Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Không gian âm nhạc của Văn Cao

Không gian âm nhạc của Văn Cao 
Từ những năm 70 của thế kỉ trước tôi đã ám ảnh tiếng đàn độc tấu hawai của một nhạc sĩ nào đó trên làn sóng điện Sài Gòn phát đi vào mỗi buổi sáng với bài Suối mơ. Tiếng đàn cao vút nghe như một dãi lụa bay xé vào không gian.
Năm 1993 mới có cuộc hội ngộ tại Sài Gòn giữa hai kẻ tài hoa trong làng nhạc Việt Nam Văn Cao và Trịnh Công Sơn, không ai nghĩ rằng đó là cuộc gặp cuối cùng của hai huyền thoại âm nhạc!
Văn Cao đã có trên 30 năm cô đơn ngồi trước ly rượu, Trịnh Công Sơn từng nói như vậy.
Văn Cao và Trịnh Công Sơn
Mỗi lần Trịnh Công Sơn ra Hà Nội đều ghé thăm Văn Cao, người ta thấy hai người bạn vong niên ngồi trước ly rượu đàm đạo. Người thường chăm chút buổi rượu đó là bà Thuý Băng - phu nhân của nhạc sĩ Văn Cao. Trịnh nói âm nhạc của Văn Cao sang trọng như một ông Hoàng, còn Chàng Văn tặng cho Trịnh một biệt danh là Người ca thơ.
Chúng ta đã quá quen những ca khúc trữ tình bất hủ của Văn Cao, nhìn ông gầy gò như thế không ai nghĩ rằng đây là tác giả của những bài hành khúc đầy chất lãng mạn, giàu hình ảnh như bài Không quân Việt nam, Tiến về Hà Nội, Chiến sĩ Việt Nam…
Riêng Trường ca Sông Lô (1946) thì mang nhiều chất sử thi hơn, với cấu trúc giàu kĩ thuật, giai điệu phong phú (chuyển cung từ D – G – B – Bm - G…). Đoạn đầu rất trữ tình: Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…. với một đoạn hành khúc hào hùng: Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng đây Volga, đây Dương Tử, đây Sông Lô đây sóng căm hờn vút cao. Nhạc sĩ Phạm Duy thời đó cũng có sáng tác bài Sông Lô (Elvis Phương hát) nhưng không đa dạng phong phú bằng bài nầy.
Năm 1993 ông khi vào Sài Gòn, Hội Âm nhạc TP HCM có làm một chương trình nhạc của ông tại Nhà văn hoá Thanh niên, những bài hát một thời được thể hiện qua giọng ca của Ánh Tuyết thì giới trẻ Thành phố mới hiểu nhiều hơn về dòng nhạc của ông sau một thời gian gián đoạn:
…Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Buâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát bên bờ Đào Nguyên…
(Thiên Thai)
Có thể nói nhạc sĩ Văn Cao rất đa tài từ nhạc, vẽ, làm thơ… đều hay (một thời từng décor cho Tạp chí Văn nghệ ) từng đa đoan lận đận năm 1956 khi tham gia nhóm Nhân Văn giai phẩm (Bài thơ Những chiếc xe chở xác qua phường Dạ Lạc rất hay, rất nổi tiếng thời ấy).
Những Tình ca của ông phải nói là bất tử trong lòng mọi người như các bài: Suối mơ, Bến Xuân, Thiên thai, Trương Chi, Thu cô liêu, Cung đàn xưa... Bài Buồn tàn thu (qua giọng ca vàng của Thái Thanh) sáng tác tại Hải Phòng khi ông mới 16 tuổi (1939) ở trọ trong nhà máy nước cũ kỹ, suốt ngày phải nghe những âm thanh ầm ĩ và ông đã tham gia nhóm nhạc đầu tiên ở Hải Phòng- nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả bài Cô láng giềng).
Năm 2000 Phạm Duy về nước lần đầu tiên đã ra Hà Nội thăm mộ người bạn cũ và rưới lên mộ một ít rượu xem như uống cùng người bạn cũ thời chiến khu. Ông thương xót than rằng: “Văn Cao chết đi như Trương Chi, trái tim chàng có lẽ trở thành viên ngọc đá. Ai là người nhỏ lệ lên trái tim Văn Cao?”*.
Khi xưa ông đã từng thốt lên câu thơ buồn:
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Tri âm nghe thử dây đồng vọng
Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru
(Bài Một đêm đàn lạnh trên sông Huế)
Rất nhiều người có thể nghe nhạc, mê nhạc Văn Cao đến suốt đời… nhưng để làm một tri âm nghe thử dây đồng vọng với ông thì chắc chưa ai dám nhận vậy?.
* Trích trong HỒI KÍ PHẠM DUY.
Nguyễn Duyên
Theo http://vnmusic.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...