Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

"Thanh không" của Trang Thanh - Hương trong cây

"Thanh không" của
Trang Thanh - Hương trong cây

Tôi đã từ lối thơ thiên về giải trí ngả sang tìm cầu giải thoát con người khỏi phiền não khổ đau. Tôi nể phục Trang Thanh ở chỗ thơ chị dường như song song đáp ứng được cả hai nhu cầu đó…
1. Mở rộng phép đọc
Một trong những lối đánh giá câu thơ nào đó hay, là thấy có cả nghĩa đen và nghĩa bóng; tức nói được nhiều với lượng chữ ít. Trong trường hợp ấy các lớp nghĩa thường gần gũi nhau, chẳng hạn trong câu thơ “Nhà ai nóc tủ bạc màu huy chương” (Bài Dòng trạng thái mới nhất của rùa Hồ Gươm – Trần Hưng), chữ bạc có nghĩa đen là màu bị bạc dần theo thời gian, lại cũng có nghĩa cụ Thỏ về sau cụ Rùa trong cuộc đua nên chỉ nhận huy chương bạc.
Nay đọc tập thanh không của Trang Thanh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2023) tôi gặp những câu thơ mà nghĩa đen có thể không hiện thực là bao nhưng nghĩa bóng vẫn thuyết phục.
bàn ghế cũ bày biện vần thơ cũ
(những buồng mơ căng nở)
“vần thơ” là thứ đâu có thể bày biện? Và nếu là cách nói hình ảnh của tập thơ hay trang thơ, tôi càng không tin có cái hiện thực lẩn thẩn trẻ con ấy. Cũng từ đây, tôi lờ mờ thấy để đi vào thế giới thơ Trang Thanh, tôi cần mở rộng phép đọc.
Chẳng hạn:
từng ngón tay phồng rộp lên
biết cánh cửa nhà ta có lửa
Vậy phép đọc được mở rộng thế nào? Không quan tâm tới cái hiện thực này liệu có “khả thi”, chỉ nhìn nhận hiện thực là công cụ mà nhà thơ sử dụng để biểu lộ tình cảm. Lại cũng tri ân bài kinh “Tất cả đều bốc cháy” (Tương ưng bộ) đã gieo duyên hỗ trợ việc mở rộng này.
Tôi cũng không còn “dính mắc” vào nghĩa gốc của từ “buồng” trong bài thơ vốn dùng để chỉ căn phòng nhỏ riêng tư của các căn nhà ở quê, mà tưởng tượng tới cái buồng phổi của mỗi người, gần bài thơ này hơn rồi vì nó căng nở rồi xẹp luân phiên.
Tôi từng làm bài thơ tên Ngờ vực, và đúng là nội dung cả bài vài chục câu chỉ xoay quanh cái tiêu đề ấy đấy. Nhưng Trang Thanh chỉ cần một câu là đủ:
mắt em đốt hay lòng ta tự lửa?
Cũng liên hoàn với “căn phòng vuông tim ta ngờ vực”.
2. Cùng thủ pháp hóa thân
Trong kinh điển đại thừa có bản “Phật thuyết kinh chuyển thân nữ” (thành nam ở các kiếp sau). Có lẽ cũng từ cái khao khát trong tiềm thức ấy mà nhiều nữ sĩ thích gọi “em” trong những câu thơ kiểu “nơi này ta yêu em” chăng, và rất logic với từ “mơ” trong tiêu đề bài thơ chăng? Rồi thiên nhiên, vốn “dĩ vạn vật vi sô cẩu” nên chẳng đếm xỉa chuyện thực giờ chỉ còn là mơ:
sóng vẫn vỗ bờ, tre còn xanh
bầy sẻ trêu ngươi không vì ta mà thôi hót
Nhưng những câu thơ sau lại cho thấy không có khát khao “chuyển thân nữ” mà tác giả đã đặt mình vào vị trí của người nam giờ ở cõi “em không về nữa cùng ta mây trắng” bởi “đã biệt ly hơn ngàn ngày”. Hậu biệt ly, ngôi chủ khách của hai người bỗng được phân chia một cách rất mơ hồ!
Trong ngữ cảnh tương tự, thường sẽ là “son phấn nhòe”, ở đây thì: “son phấn gẫy ngang gò má” (cõi yêu).
Một ví dụ khác, người nữ khởi đầu cũng bằng giấu che:
đeo kính khóc một mình trong nắng tàn thu
(điều ước của mùa thu)
Các phẩm tính dường như thiếu đồng nhất, để rồi sau đó biến chuyển theo cực ngược lại
đồng thời mất cấu trúc:
thu ăm ắp dịu dàng bí ẩn
chợt võ vàng tê tái đến tan hoang
Đẩy sự “hướng nam” tới mức cực hạn:
em ước nhặt lá vàng đan áo mới
em cưới mùa thu anh cưới em.
Và song song với quá trình “hướng nam” là thị hiện thân nam. Một cuộc mini maraton từ hình tượng cổ điển “như mây”, nhưng hành vi thì “mờ ám” và mang tính cơ hội rất cao:
anh như mây lượn bên ngoài khung cửa
mượn gió lẻn vào khi tim em chợt mở
Nhưng vấp phải bất toại nguyện nên chuyển đổi sang hình tượng cấp tiến:
bây giờ anh chỉ ước
được làm con vi-rút chạy trong máu em
Chốt hạ là những câu thơ có ý khiến sự cấp tiến trở nên thuyết phục:
con vi-rút mềm nước suối
em non bấy tế bào tơ mỏng
anh ước em là lụa
ngày xanh xao bịn rịn cúc hương mùa
(ước!)
Cũng phải nói thêm rằng cách hiểu “hướng nam” là của cá nhân tôi với giả định “tác giả đã chết” (R. Barthes). Còn có thể chủ kiến của tác giả vẫn là chủ động hóa thân vào nhân vật nam để biểu đạt hiệu quả hơn nhân vật trữ tình.
3. Tương phản mới – cũ
Thuật ngữ kinh điển về số phận con người trong một đời tùy theo nhân quả nghiệp báo mà dày mỏng, nhưng ở đây thu lại đơn vị thời gian rất ngắn “trong ngày phận mỏng” – là vô thường từng sát-na, lại cũng là nhịp đời đương đại đi nhanh!
Lối nói thông thường sẽ là quãng đời hoặc căn phòng hạnh phúc. Nhưng những hình dung từ mang tính ổn định cao như vậy vẻ như chẳng tồn tại nữa, mà chỉ là kiểu đan xen xôi đỗ với bất hạnh theo kiểu “vùng hạnh phúc?” (dự cảm phi lý).
Lối nói truyền thống kiểu thi sĩ Xuân Diệu là “đồng sàng dị mộng sao em – tình ta đau đớn hơn đem tử hình”. Còn Trang Thanh giờ viết:
hai gương mặt chúng ta cách xa nhau đến một kiếp đau thương
(trong cơn khát của mùa thu)
Bạn đọc chẳng buồn truy nguyên vì sao lại ra nông nỗi ấy, bởi đó là hiện thực thời nay đâu lạ lẫm gì. Thế nhưng vẫn đêm ấy, căn phòng và cái giường ấy, đoạn sau lại là:
chúng ta xiết chặt tay nhau hơn
soi trong mắt đau nỗi ly biệt của mùa đông âu lo sợ hãi
hai gương mặt chúng ta chỉ còn cách một tấc u buồn
Có lẽ bản năng tìm cách chống lại xu hướng “những kỷ niệm ngọt ngào giờ trở nên củi mục” nên khoảng cách giữa họ đã thu hẹp đến gây sốc, dẫu vẫn còn. Phải chăng sâu xa là vì con người nay yêu cạn cợt hơn, kém lãng mạn đi?
anh cuống quýt như ngày không còn tới
và sáng mai cuống quýt những bóng đêm
(buổi sáng)
Không hề!
Phải chăng vì con người nay yêu thanh tịnh và lý trí hơn?
em nguyện trôi nhanh tấm đêm dài chờ đợi
Không hề, họ chỉ thay vì xem đêm như thời gian thì toan tính cắt xẻ như vật chất hữu hình. Phải chăng chuyện “cùng chết” chỉ còn là hủ tục ở nước nào xa xôi?
em đã nguyện sẽ cùng anh đến chết
nếu anh còn chưa tin
thì thượng đế nhìn ta yêu nhau ngài sẽ biết
(lời nguyện)
Vâng, ai chưa thấy (mà tôi là một ví dụ, chí ít cho tới lúc đọc những câu thơ này) người phụ nữ yêu thì chưa hiểu thế nào là phụ nữ.
4. Trần cảnh thuần khiết mà nhãn căn thì không
Khi triển khai nội dung thơ, trong khuôn khổ ngắn ngủi của một câu, nhà thơ thường chọn theo trục không gian hoặc thời gian, còn theo cả hai trục thế này tôi hầu như chưa gặp:
em ở đây/ từ đó, không còn biết nói
về nỗi lòng của mình
(cửa sổ không bầu trời)
Không nói được thì làm:
em trồng mấy cây trước cửa
không dám nói với cây vì sợ/ cây sẽ bỏ em đi
Nguyễn Du viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, còn Trang Thanh dự phóng là cảnh sẽ chết nếu cái buồn ấy lộ ra!
Và khi không được phép lộ, người thơ chỉ còn cách biến chính nỗi đau thành nguồn năng lượng duy trì cơn mơ:
thiếu bầu trời, vẫn còn những niềm đau
làm ngọn nến đốt cơn mơ nhạt nhẽo
Dẫu hiện thời nó là nhạt nhẽo, ai cấm hy vọng rồi một mai sẽ đậm đà hơn?
cả bất hạnh hôm nay
em cũng sẽ cười cợt với nó bằng những ký tự mật
cho nó đuổi bắt nhau làm một vòm trời
Và cả vòm trời sinh quyển tự nhiên của tình yêu không thể tồn tại, ai cấm người thơ tạo
sinh quyển thay thế?
anh có làm cho cuộc sống của em hay hơn nhưng sẽ đau hơn
Xin “tập cổ” triết lý của thiền sư Ajahn Chah (Thái Lan) rằng “cái đau theo sát cái hay như cảnh sát theo tên trộm”.
Cứ mãi cụ thể hóa mỗi bài thơ, câu thơ hay ở đâu, hay như thế nào xem ra thiếu tôn trọng bạn đọc; nên sau đây tôi sẽ liệt kê mà không nói gì thêm.
biển mỗi ngày một xanh hơn
(mùa mưa)
không chịu hiểu sự hoàn hảo là sai lệch
không chấp nhận sự dở dang là tuyệt tác;
tình yêu không có sai lệch hay tuyệt tác
(dang dở)
Ta như tảng đá chân thác
Vững mà trơn
(lạnh)
nước mắt thiêm thiếp chảy
niềm yêu thiêm thiếp dậy;
không còn đau tựa xác ve kim
còn nán lại trên cành nghe kiếp mình ca lên
(kiếp ve kim)
Từ thiêm thiếp có gì mới đâu, chẳng hạn trong “thiêm thiếp ngủ”, nhưng cách sử dụng lại rất mới với cả hai chiều hướng tĩnh và hướng động.
Và cái xác vô hồn thì làm sao mà còn biết đau, nhưng làm sao con người vẫn phải lập nghĩa địa? Tinh thần này cũng được thể hiện nồng nhiệt trong bài một giấc mơ.
sân rêu nhỏ
tường gạch nghiêng nghiêng
(đập cánh)
Nhãn căn ấy thì nhìn ra trần cảnh ấy, chứ tường mà nghiêng nghiêng thật thì đổ chứ sao mà đứng nổi và ai cho đứng.
nỗi phấp phỏng trong ta
chờ một tiếng thu reo là đập cánh
Mỗi chú chim, dù là mạnh mẽ như đại bàng, khi lần đầu bay lên khỏi tổ cũng trong sự phấp phỏng, huống hồ lại đang sân rêu, tường nghiêng nghiêng… Nhưng sức hấp dẫn của cảm xúc vượt thoát đủ lớn để chỉ cần tín hiệu báo an toàn là vào cuộc phiêu lưu. Thường chúng sinh hữu tình sẽ chọn mùa xuân để rời tổ, rời hang… Nhưng tình yêu lại có khẩu vị khác.
buổi sáng không bình minh
biển thẫm tím mắt trời ám khói
biển đang héo đi trong ngày em mừng tuổi
(tàn)
Hiện thực đương đại, dù rằng nhiệt độ trái đất vẫn tăng lên đều đều và vài chục năm sau nước biển dâng tới độ thủ đô Gia-các-ta đang tính chuyện di dời, thì mỗi ban ngày vẫn bắt đầu bằng bình minh và kết thúc trong hoàng hôn. Nên “không bình minh” lại là chuyện của nhãn căn chứ không phải trần cảnh. Nhưng thế mới là nhãn căn thơ, là thấy “héo” ở ngay nơi bắt nguồn của mọi thứ tươi trên quả đất này, là nghĩa bóng không chỉ không thèm dựa trên nền nghĩa đen mà có thể còn mang nghĩa ngược lại!
5. Phật ở trong tâm như hương trong cây
Ơn giời, sau những đứng lên bởi ngẫm ngợi rồi nằm xuống mà lấy dưỡng khí trong không gian tiểu tự sự, thi thoảng nữ sĩ cũng cho tôi được thả lỏng một chút.
chú chó cún nằm rên
tiếng gà tiếng chim vỗ vào sương sớm
mà tiếng mẹ vẫn là tinh mơ nhất
(viết từ mảnh vườn của mẹ)
Có gì đó như vô minh, như trôi lăn trong luân hồi, chỉ để thỏa mãn bản năng và sống trọn vẹn cùng trực cảm; nhưng hình như đó mới chính là phụ nữ, là mẹ:
mẹ dậy sớm lạ lùng như thể cả đêm qua người không được thở
mẹ lao ra sân vườn như thể tối qua người quên vật gì ở đó
mẹ cầm cuốc vun cây cầm bình tưới và tôi không còn nghe tiếng thở hắt ra nào
nữa
mẹ đã gặp được tri kỷ của mình
Có gì đó giống tôi lúc này, không rời được tập thanh không dù chẳng ai đòi ai bắt, cũng không ai nhờ ai ơn; nhưng sau mỗi khám phá qua từng câu thơ tôi thấy mình được là mình hơn lúc nào hết!
chúng lớn nhỏ mẹ con cháu chắt
không có lối hàng, lúc dịu dàng, khi rối rít
chúng quấn bện thương nhau
bởi tình yêu của mẹ không trật tự bao giờ
Vâng, ở phần lớn không gian sống trật tự rất cần để chúng ta tuân thủ mà tồn tại và phát triển; nhưng nếu chỉ có vậy thì cả quả đất này sẽ thành của riêng khối NATO, hoặc nơi những nước lớn luôn xâm chiếm và đóng giữ đất của nước nhỏ chẳng hạn vùng Donbass mà không mọc nổi những cuộc đột kích ngược kiểu vòng cung Kursk. thanh không là bài thơ gửi gắm nhiều tâm sự của Trang Thanh về hành trình sống và viết của chị. Có những giai đoạn cuộc phiêu lưu (trong sự dấn thân của đời sống, cách tân của hình thức) đã dẫn đến tình trạng:
Tập thơ “thanh không” của Trang Thanh
vườn tôi không mùa hoa chữ
cái chữ làm con mèo hoang lang thang
chữ quên mình từng là lụa là nước là hoa
Và trên hành trình ấy chị nhận ra:
Con mèo không còn tìm đâu thấy mùi tro căn bếp nhà mình
Rồi có những lúc không chỉ nhận ra mà hiện thực khắc nghiệt ập tới:
ấu thơ kẹo ngọt, hiện tại lũ quét
tôi là bức tường đang xói lở
hay kẻ sẩy chân té chìm
về hồng hoang mắt nhắm
Tôi cho đó là cái “khôn đâu đến trẻ”, nhưng tất yếu, không tránh được và đồng thời không hề lãng phí đối với đời người viết. Những năng lượng tiêu tốn văng mạng ấy như cái giá phải trả để có được ý thức về một ngày kia:
tôi biết mẹ rồi sẽ đến ngày từ biệt
Hơn thế nữa:
đêm ấy tôi mơ
không phải mẹ cha mà chính tôi nằm trong chụp kính
Và cứu cánh cuối cùng là đàn chim (phóng sinh) xanh cốm mang theo linh hồn tìm đến siêu thoát nhưng kết quả vẫn chỉ là:
vườn tôi có tiếng gì thảng thốt
đôi chim xanh cốm bay lạc
hay một cuộc thoát tử kiệt cùng
Người viết, nên sẽ tự vấn kiểu “tôi hỏi chữ của tôi”, cũng như mỗi chúng ta bao lần hỏi những bài thơ, tập thơ của mình đem lại điều gì, ích gì cho bản thân và nhân quần? Từng chữ, thanh, dấu đều mỉa mai hay bất lực hoặc bất hợp tác; đến độ “còn lại thanh không”.
Chẳng rõ Trang Thanh đã ngộ nhập tri kiến Phật tới đâu; nhưng những câu thơ cuối cùng của bài thơ này chính là quá trình muội lược dần duyên sinh dính mắc để rồi chỉ còn lại cái nhân lõi vô sinh bất diệt, là hiện tồn hẳn hoi nhưng khước từ sự làm dáng mà tới thẳng những điều tác giả nung nấu nhất. Bồ Đề Đạt Ma quán tâm pháp: “Phật ở trong tâm như hương trong cây, giác mục hết rồi thì lõi hương tự hiện”.
Chữ không ấy, tưởng đầy tự ti giữa những eo sèo khoe mẽ; lại chính là cảnh giới cao nhất, khi người viết thong dong góp phần mình vào bể thi tính nhân loại, bất thối chuyển nhưng không ảo tưởng.
6. Sống là sống với
Tới trang thứ 100 của tập thơ, những tưởng tác giả luôn bận rộn với thế giới riêng của mình, rồi tôi gặp bài nếu đi hết sông này.
nếu đi hết sông này ta có gặp
người lính cầm trăng ngồi khóc thịt da mình
Thì Trang Thanh lại từ đi rất sâu vào thế giới riêng, “xác ve kim – còn nán lại trên cành nghe kiếp mình ca lên”; mà gặp tha nhân, những người lính đã ngã xuống nhưng chưa thể siêu thoát! Cái gặp ấy hệ trọng, bởi là cuộc gặp giữa thông minh sắc sảo với sứ mệnh, cũng là với đại tự sự dẫu có lúc ẩn hiện theo thời nhưng chưa từng trở nên thừa thãi.
bên kia bờ
súng đạn xoáy cày ruột đất
Chị đã có cách mô tả đủ sâu mức độ khốc liệt của cuộc chiến, và trong trường hợp này nghĩa đen cũng đúng luôn bởi có đó những địa đạo Củ Chi sát nách chính quyền Sài Gòn hoặc Vĩnh Linh gần ranh giới tạm.
Ở đây, tôi không thấy trơn miệng với “quành quạnh trăng trời” cho bằng “quạnh quẽ trăng trời”, nhưng hiểu nên từ bỏ nhu cầu trơn miệng ấy!
Và dẫu rằng đã có cuộc gặp ở trên, chị duy trì độ khách quan để đảm bảo sự gia tăng dần của kịch tính đau thương, bắt đầu bằng chân lý thốt ra trong dáng khẩu lệnh:
mẹ bảo: cứ đi hết sông này là ra tới biển
nên khôn nguôi những cuộc kiếm tìm
mẹ đi tìm con, vợ đi tìm chồng, anh đi tìm em
cả người khuất đi tìm người khuất
linh hồn họ nhớ nhau neo dọc triền sông
Nhưng câu thơ khiến tôi kinh hãi và cảm phục phải là:
biển đợi sông, mẹ đợi con, vợ đợi chồng
Cùng một chữ đợi, một động cơ nhưng chống trái nhau tận cùng khốc liệt; khi cái đợi thứ nhất càng gần điểm toại nguyện thì những cái đợi sau càng trở nên vô vọng. Người thơ thêm một lần đẩy độc giả tới mệnh đề thiên nhiên “dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Độc giả tuyệt vọng hơn hay an lạc hơn, lại tùy phúc phận mỗi người.
7. Nàng thơ vốn nghiệt
Trước khi vào phần thứ 3 của tập, bài thơ khóc nhà thơ, tôi vừa có một đối thoại ngắn với Trang Thanh. Nữ sĩ cho rằng khi đã bắt được mạch thơ thì viết sẽ nhanh. Tôi bảo tôi lại rất cảnh giác với trạng thái trơn tay này, và tôi thích sự thử thách chật vật trong quá trình viết cho tới tận dòng cuối cùng.
Tôi cũng nói, rất có thể sau khi đọc bài phê bình của tôi (mà tới lúc này nội dung vẫn hoàn toàn bí mật với nữ sĩ) thì số phen stress của chị sẽ giảm. Công việc sáng tạo nghiệt ngã ở điểm đọc giả không quan tâm tác giả gặp nghịch cảnh gì, bi kịch cá nhân lớn tới mức nào mà chỉ quan tâm thơ có hay không. Họ tìm tới nghệ thuật là để thưởng thức, để tìm kiếm câu trả lời nhân sinh… chứ không chủ để động lòng trắc ẩn với tác giả hay nhân vật. Trong Thi nhân Việt Nam, với Hàn Mặc Tử nhà phê bình Hoài Thanh đã viết “khen hay chê đều là bất nhẫn”. Nhưng tôi chủ định để lại sự bất nhẫn ở phía sau bởi vì nữ sĩ đã vượt qua tất cả để mà tiếp tục hay:
người như khung treo áo chập chờn khắp hành lang ẩm thấp
(cây đèn soi vào bóng tối)
Cái hay tả người, tả cảnh như vậy không hiếm, nhưng thần tự chính ở chữ chập chờn.
Con người đã như ở mấp mé của cõi khác!
bóng áo trắng vu vơ sân bệnh viện cũng le lói một tia hy vọng
Gần đây có một nhà thơ đàn anh khi viết về mùi ở bệnh viện, gọi đó là mùi sự sống. Tôi đề nghị thay bằng mùi yêu sống, bởi chỉ trong trạng thái đó người ta mới có xu hướng nắm bắt cái bóng áo trắng “vu vơ” này!
Cũng nhờ vậy, chị đủ bình tĩnh để nắm bắt mọi chi tiết mà cũng là để tỏ ra công bằng với chúng:
mẹ khen em nói hay
em bảo em nói đẹp
em làm cô giáo đi vòng quanh nhà để mẹ làm trẻ con đi theo em
Dẫu rằng những phút thả lỏng như thế sớm bị thực tại đe dọa cắt ngắn:
ông chủ bật cười
mơ hồ lo mình sắp cạn chuyện hay
Thì nhà thơ đã vững vàng vượt qua để làm chỗ dựa cho cả ngây thơ cùng tuyệt vọng:
em cho mẹ mượn em cây đèn em nhé
để mẹ soi vào bóng tối
viết bài thơ tặng hai bố con yêu
Trong sự chân phương hợp cảnh hợp tình, nghĩa đen và bóng của cây đèn đã không còn cách bức như các biện pháp tu từ của chị ở một số trường hợp khác đã dẫn.
Trên trang Facebook của tôi, phần giới thiệu đôi câu thơ của Trang Thanh, nhà thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức có còm đại ý nói nguyên liệu thơ phải sắt thép chứ tranh tre nứa lá chả ăn thua. Thì tôi đã thấy “kim cương gươm báu” của Trang Thanh ở nhiều ví dụ, chẳng hạn khi chị thay vì nhìn nhận những tế bào lạ như kẻ thù nhiều kiếp lại ví chúng như hoa. Đầu tiên nó là nạn nhân mà mỗi chúng ta biết đâu đều cùng góp tay vào đó khi gây ra ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống chung bởi lòng tham vật chất vô độ:
có một nụ hoa chạy trốn thế giới buồn tẻ nấp vào trong ngực anh
(khúc bi ai từ rừng hoa độc)
Rồi sau đó mới thành thủ phạm:
nụ hoa không tìm thấy ánh sáng từ trái tim anh tỏa ấm
nó bon chen chiếm chỗ yêu thương của chúng tôi
nở thành hoa độc
Tất nhiên chị không thể dính mắc vào “mỹ lệ” hóa mãi thứ hoa này mà phải tả thực:
những bông tròn nham nhở nhọn gai
chúng không cần thở không cần ánh sáng
chúng cần tinh huyết của anh
chúng có nọc xanh và những ngón kim dài
Và tôi hiểu chị đã vượt lên trên nỗi đau để mỗi người đọc ý thức đúng về mức độ tàn khốc của bi kịch. Tôi cũng hiểu đã tới lúc không phù hợp để khen câu này hay ý kia tốt, chỉ đồng cảm sâu sắc cùng tâm trạng chị từng có:
tiếng bi ai dội lên, tàng cây trắng rùng rùng
những bóng trắng níu lấy nhau run rẩy bập bùng
cả vườn cây bỗng quây tường nghĩa địa
Quà sinh nhật chị nhận được là kết quả xét nghiệm của chồng:
hoa độc nở trên màn hình sinh thiết
Trang Thanh thân mến và bạn đọc thân yêu, tôi phải huy động đến “độ không” trong lối viết, phẩm tính của kẻ đang tập tọng làm nhà khoa học để có thể tiếp tục dẫn ra những câu thơ của chị:
nàng căn vặn chiếc lá muốn rời khỏi cây bàng cổ thụ;
chẳng có gì mới hơn hay cũ hơn hành trình một đời cây;
(hát trên nỗi tuyệt vọng)
Tôi cảm thấy như thể chị đã nghiến răng vượt qua nỗi đau mà viết cho chính xác suy nghĩ và cảm xúc của mình, một nhà thơ:
có cách gì để hố đất kia chối bỏ người cha của con nàng bé bỏng?!
Cũng lại viết cho chính xác cái lẽ luân hồi của vạn vật:
chiếc lá bàng vẫn đang rung lên như vừa bay vừa hát
nó đã dạo chơi ở một thế giới khác
Nhưng khả năng nhận thức về luân hồi là một chuyện, tu cho tâm mình đồng điệu được với nhận thức ấy lại là chuyện khác, nên chị vẫn “cố gắng hát lên một khúc hy vọng”, và thế mới là con người, là “vô vô minh, diệc vô vô minh tận” (Bát nhã tâm kinh).
8. Từ cõi trông sang cõi
nhà vắng đi một người
đôi khi không dám dọn cho gọn gàng
những khoảng lắng cứ nhìn ta trân trối
(lắng)
Còn đó cái tâm trụ chấp, nhưng là trụ vào khoảng lắng tức gần với hư không, và nghĩa là đã chớm màu thiền. Cũng từ thiền, nhận ra vô thường trên cả hai chiều thời gian và không gian, nhưng sân hận đã nhường chỗ cho như thực tuệ tri:
lặng lẽ
cây lá xanh viền đỏ
chong đêm trường mắt thâu
Lại từ thiền, biết rằng dẫu nghiêm ngắn lao lực cỡ này:
chữ là máu cháy lên
(trống)
Thì cũng chỉ để:
đốt trang đời vô nghĩa
Có lần đối ẩm với nhà thơ Trần Hưng, anh nói lối phê bình thơ của tôi hiện là đuổi nghĩa. Tôi thấy dù là lối nào, tôi cũng đã dùng hết vốn liếng kiến thức lý thuyết phê bình tự cóp nhặt được. Vả lại, nếu đuổi kịp được nghĩa của những tập thơ như của Trang Thanh, tôi tự thấy cũng đủ vui rồi. Còn có đi xa hơn được thế không trong tương lai, tôi hoan hỉ để tùy duyên thuận pháp, không mong cầu.
Và dù chỉ là đuổi nghĩa đi nữa, đọc vị cho ra nhẽ từng thâm ý của tác giả cũng chẳng nhiều người làm, hoặc giả phần đông chỉ đọc mà không văn bản hóa cái thấy của mình ra chăng?
một cánh bướm từ đâu bay đến
mắt cười nheo nheo trăng sa
(trò chuyện với linh hồn)
Mắt bướm, theo sinh học vốn chẳng thể cười và càng không thể nheo nheo. Nhưng sau đau thương mất mát tột cùng, chị đã từ cảm nhận khí chất an hòa và chút niềm tin vào luân hồi chuyển kiếp. Không gọi tên Tây phương cực lạc, nhưng cái không khí trò chuyện này đủ gợi sự siêu thoát và vãng sanh:
ta chuyện trò với di ảnh mỗi sớm mai
tìm ấm êm xưa đã giũ trầm biển biệt
Trong lối viết truyền thống, câu thơ thứ hai thường sẽ phải cắt thành đôi ba câu cộng thêm một vài từ làm thành phần phụ để “bạch hóa” được nghĩa, chẳng hạn ấm êm xưa sau giũ trầm đã vừa xa như cách biển vừa biệt đến chẳng thấy gì. Nhưng lối kiệm lời này, chẳng phải để tỏ ra cao cường hơn hay hấp dẫn hơn, mà để cái cảm xúc nhăm nhe sụt sùi truyền cảm nhường bớt chỗ cho cảm thức hướng tới trung đạo và tới chân không (trong chân không – diệu hữu).
thơm lên vóc hư vô linh giác hạc
tóc mây rợi rợi cánh buồn
Riêng cái nghĩa trong từ rợi rợi này tôi không định đuổi theo nữa, mà dừng ở nhận biết rằng nỗi buồn đã đủ nhẹ để mọc cánh bay lên!
chở ta đậu về sông tóc ơi
thể phách sương phơi gương nước chịu tang trời
Tang tóc từ riêng tư đã được đặt trong cái bể khổ sinh – lão – bệnh – tử chung của chúng sinh muôn loại, thành ra chăng nỗi đau kia làm dịu nỗi đau này?
bóng muốn nói gì với ta? Trùng trùng âm vọng
ta biết nói gì với bóng? Bướm đêm chập chờn lụa sông.
Sự tương phản giữa “trùng trùng” với “chập chờn” cho thấy dường như từ cõi khác nhìn về cõi này rõ hơn từ cõi này nhìn tới, bất chấp bao nhiêu kinh sách về thập điện Diêm Vương hay thiên giới đã được loài người viết ra?
Tạm ngừng môn đuổi nghĩa, tôi chỉ ghi nhận đơn thuần là chị viết “rưng rức quá” thay vì “rưng rưng” bởi diễn đạt này không phù hợp mà thêm chữ “quá”. Lại cũng ghi nhận đơn thuần cái lạnh vốn đến theo cách từ tứ bề, ở đây lại đi như hiện tượng vật lý “mao dẫn” mà “liếm dần lên từng mao mạch ngưng rời”. Tôi mạo muội cho rằng “ngưng rời” là lối viết tắt của “ngưng lại và rời ra”, như một gợi ý để bạn đọc có cho mình cách đọc vị thủ pháp của tác giả.
Gấp tập thơ lại, tôi tự hỏi vì sao thơ mới và hay như vậy mà giờ mới tới tầm mắt của tôi, vốn đã ba lăm năm làm thơ và đọc cũng nhiều? Tạm tự trả lời thế này: Bạn đọc thưởng thức thơ với một mâu thuẫn nội tại, khi thơ cũ (cả về hình thức và nội dung) thì họ dễ đồng cảm nhưng lại chẳng hiếm và vì thế khó mà quí được rồi kết luận thơ bị lạm phát; còn khi có chút gì mới (dù về hình thức hoặc nội dung) lại dễ kết luận là vô lối hoặc tắc tị hay cố gắng tỏ ra bí hiểm…
Có lẽ cũng hiểu thực trạng ấy, nên Trang Thanh chẳng mấy ưu tư về chuyện những bài viết về thơ chị ít ỏi, bài đưa lên truyền thông càng ít hơn. Hình như thú vui tổ chức ra mắt tập sách này chị cũng chưa từng làm. Để lĩnh hội được thơ hay, chắc bạn đọc cũng cần chút óc phiêu lưu dấn thân, như người ăn sầu riêng hoặc rau diếp cá cần vượt qua mùi để được nếm vị.
Dù sao, tiến trình đi tới của thơ là không thể đảo ngược; bởi đời sống con người nhiều phức điệu bất kể quán tính chống lại sự thay đổi, sẽ không thể tìm thấy sự đồng cảm và thỏa mãn trong những bài thơ đơn điệu. Những người thơ nội tâm mạnh mẽ sẵn lòng chờ tiếng nói tiên phong của mình lan tỏa, dẫu khi thấy thành quả ấy thì tóc đã bớt xanh.
Tôi đã từ lối thơ thiên về giải trí ngả sang tìm cầu giải thoát con người khỏi phiền não khổ đau. Tôi nể phục Trang Thanh ở chỗ thơ chị dường như song song đáp ứng được cả hai nhu cầu đó. Chuyện “văn nhân tương khinh” là nói ở đâu đó xa xôi, chứ với chị tôi thực sự “tương trọng” và cảm ơn duyên lành đã cho tôi được đọc tập thơ này.
31/8/2024
Hoàng Liên Sơn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Cánh vạc bên đời Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra...