Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Các đô thị giữa thành Cairo - Truyện ngắn Mohamed Matbouly

Các đô thị giữa thành Cairo
Truyện ngắn Mohamed Matbouly

Nhà văn Mohamed Matbouly người Ai Cập sống tại Cairo, sinh năm 1982 và có bằng cử nhân kỹ thuật cơ khí. Ông đã xuất bản tập truyện ngắn “Hội chứng sợ kết hôn” (Gamophobia) và giành giải nhì trong Cuộc thi Truyện ngắn Cairo do Viện Goethe tổ chức năm 2019 cho tác phẩm “Các đô thị giữa thành Cairo”. Tập truyện ngắn “Người ăn dấu hỏi” của ông đã lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Rashid bin Hamad Al Sharqi cho sáng tạo.
Vào lúc bảy giờ sáng, tôi vào ngồi tại một quán cà phê giá rẻ gần quảng trường Talaat Harb ở trung tâm Cairo, nơi tôi làm việc. Tôi gọi món thường dùng của mình - một ly espresso - từ người phục vụ, người mà gần đây tôi phát hiện ra là người Algeria. Vài phút sau, Hélène bước vào. Cô ấy ngoài hai mươi tuổi, người Pháp gốc Phi. Chúng tôi gặp nhau vào khoảng thời gian này hàng ngày và cô ấy uống cà phê với tôi trước khi vội vã đi làm ở một trong những cửa hàng nước hoa gần khu Galeries Lafayette xế nhà hát Opéra, ngay trung tâm Paris. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi nhìn thấy cô ấy. Quán cà phê chật cứng khách và chỉ có hai ghế trống, một ghế cạnh tôi và một ghế cạnh một phụ nữ trẻ tóc vàng người Pháp, đó là chỗ ngồi mà tôi nghĩ Hélène sẽ ngồi;nhưng thay vì ngồi chỗ ấy, cô lại chọn ngồi cạnh tôi, có lẽ là bị thu hút bởi khuôn mặt Ai Cập của tôi, và mặc dù tôi không nói được ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Ả Rập, tôi vẫn trò chuyện trôi chảy với cô ấy và phát hiện ra, trong số những nhiều điều khác, rằng cô ấy vừa học đại học vừa đi làm.
Vào lúc bảy giờ ba mươi sáng, Hélène thức dậy để đi làm và tôi đi cùng cô ấy đến cửa quán cà phê mà qua đó bạn có thể nhìn thấy các tòa nhà khu Galeries Lafayette và cây cầu nối chúng với nhau. Tôi chưa bao giờ dám dấn thân thám hiểm và đi bộ quanh Paris, vì nếu tôi bị lạc và không thể tìm thấy quán cà phê hoặc quay lại qua cửa kiểu Cairo vào văn phòng của tôi gần Quảng trường Talaat Harb thì sao?
Quán cà phê có hai cửa, một thực tế mà dường như người qua đường có thể dễ dàng nhìn thấy; họ có thể dễ dàng nom rõ ai đang ngồi bên trong. Tôi quay lại chỗ ngồi của mình và thấy Hammouda mang cho tôi một ống shisha và đang xếp than. Hamdi, hay là Hammouda mà những người biết anh ấy hay gọi, là một chàng trai trẻ chăm chỉ khác làm việc tại quán cà phê và học tại Đại học Mở.
Lúc tám giờ, tôi thanh toán tiền với người phục vụ người Algeria cho cốc cà phê của tôi và với Hammouda cho điếu shisha của tôi, sau đó đi làm, suy nghĩ về câu hỏi thường gặp mà tôi tự hỏi mình vào thời điểm đó trong ngày: có quán cà phê nào khác ở trung tâm thành phố lại có cửa ra vào dẫn đến các thành phố khác không? Tôi quyết định hỏi ở một vài quán cà phê trên đường đi, nhưng cuối cùng tôi nghĩ lại. Họ có thể nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với tôi.
Vào lúc bốn giờ chiều, đôi khi tôi quay lại quán cà phê và đợi một vài người bạn đến, để chúng tôi có thể tụ tập một lúc trước khi về nhà, và điều này thường trùng với lúc Hélène quay lại, với tâm trạng muốn ngồi với tôi một lúc và lắng nghe tôi nói chuyện trước khi cô ấy về nhà. Vì vậy, tôi ngồi trên ranh giới chia đôi hai nơi, giống như tôi đang ngồi ở ô cửa kính, là người duy nhất có thể nhìn và nghe những gì xảy ra ở cả hai bên, và nói chuyện với bạn bè tôi cho đến tận tối. Tôi kể cho họ nghe về Hélène, người bạn Pháp của tôi, và Hélène kể về họ và Hammouda, chàng trai trẻ dễ mến làm việc tại quán cà phê. Cô ấy thích những cuộc trò chuyện này. Có lần cô ấy mỉm cười nói với tôi:
– Nói với họ rằng em là cô gái tóc vàng, mắt xanh.
– Em còn xinh hơn cả cô gái tóc vàng xinh đẹp nhất mà anh từng thấy, Hélène ạ, – tôi đáp lại với một nụ cười.
– Em biết mà, – cô ấy nói một cách quyết đoán, thậm chí là tức giận. – Anh không cần phải nhắc em đâu. – Rồi cô ấy lại mỉm cười. – Em chỉ muốn làm họ phấn khích thôi, em biết đàn ông Trung Đông nghĩ thế nào.
Chúng tôi cười. Tôi không thể kể cho Hélène nghe những điều họ nói về cô ấy, đặc biệt là những câu hỏi của họ về những đặc điểm hấp dẫn khác nhau của cô ấy, nhưng cô ấy thường làm tôi ngạc nhiên với một cuộc trò chuyện như thế này, như thể một số lời nói của họ đã lọt qua ô cửa đến tai cô ấy. Nói thật thì việc giết thời gian nói chuyện với Hélène đã trở thành một cơn nghiện. Cô ấy giống như một ô cửa thứ ba, một ô cửa bằng xương bằng thịt, dẫn tôi đến thế giới kỳ diệu của riêng cô ấy, và giữa những câu chuyện về tổ tiên người châu Phi của cô ấy được bà ngoại truyền lại cho cô ấy, và những câu chuyện của riêng cô ấy về cuộc sống khi còn là một phụ nữ trẻ người châu Âu hoàn toàn thuộc về xã hội phương Tây, trí tưởng tượng và cảm xúc của tôi trở nên hoang dã. Nhưng quan trọng nhất đối với tôi là khi cô ấy cười, thế là hàm răng trắng của cô ấy buộc phải lộ hết ra. Nụ cười rạng rỡ của cô ấy xuyên thấu trái tim tôi. Tôi có thể cảm thấy con tim tôi đập thình thịch, một cảm giác kỳ lạ mà tôi chưa từng biết đến và không thể giải thích được – hay đúng hơn, tôi sợ phải tìm lời giải thích trong trường hợp tôi thấy mình phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, bởi vì nếu tôi thực sự yêu Hélène thì sao? Một câu chuyện tình như thế này có thể thở được khi nó bị treo lơ lửng trong một quán cà phê không? Và nếu tôi chỉ là bạn của cô ấy thì sao? Nếu đúng như vậy thì tôi sẽ mất cô ấy bằng cách khiến cô ấy cảm thấy tôi đang cố gắng đẩy mối quan hệ của chúng tôi theo một hướng khác. Những suy nghĩ và sự nghi ngờ này cứ xoay vòng trong tâm trí.
Một câu hỏi tôi thường tự hỏi mình là liệu Hélène có thực sự tin rằng tôi đang ngồi ở hai nơi cùng một lúc không. Bạn bè tôi có tin không? Tôi không chắc lắm. Nhưng tôi biết rằng họ thích những câu chuyện của tôi, rằng họ muốn lắng nghe chúng; chúng đã trở thành nguồn giải trí tuyệt vời. Người luôn tỏ ra nghi ngờ rõ ràng là Hammouda, đặc biệt là khi tôi ca ngợi Hélène tóc vàng như thế nào và đôi mắt xanh của cô ấy ra sao. Tôi liếc nhìn anh ấy và thấy một tiếng cười khúc khích bị kìm nén. Tôi đã từng cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra trong đầu anh ấy.
– Này, Hammouda, – tôi nói một cách chế giễu. – Ý anh là anh không tin tôi đến Paris để gặp một cô gái à?
Hammouda mỉm cười vẻ tinh nghịch.
– Tin tôi đi, sếp, tôi tin anh nhất trong số tất cả mọi người. Tôi biết mọi chuyện đang xảy ra rồi.
Tôi không hiểu điều đó có nghĩa là gì, hoặc tại sao anh ấy lại cười. Tôi nuốt nước bọt, nghĩ rằng có lẽ đến một lúc nào đó mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng.
Tám giờ tối, tôi sờ túi sau khi rời khỏi quán cà phê và không tìm thấy chìa khóa. Tôi quyết định quay lại tìm, và tôi thấy Hammouda đang chuẩn bị shisha cho một khách hàng đã ngồi vào chỗ của tôi cạnh ô cửa kính. Tôi không thể thực sự nhìn rõ nét mặt của khách hàng, nhưng tôi nhận thấy rất rõ ràng rằng Hélène và Hammouda đang trao đổi ánh mắt qua khuôn cửa. Lúc đầu, tôi nghĩ mình hẳn đã nhìn nhầm. Nhưng rồi, ngay khi Hammouda xếp xong than, anh ta bước qua cửa đến chỗ Hélène. Tôi lao về phía họ nhưng đã quá muộn, vì họ đã bước ra khỏi cánh cửa kiểu Paris của quán cà phê, tay trong tay, và đang chạy qua các con phố của Paris, và chẳng mấy chốc biến mất khỏi tầm mắt tôi giữa đám đông. Tôi không đi theo họ, chắc chắn là không, sợ rằng mình sẽ không kịp quay lại.
Tôi đứng trong quán cà phê, mất phương hướng. Hammouda đã biết về ô cửa bao lâu rồi, và anh ta lấy đâu ra can đảm để tôi chưa bao giờ phải đi cùng Hélène ra khỏi cánh cửa Paris, dường như không hề lo lắng về việc bị thành phố lớn đó nuốt chửng và thấy mình lạc lối và không thể quay trở lại? Lúc đó, lương tâm tôi cắn rứt, vì nếu chính những câu chuyện của tôi đã mang lại cho anh ta sự khích lệ mà anh ta cần thì sao? Tôi cảm thấy thất vọng, bị áp bức. Đột nhiên, không biết từ đâu, một nụ cười nở trên khuôn mặt tôi khi tôi nhớ lại ánh mắt hạnh phúc của Hélène khi cô ấy đặt tay mình vào tay Hammouda và họ rời khỏi quán cà phê cùng nhau.
Thật bất ngờ, Hammouda quay lại để thay than trên ống shisha, đứng cạnh khách hàng, giờ tôi có thể nhìn rõ hơn. Người đàn ông này ngoài năm mươi tuổi, và ông ấy đang đắm chìm vào những trang cáo phó của tờ báo. Ông ấy trông giống một nhân viên văn phòng, một viên chức cấp thấp; thực tế, ông ấy trông giống một chuyên viên lưu trữ, kiểu người mà bạn thấy trong những bộ phim cũ. Ông ấy khá giống tôi—thậm chí sở thích về cáo phó này cũng là điều tôi chia sẻ—và tôi bắt đầu tự hỏi liệu mình có đang nhìn vào gương không. Tôi gọi Hammouda. Anh ấy không nghe thấy tôi, vì vậy tôi cố gắng thu hút sự chú ý của anh ta bằng nhiều cách khác nhau nhưng vẫn không hiệu quả. Tôi đi nói chuyện với một số khách hàng khác nhưng có vẻ như họ không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy tôi, và khi tôi thử thêm vài lần nữa, tôi đã hiểu. Có một lối vào bằng kính mới ngăn cách tôi với quán cà phê ở hai thành phố, và tôi đã đi qua nó mà không nhận ra. Nhưng bây giờ tôi đã quen với việc băng qua như thế này rồi nên tôi không còn cảm thấy bất ngờ nữa.
Đến nửa đêm, các thành phố đi lang thang quanh trung tâm Cairo như những người đi bộ. Kể từ khi đi qua ô cửa đó, tôi đã gặp nhiều thành phố, những thành phố mà tôi muốn đến thăm nhưng chưa bao giờ dám đến, và khám phá các điểm tham quan của họ ở cự ly gần. Paris, Johannesburg, Berlin, Rome, New York, Tokyo, Buenos Aires và nhiều thành phố khác đều đã đến với tôi gần đây, và giờ đây thời gian cũng đi lang thang, ấy là thỉnh thoảng. Ví dụ, hôm nọ, tôi đã tham dự đám tang của một pharaoh ở Thebes[1], sau đó dừng lại để uống một ly tại một trong những khách sạn nổi ở Luxor[1], quan sát cận cảnh khi chiếc xà lan năng lượng mặt trời đi ngược dòng sông Nile chở theo vị pharaoh đã khuất, người hẳn đã vô cùng sợ hãi và lo lắng khi cố nhớ tên con rắn canh giữ cánh cổng đến thế giới bên kia, nơi mà ông ấy cần để đi qua.
Mọi thứ đều diễn ra rất gần Quảng trường Talaat Harb, nghĩa là tôi luôn có thể quay lại ô cửa kính vào cuối ngày và vẫy tay chào Hélène và Hammouda khi họ ngồi trong quán cà phê. Họ vẫy tay chào lại. Tôi liếc nhìn người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, người vẫn đang đọc báo, và khi ngày ngày tháng tháng trôi qua, tôi thấy tóc bạc từ từ lan dần trên đầu ông, khi ông ngày càng cúi gằm xuống những tờ cáo phó.
Chú thích:
[1] Thebes là một trong những thành phố quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại; hai vương triều thứ 11 và thứ 18 đã dùng đo thị này làm thủ đô. Thebes nằm bên bờ đông của sông Nil và cách Địa Trung Hải khoảng 800 km về phía Nam. (ND)
[2] Luxor: Thành phố ở Thượng Ai Cập , bao gồm cả khu vực của thành phố Thebes của Ai Cập cổ đại . Thủ phủ của tỉnh Luxor . Đây là một trong những thành phố có người ở lâu đời nhất trên thế giới. (ND)
31/8/2024
Mohamed Matbouly
Nguyễn Văn Chiến dịch
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Cánh vạc bên đời Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra...