“Mối tình xa xưa” (“Célèbre Valse de Brahms”)
Hôm nay mình giới thiệu đến
các bạn nhạc phẩm “Mối Tình Xa Xưa” (“Germania”, “Célèbre Valse de
Brahms”, “Loin de ton ceur”) của hai nhạc sĩ Johannes Brahms và Phạm
Duy.
Nhạc sĩ Johannes Brahms (7
tháng 5 năm 1833 tại Hamburg – 3 tháng 4 năm 1897 tại Wien) là một nhà soạn nhạc,
nghệ sĩ dương cầm và chỉ huy dàn nhạc người Đức. Các tác phẩm của ông được xếp
vào chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism).
Sinh ra trong một gia đình
theo đạo Luther tại Hamburg, Brahms sống phần lớn cuộc đời sự nghiệp tại Wien,
Áo. Danh tiếng và ảnh hưởng của Brahms lúc sinh thời đã được công nhận; theo
sau bình luận của nhà chỉ huy thế kỷ XIX, Hans von Bülow, ông thường được nhóm
chung với Johann Sebastian Bach và Ludwig Van Beethoven thành “Ba B”.
Brahms sáng tác cho piano,
nhạc thính phòng, dàn nhạc giao hưởng, giọng hát và hợp xướng. Là một nghệ
sĩdương cầm điêu luyện, ông thực hiện các buổi diễn ra mắt nhiều tác phẩm của
chính mình, ông cũng đã từng làm việc với một số nghệ sĩ hàng đầu vào thời bấy
giờ, kể cả với nghệ sĩ dương cầm Clara Schumann và nghệ sĩ vĩ cầm Joseph
Joachim. Nhiều tác phẩm của ông trở thành trụ cột trong vốn tiết mục biểu diễn.
Brahms là một người kiên quyết theo chủ nghĩa cầu toàn, cho nên ông đã tự hủy và
không công bố rất nhiều tác phẩm của mình.
Nhạc sĩ Brahms năm 1853.
Các sáng tác của Brahms bao
hàm cả những chất liệu truyền thống lẫn sáng tạo. Âm nhạc của ông có cấu trúc
và kỹ thuật bắt nguồn vững chắc từ các bậc thầy Baroque và Cổ Điển. Âm nhạc của
Johannes Brahms, với vẻ đẹp hình thức hoàn hảo và sự dung dị sâu sắc của tâm hồn.
Ông là người tiếp nối các truyền thống hiện thực Cổ Điển và “làm giàu” chúng bằng
những thành tựu của hình thức lãng mạn Đức. Âm nhạc của Johannes Brahms vừa đầy
chất triết học trữ tình đặc trưng của Bach vừa mang những hình tượng âm nhạc
hoành tráng và bạo liệt theo tinh thần Beethoven, nhưng cũng đậm nỗi lo âu về số
phận của con người hiện đại.
Brahms sinh ngày 7/5/1833 tại
thành phố cảng Hamburg, miền bắc nước Đức, là con thứ trong gia đình một nhạc
sĩ nghèo, dòng dõi thị dân. Cha của ông là Johann Jakob Brahms (1806–72) di dân
từ Dithmarschen đến Hamburg, kiếm sống bằng nghề chơi nhạc, ông có thể chơi nhiều
nhạc cụ khác nhau, nhưng chủ yếu là thổi kèn Cor, chơi Contrabass. Chính Brahms
nói về thời thơ ấu của mình: “Chẳng có mấy ai sống khổ như tôi”.
Johann Jakob Brahms đã cho
con trai mình đi học nhạc lần đầu tiên. Brahms học piano từ 7 tuổi với Otto
Friedrich Willibald Cossel. Do sự thiếu thốn của gia đình, cậu bé Brahms phải
chơi nhạc ở các sàn nhảy và nhà thổ xung quanh nơi mà các thủy thủ say rượu và
gái mãi dâm thường vuốt ve cậu. Các nhà viết tiểu sử hiện đại đã nhấn mạnh thời
kỳ này là nguyên nhân làm cho Brahms không có khả năng “để có một mối quan hệ
hôn nhân thành công, quan điểm của ông về phụ nữ bị biến dạng bởi những trải
nghiệm trong quá khứ của mình”. Gần đây, các học giả nghiên cứu về Brahms là
Styra Avins và Kurt Hoffman cho rằng những nhận xét này là sai lầm.
Trong một thời gian, Brahms
cũng học thêm Cello. Sau khi những bài học Piano đầu tiên với Otto Cossel,
Brahms tiếp tục học Piano với Eduard Marxsen, một người đã từng học ở Wien với
Ignaz Von Seyfried (một học sinh của Mozart) và Carl Maria Von Bocklet (một người
bạn thân của Schubert). Chàng trai Brahms đã biểu diễn một vài buổi hòa nhạc
công cộng ở Hamburg, nhưng chẳng gây được tiếng tăm gì cho đến khi ông thực hiện
một tour diễn ở tuổi 19.
Nhạc sĩ Robert Schumann.
Vào tháng 4 và tháng 5 năm
1853, Brahms rời bỏ Hamburg đi lưu diễn khắp đất nước cùng nghệ sĩ violin - nhà
cách mạng người Hungary - Eduard Reményi và qua đó có dịp gặp Franz Liszt,
Peter Cornelius, Joachim Raff tại Weimar, và Joseph Joachim tại Hannover. Lúc
này Liszt đã sừng sững như một tượng đài âm nhạc thế giới, nhưng chỉ mới vài
ngày Brahms đã ngộ ra rằng giữa ông và nhà soạn nhạc vĩ đại người Hungary không
thể có “điểm tiếp xúc” nào cả.
Joachim đã gửi một thư giới
thiệu Brahms cho Robert Schumann, và sau đó Brahms đã bắt tàu đến Düsseldorf. Tại
đây, Brahms gặp Robert Schumann và cuộc gặp này tạo ra bước ngoặc lớn trong cuộc
đời của ông.
Tuy đang bị bệnh tâm thần
hành hạ nhưng nhà soạn nhạc người Đức nổi tiếng Robert Schumann đã phải sửng sốt
trước tài năng độc đáo của chàng nhạc sĩ vô danh 20 tuổi, nên vào ngày 28 tháng
10 năm 1853 Schumann đã viết bài báo cuối cùng của mình (sau 10 năm gác bút) với
nhan đề Neue Bahnen (Con Đường Mới) trên tạp chí âm nhạc Neue
Zeitschrift für Musik do ông sáng lập.
Hai mươi năm trước đó,
Robert Schumann là người đầu tiên viết về Chopin và bây giờ ông là người đầu
tiên viết về Brahms. Ông gọi Brahms là “bậc thầy biểu đạt hoàn hảo tâm hồn
thời đại”. Bài báo của Robert Schumann khiến cho những người hâm mộ ông (như nhạc
trưởng dàn nhạc Philharmonic và một nhà xuất bản âm nhạc tại Hamburg) rất ấn tượng
với tài năng trẻ Brahms, nhưng một số người khác vẫn còn hoài nghi. Điều này
làm Brahms càng thêm khắt khe với chính những tác phẩm của ông. Ông viết cho
Robert Schumann, “người thầy vĩ đại” vào tháng 11 năm 1853, “lời
khen của thầy về tôi làm cho công chúng đã có những kỳ vọng mà tôi không biết
làm cách nào để thỏa mãn họ…”
Sau cái chết của Robert
Schumann tại viện điều dưỡng vào năm 1856, Brahms lui tới giữa Hamburg để xây dựng
và tổ chức một dàn đồng ca nữ, và công quốc Detmold để dạy nhạc và làm nhạc trưởng.
Ông là nghệ sĩ Solo tại buổi ra mắt “Concerto số 1” cho piano của
mình vào năm 1859.
Chân dung nhạc sĩ Johannes
Brahms.
Năm 1862, Brahms sang sống tại
Wien, khi ấy được coi là thủ đô âm nhạc của thế giới.
Năm 1863 ông được bổ nhiệm
làm chỉ huy ca đoàn Vienna (tiếng Đức: Vienna Singakademie). Mặc dù ông từ chức
ngay trong năm sau đó và nghĩ đến chuyện chuyển đi thành phố khác, Brahms ngày
càng gắn liền với Vienna và từ 1872-1875, Brahms là giám đốc của hội
Gesellschaft der Musikfreunde ở Vienna; kể từ sau đó ông không nhận thêm chức
danh nào nữa. Ông từ chối nhận bằngtiến sĩ âm nhạc danh dự của trường Đại học
Cambridge năm 1877, nhưng lại chấp nhận bằng tiến sĩ của trường Đại học Breslau
năm 1879. Ông sáng tác “Academic Festival Overture” như một lời cảm
ơn trường này.
10 năm ở Vienna là thời kỳ
sáng tạo của Brahms đạt tới đỉnh cao huy hoàng. Trừ Opera và âm nhạc theo
chương trình, ông đã viết đến 380 tác phẩm thanh nhạc, 3 Sonata, 5 Biến tấu, 5
Ballad, 3 Rhapsody… cho piano, 3 Sonata cho violin, 2 Sonata cho cello và nhiều
tác phẩm Tam tấu, Tứ tấu, Ngũ tấu… trong đó có nhiều tuyệt tác như Biến tấu
theo chủ đề của Paganini (A-moll), Quintet cho piano (F-moll), Sonata số 3 cho
violin, Concerto số 2 cho piano (B-dur) – một “giao hưởng” 4 chương độc đáo có
phần solo của piano. Đặc biệt với các tác phẩm giao hưởng, Brahms trở thành một
trong những nhân vật lỗi lạc nhất của lịch sử âm nhạc thế giới thế kỷ 19.
Giữa lúc hệ thống tư duy
giao hưởng lãng mạn tưng bừng lên ngôi, ông đã đẩy tới sự hoàn chỉnh những
nguyên tắc của chủ nghĩa Cổ Điển trong các thể tài giao hưởng. Đây chính là sự
độc đáo và cống hiến lịch sử của Brahms. Thế nhưng, không giống những hậu bối của
Felix Mendelssohn máy móc rập khuôn các quy luật cấu trúc và hình thức xưa cũ,
Brahms sử dụng các thủ pháp giao hưởng Cổ Điển một cách sáng tạo để thể hiện một
thế giới hình tượng lãng mạn, những tình cảm hiện đại, chất thơ, chất phóng
túng của âm nhạc. Đương thời một nhà phê bình đã nói “Brahms cảm nhận bằng đầu
và tư duy bằng trái tim”.
Buổi ra mắt bản hợp xướng lớn
nhất của ông “A German Requiem” tại Bremen năm 1868 đã khẳng định
danh tiếng của Brahms ở khắp Châu Âu, và khiến nhiều người chấp nhận rằng ông
đã chinh phục được Beethoven và các bản giao hưởng. Điều này cho ông thêm tự
tin để hoàn tất một số công trình mà ông đã vật lộn trong nhiều năm, chẳng hạn
như Cantana Rinaldo, tứ tấu dành cho đàn dây đầu tiên, tứ tấu thứ 3 dành cho
piano, và bản giao hưởng đầu tiên. Ba bản giao hưởng khác sau đó hoàn tất vào
năm 1877, 1883, và 1885.
Bốn bản giao hưởng của
Brahms đưa ông đến những đỉnh cao nhất của âm nhạc giao hưởng thời kỳ sau
Beethoven. Giao hưởng số 4 (E-moll) kể về các khúc ngoặc bi thương của cuộc
sinh tồn đầy kịch tính và tinh thần bất khuất, thuộc số những tác phẩm độc đáo
và hoàn mỹ nhất của Brahms. Bản Concerto cho violin (D-dur) là một trong những
concerto hay nhất thế giới viết cho violin.
Brahms nói: “Sáng tác đẹp
như Mozart thì chúng ta chịu, nhưng ít nhất phải cố viết được tinh khiết như
ông”. Vấn đề không chỉ liên quan về kỹ thuật mà còn liên quan đến cả vẻ đẹp thẩm
mỹ nội dung âm nhạc Mozart. Nhạc của Brahms phức tạp, xung động hơn nhạc của
Mozart, như thời đại ông với thời đại của Mozart. Nhưng Brahms theo đuổi tín điều
này, vì toàn bộ hoạt động sáng tạo của ông được đặc trưng khát vọng vươn tới những
lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp.
Năm 1889, Brahms được trở
thành công dân danh dự của Hamburg và cho đến tận năm 1948 thì ông người gốc
Hamburg duy nhất được nhận vinh dự này.
Năm 1890, ở 57 tuổi Brahms
đã quyết định ngừng sáng tác. Tuy nhiên, khi những ý nhạc bật ra, ông không thể
thực hiện được quyết định của mình, và trong những năm trước khi qua đời ông đã
sáng tác thêm một số kiệt tác được ghi nhận.
Brahms đã soạn một số công
trình lớn cho dàn nhạc giao hưởng, bao gồm hai bản mộ khúc (Serenade), bốn bản
giao hưởng (Symphony), bản concerto dành cho đàn piano số 2 (số 1 là viết trên
cung Rê thứ, số 2 là viết trên cung Si giáng trưởng), một Concerto cho đàn
violon, một Concerto đôi dành cho đàn violin và cello, và 2 Concerto Overture:
Academic Festival Overture và Tragic Overture.
Ảnh chụp từ năm 1891 tòa nhà
ở Hamburg, nơi Brahms được sinh ra. Gia đình Brahms ở tầng 1, phía sau hai cửa
sổ hai phía bên tay trái.
Mộ của Brahms tại Zentralfriedhof (Nghĩa Trang Trung Tâm), Vienna.
Mộ của Brahms tại Zentralfriedhof (Nghĩa Trang Trung Tâm), Vienna.
“Ein deutsches Requiem, nach
Worten der heiligen Schrift, op. 45” (bản cầu siêu bằng tiếng Đức, ca từ
trích từ Thánh kinh) là bản hợp xướng lớn của ông, tuy nhiên lời ca trong đó
không phải được lấy trong nghi thức thánh lễ Missa Pro Defunctis (lễ cầu siêu),
mà ông trích từ cuốn kinh thánh tiếng Đức do Martin Luther dịch. Công trình này
được viết trong 3 giai đoạn chính của cuộc đời Brahms. Phiên bản đầu tiên của
phần 2 được sáng tác vào năm 1854, không lâu sau lần tự tử hụt của Schumann, phần
sáng tác này sau đó được Brahms sử dụng để viết Concerto đầu tiên của ông dành
cho đàn piano. Phần lớn bản Requiem này được ông viết sau cái chết của mẹ ông
vào năm 1865. Phần 5 được bổ sung sau khi công bố chính thức vào năm 1868, tác
phẩm được xuất bản vào năm 1869.
Sau khi hoàn thành tác phẩm
Op.121, Brahms đã bị bệnh ung thư (theo nhiều nguồn khác nhau thì là ung thư
gan hoặc tuyến tụy). Bệnh dần trở nặng và ông qua đời vào ngày 03 tháng 4 năm
1897, thọ 63 tuổi. Brahms được chôn trong Zentralfriedhof (nghĩa trang trung
tâm) ở Vienna.
Nhạc phẩm “Célèbre
Valse” khét tiếng của Brahms là bản Valse số 15 trong tuyển tập 39 (No.15
Op 39) ông soạn cho đàn Piano và đặt tên là “Germania”. Sau này, người
Pháp gọi là “Célèbre Valse de Brahms”.
Khoảng thập niên 1940’s, “Célèbre
Valse de Brahms” được Jacques Larue đặt lời bằng Pháp ngữ với tựa “Loin
de ton ceur”, được ca sĩ Tino Rossi thu vào đĩa nhựa.
Trước năm 1975, ở miền
Nam Việt Nam, “Célèbre Valse de Brahms” được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lại
lời Việt có tên “Mối Tình Xa Xưa”. Nhạc phẩm này được các ca sĩ Thái
Thanh, Mai Hương, Lệ Thu trình bày khá thành công.
Nhạc phẩm “Loin de ton
ceur” (Bản tiếng Pháp của Jacques Larue)
Dans le soir qui meurt
Mon coeur appelle ton coeur
Entends sa voix
Sa douce voix
Parler de notre ancien bonheur
Des jours d’été
Pleins de clarté
Que notre amour a chantés
Et de ces nuits
Ces folles nuits
Où je rêvais à tes côtés
Serments d’amour
Doux rendez-vous
Joies des beaux jours
Reviendrez-vous
Reviendrez-vous
Avec celle que j’aime?
Moi qui la connais
Berçant ma peine, je sais,
Malgré le temps
Qu’elle m’attend
Et que son coeur n’a pas changé
Instants si doux
Des souvenirs
Qu’attendez-vous
Pour revenir
Pour revenir
Avec celle que j’aime?
Dans le soir qui meurt
Mon coeur appelle ton coeur
Entends sa voix
Sa douce voix
Ô mon amour, loin de ton coeur.
Musique
Mon coeur appelle ton coeur
Entends sa voix
Sa douce voix
Parler de notre ancien bonheur
Des jours d’été
Pleins de clarté
Que notre amour a chantés
Et de ces nuits
Ces folles nuits
Où je rêvais à tes côtés
Serments d’amour
Doux rendez-vous
Joies des beaux jours
Reviendrez-vous
Reviendrez-vous
Avec celle que j’aime?
Moi qui la connais
Berçant ma peine, je sais,
Malgré le temps
Qu’elle m’attend
Et que son coeur n’a pas changé
Instants si doux
Des souvenirs
Qu’attendez-vous
Pour revenir
Pour revenir
Avec celle que j’aime?
Dans le soir qui meurt
Mon coeur appelle ton coeur
Entends sa voix
Sa douce voix
Ô mon amour, loin de ton coeur.
Musique
Instants si doux
Des souvenirs
Qu’attendez-vous
Pour revenir
Pour revenir
Avec celle que j’aime?
Dans le soir qui meurt
Entends la voix de mon coeur
Pleurer tout bas
D’être ici-bas
Ô mon amour, loin de ton coeur.
Des souvenirs
Qu’attendez-vous
Pour revenir
Pour revenir
Avec celle que j’aime?
Dans le soir qui meurt
Entends la voix de mon coeur
Pleurer tout bas
D’être ici-bas
Ô mon amour, loin de ton coeur.
Nhạc phẩm “Mối Tình Xa
Xưa”
(Bản tiếng Việt của Nhạc sĩ Phạm Duy)
Trong chiều dần im hơi
Người ngồi thương nhớ bao ngày vui
Một ngày xưa cũ, đời còn đương tơ
Là ngày hai đứa chúng ta còn thơ.
Chiều hè êm du, tràn ngập hương mơ
Cuộc tình đôi lứa như bài thơ
Gần người yêu dấu, mộng về xôn xao
Và hồn như cất cánh bay về đâu
Lời thề bên nhau, tình nồng đêm thâu
Cả một vầng sao làm tròn duyên nhau
Người từ phương nao ?
Trở về cho ta hết u sầu.
Yêu người rồi không nguôi
Trầm mình trong thú đau thương người ơi
Cuộc tình duyên cũ, dù thời gian qua
Mà lòng thương nhớ vẫn chưa hoen mờ.
Chiều buồn không đâu
Ngậm ngùi thương nhau
Đời vì trôi mau mà đành quên sao
Người từ năm nao
Trở về cho hoa không phai mầu
Yêu người là không nguôi
Sầu tình chan chứa trong chiều rơi
Nhạc lòng êm ái dù đời tàn phai
Mà còn mãi mãi ngân trong đêm dài.
Người ngồi thương nhớ bao ngày vui
Một ngày xưa cũ, đời còn đương tơ
Là ngày hai đứa chúng ta còn thơ.
Chiều hè êm du, tràn ngập hương mơ
Cuộc tình đôi lứa như bài thơ
Gần người yêu dấu, mộng về xôn xao
Và hồn như cất cánh bay về đâu
Lời thề bên nhau, tình nồng đêm thâu
Cả một vầng sao làm tròn duyên nhau
Người từ phương nao ?
Trở về cho ta hết u sầu.
Yêu người rồi không nguôi
Trầm mình trong thú đau thương người ơi
Cuộc tình duyên cũ, dù thời gian qua
Mà lòng thương nhớ vẫn chưa hoen mờ.
Chiều buồn không đâu
Ngậm ngùi thương nhau
Đời vì trôi mau mà đành quên sao
Người từ năm nao
Trở về cho hoa không phai mầu
Yêu người là không nguôi
Sầu tình chan chứa trong chiều rơi
Nhạc lòng êm ái dù đời tàn phai
Mà còn mãi mãi ngân trong đêm dài.
Dưới đây mình có bài:
– Célèbre Valse (Mối tình xa
xưa) – JOHANNES BRAHMS
Cùng với 4 clips tổng hợp nhạc
phẩm “Mối Tình Xa Xưa” (“Célèbre Valse de Brahms”, “Loin de ton ceur”) do
các ca nhạc sĩ lừng danh trên thế giới trình diễn để các bạn tiện việc tham khảo
và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
Nhạc sĩ Johannes Brahms
(1833-1897).
Célèbre Valse (Mối tình xa xưa) - JOHANNES BRAHMS (trích)
Hoài Nam
Johannes Brahms là một trong
những nhà soạn nhạc hàng đầu của thời kỳ lãng mạn (Romantic era), được hậu thế
liệt vào bộ “ba chữ B vĩ đại” - tức ba nhà soạn nhạc lừng danh của ba thời kỳ
khác nhau mà tên họ bắt đầu bằng mẫu tự B – gồm Johann Sebastian BACH (thời kỳ
Baroque), Ludwig van BEETHOVEN (thời kỳ Cổ điển – tức thời kỳ Vàng son), và
Johannes BRAHMS (thời kỳ Lãng mạn). Cả ba đều là người Đức.
Brahms vừa nổi tiếng với việc
tôn trọng quy tắc truyền thống tới mức khó tính với chính mình (chẳng hạn tiêu
hủy những sáng tác mà ông cho là không “chỉnh”), vừa được ái mộ với những tác
phẩm đầy chất sáng tạo, vừa bị xem là “khác người” với một cuộc sống cá nhân lạ
thường.
Về truyền thống, Johannes
Brahms luôn luôn theo đúng những khuôn thước của Bach (thời kỳ Baroque), và của
Haydn, Mozart, Beethoven (thời kỳ Cổ điển). Riêng về nhạc giao hưởng, ông chịu ảnh
hưởng mạnh mẽ của Beethoven – thiên tài mà ông sùng mộ. Trong nhà ông, có một
pho tượng bán thân của Beethoven, nhìn xuống ngay vị trí mà ông thường ngồi
sáng tác.
Ảnh hưởng của Beethoven mạnh
đến nỗi khi Bản giao hưởng số 1 của Brahms được trình diễn ra mắt tại thành
Vienne, giới thưởng ngoạn đã xưng tụng đây là “Bản giao hưởng số 10 của
Beethoven”! (Nhắc lại: Beethoven sáng tác tổng cộng 9 bản giao hưởng)
Tuy nhiên, dù nổi tiếng với
những tác phẩm cổ điển quy mô, Johannes Brahms lại thành công về mặt tài chánh
cũng như được dân gian biết tới nhiều hơn qua những nhạc khúc, ca khúc ngắn, mà
điển hình là tập Vũ khúc Hung-gia-lợi (Hungarian Dances).
Johannes Brahms sinh năm
1833 tại hải cảng Hamburg, Đức quốc. Cha ông, Johann Jakob Brahms, là một nhạc
sĩ nghèo, sinh trưởng tại Dithmarschen, một vùng quê có truyền thống văn hóa
lâu đời. Năm 18 tuổi, Johann Jakob di dân tới Hamburg với ước mộng trở thành một
nhạc sĩ tên tuổi và giàu có. Nhưng khi tới gần, ánh đèn đô thị không đẹp như
nhìn từ xa!
Mặc dù có khả năng sử dụng
nhuần nhuyễn nhiều loại nhạc cụ khác nhau, Johann Jakob đã chỉ được mướn chơi
đàn double-bass (tức contrabass, đại hồ cầm) và kèn French horn (kèn đồng, hình
dạng như “tù và”).
Năm 24 tuổi, Johann Jakob kết
hôn với cô thợ may Johanna Henrika Christiane Nissen, một cô “gái già” hơn
chàng tới 17 tuổi. Hai người có với nhau 3 con – hai trai một gái, Johannes
Brahms là trưởng nam.
Sau nhiều năm sống ở khu ổ
chuột gần bến tàu, gia đình dọn tới một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Dammtorwall.
Johannes Brahms được thân phụ dạy nhạc từ lúc bắt đầu có trí khôn, và tới năm 7
tuổi, vì tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về dương cầm, đã được cho thọ giáo một vị
danh sư ở Hamburg.
Năm 11 tuổi, Johannes Brahms
bắt đầu sáng tác và trình diễn trước công chúng. Hai chữ “công chúng” nói tới ở
đây mang ý nghĩa không được trang trọng cho lắm. Vì gia cảnh nghèo túng,
Johannes Brahms phải nhận trình diễn tại các quán rượu bình dân có khiêu vũ,
cũng như trong các động điếm ở khu bến tàu. Trong lúc Johannes Brahms đàn, các
cô gái điếm thường tới bên cạnh vuốt ve, sờ soạng cậu bé xinh trai trắng trẻo
(mà ngày nay, ta gọi là “sexual abuse”).
Johannes Brahms - Hình chụp
năm 20 tuổi.
Theo các nhà viết tiểu sử
Johannes Brahms, qua lời kể lại của các nhân chứng cũng như tiết lộ của bản
thân nhạc sĩ, việc phải trải qua “những kinh nghiệm hãi hùng” này đã ám ảnh ông
suốt đời, ảnh hưởng tiêu cực tới việc giao tiếp, đánh giá phụ nữ, mà hậu quả là
ông đã sống độc thân cho tới cuối đời!
Bắt đầu sáng tác và trình diễn
từ năm lên 11, nhưng phải đợi tới năm 19 tuổi, tài nghệ của Johannes Brahms mới
được đông đảo người yêu nhạc cũng như các đồng nghiệp biết tới, khi chàng trẻ
tuổi được đệm dương cầm cho nhạc sĩ vĩ cầm Eduard Reménji nổi tiếng của
Hung-gia-lợi, trong chuyến lưu diễn kéo dài hai tháng ở Đức.
Từ đó, Johannes Brahms bắt đầu
một cuộc sống giang hồ phiêu lãng, gặp gỡ, giao kết với nhiều nhà soạn nhạc và
nhạc sĩ nổi tiếng đương thời. Khi tới Hanover, Johannes Brahms được gặp Joseph
Joachim, cũng người Hung-gia-lợi, vốn được xưng tụng là một trong những nhạc sĩ
vĩ cầm tạo ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỷ thứ 19. Bên cạnh đó, Joseph Joachim
còn là một nhà soạn nhạc, một nhạc trưởng, và thày dạy nhạc. Về sau, Joseph
Joachim đã cùng Johannes Brahms hợp soạn nhiều nhạc khúc nổi tiếng.
Chính Joseph Joachim đã viết
thư giới thiệu Johannes Brahms với cặp vợ chồng nghệ sĩ lừng danh Robert và
Clara Schumann ở Dusseldorf, khởi đầu cho một quan hệ tình cảm bí ẩn và lạ lùng
nhất trong làng nhạc cổ điển tây phương.
Robert Schumann (1810-1856).
Robert Schumann (1810-1856) - ra chào đời và sống cùng thời với Frédéric Chopin - là một nhà soạn nhạc người
Đức nổi tiếng bậc nhất của thời kỳ Lãng mạn, đặc biệt là các sáng tác dành cho
dương cầm.
Là con trai của một nhà văn
uy tín kiêm nhà xuất bản giàu có, nhưng Robert Schumann lại say mê và có khiếu
về âm nhạc, bắt đầu sáng tác từ năm 7 tuổi. Tuy nhiên, trước khi mất sớm, cha của
ông đã để lại di chúc buộc ông phải ăn học trở thành một trạng sư thì mới được
hưởng gia tài. Vì thế năm 1826, vào tuổi 16, Robert Schumann tới Munich để theo
học ngành luật. Nhưng qua năm sau, mọi việc đã thay đổi khi chàng gặp cô bé mồ
côi mẹ Clara Weik, 8 tuổi, con gái của Friedrich Weik, vị thầy dạy nhạc nổi tiếng
bậc nhất ở Munich thời bấy giờ.
Nguyên Clara Weik và Robert
Schumann cùng được mời tới trình diễn dương cầm tại tư thất một vị bác sĩ tên
tuổi trong một buổi gây quỹ cho bệnh viện nhi đồng. Vừa thán phục vừa thích thú
trước tài nghệ của Clara, Robert Schumann đã thuyết phục được bà mẹ cho chàng rời
trường luật để theo đuổi âm nhạc. Thế là Robert Schumann trở thành học trò của
Friedrich Weik, và vị thầy này đã đoan chắc Robert Schumann sẽ trở thành “danh
thủ dương cầm số 1 của cả Âu châu”. Thế nhưng chẳng bao sau đó, Robert Schumann
bị chấn thương một cánh tay, và đã phải bỏ mộng trở thành nhạc sĩ dương cầm để
chuyển sang sáng tác.
Cùng thời gian này (1830),
cô bé Clara 11 tuổi được thân phụ đưa đi lưu diễn một vòng các kinh thành ở Âu
châu, và đã gây một tiếng vang lớn – nếu không muốn nói là “chấn động”. Tại
Bá-linh, Clara đã được văn hào Johann Wolfgang van Goethe, núi Thái Sơn của nền
văn học Đức, lúc ấy đã 82 tuổi, trao tặng một huân chương kèm theo tấm chân
dung của ông với lời ghi “Tặng nhạc sĩ thiên tài Clara Wieck”.
Khi tới kinh thành ánh sáng
Paris, Clara đã được danh thủ vĩ cầm kiêm nhà soạn nhạc Niccolo Paganini của Ý
(1782-1840) tình nguyện đệm vĩ cầm cho cô bé!
Sau khi kết thúc chuyến lưu
diễn kéo dài 3 năm, trở về Munich thì Clara đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp,
và chẳng bao lâu sau, cô được Robert Schumann tỏ tình.
Nhưng mối tình của hai người
đã không được ông bố Friedrich Weik của Clara chấp thuận, và đôi tình nhân đã
phải chờ đợi 6 năm trời cho tới khi Clara đủ 21 tuổi, có toàn quyền tự do kết
hôn. Chính trong thời gian chờ đợi ấy, Robert Schumann đã sáng tác những tình
khúc nổi tiếng.
Clara Schumann.
Về phần Clara, vào năm 18 tuổi
đã được mời sang trình diễn ở thành Vienne, kinh đô Áo và cũng là thủ đô âm nhạc
thế giới. Trong suốt 3 tháng trời, tất cả mọi buổi trình diễn của Clara đều
không còn một ghế trống. Cô được hai vị danh sư nổi tiếng về dương cầm là
Frédéric Chopin và Franz Liszt hết lời ca tụng.
Tháng 3 năm 1838, Clara được
triều đình Áo trao tặng danh hiệu “Royal and Imperial Chamber Virtuoso” (Danh cầm
thượng thặng nhạc thính phòng), danh dự cao nhất về âm nhạc của đế quốc Áo.
Ngày 12 tháng 9 năm 1940,
Robert Schumann, 30 tuổi, và Clara Wieck, 21, tổ chức kết hôn. Thế nhưng, vì
Clara ra chào đời ngày 13 tháng 9 năm 1819, nếu xét cho tới nơi tới chốn, cô
còn thiếu 1 ngày nữa mới đủ 21 tuổi. Thế là ông bố Friedrich Weik đưa nội vụ ra
tòa, nhưng cuối cùng công lý đã đứng về phía hai kẻ yêu nhau. Sau đó Robert và
Clara Schumann đưa nhau về Dusseldorf xây tổ ấm.
Cho tới ngày nay, Robert và
Clara Schumann vẫn được xem là cặp vợ chồng tài hoa lý tưởng nhất của nền nhạc
cổ điển. Mặc dù lần lượt cho ra chào đời 8 đứa con và nuôi dạy nên người (trừ đứa
con út chết khi còn là hài nhi), Clara Schumann vẫn tiếp tục sáng tác và trình
diễn ở Đức cũng như các quốc gia Âu châu khác. Nhờ đó, các sáng tác của Robert
Schumann mới được phổ biến rộng rãi.
Trở lại với Johannes Brahms,
năm 1853, ngay sau khi được Joseph Joachim giới thiệu, vợ chồng Robert Schumann
đã nhận ra tài năng xuất chúng nơi chàng nhạc sĩ 20 tuổi, đón nhận và xem như một
người thân trong gia đình. Với Johannes Brahms, đây là diễm phúc lớn nhất đời
chàng, vì Robert và Clara Schumann là hai bậc thầy mà chàng hằng ngưỡng mộ.
Cũng vào khoảng thời gian
này, chứng trầm cảm nơi Robert Schumann đã biến thành khủng hoảng tinh thần trầm
trọng. Cuối năm ấy, Robert Schumann tự tử hụt, và qua tháng 1 năm 1854, ông đã
tự nguyện vào sống trong một viện tâm thần ở gần Bonn. Từ đó, Johannes Brahms
giữ vai trò liên lạc giữa hai vợ chồng, và trở thành nguồn an ủi về tinh thần
cho Clara cùng với 7 đứa con thơ dại của nàng.
Năm 1856, Robert Schumann
qua đời. Được hung tin, Johannes Brahms đã tạm “dừng bước giang hồ”, quay về
Dusseldorf để chăm sóc, lo lắng cho mẹ con Clara, và trở thành “người đàn ông
trong gia đình”!
Trong thời gian suốt 2 năm
liên tục, Johannes Brahms sống trong một căn gác ở phía trên nhà của gia đình
Schumann, ngưng hoàn toàn công việc sáng tác cũng như trình diễn, để dành trọn
thời giờ giúp Clara ổn định cuộc sống, thậm chí đảm trách cả việc trông nom 7 đứa
con của Clara mỗi khi nàng đi lưu diễn.
Sau 2 năm nói trên, Johannes
Brahms chia thời gian ra làm ba, khi thì sống ở Dusseldorf, khi thì sống ở
Hamburg, nơi có ban nữ hợp xướng do ông thành lập và điều khiển, khi thì sống ở
Tiểu vương quốc Lippe (ngày nay là vùng North Rhine-Westphalia của Đức quốc),
nơi ông là nhạc sư và nhạc trưởng của triều đình.
Tình cảm giữa chàng nhạc sĩ
trẻ và vị “sư tỷ” hơn chàng 14 tuổi, người đương thời ai cũng biết. Nhưng có điều
là ngày ấy, không mấy người tin rằng giữa Johannes Brahms và Clara Schumann có
quan hệ xác thịt.
Tuy nhiên hậu thế lại có người
đặt câu hỏi: nếu không có gì cần giữ bí mật, tại sao vào cuối đời, Johannes
Brahms và Clara Schumann lại thiêu hủy hầu hết trong số hàng trăm lá thư hai
người đã viết cho nhau?
Từ đó, không ít người tin rằng
giữa Johannes Brahms và Clara Schumann đã có quan hệ thân mật kín đáo. Nhưng dù
sao, tất cả cũng chỉ là giả thuyết, và với những người yêu nhạc cổ điển nói
chung, cho tới ngày nay, quan hệ tình cảm giữa Johannes Brahms và Clara
Schumann vẫn được xem bí mật lớn nhất.
Quan hệ tình cảm ấy, cùng với
mối tình đẹp và cuộc hôn nhân trước đó của Clara với Robert Schumann, cũng như
đoạn kết bi thảm của vị nhạc sư tài danh này, đã trở thành đề tài cho vô số
phim ảnh, trong số đó nổi tiếng nhất là 3 cuốn phim sau đây:
– Song of Love (1947) của
Hoa Kỳ, với Katharine Hepburn trong vai Clara. Cuốn phim chỉ được đánh giá vào
hạng trung bình, nhưng nếu nhắm mắt lại để thưởng thức phần đệm piano của danh
cầm Arthur Rubinstein thì không còn gì tuyệt vời cho bằng.
– Spring Symphony (1983) của
Đức, với Nastassja Kinski trong vai Clara. Cuốn phim này vừa gây tranh luận vì
mức độ “tiểu thuyết hóa” vừa được yêu thích vì lột tả được cả rung động của
trái tim lẫn đam mê nghệ thuật nơi các nhân vật chính (chưa kể còn có một cảnh
khỏa thân của “cô đào chuyên khỏa thân” Nastassja Kinski).
– Geliebte Clara (2008) của
Đức, do Martina Gedek thủ vai Clara. Cuốn phim này được đánh giá là “cuốn tiểu
sử chính xác nhất của người nữ nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng nhất của nền nhạc cổ
điển”.
Clara, Brahms, Schumann
trong phim Geliebte Clara.
Ngoài ra, “chuyện tình” giữa
cậu em Johannes Brahms và đàn chị Clara Schumann còn tạo cảm hứng cho nữ văn sĩ
Francoise Sagan của Pháp viết cuốn tiểu thuyết lãng mạn “Aimez-vous Brahms?”
(Anh có yêu nhạc Brahms không?), xuất bản năm 1959, kể về quan hệ tình cảm giữa
một phụ nữ đã có chồng và một chàng trẻ tuổi độc thân. Tới năm 1961,
“Aimez-vous Brahms?” đã được dựng thành phim với tựa đề tiếng Anh “Goodbye
Again”, với một thành phần diễn viên quốc tế: Ingrid Bergman (Thụy-điển),
Anthony Perkins (Mỹ), Yves Montand, Michèle Mercier (Pháp)…
Tại Đại hội Điện ảnh Quốc tế
ở Cannes (Pháp) năm 1961, phim “Goodbye Again” đã được đề nghị tranh giải Cành
Cọ Vàng (Palme d’Or), riêng Anthony Perkins đã đoạt giải nam diễn viên xuất sắc
nhất.
Đây cũng là một cuốn phim của
người yêu nhạc cổ điển, bởi trong phần nhạc phim có “trích đoạn” của các bản
Giao hưởng số 1 và số 3 của Brahms; đặc biệt một khúc nhạc trong bản Giao hưởng
số 3 đã được đặt lời hát để sử dụng làm ca khúc chủ đề của cuốn phim: “Say No
More, It’s Goodbye”.
Cũng giống như Beethoven,
Brahms sống độc thân suốt đời, có khác chăng là trong khi Beethoven trải qua một
mối tình không đoạn kết với Joséphine Deym (góa phụ của Bá tước Josef Deym), một
mối tình không thành với tiểu thư Giulietta Guicciardi, và một mối tình văn nghệ
với tiểu thư Thérèse Malfatti, thì Brahms không có một mối tình nào khác ngoài
Clara Schumann – nếu quả thực đây là một “chuyện tình”!
Theo nhạc sử gia JEFFREY
DANE, có hai nguyên nhân chính đưa tới việc Johannes Brahms sống độc thân suốt
đời. Thứ nhất, nỗi kinh sợ và kinh tởm các cô gái điếm ở khu bến tàu Hamburg
ngày còn thơ dại, vẫn tiếp tục ám ảnh ông. Thứ hai, tình cảm Clara Schumann
dành cho Johannes Brahms, ít ra cũng là trong thời gian đầu, có pha lẫn tình mẫu
tử, khiến ông liên tưởng tới bà mẹ Johanna yêu quý của mình, cũng hơn cha ông tới
17 tuổi, vì thế Johannes Brahms trân quý, và dành trọn trái tim của mình cho
Clara Schumann.
Jeffrey Dane viết: “Hai người
có thể không ‘gần nhau’ (sexual relationship) nhưng họ ‘bên nhau’ suốt đời!”
Ngoài Clara Schumann, bóng hồng
duy nhất có liên quan tới Johannes Brahms là BERTHA FABER – người mà ông đã viết
tặng bản Wiegenlied (thường được hậu thế gọi là Brahms’ Lullaby – Bài hát ru của
Brahms) nhân dịp nàng sinh con trai đầu lòng.
Bertha Faber, có tên con gái
là Bertha Porubszky, nguyên là một nữ ca sĩ và là một người bạn của Johannes
Brahms từ khi hai người còn sống ở Hamburg. Về sau, Bertha kết hôn với kỹ nghệ
gia Arthur Faber ở thành Vienne.
Thế nhưng, tình bạn này cũng
đã được một số người thêu dệt thành “mối tình đầu bất thành” của Johannes
Brahms; theo đó, vì không quên được người yêu xưa, sau này ông đã sáng tác bản
Wiegenlied để nàng… ru con! Đây là một bản valse chậm, với lời hát do chính ông
đặt, trừ đoạn đầu lấy ý từ một bài ru dân gian có tựa tiếng Đức là “Guten
Abend, Gut Nacht” (Good Evening, Good Night).
Tuy nhiên, theo các nhà viết
tiểu sử Johannes Brahms, “mối tình đầu bất thành” giữa Brahms và Bertha Faber
hoàn toàn là sản phẩm của óc tưởng tượng. Nhưng tin hay không tin vào giai thoại
này, người ta cũng phải nhìn nhận bản “Brahms’ Lullaby”, tức “Bài hát ru của
Brahms” (Wiegenlied, No. 4 Op. 49,) đã trở thành bài hát ru phổ biến nhất kim cổ,
đến nỗi nhạc sử gia Jeffrey Dane đã phải viết: “Nếu nhắc tới Leonardo Da Vinci,
người ta nghĩ ngay tới họa phẩm Mona Lisa, nhắc tới Jule Verne, người ta nghĩ
ngay tới cuốn “20 Nghìn dặm dưới đáy biển”, thì nhắc tới Johannes Brahms, người
ta nghĩ ngay tới bản Ru con!”
Brahms không chỉ giống
Beethoven ở điểm sống độc thân suốt đời, mà còn giống Beethoven về tính tình, sở
thích: yêu thiên nhiên, lạnh lùng với con người, nhưng rất tốt bụng.
Sau khi tới sống ở thành
Vienne, ông thường tản bộ cả buổi trong những khu rừng ở ngoại ô. Túi ông lúc
nào cũng có sẵn kẹo để phân phát cho trẻ em. Được triều đình Áo trọng dụng, và
đạt thành công đáng kể về mặt tài chánh, nhưng Brahms vẫn sống đạm bạc trong một
căn apartment nhỏ, mặc quần áo cũ nát, thường mang vớ rách, và rất ít khi cạo
râu.
Tiền bạc làm ra, một phần
ông giúp đỡ thân nhân bạn bè, phần còn lại ông sử dụng để trợ giúp các đàn em,
các mầm non âm nhạc, trong số đó có những người sau này thành danh, chẳng hạn
nhà soạn nhạc gốc Tiệp nổi tiếng Antonin Dvorak.
Năm 1895, Johannes Brahms bị
ung thư tuyến giáp trạng. Năm sau, 1896, Clara Schumann qua đời; phần vì buồn sầu,
phần vì suy nhược, qua năm 1897, vào ngày 3 tháng 4, ông trút hơi thở cuối
cùng, thọ 64 tuổi.
Mộ phần của Johannes Brahms ở
thành Vienne.
Johannes Brahms được an táng
trong Nghĩa trang trung ương (Zentralfriehof) của thành Vienne, cũng là nơi an
giấc nghìn thu của Beethoven, Schubert, và Johann Strauss – một người bạn thân
của Brahms, tác giả bản Le Beau Danube Bleu (tức Blue Danube, Dòng sông xanh) bất
hủ.
Hai năm sau (1899), Johannes
Brahms được truy tặng danh hiệu “Công dân danh dự của Hamburg” – vinh dự mà phải
đợi một nửa thế kỷ sau (năm 1948), mới có người thứ hai được hưởng.
Một trong những chi tiết thú
vị về Brahms không thể không nhắc tới là việc ông là nhà soạn nhạc nổi tiếng đầu
tiên “thu đĩa nhạc”.
Nguyên vào năm 1889, nhà
sáng chế “máy hát” Thomas Edison của Mỹ đã cử một cộng sự viên tới thành Vienne
để mời Brahms thu đĩa, và ông đã độc tấu dương cầm một đoạn trong bản Vũ khúc
Hung-gia-lợi (Hungarian Dance) số 1.
Vì ngày ấy kỹ thuật còn thô
sơ, nay nghe lại đĩa hát này, người ta thấy nhiễu âm (noise) còn lớn hơn cả tiếng
đàn. Nhưng dù sao, đây cũng là một sự kiện lịch sử.
Cuối cùng, nói về nhạc khúc
“Célèbre Valse” nổi tiếng của Brahms. Một cách chính xác, đây là bản valse số
15 trong tuyển tập 39 (No.15 Op 39) của Brahms soạn cho dương cầm, được ông đặt
tựa là “Germania”. Tuy nhiên về sau, vì bản valse này quá nổi tiếng, người Pháp
đã gọi là “Célèbre Valse” (bản valse lừng danh), hoặc chi tiết hơn, là “Célèbre
Valse de Brahms”.
Tới thập niên 1940’s, bản
này đã được J. Larue đặt lời bằng tiếng Pháp với tựa “Loin de ton ceur” (Cách
lòng), và được thu vào đĩa nhựa với tiếng hát của Tino Rossi.
Tại miền nam Việt Nam, trước
năm 1975, bản “Célèbre Valse” được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa “Mối tình xa
xưa”, và đã được các nữ danh ca Thái Thanh, Mai Hương, Lệ Thu trình bày.
Hoài Nam
Mối Tình Xa Xưa (Célèbre Valse de Brahms)
Phạm Duy - Như Mai
Mối Tình Xa Xưa
(Célèbre Valse de Brahms) - Danh ca Thái Thanh
(Célèbre Valse de Brahms) - Danh ca Thái Thanh
Mối Tình Xa Xưa
(Célèbre Valse de Brahms) - Ca sĩ Mai Hương
(Célèbre Valse de Brahms) - Ca sĩ Mai Hương
Loin de ton coeur – Ca sĩ
Tino Rossi
Loin de ton coeur – Ca sĩ
Paul Trépanier
Célèbre Valse de Brahms – Độc
tấu Piano
Túy Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét