Trần Ngọc Đức Nhà bác học thế giới
Trương Vĩnh Ký học ngoại
ngữ siêu phàm
Thông thạo 26 thứ tiếng lúc 25 tuổi, Trương Vĩnh Ký khiến nhà
văn Pháp Émile Littré (1801-1881) kinh ngạc: “Sự hiểu biết tới 26 ngoại ngữ của
P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một nhà bác ngữ học (bác học
ngôn ngữ) bậc nhất thời nay”.
Ngay từ thập kỷ 50 – 60 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký, một
người Việt Nam đã thông thạo nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á cũng như các ngôn ngữ
khác trên thế giới, như các thứ tiếng: Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia,
Myanmar, Chăm, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban
Nha, Hi Lạp, Latin… để giao lưu và hội nhập dễ dàng với các nước trong khu vực
và trên thế giới.
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký – Ảnh tư
liệu
Thần đồng tự học nhiều hơn ở trường
Trương Vĩnh Ký từ lúc lọt lòng mẹ (6-12-1837) ở Cái Mơn, xã
Vĩnh Thành cho đến lúc qua đời (1-9-1898) ở Chợ Quán, Sài Gòn đã trải qua bao
cơn sóng gió.
Cha ông là cụ Trương Chánh Thi, quê quán Bình Định, vào Nam lập
nghiệp ở một khu vực đất Vĩnh Long (nay khu vực này thuộc Bến Tre).
Cha ông là một nhà Nho học, thích thi phú, được bổ nhiệm làm
lãnh binh dưới triều Minh Mạng của nhà Nguyễn, mất lúc Trương Vĩnh Ký 3 tuổi.
Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Châu, một người mẹ hiền và lam lũ,
sinh một gái và hai trai.
3 tuổi, ông thuộc làu Tam tự kinh. 4 tuổi, ông học viết.
5 tuổi (năm 1842) cắp sách đến trường học chữ Nho, chữ Nôm với thầy giáo Học.
Sau vài ba năm, ông thông suốt Minh Tâm Bửu Giám, đọc Tứ thư,
Ngũ kinh, thuộc nhiều thơ Đường, thơ Tống…
Ngoài ra, theo lời những người thân hậu bối, lúc nhỏ ông còn
thuộc nhớ nhiều bài ca dao dài mà người lớn không biết. Cậu bé Ký đọc sách mà
người cha mang từ miền Trung vào như Nhất Thiên Tự, Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự,
Minh Đạo Gia Huấn, thơ Đường, thơ Tống…
Tượng Trương Vĩnh Ký đặt ở Bến Tre hiện
nay
Học tiếng La tinh với bạn Lào, Thái, Miến, Nhật, Trung…, học
luôn tiếng bạn bè
Sau khi ông Trương Chánh Thi chết, một nhà truyền giáo thường
được mọi người gọi là Cố Tám đã chỉ dạy cho cậu bé Trương Vĩnh Ký học chữ
Latin, chữ Nôm và ít chữ sau này gọi chữ “Quốc ngữ“.
Ông nhận thấy cậu Ký còn nhỏ mà có đầu óc thông minh hơn người,
chỉ biết thú đọc sách hơn đi chơi đùa, có chí cầu tiến, đã gửi cậu Ký cho một
người Pháp tên Borelle (tên Việt Nam là Thừa Hòa) ở Cái Nhum (Vĩnh Long) nhận
nuôi dạy Trương Vĩnh Ký về tiếng Latin và tiếng Pháp năm 1846.
Rồi ông Thừa Hòa phải đi xa nên đã nhờ một người Pháp tên là
Bouilleaux (tên Việt Nam là Cố Long) lo hộ việc nuôi dưỡng và học hành của cậu
Ký.
Năm 11 tuổi (1848), Trương Vĩnh Ký được Cố Long gởi đến học tại
Pinhalu (Phnom Penh, Campuchia) được xây cất ở giữa một rừng thốt nốt hoang vu
gần sông Mekong và cách Phnom Penh độ 6 dặm, dành cho cả vùng Đông Nam Á và
Trung Hoa.
Lớp học có 25 học sinh từ 13-15 tuổi và Trương Vĩnh Ký là người
nhỏ nhất. Trương Vĩnh Ký gặp gỡ, ăn ở chung với học sinh các nước Đông Nam Á
như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ciampois
(Chăm)… Kết quả: cậu thiếu niên 13 tuổi Ký đã nói và viết thông thạo các ngôn
ngữ kể trên của các bạn cùng trường.
Trương Vĩnh Ký còn học ngoại ngữ ở các sách và tự điển có
trong thư viện của nhà trường. Các nhà ngôn ngữ học đương thời cho rằng Trương
Vĩnh Ký đã tự tìm ra những quy luật ngữ pháp giống nhau, khác nhau của các tiếng
nước ngoài để học nhanh và dễ dàng.
Vào ngày mãn khóa học ở chủng viện Pinhalu, Trương Vĩnh Ký được
chọn là một học sinh xuất sắc, đỗ đầu lớp và được tuyển lựa cùng hai người nữa
để tiếp tục đi học ở đảo Penang, Malaysia.
Lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký
ngày 24-12-1927 ở một góc công viên Thống Nhất trên đường Norodom (nay là đường
Lê Duẩn). Tượng do nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu quyên góp khắp Nam Kỳ lục tỉnh
để xây dựng – Ảnh tư liệu
Năm 14 tuổi (1851), Trương Vĩnh Ký tiếp tục được gởi vào trường
ở Poulo Penang (một hòn đảo nhỏ trên vùng Nam Dương, thuộc Malaysia, nơi người
Hoa và thổ dân Malaysia sống bằng kỹ nghệ khai thác mỏ kẽm.
Khi đến nơi, Trương Vĩnh Ký rất ngạc nhiên khi thấy một vùng
đảo ở vùng Đông Nam Á mà có nếp sinh hoạt cơ giới ồn ào, một sự phát triển lạ
thường mà ông chưa từng thấy ở nước mình và Cao Miên.
Trong khoảng thời gian 7 năm theo học tại đây, Trương Vĩnh Ký
học chuyên ngữ Latin và Hi Lạp. Ngoài ra, ông còn học nâng cao các thứ tiếng
khác như Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật, Hi Lạp, Thái Lan, Pháp, Ý…
Trong thời gian ở Penang, tài năng, đầu óc và trí tuệ thông
minh của Trương Vĩnh Ký phát huy tột độ. Ông học một hiểu mười nhờ trí nhớ lâu
dài, sách vở ở thư viện và giảng dạy của nhà trường.
Tượng Trương Vĩnh Ký ở một góc công
viên Thống Nhất nhìn ra nhà thờ Đức Bà năm 1969 (hiện được đặt ở Bảo Tàng Mỹ
Thuật TP.HCM) – Ảnh tư liệu
Ông đọc rất nhiều sách Hán, Pháp, Anh, Hi Lạp, Tây Ban Nha…
Ông tiếp nhận được rất nhiều tư tưởng, kiến thức của người xưa cả Đông và Tây
nhờ trí thông minh, khả năng ngôn ngữ và trí nhớ đặc biệt của mình.
Trong thời gian theo học tại Penang, Trương Vĩnh Ký tự học tiếng
Nhật, Ấn bằng cách cắt các báo cũ, rồi dùng phương pháp đối chiếu, diễn dịch mà
tìm ra các mẹo luật văn phạm.
Nhà nhiếp ảnh người Anh là J.Thomson viết quyển “Mười năm du
lịch Trung Quốc và Đông Dương”, trong đó có đoạn: “Một hôm đến thăm Trương Vĩnh
Ký, tôi thấy ông đang soạn sách Phân tích so sánh các ngôn ngữ chủ yếu trên thế
giới, tác phẩm này ông bỏ ra nhiều năm làm việc cần cù. Chung quanh ông đầy những
quyển sách quý và hiếm mà ông tìm kiếm được ở châu Âu, châu Á…”.
Với trí thông minh, sự sắc sảo thiên bẩm và chí phấn đấu cao,
lại chịu khó tìm tòi, tự học trong một ngôi trường đa sắc tộc, nên Trương Vĩnh
Ký đã thông thạo các ngoại ngữ phổ biến ở khu vực lúc bấy giờ.
Như vậy, việc học ngoại ngữ của Pétrus Ký được thực hiện một
cách khoa học; có phân tích, đối chiếu giữa các thứ tiếng. Và trên hết là sự
lao động miệt mài, công phu, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào trí thông minh như
nhiều người nghĩ.
Càng khâm phục hơn khi biết rằng việc học tập của ông vô cùng
vất vả, nhiều ngoại ngữ ông học từ chính những người bạn học của mình, đúng như
ông bà ta thường nói: “Học thầy không tày học bạn”.
Viết sách dạy những tiếng Pháp lẫn nhiều tiếng trong ASEAN
ngày nay
Trương Vĩnh Ký thông thạo và nắm vững quy luật học các ngoại
ngữ của các quốc gia trong khu vực và đã truyền kinh nghiệm của mình qua việc
xuất bản sách. Vào cuối thập niên 1880, ông đã xuất bản sách dạy tiếng Thái
Lan, Campuchia.
Đến năm 1892, ông soạn được ba bộ sách dạy tiếng Miến Điện (tức
Myanmar ngày nay): Cours de langue birmane, Vocabulaire français-birman, Guide
de la conversation birman[e]-français. Từ năm 1893, ông tiếp tục xuất bản sách
dạy tiếng Lào, Malay, Tamoule (Tamil?), Ciampois (Chàm).
Émile Littré, nhà văn Pháp, năm 1862 đã viết: “Trên trái đất
này rất khó tìm ra người thứ hai say mê ngôn ngữ như Trương Vĩnh Ký. Gặp người
Anh, Trương Vĩnh Ký nói bằng tiếng Anh nhuần nhị như người Luân Đôn. Tiếp xúc với
người Ý Đại Lợi, người Y Pha Nho, người Bồ Đào Nha… hay người Nhựt Bổn, Mã Lai,
Xiêm… Trương Vĩnh Ký đều nói đúng theo âm luật của kinh đô nước đó… Sự hiểu biết
tới 26 ngoại ngữ của P. Trương Vĩnh Ký đủ để loài người tôn vinh anh như một
nhà bác ngữ học vào bậc nhất của thời nay”.
Năm 1874, Trương Vĩnh Ký đã được thế giới bình chọn là “nhà
bác học về ngôn ngữ”, nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ
XIX, được ghi tên vào các danh nhân thế giới trong Tự điển Larousse.
* Học giả Pháp Jean Bouchot cuối thế kỷ 19 khẳng định
Trương Vĩnh Ký là “một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cả với nước Trung
Hoa hiện đại”. Ông viết:: “Người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà
thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học…”.
Nhà văn Sơn Nam: “Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến
khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ
ông. Ông không gia nhập Pháp tịch… Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy
mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết
phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam. Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kỳ…”.
Giáo sư Thanh Lãng: “Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài
các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được
giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói
tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ
pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm,
văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn.
Nhà nghiên cứu Lê Thanh: “Từ nhỏ được giáo dục theo phương
pháp Âu Tây, khi trưởng thành theo giúp việc người Pháp, thế mà bằng hữu viết
thư giục ông, ông không nghe, vẫn khăng khăng từ chối để suốt đời được giữ bộ
quần áo Việt Nam và suốt đời là một người Việt Nam thuần túy.
30/7/2022
Hồ Tường
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét