeo nhảy ton ton quanh đàn cừu mẹ đã gọt lông đang kêu be be; trẻ con thoăn thoắt chạy dọc những con đường nhỏ đang se dần vết chân không của chúng, tiếng phụ nữ rộn lên vui vẻ bên bờ đầm nơi họ đang giặt vải và tiếng rìu của nông dân đang chữa lại cày bừa, vang vang trong các sân nhà. Mùa xuân thực sự đã về.

Chú thích:
1. Tức 7 ngày sau lễ Phục sinh.
Lev Tolstoy
Dịch giả: Nhị Ca - Dương Tường
Theo https://sachvui.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...