Là người Việt Nam, dù ở đâu,
trong nước hay nước ngoài đều mong sao cho đến ngày Tết để được sum họp gia
đình, được vui chơi, ăn uống ba ngày Tết với những biểu tượng:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối
đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Tất cả, từ người già đến trẻ
em, từ người nông dân “tay lấm chân bùn” đến những đôi trai gái đang tuổi dậy
thì… đều háo hức đón chờ ngày Tết. Người ta đi chợ sắm Tết, mua quần áo mới,
gói bánh chưng, mổ lợn, giã giò, quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ thờ, trang hoàng
câu đối Tết… Các cụ già trong ngày Tết được con cháu mừng thọ, tùy theo tuổi thọ
được mặc áo đỏ, áo vàng; các cháu nôn nóng được người lớn “lì xì”, được mặc áo
đẹp. Tất cả không khí vui tươi của ngày Tết được lặp đi lặp lại năm này qua năm
khác, đời này sang đời khác, khắc họa trong tâm trí từ tuổi thơ cho đến khi về
già. Do đó, trong tâm thức của người Việt Nam in đậm dấu ấn ngày Tết với những
khát vọng sum họp gia đình, cùng với cộng đồng cầu mong cho cuộc sống ngày càng
an khang thịnh vượng. Vì vậy ở đâu có cộng đồng người Việt, dù phải sống nơi đất
khách quê người, bà con Việt kiều vẫn cố gắng để tổ chức đón Tết, đón xuân… có
thể chỉ với một cành đào bằng giấy, một bữa cơm Việt Nam pha trộn.
Bánh chưng bánh tét ngày Tết - Ảnh: internet
Có thể nói lễ tết cổ truyền ở
Việt Nam và Đông Nam Á là biểu tượng tập trung khá rõ nét về đời sống tâm linh
và hội tụ những tinh hoa, những giá trị văn hóa của các dân tộc. Đối với cư dân
trồng lúa nước, thời gian được tính theo chu kỳ và cái phút giao thừa giữa năm
cũ sang năm mới là hết sức linh thiêng. Người ta lễ tạ trời đất, thần linh, tổ
tiên đã phù hộ độ trì cho con cháu suốt cả năm qua và cầu mong cho mùa màng được
mưa gió thuận hòa, con người được mạnh khỏe an sinh. Lễ tết do đó vừa là cầu
mùa, vừa là cầu phúc diễn ra tưng bừng khắp mọi miền đất nước.
Mỗi dân tộc chọn cho mình một
loài hoa biểu tượng cho mùa xuân. Người Việt chọn hoa đào (ở miền Bắc) và hoa
mai vàng (ở miền Nam). Các bạn đã có dịp nào đi chợ hoa Hà Nội chưa? Hầu như tất
cả các ngả đường từ nội thành đến ngoại thành tràn đầy hoa: nào đào, nào quất bạt
ngàn như phủ lên đường phố một tấm áo choàng kỳ diệu. Những người Hà Nội sành
điệu còn chọn mua một giò thủy tiên để hãm cho hoa nở đúng đêm giao thừa! Người
ta sắm những mâm ngũ quả đầy màu sắc với mong muốn có được cuộc sống no đủ,
sung túc. Có thể nói đây là nét đẹp của lối sống con người hòa đồng với thiên
nhiên. Ngày Tết, thiên nhiên như ùa vào từng căn nhà đem lại cho con người một
tình cảm gắn bó (nhân sinh tiểu vũ trụ). Người ta đi mua tranh, mua câu đối Tết
để trang trí trong nhà. Đó là những bức tranh Đông hồ với hình ảnh những chú lợn
bụ bẫm, những chú trâu khỏe mạnh, những con gà mái với đàn con ríu rít... rồi
hình ảnh ông đồ ngồi viết thuê câu đối:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
(Vũ Đình Liên)
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
(Vũ Đình Liên)
Để thông quan với thần linh,
người Việt đã dựng ở ngoài sân cây nêu ngày Tết mà các nhà dân tộc học gọi là
cây vũ trụ, biểu tượng cho vũ trụ luận ba tầng của người xưa. Trên cây nêu người
ta treo một ngọn đèn sáng với lối giải thích của dân gian là soi đường cho tổ
tiên về ăn Tết, nhưng ý nghĩa thực sự của nó là biểu trưng cho nghi lễ thờ mặt
trời, thờ lửa. Để xua đuổi tà ma về quấy nhiễu trong ngày Tết, người ta còn buộc
những chiếc chuông và khánh nhỏ bằng đất nung phát ra âm thanh khi gió thổi làm
cho ma quỷ khiếp sợ vì tưởng đang đứng trước vị thần hay đức Phật. Người ta còn
dùng vôi trắng rắc trên sân hình cây cung và mũi tên để trừ tà ma.
Hình ảnh thầy đồ viết câu đối ngày Tết - Ảnh: Dzũng Nguyễn
Với nhiều dân tộc trên thế
giới, nước là biểu tượng cho sự sống, là nguồn lực khởi thủy của sự sinh sôi nảy
nở và đồng thời là phương tiện tẩy uế. Với cư dân trồng lúa nước thì “nhất nước,
nhì phân”, vào mùa phải cầu mưa. Theo đó, người Việt đã rước nước đem về tế lễ
và ban phát cho mọi người, mọi nhà. Ở làng Yên một khi đại diện làng lên thuyền
ra giữa dòng sông Tồng lấy nước, đám rước thả tiền vàng xuống sông và vẩy nước
lên người. Sau đó, người ta tổ chức lễ đua thuyền sôi động tượng trưng cho những
con rồng mang nước đến cho mùa màng. Cuối cùng nước “thanh khiết” được người ta
dùng để tẩy trần sạch sẽ đón năm mới. Trưa 30 Tết ở tất cả các gia đình người
Việt đều có nồi nước thơm đun sôi để nguội (với hoa mùi già, lá hương nhu, lá
chanh, lá bưởi…) để gội đầu (tẩy trần). Người ta còn gánh nước để vào bể ném
theo mấy đồng tiền thể hiện lòng mong ước “tiền vào như nước”.
Ý nghĩa thiêng liêng của lễ
giao thừa là cầu phúc. Người ta tin và hy vọng năm mới bắt đầu một chu kỳ mới sẽ
có sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Vì vậy phải “tống cựu nghênh tân”,
phải tạ lễ thần linh. Gạo là sản vật quý giá nhất nên được chế biến để hiến tế
thần linh - đó là bánh chưng, bánh dầy, rồi các loại xôi: xôi gấc, xôi đậu, xôi
trắng, chè kho, chè hoa cau. Vật nuôi được hiến tế bằng máu - được xem là
phương tiện truyền dẫn sự sống, vật dẫn linh hồn. Ở người Việt người ta còn
dùng tam sinh để hiến tế: cá chép, chân giò, gà ri, và còn có tục phóng sinh
(thả cá, thả chim…). Đúng vào lúc giao thừa, tiếng pháo rộn ràng chào đón năm mới
trong khói hương nghi ngút linh thiêng, đèn nến sáng khắp mọi nhà. Người ta “xuất
hành”, đi “hái lộc”, “xông đất” để mong được điều tốt lành. Ngày nay, ở các
thành phố lớn, người ta còn bắn pháo hoa để đón giao thừa. Những chùm pháo hoa
đầy màu sắc chiếu sáng bầu trời đêm 30 Tết!
Ngoài ra, vào dịp Tết, người
Việt còn mua trầu cau để cầu may; trong mấy ngày Tết trong nhà luôn luôn có lửa,
có đèn sáng, hương khói liên tục - người Việt xem chân gà để cầu mong được những
thông tin tốt lành của năm mới. Người ta mừng tuổi, mừng thọ, chúc tụng, thăm
viếng nhau, khai bút, khai tâm,… và tham gia vào nhiều trò chơi được diễn ra
nơi sân đình, nơi công cộng như đánh cờ người, kéo co, đánh ri, đánh vật, bịt mắt
bắt dê, trèo cột mỡ, chọi gà, chọi chim. “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, cảnh Tết,
tiết xuân kéo dài, biết bao lễ hội diễn ra trên cả nước, tiêu biểu nhất là lễ hội
đốt pháo ở làng Bình Đà - Hà Nội. Người làng bí mật tạo nên những cỗ pháo lớn để
thi nhau trong ngày lễ. Cả một cuộc biểu diễn hoành tráng về đốt pháo: pháo
hoa, pháo dàn... và cuối cùng là đốt những cỗ pháo lớn với ý nghĩa mô phỏng tiếng
sấm đuổi nắng cầu mưa.
Du xuân - Ảnh: internet
Ngày nay cuộc sống đã hiện đại
hơn, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm cho nếp sống của chúng ta có nhiều
thay đổi, nhiều hình thức vui chơi giải trí, nhiều sản phẩm văn hóa được kết hợp
một cách tinh vi giữa nghệ thuật - kỹ thuật - kinh doanh có sức hấp dẫn mạnh mẽ,
nhất là đối với lớp trẻ. Do đó phần nào người Việt đã không còn nhớ những nghi
thức, những phong tục tập quán của ngày Tết xưa, nhưng trong tâm thức của người
Việt Nam vẫn háo hức mong chờ ngày Tết để được sum họp với gia đình, được thăm
lại quê hương buôn quán, thăm hôn lẫn nhau trong không khí linh thiêng của ngày
Tết. Chớ thế mà hàng năm ngành giao thông đã phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện để
cho bà con về quê ăn Tết.
Nhất là đối với những anh chị
em bà con Việt kiều ở xa Tổ quốc lại càng nhớ mong da diết cuộc sống ở quê nhà.
Vì thế hễ ở đâu có cộng đồng người Việt là ở đấy người ta vẫn tổ chức đón Tết,
mừng xuân…Và đó cũng là một cách giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp cho lớp
trẻ vì chúng chưa một lần được về nước để chứng kiến và cảm nhận không khí ngày
Tết ở Việt Nam. Phải chăng đó là một truyền thống tốt đẹp đã gắn những con người
Việt Nam mãi mãi bên nhau dù họ ở bất kì nơi nào trên hành tinh này.
Phạm Đức Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét