Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Nghiêm Thị Hằng - Ngờ đâu chưa hết nỗi đau nhân tình

Nghiêm Thị Hằng - Ngờ đâu 
chưa hết nỗi đau nhân tình
Nghiêm Thị Hằng chỉ muốn làm thơ, những câu thơ thong thả riêng tư “em đứng đó chiều buồn phố nhỏ, in lên trời chiếc bóng chơi vơi”, nhưng nhiễu nhương buộc chị viết báo đấu tranh chống tiêu cực. Chị cầm bút khốn đốn vì muốn đòi lại tài sản cho nhà nước. Chị hầu tòa lận đận vì muốn đòi lại đạo đức cho xã hội. Những ai đang tự cho bản thân cái quyền đứng trên pháp luật thì không thể nào đoán được Nghiêm Thị Hằng đang nghĩ gì! Chỉ có những người thiết tha với công bằng, tiến bộ, dân chủ, văn minh mới biết mỗi ngày nhà thơ- nhà báo Nghiêm Thị Hằng âm thầm đối thoại với nữ vương công lý trong không gian câm nín và bình an. Nữ vương công lý hay còn gọi là Thần Themis bịt mắt lại để phân biệt rõ ràng, đâu là người thua thiệt để gìn giữ chính nghĩa và đâu là kẻ lộng hành với đồng tiền dễ đến trên tay. Còn nhà thơ - nhà báo Nghiêm Thị Hằng chớp mắt cảm thông thế tục lênh đênh đoái vọng thuở người Việt chưa biết chạy dự án và cũng chưa biết chạy… tòa án: “lời ru cho đũa có đôi, yêu thương đến ở với người thủy chung, ru trời mây bớt bão giông, ru dòng sông ngủ mùa đông hiền lành”     Nghiêm Thị Hằng, trước hết và sau cùng, vẫn là một nhà thơ. Như một định mệnh, chị chọn thơ và thơ chọn chị, để viết những vần điệu mềm mại gửi cho những màu mây lãng đãng bay dịu dàng qua kiếp người bâng khuâng. Thực sự, chị chỉ muốn có những ngày bình yên để lặng lẽ nâng niu chữ nghĩa an ủi chính mình một cách nhẹ nhàng, đúng như lời thơ của chị được phổ nhạc khá nổi tiếng: “Có một mùa hoa cải, nở vàng bên bến sông, em đang thì con gái, đợi anh chưa lấy chồng”. Thế nhưng, “chiến tranh không ước hẹn”, Nghiêm Thị Hằng cất bước theo tiếng gọi Tổ quốc nguy nan. Chị có mặt trong Đoàn 559 trên con đường Trường Sơn huyền thoại “tuổi hai mươi ngày ấy chúng tôi, tóc con gái thưa dần sau mỗi lần sốt rét, lá xả rừng gội thay hương bồ kết”. Đất nước hòa bình, Nghiêm Thị Hằng trở lại cuộc sống bình dị như bao thiếu nữ Việt thanh thản vì đã góp phần cho non sông thống nhất. Hơn ai hết, Nghiêm Thị Hằng hiểu rõ giá trị của giang sơn liền một dãi, vì chính chị cũng xuôi ngược đi tìm một người anh liệt sĩ: “Khấn trời lạy đất linh thiêng, chỉ cho em một cõi riêng anh nằm”, cho nên những trái ngang và những khuất tất lại khiến chị cầm bút.
Vẫn phải nhắc lại, Nghiêm Thị Hằng chỉ muốn làm thơ. Chị chỉ muốn viết về phút giây nồng nàn của đôi lứa may mắn “Cau đào ăn với trầu xanh. Say cau trầu lại hóa thành say nhau”. Chị chỉ muốn viết về khoảnh khắc bơ vơ của phận người trắc ẩn “Bây giờ nắng nhạt bờ đê. Thương em năm ấy lời thề quá giang”. Chị chỉ muốn viết về thành quả lao động của con người lương thiện “Mồ hôi của người mở đất. Lặn trong những hạt thóc vàng. Tình yêu của người mở đất. Mọc lên những xóm những làng”. Vậy mà, sự thật trớ trêu, trái tim người bàn bà làm thơ đầy mẫn cảm làm sao có thể thỏa hiệp với những xảo trá, những mánh khóe, những ô trọc. Chị biết rằng, đất nước thời kinh tế thị trường đang đối diện một cuộc chiến khác, cuộc chiến không súng nổ nhưng mức độ khốc liệt còn đáng sợ hơn, đó là cuộc chiến chống lại bọn sâu mọt từng ngày gặm nhấm tài sản quốc gia và ăn mòn lương tri cộng đồng. Nghiêm Thị Hằng tạm xếp lại những trang thơ run rẩy để viết báo đấu tranh chống tiêu cực. Mỗi đêm, khi chồng con đã ngon giấc và láng giềng đã tĩnh mịch bốn bề, chị lại ngồi nghiên cứu hồ sơ thu thập được và viết trong sự căm phẫn lẫn đau đớn. Chị căm phẫn vì doanh nghiệp lưu manh và cơ hội. Chị đau đớn vì cán bộ thoái hóa và biến chất. Không ít lần chị vừa viết vừa khóc với bao nhiêu câu hỏi nghẹn ngào, vì sao đồng tiền lại có sức mạnh hơn cả bom đạn, vì sao đồng tiền hạ gục nhân cách và phẩm giá con người dễ dàng như vậy? Chị viết bằng niềm kiêu hãnh của người lính năm xưa. Chị viết như món nợ phải trả cho mình hôm nay: “Ngỡ là hết nợ trần gian. Tìm trong thanh thoát hạt tràng áo nâu. Lòng tu xa lánh bể sầu. Ngờ đâu chưa hết nỗi đau nhân tình”
Hàng loạt bài báo đấu tranh chống tiêu cực của Nghiêm Thị Hằng xuất hiện trên báo Nông Nghiệp VN nhận được sự đồng thuận của bạn đọc mọi giới, mọi ngành. Những ai đã từng yêu mến nhà thơ Nghiêm Thị Hằng lại nhận ra một vẻ đẹp nữa ở chị: vẻ đẹp của sự can đảm. Ở bối cảnh tốt xấu khó minh bạch, ai cũng khôn khéo né tránh bằng thái độ che mặt, nhắm mắt hoặc bịt tai, nín thở hoặc quay lưng, thở dài. Nghiêm Thị Hằng thì không. Chị tin rằng, đồng lõa với tội ác còn nguy hiểm hơn tội ác. Và chị càng tin rằng, nước mắt không thể nào ngăn chặn được tham ô, dối trá và thớ lợ!
Nghiêm Thị Hằng chấp nhận dấn thân. Người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy bôn ba ra Bắc vào Nam, gặp gỡ từng người, điều tra từng việc, với một khao khát cháy bỏng phải lôi cổ những tên hại dân phá nước đang lẩn trốn trong bóng tối nhơ nhớp ra trước ánh sáng tự hào của một dân tộc Việt từng ngày hội nhập thế giới. Mỗi bài báo của chị, dù dài dù ngắn, vẫn hiện diện sự trung thực và sự dũng cảm. Dĩ nhiên, những kẻ coi thường pháp luật luôn mang đặc điểm “năng lực hữu hạn thủ đoạn vô biên”.

Nghiêm Thị Hằng không hề ngạc nhiên. Chị cầm lá đơn khởi kiện mình bằng nụ cười của một người biết cách nhìn về tương lai, nhìn về lợi ích chung cho mọi người. Chị đến tòa án mà không chút nao núng, vì trái tim của chị mách bảo, công lý có thể lúc nọ lúc kia bị che mờ nhưng thiên lý mãi mãi tồn tại. Chị không cô đơn “cánh chim bay lẻ bạn cuối trời”, sau lưng chị có đồng nghiệp, trong tim chị có thi ca. Chắc chắn như vậy. Những bài báo của chị đã có lẽ phải bênh vực, còn những nhói buốt của chị đã có câu thơ xoa dịu. Dẫu rủi may “biết là thuyền đã nhổ neo, bến sông dễ lở, xóm nghèo dễ quên” thì vẫn còn ngổn ngang độ lượng “rụng rồi chiếc lá còn thương, khẳng khiu cây chịu gió sương một mình”.
Vẫn phải nhắc lại lần nữa, Nghiêm Thị Hằng chỉ muốn làm thơ, những câu thơ thong thả riêng tư “em đứng đó chiều buồn phố nhỏ, in lên trời chiếc bóng chơi vơi”, nhưng nhiễu nhương buộc chị viết báo đấu tranh chống tiêu cực. Chị cầm bút khốn đốn vì muốn đòi lại tài sản cho nhà nước. Chị hầu tòa lận đận vì muốn đòi lại đạo đức cho xã hội. Những ai đang tự cho bản thân cái quyền đứng trên pháp luật thì không thể nào đoán được Nghiêm Thị Hằng đang nghĩ gì! Chỉ có những người thiết tha với công bằng, tiến bộ, dân chủ, văn minh mới biết mỗi ngày nhà thơ - nhà báo Nghiêm Thị Hằng âm thầm đối thoại với nữ vương công lý trong không gian câm nín và bình an. Nữ vương công lý hay còn gọi là Thần Themis bịt mắt lại để phân biệt rõ ràng, đâu là người thua thiệt để gìn giữ chính nghĩa và đâu là kẻ lộng hành với đồng tiền dễ đến trên tay. Còn nhà thơ - nhà báo Nghiêm Thị Hằng chớp mắt cảm thông thế tục lênh đênh đoái vọng thuở người Việt chưa biết chạy dự án và cũng chưa biết chạy… tòa án: “lời ru cho đũa có đôi, yêu thương đến ở với người thủy chung, ru trời mây bớt bão giông, ru dòng sông ngủ mùa đông hiền lành”.

Tuy Hòa
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...