Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Trôi theo dòng thời gian

Trôi theo dòng thời gian
Năm giờ sáng, chị choàng tỉnh dậy theo thói quen dù chiếc đồng hồ báo thức không kêu tít ti như thường lệ. Dòng chữ sunday màu đỏ lấp lánh ánh dạ quang trên chiếc đồng hồ đeo tay đẩy chị đổ vật xuống giường. Hôm nay là chủ nhật. Không phải đi làm. Mắt chị nhắm nghiền lại cố trở về với giấc mơ dang dở ngọt ngào hồi đêm nhưng vô ích. Tất cả chỉ còn là một nỗi ám ảnh mơ hồ. Người đàn ông ấy là ai? Là ai trong số những người mà chị quen biết? Ông quản đốc phân xưởng may đã cứng tuổi nhưng vẫn thích đám công nhân nữ đúng ra đáng tuổi cháu ông gọi là anh? Anh phiên dịch đẹp trai mồm mép như tôm tép hay chàng bảo vệ hiền lành vẫn hay cười bẽn lẽn mỗi khi đám con gái nghịch như quỷ sứ túm tay, xoa đầu? Đó là những người mà hầu như ngày nào chị cũng gặp! Nhưng trong giấc mơ khuôn mặt người đàn ông ấy mờ ảo quá lại đi qua rất nhanh khiến chị chưa kịp nhận ra là ai cả? Mà tại sao chỉ là một giấc mơ cũng khiến chị phân tâm nhiều đến như vậy? Có lẽ vì câu nói ấy. Câu nói mà những người phụ nữ khác đã được nghe quá nhiều lần chỉ có riêng chị là chưa. Mà chị cũng không hiểu tại sao mình lại kém may mắn như vậy. Chị thừa nhận mình xấu. Và chị biết tủi thân ngay từ khi mới sáu tuổi, lần đầu tiên vô tình nhìn vào chiếc gương mẹ để đầu giường. Nhưng chị cũng đâu đến mức quá xấu? Chị đã từng gặp nhiều người còn xấu hơn chị. Những nét thô trên mặt chị chỉ không hài hoà một chút thôi. Người ta nói nồi tròn có vung tròn còn nồi méo có vung méo, tại sao không có cái vung nào dành cho chị? Hay tại chị có rồi nhưng chính sự nhút nhát, rụt rè, ảo tưởng của chị đã đánh mất cái vung cuộc đời ấy? Anh là bạn chăn trâu với chị. Cùng lớn lên và cùng uống chung nước trong một cái giếng làng. Những đêm trăng sáng chị thường tìm cớ đi gánh nước để gặp anh. Nhưng gặp rồi cũng chỉ dám đứng cắn chéo áo bẽn lẽn nhìn anh vụng về múc giúp chị từng gầu nước. Thế rồi vào một đêm trăng rất sáng nhưng không tròn như trăng rằm anh run rẩy nắm lấy bàn tay chị: “Đằng ấy về làm dâu mẹ tớ nhé?”. Chị giật mình thảng thốt rồi lắc đầu. Là người đọc nhiều tiểu thuyết tình cảm lại hay xem phim tâm lý chị thấy thất vọng vì câu tỏ tình quá đỗi giản đơn ấy. Chị muốn anh phải nói với chị những câu thật tình cảm, mùi mẫn, hay ho và bóng bẩy. Chẳng biết ai xui khiến chị bỏ chạy. Vì bất ngờ? Vì thất vọng? Hay vì ngại ngùng? Anh đã nghĩ là chị từ chối tình cảm của anh và từ hôm sau không còn ai múc nước giúp chị nữa. Chị đã mất anh. Mất tình yêu đầu đời đơn giản, trong sáng nhưng đẹp đẽ ấy để bây giờ mỗi khi nhớ về nó chị lại thấy mình thẫn thờ như người mất của? Sau đám cưới của anh với cô bạn gái cùng làng, chị theo một người họ hàng lên thành phố. Rồi chị vào làm trong cái xí nghiệp may chín mươi chín phần trăm là nữ này.
