Chờ gió về trong đêm
1. Con đường dẫn ra bờ biển Bình Giao hai bên xanh ngát rừng
phi lao chắn sóng. Dải cát dài và hẹp dưới chân đôi lúc cũng nhấp nhô, có chỗ uốn
lượn, khúc khủyu tránh những cồn nhỏ đất rắn chắn ngang đường đẹp tựa dòng sông
đang tuôn ra biển. Sáng sớm đầu tháng, làng biển không có gió heo may, mùi
sương pha muối phốc mạnh, tố cả một vùng trời mằn mặn dâng dần lên cao…
Phía cuối con đường, cũng là cửa của dòng sông, không có tấp
nập những con tàu, khoảng không gian bao la trước mắt là nơi “đứng chân” của mười
hai chiếc chòi nổi lênh khênh, mái áp tàu dừa, phên rào cỏ tranh biển và tụ
mình trên bốn thân phi lao vỏ đã ngã màu mắm thính. Thủy triều bắt đầu rút từ
giữa đêm, bây giờ vùng nước dưới chân những chiếc chòi chỉ xâm xấp bắp chân đàn
bà. Những con sóng non ham bờ ngày mới đua nhau đẩy nước dâng lên đập vào chân
những chiếc chòi rồi hạ sâu xuống, có khoảng như trơ ra nhìn thấy cả nền cát mịn…
Ở phía ngoài, chỗ chiếc chòi xa bờ nhất, sáu chiếc cào chữ Y lớn đang giật lùi
vào bờ theo nhịp dâng của từng con sóng. Vùng này, người ta cào đôi, mỗi chiếc
sẽ có hai người chung vai giật lùi gợn mặt cát sau đêm triều dâng để bắt ốc, bắt
ngao… Mười hai người phụ nữ mặt quay ra biển, cứ giật lùi khoảng mười bước chân
thì người phía sau sẽ khom người áp sát ngực vào lưng người phía trước nâng rổ
cào lên ngang mặt nước để người phía trước gom ốc, ngao vào giỏ bên hông.
Nhà văn trẻ Trần Ngọc Đức ở Quảng Nam
Mặt trời sắp đứng đỉnh chòi, những chiếc cào cũng đã cập bờ,
mười hai người phụ nữ, từng đôi một lầm lũi vác cào đi về phía ngôi làng sau rừng
phi lao. Những chiếc giỏ đựng nước uống đong đưa theo nhịp hông sau mỗi bước
chân cát luống, những gương mặt nặng trĩu cúi gằm đối diện với mặt cát, không
có tiếng cười đùa, cợt nhả vốn có của phụ nữ mỗi lúc được tụm lại với nhau, tất
cả lầm lũi bước vào bờ.
Nga là cô gái ít tuổi nhất trong số mười hai người phụ nữ ấy.
Ở cái tuổi mười chín, nếu ở thành phố hoặc giả sử một vùng quê nào đấy không phải
là vùng biển, có lẽ cô vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường, hoặc vẫn đang học một
nghề gì đó chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ở đây thì khác, cô đang lặng lẽ nắm
hai cần của chiếc cào, lầm lũi bước in theo đúng dấu chân của người phụ nữ đen
nhẻm mặt hằn những vết nắng khắc khổ đang đi phía trước, người đàn bà ấy là mẹ
chồng của Nga…
Làng Bình Giao vốn có truyền thống cào ốc Uyên Ương, loài ốc
này rất đặt biệt, xưa kia thường chỉ để dâng vua chúa thị tẩm mỗi khi muốn có
long nhi, còn bây giờ nó là thần dược phòng the được nhiều người săn lùng với
giá tiền triệu cho một con. Mỗi năm loài ốc này chỉ xuất hiện vào ngày rằm
tháng bảy để giao hoan. Sau cuộc giao hoan, con cái sẽ bơi ra phía biển sâu, những
con con đực kiệt sức sẽ nằm ở bãi cạn cách bờ chừng mười hải lí. Và đây là cơ hội
để những người dân chài Bình Giao có thể bắt được chúng.
2. Tháng bảy cách đây ba năm, sau lễ cúng Cô Hồn của những
người đi biển không trở về, cả làng Bình Giao hân hoan làm lễ Khai Hoan, đây là
lễ quan trọng nhất trong năm. Trong nuổi lễ đó, những đôi vợ chồng trẻ mới cưới
trong làng sẽ thực hiện động tác giao hoan ngay dưới nước vào ban đêm, bắt chước
theo vũ điệu giao hoan của loài ốc Uyên Uơng. Đây là cách mà người Bình Giao
tin rằng họ sẽ có được những đứa con trai giỏi nghề biển trong tương lai và
cũng là nghi thức trước khi vươn khơi săn bắt ốc Uyên Ương. Đêm hôm đó cũng là
đêm đầu tiên Nga về Bình Giao làm dâu. Sau nghi thức giao hoan dưới nước, Nga
và mười một người phụ nữ trẻ còn lại nhìn chồng của họ lên thuyền ra bãi cạn với
đầy những hi vọng. Chiếc thuyền con lên đênh theo sóng dần đi khuất tầm mắt của
họ trong đêm.
Khi những chiếc đèn trên thuyền chỉ còn là những chấm nhỏ chớp
sáng như những vì sao trên bầu trời đêm. Gió bổng nhiên đổi hướng, mây lấp đi
trăng sao của ngày rằm, một trận cuồng phong kéo theo mưa ập đến bất ngờ. Sự
chênh chao, hoảng loạn như bầy đóm đóm gặp phải gió bấc. Trong tích tắc, mọi thứ
chỉ còn là màu đen kịt phương xa. Phía bờ, những người phụ nữ cũng hoảng loạn
kéo nhau chạy sâu vào làng…. Và từ cái đêm đó đến nay, không ai biết được con
thuyền chở những người đàn ông kia đã đi về đâu…. Chỉ nghe những người già
trong làng nói đó là gió chướng của Hải Thần, ngài nổi giận khi trong lễ Khai
Hoan đã có người con gái không còn trong trắng.
Vậy là ba năm qua, làng không tổ chức lễ Giao Hoan nữa, thân
phận của những cô vợ trẻ như Nga ngày càng hẩm hiu. Giờ đây, công việc của họ
là hàng ngày theo những bà mẹ chồng cào ốc, cào hến để kiếm sống. Đêm đến những
bà mẹ chồng sẽ quẩy thúng chài đưa họ ra những chiếc chòi cao cách bờ biển chừng
hai trăm mét ngủ một mình để chờ chồng và cũng để tránh xa những người đàn ông
khác trong làng. Một mình trống trải giữa biển khơi, sự cô đơn mòn mỏi và tuyệt
vọng đã làm cho những người phụ nữ trẻ này trở nên già đi nhanh chóng.
3. Ngày rằm tháng bảy lại đến, bà mẹ chồng sau khi đưa Nga ra
chiếc chòi giữa biển thì không quên nhìn cô với đôi mắt hăm chừng. Nga lờ đi
ánh mắt ấy, cô chăm chú nhìn trăng lên. Trăng ngả bóng sau mây từ lúc chiều chờ
đêm tối lại rẽ mây soi xuống lòng biển bao la. Dưới biển, trăng được phân thành
nghìn mảnh nhỏ, vàng dịu, dệt nên tấm lưới vàng phủ lấy cả đại dương huyền bí.
Bóng chiếc chòi, bóng của Nga như đang đuổi theo nghìn mảnh trăng nhỏ đó, nhảy
lên, chộp lấy, nhưng rồi lại hụt mất. Khi chiếc thúng chài của bà mẹ chồng đã
khuất phía bờ, Nga tắt đèn dầu, quay vào trong chòi chờ đợi trong đêm tối. Trời
về khuya, không gian chỉ còn tiếng sóng vỗ vào chân chòi mỗi một lúc mạnh theo
từng con nước lớn ròng.
Sau đợt sóng cao, một chiếc ghe chạm mạnh vào cột chòi. Không
suy nghĩ nhiều, Nga nhanh chóng nhảy xuống ghe, nơi có Hải, người yêu đầu tiên
của Nga đến đón, vậy là cuộc vượt biển vào bờ bắt đầu.
4. Nga và Hải lớn lên cùng nhau ở một làng chài kế bên làng
Bình Giao, gia đình chung một rặng dương ru gió quanh năm. Họ yêu nhau từ những
lần đi cào ốc, chài cá ven bờ, và cả trong những đêm trăng biển ngày rằm. Năm
Nga mười sáu tuổi, cha mẹ đột nhiên bệnh nặng rồi mất. Dân chài xưa nay, mất đi
thì về với biển cả, bởi họ không có nhiều đất để chôn cất. Nhưng không nỡ để
cha mẹ giữa lòng biển lạnh lẽo, Nga đã đổi tình yêu của mình để lấy một phần đất
trên bờ với một người đàn ông làng Bình Giao ngày ấy. Vậy là cô về Bình Giao
làm dâu. Hải vẫn luôn dõi theo Nga cho đến tận đêm nay.
5. Khi chiếc ghe con sắp cập bờ, thì đột nhiên những đuốc lửa
hiện lên nhôn nhổn từ hàng dương đi ra, Nga thấy rõ mặt mẹ chồng mình phía trên
bờ, bà như đang đây nghiến đứa con dâu lăng loàn. Xung quanh bà là những bà mẹ
chồng khác, họ hò hét, khua những chiếc dầm thúng dài bắn sớt, chém chém vào
không gian, mà như chính xác hơn, là chém vào đôi gian phu dâm phụ trên ghe.
Nga nhìn Hải gật đầu. Hải xoay dầm, bơi chiếc thuyền ra phía bãi cạn xa tít
ngoài kia. Chiếc ghe chồng chềnh lướt ngang qua những chiếc chòi. Trên chòi, những
góa phụ chờ chồng giữa không trung như cười động viên họ, từng ánh mắt gửi biết
bao niềm hi vọng. Gió chướng lại nổi lên, như dồn nhanh chiếc ghe dạt ra phía
bãi cạn. Mây che trăng. Mưa trút xuống. Gió thổi mạnh. Sóng nhô cao. Chiếc ghe
nhỏ chòng chành rồi mất hút vào màn đêm tăm tối. Kể từ đêm ấy, không ai còn thấy
Nga và Hải nữa, có lẽ chỉ Hải Thần mới biết họ đang ở đâu.
18/9/2021
Trần Ngọc Đức
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét