Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2024

Cái tủ chè của mẹ tôi

Cái tủ chè của mẹ tôi

Ngày xưa còn bé, tôi ở Hà Đông. Thầy tôi thuộc phái cổ, cụ bận y phục ta: đội khăn, áo dài. Mùa hạ áo dài the. Mùa đông áo đọan, áo sa. Ngày Tết áo gấm. Thầy tôi thích chơi lan và đồ cổ. Phòng khách của nhà tôi có sa-lông Tầu, hoành phi, câu đối, có đĩa bát cổ, có sập gụ và có cái tủ chè.
Cái tủ chè thời thơ ấu của tôi được kê sát tường, dưới tấm hoành phi sơn son, thếp vàng lớn nhất nhà và sau cái sập gụ. Phần giữa tủ lồng kính, trong cũng bầy bát đĩa, lọ cổ. Hai đầu tủ là hai ngăn tủ gỗ, cánh cửa tủ khảm xa-cừ. Một ngăn là tủ riêng của thầy tôi, ngăn bên kia là tủ riêng của mẹ tôi.
Tôi có một kỷ niệm thơ ấu với cái tủ chè của ngày tôi còn bé, một kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Ba mươi năm sau, khi ngồi viết lại kỷ niệm này, tôi như vẫn thấy hiện ra trước mắt cánh cửa tủ mầu nâu gụ gần là màu đen nhánh, những mảnh xa-cừ nhiều mầu óng ánh xanh hồng. Những tay thợ khảm lành nghề trong khu kỹ nghệ Hà Đông, một cơ sở tiểu công nghệ do cụ Tổng-đốc Hoàng Trọng Phu thành lập có sự giúp công của thầy tôi, đã làm riêng cái cái tủ khảm đó để tỏ lòng biết công của thầy tôi. Những mảnh xa-cừ họp lại trên đó thành một phong cảnh sơn thủy, có cành liễu rủ bên hồ nước, có cây cầu gỗ có đàn ngỗng lội dưới hồ. Tôi nhớ nhất ngăn tủ chè đó vào một chiều cuối mùa thu…
Một chiều cuối mùa năm tôi mười hai tuổi. Năm đó, tôi đã nghịch ngợm nhiều trò ra gì. Tôi đã lén đi tắm sông, đã lội được qua sông Nhuệ. Tôi đã có tật mê đọc tiểu thuyết, tôi đã ôm mộng mai sau trở thành văn sĩ, nhạc sĩ, tài tử xi-nê-ma như Gary Cooper, như Clark Gable, và thành thám tử như Đoan Hùng…
Và năm đó tôi đã có, nói là tôi đã “mắc” đúng hơn, cái tật ăn cắp hơi nặng. Tôi không nhớ rõ tôi bắt đầu ăn cắp tiền trong trường hợp nào. Chỉ biết rằng thoạt đầu, tôi chờ thầy tôi đi làm về ăn cơm xong, nằm ngủ trưa, tôi mò vài đầu giường, móc trong cái túi đựng cái đồng hồ quả quít Oméga của ông lấy mấy xu ông để sẵn trong đó để tiêu vặt. Tôi lấy tiền trước hết là để ăn quà vặt, rồi sau đó, đi xi-nê, đi ra Hà Nội tới hàng bán sách ở Bờ Hồ mua tiểu thuyết.
Những ngón tay nhón tiền của tôi trở thành thói quen. Thói quen lan đến cả bàn tay. Cái túi nhỏ đựng đồng hồ của thầy tôi không chứa đủ tiền để thoả mãn nhu cầu ngày một tăng của tôi. Tôi bắt đầu nhòm ngó đến nơi để tiền chợ của mẹ tôi.
Mẹ tôi để tiền chợ trong ngăn tủ chè của bà. Trong đó vài ve nước hoa, vài món nữ trang, một số thư từ, hình ảnh. Và một hộp đựng đồ trang điểm mà mẹ tôi gọi là hộp phấn. Trong hộp phấn đó, bà luôn luôn để chừng năm bẩy chục, một trăm đồng bạc để sáng sáng, bà mở tủ lấy tiền đưa cho người ở đi chợ.
Cái tủ chè của mẹ tôi có khóa, có chìa mở đàng hoàng, nhưng khóa tủ chè là một cái gì dễ mở nhất trần đời. Chỉ cần lựa một cái chìa khóa tủ chè khác, giống giống như nó, hễ cho vào lọt ổ khóa là mở tóach, được liền. Mười hai tuổi tôi đã biết tìm đến hàng bán khóa ở Phố Chợ, hỏi mua cái chìa khóa tủ chè, mở thử. Tôi chỉ cần dùng cái dũa đưa qua, đưa lại vài đường là cái chìa khóa riêng của tôi đã mở được khóa tủ chè của mẹ tôi.
Cánh cửa tủ mở êm. Những tờ giấy hai mươi đồng mầu xanh nằm trong hộp phấn. Tôi bạo tay nhón một tờ hai chục mỗi lần lén mở tủ. Cuộc đời tôi đi vào một chu kỳ tội lỗi, sợ hãi. Từ ngày bắt đầu cuộc ăn cắp tiền của mẹ, lúc nào tôi cũng lo âu sợ mẹ tôi khám phá ra tội trạng. Một cái nhìn, một câu nói rất thường của mẹ tôi nhiều khi cũng làm cho tôi run sợ. Tôi lờ mờ biết rằng cứ ăn cắp thế mãi, thể nào cũng có ngày mẹ tôi bắt gặp, mẹ tôi biết. Tuy được mẹ tôi nuông chiều, tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng hình phạt sẽ ra sao.
Nhưng ăn cắp quen tay, tôi cứ ăn cắp mãi. Trong khi hành động chưa bị bại lộ, trung bình mỗi tuần tôi xử dụng chìa khóa giả, mở tủ chè, lấy tiền một lần. Và lần nào cũng vậy, số tiền tôi lấy là hai chục. Có đôi khi tôi lấy kém số tiền đó, nhưng chưa bao giờ tôi dám lấy nhiều hơn.
Sự thực thì tôi có lấy nhiều hơn số bạc hai mươi đồng, tôi cũng chẳng biết mua sắm gì ngoài việc ăn quà và mua tiểu thuyết. Cứ buổi trưa, vào lúc ba, bốn giờ, anh hàng thịt bò khô quen lệ đến đứng bên kia đường trước cửa nhà tôi. Tiếng kéo đập vào nhau lách cách báo cho tôi biết giờ ăn thịt bò khô đã điểm. Tôi nằm trên lầu, bỏ dở cuốn truyện đang xem, đi xuống ăn thịt bò khô. Mỗi ngày tôi ăn chừng bẩy đến mười đĩa thịt bò khô đu đủ xanh. Có lẽ vì húp nhiều dấm quá và vì ăn quà vặt suốt ngày không ăn được cơm nên thời đó, người tôi gầy gò, tay chân khô như que củi.
Sau hoặc trước chầu ăn thịt bò khô, tôi đi ăn phở. Tôi khoái ăn phở áp chảo dòn. Năm hào một bát phở áp chảo, năm xu một đĩa thịt bò khô. Tôi thường có trong túi số bạc những hai mươi đồng, tôi ăn tiêu trong một tuần mới hết.
Tôi còn nhớ một lần, tôi vào nhà bán sách ở Bờ Hồ, Hà-nội. Cả tiệm chỉ có mỗi một quyển Quê Hương của Nguyễn Tuân bầy ở từng cao nhất của giá sách. Cô bán sách phải đứng lên ghế, với tay lên mới lấy được quyển đó xuống. Có lẽ vì ngại, phần vì biết chắc một tên bé con như tôi không thể có đủ tiền để mua quyển sách đó, nên khi tôi bảo cô lấy sách xuống cho tôi, cô trả lời tôi với một nụ cười:”Em không đủ tiền mua quyển đó đâu. Những 5 đồng cơ…”
Cô ta không biết rằng trước đó một tiếng đồng hồ, tôi vừa mở trộm tủ chè của mẹ tôi và lấy cắp một tờ giấy hai chục. Tôi dõng dạc lên tiếng:”Cô cứ lấy xuống cho tôi, tôi mua…”
Nhưng rồi tới một buổi chiều mùa thu, việc phải đến đã đến. Khi yên trí là mẹ tôi vắng nhà, tôi lấy chìa khóa ra mở tủ. Tôi vừa mở xong cánh tủ và vừa rút được tờ giấy bạc thì có tiếng guốc mẹ tôi từ nhà dưới đi lên. Không kịp bỏ bỏ tờ giấy bạc vào túi, tôi vội đóng cửa tủ lại. Nhưng trên con đường đi từ nhà dưới lên phòng khách của nhà tôi có một tấm kiếng lớn. Mẹ tôi đi lên, nhìn vào tấm kiếng ấy và đã thấy ông con trai đang loay hoay đóng vội cánh cửa tủ.
Về sau tôi mới biết mẹ tôi cũng đã nhận thấy việc bị mất tiền trong tủ chè từ lâu rồi, nhưng bà nghi cho bọn người làm ăn cắp. Chưa lần nào bà nghi cho tôi. Bà không ngờ thủ phạm lại là tôi.
Mẹ tôi lên, túm lấy tôi và bắt quả tang cái chìa khóa giả và tờ giấy bạc rớt dưới chân tôi. Tôi chờ đợi một cuộc trừng phạt có roi mây và bêu xấu linh đình nhưng bỗng dưng tôi thấy mẹ tôi buồn. Buồn như chưa từng bao giờ tôi thấy bà buồn đến thế. Sau khi lượm cái chìa khóa và tờ giấy bạc lên, mẹ tôi buông tôi ra. Tôi chờ bà đánh mắng nhưng mẹ tôi không nói một tiếng…
Rồi mẹ tôi ngồi thừ người, rất buồn. Não nề bà ngồi trong bóng chiều mùa thu xám đang đi dần vào tối bên khung cửa sổ…Tôi không bao giờ quên được hình ảnh ảo não ấy và cảm nghĩ hối hận, sợ hãi hỗn độn của tôi trong lúc đó. Nếu lúc bắt được tôi phạm tội, mẹ tôi la hét, đánh mắng tôi, có lẽ tôi đã không thấm, không cảm động. Tự dưng, tôi hối hận, tôi đến gần mẹ, tôi lí nhí nói lời xin lỗi và lời hứa từ nay sẽ không bao giờ còn ăn cắp nữa.
Mẹ tôi nói, tôi còn nhớ như in từng tiếng:”Mẹ buồn lắm. Thầy mẹ già rồi, con là trai lớn, các em con đông…Mẹ hy vọng con sau này thành người khá, dẫn dắt các em con. Nay con ăn trộm, ăn cắp thế này…Bây giờ còn nhỏ ở nhà ăn cắp của cha mẹ, mai sau lớn ăn cắp của người ta…Mẹ còn trông mong gì được ở con nữa…?”
Không một ngọn roi, không một lời chửi mắng, nhưng mãnh lực của lời mẹ nói mạnh biết là chừng nào. Từ buổi chiều mùa thu xám đó cho tới nay đã hơn ba mươi năm trời trôi qua, tôi không còn bao giờ tái phạm tội ăn cắp dù chỉ một lần.
Hoàng Hải Thủy
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...