Đất trời náo nức
vào xuân. Lòng người rạo rực đón xuân. Và âm nhạc, giữa trời xuân, giữa lòng
xuân như cũng trở nên ngân vang hơn, nồng nàn hơn tất thảy, để sẻ chia,
Đất trời náo nức
vào xuân. Lòng người rạo rực đón xuân. Và âm nhạc, giữa trời xuân, giữa lòng
xuân như cũng trở nên ngân vang hơn, nồng nàn hơn tất thảy, để sẻ chia, để nói
hộ những rung động dạt dào, tươi trẻ của thiên nhiên và con người. Trong suốt
hơn nửa thế kỷ qua, nền tân nhạc nước nhà đã cống hiến cho đời hàng trăm khúc
xuân ca rộn ràng, say đắm. Những khúc ca ấy đã, đang và sẽ đồng hành với công
chúng Việt trong suốt những mùa vui...
Ngay từ những
năm 1931-1945, khi nước ta bắt đầu có nền tân nhạc (tức âm nhạc 7 nốt), thế hệ
nhạc sĩ đầu tiên đã rất ưu ái đưa "nàng xuân" vào các sáng tác của
mình. Đó là Đàn xuân của nhạc sĩ Lê Thương; là Nắng tươi, Xuân về của Hoàng
Quý, là Xuân tươi của Dương Thiệu Tước... Đặc biệt trong số này có một ca khúc
viết về mùa xuân rất hay mà suốt hơn 60 năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến, trên các
Đài PTTH, các tụ điểm sân khấu ca nhạc lại vang lên rộn rã, đó là Xuân và tuổi
trẻ của La Hối - thơ Thế Lữ. Năm 1945, La Hối mãi mãi nằm xuống với 25 mùa xuân
cuộc đời mình, nhưng những ca từ và giai điệu tươi trẻ, tràn đầy khát vọng
trong sáng tác của anh còn ngân vang mãi đến tận ngày hôm nay: "Ngày thắm
tươi bên đời xuân mới/Lòng đắm say bao nguồn vui sống/Xuân về với ngàn hoa đua
thắm/Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng...". Điệu valse vui tươi, sinh động
này qua tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh rồi đến Cẩm Vân đã trở thành món ăn tinh
thần không thể thiếu của nhiều thế hệ thính giả yêu nhạc mỗi độ xuân về.
Khi đất trời
vào xuân, mỗi người đều có cảm xúc khác nhau, giới nhạc sĩ "tiếp cận"
mùa xuân cũng mỗi người mỗi khác. Vậy nên, giai điệu mùa xuân thường rộn rã với
nhiều cung bậc rất đỗi riêng tư. Với âm hưởng của dòng nhạc tiền chiến, nhiều
nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài ca xuân không có tuổi. Những Mộng chiều
xuân (Ngọc Bích), Xuân họp mặt (Văn Phụng); Gái xuân (Từ Vũ - Nguyễn Bính)...
đã được nhiều thế hệ công chúng yêu âm nhạc hát lên với bao nỗi niềm thầm kín.
Nói đến nhạc
xuân, xin được nhắc tới Phạm Đình Chương, người được thính giả mang nợ nhiều nhất
mỗi khi xuân về. Những bài như Ly rượu mừng, Đón xuân, Xuân tha hương của Phạm
Đình Chương đã để lại dấu ấn khá đậm trong âm nhạc những năm 60, 70 của thế kỷ
trước: "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/mừng anh nông phu vui lúa thơm
hơi/người thương gia lợi tức/ người nông dân ấm no/ thoát ly đời gian lao nghèo
khó...". Nét nhạc phơi phới hân hoan, dễ nghe dễ hát, lời ca lại mang nội
dung thích hợp với mọi tầng lớp thính giả, vì thế mà Ly rượu mừng từng thịnh
hành đến nỗi với nhiều người thời đó, đêm giao thừa có thể không cần nghe tiếng
pháo nổ nhưng không thể không nghe âm hưởng của khúc xuân ca này.
Sau năm 1975,
đất nước được giải phóng, những bài ca xuân lại được dịp nở rộ như mai đào chào
đón chúa xuân. Những ca khúc viết về mùa xuân ra đời trong thời kỳ này mang đậm
âm hưởng tự hào, vui tươi của một mùa xuân thống nhất, hòa bình; một mùa xuân với
những dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng đông đảo công chúng như Tình ca
mùa xuân của Tôn Thất Lập, Lá thư ngày Tết của Trần Long Ẩn, Tình ca Tây Bắc của
Bùi Đức Hạnh hay Sài Gòn mùa xuân của Trịnh Công Sơn...
Đây cũng là thời
điểm nhạc sĩ Văn Cao có một bước trỗi dậy bất ngờ với Mùa xuân đầu tiên. Nếu
trước đây, công chúng gặp Văn Cao ở một Bến xuân đắm đuối thì thời gian 30 năm
ngừng sáng tác, những tiết tấu mùa xuân vẫn cứ đẩy đưa trong tâm trí con người
tài hoa ấy để rồi đến mùa xuân năm 1976 đã bật lên một Mùa xuân đầu tiên:
"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường thành mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa
bên sông, một chút nắng khơi cho bao tâm hồn...". Cho đến giờ, mỗi độ xuân
về, khi trời đất giao hòa, khi con người nhẹ bẫng với những cảm khoái đầy viên
mãn, những ca từ của Văn Cao vẫn làm lòng người say đắm. Mùa xuân đầu tiên qua
giọng hát của ca sĩ Thanh Thúy đã trở thành một trong những bài hát viết về mùa
xuân hay nhất của Việt Nam.
Có thể nói, nhạc
sĩ nào trong cuộc đời sáng tác của mình cũng có ít nhất một ca khúc về mùa
xuân. Cho đến nay, nền âm nhạc Việt Nam đã có cả một bộ sưu tập các ca khúc mùa
xuân đang và sẽ mãi đi cùng năm tháng. Một số nhạc sĩ đã trở nên nổi tiếng
chính nhờ những sáng tác viết về mùa xuân, như "ông vua viết xuân ca"
- nhạc sĩ Xuân Hồng. Ba ca khúc xuân rất đặc sắc là Xuân chiến khu, Mùa xuân
bên cửa sổ và Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của ông đã được công chúng
yêu âm nhạc trên khắp cả nước khắc sâu trong ký ức. Lại có những nhạc sĩ còn viết
cả một “sê-ri" nhiều bài gắn với những thời điểm lịch sử khác nhau như Trần
Hoàn với Tiếng chim mùa xuân, Tình ca mùa xuân, Một mùa xuân nho nhỏ, Hát về
mùa xuân, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến, Đi giữa mùa xuân, Tiếng cồng mùa xuân.
Dù mỗi ca khúc, mỗi nhạc sĩ đều chọn một cách đi riêng để mang hơi thở mùa xuân
vào lòng người nghe nhưng những khúc ca xuân của họ đã lưu lại và sống mãi cùng
đất trời và lòng người.
Trên thị trường
băng đĩa nhạc Tết mấy năm gần đây cũng đã thấy xuất hiện khá nhiều sáng tác mới
viết về chủ đề mùa xuân của các nhạc sĩ trẻ như Mưa xuân (Đức Trịnh), Phút giao
thừa lặng lẽ (Anh Quân), Tình em mùa xuân (Trường Huy), Giai điệu mùa xuân (Tuấn
Nghĩa), Dáng xuân (Minh Châu)... Tuy nhiên, giới sản xuất, kinh doanh băng đĩa
nhạc thừa nhận rằng, số bài có khả năng sống cùng năm tháng không nhiều. Những
bài hát cũ về mùa xuân được mix lại vẫn có sức hút mạnh mẽ hơn hẳn những sáng
tác mới. Một số thính giả khó tính tâm sự: Những ca khúc xuân cũ như Mùa xuân đầu
tiên, Mùa xuân nho nhỏ, Xuân chiến khu... mang lại cho họ nhiều cảm xúc hơn.
Chính sức sống qua bao năm tháng của những ca khúc cũ này đã chứng minh được sự
tài hoa trong sáng tác của các nhạc sĩ thế hệ trước. Còn những bài hát sản xuất
theo đơn đặt hàng cho mỗi dịp xuân gần đây đa phần đều có giai điệu cũng như ca
từ theo kiểu ăn xổi, chạy theo thị hiếu, bắt chước, lặp lại. Không ít trong số
đó đã mau chóng rơi vào quên lãng chỉ sau một mùa xuân. Phải chăng, nguồn cảm
xúc về mùa xuân của các nhạc sĩ đã cạn? Không hẳn như vậy. Điều quan trọng là
các nhạc sĩ trẻ chưa biết cách để thổi vào nhạc xuân hôm nay hơi thở của thời đại
mới, của nhịp sống xã hội, cộng đồng đang ngày một phát triển đa dạng hơn,
phong phú và sinh động hơn, vì vậy mà chưa bắt kịp nhịp đồng điệu với thế hệ
thính giả trẻ.
Một mùa xuân mới
lại đang tới, sắc xuân đã rực rỡ trên những phố phường, cây cỏ dang cành lá quấn
quít với gió xuân, lòng người tràn ngập niềm vui sướng trong sự thanh bình. Chợt
lắng lại bên chén rượu ấm, trà ngon, bồi hồi nghe những khúc ca mùa xuân rộn rã
để thấy tâm hồn được bay bổng vào cõi chân - thiện - mỹ, để thấy lòng đầy viên
mãn cùng mùa xuân trẻ mãi không già, để những điệu tứ mùa xuân lại có đất đâm
chồi nảy lộc, mang đến cho đời những khúc ca vui!.
Nguyễn Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét