Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Đâu là "Nghìn trùng", sao mà "Gần gụi"

Đâu là "Nghìn trùng",
sao mà "Gần gụi"?

39 bài thơ trong tập “Nghìn trùng gần gụi” của Dương Đức Khánh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành 2023, có sự lắng dịu đợi chờ, và cả những khao khát dữ dội… Nhưng với giọng thơ tâm tình, thủ thỉ của nhà thơ, người đọc không khỏi cảm thấy cháy bừng lên những câu hỏi: Đâu là “nghìn trùng”, sao mà “gần gụi”?.
Khi thi liệu lắng dòng
Nghìn trùng gần gụi là tập thơ thứ hai, và là cuốn sách thứ sáu của Dương Đức Khánh ra mắt bạn đọc. Tập thơ khá mỏng, thể hiện một sự chín chắn và thận trọng trong việc chọn lọc và thể hiện tác phẩm; vì những bài thơ như những khoảnh khắc tiêu biểu của đời người, mỗi bài thơ khắc khoải như chiếc lá được nhà thơ đặt trôi vào dòng đời. Sự mỏng nhẹ ấy mang cả một gánh nặng của cuộc sống vô thường và những cảm xúc, khát vọng khôn nguôi của nhà thơ:
Cánh chim bạt gió lưng trời
Còn nghe tiếng vọng… ba hồi phèng la
(Làng)
Tập thơ “Nghìn trùng gần gụi” của Dương Đức Khánh
Dương Đức Khánh sinh năm 1960 tại xã Thanh Lương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Một tuổi thơ đầy biến cố và những tháng năm lưu lạc giúp anh trưởng thành, song cũng in hằn vào tâm khảm và đậm nét trong sáng tác. Khi chọn Đồng Nai làm nơi sinh sống, anh thật sự đắm mình với văn chương. Anh được biết đến với những truyện ngắn “cười ra nước mắt”, mang những giọng đa thanh của các miền quê, đặc biệt là miền quê Nam bộ. Song Nghìn trùng gần gụi hầu như chỉ viết về quê mẹ – đất Huế của tuổi thơ vời xa, đầy hoài vọng. Món “nợ làng” (tên tập thơ đầu tiên của tác giả) cũng được tái hiện sâu đằm hơn, tha thiết hơn trong tập thơ thứ hai này. Và mấy “hồi phèng la” xuất hiện trong thơ anh chẳng phải để gây cười, cũng không phải để gây đau, mà là để nhẹ lòng, để đơn giản hóa những điều cao vọng lớn lao của một đời người – nếu xét theo chuẩn mực chung của xã hội. Song đó lại là tín hiệu dành riêng cho mỗi con người, trở thành một điều duy nhất, khác biệt.
Nghìn trùng gần gụi cũng là tập thơ của những điều cơ bản, gần như đơn giản, dung dị trong cuộc sống. Đó là những mảng nội dung về mẹ – gia đình – quê hương, về cái tôi nơi những khoảng trời phiêu bạt, và về tình yêu thầm kín mà cháy bỏng. Dương Đức Khánh cũng chọn cách viết nhẹ nhàng, sâu lắng; nhưng đó là cách viết tìm về “độ không” của ngôn từ, vốn chất chứa rất nhiều sức nặng của nội tâm.
Anh dành những câu thơ chân thật đến tài tình để nói về sự thiêng liêng của nguồn cội:
Rồi mẹ nhắm mắt lúc chưa qua thời tuổi trẻ
Cha ra đi biền biệt mãi không về
Tôi lớn lên cùng dòng sông
Và dòng sông thầm kể với tôi rằng:
Từ buổi hồng hoang
loài người cũng như loài chim di trú
Nhưng khi mảnh đất nào
chôn lại một người thân yêu nhất
Nơi ấy sẽ thành     
bản quán
quê hương
(Quê hương)
Nói về chính mình:
Ta mấy mùa hoang liêu miền cỏ úa
Trước rừng khuya còn khát cháy mặt trời
(Đêm rừng mùa hạ)
Và khát khao một sự thăng hoa trọn vẹn trong tình yêu:
Em, vì sao rơi quá đỗi bất ngờ
Nối xanh thẳm với nghìn trùng gần gụi
Ta ngu ngơ, biển thì rất vội
Cát bỗng mềm, chân ướt
Thủy triều dâng
(Nghìn trùng gần gụi)
Những câu thơ như chất chứa niềm riêng, như nguồn thi hứng đang chạm đến tinh chất, không cho phép nhà thơ dễ dãi trong câu từ và cảm xúc. Anh cho thấy cuộc sống hiện hữu vô cùng quý giá, và “nghìn trùng gần gụi” tưởng là một dòng tự sự xuôi chiều, nhưng thực ra là hai vế mang nặng ý nghĩa của tử sinh, vô thường và sức mạnh tình yêu, những điều như cuộc đời vốn có, không thể tách rời…
Phù sa bừng nở
Với cách tự sự trữ tình mà kiệm lời của Dương Đức Khánh, người đọc cũng sẽ đặt câu hỏi: Ở một tập thơ như Nghìn trùng gần gụi, thì thi hứng chứa mấy phần, và triết lý sống chứa mấy phần ở dưới lớp bề mặt ngôn từ? Không thể tìm thấy những nét hào nhoáng hoặc những màu sắc, đường nét rực rỡ, hấp dẫn trí tưởng của con người, tập thơ có một sự thật thà trong diễn ngôn, kèm theo bút tích của chính tác giả, như để minh chứng cho sự “thai nghén” và sáng tác khá nhọc nhằn của nhà thơ. Có thể nhận ra ngay rằng Dương Đức Khánh là người sống chết với thơ ca, anh dành cho thơ một vị trí sang trọng trong nghiệp viết của mình. Trong tập thơ này, sự tỉnh thức của nhà thơ trước cuộc sống có vẻ sắc nét hơn, sự mài dũa về mặt thẩm mỹ cũng trau chuốt, kỹ càng hơn. Song thơ nói về tình yêu của Dương Đức Khánh cũng mang một ma lực, một sự cháy bỏng khó lòng cưỡng lại. Có thể nói, độ thăng hoa trong thơ anh cũng được đẩy lên cao hơn, say hơn:
qua mấy mùa đại ngàn rong ruổi
trước rừng xuân run rẩy cỏ non
(Đêm rừng mùa hạ)
Tình yêu trong thơ Dương Đức Khánh là sự chấp nhận thực tại, là sự chờ đợi, hy vọng, tin tưởng; song cũng là những giấc mơ dữ dội muốn kéo gần lại, và lấp đầy những khoảng trống tinh thần, những tháng ngày đã mất… Đó không chỉ là tình yêu trai gái, mà còn là tình yêu dành cho cuộc sống này vốn hao khuyết, mang đầy “dự cảm chia ly”, và cũng vô cùng đáng sống. Nhiều nhà thơ hiện đại chọn cách bộc lộ cái tôi cá nhân của mình một cách mãnh liệt, song Dương Đức Khánh lại chọn cách thể hiện tình cảm, niềm tin tưởng một cách thuần túy. Và tinh thần cơ bản trong sáng tác của anh – cả văn xuôi và thơ – chính là ở chữ Thiện. Trong nhiều truyện ngắn, chữ Thiện của Dương Đức Khánh là cách giữ được nụ cười, là sự trào lộng trên chính cuộc sống hiện tại. Còn chữ Thiện trong thơ anh là yêu thương, chờ đợi đến kiệt cùng, đến rã rời, đến trong suốt cả tâm can.
Song tất cả lại được diễn đạt một cách lành hiền, nhẹ nhàng, kín đáo.
Khói trầm còn nợ lư đồng
Tha hương nợ tiếng chiêng ngân phía làng
… Oằn vai gánh nợ đa đoan
Bao giờ trả nổi nợ làng… nắm xôi!
(Nợ làng)
Có lẽ chính vì vậy mà hồn thơ của Dương Đức Khánh có thể nở hoa, có thể bay bổng bằng chính chất sống của anh, không vay mượn, không tô vẽ, phô trương. Tuy nhiên, có một số bài thơ trong tập khá dài, chắc nịch, có thể phát triển thành trường ca (Quê hương, Chiêm bao đất mẹ, Ký ức mùa tao loạn), song cái “tạng” của Dương Đức Khánh lại không viết dài, khiến cho người đọc có chút tiếc nuối. Cái chất phù sa rất lạ, được nhà thơ lắng đọng bằng chính cuộc sống của mình đã làm cho ký ức nở hoa; và thực tại cũng nên thơ, như bài thơ anh viết về nơi mình đang sống:
Sông Buông…
trôi dạt câu thề
Bao lần hò hẹn
có về được đâu
Sông Buông
níu áo qua cầu
Ta nghe từ chốn
ca dao mặn mà
(Nhớ sông Buông)
Có thể nói Nghìn trùng gần gụi cũng là một cuộc tổng kết nhỏ nhà thơ Dương Đức Khánh dành cho một chặng đường đã sống, trải nghiệm với nhiều món nợ của tình thân và tình yêu. Hy vọng đây cũng là sự báo hiệu một bước chuyển mình mới trong sáng tác của anh, với nhiều điều mới lạ, sâu sắc và thú vị.
27/8/2023
Trần Thu Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...