Công việc đều đều như cái đồng hồ chỉ biết chạy vòng quanh. Ngày lui tháng tới, chẳng mấy chốc chị đã được đám công nhân vào sau phân vân không biết nên gọi người tổ trưởng hiền lành chăm chỉ và tận tình là cô hay chị cho phải phép? Các em, các cháu ai cũng yêu quý chị. Chỉ tiếc là ở môi trường này chẳng có các anh để họ nhận ra chị là người phụ nữ có cái nết ăn, nết ở chỉn chu đến mức bà mẹ chồng nào dù khó tính đến mấy cũng chẳng thể chê vào đâu được? Có vài cô công nhân quý mến tổ trưởng của mình cũng bày đặt mối mai chị cho một ông chú hay ông anh ế vợ nào đó. Nhưng cuộc hẹn nào cũng không có lần gặp thứ hai. Hiếm hoi lắm mới có người do sự thúc ép của những bà mai quá nhiệt tình cũng cho chị cơ hội gặp lại họ lần hai nhưng chính chị không đủ can đảm nhìn vào sự thất vọng tràn trề trong mắt những người đàn ông kỹ tính ấy. Chị sợ mình sẽ yêu ai đó trong số họ rồi không được đáp lại. Không giỏi giao tiếp cộng thêm cái hình thức dưới trung bình như nhận xét của những người dễ tính nhất khiến chị khó lấy được thiện cảm của người đối diện trong lần gặp đầu tiên! Mấy cô em trước kia sống cùng phòng với chị được hưởng sự quan tâm, chăm sóc vừa ân cần vừa tế nhị đã thốt lên: đàn ông họ mù hết cả rồi. Em mà là đàn ông em sẽ cưới chị ngay lập tức. Chị cười hiền. Chúng nói thế thôi chứ chỉ cần một tiếng còi xe máy bim bim ngoài ngõ là chúng đã tớn lên xách ví vụt chạy bỏ chị một mình cô đơn với căn phòng ẩm mốc, tĩnh lặng. Đấy là hồi chị còn sống chung với mấy cô công nhân cùng tổ. Còn bây giờ chị sống một mình. Tiền trọ hơi cao một chút nhưng thoải mái không phiền đến ai và cũng không ai phiền đến mình. Chị biết điều nên ở chung với ai họ cũng quý. Tuy nhiên có những vấn đề vô cùng tế nhị mà đám công nhân trẻ vô tư không hiểu hết. Họ không biết rằng mỗi khi họ âu yếm với bạn trai ngay trước mắt chị thì đó là một cực hình đối với cô gái quá lứa lỡ thì cùng phòng với họ. Họ không hiểu rằng chị cũng là một người phụ nữ, cũng có những khao khát, thèm muốn rất bản năng. Những đêm đông lạnh lẽo cũng khát khao có người bên cạnh để thủ thỉ những tâm sự thầm kín, để ủ ấm cho nhau và cùng chìm vào giấc ngủ bình yên, mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Có lần chị buột miệng nói ra ý nghĩ này với mấy cô em cùng tổ và lập tức câu nói của chị mở màn cho một câu chuyện tiếu lâm mà chị là nhân vật trung tâm. Chúng đổ xô vào bảo chị thèm đàn ông rồi. Cố kiếm lấy một anh đi thôi nếu không có ngày phát bệnh điên tình đấy… Chị đã quen với kiểu ăn nói bạo dạn, tục tĩu của họ nên không còn thấy xấu hổ hay đỏ mặt như trước kia nữa. Cũng tự thừa nhận trong lòng chị đã nhiều lần mọc ra ý nghĩ đi kiếm một đứa con về nuôi! Nhất là từ khi đựơc cô bạn thân thi thoảng nhờ đi đón con hộ. Những đứa trẻ xinh xắn dễ thương ở trường mẫu giáo làm thiên chức của người phụ nữ trỗi dậy thúc giục chị nhiều lần. Nhưng có một câu hỏi rất khó trả lời: Chị có thể chọn ai là cha của con chị? Cho dù đó là một người cha giấu mặt thì chị cũng vẫn muốn người đó phải đạo đức và có chút hơn người! Nhưng những người đàn ông đàng hoàng, đứng đắn thì họ lại không muốn phản bội vợ con, không muốn làm điều gì sai trái ảnh hưởng đến tổ ấm của họ. Còn những người đàn ông trăng hoa thì chính bản thân chị lại không muốn. Chị lại không có nhiều cơ hội tiếp xúc với đàn ông. Số người chị quen có thể đếm trên đầu ngón tay.
Chị đã mang từng người ra cân nhắc nhưng cuối cùng chị thấy tìm một người đàn ông không hề quen biết là tốt nhất. Rồi đứa con đó sẽ là của riêng chị. Chị sẽ không gặp lại anh ta lần thứ hai. Sẽ không cho anh ta biết có một đứa con vô thừa nhận ở trên đời này. Sẽ không có tình huống vợ anh ta biết chuyện đến làm ầm lên. Chị thích sự bình yên và rất ngại những chuyện thị phi, rắc rối. Đêm, chị xuống phố. Ăn mặc mát mẻ như những cô gái làng chơi, lượn lờ trong bóng tối của những tàng cây hoa sữa chưa đến mùa trổ bông. Chờ đợi trong hồi hộp, lo âu. Tàu nhanh nhé cô em? Mấy xập? Sau câu nói của một gã khách hàng có vẻ chuyên nghiệp, một bàn tay thô bạo thộp ngay vào ngực chị: lép kẹp thế này đếch sướng. Chiếc xe phân khối lớn vụt đi bỏ lại đằng sau một luồng khói khét lẹt. Chị chạy như ma đuổi về nhà trọ. Khoá rồi mà chị còn mang cả cuộn dây dù ra buộc chặt lại then cửa. Cả đêm, chị sống trong nhà tắm. Dội đi dội lại mà vẫn có cảm giác nhơm nhớp trên ngực. Từ hôm đó chị không dám đi ra đường vào buổi tối nữa. Những ý nghĩ quái đản hành hạ chị: Nếu gã đàn ông làng chơi ấy không quá khó tính? Nếu gã bị bệnh kín? Nếu gã… hàng trăm câu hỏi giả định loanh quanh trong đầu chị và cái ý nghĩ kiếm đứa con vụt tan biến. Chị kể chuyện này với cô bạn thân thiết cùng tổ, nó đùa: tao cho mày mượn ông chồng của tao một đêm đấy. Lọt sàng xuống nia chứ đi đâu mà sợ. Chị tự ái không thèm nhìn mặt bạn cả tháng trời. Nhưng rồi khi con gái của bạn bị ốm phải nằm viện chị lại là người chăm sóc con bạn chu đáo hơn cả mẹ nó. Hay là về quê đón một đứa cháu ruột? Cũng không ổn vì mấy bà chị dâu chỉ muốn cô em chồng chu cấp tiền bạc cho họ chứ chẳng hề muốn xa những đứa con dứt ruột đẻ ra. Cô ơi cháu không có quần áo mới đi học! Cô ơi mẹ cháu không có tiền cho cháu đóng tiền học thêm! Cô ơi… Đó là những câu chị được nghe thường xuyên từ miệng những đứa cháu mà chị yêu quý. Chị biết chúng không tự nghĩ ra mà là được cha mẹ chúng mớm lời trước. Hồi mẹ chị còn sống cứ mỗi chủ nhật chị lại đạp xe hơn ba chục cây số về quê chỉ để ăn với mẹ bữa cơm canh rau đay nấu cáy với cà pháo muối chua nhưng giờ dù có xe máy chị cũng chẳng muốn về. Chị sợ những lời than nghèo, kể khổ của người thân. Họ cứ tưởng chị ra thành phố là được ăn trắng, mặc trơn, nhàn hạ sung sướng lắm hay sao ấy. Họ đâu chịu hiểu sau bao năm cặm cụi bên chiếc máy may công nghiệp đến giờ vẫn tay trắng hoàn trắng tay không một mảnh đất cắm dùi? Nữ nhi ngoại tộc! Ngay cả quay về quê chị cũng không có chỗ ở. Đất cát, nhà cửa các ông anh đã chia nhau bằng hết. Chị trở thành người vô gia cư. Cả đời này có lẽ chị chỉ biết đi ở trọ?.
Ngày giỗ mẹ, chị đã bật khóc khi bà mợ nửa đùa nửa thật: Thằng nào giờ lấy con Miên nhà mình thì vớ được cả cục vốn riêng to tướng. Có khi ăn cả đời chả hết. Chủ nhật, bà mợ gọi điện cho chị về. Tưởng có chuyện gì chị cuống quýt thuê xe ôm về quê. Về đến nhà ông anh trưởng bảo sang ngay nhà cậu mợ có việc gấp. Khi chị đến đã thấy một người đàn ông lạ ngồi ở đấy. Bà mợ mau mồm giả lả: Đây là anh Phúng, cháu gọi mợ bằng cô. Phúng nó làm nghề bốc mả. Ngày nào mà có việc thì cũng kiếm được vài trăm. Phải cái bố nó bệnh nặng, kiếm được đồng nào đổ vào thuốc thang cho bố hết nên đến tận giờ gần bốn mươi rồi mà chẳng có tiền cưới vợ. Hiểu ra mục đích của bà mợ chị yên lặng ngồi ghé xuống mép giường quan sát mục tiêu. Anh ta cũng nhìn lại chị rồi quay mặt đi. Chị đọc được sự thất vọng trong mắt anh ta. Chị quá nhạy cảm hay quá thông minh khi luôn cảm nhận được suy nghĩ của người đối diện? Câu chuyện giữa chị và anh ta tuy rời rạc như cơm nguội nhưng cũng kéo dài hết nửa buổi chiều. Chị đứng dậy về trước. Ra đến ngã tư mới nhớ mình quên cái xắc nhỏ ở đầu giường nên quay lại. Và chị thành kẻ nghe trộm câu chuyện tâm tình giữa hai người trong nhà. Nó xấu tí nhưng tốt tính lắm. Cái quan trọng là nó có vốn để mày mua cái xe máy tử tế mà làm nghề xe ôm. Mày cứ nghe cô. Cô là cô ruột của cháu mà. Bằng này tuổi đầu rồi chẳng lẽ cô xui dại cháu à. Cháu cứ cưới nó về để có người chăm sóc bố còn cháu đi làm bên ngoài thích tí tởn với đứa nào trẻ hơn, xinh hơn chả được. Đêm về tắt đèn thì “nhà ngói cũng như nhà tranh” thôi. Chị lặng lẽ quay đi, không khóc mà mặt nhoè nhoẹt nước. Có lẽ ông trời khóc giùm chị? Về đến nhà anh trưởng, chị phải thuê năm nghìn để thằng cháu chạy sang lấy hộ vật bỏ quên. Chủ nhật tuần sau chị nói bận làm thêm không về theo lời hẹn với bà mợ. Rồi cả ngày hôm ấy chị đi lang thang. Không chủ ý mua sắm song chân chị vẫn bước vào một cái cửa hàng mỹ phẩm mới khai trương. Chị mua gì? Chị lúng túng. Chẳng lẽ vào rồi lại không mua gì cả sao? Cô bán hàng nhanh nhảu và nhiệt tình. Lại vào lúc vắng khách nữa nên cô ta mang hết ngón nghề ra chèo kéo. Chị mua son nhé. Môi chị khô thế chắc tại chị hay dùng son rởm rồi. Hay chị mua sữa dưỡng trắng da đi. Đảm bảo sau một tuần da chị mềm mại và trắng nõn như da trẻ con ngay. Chị không nghe câu không có phụ nữ xấu chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp à? Chị sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu sử dụng sản phẩm của hãng em. Mà hãng đang có chương trình khuyến mãi. Nếu chị mua cả bộ sản phẩm sẽ được nhận một vé tham gia dự thưởng. Trúng giải đặc biệt được nhận năm trăm triệu đồng kèm hai vé đi du lịch Hàn Quốc một tuần đấy chị ạ...Không hiểu vì cái miệng dẻo như kẹo của cô bán hàng hay vì mê giải thưởng mà chị nướng cả tháng lương vào cái túi mỹ phẩm cao cấp. Mang túi đồ xa xỉ đó về chị giấu biệt dưới đáy hòm quần áo. Miệng cứ lẩm bẩm chửi mình ngu. Có lẽ tháng này nhịn đói mà đi làm thôi. May cho chị là cô bé làm cùng xí nghiệp cùng trọ gần nhà mang gửi chị mấy trăm ngàn vì phòng cô ấy ở có một ai đó rất hay tắt mắt. Mất vặt mấy lần rồi nhưng chưa biết thủ phạm là ai. Chị thương cô bé này nhà nghèo nhưng có chí. Vừa đi làm vừa học thêm chứ không an phận như chị. Cô bé đó tên Huyền. Có lần nó bảo: Em không làm công nhân cả đời đâu. Nhất định sau này em phải làm được cái gì đấy ra hồn! Làm được gì thì em chưa biết nhưng em sợ cái nghèo lắm rồi. Chị cũng sợ cái nghèo nhưng chị không có gan, không có ý chí và không có năng lực để làm giàu.
Huyền mơ mộng: Em mà đẹp em sẽ lấy một thằng chồng thật giàu chị ạ. Đó là cách làm giàu nhanh nhất nhưng nó chỉ ứng dụng được với một người đàn bà đẹp mà thôi. Còn cỡ như chị em mình thì cách ấy không ổn… Chị quý Huyền vì nhờ nó chị thấy cuộc đời trong sáng hơn, vui vẻ hơn và đáng sống hơn. Vì nó chị lấy được cả bằng tiếng Hàn giao tiếp và bằng vi tính văn phòng nữa. Số là Huyền vay tiền chị nộp học cả hai suất rồi về bảo chị đi học. Chị nói mình cả đời chỉ là một công nhân quèn học ngoại ngữ, vi tính làm gì cho đau đầu? Nó mắng chị xơi xơi. Sống là phải biết vươn lên chứ? An phận thủ thường như vậy thì không phải đang sống mà chỉ như chiếc thuyền nan lập lờ trôi theo dòng thôi. Như em đây này, tự mình gắn động cơ vào cho mình rồi chạy phăm phăm. Khi nào thiếu tiền thì mới phải chèo tay thôi! Cuộc đời này ngắn ngủi lắm? Không nhanh thì già đến nơi rồi. Chị không sốt ruột à? Cả hạnh phúc riêng tư nữa cũng phải đấu tranh mới có đấy bà chị già của tôi ơi. Rồi nó doạ: Không đi học là mất toi số tiền cho em vay để nộp học! Chị không tự ái vì bị con bé lên lớp nhưng vốn tính căn cơ, tiếc của đành theo nó đi học kẻo phí tiền? Giờ phải cảm ơn cô em quý hoá ấy vì từ khi gia công hàng cho Hàn Quốc trong xí nghiệp có quy định ai có bằng tiếng Hàn mỗi tháng sẽ được nhận thêm hơn trăm nghìn tiền lương. Mấy đứa cùng tổ bảo chị thức thời. Còn chị thì bảo chẳng qua mèo mù vớ cá rán thôi. Lại một may mắn nữa đến với chị giúp chị lấy lại được số tiền vung tay qua cửa sổ. Chị em công nhân bàn nên mua gì tặng sinh nhật chuyên gia? Bà này vừa già vừa xấu nhưng đỏm dáng lắm. Tặng quần áo hay mỹ phẩm là hợp nhất, có thế may ra bà ta mới dễ tính một chút cho đám công nhân được nhờ. Quyên góp nhé. Chị giật mình khi số tiền chị em quyên góp vừa bằng số tiền mua bộ mỹ phẩm tuần trước. Thế là chị hăng hái nhận phần đi mua quà cho chuyên gia. Mọi người có vẻ ngạc nhiên một chút nhưng cũng không ai phản đối. Hôm sau, chị mang đến một túi đồ còn nguyên tem mác và cả hoá đơn thanh toán. Chỉ giữ lại cho mình chiếc vé tham gia dự thưởng để làm kỷ niệm và cũng là để nhắc mình lần sau không bốc đồng kiểu đó nữa. Như chàng Xuân tóc đỏ trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng hay bởi thánh nhân đãi kẻ khù khờ mà vận may liên tục đến với chị? Hai tháng sau buổi chiều trốn không về quê đi lang thang gặm nhấm nỗi buồn và nghĩ về nhân tình thế thái, chị tiếp một người khách nửa quen nửa lạ. Đó là cô chủ quầy hàng mỹ phẩm. Cô ta vừa thở hào hển vừa nói đứt quãng. Tìm nhà chị khó quá. Chị trúng giải đặc biệt rồi. Hai tuần nữa trao thưởng trong Sài Gòn chị ạ. Chị bán tín bán nghi hỏi rất ngớ ngẩn: Thật không? Mà em là ai? Trúng giải gì nhỉ? Chị có mua xổ số bao giờ đâu? Người bán hàng phải mất công giải thích cho chị từng chút để chị nhớ. Nào là em có thói quen ghi lại số dự thưởng của khách trước khi gửi đến công ty. Em còn hỏi cả địa chỉ nơi khách hàng cư trú để báo cho họ.
Chị là khách hàng đầu tiên mua trọn cả bộ mỹ phẩm của em nên em càng có nhiều cái để nhớ chị… Sau hôm đó chị xin nghỉ phép nửa tháng với lý do đi thăm nuôi bà dì ruột bị ốm. Lãnh đạo chẳng ai thắc mắc vì chị là công nhân chăm chỉ vào loại bậc nhất xí nghiệp và cũng chưa năm nào xin nghỉ phép quá một tuần. Dù đã nhận giấy báo trúng thưởng nhưng vẫn sợ điều đó không phải là sự thật nên chị lặng lẽ đi mà không nói với bất cứ ai. Huyền nghe chị tâm sự thì cũng xin nghỉ đi theo. Chẳng biết sau buổi đầu tiên gặp đại diện công ty xảy ra chuyện gì mà chị thấy Huyền với người đàn ông Hàn Quốc xảy ra một cuộc tranh luận rất gay gắt. Hay vé trúng thưởng không hợp lệ? Nghe họ xì xồ với nhau chị phập phồng lo sợ. Rồi lại tự an ủi mình. Không trúng cũng chẳng sao. Coi như được đi du lịch một chuyến thôi mà. Nếu không cả đời mình chẳng biết Sài Gòn nhộn nhịp như thế này? Đêm đó Huyền nói với chị rằng công ty mỹ phẩm muốn dùng hình ảnh chị nhận giải để quảng cáo nhưng… Chị thừa hiểu chữ nhưng ngập ngừng ấy. Họ nói họ sẽ trao thưởng cho chị trong hậu trường còn ngoài sân khấu họ mời một người mẫu nhận thay? Chị ưng thuận vì thực ra chị cũng chẳng muốn chường tấm thân khô gầy và cái bản mặt không mấy ưa nhìn của mình ra sân khấu. Chị cần số tiền thôi. Nó là của chị. Chị sẽ thực hiện được những ước mơ mà tưởng chỉ có trong cổ tích. Sẽ mua một mảnh đất, xây ngôi nhà nhỏ, đón một đứa trẻ vô thừa nhận về nuôi và rất nhiều thứ khác nữa chị muốn làm nếu có tiền. Nhưng Huyền không chịu. Nó kiên quyết đấu tranh bắt công ty phải trao giải cho chị. Còn về vấn đề hình ảnh của chị có thể khắc phục bằng mỹ phẩm và nghệ thuật trang điểm. Thiếu gì cách làm đẹp cơ chứ? Thậm chí Huyền còn nêu một ý tưởng quảng cáo khá độc đáo. Hôm sau, công ty mỹ phẩm cho gọi hai người đến trường quay và tự nhiên chị trở thành diễn viên bất đắc dĩ. Họ quay rất nhiều thước phim khi chị không trang điểm. Hai tuần sau đó chị như một đứa trẻ ngoan ngoãn làm theo tất cả những gì họ yêu cầu. Huyền tự dưng trở thành người đại diện cho chị. Hai chị em không có cả thời gian đi ngắm phố và thăm một vài người quen như dự định. Hết tắm trắng, dưỡng da toàn thân, căng da mặt, cấy lông mi, làm tóc, rồi thậm chí họ còn ép cho hàm răng hơi vâu về đúng vị trí và tráng men cho răng trắng bóng lên. Họ sửa chữa tất cả những gì mà họ không vừa ý. Còn chị thì như một đứa trẻ ngoan hiền chấp nhận tất cả vì món quà sắp được nhận. Lúc người thợ trang điểm làm xong công đoạn cuối cùng và sắp đến giờ phải ra sân khấu nhận giải thì chị muốn ngất xỉu khi nhìn vào tấm gương lớn. Một câu chuyện cổ tích giữa đời thường chăng?
Từ một con vịt xấu xí chị biến thành thiên nga không phải vì câu thần chú kỳ diệu nào mà bởi bàn tay của những chuyên gia có tiếng trong nghề làm đẹp. Không thể tin cô gái đẹp chẳng thua diễn viên điện ảnh kia lại là mình??? Như một kẻ mộng du chị làm theo sự đạo diễn của họ. Chị không nhớ được mình đã nói gì và đã làm gì nữa? Buổi nhận phần thưởng trôi qua như một giấc mộng. Xem những đoạn phim họ quay trước ngày trao giải hai tuần thì những ai sau này mới gặp chị đều cho rằng công ty mỹ phẩm đã dựng nên kịch bản đó để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Còn chị, sung sướng trong niềm vui lột xác từ Lọ Lem thành công chúa cũng chẳng còn lòng dạ nào tiếc một phần hai số tiền phần thưởng đã bay theo những cái hoá đơn trả cho các công đoạn làm đẹp. Nhưng Huyền thì không chịu. Với những kiến thức học từ lớp Luật tại chức nó đòi bằng được số tiền phải chi trả để chị lột xác. Gọi điện về xin nghỉ phép thêm, chị không được tai nghe mắt thấy những lời xôn xao bàn tán về mình ở xí nghiệp bởi khi đó chị còn đang chu du tận xứ sở của những nam tài tử đẹp trai nổi tiếng Jang Dong Gun, Bae Jang Jun… Một tuần nữa trôi qua như giấc mộng. Đón chị trở về chốn cũ là những ánh mắt ngạc nhiên, dò xét, xa cách và tò mò. Người phụ nữ tuy không sắc nước hương trời nhưng biết cách ăn mặc và trang điểm phù hợp nên nhìn khá bắt mắt kia có phải là cô tổ trưởng tổ may ế chồng khi trước không nhỉ? Cũng có nét quen đấy, giông giống đấy nhưng chẳng lẽ có tiền là người ta có thể thay đổi một trời một vực vậy sao? Ừ mà có thể lắm chứ. Michael Jackson từ người da đen qua phẫu thuật thẩm mỹ còn biến thành người da trắng cơ mà? Đúng là ở hiền gặp lành. Cô bạn thân nhất kêu lên. Chị dang hai tay ôm choàng lấy bạn. Qua vai bạn chị thấy cả giám đốc xí nghiệp đứng lẫn với công nhân cũng đang mỉm cười. Cô có xin nghỉ việc đi làm người mẫu không đấy? Tôi định điều cô lên phòng hành chính vì dù sao bây giờ cô cũng là người nổi tiếng rồi, ý cô thế nào? Thôi chú ạ. Cháu làm ở tổ may quen công việc hơn. Huyền đứng bên huých chị một cái rõ đau. Từ hôm đi cùng chị vào Nam và sang Hàn Quốc về lúc nào Huyền cũng kè kè bên cạnh chị. Có lần trả lời phỏng vấn một tờ báo Huyền còn nói thay chị nữa. Lúc đó chị thầm cảm ơn Huyền đã kịp thời cứu nguy vì chị thật sự lúng túng không nói được gì trước cả chục cái micro. Nhưng khi đọc lại những lời in trên báo thì chị giật mình. Đó đâu phải là tâm nguyện, suy nghĩ của chị? Nó là suy nghĩ của Huyền đấy chứ! Rồi chị cũng lên làm ở phòng hành chính. Công việc chuyên môn thì chị không biết nên chỉ có mỗi việc tiếp khách và nghe điện thoại. Nhiều khách hàng đến với công ty chị cứ hay nhìn cô gái tiếp tân với ánh mắt tò mò và hiếu kỳ. Ban đầu chị thấy khó chịu nhưng sau rồi cũng thành thói quen. Giám đốc có lần nói nửa đùa nửa thật: Nhờ cô mà xí nghiệp đông khách hàng hơn! Rồi trong số khách hàng có người qua quan hệ công việc gặp chị nhiều đi đến cảm mến và đặt vấn đề muốn xây dựng hạnh phúc cùng chị.
Anh trái ngược với mối tình đầu của chị. Vì quan hệ xã giao nhiều nên khoa nói của anh không chê vào đâu được! Nhiều khi anh khéo đến mức giả tạo khiến chị có cảm giác anh cứ thật thật đùa đùa không sao hiểu được. Nhưng phụ nữ thì luôn nhẹ dạ không kể tuổi tác. Chị đi theo những lời đường mật của anh đến một cái đám cưới! Ai cũng mừng cho chị. Nhưng rồi, của thiên trả địa, tất cả số tiền còn lại từ giải thưởng và ngôi nhà nhỏ mới mua của chị đều bị chồng gán nợ cờ bạc hết! Suốt hai năm trời chị phải nai lưng ra làm để trả tiền thuê nhà và nuôi thêm một ông chồng vô tích sự. Nhưng chị cắn răng chịu đựng không một lời phàn nàn. Ban ngày đi làm ở xí nghiệp may tối về đan thêm áo len, mũ len, tất len giao cho các cửa hàng quần áo. Không có thời gian chăm sóc sắc đẹp theo chỉ dẫn của các chuyên gia nên chỉ vài tháng sau đám cưới chị xuống sắc nhanh chóng. Đến nỗi một lần gặp Huyền ở chợ chị gọi mà cô bé ngớ người ra. Huyền trắng trẻo, ăn mặc khá mốt. Nó bảo nó về làm ở phòng quảng cáo của chính công ty mỹ phẩm đã trao giải thưởng cho chị! Nó bảo chị là ân nhân của nó. Sau khi nghe chị trút hết nỗi lòng Huyền xui chị bỏ chồng. Chồng con kiểu đó nặng đũng quần! Báu gì! Huyền đưa chị một tấm danh thiếp và dặn bất cứ khi nào chị cần thì gọi điện, Huyền sẽ đến tận nhà đón chị! Dọc đường về chị nghĩ nhiều đến viễn cảnh mà Huyền vẽ ra. Còn hình ảnh trước mắt chị là ông chồng sau một đêm cờ bạc đang ngáy o o trên chiếc giường bừa bãi quần áo! Lặng lẽ thu dọn nhà cửa xong chị mới cắm cơm. Khi cơm lên hơi chị chạy vội vào nhà vệ sinh vì cơn buồn nôn tràn đến bất ngờ. Chắc mình lại cảm lạnh rồi đây. Nghĩ vậy chị sang bác hàng xóm là dược sĩ nghỉ hưu mua viên thuốc. Nghe chị kể triệu chứng bệnh bà dược sĩ bảo hình như cô có thai chứ không phải cảm đâu. Đến bệnh viện khám xem thế nào chứ đừng uống thuốc linh tinh! Mình có con ư? Đó là điều chị đang khao khát mà? Nhưng sao nó lại ra đời vào lúc này? Lúc mà chị đang cần sự lựa chọn cho cuộc sống của mình. Chị không muốn con mình ra đời không có cha nhưng cũng không muốn con phải sống trong thiếu thốn và chịu đau khổ cùng mẹ vì người chồng, người cha vô trách nhiệm... Cơm chín, chị gọi chồng dậy ăn cơm. Anh ngái ngủ càu nhàu mấy câu theo thói quen rồi mắt lại nhắm nghiền. Chị xếp gọn quần áo vào túi rồi qua nhà chủ trả tiền nhà hai tháng sau cho chồng. Ngập ngừng bước chân ra đến cửa nghĩ sao chị lại quay vào tìm tờ giấy viết mấy chữ để vào trong cái lồng bàn đậy phần cơm của anh. Rồi chị kiên quyết đi như chạy ra đường phố. Chui vào một cái ki ốt điện thoại bên đường chị gọi cho Huyền. Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau. Giọng nói nhẹ nhàng ấy đem đến cho chị nỗi thất vọng. Biết đi đâu, về đâu bây giờ? Về lại phòng trọ? Về quê? Hay đi tìm Huyền? Chị như một chiếc lá ở ngã ba dòng cứ quẩn quanh không biết trôi về đâu? Thành phố đã lên đèn. Chị bước chầm chậm trên vỉa hè. Có lẽ mình sẽ cứ đi bộ thế này suốt đêm. Mình sẽ cứ đi mà không cần biết đi đâu cả. Sáng mai khi mặt trời mọc sẽ là một ngày mới. Mãi mãi cuộc đời này là cái vòng luân chuyển như vậy mà. Muôn đời nay vẫn thế có khác đi được đâu?.
Nguyễn Hoàng Lược
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...