Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Tiếng chim buồn và tiếng chim vui

Tiếng chim buồn và tiếng chim vui

Mỗi sớm mai thức giấc, tôi mở lòng đón nhận hai tấu khúc thiên nhiên: Tiếng chim buồn và tiếng chim vui của chị bìm bịp và anh trảo trẹt. Tất nhiên có cả dàn hợp xướng của các bạn trao trảo, chích chòe, se sẻ, vành khuyên, họa mi… hòa theo làm cho cả không gian vui nhộn, muôn loài tươi rạng, hân hoan, phấn chấn trong một ngày mới.
Có lẽ chị bìm bịp cuộc đời đơn độc, một mình góa bụa nuôi con bên góc vườn lặng lẽ nên giọng chị dù vang rền tràn ngập cả khu vườn, loang ra cả nhánh sông dài mà vẫn cứ nẫu buồn, man mác. Giọng chị như lên men, khơi gợi, khiến cho mọi người thức dậy cả một thời quá khứ xa xăm. Thức dậy tuổi thơ. Và, thức dậy cả một miền cố quán nếu những ai tha phương chưa một lần quây về. Nó gần gũi, ấm áp, thân thiện khôn thể nào ai đó dứt ra được. Chứ không phải chị có mỗi thiên chức nhắc nhở, mang thông điệp đến cho mọi người rằng con nước lớn không đâu. Không những chất giọng của chị bìm bịp dìu dịu buồn do tạo hóa xếp bày, mà màu áo nâu sồng chị khoác lên người cũng vương mang sầu muộn đến nao lòng.
Còn giọng anh trảo trẹt thì đối lập hẳn với chị. Anh như kẻ lắm lời, “rộng họng”. Hễ cất lên là nghe đinh tai, nhức óc. Tuy vậy mà vui. Không phá bỉnh, không gây ác cảm như bác cú mèo để đồng loại xa lánh, đuổi xua mỗi khi đến gần. Nói thì nói vậy chứ dù tiếng chim buồn hay tiếng chim vui, hoặc tiếng chim nào đi nữa cũng đều trong trẻo, thanh cao làm giàu thêm cho đời sống tinh thần của vạn vật. Nếu mở lòng từ bi của Phật dạy, ta sẽ cảm thụ được “tài sản tiếng chim” vô giá đến nhường nào.
Nhớ có lần ngồi với Nguyễn Ngọc Tư trong rừng tràm ở chót mũi Cà Mau. Nàng rì rầm, rì rầm những kỷ niệm giữa chúng tôi lần đầu quen biết  nhau ở Hà Nội trong dịp Hội nghị Những người viết văn Trẻ hơn hai mươi năm trước. Nàng say sưa tuôn ra như suối chảy, trong lúc tiếng bìm bịp cất lên se sắt buồn, khi những đợt sóng vỗ bờ oành oạch bắt đầu con nước lớn. Tiếng chim quyến rũ quá! Có sức hút lạ kỳ như tiếng vọng của mối tình đầu tinh khôi đánh thức ta vậy. Nó dẫn tôi trở về quê nhà của thuở nảo thuở nào một cách da diết. Nguyễn Ngọc Tư thấy tôi mơ màng, dìu dịu buồn, lo ra, nàng nhéo mạnh vào hông… cho tỉnh lại: “Có nghe em nói gì hôn? Chán ông khùng này vô phương!”.
Ở Bến Tre, ở Cà Mau hay bất kỳ nơi nào trên dãy đất hình chữ S thân yêu này, đoan chắc rằng, hễ ai có tính duy cảm mà thưởng thức tiếng bìm bịp, tiếng trảo trẹt dù đang tâm trạng như thế nào đều phải… gác lại. Để dọn lòng lắng nghe tiếng vọng của quê hương trong trẻo, dịu ngọt của quá khứ, của kỷ niệm một cách thâm trầm đến rưng rưng… Nhất là vào những buổi chiều mưa đầu mùa thao thiết, cỏ cây khoan khoái trổi dậy, diện bộ cánh  xanh mơ, mới toanh. Nó làm cho ta nuối tiếc một thời quá vãng, không rõ ràng, không cụ thể nhưng  đầy thi vị.
Có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới về những điều dễ gợi nhớ: Như mùi hương, màu sắc… trong đó có âm thanh. Cho nên trong Kiều của đại thi hào Nguyễn Du từng có câu thơ bất hủ: “Hương gây mùi nhớ, trà khan vọng tình”. Còn thi sĩ Chim Trắng trong thi phẩm Gửi mẹ Lương Hòa (được nhạc sĩ Lê Dân phổ nhạc) thì: “ Con đi con mang theo/ Con chẳng quên gì cả/ Vườn trầu lươn trước ngỏ/ Tiếng cau rụng sau hè/ Đêm qua đường nhớ mẹ/ Thơm thơm nồi cơm khuya…”. Vậy “Tiếng cau rụng sau hè” đích thị là âm thanh đã gợi nhớ rồi còn gì.
Trong không gian trong lành, trong môi trường thanh sạch, không thể thiếu được tiếng chim. Trong mảnh tâm hồn trong sáng, trong “túi” ký ức đáng yêu của mỗi con người không thể thiếu được tiếng chim. Vậy tha thiết, thành khẩn xin con người đừng “xuống tay” giết tiếng chim thật đáng yêu, đáng quí kia! Dù đó là tiếng khắc khoải, buồn thảm của chú chim quốc “nhớ nước đau lòng” hay của loài quạ đen chuyên mang điềm gở “quà quạ” đến hoang mang. Trong cuộc sống, ta dễ vô tình, hờ hững mà quên đi mỗi chúng ta đều ít nhiều mắc nợ tiếng chim. Tiếng chim chết, trộm nghĩ tâm hồn ta cũng chết đi một ít. Do chính mình quay ngọn giáo tự đâm lại mình đó thôi.
Tuổi mới lớn, nhiều lần tôi mang ná đi bắn chim. Nên đến bây giờ trong giấc ngủ, oan hồn của những chú chim do tôi hạ sát ngày đó bê bết máu, dưới gốc ổi vườn nhà hãy còn đeo bám tôi một cách ám ảnh, bồi hồi. Vậy nên, trong những giấc mộng an bình tôi thấy mỗi ngày dần bớt đi những kẻ phản phúc.
8/9/2023
Phạm Bội Anh Thuyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ghi chép của Nguyễn Bình Phương: Palestine - Khi biển bị rào… Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa cùng đo...