Một đời sông vắng đò đưa
Nhớ con nước cũ chèo khua nhịp sầu...
Hương Giang khởi nguồn từ dãy Trường Sơn trên sông Hai Nhánh,
từ đó đổ về làng Bằng Lãng gọi là nhánh tả trạch, nhánh sông hiền hòa này xuôi
dòng rồi hội tụ cùng nhánh hữu trạch, tạo nên một mối tình thơ mộng mang tên
Hương Giang.
Tôi đã viết khá nhiều thơ về mối tình lãng mạng ấy. Nói cách
khác, Hương Giang là nguồn cội của thơ tôi. Rất nhiều câu, nhiều đoạn được người
đọc và bạn bè thường xuyên nhắc nhớ: ...
Hương Giang sầu muộn muôn đời
Mơ màng sông chảy như khơi chuyện lòng…
Nước Hương Giang vỗ về bao tủi nhục
Dòng sữa hiền mẹ nuôi dưỡng sớm hôm
Sông êm đềm dòng chảy nhẹ buồn tênh
Như Huế đó vẫn muôn đời sâu thẳm....
Nhớ Huế lạ lùng thương Huế mọi nơi
Nghe đâu đó tiếng gọi mời răng rứa...
Từ ngã ba Chợ Tuần làng Bằng Lãng, Hương Giang bắt đầu ẻo lả
uốn lượn chảy qua những gò đồi, những vườn tược xanh tươi, để rồi mềm mại nhẹ
nhàng uốn éo êm như ru trôi qua trước mặt kinh thành và sau đó êm ả xuôi về cửa
Thuận An, hòa vào biển cả mênh mông.
Từ chùa Thiên Mụ trở về Bãi Dâu, đoạn sông này nước chảy êm đềm,
chảy mà như không muốn chảy, mặt sông phẳng lặng như một tấm gương, hai bên bờ
xóm làng san sát, nép mình bên lũy tre xanh in bóng nước, ôm những vườn cây
xanh mướt, ôm những bãi bồi trải dài chạy dọc hai bên bờ. Cuộc hành trình của
nước đã chuyên chở biết bao nỗi vui buồn, thịnh suy hưng phế của bao thời cuộc.
Trong cái mênh mông huyền bí đó, Hương Giang ẩn chứa không biết bao nhiêu tấm
lòng nhỏ nhoi của những hạt phù sa, những hạt cát âm thầm đã muôn đời nằm yên lặng
dưới đáy nước sông sâu, đã cùng con người góp sức xây nên những thành quách đền
đài lầu cao gác tía.
Dòng Hương Giang trước khi về biển đã tạo ra bao bãi bồi
nương dâu mênh mông. Và tuổi thơ của tôi cũng lớn lên từ những bãi bồi thân
thương và bình dị này. Bốn mùa thu qua - xuân lại - đông về - hạ tới, khí trời
luôn mát mẻ và phóng khoáng, sương khói mịt mù huyền ảo trải dài trên sông như
dải lụa. Mùa xuân thì trăm hoa đua nở, những nụ hoa tầm xuân nở tím ngăn ngắt, cánh
hoa nhỏ mong manh ôm ấp những hạt sương trong tựa như lòng tôi đang giăng mắc
những sợi tơ trời còn long lanh khi mặt trời vừa ló dạng.
Bao năm lưu lạc quê người, mỏi mắt ngó về chốn cũ mà lòng đau
đoài đoạn. Sau bao năm xa cách, hôm nay trở về quê nội, lòng tôi như sống dậy
những hình ảnh thiêng liêng của tuổi thơ dại ngày nào. Tôi nhẹ đi đôi chân trần
trên nền đất cát sỏi thân thương mà nghe đôi chân mình tê tê, rần rần một cách
kỳ lạ, mạch máu âm thầm chảy cùng nhịp tim nao nao, lòng tôi bỗng trĩu nặng niềm
u buồn tiếc nuối không thể gọi tên.
Mỗi bước chân đi như có một quá khứ hiện về sâu nặng ân tình.
Suốt một đời im lặng, đất sinh ra để chỉ bền bỉ hy sinh. Đất mênh mông như lòng
mẹ mênh mông, mở từ đại ngàn, núi cao Trường Sơn chảy về biển cả. Và quê tôi, ở
cái làng Dương Hòa nhỏ bé, núp mình bên lũy tre chỉ là một đứa con nhỏ nhoi bám
vào váy mẹ Hương Bình. Nỗi ám ảnh về nguồn cội, hơn nửa đời người rày đây mai
đó, như cánh bèo chìm nổi bấp bênh trôi nổi chẳng biết về đâu, tôi chưa bao giờ
thấy thương thấy nhớ con sông nào bằng con sông xưa bến cũ của quê mình. Với
tôi, dòng sông là nắm ruột của cuộc đời mình. Sông đã che chở và nuôi nấng
tôi từ từ lúc còn thơ dại. Tôi biết, suốt cả cuộc đời mình, tôi chỉ là một lá
tre non, chiếc lá ấy hứng từng giọt sương mai trôi long lanh ngày tháng, để đến
một ngày nọ về nằm ngủ yên trong lớp rêu phong của mỏi mòn vì nhớ thương nguồn
cội...
Những xót xa xé lòng vì thương nhớ, vẫn vỏn vẹn là một bến
sông quê. Tôi nhớ những ngày mưa phùn lê thê buồn não ruột. Tôi nhớ một con nắng
quái bên sông vắng, nắng u uất yếu ớt của buổi chiều tà buồn tênh, bên sông
vang vọng tiếng quốc gọi lời nước non. Tôi thương những cánh cò lẻ loi cô độc,
lủi thủi đi tìm mồi bên sông vắng, để lại dấu chân mờ nhòa trên cát, nỉ non
hoài sao con nước cứ mãi ròng cho bãi bờ xa khuất nhớ thương…
Tôi vẫn nhớ mồn một hình ảnh mẹ bên sông ngồi giặt áo năm
nào, để mỏi mắt mong ngóng đứa con nơi phương trời xa, đã quá lâu chưa thấy trở
về. Bao năm xa cách tha hương, lòng lúc nào cũng nhớ về bến cũ với hình ảnh buồn
đau thương nhớ ấy.
Ngày trở về, lau lách hai bên đường che phủ lối đi. Con đường
nhỏ ra bến sông cỏ dại mọc tràn lan, vắng dấu chân người nên hắt hiu chi lạ.
Con đường nhỏ hiền hòa ấy đã từng in dấu chân người con gái năm nào bây giờ đã
ra đi không bao giờ trở lại. Em ơi! Anh về đây, ngồi nhìn trên bến “Đá” nhìn
qua khe “Lụ” mà cứ ngỡ em đã trở về chốn cũ, cùng anh ở truồng tắm sông như
ngày xưa mình từng ôm nhau hồn nhiên đùa giỡn. Nhớ lại và nghĩ đến em, buồn và
thương cho những cánh bèo phiêu dạt. Anh như vẫn còn nghe hơi ấm từ da thịt của
em lan chạy trong người anh rần rấn, bổi hổi. Em ơi! Anh ngồi đây mà hồn anh
đang bay bổng đi tìm em giữa trời đêm vô vọng. Suy cho cùng, nhớ thương cũng là
cách để mình sưởi lòng cho nhau ấm áp đó em ơi! Nước mắt ngày xưa chàng Trương
Chi thất tình, bây giờ nước mắt thằng tôi ngồi nghĩ ngày xa em mà mòn mõi. Tôi
nhìn sông, tôi nhìn tôi, giây phút chạnh lòng theo dõi bóng chim trời cá nước,
cô lẻ ngàn cánh bay về phía xa mờ, như tôi và em, như mưa cuối trời buồn thiu nỗi
nhớ.
Tôi mơ về dòng sông cổ tích, câu chuyên Chữ Đồng Tử như ám ảnh
tôi mãi, sự tái hợp kỳ lạ cứ theo tôi như cõi mơ xa thẳm của cậu bé nghèo hèn lớn
lên ở ven sông, và giấc mơ ấy có ngày đưa những đứa con đi hoang lưu lạc giữa
dòng đời có thành bại, có vinh nhục nhưng mãi mãi trong lòng khôn nguôi ngoai nỗi
nhớ niềm thương, vẫn nhớ lắng trầm về con sông xưa, vẫn thương da diết con đò
và bến cũ.
Và rồi cũng có một ngày, như đi trong giấc mơ, tôi về lại với
dòng sông xưa, dòng sông vẫn chảy u trầm trong lặng im, dòng sông vẫn đầm thắm
hiền hòa trôi nhưng bến xưa vắng người, bãi bờ xa khuất vẫn chìm trong màn
sương chiều huyền ảo... Và tôi, một chiếc lá tre vàng rơi lẻ loi bên sông xưa bến
cũ.
Ơi, dòng sông xưa! Ơi, bến cũ! Ơi, dòng Hương buồn muôn thuở!...
Từ sâu thẳm lòng mình, trăm ngàn lần đứa con xưa một đời lận đận lao đao, nay
đã trở về để xin khấu đầu tạ tội trước dòng sông.
Sông xưa con nước hiền hòa
Con xa lòng mẹ phong ba quê người
Dù cho sông lỡ cát bồi
Công ơn cha mẹ ngàn đời không quên...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét