BBT: Nhà văn Bùi Công Dụng
vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết THUYỀN ĐỘC MỘC gồm 26 chương, dự kiến phát
hành trong năm 2015 này. Trước đó, nhà văn Bùi Công Dụng có tiểu thuyết Quyền
lực (NXB Văn học, 2010), truyện ký Cha tôi (NXB Văn học, 2013), tiểu
thuyết Đất chùa (NXB Văn học, 2014), tập Truyện ngắn tuyển chọn (NXB Văn học,
2015).
Tạp chí Non Nước giới thiệu
bạn đọc Chương 9 dưới đây được trích từ tiểu thuyết THUYỀN ĐỘC MỘC. Đoạn
trích nói về nhóm thành viên có tư tưởng buôn bán giáo dục trong Hội đồng quản
trị trường đại học Tây Hồ, tiếp tục bàn tính âm mưu chống phá nhà trường bằng
cách cùng nhau ký đơn tố cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng,
gây bất ổn trong hoạt động dạy và học của giáo viên và sinh viên
nhà trường...
Cho tới giờ là đã gần ba
năm hoạt động với vỏn vẹn năm phiên họp, phiên nào cũng gay cấn vì hành vi ép
biểu quyết trên tất cả các vấn đề theo ý muốn của nhóm Trần Chí. Nhất lại là
vào lúc này, giai đoạn cuối của nhiệm kỳ lần thứ nhất năm năm theo quy định của
Hội đồng quản trị, sức ép thôn tính nhà trường của Trần Chí ngày càng mạnh mẽ.
Với số vốn góp năm mươi
sáu phần trăm của nhóm, Trần Chí có một lợi thế rất lớn trong việc đề cử và bầu
cử thành viên Hội đồng quản trị mới. Anh ta chỉ cần dùng quyền đề cử với số
lượng thành viên tối đa mà luật pháp cho phép, là có thể đủ điều kiện lập ra
một Ban kiểm soát, thay cho sự trống rỗng và lỏng lẻo bây giờ. Điều đó cũng đủ
dồn Chủ tịch Nguyễn Nguyên vào chân tường, và lúc đó Trần Chí sẽ chính thức
kiểm soát toàn bộ Hội đồng quản trị.
Nhưng ai mà đoán biết được
cái bài của ông Chủ tịch là thế nào.
Nhìn kìa, cái đồng hồ trên
tường kia, giả sử nó chỉ vận hành được năm năm thì cũng có nghĩa những cái
kim, vòng răng cưa, cái ốc vít của nó cũng sẽ tồn tại tối đa là năm năm như
nó thôi chứ. Nói tối đa là bởi những thứ ốc vít kia cũng có thể hỏng hóc sớm
hơn nhiều. Vậy muốn kéo dài cho đủ hạn định hoặc hơn nữa sự vận hành bền vững
của cái đồng hồ đó thì chỉ có mỗi cách là đem vứt mấy cái ốc vít non yếu gỉ
rét đó đi, thay cái mới vào!
Sự từ chối bất cứ cuộc tiếp
xúc nào với các cơ quan Viện canh tân do bà Viện phó Lâm Yến chủ trì của Chủ
tịch Nguyễn Nguyên là một động thái không những làm cho bản thân Trần Chí mắc
kẹt không triển khai được ý đồ, mà còn làm cho bà Lâm Yến thêm mất mặt. Rõ
ràng bà Viện phó phải là người trả lời ông câu hỏi có thừa nhận hay không?
đã. Bà ký quyết định thanh tra thì chính bà phải trả lời câu hỏi này, không
thể ai khác. Chữ ký đâu phải để xài xể nó một cách dễ dàng. Chữ ký bản thân
nó chứa uy quyền và lòng tự trọng trong đó. Như cách hành xử vừa qua là bà chỉ
mới dùng quyền uy, chứ chưa phải bằng lòng tự trọng. Những viên chức đàng
hoàng ở Viện không cảm thấy bị cơ sở giáo dục thách thức, mà họ còn ủng hộ và
chăm chú theo dõi xem vấn nạn quan liêu vô cảm này sẽ được chỉnh đốn như thế
nào.
Đám cộng sự của bà Viện
phó với kế hoạch bao vây, dồn ông Chủ tịch vào chân tường, kết quả đâu chưa
thấy, mà lúc này chính bà đang bị ông già bản lĩnh phi thường kia dồn vào
chân tường bằng một câu hỏi hiểm hóc. Trả lời đúng thì ông tiếp đoàn vào làm
việc, không trả lời được thì thôi, miễn! Một câu hỏi mà cả xã hội đang theo
dõi sát sao, chờ câu trả lời từ miệng bà Viện phó.
Về phần bà Viện phó, nếu với
lời thừa nhận là Viện đã vi phạm nghị định Chính phủ, xin lỗi nhà trường vì sự
chậm trễ đó mà đã gây ra hậu quả này, thì mọi việc sẽ trở nên sáng tỏ hơn rất
nhiều. Thứ nhất, Viện sẽ nhận được sự khoan dung của công luận. Giới trí thức
các trường đại học cả nước sẽ hình dung ra sự đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức
sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật của cả đội ngũ viên chức cơ quan Viện,
nội bộ ngành sẽ quyết tâm thay đổi cung cách quản lý của mình. Riêng cá nhân
bà, xã hội cũng sẽ ghi điểm cho bà là một người lãnh đạo biết cầu thị.
Còn nếu bà nói không thừa
nhận là Viện canh tân có vi phạm nghị định, thì tất nhiên, việc đầu tiên là
bà phải chứng minh. Lúc đó sự việc càng trở nên ly kỳ, vì bà sẽ lấy đâu ra số
liệu để chứng minh điều ngược lại này. Mà chứng minh làm sao được khi các
thông số ngày tháng năm, thậm chí còn là giờ nữa, là những đơn vị đo lường
trung thành duy nhất của sự thực, những thứ này lại hoàn toàn nằm trong tay
Chủ tịch Nguyễn Nguyên. Bà cũng phải hiểu một điều là ông Chủ tịch nếu có nắm
trong tay chứng cớ là mười, thì ông chỉ mới nói ra một mà thôi. Bà nói
thêm điều gì thì ông ấy sẽ lôi ra, tiếp tục lôi ra nữa.
Giờ ông mới chỉ đưa
ra có một thôi. Có một đó mà cả bà và đám cộng sự tham mưu đang hết sức lúng
túng chưa biết chống đỡ thế nào.
Không những chỉ fax ra lời
từ chối ấy, ông Chủ tịch Nguyễn Nguyên còn gọi điện trực tiếp cho bà Viện phó
để nói thêm về lời từ chối tiếp đoàn thanh tra này:
- Nếu chị cảm thấy trong
chuyện này Viện có lỗi là đã vi phạm nghị định Chính phủ thì chị cũng nên
bình tâm xem xét sự việc. Tôi cũng không đề nghị Viện phải xin lỗi, vì cái
văn hóa này nó xa lạ lắm với quan chức nhà nước, trong đó có chị.
Còn không cảm thấy điều gì
đang xảy ra trong bộ máy vô cảm của chị, thì chị cứ ở đó phụ trách cho tốt
cái lĩnh vực mầm non của chị, việc thanh tra nên để cho người khác làm!
Trời ơi, văn hóa xin lỗi hả?
Cái gì, ông Chủ tịch đòi Viện phải xin lỗi ông à? Thừa nhận chắc gì đã có mà
đòi xin lỗi. Chuyện lạ này bà Viện phó chưa nghe bao giờ. Ông lại còn hạ nhục
bà về trình độ nữa, trình độ nghề nghiệp đã đành, còn trình độ sử dụng cán bộ
nữa..., thật là quá đáng. Không thể để yên việc này!
Rồi bà Viện phó cũng phải
giật mình sờ lại gáy. Lão già nói vậy là lão đã biết rõ chân tơ kẽ tóc nhân
thân mình rồi. Hồi còn làm giám đốc sở giáo dục địa phương, bà cũng bị mang
tiếng vì cái chuyện bao che gian lận thi cử, báo chí lên tiếng dữ dội quá, rồi
đến chuyện quan hệ nam nữ, báo chí càng không tha. Sống ở đó không nổi bà phải
luồn lách chạy được đến chức Viện phó Viện Canh tân Dân trí này, cho thiên hạ
biết rằng từ nay bà không chỉ nắm giữ cái vận mạng tí xíu của giáo dục địa
phương nhỏ lẻ, mà còn là đang cai quản cả một nền giáo dục nước nhà! Nhưng vì
học vấn không bao nhiêu lại ít đọc tài liệu nên bà luôn bị "việt vị"
trong cách hành xử, từ đó thiên hạ chả ai coi bà ra gì.
Nghĩ lại, bà Viện phó còn
cảm thấy bị sỉ nhục sau câu nói về văn hóa xin lỗi đó của Chủ tịch Nguyễn
Nguyên. Ông ta nói đúng. Nó xa lạ thật.
Nhưng hãy nghĩ cho kỹ. Nó
không những xa lạ, mà còn sẽ không bao giờ có!
Lòng tự ái cá nhân mới là
lớn chứ uy tín của cái Viện này là gì, thật viển vông! Bà Viện phó sẽ ra tay
cho ông biết thế nào là sức mạnh của một Viện phó thanh tra cùng cả đội ngũ
hùng hậu của nó!
Trần Chí quá sốt ruột
không hiểu có chuyện gì mà vẫn chưa ai triển khai quyết định của bà Viện phó
Lâm Yến.
Trong khi đó thì thanh tra
Ngu Trứ cứ lấn bấn mãi cái câu hỏi thừa nhận hay không thừa nhận chuyện Viện
vi phạm nghị định. Chuyện lớn quá. Chuyện này mà chưa gỡ được thì cũng khó mà
vào lại trong đó lần nữa lắm.
Vừa gặp Ngu Trứ, Trần Chí
ướm hỏi liền:
- Tôi cũng cám ơn anh là
đã trình chị Lâm Yến ký văn bản yêu cầu cho thanh tra lại đó.
Vừa nói Trần Chí vừa đẩy nhẹ
cái phong bì về phía Ngu Trứ. Hồi trước còn là Vụ phó tổ chức thì mấy vụ này
nhờ vả nhau tí là xong, nhưng bây giờ khác, Trần Chí đang là thân phận cấp cơ
sở của Ngu Trứ, phải tế nhị là chuyện bình thường.
Ngu Trứ quen rồi, chẳng việc
gì phải cám ơn khách sáo, kẹp ngay bỏ vào túi rồi nói:
- Ngay cái vụ bọn kiểm
toán vào làm việc, chúng nó đã moi ra đủ thứ. Xem xét đến cả số lượng sinh
viên, tiền thu học phí có khớp nhau hay không, giáo viên thỉnh giảng thu nhập
thế nào, thời gian thanh toán,.... rồi những thứ khác, mà có phát hiện ra cái
gì đâu. Vì thế bọn tôi có vào cũng không biết phải thanh tra chúng nó cái gì.
Anh nói làm thì tôi cứ làm thôi, nhưng anh phải có lập luận, và tôi cũng cần
trang bị những lập luận ấy. Bẻ lão già Nguyên Nguyên đâu phải chuyện dễ!
Trần Chí liền ngắt lời:
- Tôi sẽ tiếp tục điều tra
cái vụ tiền nong. Nhưng lần này là thanh tra kiểu khác. Lần này là phải thay
đổi chiến thuật, phải đi sâu vào nghiệp vụ tuyển sinh, xem xét từng hồ sơ thí
sinh thi lậu năm đó..
- Thế là phải vào lần nữa
à? Hay chỉ cần nó báo cáo gửi ra?
- Phải vào chứ, tin báo
cáo thế đếch nào được! Chúng ta đánh cấp tập, phải làm cho lão già thất điên
bát đảo...
Bỗng Trần Chí quay sang hỏi:
- Việc thì gấp rút vậy đó
mà không hiểu sao hai tuần rồi mà bên các anh vẫn chưa đi?
Ngu Trúc nói ngay cái điều
nó còn lấn bấn:
- Chưa thấy lão thất điên
bát đảo gì hết, mà đã thấy Viện im lặng chưa biết trả lời với lão sao đây?
Lão cũng còn tỉnh lắm đấy!
- Chuyện gì?
- Lão nói với chúng tôi: Nếu
chưa chuẩn bị được câu trả lời có hay không thừa nhận chuyện Viện vi phạm nghị
định Chính phủ về thời hạn trả lời tổ chức, công dân, thì xin Viện cho phép
trường chờ khi nào có câu trả lời thì chúng tôi sẽ đón tiếp!
Đấy, họ thách luôn cả
thanh tra Viện chứ họ có ngán gì!
Trần Chí bật ngửa. Có chuyện
này nữa kia à? Tưởng lão già chỉ chống chế cho vui thôi chớ! Lão vẫn còn ghim
chuyện này rồi nâng lên thành nguyên tắc làm việc nữa cơ à!
Nhưng với bản chất gian xảo,
Trần Chí liền giở món võ hàm hồ ra:
- Lão già mạnh mồm vậy
thôi, chứ bố bảo cũng không dám chống lệnh vào thanh tra!
- Đó, anh xem!....
Phát súng chỉ thiên nặc
danh vu vơ đã không làm nên cơm cháo gì, Trần Chí bực bội nhóm họp với hai
phó Chủ tịch Hội đồng quản trị là Lan Thụy và Nguyễn Chuyên.
Trần Chí nói:
- Chúng ta bắt đầu cho trận
đánh lớn này. Phải thật nhịp nhàng và dồn dập, không được nhẹ tay với chúng.
Như ba tháng qua hiệu quả thấp quá!
Nguyễn Chuyên nói lại liền:
- Tại anh không nói cho mấy
thằng nhà báo trước. Chúng nó phải được chuẩn bị bài vở trước chứ. Anh quá chủ
quan!
Trần Chí tuy có học, là thủ
lĩnh nhưng trước phản ứng này, cũng đành phải làm hòa với cánh mẫu giáo -
trung học Lan Thụy, Nguyễn Chuyên:
- Không phải tôi chủ quan
mà tại tụi nó không dám. Chúng nó nói là các quy định hiện tại của pháp luật
không công nhận chuyện tố cáo nặc danh. Mặt khác nội dung tố cáo của ta lại
cũng chưa cụ thể, chúng nó không làm được!
Rồi Trần Chí than phiền:
- Đành rằng điều kiện để bọn
báo chí tiếp nhận xử lý là mình phải ghi rõ tên tuổi địa chỉ. Nhưng luật cũng
có quy định là nội dung tố cáo mà rõ ràng, có bằng chứng cụ thể.... thì nặc
danh cũng không sao cơ mà, bọn báo chí vẫn có cơ sở đi thẩm tra, xác minh,
tuy cũng hơi tốn công tốn của. Nội dung mình nêu ra không phải là không có,
nhưng có lẽ trình bày chưa đủ thuyết phục nên nó không muốn điều tra tốn kém
thời gian và tiền bạc không cần thiết!
- Đó, tôi muốn nói là cái
chỗ đó. Mình tố nó mà không nắm kỹ nội dung gì cả, cứ chửi cho sướng miệng
thì chả ăn thua gì, lại còn làm mất uy bà Viện phó. Người ta sẽ nói rằng bà
này chả hiểu luật gì cả cứ ký tá bừa bãi, như con rối của nhóm. Trong khi đó,
ông già Chủ tịch kia mới cao thủ kìa, ông đâu cần nói gì nhiều, chỉ nói mấy
chữ căn cứ điều mấy, nghị định mấy của Chính phủ...thì văn bản số mấy ngày mấy
này của Viện là vi - phạm - pháp - luật! Chỉ có chừng đó thôi mà làm chao đảo
từ quân đến tướng ở cái Viện này!
- Tôi xin rút kinh nghiệm.
Giờ là thời điểm xuất tướng rồi, tôi dự kiến là cả ba ủy viên Hội đồng quản
trị đều phải ký, và tôi sẽ ký chữ ký con Thanh Lam. Hình thức thì là thế... À
quên, chưa hết. Nơi gửi sẽ có bốn người này, một là Phó Thủ tướng, hai là Bộ
trưởng Canh tân, ba là Chánh Thanh tra bộ, thứ tư là Công an An ninh văn
hóa.... Đấy, các anh chị thấy có cần gửi thêm ai nữa không?
Lan Thụy ngồi đờ ra, vẻ mệt
mỏi, đề nghị:
- Biết thêm bớt ai. Tôi
nghĩ anh nói lý do gửi những người này có khi còn hay hơn đấy!
Trần Chí bèn giải thích:
- Gửi phó Thủ tướng là chủ
yếu để dọa thằng Tây Hồ một phen, chứ ông này chả quan tâm đâu. Tôi biết vậy,
nhưng việc gửi là cứ phải gửi, để cho nó thấy thế lực của ta. Thứ hai là Viện
trưởng. Ông Viện trưởng cũng thế, sẽ không can thiệp mà chuyển ngay cho Viện
phó Lâm Yến giải quyết. Phân công trong Viện như vậy rồi. Vả lại về nguyên tắc
là phải báo cáo Viện trưởng, chị Lâm Yến dặn thế! Thứ ba là Chánh Thanh tra
Viện. Cái này đã bàn với Ngu Trứ. Nhận được là nó sẽ làm tờ trình ngay và chị
Lâm Yến cũng sẽ ký ngay quyết định lập đoàn thanh tra. Chỉ mười ngày sau là
đoàn thanh tra sẽ vào tới đó. Sẽ rất nhịp nhàng như thế. Còn tay công an, tay
này thân tín với tôi. Nó có mạng lưới điều tra cả nước, hứa sẽ thu thập các
chứng cớ bổ sung làm cơ sở cho bọn Ngu Trứ làm cái báo cáo kết quả thanh tra
sau này.
Thôi, thế là xong phần
hình thức nhé! Giờ sang nội dung đơn....
Nghe tin thầy Hiệu trưởng
Như Vân mời các anh bên Ban chỉ huy quân sự thành phố cùng tập thể cán bộ
giáo viên trường Tây Hồ tổ chức đêm liên hoan văn nghệ thật tưng bừng chào mừng
ngày thành lập quân đội nhân dân, các thầy cô trong trường phấn khởi quá, hò
reo ầm ĩ. Gì chứ món văn nghệ văn gừng, thi giọng hát, thi nữ sinh thanh lịch,
nữ sinh duyên dáng, tìm kiếm tài năng.... kiểu hội thi này thì chưa trường
nào trong thành phố thậm chí ở tỉnh nữa, địch lại được Tây Hồ. Mỗi năm cứ vài
đợt thế này là phong trào của các thầy cô lên mạnh ghê lắm.
Lệnh truyền xuống, lập tức
tay bí thư đoàn trường triển khai công việc. Mấy cái chuyện lựa chọn tiết mục,
bố trí dàn dựng chương trình, pa-nô băng rôn giới thiệu quảng cáo, tổ chức tập
luyện này thì quen quá rồi, người nào việc nấy cứ thế mà làm thôi.
...Sân trường chật kín
sinh viên và người dân. Các anh bộ đội được ưu tiên dồn hết qua cánh trái và
một phần đông lính trẻ nữa ngồi chung với sinh viên, giáo viên từ dãy đầu đến
nửa sân. Dãy bên phải và nửa sân còn lại là nhân dân và thiếu nhi.
Mở đầu, cô giáo trẻ Thanh
Hương xinh đẹp, áo dài đỏ đính kim tuyến lộng lẫy bước ra. Mấy chàng bộ đội
ngơ ngác đứng tim hết. Trời ơi con gái nhà ai mà đẹp dữ dằn vậy trời!
Chưa đâu, còn cô Minh Tâm
nữa, lúm đồng tiền của cô tí nữa mà hiện ra là mấy anh còn chết luôn nữa đó!
Liền đó là từ cánh trái các cô Minh Tâm, Lưu Thành, Hương Giang, Thanh Nhàn,
Lan Hương, Tuyết Nhung, Ngọc Phượng, Hạ Quyên, Thanh Thảo, Xuân Trang, Thu
Hà, Thảo Quỳnh...tha thướt lướt ra như sóng, bên cánh phải cũng chừng đó
chàng trai mặc áo lính cũng lần lượt nghiêng nghiêng chạy tới về phía sau các
cô gái mỹ miều. Anh nào anh nấy cũng đẹp trai, cao to nhưng thấy... lạ hoắc!
Đám lính vỗ tay rầm trời. Hỏi ra mới biết đó là các chiến sĩ trẻ đội văn nghệ
của Ban chỉ huy quân sự thành phố vừa dự liên hoan văn nghệ quân đội toàn quốc
về!
Ồ, thế thì quá chuẩn! Vào
tiết mục, hai tốp trai gái thi nhau đi bè ...Ta yêu sao làng quê non nước
mình, tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca... Mãi mãi lòng
chúng ta ca bài ca người lính, mãi mãi lòng chúng ta vẫn hát khúc quân hành
ca...
Mấy anh lính trẻ ngồi phía
dưới chỉ trỏ cô giáo trẻ Minh Tâm, chỉ vào cô thì ít mà chỉ cái lúm đồng tiền
của cô thì nhiều. Cô hát lúm đồng tiền cũng hát theo mà cô nghỉ lúm đồng tiền
cũng...nghỉ phép luôn! Mấy anh lính phấn khích quá, lên tặng hoa nữa. Em Minh
Tâm nhận hoa, còn nói nhỏ trong tiếng nhạc đang xập xình: Đừng có mà bứt hoa
vườn trường em nữa nha các anh!
Tiếp đến là màn hip - hop
của đám sinh viên. Chỉ mới nghe siêu em - xi Thanh Hương hô tên tiết mục, đã
thấy tiếng vỗ tay rào rào không ngớt. Trên sân khấu có bốn cặp đôi nam nữ đấu
với nhau. Sau vài cú dạo combo liên hoàn là đến màn đá ngựa của bọn con trai.
Nhóm con trai thì đấu nhau trên nền nhạc bản Sài Gòn đẹp lắm các màn cắt kéo,
đá ngựa thật nhuyễn! Đám lính trẻ vỗ tay không ngớt vì các động tác này khó
mà các em sinh viên nam chơi đỉnh quá, không hề biết mệt. Khi nhóm con trai vừa
lui vào thì mấy em gái trẻ xinh bước tới đi vài combo những động tác nhẹ hơn
nhưng không kém phần hấp dẫn vì bản nhạc hay quá. Các cặp đôi diễn rất nhiệt
tình, hoàn hảo. Lại vỗ tay!
Đến tiết mục đơn ca của nữ
hoàng nhạc pop sinh viên Khánh Thu thì không khí náo nhiệt hẳn. Dàn múa phụ họa
cho bài tình ca Nam Mỹ này có đến sáu bảy tên cả nam lẫn nữ nhảy tưng bừng, mệt
đứt hơi luôn!
Nữ hoàng Khánh Thu vừa nhảy
vừa tiến xuống phía khán giả lính tráng đang ngồi, đã thấy mấy anh lính trẻ bỗng
đứng cả lên, nhanh chóng lập hàng rào thành một khoảng sân rộng, nắm tay em
Khánh Thu rồi các anh cứ thế theo điệu nhạc cùng nhảy nhót quay tít mù....
Vui chơi đã đời đến khuya,
nghe ông chỉ huy trưởng Viện chỉ huy quân sự lên có lời cám ơn. Ông nói thêm
một ít về ngày truyền thống, về tình quân dân cá nước, chúc tụng nhà trường,
bà con
thành phố...
Đám lính trẻ thì bịn rịn
chưa muốn rời, cứ dập dìu bên các cô giáo trẻ. Em - xi Thanh Hương xinh đẹp lộng
lẫy bị đám lính vây quanh trêu chọc cho anh xin số nhà....Mấy anh khác thì đi
theo em Minh Tâm tán chuyện mãi không muốn rời, có anh nhìn say đắm cứ làm
như chưa cắn em được miếng thì chưa chịu ra khỏi cổng trường vậy!...
|
Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016
Thuyền độc mộc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chúa đất miền Khau SưaXXX
Chúa đất miền Khau Sưa Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
-
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi 1. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cảm thức thiên nhiên của các thi nhân không phải là hiếm. Nhưng t...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét