Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Cái cơi đựng trầu

Cái cơi đựng trầu

Từ ngày già tôi mất, suốt ngày bác rể tôi ngồi vò võ trước di ảnh của già. Thi thoảng, bác tôi lại nhắc: “Sao mà đi đâu lâu thế? Mãi chả thấy về!”. Ý bác tôi là nói đến già tôi đấy. Rõ khổ, đang có già tôi ở bên, như đũa có đôi, như chim ríu rít, thế mà bây giờ chỉ còn một mình bác bảo sao mà bác không hụt hẫng, không buồn?
Bác tôi ngồi, một bên là chai rượu uống dở, một bên là cái cơi đựng trầu cùng cái cối giã trầu của già tôi. Lúc khâm liệm già tôi cho vào áo quan, mọi người đã quên không cho những thứ đó theo già. Mấy hôm sau, bác tôi thấy rồi khư khư giữ chúng. Bác cứ ngồi nhâm nhi chén rượu suông và tư lự mãi thế. Có lúc, bác cầm nhầm cái cối giã trầu tưởng đó là chén rượu đưa lên miệng. Không thấy giọt rượu nào bác tôi mới bừng tỉnh. Mân mê cái cối giã trầu rồi lại nhìn cái cơi đựng trầu, bác lẩm bẩm: “Lại quên cái này à? Lúc thèm trầu thì làm thế nào? Rõ khổ! Đi đâu, ở đâu? Sao không về tôi giã trầu cho?”. Hít hà hai thứ đó, bác nói chuyện một mình. Chẳng biết bác nói gì, toàn những chuyện không đầu không cuối.
Già tôi nghiện ăn trầu vỏ. Ngay từ hồi thanh nữ già đã ăn trầu rồi. Già bảo hồi đó tất cả đều thế. Ăn trầu cắn chỉ và nhuộm răng đen là mốt của phụ nữ bấy giờ. Ai có hàm răng đều, đen nhánh như hạt na, có đôi môi đỏ thắm vì ăn trầu thì người đó tự tin lắm. Ngoài dáng và da ra, thì tóc dài, răng đen, môi đỏ, má hồng là tiêu chuẩn của một phụ nữ đẹp. Kỷ vật mà bác tôi tặng già ngày yêu nhau không phải cái gì cao sang mà đó chính là cái cơi đựng trầu. Về sau, khi răng già rụng gần hết, bác tôi mua tiếp cái cối giã trầu cho già. “Tặng bà cho đủ bộ”, bác tôi tươi cười nói vậy. Những thứ này luôn theo già. Nó là vật bất ly thân của già. Móm mém, chẳng còn cái răng nào mà già vẫn ăn trầu. Tất nhiên, muốn nhai được trầu thì phải giã trầu cau cho dập nát trước đã. Bác tôi thường hay làm việc này giúp già tôi. Hình ảnh già đón nhận chiếc cối giã trầu trong đó có miếng trầu đã giã từ tay bác tôi đưa, rồi thư thái ngồi nhai trầu sao mà đẹp thế, hạnh phúc thế! Ôi! Người ăn trầu cuối cùng của thế kỷ hai mươi của làng là đây ư? Cặp đôi hoàn hảo xuyên hai thế kỷ là đây ư?
Hôm già tôi đi viện, tắc-xi đón tận cổng. Bác tôi chống gậy ra hè nhìn. Mấy anh em anh Thực dìu già tôi ra xe. Ô tô nổ máy, xì khói xanh lè, đèn hậu đỏ chót từ từ tiến ra ngõ. Bác tôi ngơ ngẩn nhìn theo. Anh Vinh út phải ra gọi bác, đưa bác tôi vào giường. Hôm sau, không thấy già tôi đâu, bác móm mém nói một mình: “Sao đi chơi lâu thế? Ô tô đưa đón cơ đấy. Tiền đâu mà xe với chả cộ?”. Anh Vinh ghé sát tai bác, nói: “Mẹ con đi viện đấy. Không phải đi chơi đâu. Bố yên tâm nghỉ ngơi đi”.  Bác tôi ngây ra giây lát rồi cười. Cụ lẩm bẩm: “Việc quái gì mà phải đi viện? Ở nhà với tôi không sướng hơn à?”. Thấy bác thế, anh Vinh liền chắt cho cụ ly rượu rồi nói: “Thì ốm đau mẹ con mới phải đi viện chứ. Thôi, bố làm ly này rồi nằm nghỉ cho khỏe. Con cũng chuẩn bị lên viện với mẹ con đây”. Bác tôi cầm chén rượu hờ hững đưa lên miệng. Chất cay cay chạm vào môi, thấm vào đầu lưỡi khiến bác tôi tỉnh dần. Không hẳn là nghiện rượu nhưng không có rượu là bác tôi chậm chạp, kém minh mẫn hẳn.
Ngoại tôi được hai chị em gái là già tôi và mẹ tôi. Các nơi khác gọi chị gái của mẹ là bá, còn quê tôi thì gọi là già. Anh Thực và tôi, hai thằng con trưởng của hai chị em gái là con già con dì cũng như con bá con dì ở các nơi vậy. Ông ngoại tôi mất sớm. Bà ngoại tôi đi bước nữa. Già và mẹ tôi ở với ông bác ruột, coi bác như cha. Hai chị em lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình bác. Mồ côi cha, xa mẹ đẻ, vậy mà mẹ và già tôi cứ hồn nhiên lớn lên, đẹp ra, dần dần trở thành cặp thiếu nữ xinh gái nhất làng Thu Quế. Có người đã ví chị em mẹ tôi là Thúy Kiều, Thúy Vân của làng. Trai làng bám theo đông lắm. Cuối cùng, già về tay bác tôi, người cùng làng. Mẹ tôi lấy bố tôi, một anh bộ đội chuyển ngành, ở xã khác.
Khi bố tôi chuyển công tác về xã, làm đến ủy viên thư ký ủy ban xã thì ông xung phong trong đảng ủy dẫn đầu đoàn ba chục hộ của xã đi khai hoang tận mãi trên Đoan Hùng, Phú Thọ. Nghe tin, cả già và bác tôi tức tốc lên gàn bố mẹ tôi. Bác già thay nhau phân tích, can ngăn. Nào là quê cha đất tổ thế này mà bỏ đi à? Đan Phượng cửa ngõ thủ đô, người ta muốn chả được mà chú dì lại tìm đi là sao? Nào là hay tại cái giấy khen bằng cái quạt nan mà đi đấy? Được khen ho hen chả còn đâu nhá. Bố tôi ậm ừ lẳng lặng thu xếp, bán nhà, bán đất. Cả số gỗ chuẩn bị làm nhà mới cũng bán hết. Mẹ tôi nước mắt sụt sùi trắng đêm day dứt, tiếc nuối.  Cuối cùng, gia đình tôi cùng ba chục hộ khác quyết chí ra đi, từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn để tới miền đất mới. Năm ấy là năm 1963. Đến 1965, già và bác tôi cùng đoàn của xã Song Phượng cũng lên đường tới Đoan Hùng. Họ hạ trại ở xã Hùng Quan, cách xã tôi hơn chục cây số. Bố mẹ tôi vui mừng khôn xiết đón gia đình già. Thế là có chị có em trên vùng đất mới. Ổn định xong chỗ ở, bố tôi đùa hỏi già: “Giấy khen quạt nan của anh chị đâu rồi? Làm xong nhà nhớ phải treo lên đấy!”. Già tôi phân bua: “Thì nhà tôi theo chú. Chủ trương của Đảng xây dựng phát triển kinh tế văn hóa miền núi mà lị. Đất ở đây rộng thế này cơ mà. Củi nữa. Sao mà nhiều thế? Chẳng bù cho ở quê. Tha hồ làm. Tha hồ dùng. Sướng thế này bảo sao chú dì chả rủ nhau đi trước”. Bố tôi ngạc nhiên trước sự thông hiểu chính sách của già. Tất cả cùng cười. Tiếng cười rộn rã khu rừng hoang, vọng vào vách núi đá loang ra âm vang, âm vang…
Mấy năm trước, bác rể tôi bị một trận ốm tưởng chết. Anh em con cháu đã tập trung đầy đủ, chuẩn bị lo hậu sự. Nghe tin dữ, vợ chồng tôi tức tốc vào. Bà con cô bác dưới quê cũng lục tục kéo lên. Bác tôi nằm bất động trên giường. Hai mắt nhắm tịt. Hơi thở khò khè. Tay chân khá lạnh. Trán toát mồ hôi. Già tôi ngồi cạnh nắn tay nắn chân cho bác. Vẻ mặt già đầy lo lắng. Ánh mắt già đăm đăm. Già để ý từng sự đổi thay trên gương mặt của bác. Miệng già như mếu. Thấy bác vậy, tôi lặng lẽ lắc đầu. Toát dương thế kia là sắp đi rồi. Kinh nghiệm hồi bố tôi mất mách bảo tôi thế. Ngày đó, tôi ôm bố trên tay. Trán bố ướt đẫm mồ hôi. Người đuội đi. Hai chân lạnh toát. Ông Tự, bạn của bố tôi, là hàng xóm nghe tin vội chạy tới. Ông đặt tay lên trán bố tôi, lắc đầu. “Bố anh sắp đi đấy. Chuẩn bị tinh thần đi”. Ông nói nhỏ với tôi. Rồi bố tôi đi thật. Bây giờ, bác tôi thế kia có khác gì bố tôi ngày trước đâu?
Anh Lại, bác sĩ dưới quê lên thấy bác tôi vậy buồn bã nói: “Căng đấy. Cú ngã của cụ chỉ là cái cớ cho cụ đi thôi. Bó tay rồi các chú ạ!”. “Còn nước còn tát. Anh cứ tiêm cho bố em mấy ống trợ lực. Biết đâu, bố em qua được thì sao?”. Anh Thực vừa ôm bác tôi vừa nói. Chiều lòng anh, anh Lại tiếp tục tiêm cho bác tôi mấy mũi nữa. Chả biết anh ấy tiêm thuốc gì mà bác tôi vẫn chìm đi, nằm li bì, không biết gì cả. Những ngày sau, già tôi, các anh chị tôi thay nhau bón từng thìa sữa cho bác. Bác tôi trước thì đùn ra, sau rồi cũng mút mát được đôi thìa. Thấy tín hiệu tốt, anh Lại truyền tiếp cho bác mấy chai nước nữa. Già tôi liên tục bên bác dỗ dành bón sữa, vắt cam cho bác. Bác tôi u u mê mê. Miệng bác lúc tóp tép, lúc không. Có lúc, sữa trào cả ra hai bên khóe miệng. Già tôi vẫn kiên trì cho bác ăn. Cứ già bón là bác lại ăn được nhiều. Thế mới lạ.
Cuối cùng, trời không phụ công già và anh em chúng tôi. Một hôm,  bác tôi bỗng he hé mở mắt. Mắt bác mở to dần, nhìn xung quanh ngơ ngác. Bác dừng lại ở già tôi. Thần sắc bác rạng dần. Già tôi mừng quá nâng đầu bác dậy. Già xúc động run run nói: “Ông tỉnh rồi à? Nhận ra tôi chứ? Gớm! Ngủ gì mà ngủ li bì cả tuần nay thế? Làm tôi lo sốt vó đây này!”. Giọng già như hờn dỗi, như trách cứ. Chẳng biết bác tôi có nghe thấy không mà không thấy bác có biểu hiện gì. Tuy nhiên, ai cũng mừng.
Qua cơn nguy hiểm, bác tôi dần hồi phục. Tuy không chết nhưng suốt mấy tháng trời bác tôi phải nằm liệt một chỗ. Già và các anh chị tôi tiếp tục phục thuốc cho bác. Ai bảo đằng nào, già lại bảo các anh chị tôi chạy đằng ấy. Tây y, đông y, thuốc nam, thuốc bắc… đủ các loại. Do nằm nhiều, hai mông bác tôi lở loét. Mặc dù được già và các anh tôi nắn bóp, lật dở, lau rửa người cho bác, khử trùng sát khuẩn đủ thứ nhưng cũng không tránh được việc hoại tử. Giường bác nằm sực nức mùi khó chịu. Tanh tanh, khai khai… Nó xộc vào mũi, lộng lên óc. Ai nhạy cảm rất dễ bị nôn ọe. Vậy mà già và các anh chị tôi thay nhau luôn ở bên bác. Đúng là máu mủ ruột rà.
Dần dần bác tôi rồi cũng đỡ. Bác bắt đầu ăn được cháo dinh dưỡng và sữa bột pha. Già tôi thường ngồi đỡ, giữ cho bác ở tư thế nửa nằm nửa ngồi rồi bón cho bác. Được vậy cũng là khá lắm rồi. Còn hơn mấy tháng trước, bác chỉ nằm. Sống được là nhờ thuốc truyền và tí sữa, tí nước hoa quả. Vừa động viên, già tôi vừa ép bác ăn. Một hôm, bác đòi uống rượu. Các anh chị tôi nhìn nhau. Mọi ánh mắt đổ dồn cả vào anh Thực. Anh Thực ghé sát tai bác tôi nói: “Bác sĩ bảo phải kiêng tuyệt đối bia rượu bố ạ. Bố chịu khó kiêng tí. Mai kia khỏi tha hồ uống, bố nhé”. Bác nhìn thẳng mặt anh Thực vẻ bực dọc rồi quay sang nhìn già. Ánh mắt bác như nài xin. Già tôi liền động viên vỗ về: “Ông chịu khó nghe các con kiêng khem đi. Cố vài bữa nữa, khỏe rồi uống”. Mặt bác tôi xịu lại. Bác hướng ánh mắt nhìn ra chỗ khác, xa xăm. Ai cũng thương bác lắm nhưng đành chịu.
Sau khi các anh chị tôi đi làm, ở nhà còn lại bác và già tôi. Già liền lấy chai rượu chắt ra một chén. Lại bên bác, già tôi vực bác ngồi dậy. Bác ra vẻ dằn dỗi. Già vội nói: “Ông ngồi dậy đi. Tôi giấu chúng nó cho ông uống rượu đây. Nhanh nhanh kéo chúng nó biết thì chết”. Nói tới rượu, bác tôi tỉnh luôn, liền nhỏm người ngồi dậy. Già tôi mắt trước mắt sau nhìn ra cửa rồi nâng chén rượu đưa lên miệng bác. Bác tôi tợp liền mấy ngụm. Loáng cái đã hết chén mắt trâu. Bác khà một tiếng vẻ khoan khoái. Rượu vào, bác nói nhiều hơn, rõ hơn. Hai cụ ríu rít. Rồi cứ thế, ngày nào già tôi cũng bí mật cho bác tôi uống rượu. Các anh chị tôi thấy bác khỏe càng yên tâm đi làm.
Dần dần, bác tự ngồi dậy được. Bác nói nhiều lắm. Toàn chuyện xa xưa. Chẳng chuyện nào ra chuyện nào. Vừa nói bác vừa cười dí dủm. Già tôi vui hẳn. Khi anh Thực phát hiện việc già tôi cho bác uống rượu, già tôi cười phân bua: “Bố mày khỏe lên là do rượu đấy. Nó là thuốc dẫn, là thần dược của ông ấy đấy. Tao cho ông ấy uống cả tuần nay rồi. Có sao đâu. Ông ấy khỏe lên trông thấy đấy”. Nghe vậy, anh Thực chỉ còn biết cười trừ. Vào thăm bác, thấy bác vậy, tôi cũng ngỡ ngàng. Đúng là kỳ diệu. Từ cõi chết bác tôi đã hồi sinh. Chẳng biết do thuốc nào nữa. Có khi do rượu cũng nên? Thì mọi người chả bảo các cụ nghiện rượu nếu đột ngột bỏ là rất căng. Phải cho các cụ uống đều. Nếu bỏ thì phải bỏ từ từ. Cụ nào đột nhiên chê rượu là gay đấy. Bác tôi cũng thế chăng?
Ít ngày sau, bác tôi tự đứng lên rồi đi lại được. Cứ men theo thành giường, chống gậy, bác tôi lần ra bàn uống nước ngồi. Tuy nhiên, trí nhớ của bác giảm hẳn. Nhớ nhớ quên quên, bác tôi cứ lẩm bẩm một mình. Nghe hai cụ tâm sự thì đúng kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. Vui đáo để. Biết vậy nhưng già tôi vẫn cứ chiều bác ngồi tiếp chuyện. “Ngày xưa, tôi yêu bà, lấy được bà là phúc và duyên của tôi lớn lắm đấy. Giờ mà được quay lại ngày ấy bà nhỉ? Hẹn nhau ở sân đình, chỗ cây muỗm í. Gớm! Trăng thanh, gió mát sao mà thích thế hả bà?”. “Ông thì cứ chuyện cũ chuyện mới. Con cái nó nghe thấy lại chả cười cho à?”. “Cười gì mà cười. Cười hở mười cái răng. Chả có thế lấy đâu ra chúng nó? À, mà bà còn nhớ cái vụ nồi đình chứ? Lão Hách bây giờ không biết còn sống hay đã chết rồi bà nhỉ?”. “Ông lại bắt đầu huyên thuyên rồi đấy. Nhớ lâu nhớ mới. Chín chục tuổi đầu, già khú đế ra lại còn. Ông ấy chết từ đời tám hoánh nào rồi!”. “Thế hả? Dạo ấy tôi trẻ con thật. Nghĩ lại vưỡn cứ buồn cười”…
Nhà vắng, tha hồ cho hai cụ tâm sự. Chuyện tình xưa giờ nhắc lại thật lãng mạn. Bệnh tật, tuổi tác theo đó cũng tan biến. Chỉ còn già và bác tôi bên nhau. Trong khi già xoa tay, nắn chân cho bác thì bác huyên thuyên mọi chuyện. Già tôi chỉ nghe. Thi thoảng già chêm vào đôi câu. Hôm nào, già tôi cho bác tăng lượng rượu thì hôm đó không khí chuyện trò rôm rả hẳn. Có lúc lên cao trào, đang đấm bóp cho bác, già tôi giúi bác một cái. Bác ngã đổ kềnh ra giường. Giật mình, nhận ra ngay tình cảnh hiện tại, lập tức già dựng bác tôi dậy, suýt xoa. “Giời ạ! Tôi lại cứ nghĩ là ông khỏe”. “Như cái thuở đương thì chứ gì?”, bác tôi nói rồi cười xòa. Câu chuyện sau đó càng rôm rả hơn.
Chuyện cái nồi đình mà bác tôi vừa nhắc, mẹ tôi đã kể cho tôi nghe đôi lần. Mỗi khi nhớ lại, tôi cứ cười một mình. Sao ngày đó, bác tôi lại ghen thế cơ chứ? Trông bác cù lần vậy mà cũng yêu mãnh liệt ra phết. Thì già tôi như thế cơ mà. Vừa đẹp người lại đẹp nết. Cả mẹ tôi nữa. Hai chị em ngày đó xinh gái nhất làng. Cao ráo, thon thả, tóc dài, da trắng, răng đen… Mọi tiêu chuẩn gái xinh đều hội tụ trong già và mẹ tôi. Về nhà chồng, già tôi đảm đương các việc. Nhanh nhẹn, tháo vát, ngăn nắp, gọn gàng, chỉn chu mọi thứ. Gia đình chồng quý già tôi lắm. Cánh trai làng thấy bác tôi lấy được già thì hậm hực, tiếc nuối, nhất là cái anh chàng Hách, xóm Đình. Anh ta vẫn tán tỉnh bám theo già. Ánh mắt thèm khát vẫn hướng cả về già. Một hôm, già tôi gánh đôi nồi đình ra giếng làng lấy nước. Khi đi qua sân đình, lũ trai làng xúm lại trêu ghẹo. Hách cũng trong toán trai đó. Anh ta tiến tới bảo với già tôi “để đấy, anh xuống giếng gánh nước lên cho”. Không ngờ bác tôi đi làm về đến đó nhìn thấy. Ba máu sáu cơn, bác tôi hắng giọng. Hách nghe được liền tẽn tò quay lại với lũ trai làng. Bác tôi đứng chống cuốc chờ già tôi gánh nước lên rồi đi theo cùng về. Tới cổng nhà, bác tôi cầm cái gậy chạy vượt lên đập tan hai cái nồi đình. Nước chảy lênh láng trên đường, bắn cả vào người già. Giận cá chém thớt, mặt bác tôi hầm hầm. Già tôi ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Bác tiến tới nắm tay già lôi về nhà. Chiếc đòn gánh, hai cái gióng cùng những mảnh nồi đình vỡ nằm rải rác, chỏng trơ ngay trước ngõ. Mấy người nhìn thấy thế rỉ tai nhau. Thôi, đừng trêu ghẹo vợ chồng chúng nó nữa. Không hay đâu.
Bác tôi khỏe lên. Anh Thực bàn với vợ chồng anh Vinh kê hai chiếc giường cá nhân vào cùng một phòng để bác và già tôi nằm. Nhà anh Vinh có bốn gian. Gian cuối xây bao cả hè, gọi là buồng lồi, vì thế nên nó rộng hơn các gian khác. Gian này được ra chia làm hai. Nửa sau là buồng của vợ chồng anh Vinh. Nửa trước thông với ba gian nhà ngoài, có một cửa nách xuống bếp. Hai chiếc giường kê về hai bên, dọc theo nhà. Một cái giáp tường sân. Một cái giáp tường buồng anh Vinh. Trên nhà xuống bếp phải đi qua hai chiếc giường này. Ngồi ở nhà ngoài cũng nhìn thấy chúng. Rất thuận tiện để trông chừng hai cụ và cũng để hai cụ trông nom, chăm sóc nhau. Ban đầu, già ngủ chung với bác. Tuy nhiên, sau đó do bác tôi mắc chứng tiểu nhiều, ngáy to, già tôi không chịu được đành phải mua thêm chiếc giường và kê như thế. Mỗi cụ một giường, sóng đôi bên nhau. Năm nay, bác và già tôi đều tám chín tuổi. Anh em chúng tôi dự định Tết tới sẽ mừng thọ tuổi chín mươi cho hai cụ. Vậy mà già tôi đã vội bỏ bác và anh em chúng tôi đi.
Căn phòng bây giờ chỉ còn một giường. Không gian rộng hẳn ra, trống hoác. Bảo sao mà bác tôi không buồn? Cụ không nhắc đến vợ cụ mới là lạ. Nhìn bác tôi vò võ trong bộ quần áo kẻ sọc rộng thùng thình, lúc thì ngồi bó gối, lúc khác lại ngồi ôm cây gậy, đầu nghếch lên ngơ ngẩn nhìn ra bàn thờ già tôi mà thương lắm. Phòng bác nằm thông thống với ba gian nhà trên, bàn thờ vong già tôi ở gian chính giữa. Thế nên, ngồi ở giường bác trông ra rất rõ. Khói hương nghi ngút, đèn nến nhập nhòa, già tôi trong di ảnh nhìn cứ như vẫn còn đang sống vậy. Mỗi ngày mấy lượt, bác tôi chống gậy ra thắp hương cho già. Không lúc nào bàn thờ không đỏ hương nhang. Hết nén nọ đến nén kia. Có khi bác ngồi ngay trước ban thờ chăm chăm nhìn ảnh già tôi, nhất là lúc cúng cơm già. Mặt bác ngây ra. Mắt bác như nhòa lệ. Đúng là bác tôi khóc thật. Các anh các chị tôi lại phải động viên dìu bác về giường nằm.
Ngôi nhà anh chị Vinh xây trên mảnh đất của bác già tôi. Cạnh ngôi nhà này là nhà của hai cụ. Trước khi bác tôi ốm thập tử nhất sinh, hai cụ ở trong ngôi nhà đó. Đây là ngôi nhà do bác và già tôi dựng lên từ khi đặt chân lên đất này bắt đầu công cuộc khai sơn phá thạch dựng xây quê hương mới. Ngôi nhà đó nhỏ xinh, đơn sơ, bằng gỗ, lợp ngói mũi, tooc-xi xung quanh. Nó đã in dấu bao mồ hôi, công sức của bác và già tôi. Chính ngôi nhà đó, các anh chị tôi lần lượt ra đời. Trừ anh Thực và chị Thà sinh ở dưới xuôi ra, còn lại năm chị em khác đều sinh ra ở đây. Bác và già tôi yêu quý ngôi nhà này lắm. Mặc dù các anh chị tôi đều có nhà xây khang trang, hiện đại, đón bác và già đến ở nhưng hai cụ dứt khoát không đi.
Sau đận bác tôi từ cõi chết trở về, anh Thực nói không để hai cụ ở nhà cũ nữa. Phải đón bác và già tôi ra ở nhà mình cho tiện việc trông nom. Quá tam ba bận, lần thứ ba, bác tôi mới chịu lên ô-tô ra ở nhà con trai trưởng. Anh Thực liền làm bữa cơm liên hoan. Anh em con cháu, thông gia, bạn bè của bác, của già tập trung đông đủ. Ai cũng mừng cho bác và già. Về ở với trai trưởng là hợp lý, hợp tình nhất. Nào ngờ, tối ấy liên hoan xong thì đêm ấy bác tôi lại chống gậy túc tắc lẻn về nhà cũ. Có phải ở gần đâu cơ chứ. Cách đó cả cây số đường đồi chứ ít gì. Vậy mà bác tôi vẫn mò về được. Sáng sau dậy, già và anh chị tôi tá hỏa không thấy bác đâu. Mọi người chia nhau đi tìm. Anh Thực phóng xe máy sang anh Vinh, em út. Không có bác tôi ở đó. Hai anh em liền lên nhà cũ. Bác tôi đang ung dung ngồi uống rượu ở gian giữa. Trên bàn, chai rượu và cái chén đang uống dở đã chứng tỏ điều đó. Nói thế nào thì nói, bác tôi cũng không đi. “Nhà này là nhà gốc, là nơi tao đặt nhát cuốc đầu tiên ở đất này. Tao không đi đâu cả”. Bác nói với hai anh vậy. Cuối cùng, anh Thực phải chịu. Sau đó, già tôi cũng về lại nhà cũ với bác. Già nói: “Không lẽ lại để cho bố mày ở đó một mình. Thôi, chúng mày cho tao về với ông ấy”. Bác và già tôi là thế, không thể xa nhau nửa ngày. Anh Thực đành xuống nước bảo: “Thế thì bố mẹ về ở với chú Vinh. Chứ hai thân già ở riêng chúng con lo lắm. Đêm hôm mưa bão, gió rét, nhỡ chi sao thì khổ”. Hai cụ đồng ý liền. Giàu con út, khó con út, bác và già tôi thương vợ chồng anh Vinh lắm. Với lại nhà anh ấy liền sân với ngôi nhà cổ, các cụ vẫn có thể trông nom được.
Ngày trước, cách đây mấy chục năm, bác tôi đã từng đi bộ hơn trăm cây số về quê để thăm già tôi. Hồi ấy, bác tôi đã gần bốn mươi tuổi. Già tôi về quê ăn giỗ không may bị cảm. Tin báo lên đến Đoan Hùng, tới tai bác tôi. Lập tức, bác tôi cuốc bộ ra nhà tôi để bắt xe về Đan Phượng. Chờ cả ngày không có chiếc xe nào xuôi. Dạo đó, ô-tô hiếm lắm, nhất là xe khách. Nhá nhem tối, bác tôi quyết định đi bộ về quê. Bố mẹ tôi gàn nhưng bác không nghe. Bác dứt khoát đi bộ. Mãi tận chiều tối hôm sau, bác tôi cũng về được tới nơi. Bác đi thẳng ra bệnh viện tìm già tôi. Thấy già tôi bình an, bác mới yên lòng. Nghe chuyện này, mọi người đều lắc đầu thán phục. Chỉ có ông Chúng (tên bác tôi) mới làm được như thế.
Bác tôi thực sự là một ông nông dân cần cù, chất phác, chịu thương, chịu khó. Hồi còn hợp tác xã, bác và già tôi luôn là xã viên tích cực, công điểm luôn dẫn đầu. Ngoài chăm lo xây dựng hợp tác xã, bác và già tôi còn chú trọng phát triển kinh tế gia đình. Mảnh đất năm phần trăm được hai người quay vòng tăng vụ, mỗi năm không biết mấy lần. Nguyên việc nuôi gà bán nghĩa vụ thực phẩm, bác tôi cũng vượt chỉ tiêu trên giao, được thưởng hẳn một chiếc xe Vĩnh cửu. Dạo đó, chiếc xe này quý lắm. Cả làng chỉ vài nhà có thôi. Có xe, bác tôi có điều kiện chở nông sản của nhà đi chợ bán. Năm ngày một phiên. Sáng đèo gà, vịt, lạc, đỗ ra chợ. Trưa về, dọc đường bác tôi lại tranh thủ hót phân trâu, cắt phân xanh cho vào hai cái sọt hai bên thồ về. Vừa sạch làng, vừa tốt ruộng. Bác tôi hềnh hệch cười bảo vậy. Ai nói gì bác cũng kệ. Xe của bác lúc nào cũng có việc. Chỉ tiêu phân chuồng nhà bác vì thế mà luôn là số một của hợp tác xã.
Lại nhớ cái lần bác tôi chở gà lên thị xã Tuyên Quang bán. Trên đó, được giá hơn. Dân thị xã sành ăn lắm. Chả thế mà bọn con buôn toàn xuống các chợ quê tôi để mua gà về trên đó bán. Họ làm được, mình có xe tại sao không? Thế là bác tôi hăm hở đèo chiếc lồng gà to tướng lên Tuyên. Ai ngờ, qua cây số năm, trạm thuế tuýt còi mời bác vào nộp thuế. Bác tôi ú ớ ngỡ ngàng. Trong túi không có một xu. Làm sao mà nộp được thuế được? Bác trình bày với cán bộ thuế. Nói mãi họ mới cho đi. Tuy nhiên, họ yêu cầu khi về bác phải vào nộp thuế. Bác tôi cam kết hứa hẹn. Lúc về, mặc dù giữa trưa, đường không có ai, trạm thuế đóng cửa, bác tôi vẫn quành xe vào gọi, đánh thức cán bộ thuế dậy để nộp thuế. Về sau, nghe được chuyện này, mọi người cười rũ ra. Đúng là người đời! Sao lại hâm thế không biết? Ông Chúng ơi là ông Chúng!
Nhà tôi có bảy anh em, tôi là trưởng nam. Bố mẹ tôi mất sớm, để lại cho tôi hai đứa em còn nhỏ. Tôi thay mặt bố mẹ nuôi dạy hai em. Dù cách nhà tôi hơn chục cây số nhưng già tôi thường xuyên đi bộ ra hỏi han, động viên. Ngày đó khó khăn lắm. Ăn không đủ no. Áo không đủ mặc. Cơm độn sắn, độn chuối liên miên. Già gổng từng cân gạo, mớ khoai ra cho tôi. Già bảo ban vợ chồng tôi, động viên các em tôi. Nhìn tôi còm nhom trong bức ảnh chụp tại hội nghị đảng bộ, già sụt sùi khóc. “Sao gầy và đen thế này hả giời? Đừng cố quá, ốm nằm ra đấy thì khổ cháu ạ!”. Tôi động viên lại già: “Không sao đâu già. Cháu nhìn thế nhưng khỏe lắm đấy”. Già tôi nói: “Đừng có chủ quan. Các em nó trông tất cả vào anh. Anh mà làm sao thì chúng nó biết dựa vào đâu?”. Thời gian trôi đi, vợ chồng tôi lần lượt gả chồng, cưới vợ, làm nhà cho hai em. Già và bác cùng chúng tôi lo tươm tất mọi việc. Từng cân chè, buồng cau, từng yến gạo, con gà, cứ vào việc là già tôi lại mang ra cho tôi. Hình ảnh già tay xách nách mang, gồng gồng gánh gánh tất tả vượt đồi, lội suối mang những thứ đó ra nhà tôi thì làm sao mà tôi quên được? Nhìn dáng đi ấy, nom già y hệt mẹ tôi. Tôi ứa nước mắt thầm gọi “mẹ ơi”. Thế mà bây giờ già đã thành người thiên cổ.
Già tôi rất ít khi ốm đau. Họa hoằn lắm mới phải dùng đến thuốc. Vậy mà bước sang tuổi tám chín, Tết xong già tôi đổ bệnh, ốm liệt giường. Bắt đầu chỉ có khó thở, ho khan. Rồi già bỏ ăn, ngồi thở dốc. Bảo đi bệnh viện già tôi không đi. Đến lúc lên cơn khó thở, già tôi đuội đi, anh Thực quyết đưa đi, già mới chịu. Vào thẳng phòng cấp cứu, bác sĩ khám bảo già bị suy tim, hẹp van hai lá hay ba lá gì đó. Nhập viện. Anh Thực điện cho tôi. Tôi tức tốc đạp xe xuống thăm. Giữa những ngày covid, cả nước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách phòng chống dịch. Đi viện, dẫu là chỉ đi thăm người ốm thôi cũng ngại lắm. Khẩu trang kín mặt. Rửa tay sát khuẩn liên tục. Nhìn ai cũng như rô-bơt, ai cũng như người đã nhiễm vi rus corona rồi. Thế nên, đề phòng tất cả. Ban đầu, tôi tưởng già tôi cũng “dính” vào đại dịch này. Hỏi kỹ các bác sĩ, họ bảo bệnh người già, tim phổi cụ nhão hết rồi. Anh em chúng tôi thay nhau túc trực bên già.
Nằm ở phòng cấp cứu hai hôm, thì hai hôm đó, giường bên cạnh già hai người thay nhau chết. Họ chết không phải vì covid nhưng cả già và anh em tôi đều kinh hãi. Không khí phòng lạnh lẽo, âm u. Khi tạm ổn, anh Thực liền xin cho già lên phòng tự nguyện. Ở đó tuy đắt nhưng sạch sẽ, tĩnh tại hơn. Bác sĩ chăm sóc chu đáo hơn. Ngày nào tôi cũng đôi lần đạp xe xuống thăm già. Sáng sớm và chiều muộn. Thể dục luôn một thể.  Hết mười lăm này, già ra viện về nhà điều trị ngoại trú tiếp. Anh Lại, bác sĩ ở dưới xuôi lên thăm, cho hướng thuốc thang thêm. Anh bảo bệnh viện họ chuẩn đoán đúng đấy. Không mổ được đâu. Tuổi này động dao kéo vào là đi đấy. Thuốc thang bồi dưỡng cho cụ, được ngày nào hay ngày đó. Cú bệnh này là cái cớ để cho cụ đi. Bình tĩnh xử lý trông chờ số phận vậy.
Lại thế nữa. Lại là cái cớ để già tôi đi ư? Bác tôi ngày trước anh cũng nói vậy nhưng qua được đó thôi. Biết đâu, già tôi cũng thế? Thế mà về nhà được mấy hôm, già tôi lại lên cơn kịch phát, anh chị tôi lại phải đưa già trở lại bệnh viện cấp cứu. Được nửa tháng tạm ổn, già đòi về. Hình như già biết số mình đã hết. Về nhà, ai bảo thuốc gì, anh Thực tôi cũng chạy tìm thuốc đó. Nam, bắc, đông, tây y đủ loại. Hy vọng già sẽ được như bác tôi năm nào. Tuy nhiên, càng ngày già tôi càng suy sụp. Chân tay sưng vù như chĩnh tương. Già không nằm được. Lúc nào cũng chỉ ngồi tựa vào chăn, vào người anh chị tôi mà thở dốc. Mọi người thay nhau ngày đêm nâng giấc chăm sóc già. Bác tôi giường bên cũng liên tục hỏi han, vỗ về già.  Thế nhưng, sau ba tháng trời cứu chữa, khi dịch covid vừa lui thì già tôi trút hơi thở cuối cùng. Vậy là kế hoạch mừng thọ song tuổi chín mươi cho bác và già tôi Tết tới không thực hiện được nữa. Anh em, con cháu đau đớn tiễn biệt già.
Bác tôi không biết già tôi đã bỏ bác mà đi. Cụ nói nhiều câu ngô nghê lắm. Mọi người bảo thôi thế cũng được. Để cụ thế cho đỡ phải đau lòng. Cụ mà biết có khi lại theo cụ bà đi đấy. Do bác cứ lẩn thẩn chống gậy ra sân, ra ngõ ngóng tìm già tôi nên các anh chị tôi phải rào sân, làm cổng đề phòng sợ bác đi lang thang ngã xuống ao, xuống hố. Ngõ nhà anh Vinh, hai cái ao to và sâu ở ngay hai bên đường rồi. Cụ mà lỡ chân sa xuống đó thì hối không kịp.
Tôi đang ngồi chơi cờ với mấy ông bạn hàng xóm thì điện thoại reo. Anh Thực gọi. Tôi bấm nút nghe. Giọng anh Thực hoảng hốt: “Chú vào ngay. Bố tôi đi rồi!”. Nói xong, anh tắt máy. Tôi gọi lại, anh cũng không nghe. Chân tay tôi rụng rời. Biết ngay mà. Chắc tại bác tôi nhớ già tôi quá nên chống gậy đi tìm rồi ngã xuống ao đây? Rõ khổ! Đã bốn chín ngày già tôi đâu cơ chứ! Sao hai cụ lại vội rủ nhau đi thế?
Lần vào thăm bác vừa rồi tôi thấy bác khác lắm. Bác gầy rộc hẳn. Da xanh xao. Người bác hom hem toàn da với xương thôi. Bác lơ ngơ chẳng nhận ra tôi nữa. Anh Vinh phải nói to mấy lần bác mới gật đầu. “Nhớ rồi! Cái anh này cho tôi cái gậy này đây chứ gì?”. Vừa nói bác tôi vừa chọc chọc cái gậy xuống nền nhà. Anh Vinh giải thích cho tôi: “Ông toàn nhắc đến chú thôi. Ông bảo cái gậy đầu rồng này là chú mua cho đấy. Đi đâu ông cũng chống cây gậy của chú đi theo”. Thì ra là thế. Tôi nhìn cây gậy trúc và nhớ ra mình đã mua tặng bác trong một chuyến công tác lên biên giới cách đây hơn chục năm. Lâu quá rồi. Thế mà bác vẫn giữ và dùng tới tận bây giờ. Không ngờ món quà nhỏ bé ấy bác lại trân trọng giữ gìn đến vậy. Bây giờ bác lại bỏ đi theo già thật rồi sao?
Tôi lập tức phi xe vào nhà anh Vinh. Mấy anh em anh Thực đều có mặt ở đó. Tôi hình dung ra bác sẽ nằm yên nghỉ trên giường nhưng…chiếc giường trống trơ. Tôi liền hỏi: “Ông nằm đâu hả các bác?”. Anh Thực vẻ mặt lo âu, buồn bã nói: “Chẳng biết ông ở đâu nữa. Ngủ trưa dậy, chú Vinh không thấy ông đâu điện cho tôi. Tôi sang. Anh em chia nhau đi tìm nhưng không thấy, tôi mới điện cho chú”. “Sao em gọi lại bác không nghe? Tưởng cụ đi rồi cơ chứ?”. “Máy hết pin. Thì cụ chả đi rồi đó sao?”. Anh Thực chìa “cục gạch” đen sì ra phân bua. Mỗi người mỗi câu kể đã tìm những đâu những đâu. Nhà người quen, cụ Nam, ông Ân, ông Nhật… đều đến cả rồi. Đã khoắng các ao, thăm dò các hố nước. Đã lùng sục các bụi cây, bờ tre, bụi chuối… Tất cả không thấy bóng dáng cụ đâu.
“Thế đã ra mộ cụ bà chưa?”, tôi hỏi. Mọi người ngẩn ra. Cụ làm sao mà ra tới đó được? Hơn cây số chứ ít gì? Nghĩa trang mãi tít tận trong khu rừng bạch đàn mà! Mỗi người mỗi ý. Tôi giữ nguyên sự phỏng đoán, nói: “Biết đâu đấy. Cụ ông nhớ cụ bà, cụ bà mách bảo cho cụ ông đến thì sao? Theo em, ta cứ thử đến nghĩa địa các bác ạ”. Mọi người tán thành. Tất cả rồng rắn mấy cái xe máy nối đuôi nhau phóng đi. Lúc đó là năm giờ chiều. Nắng đã gần tắt. Tuy vậy, cái nóng mùa hè vẫn oi bức rất khó chịu. Hình như đang có bão xa.
Quả nhiên như tôi phỏng đoán, tới nghĩa trang, bác tôi đang ở đó thật. Cụ ngồi lặng phắc trước ngôi mộ của già tôi. Trên đó, mấy nén hương đang cháy dở đỏ lập lòe. Mùi hương tỏa ra thơm ngào ngạt. Chúng tôi tắt máy, dựng xe và tiến về ngôi mộ. Tất cả đã đứng ngay sau lưng bác. Bác tôi câm lặng, không hay biết gì. Trước mặt bác, ngay đầu ngôi mộ là cái cơi đựng trầu. Trong cái cơi là một quả cau và mấy lá trầu. Trên đó là cái cối giã trầu, bên trong là miếng trầu đã giã. Người tôi lặng đi. Tôi nhìn bác và trân trân nhìn những thứ đó.
“Bố! Sao bố ra đây mà không bảo chúng con?”. Anh Thực lên tiếng. Mãi một lúc sau bác mới ngoảnh lại nhìn chúng tôi. Đôi mắt bác lờ đờ, đẫm lệ. Bác quay lại nhìn mấy nén hương cháy đỏ rồi từ từ chống gậy đứng dậy. Tôi và anh Thực chạy lại đỡ bác. Bác chỉ tay vào ngôi mộ, run run nói với chúng tôi: “Các anh, các chị chôn cái cơi và cái cối trầu này cho bà ấy. Đêm nào tôi cũng thấy bà ấy về hỏi đấy. Tội lắm! Biết không?”. Tất cả chúng tôi lặng người. Mắt ứa lệ. Mấy chị òa khóc.
Mặt trời đã chui tọt xuống phía sau dãy núi trước mặt hắt những tia nắng cuối cùng hình dẻ quạt lên khoảng trời phía tây. Hoàng hôn tím sẫm. Gió hạ mơn man. Nghĩa địa mấp mô mả mới mả cũ lặng phắc. Dáng bác lom khom đứng trước mộ già chắp tay vái như tạc vào không gian linh thiêng, trầm mặc. Bộ đồ ăn trầu của già tươm tất, đầy đủ cả đây. Già ơi! Xin già chứng giám cho tình yêu của bác và tha lỗi cho chúng con. Già ăn trầu già nhé. Miếng trầu cuối cùng bác con giã cho già đấy. Già vui lòng ăn đi để chúng con đưa bác về cho bác thỏa lòng.
Tôi rưng rưng nghĩ vậy và cùng các anh các chị bới một đầu ngôi mộ lên, chôn cái cơi đựng trầu cùng những thứ kèm theo mà bác tôi đã đem tới xuống. Sau đó, chúng tôi dìu bác ra xe. Bác quay lại nhìn mộ già tôi lần nữa rồi vừa chống gậy vừa bám lấy tay anh Thực, bước thấp bước cao ra xe để về.
Trăng đầu tháng đã gác trên đỉnh núi. Ngôi sao ban chiều cũng lấp ló đầu thôn. Thoảng đâu đây tôi như thấy mùi cay nồng của trầu không, vỏ rễ thơm sực nức xộc vào mũi. Chắc là già tôi đang bỏm bẻm nhai trầu ở bên kia thế giới. Dáng vẻ già ung dung tự tại thảnh thơi ngồi sau một đời vất vả, cần lao. Trên tay già là cái cơi đựng trầu và cái cối giã trầu. Ánh nắng chiều vừa tắt thì cũng là lúc ánh trăng lên. Vì thế, màu đồng điếu của cái cơi đựng trầu, cái cối giã trầu cũng vàng lên óng ánh, kỳ ảo. Và hình như già tôi đang cười?.
7/9/2023
Đỗ Xuân Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...