Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Văn học góp phần xây dựng đạo đức nhân cách con người

Văn học góp phần xây dựng
đạo đức nhân cách con người

Trong thời đại mới, thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin làm cho giá trị cuộc sống con người ngày càng thay đổi. Theo đó, giá trị đạo đức đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Trong thực tiễn, giới trẻ ngày nay chạy theo lối sống hưởng thụ, bỏ qua những giá trị nền tảng đạo đức vốn là nền tảng cốt yếu của con người. Vấn đề này cũng là một thử thách cần đặt ra đối với thực tiễn sáng tạo, tiếp nhận văn học và cả nền văn học của xã hội.
Đạo đức trong văn học xuất phát từ hiện thực cuộc sống cụ thể thông qua cái nhìn, quan điểm, tư tưởng của nhà văn. Đạo đức có thể có từ trong kinh nghiệm của tác giả, hoặc do cuộc sống gợi ra, hoặc được hình thành từ quy ước chung của xã hội. Đạo đức cũng là vấn đề xuyên suốt trong văn học qua các thời kỳ, ở tất cả các thể loại. Trong cuộc sống, đạo đức trong sáng giúp con người gần nhau hơn. Cuộc sống nhờ vào đạo đức nhân cách con người chí thiện mà ngày càng tốt đẹp hơn. Trong sáng tác, phải có đạo đức nhân cách tốt, nhà văn mới viết nên được những tác phẩm có giá trị. Vì vậy, văn học có vai trò lớn trong việc xây dựng đạo đức nhân cách con người.
1. Văn học góp phần lên án tội ác, thói suy đồi đạo đức. Từ trong lịch sử, chủ đề đạo đức nhân cách con người đặc biệt được các nhà văn quan tâm thể hiện trong quá trình sáng tác. Từ trong lịch sử, đạo đức đã như là một thước đo của tác phẩm văn học, là một trong những yếu tố cơ bản góp phần quyết định giá trị riêng của tác phẩm. Bước sang thời hiện đại, trước thực tiễn đạo đức xã hội ngày càng có dấu hiệu bị băng hoại, vấn đề này ngày càng được các nhà văn quan tâm chú ý hơn. Có đạo đức nhân cách sống đẹp, con người sống với nhau nghĩa tình hơn, xã hội bình yên hơn. Đạo đức cũng có thể được xem là hệ giá trị đo tình yêu thương, đo lòng người.
Các quy chuẩn đạo đức của một dân tộc giúp con người tự nhắc mình để biết cách sống hài hòa, hiểu được giới hạn của chính mình, sống tốt hơn. Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, quan niệm về đạo đức nhân cách, các mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng mong manh, dễ bị phá vỡ, dễ bị bôi bẩn, bị tha hóa thì văn học đã/cần/phải/ nên tiếp tục góp phần xây dựng đạo đức nhân cách sống phù hợp. Hơn bao giờ hết, văn học dù có đổi mới nghệ thuật, cách tân hình thức đến đâu thì tận trong sâu thẳm, bản chất tác phẩm vẫn phải phản ánh được những góc khuất của cuộc sống, nếp sống đạo đức con người. Văn học cũng cần phải có cách tạo lập một thiết chế về đạo đức riêng, phù hợp với bản chất ngôn từ nghệ thuật để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Như vậy, tác phẩm thực sự là sự thể hiện của quá trình sáng tạo nghệ thuật từ những suy tư trăn trở về cái cao thượng, sự thấp hèn, tình yêu, tình thương, lý giải được những ám ảnh về quan hệ đạo đức bất lương giữa con người với con người ngoài xã hội, trong gia đình, với tự nhiên, với lịch sử và với chính bản thân. Nhà văn dù có viết về những sự thật khốc liệt ngoài cuộc sống đến như thế nào thì bên trong tâm khảm vẫn phải luôn thấm đẫm tinh thần nhân văn, tình yêu thương con người vô bờ bến.
Đạo đức làm người xét đến cùng không có gì mới, nhưng tại thời điểm này, chúng ta cần phải trở lại, nói lại, đặt lại vấn đề: huyết mạch của văn học Việt Nam phải là đạo đức, là nhân cách sống, là tình yêu thương con người. Văn học có chức năng giáo dục, thông qua văn học để giáo dục đạo đức con người là điều cần thiết và nên bắt buộc! Văn học không chỉ dừng lại ở giáo dục nghệ thuật, nếu muốn khẳng định nó như là một khoa học “sánh vai với các khoa học khác”. Bởi tất cả sự thành công của khoa học đều cần đến yếu tố có đạo đức con người. Lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, trong tất cả ý nghĩa chân chính và cao cả của nó, đều trực tiếp hoặc gián tiếp tìm đến phản ánh, cảnh báo, dự báo và bộc lộ khát vọng về đạo đức con người. Những chuẩn mực đạo đức không phải là một quan niệm nhất thành, bất biến mà được hình thành, kế thừa, phát triển và biến đổi theo quá trình lịch sử. Phản ánh đạo đức xã hội, đấu tranh chống cái ác, cái thấp hèn, bảo vệ cái cao thượng, cái tốt đẹp là nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật. Và qua văn học, nghệ thuật, đạo đức được hun đúc, ý thức đẩy lùi cái ác được bồi đắp, cổ vũ khát vọng hướng tới cái thiện, cái đẹp, thổi lửa tin yêu con người và cuộc sống.
Tác phẩm văn học, nghệ thuật không những khai thác những mặt tốt mà còn phải biết phơi bày những mặt trái của đạo đức xã hội với mục đích là khơi gợi, thức tỉnh con người tránh xa cái ác, cái xấu để nuôi dưỡng, nâng đỡ, bồi đắp cái thiện vốn có trong cuộc sống, chứ không phải vùi dập, chà đạp nhân cách con người. Văn học cần đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu của con người. Cao hơn, văn học còn biết giúp công chúng nhận thức vết thương đau và tìm cách vượt qua nó bằng niềm tin sâu sắc vào tương lai. Đây là sứ mệnh cao quý, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề của văn nghệ sỹ. Nhà văn không nhất thiết phải viết tác phẩm nhuốm màu đạo đức một cách gượng ép, hoặc cố khoác cho nhân vật thứ đạo đức mà nó không có. Ngay cả những tác phẩm viết về cái ác, người ta vẫn thấy tác giả giúp người đọc hướng tới cái thiện.
Trong giai đoạn tàn khốc của cuộc chiến tranh chống Pháp và Mĩ, nhà văn bắt buộc dùng văn học làm vũ khí chiến đấu cho cả dân tộc, văn học chịu sự chi phối của chiến tranh. Hiện thực đời sống bấy giờ nhằm phê phán, lên án tội ác của giặc và cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Chủ đề, nhân vật trung tâm trong các tác phẩm chủ yếu là những anh hùng lực lượng, vũ trang, những cô gái thanh niên xung phong, những chàng trai du kích, những người có mặt trực tiếp trên mặt trận hỏa chiến đều có chung một mục tiêu, lí tưởng đó là dành lại hòa bình, độc lập cho đất nước. Họ là những con người sống vì cộng đồng dân tộc, xả thân vì nghĩa như những cô gái trong Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), ông Sáu trong Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), anh hùng Núp trong Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), đây là những người mang lí tưởng của thời đại.
Trong thời kì này, con người bản năng không có điều kiện để phát triển, bộc bạch, những khao khát tình yêu nam nữ, đạo đức cá nhân không có lý do để tồn tại. Giờ đây tình yêu gắn liền với dân tộc, với đồng loại, đạo đức đi đôi với cái chung của xã hội. Biết làm sao được, sống trong thời kì này không được phép nghĩ nhiều đến lợi ích cá nhân, nguyện vọng riêng tư mà tất cả những phẩm chất cao đẹp đều lấy ra làm vũ khí chiến thắng quân thù. Chiến tranh kéo dài đã tạo nên một mẫu người phổ biến trong cuộc sống và văn chương phải phù hợp với yêu cầu tất yếu của lịch sử là chiến thắng kẻ thù bất cứ giá nào, đi lên thống nhất đất nước, xây dựng xã hội tiến bộ.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước đã có những thay đổi mới mẻ và toàn diện trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, bao gồm cả nền văn học. Văn học thời hậu chiến giờ đây không còn đi trên con đường mòn đã có từ trước nữa mà dường như ngày càng thay đổi để mở thêm nhiều lối đi mới với phạm vi phong phú vô cùng. Bây giờ không còn là những vấn đề xoay quanh ta – địch mà nó còn là quyền lợi cá nhân của con người. Sống trong thời bình chúng ta nhận thức rằng cuộc sống giờ đây phức tạp hơn nhiều. Giờ không còn là sống, cầm vũ khí chiến đấu nữa mà cuộc sống mở ra những đòi hỏi cao hơn bắt buộc con người thay đổi. Nhà văn từ đó cũng có cái nhìn khác về hiện thực nhất là những vấn đề riêng tư mỗi cá nhân thông qua đó để phát triển văn học theo hướng dân chủ hóa, nhân đạo hóa. Các nhà văn nói nhiều đến cái tôi cá nhân, đến cá tính, họ đấu tranh với chính mình để được đổi mới…
Mỗi con người đều đòi hỏi được xem xét như một nhân vị riêng có nhân cách độc lập. Từ thay đổi này những gì thuộc về con người nhưng trước đây bị lẫn tránh hay che khuất đều được nhà văn nhận thức lại và đưa vào các sáng tác của mình. Đặc biệt từ sau năm 1986, yếu tố tự nhiên, bản thể của con người ngày càng được đào sâu, khắc họa như một nhu cầu tất yếu cần được thoả mãn. Bên cạnh những vấn đề về xã hội thì vấn đề con người cá nhân, bản năng cũng được các nhà văn tập trung phản ánh, đặc biệt là chủ đề tình yêu, đạo đức để nói lên nỗi lòng mình.
2. Văn học xây dựng con người biết sống thiện, bồi đắp hành trình ngộ đạo làm người, giúp con người biết yêu thương và có khát vọng sống. Đừng để chính bản thân nhà văn phải tự thốt lên rằng: “xác của các nhà văn đã chất thành núi trên thế gian này. Người ta vẫn bới tìm ở đấy những mẫu vụn của con người, về con người” (Nguyễn Huy Thiệp). Con người sinh ra trong cuộc đời, ai cũng luôn có khát vọng sống, khát vọng tình yêu, hạnh phúc cho riêng bản thân mình. Văn học xem con người là đối tượng phản ánh những vấn đề của con người không nằm ngoài sự phản ánh của văn học. Văn học đi sâu vào số phận của đời sống con người cá nhân nên vấn đề khát vọng tình yêu, hạnh phúc cũng được các nhà văn đặc biệt quan tâm. Ta thường nghĩ tình yêu mang đến cho con người cảm xúc, sự thăng hoa và sống có tình người hơn. Trong tác phẩm, con người có thể phải đối diện với những vấn đề sinh tồn, thường nhật nghiệt ngã nhưng phải có sự lựa chọn rạch ròi. Cuộc sống muôn màu nhưng nhà văn phải có lựa chọn để tìm ra những sinh mạng vẫn luôn sống cố gắng chống chọi với hoàn cảnh, với xã hội để giữ gìn lòng tự tôn, phẩm giá cao đẹp của con người.
Trong thời đại mới, thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin làm cho giá trị cuộc sống con người ngày càng thay đổi. Theo đó, giá trị đạo đức đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Trong thực tiễn, giới trẻ ngày nay chạy theo lối sống hưởng thụ, bỏ qua những giá trị nền tảng đạo đức vốn là nền tảng cốt yếu của con người. Vấn đề này cũng là một thử thách cần đặt ra đối với thực tiễn sáng tạo, tiếp nhận văn học và cả nền văn học của xã hội. Xã hội càng phát triển, kéo theo đó nhiều tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến đạo đức con người như giết người cướp của, hiếp dâm, trộm cắp, ma túy, làm ăn phi pháp… Đã đến lúc các nhà văn cũng như bạn đọc cần ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc làm thế nào để hạn chế lối sống thực dụng, cá nhân, thiếu tính nhân văn, thiếu tình yêu, coi thường đạo lý, giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại ngày nay.
Nhà văn phải là người có trách nhiệm với ngòi bút của mình và luôn băn khoăn, trăn trở đi tìm ý nghĩa văn chương. Nhà văn nên luôn xem vai trò của văn chương là cội nguồn của đạo đức, là nơi nuôi dưỡng bản tính con người và được mọi người xem trọng. Nói như Nguyễn Huy Thiệp, trong thực tiễn đã không chỉ có kiểu văn chương sửa mình mà có cả văn chương kiếm tiền, văn chương trốn đời, trốn việc và kể cả văn chương làm loạn. Và cũng không nên coi văn chương không là “khuôn vàng thước ngọc” để mọi người noi theo.  Học văn cũng không phải để làm quan, không như học làm quan. Công việc viết văn vốn nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa nhưng không vì thế mà nhà văn cho phép mình dễ dãi.
Viết văn có thể như một sự giải thoát nhưng có khi cũng là để tự chất vấn lương tâm đạo đức của chính mình – chất vấn về nghĩa lý của văn chương, về ý nghĩa của cuộc đời cầm bút. Trang viết của nhà văn phải là sự trăn đi trở lại, như một sự dằn vặt, cào xé chính mình. Nhà văn phải biết sợ mình tự trở thành một người lừa đảo trong thế giới ngôn từ. Những kẻ lừa đảo trong văn chương còn đáng sợ hơn nhiều những kẻ lừa đảo tiền bạc, tài sản. Nhưng thật trớ trêu, vì sự thật bao giờ mà chẳng đắng và khó nghe. Dù nhà văn có đau đớn khi đưa những sự thật vào tác phẩm của mình nhưng không thể viết ra thứ văn chương dễ dãi, sẵn sàng ca ngợi, tung hô, sẵn sàng dối trá. Thà để người ta đau đớn trong đời thật còn hơn chìm đắm trong thứ hạnh phúc giả tạo. Dù loại văn chương nào cũng phải lấy chữ tâm, lấy điều chí thiện làm gốc. Nhà văn là người biết lo lắng, trăn trở cho những con người đang dần mất đi giá trị đạo đức trong xã hội cũng như những người đang theo đuổi sự nghiệp văn chương, phải luôn hướng con người đến cái chân – thiện – mỹ của cuộc sống, hòa vào giá trị đích thực của cuộc sống thì đó mới là nhà căn chân chính.
Hiện thực cuộc sống bao la, muôn màu muôn vẻ lại không ngừng vận động, phát triển, đổi mới, vì vậy cái nhà văn hướng đến là con người, là tính cách, tâm hồn, số phận là những gì của con người làm nên ý nghĩa của cuộc sống. Con người làm ăn sinh sống, lo toan, hy vọng, hạnh phúc là từ trong một xã hội nhất định, từ những quan hệ ràng buộc con người với nhau. Tình cảm gia đình, đạo đức con người là phần sâu của tâm hồn, từ lâu đã là đối tượng để tìm tòi, thể hiện của văn học.
Văn học nếu tách rời với những thực tiễn đời sống hàng ngày, hay hoàn toàn để chỉ quy về đời sống tâm linh, hay chỉ là thế giới của những con người đau khổ tự gặm nhấm tâm hồn mình trong thế giới ngôn từ, hay cuồng loạn với việc cách tân quá lố, kêu gọi nghệ thuật ở thế giới siêu hình…thì chắc chắn sẽ không thể hiện được điều gì trong nội dung đạo đức. Tác phẩm văn học phản ảnh đạo đức con người trong đời thực nhưng không nhất thiết phải là phản ánh nguyên bản đời thực, mà là phản ánh của cái được phản ánh. Nên câu chuyện về con người trong văn học có thể xuất hiện hàng loạt những nghịch lý như: Ở hiền thì gặp chuyện bất trắc. Đi tìm cái đẹp thì gặp cái xấu xa, bỉ ổi. Đi tìm điều thiện thì gặp điều độc ác. Những kẻ trí thức có học thì dâm ô, dối trá, bịp bợm. Những nghịch lý ấy là sự thật về cái phi lý của cuộc sống và con người. Khám phá con người bằng cặp mắt nhiều chiều, xoáy sâu vào đời sống nội tâm chằng chịt của con người, nhà văn phải góp được một tiếng nói thành thật về con người.
Thực chất, để góp phần xây dựng đạo đức nhân cách con người hiện nay, văn học cần có sự tích hợp thông minh, sự thương lượng, “hòa trộn” với các khoa học khác một cách khéo léo. Cùng với quá trình đó là sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, và thái độ sống, hành xử tử tế của nhà văn với mỗi trạng huống khác nhau. Văn học không quyết định được đạo đức con người. Bởi đạo đức là đạo đức của con người! Nhưng với những lợi thế của đặc trưng ngôn từ nghệ thuật được thể hiện bằng nhiều thủ pháp khác nhau, có thể nói văn học đóng một vai trò quan trọng đặc biệt. Muốn vậy, nhà văn phải đồng thời là “nhà đạo đức”. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng cho rằng có hai loại văn chương: Văn chương vương đạo và văn chương bá đạo, mà chính ông là người đang theo đuổi loại thứ nhất. Văn chương vương đạo của ông luôn hướng vào một tầng cao hơn là chủ nghĩa nhân đạo. Vì vậy tác phẩm của ông thường phản ánh thân phận con người trong xã hội luôn phải chịu đựng sức nặng duy lý ở chính trị, ở kinh tế, chuẩn mực đạo đức đã định sẵn. Văn học vì thế phải góp phần đánh thức tính thiện của con người. Nhà văn có thể sử dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật, thậm chí cả huyền thoại hóa để xây dựng được các chi tiết, nhân vật, có thể mô tả cả đời sống thực của con người trần tục, thô mộc đôi khi đến mức tàn nhẫn nhưng cuối cùng phải chuyển tải được giá trị đạo đức đến con người. Trải qua thời gian, vấn đề này ngày càng cần được quan tâm hơn, cần được xem như một “chiến lược” để khẳng định vị trí của văn học Việt Nam vốn xuất phát từ văn hóa “trọng nghĩa, trọng tình”.
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Anh Đào (1994), Tài năng và người thưởng thức, Nxb Hội nhà văn
2. Mai Thị Liên Giang (2018), An trú miền đọc (Tiểu luận – Phê bình), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội
3. Đỗ Đức Hiểu (2013), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn hóa thông tin
4. Lê Ngọc Trà, Văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới www.vienvanhoc.org.vn.
29/8/2024
Mai Thị Liên Giang
Nguồn: Tạp chí Nhật Lệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Con Heo Gàn Dở Thế là mọi sự bắt đầu từ chuyện con heo mà vợ tôi mua cách đây sáu tháng. Những ngày đầu, chuyện con heo đối với vợ...