Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Sự biến thái màu sắc trong hội họa

Sự biến thái màu sắc trong hội họa 
Đối với nghệ thuật hội họa từ xưa đến nay, con mắt người thưởng thức đã quen tiếp xúc với những sắc màu sặc sỡ, đẹp đẽ của hiện thực, những sắc màu đó đã ăn sâu vào tiềm thức từ khi mới lọt lòng cho đến khi về già và được định hình trong tâm trí người xem để rồi trở thành những điều đương nhiên tồn tại, không thay đổi, nên khi bắt gặp những hình tướng với màu sắc kỳ dị, lạ lẫm người xem thường khó chấp nhận. Tuy nhiên, một bức tranh có màu sắc rực tươi, tương phản va đập mạnh mẽ, bạo liệt, cuồng nộ sẽ tạo không khí khác hẳn với một bức tranh có sắc độ phơn phớt, nhờn nhợt được tô vẽ mơn trớn yểu điệu, nhu mì ướt át, đó là điều không thể chối cãi được. Do đó để sự nhìn trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn cần có sự thay đổi và bổ sung, cần có nhiều sự lựa chọn, nhiều thể nghiệm để tiến dần đến không còn giới hạn những bảng màu theo nguyên tắc pha trộn truyền thống bất biến với lối thể hiện ve vuốt nuột nà, căng mọng nịnh mắt, cũng không phải mô tả tô vẽ hình thù đơn thuần mà là sự thay đổi để đem đến cái rung động của cảm xúc.
Từ thực tiễn trên cho thấy muốn hội họa có sự đa dạng và phong phú về nội dung mà vẫn không làm mất đi cái hiện thực vốn có của nó thì rất cần sử dụng thủ pháp biến thái màu sắc.
Sự biến thái màu sắc có thể hiểu là sự diễn biến tinh tế của các màu, nó cho ta cảm giác về nhiệt độ: nóng, lạnh: màu đỏ/vàng gợi ý cái nóng của lửa, màu lục/lam gợi ý cái lạnh của tuyết, băng, màu nóng có cảm giác tiến tới gần còn màu lạnh gây cảm giác lùi xa. Bản thân một màu, một sắc đôi khi bị những hợp sắc bên cạnh tác động  tạo ra sự chuyển sắc dưới tác dụng của ánh sáng, khi các màu bổ túc đứng cạnh nhau sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ về thị giác. Mỗi sắc thái của màu luôn gắn liền với tính cục bộ và bối cảnh, là sự thay đổi màu sắc đậm dần lên, nhạt dần đi, chuyển dần sang màu khác, là sự thay đổi sắc thái của chính màu tự thân khi gặp ánh sáng chiếu vào  tạo ra màu khác.
Sự biến thái màu sắc trong hội họa là sự thay đổi các màu không còn giống như nguyên gốc, nó không theo cấu trúc hay nguyên tắc nào mà chủ yếu dựa theo cảm xúc, trạng thái tư tưởng của người sáng tác nhằm đem lại hiệu quả thị giác mà vẫn giữ nguyên bản chất của nó. Màu sắc khi bị biến thái thành gam trầm thì mang sắc thái u buồn, già nua, hoài cổ, khi nó ở trạng thái đối lập, tương phản cộng với sắc độ nguyên chất thì lại phản ánh những mâu thuẫn, sự căng thẳng  gây hấn, mãnh liệt. Họa sĩ Matisse - thủ lĩnh phái Dã thú đưa ra nhận định: Khi tôi đặt một màu lục, ấy không phải là tôi muốn nói đến cỏ; khi tôi đặt một màu lam, ấy không phải là tôi muốn nói đến bầu trời... Tôi đã từng cho một chiếc bàn đá cẩm thạch màu xanh biến thành màu đỏ; bận khác, tôi thấy cần một mảng đen để gợi lên (évoquer) ánh lấp lánh (miroitement) của mặt trời trên biển”. Ông quan niệm về sự biến hóa, biến thái của màu sắc là do thị giác chứ không phải do sự lựa chọn của trí tuệ, vì vậy sự  biến thái màu sắc trong hội họa là quá trình chuyển biến tinh tế của một sắc, một màu về đậm nhạt, nóng lạnh, hoặc những sắc độ mang tính chất trung gian chuyển tiếp giữa hai màu và được đặt trong những ánh sáng khác nhau nhằm ra  tạo hiệu quả tinh tế, lý thú cho tác phẩm. Nó không những  đem lại sự khác lạ mà còn làm thay đổi những cảm xúc vốn dĩ đã tồn tại  trong tâm hồn mỗi người. 
Ngay cả trong  thơ ca cũng mang trong mình các yếu tố biến thái của màu sắc. Ví dụ:
…“Sắc đâu nhuộm ở quan hà
Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương”…
Hoặc: 
…“Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”…
(Đoàn Thị Điểm) 
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khối  biếc  non phơi bóng vàng
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Màu sắc biến thái cũng tạo hiệu quả tâm trạng cho những sự vật hiện tượng để có được điều mới lạ, tạo ra được sắc thái màu độc đáo:
“Tiếng ve màu đỏ, cháy trong lùm cây”
(Thanh Thảo)
Để miêu tả mùa thu ngoài những sắc độ thông thường các nhà thơ đôi khi còn sử dụng những màu sắc hết sức kỳ lạ, đậm thần sắc, đầy biến thái như: “rừng biếc chen hồng, sắc đỏ rũa màu xanh, áo mơ phai, trời xanh ngăn ngắt”...
 Trong âm nhạc đôi lúc nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc mà trong đó ẩn chứa giai điệu đầy biến ảo khiến người nghe cảm nhận rõ nét  sự biến đổi sắc thái của màu: Đại diện tiêu biểu là thiên tài Wagner(1813-1883), ông sáng tạo ra các bản giao hưởng với  hòa âm có cấu trúc phong nhiêu, tinh vi và sâu sắc khiến âm nhạc trở nên rực rỡ khiến người nghe cảm giác thấy được sự thay đổi chốc lát của thời tiết từ âm u, màu xám xịt bỗng biến hóa bừng lên với ngàn hoa khoe sắc ... hay nhạc sĩ Hector Berlioz (thế kỷ 19) với bản giao hưởng “Ảo tưởng” đã thêm vào tổng phổ của mình những nhạc cụ mà khi thể hiện giai điệu trầm lắng thì chúng tạo bối cảnh màu sắc xám xịt, sầu thảm. Khi cao trào có thể nghe như tiếng sấm sét, chớp giật, bầu trời mây đen vần vũ, đến đoạn điệp khúc thì người thưởng thức cảm thấy xúc động tưởng tượng ra cảnh nước suối trong vắt, núi đồi xanh thẳm ẩn trong làn khói lam chiều. Đến đoạn nhạc buồn bã thì tạo ra sắc nắng nhạt của buổi chiều đông, đoạn nhạc rời rạc cô quạnh lại khiến người nghe  liên tưởng đến sự ẩm ướt, xơ xác vàng úa của mùa thu li biệt. Như vậy, thủ pháp biến thái màu sắc trong âm nhạc chủ yếu dựa trên sự tưởng tượng, sự tưởng tượng càng phong phú bao nhiêu, âm nhạc càng đạt được thành công bấy nhiêu. Trong hội họa, sự biến thái của màu sắc là một trong những lý do làm thay đổi về mặt cảm thức: có màu gây cảm giác mềm mại, có màu gây cảm giác khô cứng, có màu gây cảm giác buồn thảm, màu gây cảm giác hứng khởi đôi khi lại gây ra yếu tố kỳ bí. Ngay từ thời nguyên thủy, những hình vẽ có màu sắc đã được thể hiện trên các vách hang động với gam màu chủ yếu lấy từ thiên nhiên như: vàng đất, nâu, nâu đỏ, cam, đen. Thời kỳ sau, bảng màu Ai Cập cổ đơn giản và rất ít màu: trắng, đen, nâu, đỏ, xanh cây, xanh chàm, vàng nghệ (có thể dát vàng) nhưng độc đáo, lạ mắt, rất hấp dẫn. Trải qua các giai đoạn phát  triển của hội họa, nhu cầu tìm hiểu màu sắc ngày càng được nhiều họa sĩ khám phá. Thái Bá Vân khi phân tích khoa học về màu sắc trong Sadanga (Ấn Độ) có đề cập “ Khi ta vẽ bức phong cảnh bằng mực, tư tưởng ta buộc phải cảm thấy rằng tất cả những đường nét vạch ra bằng mực kia đều không thực là đen, mà trái lại, là những màu sắc: nóng và bốc rực lên như lửa, tươi mát hun đúc như bầu trời sáng trong, óng ánh như hòn lam ngọc”[4; tr.141].  Họa sĩ Tề Bạch Thạch có nói “Tranh vẽ phải thực thực hư hư. Nếu thực quá thì mị đời, nếu quá hư thì dối đời”. Qua đó có thể lý giải vì sao khi thể hiện các bức phong cảnh, họa sĩ C. Monet đáng lẽ tạo thêm màu sắc khác nhau trong bảng màu của mình thì ông lại bỏ bớt đi và sử dụng màu sắc ở một sắc thái  mới. Ông miêu tả bầu trời và mặt nước màu da cam pha với màu lục lam sẫm đậm, mặt trời màu đỏ chói, người trèo thuyền nhìn hướng trái sáng trong nắng lóa. Cả một không gian sương khói mờ ảo, hơi nước thấm đẫm với những biến sắc đơn thuần trong tranh mà trước đó chưa họa sĩ nào  thể hiện (tác phẩm “Ấn tượng mặt trời mọc”). Đặc biệt hơn, nhờ sự biến đổi sắc thái  ánh sáng khác nhau trong ngày mà người xem nhận thức được thời gian sáng, trưa, chiều tối  ở một loạt tranh vẽ nhà thờ Rouen của ông. 
Trong tranh thủy mặc Phương Đông, điều tinh tế và hấp dẫn nhất là việc các họa sĩ chỉ dùng sắc độ đen trắng mà khiến người xem cảm nhận được sự thay đổi của bốn mùa, khí tiết, hơi nước tự nhiên hay nhìn thấy sự biến hóa vô cùng của màu sắc sự vật. Khi thì trong trẻo, khi thì âm u ẩm ướt, khi thì xám đục trĩu nặng…Với tác phẩm hội họa, nếu chỉ đơn thuần vẽ cây cỏ màu xanh lục, đất màu nâu và trời màu lam sáng, hoa màu đỏ, bướm màu vàng thì không đủ thỏa mãn tận hưởng được trọn vẹn sự cuồng nhiệt của sắc độ, ánh sáng của tri giác, vì vậy cần có những bảng màu mạnh mẽ làm thay đổi nhu cầu trên, điều này dẫn đến người họa sĩ  sử dụng chất liệu sơn dầu một cách bạo liệt, triệt để, bộc lộ sự rung động của màu sắc lên mặt tranh. Màu sắc không chỉ còn là giá trị mô tả, nó còn là nhân tố sáng tạo, cây biến thành màu đỏ, nâu, vàng và đất biến thành màu xanh, các màu sắc tương phản mạnh lấn át đường nét. Tiêu biểu là tác phẩm “Phong cảnh với những cây đỏ” sơn dầu của Derain, hàng cây đỏ, con đường đỏ, nhà cửa màu đỏ, tất cả đều là sắc hòa sắc đỏ, đỏ như bốc lửa, đỏ như lửa cháy, nhưng nó dào dạt, mãnh liệt và đầy quyến rũ. Họa sĩ C.Mônet vẽ phong cảnh một ngày sương mù bình thường ở Luân Đôn bằng màu đỏ thắm, trong khi nhiều người quan niệm rằng sương mù có màu xám.  Trong tác phẩm “ Nhà ga Saint Lazare” ông đã thể hiện  những vệt màu nóng và lạnh có độ đậm nhạt tương đương khi đặt cạnh nhau, trông xa nó  rung lên như một màn ảo ảnh giữa không khí và ánh sáng. Ở một số họa sĩ, họ đã từ bỏ cách thể hiện theo lối sao chép tự nhiên trên bề mặt mà chú ý đến những rung động của ánh sáng, không khí được gợi lên bằng cách đặt cạnh nhau những sắc độ tươi, điều này khiến nó đáp ứng được sự thỏa mãn đầy đủ của mắt nhìn.Màu sắc không những là cái đích để thể hiện trong hội họa mà nó còn là phương tiện để thể hiện khối hình, không gian và bộc lộ cảm xúc. Ngoài những tác động của ánh sáng, màu sắc hiện thực thì còn có sự tồn tại của thứ ánh sáng, màu sắc phát sinh từ ảo giác mà hiện thực để lại trong trí tưởng tượng: một đám người xanh xanh, đỏ đỏ nhảy múa, những vệt màu mờ nhòa thành nét chấm, phẩy…khiến hình thể con người hoàn toàn được giản lược. P.Picasso từng nói “ Quả thật, bạn sáng tác với một ít màu sắc. Nhưng khi số màu ít ỏi đó được đặt đúng chỗ thì nó sẽ cho chúng ta thấy chúng trở thành nhiều màu” Ta có thể xem xét khía cạnh này trong tác phẩm “Thiếu nữ và chiếc mũ” sơn dầu của H. Matisse. Gam màu đối chọi gay gắt, những đường viền nét đen đậm, thô mộc đến táo bạo bao quanh toàn bộ chân dung. Nền được tạo bởi các mảng màu lam, lục tím đỏ, cam tương phản đặt cạnh nhau không  mịn, chau chuốt. Khuôn mặt thiếu nữ bên diện sáng được tác giả thể hiện các cặp màu đỏ- đen, xanh lam vàng, da cam - trắng.
Hình ảnh thiếu nữ được thể hiện theo cảm xúc với bên tối thì nóng, bên sáng thì lạnh gây kích thích mạnh cho thị giác. Lối đặt màu trên chân dung được cách tân khác hẳn với lối vẽ chân dung thời trước, không vờn tỉa nịnh mắt như những chân dung thiếu nữ thông thường, toàn bộ tác phẩm thể hiện sự mãnh liệt trong cách dùng màu, mạnh bạo trong bút pháp. Đôi khi màu sắc bị họa sĩ tác động mạnh, làm thay đổi đến mức khó tin với những điều chưa bao giờ thấy, thậm chí phi lý, không tồn tại lại xuất hiện trong tác phẩm. Một màu đỏ chói của bầu trời, một màu đen thăm thẳm trong vắt của mặt nước, hoa màu xanh, lá màu đỏ, màu rực rỡ mà không trối, không chua, các màu hòa nhập với nhau êm dịu, phẳng tạo cảm giác sâu, rất thực, rất có lý trong cái phi lý, rung động, đầy cảm xúc. (Tác phẩm “Tát nước đồng chiêm” sơn mài của Trần Văn Cẩn.) Có thể thấy, tính hiện thực không bao giờ vắng bóng ở các bức tranh có màu sắc biến thái nhưng nó vượt qua tầm thị giác cảm nhận để tác động chủ yếu  đến phần cảm xúc cho nên họa sĩ không ngần ngại dùng những màu đối chọi mạnh mẽ,  tương phản về đậm nhạt đặt cạnh nhau nhằm tạo cho bức tranh một tinh thần nặng nề hoặc bất an, lo lắng hoặc tươi vui, mỉa mai châm biếm hoặc  cảm thông, chia sẻ... Nhiều họa sĩ đã cố gắng dùng khả năng gợi ý rất sâu sắc để mô tả những niềm đau, nỗi buồn…Và ở một khía cạnh nội dung nào đó chính bản thân nó cũng mang những thông điệp tinh thần đến với  người thưởng thức. Trong “Guernica” của Picasso, chỉ với gam màu trắng, xám và đen mà tác giả đã tạo nên không khí ai oán, đau khổ, tàn ác của chiến tranh.  Bức tranh “Tiếng thét”  sơn dầu của E. Munch thể hiện sự đối lập mạnh mẽ giữa các màu vàng, tím, đỏ lam gây cảm giác nhức nhối, tức mắt tạo ra một không gian đặc quánh. Những nhát màu song song dựng theo một chiều, tỏa ra đồng hướng gây cảm giác dữ dội của âm thanh khiến người xem cảm nhận được nỗi sợ hãi, khiếp đảm kịch tính đến tột cùng bao trùm toàn bộ bức tranh. Trong tác phẩm “ Madona” ông lại thể hiện  các vết màu cam, tím loãng, nhẹ mỏng, ướt trượt chuyển động mơn trớn lướt trên thân thể nhân vật. Họa sĩ Bùi Xuân Phái thường sử dụng  hòa sắc màu trắng xám, lam, nâu  tạo nên các mảng tường cũ kỹ, mái ngói rêu mốc khiến “Phố cổ” của ông khác biệt hẳn với tranh vẽ phố của các họa sĩ Châu Âu. H.Matisse đã từng nói “Tôi không sao chép thiên nhiên một cách nô lệ, thiên nhiên mà tôi gắng sức diễn đạt và bắt phải theo tinh thần bức họa.
Những sắc độ mà tôi đã tìm  được  phải tạo ra một hòa hợp sinh động các màu sắc, một sự hài hòa tương tự như sự hài hòa của một bản nhạc.(…) việc chọn màu không dựa trên bất kỳ lý thuyết khoa học nào, có một sự cân xứng cần thiết giữa các sắc độ, nó có thể dẫn dắt tôi thay đổi hình thể một hình diện hay bố cục…” Trong bức tranh “Âm nhạc”  ông đã thể hiện một màu trời tô phẳng xanh thắm, đồng cỏ  xanh mướt. Những con người màu đỏ đất nung nguyên sơ, hồn nhiên đang cùng đất trời hòa tấu bài ca đồng nội. Các đường nét viền toàn bộ màu sắc vào trong hình thể đơn giản thuần khiết khiến tất cả đều sinh động và giàu tính biểu cảm. Đó cũng chính là tinh thần đáng để chúng ta học tập và nghiên cứu từ các bậc thầy. Thủ pháp biến thái màu sắc trong sáng tác hội họa luôn là niềm cảm hứng để các họa sĩ trên thế giới khai thác trong suốt chặng đường phát triển của hội họa. Có thể thấy bản thân sự biến thái màu sắc luôn  mang tính cá biệt nhằm tái hiện đối tượng đã ghi nhận bằng các dạng thức, điều này khiến cho bức tranh lạ hơn về cách hoà hợp màu sắc: diễn tả sự khắc khoải và cảm giác đè nén của hình diện, màu sắc như huyền bí hơn, âm u, lạnh lẽo hơn hoặc dữ dội, mãnh liệt hơn. Do vậy đòi hỏi họa sĩ phải trăn trở suy nghĩ để cho ra đời  những bức tranh có tính nhất quán và sắc thái độc đáo nhất, như Picasso đã từng nói “ tôi không đi tìm, tôi thấy’’. Bằng cách vận dụng tinh tế sự biến thái màu sắc, mỗi họa sĩ tạo trên mặt phẳng tranh sự hao mòn của thời gian, sự xói mòn, suy sụp, nứt vỡ, thối rữa của sự vật hiện tượng  khiến cho bức tranh có giá trị tạo hình cao, độc đáo và lạ mắt.
Tuy nhiên, sự biến thái màu sắc cũng có những hạn chế nhất định, đó là quan niệm cho rằng cứ tùy ý vô lối biến thái màu sắc trong tác phẩm là sẽ gây xúc động, như vậy dẫn tới hậu quả là  tác phẩm chỉ thành cái palet không hơn không kém. Hội họa có sự  biến thái màu sắc được xây dựng phần lớn dựa trên việc khai thác hiện thực khách quan và một phần cảm xúc riêng của họa sĩ . Với những biến đổi góp phần làm tăng giá trị cho nghệ thuật thị giác nên những yếu tố trên luôn khiến người xem phải thay đổi cách nhìn cũng như cách cảm nhận, nó có sức truyền cảm mạnh mẽ, khát khao tìm đến với các ngôn ngữ tạo hình mới, sáng tạo ra chúng, để chúng tồn tại duy nhất và vĩnh viễn. Tất cả các dạng biến thái màu sắc trong tác phẩm của các họa sĩ  đều có xu hướng phá bỏ thói quen cảm nhận thực tại đơn điệu, đề ra một loạt các bảng màu biểu hiện sắc thái mới tinh tế hơn, cảm xúc hơn, sâu sắc và lắng đọng hơn.
Nghệ thuật hội họa có thủ pháp biến thái màu sắc luôn tạo ra sự thay đổi diện mạo mới về màu: mở rộng biên độ hơn về lối diễn hình đối tượng, cảm xúc nhân vật, nó mang tính tượng trưng, tính sáng tác dựa trên cảm xúc của họa sĩ nhiều hơn, nó không lệ thuộc quá nhiều vào thực tế. Bản thân mỗi tác phẩm này luôn tạo ra sự riêng biệt trong sáng tạo, đôi khi nó còn tạo ra sự phi lý hơn và thích thú hơn trong thưởng thức màu sắc, nó luôn vượt qua những hình ảnh thị giác quen mắt để vươn tới cái nhìn mang tính cảm xúc sâu kín lắng đọng không thể gọi tên. Tác phẩm hội họa có sự  biến thái  màu sắc chủ yếu tìm chuyển biến thay đổi nội dung đề tài với sự phản ánh những xung đột, mâu thuẫn xã hội, sự đau khổ trong nội tâm con người và sự quằn quại của thể xác. Họ giải quyết các xung đột xã hội bằng sự trải nghiệm mang tính cá nhân, đề ra một loạt biểu hiện mới, tư tưởng mới cho nghệ thuật hội họa thông qua tác phẩm, nó diễn tả thế giới tâm trạng phức tạp của họa sĩ, những cảm quan về cuộc sống xung quanh mà người nghệ sĩ thu nhận được, về mặt kỹ thuật sử lý bề mặt được khai thác tối đa: cào, vạch, đắp, trát, vờn, nhòe mờ, lau trơn…với những mảng màu mạnh mẽ, dầy cộp cảm xúc nhằm tạo ấn tượng cho thị giác.
 Trong sáng tác hội họa, nếu cứ bóc tách mọi vấn đề một cách rõ ràng, rành mạch, chi tiết là điều khó có thể thực hiện được, vậy nên, quan điểm của tác giả chỉ khảo sát sự biến thái màu sắc trong một giai đoạn nhất định, một số họa sĩ điển hình, một vài tác phẩm tiêu biểu. Các họa sĩ Việt Nam và thế giới vẫn chủ trương tiếp tục tìm tòi sáng tạo những hình thức biểu đạt mới  nhằm hướng tới những cảm xúc đẹp đẽ nhất của con người, hy vọng rằng những khảo sát của tác giả sẽ giúp ích cho người đọc có cái nhìn mới mẻ hơn về sự biến thái màu sắc trong hội họa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. David Piper (Lê Thanh Lộc dịch) (1997), Thưởng ngoạn hội họa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
2. Laurie Schneider Adams,
(2005), Khám phá thế giới mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật.
3.Nguyễn Quân (2005), Con mắt nhìn cái đẹp, Nxb Mỹ thuật.
4. Thái Bá Vân (1995) Tiếp xúc với nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật.
Nguyễn Quang Hưng
Theo http://vanhocnghethuatphutho.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lần Tính Toán Sau Cùng Gã ngồi lặng bên khung cửa, lắng nghe từng cơn đau xé da thịt. Gã tính khoảng cách giữa các cơn đau, gã nhớ lần...