Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

"Viễn ca" của những phương trời viễn mộng

"Viễn ca" của những
phương trời viễn mộng

“Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh gồm 39 bài thơ được anh viết ở giai đoạn sau này, sau khi đã xuất bản cùng lúc hai tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”
Trong tập thơ mới xuất bản của thi sỹ Nguyễn Tiến Thanh, “Viễn ca” (Nxb Văn học, 2024), ở những bài hay nhất, tôi tạm gọi chúng là “thơ suy tưởng những phương trời viễn mộng”. Tôi không dám chắc đó là một định tính đầy đủ và chính xác, nhưng nó là cái cảm giác ập đến với tôi ngay lập tức khi đọc bài đầu tiên của thi tập, “Viết sáng mồng 1”:
“Anh nấu bữa cơm chiều bằng tà dương còn sót lại/ trên balcony khu tập thể trần gian/ Đợi giao thừa đêm nay/ Mở ra một thế giới mới/ Trỗi dậy trên hoang vu/ Suy tàn trong nồng ấm/ Ngày hôm qua, dọn ra, một mâm cơm ký ức/ Mây bảng lảng trên đầu như khói bếp/ dậy mùi trầm luân/ Người thở hắt trên những lời ca tụng/ Vì sao vì sao vì sao vì sao/ Là câu hỏi/ Hay là ánh sáng?/ Vọng vang và chiếu rọi đương thời…”
Có thể thấy, những gì ở nơi cao nhất, xa nhất, như ánh tà dương, như mây và các vì sao đều đã được nhà thơ kéo lại, gần gũi hóa, biến chúng thành các vật liệu cho việc nấu bữa cơm tất niên. Tà dương là củi lửa, mây là khói bếp, “vì sao” thì không phải là câu hỏi mà chính là những ngôi tinh tú đang chiếu rọi không gian của đêm nguyệt tận. Cái cảm hứng ấy – ở các nhà thơ cổ trung đại và các nhà thơ tiền chiến lãng mạn thường được gọi là cảm hứng vũ trụ – tiếp tục được thi sỹ triển khai trong những suy tư về thế giới và con người lúc sáng mồng một, theo kiểu của một Arthur Rimbaud “tiên tri thấu thị”. Thế giới bất an, thậm chi điên cuồng, còn định mệnh của con người là buồn bã, đau khổ, chia cắt, hoang mang, và:
“Một lễ hội thả thính vĩ đại trên ao, hồ, khe, suối/ Đầm lầy và tất cả các đại dương/ Sáng tạo mắc câu trong không gian nặng mùi hổ thẹn/ Nửa đời tóc hóa rong rêu/ Môi cười, mà mắt vẫn hiu quạnh buồn”
“Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh gồm 39 bài thơ
Bài thơ khép lại bằng tâm trạng buồn, thể hiện chân thực qua ánh mắt – cái cười trên môi chỉ là giả tướng – ánh mắt của một người đã vào độ tri thiên mệnh, “nửa đời tóc hóa rong rêu”, trải qua nhiều sóng gió biến thiên cuộc đời và cũng hứng chịu không ít những vết thương chí mạng từ số phận và lòng người. Nói chung, buồn là một phẩm chất thường trực của những thi sỹ đích thực: buồn trong không gian, buồn trong thời gian, buồn giữa nhân quần đông đúc và buồn ngay cả khi đối diện với chính mình. Vì thế ở đây có hai hệ quả: 1, người làm thơ mà thơ lúc nào cũng vui mừng hớn hở thì chỉ nên làm cán bộ tuyên truyền chứ không thể là thi sỹ; và 2, nỗi buồn của thi sỹ chưa khi nào tắt, cho nên nó cũng chẳng cần phải được phục sinh. Nỗi buồn, cảm giác buồn luôn ở đó, như một phẩm chất thơ Nguyễn Tiến Thanh, hoặc như một mã gen di truyền, thậm chí như một “thú đau thương”. Hãy thử đọc vài đoạn trong bài “Dạ ca”:
“…Gió bấc thổi oằn cong tóc mỏi/ Vẽ tàn đêm dấu hỏi ngang trời/ Vì sao hỡi, chớp muôn vàn gươm sắc/ Nắm tay vào, nghe vết cắt ngọt sâu/ Mùa thế đó, cứ mỗi lần tháng chạp/ Mọc lên từ hốt hoảng mắt ai/ Đêm chợt giống một khu vườn khô khát/ Uống trăng suông trong run rẩy mưa phùn/ Ta bỗng hiểu cách lụi tàn của cỏ/ Nên chẳng hề mơ mộng cánh sen khô/ Niềm vui gục trên tận cùng bóng tối/ Mây trắng bay, dù đêm vẫn không màu”
Hoặc hai khổ cuối của bài thơ “Viễn ca”, bài thơ được lấy làm tên chung cho cả thi tập:
“…Ta đi rời rã cánh đồng/ Lúa chưa thiếu phụ đã đòng đòng thơm/ Xin dừng chân trước chiều hôm/ Thắp hoàng hôn suốt một cơn say dài/ Ta đi tái nhợt chân trời/ Đường chưa thăm thẳm đã vời vợi mây/ Xin dừng chân trước mai ngày/ Viễn ca một khúc mà đày đọa nhau”
Nguyễn Tiến Thanh viết riêng một bài thơ có nhan đề là “Hỏi buồn”, liệt kê rất nhiều buồn trên cơ thể và trong tâm não con người, cũng như rất nhiều buồn trong không gian tự nhiên và không gian đời sống: môi buồn, tóc buồn, mắt buồn, tay buồn, chân buồn, tim buồn, mưa buồn, nước buồn, sông buồn, đò buồn, biển buồn, cánh buồm buồn, giọt sương buồn… Rồi, sau khi đã thể hiện một mỹ học của nỗi buồn, nhà thơ tự đặt câu hỏi cho riêng mình, kiểu câu hỏi không cần lời giải đáp:
“Buồn là tê tái miên man?/ Buồn im tháng đợi, buồn vang năm chờ?/ Tình buồn, ta trót làm thơ/ Ta buồn, tình có thờ ơ với buồn?/ Buồn là vui giữa vô thường/ Hay mê mải cuối con đường mù sương?/ Một mai giã biệt nhé buồn/ Còn nghe chớp bể mưa nguồn tiễn đưa…”
Nguyễn Tiến Thanh khởi nghiệp thơ từ phong trào thơ sinh viên ở các trường đại học Hà Nội cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, những năm mà sự xám xịt của cuộc sống lập tức biến mất, chỉ còn lại những thăng hoa của thơ ca và cảm xúc ngất ngây bùng nổ mỗi khi các đêm thơ ký túc xá khai cuộc. Những năm ấy tuổi trẻ yêu thơ, say thơ đến quên cả cái đói đang không ngừng cào cấu dạ dày. Nhiều bài thơ Nguyễn Tiến Thanh viết trong khoảng thời gian này hiện vẫn có những người thuộc nằm lòng. Và tinh thần của chúng – say đắm lãng mạn lẫn ngông cuồng phá cách – qua quãng cách thời gian mấy chục năm, chừng như vẫn còn hắt ánh hồi quang đến tận bây giờ. Này là bài “Lá rụng xuống sân trường năm 88”:
“Lá rụng xuống sân trường năm 88/ Ta hai mươi rụng dưới mắt em nhìn/ Ừ có thể lá như ta, đồng phạm/ Mượn gió mùa gây xước tim em/ Tuyệt tình cốc dựng trên lời thề hẹn/ Rượu đong tràn ngõ vắng bơ vơ/ Ta tình cờ nội trú cơn mơ/ Đâu thể hát âm vang lời của nắng?
……………………………..
Đỏ hoa phượng, cháy ngang trời hạ lửa/ Quán ven đường ta “cắm” tuổi thanh xuân/ Dốc cạn túi chỉ còn câu thơ cũ/ Lăn cuối chiều, khất nợ những hoàng hôn/ Lá rụng xuống sân trường năm 88/ Ta năm mươi ngồi viết thơ buồn”
Cái “vết tích” tâm hồn một thuở đầu xanh tuổi trẻ đầy bồng bột ấy của Nguyễn Tiến Thanh, theo một cách nào đó khác, tôi còn nhận thấy ở một bài thơ có tên: “Nhớ rất nhiều như quên”. Tôi sẽ dẫn toàn bài:
“Người post vào thương nhớ/ Cơn mưa rơi bất ngờ/ Ta nghe buồn vô cớ/ Ngập một chiều ấu thơ/ Bây giờ mưa đã thưa/ Mùa không tên bỏ lại/ Những comment người vừa/ Cắt qua miền tê tái/ Bây giờ nghe tóc úa/ Nhớ rất nhiều như quên/ Tuổi cũ vàng trong lá/ Hoa niên rụng trên thềm/ Người về like tình muộn/ Bụi đời xưa áo phai/ Ta follow ảo mộng/ Bảng lảng trên dại khờ”
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh cùng bạn bè tại Lễ ra mắt tập thơ “Viễn ca”.
Đây là bài thơ năm chữ, lãng mạn, có giọng điệu phảng phất giọng điệu thơ Nguyễn Tất Nhiên, một trong những thi sỹ miền Nam cũ mà Nguyễn Tiến Thanh rất yêu mến. Lãng mạn, tình tứ, da diết, thậm chí tê tái nữa, nhưng đọc lên vẫn thấy sự tinh nghịch đặc trưng của tuổi trẻ, bởi lẽ Nguyễn Tiến Thanh đã khéo gài khéo trộn vào một văn bản sầu tình những chữ rất thời thượng vốn thuộc về hoạt động tương tác trên không gian mạng xã hội: post, comment, like, follow, khiến người đọc thơ (như tôi) phải vừa buồn vừa tủm tỉm cười.
Triết gia J.P. Sartre, trong tiểu luận có tên “Văn học là gì?” từng phát biểu, đại ý: nhà văn (xuôi) là người sử dụng chữ, còn nhà thơ đích thực là người chơi với chữ. Há chẳng đúng sao, trong trường hợp này?Thơ Nguyễn Tiến Thanh trong tập “Viễn ca”, tôi nhấn lại ý đã nói ngay từ đầu, là thơ suy tưởng những phương trời viễn mộng. Những phương trời viễn mộng ấy sẽ thành tựu khi, bằng liên tưởng và tưởng tượng, nhà thơ đã kết nối những sự vật, sự việc, tâm trạng đời thường, mang tính chất cá nhân hóa, với tất thảy những gì thuộc về phạm trù cái xa xôi, ảo diệu để làm nên thi ảnh lạ. Thực hiện điều này cần phải có một giả kim thuật ngôn từ, và Nguyễn Tiến Thanh đã thực hiện được trong khá nhiều bài thơ. Bài “Hoang tưởng” chẳng hạn, tôi sẽ dẫn toàn bài:
“Chiều nay/ Cơn mưa nào lang thang/ Chiếc xích lô cô đơn/ Lăn bánh qua mùa thu góa bụa/ Ngoài phố có rất nhiều nỗi nhớ/ Rơi vàng mỗi lối heo may/ Thì đâu dám trách chi trời xanh thế/ Gió rất gầy và ai hát xa em/ Thơ, máu rỏ ven đường thập tự/ Ta, cô đơn đầy ly ca phê đen/ Đắng đến nỗi ngàn đêm mất ngủ/ Rồi lá vỡ dưới chân mười sáu tuổi/ Tờ lịch vèo bay giữa quỹ đạo luân hồi/ Vòng quay cuối thời gian về cát bụi/ Trái đất nằm phơi rốn sơ sinh/ Tênh hênh niềm sỏi đá/ Mặc chiều nay/ Chiều nay/ Cơn mưa buồn lang thang/ Chiếc xích lô cô đơn/ Lăn bánh qua mùa thu góa bụa/ Ở ngoài phố có rất nhiều nỗi nhớ/ Cứ rơi vàng mỗi lối heo may”
Trên trang cá nhân của mình, có lần Nguyễn Tiến Thanh đã chia sẻ những suy nghĩ của anh về một vấn đề bản thể luận mỗi khi ta bàn đến thơ: Thơ là gi? Anh trả lời theo cách phủ định, đại ý: thơ không phải là kể chuyện, muốn kể chuyện hãy đi viết tiểu thuyết; thơ không phải là triết lý, muốn triết lý hãy đi làm nhà tư tưởng; thơ không phải là thuyết pháp, muốn thuyết pháp hãy đi làm giáo sỹ.
Tóm lại, thơ không phải con lừa để người ta chất lên lưng nó đủ gánh nặng nhọc. Thơ chỉ là thơ thôi, là cảm xúc, là ngôn ngữ, là nhịp điệu, là khả năng tạo sự cảm thông chia sẻ giữa những tâm hồn người. Tôi đồng tình với quan điểm này, chỉ hơi khác ở một ý: có thể thơ không phải là triết lý và nhà thơ cũng không cố tình triết lý, thế nhưng mỗi khi anh suy tưởng về “những phương trời viễn mộng”, anh thiết lập sự kết nối giữa cái ở gần và cái ở xa và giữa những thực thể không đồng chất, thì ngay lập tức chất triết lý đã xuất hiện, thông qua hệ thống thi ảnh. Tôi lấy một ví dụ ngẫu nhiên, bài thơ “Giấc mơ tình yêu”:
“Khi chia tay/ Người bảo rằng: tình yêu trói buộc giấc mơ/ Bằng sợi dây run rẩy và buồn/ Một tiếng thở dài/ Thít chặt ban mai/ Lúc gặp lại/ Người thổn thức/ Giấc mơ là một cánh diều/ Chỉ bay được nhờ sợi dây tình yêu/ Qua rất nhiều năm tháng/ Chẳng lẽ chúng ta không hiểu rằng/ Tình yêu là một giấc mơ/ Dù không bao giờ giấc mơ/ Ngồi dậy sau một đêm dài/ Nói những lời cay đắng/ Không bao giờ tình yêu/ Bừng tỉnh/ Nói lời biệt ly/ Và rời xa ta”
Thậm chí trong tập “Viễn ca” này, còn có những bài thơ mà chất triết lý nổi lên như là phẩm chất thứ nhất, và làm thành một thi sỹ Nguyễn Tiến Thanh khác hẳn. Bài thơ có tên là “Đường thẳng” chắng hạn. Cả bài thơ là những băn khoăn nghi vấn của một lữ khách về con đường mà mình đang đi, ở đây là đường đời. Anh ta đi đường thẳng, như một định mệnh, và khá yên ổn. Nhưng đột nhiên anh ta lại nghĩ đến lối rẽ: “Tại sao không chọn một lối rẽ/ Mất gia tốc và quán tính/ Mất thói quen và mất ngôn ngữ/ Nhưng sẽ được gập ghềnh và bụi rậm”. Vấn đề nhà thơ đặt ra ở đây có lẽ là: cứ đi con đường quen thuộc để dẫn đến cái đích chắc chắn nhưng nhàm chán, hay mạo hiểm chọn ngã rẽ để được sống khác đi, được hồi hộp và lo âu trước những khả năng và kết quả còn chưa biết.
Và rồi, sau khi đã cân nhắc chán chê, nhà thơ kết luận rất bất ngờ: “Đường thẳng và lối rẽ/ Xa lộ và bụi rậm/ Đều không phải thứ ta cần/ Cuối cùng/ Ta chỉ cần/ Một chỗ nghỉ chân”. Những băn khoăn nghi vấn về con đường mình đang đi hoặc có thể sẽ đi ấy, như trong bài thơ, hiểu rộng ra, là những băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời và việc sống trên đời. Đây chính là một đại tự sự đã từng bị đáng gục bởi một câu hỏi: “Ai lại đi hỏi vì sao cái lá cây nó lại xanh? Xanh như thế thì để làm gì?”. Còn Nguyễn Tiến Thanh thì trả lời theo cách riêng của anh: “Cuối cùng/ Ta chỉ cần/ Một chỗ nghỉ chân”.
“Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh gồm 39 bài thơ được anh viết ở giai đoạn sau này, sau khi đã xuất bản cùng lúc hai tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời” mấy năm trước. Cái chất tinh nghịch, ào ạt, phóng khoáng đã bớt đi, nhưng bù lại, tập thơ mới của anh thêm sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Nguyễn Tiến Thanh không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng dào sâu tìm kiếm chính mình. Và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng.
30/8/2024
Nguyễn Hoài Nam
Nguồn: Báo Văn Nghệ 8.2024
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Cánh vạc bên đời Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra...