Không gian, thời gian nghệ thuật
Truyện ngắn nữ đương đại ở Việt Nam thực sự là một hiện tượng
độc đáo cần nhiều lời giải mã, đã tạo dựng được một thế giới nghệ thuật mang
nét đặc trưng của phái nữ. Trong hệ quy chiếu không gian, thời gian nghệ thuật,
những cặp tương quan không gian, những cảm thức về thời gian đã cho thấy một
chiều sâu cảm thụ luôn hướng về gia đình, sự ổn định, nguồn cội, thấm đẫm cảm
xúc, cảm giác của chủ quan con người. Thời gian nghệ thuật là “ý thức, cảm giác
về sự vận động, đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời
gian” (1). Không gian nghệ thuật “biểu hiện mô hình thế giới của con người, thể
hiện quan niệm về trật tự thế giới, sự lựa chọn của con người” (2). Được coi là
sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, là một hình tượng nghệ thuật, phản ánh
quan niệm của nhà văn về thế giới, con người, cho thấy tư duy, chiều sâu cảm thụ
của họ.
Tương quan không gian tiêu biểu trong truyện ngắn nữ đương đại
Không gian gia đình, sự xê dịch ra khỏi không gian gia đình
Một tỷ lệ lớn truyện ngắn nữ chọn không gian gia đình làm nền
cảnh cho câu chuyện, nhất là những câu chuyện mà nhân vật chính là những người
phụ nữ. Dường như đó là môi trường thích hợp nhất để người phụ nữ thể hiện
mình, cả những thiên chức, thiên tính cao cả, những khát khao bản năng,
con người trần thế… Ở đó diễn ra cuộc sống sinh hoạt thường ngày, những mối
quan hệ của các thành viên trong gia đình. Chúng ta cũng cảm nhận được những vang
hưởng của hiện thực xã hội in bóng trong đó: những mặt trái của nền kinh tế
thị trường, sự thay đổi quan niệm, giá trị sống của con người đương đại… Nhưng
điều quan trọng là không gian gia đình đã trở thành không gian nghệ thuật bởi
nó gắn với cảm nhận của phái nữ khi tồn tại trong đó. Người phụ nữ đã làm tròn
bổn phận của mình trong vai trò người vợ, người mẹ, nhưng họ thấm thía một điều
rằng bổn phận làm vợ, làm mẹ đã nhốt họ trong cái lồng gia đình không khóa mà
thật chặt. Với những công việc bếp núc tỉ mẩn, tính toán chi li, lặp đi lặp lại
một cách buồn tẻ, nhàm chán, không gian gia đình chất chứa trong đó ý thức về sự
giam hãm, quẩn quanh, xơ cứng dần tình cảm vợ chồng cùng những ước vọng lãng mạn,
bay bổng: “Ngày nào em cũng thấy mòn đi, mỗi ngày một tí, một tí… Em trở nên đần
độn, trì trệ, quẩn quanh ở xó bếp, xó cửa… Chỉ mươi năm nữa, em thành một cụ
già bốn mươi tuổi, không ai nhận ra em nữa” (3). Chính vì thế trong không gian ấy,
người phụ nữ luôn có xu hướng muốn vượt thoát ra ngoài, muốn được nếm trải cảm
giác mới lạ hơn. Sự xê dịch ra khỏi không gian gia đình qua những chuyến công
tác hoặc bằng những cuộc phiêu lưu tình ái là một đối nghịch với không gian gia
đình tù túng.
Khi phải làm tròn vai người vợ, người mẹ trong gia đình, Lan
trong Một nửa cuộc đời của Nguyễn Thị Thu Huệ cảm thấy cuộc sống thật
buồn tẻ, còn mình thì cứ lọ mọ như một mụ già xẩm sờ xó bếp. Lúc xê dịch ra khỏi
không gian gia đình, trước biển trời bao la, thơ mộng, bên người tình, cô cảm
thấy cuộc sống thật tuyệt vời, còn mình thì như cô gái mới lớn, non trẻ, nhỏ bé
bên người tình. Trong Cánh cửa thứ chín của Trần Thùy Mai, cuộc vượt
thoát, dẫu chỉ là bằng tưởng tượng ra khỏi không gian căn nhà với bốn bức tường
rêu, với nhịp điệu cuộc sống vợ chồng đơn điệu đến rời rạc đã giải tỏa những dồn
nén không biết chia sẻ cùng ai của người phụ nữ, đã đưa cô đến những vùng đất rất
xa mà cô chưa từng thấy bao giờ. Ở đó cô được hòa vào thiên nhiên bao la, sống
động, được giãi bày nỗi lòng với một người luôn muốn lắng nghe, thấu hiểu cô.
Cuộc ngoại tình trong tư tưởng đã khiến trong bốn bức tường rêu đã có cả biển
trời, cô như được hồi sinh trong sự xê dịch không gian đó.
Nhưng vượt thoát ra khỏi không gian gia đình đến một không
gian mới, với những nếm trải mới, sau những thăng hoa cảm xúc ban đầu, người phụ
nữ lại nhanh chóng rơi vào một trạng thái tình cảm khác, đó là sự bất ổn, nỗi
cô đơn. Những người phụ nữ trong Cam ngọt, Một nửa cuộc đời, Cơn mưa cuối
mùa, Cánh cửa thứ chín… sau những phút giây thư thái như lên tận chín tầng mây ở
không gian mới lại sống trong sự day dứt của lương tâm, trách nhiệm, họ quay trở
lại không gian gia đình với một ý thức chủ động hơn.
Như vậy, trong sự dịch chuyển, ta thấy cặp không gian gia
đình, sự xê dịch ra khỏi không gian gia đình liên tục biến đổi ý niệm của con
người cảm nhận về nó: không gian gia đình thoạt đầu là sự giam hãm, bó buộc,
bào mòn người phụ nữ, khi đó không gian xê dịch khỏi nó là sự giải thoát, hồi
sinh; nhưng khi không gian xê dịch ra khỏi gia đình mang sự bất ổn thì không
gian gia đình lại trở thành chốn trở về bình yên, an phận. Cặp tương quan không
gian này đã phản chiếu cuộc đời khép kín vào chức phận với gia đình của người
phụ nữ, đồng thời cũng bộc lộ thế giới nội tâm nhiều giằng xé của họ. Dẫu có những
phút giây đối diện với những khát khao mang tính bản năng nhưng thường bao giờ
cuối cùng người phụ nữ cũng tìm trở về, đứng vững trong thiên chức vốn có của
mình. Sự xê dịch không gian ra khỏi gia đình chỉ là một phép thử cho cuộc sống
mỗi con người.
Không gian căn phòng, hồi tưởng
Như một hình thức hữu hiệu để đi sâu vào đời sống cá nhân, nhất
là thân phận của những người phụ nữ, trở đi trở lại trong nhiều truyện ngắn nữ
là không gian chật hẹp của những căn phòng. Đó là không gian cách biệt với cuộc
sống xung quanh, khi hiện hữu trong đó, con người phải đối diện với chính mình,
với những chiêm nghiệm, suy tưởng. Đó là không gian của nỗi cô đơn đặc quánh.
Người đàn bà ba mươi tám tuổi xinh đẹp chưa chồng trong Giai
nhân của Nguyễn Thị Thu Huệ đã tự giam mình ba ngày để quanh quẩn trong bốn
bức tường, dọn dẹp lặt vặt, chờ tiếng chuông điện thoại, tiếng gõ cửa của một
ai đó để nhắc rằng người ta vẫn nhớ đến cô nhưng tuyệt nhiên không có. Chính
trong sự chật hẹp, lẻ loi này cô mới nhìn thấu cuộc đời mình, ý thức được sâu sắc
tình cảnh cô độc của mình trong hiện tại, tương lai. Người phụ nữ trong Người
đàn bà có ma lực của Y Ban cũng khép mình trong căn phòng nhỏ, đối lập với
thế giới của những than thở, lao xao, tiếng dao thớt lách cách bên hàng xóm vọng
sang như tiếng mõ nguyện để gặm nhấm nỗi cô đơn, lạc lõng của chính mình. Không
gian căn phòng chính là không gian của đời tư, của số phận con người. Qua Bức
thư gửi mẹ Âu Cơ, Nhân tình của Y Ban, Hậu thiên đường của Nguyễn
Thị Thu Huệ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, Hồng trần của
Chu Thị Minh Huệ… không gian căn phòng đã trở thành một nỗi ám ảnh trên những
trang viết của các nhà văn nữ. Đó không phải là không gian của hạnh phúc mà là
không gian hiện diện nỗi cô đơn dai dẳng, số phận bất hạnh của những người phụ
nữ.
Chính lúc con người bị bủa vây bởi sự cô độc, giữa bốn bức tường
chật hẹp thì không gian hồi tưởng xuất hiện, gắn với suy tưởng của nhân vật về
quãng đời trong quá khứ của mình, thường là đối lập với hiện tại. Trước
tình cảnh thất thế trong hiện tại, người đàn bà tên Sao sống lại thời
quá khứ huy hoàng của mình, thời của một giai nhân. Trong Bức thư gửi mẹ
Âu Cơ, khi phải nằm tại căn phòng vô sinh ngột ngạt, cô gái, một bệnh nhân Cô Vắc
đã chống chọi lại nỗi đau đớn, sự giằng xé, trống trải trong tâm hồn bằng thế
giới của kỷ niệm tuổi thơ, của tình yêu trong sáng, đầy say mê đầu đời… Thời
gian quá khứ đã trở thành một chiều của không gian, tạo thành hồi tưởng, chất
chứa bao nỗi niềm của nhân vật. Nó thường lưu giữ một quãng đời đẹp của con người,
vì thế đó là không gian của hạnh phúc, của khát khao. Song hành cùng không gian
căn phòng chật hẹp, hồi ức xuất hiện như một sự giải tỏa, một chốn bấu víu,
nương tựa của con người mất thăng bằng trong cuộc sống hiện tại.
Cặp không gian căn phòng, hồi tưởng đã hỗ trợ cho nhau để
cùng soi sáng số phận, thân phận, thế giới nội tâm của con người, nhất là những
người phụ nữ.
Không gian miền quê, thành phố
Trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, cô gái, bệnh nhân Cô Vắc đã
viết những dòng cảm nhận về hai không gian gắn với tuổi thơ của mình, cảm nhận
của cô trong câu chuyện cũng là cảm quan chung của các nhà văn nữ trước cặp
không gian nông thôn, thành thị.
Khác với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, không gian nông thôn
chứa đầy những dự cảm lo âu trước bao sự xáo trộn của cuộc sống hiện đại, không
gian miền quê trong truyện ngắn nữ luôn là chốn bình yên tuyệt đối cho sự neo đậu
tâm hồn, là chỗ dựa vững chãi cho tinh thần, tâm linh con người tìm về mỗi khi
vấp ngã. Đó là vườn cây mát rười rượi, quanh năm cho trái chín ngọt ngon, mỗi
sáng sớm trong lành được nghe bản giao hưởng của đàn chim thân thuộc trong Tiếng
chim trong vườn của Kim Quyên; đó là Thung Lam của Hồ Thị Ngọc
Hoài, hoang sơ mà hùng vĩ, khoáng đạt, luôn mở lòng đón đứa con xa quê trở về,
giữ trọn tuổi thơ êm đẹp, xoa dịu những nỗi đau đường đời của con người; là miền
thôn quê với bờ ao, cây khế, những con người chân chất thật thà trong Thiêu
thân của Thùy Dương… Những không gian trong trẻo ấy đã neo đậu trong những
trang văn nữ, như là nguồn cội, như là chốn thiêng liêng trong tâm khảm mỗi người
dân đất Việt.
Đối lập với không gian miền quê, không gian thành phố dưới
cái nhìn của các nhà văn nữ chất chứa đầy những bất ổn, những cám dỗ khiến con
người dễ sa ngã như trong: Thiêu thân, Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị
Hoài, Xin hãy tin em của Nguyễn Thị Thu Huệ… Sự di chuyển không gian
từ nông thôn lên thành thị thường mang theo cảm giác bất an, thiếu chỗ dựa vững
chắc, chạm mặt vào không khí náo nhiệt, ồn ã của thành phố bỗng thấy chới với,
như cái cây vừa mới bứt lìa ra khỏi nguồn cội, như con chim vừa rời tổ ấm.
Không gian thành thị gắn với những dự cảm không mấy tốt đẹp về một cuộc sống
nhiều cạm bẫy.
Những cặp tương quan không gian tiêu biểu trong truyện ngắn nữ
đã dựng lên mô hình thế giới dưới cái nhìn của các nhà văn nữ. Ở đó có sự phân
chia thành các thái cực với những đường ranh giới mong manh mà chỉ cần vượt qua
nó con người đã có thể biến đổi thành một số phận, thân phận, tính cách khác. Với
quan niệm ẩn chứa trong mỗi cặp không gian, chúng ta hiểu rằng sự lựa chọn của
phái nữ bao giờ cũng hướng đến gia đình, cội nguồn, đến sự bình yên, ổn định,
những giá trị bền vững.
Cảm thức thời gian trong truyện ngắn nữ đương đại
Sự trôi chảy của dòng thời gian
Vẫn biết thời gian trôi đi tuần hoàn, cuộc đời con người thì
ngắn ngủi, hữu hạn trong cái vòng quay vô hạn của đất trời, nhưng khi điều này
được thể hiện trên những trang văn nữ nó vẫn khiến người ta ám ảnh khôn nguôi về
quy luật nghiệt ngã của thời gian. Nó hiện hữu trong tấm lưng còng của mẹ,
trong nắm tro tàn của cha ở Ngải đắng ở trên núi của Đỗ Bích Thúy, Đi
thăm cha của Phan Thị Vàng Anh, Minu xinh đẹp của Nguyễn Thị Thu
Huệ. Trong cảm nhận của phái nữ, sự tàn phai của nhan sắc có lẽ là biểu hiện nhạy
cảm nhất của bước đi thời gian. Biết bao giai nhân đã không khỏi đớn đau khi
soi vào hình bóng của mình, nhận ra tuổi già đã lấy đi nhan sắc của họ rất nhiều.
Trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt trong không gian gia
đình, bước đi của thời gian được đánh dấu bằng những công việc, sinh hoạt cụ thể,
đều đặn của con người, bữa sáng người vợ chuẩn bị cho chồng, buổi chiều người vợ
hí húi bên cái bếp than tổ ong, túi bụi nấu cơm cho gia đình… Những công việc lặp
đi lặp lại ấy, bước đi tuần tự của thời gian ấy, nhiều khi trở thành cái vòng
luẩn quẩn đến nhàm chán, đơn điệu trong tâm thức của người phụ nữ. Sự trôi chảy
của thời gian đeo nặng trên đó sự mệt mỏi, nỗi cô đơn vì không chia sẻ được
cùng ai những phiền muộn, lỉnh kỉnh của cuộc sống thường ngày.
Sự trôi chảy của dòng thời gian trên những trang văn nữ nặng
trĩu bao suy tư, chiêm nghiệm, ẩn chứa trong đó cả xúc cảm mang tính chất
thương thân của người phụ nữ.
Thời gian không trôi mất
Thời gian không trôi mất là cái nhìn của tình yêu, một
tình yêu mê đắm đến tôn thờ mà ta bắt gặp trong rất nhiều câu chuyện của các
nhà văn nữ. Đêm ngâu vào của Đoàn Lê cũng kể về một tình yêu mãnh liệt
của một chàng họa sĩ dành cho một cô gái mà anh gọi là nàng. Dẫu bao sự biến
đã xảy ra, mỗi người đã có gia đình riêng, giờ đây nàng đang đứng giữa
phân giới mong manh giữa cái chết, sự sống bởi căn bệnh ung thư quái ác, thì
trong mắt người họa sĩ ấy, người phụ nữ anh yêu mãi mãi vẹn nguyên là một trinh
nữ thủa nào. Trong Con sóng Đồng Tháp Mười của Nguyễn Thị Phước, tình
yêu tôn thờ của người đàn bà tên Thoan dành cho ông Hảo, một nghệ sĩ đờn ca
cũng đã xóa hết dấu vết thời gian hằn in lên con người. Cái nhìn của tình yêu
mang một phép lạ diệu kỳ. Nó có thể ngăn lại dòng chảy của thời gian, để giữ lại,
làm vĩnh cửu hóa những hình ảnh của con người. Thời gian không
trôi mất là cảm nhận đong đầy khát vọng tình yêu, hạnh phúc vĩnh cửu của
con người.
Thời gian đồng hiện
Thời gian vốn có tính liên tục, một chiều, không thể đảo ngược:
quá khứ, hiện tại, tương lai. Tuy nhiên trong thế giới nghệ thuật văn chương,
quá khứ hay tương lai có thể cùng tồn hiện với thực tại, bằng nhiều hình thức
khác nhau. Trên những trang văn nữ, thời gian quá khứ thường xuyên đồng hành
cùng hiện tại, liên tục đan xen, làm đứt đoạn mạch thời gian hiện tại của câu
chuyện, để soi sáng, giải thích hiện tại. Thời gian tương lai thi thoảng cũng
hiện bóng trong hiện tại, qua những giấc mơ báo ứng hoặc qua những dự cảm, linh
cảm nhạy bén của con người. “Thời gian, dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương
lai xuất hiện cùng một lúc, không bị ngăn cách, liên tục như một dòng chảy, đó
là hiện tượng mà người ta gọi là đồng hiện” (4). Sự đồng hiện thời gian cũng là
một nét đặc sắc của thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn nữ.
Quá khứ dường như là sự ám ảnh thường xuyên trên mỗi trang viết
của các nhà văn nữ. Nó vẫn hiện diện trong cuộc sống hiện tại, qua đồ vật, cảnh
vật, để nhắc nhớ người ta về những chuyện đã qua. Trong Hoa muộn của
Phan Thị Vàng Anh, những mối tình đã qua của cô gái tên Hạc đã in dấu vào những
đồ vật trong nhà, trong vườn, trong cái trại gà lợp lá dừa mục nát của gia đình
cô, khiến cô luôn phải đối diện với tình cảnh lẻ loi của mình. Đó là một vài kỷ
niệm các chú nhỏ đã từng lân la tán tỉnh cô để lại, những cái ghế con
đóng vuông vức đầy đinh, những cây cảnh bị bẻ quặt, uốn cong, cố vặn theo hình
con lân, con phụng, là hệ thống máng ăn cho gà, dùng không biết đến khi nào mới
hỏng. Quá khứ không còn là điều gì vô hình nữa mà nó hiện ra cụ thể, có hình có
khối để khẳng định sự tồn tại của mình trong hiện tại. Có lúc, quá khứ nhập thẳng
vào cảm giác của con người, tạo ra hiện tượngảo giác. Ông lão trong Bà mụ
của búp bê của Quế Hương đã lấy sức mạnh từ cảm giác của một cậu bé, hình ảnh
của ông hồi nhỏ để trèo qua tường rào, đi mua về cho đứa cháu tật nguyền con
búp bê lành lặn như nó mong ước. Quá khứ đã hòa trộn nhuần nhụy, khó tách bạch
với hiện tại, tạo nên phức hợp cảm giác, nâng đỡ con người vượt qua những khó
khăn.
Tương lai cũng tìm cho mình những con đường riêng để có mặt
trong thời khắc hiện tại, thể hiện sự linh cảm nhạy bén của các nhà văn nữ.
Đó là những dự cảm của con người, được tạo nên từ những kinh nghiệm, sự trải
nghiệm. Đó là những giấc mơ báo ứng: giấc mơ về cái chết của mẹ, người đàn bà
ngoài luồng của cha trong Hoàng hôn của cha của Vũ Minh Nguyệt, giấc
mơ ngoại tình của người vợ trong Sau chớp là giông bão của Y Ban, giấc
mơ về má hóa thành con bướm nhỏ của Nương trong Cánh đồng bất tận của
Nguyễn Ngọc Tư… Tương lai hiện hữu trong hiện tại đã tạo ra lối kể đón trước cho
câu chuyện, mở ra thế giới tâm linh thẳm sâu của con người.
Sự đồng hiện thời gian đã phản ánh cuộc sống nội tâm phong
phú, phức tạp của con người. Thế giới không bình lặng diễn ra, nó cần sự soi rọi,
phản chiếu của nhiều chiều thời gian để cùng lý giải, cảm nghiệm sự đa sắc của
hiện thực cuộc sống con người.
Đêm, sự đối diện với chính mình
Trong bước đi tuần tự của thời gian một ngày, đêm có một ý
nghĩa đặc biệt trên những trang viết của các nhà văn nữ. Đó là thời điểm con
người có thể đối diện với chính cõi lòng của mình, được sống với thế giới riêng
tư mà ban ngày nó bị chìm khuất đi bởi bộn bề sự sống. Đó là quãng thời gian mà
con người bộc lộ chân thực nhất thế giới nội tâm của mình, không giấu giếm, che
đậy.
Trong Sau những mùa trăng của Đỗ Bích Thúy, chỉ khi
đêm xuống nhân vật tôi mới cảm nhận hết được bao giằng xé, khát khao diễn ra
trong tâm hồn người chị dâu góa bụa trước tiếng khèn gọi bạn tình tha thiết
ngoài ngõ. Chỉ khi đêm xuống người phụ nữ ấy mới được sống con người thật của
mình, bởi chỉ cần trời sáng, dường như đó lại là một con người hoàn toàn khác.
Thời gian đêm đã trải dài biết bao trang truyện của các cây bút nữ, đồng hành
cùng những nỗi niềm riêng tư của con người, nhất là người phụ nữ, nỗi niềm của
người vợ nhớ thương người chồng đã khuất trong Trăng góa của Lê Minh
Hà, nỗi niềm của cô gái bị ruồng bỏ bởi cô là bệnh nhân Cô Vắc trong Bức
thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, nỗi niềm của người mẹ đầy ân hận đớn đau khi
đã vô tình đẩy đứa con gái đi theo vết xe đổ của mình trong Hậu thiên đường của
Nguyễn Thị Thu Huệ… Đó cũng là thời gian thích hợp cho tình yêu, hạnh phúc đời
tư thể hiện. Khi cả thiên nhiên, con người chìm vào giấc ngủ, đi vào trạng thái
tĩnh lặng thì đó lại là thời khắc bừng lên rõ ràng, chân thực, sinh động nhất
thế giới nội tâm của con người; đêm đã trở thành thời gian nghệ thuật gắn với
những trĩu nặng tâm tư của con người trên những trang viết nữ.
Nếu như không gian nghệ thuật dựng lên mô hình thế giới dưới
cái nhìn của các nhà văn nữ thì thời gian nghệ thuật gắn chặt với những cảm nhận
của con người mang tính suy tư, chiêm nghiệm về sự vận động, đổi thay của thế
giới. Là những hình tượng văn học sinh động, gợi cảm, không gian, thời gian nghệ
thuật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã trở thành những phương thức nghệ
thuật đặc sắc để các nhà văn khám phá cuộc sống phức tạp, chiều sâu tâm lý của
con người. Một thế giới mang tính quan niệm trong sự tồn tại của các cặp tương
quan không gian, trong sự vận động của các chiều thời gian đã cho thấy một chiều
sâu cảm thụ gắn chặt với thiên tính nữ của người sáng tạo.
1, 2. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo
dục, 1998, tr.63, 89.
3. Lê Minh Khuê, Cơn mưa cuối mùa, daibieunhandan.vn.
4. Đặng Anh Đào, Truyện cực ngắn, Tạp chí Văn học,
Nxb Văn học, 1996, tr.77.
PHẠM THỊ THANH PHƯỢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét